(Tuần từ 18/7 – 30/8/2022)
Thực hiện: Trần Phạm Bình Minh, Hương Nguyễn, Ngô Trung Hiếu, Lưu Việt Hà, Đinh Tùng Lâm, Nguyễn Huy Hoàng
Biên tập: Nguyễn Nhật Minh
Tư liệu: South China Sea News

Tải bản PDF ở
—————
Trong Bản Tin Biển Đông Số 116 – Phần 3 có những nội dung sau:
PHẦN 3: CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ -AN NINH MẠNG
I- TRÊN BIỂN
II- EO BIỂN ĐÀI LOAN
III- CHUYỂN ĐỘNG AUKUS
IV- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ
V- MỘT BỘ TỨ MỚI ĐƯỢC HÌNH THÀNH Ở TRUNG ĐÔNG?
VI- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ
VII- AN NINH MẠNG
VIII- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN
IX- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
—————
PHẦN 3: CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ – AN NINH MẠNG
I- TRÊN BIỂN
Các quan chức Hoa Kỳ: Trung Quốc ngày càng nguy hiểm hơn đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Việc xảy ra sự cố lớn sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Tư lệnh Không quân Úc khẳng định vẫn tiếp tục các chuyến bay giám sát ở Biển Đông
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley hôm Chủ nhật ngày 24/7/2022 đã cảnh báo quân đội Trung Quốc đã trở nên hung hãn và nguy hiểm hơn trong năm năm qua. Phát biểu tại Indonesia trên đường tới Sydney dự Hội nghị quan chức cấp cao quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ông Milley nói rằng số vụ chặn đường nguy hiểm và va chạm không an toàn thực hiện bởi các máy bay và tàu Trung Quốc đối với các lực lượng Hoa Kỳ và các đối tác trong khu vực đã tăng lên “đáng kể về mặt thống kê”. Các đối tác của Hoa Kỳ mà ông nhắc tới đã phải đối mặt với những hành vi nguy hiểm của Trung Quốc là Nhật Bản, Canada, Úc, Philippines và Việt Nam.
Trong Hội thảo Biển Đông thường niên được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á Jung Pak cũng cho biết “có một xu hướng rõ ràng và đi lên” trong các hành động khiêu khích của Trung Quốc chống lại những quốc gia có yêu sách và những quốc gia khác đang hoạt động hợp pháp ở Biển Đông.
Phát biểu sau đó, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Ely Ratner cho biết đã có “hàng chục” vụ việc xảy ra trong nửa đầu năm ở Biển Đông liên quan đến quân đội Trung Quốc, một sự tăng mạnh trong năm năm qua.
Chúng ta đã biết đến những vụ máy bay Trung Quốc chặn đường bay của Úc, Canada, Hoa Kỳ, Philippines và Nhật Bản trong nhiều Bản Tin Biển Đông. Đáng chú ý, có lúc máy bay Trung Quốc đã bay sát phía trước RAAF P-8 rồi phóng ra một cụm nhỏ tựa đám mây chứa các mảnh nhôm nhỏ, khiến động cơ của P-8 cuốn vào, gây ra “mối đe dọa an toàn cho máy bay P-8 và phi hành đoàn.” Phát tán những cụm nhỏ mỏng như đám mây chứa những mảnh nhôm, sợi thuỷ tinh kim loại hoá hoặc nhựa vào trước mặt máy bay đối phương vốn là một chiến thuật đối phó với kẻ thù bắt nguồn từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Những cụm nhỏ này xuất hiện trên màn hình radar đối phương nhằm gây nhầm lẫn, đánh lạc hướng, ví dụ như đánh lạc hướng tên lửa dẫn đường bằng radar khỏi mục tiêu của chúng.
Đối với trường hợp Việt Nam, đã từng có báo cáo cho biết tàu tiếp tế ra Trường Sa của Hải quân Việt Nam đã từng phải đối phó với sự chặn đường của tàu Trung Quốc bằng cách đi vòng sang đường khác. Tuy nhiên hiện chưa biết rõ số liệu “đáng kể về mặt thống kê” cụ thể là như thế nào. Việt Nam thường rất hiếm khi công bố những sự kiện về những nguy cơ đụng độ, tương tác nguy hiểm ngoài Biển Đông. Ngay cả khi tường thuật lại lời của tướng Milley, nhiều tờ báo lớn trong nước cũng loại bỏ tên nước “Việt Nam”.
Lạc Thư Nhàn (Luo Shuxian), một học giả đến từ Trung Quốc và sau này lấy bằng tiến sĩ và hiện đang làm nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Hoa Kỳ chia sẻ: khi hỏi một số nhà ngoại giao Trung Quốc rằng tại sao đột nhiên có sự gia tăng các tương tác nguy hiểm, họ không đưa ra một lời giải thích rõ ràng. “Họ nói, có lẽ chúng ta hãy đợi sau đại hội đảng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng có thể có điều gì đó đang xảy ra,” cô nói.
Nếu quân đội Trung Quốc tiếp tục mô hình hành vi này, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi có một sự cố hoặc tai nạn lớn trong khu vực, Ely Ratner nhận định.
Chiến lược đối phó của Hoa Kỳ
Trợ lý Ngoại trưởng Park nói rằng Hoa Kỳ có mối quan hệ rất phức tạp với Bắc Kinh và không định chống lại mọi việc Bắc Kinh đang làm ở Đông Nam Á và thế giới đang phát triển. Nhưng Hoa Kỳ muốn đảm bảo rằng các quốc gia, trong quan hệ với Bắc Kinh, có các công cụ và sức mạnh, và khả năng đứng lên giành quyền tự chủ và đưa ra quyết định có chủ quyền.
Ely Ratner vạch rõ chiến lược của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để đảm bảo cho Hoa Kỳ cùng các đối tác và đồng minh có thể tiếp tục thụ hưởng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong đó luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia được tôn trọng. Chiến lược đó gồm ba điểm chính: (1) Xây dựng lợi thế bất đối xứng cho các đối tác của Hoa Kỳ; (2) Xây dựng sự hiện diện đáng tin cậy về mặt chiến đấu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và (3) Tạo điều kiện cho các đối tác có năng lực nhất trong khu vực.
Úc sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông
Hôm 22/8/2022, Tư lệnh Không quân mới của Úc Robert Chipman cho biết các cuộc chạm trán không an toàn với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vẫn đang tiếp tục diễn ra. Bất chấp điều đó, Úc sẽ tiếp tục các chuyến bay giám sát hàng hải ở Biển Đông, và yêu cầu Trung Quốc, với tư cách là một quân đội hiện đại, có năng lực, cần hành xử chuyên nghiệp tương tự như phía Úc đã ứng xử với họ.
Đánh giá Trung Quốc đã thiết lập được một “năng lực trên không đáng gờm” ở Biển Đông, Chipman nói rằng điều đó không có nghĩa Biển Đông “bất khả xâm phạm” và không thể thực hiện các hiệu ứng quân sự để đạt được lợi ích khi chống lại Trung Quốc. Ông khẳng định những rủi ro tiềm ẩn khi chạm trán với Trung Quốc không làm thay đổi các hoạt động đã định của Úc ở Biển Đông. Không quân Úc được đào tạo với áp lực phải đạt tiêu chuẩn rất cao, có năng lực hoạt động trong môi trường đầy tranh chấp nên họ đã được trang bị tốt để tiếp tục hoạt động ở Biển Đông.
Xem thêm:
AP News ngày 24/7/2022: Milley: China more aggressive, dangerous to US, allies
Xem toàn bộ Hội nghị Biển Đông tại CSIS ngày 26/7/2022
Department of Defense ngày 27/7/2022: Building Asymmetric Advantage in Indo-Pacific Part of DOD Approach to Chinese Aggression
ABC News ngày 22/8/2022: South China sea patrols to continue as RAAF declares China’s air defences are ‘not impenetrable’
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ely Ratner có chuyến công du Ấn Độ và Việt Nam trong tuần này
Tại New Delhi, Ratner sẽ đồng chủ trì Đối thoại nội bộ Hoa Kỳ-Ấn Độ 2 + 2 lần thứ sáu cũng như Đối thoại An ninh Hàng hải cùng với Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á Donald Lu. Đi cùng với ông còn có các quan chức liên quan tới R&D, công nghiệp quốc phòng, và đại diện của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Cuộc họp nhằm chuẩn bị cho cuộc họp 2 + 2 cấp Bộ trưởng vào năm tới, nhằm thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ chia sẻ thông tin, hậu cần, công nghệ và hợp tác Hải quân cấp cao.
Kế đó, ông sẽ tới Hà Nội để chủ trì Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ trong bối cảnh Hoa Kỳ đang thực hiện các bước quan trọng nhằm mở rộng bề rộng và chiều sâu của quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam.
Trên Twitter, Ratner nói rằng làm việc cùng với các đối tác để thúc đẩy tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở chưa bao giờ có tầm quan trọng hơn lúc này.
Xem thêm:
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ngày 05/9/2022: Assistant Secretary of Defense for Indo-Pacific Security Affairs Dr. Ely Ratner’s Travel to India and Vietnam
Không quân hoàng gia New Zealand tuần tra ở Biển Đông trong một động thái hiếm hoi
Ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Úc khẳng định Không quân Úc vẫn sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông bất chấp rủi ro tiềm ẩn khi chạm trán với Trung Quốc, đã có những báo cáo cho biết Không quân New Zealand cũng tham gia hiện diện ở Biển Đông. Một chiếc P-3K2 Orion của Lực lượng Không quân Hoàng gia New Zealand (RNZAF) đã thực hiện một chuyến bay giám sát hiếm hoi trên Biển Đông từ ngày 24-26/8/2022 nhằm hỗ trợ HMNZS Aotearoa đang quá cảnh Biển Đông trên đường đến Singapore để bảo trì. Mặc dù không có tuyên bố chính thức, nhưng các dữ liệu theo dõi thực địa cho thấy P-3K2 đã sử dụng Căn cứ Không quân Clark ở Philippines là trạm dừng chân trong quá trình tuần tra.
Người phát ngôn Không quân Hoàng gia New Zealand xác nhận chuyến bay của P-3K2 là một trong những hoạt động thường xuyên đã được thực hiện trong hơn 40 năm hỗ trợ các đối tác trong khu vực. “New Zealand tiếp tục hành động ủng hộ việc duy trì hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, thể hiện sự ủng hộ đối với quyền tự do hải hành trên các vùng biển quốc tế đã được đảm bảo trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.”
Xem thêm:
Overt Defense ngày 29/8/2022: Aotearoa New Zealand Conducts Rare Patrol in South China Sea
Triển khai phi đội bay và lực lượng cứu hộ thường trực ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chủ động thể hiện vai trò lãnh đạo khu vực về hoạt động công ích toàn Biển Đông
Như chúng tôi đã đưa tin trong Bản Tin Biển Đông Số 115, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng bay cứu hộ và đặt các văn phòng phụ trách vấn đề hàng hải tại ba thực thể mà Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo và đường băng là Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xubi, với nhiệm vụ cứu hộ và giám sát an toàn giao thông hàng hải.
Trần Tương Miều, một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang đàm phán với ASEAN để tạo ra một nền tảng hợp tác tìm kiếm và cứu nạn cho toàn Biển Đông, bởi vì những hoạt động như vậy luôn là những nỗ lực lớn và không thể thực hiện được bởi một hoặc hai quốc gia.
Xem thêm:
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 22/7/2022: Bản Tin Biển Đông Số 115
South China Morning Post ngày 23/7/2022: South China Sea: Chinese permanent rescue and maritime offices stationed on disputed Spratly Islands. Một bản PDF được lưu ở đây.
Tập đoàn dầu khí Trung Quốc gọi thầu 13 lô dầu khí thăm dò ngoài khơi, trong đó có khu vực Bồn Trũng Sông Hồng (Yinggehai basin)
Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNOOC) đang chào mời công ty nước ngoài tham gia đấu thầu 13 lô dầu khí thăm dò ngoài khơi như một phần của vòng đấu thầu năm 2022. Trong 13 lô dầu khí có một lô nằm ở Bồn Trũng Sông Hồng, nằm ở phía tây bắc Biển Đông, giữa bờ biển phía bắc Việt Nam và đảo Hải Nam. Tại khu vực này, hiện Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang trong quá trình đàm phán phân định phía ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Hồi đầu tháng Tư, Trung Quốc đã tiến hành tập trận và thiết lập vùng cấm tàu thuyền đi lại trong khu vực này và lấn sang phía Việt Nam của đường trung tuyến 20 hải lý.
Những lô dầu khí khác được gọi thầu nằm trong lưu vực sông Châu Giang ngoài khơi Quảng Châu, và Vịnh Bột Hải.
“Vào năm 2022, CNOOC sẽ đổi mới phương thức hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài và mở rộng phạm vi đối tác trong khi tiếp tục duy trì tầm nhìn hợp tác đôi bên cùng có lợi,” theo thông báo của CNOOC.
Xem thêm:
CNOOC ngày 18/7/2022: 2022年中国海上对外开放区块招商通告
———-
II- EO BIỂN ĐÀI LOAN
Hải quân Trung Quốc bắt đầu xóa bỏ đường trung tuyến do Hoa Kỳ vạch ra
Như đã nói ở Phần 1 của bản tin, đường trung tuyến Eo biển Đài Loan được Tướng Không quân Hoa Kỳ Benjamin Davis thiết lập vào năm 1955 sau khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc giành quyền kiểm soát quần đảo Nhất Giang Sơn ngoài khơi tỉnh Chiết Giang từ quân đội Quốc dân đảng. Trong nỗ lực muốn trung lập hoá eo biển, Washington gây áp lực buộc cả hai bên phải chấp nhận một thỏa thuận ngầm không gửi lực lượng quân sự qua chiến tuyến và duy trì hiện trạng của eo biển.
Một kịch bản đã được dự đoán, đó là Trung Quốc lợi dụng sự kiện Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới thăm Đài Loan để thay đổi hiện trạng. Bước đầu tiên là xoá bỏ đường trung tuyến Eo biển Đài Loan bằng việc triển khai tàu và máy bay vượt qua đường trung tuyến thường xuyên hơn.
Phía Đài Loan không muốn từ bỏ khái niệm đường trung tuyến. Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu đã nói trong một cuộc họp báo trong tháng rằng “Chúng ta cần chung tay với các đối tác có chung chí hướng để đảm bảo rằng đường trung tuyến vẫn ở đó, bảo vệ hoà bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan.”
Một quan chức Đài Loan ẩn danh nói với Reuters rằng Đài Loan sẽ phải phản ứng quân sự nếu quân đội Trung Quốc xâm nhập lãnh hải 12 hải lý. Nhưng ngoài phạm vi đó, hiện không có kế hoạch trao cho quân đội hoặc lực lượng cảnh sát biển nhiều quyền hơn để đáp trả. Vì chúng ta không rõ chức vụ của người ẩn danh trao đổi với Reuters, sẽ có câu hỏi đặt ra liệu ông có thẩm quyền để biết mọi kế hoạch quốc phòng của Đài Loan, bao gồm cả những kế hoạch xử lý tình huống nhạy cảm nhất. Chúng ta sẽ phải tiếp tục theo dõi trong tương lai để kiểm chứng thông tin của ông.
