(Tuần từ 04/7 – 11/7/2022)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Ngô Trung Hiếu, Hương Nguyễn, Lưu Việt Hà, Lê Đức Tâm, Trần Phạm Bình Minh
Biên tập: Phạm Huệ Việt
Tư liệu: South China Sea News

Tải bản PDF ở
—————
Trong Bản Tin Biển Đông Số 114 có những nội dung sau:
I- VIỆT NAM CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP ĐỠ UKRAINE TRÊN CƯƠNG VỊ THÀNH VIÊN UỶ BAN LIÊN CHÍNH PHỦ CÔNG ƯỚC BẢO VỆ DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ CỦA UNESCO?
II- TRÊN BIỂN
III- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ
IV- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ – MẠNG
V- KỶ NIỆM SÁU NĂM PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI VỤ KIỆN BIỂN ĐÔNG
VI- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
VII- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
VIII- ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG & CHÂU ÂU – ĐẠI TÂY DƯƠNG
IX- CUỘC CHIẾN CỦA NGA CHỐNG UKRAINE
X- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN
—————
I- VIỆT NAM CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP ĐỠ UKRAINE TRÊN CƯƠNG VỊ THÀNH VIÊN UỶ BAN LIÊN CHÍNH PHỦ CÔNG ƯỚC BẢO VỆ DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ CỦA UNESCO?
Ngày 06/7/2022, tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể (Công ước 2003) của UNESCO, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Ủy ban liên Chính phủ của Công ước này với 120 phiếu, cao nhất trong số các nước trúng cử. Đây là lần thứ hai Việt Nam được bầu chọn làm thành viên ủy ban của UNESCO, trong khi vẫn đang tiếp tục là thành viên Hội đồng Chấp hành nhiệm kỳ 2021-2025 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 là một trong những cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của UNESCO, gồm 24 thành viên, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, chịu trách nhiệm trong giám sát thực thi công ước, đề xuất các biện pháp bảo vệ di sản phi vật thể, hỗ trợ quốc tế, xem xét các hồ sơ đệ trình ghi danh để Đại hội đồng Công ước thông qua. Trong vai trò này, Việt Nam có thể tiếp tục đóng góp tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO, bao gồm đóng góp vào việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2003, nâng tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, bởi vì các di sản văn hóa không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững. Việc được bầu chọn với số phiếu cao cũng đã thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu.
Việt Nam được bầu chọn vào vai trò này trong bối cảnh cuộc chiến mà Nga tiến hành tại Ukraine đang hủy diệt văn hóa của nước này. Ngày 08/4/2022, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đăng tải bản dịch chi tiết của bài phân tích “Nga nên làm gì với Ukraine?” của tác giả Timofei Sergeitsev, chỉ rõ rằng chính quyền Nga phủ nhận rằng người dân Ukraine có một sự tồn tại riêng biệt, gán bất kỳ biểu hiện nào về chính trị, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ hoặc tư tưởng Ukraine là Quốc xã, và đã có một kế hoạch để hiện thực hóa góc nhìn này. Những sự kiện diễn ra trên chiến trường Ukraine đã thuận theo kế hoạch này, hướng tới việc xóa bỏ căn tính của người Ukraine thông qua các hành vi cả trực tiếp và gián tiếp như giết hại, cưỡng bức, bắt cóc dân thường; phá hủy các công trình văn hóa, lịch sử, tài liệu giáo dục, ngôn ngữ của Ukraine, thay vào đó là văn hóa, lịch sử, giáo dục, ngôn ngữ của Nga. Tới ngày 27/5/2022, Bộ Văn hóa Ukraine đã thống kê được 367 sự kiện các di tích văn hóa của Ukraine bị quân Nga phá hủy, được phát hiện chủ yếu tại khu vực Kharkiv: 96 vụ ở khu vực Kharkiv, trong đó 79 ở thành phố Kharkiv; 75 vụ ở Donetsk, trong đó 53 vụ ở Mariupol; 70 vụ ở Kyiv, trong đó 44 ở Bucha; 38 ở Chernihiv; 26 ở Sumy; 25 ở Luhansk, 11 vụ ở Zaporizhia , 6 vụ ở Zhytomyr; 5 vụ ở khu vực Kherson; 4 vụ tại Mykolayiv, 3 vụ ở Dnipropetrovsk, 2 vụ ở Odessa, và 1 vụ ở khu vực Lviv. Một trong những vụ việc phá hoại văn hóa của Ukraine rõ rệt nhất là tại Mariupol, khi quân Nga đã dành thời gian đổi tên thành phố và tên đường phố từ tiếng Ukraine thành tiếng Nga sau khi chiếm được quyền kiểm soát thành phố, tìm cách áp đặt ngôn ngữ lên người dân khu vực này. Tại Kharkiv, tên lửa của Nga đã tấn công vào Bảo tàng Nghệ thuật Kharkiv trong tháng 3/2022 và bảo tàng của nhà thơ Hryhorii Skovoroda trong tháng 5/2022. Tại Chernihiv, các báo cáo cho biết quân Nga đã đốt phá các kho lưu trữ của Lực lượng An ninh Ukraine, chứa đựng các tài liệu từ thời phát xít và tình báo Nga KGB. Trên các trang mạng xã hội có lưu truyền các hình ảnh về việc quân Nga đốt phá sách giáo khoa viết bằng tiếng Ukraine.
và bằng tiếng Nga – truy cập tháng 6/2022.
Đây là những hành vi phá hủy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể một các có hệ thống, đi ngược lại với tinh thần của Công ước 2003 và Công ước 2005 mà Việt Nam đã được bầu chọn làm thành viên. Do đó, đây là một cơ hội để Việt Nam thể hiện trên thực tế đường lối đối ngoại độc lập, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của mình. Vận dụng vai trò của Ủy ban, Việt Nam có thể đóng góp tiếng nói của mình vào một nỗ lực quốc tế ngăn chặn Nga hủy diệt văn hóa, lịch sử, căn tính của dân tộc Ukraine, thông qua việc đưa ra những đề xuất phù hợp, xây dựng những đệ trình ghi danh, những biện pháp bảo vệ di sản để giúp bảo vệ căn tính của một dân tộc đang phải đấu tranh để bảo vệ quyền tồn tại của mình.
Xem thêm:
Báo Điện tử Chính phủ ngày 10/7/2022: Việt Nam trúng cử vào cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của UNESCO
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 8/4/2022: Một Kế Hoạch Diệt Chủng Người Ukraine Được Xuất Bản Trên Truyền Thông Nhà Nước Nga
Bộ Văn hóa Ukraine ngày 27/5/2022: The MCIP continues to record Russian war crimes against cultural heritage
Foreign Policy ngày 16/5/2022: How to Help Ukraine Fight Cultural Erasure
Vox Europe ngày 9/6/2022: Russia is destroying Ukraine’s cultural heritage
Euractiv ngày 23/5/2022: Russia burns our books hoping to destroy our nation
———-
II- TRÊN BIỂN
Tàu khảo sát/nghiên cứu Đại Dương Hiệu của Trung Quốc hoạt động phạm vi rộng tại quần đảo Trường Sa
Từ ngày 30/6/2022, tàu Đại Dương Hiệu (Da Yang Hao) của Trung Quốc đã hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa từ khu vực phía nam cụm Sinh Tồn, cụm Nam Yết đến phía Bắc cụm Phan Vinh và từ phía đông đá Chữ Thập, đá Châu Viên đến phía Nam đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây. Khu vực tác nghiệp của Đại Dương Hiệu có diện tích hiện đã lên tới hơn 20 nghìn km vuông ở trung tâm quần đảo Trường Sa giữa các đảo, bãi, đá hiện do Trung Quốc kiểm soát (đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Gạc Ma, đá Vành Khăn,…) và Việt Nam kiểm soát (đảo Sinh Tồn Đông, đá Len Đao, đảo Phan Vinh, đá Tiên Nữ,..).
Đại Dương Hiệu là tàu khảo sát, nghiên cứu khoa học mới và hiện đại của Trung Quốc được đóng năm 2019 với trọng tải gần 5 nghìn tấn thuộc sở hữu của Viện Hải dương học số 2, Bộ Tài nguyên Trung Quốc. Tàu được thiết kế như một phòng thí nghiệm nổi với hơn 50 thiết bị khảo sát và giám sát dành riêng cho nghiên cứu địa chất, sinh thái biển đặc biệt là biển sâu.
Khả năng, Đại Dương Hiệu đang khảo sát địa chất biển tại quần đảo Trường Sa.
Cùng một chiến thuật ở Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc đang thể hiện quyền kiểm soát và yêu sách chủ quyền tại dải cát không người gần đảo Thị Tứ
Trong khu vực lãnh hải đảo Thị Tứ trong những năm gần đây đã nổi lên một chuỗi dải cát do những biến đổi về thời tiết. Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016 đã kết luận đây là thực thể địa lý nổi ở triều cao, bởi vậy là đối tượng có thể tuyên bố chủ quyền và được hưởng tối đa 12 hải lý lãnh hải riêng. Mặc dù Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và có cơ sở pháp lý mạnh nhất đối với chủ quyền đảo Thị Tứ, hiện chưa rõ Việt Nam có khẳng định chủ quyền với dải cát không người nhưng đang là địa điểm tranh chấp quyền truy cập giữa Trung Quốc và Philippines nhiều năm nay. Theo truyền thông Philippines, trong nhiều năm, Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện thường xuyên gần các bãi cát để buộc quân đội và ngư dân Philippines tránh xa và do vậy cũng giới hạn hoạt động của người Philippines ngay trên đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng.
Trong một sự việc xảy ra gần đây nhất, vào ngày 27/6/2022, một tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 5201 đã tuyên bố qua radio như sau trong khi đuổi hai tàu tuần tra Philippines:
“Chú ý, nhân viên Philippines. Đây là Hải cảnh Trung Quốc 5201. Hành vi của bạn không chỉ vi phạm chủ quyền, an toàn và các quyền liên quan của Trung Quốc mà còn… quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines. Xin vui lòng rời đi ngay lập tức.”
Đây có thể coi là một tuyên bố rất rõ ràng rằng Trung Quốc coi dải cát mới nổi này thuộc chủ quyền của mình.
Xem thêm:
Philippine Daily Inquirer ngày 08/7/2022: Pag-asa sandbars next WPS flashpoint?
Tàu khu trục Hạm đội 7 thực hiện Chiến dịch Tự do Hải hành ở quần đảo Hoàng Sa
Ngày 13/7/2022, USS Benfold (DDG 65) đã thực hiện đi qua vô hại và thách thức đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa, trong chiến dịch nhằm mục đích thách thức các yêu sách quá mức quy định bởi luật quốc tế. Cụ thể, đó là yêu cầu của Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (3 nước tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa) rằng tàu nước ngoài phải thông báo trước hay phải được phép trước khi đi vào lãnh quan, và yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc bao quanh quần đảo Hoàng Sa không phù hợp với UNCLOS.
Tờ Hoàn cầu dẫn lời Đại tá Tian Junli, Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam của Hải quân Trung Quốc, nói rằng họ đã tổ chức lực lượng hải quân và không quân để theo dõi và đuổi tàu Mỹ đi. Một tấm ảnh được đăng tải cho thấy tàu Trung Quốc đang theo dõi tàu Mỹ từ xa. Không có hình ảnh hay thước phim nào cho thấy phía Trung Quốc rượt đuổi tàu Mỹ ra khỏi khu vực.
Tian cáo buộc các hành động của quân đội Mỹ đã “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế,” Hoa Kỳ là “kẻ tạo ra các rủi ro an ninh ở Biển Đông” và là “kẻ huỷ diệt hoà bình và ổn định trong khu vực.”
