(Tuần từ 11/7 – 18/7/2022)
Thực hiện: Ngô Trung Hiếu, Lưu Việt Hà, Trần Phạm Bình Minh, Đinh Tùng Lâm, Hương Nguyễn, Nguyễn Nhật Minh
Biên tập: Phạm Huệ Việt
Tư liệu: South China Sea News

Tải bản PDF ở
—————
Trong Bản Tin Biển Đông Số 115 có những nội dung sau:
I- VÉN MÀN HUYỀN THOẠI
II- TRÊN BIỂN
III- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ
IV- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ – MẠNG
V- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
VI- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
VII- ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG & CHÂU ÂU – ĐẠI TÂY DƯƠNG
VIII- CUỘC CHIẾN CỦA NGA Ở UKRAINE
IX- CÁC KHỐI KINH TẾ
X- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN
XI- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – BÁO CÁO CHÍNH SÁCH
—————
I- VÉN MÀN HUYỀN THOẠI
NATO chưa bao giờ là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chiến của Tổng thống Putin
Các tác giả Natalia Antanova, Robert Kelly, và Christoph Bluth đã có các bài phân tích khẳng định rằng trái với những lời tuyên bố trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, NATO chưa bao giờ thực sự là nguyên nhân chính cho cuộc chiến này. Thay vào đó, các tác giả lập luận rằng mặc dù NATO mở rộng là một lo ngại đối với Putin, trên thực tế chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc Nga do Putin đứng đầu mới thực sự là nguyên nhân cốt lõi của quyết định tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, các tác giả công nhận rằng NATO đóng một vai trò nhất định dẫn tới quyết định tấn công. Putin và giới lãnh đạo Nga tin rằng nước Nga có đặc quyền sở hữu một “vùng ảnh hưởng” tại Đông Âu, và các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Ukraine và Belarus, thực chất là những vùng đất bị tách khỏi “nước Nga lớn” do sai lầm thời Liên Xô. Những cá nhân này tin rằng với việc sở hữu “vùng ảnh hưởng” này, nước Nga có thể tìm lại được vinh quang nước lớn trong quá khứ. Niềm tin này phủ nhận hoàn toàn quyền độc lập về chính sách đối ngoại của các dân tộc láng giềng, dẫn tới việc các quốc gia này phải tìm kiếm sự bảo vệ từ các đối tác khác, bao gồm tìm cách gia nhập NATO. Các quốc gia như Ukraine, Georgia, Moldova đã công khai tìm kiếm sự bảo vệ từ NATO, trong khi các láng giềng khác tại Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Azerbaijan thì tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, EU, hay Trung Quốc để làm đối trọng với Nga. Như vậy, có thể nói NATO không phải là mối đe dọa an ninh để buộc Nga phải gây chiến để “tự vệ”, mà NATO là một chướng ngại vật cần phải gạt bỏ để hiện thực hóa chủ nghĩa đế quốc của Nga. NATO chưa bao giờ là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chiến tại Ukraine.
Xem thêm:
Foreign Policy ngày 5/7/2022: Putin’s War Was Never About NATO. Một bản PDF được lưu ở đây.
19fortyfive ngày 14/7/2022: Putin’s Ukraine War Is Not About NATO, But Dead Imperial Dreams
The Conversation ngày 15/7/2022: Russia’s neighbours are looking towards the EU or China for protection
———–
II- TRÊN BIỂN
Các quốc gia đồng loạt nâng cấp đảo ở Biển Đông
Báo cáo của AMTI chỉ ra bên cạnh Việt Nam, cả Trung Quốc, Philippines và Đài Loan đều có các hoạt động xây dựng ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các hoạt động của Trung Quốc bao gồm mở rộng bến cảng, xây dựng công trình mới – bao gồm một số công trình lạ màu xanh lam. Trong khi đó, Philippines cải tạo đường băng trên đảo Thị Tứ, sửa chữa các tòa nhà bị hư hại do bão Rai, cũng như nâng cấp một số thực thể khác. Đài Loan cũng cải tạo quy mô nhỏ ở đảo Ba Bình.
Xem thêm:
AMTI ngày 8/7/2022: More Island Upgrades Across the South China Sea
Trung Quốc tập trận trong khu vực rộng lớn ở phía bắc Biển Đông, bao trùm một phần Hoàng Sa
Cục Hải sự Hải Nam ngày 15/7/2022 thông báo nước này sẽ tổ chức tập trận trong một khu vực rộng lớn ở Biển Đông, bao trùm một phần Hoàng Sa, trong 4 ngày từ 17-20/7.
Trả lời câu hỏi về thông báo này, Phó phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: Lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc diễn tập quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được nêu trong phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 23/6/2022. “Một lần nữa, chúng tôi kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Trước đó, chiều 23/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc phía Trung Quốc thông báo tập trận quân sự từ ngày 19/6 tại khu vực nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không tái diễn vi phạm tương tự. Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.
Xem thông báo tại đây
Máy bay chiến đấu Trung Quốc tương tác ‘không an toàn’ với máy bay quân sự Mỹ vào tháng 6. Vị tướng cao cấp nhất Mỹ yêu cầu đánh giá toàn diện các tương tác quân sự Mỹ – Trung trong vòng 5 năm qua
Vụ việc hồi tháng 6 liên quan đến một chiếc Su-30 của Trung Quốc và một chiếc C-130 của Mỹ. Máy bay Hoa Kỳ là một biến thể máy bay chở hàng Lockheed Martin C-130 thuộc lực lượng các chiến dịch đặc biệt. Những nguồn tin ẩn danh đã không cung cấp thông tin chi tiết về vụ việc, bao gồm cả ngày tháng chính xác, nhưng cho biết Lầu Năm Góc đã gọi những hành vi đó của Trung Quốc là “không an toàn” và “không chuyên nghiệp.”
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng, Trung tá Martin Meiners, từ chối bình luận về sự cố này, và chỉ nói chung chung rằng “các phi hành đoàn của chúng tôi thường xuyên gặp phải các vụ chặn nhưng chúng diễn ra an toàn và chuyên nghiệp. Nếu xảy ra điều ngược lại, chúng tôi có các trình tự để giải quyết vấn đề.”
Trong khi đó, theo CNN dẫn các nguồn tin quốc phòng cho biết Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley ra lệnh xem xét toàn diện các tương tác quân sự Mỹ-Trung trong 5 năm qua. Ông Milley muốn hiểu chi tiết về tất cả các tương tác giữa quân đội hai nước, đặc biệt là bất kỳ hành vi nào có thể bị coi là “không an toàn” hoặc “không chuyên nghiệp” do máy bay hoặc tàu của Trung Quốc hoạt động quá gần tài sản quân sự của Hoa Kỳ. Các quan chức nói với CNN rằng mục đích là để có một cái nhìn chắc chắn về bất kỳ thay đổi nào trong các mô hình hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Xem thêm:
Politico ngày 14/7/2022: Chinese fighter jet had ‘unsafe’ interaction with US military plane in June
CNN ngày 18/7/2022: Top US general orders comprehensive review of US-China military interactions
Trung Quốc triển khai lực lượng hàng hải cứu hộ ở quần đảo Trường Sa như một dịch vụ công ích trong khu vực trong nỗ lực thống trị Biển Đông mà không cần nổ súng
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc hôm 16/7/2022 thông báo một lực lượng bay cứu hộ của Bộ đã được triển khai tới quần đảo Trường Sa để “thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ khẩn cấp, thực hiện các nhiệm vụ như giám sát an toàn giao thông hàng hải và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm tàu thuyền trong khu vực và đảm bảo an toàn hàng hải và các hoạt động sản xuất ở các quốc gia ven biển. Đồng thời, các văn phòng phụ trách các vấn đề hàng hải của Đá Chữ Thập, thực thể Vành Khăn và Xubi cũng đã được triển khai. Nỗ lực kết hợp này có thể giúp đảm bảo hàng hải an toàn và các hoạt động sống và làm việc bình thường của người dân sống trong khu vực.
Thông báo viết rằng cam kết này thể hiện dịch vụ công ích của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế và là một hành động cụ thể để chủ động gánh vác các trách nhiệm quốc tế.
Cách đây 7 năm, vào năm 2015, trong một bài viết dự đoán các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông đăng tải trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, Alexander Vuving, một giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye tại Honolulu, đã nhận định rằng cách tiếp cận của Trung Quốc pha trộn các yếu tố cưỡng chế với các yếu tố hợp tác, sử dụng sự hợp tác để thu hút và bẫy đối phương vào sự cưỡng chế. Trung Quốc có thể cung cấp các cơ sở của mình trên đảo nhân tạo cho các lợi ích chung trong khu vực, làm bàn đạp cho các hoạt động nhân đạo hay hợp tác nhằm gây sự chú ý cao và lôi kéo các quốc gia khác trong khu vực. Đối với những quốc gia không có tranh chấp đảo hay biển với Bắc Kinh ở Biển Đông, điều này sẽ tạo thêm một động lực để ngầm chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc.
Xem thêm:
China Daily ngày 16/7/2022: Maritime rescue forces deployed at Nansha Islands
ECNS ngày 18/7/2022: Maritime forces provide safe haven for public
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 21/02/2016: Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông?
Nhóm tàu sân bay tấn công Ronald Reagan hoạt động ở Biển Đông
Nhóm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN76 đã bắt đầu hoạt động ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 13/7/2022 Nhóm tàu sẽ tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị trên không và trên bộ, theo thông cáo của Hạm đội 7.
Xem thêm:
Hạm đội 7 ngày 13/7/2022: Ronald Reagan Carrier Strike Group Operates in the South China Sea
USNI News ngày 13/7/2022: Ronald Reagan Carrier Strike Group Now in South China Sea
USS Benfold tiếp tục thực hiện Tự do Hải hành lần thứ hai ở quần đảo Trường Sa, nơi tàu nghiên cứu Trung Quốc đang hoạt động trên phạm vi rộng lớn
Sau chuyến Tự do Hải hành ở quần đảo Hoàng Sa, vào ngày 16/7/2022, tàu sân bay USS Benford (DDG 65) tiếp tục thực hiện tự do đi lại vô hại ở quần đảo Trường Sa nhằm thách thức yêu cầu phải xin phép hoặc thông báo trước mà Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đặt ra.
Như đã đưa tin trong Bản Tin Biển Đông Số 114, tại quần đảo Trường Sa đang diễn ra hoạt động của tàu Đại Dương Hiệu với khu vực tác nghiệp giữa các thực thể do Trung Quốc và Việt Nam kiểm soát.
Xem thêm:
Tư lệnh Hạm đội 7 ngày 15/7/2022: 7th Fleet Destroyer conducts Freedom of Navigation Operation in South China Sea
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 15/7/2022: Bản Tin Biển Đông Số 114
Trung Quốc, Nga gia tăng các hoạt động quân sự xung quanh Nhật Bản lên tới 2,5 lần kể từ cuộc chiến tại Ukraine
Ngày 14/7/2022, Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố báo cáo cho biết đã có 90 hoạt động quân sự của các tàu và máy bay quân sự Trung Quốc và Nga hoạt động gần Nhật Bản trong vòng bốn tháng kể từ khi cuộc chiến diễn ra. Giai đoạn bốn tháng trước đó chỉ ghi nhận 35 hoạt động. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho rằng bản chất của các hoạt động quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc tại đây có sự thay đổi, có thể là hai nước này đang huấn luyện tác chiến chung tại vùng biển xung quanh Nhật Bản. Nhật Bản cũng cho biết cường độ hoạt động chung tăng mạnh xung quanh các sự kiện của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhật Bản trong tháng 5/2022. Giáo sư Ken Jimbo của Đại học Keio cho biết: “Những hành động này là để gửi thông điệp tới chúng ta: ‘Đây là những gì chúng ta có thể làm cùng nhau nếu cần thiết’. Đây là những hoạt động quân sự cấp độ cao, với mục tiêu mô phỏng chiến đấu thực tế”.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 14/7/2022: China, Russia military activity near Japan up 2.5 times since Ukraine
Mỹ – Nhật tập trận trên không trên các vùng biển xung quanh Nhật Bản
Mỹ và Nhật Bản đã cử 52 máy bay quân sự tập trận trên các vùng biển xung quanh Nhật Bản trong những ngày và vài tuần sau khi các tàu chiến của Nga và Trung Quốc xâm phạm cùng khu vực.
Xem thêm:
Stars & Stripes ngày 15/7/2022: Combined US-Japan air exercise shows response to foreign naval activity, expert says
Lần đầu tiên, máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung
Lực lượng không quân Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã lần đầu tiên tập trận không chiến chung với máy bay chiến đấu tàng hình F-35A Lightning II của cả hai nước. Quân đội Hàn Quốc đã mua khoảng 40 chiếc F-35 từ Mỹ vào năm 2014 và nhận chiếc máy bay đầu tiên được giao vào năm 2019. Theo Thiếu tá không quân Hàn Quốc Kwon Haebin, cuộc tập trận tượng trưng cho liên minh Hoa Kỳ-Hàn Quốc và hai bên đã chia sẻ các chiến thuật dành riêng cho máy bay tàng hình trong quá trình thực hành các đội hình tấn công và đánh chặn đường không khi bị chia cắt (một cách mô phòng) bởi các lực lượng đối phương hay bạn bè.
Xem thêm:
Stars and Stripes ngày 14/7/2022: US, South Korean F-35 stealth fighters conclude joint drill
U.S. Indo – Pacific Command ngày 19/7/2022: US F-35’s Conduct Combined Training with Republic of Korea Air Force
Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẵn sàng khôi phục tập trận quân sự “Ulchi-Freedom Guardian” vốn bị Bắc Hàn coi là diễn tập xâm lược
Ulchi-Freedom Guardian là một phần của khoá đào tạo quân sự của Bộ Chỉ huy Lực lượng Liên Hợp Hoa Kỳ – Hàn Quốc, được coi là cuộc diễn tập chỉ huy quân sự lớn nhất thế giới. Cuộc tập trận là dịp để đào tạo các chỉ huy của hai quốc gia về lập kế hoạch thời chiến, hoạt động chỉ huy và kiểm soát, các trình tự tình báo, hậu cần và nhân sự cần thiết để bảo vệ Hàn Quốc khi bị lực lượng nước ngoài xâm lược. Bắc Triều Tiên đã phản đối kịch liệt và coi đây là diễn tập để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược Bắc Hàn. Năm 2018, Tổng thống Trump huỷ bỏ cuộc tập trận như một trong những điều kiện trao đổi nhằm yêu cầu Bắc Hàn phi hạt nhân hoá.
Các quan chức Seoul cho biết Hàn Quốc và Mỹ dự kiến sẽ hồi sinh cuộc tập trận này, trong bối cảnh các đồng minh đang nỗ lực tăng cường năng lực răn đe đối với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang gia tăng của Triều Tiên.
Xem thêm:
Yonhap News ngày 21/7/2022: S. Korea, U.S. poised to reinstate combined drills abolished in 2018
Máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ được triển khai tới Căn cứ Không quân Hoàng gia Úc Amberley. Thuỷ quân lục chiến Mỹ tại Darwin tập trận chung với quân đội và không quân Úc
Ít nhất 4 máy bay ném bom tàng hình B-2 có năng lực mang bom hạt nhân đã bay gần 14.000 km từ Căn cứ Không quân Whiteman ở Missouri hạ cánh xuống Căn cứ Amberley của Không quân Hoàng gia Úc trong tuần vừa rồi. Chuyến thăm là một phần của sáng kiến tăng cường hợp tác không quân giữa Mỹ và Úc nhằm cải thiện năng lực tương tác giữa các lực lượng không quân của hai nước đồng minh. Lực lượng Không quân Hoa Kỳ cho biết việc triển khai cũng thể hiện và tăng cường sự “sẵn sàng và năng lực sát thương của lực lượng tấn công tầm xa” của Mỹ. Cuộc tập trận thể hiện cả những nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường liên minh Úc – Mỹ và mong muốn của Mỹ trong việc duy trì một lực lượng quân sự mạnh trong khu vực.