Tổng thống Thái Anh Văn đã nhiều lần tuyên bố Đài Loan sẽ không kích động cũng như không leo thang xung đột.
Các quan chức Đài Loan cảnh báo, một sự hiện diện của hải quân Trung Quốc được thiết lập gần với lãnh hải của Đài Loan sẽ khiến sự phân bố quân đội Đài Loan bị kéo dãn và làm cho bất kỳ cuộc phong tỏa hoặc xâm lược nào của Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Về phía Hoa Kỳ và những người bạn của Đài Loan, một câu hỏi được đặt ra là liệu họ có giúp Đài Loan duy trì đường trung tuyến hay hỗ trợ đủ để Đài Loan có thể ngăn cản Trung Quốc. Các tàu của Hoa Kỳ và các hải quân phương Tây đi qua eo biển đều nhấn mạnh thông điệp duy trì địa vị quốc tế của vùng nước trong eo biển. Nhưng không có thông điệp nào cho thấy các chiến dịch tự do hải hành là để thực thi nghiêm ngặt đường trung tuyến vốn được coi là không có giá trị pháp lý.
Ba quan chức Hoa Kỳ ẩn danh nói rằng việc Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến về phía Đài Loan có rất ít tầm quan trọng về mặt chiến thuật, bởi đó chỉ là “một đường tưởng tượng mang tính biểu tượng” và hành động của Trung Quốc chỉ là “muốn chọc vào mắt Đài Loan một chút.” Họ nói rằng Hoa Kỳ không cần phải duy trì hiện trạng của đường này hoặc đẩy lùi các động thái vượt qua đường trung tuyến của Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Xem thêm:
Reuters ngày 26/8/2022: Analysis: China’s navy begins to erase imaginary Taiwan Strait median line
Hiện thực hoá tuyên bố trước đó, Tàu chiến Hoa Kỳ đi qua Eo biển Đài Loan lần đầu tiên kể từ chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi
Vào sáng ngày 28/8/2022, Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ phát đi thông cáo cho biết các tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Antietam (CG 54) và USS Chancellorsville (CG 62) đang tiến hành hải trình thường lệ qua Eo biển Đài Loan qua vùng biển được áp dụng các quyền tự do hải hành và tự do không hành trên biển theo luật pháp quốc tế. Hành lang mà hai con tàu đi qua nằm ngoài lãnh hải của bất kỳ Quốc gia ven biển nào, theo thông cáo. Và việc tàu đi qua Eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục bay, căng buồm và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.
Phản ứng của Trung Quốc, trái với dự đoán của một số nhà quan sát, lại khá kiềm chế. Bộ Chỉ huy Chiến khu Đông của quân đội Trung Quốc cho biết họ đang theo dõi và cảnh báo hai tàu chiến Hoa Kỳ. “Các binh lính trong khu vực luôn ở trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẵn sàng ngăn chặn bất kỳ hành động khiêu khích nào bất cứ lúc nào.” Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết các tàu Hoa Kỳ đang hành trình theo hướng đông nam và theo họ quan sát thì “tình hình vẫn diễn ra bình thường.”
Xem thêm:
U.S. 7th Fleet Public Affairs ngày 27/8/2022: 7th Fleet Cruisers Transit Taiwan Strait
Reuters ngày 28/8/2022: U.S. warships transit Taiwan Strait, first since Pelosi visit
CNN ngày 30/8/2022: Why China’s response to US warships in Taiwan Strait surprised analysts
Quân đội Đài Loan sẽ nổ súng bắn những thiết bị không người lái của Trung Quốc không tuân theo cảnh báo
Ngày 28/8/2022, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Kim Môn tuyên bố rằng Quân đội sẽ “xua đuổi” các cuộc xâm nhập của máy bay không người lái trong tương lai bằng các biện pháp đối phó cần thiết như huýt sáo, phát thanh cảnh báo và bắn pháo hiệu. Nếu chiếc UAV không kịp rời đi, nó sẽ bị “bắn hạ”.
Trả lời về báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan về những cuộc xâm nhập của các máy bay không người lái vào không phận đảo Kim Môn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng “Máy bay không người lái của Trung Quốc bay trong lãnh thổ Trung Quốc không phải là điều gì đó để làm ầm ĩ.” Bộ Ngoại giao Đài Loan phản bác bằng cách nhắc lại một lời dạy cổ của Trung Quốc rằng “những người không được mời gọi là kẻ trộm.”
Xem thêm:
Taiwan News ngày 29/8/2022: Taiwan to start shooting down Chinese drones that shirk warnings
Reuters ngày 29/8/2022: China dismisses Taiwan complaints on drone harassment
Quân đội Đài Loan lần đầu tiên nổ súng bắn vào máy bay không người lái của Trung Quốc xâm nhập đảo Kim Môn
Vào lúc 9h tối ngày 30/8/2022, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Kim Môn (KDC) ra thông cáo cho biết bắt đầu lúc 4:23 chiều cùng ngày, ba lô máy bay không người lái “dân sự” đã được phát hiện bay qua Đảo Dadan, Đảo Erdan và Đảo Shi, lần lượt ở Thị trấn Lieyu của Quận Kim Môn. Sau khi được các binh sĩ Đài Loan cảnh báo bằng pháo hiệu, các UAV đã bay khỏi quần đảo và bay về hướng Hạ Môn của Trung Quốc.
Lúc 5:59 chiều, một máy bay không người lái khác lại xâm nhập vào không phận trên vùng biển của Đảo Erdan. Quân đội Đài Loan lại đưa ra cảnh báo theo đúng quy trình. Tuy nhiên, vì chiếc máy bay lại tiếp tục bay vòng qua hòn đảo, các binh sĩ đã bắn “phát súng phòng thủ” vào máy bay để xua đuổi nó. UAV này sau đó bay về hướng Hạ Môn lúc 6 giờ chiều. và lực lượng phòng thủ Kim Môn sẽ “tiếp tục duy trì cảnh giác và theo dõi chặt chẽ tình hình,” thông cáo viết.
Xem thêm:
Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 30/8/2022: 陸軍司令部發布新聞稿,說明「金門地區發現民用無人機」乙情
Taiwan News ngày 30/8/2022: Taiwan troops fire on Chinese drone intruding over outer island for 1st time
———-
III- CHUYỂN ĐỘNG AUKUS
Sĩ quan Úc tham gia các khóa đào tạo của Anh về tàu ngầm hạt nhân
Khi được hỏi rằng có phải đang có những sắp xếp để đào tạo sĩ quan nước ngoài về tàu ngầm hạt nhân tại các cơ sở của Hải quân Hoàng gia Anh không, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh, Annabel Goldie, xác nhận sĩ quan Úc tham gia các khóa đào tạo là một phần của Thoả thuận AUKUS.
Xem thêm:
UK Defence Journal ngày 24/7/2022: Australians now attending British nuclear submarine courses
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ bổ nhiệm Cố vấn cấp cao đặc trách AUKUS
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa ra thông cáo cho biết Bộ trưởng Austin đã bổ nhiệm Abraham Denmark làm cố vấn cấp cao của ông về AUKUS. Trong vai trò này, Denmark sẽ cố vấn cho bộ trưởng và phối hợp các nỗ lực trong toàn bộ các bộ phận của Bộ để có thể nhanh chóng thực hiện lời hứa giúp Úc thiết lập năng lực tàu ngầm vũ trang truyền thống chạy bằng năng lượng hạt nhân, và đẩy nhanh việc phát triển các năng lực tiên tiến để phục vụ an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Xem thêm:
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ngày 29/7/2022: Statement on AUKUS Senior Adviser
Phi hành đoàn AUKUS điều khiển máy bay giám sát RC-135 trên Thái Bình Dương
Các phi hành đoàn Hoa Kỳ, Úc và Anh đã cùng điều khiển một máy bay giám sát RC-135 Rivet Joint trên khu vực Thái Bình Dương, một sự kiện thể hiện liên minh mạnh mẽ và năng lực được tăng cường của ba nước trong việc duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, theo Không quân Hoa Kỳ.
Theo trang web của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, RC-135W Rivet Joint là một máy bay giám sát điện tử chuyên dụng có thể hoạt động tại tất cả các chiến trường trong các nhiệm vụ chiến lược và chiến thuật.
Xem thêm:
UK Defence Journal ngày 06/8/2022: AUKUS crew fly RC-135 surveillance aircraft over Pacific
Bộ trưởng Quốc phòng Úc: Úc cởi mở với việc Nhật Bản và New Zealand tham gia liên minh AUKUS dù không mong muốn các quốc gia khác có được công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như Australia
Trên đường tới Darwin thăm quan cuộc tập trận không quân 17 quốc gia Pitch Black, Richard Marles cho biết Úc phải trở thành một hòn đảo “nhím” được củng cố với đầy đủ vũ khí sát thương để ngăn chặn một cuộc tấn công thù địch. Marles cởi mở với việc các quốc gia như Nhật Bản và New Zealand tham gia liên minh AUKUS mở rộng, mặc dù ông không mong muốn các quốc gia khác có được công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như Úc.
Thuật ngữ “con nhím” được sử dụng thường xuyên nhất để mô tả Đài Loan và ý tưởng rằng hòn đảo này nên được trang bị đủ vũ khí cao cấp để ngăn cản Trung Quốc cố gắng giành quyền kiểm soát.
Marles cho biết nhiệm vụ quan trọng của việc đánh giá nhanh Lực lượng Phòng vệ chiến lược mà ông đã công bố hồi đầu tháng này là đảm bảo Úc có thể dự phòng đủ vũ khí sát thương để tự vệ trước cuộc tấn công của một kẻ xâm lược. Không chỉ các tàu ngầm hạt nhân tầm xa sẽ được chuyển giao theo hiệp ước AUKUS, ông chỉ ra khả năng mua được các tên lửa siêu thanh có thể bắn hàng nghìn km.
Xem thêm:
The Sydney Morning Herald ngày 27/8/2022: ‘We need to be a porcupine’: Marles says Australia must project lethal force
———-
IV- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ
Nga không mở rộng hiện diện quân sự ở nước ngoài: Sự thật hay Huyền thoại
Ngày 20/7/2022, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố Nga đã không mở rộng sự hiện diện quân sự ở nước ngoài và cáo buộc NATO làm rạn nứt mối quan hệ. Điều này không đúng sự thật. Kể từ năm 2008, Nga đã thiết lập ít nhất 26 căn cứ quân sự ở nước ngoài”. Các báo cáo của các viện nghiên cứu tại Châu Âu cho thấy rằng mặc dù Nga nói không mở rộng hiện diện quân sự ở nước ngoài là sai, con số căn cứ quân sự mà Nga sở hữu ở nước ngoài không quá lớn. Các căn cứ quân sự ở nước ngoài của Nga chủ yếu là di sản của Liên Xô, và tập trung tại các quốc gia thuộc không gian Hậu Xô Viết và tại Trung Đông – Bắc Phi.
Xem thêm:
VOA Tiếng Việt ngày 20/7/2022: Không đúng: Nga phủ nhận bành trướng quân sự
PONARS Eurasia ngày 20/9/2021: Russia’s Foreign Military Basing Strategy
Viện Nghiên cứu Quốc tế Ba Lan ngày 25/5/2022: The Importance of Foreign Military Bases for Russia
Lần đầu tiên, Trung Quốc gửi cả ba lực lượng bộ binh, không quân và hải quân tham gia đầy đủ tập trận chung đa quốc gia Vostok do Nga tổ chức
Cuộc tập trận quân sự đa quốc gia Vostok do Nga chủ trì sẽ quay trở lại vào năm nay, diễn ra từ ngày 30/8 đến ngày 05/9/2022, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang nỗ lực chứng minh rằng một “thực tế địa chính trị mới” đã được hình thành mà ở đó “không còn chỗ cho bá quyền của Hoa Kỳ.”
Thực tế, như chúng ta đã thấy, đó là việc Trung Quốc đã trả đũa hoạt động chính trị phi quân sự của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi bằng các chiến dịch đe dọa vũ lực, phong toả bao vây xung quanh Đài Loan và cản trở tự do hải hành và không hành của dòng chảy thương mại dân sự.
Đây thực ra không phải là điều mới đối với người Việt Nam chúng ta. Vào năm 1988, song song với việc đưa ra khái niệm và kêu gọi các nước Đông Nam Á “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng hỏa lực mạnh bắn chết những công binh tay không của Hải quân Việt Nam tại Gạc Ma.
Cùng chung cách tiếp cận, Nga đã sử dụng vũ lực tấn công Ukraine, một quốc gia có chủ quyền. Hiến chương Liên Hợp Quốc đòi hỏi các quốc gia không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế và thụ đắc lãnh thổ. Việc sử dụng vũ lực chỉ được cho phép để tự vệ trước một hành động sử dụng vũ lực khác.
Tổng cộng có tất cả 13 nước được quy tụ dưới lá cờ tập trận Vostok của Nga. Đó là những nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Mông Cổ, Belarus, Syria, Algeria, Nicaragua, Azerbaijan, Armenia, Tajikistan, Kazakhstan, và Kyrgyzstan. Đây là những nước thành viên và đối tác của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể.
Nguồn tin nội bộ cho tờ Deccan Herald biết Ấn Độ sẽ nhận lời mời của Nga gửi quân tới tham gia cuộc tập trận, nhưng sẽ không tham gia vào phần biển liên quan đến Nhật Bản. Nhật Bản đã phản đối cuộc tập trận vì khu vực tập trận bao gồm cả quần đảo Kurli mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền nhưng hiện giờ Nga đang chiếm đóng.
Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, lực lượng bộ binh và không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đến khu vực diễn tập được chỉ định và lực lượng hải quân đang gặp các tàu chiến Nga trên biển. Cuộc triển khai này dựa trên kế hoạch hợp tác quân sự Trung – Nga thường niên và sự nhất trí của hai bên.
Trung Quốc lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận Vostok của Nga vào năm 2018 và cùng với Mông Cổ là hai quốc gia nước ngoài đầu tiên tham gia. Cuộc tập trận Vostok năm 2018 cũng được coi là cuộc tập trận đa quốc gia lớn nhất ở Nga thời hậu Xô Viết. Nhưng những hình ảnh được ghi lại cho thấy đó dường như là một sự kiện phô trương sức mạnh quân sự nhiều hơn là thực sự tập trận.
Tờ Global Times trích dẫn Tống Trung Bình, một chuyên gia quân sự Trung Quốc và bình luận viên truyền hình, nói rằng sự hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga sẽ góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực, răn đe các lực lượng nước ngoài có ý đồ xấu và chống lại bá quyền và cường quyền chính trị.
Hiện chưa rõ Tổng thống Nga Vladimir Putin có gửi lời mời Việt Nam tham dự trong nỗ lực của Nga muốn cho Hoa Kỳ và phương Tây thấy Nga không cô đơn.