Hải quân Hoa Kỳ sau đó nói rằng tuyên bố của Trung Quốc là “sai sự thật” và nằm trong một chuỗi dài các hành động nhằm “xuyên tạc các hoạt động hàng hải hợp pháp của Hoa Kỳ và khẳng định các yêu sách hàng hải quá mức và bất hợp pháp của mình với các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. ”
Hoa Kỳ đang bảo vệ quyền không hành, hải hành và hoạt động của mọi quốc gia ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và không điều gì mà Trung Quốc nói “sẽ ngăn cản chúng tôi,” Hải quân Hoa Kỳ nói.
Xem thêm:
Hạm đội 7 ngày 13/7/2022: 7th Fleet Destroyer conducts Freedom of Navigation Operation in South China Sea
Hoàn cầu ngày 13/7/2022: 南部战区新闻发言人就美舰擅闯中国西沙领海发表谈话
Reuters ngày 13/7/2022: US destroyer sails near disputed South China Sea islands, China says it ‘drove’ ship away
Nhật Bản, Mỹ và Úc tập trận chung ở Biển Hoa Đông
Từ ngày 4-6/7/2022, Tàu JS ASAHI của Nhật Bản đã tiến hành tập trận ba bên với USS Dewey và HMAS Parramatta ở Biển Hoa Đông, phía Đông Okinawa. Theo Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, hoạt động nằm trong nỗ lực tăng cường hợp tác với Hải quân Hoa Kỳ và Úc để hiện thực hoá Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh tàu chiến của Nga và Trung Quốc liên tục đi vào vùng biển xung quanh Nhật Bản hoặc tập trận tại khu vực, và có những lúc xâm nhập vào lãnh hải của quần đảo Senkaku.
Xem thêm:
Japan Maritime Self-Defense Force ngày 07/7/2022: JS ASAHI conducted a trilateral exercise with USS DEWEY and HMAS PARRAMATTA in the East China Sea to East of Okinawa
Đài Loan khẳng định yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Senkaku sau khi tàu Trung Quốc và Nga hiện diện gần đó
Sau khi Nhật Bản, quốc gia đang kiểm soát và tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku, cáo buộc tàu chiến của Trung Quốc và Nga hoạt động gần các đảo này, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã tái khẳng định yêu sách chủ quyền của nước này đối với quần đảo.
“Một thực tế không thể chối cãi là quần đảo Điếu Ngư là một phần vốn có của lãnh thổ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Bất kỳ hành động đơn phương nào của các bên khác sẽ không thể thay đổi thực tế,” phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan nói.
Xem thêm:
Focus Taiwan ngày 05/7/2022: Taiwan affirms Diaoyutai claim after Chinese, Russian ships found nearby
Global Times: Các hoạt động hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc xung quanh Nhật Bản “trở thành thông lệ” trong bối cảnh Nhật Bản “khiêu khích”
Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn lời Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự trên truyền hình Trung Quốc, nói rằng các vùng biển xung quanh Nhật Bản thậm chí không nên được coi là vùng biển xa đối với Trung Quốc vì chúng đang ở ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc và việc tuần tra vòng quanh Nhật Bản chưa bao giờ là mục tiêu cuối cùng của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân. Nhật Bản đã thổi phồng các hoạt động hải quân của PLA để hậu thuẫn cho thuyết “mối đe dọa từ Trung Quốc”, nhưng chính Nhật Bản đã nhiều lần khiêu khích Trung Quốc về Đài Loan và các câu hỏi khác trong tham vọng quân sự hoá của phe cánh hữu. Các hoạt động của tàu chiến Trung Quốc không chỉ nhằm mục đích răn đe Nhật Bản, vì Trung Quốc đang hướng tới việc xây dựng một lực lượng hải quân nước xanh tiến xa hơn đến các vùng biển xa để tuần tra cảnh báo, tập trận và thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc.
Xem thêm:
Global Times ngày 06/7/2022: PLA naval activities around Japan intensify amid Tokyo provocation, ‘to become routine’
Trung Quốc tổ chức “nhiều cuộc tập trận quy mô lớn” chung quanh Đài Loan đáp lại chuyến thăm của thượng nghị sĩ Mỹ
Gần đây, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tổ chức tuần tra cảnh báo liên hợp và các cuộc diễn tập kịch bản chiến đấu thực tế trong không gian hàng hải và trên không xung quanh Eo biển Đài Loan, Đại tá Shi Yi, người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Nhà hát phía Đông của PLA, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu ngày 07/8/2022, đồng thời cáo buộc Mỹ đang hỗ trợ các lực lượng ly khai “Đài Loan độc lập”. Shi nói những động thái này hoàn toàn vô ích và chỉ có thể phá vỡ hoà bình, leo thang căng thẳng ở Eo biển Đài Loan. Chiến khu Đông sẽ luôn ở tư thế cảnh giác cao và sẵn sàng “nghiền nát” bất kỳ “âm mưu” nào cho Đài Loan độc lập.
Tờ Global Times mượn lời “các nhà phân tích” kêu gọi Mỹ ngừng các hành động sử dụng Đài Loan để khiêu khích Trung Quốc, vì những động thái như vậy không phù hợp với mục đích chung của quân đội hai nước nhằm tránh leo thang tranh chấp thành đụng độ hoặc đối đầu.
Xem thêm:
Global Times ngày 08/7/2022: PLA holds joint drills around Taiwan over US senator visit: Chinese military
Tàu tuần tra quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan được đưa vào hoạt động
Theo tờ Global Times, Haixun 06, con tàu lớn đầu tiên được chỉ định để tuần tra và cung cấp dịch vụ ở Eo biển Đài Loan, đã chính thức được giao cho Cục An toàn Hàng hải Phúc Kiến vào hôm thứ Hai ngày 11/7/2022. Tờ báo dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng rằng việc đưa tàu vào hoạt động sẽ cải thiện hơn nữa mức độ ứng phó khẩn cấp đối với tai nạn trong khu vực.
Xem thêm:
Global Times ngày 11/7/2022: China’s first large-scale patrol vessel in Taiwan Straits commissioned, ‘enhances emergency response to accidents in region’
Đài Loan sẽ tổ chức tập trận với kịch bản mô phỏng Trung Quốc tấn công các điểm trọng yếu từ trên không
Cuộc tập trận Han Kuang diễn ra từ ngày 25-29/7/2022 sẽ mô phỏng cuộc tấn công của Trung Quốc vào Cảng Đài Bắc, sông Tamsui, là thành trì quan trọng để bảo vệ các trung tâm kinh tế và chính trị của Đài Loan. Cuộc tập trận sẽ tiếp tục cải thiện tác chiến phi đối xứng, chiến tranh nhận thức, chiến tranh thông tin và tác chiến điện tử, năng lực chiến đấu dự bị và tổng thể các nguồn lực dân sự có thể huy động được.
Xem thêm:
Taiwan News ngày 11/7/2022: Taiwan will hold Han Kuang simulations of Chinese attack on Taipei Harbor, Tamsui River
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ: Cuộc tập trận hải quân và cảnh sát biển RIMPAC thể hiện quyết tâm đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở, bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp trong đó cấm sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt và tôn trọng chủ quyền quốc gia
Một trong số nhiều mục tiêu của cuộc tập trận hàng hải Vành đai Thái Bình Dương – cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới – hiện đang được tiến hành ở Hawaii và sẽ kéo dài một tháng với sự tham gia của 26 quốc gia đến từ Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Châu Âu là gửi thông điệp của sự đoàn kết giữa các quốc gia tham gia tập trận “đến bất kỳ bên nào có ý định lật đổ trật tự dựa trên luật lệ quốc tế,” Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Samuel Paparo, nói trong một cuộc họp báo bên bến tàu tại Căn cứ Liên hợp Trân Châu Cảng-Hickam. Trong trật tự hiện hành đó, vũ khí huỷ diệt hàng loạt bị cấm sử dụng và chủ quyền quốc gia được tôn trọng.
Một điểm mới trong cuộc tập trận năm nay là lực lượng cảnh sát biển đã tham gia với vai trò lớn hơn.
Xem thêm:
Stars & Stripes ngày 09/7/2022: RIMPAC showcases resolve to ensure an open Indo-Pacific, Navy commander says
National Defense ngày 12/7/2022: JUST IN: Coast Guard Aims to Learn from Navy at RIMPAC
———-
III- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ
Máy bay F-22 và F-35 đang ở Nhật Bản diễn tập đối phó với Trung Quốc
Một ngày sau khi các quan chức phản gián và thực thi pháp luật của Mỹ và Anh cảnh báo về mối đe dọa đến từ Trung Quốc, quân đội Mỹ đã tổ chức một cuộc trình diễn năng lực lớn của phi đội máy bay chiến đấu của họ ở Nhật Bản, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor và F-35 Lightning II .
Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (INDOPACOM), “cuộc tập trận quy mô lớn đã kiểm tra khả năng của các đơn vị trong việc nhanh chóng tạo ra sức mạnh không quân chung để hỗ trợ phòng thủ Nhật Bản, đảm bảo sự ổn định và an ninh của một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Xem thêm:
INDOPACOM ngày 07/7/2022: 354th Air Expeditionary Wing, MAG-12 Conduct a Capabilities Demonstration
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ muốn bỏ qua việc Ấn Độ mua tên lửa của Nga
Các nhà lập pháp lưỡng đảng muốn cho Ấn Độ thêm thời gian để mua vũ khí của Nga trong ngắn hạn nhằm tăng cường quan hệ đối tác an ninh giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ trong dài hạn. New Delhi mua phần lớn thiết bị quân sự của mình từ Nga và các nhà lập pháp cho rằng việc miễn trừ các lệnh trừng phạt thứ cấp cho Ấn Độ sẽ giúp họ có thời gian để chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga và củng cố quan hệ đối tác an ninh giữa Washington và New Delhi.
Xem thêm:
Defense One ngày 08/7/2022: US Lawmakers Want to Give India a Pass For Buying Russian Missiles
Bộ trưởng Quốc phòng Úc: Úc sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh gần gũi với Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trước thách thức Trung Quốc
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles đang có chuyến thăm Mỹ và dự kiến sẽ có những cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington hôm thứ Hai ngày 11/7/2022, ông nói rằng Mỹ và Úc phải tăng cường hợp tác an ninh để tránh “sự thất bại thảm hại về năng lực răn đe” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường quân sự nhanh chóng, chiêu dụ các quốc đảo Thái Bình Dương và “sử dụng vũ lực hoặc cưỡng bức để thúc đẩy yêu sách lãnh thổ.”
“Trong những năm tới, liên minh Mỹ-Úc sẽ không chỉ phải hoạt động trong một môi trường chiến lược nhiều thách thức ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà sẽ cần phải góp phần vào việc cân bằng sức mạnh quân sự hiệu quả hơn nhằm tránh thất bại thảm khốc về năng lực răn đe,” ông nói. Dù giữa hai nước đã có những nền tảng vững chắc, Mỹ và Úc “không thể đứng yên.”
Marles cho biết “ưu tiên hàng đầu” của ông sẽ là hiệp ước an ninh ba bên AUKUS với việc chuyển giao tàu ngầm hạt nhân và công nghệ quốc phòng khác từ Mỹ và Anh cho Úc. Chính phủ Úc cũng sẽ thực hiện một đánh giá mới đối với chiến lược mua sắm quốc phòng trị giá 270 tỷ USD vào đầu năm 2023, như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn để tránh “sự thất bại thảm khốc của năng lực răn đe.”
Mặc dù không nhắc đích danh Trung Quốc và tập trung vào khía cạnh tích cực của quan hệ đối tác giữa các nền dân chủ, phát biểu của Marles cho thấy chính phủ mới của Úc vẫn sẽ tiếp tục coi Trung Quốc là một yếu tố gây mất ổn định trong khu vực và tin rằng năng lực, chủ quyền và an ninh của Úc sẽ được tăng cường thông qua liên minh với Hoa Kỳ, theo nhận định của Charles Edel, Australia Chair của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Xem thêm:
CSIS ngày 12/7/2022: The US-Australia Alliance: Aligning Priorities in the Indo-Pacific with Deputy Prime Minister Richard Marles
South China Morning Post ngày 12/7/2022: US and Australia must boost Indo-Pacific security cooperation as China looms: deputy prime minister. Một bản PDF được lưu ở đây
Axios ngày 12/7/2022: Australia’s defense minister warns of China’s military build-up
Nhật Bản và Philippines nhất trí về các bước hợp tác an ninh chặt chẽ hơn
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Tân Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo trong cuộc điện đàm hôm thứ Ba ngày 12/7/2022 tái khẳng định cam kết của hai quốc gia trong việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và hoạt động bảo vệ bờ biển trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Philippines, chẳng hạn như tiến hành các cuộc tập trận chung.