Cũng trong tuần vừa rồi, Lực lượng Luân phiên Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại căn cứ Darwin đã cùng Quân đội Úc và Không quân Hoàng gia Úc tiến hành Cuộc tập trận Koolendong tại Lãnh thổ phía Bắc và sẽ kéo dài cho đến ngày 02/8/2022. Các cuộc tập trận được thiết kế để mô phỏng phản ứng đối với một cuộc khủng hoảng an ninh khu vực và sẽ bao gồm các yếu tố của một một chiến dịch hiệp đồng tác chiến đổ bộ đường biển. Người phát ngôn của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cho biết các binh lính và phương tiện sẽ di chuyển từ Darwin đến Broome ở Tây Úc để “phỏng theo những khoảng cách xa xôi và môi trường khắc khổ mà chúng ta có thể hoạt động trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”
Xem thêm:
APDR ngày 12/7/2022: B-2 Spirit stealth bombers deploy to RAAF Base Amberley
Bộ Quốc phòng Úc: Enhanced Air Cooperation : USFPI
Bộ Quốc phòng Úc ngày 11/7/2022: Defence and US Marines hold warfighting exercise across the Top End
Stars & Stripes ngày 12/7/2022: Marines, Australians hone logistics skills they’ll need to deploy from Down Under
The Strategist ngày 15/7/2022: The five-domains update
Hoa Kỳ và Indonesia khởi động cuộc tập trận đa quốc gia Gìn giữ hòa bình
Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia (TNI), Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (USINDOPACOM) và lực lượng nhiều quốc gia đối tác đang tham gia Cuộc tập trận Garuda Canti Dharma 2022 (GCD22) tại Pusat Misi Pemeliharaan Perdamaian, Trung tâm Huấn luyện Gìn giữ Hòa bình Indonesia, từ ngày 18-31/7/2022.
Năm nay, TNI đã mời các quân nhân từ Argentina, Úc, Bangladesh, Canada, Fiji, Nhật Bản, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Philippines, Nam Phi, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam tham gia.
Trong cuộc tập trận, các lực lượng của Indonesia, Hoa Kỳ và các quốc gia đối tác khác sẽ làm việc để tăng cường khả năng tương tác và hiệu quả nhiệm vụ trong các chiến thuật, kỹ thuật và thủ tục chung phù hợp với học thuyết của Liên Hợp Quốc với mục tiêu cải thiện hiệu suất của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các hoạt động hòa bình trong khu vực.
Xem thêm:
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Indonesia ngày 18/7/2022: U.S. and Indonesia Launch Garuda Canti Dharma 2022 Peacekeeping Exercise
———-
III- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ
Hoa Kỳ và Israel thành lập uỷ ban tăng cường hợp tác công nghệ
Israel và Hoa Kỳ đã thông báo thành lập một ủy ban mới để tăng cường hợp tác công nghệ về các chủ đề như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo và đảm bảo hệ sinh thái công nghệ đáng tin cậy. Đối thoại Cấp cao Chiến lược Hoa Kỳ-Israel về Công nghệ là một phần của “Tuyên bố Jerusalem” mà Thủ tướng Israel Yair Lapid và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành vào ngày 14/7/2022. Chiến lược COVID-19 của Mỹ đã sử dụng dữ liệu của Israel để giúp đưa ra quyết định vào năm 2020-2021, khi Israel nổi lên như một nước đi đầu trong việc cố gắng kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Đối thoại là một diễn đàn mới có thể giúp làm sâu sắc hơn mối quan hệ quốc phòng và công nghệ vốn đã bền chặt của Hoa Kỳ và Israel. Ủy ban cũng có thể cung cấp cho các nhà khoa học Hoa Kỳ một con đường trực tiếp hơn để tìm hiểu về kinh nghiệm của Israel trong đại dịch COVID-19. Ngoài ra, các công nghệ biến đổi khí hậu của Israel ngày càng được yêu cầu cao ở Hoa Kỳ, vì các khu vực ở phía tây đang đối mặt với hạn hán và nhiệt độ ấm lên. Nói rộng hơn, hiệp ước công nghệ báo hiệu rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ các mối quan hệ kinh tế của Israel trong bối cảnh các phong trào dân sự ở Mỹ và Châu Âu tìm cách cô lập Israel về kinh tế để gây áp lực nhằm tạo nhà nước Palestine.
Xem thêm:
The Times of Israel ngày 13/7/2022: As Biden arrives, US, Israel announce plan for deeper technology cooperation
Stratfor ngày 14/7/2022: US, Israel: Countries Sign Plan to Deepen Technology Cooperation. Một bản PDF được lưu ở đây
Bloomberg ngày 12/7/2022: Israel’s Tech Industry Warms Up to US Investment Over China. Một bản PDF được lưu ở đây.
Anh và Nhật đặt mục tiêu hợp nhất chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo
Anh và Nhật Bản gần đạt được thỏa thuận hợp nhất chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo Tempest và F-X, ba nguồn tin nói với Reuters ngày 14/7/2022. Đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản tìm kiếm một đối tác không phải là Hoa Kỳ cho một chương trình quân sự lớn. Trong khi đó, tại Farnborough Airshow 2022 vào ngày 18/7, Anh tuyên bố sẽ tiến hành một” phân tích khái niệm chung “với Nhật Bản và Ý để xác định các lĩnh vực có lợi ích chung tiềm năng liên quan đến việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu. Nhật Bản và Anh hiện đang thực hiện các chương trình song song nhằm thiết kế thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo.
Xem thêm:
Reuters ngày 14/7/2022: Britain and Japan aim to merge Tempest and F-X fighter programmes-sources
AeroTime Hub ngày 19/7/2022: Japan mulls joining UK’s Tempest fighter program as partner
APDR ngày 19/7/2022: Leonardo UK and Mitsubishi Electric embark on next stage of UK-Japan fighter jet sensor program
Northrop Grumman và Boom Supersonic hợp tác phát triển máy bay siêu thanh cho Mỹ và đồng minh
Một máy bay siêu thanh mới được thiết kế để cung cấp khả năng phản ứng nhanh cho quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ được cung cấp thông qua một thỏa thuận hợp tác giữa Northrop Grumman Corporation và Boom Supersonic.
Xem thêm:
Northrop Grumman ngày 19/7/2022: Northrop Grumman and Boom Supersonic Collaborate on New Supersonic Aircraft for Quick-Reaction Missions
Hàn Quốc và Anh tổ chức đối thoại quốc phòng chiến lược đầu tiên về hợp tác an ninh
Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Beom-chul và người đồng cấp Anh, Annabel Goldie, đã tổ chức cuộc họp hôm thứ Hai ngày 18/7/2022 để triển khai “khuôn khổ song phương về hợp tác chặt chẽ hơn” trong lĩnh vực quốc phòng. Khuôn khổ song phương đã được thông qua trong hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước hồi tháng trước bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Xem thêm:
Yonhap News ngày 19/7/2022: S. Korea, Britain hold 1st strategic defense dialogue on security cooperation
Tham mưu trưởng Quốc phòng Anh sẽ tới Úc hội đàm cấp cao về đặt căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Anh ở Perth, tham dự Hội nghị và gặp gỡ các Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Triển vọng tàu ngầm hạt nhân Anh đóng tại Perth và các quân nhân Úc có cơ hội trải qua khóa huấn luyện tàu ngầm hạt nhân sẽ được xúc tiến trong các cuộc đàm phán cấp cao giữa Tham mưu trưởng Quốc phòng Anh Tony Radakin với các quan chức Úc vào tuần tới. Tại Canberra, Đô đốc Radakin sẽ gặp một số quan chức Úc, bao gồm cả Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Angus Campbell vừa được tái bổ nhiệm. Tại Sydney, Radakin sẽ tham dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và gặp gỡ các đối tác Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương.
Các nguồn tin cho biết ông có “tham vọng” mở rộng sự hiện diện quân sự của Anh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và chuyến thăm của ông sẽ là khởi đầu của một chuỗi các chuyến thăm của các quan chức và bộ trưởng an ninh tới khu vực.
Xem thêm:
The Australian Financial Review ngày 20/7/2022: Military chiefs to hold talks on basing UK nuclear submarines in Perth
Nhật Bản tiếp tục thực hiện lời hứa giúp Philippines hiện đại hoá quân đội
Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tsuyohito Iwamoto đã có chuyến công du tới Manila và đã gặp quyền Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Jose Faustino tại Trại Aguinaldo vào thứ Hai ngày 18/7/2022, sau cuộc hội đàm với các quan chức quốc phòng và quân sự chủ chốt khác, theo Bộ Quốc phòng Philippines. Các quan chức Philippines cho biết Nhật Bản bày tỏ sẵn sàng tiếp tục cung cấp thiết bị và một số công nghệ để giúp hiện đại hoá quân đội trong bối cảnh Philippines đang phải đối mặt với các mối đe dọa ở Biển Đông.
Xem thêm:
RFA ngày 19/7/2022: Japan renews promise to help Philippines modernize its military
Lãnh đạo Hải quân Nhật Bản – Ấn Độ trao đổi trực tuyến về hợp tác quốc phòng
Ngày 20/7/2022, Đô đốc Ryo Saikai, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) đã tổ chức buổi nói chuyện trực tuyến với Đô đốc Radhakrishnan Hari Kumar, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ. Hai bên chia sẻ quan điểm về hợp tác quốc phòng giữa JMSDF và Hải quân Ấn Độ và nhất trí đạt được tầm nhìn trong Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Ấn ký vào tháng 3/2022.
Công ty Úc – Nhật ký thoả thuận hợp tác chế tạo phiên bản nâng cấp của dòng máy bay đổ bộ huyền thoại Albatross ở Darwin
Tại Nhật Bản trong tuần này, Thủ hiến Bắc Úc Natasha Fyles đã được mời tham dự lễ ký kết hợp tác giữa Amphibian Aerospace Industries và ShinMaywa để phát triển một trung tâm sản xuất máy bay đổ bộ ở Darwin. Bắc Úc sẽ trở thành nơi đầu tiên ở Úc sản xuất và xuất khẩu máy bay đổ bộ Albtross phiên bản nâng cấp G-111T. Chính quyền ở đây đã đầu tư cho Amphibian Aerospace Industries (AAI) tới 10 triệu USD để đưa năng lực trong lĩnh vực này trở lại Úc. AAI có tham vọng muốn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.
ShinMaywa sản xuất máy bay đổ bộ US-2 tại Nhật Bản và là một trong số ít nhà sản xuất trên thế giới.
Xem thêm:
The Daily Telegraph ngày 20/7/2022: Deal sealed to build Albatross G-111T amphibious aircraft in Darwin. Một bản PDF được lưu ở đây.
Belarus nộp đơn gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là một tổ chức hợp tác an ninh và quốc phòng liên chính phủ sáng lập bởi Bắc Kinh với Nga và một số nước Liên Xô cũ là thành viên. Ngày 15/7/2022, tờ Global Times dẫn lời Tổng thư ký SCO Zhang Ming cho biết họ đã nhận được đơn của Belarus chính thức xin gia nhập, đồng thời nhấn mạnh rằng việc mở rộng SCO về cơ bản khác với việc mở rộng NATO. SCO không phải là một liên minh quân sự.
Jonathan Eyal, Giám đốc Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định rằng đúng là SCO hoàn toàn khác với NATO. Nhưng khác ở chỗ SCO cũng giống như Hiệp ước Warsaw, thiên về hỗ trợ các chế độ độc tài của các thành viên.
Xem thêm:
Global Times ngày 15/7/2022: SCO receives application from Belarus; its enlargement ‘essentially different’ from NATO expansion
Mỹ rút khỏi cuộc họp chống khủng bố của ASEAN được tổ chức tại Moscow và do quân đội Myanmar đồng chủ trì
Bộ Quốc phòng Mỹ đã rút khỏi Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) cùng Nhóm công tác chuyên gia về chống khủng bố do quân đội Myanmar đồng chủ trì. Cuộc họp khai mạc ngày 20/7/2022 tại Moscow.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Martin Meiners, nói với Myanmar Now: “Nga và chế độ quân sự Myanmar đã liên tục sử dụng vai trò đồng chủ tịch của họ… để tuyên truyền và biện minh cho những hành động tàn bạo mà họ đang tiếp tục thực hiện đối với những người vô tội, và ngụ ý ADMM Plus và các thành viên ủng hộ những hành động tàn bạo này.” Nga và chính quyền quân sự Myanmar “rõ ràng đã vi phạm các giá trị của ASEAN.”
Việc Mỹ rút khỏi cuộc họp vào phút chót diễn ra trong bối cảnh áp lực đòi tẩy chay cuộc họp ngày càng gia tăng. Úc và New Zealand cũng đã quyết định không tham gia.
Nhóm ADMM Plus bao gồm 10 quốc gia thành viên của ASEAN, cũng như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Xem thêm:
Myanmar Now ngày 20/7/2022: US withdraws from ASEAN counter terrorism meeting
———-
IV- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ – MẠNG
Bộ Quốc phòng Thái Lan muốn tăng ngân sách quốc phòng
Quốc vụ khanh Quốc phòng Worakiat Rattananont và các lãnh đạo của cả ba lực lượng vũ trang đã điều trần trước một ủy ban quốc hội Thái Lan về yêu cầu khoản ngân sách 117,292 tỷ Bt vào thứ Hai ngày 18/7/2022.
Worakiat cho biết khoản ngân sách quốc phòng này là cần thiết trong bối cảnh xung đột toàn cầu đầy biến động và sự bành trướng của các siêu cường Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga.
Xem thêm:
The Nation Thailand ngày 18/7/2022: Military top brass defend 2023 budget request for 197 billion baht
Mỹ thử nghiệm thành công cặp tên lửa siêu thanh Lockheed
Lầu Năm Góc cho biết họ đã thử nghiệm thành công hai tên lửa siêu thanh Lockheed Martin gần đây, trong bối cảnh ngày càng lo ngại Nga và Trung Quốc đã có nhiều thành công hơn trong việc phát triển vũ khí siêu thanh của riêng mình.
Xem thêm:
DARPA ngày 13/7/2022: Operational Fires Program Successfully Completes First Flight Test
Air Force ngày 13/7/2022: Air Force completes another successful hypersonic test
Raytheon Technologies ngày 18/7/2022: Raytheon Missiles & Defense, Northrop Grumman complete second hypersonic weapon flight test
DARPA ngày 18/7/2022: Third Test Flight for DARPA’s HAWC Yields New Performance Data
Lầu Năm Góc trang bị vệ tinh theo dõi tên lửa siêu thanh
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm thứ Hai ngày 18/7/2022 đã công bố hai hợp đồng trị giá 1,3 tỷ USD cho việc trang bị vệ tinh để phát hiện tốt hơn các mối đe dọa tên lửa siêu thanh từ Nga và Trung Quốc. Các vệ tinh được thiết kế để theo dõi không chỉ các vụ phóng tên lửa mà còn cả các phương tiện cơ động siêu thanh.
Xem thêm:
Kyodo News ngày 19/7/2022: Pentagon awards contracts for satellites to track hypersonic missiles
Hà Lan xác nhận đang đàm phán với Mỹ về việc ngăn xuất khẩu thiết bị sản xuất chip bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc
Ngoại trưởng Hà Lan xác nhận rằng Hà Lan và Mỹ đang tổ chức các cuộc thảo luận về việc ngăn chặn ASML Holding NV bán cho Trung Quốc công nghệ được sử dụng để sản xuất một lượng lớn chip của thế giới.
Nếu Hoa Kỳ thành công trong việc hạn chế Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, tham vọng chip của Bắc Kinh sẽ gặp phải một bước thụt lùi lớn. Điều này có thể sẽ khiến Trung Quốc trả đũa các quốc gia ủng hộ Washington và có nhiều động thái bạo lực hơn để vi phạm các bằng sáng chế liên quan của phương Tây.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 13/7/2022: Dutch Confirm Talks With US on Chipmaking-Gear Ban on China. Một bản PDF được lưu ở đây
Stratfor ngày 11/7/2022: To Slow China’s Semiconductor Sector, the US Eyes More Export Bans. Một bản PDF được lưu ở đây.
Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng với các hạn chế về chuyển giao vũ khí
Chủ tịch Ủy ban Quy tắc Hạ viện James McGovern, D-Mass. đã bổ sung một sửa đổi sẽ cấm bán và chuyển giao vũ khí cho bất kỳ chính phủ nào đã phạm tội diệt chủng hoặc vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng trị giá 839 tỷ USD bằng một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng vào thứ Năm ngày 14/7/2022, tăng thêm 37 tỷ USD cho ngân sách quân sự do Tổng thống Joe Biden đề xuất. Dự luật cũng bác bỏ một số kế hoạch an ninh quốc gia của ông, và quyết định duy trì một tên lửa hành trình hạt nhân mà Biden đã tìm cách loại bỏ, bổ sung các hạn chế đối với việc bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thượng viện hiện vẫn đang nghiên cứu phiên bản riêng của mình cho dự luật.