Trước đó, Việt Nam đã tham gia Army Games tại Nga cùng với 19 nước: Trung Quốc, Azerbaijan, Belarus, Venezuela, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Mông Cổ, Abkhazia, Armenia, Zimbabwe, Iran, Lào, Mali, Myanmar, Syria, Sudan, Tajikistan và South Ossetia.
Trong sự kiện lần này, có một sự kiện ít người chú ý đến nhưng đã được truyền thông cánh hữu Hoa Kỳ và Nam Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ. Đó là một phần của Army Games, “Sniper Frontier” đã được tổ chức tại Venezuela, được coi là sân sau của Hoa Kỳ. Có những dấu hiệu gợi ý rằng 4 nước đang bị Hoa Kỳ áp dụng các lệnh trừng phạt – gồm Trung Quốc, Nga, Iran, Venezuela – đang nỗ lực liên kết hình thành một trung tâm quyền lực mới “nhằm phá vỡ thế đơn cực của Hoa Kỳ.” Ít nhất thì họ muốn gửi thông điệp tuyên truyền như vậy. Việt Nam đã tham gia sự kiện trong bối cảnh nhạy cảm như vậy.
Trong khi đó Việt Nam đã không tham gia tập trận Vành Đai Thái Bình Dương do Hoa Kỳ dẫn đầu, được coi là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới, nhưng do phương Tây lãnh đạo.
Xem thêm:
TASS ngày 26/7/2022: Russia to hold Vostok large-scale strategic command and staff drills
Global Times ngày 25/8/2022: For 1st time China sends ground, naval, air forces to join Russian Vostok drills
TASS ngày 25/8/2022: Chinese army units arrive in Russia for Vostok 2022 strategic drills
Deccan Herald ngày 18/8/2022: Russia invites India, China, other nations for military drill despite Japan’s objection over its venue
SWP Comment 2018/C 47 ngày 01/11/2018: Vostok-2018: Another Sign of Strengthening Russia-China Ties
Caracas Chronicles ngày 19/8/2022: Venezuela’s Embarrassing Participation in the Olympics of Illiberal Army
Deccan Herald ngày 30/8/2022: India to join Russia’s Vostok 2022 wargames, but stay away from naval drill to avoid hurting Japan’s sensitivity
Lần đầu tiên, Nhật Bản tham gia cuộc tập trận quân sự Super Garuda Shield ở Indonesia, tăng cường hỗ trợ Indonesia cải thiện năng lực hàng hải
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận quân sự đa quốc gia ở Indonesia được tổ chức từ ngày 01 – 14/8/2022. Cuộc tập trận quân sự Super Garuda Shield là một cuộc tập trận thường niên giữa Indonesia và Hoa Kỳ. Năm nay cuộc tập trận dự kiến sẽ lớn hơn đáng kể so với những lần trước, với một số quốc gia lần đầu tiên tham gia hoặc quan sát.
Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 27/7/2022 tại Tokyo, điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du Đông Á của ông Widodo, hai nhà lãnh đạo đã nhất chí làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh hàng hải, và Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Indonesia cải thiện năng lực cảnh sát biển.
Xem thêm:
The Straits Times ngày 28/7/2022: Japan joins Indonesia’s multinational military drill, plans to scale up trade and investment
Hoa Kỳ và Indonesia đồng đăng cai tập trận chung Super Garuda Shield 2022
Diễn ra từ ngày 1 – 14/8/2022, tập trận chung thường niên Super Garuda Shield 2022 được cho là lớn nhất kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009, với 14 quốc gia tham gia, bao gồm Úc, Nhật Bản, Singapore, Canada, Pháp, Ấn Độ, Malaysia, New Zealand, Hàn Quốc, Papua New Guinea, Timor-Leste và Anh. Đây là lần đầu tiên Úc, Nhật Bản và Singapore tham gia cuộc tập trận chung này.
Quy mô được nâng cao và mở rộng của cuộc tập trận không chỉ thể hiện sự trưởng thành và sâu sắc của quan hệ quân sự Hoa Kỳ-Indonesia mà còn thể hiện mức độ quan hệ đối tác này trở thành mạng lưới, với các đối tác quan trọng khác trong khu vực, theo nhận định của CSIS.
Xem thêm:
U.S. Embassy & Consulates in Indonesia ngày 03/8/2022: Super Garuda Shield 2022 Showcases Multinational Partnership and Joint Interoperability
Stars & Stripes ngày 08/8/2022: US strengthens military ties to Indonesia as tensions grow with China
Commander, U.S. 7th Fleet ngày 14/8/2022: USS Charleston and USS Green Bay participate in Garuda Shield 2022
Lần đầu tiên, EU tập trận chung với một nước Đông Nam Á – Indonesia
Vào ngày 14-15/8/2022, Liên minh Châu Âu (EU) và Indonesia đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên ở Biển Ả Rập. Cuộc tập trận dựa trên kịch bản của một chiến dịch chống cướp biển, bao gồm các cuộc đổ bộ trực thăng xuyên boong, các diễn biến chiến thuật phức tạp trên biển, lên các tàu khả nghi và tiếp nhiên liệu trên biển. Dự án của EU về Các tuyến đường Hàng hải Quan trọng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (CRIMARIO) đã cung cấp nền tảng Chia sẻ Thông tin Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IORIS) để liên lạc giữa những tàu tham gia cuộc tập trận.
Xem thêm:
EEAS ngày 16/8/2022: EU-Indonesia – Joint press release on First Joint Naval Exercise
Lần đầu tiên Lực lượng Không quân Đức triển khai một phi đội máy bay chiến đấu tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Không quân Đức đã lần đầu tiên cử một phi đội máy bay chiến đấu, gồm sáu máy bay phản lực Eurofighter và các máy bay quân sự, máy bay tiếp dầu, đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để tập trận chung và các hoạt động khác nhằm thúc đẩy quan hệ an ninh với khu vực, theo lời của Bộ Quốc phòng Đức, trong bối cảnh căng thẳng Eo biển Đài Loan tăng cao. Phi đội sẽ tham gia cuộc tập trận Pitch Back cùng với 15 quốc gia khác ở Úc, sau đó sẽ tới thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore từ ngày 28/9/2022.
Năm ngoái, Đức cũng đã lần đầu sau 20 năm triển khai tàu chiến tới khu vực để tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản ở Thái Bình Dương, phía nam Tokyo.
Xem thêm:
Kyodo News ngày 16/8/2022: Germany sends fighter jets to Indo-Pacific for 1st time
Lực lượng Không quân Hoàng gia Thái Lan tập trận chung với Trung Quốc vào cuối tháng 8
Trong khi đó, Lực lượng Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) đang tiến hành cuộc tập trận chung Falcon Strike với Trung Quốc kéo dài 10 ngày ở Udon Thani từ ngày 14-24/08/2022. Đây là cuộc tập trận chung lần thứ năm giữa hai nước. Theo một nguồn tin, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) sẽ triển khai một phi đội gồm “6 máy bay chiến đấu đa năng J-10 C/S, một máy bay ném bom JH-7AI và một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không Thiểm Tây KJ-500 tham gia cuộc tập trận”. Máy bay chiến đấu Su-27 của Trung Quốc sẽ không tham gia cuộc tập trận. Về phần mình, RTAF sẽ triển khai 5 máy bay Gripen, 3 máy bay huấn luyện/máy bay cường kích hạng nhẹ Alphajet và một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm SAAB 340 AEW. Việc tập trận chung với Trung Quốc trong bối cảnh đối kháng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng sâu sắc cho thấy Bangkok vẫn đang tìm cách duy trì cân bằng giữa đồng minh truyền thống Washington và đối tác quan trọng Bắc Kinh. Mặc dù trong năm nay, Thái Lan và Hoa Kỳ đã tái khẳng định cam kết và có nhiều hành động củng cố liên minh chiến lược, Quân đội Thái Lan tiếp tục theo đuổi quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Trung Quốc mà có vẻ có nhiều tương đồng hơn về quan điểm nội trị và vấn đề nhân quyền.
Xem thêm:
Bangkok Post ngày 06/8/2022: RTAF to conduct 10-day air exercise with Chinese
Philippines thăm dò khả năng tiến hành tuần tra hàng hải chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông
Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken theo hình thức trực tuyến ngày 06/8/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo nói rằng đây là vấn đề sẽ tiếp tục được tìm hiểu song phương. Những cuộc tuần tra chung như vậy có thể được tiến hành trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ chung của hai nước, đồng thời cũng nằm trong khuôn khổ của Ban Phòng thủ chung và Ban Hợp tác An ninh hai nước.
Về phần mình, Blinken tái khẳng định “cam kết chặt chẽ” của Hoa Kỳ đối với Hiệp ước Phòng thủ chung, đồng thời Hoa Kỳ cũng đang làm việc với ngư dân Philippines và các nhà nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và bảo vệ các nguồn tài nguyên biển của Philippines, mà theo ông, “đang bị đe dọa từ việc đánh bắt bất hợp pháp và sự tàn phá môi trường của các tác nhân bên ngoài.”
Xem thêm:
Inquirer News ngày 06/8/2022: PH eyes possible joint maritime patrols with US in West Philippine Sea
Việt Nam tập trận chung thường niên với Ấn Độ
Cuộc tập trận song phương Việt Nam – Ấn Độ lần thứ 3 “Ex VINBAX 2022” được tiến hành ở Chandimandir từ ngày 01 đến ngày 20/8/2022. Cuộc tập trận là phần tiếp theo của cuộc tập trận song phương đã tiến hành trước đó tại Việt Nam vào năm 2019. Chủ đề năm nay tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai trong khuôn khổ Hoạt động Giữ gìn Hòa bình của Liên hợp quốc. Bộ Quốc phòng Ấn Độ coi đây là một cột mốc quan trọng trong việc tăng cường quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam, và hợp tác quốc phòng là một trụ cột chính của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước. Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ và tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Xem thêm:
Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 01/8/2022: joint exercise “ex vinbax 2022” with vietnam people’s army to commence at chandimandir
Adda247 ngày 01/8/2022: 3rd India-Vietnam Bilateral Army Exercise “Ex VINBAX 2022” begins in Haryana
Diễn tập Hợp tác và Đào tạo Hàng hải Đông Nam Á thường niên lần thứ 21 – Việt Nam có tham gia
SEACAT là một cuộc tập trận đa phương được thiết kế nhằm tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước Đông Nam Á, với mục tiêu chung là giải quyết các cuộc khủng hoảng, tình huống bất thường và các hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực hàng hải bằng các chiến thuật, kỹ thuật và thủ tục được tiêu chuẩn hóa. Như Phó Đô đốc Karl Thomas, Chỉ huy Hạm đội 7 Hoa Kỳ nói: “SEACAT là học cách chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các đối tác cùng chung chí hướng.”
SEACAT năm nay có 21 quốc gia tham gia, bao gồm Úc, Bangladesh, Brunei, Canada, Fiji, Pháp, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Maldives, New Zealand, Peru, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Anh , Hoa Kỳ và Việt Nam. Năm nay, ngoài hội thảo trên bờ nâng cao nhận thức về các miền hàng hải (MDA) với sự chủ trì của Đội Ứng phó An ninh Hàng hải của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, và bổ sung thêm một hội thảo về việc sử dụng hệ thống máy bay không người lái (UAS) nhằm phát triển MDA, sẽ có thêm giai đoạn thực tập trực tiếp trên biển. Các quốc gia sẽ làm việc với tất cả các công cụ MDA hiện có trong sự kết nối với trung tâm hoạt động của các quốc gia khác để ứng phó với khủng hoảng hoặc các hoạt động bất hợp pháp trên biển.
Xem thêm:
CPF ngày 17/8/2022: Indo-Pacific Maritime Forces Kick off 21st SEACAT Exercise
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị Luật và Hoạt động Quân sự thường niên lần thứ 33. Việt Nam lại cử nhà ngoại giao đi tham gia khoá đào tạo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ
Các nhà lãnh đạo quân sự, học giả từ 25 quốc gia Ấn Độ Dương được Hoa Kỳ coi là đồng minh và đối tác, cùng tổ chức NATO và Uỷ ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế đã tham gia Hội nghị Luật và Hoạt động Quân sự thường niên lần thứ 33 do Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ tổ chức từ ngày 14 – 18/8/2022 tại Bangkok.
Đại diện cho Việt Nam, như đã thành thông lệ trong phần nhiều các sự kiện đào tạo do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tổ chức hoặc các sự kiện diễn đàn an ninh với Hoa Kỳ, là một nhà ngoại giao chứ không phải đến từ quân đội. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Xem thêm:
U.S. Indo-Pacific Command ngày 19/8/2022: 33rd Military Operations and Law Conference (MILOPS 22)
Malaysia nhận máy bay tuần tra biển đầu tiên được nâng cấp với sự tài trợ của Hoa Kỳ
Bộ Tư lệnh Hệ thống Hàng Không Hải quân Hoa Kỳ (NAVAIR) đã chuyển giao máy bay vận tải PTDI CN-235 cho Không quân Hoàng gia Malaysia gần 4 năm sau khi Hoa Kỳ ký một lá thư đề xuất và chấp nhận dự án. Đây là một trong ba chiếc máy bay vận tải sẽ được Hoa Kỳ hỗ trợ tài chính để nâng cấp trong chương trình Xây dựng Năng lực Đối tác của Hải quân Hoa Kỳ, phù hợp với Sáng kiến An ninh Hàng hải của chính phủ Hoa Kỳ, nhằm hỗ trợ chính phủ Malaysia tăng cường an ninh hàng hải và nhận thức các miền hàng hải trong Vùng Đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Máy bay được nâng cấp với một bộ thiết bị giám sát hàng hải, tích hợp một radar giám sát hàng hải, tháp pháo hồng ngoại điện quang, liên kết dữ liệu đường ngắm và một trạm điều hành. Hải quân Malaysia cũng được cung cấp các trạm mặt đất di động và cố định liên quan.
Xem thêm:
Defense News ngày 05/8/2022: Malaysia receives first maritime patrol aircraft upgraded with US funding
Lần đầu tiên, một tàu Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Ấn Độ để sửa chữa. Sửa chữa tàu là một lĩnh vực hậu cần Hoa Kỳ đang cần ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Hôm 08/8/2022, USNS Charles Drew, một tàu vận tải của Hải quân Hoa Kỳ đã đến xưởng đóng tàu L&T tại Kattupalli, Chennai để bảo dưỡng trong khuôn khổ hợp một hợp đồng mà Hải quân Hoa Kỳ đã trao cho nhà máy đóng tàu của Ấn Độ. Trong nỗ lực mở rộng quan hệ quân sự và quốc phòng song phương, hợp đồng này được coi như một khía cạnh mới bổ sung cho quan hệ đối tác chiến lược Hoa Kỳ – Ấn Độ và “thể hiện năng lực của các nhà máy đóng tàu Ấn Độ trong thị trường sửa chữa tàu toàn cầu,” theo lời một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
Ấn Độ đã chủ động đề xuất muốn cung cấp dịch vụ “sửa chữa và bảo dưỡng” các tàu chiến của Hoa Kỳ trong khu vực khi hai bên gặp nhau trong cuộc đối thoại “2+2” ở Washington vào tháng 4 vừa rồi. Và để thể hiện tầm quan trọng của sự kiện lần đầu tiên này, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Tiến sĩ Ajay Kumar, và Phó Đô đốc Hải quân SN Ghormade, trong số các quan chức hàng đầu khác, đã đến thăm nhà máy đóng tàu L&T để chào đón USNS Charles Drew.