Đây là cuộc hội đàm chính thức đầu tiên của hai bộ trưởng kể từ khi Manalo nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao Philippines vào đầu tháng này sau lễ nhậm chức của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. vào ngày 30/6.
Xem thêm:
ABS-CBN News ngày 12/7/2022: Japan, Philippines agree on steps for closer security cooperation
Hàn Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận an ninh không gian do Mỹ dẫn đầu vào cuối tháng này
Các quan chức Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc có kế hoạch tham gia một cuộc tập trận an ninh vũ trụ đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu dự kiến bắt đầu vào cuối tháng này, trong bối cảnh Seoul tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng trong lĩnh vực an ninh ngày càng quan trọng.
Xem thêm:
Yonhap News ngày 12/7/2022: S. Korea to join US-led space security exercise later this month
Nga tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với Myanmar
Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga và Myanmar sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng sau cuộc họp tại Moscow giữa nhà lãnh đạo quân đội Myanmar Min Aung Hlaing và các quan chức quốc phòng hàng đầu của Nga.
Liên Hợp Quốc cho biết các cuộc điều tra của họ cho thấy quân đội Myanmar đã thực hiện các vụ giết người hàng loạt và tội ác chống lại loài người. Chính quyền quân sự Myanmar thì nói rằng họ đang tìm cách khôi phục hòa bình và trật tự.
Xem thêm:
Reuters/US News ngày 12/7/2022: Russia Says It Will Deepen Defence Cooperation With Myanmar
Máy bay chiến đấu của Anh được triển khai tới Phần Lan và Thụy Điển
Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã triển khai các máy bay phản lực Typhoon và F-35B Lightning tới Phần Lan và các máy bay phản lực Typhoon FGR4 tới Thụy Điển như một phần của sự gia tăng hiện diện trong khu vực trước sự xâm lược của Nga.
RAF cho biết việc triển khai diễn ra vào tháng trước theo yêu cầu của các nước chủ nhà, cho phép các lực lượng không quân đối tác phát triển các chiến thuật chung và tăng cường khả năng hoạt động cùng nhau.
Xem thêm:
Royal Air Force ngày 11/7/2022: RAF fighter aircraft deploy to Finland and Sweden for joint training
———-
IV- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ – MẠNG
Vũ khí mới nhất của quân đội Mỹ chống lại Trung Quốc và Nga: Khinh khí cầu tầm cao
Lầu Năm Góc đang âm thầm chuyển các dự án khinh khí cầu tầm cao sang các dịch vụ quân sự. Những khinh khí cầu có thể bay ở độ cao từ 60.000 đến 90.000 feet sẽ được thêm vào mạng lưới giám sát rộng lớn của Lầu Năm Góc và cuối cùng có thể được sử dụng để theo dõi vũ khí siêu thanh.
Xem thêm:
Politico ngày 05/7/2022: US military’s newest weapon against China and Russia: Hot air
Ukraine muốn có hệ thống vệ tinh riêng
Cuộc xâm lược của Nga đã dạy cho Ukraine rằng họ cần có mạng lưới vệ tinh của riêng mình và cách thức kín đáo để phóng những vệ tinh đó, cựu lãnh đạo cơ quan vũ trụ của nước này cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh Đổi mới Không gian hôm thứ Hai ngày 11/7/2022. Ukraine đang cân nhắc các phương thức khác nhau để phóng vệ tinh một cách bí mật. Thậm chí Ukraine hiện còn đang xem xét một hệ thống cho phép tải vệ tinh, bộ tăng cường và nhiên liệu cho tên lửa vào bên trong một máy bay tầm trung và tên lửa sẽ chỉ được tiếp nhiên liệu sau khi máy bay cất cánh. Cách này có thể che dấu các kế hoạch phóng trước kẻ thù.
Xem thêm:
Defense One ngày 11/7/2022: Five Space Lessons Russia’s Invasion Taught Ukraine
Radar không gian sâu của Trung Quốc có thể được sử dụng trong quân sự
Đài Truyền hình Trung Quốc CGTN cho biết Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng hệ thống mà họ gọi là “radar có tầm hoạt động xa nhất thế giới” ở thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc. Hệ thống, với tên mã hoá là “China Fuyan” sẽ có năng lực quan sát độ nét cao các tiểu hành tinh trong phạm vi 150 triệu km so với Trái đất. Với năng lực này, hệ thống sẽ giúp “bảo vệ Trái đất tốt hơn” thông qua tăng cường “năng lực phòng thủ của đất nước chống lại các tiểu hành tinh tiếp cận gần trái đất.”
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nghi ngờ hệ thống này cũng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, nhất là khi Trung Quốc có xu hướng kết hợp dân sự và quân sự. “Nếu radar được thiết kế để quan sát các tiểu hành tinh, nó sẽ có những năng lực cơ bản để giám sát không gian, nghĩa là, khả năng phân biệt các vật thể được phát hiện trong không gian và từ đó theo dõi chúng,” Koh phân tích.
Xem thêm:
CGTN ngày 11/7/2022: China to build world’s most far-reaching radar, better safeguard Earth
RFA ngày 12/7/2022: China’s deep space radar may have military uses
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát triển thiết bị dò tìm trọng lực với tiềm năng ứng dụng trong điều hướng tàu ngầm
Theo South China Morning Post, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển một thiết bị dò tìm trọng lực mới có độ nhạy cao với nhiều ứng dụng quân sự, bao gồm cả định vị tàu ngầm. Nhóm công nghệ của Đại học Chiết Giang đã sản xuất ra máy dò di động cho biết ngoài năng lực dẫn đường dưới nước, máy dò có thể được sử dụng cho các hệ thống phóng di động cho ICBM. Các phép đo do thiết bị thực hiện được báo cáo là có cường độ chính xác hơn một bậc so với các máy đo trọng lượng trước đó. Bản thân máy dò chỉ mất vài phút để thiết lập và hiệu chỉnh, ngay cả trong môi trường được chứa tiếng ồn và rung động.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 11/7/2022: Chinese scientists develop gravity detector with potential use in submarine navigation. Một bản PDF được lưu ở đây.
Công ty viễn thông khổng lồ MegaFon của Nga để mắt tới thiết bị 5G của Trung Quốc sau khi các nhà cung cấp phương Tây rút khỏi Ukraine trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine
MegaFon, công ty viễn thông lớn thứ hai ở Nga, có kế hoạch mua thiết bị 5G từ các nhà cung cấp Trung Quốc, Ấn Độ và Israel trong bối cảnh nguồn cung bị suy giảm khi các công ty công nghệ phương Tây rút lui khỏi đất nước, CEO của công ty được truyền thông địa phương dẫn lời.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 12/7/2022: Russian telecoms giant MegaFon eyes Chinese 5G equipment after Western suppliers pull out amid war in Ukraine. Một bản PDF được lưu ở đây.
Sau vụ việc dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ có thể bị truy cập ở Bắc Kinh trong tầm tay chính phủ Trung Quốc, đến lượt TikTok Úc xác nhận điều tương tự với người dùng Úc (Và hẳn cũng không ngoại lệ với người dùng Việt Nam?)
Sau những tiết lộ ở Mỹ rằng dữ liệu người dùng có thể truy cập được ở Trung Quốc đại lục, đặt nó trong tầm với của chính phủ Trung Quốc, Thượng nghị sĩ Úc James Paterson đã viết thư cho TikTok tại Úc đặt câu hỏi liệu thông tin cá nhân của người Úc cũng có nguy cơ tương tự. Trong thư phản hồi, TikTok Úc đã thừa nhận rằng dữ liệu người dùng ở Úc cũng có thể truy cập được ở Trung Quốc đại lục, đặt nó trong tầm với của chính phủ Trung Quốc, mặc dù trước đó họ đã đảm bảo rằng dữ liệu an toàn vì được lưu trữ ở Mỹ và Singapore.
Xem toàn văn lá thư giải trình của TikTok ở đây.
Google cảnh báo về cuộc tấn công mới nhắm vào Chrome trên nền tảng Windows và Android
Google đã xác nhận một cuộc tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật lần thứ tư trong năm được tìm thấy ở các thiết bị sử dụng hệ điều hành Windows và Android. Hãng cho biết bản cập nhật Chrome 103.0.5060.114 dành cho Windows sẽ được tung ra trong những ngày mới. Trình duyệt Chrome của Google sẽ tự cập nhật phiên bản vá lỗi và bắt đầu hoạt động khi máy được khởi động lại.
Xem thêm:
Cyber Security Connect ngày 11/7/2022: Google warns of new Chrome hack attacks aimed at Windows and Android
Các nhà phân tích kêu gọi những thay đổi tận gốc trong quản trị Internet
Một phân tích sâu rộng của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) lưu ý rằng mặc dù ban đầu, Internet do Hoa Kỳ thống trị với những đặc điểm nổi bật chú trọng đổi mới, ít quy định kiểm soát, và các luồng thông tin tự do, nhưng thực tế hiện nay lại khác nhiều. Giờ đây, theo nghiên cứu của CFR, quan điểm về mạng toàn cầu đã khó chống lại những thay đổi về cấu trúc và nội dung – chẳng hạn như kiểm duyệt của chính phủ nước ngoài, tội phạm mạng và thông tin sai lệch – đã thay đổi đặc tính của Internet. Do đó, các nhà phân tích CFR kêu gọi Hoa Kỳ dẫn đầu hành động trong ba lĩnh vực chính, tập trung vào việc thành lập một liên minh Internet đáng tin cậy và được bảo vệ; thiết lập một cách tiếp cận cân bằng kết hợp áp lực có mục tiêu và các chuẩn mực thực dụng; và giải quyết các nhu cầu cấp thiết trong không gian mạng của Hoa Kỳ bằng cách giảm hoạt động độc hại, thúc đẩy hợp tác và tin cậy, đồng thời phát triển chuyên môn và cấu trúc ngoại giao để hướng dẫn chính sách đối ngoại về không gian mạng.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
———-
V- KỶ NIỆM SÁU NĂM PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI VỤ KIỆN BIỂN ĐÔNG
Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo
Trong tuyên bố của mình, ông Manalo cho biết Phán quyết và UNCLOS là hai mỏ neo cho chính sách và hành động của Philippines ở Biển Đông. Những kết luận của Tòa không còn nằm trong phạm vi của sự phủ nhận và bác bỏ nữa. Phán quyết có tính chung thẩm và Philippines kiên quyết từ chối các nỗ lực phá hoại hay thậm chí xóa nó khỏi luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể của thế giới.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Philippines ngày 12/7/2022: Statement of Foreign Affairs Secretary Enrique A. Manalo on the 6th Anniversary of the Award on the South China Sea Arbitration
Các học giả Philippines thúc giục Tổng thống Macros bám sát phán quyết Biển Đông
Tại một diễn đàn do Viện Stratbase ADR tổ chức hôm thứ Ba ngày 12/7/2022 kỷ niệm sáu năm Toà trọng tài đưa ra phán quyết, các chuyên gia quốc phòng và an ninh đã kêu gọi Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr kiên quyết tuân theo phán quyết, ngay cả khi Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Manila trong trường hợp xảy ra bất kỳ “cuộc tấn công vũ trang” nào trên tuyến đường biển đang tranh chấp. Chủ tịch Viện Stratbase ADR, Giáo sư Victor Manhit, cho biết một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 89% người Philippines muốn Marcos “khẳng định quyền của chúng ta đối với Biển Tây Philippines.”