Xem thêm:
Defense News ngày 15/7/2022: House passes defense authorization with new arms transfers restrictions
Roll Call ngày 14/7/2022: House easily passes NDAA
FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác nhận đã mua và sử dụng máy bay không người lái của Trung Quốc, vì chưa có lệnh cấm
FBI và Bộ An ninh Nội địa đang mua và sử dụng máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất từ DJI, một công ty có liên kết chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc, theo điều trần của các quan chức cấp cao nhất của chính quyền Biden.
Xác nhận về việc mua máy bay không người lái của Trung Quốc của chính phủ Hoa Kỳ được đưa ra cùng ngày Hạ viện thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng nhưng không có lệnh cấm các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ sử dụng máy bay không người lái của Trung Quốc dù đã có những nỗ lực của một số nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa. Hoa Kỳ coi DJI Sciences and Technologies do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, thường được gọi là DJI, là một công ty thuộc “Khu liên hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc”.
Xem thêm:
Washington Examiner ngày 14/7/2022: FBI and DHS confirm buying and using Chinese drones, as ban hasn’t happened
DJI đã vận động để thoát lệnh cấm của Mỹ
Hãng sản xuất máy bay không người lái DJI của Trung Quốc đã thuê hai hãng vận động hành lang để thuyết phục các nghị sĩ Mỹ không ủng hộ Đạo luật An ninh Máy bay không người lái Mỹ, điều luật sẽ cấm chính phủ mua sản phẩm của DJI. Hành vi này đã phải đối mặt với sự chỉ trích của một số nghị sĩ Mỹ – như hạ nghị sĩ Mike Gallagher của đảng Cộng hòa, người gọi các nhà vận động hành lang cho DJI là “bán nước”.
Xem thêm:
Financial Times ngày 15/7/2022: Chinese drone maker lobbies to defeat US national security ban. Một bản PDF được lưu trữ ở đây
National Review ngày 15/7/2022: Lawmaker Slams ‘Sell Out’ Lobbyists for Chinese Military Firm
Đài Loan nói Foxconn cần chính phủ phê duyệt cho bất kỳ khoản đầu tư nào vào công ty chip Trung Quốc
Nhà sản xuất sản phẩm điện tử hàng đầu thế giới có kế hoạch đầu tư 9,8 tỷ nhân dân tệ (1,46 tỷ USD) vào nhà sản xuất chip Trung Quốc Tsinghua Unigroup để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Xem thêm:
Reuters ngày 14/7/2022: Taiwan’s Foxconn says is shareholder of troubled Chinese chip firm
Đài Loan đầu tư quy mô lớn vào ngành công nghiệp chip ngay tại quê nhà, bất chấp cảnh báo của Mỹ về nguy cơ Trung Quốc xâm lược
Ngành công nghiệp chip của Đài Loan đã tung ra một đợt đầu tư chưa từng có trị giá khoảng 120 tỷ USD vào việc xây dựng các nhà máy bán dẫn mới, đồng thời thu hẹp đầu tư ở Nhật Bản và Mỹ, mặc dù Hoa Kỳ cảnh báo không nên phụ thuộc quá mức chỉ vào một hòn đảo có nguy cơ bị Trung Quốc xâm lược.
Đài Loan là quốc gia dẫn đầu thị trường toàn cầu trong ngành sản xuất chất bán dẫn, nắm giữ hơn 90% thị phần đối với các linh kiện bán dẫn hiện đại. Các khoản đầu tư lớn sẽ cho phép Đài Loan củng cố hơn nữa vị thế thống trị thị trường của mình. Bất chấp – hoặc có lẽ vì – những rủi ro địa chính trị mà hòn đảo này phải đối mặt, người Đài Loan vẫn hy vọng duy trì năng lực sản xuất chip trong nước càng nhiều càng tốt. Một nguồn tin trong ngành công nghiệp chip của hòn đảo này cho biết: “Với quá nhiều sản lượng bán dẫn tập trung ở Đài Loan, thế giới không thể bỏ rơi nó.”
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 14/7/2022: What Taiwan risk? Island’s chipmakers embark on $120bn buildup. Một bản toàn văn được lưu ở đây.
Các công ty Big Tech của Trung Quốc cắt giảm các khoản đầu tư chiến lược trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục giám sát
Các công ty Công nghệ lớn của Trung Quốc, trong đó có Tencent Holdings, chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin WeChat và ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đang cắt giảm các đơn vị đầu tư chiến lược, phù hợp với nỗ lực giảm các vụ thâu tóm do Bắc Kinh tiếp tục giám sát khu vực này. Gã khổng lồ Internet Tencent đã thu hẹp bộ phận đầu tư của mình và chỉ thực hiện 32 vụ đầu tư và thâu tóm trong nửa đầu năm nay, so với 129 trong cùng kỳ năm 2021. Vài tháng trước, ByteDance đã giải thể đơn vị đầu tư chiến lược và bố trí lại 100 nhân viên. Cho đến nay, các khoản đầu tư và thâu tóm của công ty đã giảm xuống còn 9 thương vụ trong năm nay, so với 27 thương vụ trong sáu tháng đầu năm 2021.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 14/7/2022: Exclusive: China’s Big Tech companies, from Tencent to ByteDance, cut back on strategic investments as Beijing’s scrutiny continues. Một bản PDF được lưu ở đây.
Trung Quốc sắp triển khai máy bay ném bom tàng hình “Xian H-20”?
Dựa trên nhiều báo cáo của truyền thông Trung Quốc, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chuyến bay đầu tiên của máy bay ném bom tàng hình “Xian H-20” sắp xảy ra. Người đứng đầu bộ phận bay thử nghiệm của công ty hàng không nhà nước Trung Quốc Avic mới đây đã thông báo về “một chuyến bay thử nghiệm của một loại máy bay quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và chiến lược thiết yếu. Tuy nhiên thông tin về chiếc máy bay cụ thể chưa được tiết lộ. Dựa trên khẩu khí của thông báo, giới truyền thông đoán đó là máy bay ném bom tàng hình “Xian H-20”.
Không có nhiều thông tin về máy bay cho đến nay. Đối với định hướng chiến lược của Không quân Trung Quốc, máy bay ném bom mới sẽ là một bước đột phá lớn. Hiện chỉ có Hoa Kỳ đã phát triển máy bay ném bom tàng hình. Các nhà phân tích ước tính rằng Xian H-20 sẽ có thể bay quãng đường từ 8.500 đến 12.000 km, lần đầu tiên mang đến cho phi đội máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc khả năng tấn công liên lục địa “thực sự”.
Ấn Độ siết chặt hạn chế với ZTE, Huawei
Theo quy định mới của chính phủ Ấn Độ, các nhà mạng nước này sẽ chỉ được sử dụng sản phẩm có nguồn gốc “đáng tin cậy” trong việc mở rộng mạng lưới. Danh sách này không bao gồm Huawei và ZTE.
Xem thêm:
Light Reading ngày 13/7/2022: India tightens restrictions on Huawei, ZTE
Úc phê duyệt Dự án Tác chiến Điện tử Lục quân, đầu tư cho tự chủ công nghiệp quốc phòng
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Quốc phòng Pat Conroy cho biết chính phủ đã phê duyệt Dự án Tác chiến Điện tử Cấp độ Lục quân trị giá gần 75 triệu USD. Các Phương tiện Cơ động Bushmaster hiện có sẽ được lắp đặt thêm hệ thống Tác chiến Điện tử. Conroy cho biết hệ thống này sẽ cải thiện năng lực của Lực lượng Phòng vệ Úc trong việc giám sát và kiểm soát môi trường điện tử, và khi cần thiết, ngăn chặn hoặc làm suy giảm hệ thống điện tử của đối phương.
Ngành công nghiệp Úc sẽ tham gia vào việc cung cấp, đào tạo và hỗ trợ bảo trì. “Dự án sẽ đầu tư hơn 46 triệu đô la vào ngành công nghiệp Úc, góp phần củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng độc lập tự chủ, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động địa phương,” Conroy nói.
Xem thêm:
APDR ngày 18/7/2022: Government OKs electronic warfare project for Bushmasters
Nhật Bản từ bỏ việc đặt trần chi tiêu quốc phòng năm tới
Theo tờ Nikkei, Nhật Bản sẽ từ bỏ việc đặt trần chi tiêu quốc phòng trong ngân sách hàng năm của năm tài chính tới, cho thấy mối quan tâm của Tokyo trong việc tăng cường quốc phòng vào thời điểm căng thẳng với Trung Quốc.
Xem thêm:
Reuters ngày 16/7/2022: Japan to forgo setting ceiling on next year’s defense spending, Nikkei reports
Nhật Bản đầu tư vào ‘các công nghệ quan trọng cụ thể’ để tăng cường an ninh kinh tế
Nhật Bản có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ cao với mục đích tăng cường an ninh quốc gia, theo dự thảo hướng dẫn cơ bản về “các công nghệ quan trọng cụ thể” do chính phủ biên soạn. Nghiên cứu sẽ được thực hiện trong 20 lĩnh vực, bao gồm cả công nghệ siêu thanh và trí tuệ nhân tạo (AI). Các hướng dẫn cơ bản sẽ được Nội các chính thức thông qua vào đầu tháng 9.
Xem thêm:
The Yomiuri Shimbun ngày 18/7/2022: Japan to invest in ‘specific critical technologies’ to enhance economic security
Chương trình vũ trụ mới của Hàn Quốc vươn tới các vì sao
Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư 871 triệu USD phát triển thêm các cơ sở tại Trung tâm Vũ trụ Naro, sau vụ phóng thành công tên lửa đầu tiên được phát triển trong nước của quốc gia này vào ngày 21/6/2022. Nỗ lực phóng vệ tinh lên quỹ đạo hồi tháng 10 đã không thành công, nhưng thành công gần đây đã khiến chính phủ quan tâm trở lại. Thử nghiệm thành công và các quỹ mới sẽ nâng cao đáng kể nỗ lực của Hàn Quốc trong việc thiết lập một chương trình không gian độc lập toàn diện.
Xem thêm:
Deutsche Welle ngày 30/6/2022: South Korea’s new space program reaches for the stars
Máy bay chiến đấu KF-21 do Hàn Quốc tự phát triển trong nước thành công trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên
Máy bay chiến đấu KF-21 nội địa của Hàn Quốc đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào thứ Ba ngày 19/7/2022, sau khoảng 6 năm rưỡi dự án khổng lồ này được khởi động bất chấp những hoài nghi về những chướng ngại công nghệ, hiệu quả chi phí và các câu hỏi khác về tính khả thi. Sự kiện thử nghiệm thành công này phát đi tín hiệu Hàn Quốc đang trên con đường gia nhập câu lạc bộ ưu tú gồm bảy quốc gia có máy bay chiến đấu siêu thanh được phát triển trong nước.
Xem thêm:
Yonhap News ngày 19/7/2022: (LEAD) S. Korea’s homegrown KF-21 fighter succeeds in 1st flight test
———-
V- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
Việt Nam, Trung Quốc họp ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương. Trung Quốc dùng từ “anh em” để nói về quan hệ song phương với Việt Nam
Ngày 13/7/2022, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.
Theo thông cáo của phía Việt Nam, bên cạnh ghi nhận các thành tựu, hai bên đã “thẳng thắn nhìn nhận một số vấn đề” như xu hướng mất cân bằng thương mại gia tăng, tình trạng ùn tắc hàng hóa… Thông cáo của Trung Quốc không đề cập đến vấn đề này.
Về hợp tác trên biển, hai bên nhất trí thúc đẩy đàm phán hiệp định hợp tác nghề cá mới trong Vịnh Bắc Bộ, cũng như sớm ký kết thỏa thuận về tìm kiếm cứu nạn và thiết lập đường dây nóng nghề cá.
Cũng trong cuộc gặp, hai bên cũng đã ký kết một số văn bản hợp tác về viện trợ, kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng Việt Nam và nghiên cứu địa chất.
Giống như nhiều sự kiện trước đây, thông cáo của Trung Quốc có đề cập đến từ “anh em” (兄弟) khi nói về quan hệ song phương, điều không được nhắc đến trong thông cáo của Việt Nam.
Trước đó, hôm 27/6, hai tổng thư ký của ủy ban – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ và Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Ngô Giang Hạo cũng đã tổ chức họp trực tuyến.
Cơ chế ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương được Việt Nam và Trung Quốc thiết lập vào năm 2006 ở cấp phó thủ tướng/ủy viên quốc vụ để điều phối quan hệ. Các cuộc gặp diễn ra luân phiên tại mỗi nước. Đa số cuộc gặp diễn ra hàng năm, nhưng cũng có những năm (như 2019) hai bên không tổ chức họp. Trong những năm gần đây, thời gian họp thường diễn ra vào khoảng tháng 4-9 hàng năm. Phiên họp gần nhất được tổ chức tháng 9/2021 tại Hà Nội.
Xem thêm:
Người Lao Động ngày 13/7/2022: Khôi phục các chuyến bay thương mại Việt Nam – Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/7/2022: The 14th Meeting of the China-Vietnam Steering Committee for Bilateral Cooperation Is Held
Nhân dân nhật báo ngày 14/7/2022: 中越双边合作指导委员会举行第十四次会
SCMP ngày 14/7/2022: Vietnam agrees on fishing hotline with China but pace of trade ‘slow’
VOV ngày 27/6/2022: Việt Nam – Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thực chất
Đại sứ Pháp tại Việt Nam thể hiện mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam
Nhân dịp Quốc khánh Pháp ngày 14/7/2022, Đại sứ Nicolas Warnery đã trao đổi với báo giới về những thành tựu trong quan hệ hai nước thời gian qua và triển vọng hợp tác thời gian tới. Đại sứ khẳng định mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, Pháp vẫn duy trì quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là với các gói hỗ trợ 3,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 và chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 11/2021. Về hợp tác trong tương lai, Pháp mong muốn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam về các mặt: an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, nghiên cứu – trao đổi, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Đại sứ cho biết năm 2023, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược, diễn ra nhiều sự kiện thể hiện sự phong phú, đa dạng trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Xem thêm:
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 13/7/2022: Pháp mong muốn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam.
Vietnam Illustré ngày 13/7/2022: France – Vietnam : intensifier une relation bilatérale de longue date
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lại hứa đẩy nhanh tham vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông
Tại Malaysia, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 5 nước Đông Nam Á, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định “không ai có thể tách rời” Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Ông Vương cam kết rằng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh các cuộc tham vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) và “ủng hộ chủ nghĩa đa phương thực sự và chủ nghĩa khu vực mở tiên tiến.”
Mặc dù một số dự đoán rằng Campuchia, chủ tịch hiện tại của ASEAN, đồng thời là bạn thân và đối tác của Trung Quốc, có thể sử dụng vai trò chủ tịch của mình để đẩy COC về đích, khả năng đạt được Bộ Quy tắc là rất khó trong tương lai gần.
Trong bối cảnh hiện tại, phát biểu của ông Vương cho thấy cách Bắc Kinh đang tìm cách chống lại cuộc tấn công ngoại giao gần đây của Hoa Kỳ trong khu vực. Trung Quốc tập trung vào COC nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh xem các can thiệp của phương Tây vào các tranh chấp ở Biển Đông là sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài.
Xem thêm:
The Diplomat ngày 13/7/2022: Chinese FM Pledges Progress on South China Sea Code of Conduct
Thẩm phán Carpio: Dựa trên Phán quyết Biển Đông, Philippines có thể kiện các nhà thầu dịch vụ cho Trung Quốc nếu họ lấy dầu và khí đốt của Philippines
Trong một hội nghị quốc tế trực tuyến tại Philippines kỷ niệm sáu năm Phán quyết Biển Đông, Thẩm phán Carpio nói rằng chờ đợi Trung Quốc công nhận phán quyết là không thực tế vì Trung Quốc sẽ không bao giờ làm vậy. “Để có hiệu lực hoặc thực thi phán quyết của trọng tài, Philippines không cần sự đồng ý của Trung Quốc. Bản thân phán quyết khẳng định Philippines có thể độc quyền khai thác tài nguyên quốc gia trong EEZ (vùng đặc quyền kinh tế),” ông Carpio nói.
Phán quyết đã làm rõ ràng về mặt pháp lý ai là chủ sở hữu hợp pháp tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông. Phán quyết có tính chung thẩm. Giờ đây, các nhà thầu dịch vụ cho các hoạt động khai thác dầu khí biết rằng nếu họ tiến hành các hoạt động trích xuất cho Trung Quốc trong khu vực thuộc về Philippines, Philippines có thể kiện những nhà thầu này, ông gợi ý.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrichque Manalo đã tuyên bố những kết luận trong phán quyết là “không thể chối cãi.”