Kumar cho biết sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới cho những cam kết sâu sắc hơn giữa hai nước, đồng thời cho biết Hoa Kỳ là một thị trường chính của xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ, với tổng giá trị hiện đã tăng 800% so với giai đoạn 2015-2016, lên khoảng 13.000 Rs.
Có mặt tại sự kiện, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Judith Ravin cũng đồng ý với Kumar rằng đây là một chương mới trong quan hệ chiến lược Ấn Độ – Hoa Kỳ.
Theo John Holthaus, một sĩ quan đang phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ, hậu cần là một lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt khi xảy ra xung đột. Ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã có các cơ sở để sửa chữa, bảo dưỡng tàu ở Singapore và Nhật Bản. Nhưng trong bối cảnh Trung Quốc đang đặt thêm các vũ khí chống tàu mặt nước tạo thêm rủi ro cho các tàu chiến của Hoa Kỳ ở chuỗi đảo thứ nhất, đồng thời tiếp tục mở rộng ảnh hưởng về phía tây Ấn Độ Dương, Hoa Kỳ cần phải tìm kiếm các phương án sửa chữa phi truyền thống khác, và Ấn Độ là một ứng cử viên sẽ có lợi cho cả Ấn Độ và Hoa Kỳ, gửi tới Trung Quốc một tín hiệu mạnh mẽ về sức mạnh mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. Holthaus đã có bề dày kinh nghiệm 16 năm trên các loại tàu chiến được triển khai khắp thế giới và lãnh đạo các đội lớn được đào tạo chuyên sâu để ngăn chặn hành vi xâm lược và bảo vệ tự do trên biển
Xem thêm:
The Times of India ngày 08/8/2022: US Navy ship docks in India for the first time for repairs
South Asian Voices ngày 13/4/2022: Using Logistics to Strengthen and Expand the Quad
Một cuộc tập trận thường niên giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ sẽ được thực hiện tại khu vực cách biên giới Trung Quốc chưa đầy 100 km
Các cuộc tập trận sẽ được tổ chức vào giữa tháng 10 ở độ cao 10.000 feet ở Auli thuộc bang Uttarakhand của Ấn Độ và sẽ tập trung vào huấn luyện tác chiến tầm cao, theo một sĩ quan cấp cao của Quân đội Ấn Độ có hiểu biết về sự kiện này. Auli cách Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC) khoảng 95 km, một vùng đất khắc nghiệt nơi biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc được phân định gần như sơ bộ.
Các cuộc tập trận này là một phần của cuộc tập trận chung thường niên lần thứ 18 có tên gọi “Yudh Abhyas” – hay “Thực hành Chiến tranh”.
Xem thêm:
CNN ngày 06/8/2022: US to take part in military exercise near India’s disputed border with China
Trực thăng Hoa Kỳ tham gia diễn tập bắn đạn thật được khôi phục trở lại ở Hàn Quốc
Máy bay trực thăng tấn công Apache của Quân đội Hoa Kỳ có trụ sở tại Hàn Quốc đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật lần đầu tiên kể từ năm 2019. Cuộc tập trận được tổ chức ngay phía nam biên giới với Triều Tiên và diễn ra sau khi Washington và Seoul đồng ý tiếp tục diễn tập bắn đạn thật để tăng cường răn đe đối với Bình Nhưỡng. Việc huấn luyện bắn đạn thật ban đầu bị tạm dừng như một phần trong nỗ lực giảm căng thẳng với miền Bắc bán đảo Triều Tiên.
Xem thêm:
Reuters ngày 25/7/2022: U.S. helicopters hold first live-fire drills in South Korea since 2019
Hàn Quốc, Úc, Canada, Nhật Bản và Hoa Kỳ tập trận chung phòng thủ tên lửa đạn đạo
Quân đội Hàn Quốc xác nhận cuộc tập trận phòng thủ tên lửa đạn đạo mang tên Rồng Thái Bình Dương do Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ dẫn đầu sẽ được tổ chức trong hai tuần đến ngày 14/8/2022 ở ngoài khơi Hawaii, nhằm tăng cường năng lực tương tác quân sự và khả năng sẵn sàng chống lại các mối đe dọa leo thang từ Triều Tiên. Hải quân Hàn Quốc có kế hoạch điều động tàu khu trục Aegis lớp Great Sejong 7.600 tấn được trang bị tên lửa đất đối không SM-2.
Trong cuộc tập trận, 5 nước sẽ thực hành phát hiện, theo dõi và chia sẻ thông tin về các loại đạn đạo giả do Hải quân Hoa Kỳ bắn. Hải quân Hoa Kỳ cũng sẽ đánh chặn các quả đạn giả bằng tên lửa dẫn đường.
Mặc dù Rồng Thái Bình Dương đã được tổ chức hai năm một lần nhân dịp cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), cuộc tập trận không được công khai vào năm 2018 và 2020 nhằm không khiêu khích Triều Tiên. Nhưng trong một cuộc gặp vào tháng 6 vừa rồi, các Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đồng ý chính thức hóa và công khai các cuộc tập trận phòng thủ tên lửa ba bên để ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Xem thêm:
ANN ngày 02/8/2022: S. Korea, US, Japan start Pacific Dragon ballistic missile defense drill this week
Hoa Kỳ và Hàn Quốc khôi phục các cuộc tập trận chung liên quân quy mô lớn hàng năm. Lần đầu tiên Tướng Hàn Quốc nắm chỉ huy tập trận
Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất trong nhiều năm vào thứ Hai ngày 22/8/2022 và nối lại huấn luyện thực địa, trong bối cảnh hai nước đồng minh tăng cường sự sẵn sàng đối với các cuộc thử nghiệm vũ khí tiềm năng của Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ “bình thường hóa” các cuộc tập trận liên quân và tăng cường răn đe đối với Triều Tiên.
Các cuộc tập trận bao gồm một “sự kiện huấn luyện mô phỏng máy tính, theo định hướng phòng thủ” kéo dài 11 ngày nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng của các đồng minh, tập trận tàu sân bay tấn công và huấn luyện đổ bộ
Sự trở lại của cuộc tập trận chung liên quân lớn nhất giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc cũng được đánh dấu bởi sự kiện lần đầu tiên, một tướng Hàn Quốc nắm vị trí chỉ huy – hướng tới mục đích đã bị trì hoãn từ lâu của Seoul là giành quyền chỉ huy các lực lượng đồng minh trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Trong cuộc tập trận, Tướng quân đội Hoa Kỳ Paul LaCamera đã hoán đổi vị trí cho cấp phó của ông là Tướng Hàn Quốc Ahn Byung- seok.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã phát động một cuộc tập trận phòng thủ dân sự kéo dài 4 ngày vào thứ Hai với sự tham gia của 480.000 người từ khoảng 4.000 công sở.
Xem thêm:
Reuters ngày 22/8/2022: South Korea, U.S. begin largest military drills in years amid North Korea backlash
Reuters ngày 24/8/2022: South Korean general commands joint drills with U.S. troops
Financial Times ngày 22/4/2022: US and South Korea launch war games for first time in 4 years. Một bản PDF được lưu ở đây.
Lực lượng quân sự Úc và Hoa Kỳ tập trận chung xây dựng năng lực chiến đấu chung ở những môi trường xa xôi khắc khổ
Nhiều ngàn quân nhân từ Lực lượng Phòng vệ Úc và và Hoa Kỳ đã kết thúc cuộc Tập trận Kooolendong kéo dài ba tuần nhằm nâng cao năng lực chiến đấu chung trên một diện tích rộng 1.000 km đường bộ, đường biển và đường không ở miền bắc nước Úc. Cuộc tập trận nhằm xây dựng và kiểm tra các quy trình chỉ huy và kiểm soát của liên quân, triển khai lực lượng quân sự, phối hợp các năng lực tấn công chiến lược, hỗ trợ hậu cần, duy trì lực lượng trên một phạm vi rộng lớn tại những môi trường khắc khổ xa xôi nhằm đối phó với một cuộc khủng hoảng khu vực.
Xem thêm:
Defence Connect ngày 29/7/2022: ADF, US forces wrap-up Exercise Koolendong
Muốn thắt chặt quan hệ quốc phòng với Úc, Hàn Quốc đề xuất cung cấp tàu ngầm mới giúp Úc lấp khoảng trống năng lực tàu ngầm
Tại bữa tiệc tối với Đại sứ Hàn Quốc tại Úc, các quan chức quốc phòng cấp cao Hàn Quốc đã thể hiện rõ mong muốn thắt chặt quan hệ quốc phòng với Úc, và đưa ra lời đề nghị đóng cho Úc các tàu ngầm tấn công thông thường lớp tiên tiến trong vòng 7 năm. Hàn Quốc thấu hiểu Úc có thể sẽ phải đối mặt với khoảng trống năng lực nếu các tàu ngầm lớp Collins hiện tại (tàu ngầm truyền thống của Úc) không thể duy trì hoạt động cho đến khi các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên do Úc sản xuất được triển khai. Dự kiến các tàu Collins sẽ chỉ còn hoạt động an toàn cho đến năm 2030 hoặc lâu hơn, nhưng có thể phải đến gần năm 2040 Úc mới có thể hạ thuỷ tàu ngầm tấn công đầu tiên chạy bằng năng lượng hạt nhân. Chính phủ ông Albanese dự kiến tới tháng 3 năm sau sẽ công bố Úc sẽ sử dụng thiết kế của Hoa Kỳ hay của Anh, và khi nào tàu sẽ được triển khai.
Xem thêm:
Breaking Defense ngày 25/7/2022: South Korea offers Aussies new subs in 7 years to close Collins gap
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, Úc thăm địa điểm xây dựng nhà máy lựu pháo K9 của Hàn Quốc tại Úc
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup và người đồng cấp Úc, Richard Marles, đã tham quan nhà máy sản xuất lựu pháo tự hành K9 của Hanwha Defense ở Geelong – quê hương của Marles – sau cuộc hội đàm về hợp tác song phương ngày hôm trước. Chuyến thăm được sắp xếp dựa trên đề xuất của Marles nhằm nhấn mạnh năng lực công nghiệp của Geelong và tiềm năng hợp tác công nghiệp quốc phòng song phương. Dự án K9 được coi là biểu tượng của hợp tác công nghiệp quốc phòng song phương và là nền tảng cho việc mở rộng hợp tác cùng có lợi.”
Cùng ngày, hai bộ trưởng cũng đã đến thăm Đại học Deakin, một viện chủ chốt về hợp tác giữa hàn lâm và công nghiệp quốc phòng. Tại đó, hai bên chia sẻ sự cần thiết tích cực hơn nữa trong hợp tác công nghệ.
Xem thêm:
Yonhap News ngày 05/8/2022: S. Korean, Australian defense chiefs visit construction site for K9 howitzer factory
Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc tới Úc hội đàm với Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản
Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc, Tướng Park Jeong-hwan, sẽ tham dự một diễn đàn an ninh hai năm một lần với với sự tham gia của những người đồng cấp từ Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản tại Adelaide, trong bối cảnh Washington đang nỗ lực thắt chặt phối hợp an ninh với các đồng minh trong khu vực trước những mối đe dọa gia tăng từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Xem thêm:
Yonhap News ngày 08/8/2022: Army chief to visit Australia for talks with U.S., Australian, Japanese counterparts
Không quân Pháp dừng nghỉ ở Ấn Độ trên đường thực hiện chuyến bay đường dài nhằm tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Một biệt đội Không quân và Không gian của Pháp, bao gồm ba máy bay chiến đấu Rafale và máy bay hỗ trợ, đã dừng lại tại căn cứ không quân của Không quân Ấn Độ tại Sulur ở Tamil Nadu, Ấn Độ trong hai ngày. Biệt đội Pháp đang thực hiện sứ mệnh triển khai bay đường dài tới New Caledonia từ ngày 10 đến ngày 18/8/2022.
Một quan chức Pháp đánh giá hoạt động thể hiện sự tin cậy lẫn nhau và khả năng tương tác cao giữa Lực lượng Không quân Pháp và Ấn Độ, cả hai đều sử dụng máy bay chiến đấu Rafale. Sự kiện cũng cho thấy thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau mà Pháp và Ấn Độ ký vào năm 2018 đang hoạt động.
Ngoài Pháp, Ấn Độ còn có các thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quân sự lẫn nhau với Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Xem thêm:
Times of India ngày 11/8/2022: French Rafale jets stopover in India on long-range deployment
Tập trận chung Pitch Black tại Úc
Tập trận Pitch Black là một cuộc tập trận chiến tranh được tổ chức hai năm một lần do Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) tổ chức. Cuộc tập trận thường được tổ chức ở Bắc Úc, chủ yếu tại các căn cứ Darwin và Tindal của RAAF. Mục đích của cuộc tập trận là để thực hành chiến đấu Phản công Phòng không (OCA) và Phòng không Phản công (DCA), trong môi trường chiến tranh mô phỏng. Theo truyền thống, cuộc tập trận sẽ bao gồm một “đội đỏ” và một “đội xanh” đóng tại các địa điểm riêng biệt, một bên sẽ tấn công bên kia.
Cuộc tập trận Pitch Black đầu tiên diễn ra vào năm 1981, chỉ giữa các đơn vị khác nhau của không quân Úc. Sang đến năm 1990, Úc lần đầu tiên mở rộng tập trận chung với lực lượng không quân nước ngoài, ban đầu là Singapore, và những năm sau đã mở rộng sang các nước có quan hệ quốc phòng với Úc như Malaysia, Pháp, Thái Lan, New Zealand, Hoa Kỳ, Anh.
Năm 2022, Pitch Black quay trở lại với quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 2500 người và 100 máy bay đến từ 17 quốc gia tham gia, trong đó có 6 thành viên NATO (Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, Anh và Hoa Kỳ), 4 đối tác của NATO (Úc, New Zealand, Hàn Quốc và UAE), 5 nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan), và Ấn Độ và Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Đức, Nhật Bản và Ấn Độ tham gia tập trận. Pitch Black diễn ra từ ngày 19/8 – 08/9/2022 tại các căn cứ không quân Darwin, Tindal thuộc Lãnh thổ Bắc và Queensland, và Amberley gần Ipswich, với không gian huấn luyện trên không được coi là lớn nhất thế giới.