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 12/7/2022: Marcos urged to stick to South China Sea ruling amid Philippines’ ‘sweet spot’ in US-China diplomacy. Một bản PDF được lưu ở đây.
Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ
“Hoa Kỳ tái khẳng định chính sách ngày 13/7/2020 liên quan đến các yêu sách hàng hải ở Biển Đông. Chúng tôi cũng tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines năm 1951. Một lần nữa chúng tôi kêu gọi CHND Trung Hoa tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi khiêu khích. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác, cũng như các thể chế khu vực như ASEAN, để bảo vệ và duy trì trật tự dựa trên luật lệ.”
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III hậu thuẫn cho phát biểu của Blinken, xác nhận sự kiên định trong các cam kết phòng thủ với đồng minh hiệp ước Philippines.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/7/2022: Sixth Anniversary of the Philippines-China South China Sea Arbitral Tribunal Ruling
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Phản ứng của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy dù bác bỏ Phán quyết, Trung Quốc vẫn muốn giữ tính chính danh là tôn trọng luật quốc tế, theo màu sắc Trung Quốc
Đáp lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hậu thuẫn cho Phán quyết, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “cái gọi là Phán quyết Biển Đông đi ngược lại luật pháp quốc tế bao gồm cả UNCLOS. Phán quyết là bất hợp pháp và vô hiệu. Trung Quốc đang duy trì pháp quyền quốc tế bằng cách không chấp nhận hoặc công nhận nó. Mỹ đã phá vỡ cam kết công khai của mình về việc không có quan điểm về tuyên bố chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, đồng thời tìm cách tạo ra sự ràng buộc giữa các nước và phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực. Đây là điều vô cùng vô trách nhiệm.
Xem thêm:
Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
———-
VI- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
Ngoại trưởng Úc: Úc sẽ tránh tương tác với ASEAN thông qua lăng kính Trung Quốc
Tại điểm dừng chân Singapore trong chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên sau ngày nhậm chức, Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã có bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách Đông Nam Á của chính phủ mới do Đảng Lao động cầm quyền hôm 06/7/2022 tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.
Wong nói Úc sẽ tránh “sai lầm” khi xem quan hệ với Đông Nam Á qua lăng kính mối quan hệ của Canberra với Trung Quốc và thay vào đó sẽ gắn kết khu vực với mục đích thực sự là mở rộng các lợi ích chung, chẳng hạn như đảm bảo rằng khu vực “hòa bình, ổn định và thịnh vượng, (và) nơi chủ quyền được tôn trọng”.
“Chúng tôi quan tâm đến việc đảm bảo rằng các hành vi và sự khác biệt quốc tế không phải được quyết định bằng bằng sức mạnh và kích thước quốc gia, mà chúng được giải quyết bằng cách tham khảo các chuẩn mực và luật pháp quốc tế,” bà nói.
Bà cũng cho biết Australia cam kết thực hiện khái niệm trung tâm của ASEAN, theo đó khối 10 quốc gia Đông Nam Á được đặt làm trung tâm của các hoạt động ngoại giao trong khu vực.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 06/7/2022: Australia will avoid engaging Asean through China ‘prism’, Foreign Minister Penny Wong says. Một bản PDF được lưu ở đây.
Úc hỗ trợ Lào trong việc cải thiện kết nối giao thông và thương mại
Một Thỏa thuận phụ mới, nằm trong thỏa thuận rộng hơn giữa Úc và Lào về hợp tác phát triển, đã được Đại sứ Úc tại Lào, Paul Kelly, và Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính, Vilaykham Phosalath, ký vào ngày 07/7/2022 tại Thủ đô Viêng Chăn. Úc dự kiến sẽ cung cấp hơn 10 triệu AUD hỗ trợ theo thỏa thuận này nhằm hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất tại các cửa khẩu Thái Lan và Việt Nam dọc theo Quốc lộ 2 của Lào – một dự án được ưu tiên trong Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025, theo Đại sứ Kelly.
Sự hỗ trợ của Australia sẽ được thực hiện thông qua sáng kiến Đối tác về Cơ sở hạ tầng (P4I), phối hợp với Bộ Giao thông Công chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và các bên liên quan cấp tỉnh của Lào, và được thực hiện như một phần của Hành lang Kinh tế Khu vực Đông Nam Á và Kết nối (Chương trình SEARECC).
Xem thêm:
The Laotian Times ngày 09/7/2022: Australia Supports Laos in Improving Transport and Trade Connectivity
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan nói Nga là một đối tác quan trọng
Tại bữa tiệc chiêu đãi kỷ niệm 125 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nga và Thái Lan do Đại sứ quán Nga tổ chức ngày 06/7/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai khẳng định Nga là đối tác quan trọng của Thái Lan. Sự kiện có sự tham gia của các quan chức cấp cao của chính phủ, Quốc hội, chính quyền thành phố, các bộ ban ngành khác nhau cũng như Lực lượng vũ trang Thái Lan theo lời mời của Đại sứ quán Nga.
Xem thêm:
The Nation Thailand ngày 06/7/2022: Russia an important partner, Don says at event celebrating ties
Thủ tướng Malaysia: Trung Quốc cam kết thúc đẩy hợp tác với Malaysia để giải quyết lạm phát, an ninh lương thực, kết nối đường sắt giữa Malaysia với Lào và Thái Lan
Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cho biết Trung Quốc đã cam kết tiếp tục ưu tiên tăng cường hợp tác song phương với Malaysia, đặc biệt là trong việc giải quyết các thách thức hiện nay như lạm phát toàn cầu và an ninh lương thực mà cả hai nước đang phải đối mặt. Điều này được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố trong chuyến thăm xã giao tới Putrajaya ngày 12/7/2022. Vương cũng đánh giá cao việc chính phủ Malaysia đã cho các công ty cơ sở hạ tầng Trung Quốc có cơ hội tham gia vào các dự án phát triển như East Coast Rail Link. Trung Quốc dự định tiếp tục với mạng lưới đường sắt bao gồm cả Lào và Thái Lan.
Về phần Malaysia, ông Ismail nói Malaysia hoan nghênh sự quan tâm của nhiều phái đoàn chính thức và doanh nghiệp từ Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei, tham gia vào các sáng kiến của chính phủ ông. Ismail cũng nói rằng Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình thế giới, và bày tỏ quan điểm rằng mọi xung đột nên được giải quyết tại bàn đàm phán chứ không phải thông qua chiến tranh.
Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc và Malaysia đã đồng ý cùng nhau xây dựng Vành đai và Con đường với chất lượng cao và thực hiện Sáng kiến Phát triển Toàn cầu của Tập Cận Bình.
Xem thêm:
Malaysia Now ngày 13/7/2022: China to boost Malaysia ties to address inflation, food security, says PM
SupChina ngày 12/7/2022: China and Malaysia pledge stronger ties
Tân Hoa Xã ngày 12/7/2022: China, Malaysia reach 5-point consensus on developing ties
Bloomberg ngày 12/7/2022: China to Import More Palm Oil From Malaysia, Wang Yi Says. Một bản PDF được lưu ở đây.
Chính quyền quân sự Myanmar và Nga ký biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng hạt nhân
Chính quyền quân sự quân sự Myanmar và Tổng công ty Nhà nước Nga Rosatom đã ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng hạt nhân trong chuyến thăm riêng của Thủ tướng chính quyền quân sự Min Aung Hlaing tới Nga vào đầu tuần này.
Ông Min đã gặp Alexey Likhachev, Tổng giám đốc Rosatom, tại Moscow hôm thứ Hai ngày 11/7/2022 và thảo luận về khả năng hợp tác trong các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, sản xuất dược phẩm, nông nghiệp, chăn nuôi và công nghiệp, thực phẩm, và sử dụng năng lượng hạt nhân “một cách hòa bình.”
Xem thêm:
Bloomberg ngày 12/7/2022: Myanmar, Russia Ink Pact on Nuclear Energy Cooperation. Một bản PDF được lưu ở đây.
———-
VII- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh thực hiện các chính sách vĩ mô, thúc đẩy cải cách và mở cửa
Trong một hội nghị chuyên đề với các quan chức lãnh đạo năm tỉnh ven biển Hôm thứ Năm ngày 07/7/2022, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh việc thực hiện các chính sách vĩ mô, thúc đẩy cải cách và mở cửa, đồng thời khuyến khích các khu vực cấp tỉnh ven biển ở đông nam Trung Quốc đóng vai trò nòng cốt trong việc ổn định nền kinh tế.
Ông Lý cũng hứa sẽ tăng cường các chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách để phân quyền, cải thiện quy định và cải thiện môi trường kinh doanh.
Thủ tướng Trung Quốc nói mở cửa với thế giới bên ngoài có liên quan đến sự phát triển chung. Cho dù tình hình quốc tế có thay đổi như thế nào, Trung Quốc sẽ kiên quyết mở rộng cửa, ổn định ngoại thương và đầu tư nước ngoài, tham gia tốt hơn vào cạnh tranh và hợp tác quốc tế
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 08/7/2022: Chinese premier stresses implementing macro policies, promoting reform and opening-up
CCTV ngày 07/7/2022: [视频]李克强主持召开东南沿海省份政府主要负责人经济形势座谈会
Thứ trưởng Ngoại giao Ma Zhaoxu hội kiến với Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Ivanovich Denisov
Ông Ma Zhaoxu cho biết, dưới sự chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin, quan hệ Trung – Nga tiếp tục phát triển ở mức cao. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường phối hợp chiến lược với Nga, mở rộng hợp tác thiết thực trên diện rộng, tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác trong các khuôn khổ đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, BRICS và G20, đồng thời hướng hệ thống quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và bình đẳng hơn. Ông Denisov đánh giá cao quan hệ Nga – Trung, cho biết Nga sẵn sàng cùng Trung Quốc triển khai toàn diện các đồng thuận quan trọng mà nguyên thủ hai nước đã đạt được, thúc đẩy trao đổi và hợp tác song phương trên các lĩnh vực cũng như phối hợp Nga – Trung trên các diễn đàn quốc tế, nỗ lực không ngừng vì sự phát triển lành mạnh và suôn sẻ của quan hệ song phương.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 06/7/2022: Vice Foreign Minister Ma Zhaoxu Meets with Russian Ambassador to China Andrey Ivanovich Denisov
Iran sẽ trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào năm 2023
Sau khi ký bản ghi nhớ đầu tiên về nghĩa vụ tại Uzbekistan tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm nay sẽ được tổ chức tại Samarkand vào tháng 9, việc Iran trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức sẽ được hoàn tất vào tháng 4/2023, Đại sứ quán Iran tại Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn cầu hôm thứ Ba ngày 12/7/2022.
Xem thêm:
Global Times ngày 12/7/2022: Iran to obtain full SCO membership in 2023: embassy
Kho lưu trữ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc mở cửa cho công chúng truy cập
Theo Cục Lưu trữ Quốc gia Trung Quốc, Kho lưu trữ Lịch sử đầu tiên của Trung Quốc đã mở cửa cho công chúng truy cập vào hơn 4,68 triệu tài liệu lưu trữ. Đây là lần đầu tiên kho lưu trữ được mở cửa cho công chúng kể từ khi nó chuyển đến địa điểm mới. Các cuộc triển lãm, bao gồm cả những cuộc triển lãm có tài liệu lưu trữ hoặc vật chứa lưu trữ của triều đại nhà Minh và nhà Thanh (1368-1911), sẽ giới thiệu cho du khách hàng trăm tài liệu lưu trữ quý giá của Trung Quốc.
