Bản Tin Biển Đông Số 116 – Phần 2: Phản Ứng Các Bên Đối Với Căng Thẳng Eo Biển Đài Loan

Thực hiện: Ngô Trung Hiếu, Lưu Việt Hà, Đinh Tùng Lâm, Trần Phạm Bình Minh, Hương Nguyễn, Nguyễn Nhật Minh

Biên tập: Phạm Huệ Việt

Tư liệu: South China Sea News

Máy bay chiến đấu F-16V được triển khai ở căn cứ Hoa Liên để giám sát hoạt động của tàu Trung Quốc. Ảnh: Taiwan’s Military News Agency.

Tải bản PDF ở

—————

Trong Bản Tin Biển Đông Số 116 – Phần chuyên đề về diễn biến căng thẳng Eo Biển Đài Loan những ngày đầu tháng 8 có những nội dung sau:

PHẦN 1: CĂNG THẲNG XUNG QUANH EO BIỂN ĐÀI LOAN NHỮNG NGÀY ĐẦU THÁNG TÁM

A. NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

I. TRÊN THỰC ĐỊA

II. TẤN CÔNG MẠNG VÀ CHIẾN DỊCH THÔNG TIN SAI LỆCH

III. TRỪNG PHẠT KINH TẾ

IV. HÌNH SỰ HOÁ NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA LY KHAI

V. NHỮNG BIỆN PHÁP TRẢ ĐŨA CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI MỸ

PHẦN 2: PHẢN ỨNG CỦA QUỐC TẾ – PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN

B. CÁC TUYÊN BỐ/BÌNH LUẬN CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN – PHẢN ỨNG CỦA QUỐC TẾ

C. PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Xem Phần 1: Eo Biển Đài Loan Những Ngày Đầu Tháng 8

—————

PHẦN 2: PHẢN ỨNG CÁC BÊN LIÊN QUAN ĐỐI VỚI CĂNG THẲNG EO BIỂN ĐÀI LOAN

B. CÁC TUYÊN BỐ/BÌNH LUẬN

Diễn biến hậu trường chuẩn bị cho chuyến đi của bà Pelosi

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Nhà Trắng đã lặng lẽ thuyết phục bà Pelosi trì hoãn chuyến thăm khi cử các thành viên cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) hay Bộ Ngoại giao thông báo cho bà và các trợ lý về những rủi ro địa chính trị. Khi biết họ không thể thuyết phục, chính quyền của ông Biden có động thái chuẩn bị cho trường hợp bất ngờ để đảm bảo các kênh liên lạc với Bắc Kinh vẫn sẽ hoạt động, bao gồm gặp các quan chức tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington. 

Các nguồn tin cũng cho biết bà Pelosi rất không hài lòng khi thông tin về chuyến thăm bị rò rỉ, thậm chí tin rằng đây là nỗ lực của nhánh hành pháp nhằm cản trở chuyến đi. NSC bác bỏ cáo buộc này. Ông John Kirby, người phát ngôn NSC, cho biết ông Biden “tôn trọng” quyết định của bà Pelosi. Trong khi đó, phe Cộng hòa – vốn cho rằng từ bỏ chuyến thăm đồng nghĩa với tỏ ra yếu đuối – ủng hộ mạnh mẽ.

Đã có lúc các trợ lý của bà Pelosi đề xuất hoãn chuyến thăm nếu ông Biden công khai đề nghị. Dù vậy, các cố vấn của ông Biden không tin rằng đây là ý tưởng tốt khi bà Pelosi có thể không làm theo. 

Không ai biết bà Pelosi sẽ quyết định thế nào trước ngày khởi hành và các nhà lập pháp tháp tùng bà Pelosi đã chỉ nhận được toàn bộ lịch trình – bảo gồm cả xác nhận về chuyến thăm Đài Loan – khi lên máy bay.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 3/8/2022: Nancy Pelosi’s Taiwan Visit Left a Fuming White House Scrambling for a Plan. Một bản PDF được lưu ở đây.