Xem thêm:
The Philippine Star ngày 18/7/2022: Carpio: China’s consent not needed to enforce South China Sea ruling
Trung Quốc “rút lui” tài trợ cho ba dự án đường sắt của chính quyền Duterte. Các chuyên gia cảnh báo các điều kiện cho vay của Trung Quốc có những điều khoản bất thường và lãi suất cao hơn các nhà đầu tư bình thường khác
Chính quyền Duterte đã phê duyệt ba dự án đường sắt được tài trợ bởi ODA từ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, các cuộc đàm phán đã không khởi sắc do Trung Quốc không thực hiện theo yêu cầu tài trợ của chính phủ Philippines.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Philippines đã gửi một lá thư tới các cơ quan tài chính của Trung Quốc rằng nếu các yêu cầu tài trợ cho các dự án đường sắt vẫn không được thực hiện cho đến tháng 6/2022, tháng cuối cùng của chính quyền Duterte, thì “đơn xin vay của chúng tôi được coi là bị rút lại.”
Hiện nay Tổng thống mới của Philippines, Ferdinand Marcos Jr, đã ra lệnh “quay lại bàn đàm phán” với chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, lựa chọn tài trợ khác cũng đang được xem xét như khả năng mở cho khu vực tư nhân.
Trong khi đó, trong một bài bình luận trên trang Hoàn Cầu, Giám đốc Viện nghiên cứu Philippines tại Đại học Tế Nam (Quảng Châu) cho biết rằng sự thay đổi trong vấn đề tài chính cho các dự án đường sắt là dựa trên những thay đổi trong tình hình thực tế của Philippines, theo kết quả điều tra thực địa của tác giả và trao đổi với người có thâm niên kinh nghiệm trong các dự án cơ sở hạ tầng của Philippines. Theo tác giả, ba dự án này đều có lợi nhuận hạn chế, lợi ích không chắc chắn do đặc điểm địa lý và dân cư tại các khu vực, đầu tư tạm thời khó thu hồi vốn nên khi tình hình thay đổi, ví dụ do ảnh hưởng của bệnh dịch, lạm phát tăng nhanh, sẽ có những lĩnh vực cần được cải thiện và điều chỉnh hơn nữa cả về lợi ích kinh tế và tính khả thi của dự án. Ngày 17/7/2022, Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với chính phủ mới của Philippines về kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn diện, thúc đẩy hợp tác thiết thực, đồng thời hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội của Philippines nhằm mang lại lợi ích cho người dân Philippines. Bất kỳ sự hợp tác nào cũng phải dựa trên cơ sở tự nguyện và hữu nghị, được tiến hành với đầy đủ bằng chứng khoa học về tính khả thi của dự án để đảm bảo lợi ích lâu dài của việc hợp tác giữa hai bên.
Một bài điều tra trên tờ báo độc lập ở Philippines, Rappler, cảnh báo chính quyền mới của Philippines phải hết sức thận trọng khi tương tác với Bắc Kinh, vì các chuyên gia nhận thấy rằng các điều kiện cho vay của họ có những điều khoản bất thường và lãi suất cao hơn.
Hồ sơ theo dõi của Bộ Giao thông vận tải đã chỉ ra một số manh mối. Tiền của Trung Quốc đã giúp thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn ở các nước đang phát triển, nhưng cách thức Trung Quốc soạn hợp đồng liên tục có vấn đề. Quy trình cho vay của Bắc Kinh khác với các quốc gia khác ở chỗ đòi hỏi phải ấn định một nhà tư vấn quản lý dự án và một nhà thầu trước khi các cuộc đàm phán về khoản vay có thể bắt đầu.
Ví dụ như trường hợp của hệ thống đường sắt Subic, chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra trước một danh sách các nhà thầu được họ công nhận, sau đó chính phủ Philippines mới có thể thực hiện các quy tắc riêng và lựa chọn nhà thầu.
Trung Quốc, quốc gia chiếm 65% nợ song phương của các quốc gia đang phát triển, nổi tiếng là muốn các quốc gia ký kết các loại miễn trừ và giải quyết tranh chấp theo luật pháp Trung Quốc. Trung Quốc cũng muốn giữ kín mọi thứ thông qua các điều khoản bảo mật.
Các khoản vay của Trung Quốc cũng có lãi suất cao hơn. Cựu Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez III nói rằng đây là một trong những lý do khiến ông quyết định hủy các đơn xin vay vốn cho hệ thống đường sắt.
Xem thêm:
GMA News Online ngày 15/7/2022: China ‘backed out’ of funding three railway projects, says DOTr exec
Inquirer News ngày 16/7/2022: PH scraps China loan deals for Duterte rail projects
Philippine Daily Inquirer ngày 18/7/2022: Explore other funding options for railway projects – Rodriguez
Global Times ngày 18/7/2022: 代帆:中菲铁路建设合作离不开务实
Rappler ngày 19/7/2022: What Marcos must untangle to get train projects on track
Tổng thống mới của Philippines huỷ bỏ cách tiếp cận đối kháng của người tiền nhiệm, xoa dịu mối quan hệ với EU
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đã mời Tổng thống mới nhậm chức của Philippines, Ferdinand Marcos Jr., đến thăm Brussels. Trong khi đó, ông Marcos đã bổ nhiệm một nhà ngoại giao kỳ cựu với kinh nghiệm dày dạn ở Châu Âu làm Bộ trưởng Ngoại giao, đồng thời cam kết theo đuổi một “chính sách đối ngoại độc lập,” trong đó Philippines là “bạn với tất cả, không ai là kẻ thù.” Các nhà phân tích coi đây là sự trở lại của một nền ngoại giao có phẩm giá và tính chuyên nghiệp, trái với sự dự đoán của một số người rằng Marcos sẽ bổ nhiệm người trung thành. Chuyên gia chính sách đối ngoại và quốc phòng Philippines Richard Javad Heydarian lưu ý rằng Manalo là nhà ngoại giao chuyên nghiệp đầu tiên đảm nhiệm cương vị ngoại trưởng kể từ năm 2003.
Xem thêm:
Asia Times ngày 18/7/2022: Marcos moves to soothe Duterte’s stormy EU relations
Ủy ban liên chính phủ Trung Quốc, Campuchia họp trực tuyến
Ngày 14/7/2022 đã diễn ra họp qua video của Ủy ban điều phối liên chính phủ Trung Quốc – Campuchia giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng Campuchia Hor Nam Hong.
Ông Vương cho biết sự hợp tác, xây dựng một cộng đồng Trung Quốc – Campuchia cùng một tương lai chung đang đi đúng hướng. Phía Campuchia bày tỏ kiên quyết tuân thủ chính sách một Trung Quốc, ủng hộ vững chắc Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu.
Hai bên sẽ thúc đẩy xây dựng các dự án trọng điểm của Sáng kiến Vành đai và Con đường với “tiêu chuẩn cao,” triển khai các dự án sinh kế và tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, tuân thủ cấu trúc hợp tác khu vực do ASEAN dẫn đầu và từ chối mọi nỗ lực nhằm biến nền tảng hợp tác Đông Á thành một đấu trường để các cường quốc tham gia vào cuộc chơi. Sau buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau thông báo về việc ký kết các văn bản hợp tác về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/7/2022: The Sixth Meeting of the China-Cambodia Intergovernmental Coordination Committee Is Held
Tân Hoa Xã ngày 14/7/2022: China, Cambodia intergovernmental committee holds meeting via video.
Khmer Times ngày 15/7/2022: China-Cambodia talks: two countries sign agreement on human resources and infrastructure
Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia: Sáng kiến Phát triển Toàn cầu của Trung Quốc rất quan trọng đối với các nước kém phát triển nhất
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Trung Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn cho biết Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) do Trung Quốc đề xuất đã được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước đang phát triển hoan nghênh nhiệt liệt.
“Điều này là do GDI nhằm hỗ trợ các quốc gia kém phát triển nhất, đặc biệt là những quốc gia đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch COVID-19, giảm thiểu đói nghèo và an ninh lương thực thông qua hợp tác quốc tế, đồng thời thúc đẩy tài chính và phát triển xanh,” ông nói.
Xem thêm:
Khmer Times ngày 17/7/2022: China’s Global Development Initiative vital for least developed countries, says Cambodia’s Prak Sokhonn
Truyền thông địa phương: Khu kinh tế có vốn đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia ghi nhận mức tăng thương mại 38% trong 6 tháng đầu năm
Tờ Khmer Times trích dẫn một báo cáo của nhà điều hành hôm thứ Hai ngày 18/7/2022 cho biết giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đi qua Đặc khu Kinh tế Sihanoukville (SSEZ) do Trung Quốc đầu tư ở Campuchia đạt 1,37 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ trưởng kiêm Người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia Penn Sovicheat nói với Tân Hoa Xã rằng SSEZ là một ví dụ hoàn hảo về hợp tác đôi bên cùng có lợi trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. SSEZ đã cung cấp rất nhiều việc làm cho người lao động, là hình mẫu cho các ngành công nghiệp cụm và là căn cứ cho xuất khẩu.
Xem thêm:
Khmer Times ngày 19/7/2022: Chinese-invested economic zone in Cambodia registers trade increase of 38 pct in H1
Lào bên bờ vực phá sản sau khi dựng đường tàu cao tốc tài trợ bởi Trung Quốc
Lào đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính ngày càng gia tăng và không có lối thoát nếu không có một số hình thức cứu trợ hoặc xoá nợ của Trung Quốc, chủ nợ chiếm khoảng một nửa các khoản nợ nước ngoài của Lào trị giá 14 tỷ USD, tương đương 88% GDP nước này. Trong số khoản nợ Trung Quốc bao gồm 1/3 cổ phần của nhà nước Lào trong tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào trị giá 5,9 tỷ USD, một siêu dự án đã được khai trương vào tháng 12 năm ngoái giữa những lo ngại về lợi ích thương mại của tuyến.
Vientiane hầu như không thể hoàn thành trả nợ hàng năm. Thị trường lo ngại về khả năng vỡ nợ. Fitch Ratings, một cơ quan xếp hạng tín dụng, đã hạ bậc xếp hạng của Lào vào tháng 8 năm ngoái. Tháng trước, Moody’s đã cảnh báo “gánh nặng nợ rất cao và không đủ dự trữ (ngoại hối) để bao phủ các khoản nợ nước ngoài đến hạn.”
Xem thêm:
Asia Times ngày 15/7/2022: Why China can’t let Laos default
Đầu tư của Trung Quốc đứng đầu trong đầu tư nước ngoài vào Lào, đạt 16 tỷ USD
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Khamjane Vongphosy, Trung Quốc tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào, với khoảng 16,4 tỷ USD vào 833 dự án. Một phần lớn tiền đầu tư đã tài trợ cho tuyến đường sắt Lào-Trung, đường cao tốc Viêng Chăn-Vangvieng, Khu phát triển Saysettha, Đặc khu kinh tế Boten-Bohan, đường dây tải điện và nhà máy thủy điện, mang lại lợi ích đáng kể cho cả Lào và Trung Quốc, Khamjane nói.
Xem thêm:
Nation Thailand ngày 19/7/2022: Chinese investment in Laos tops US$16 billion
Tổng thống Indonesia Joko sẽ thăm Đông Á
Tổng thống Joko Widodo dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tháng nhằm tìm cách thúc đẩy “điểm tăng trưởng” mới trong mối quan hệ của hai nước trong bối cảnh lo lắng về chi phí vượt mức trong một tuyến đường sắt do Trung Quốc tài trợ. Phía Indonesia bày tỏ với Bắc Kinh mong muốn gia hạn biên bản ghi nhớ để điều phối chiến lược phát triển Điểm tựa Hàng hải Toàn cầu của Indonesia với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Indonesia thông báo về chuyến thăm Nhật Bản giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước để thảo luận về hợp tác song phương về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và hoạt động bảo vệ bờ biển. Ngoài ra, có thể có các cuộc đàm phán song phương khi lãnh đạo Indonesia dừng chân ở Hàn Quốc.
Xem thêm:
The Jakarta Post ngày 13/7/2022: Jokowi sets sights on East Asia – Wed, July 13 2022 – The Jakarta Post. Một bản PDF được lưu ở đây.
EU, Đông Nam Á tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn diện đầu tiên trong bối cảnh lo ngại an ninh
Một quan chức EU cho biết, các quốc gia EU và Đông Nam Á sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn diện đầu tiên tại Brussels vào ngày 14/12/2022, được coi là dấu hiệu của “mối quan hệ ngày càng chặt chẽ trong bối cảnh địa chính trị hiện nay” với mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc và Nga.
Cuộc thảo luận sẽ trọng tâm vào yếu tố an ninh khi EU muốn tìm kiếm lập trường rõ ràng hơn từ các quốc gia Đông Nam Á về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Xem thêm:
Reuters ngày 15/7/2022: EU, Southeast Asia to hold first full summit amid security fears
Ngoại trưởng Nga sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN
Nga đã xác nhận rằng Ngoại trưởng Sergey Lavrov sẽ tham dự các cuộc họp liên quan đến Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 55 mà Campuchia sẽ tổ chức tại Phnom Penh từ ngày 31/7 đến ngày 6/8/2022.
Tổng Thư ký Văn phòng Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, ông Yang Peou, cho biết cuộc họp này có tầm quan trọng sống còn vì Campuchia là chủ tịch ASEAN vào thời điểm căng thẳng trên thế giới và khu vực đang gia tăng, với các vấn đề khu vực như Biển Đông và Myanmar, và vấn đề chính toàn cầu là Ukraine. Campuchia cần điều phối các vấn đề này để hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra suôn sẻ. Ông cho biết Campuchia hy vọng giải quyết tất cả những vấn đề khu vực và toàn cầu này cùng một lúc.
Xem thêm:
Phnompenh Post ngày 20/7/2022: Sergey Lavrov to attend ASEAN Foreign Ministers’ meetings
Đông Timor hy vọng sẽ gia nhập ASEAN khi Indonesia trở thành chủ tịch vào năm 2023
Tổng thống Đông Timor Jose Ramos-Horta trong cuộc gặp với người đồng cấp Indonesia hôm thứ Ba ngày 19/7/2022 cho biết ông hy vọng quốc gia trẻ nhất Châu Á có thể tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm tới.
Xem thêm:
Reuters/The Jakarta Post ngày 19/7/2022: Timor Leste hopes to join ASEAN under Indonesia presidency next year
———-
VI- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Tập Cận Bình: Hướng dẫn nghiên cứu sâu về lịch sử văn minh Trung Quốc, củng cố ý thức lịch sử, củng cố lòng tự tin về văn hóa
Tờ Cầu Thị đã xuất bản toàn văn bài phát biểu của Tập Cận Bình trong phiên họp nghiên cứu tập thể lần thứ 39 của Bộ Chính trị Trung Quốc được tổ chức vào ngày 27/5/2022 và tập trung vào nguồn gốc của nền văn minh Trung Quốc (中华 文明). Theo tóm tắt của nhóm Party Watch, Tập nói rằng mục đích của phiên họp này không chỉ để hiểu lịch sử mà còn để thúc đẩy ý thức lịch sử của toàn Đảng và xã hội, tinh thần tự tin về văn hóa, cam kết theo “con đường xã hội chủ nghĩa” và đoàn kết đấu tranh để “xây dựng toàn diện một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hiện đại” và hiện thực hóa“ sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc ”(中华民族 伟大 复兴). Ông lưu ý về chiều dài, tính độc đáo và ý nghĩa văn hóa hiện đại của lịch sử nền văn minh Trung Quốc, đồng thời kêu gọi tiếp tục khám phá nguồn gốc của nó thông qua năm nhiệm vụ. Thứ nhất, tăng cường nghiên cứu liên ngành tập trung vào những bí ẩn chưa được giải đáp về nguồn gốc và sự phát triển của nền văn minh Trung Quốc. Ông Tập lưu ý rằng Trung Quốc nên học hỏi từ, nhưng không sao chép “lý thuyết văn minh” của phương Tây và nghiên cứu về nền văn minh Trung Quốc nên được công bố rộng rãi. Thứ hai, nghiên cứu sâu hơn về các đặc điểm và hình thức của nền văn minh Trung Quốc, hỗ trợ lý thuyết cho một “mô hình mới cho sự tiến bộ của con người” (人类 文明 新 形态). Tập bày tỏ sự không đồng tình với phương Tây vì không nhìn nhận Trung Quốc từ góc độ “lịch sử năm nghìn năm văn hiến”, và kêu gọi nghiên cứu các chủ đề bao gồm sự phát triển của cộng đồng dân tộc Trung Hoa (中华民族 共同体) và “những đặc điểm tâm hồn” như những đức tính truyền thống. Thứ ba, “chuyển đổi sáng tạo và phát triển đổi mới” văn hóa truyền thống Trung Quốc để hỗ trợ quá trình phục hưng quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp văn hóa truyền thống Trung Quốc với hệ tư tưởng chỉ đạo của chủ nghĩa Mác và nền văn hóa xã hội chủ nghĩa tiên tiến. Thứ tư, trao đổi văn hóa và nghiên cứu các bài học từ các nền văn hóa khác, cũng như thúc đẩy “xây dựng một cộng đồng chung tương lai cho nhân loại,” nhấn mạnh rằng về mặt lịch sử, giao lưu quốc tế mang lại tiến bộ và phát triển. Điều này liên quan đến việc “kể tốt câu chuyện của nền văn minh Trung Quốc” cho khán giả quốc tế, giúp họ hiểu về Trung Quốc, con người Trung Quốc, Đảng và đất nước Trung Quốc. Thứ năm, ông Tập cho biết các di tích lịch sử và di sản văn hóa nên được “đưa vào cuộc sống” để tạo ra một “bầu không khí xã hội dày đặc của sự kế thừa nền văn minh Trung Quốc”. Cán bộ lãnh đạo các cấp cần tôn trọng lịch sử và văn hóa truyền thống, coi trọng việc bảo tồn di tích lịch sử và kế thừa văn hóa, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học. Cuối cùng, các kết quả nghiên cứu về nguồn gốc của nền văn minh Trung Quốc cần được tuyên truyền rộng rãi, và quần chúng, đặc biệt là thanh niên, cần được giáo dục và hướng dẫn để hiểu rõ hơn và đồng nhất với nền văn minh Trung Quốc.