Xem thêm:
The State Council Information Office ngày 06/7/2022: First Historical Archives of China opens to public
———-
VIII- ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG & CHÂU ÂU – ĐẠI TÂY DƯƠNG
Lãnh đạo MI5 và FBI lần đầu tiên cùng nhau lên tiếng cảnh báo về nguy cơ gián điệp công nghiệp từ Trung Quốc, thể hiện sự đoàn kết giữa cơ quan tình báo hai nước
Ngày 06/7/2022, hai Giám đốc cơ quan tình báo MI5 của Anh Ken McCallum và FBI của Mỹ Christopher Wray đã có buổi họp báo chung chưa từng có tiền lệ để cảnh báo với thế giới về những nguy cơ an ninh lớn đến từ hợp tác nghiên cứu công nghệ và công nghiệp với Trung Quốc, hay nói cách khác là nhắc lại về nguy cơ an ninh đến từ chiến lược “quân – dân dung hợp” của Trung Quốc mà Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã tường thuật từ các viện nghiên cứu từ tháng 10/2019 và nhắc lại trong các Bản tin số 61 và 67 trong năm 2021.
Callum và Wray nhấn mạnh rằng “chính quyền Trung Quốc đang là nguy cơ nghiêm trọng với các doanh nghiệp phương Tây, vượt qua những gì các lãnh đạo doanh nghiệp tỉnh táo nhất nhận ra,” nhằm thuyết phục giới doanh nghiệp cẩn trọng trong các thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc. Không chỉ giới doanh nghiệp đang gánh chịu nguy cơ đánh mất các bí mật công nghệ, các nhà nghiên cứu có quan hệ với quân đội Trung Quốc cũng đã và đang tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ tối tân, theo như các báo cáo tại Mỹ, Anh, Italy, và cả Đức trong thời gian qua, và đưa những kiến thức này về phục vụ cho hoạt động phát triển tại Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc MI5 và FBI chung tay đưa ra lời cảnh báo vào thời điểm này, là bởi vì Mỹ và Anh cần các doanh nghiệp nhận thức rõ ràng về nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan. Nguy cơ an ninh này có thể khiến cho các doanh nghiệp bị buộc phải từ bỏ những khoản đầu tư của mình tương tự như tại Nga sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, nhưng với quy mô lớn hơn rất nhiều.
Không chỉ cảnh báo về gián điệp công nghiệp, MI5 và FBI cũng cảnh báo về các hoạt động can thiệp ngày càng tích cực hơn của Trung Quốc vào hoạt động chính trị tại các quốc gia phương Tây, để từ đó ảnh hưởng lên quyết định chính sách. Báo cáo của MI5 trong tháng 01/2022 và của Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ trong tháng 7/2022 cho biết Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (UFWD) đang tiến hành các chiến dịch vận động ảnh hưởng rất tích cực tại Mỹ và Anh ở mọi cấp chính quyền từ địa phương tới trung ương, khi mà lập trường của các quốc gia này đối với Trung Quốc ngày càng cứng rắn. Chiến lược ở đây có thể là “dùng nông thôn bao vây thành thị”, sử dụng ảnh hưởng với cấp lãnh đạo địa phương để tác động lên chính sách của trung ương.
Xem thêm:
BBC ngày 7/7/2022: China: MI5 and FBI heads warn of ‘immense’ threat
The Hill ngày 6/7/2022: US, UK law enforcement chiefs unite to warn of Chinese spying threat
Toàn văn phát biểu của Giám đốc FBI: Director’s Remarks to Business Leaders in London
Toàn văn phát biểu của Giám đốc MI5: Joint address by MI5 and FBI Heads
Wall Street Journal ngày 6/7/2022: China Escalates Efforts to Influence US State and Local Leaders, Officials Warn – WSJ
Financial Times ngày 6/7/2022: US and UK intelligence chiefs call for vigilance on China’s industrial spies | Financial Times. Một bản PDF được lưu ở đây.
Toàn văn báo cáo của Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ: Safeguarding Our Future: Protecting Government and Business Leaders at the U.S. State and Local Level from PRC Influence Operations
ĐSKBĐ: Trung Quốc Tận Dụng Khu Vực Tư Nhân để Gia Tăng Năng Lực Quân Đội. Bản tin Biển Đông số 61 và số 67
Các nhà đầu tư phương Tây đang đổ tiền vào các quỹ hoán đổi danh mục Trung Quốc
Sau khi các chính sách cách ly xã hội và kiểm soát các tập đoàn công nghệ tại Trung Quốc được giảm nhẹ trong tháng 5/2022, các nhà đầu tư phương Tây đã nhanh chóng đầu tư vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Trung Quốc với tổng trị giá lên tới gần 6 tỷ USD. Nhà phân tích Phillip Wool của công ty Rayliant cho biết tín hiệu hợp tác của chính quyền Trung Quốc với các tập đoàn công nghệ, cũng như các gói hỗ trợ cho nền kinh tế sau đợt cách ly đã cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư. Tuy nhiên Karim Chedid, nhà phân tích của tập đoàn Blackrock, cảnh báo rằng những tín hiệu tích cực này có thể không kéo dài, do Bắc Kinh vẫn kiên trì với chính sách Không Covid gắt gao.
Xem thêm:
Financial Times ngày 8/7/2022: Western investors flock to China equity ETFs | Financial Times
Thủ tướng New Zealand kêu gọi giảm leo thang căng thẳng và không nên xa lánh Trung Quốc
Trong một bài phát biểu tại Viện nghiên cứu Lowy Institute ở Sydney hôm thứ Năm ngày 07/7/2022, Jacinda Ardern đã kêu gọi giảm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhấn mạnh Bắc Kinh có “vai trò quan trọng” trong việc duy trì trật tự thế giới.
“Trong bối cảnh căng thẳng mà chúng ta thấy đang gia tăng, bao gồm cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ngoại giao phải trở thành công cụ mạnh nhất và giảm leo thang là lời kêu gọi lớn nhất,” theo bà.
“Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thành công nếu những bên mà chúng ta muốn tham gia ngày càng bị cô lập và khu vực chúng ta sinh sống ngày càng trở nên chia rẽ và phân cực. Chúng ta không được để rủi ro về một lời tiên tri tự ứng nghiệm trở thành một kết quả không thể tránh khỏi đối với khu vực của chúng ta.”
Ardern cũng cho biết New Zealand vẫn thực hiện cách tiếp cận “cởi mở và bao trùm” đối với việc Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTPP nếu nước này tuân thủ các điều kiện của hiệp định.
Xem thêm:
Financial Times ngày 07/7/2022: Jacinda Ardern warns against ‘self-fulfilling prophesy’ of war in Pacific. Một bản PDF được lưu ở đây.
Úc bác bỏ việc đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc để cải thiện mối quan hệ
Vào ngày 08/7/2022, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở Bali, Bộ trưởng Ngoại giao Úc và Trung Quốc đã gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên sau nhiều năm hai nước căng thẳng trong quan hệ. Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đổ lỗi cho chính phủ Morrison trước đó là căn nguyên khiến quan hệ hai nước gặp nhiều khó khăn và hy vọng chính phủ mới sẽ tận dụng cơ hội hiện tại để “định hình lại nhận thức đúng đắn về Trung Quốc, giảm bớt tiêu cực và tích lũy năng lượng tích cực để cải thiện quan hệ Trung Quốc-Australia.”
Vương đã đưa ra 4 điều mà bản tiếng Trung phát biểu của Vương Nghị gọi là “yêu cầu” cho Ngoại trưởng Úc, đó là (1) hãy coi Trung Quốc như một đối tác hơn là một đối thủ. (2) đi theo cách hai bên hoà hợp với nhau thông qua tìm kiếm nền tảng chung trong khi bảo lưu sự khác biệt. (3) không nhắm tới bất kỳ bên thứ ba nào hay bị kiểm soát bởi bất kỳ bên thứ ba nào. Và (4), xây dựng các nền tảng xã hội và sự ủng hộ của công chúng một cách tích cực và thực dụng.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese sau đó đã bác bỏ việc tuân thủ bốn yêu cầu này khi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Canberra hôm thứ Hai ngày 11/7/2022. Ông nói Úc không đáp ứng “các yêu cầu” mà chỉ “đáp ứng lợi ích quốc gia” của Úc. Úc sẽ hợp tác với Trung Quốc ở những lĩnh vực có thể hợp tác. Úc muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước nhưng khi sẽ bảo vệ lợi ích của Úc khi phải làm vậy.
Stratfor: Động thái của Trung Quốc nhằm kéo dài thời gian để thay thế ảnh hưởng của phương Tây
Những yêu cầu của Trung Quốc cho thấy các nhà ngoại giao Trung Quốc muốn hàn gắn quan hệ với Úc, nhưng việc họ không thể xin lỗi về những hành động trong quá khứ sẽ khiến quan hệ Úc-Trung tiếp tục băng giá, càng làm rộng thêm hố sâu ngăn cách giữa Trung Quốc và phương Tây. Ngoài ra, các yêu cầu chung chung của Trung Quốc và việc Trung Quốc không sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thương mại có nghĩa là Bắc Kinh có ý định kéo dài thời gian khi tìm cách đảm bảo ảnh hưởng giữa các đảo ở Thái Bình Dương và thay thế phương Tây.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 09/7/2022: Wang Yi Meets with Australian Foreign Minister Penny Wong
Bloomberg ngày 11/7/2022: Australia’s Anthony Albanese Won’t Respond to Beijing’s ‘Demands’ After Meeting. Một bản PDF được lưu ở đây
Stratfor ngày 12/7/2022: Australia: Prime Minister Albanese Refuses Chinese Demands to Reset Relations. Một bản PDF được lưu ở đây.
Úc sẵn sàng hợp tác trong các dự án của Trung Quốc ở Thái Bình Dương
Bộ trưởng Thái Bình Dương Pat Conroy cho biết Úc sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc về cơ sở hạ tầng ở Thái Bình Dương, nhưng cảnh báo rằng Bắc Kinh phải nâng cao chất lượng các dự án của mình và thuê thêm lao động địa phương.
Xem thêm:
The Sydney Morning Herald ngày 13/7/2022: Pacific minister says Australia is open to partnering on Chinese projects
Trung Quốc cũng đưa ra một danh sách những việc cần làm cho Mỹ để hàn gắn quan hệ
Bên cạnh cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng có một cuộc họp kín kéo dài 5 tiếng với Ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm thứ Bảy ngày 09/7/2022, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Indonesia. Tại đây, Bắc Kinh cũng đưa ra bốn danh sách cho Mỹ, trong đó ba danh sách đầu tiên yêu cầu Washington sửa chữa chính sách cũng như lời nói và việc làm “sai lầm” đối với Trung Quốc; Mỹ cần nêu rõ các vấn đề cụ thể mà Mỹ quan ngại với Trung Quốc; làm rõ những luật liên quan đến Trung Quốc mà Mỹ thông qua; và liệt kê tám lĩnh vực có thể hợp tác hai chiều, theo Su Xiaohui, Phó Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Mỹ của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc. Trung Quốc bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ xem xét 4 danh sách này một cách nghiêm túc.
Xem thêm:
China Daily ngày 11/7/2022: China’s to-do lists for US can help repair ties
Các nhà điều hành công ty tìm kiếm hướng dẫn về nguy cơ chiến tranh ở Đài Loan
Các nhà điều hành công ty ngày càng lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh ở Đài Loan, theo các nhà tư vấn doanh nghiệp, những người đã thấy nhu cầu được hướng dẫn về nguy cơ này tăng mạnh sau cuộc xâm lược Ukraine. Các nhà tư vấn hiện đang được yêu cầu trực tiếp giới thiệu cho các CEO về chính trị Đài Loan và tổ chức các cuộc họp với các quan chức cấp cao của Mỹ để thảo luận về tình hình.
Xem thêm:
Financial Times ngày 12/7/2022: Executives seek briefings on Taiwan war risk. Một bản PDF được lưu ở đây.
Anh đề xuất bỏ các biện pháp chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc
Cơ quan Phòng vệ Thương mại của Anh hôm thứ Tư ngày 13/7/2022 đề xuất bỏ các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng từ năm 2016 đối với thép gia cường của Trung Quốc. Theo cơ quan này, Anh sẽ cần nhập khẩu vật liệu này nhiều hơn từ Trung Quốc để đáp ứng sự sụt giảm nguồn cung từ các nước khác do cuộc chiến ở Ukraine.