Trong một sứ mệnh mang tên Rapid Pacific 2022, phi đội Luftwaffe của Đức đã triển khai sáu Eurofighter Typhoon, 3 máy bay vận tải chở dầu đa năng A330, 4 máy bay vận tải A40000M và 200 nhân viên đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong vòng chưa đầy 24h. Luftwaffe của Đức và Không quân Hoàng gia Úc sẽ lần đầu tiên tập trận chung. Trong ngày khai mạc cuộc tập trận quy mô nhất kể từ lần tổ chức đầu tiên, đã có 40 máy bay thuộc 16 loại khác nhau, trong đó có sự kết hợp hiếm hoi giữa máy bay chiến đấu Rafale của Pháp và Gripen của Thái Lan, 2 chiếc FA-16 của Singapore và 1 máy bay tiếp dầu KC-135, và Ospreys của Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ. Các máy bay đổ bộ Sukhoi Su-30MKI của Không quân Ấn Độ và F/A-18F Super Hornet của Không quân Úc đã lần đầu tiên bay cùng một đội hình chiến đấu.
Một loạt các mối đe dọa thực tế trong môi trường không gian chiến đấu hiện đại sẽ được mô phỏng nhằm kiểm tra và cải thiện năng lực tích hợp của lực lượng đa quốc gia trong một môi trường phức tạp và đầy tranh chấp. Các năng lực chiến đấu chung bao gồm: các hoạt động tấn công và phòng thủ trên không, khẩn cấp ngăn chặn đường không, và tiếp nhiên liệu không đối không. Trong trường hợp của Úc, mục tiêu là hỗ trợ các hoạt động Không quân Úc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua đào tạo và liên kết lực lượng với các đối tác chiến lược quan trọng.
Điểm đặc biệt của cuộc tập trận năm nay là chú trọng vào việc nâng cao năng lực tiếp nhiên liệu không đối không cho phép phản ứng nhanh, mở rộng phạm vi cũng như thời gian di chuyển của máy bay chiến đấu. Trước cuộc tập trận Pitch Black, một máy bay tiếp dầu đa năng KC-30A của Không quân Úc đã thực hành tiếp nhiên liệu không đối không với máy bay Mitsubishi F-2 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, Không quân Pháp đã tiếp nhiên liệu cho Su-30MKI của Ấn Độ trên đường cùng bay tới Căn cứ Darwin. Và lần đầu tiên, Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận quân sự nước ngoài mà không có sự hỗ trợ từ các lực lượng đồng minh. 6 chiếc KF-16 được tiếp nhiên liệu bởi máy bay tiếp dầu KC-330 trên đường tới Úc.
Xem thêm:
Royal Australian Air Force: Exercise Pitch Black 2022
Hoa Kỳ củng cố hợp tác an ninh mạng với Hàn Quốc
Ngày 28/7/2022, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về Công nghệ Mạng và Công nghệ Mới nổi Anne Neuberger đã đến Hàn Quốc từ ngày 25-27/7/2022 để tăng cường hợp tác giữa Liên minh Hoa Kỳ-Hàn Quốc về các vấn đề liên quan đến mạng. Theo thông cáo của Nhà Trắng, chuyến đi của Neuberger tiếp nối cam kết chung giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong chuyến công du tới Hàn Quốc vào tháng 5 nhằm mở rộng hợp tác song phương về các vấn đề mạng khu vực và quốc tế, đồng thời đối đầu với các mối đe dọa mạng, bao gồm cả từ Bắc Triều Tiên.
Chuyến thăm thể hiện nỗ lực mới nhất của Hoa Kỳ và Hàn Quốc tăng cường kết nối hợp tác về các vấn đề an ninh mạng, sau khi Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc gia nhập Trung tâm Hợp tác Phòng thủ Không gian mạng NATO (CCDCOE), đơn vị phòng thủ mạng của Liên minh vào tháng 5/2022.
Nhật Bản, một trụ cột quan trọng khác trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cũng đã gia nhập NATO CCDCOE vào năm 2018.
Xem thêm:
The White House ngày 28/7/2022: Statement by NSC Spokesperson Adrienne Watson on Deputy National Security Advisor Anne Neuberger’s Travel to the Republic of Korea
The Korea Herald ngày 05/5/2022: South Korea’s intelligence agency joins NATO’s cyber defense center as first in Asia
Security Brief ngày 23/01/2018: Japan is APAC’s first nation to join the NATO Cooperative Cyber Defence Centre of Excellence
Hoa Kỳ và Ukraine ký biên bản ghi nhớ hợp tác an ninh mạng
Biên bản ghi nhớ nhằm mục đích tăng cường hợp tác về các ưu tiên an ninh mạng chung xây dựng trên mối quan hệ hiện có. Những lĩnh vực hợp tác bao gồm: Trao đổi thông tin và chia sẻ các cách ứng xử tốt nhất khi gặp sự cố mạng; trao đổi kỹ thuật an ninh cơ sở hạ tầng quan trọng; và huấn luyện an ninh mạng và diễn tập chung.
Xem thêm:
Defence Connect ngày 29/7/2022: US, Ukraine sign cyber defence collaboration deal
Hoa Kỳ và Israel hợp tác chống lại Ransomware
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Israel đã hoàn tất các điều khoản của thỏa thuận song phương mới nhằm củng cố năng lực chống chịu của không gian mạng hai quốc gia và tiếp tục gia hạn một thỏa thuận song phương hiện có tập trung vào công nghệ.
Trong biên bản ghi nhớ mới, cả hai quốc gia sẽ làm việc cùng nhau để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, mục tiêu chính cho các cuộc tấn công ransomware và hack. Phần lớn Biên bản ghi nhớ nhấn mạnh việc tăng cường chia sẻ thông tin và giao tiếp xung quanh các mối đe dọa và lỗ hổng kỹ thuật số, cũng như các sáng kiến đào tạo cho các nhân viên có liên quan.
Xem thêm:
Defense One ngày 30/8/2022: US, Israel Team Up to Fight Ransomware
———-
V- MỘT BỘ TỨ MỚI ĐƯỢC HÌNH THÀNH Ở TRUNG ĐÔNG?
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm I2U2 và triển vọng của một Bộ Tứ Tây Á đối phó với thách thức từ Trung Quốc và Nga
Ngày 14/7/2022, Trong chuyến công du tới Trung Đông của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng thống Biden và Thủ tướng Israel Yair Lapid đã tham dự một cuộc họp trực tuyến đầu tiên của nhóm I2U2 với các nhà lãnh đạo Ấn Độ và UAE tại Jerusalem.
Một tuyên bố được đưa ra sau hội nghị nói rằng mục đích của hội nghị “nhằm… giải quyết một số thách thức lớn nhất mà thế giới của chúng ta đang đối mặt, đặc biệt tập trung vào các khoản đầu tư chung và các sáng kiến mới về nước, năng lượng, giao thông, không gian, sức khỏe và an toàn thực phẩm.”
Thông qua thiết lập nhóm I2U2, mục đích chủ yếu của bốn nước là huy động vốn của khu vực tư nhân và triển khai cho nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế. Những điều quan trọng trong số đó, như Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra nói, là – chuyên môn, triển khai chuyên môn để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, theo đuổi con đường phát triển giảm thiểu cacbon, cải thiện sức khỏe cộng đồng và khả năng tiếp cận vắc-xin, thúc đẩy kết nối vật lý giữa các quốc gia ở Trung Đông. Về phía Ấn Độ, đây là một nền tảng để kết nối các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ với các khoản đầu tư I2U2 và tìm kiếm các cơ hội trong lĩnh vực FinTech. Thủ tướng Modi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng và khả năng mở rộng hệ thống thanh toán UPI được phát triển bởi National Payments Corporation của Ấn Độ sang các khu vực I2U2.
Đây là những bước đầu tiên trong quan hệ đối tác chiến lược lâu dài nhằm thúc đẩy các sáng kiến và đầu tư để cải thiện dòng lưu thông hàng hoá trên khắp các bán cầu, tăng tính bền vững và năng lực chống chịu thông qua các quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết nhóm mới “có thể trở thành một đặc trưng của khu vực rộng lớn hơn, giống như Bộ Tứ [được thành lập bởi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc ở khu vực Thái Bình Dương] đã trở thành trụ cột trung tâm của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.”
Mặc dù các quan chức cố gắng giải thích rằng sự hợp tác này tập trung vào lĩnh vực kinh tế và dựa trên những giá trị riêng chứ không nhắm tới quốc gia cụ thể nào, hội nghị đã nói về các mối đe dọa kinh tế và chính trị liên quan tới Nga và Trung Quốc, đặc biệt là Trung Quốc vì nước này đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực.
Nhóm I2U2 không phải là không có những lo ngại về an ninh. Trên thực tế, an ninh hàng hải khu vực đã được cân nhắc đáng kể trong cuộc họp ngoại trưởng bốn nước vào tháng 10/2021. Đại sứ UAE tại Ấn Độ Ahmed Albanna đã gọi I2U2 là “Bộ tứ Tây Á”. Ông nói “Bộ Tứ Tây Á mới được thành lập giữa UAE, Ấn Độ, Israel và Hoa Kỳ là con cháu của Hiệp định Abraham…” Hiệp ước Abraham là hiệp ước đã dẫn đến bình thường hoá quan hệ giữa những quốc gia như UAE và Israel hướng tới hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Mục đích của nhóm không đề cập đến tham vọng hạt nhân của Trung Quốc hay Iran, nhưng Bắc Kinh rõ ràng cảnh giác về những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông.
Xem thêm:
The White House ngày 14/7/2022: Joint Statement of the Leaders of India, Israel, United Arab Emirates, and the United States (I2U2)
USIP ngày 28/7/2022: What You Need to Know About the I2U2
South China Morning Post ngày 02/8/2022: Is US plan for ‘Middle East Quad’ another security challenge for China?. Một bản PDF được lưu ở đây
India Century ngày 23/7/2022: RIGHT ANGLE – QUAD’s COMPANION
INSS Insight No. 1624 ngày 26/7/2022: China below the Radar: Israel-US Strategic Dialogue on Technology
The Hindu ngày 15/6/2022: I2U2 grouping of India, Israel, UAE and U.S. to re-energise American alliances globally: White House
Foreign Policy ngày 14/7/2022: First I2U2 Summit: India, Israel, UAE, and U.S. Cooperate. Một bản PDF được lưu ở đây.
Nga xích lại gần Iran hơn trong khi gia tăng căng thẳng với Israel
Ngày 15/7/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua dự thảo thỏa thuận về việc thành lập một khu vực thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Châu Âu (EAEU) và Iran, vốn được ký kết từ tháng 5/2018. Động thái này nằm trong một chuỗi các sự kiện kết nối gần gũi hơn giữa Nga và Iran, trong đó có việc đặt mua hơn 100 chiếc UAV do Iran sản xuất, ngay sau khi Tổng thống Biden có chuyến thăm Trung Đông. Sự kết nối này dẫn tới việc quan hệ giữa Nga và Israel ngày một đi xuống. Ngày 21/7/2022, Nga ra lệnh cho Tòa án Moscow xử lý vụ việc yêu cầu Cơ quan Do Thái của Israel tại Nga phải đóng cửa, khiến Thủ tướng Israel Yair Lapid phản ứng: “việc đóng cửa Cơ quan Do Thái tại Moscow sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ song phương”. Ngày 22/7/2022, Israel không kích một nhà máy sản xuất UAV của Iran tại Syria mà có tin báo rằng Nga đang muốn mua lại, và công bố rằng trong tháng 5/2022, hệ thống phòng không S-300 của Nga đã nhắm bắn vào một số máy bay chiến đấu của Israel nhưng không có thiệt hại nào. Những diễn biến này cho thấy rằng căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Israel có thể đẩy cao căng thẳng trên chiến trường tại Syria. Ngày 26/7/2022, Tổng thống Israel Isaac Herzog đưa ra một số tín hiệu nhằm giảm căng thẳng, bao gồm tiết lộ rằng đã làm việc với Thủ tướng Lapid để tránh khiến cho tình hình leo thang. Ngày 27/7/2022, Nga cho phép các đại diện của Israel được cấp visa tới Nga để tham gia vụ kiện đối với Cơ quan Do Thái trong ngày 28/7/2022, và phiên tòa sơ thẩm này diễn ra mà không có kết luận nào. Dự kiến phiên tòa tiếp theo sẽ được tổ chức ngày 19/8/2022.
Xem thêm:
Mehr News ngày 17/7/2022: Putin signs law ratifying Iran-EAEU free trade zone protocol – Mehr News Agency
Worldview Stratfor ngày 21/7/2022: Russia, Israel: Moscow to Dissolve Jewish Agency. Một bản PDF được lưu ở đây.
News84 Media ngày 22/7/2022: Israel destroyed a factory of Iranian drones in Syria that Russia wanted to buy – News84Media
Worldview Stratfor ngày 18/7/2022: Russia and Israel’s Row Over Ukraine Risks Bleeding Into Syria. Một bản PDF được lưu ở đây.
The Times of Israel: Israel – Russia relations
———-
VI- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ
Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ cho rằng cuộc xâm lược Đài Loan có khả năng xảy ra
Cơ quan tình báo Hoa Kỳ (CIA) nhận định khả năng xảy ra một cuộc tấn công bạo lực của lực lượng Trung Quốc vào Đài Loan là rất cao. Không phải là vấn đề “liệu” các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể quyết định “sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan” trong một vài năm nữa hay không, mà là “họ sẽ làm thế nào và khi nào làm điều đó,” Giám đốc CIA William Burns cho biết hôm thứ Tư ngày 19/7/2022 tại Diễn đàn An ninh Aspen.
Burns cho biết thêm, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã rút ra bài học kinh nghiệm từ “thất bại chiến lược” của Nga ở Ukraine. “Bạn không thể đạt được chiến thắng nhanh chóng, mang tính quyết định với lực lượng quá kém.” Ngoài ra, Trung Quốc đã học được rằng họ phải bảo vệ toàn diện nền kinh tế của mình trước các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Burns không tin rằng Bắc Kinh hiện đang hỗ trợ quân sự cho Nga.
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tần Cang nói với diễn đàn rằng Bắc Kinh vẫn nỗ lực “thống nhất một cách hòa bình” nhưng cáo buộc Hoa Kỳ hỗ trợ “lực lượng đòi độc lập” ở Đài Loan, “đục khoét và làm mờ” cam kết đối với chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh. Tần ra điều kiện về hoà bình: “Chỉ khi tuân thủ nghiêm ngặt chính sách một Trung Quốc, chỉ bằng cách chung tay kiềm chế và phản đối Đài Loan độc lập, chúng ta mới có thể có được một sự thống nhất trong hòa bình”.
Xem thêm:
China Table ngày 22/7/2022: CIA considers invasion of Taiwan likely
The Aspen Institute ngày 20/7/2022: Fireside Chat with Director William J. Burns
The Aspen Institute ngày 20/7/2022: Fireside Chat with Ambassador Qin Gang
Đô đốc Anh: mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc lớn hơn Nga
Không được đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Trung Quốc vì nước này trở thành một trong những người chiến thắng lớn nhất từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, người đứng đầu lực lượng hải quân đã cảnh báo. Người đứng đầu lực lượng hải quân, Đô đốc Sir Ben Key nói rằng: “Chúng tôi thấy Nga là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại, nhưng Trung Quốc sẽ đặt ra thách thức lớn hơn trong dài hạn”.