Financial Times ngày 3/8/2022: How decades of clashes with China led to Nancy Pelosi’s Taiwan trip. Một bản PDF được lưu ở đây.

Chủ tịch nhà sản xuất chip TSMC cảnh báo Trung Quốc một cuộc xâm lược Đài Loan sẽ là một thảm hoạ không có kẻ thắng cuộc. “Người dân Đài Loan đã nỗ lực để đạt được hệ thống dân chủ của họ. Họ muốn chọn cách sống của mình”

CNN hôm thứ Hai đã có một cuộc phỏng vấn với Chủ tịch TSMC. Hiện tại Đài Loan đang nắm tới 92% vật liệu bán dẫn tiên tiến hàng đầu thế giới, là các vi mạch có kích thước chỉ 10 nm hoặc nhỏ hơn, theo một nghiên cứu hợp tác giữa cơ quan công nghiệp thương mại SIA và Boston Consulting Group từ tháng 4 năm ngoái. 65% doanh thu nằm ở ngành công nghiệp điện tử Bắc Mỹ, và Trung Quốc chiếm 10%. Nếu một cuộc xâm lược xảy ra, cả ngành công nghiệp điện tử Bắc Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trả lời CNN, Mark Liu, người kế nhiệm nhà sáng lập huyền thoại Morris Chang, nói rằng “Cuộc chiến sẽ không có người chiến thắng.” “Sự gián đoạn của TSMC sẽ gây ra bất ổn kinh tế lớn cho cả Trung Quốc. “Đột nhiên nguồn cung cấp linh kiện cao cấp nhất của họ biến mất.” 

Trên ấn phẩm Parameters của Trường Chiến tranh Quân đội Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, Jared McKinney và Peter Harris đã từng đề xuất một hình thức răn đe Trung Quốc nếu Trung Quốc tiến hành xâm lược Đài Loan. Đó là TSMC sẽ bị phá huỷ. Các ngành công nghệ cao của Trung Quốc sẽ bị đóng băng vào đúng thời điểm quốc gia này bị cuốn vào một nỗ lực chiến tranh lớn. Ngay cả khi chiến tranh kết thúc, cái giá phải trả về kinh tế vẫn sẽ tồn tại trong nhiều năm. 

Chủ tịch TSMC gián tiếp đồng ý điều này, lập luận rằng một cuộc xâm lược của Trung Quốc sẽ khiến các nhà máy TSMC không thể hoạt động. Các cơ sở sản xuất tinh vi của TSMC rất nhạy cảm với mọi sự gián đoạn, vì mọi thứ từ nguyên liệu thô quan trọng như hoá chất đến phụ tùng thay thế và phần mềm chẩn đoán đều phụ thuộc vào những chuỗi cung ứng xuyên biên giới mỏng manh. “Không ai có thể kiểm soát TSMC bằng vũ lực,” ông nói. 

“Nếu như một cuộc chiến tranh xảy ra ở Đài Loan, có lẽ con chip không phải là thứ quan trọng nhất mà chúng ta nên lo lắng, vì những gì xảy ra sau cuộc xâm lược này sẽ là sự phá huỷ trật tự thế giới dựa trên luật lệ,” Mark Liu nhấn mạnh.

Trong cuộc phỏng vấn, chủ tịch nhà sản xuất chip hồi tưởng Đài Loan đã thoát khỏi thời kỳ thiết quân luật “Khủng bố trắng” kéo dài 40 năm, kết thúc vào năm 1987, cùng năm công ty của ông được thành lập. “Người dân Đài Loan đã nỗ lực để đạt được hệ thống dân chủ của họ. Họ muốn chọn cách sống của mình,” ông nói.

Xem thêm:

CNN ngày 31/7/2022: On GPS: Taiwan’s tech under threat?