Xem thêm:
Reuters ngày 13/7/2022: Britain proposes dropping anti-dumping measures against Chinese steel
Các nhà lập pháp Nhật Bản sẽ đến thăm Đài Loan
Đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Tokyo cho biết chuyến đi sắp tới cho thấy sự hỗ trợ của cơ quan lập pháp Nhật Bản đối với Đài Loan sẽ tiếp tục sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, một người ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ, bị ám sát.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 13/7/2022: Japanese lawmakers to visit Taiwan on security, trade trip. Một bản PDF được lưu ở đây.
Nhật Bản đưa thêm Ấn Độ vào chương trình hỗ trợ chuyển đổi năng lượng
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Koichi Hagiuda cho biết Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ Ấn Độ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, mở rộng một chương trình mà nước này đã khởi động vào năm ngoái cho các quốc gia Đông Nam Á.
Xem thêm:
Reuters ngày 13/7/2022: Japan set to expand energy transition support to India
———-
IX- CUỘC CHIẾN CỦA NGA CHỐNG UKRAINE
Tổng thống Nga hoan nghênh chiến thắng tại khu vực Luhansk. Chính quyền Nga có các động thái chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài bất chấp hậu quả của các lệnh trừng phạt ngày càng hiện rõ
Ngày 04/7/2022, sau khi những thông tin về việc quân đội Ukraine rút khỏi thành phố Lysychansk được xác nhận bởi Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Bộ trưởng Shoigu đã trình bày về những diễn biến trên chiến trường, và đề xuất trao thưởng cho Thượng tướng Alexander Lapin và Chỉ huy phó Quân đoàn số 8 của Quân khu phía Nam Sergei Surovikin vì thành công tại Lysychansk. Tổng thống Putin đã hoan nghênh chiến thắng của quân đội Nga, đồng thuận với đề xuất trao thưởng huân chương Anh hùng Nước Nga cho hai viên chỉ huy này, cho phép lực lượng tại Luhansk nghỉ ngơi để phục hồi sức chiến đấu, và yêu cầu các mũi tiến công khác tiếp tục theo kế hoạch. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Institute for the Study of War) của Mỹ đánh giá rằng Tổng thống Nga đang gián tiếp ra lệnh tạm nghỉ ở cấp chiến dịch đối với mũi tiến công tại Luhansk, tức là sẽ không tổ chức tiến công giành lãnh thổ nhưng sẽ tiếp tục sử dụng hỏa lực để tấn công vào các vị trí phòng ngự của Ukraine.
Trong một diễn biến khác, mặc dù chính quyền Nga cho rằng các lệnh trừng phạt không có ảnh hưởng đáng kể tới kinh tế Nga, Bộ Tài chính Nga ngày 04/7/2022 đã đề xuất giảm chi 1,6 tỷ rúp để cân đối ngân sách, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng. Cụ thể, Nga sẽ giảm ngân sách cho các lĩnh vực “phát triển hệ thống giao thông” (390 tỷ rúp), “phát triển khoa học kỹ thuật” (150 tỷ rúp), “đảm bảo năng lực quốc phòng quốc gia” (120 tỷ rúp). Trong khi đó, ngân sách cho “trợ cấp xã hội cho người dân” sẽ tăng thêm 936 tỷ rúp trong năm 2023, 1.000 tỷ rúp cho năm 2024, và 1.200 tỷ rúp cho năm 2025. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng dự báo thu ngân sách ròng trong năm 2023 sẽ giảm từ 1.300 nghìn tỷ còn 299 tỷ rúp. Ngày 07/7/2022, Nga đưa ra dự thảo về việc củng cố quyền kiểm soát của chính quyền đối với các doanh nghiệp tư nhân và lực lượng lao động, cho phép tập trung nguồn lực phục vụ “nhu cầu ngắn hạn về việc sửa chữa vũ khí và trang thiết bị quân sự”. Với việc kết hợp chính sách xoa dịu người dân Nga bằng an sinh xã hội và tập trung nguồn lực tư nhân cho quốc phòng, có thể thấy rằng chính quyền Nga đang tập trung chuẩn bị tư thế sẵn sàng trên toàn xã hội cho một cuộc chiến dài hạn tại Ukraine.
Xem thêm:
Kremlin ngày 4/7/2022: Meeting with Defence Minister Sergei Shoigu
ISW ngày 7/7/2022: Russian offensive campaign assessment, July 7
RBC ngày 4/7/2022: Finance Ministry proposes to reduce spending on state programs by ₽1.6 trillion
Financial Times ngày 7/7/2022: Russia prepares to mobilise economy for longer war in Ukraine. Một bản PDF được lưu ở đây.
Truyền thông độc lập của Nga: Một cuộc thăm dò không được công bố của Điện Kremlin cho biết 30% người Nga, trong đó có trên 50% giới trẻ ủng hộ chấm dứt chiến tranh chống Ukraine ngay lập tức
Tờ báo độc lập Meduza của Nga đưa tin rằng họ có được thông tin về một cuộc thăm dò được Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Công chúng toàn Nga thực hiện vào cuối tháng Sáu theo yêu cầu của Điện Kremlin. Cuộc khảo sát cho thấy 30% người Nga muốn chấm dứt cuộc chiến chống Ukraine ngay lập tức, trong khi 57% ủng hộ việc tiếp tục chiến tranh. Trong số 30% người muốn chấm dứt chiến tranh, có trên 50% thuộc lứa tuổi từ 18 – 24 tuổi.
Xem thêm:
Meduza ngày 12/7/2022: «Медуза» узнала результаты закрытого опроса ВЦИОМ, проведенного по заказу Кремля. По его данным, 30% россиян считают, что войну нужно остановить прямо сейчас
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc: Tái thiết Ukraine là một “con đường dài” nhưng cần phải bắt đầu ngay bây giờ bởi sự tàn phá thảm khốc của cuộc chiến của Nga
Trong thông điệp qua video gửi tới đại diện 40 quốc gia đang họp tại Lugano bàn về tái thiết Ukraine, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh tác động thảm khốc về con người gây ra bởi cuộc chiến, cũng như những thách thức lâu dài ở phía trước:
“Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và buộc phải di dời hàng triệu người,” người đứng đầu Liên Hợp Quốc nói. Hàng triệu người Ukraine đã mất kế sinh nhai và có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo. Những thiệt hại và sự tàn phá đối với nhà cửa, bệnh viện trường học sẽ mất nhiều năm để xây dựng lại… Đây là một con đường dài, nhưng cần phải bắt đầu ngay bây giờ.”
Xem thêm:
UN News ngày 05/7/2022: Ukraine reconstruction is a ‘long road’ but it must start now: Guterres
Vào ngày thứ 134 của cuộc chiến, Putin đe dọa Ukraine sẽ chỉ càng thêm đau khổ nếu phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí. Mỹ tuyên bố sẽ gửi thêm hệ thống tên lửa, đạn pháo nâng cấp cho Ukraine trong gói vũ khí mới trị giá 400 triệu USD
Trong cuộc họp với lãnh đạo Hạ viện Nga và các đảng phái ngày 07/7/2022 tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa đổ lỗi cho phương Tây về cuộc chiến mà Moscow phát động chống lại Ukraine, nói rằng “phương Tây muốn chiến đấu với chúng tôi cho đến người Ukraine cuối cùng.” Putin cũng nói rằng Nga không từ chối tổ chức đàm phán hòa bình, “nhưng những người từ chối nên biết rằng càng về sau, họ sẽ càng khó đạt được thoả thuận với chúng tôi.”
Cùng lúc, thông tin về lịch trình các cuộc tập trận của quân đội Belarus cho thấy đồng minh hậu thuẫn Nga nhiều nhất về cuộc chiến đã kéo dài các cuộc tập trận cho đến ít nhất là ngày 16/7.
Một ngày sau đó, Tổng thống Biden phê duyệt gói mới trị giá 400 triệu USD hỗ trợ cho Ukraine, trong đó có 4 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (High Mobility Artillery Rocket Systems – HIMARS), và lựu pháo tiên tiến, nâng số HMARS lên 12 so với 8 hệ thống mà Mỹ dự định trước đó. HIMARS đã chứng minh “đặc biệt quan trọng và hiệu quả trong việc hỗ trợ Ukraine đối phó với trận địa pháo của Nga ở Donbas,” một quan chức ẩn danh của Lầu Năm Góc cho biết. “Trong tuần trước, những gì chúng tôi thấy là khả năng người Ukraine sử dụng các hệ thống HIMARS này làm gián đoạn đáng kể khả năng tiến lên của người Nga.”
Trong khi đó, đơn vị quân đội đầu tiên của Ukraine đã có mặt ở Anh để được huấn luyện chiến đấu nhằm bổ sung cho lực lượng tiền tiến, thay thế các binh sĩ đã bị chết và bị thương trong cuộc chiến chống Nga. Nhiều người trong số họ chưa từng có kinh nghiệm quân sự.
Xem thêm:
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 08/7/2022: Trích Phần Diễn Văn Của Tổng Thống Nga Vladimir Putin Về Phương Tây, Cuộc Chiến ở Ukraine Và Trật Tự Thế Giới
Ukrainska Pravda ngày 07/7/2022: On day 134 of the war, Putin decides to ”intimidate” Ukraine: ”We’re only just getting started”
Stars & Stripes ngày 08/7/2022: US to send additional rocket systems, upgraded artillery rounds to Ukraine in new $400 million weapons package
Breaking Defense ngày 08/7/2022: More HIMARS, new 155 mm artillery heading to Ukraine
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ngày 08/7/2022: Ukraine Holding Its Own Against Major World Military Power, U.S. Official Says
Stars & Stripes ngày 10/7/2022: Ukraine soldiers train in UK as war with Russia rages on
Financial Times ngày 12/7/2022: Boris Johnson departure will not affect arms to Ukraine, says UK Nato ambassador. Một bản PDF được lưu ở đây
The Washington Post ngày 11/7/2022: Opinion | Shorten the war. Send 60 HIMARS to Ukraine
Ukraine bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đảm bảo hòa bình
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm thứ Tư ngày 13/7/2022 đã bác bỏ việc nhượng lãnh thổ cho Nga như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào và cho biết không có cuộc đàm phán hòa bình nào đang được tiến hành giữa Moscow và Kyiv.
Xem thêm:
Reuters ngày 13/7/2022: Ukraine rules out ceding territory to Russia to secure peace
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ: Thông tin tình báo cho biết Nga đã yêu cầu Iran khẩn cấp hỗ trợ hàng trăm máy bay không người lái cho cuộc chiến ở Ukraine
“Thông tin của chúng tôi cho thấy rằng chính phủ Iran đang chuẩn bị cung cấp cho Nga tới vài trăm UAV, bao gồm cả các UAV có năng lực mang vũ khí, theo một tiến độ thời gian khẩn cấp,” Sullivan cho biết vào chiều thứ Hai ngày 11/7/2022. Iran cũng đang chuẩn bị huấn luyện các lực lượng Nga sử dụng các UAV này với các khóa huấn luyện ban đầu dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu tháng 7.
Tuy nhiên Sullivan lưu ý rằng hiện không rõ Iran đã giao bất kỳ UAV nào cho Nga hay chưa.
Frederick W. Kagan và cộng sự: Dữ liệu máy bay không người lái của Iran và tiềm năng bán cho Nga
Theo phân tích của nhóm tác giả, Iran đã phát triển một lượng lớn máy bay không người lái được sản xuất trong nước với nhiều năng lực và phạm vi hoạt động khác nhau. Iran đã sử dụng một số máy bay không người lái trong các cuộc tấn công chống lại các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và đã cung cấp một số cho các lực lượng uỷ nhiệm trong khu vực để sử dụng trong các cuộc tấn công như vậy. Phân tích kèm theo bảng dữ liệu không đầy đủ tóm tắt sự đa dạng và các năng lực cơ bản của các máy bay không người lái phổ biến và / hoặc quan trọng nhất của Iran.