Xem thêm:
QSTheory ngày 15/7/2022: 把中国文明历史研究引向深入 增强历史自觉坚定文化自信
Học giả tham gia soạn thảo Nghị quyết Lịch sử thứ Ba lý luận về lý do Trung Quốc cần vai trò lãnh đạo của ông Tập
Tác giả Khúc Thanh Sơn (Qu Qingshan), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn kiện Đảng Trung Quốc và là một trong những nhân vật then chốt soạn thảo Nghị quyết Lịch sử lần thứ ba của Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có bài viết trên tờ Nhân dân nhật báo để giải thích về khái niệm “hai xác lập” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra trong bản “nghị quyết lịch sử” tại hội nghị TW 6 khóa 19 hồi năm 2021. (“Hai xác lập” bao gồm “Đảng xác lập địa vị hạt nhân của trung ương đảng, của toàn đảng đối với đồng chí Tập Cận Bình, xác lập địa vị chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”).
Theo tác giả, “hai xác lập” là nhu cầu cấp bách để Trung Quốc: (i) Đối phó với những thay đổi “trăm năm chưa từng có” trên thế giới; (ii) Ngăn chặn và đối mặt với các nguy cơ thách thức, hiện thực hóa giấc mộng về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa; (iii) Thúc đẩy tự cách mạng trong đảng, làm tốt các “bài kiểm tra” mới.
Xem thêm:
Nhân dân nhật báo ngày 07/7/2022: 从未来维度认识把握“两个确立”
Tăng trưởng GDP quý thứ hai của Trung Quốc giảm xuống còn 0,4%, yếu nhất trong vòng hai năm
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ năm trước trong ba tháng đến tháng 6, mức tăng trưởng yếu nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 lần đầu tiên xảy ra vào đầu năm 2020, dữ liệu chính thức cho thấy hôm thứ Sáu. Đây cũng là số liệu GDP tồi tệ nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được công bố vào năm 1992, ngoại trừ mức giảm 6,9% trong quý đầu tiên năm 2020 do cú sốc COVID-19 ban đầu. Các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Caixin ước tính tăng trưởng trung bình sẽ là 0,8% và có khả năng tăng trưởng cả năm sẽ không đạt mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là khoảng 5,5%.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 17,9% trong tháng 6, mức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 tháng. Nhưng đây có thể là một trường hợp hiệu ứng tức thời trong thời điểm Thượng Hải khi đó đã mở cửa trở lại. đã thức tỉnh sau vụ đóng cửa. Trong khi mức tăng trưởng nhập khẩu chỉ đạt 1%.
Cùng với đầu tư bất động sản yếu kém, lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc, chiếm hơn một nửa nền kinh tế, đã giảm 0,4% từ tháng 4 đến tháng 6, so với một năm trước đó, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao mới 19,3% vào tháng 6.
“Năm nay, đối mặt với môi trường quốc tế ngày càng phức tạp và nhiều thách thức, cũng như đại dịch COVID-19 bùng phát nhiều và lẻ tẻ cục bộ, tình hình phát triển kinh tế hết sức bất thường với những tác động bất lợi gia tăng đáng kể, nền kinh tế trong quý II chịu áp lực đi xuống đáng kể,” Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong một thông cáo báo chí.
Goldman Sachs đã phản ứng với tin tức kinh tế xấu bằng cách cắt giảm dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc từ 4% xuống còn 3,3%.
Những con số yếu kém này cho thấy các vụ phong tỏa thành phố bởi chính sách zero-COVID ở Thượng Hải và các khu vực đô thị khác đã gây tổn hại nghiêm trọng thế nào tới nền kinh tế. Jens Hildebrandt, Uỷ viên Điều hành của Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc nói rằng dữ liệu mới cho thấy nhu cầu, sản xuất và chuỗi cung ứng gần như đi vào bế tắc. Cũng có nguy cơ xuất khẩu, vốn đã tăng gần đây, sẽ không còn là trụ cột của tăng trưởng nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm nhiệt tại các thị trường quan trọng đối với Trung Quốc, chẳng hạn như EU và Hoa Kỳ.
Bắc Kinh hiện phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thúc đẩy nền kinh tế trong nửa cuối năm, nhưng đồng thời nó không muốn từ bỏ chính sách zero COVID do lo sợ bất kỳ đợt bùng phát mới nào có thể khiến nền kinh tế đang lung lay sẽ đi chệch hướng xa hơn. Có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không có ý định từ bỏ mục tiêu tăng trưởng đặt ra ban đầu và sẽ chủ yếu dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo động lực mới cho nền kinh tế, biến tiêu dùng nội địa thành động lực tăng trưởng và dựa ít hơn vào ngoại thương.
Chỉ trong tháng 6, họ đã phát hành số tiền kỷ lục 1,94 nghìn tỷ yên (289 tỷ euro) trái phiếu mới. Con số này thể hiện mức tăng hàng năm là 143 phần trăm. Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng mới. Các quan chức sẽ phải lựa chọn đầu tư cho cơ sở hạ tầng thông thường như đường sắt, đường bộ và sân bay, hay đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ bao gồm trí tuệ nhân tạo, blockchain, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và 5G. Hai nhà kinh tế của ngân hàng BBVA của Tây Ban Nha, Jinyue Dong và Le Xia, phân tích rằng kinh nghiệm trong quá khứ đã chỉ ra rằng cơ sở hạ tầng thông thường có khả năng thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn trong ngắn hạn, cơ sở hạ tầng công nghệ có tác động cấp số nhân lớn hơn nhiều về lâu dài. Jinyue Dong và Le Xia tin rằng những nỗ lực của Bắc Kinh có thể đủ để đạt được mức tăng trưởng 4,5%.
Mặt khác, cuộc chiến chống lại đại dịch của chính phủ Trung Quốc cũng sẽ gây ra tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao và niềm tin của người tiêu dùng yếu. Bởi vậy, sự không chắc chắn vẫn còn cao, theo nhận định của các nhà kinh tế Đức.
Xem thêm:
Caixin Global ngày 15/7/2022: Covid Lockdowns Sink China’s Second-Quarter GDP Growth to 0.4%
National Bureau of Statistics of China ngày 15/7/2022: Strong Measures Adopted to Counter the Impacts of Unexpected Factors and National Economy Registered a Stable Recovery
Bloomberg ngày 15/7/2022: Goldman Cuts China Economic Growth Forecast to 3.3% After Weak GDP Data. Một bản PDF được lưu ở đây
China Table ngày 15/7/2022: More infrastructure is supposed to save growth
BBVA Research ngày 05/7/2022: China | Will infrastructure investment become the key growth stabilizer in 2022?
Các chính sách của Tập Cận Bình phản tác dụng: Trung Quốc trở thành Pariah đối với các nhà đầu tư toàn cầu
Các nhà quản lý tiền tệ từng bị lôi kéo bởi lợi suất quá hấp dẫn của Trung Quốc và các công ty công nghệ khổng lồ giờ đây lại đưa ra những lý do để tránh những ưu đãi lớn hơn mà nước này đề xuất. Họ trích dẫn mọi thứ từ các chiến dịch quy định không thể đoán trước đến thiệt hại kinh tế do các chính sách zero COVID nghiêm ngặt gây ra, chưa kể đến những rủi ro ngày càng tăng xuất phát từ thị trường bất động sản đang chao đảo và thậm chí cả mối quan hệ thân thiết của ông Tập với Nga của Vladimir Putin. Theo báo cáo của EPFR Global tháng này, sự phân bổ cho Trung Quốc giữa các quy cổ phần thị trường mới nổi giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm. Thay vì tranh luận thời điểm tài sản Trung Quốc giảm giá để mua, các nhà đầu tư toàn cầu giờ đây tập trung vào thảo luận nhiều hơn về giảm mức độ rủi ro.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 17/7/2022: Xi Jinping’s Policies Backfire: China Is Pariah for Global Investors. Một bản PDF được lưu ở đây.
Người giàu Trung Quốc trị giá 48 tỷ USD muốn rời khỏi đất nước
Theo Bloomberg, có tới 10.000 cư dân Trung Quốc có giá trị ròng cao đang tìm cách rút 48 tỷ USD từ Trung Quốc trong năm nay, đứng thứ hai sau Nga về lượng tài sản và dòng người dự định rời khỏi đất nước.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 19/7/2022: Rich Chinese Worth $48 Billion Want to Leave — But Will Xi Let Them?. Một bản PDF được lưu ở đây.
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc hưởng lợi từ giá dầu tăng
Lợi nhuận của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) trong 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt khoảng 10,5-10,8 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, Energy Voice đưa tin.
Xem thêm:
Energy Voice ngày 15/7/2022: China’s Cnooc doubles first half profit to $10bn on surge in oil prices
Trung Quốc triển khai đường bay thẳng từ Bắc Kinh đến Belgrade trong bối cảnh quan hệ chặt chẽ hơn với Trung và Đông Âu
Hãng hàng không Hải Nam của Trung Quốc hôm thứ Bảy ngày 16/7/2022 đã triển khai các chuyến bay thẳng từ Bắc Kinh đến Belgrade, với chuyến bay đầu tiên được chào đón bởi Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại một buổi lễ ở Sân bay Belgrade Nikola Tesla biểu trưng cho mối quan hệ hiệu quả giữa Trung Quốc với Trung và Đông Âu đã tạo nên sự kết nối tốt hơn.
Xem thêm:
Global Times gày 17/7/2022: China launches nonstop flights from Beijing to Belgrade amid closer tie-up with Central and Eastern Europe
Ngoại trưởng Vương Nghị trả lời phỏng vấn về quan hệ với một số đối tác
Trong một bài phỏng vấn được Nhân dân nhật báo đăng tải ngày 15/7/2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề cập tới quan hệ giữa Trung Quốc với một số đối tác trong khu vực và trên thế giới.
Với Đông Nam Á, ông Vương khẳng định đây luôn là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Ông cũng đề cập tới các thành tựu trong chuyến thăm tới 5 nước Đông Nam Á và các cuộc họp ủy ban liên chính phủ với Việt Nam, Campuchia vừa qua.
Với nhóm G20, ông Vương cho rằng việc xúi giục chia rẽ vào cáo buộc lẫn nhau không thể giúp giải quyết vấn đề. Thay vào đó, các nước cần đối thoại và tham vấn.
Với Nga, ông Vương nhắc lại những lời ca ngợi về quan hệ Trung – Nga, cũng như chỉ trích Mỹ bóp méo, bôi đen mối quan hệ.
Với Úc, ông Vương cho rằng chính quyền trước đây tại Canberra là nguyên nhân khiến quan hệ hai nước gặp khó khăn, cũng như bày tỏ mong muốn đưa quan hệ trở lại bình thường.
Với Canada, ông Vương khẳng định hai bên chưa bao giờ là đối thủ, mà là đối tác của nhau, Trung Quốc chưa bao giờ là thách thức, mà là cơ hội với Úc.
Với Hàn Quốc, ông Vương tuyên bố hai bên là láng giềng, là đối tác không thể tách rời, và việc giữ mối quan hệ ổn định là lợi ích chung của hai nước.
Với Mỹ, Trung Quốc cho rằng quan điểm của Washington về Bắc Kinh đang có sự đánh giá sai lầm nghiêm trọng, khiến chính sách với Trung Quốc gặp sai lầm. Ông cho rằng Mỹ không nên nhìn quan hệ Mỹ – Trung dưới lăng kính cạnh tranh nước lớn và quan điểm “trò chơi có tổng bằng không”, can thiệp vào công việc nội bộ, làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc ở Đài Loan, Tân Cương, Hong Kong và trên biển.
Xem thêm:
Nhân dân nhật báo ngày 15/7/2022: 巩固同周边国家关系 弘扬开放的区域主义
———-
VII- ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG & CHÂU ÂU – ĐẠI TÂY DƯƠNG
Dự thảo: EU cắt giảm Dự báo GDP của Khu vực Châu Âu, Lạm phát 7,6%
Sự phục hồi của khu vực đồng euro sau đại dịch COVID-19 sẽ yếu hơn dự đoán trong khi lạm phát sẽ tăng nhanh hơn do cuộc chiến của Nga ở Ukraine, theo dự thảo của Ủy ban Châu Âu. Tổng sản phẩm quốc nội có khả năng tăng 2,6% trong năm nay và 1,4% vào năm 2023 – giảm so với dự đoán của tháng 5. Lạm phát, đã ở mức kỷ lục gấp hơn 4 lần mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, hiện ở mức 7,6% vào năm 2022 và 4% vào năm tới. Một cuộc suy thoái ở Châu Âu có thể là không thể tránh khỏi và điều đó làm tăng thêm trọng trách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, vốn vừa mới bắt tay vào việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 13/7/2022: EU Cuts Euro-Area GDP Forecast, Sees 7.6% Inflation, Draft Shows. Một bản PDF được lưu ở đây.
Quan chức Thương mại EU bình luận về các vấn đề thương mại với Trung Quốc, đưa ra những điểm trái ngược với chính sách của Hoa Kỳ
Tại một sự kiện của CSIS có tựa đề Suy nghĩ lại về Thương mại trong Bối cảnh Địa chính trị: Xu hướng và Hợp tác Xuyên Đại Tây Dương, Chủ nhiệm Thương mại của Uỷ ban Châu Âu Sabine Weyand đã đưa ra một số nhận xét chung về chính sách thương mại của EU và quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, sau đó thảo luận thêm về những vấn đề này với thương mại Hoa Kỳ, và sau đó thảo luận về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc so với chính sách thương mại Hoa Kỳ.
Xem thêm:
CSIS ngày 13/7/2022: Rethinking Trade In a Geopolitical Context: Trends and Transatlantic Cooperation
South China Morning Post/Yahoo News ngày 14/7/2022: Global crises pushing US and Europe into closer commercial partnership, top EU trade official says
Mỹ muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các mặt hàng then chốt
Mỹ muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các mặt hàng nhập khẩu chính như nguyên tố đất hiếm hay pin mặt trời, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết vào thứ Hai ngày 18/7/2022 trong chuyến thăm Hàn Quốc. Để đạt được mục tiêu này, bà sẽ làm việc để tăng cường quan hệ thương mại với Hàn Quốc và các đồng minh đáng tin cậy khác. Bà nói điều quan trọng là phải ngăn Trung Quốc lợi dụng sự “phụ thuộc quá mức” của Hoa Kỳ cho những mục đích chiến lược và cắt nguồn cung cấp, như đã làm với các nước khác. Phải hạn chế khả năng “các đối thủ địa chính trị sẽ có thể thao túng và đe doạ an ninh của chúng ta,” bà nói. Đặc biệt là khi giá đất hiếm gần đây đã tăng nhanh chóng.