Ứng cử viên lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hoạt động Đặc biệt khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: sẽ tập trung nhiều hơn vào xây dựng quan hệ đối tác, phát triển năng lực chiến tranh bất đối xứng
Hôm thứ Năm ngày 21/7/2022, Trung tướng Lục quân Bryan, người được đề cử lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hoạt động Đặc biệt khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đã có phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ. Ông từ chối suy đoán thời điểm Trung Quốc có thể thực hiện hành động quân sự với Đài Loan, nhưng đồng tình với các nhà lãnh đạo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là có thể xảy ra trong thập kỷ này, thậm chí trong vòng năm năm tới. Fenton khẳng định bất kể là thời điểm nào, các lực lượng hoạt động đặc biệt đã luôn sẵn sàng khi cần cho lực lượng liên quân trong một cuộc xung đột cấp cao. Để đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ông sẽ tập trung nhiều hơn vào xây dựng và củng cố các quan hệ đối tác và đồng minh – một lợi thế của Hoa Kỳ so với Trung Quốc, và phát triển các năng lực chiến tranh “bất đối xứng” để đảm bảo một lực lượng nhỏ có thể chiến đấu chống lại kẻ thù lớn hơn, được trang bị tốt hơn.
Xem thêm:
Defense One ngày 21/7/2022: SOCOM Nominee Sees China Fight As More Partner Building, Less Door Kicking
Nhật Bản công bố báo cáo quốc phòng hàng năm với những nội dung chính về mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc, hợp tác Trung – Nga, tầm quan trọng của an ninh Đài Loan, chiến lược quốc phòng của Nhật Bản
Nhật Bản đã công bố sách trắng quốc phòng hàng năm vào thứ Sáu ngày 22/7/2022. Báo cáo nêu tên Nga, Trung Quốc và Triều Tiên là những mối quan tâm an ninh chính của Tokyo. Báo cáo cũng nhấn mạnh những lo ngại việc Nga xâm lược Ukraine sẽ tạo tiền lệ khuyến khích Trung Quốc thực hiện cuộc tấn công tương tự nhằm vào Đài Loan. Báo cáo được đưa ra khi chính phủ Nhật Bản đang tìm cách tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích báo cáo, nói rằng đã “phóng đại cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc.” Hàn Quốc cũng phản pháo lại bản báo cáo vì báo cáo đã nhắc lại tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với các đảo tranh chấp do Seoul quản lý.
Một số nội dung chính của sách trắng:
Sự kết hợp quân sự – dân sự và “thông minh hoá” quân sự
Trung Quốc đang tăng cường “Hợp nhất dân sự-quân sự” và thông minh hóa (sử dụng AI, v.v.), với mục đích xây dựng một “quân đội đẳng cấp thế giới.”
Cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine
“Nếu cuộc xâm lược của Nga được dung thứ, điều này có thể gây ấn tượng sai lầm rằng những thay đổi đơn phương về hiện trạng được cho phép ở các khu vực khác, bao gồm cả Châu Á. Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản, không được dung thứ cho hành động gây hấn như vậy.”
Hợp tác Trung – Nga
“Đối với Nga, quốc gia bị cô lập trên trường quốc tế và đã hao mòn lực lượng bộ binh do hành động gây hấn chống lại Ukraine, tầm quan trọng của hợp tác chính trị và quân sự với Trung Quốc có thể tăng lên, sự hợp tác sẽ trở nên sâu sắc hơn.”
Trung Quốc và các tranh chấp lãnh thổ trên biển
“(Bắc Kinh) tiếp tục hành động một cách quyết đoán, bao gồm cả những hành động nguy hiểm có thể gây ra những trường hợp bất ngờ ngoài ý muốn.”
Tại sao an ninh của Đài Loan lại quan trọng
“Đài Loan nằm rất gần các đảo phía tây nam của nước ta và chỉ cách đảo Yonaguni, hòn đảo cực tây của chúng ta khoảng 110km. Hòn đảo này nằm ở ngã ba của Biển Đông, Kênh Bashi và Biển Hoa Đông, đối diện với các tuyến đường biển quan trọng của Nhật Bản. Vì những lý do này, sự ổn định xung quanh Đài Loan không chỉ quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản, mà còn đối với sự ổn định của cộng đồng quốc tế.”
Căng thẳng Hoa Kỳ-Trung gia tăng về Đài Loan
“Vì chính quyền Biden, giống như chính quyền Trump, nói rõ rằng họ sẽ hỗ trợ Đài Loan trên phương diện quân sự, nên khó có khả năng Trung Quốc sẽ thỏa hiệp với lập trường của Hoa Kỳ và có khả năng xảy ra đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”.
Về “năng lực phản công” như một biện pháp răn đe đối với các hệ thống tên lửa ngày càng tiên tiến của Trung Quốc và Triều Tiên
“Nhật Bản đã và đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, nhưng chúng tôi đang cân nhắc tất cả các lựa chọn khi xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia mới dựa trên câu hỏi liệu chúng ta có thể thực sự bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân bằng cách đơn giản là cải thiện năng lực đánh chặn của mình hay không.”
Xem thêm:
Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2022
The Straits Times ngày 22/7/2022: Japan warns of rising security threats in annual defence report
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản: Cán cân quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan đang nghiêng về Trung Quốc
Cán cân quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan đang thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm thứ Sáu ngày 22/7/2022, cùng ngày Nhật Bản công bố Sách Trắng Quốc phòng hàng năm. Ông cũng nhận định môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang trở nên nghiêm trọng với tốc độ chưa từng thấy.
Xem thêm:
USNI ngày 22/7/2022: Japanese Defense Minister: China, Taiwan Military Balance Shifting in Beijing’s Favor
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản: Thế giới đã bước vào ‘kỷ nguyên khủng hoảng mới’
Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm Yasukazu Hamada nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai ngày 29/8/2022: “Cộng đồng quốc tế nói chung đã bước vào thời kỳ khó khăn nhất kể từ khi cuộc chiến trước kết thúc, và trật tự hiện có đang bị thách thức nghiêm trọng”. Ông Hamada chỉ ra rằng Tokyo cần quyết liệt xem xét lại cách tiếp cận an ninh của mình trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 29/8/2022: Japan defense chief says world has entered ‘a new era of crisis’
Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ: Ấn Độ sẽ là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong tương lai, đóng vai trò then chốt trong đối đầu với Trung Quốc
Trong một bài phát biểu tại Heritage Foundation ở Washington ngày 27/8/2022, Đô đốc Mike Gilday, Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ, nói rằng Ấn Độ sẽ là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong tương lai, đóng vai trò then chốt trong việc chống lại Trung Quốc. Sự tham gia của Ấn Độ trên bàn cờ sẽ khiến Trung Quốc phải đối đầu với hai mặt trận cùng lúc. Trung Quốc sẽ không những phải nhìn về phía đông, về phía Biển Đông và Eo biển Đài Loan, mà còn phải nhìn qua vai mình về phía Ấn Độ.
Xem thêm:
The Times of India ngày 29/8/2022: India presents China with two-front problem, says US Navy chief
Hoa Kỳ bỏ lệnh trừng phạt đối với Ấn Độ vì nhập khẩu tên lửa của Nga
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã bỏ phiếu phản đối việc trừng phạt Ấn Độ vì nhập khẩu tên lửa S-400 của Nga, nhằm thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong việc Ấn Độ tăng cường hệ thống phòng thủ, và đưa tới Ấn Độ thông điệp Hoa Kỳ sẽ sát cánh với Ấn Độ chống lại thách thức Trung Quốc. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ hy vọng qua hành động thiện chí này sẽ siết chặt thêm mối quan hệ giữa hai nước và khuyến khích quốc gia Nam Á tìm kiếm vũ khí phương Tây.
Phó Chủ tịch đảng cầm quyền Ấn Độ, Baijayant Jay Panda, đã ca ngợi quyết định này trên mạng xã hội và gọi đây là “lời khẳng định về ảnh hưởng ngày càng tăng của Ấn Độ trong việc định hình địa chính trị & Trật tự thế giới mới.”
Với động thái này, Ấn Độ có thể hoàn thành thương vụ nhập khẩu 5 hệ thống phòng không từ Nga vào đầu năm tới mà không phải đối mặt với sự trả đũa của Hoa Kỳ.
Các chuyên gia đã đưa ra những lý do khác nhau cho việc Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Ấn Độ.
Xem thêm:
RFA ngày 23/7/2022: US drops sanctions against India over Russian missile imports
Ấn Độ và Indonesia đang đàm phán thương vụ tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos của Ấn-Nga
Tờ Financial Express Online của Ấn Độ trích dẫn các nguồn tin cho biết Ấn Độ đang trong các cuộc đàm phán với Indonesia để xuất khẩu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos. Thỏa thuận dự kiến sẽ được ký vào cuối năm hoặc đầu năm sau. Indonesia sẽ trở thành nước thành viên ASEAN thứ hai sau Philippines nhập khẩu tên lửa từ Ấn Độ.
Xem thêm:
Financial Express Online ngày 19/7/2022: FE Exclusive: Indonesia to buy BrahMos Missile from India? Talks in advance stage
Ấn Độ sẽ ngừng sử dụng máy bay chiến đấu của Nga thời Liên Xô vào năm 2025 vì sự cố gây chết người, chuyển sang mua của phương Tây
Truyền thông Ấn Độ đưa tin Ấn Độ sẽ dừng sử dụng tất cả các máy bay chiến đấu Nga thời Liên Xô, MiG-21, vào năm 2025, sau cái chết của hai sĩ quan trong một vụ tai nạn, vụ mới nhất trong một loạt thương vong liên quan đến sự cố máy bay phản lực một động cơ. Trong những năm gần đây Bộ Quốc phòng và Không quân Ấn Độ đã mua máy bay từ các nhà sản xuất phương Tây.
Xem thêm:
Reuters ngày 30/7/2022: India to ground MiG-21 fighter jets by 2025, Times of India reports
Philippines hủy hợp đồng trực thăng Nga và chuyển sang đàm phán với Hoa Kỳ
Vào tối thứ Ba ngày 27/7/2022, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết ông đã hủy bỏ thỏa thuận trị giá 12,7 tỷ peso (227 triệu USD) mua máy bay trực thăng Mi-17 của Nga do lo ngại sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Washington. Các quan chức an ninh Hoa Kỳ đã biết về quyết định này của Manila và cho biết có thể cung cấp các máy bay trực thăng hạng nặng tương tự cho quân đội Philippines.
Hôm 15/8, Đại sứ Manila tại Washington Jose Manuel Romualdez cho biết Philippines đang đàm phán thương vụ máy bay trực thăng Chinook hạng nặng của Hoa Kỳ để thay thế phần cứng hiện có của Philippines được sử dụng cho việc di chuyển quân đội và ứng phó với thảm họa.
Ông Romualdez nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng đồng ý một thỏa thuận với số tiền mà Philippines đã định chi cho các máy bay trực thăng của Nga, đồng thời có thể sẽ bao gồm thêm bảo trì, dịch vụ và các bộ phận.
Xem thêm:
AP News ngày 27/7/2022: AP Exclusive: Philippines scraps Russian chopper deal
The Straits Times ngày 15/8/2022: Philippines in talks to buy US helicopters after dropping Russia deal
Đức mua 35 chiếc F-35 từ Hoa Kỳ
Một thương vụ trị giá 8,4 tỷ USD gồm một phi đội máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 kèm theo một kho vũ khí tên lửa và đạn dược bán cho Đức đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông qua. Thỏa thuận này vẫn sự chấp thuận cuối cùng của Quốc hội, nhưng chỉ mang tính thủ tục, dọn đường cho Berlin thực hiện một trong những đợt nâng cấp quân sự quan trọng nhất trong nhiều năm.
Gói khí tài này sẽ cung cấp một sự thay thế phù hợp cho đội máy bay Tornado sắp nghỉ hưu của Đức. Điều này sẽ giúp cải thiện năng lực của Đức trong việc đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai trong việc hỗ trợ sứ mệnh chia sẻ hạt nhân của NATO, trung tâm răn đe ở Châu Âu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm.
Xem thêm:
Stars & Stripes ngày 29/7/2022: German purchase of nearly three dozen F-35s from US cleared by State Department
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tài trợ cho các nghiên cứu công nghệ siêu âm của các trường Đại học Hoa Kỳ
Hôm 18/8/2022, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã công bố tên bốn trường đại học được nhận giải thưởng nghiên cứu ứng dụng trị giá 500.000 USD một năm cho mỗi trường để cải tiến công nghệ siêu âm. Tổng giá trị giải thưởng là 2 triệu USD. Một trong những mục đích của giải thưởng là phát triển lực lượng lao động. Sinh viên đại học và sau đại học tham gia vào các nghiên cứu sẽ có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp và tích lũy kinh nghiệm về công nghệ siêu âm.
Xem thêm:
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ngày 18/8/2022: Department of Defense Awards $2 Million for Universities to Research Hypersonics Technologies
Hoa Kỳ phát triển chòm vệ tinh mới theo dõi tên lửa siêu thanh của Trung Quốc và Nga
Cơ quan Phát triển Không gian Hoa Kỳ (SDA) đã công bố L3 Harris và Northrop Grumman dành được hợp đồng phát triển chùm vệ tinh mới có năng lực theo dõi tên lửa siêu thanh của Trung Quốc và Nga trị giá 1,3 tỷ USD. Những tên lửa tiên tiến này cực kỳ cơ động, và vì vậy chùm vệ tinh được thiết kế đặc biệt để chống lại phiên bản tiếp theo của các mối đe dọa bên ngoài, chủ yếu từ Nga và Trung Quốc, theo lời Giám đốc SDA Derek Tournear.
Hệ thống vệ tinh “The Tracking Layer” sẽ có thể theo dõi các tên lửa siêu thanh di chuyển nhanh “trong toàn bộ đường bay” và dự đoán “điểm va chạm” của chúng bằng cách phát hiện những thay đổi về nhiệt trong quá trình phóng và các thao tác tiếp theo. (Các hệ thống cảnh báo tên lửa cũ có khả năng phát hiện vụ phóng nhưng không phát hiện ra các chùm tia hồng ngoại mờ của các phương tiện siêu thanh cơ động.)
Xem thêm:
Breaking Defense ngày 18/7/2022: L3Harris, Northrop score $1.3B in SDA hypersonic missile tracking contracts
Đáp ứng ưu tiên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Lockheed Martin dự định thử nghiệm chòm vệ tinh nâng cao nhận thức chiến trường mọi không gian
Lockheed Martin vừa mới công bố Dự án thử nghiệm Môi trường Tác Chiến Liên Quân Mọi Miền (JADO) Tăng cường từ Không gian trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tiếp tục ưu tiên kết nối trên biển, đất liền, trên không, không gian và không gian mạng – trong đó không gian được coi là “vùng đất cao cuối cùng”. Trong dự án thử nghiệm này, Lockheed Martin sẽ phóng thử nghiệm chùm vệ tinh cải thiện JADO và cải thiện kết nối trong các môi trường bị chặn và tranh chấp.