Việc cung cấp công nghệ giám sát và mang vũ khí này cho Nga là một dấu hiệu “đáng kể” cho thấy kho dự trữ của Nga có thể bị cạn kiệt và bị hạn chế về các lựa chọn tiếp tế. Tuy nhiên, nguồn cung được bổ sung từ Iran sẽ mở rộng năng lực tấn công đường không của Nga và có khả năng sẽ cho phép các lực lượng Nga thâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine.
Xem thêm:
The White House ngày 12/7/2022: Press Briefing by Press Secretary Karine Jean-Pierre and National Security Advisor Jake Sullivan
Critical Threats ngày 13/7/2022: Iran’s Drone Inventory And Potential Sales To Russia
Ngoại trưởng Iran phản hồi tuyên bố của Cố vấn An ninh Mỹ
Ngoại trưởng Iran khẳng định đất nước của ông phản đối cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, nhưng không nói rõ ràng về việc liệu hợp tác quân sự của Tehran với Moscow có bao gồm việc bán máy bay không người lái có thể mang tên lửa hay không.
“Chúng tôi có nhiều hình thức hợp tác khác nhau với Nga, bao gồm cả trong lĩnh vực quốc phòng. Nhưng chúng tôi sẽ không giúp đỡ cả hai bên tham gia vào cuộc chiến này vì chúng tôi tin rằng [cuộc chiến] cần phải được dừng lại,” Abdollahian trả lời.
Xem thêm:
Defense News ngày 13/7/2022: Iranian envoy responds to US claim it’s selling drones to Russia
Diện tích mộ quy mô lớn ở Mariupol tăng gần gấp đôi trong hai tháng
Schemes, một dự án điều tra của Radio Free Europe/Radio Liberty, đã phân tích dữ liệu vệ tinh của Planet Labs và báo cáo rằng hơn 15.000 người có thể đã được chôn cất trong một nghĩa địa tập thể ở Mariupol, hiện đang bị quân Nga chiếm đóng sau một cuộc bao vây kéo dài nhiều tháng.
Xem thêm:
RFE/RL ngày 07/7/2022: Місця масових поховань у селищі Старий Крим біля Маріуполя збільшились вдвічі – «Схеми»
The Atlantic ngày 12/7/2022: The Hate I Feel
“Làm ơn hãy để chúng tôi vào!” Cơ quan Y tế Liên Hợp Quốc khẩn cầu được tiếp cận người bệnh và bị thương mắc kẹt trong vùng chiến sự Ukraine
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc (WHO) hôm thứ Sáu ngày 08/7/2022 đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp về việc tiếp cận những người bị bệnh và bị thương đang mắc kẹt trong những vùng chiến sự, bao gồm “hàng trăm” nạn nhân bom mìn, “trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, nhiều người trong số họ đã bị bỏ lại phía sau.”
Hơn bốn tháng rưỡi kể từ khi Nga xâm lược, dân thường tiếp tục là mục tiêu trong các vụ nổ và tấn công tên lửa, đặc biệt là ở các thành phố phía đông bao gồm Donetsk, Sloviansk, Makiivka, Oleksandrivka và Yasynuvata, nhưng cũng ở các tháp pháo phía nam, ở Odessa và Mykolaiv.
Các quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc từ lâu đã kêu gọi thiết lập các hành lang nhân đạo để cho phép cung cấp hỗ trợ liên tục và an toàn cho các nhóm dân cư cực kỳ dễ bị tổn thương ở Ukraine. Nhưng Văn phòng Điều phối Các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc thường xuyên cho biết việc tiếp cận ở nhiều nơi vẫn còn quá nguy hiểm hoặc bị chặn.
Xem thêm:
United Nations ngày 08/7/2022: Ukraine war: ‘Please, let us in,’ WHO issues plea to reach sick and injured
Stars and Stripes ngày 10/7/2022: 15 killed in Russian strike in Ukraine; 20 believed trapped
Tin tặc Nga bị cáo buộc tấn công mạng nhằm vào công ty năng lượng DTEK Group của Ukraine
DTEK Group, tập đoàn năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, đã bị một nhóm tin tặc của Nga tấn công mạng, được cho là để trả đũa vì ông chủ tập đoàn phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Theo DTEK Group, cuộc tấn công của tin tặc nhằm “làm mất ổn định quy trình công nghệ” của các công ty phân phối và phát điện, tuyên truyền về hoạt động của công ty và “khiến người tiêu dùng Ukraine không có điện.”
Xem thêm:
Cyber Security Connect ngày 08/7/2022: Russian hackers blamed for cyber attack on Ukrainian energy firm DTEK Group
Phần Lan củng cố hàng rào chắn ở biên giới với Nga
Vào ngày 07/7/2022, quốc hội Phần Lan đã bỏ phiếu ủng hộ luật cho phép dựng rào chắn dọc theo biên giới của nước này với Nga và đóng cửa đối với những người xin tị nạn khi xảy ra tình huống đặc biệt. Trong bối cảnh lo ngại rằng Nga có thể trả đũa Phần Lan về kế hoạch gia nhập NATO, luật này nhằm “cải thiện năng lực hoạt động của lực lượng bảo vệ biên giới trong việc ứng phó với các mối đe dọa kết hợp,” theo một nguồn tin của Bộ Nội vụ Phần Lan được Reuters trích dẫn.
Xem thêm:
Reuters ngày 07/7/2022: Finland passes laws to strengthen security on Russian border
Nga thu được 24 tỷ USD từ việc bán nhiên liệu hóa thạch cho Trung Quốc và Ấn Độ
Khi giá năng lượng tăng vọt do Nga xâm lược Ukraine, vào cuối tháng 5, Nga đã bán dầu, khí đốt và than đá trị giá gần 19 tỷ USD cho Trung Quốc, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Ấn Độ xuất kho khoảng 5 tỷ USD trong cùng kỳ, gấp 5 lần so với một năm trước. Theo nhà phân tích Lauri Myllyvirta, Trung Quốc đang mua “về cơ bản mọi thứ mà Nga có thể xuất khẩu thông qua các đường ống và các cảng ở Thái Bình Dương.”
Xem thêm:
Bloomberg ngày 06/7/2022: China, India Funnel $24 Billion to Putin in Energy Spree Since Ukraine War. Một bản PDF được lưu ở đây
Đức, Cộng hòa Séc cam kết đoàn kết khi dòng khí đốt của Nga ngừng hoạt động. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ tới Châu Á vận động giới hạn giá dầu của Nga
Đức và Cộng hòa Séc hôm thứ Hai 11/7/2022 ngày đã ký một tuyên bố chung, cam kết khắc phục sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp nhằm giảm đe dọa an ninh nguồn cung trên toàn Châu Âu.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đức Jörg Kukis cho biết Đức sẽ ngừng mua than của Nga từ ngày 1/8 và từ ngày 31/12 sẽ từ chối dầu của Nga. Theo Reuters, Nga chiếm 40% lượng than nhập khẩu và 40% lượng dầu nhập khẩu của Đức.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã bắt tay vào một cuộc vận động hành lang quốc tế nỗ lực giải quyết các thách thức kỹ thuật và ngoại giao đối với kế hoạch giới hạn giá dầu của Nga, một đề xuất mà bà cho rằng sẽ ngăn chặn được suy thoái toàn cầu. Mục tiêu của đề xuất giới hạn giá, mà bà Yellen đã ủng hộ trong nhiều tháng, là gấp đôi: giảm giá năng lượng bằng cách giữ cho dầu của Nga chảy ra thị trường toàn cầu và hạn chế doanh thu mà Nga thu được từ việc bán hàng.
Xem thêm:
Reuters ngày 11/7/2022: Germany, Czech Republic pledge solidarity as Russian gas flows stop
Reuters ngày 11/7/2022: Europe on edge as Nord Stream Russian gas link enters shutdown
The Wall Street Journal ngày 11/7/2022: Janet Yellen Begins Asia Trip to Win Support for Cap on Russian Oil Price. Một bản PDF được lưu ở đây
Bloomberg ngày 13/7/2022: Shunned in Europe, Russian Fuel Floods Middle East Following Ukraine War. Một bản PDF được lưu ở đây
Stars & Stripes ngày 12/7/2022: Russian fuel use by US military drives congressional push for energy independence on bases in Europe
Signal: Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu tồi tệ nhất từ trước đến nay
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đã làm cho tình hình năng lượng khó khăn trở nên tồi tệ hơn và không có hồi kết. Như nhận định của người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế: “Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn như vậy về độ sâu và mức độ phức tạp của nó.” “Chúng ta có thể chưa thấy điều tồi tệ nhất của nó.”
Chúng ta đã chứng kiến tổn thất dưới dạng thiếu hụt năng lượng và chi phí cao hơn cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, với những hậu quả kinh tế và chính trị ở mọi khu vực trên thế giới. Tác động đối với nền kinh tế Sri Lanka giải thích những gì mà những người biểu tình đã làm trong bể bơi của tổng thống của họ vào cuối tuần trước. Nó giải thích tám ngày biểu tình ở Panama, nơi những người biểu tình buộc chính phủ giảm giá nhiên liệu xuống 24%. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo Châu Âu hiện đang chạy đua để lấp đầy lượng khí đốt tự nhiên trong kho dự trữ của họ lên ít nhất 80% công suất vào tháng 11 để chuẩn bị cho tình huống Nga gây khó khăn cho mùa đông sắp tới. Và đó là lý do chính mà Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có mặt ở Riyadh trong tuần này để bắt tay với một thái tử của vương quốc mà ông từng gọi là “pariah”.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 12/7/2022: Worst of Global Energy Crisis May Still Be Ahead, IEA Says. Một bản PDF được lưu ở đây
BBC News ngày 09/7/2022: Sri Lanka crisis: Protesters swim in president’s pool
BBC ngày 12/7/2022: Panama president reduces petrol prices following protests
European Parliament ngày 23/6/2022: Parliament approves plans to restock gas reserves before winter
GZero ngày 12/7/2022: Crow on the menu during Biden’s trip to Saudi Arabia
Politico ngày 12/7/2022: ‘Even if it hurts’: Biden’s Middle East trip could bring short-term pain for long-term gain
Ngân hàng HSBC của Anh đàm phán để bán đơn vị ở Nga
Ngân hàng HSBC Holdings đang đàm phán để bán đơn vị ở Nga cho công ty cho vay địa phương Expobank, Reuters dẫn nguồn tin am hiểu về vấn đề này cho biết. Theo Giám đốc Tài chính Ewen Stevenson của HSBC, mảng kinh doanh cho vay doanh nghiệp của HSBC đã tuyển dụng khoảng 200 người trước cuộc xâm lược ngày 24/02/2022.
Xem thêm:
Reuters ngày 06/7/2022: HSBC in talks to sell Russian lending business to Expobank -source
Cơ quan Vũ trụ Châu Âu ngừng hợp tác với Nga trong sứ mệnh khám phá sao Hỏa
Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã quyết định chấm dứt hợp tác với cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos trong sứ mệnh ExoMars-2022, Tổng giám đốc ESA Josef Ashbacher thông báo ngày 12/7/2022.
Xem thêm:
Thông báo của Tổng Giám đốc ESA
———-
X- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN
David Hutt: Việt Nam thận trọng đánh giá về căn cứ Trung Quốc tại Campuchia
Bài viết chỉ ra các nhà phân tích vẫn đang có quan điểm trái ngược về trước các thông tin Trung Quốc bí mật đạt thỏa thuận về căn cứ hải quân với Campuchia. Một số, như Collin Koh, cho rằng căn cứ này không gây ra thay đổi lớn vì Trung Quốc và Campuchia cố gắng không kích động Việt Nam. Số khác, như Zachary Abuza, chỉ ra căn cứ có thể giúp Trung Quốc tăng khả năng tình báo tín hiệu, hoặc như Alexander Vuving, cho rằng căn cứ tạo thế gọng kìm với Việt Nam – và sự hiện diện của Trung Quốc tại Ream sẽ là “điểm không thể quay đầu” trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc lẫn Campuchia. Về phần mình, Andreyka Natalegawa chỉ ra căn cứ có tính biểu tượng cao.