Trong khi khuyến khích đa dạng hoá chuỗi cung ứng, Yellen cho biết Trung Quốc cởi mở với các quan ngại của Mỹ trong các lĩnh vực khác và đang thực hiện một số bước mang tính xây dựng. “Tôi không muốn truyền tải một bức tranh rằng Trung Quốc chỉ có các hành động thù địch leo thang.”
Nguyên tố đất hiếm là 17 nguyên tố hóa học cần thiết cho nhiều sản phẩm công nghệ cao và công nghiệp quốc phòng. Các nguyên tố đất hiếm không khan hiếm nhưng chủ yếu do Trung Quốc khai thác. Có tới 80% nhu cầu của Hoa Kỳ được đáp ứng bởi nguồn từ Trung Quốc. Tương tự tại Đức, Thứ trưởng Tài chính Jörg Kukies gần đây cũng phàn nàn về sự phụ thuộc quá lớn vào các nguyên tố đất hiếm từ Trung Quốc. Vào đầu tháng 7, Kukies nói rằng những sai lầm đã xảy ra với dầu khí, với sự phụ thuộc của Đức vào Nga, không nên lặp lại với các nguyên liệu thô khác.
Xem thêm:
China Table ngày 18/7/2022: USA wants to reduce its dependence on China
ABC News ngày 19/7/2022: Yellen calls out China trade practices in South Korea visit
Caixin ngày 16/02/2022: Rare Earth Prices Hit Record High in China
Nguồn tin ẩn danh nói các nhà lãnh đạo Châu Âu được mời tới gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định đó là tin giả
Tờ South China Morning Post dẫn một nguồn tin ẩn danh được cho là cao cấp từ Trung Quốc nói rằng các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha đã được mời gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tháng 11, ngay sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng 10. Nếu điều này là sự thật, việc ông Tập mời các nhà lãnh đạo Châu Âu đến Trung Quốc sau Đại hội Đảng sẽ gián tiếp gửi đi thông điệp xác nhận giả định của hầu hết các nhà quan sát: Tập sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 trên cương vị Chủ tịch nước.
Tuy nhiên ngày hôm sau, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói đây là tin giả.
Hiện chưa rõ nguyên nhân thực hư của sự việc. Mặt khác, hiện tượng những tin tức dưới dạng nguồn tin nội bộ ám chỉ về khả năng thăng tiến hay sa sút trong quyền lực của các ứng viên lãnh đạo hàng đầu được tung ra trước ngày xác định lãnh đạo nhiệm kỳ mới không phải là một điều mới mẻ ở các quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam, và được cho là có chủ đích nhằm định hướng dư luận, hạ thấp uy tín hay làm nản lòng những người muốn ủng hộ đối thủ chính trị.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 18/7/2022: Exclusive: China asks European leaders to meet Xi in November. But will they accept?
Reuters ngày 19/7/2022: Beijing says report it invited European leaders to meet Xi is ‘fake news’
EU và Trung Quốc thảo luận về thương mại và tài chính
Sau khoảng hai năm tạm dừng, một cuộc đối thoại thương mại giữa EU và Trung Quốc đã diễn ra vào tuần này. Ủy viên phụ trách thương mại và Phó Chủ tịch điều hành EU Valdis Dombrovskis gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong một cuộc họp trực tuyến vào ngày 19/7/2022, cùng một số quan chức cao cấp của hai bên. Theo thông cáo của EU, hai bên đã thảo luận về tình trạng thiếu hụt nguồn cung do đại dịch Covid cũng như tác động của việc Nga xâm lược Ukraine. EU “ghi nhận sự sẵn sàng hợp tác của Trung Quốc để đảm bảo sự ổn định của thị trường toàn cầu và giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.” Các bên nhất trí phải ngăn chặn sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, minh bạch hơn trong thông tin về nguồn cung một số nguyên liệu thô quan trọng. Về thương mại và đầu tư, phía Châu Âu đã nêu ra quan ngại về mộ trường kinh doanh xấu đi cho các công ty Châu Âu ở Trung Quốc, trợ cấp bóp méo thị trường và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, an ninh mạng, luồng dữ liệu và các rào cản đối với xuất khẩu nông sản của EU. Các hành vi cưỡng chế kinh tế đối với Lithuania và các bước tiếp theo về cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Vấn đề vi phạm nhân quyền và tình hình Tân Cương đã không được nêu trong thông cáo chính thức của EU.
Xem thêm:
Uỷ ban Châu Âu ngày 19/7/2022: EU-China: A stable global economy is a shared responsibility
Trung Quốc nhắm vào Tư lệnh quân đội Úc: Marles cũng tồi tệ như kẻ “chống Trung Quốc cực đoan” Dutton
Trong một bài xã luận khoa trương, tờ Global Times của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết rằng “Marles không chỉ hạ thấp bản thân mà còn thực sự coi thường toàn bộ nước Úc” khi “nhiều lần kêu gọi Úc và Mỹ nên hợp tác cùng nhau để kiềm chế Trung Quốc” trong chuyến đi gần đây của ông tới Washington. Cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh nói rằng Lực lượng Phòng vệ Úc đang trở thành một “cơ quan bổ trợ của Hoa Kỳ” và cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ coi Úc là một “căn cứ tiền phương của quân đội Hoa Kỳ.”
Marles là bộ trưởng Úc đầu tiên hội đàm trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc trong gần ba năm khi ông gặp Tướng Ngụy Phương Hoà bên lề hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Singapore vào tháng trước – một cuộc gặp đã được Bắc Kinh coi như một sự nhượng bởi về sự cần thiết phải cải thiện mối quan hệ song phương. Văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã từ chối phản hồi về vụ tấn công của Global Times.
Peter Jennings, thành viên cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định tờ Global Times là điên rồ quá mức và cho thấy Trung Quốc đã đánh giá sai về chính phủ mới.
Bởi vì đây là một bài xã luận của Ban biên tập, đứng đầu hệ thống phân cấp các loại bài báo trên các phương tiện truyền thông nhà nước, chúng ta phải nhìn nó như một thông điệp từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, Jennings nói thêm.
Xem thêm:
The Australian Financial Review ngày 18/7/2022: China takes aim at ‘commander’ Marles as no better than Dutton. Một bản PDF được lưu ở đây.
Kevin Yam: Hãy lưu ý đến ngôn ngữ gốc khi diễn giải danh sách bốn điểm hành động mà Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra cho phía Úc
Trong khi không có gì trong bản đọc tiếng Anh gợi ý bốn điểm hành động là “yêu cầu” hoặc “phải”, thì phiên bản tiếng Trung lại khác. Mỗi điểm trong số bốn điểm hành động đối với Úc được mở đầu bằng các từ tiếng Trung “yao jianchi”. “Yao” thường được sử dụng cho “phải”, “sẽ”, “cần phải”, “phải” hoặc “bắt buộc phải”, trong khi “jianchi” có nghĩa là “nhấn mạnh”. Nếu những từ này không truyền đạt nghĩa “yêu cầu”, thì còn từ nào khác?
Xem thêm:
The Australian ngày 18/7/2022: On China’s list of ‘demands’, mind the language. Một bản PDF được lưu ở đây.
Nghị viện Phần Lan điều chỉnh Luật Bảo vệ Biên giới để đề phòng các đòn tấn công hỗn hợp
Ngày 7/7/2022, Nghị viện Phần Lan đã thông qua dự thảo điều chỉnh Luật Bảo vệ Biên giới để chuẩn bị cho các đòn tấn công phi quân sự nhắm vào người dân Phần Lan từ các chính quyền nước ngoài. Dựa trên những kinh nghiệm thu được từ việc vũ khí hóa người tị nạn mà Belarus đã tiến hành, Phần Lan đưa ra những thay đổi để tránh kịch bản tương tự lặp lại tại miền Đông Phần Lan. Các thay đổi bao gồm giới hạn số lượng đơn xin tị nạn, và trong trường hợp xấu nhất là đóng cửa toàn bộ biên giới phía Đông. Điều kiện để kích hoạt những thay đổi này là khi một trong hai điều kiện sau được thỏa mãn: (i) khi có một lượng người di chuyển qua biên giới lớn một cách bất thường trong một khoảng thời gian ngắn; (ii) khi tồn tại thông tin hoặc nghi vấn có căn cứ cho thấy các chính quyền nước ngoài can thiệp vào việc di chuyển qua biên giới. Tuy nhiên, cơ chế áp đặt những thay đổi này chưa được làm rõ trong dự luật. Những thay đổi này được thông qua nhằm bảo đảm an ninh quốc gia của Phần Lan, sau khi nước này nộp đơn gia nhập NATO và nhận được sự ủng hộ của tất cả thành viên trong tháng 6/2022.
Xem thêm:
Thư viện Nghị viện Phần Lan ngày 7/7/2022: Finland: Parliament Amends Border Guard Act to Protect Against Foreign Hybrid Attacks
VIII- CUỘC CHIẾN CỦA NGA Ở UKRAINE
Nga tấn công bằng tên lửa nhắm vào thành phố Vinnytsia, một trong những diễn biến mới nhất trong danh sách các tội ác chiến tranh mà quân đội Nga thực hiện tại Ukraine. Bốn mươi lăm quốc gia đồng ý phối hợp điều tra tội ác chiến tranh của Nga
Ngày 14/7/2022, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào khu dân cư tại thành phố Vinnytsia thuộc miền Trung Ukraine, cách xa tiền tuyến tại miền Đông Ukraine. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết cuộc tấn công này đã gây ra cái chết của 24 người trong đó có 3 trẻ em, và làm bị thương hơn 100 người khác. Con số người tử vong và bị thương vẫn đang tiếp tục tăng lên. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngay lập tức lên án bất cứ hành vi tấn công vào dân thường hay cơ sở dân sự nào, đồng thời một lần nữa kêu gọi các bên chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm này. Chính quyền Ukraine cho biết trong loạt 5 quả tên lửa Kalibr được phóng từ tàu ngầm ngoài khơi Biển Đen nhắm vào một khu văn phòng và nhà ở, trong đó có một trung tâm y tế đang hoạt động, lực lượng phòng không Ukraine đã hạ được 4 quả tên lửa. Cơ sở hạ tầng cơ bản của Ukraine đã bị thiệt hại nặng nề do các cuộc tấn công tương tự trong thời gian qua, khiến hàng triệu người không tiếp cận được với dịch vụ y tế, nước, điện, khí đốt. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khẳng định rằng đây là một hành vi khủng bố trắng trợn của Nga nhắm vào người dân nước này. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đã có khoảng 150 người tại Ukraine thiệt mạng do các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga trong hai tuần vừa qua.
Chưa dừng lại ở đây, ngày 16/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga tiếp tục ra lệnh cho tất cả các lực lượng tại Ukraine đẩy mạnh tấn công, sau khi tiếp tục tấn công bằng tên lửa nhắm vào một khu công nghiệp tại thành phố Dnipro, một khu dân cư tại khu vực Kharkiv, hai trường đại học tại thành phố Mykolaiv trong ngày 15/7.
Trong khi những bằng chứng trên thực địa được ghi nhận, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov vẫn tiếp tục khẳng định rằng cuộc chiến của Nga không chống lại người dân Ukraine, mà là chống lại chính quyền Ukraine. Tương tự, chuyên gia quân sự Igor Korotchenko cho rằng những vùng tạm chiếm tại Ukraine đã thuộc sở hữu của nước Nga, và cơ sở hạ tầng cũng như hành chính của Ukraine cần phải bị tiêu diệt hoàn toàn. Tờ RIA Novosti cho biết Bộ Quốc phòng Nga công nhận cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào Vinnytsia là có chủ đích, nhưng lại nói là nhằm triệt hạ một cuộc gặp bí mật giữa các đại diện quân đội Ukraine và các tổ chức cung cấp vũ khí nước ngoài.
Cùng ngày với vụ tấn công, tại Trụ sở Tòa Hình sự Quốc tế La Haye/Hà Lan, Mỹ cùng 44 quốc gia khác đã ký kết một thỏa thuận phối hợp điều tra các tội ác chiến tranh của Nga. Tới thời điểm hiện tại, hơn 24.000 hồ sơ điều tra đã được mở ra để làm rõ các hành vi tội ác chiến tranh của quân đội Nga. Tờ Sydney Morning Herald và The Age đã tổng hợp và công bố những chi tiết liên quan tới tội ác của quân đội Nga tại Ukraine, bao gồm bắt cóc, tra tấn, giết người bất hợp pháp, đánh bom nhắm vào dân thường, dựa trên những lời kể của nạn nhân, nhân chứng, và các nhân viên pháp y. Ngày 14/7, OSCE cũng công bố báo cáo về các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người diễn ra tại Ukraine trong thời gian từ 1/4 tới 25/6/2022. Theo đó, báo cáo kết luận rằng các bằng chứng thực tế cho thấy các hành vi vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh diễn ra có hệ thống, nhắm vào hạ tầng dân sinh và dân thường tại các khu vực dân cư không có các cơ sở quân sự. Một diễn biến đáng chú ý là việc thiết lập và sử dụng các “cơ sở lọc” để phân loại và đưa người Ukraine bị bắt cóc tới các vùng lãnh thổ xa xôi của Nga, và việc Nga sử dụng các chính quyền tại Donetsk và Luhansk để tránh liên đới trách nhiệm trong các tội ác chiến tranh.
Xem thêm:
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc ngày 14/7/2022: Note to correspondents – attack on Vinnytsia
Liên Hiệp Quốc ngày 14/7/2022: Ukraine: Guterres condemns deadly missile attack on Vinnytsia; more than 20 killed
Video ghi hình thực trạng sau vụ tấn công ngày 14/7/2022: của AFP và tổng hợp từ Olga Klymenko
DW ngày 14/7/2022: Zelenskyy calls Vinnytsia missile strike ‘act of terrorism’ — as it happened
Truyền thông Nga: Phát ngôn của Peskov, phát ngôn của Korotchenko
Ukrainska Pravda ngày 15/7/2022: Russian invaders officially admit that they deliberately targeted civilians in Vinnytsia
Government of the Netherlands ngày 14/7/2022 : Ukraine Accountability Conference: a step towards justice
Sydney Morning Herald ngày 16/7/2022: Inside the Ukraine war crimes investigation, Part 1: The Missing
OSCE ngày 14/7/2022: Moscow Mechanism experts present findings to OSCE Permanent Council on Ukraine
Washington Post ngày 16/7/2022: Russian forces ordered to intensify attacks across Ukraine
Borrell: EU sẽ không công nhận hộ chiếu Nga được cấp cho công dân Ukraine ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng
Đại diện Cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An Ninh EU Josep Borrell nói rằng sắc lệnh của nhà độc tài Nga Vladimir Putin nhằm đơn giản hóa thủ tục cho tất cả người dân Ukraine để được nhập quốc tịch Nga là “một sự vi phạm rõ ràng khác đối với chủ quyền của Ukraine.” Thủ tục đơn giản trước đây đã được sử dụng để cấp hộ chiếu Nga tại các khu vực do Nga chiếm đóng ở Donetsk và Luhansk, nơi Nga đã phân phối gần một triệu hộ chiếu kể từ năm 2019.
Theo luật quốc tế, không có quốc gia nào được phép công nhận chủ quyền của Nga đối với những vùng đất Nga chiếm đoạt bằng vũ lực.
Xem thêm:
Council of the EU ngày 03/6/2022: Ukraine: Declaration by the High Representative on behalf of the EU on attempts of the Russian Federation to forcefully integrate parts of Ukrainian territory
Các quan chức do Nga cài đặt nói Zaporizhzhia bỏ phiếu về việc gia nhập Nga
Các quan chức do Nga cài đặt ở khu vực Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, hôm thứ Năm ngày 14/7/2022 đã thông báo rằng họ sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào mùa thu về việc liệu khu vực này có sáp nhập vào Nga hay không. Nga và các lực lượng ủy nhiệm của họ kiểm soát hầu hết khu vực, nhưng các lực lượng Ukraine vẫn giữ phía bắc và thành phố Zaporizhzhia, trung tâm đô thị lớn nhất của khu vực.