Thử nghiệm được kỳ vọng sẽ cải thiện JADO bằng cách cải thiện khả năng kết nối và chuyển tiếp thông tin giữa các khí tài quân sự, ngay cả trong những môi trường bị tranh chấp về thông tin liên lạc và bởi vậy củng cố mô liên kết cho phép Chỉ Huy và Kiểm Soát Liên quân Mọi Miền.
Xem thêm:
Defence Connect ngày 29/7/2022: Lockheed Martin launching satellite constellation to improve battlefield awareness
Hoa Kỳ thiết lập tiêu chuẩn thuật toán bảo mật cho mật mã hậu lượng tử
Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) đã chọn ba thuật toán bảo mật làm một trong những tiêu chuẩn mới cho mật mã hậu lượng tử. Một nhóm nghiên cứu quốc tế từ Đại học Radboud và Đại học Công nghệ Eindhoven ở Hà Lan đang phát triển các thuật toán mới được gọi là CRYSTALS-KYBER, CRYSTALS-Dilithium và SPHINCS +. Mặc dù mối đe dọa của điện toán lượng tử vẫn còn trên lý thuyết, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết họ đang làm việc để mã hóa thông tin để đảm bảo thông tin được bảo vệ tránh bị lộ ra ngoài khi điện toán lượng tử trở thành hiện thực.
Xem thêm:
Homeland Security News Wire ngày 23/7/2022: NIST chooses Kyber, Dilithium and SPHINCS+ as Standards for Post-Quantum Cryptography
Anh đầu tư trên 2 tỷ USD nâng cấp năng lực tác chiến điện tử của máy bay chiến đấu Typhoon
Bộ Quốc phòng Anh đã thông báo 2,35 tỷ bảng Anh (4,1 tỷ đô la Úc) sẽ được đầu tư để nâng cấp máy bay chiến đấu Typhoon của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh với Hệ thống Radar Chung châu Âu (ECRS) Mk 2. Hệ thống này dự kiến sẽ cải thiện năng lực tác chiến điện tử (EW) của phi đội, cho phép máy bay phát hiện, xác định và theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu trên không và trên mặt đất. Điều này được cho là giúp phi công có thể chế áp hệ thống phòng không của đối phương bằng khả năng gây nhiễu công suất cao trong khi cũng tấn công các mục tiêu nằm ngoài tầm với. Những cải tiến này cũng nhằm đảm bảo máy bay có thể tích hợp các năng lực và vũ khí bổ sung trong những thập kỷ tới để giúp chống lại các mối đe dọa mới nổi.
Xem thêm:
Defence Connect ngày 18/7/2022: RAF Typhoons to receive multi-billion-dollar upgrades
Anh phát triển máy bay trực thăng không người lái chống tàu ngầm
Một máy bay trực thăng không người lái bản demo sẽ được thiết kế và phát triển trong một hợp đồng trị giá 60 triệu bảng Anh được trao cho Leonardo. Bộ Quốc phòng cho biết mục đích là để kiểm tra khả năng thực hiện nhiệm vụ thành công của các máy bay không người lái lớn hơn cho Hải quân Hoàng gia. Chiếc máy bay demo nặng 3 tấn – chưa bằng 1/5 trọng lượng của trực thăng Merlin – dự kiến sẽ thay thế cho các máy bay hiện có để theo dõi tàu ngầm đối thủ.
Xem thêm:
UK Defense Journal ngày 21/7/2022: UK to develop unmanned anti-submarine helicopter
Bộ Quốc phòng Ấn Độ: Ấn Độ đã bắn thử thành công tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser
Hôm thứ Năm ngày 04/8/2022, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết Ấn Độ đã bắn thử thành công tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser (ATGM) được phát triển trong nước tại một cơ sở quân sự ở Ahmednagar, Maharashtra. Tên lửa được bắn từ Xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun đã tiêu diệt các mục tiêu một cách chính xác ở hai tầm bắn khác nhau.
Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đã khen ngợi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), nhà sản xuất ATGM và Quân đội Ấn Độ về việc thử nghiệm thành công loại vũ khí này.
ATGM được phát triển với khả năng phóng đa nền tảng và hiện đang được thử nghiệm đánh giá kỹ thuật từ súng trường 120 mm của Xe tăng Arjun.
Xem thêm:
The Times of India ngày 04/8/2022: India successfully test fires laser-guided anti-tank guided missiles
Airbus thành lập cơ sở vệ tinh ở Adelaide (Nam Úc)
Hãng Airbus đã công bố kế hoạch thiết lập sự hiện diện sắp tới trong lĩnh vực lắp ráp và tích hợp chuyên dụng tại Công viên Không gian Úc ở Adelaide. Nam Úc vốn được coi là trung tâm đang phát triển mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp vũ trụ của Úc. Airbus sẽ lắp ráp và tích hợp vệ tinh nhỏ ở Nam Úc cho các dự án quan trọng của Úc, và dự kiến đây là nền móng để công ty tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất vệ tinh của mình với tầm nhìn “hỗ trợ khát vọng chiến lược lớn hơn của Chính phủ Úc nhằm xây dựng ngành công nghiệp vũ trụ bền vững.”
Thủ hiến Nam Úc Peter Malinauskas nhận định sự hiện diện của “một tên tuổi toàn cầu” như Airbus ở Nam Úc là một bước đột phá quan trọng đối với ngành công nghiệp không gian đang phát triển ở đây.
Giám đốc Điều hành Quốc phòng và Không gian của Airbus, Richard Franklin, cho biết khoản đầu tư của Airbus sẽ mở rộng đáng kể năng lực sản xuất vệ tinh có chủ quyền của Australia, cho phép sản xuất các vệ tinh có trọng lượng lên đến 300kg – một ‘bước tiến lớn’ về quy mô và độ tinh vi của các vệ tinh đang được lắp ráp tại Australia.
Airbus sẽ tham gia cùng các công ty khác là Fleet Space Technologies, Alauda Aeronautics, ATSpace và Q-CTRL tại Australian Space Park.
Xem thêm:
Australian Defense Magazine ngày 03/8/2022: Airbus to establish satellite facility in Adelaide
Israel Aerospace Industries tiết lộ radar hải quân mới cho tàu tuần tra
Theo công ty hàng không vũ trụ của Israel, radar này, có tên là STAR-X 3D, cho phép hệ thống thực hiện giám sát 3 để có thể đồng thời phát hiện được một loạt các mối đe dọa trên không và trên biển, như một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân hải quân hiện đại.
Xem thêm:
Defence Connect ngày 29/7/2022: Israel Aerospace Industries unveils new OPV naval radar
Hàn Quốc phát triển máy bay không người lái tàng hình mới hỗ trợ máy bay chiến đấu
Korean Air cho biết họ sẽ phát triển một hệ thống gồm ba đến bốn máy bay không người lái tàng hình sẽ không chỉ hỗ trợ và hộ tống một máy bay chiến đấu mà còn có thể thực hiện các nhiệm vụ riêng, bao gồm các hoạt động trinh sát, tác chiến điện tử và tấn công chính xác.
Khái niệm này có vẻ giống với dự án Loyal Wingman của Úc, được phát triển bởi Boeing Defense Australia và Không quân Hoàng gia Úc, tạo ra máy bay không người lái tự trị MQ-28A Ghost Bat có kích thước bằng máy bay chiến đấu.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 23/8/2022: South Korea developing new stealthy drones to support combat aircraft
Trung Quốc chế tạo ngư lôi “dùng một lần” chạy bằng năng lượng hạt nhân
Các kỹ sư quân sự từ Bắc Kinh đã phát triển một phiên bản nhỏ hơn, ít tốn kém hơn dựa trên máy bay không người lái dưới nước “Poseidon” của Nga. Giống như phiên bản gốc của Nga, phiên bản này cũng này được cung cấp năng lượng từ lò phản ứng hạt nhân dùng một lần. Ngư lôi có tầm bắn 10.000 km, tương đương với tầm bắn của một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Các công nghệ trí tuệ nhân tạo như máy học được kỳ vọng cho phép ngư lôi tấn công các mục tiêu dưới nước mà chỉ cần ít hoặc không cần sự tham gia của con người. Những thiết bị dưới nước có kích thước nhỏ, tốc độ cao và tầm hoạt động xa như thế này có thể được sử dụng để trinh sát, phát hiện, tác chiến hoặc tấn công chiến lược. Kích thước nhỏ cho phép ngư lôi có thể được phóng từ hầu hết mọi tàu ngầm hoặc tàu chiến. Chi phí thấp nên có thể sản xuất với số lượng lớn và có thể được triển khai thành nhiều đội quân cùng tấn công một mục tiêu.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 20/7/2022: Chinese scientists plan ‘disposable’ nuclear reactor for long-range torpedo. Một bản PDF được lưu ở đây.
Không quân Trung Quốc trình làng máy bay tiếp dầu trên không với danh pháp chính thức YY-20
Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAAF) đã tiết lộ tên gọi biến thể máy bay vận tải Y-20 của họ là YY-20. Danh pháp này đã được tiết lộ trong cuộc họp báo của PLAAF tại Bắc Kinh vào ngày 31/7/2022.
Thượng tá Thân Tiến Khoa (Shen Jinke), Người phát ngôn của PLAAF, cho biết gần đây một máy bay tiếp dầu YY-20 và tiêm kích J-16 đã thực hiện huấn luyện tiếp nhiên liệu khi đang bay trên mặt nước, đánh dấu một bước cải thiện trình độ huấn luyện chiến đấu, nâng cao năng lực của PLA trong “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Khả năng của YY-20 trong vận chuyển hàng hóa và quân đội cũng như tiếp nhiên liệu cho các máy bay khác mở rộng đáng kể năng lực tầm xa của PLAAF. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, một chiếc YY-20 đã từng đi cùng 26 máy bay PLA xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan vào ngày 28/11/2021. Trên đường đi, YY-20 đã tiếp nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu J-16. Số lượng ngày càng tăng các máy bay YY-20 sẽ cho phép PLAAF thực hiện nhiều chuyến bay hơn về phía đông Đài Loan.
Xem thêm:
Shephard ngày 02/8/2022: PLAAF unveils YY-20 air-to-air tanker aircraft. Một bản PDF được lưu ở đây.
———-
VII- AN NINH MẠNG
Alexi Drew: Công nghệ của Trung Quốc trong ‘Internet of Things’ đặt ra một mối đe dọa mới đối với các quốc gia mà Trung Quốc thù địch
Ngày càng có nhiều lo ngại về việc phương Tây tiếp xúc với công nghệ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, có một mối đe dọa đã không được chú ý tới, đó là các cấu phần nhỏ do các công ty Trung Quốc sản xuất trong các thiết bị được kết nối với Internet of Things (IoT), theo giám đốc của công ty tư vấn Penumbra Analysis chuyên về rủi ro địa chính trị và các công nghệ mới nổi
Các sản phẩm IoT, được trang bị cảm biến truyền dữ liệu và kết nối qua mạng WiFi, đã phát triển từ các ứng dụng công nghiệp nhỏ hẹp trở thành phổ biến trong dân dụng và là một thành phần quan trọng của cơ sở hạ tầng quốc gia. Đây là công nghệ sẽ tự động bật đèn khi trời tối, hoặc mang tới cho các camera giám sát năng lực nhận dạng khuôn mặt và vật thể. Nhưng cùng một dữ liệu được thu thập và sử dụng bởi các thiết bị IoT – ví dụ: về chuyển động của các cá nhân – có thể dễ dàng bị một quốc gia thù địch như Trung Quốc sử dụng để gây ảnh hưởng, gây áp lực hoặc đe dọa đối thủ, công ty hoặc cá nhân.
Tất cả các chức năng được kết nối này được kích hoạt bởi các mô-đun IoT di động nhỏ. Không giống như vật liệu bán dẫn hoặc trạm thu phát mạng 5G, chúng hiếm khi được tiếp thị dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh, khiến cho nguy cơ về chúng đã không được chú ý đúng mức.
Xem thêm:
Financial Times ngày 10/8/2022: Chinese technology in the ‘Internet of Things’ poses a new threat to the west. Một bản PDF được lưu ở đây.
Hoa Vi đang bị điều tra về khả năng nghe trộm các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang điều tra các tháp di động gần các căn cứ của Hoa Kỳ và hầm chứa tên lửa được trang bị thiết bị của công ty Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) để giám sát các cuộc tập trận quân sự và khả năng sẵn sàng của căn cứ. Cuộc điều tra của bộ về vấn đề này bắt đầu vào năm 2021 và đã dẫn đến trát đòi Hoa Vi tiết lộ thông tin về việc công ty chia sẻ dữ liệu mà họ đã thu thập được từ điện thoại di động với các tổ chức nước ngoài. Nếu Bộ này xác định Hoa Vi đe dọa an ninh quốc gia, họ có thể cấm tất cả các giao dịch của Hoa Kỳ với Hoa Vi và yêu cầu các công ty viễn thông Hoa Kỳ nhanh chóng loại bỏ thiết bị của Hoa Vi hoặc đối mặt với hình phạt.
Các mạng truyền thông nhỏ, phần lớn ở các vùng nông thôn, được trang bị các thiết bị cũ của Trung Quốc mà họ không đủ khả năng tháo gỡ và không thể sửa chữa nếu nó bị hỏng. Các công ty cho biết họ muốn loại bỏ công nghệ Trung Quốc, nhưng các khoản tiền đã hứa từ Quốc hội không đến đủ nhanh và không đủ để trang trải chi phí.
Xem thêm:
Reuters ngày 21/7/2022: Exclusive: U.S. probes China’s Huawei over equipment near missile silos
Politico 21/7/2022: Why suspected Chinese spy gear remains in America’s telecom networks
FBI: Thiết bị của Hoa Vi có thể làm gián đoạn liên lạc của Hoa Kỳ về vũ khí hạt nhân
CNN đưa ra một báo cáo mới trích dẫn nhiều nguồn ẩn danh nói rằng FBI đã xác định được thiết bị của Hoa Vi trong các tháp dẫn truyền tín hiệu điện thoại di động ở Trung Tây có thể làm gián đoạn liên lạc quân sự nhạy cảm của Hoa Kỳ, bao gồm cả các thiết bị giám sát vũ khí hạt nhân. Cuộc điều tra của FBI được cho là có từ thời chính quyền Obama và đã phát hiện ra rằng thiết bị này có thể làm tổn hại đến khả năng kiểm soát bộ ba hạt nhân của Hoa Kỳ. Hoa Vi bác bỏ việc các sản phẩm của họ có thể hoạt động trong phạm vi liên lạc của quân đội Hoa Kỳ.
Các chuyên gia nhìn chung đồng thuận với nhau rằng các thiết bị di động có thể được sử dụng cho nhiều mục đích gián điệp, nhưng năng lực cụ thể đến đâu thì còn nhiều quan điểm khác nhau.