Gregory Poling giải thích sự im lặng của các nước Đông Nam Á – như Việt Nam và Thái Lan – đến từ việc họ không có cách nào khác để ngăn chặn. Trong khi đó, Natalie Sambhi chỉ ra nguyên tắc không can thiệp và việc khu vực đã có các căn cứ của Mỹ cũng cản trở các nước phản ứng.
Bài viết cũng trích dẫn một nguồn tin từ Việt Nam cho biết dù một số ý kiến bày tỏ lo ngại, Việt Nam đã nhất trí với chính sách không phản ứng quá mức và tương tác ngoại giao với Campuchia, cũng như trao đổi với Mỹ về vấn đề này.
Xem thêm:
Asia Times ngày 30/6/2022: Vietnam warily weighs a China base in CambodiaVietnam warily weighs a China base in Cambodia
Blake Herzinger: Tại sao các nước ASEAN ven biển nên lo ngại về căn cứ Ream của Campuchia
Theo tác giả, dù căn cứ Ream ít giúp Trung Quốc thay đổi cán cân lực lượng với Mỹ, nó cho phép hải quân nước này tiếp cận với địa điểm bảo dưỡng, tiếp tế, qua đó tăng cường năng lực tại Đông Nam Á và gia tăng sức mạnh tương đối với các nước trong khu vực và có lợi thế trong các tranh chấp lãnh thổ. Tác giả cũng cho rằng việc Campuchia lần thứ hai có các hành động đơn phương làm tổn hại tới lợi ích các nước trong khu vực trong năm làm Chủ tịch ASEAN là điều các nước khác trong khối nên quan ngại.
Xem thêm:
Straits Times ngày 05/7/2022: Why Asean littoral states should worry about Cambodia’s Ream base. Một bản PDF được lưu trữ tại đây
Đánh giá về Khung Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Ấn Độ và Đông Nam Á
Trên Eurasia Review, tác giả Subrata Majumder nhận định Khung Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) có thể giúp Ấn Độ bớt phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc để duy trì chuỗi cung ứng – như các sản phẩm viễn thông, điện tử… – và là phương án tốt hơn RCEP, hiệp định mà Ấn Độ đã rút khỏi. IPEF bao gồm một số quốc gia mới nổi (như Việt Nam) và có thể trở thành phương án thay thế cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, IPEF cũng không phải khối thị trường tự do kiểu cũ mà còn là một liên minh kinh tế nhằm chống lại vị thế thống trị của Trung Quốc trong khu vực.
Trên Foreign Policy, tác giả Robert D. Atkinson cho rằng nước Mỹ không thể tiếp tục đánh đổi sự tiếp cận thị trường để lấy ảnh hưởng chính trị vì sẽ dẫn tới tình trạng “ngồi không hưởng lợi” (free-ride) – ông thậm chí đề xuất tăng thuế đối với các nước không gia nhập IPEF. Theo tác giả, IPEF nên hướng đến xây dựng các liên kết về thị trường và kinh doanh để hai bên cùng hưởng lợi.
Trên Diplomat, tác giả Shruti Pandalai chỉ ra ASEAN và Ấn Độ có các điểm tương đồng giữa cạnh tranh Mỹ – Trung. Theo tác giả, hai bên sẽ cần xác định các lĩnh vực có thể tăng cường quan hệ – như kỹ thuật số, công nghệ xanh, thị trường carbon… Hai bên cũng cần hợp tác trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong khu vực Mekong, và đề ra các sáng kiến mới – các sáng kiến này có thể thu hút nguồn lực từ nhóm Quad. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có thể đóng vai trò cầu nối giữa ASEAN và Quad để xây dựng lòng tin chiến lược.
Xem thêm:
Eurasia Review ngày 30/6/2022: Can IPEF Outweigh India’s Over Dependency On China For Supply Chain? – Analysis
Foreign Policy ngày 1/7/2022: Biden’s Indo-Pacific Economic Framework Is a Paradigm Shift
Diplomat ngày 2/7/2022: Can India and ASEAN Lean on Each Other Amid ‘Systemic’ China-US Competition?
Sabine Mokry: Sự không nhất quán trong bản dịch thuật chính thức các tuyên bố đối ngoại của Trung Quốc
Tác giả chỉ ra giữa bản gốc bằng tiếng Trung và bản dịch chính thức tiếng Anh của các văn bản đối ngoại Trung Quốc có sự khác biệt trên cả 3 dạng: Các khác biệt nhỏ không ảnh hưởng đến ngữ nghĩa, các khác biệt chỉ ảnh hưởng đến mức độ, và các khác biệt tác động đến ngữ nghĩa. Tác giả cũng chỉ ra ở các văn bản mang tính chất chiến lược, các khác biệt lớn xuất hiện nhiều hơn, trong khi ở các văn bản mang tính hoạch định chính sách, các khác biệt nhỏ nổi trội hơn. Văn bản gốc tiếng Trung thường có xu hướng chi tiết hơn, sử dụng các từ ngữ mạnh mẽ hơn so với bản dịch tiếng Anh.
Xem thêm:
USCNPM ngày 13/6/2022: What’s Lost in Translation? Discrepancies in Official Translations of China’s Foreign Policy Statements
Richard McGregor & Neil Thomas: Trung Quốc chuẩn bị cho thế hệ ngoại giao cứng rắn tiếp theo
Theo các tác giả, việc bộ đôi Dương Khiết Trì – Vương Nghị chuẩn bị nghỉ hưu mở đường cho một thế hệ lãnh đạo đối ngoại mới của Trung Quốc với quan điểm cứng rắn hơn trong bối cảnh Trung Quốc đã không còn “giấu mình chờ thời”. Bài viết chỉ ra các ứng viên tiềm năng bao gồm (dù vẫn chưa rõ ràng): Tống Đào, Lưu Kết Nhất, Mã Triêu Húc, Tạ Phong, Đặng Lệ… hay các cái tên bên ngoài Bộ Ngoại giao. Theo tác giả, các lãnh đạo ngành ngoại giao mới sẽ tập trung vào quan hệ với Nga, thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Bắc Kinh trong thế giới phi phương Tây, cũng như bảo vệ mô hình chính trị và yêu sách lãnh thổ của nước này.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 06/7/2022: The next wolf warriors: China readies new generation of tough diplomats
James Ridley-Jones: Đánh giá vị thế “siêu cường” của Trung Quốc
Tác giả chỉ ra cuộc chiến tại Ukraine cho thấy sự khác biệt giữa cách thế giới đánh giá về một siêu cường và khả năng thực sự của họ. Tác giả cho rằng đánh giá hiện nay tại nước Mỹ về vị thế siêu cường của Trung Quốc đều dựa trên quan niệm về khả năng thực thi quyền lực của nước này, thay vì sức mạnh thực sự. Trên thực tế, có những lúc quan niệm và thực tế có sự không tương đồng – như ảnh hưởng kinh tế của nước này tại Serbia.
Xem thêm:
Divergent Options ngày 20/6/2022: Assessing China as a Superpower
Hannah Elyse Sworn và Manoj Harjani: Cạnh tranh kinh tế Mỹ – Trung phụ thuộc vào công nghệ
Theo các tác giả, bất chấp việc các bằng sáng chế của Trung Quốc đã tăng về số lượng, nước này vẫn thua xa Mỹ về chất lượng. Các tác giả cho rằng nguyên nhân Trung Quốc chưa thành công đến từ sự can thiệp của nhà nước vào lĩnh vực này – bao gồm đầu tư vào các doanh nghiệp, lĩnh vực thiếu hiệu quả và siết chặt kiểm soát. Theo các tác giả, chừng nào Trung Quốc chưa giải quyết được các hạn chế của chính sách đổi mới sáng tạo “từ trên xuống”, Mỹ sẽ vẫn giữ vị thế thống trị về bằng sáng chế chất lượng cao.
Xem thêm:
East Asia Forum ngày 29/6/2022: US–China economic competition rests on intellectual property
Richard Heydarian: Cả G7 và BRICS đều không đủ năng lực để hồi sinh thế đối đầu lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh. David Uren: Liệu BRICS có thể trở thành khối chống G7 như mong muốn của Nga và Trung Quốc không?
Các hội nghị thượng đỉnh liên tiếp của các nhóm G7 và BRICS đã được tổ chức liền nhau trong cuối tháng 06/2022, gợi lại hình ảnh của thế đối đầu lưỡng cực giữa khối các quốc gia dân chủ và chuyên chế thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, tác giả Heydarian lập luận rằng trên thực tế, cả hai khối này đều không đủ năng lực cũng như sự đoàn kết để tạo ra trật tự thế giới lưỡng cực, và các quốc gia trung lập chỉ theo đuổi lợi ích quốc gia như Ấn Độ đang tích cực ngăn chặn sự hình thành của thế lưỡng cực này. Hơn nữa, các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, và phát triển hạ tầng sẽ tiếp tục tạo ra nhu cầu hợp tác giữa hai khối G7 và BRICS để bảo vệ lợi ích chung.
Cùng chung nhận định, tác giả Uren đi sâu vào năng lực của các quốc gia thành viên BRICS, và đánh giá rằng: (i) do quan hệ thương mại và đầu tư giữa các quốc gia thành viên rất yếu, gần như không phát triển kể từ năm 2011, khả năng thành lập một khối thương mại tự do hay một đồng tiền dự trữ chung giữa các thành viên BRICS là khó có thể xảy ra; (ii) do những khác biệt trong lập trường và lợi ích quốc gia, các thành viên BRICS khó có thể đạt được đồng thuận trong việc chấp nhận các thành viên mới gia nhập khối. Vì những yếu tố này, BRICS khó có thể trở thành một khối đối đầu với G7, kể cả khi G7 đôi khi không thật sự đoàn kết về mặt chính trị.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 4/7/2022: Both G7 and BRICS lack the dominance to resurrect grand rivalries of Cold War power politics
ASPI ngày 5/7/2022: Can BRICS become the anti-G7 that Russia and China want it to be?
Ali Ahmadi: Cuộc chiến Nga – Ukraine và những hàm ý cho địa kinh tế của Châu Á
Tác giả đánh giá rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang tạo ra nhiều hàm ý cho thương mại Đông – Tây và địa kinh tế tại Châu Á. Theo tác giả, đang tồn tại ba xu hướng thay đổi đối với thương mại tại Châu Á, bao gồm: (i) vành đai “Cầu lục địa Á – Âu mới” đi qua Nga đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, do đó Trung Quốc đang tìm cách khai thác tuyến vận tải vành đai đi qua Iran; (ii) các quốc gia Trung và Nam Á đang tìm kiếm một tuyến đường vận tải đường bộ khác tới Châu Âu để tránh vận chuyển qua Nga, và đang tập trung vào Iran như một lựa chọn phù hợp; (iii) Nga đang tìm kiếm phương án vận chuyển hàng hóa tới Ấn Độ, quốc gia trung lập tiếp tục duy trì giao thương với nước này, và tuyến đường qua Iran đang nổi lên như một lựa chọn phù hợp thay thế cho kênh đào Suez. Ba xu hướng này đều nhấn mạnh vào vai trò của Iran như một quốc gia quan trọng trên tuyến giao thương Đông – Tây, do đó tác giả dự báo rằng nếu một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran có thể đạt được, Iran có thể trở thành một đầu mối giao thương quan trọng của khu vực, thay đổi cục diện thương mại của Châu Á.
Xem thêm:
The Diplomat ngày 02/7/2022: Russia-Ukraine War: Implications for Asian Geoeconomics
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.
[…] Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 15/7/2022: Bản Tin Biển Đông Số 114 […]
LikeLike