Xem thêm:
TASS ngày 14/7/2022: Referendum on Zaporozhye Region joining Russia to be held early this fall, says official
Reuters ngày 14/7/2022: Moscow-installed official says south Ukraine region will vote on joining Russia
Nga bắt đầu ‘huy động quân tình nguyện’ để giải quyết vấn đề thiếu quân nhân
Viện Nghiên cứu Chiến tranh ngày 13/7/2022 cho biết rằng trong một nỗ lực tiếp tục các nỗ lực chiến tranh nhưng tránh tổng động viên, Nga đã kêu gọi 85 khu vực liên bang của mình (bao gồm cả Sevastopol và Crimea bị chiếm đóng) thành lập “các tiểu đoàn tình nguyện” thông qua các biện pháp khuyến khích trả lương và lợi ích cao. Mỗi khu vực phải cung cấp ít nhất một đơn vị với các tình nguyện viên, nam giới từ 50 tuổi trở xuống, đăng ký hợp đồng sáu tháng. Các chuyên gia trích dẫn các phương tiện truyền thông Nga xác nhận việc thành lập hoặc triển khai các tiểu đoàn tình nguyện tại 10 đồn, bao gồm cả thành phố Moscow, vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7.
Xem thêm:
Institute for the Study of War ngày 13/7/2022: Russia Offensive Campaign Assessment, July 13
Lực lượng tiên phong mới của Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký đạo luật về việc thành lập một phong trào thanh niên và thiếu nhi mới trên toàn quốc theo mô hình tổ chức Thiếu niên tiền phong của Liên Xô. Phong trào, được gọi là Sự thay đổi vĩ đại (Bolshaya Peremena, trong tiếng Nga), sẽ nằm dưới sự kiểm soát cá nhân của tổng thống. Việc tham gia được cho là tự nguyện.
Xem thêm:
Meduza ngày 14/7/2022: Vladimir Putin enacted more than 100 new laws today. Here are the ones you need to know
Meduza ngày 10/6/2022: Russian lawmakers are launching a new, Pioneers-style children’s movement run by Vladimir Putin
Người Nga đã đến thăm Iran một vài lần trong tháng 6 để kiểm tra các máy bay chiến đấu không người lái. Tổng thống Nga sẽ gặp Tổng thống Iran tại Tehran
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan ngày 15/7/2022 cho biết chính phủ Iran đang chuẩn bị cung cấp cho Nga vài trăm máy bay không người lái, bao gồm cả các UAV có khả năng mang vũ khí. Theo ông Sullivan và những hình ảnh vệ tinh độc quyền của CNN, một phái đoàn Nga đã đến thăm sân bay ở miền trung Iran ít nhất hai lần trong tháng 6 để kiểm tra các máy bay không người lái có khả năng mang vũ khí.
Vào ngày 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sẽ gặp nhau tại Tehran để hội đàm, chủ yếu tập trung vào vấn đề ổn định Syria. Trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, ba nhà lãnh đạo cũng dự kiến sẽ thảo luận về cách đảm bảo việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và Nga ra khỏi Biển Đen được an toàn trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và giá cả tăng cao. Trong bối cảnh Mỹ nêu chi tiết kế hoạch của Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga, liên minh ngày càng sâu rộng giữa Tehran và Moscow cũng có thể sẽ được trưng bày – một sự phát triển có nguy cơ cản trở khả năng của Mỹ và các đồng minh phương Tây trong việc chống lại hành vi hung hăng của đối thủ và ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên có những thông tin cho biết bên dưới bề mặt, Iran có thể không hài lòng với Nga vì bán phá giá nhiên liệu cạnh tranh thị trường với Iran – thị trường đã giúp hai thế hệ chính quyền Iran có thể tồn tại trước những lệnh trừng phạt của Mỹ.
Xem thêm:
CNN ngày 16/7/2022: Exclusive: Russians have visited Iran at least twice in last month to examine weapons-capable drones
Xuất khẩu chip của Trung Quốc sang Nga tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái
Các công ty bao gồm cả trong khối tư nhân và nhà nước Trung Quốc đang xuất khẩu sang Nga vi mạch, linh kiện điện tử và nguyên lộ thô khác, một số có ứng dụng quân sự. Xuất khẩu chip của Trung Quốc sang Nga đã tăng gấp đôi lên khoảng 50 triệu USD trong năm tháng đầu năm 2022 so với cùng thời điểm năm ngoái. Việc xuất khẩu này đã tăng lên kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine, sẽ hỗ trợ tăng cường nỗ lực quân sự của Nga ở Ukraine và làm phức tạp thêm nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm cô lập kinh tế và tê liệt quân đội Nga. Dữ liệu không đầy đủ và mạng lưới phức tạp của các công ty con và người trung gian khiến việc theo dõi tất cả các hoạt động này trở nên khó khăn.
Xem thêm:
The Wall Street Journal ngày 15/7/2022: Chinese Firms Are Selling Russia Goods Its Military Needs to Keep Fighting in Ukraine. Một bản PDF được lưu ở đây.
Lượng dầu của Nga xuất khẩu cho Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu suy giảm
Dữ liệu của Bloomberg cho biết kể từ giữa tháng 6, lượng dầu thô mà Nga đưa tới Trung Quốc và Ấn Độ đã giảm gần 30% so với mức đỉnh sau chiến tranh. Có khả năng đó là do Châu Á chưa được trang bị cần thiết để có thể hấp thụ hoàn toàn thị trường dầu đang bị thu hẹp của Moscow. Trên thực tế, nhiều nhà phân tích đã tính toán và dự đoán rằng với năng lực còn hạn chế, cho dù các nước Châu Á có nhập hết công suất thì cũng không thể đạt được sản lượng và giá thành mà Nga đã từng có khi bán dầu cho Châu Âu.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 18/7/2022: Russia’s Oil Deliveries to China and India Are 30% Below Peak. Một bản PDF được lưu ở đây.
Đường ống dẫn khí đốt Nga-Trung tiên đầu sẽ động thổ vào năm 2024
Mông Cổ hy vọng Nga sẽ bắt đầu xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh của Siberia 2” qua lãnh thổ của mình tới Trung Quốc trong vòng hai năm, khi Moscow lần đầu tiên tiến tới kết nối các mỏ khí đốt từ Châu Âu với Châu Á.
Xem thêm:
Financial Times ngày 19/7/2022: Mongolia says Russia-China gas pipeline will break ground in 2024. Một bản PDF được lưu ở đây.
Giám đốc điều hành của Tập đoàn Shell cảnh báo một mùa đông khó khăn và giá năng lượng tăng cao tại Châu Âu. Nhật Bản duy trì cổ phần tại dự án Sakhalin-2
Giám đốc Ben van Beurden dự báo rằng, với việc Nga sẵn sàng vũ khí hóa năng lượng để tấn công Châu Âu, người dân và doanh nghiệp Châu Âu cần phải sẵn sàng cho kịch bản một mùa đông “vô cùng khó khăn” với giá năng lượng tăng cao chưa từng có. Van Beurden cho biết: “từ lâu chúng ta đã nghĩ rằng Nga sẽ không tự làm hại lợi ích của mình bằng việc cắt đứt nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên những diễn biến vừa qua cho thấy rằng Putin sẵn sàng làm điều này.” Do đó, việc duy nhất cần làm là chuẩn bị trước cho các kịch bản, kể cả kịch bản xấu nhất là phải cắt điện để tiết kiệm năng lượng.
Trong một diễn biến khác, Nhật Bản quyết định duy trì cổ phần của mình trong dự án khí hóa lỏng Sakhalin-2, sau khi chính quyền Nga tuyên bố “quốc hữu hóa” dự án này và buộc các đối tác nước ngoài phải ra quyết định tiếp tục hay thoái vốn. Quyết định này được đưa ra với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng của Nhật Bản trong bối cảnh thời tiết thay đổi thất thường và cực đoan, bởi vì Sakhalin-2 cung cấp tới 9% lượng khí hóa lỏng mà Nhật Bản sử dụng.
Xem thêm:
Energy Voices ngày 14/7/2022: Shell CEO says Europe faces ‘tough winter’ and escalating prices
Japan Times ngày 16/7/2022: Japan aims to maintain stakes in Russia’s Sakhalin-2 energy project
Nga nhắm đến việc kiểm soát giá dầu bằng cách tạo ra bộ tiêu chuẩn riêng
Chính phủ Nga đã lên kế hoạch tạo ra một bộ tiêu chuẩn quốc gia về dầu vào năm tới nhằm đối phó với những nỗ lực của phương Tây hạn chế dòng chảy của đồng đô la đến nước này. Các bộ chủ chốt, các nhà sản xuất dầu trong nước và ngân hàng trung ương có kế hoạch khởi động giao dịch dầu trên một nền tảng quốc gia vào tháng 10 và quốc gia này đặt mục tiêu đạt đủ khối lượng giao dịch để thiết lập chuẩn định giá trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2023. Nga đã cố gắng tạo ra tiêu chuẩn của riêng mình về dầu mỏ trong hơn một thập kỷ nhưng không mấy thành công. Tham vọng của nước này càng gia tăng sau khi cuộc xâm lược Ukraine dẫn đến một loạt các lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây.
Xem thêm:
Bloomberg News ngày 14/7/2022: Russia Aims to Take Control of Oil Pricing by Creating Benchmark. Một bản PDF được lưu ở đây.
Khí đốt của Nga sẽ không nằm trong các lệnh trừng phạt tiếp theo của EU
Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala cho biết EU sẽ không đưa khí đốt của Nga vào vòng trừng phạt thứ bảy. Fiala cho biết quá nhiều thành viên sẽ không thể chuyển hướng khỏi khí đốt của Nga đủ nhanh.
Xem thêm:
Reuters ngày 14/7/2022: Gas won’t make EU’s next Russian sanctions package, Czech leader says
Quốc hội Latvia: Đình chỉ nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2023
Vào ngày 14/7/2022, Quốc hội Latvia đã đưa ra những sửa đổi mới đối với Luật Năng lượng, quy định lệnh cấm khí đốt tự nhiên của Nga bắt đầu từ ngày 01/01/2023.
Xem thêm:
Latvijas Republikas Saeima ngày 14/7/2022: Saeima atbalsta grozījumus par gāzes stratēģiskajām rezervēm (14.07.2022.)
Nicholas Velazquez: Kazakhstan xoay trục khỏi Nga giữa chiến tranh Ukraine
Việc Nga xâm lược Ukraine khuyến khích Tổng thống Kazakhstan Kassym Jomart Tokayev cuối cùng bước ra khỏi cái bóng của người tiền nhiệm trong nỗ lực vạch ra một con đường mới cho đất nước của mình, không bị Moscow kìm kẹp. Kazakhstan, một quốc gia trong lịch sử chịu ảnh hưởng của Nga do di sản của Liên bang Xô viết và một dân tộc thiểu số người Nga khá lớn ở phía bắc đất nước, nỗ lực thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nga để theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, nơi Nur-Sultan có thể theo đuổi các cơ hội bất kể dòng điện Kremlin. Trước khi Nga xâm lược Ukraine, những nỗ lực của Tokayev hướng tới mục tiêu này dường như cần phải xoa dịu Nga bằng cách trì hoãn với Moscow về các vấn đề an ninh Á-Âu.
Xem thêm:
Geopolitical Monitor ngày 14/7/2022: Kazakhstan Pivots from Russia amid Ukraine War
———-
IX- CÁC KHỐI KINH TẾ
BRICS hy vọng Ai Cập, Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm gia nhập khối
BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, có thể sớm trở thành một từ viết tắt dài hơn theo người đứng đầu Diễn đàn Quốc tế BRICS, Purnima Anand. Anand nói với truyền thông Nga rằng Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đều thể hiện “sự quan tâm đến việc tham gia và đang chuẩn bị đăng ký làm thành viên. Ngoài ra, Indonesia và Argentina cũng được coi là những thành viên tiềm năng của khối.
Xem thêm:
Middle East Monitor ngày 14/7/2022: BRICS expects Egypt, Saudi Arabia and Turkey to join group soon
Các Bộ trưởng Tài chính G20 cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực đang gia tăng, nhưng vẫn bị chia rẽ về trách nhiệm của Nga
Các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) cam kết giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng trong cuộc họp kéo dài hai ngày tại Bali kết thúc vào thứ Bảy ngày 16/7/2022, nhưng vẫn bế tắc về trách nhiệm của Nga trong cuộc khủng hoảng. Đã không thể có một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, nhưng hầu hết các điểm – bao gồm các vấn đề khác nhau từ ổn định kinh tế vĩ mô đến tài chính bền vững – do nước chủ nhà Indonesia đưa ra đều được nhất trí.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết cuộc chiến của Nga ở Ukraine là “một vấn đề mà các nước thành viên không thể hòa giải.”
Xem thêm:
The Straits Times ngày 16/7/2022: G-20 finance chiefs pledge to tackle rising food crisis, but remain split over Russia’s role in it
———-
X- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN
Ding Duo: Phán quyết của trọng tài không phải là giải pháp cho mọi tranh chấp ở Biển Đông
Đăng tải trên trang của Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia của Trung Quốc, tác giả chỉ nhắc lại những lập luận dòng chính của giới luật gia Trung Quốc nhằm bác bỏ Phán quyết, và cho rằng Phán quyết không chỉ không đưa ra được giải pháp công bằng cho các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và phân định biển trên Biển Đông mà còn làm cho các vấn đề phức tạp khó giải quyết hơn.
Đáng chú ý trong bài viết của tác giả là nhận định cho rằng “trật tự dựa trên luật lệ” vốn được Mỹ sử dụng ở Biển Đông không dựa trên lý thuyết cơ bản về nguồn gốc của giá trị phổ quát của luật pháp quốc tế, cũng như không bắt nguồn từ sự bình đẳng của các nước lớn và nhỏ và dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Thay vào đó, “trật tự dựa trên luật lệ” này đi cùng với logic của quyền lực và liên minh. Logic của quyền lực đã biến đổi các quy tắc được cho là trung lập, khách quan và có thể áp dụng phổ quát thành quyền bá chủ thể chế. Còn yếu tố liên minh thể hiện “ý chí tập thể” để Hoa Kỳ đàn áp bất đồng chính kiến bằng “luật lệ” của riêng mình.
Xem thêm:
National Institute for South China Sea Studies ngày 14/7/2022: The arbitration award is not a panacea for South China Sea disputes
Evan A. Laksmana: Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển của Indonesia bằng chiến thuật vùng xám
Trung Quốc đã áp đặt Indonesia vào chiến thuật vùng xám trên biển – sử dụng các hành vi cưỡng chế, gây căng thẳng nhưng không mang tính chiến tranh. Tại Biển Bắc Natuna, vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia (EEZ) gần nhất với Biển Đông, Trung Quốc đã tạo ra cuộc khủng hoảng công khai với các hoạt động đánh bắt cá trái phép có sự hỗ trợ của lực lượng hải cảnh và dân quân biển hoặc yêu cầu Indonesia ngừng các hoạt động khoan dầu trong khu vực.
Hành vi của Trung Quốc không liên quan đến các tranh chấp pháp lý, mà thiên về một chiến lược gặm nhấm dần dần khiến Jakarta vô tình hoặc mặc nhiên thừa nhận các quyền của Trung Quốc. Trung Quốc áp dụng chiến thuật vùng xám với Indonesia với hiểu biết rằng Indonesia sẽ không có phản ứng đúng mức. Và như một lẽ tự nhiên, các cường quốc bá quyền sẽ liên tục bành trướng cho đến khi không còn chỗ trống hoặc không vấp phải lực đẩy đủ mạnh. Việc Trung Quốc vẫn không ngừng chiến thuật vùng xám là do Indonesia đã không thể hiện được sự phản kháng mạnh mẽ. Phản ứng quân sự/an ninh rất lộn xộn, không nhất quán và phần lớn mang tính biểu tượng. Trung Quốc đã không phải trả một giá nào về kinh tế hoặc chính trị cho chiến dịch xâm nhập của mình.
Xem thêm:
The Straits Times ngày 15/7/2022: China making inroads with grey zone tactics against Indonesia. Một bản PDF được lưu ở đây.
Ristian Atriandi Supriyanto: Phản ứng của Indonesia đối với Chiến lược Vùng Xám của Trung Quốc: Ngoại giao, Quốc phòng và Thực thi pháp luật
Hoạt động trong vùng xám đề cập đến các hoạt động của một quốc gia nhằm gây tổn hại cho một quốc gia khác khác nhưng dưới ngưỡng chiến tranh. Tác giả cho biết phản ứng của Indonesia đối với chiến lược vùng xám (GZ) của Trung Quốc ở Biển Đông gồm ba mũi nhọn là ngoại giao, quốc phòng và thực thi pháp luật.