Xem thêm:
CNN ngày 25/7/2022: CNN Exclusive: FBI investigation determined Chinese-made Huawei equipment could disrupt US nuclear arsenal communications
The Drive ngày 25/7/2022: Nuclear Experts Question Possible Effects Of Chinese Cell Towers On U.S. Missile Silos
Cơ quan An ninh Mạng Quốc gia Thái Lan ký Biên bản Ghi nhớ Hợp tác với Hoa Vi Thái Lan
Bộ Kinh tế Kỹ thuật số và Cơ quan An ninh Mạng Quốc gia Thái Lan đã cùng ký Biên bản Ghi nhớ (MoU) về hợp tác an ninh mạng với Hoa Vi Technologies (Thái Lan), với mục đích nâng cao kỹ năng an ninh mạng cho nhân viên CNTT Thái Lan thông qua việc thúc đẩy nền tảng học tập trực tuyến E-Lab của Hoa Vi, tổ chức các dự án cạnh tranh và các khóa đào tạo của Hoa Vi.
Ông Chaiwut Thanakamanusorn, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số (MDES), lý giải sự hợp tác với Hoa Vi: Khi các vụ vi phạm dữ liệu và tấn công mạng ngày càng tinh vi và thường xuyên hơn, những lỗ hổng về kiến thức và kỹ năng mạng đang ảnh hưởng đến các tổ chức nhiều hơn bao giờ hết. Đó là lý do tại sao MDES hợp tác với Hoa Vi, một nhà sáng tạo kỹ thuật số hàng đầu, để giải quyết thách thức này bằng cách học hỏi kiến thức họ chia sẻ về an ninh mạng và các phương pháp hay nhất trong ngành nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật số tổng thể và cải thiện tài nguyên giáo dục. Sự hợp tác này sẽ thúc đẩy nền tảng tài năng vững chắc cho Thái Lan, giúp đưa Thái Lan hướng tới một tương lai kỹ thuật số an toàn và bảo mật.
Xem thêm:
Bangkok Post ngày 03/8/2022: National Cyber Security Agency signs MoU with Huawei
Kaspersky Labs nói tin tặc có quan hệ với chính phủ Trung Quốc đã tấn công các công ty quân sự Nga
Kaspersky Labs tuyên bố nhóm tin tặc có kết nối với chính phủ TA428 của Trung Quốc đã tấn công các công ty quân sự của Nga. TA428 có được quyền truy cập bằng cách sử dụng các email lừa đảo nhắm tới mục tiêu cụ thể, có những emails còn chứa chứa thông tin mật vốn chỉ được lưu hành trong nội bộ công ty mà tin tặc hướng tới. Nhóm tin tặc có được những thông tin mật đó có thể là từ những lần tấn công trước đó.
Điều trớ trêu là vào năm 2015, Nga và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về hợp tác an ninh thông tin. Hiệp ước, được gọi là “hiệp ước không xâm phạm không gian mạng của nhau”, nêu chi tiết các biện pháp hợp tác bao gồm trao đổi thông tin và mở rộng hợp tác khoa học và học thuật. Có vẻ như hiệp ước này đã không được tôn trọng.
Xem thêm:
Hiệp ước hợp tác an toàn thông tin Nga – Trung năm 2015
Nga sử dụng các ứng dụng chơi game di động để thu thập dữ liệu ở Ukraine
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Ukraine, thông qua các ứng dụng của Nga, kẻ thù trong các game di động sẽ nhận được thông tin từ người chơi về vị trí của các cơ sở quân sự, cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc xúi giục người chơi giúp đỡ người Nga một cách vô thức.
Chuyên gia Ukraine ở nước ngoài tiến hành “Chiến tranh nguồn mở đầu tiên trên thế giới”
Các giám đốc điều hành công nghệ và chuyên gia Ukraine sống ở nước ngoài đã tập hợp lực lượng hướng về quốc phòng Ukraine bằng cách phối hợp chuyên môn, phân phối vật tư và gây quỹ thay mặt cho lực lượng quân sự của Ukraine. Andrey Liscovich và Oleg Rogynskyy là hai giám đốc điều hành hiểu biết về công nghệ tham gia vào cái mà Rogynskyy gọi là “cuộc chiến mã nguồn mở đầu tiên trên thế giới” bằng cách sử dụng kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ để hỗ trợ hậu cần của Ukraine và các thách thức quân sự khác. Trong số nhiều hoạt động khác, các chuyên gia công nghệ đã giúp phân phối các vật tư quân sự của phương Tây và điều chỉnh để chúng có thể thích nghi với thực địa ở Ukraine. Kiến thức chuyên môn và mạng lưới kết nối kỹ thuật số rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau đã tạo ra cho Ukraine một “hệ sinh thái nhân tài Công nghệ Thông tin của nhà”.
Xem thêm:
Financial Times ngày 22/7/2022: Inside Ukraine’s open-source war. Một bản PDF được lưu ở đây.
———–
VIII- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN
David D. Chen: Những bài học từ Ukraine làm dấy lên nghi ngờ về hiện đại hóa quân đội Trung Quốc
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine không chỉ bộc lộ những sai sót cơ bản trong quân đội Nga mà còn chứng tỏ quyết tâm và năng lực của NATO và các quốc gia dân chủ khác trong việc hỗ trợ lẫn nhau trong thời khắc khủng hoảng. Theo tác giả, điều này có thể sẽ khiến Tập Cận Bình phải trì hoãn việc theo đuổi một cuộc đổ bộ quy mô toàn diện xâm lược Đài Loan. Nhưng những bài học từ Ukraine cũng có thể khiến giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc đẩy nhanh thời gian biểu cho một cuộc xung đột quy mô nhỏ hơn, ví dụ như một cuộc chiếm những hòn đảo nhỏ hơn nằm ở phía ngoài cùng của Đài Loan, một cuộc phong tỏa hải quân (điều này đã xảy ra vào đầu tháng 8 lợi dụng chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan), hay các chiến dịch hạn chế khác có thể giảm leo thang nhanh chóng khi cần theo khái niệm của riêng Trung Quốc về “Kiểm soát Chiến tranh” (战争 控制, zhanzheng kongzhi). Các lực lượng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành động quân sự sai trái gây ra bởi một kẻ độc tài già cỗi khác theo chủ nghĩa xét lại đang nuôi dưỡng giấc mơ về vinh quang đế quốc được phục hồi.
Xem thêm:
The JamesTown Foundation ngày 08/4/2022: Lessons of Ukraine Raise Doubts about PLA Modernization
Peter K. Lee và Tom Corben: Hàn Quốc – một kho vũ khí tiềm năng bảo vệ nền dân chủ
Năm 1940, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt đã có một tuyên bố nổi tiếng rằng Hoa Kỳ phải trở thành “kho vũ khí lớn của nền dân chủ.” Ngày nay, thương hiệu đó cũng có thể áp dụng cho Hàn Quốc, theo các tác giả. Trong bối cảnh tăng cường năng lực quốc phòng trước các mối đe doạ quân sự từ Nga và Trung Quốc, các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trên khắp thế giới ngày càng hướng tới các công ty quốc phòng Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu mua sắm. Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh về xuất khẩu quốc phòng sang các quốc gia ở Châu Á và Trung Đông, Hàn Quốc đang nổi lên như một quốc gia lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu. Vào năm 2022, xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc dự kiến sẽ vượt 10 tỷ USD, tăng 177% trong giai đoạn 5 năm qua, trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tám trên thế giới. Hàn Quốc hiện đang cung cấp và đáp ứng các nhu cầu mua sắm quốc phòng của các đồng minh tuyến đầu của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Châu Âu trong bối cảnh Hoa Kỳ đang vướng bận viện trợ quân sự cho Ukraine với cam kết sẽ giúp đỡ chừng nào Ukraine vẫn còn cần.
Xem thêm:
War on the Rocks ngày 15/8/2022: A K-Arsenal of Democracy? South Korea and U.S. Allied Defense Procurement
Yonhap News Agency ngày 27/8/2022: (LEAD) S. Korean firms ink follow-up contracts with Poland to export K2 tanks, K9 howitzers
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair: Sau Ukraine, bài học nào có thể được rút ra cho sự lãnh đạo của phương Tây?
Ngày 16/7/2022, Cựu Thủ tướng Tony Blair đã có bài phát biểu thường niên tại Học viện vì Thay đổi Toàn cầu. Thủ tướng Blair cho rằng tương tự như năm 1945 và 1980, thế giới đang đứng trước một điểm ngoặt. Thế chiến Thứ Hai đã buộc Châu Âu phải xây dựng ra những thể chế toàn cầu mới; Chiến tranh Lạnh đã cho thế giới thấy sự mạnh mẽ của các giá trị dân chủ. Năm 2022, các cuộc khủng hoảng y tế và an ninh liên tiếp đã khiến cho phương Tây và thế giới bị suy yếu. Trước những thách thức mới, Thủ tướng Blair cho rằng phương Tây cần phải xây dựng một “dự án mới”, nhằm đánh giá đúng những thay đổi toàn cầu và tìm phương án để thích nghi, chiến thắng các thách thức này. Về đối nội, Blair cho rằng thúc đẩy một cuộc cách mạng công nghệ là cần thiết để mang lại lợi ích cho người dân, từ đó cải thiện tình hình bất ổn chính trị nội bộ. Về đối ngoại, phương Tây cần phải nhìn nhận đúng nguy cơ đến từ các quốc gia có tham vọng thay đổi thế giới như Nga, và đặc biệt là Trung Quốc. Để đạt được những mục tiêu này, phương Tây cần phải phối hợp lại và xây dựng một chiến lược chung, và cần phải hàn gắn được các nứt gãy trong chính trị nội bộ trước khi có thể tập trung giải quyết các thách thức toàn cầu.
Xem thêm:
Phát biểu của Tony Blair ngày 16/7/2022: Tony Blair’s Speech: After Ukraine, What Lessons Now for Western Leadership? | Institute for Global Change
Francis Shin, Damir Marusic, và Tyson Wetzel: Leo thang căng thẳng tại Ukraine: Những lựa chọn của phương Tây
Các tác giả của Atlantic Council đã đánh giá tình hình chiến sự hiện tại tại Ukraine, và kết luận rằng mặc dù Ukraine đã biến cuộc chiến do Nga gây ra thành một cuộc chiến tiêu hao, Nga vẫn còn nhiều công cụ để leo thang căng thẳng. Các tác giả đưa ra 5 cấp độ căng thẳng dựa trên những công cụ mà Nga sở hữu bao gồm: (i) tiếp tục ở mức độ hiện tại: những động thái tấn công nhắm vào dân thường và hạ tầng dân sự của Nga tiếp tục được tiến hành trên diện rộng; (ii) Nga phản công kinh tế, chẳng hạn như leo thang cuộc chiến năng lượng bằng cách ngừng hoàn toàn xuất khẩu năng lượng sang châu Âu; (iii) Nga tấn công mạng nhắm vào phương Tây trên diện rộng, với mức độ tương tự như vụ tấn công nhắm vào hạ tầng đường ống Colonial Pipeline tại Hoa Kỳ năm 2021; (iv) Nga thành công trong việc củng cố năng lực quân sự và giành được chiến thắng trên thực địa, đẩy lùi các tuyến phòng thủ của Ukraine và mở rộng các vùng lãnh thổ chiếm đóng; (v) Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Ukraine, ví dụ như vũ khí sinh học, hóa học, hạt nhân. Với mỗi cấp độ, các tác giả đưa ra các gợi ý chính sách cho phương Tây để đối phó với các động thái leo thang này, để vừa cân bằng giữa ủng hộ Ukraine và ngăn không cho cuộc chiến mở rộng sang NATO.
Xem thêm:
Atlantic Council ngày 28/7/2022: Climbing the escalation ladder in Ukraine: A menu of options for the West
Lawrence Freedman: Trận chiến vì Kherson và tầm quan trọng của trận chiến này
Trong bối cảnh chiến dịch tấn công của Nga tại khu vực Donbas đã gần như ngừng lại nhờ chiến thuật của Ukraine, các diễn biến quân sự đang dịch chuyển dần về mặt trận phía Nam. Ukraine đang từng bước bắt đầu nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng từ đầu cuộc chiến ở phía Nam, và mục tiêu lớn nhất hiện tại là Kherson. Tác giả Freedman đã đánh giá về năng lực quân sự và cam kết của Ukraine đối với việc giải phóng miền Nam, về tình hình nội bộ tại Moscow dưới ảnh hưởng nặng nề của các lệnh trừng phạt, và về tình hình đoàn kết nội bộ của phương Tây, để kết luận rằng một trận chiến vì Kherson sẽ sớm xảy ra. Một chiến thắng của Ukraine tại Kherson sẽ là một sự kiện bước ngoặt trong cuộc chiến tại Ukraine, chứng minh rằng Ukraine có thể hiện thực hóa Thuyết chiến thắng của mình.
Xem thêm:
Comment is Freed ngày 27/7/2022: The Battle for Kherson and Why it Matters
———-
IX- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Christine McDaniel & Weifeng Zhong (2022) Submarine Cables and Container Shipments – Two Immediate Risks to the US Economy if China Invades Taiwan
Một điều khó đoán định mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt là liệu sẽ có một sự cố địa chính trị xảy ra ở Eo biển Đài Loan. Một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc, Đài Loan tuyên bố độc lập, hoặc một đụng độ tình cờ trên biển giữa Trung Quốc và Đài Loan hoặc Hoa Kỳ đều có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan gây ra nguy cơ đứt hệ thống cáp thông tin liên lạc dưới biển, gián đoạn luồng kỹ thuật số và sự chậm trễ tốn kém trong việc vận chuyển hàng hoá qua khu vực, theo báo cáo của Trung tâm Mercatus thuộc Đại học George Mason. Một cuộc khảo sát cơ sở dữ liệu của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đang nghiên cứu đến những khía cạnh này. Báo cáo cũng cho biết những tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan sẽ lớn hơn nhiều so với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
Anh V. Vu et al. (2022) Getting Bored of Cyberwar: Exploring the Role of the Cybercrime Underground in the Russia-Ukraine Conflict
Trong cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, vai trò của các cuộc tấn công mạng, các nhà hoạt động mạng (hacktivists) và tội phạm mạng ngầm là một khía cạnh thu hút nhiều sự chú ý. Khác với những câu chuyện được phổ biến rộng rãi rằng các nhà hoạt động mạng có liên quan tới cá nhóm tội phạm mạng, nhóm tác giả cho rằng điều đó là không đúng. Phân tích các nguồn dữ liệu và phỏng vấn những tin tặc tấn công các trang web ở Nga và Ukraine, các tác giả thấy cộng đồng tội phạm mạng tham gia vào các hoạt động này chỉ là những tin tặc cấp thấp. Nhóm tác giả không tìm thấy bằng chứng nào về những hành động cao cấp hơn. Đã có sự mất hứng thú rõ ràng chỉ sau vài tuần trong việc thực hiện các cuộc tấn công phá hoại và DDoS. Trái ngược với những dự đoán của các chuyên gia, sự tham gia của tội phạm mạng vào cuộc chiến dường như chỉ là nhỏ và tồn tại trong thời gian ngắn; không có khả năng leo thang hơn nữa.
Tải bài nghiên cứu ở đây.
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.