Về ngoại giao, luật pháp và xuất bản bản đồ là đặc trưng cho phản ứng ngoại giao của Indonesia. Indonesia đã gửi các công hàm bằng lời nói và gửi các phản đối ngoại giao. Ngoài ra, Indonesia theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương nhằm tìm kiếm sự đoàn kết quốc tế về UNCLOS nhưng không đạt hiệu quả tại ASEAN. Phản ứng ngoại giao của Indonesia cũng đề cập đến “cartofare” – việc vẽ và xuất bản các bản đồ mới, cũng như đổi tên các vùng biển liên quan. Tuy nhiên, các hành động của Indonesia không có ý nghĩa thực tế nào đối với GZ của Trung Quốc.
Về phản ứng quốc phòng, Jakarta cũng phản ứng kém hiệu quả vì không muốn gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh. Lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia đã thành lập sở chỉ huy tác chiến trên đất liền và chuyển Bộ chỉ huy Hạm đội 1 từ Jakarta đến Đảo Bintan về quân sự trên biển. Việc mở rộng tổ chức và lực lượng này là dành cho các hoạt động chiến đấu và do đó không phù hợp để chống lại các hoạt động GZ của Trung Quốc mà dường như là biểu tượng cho chiến lược rối loạn.
Về thực thi pháp luật. phản ứng của Indonesia đến từ các cơ quan giám sát nghề cá Indonesia hoặc Bộ Hàng hải và Nghề cá (KKP) và lực lượng tuần duyên của Indonesia, Bakamla. Dù vậy. Bakamla phàn nàn về tình trạng thiếu nhiên liệu và không đủ tàu và thiết bị khi giải quyết vùng GZ của Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động của lực lượng tuần duyên Trung Quốc.
Xem thêm:
RSIS ngày 13/6/2022: IP22038 | Indonesia’s Response to China’s Grey Zone Strategy: Diplomacy, Defence, and Law Enforcement
Ngeow Chow Bing: Sự ‘lột xác’ về thương mại tự do của Hải Nam che giấu ý nghĩa về địa chính trị
Tác giả lập luận vị trí địa chính trị quan trọng của đảo Hải Nam không phải là nhân tố thuận lợi cho việc phát triển của hòn đảo này. Thay vào đó, đây lại là điểm yếu của Hải Nam: Do vị trí địa lý, các nước ASEAN là đối tác tự nhiên của hòn đảo; theo đó, môi trường địa chính trị căng thẳng sẽ khiến Hải Nam không thể phát triển mạnh.
Xem thêm:
East Asia Forum ngày 6/7/2022: Hainan’s free trade makeover masks its geopolitical significance
Ngeow Chow Bing: Hình ảnh Trung Quốc có sự chia rẽ ở Malaysia
Trong một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, các ý kiến được phân chia giữa các nhóm dân tộc và phụ thuộc vào một số yếu tố quyết định.
Đầu tiên, một cuộc thăm dò năm 2015 do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy 78% người Malaysia được hỏi có quan điểm yêu thích Trung Quốc. Tỉ lệ là 35% vào năm 2016 và 39% vào năm 2022 dường như cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng của quan điểm “yêu thích” trong công chúng Malaysia.
Theo nhóm dân tộc, những người gốc Malay được hỏi, 28% có quan điểm “yêu thích”, 50% “trung lập” và 17% “không yêu thích”. Tỉ lệ “không yêu thích” Trung Quốc của người gốc Ấn Độ được hỏi là cao nhất (23%). Còn người gốc Hoa có xu hướng có cái nhìn thuận lợi hơn đối với Trung Quốc nhưng không phải vì tình cảm đồng tộc đối với Trung Quốc mà vì họ đã từng trải qua kinh nghiệm cá nhân ở Trung Quốc nên có ấn tượng tốt hơn về Trung Quốc.
Bất chấp sự chia rẽ sắc tộc, 70% người Malaysia đồng ý rằng Malaysia và Trung Quốc có mối quan hệ tốt đẹp. Chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc đã giúp cải thiện hình ảnh của nước này một cách đáng kể.
Ngoài ra, ngoại trừ người gốc Ấn Độ, đa số người được hỏi thuộc mọi sắc tộc đồng ý rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia có tác động tích cực đến đất nước và rằng Malaysia nên tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Chính sách của chính phủ Malaysia đối với Trung Quốc là một trong những nguyên nhân duy trì mối quan hệ tích cực và thu được lợi ích và cách tiếp cận này cũng được đa số người Malaysia ủng hộ.
Xem thêm:
ThinkChina ngày 5/7/2022: China’s divided image in Malaysia
Michael Schuman: Trung Quốc muốn thay thế trật tự của Mỹ thế nào?
Tác giả cho rằng Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) là chỉ dấu toàn diện về trật tự thế giới mới do Trung Quốc lãnh đạo mà nước này mong muốn. Nhiều điểm trong sáng kiến – như về cấm vận – hoàn toàn phục vụ lợi ích của nước này, trong khi một số điểm khác nhắm vào Mỹ, khiến các nhà lãnh đạo chuyên chế thấy hào hứng. Dù vậy, Bắc Kinh vẫn giữ lại nhiều thành tố trong trật tự thế giới hiện nay có lợi cho mình – tiêu biểu là Liên Hợp Quốc. Theo tác giả, sáng kiến là bằng chứng cho thấy Mỹ và Trung Quốc đã tiến tới một cuộc cạnh tranh toàn diện cho vị trí đứng đầu thế giới – cuộc cạnh tranh này sẽ quyết định cách các quốc gia tương tác với nhau, tính chính danh của các dạng chính quyền khác nhau, các quy tắc thương mại hay vấn đề nhân quyền.
Xem thêm:
The Atlantic ngày 13/7/2022: How China Wants to Replace the U.S. Order
Một số góc nhìn của chuyên gia Trung Quốc về “Sáng kiến An ninh Toàn cầu”
Trên tạp chí Thế giới đương đại, giáo sư Điền Văn Lâm (Tian Wenlin) tai Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) là điều cần thiết khi trật tự thế giới do phương Tây chi phối gây ra nhiều cuộc chiến tranh và xung đột – đặc biệt dưới thời kỳ nước Mỹ chi phối từ sau Chiến tranh Lạnh – khiến thế giới hiện nay rơi vào “giao lộ” nguy hiểm. Bên cạnh đó, tác giả cho rằng quan điểm an ninh của phương Tây – đặc biệt là chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa các nhân và chủ nghĩa bản vị (本位主义) tồn tại những mặt hạn chế.
Trong khi đó, trong một bài viết hồi tháng 5, ba học giả tại Viện Quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc (CICIR) đề cập đến mối quan hệ giữa GSI với Quan điểm An ninh Tổng thể của Trung Quốc và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI). Theo đó, GSI là thực tiễn công tác ngoại giao Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của Quan điểm An ninh Tổng thể. Cùng với GDI, GSI thể hiện việc áp dụng nguyên tắc “phối hợp giữa an ninh và phát triển” trong chính sách đối ngoại Trung Quốc vào thực tiễn.
Xem thêm:
Interpret: China: The Epochal Value of the Global Security Initiative Surpasses the Traditional Western Security Outlook
John Dotson: Sự ủng hộ về mặt tuyên truyền của Trung Quốc với các tin giả của Nga về chiến tranh sinh học
Theo tác giả, sự ủng hộ của Trung Quốc với chiến dịch thông tin sai lệch của Nga liên quan đến nghi vấn Mỹ triển khai vũ khí sinh học tại Ukraine được thúc đẩy bởi một số nguyên nhân: (i) Nhu cầu bào chữa cho quan hệ thân cận giữa Trung Quốc và Nga; (ii) Đây là một phần của chiến dịch tuyên truyền của Nga – Trung để đổ lỗi cho Mỹ và NATO gây ra cuộc chiến tại Ukraine; (iii) Đây là sự tiếp nối của cuộc chiến thông tin liên quan đến nguồn gốc đại dịch Covid-19. Tác giả nhận định chiến dịch thông tin này đã có hiệu quả nhất định trên các đối tượng như người dân Nga, Trung Quốc, ở các nước đang phát triển và cả ở các nước phát triển, đem lại hệ quả chính trị có lợi.
Xem thêm:
China Brief ngày 17/6/2022: Beijing’s Propaganda Support for Russian Biological Warfare Disinformation, Part 1: Accusations Concerning the War in Ukraine
China Brief ngày 15/7/2022: Beijing’s Propaganda Support for Russian Biological Warfare Disinformation, Part 2: Historical Context and Contemporary Motivations
Tosh Minohara: Nhật Bản, NATO, và tiềm năng xây dựng một liên minh quân sự Đông – Tây
Cuộc chiến của Nga tại Ukraine là một thời khắc quan trọng đối với nhận thức về an ninh quốc gia trong dư luận các quốc gia thuộc khối AP4 – 4 quốc gia đối tác Châu Á – Thái Bình Dương của NATO gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand – thúc đẩy các quốc gia này tiến gần hơn trong quan hệ hợp tác quân sự với NATO. Ở phía ngược lại, nhờ có cuộc chiến tại Ukraine, NATO đã đưa ra nhận định về Trung Quốc như thách thức địa chiến lược lớn nhất đối với phương Tây. Dựa trên những quan sát này, tác giả đưa ra nhận định rằng đang tồn tại một tiềm năng thành lập một liên minh quân sự toàn cầu, kết nối Đông – Tây với Mỹ làm trung tâm, để chung tay chống lại cuộc chiến của Nga tại Ukraine và ngăn chặn những nguy cơ mà Trung Quốc có thể mang lại. Tác giả cho biết liên minh toàn cầu này có thể được xây dựng dựa trên cơ sở sẵn có của NATO thay vì phải thành lập một “NATO Châu Á” mới.
Xem thêm:
The Straits Times ngày 12/7/2022: Japan, Nato and the East-West alliance | The Straits Times. Một bản PDF được lưu ở đây.
———-
XI- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – BÁO CÁO CHÍNH SÁCH
Julio S. Amador III et al. (2022) The Bilateral Consultation Mechanism – An Effective Management of Philippines-China Relations?
Cơ chế tham vấn song phương (Bilateral Consultation Mechanism – BCM) được Philippines và Trung Quốc thiết lập từ năm 2017 để thúc đẩy lòng tin và hợp tác. Đặc biệt, Trung Quốc coi đây là cách thức thực tế nhất để giải quyết tranh chấp với các nước Đông Nam Á. Trong khi đó, đây được coi là sự chuyển hướng của Manila sau giai đoạn cứng rắn dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III.
Trước đại dịch, Philippines và Trung Quốc đã triển khai 5 cơ chế BCM. Các cơ chế này đã đem lại thành quả ở mức độ nhất định, mang lại lợi ích cho hai bên. Dù vậy, chúng vẫn còn phải đối mặt với một số vấn đề, bao gồm hành vi của Trung Quốc. Tuy nhiên, các tác giả cho rằng BCM vẫn là một kênh liên lạc giúp hai bên bày tỏ quan điểm, lắng nghe và yêu cầu đối phương giải thích.
Các tác giả đưa ra một số đề xuất: (i) Tách biệt các vấn đề nhạy cảm khỏi các vấn đề khác; (ii) Tránh các tuyên bố không thực chất, các cam kết không thể thực hiện; (iii) Các nước ASEAN có yêu sách lập một “liên minh ý nguyện” (coalition of the willing) ở Biển Đông, hoặc công nhận sự chiếm đóng thực tế của nhau để tạo sự thống nhất.
Xem toàn văn nghiên cứu tại đây
Todd C. Helmus (2022) Artificial Intelligence, Deepfakes, and Disinformation – A Primer
Trước đây, một công cụ chính của chiến tranh thông tin sai lệch là những meme đơn giản: một hình ảnh, video hoặc văn bản được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội nhằm mục đích đưa vào tâm trí người tiếp cận một thông điệp hoặc một cảm xúc cụ thể. Chiến tranh thông tin sai lệch hiện giờ đang được nâng lên một tầm tinh vi hơn với những tiến bộ trong khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép phát triển phương pháp mới và hấp dẫn để truyền tải thông tin sai lệch: deepfakes. Những video thuộc loại deepfake là những hình ảnh đã được chỉnh sửa kỹ thuật số và tổng hợp một cách nhân tạo để giả mạo một người khác hoặc một thứ gì đó khác. Những video đó ngày càng trở nên giống thật và nhiều người lo ngại rằng công nghệ này sẽ gia tăng đáng kể mối đe dọa của thông tin sai lệch cả trong và ngoài nước.
Trong báo cáo chi tiết năm 20018 “Truth Decay: An Initial Exploration of the Diminishing Role of Facts and Analysis in American Public Life,” Jennifer Kavanagh và Michael D. Rich của RAND nêu bật bốn xu hướng chính cùng đặc trưng cho tầm quan trọng đang giảm dần của sự thật trong Xã hội Mỹ: sự bất đồng ngày càng tăng trong các đánh giá về sự kiện và cách giải thích phân tích các sự kiện và dữ liệu; ranh giới giữa quan điểm và thực tế bị xóa nhòa; sự gia tăng ảnh hưởng của quan điểm và kinh nghiệm cá nhân so với bằng chứng thực tế; và sự giảm lòng tin vào các nguồn thông tin có bằng chứng vốn được tôn trọng trước đây. Những xu hướng này, trong phạm vi mà chúng tiếp tục, cho thấy rằng deepfakes sẽ ngày càng tìm tới được một lượng khán giả rất nhạy cảm.
Mục đích của bài báo này là cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một cái nhìn tổng thể về mối đe dọa sâu sắc của công nghệ tạo thông tin sai lệch. Trước hết, bài báo đánh giá công nghệ tạo nền tảng cho deepfakes và những công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) liên quan, nhân bản giọng nói, hình ảnh deepfake và văn bản tổng hợp. Bài báo làm nổi bật các mối đe dọa mà deepfakes gây ra, cũng như các yếu tố có thể giảm thiểu các mối đe dọa đó. Bài báo sau đó đánh giá những nỗ lực đang được thực hiện để phát hiện và chống lại deepfakes, và kết bài là tổng quan các khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách. Bài báo dựa trên tổng hợp và đánh giá các tài liệu đã xuất bản về công nghệ thông tin sai lệch sử dụng deepfakes và trí tuệ nhân tạo. Hơn nữa, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thông tin sai lệch cũng đã đóng góp những hiểu biết có giá trị giúp định hình bài báo này.
Tải toàn văn bài báo ở đây.
The European Union Chamber of Commerce in China & Roland Berger (2022) European Business in China Business Confidence Survey 2022
Vào ngày 20/6/2022, Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc hợp tác với Roland Berger công bố Khảo sát về Niềm tin Kinh doanh của Doanh nghiệp Châu Âu tại Trung Quốc năm 2022. Cuộc khảo sát hàng năm cho thấy rằng trong khi hầu hết các công ty Châu Âu ở Trung Quốc đều có doanh thu khả quan và có lãi vào năm 2021, việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn đối với đa số. Khi phần còn lại của thế giới trở lại mức bình thường trước đại dịch và chính sách COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc làm trầm trọng thêm những thách thức trong kinh doanh, nhiều công ty đang đặt câu hỏi về việc họ sẵn sàng giữ lại bao nhiêu phần đầu tư vào Trung Quốc.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
Xem thêm:
Financial Times ngày 20/6/2022: EU companies say China units increasingly isolated from HQ by zero-Covid. Một bản PDF được lưu ở đây
Bloomberg ngày 20/6/2022: Nearly One in Four European Firms Consider Shifting Out of China. Một bản PDF được lưu ở đây
Forbes ngày 20/6/2022: China’s Unpredictability Is “Poisonous” For Its Business Environment, EU Chamber Says
South China Morning Post ngày 21/6/2022: EU companies in China pay the price for Brussels stance on Xinjiang. Một bản PDF được lưu ở đây.
Tai Ming Cheung, Barry Naughton, et al. (2022) China’s Roadmap to Becoming a Science, Technology, and Innovation Great Power in the 2020s and Beyond- Assessing its Medium- and Long-Term Strategies and Plans
Báo cáo cung cấp một phân tích chi tiết và sâu rộng về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với bối cảnh, việc xây dựng và nội dung của các kế hoạch đổi mới và khoa học, công nghệ tập trung vào lợi ích quốc gia và an ninh cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và giai đoạn 2021–2035. Báo cáo cũng cung cấp đánh giá ban đầu về tầm quan trọng của các nội dung đó.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.
[…] Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 22/7/2022: Bản Tin Biển Đông Số 115 […]
LikeLike