Fortune ngày 02/8/2022: TSMC chairman Mark Liu warns a China invasion of Taiwan over Nancy Pelosi visit would be a disaster with no winners 

Ngày 01/8/2022: Lập luận của phía Mỹ về chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Pelosi

Trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo ngày 01/8/2022, Người phát ngôn Nhà Trắng đã giải thích về quan điểm của Mỹ. Chuyến thăm của Pelosi không phải là chưa từng có tiền lệ mà chỉ là một trong nhiều chuyến thăm của các thành viên Quốc hội Mỹ tới Đài Loan. Chuyến thăm của bà không làm thay đổi chính sách và cách tiếp cận nhất quán của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan, đó là chính sách Một Trung Quốc, và phản đối những nỗ lực thay đổi hiện trạng một cách đơn phương. Mỹ muốn tránh leo thang căng thẳng và đã duy trì các kênh đối thoại riêng tư với Bắc Kinh. Trong buổi họp báo sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã xác nhận là hai bên đã liên tục đối thoại về chuyến đi của bà Pelosi.

Tuy nhiên, vì cơ chế quyền lực ở Mỹ có sự phân quyền, Nhà Trắng không thể can thiệp vào quyết định độc lập của phía Quốc hội mà chỉ có thể cung cấp đầy đủ thông tin để Pelosi tự quyết định. Không thể lấy một chuyến đi của nghị sĩ Mỹ để biện minh cho khủng hoảng hay leo thang căng thẳng.

Xem thêm:

Nhà Trắng ngày 01/8/2022: Press Briefing by Press Secretary Karine Jean-Pierre and National Security Council Coordinator for Strategic Communications John Kirby 

Ngày 02/8/2022: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ lập luận của Mỹ

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bác bỏ tuyên bố của Mỹ và cáo buộc Mỹ đang làm xói mòn các cam kết, sử dụng Đài Loan để cố gắng kiểm soát Trung Quốc và khuấy động rắc rối. Nếu căng thẳng leo thang thì đó là lỗi của Mỹ.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 02/8/2022: 外交部发言人驳斥美国务卿涉台言论 重申中方严正立场-新华网 

Ngày 02/8/2022: Pelosi viết bài xã luận giải thích với công chúng vì sao bà dẫn phái đoàn quốc hội Mỹ tới Đài Loan

Trên tờ Washington Post, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tái khẳng định cam kết của nước Mỹ đối với Đài Loan là một cam kết lâu dài và bền vững, dựa trên cơ sở Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Trụ cột của đạo luật này là việc Mỹ cam kết ủng hộ nền quốc phòng của Đài Loan: “nước Mỹ coi bất cứ nỗ lực nào nhằm quyết định tương lai của Đài Loan không thông qua biện pháp hòa bình … là một thách thức đối với hòa bình và an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương và là một mối quan ngại sâu sắc đối với Mỹ.”

Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày một hung hăng hơn, đẩy cao căng thẳng tại Eo biển Đài Loan, Mỹ đã đi đến nhận định rằng: “Trung Quốc đang chuẩn bị cho một kịch bản thống nhất bằng vũ lực.” Vì lẽ đó, Chủ tịch Hạ viện Pelosi khẳng định rằng phái đoàn quốc hội Mỹ tới Đài Loan sẽ là một thông điệp rõ ràng khẳng định Mỹ sẽ sát cánh với đối tác dân chủ Đài Loan trong nỗ lực tự bảo vệ tự do của mình. Chủ tịch Hạ viện Pelosi khẳng định rằng chuyến thăm của phái đoàn tới Đài Loan hoàn toàn thuận theo Chính sách Một Trung Quốc lâu dài và bền vững của Mỹ, dựa trên trụ cột Đạo luật Quan hệ Đài Loan, các Tuyên bố chung Mỹ – Trung Quốc, và Sáu Bảo đảm giữa Mỹ và Trung Quốc, và Mỹ không ủng hộ các động thái đơn phương thay đổi hiện trạng tại Eo biển Đài Loan. Đặc biệt là khi tình hình nhân quyền tại Tây Tạng, Tân Cương, và Hồng Kông đang ngày một đi xuống, khó có thể tin rằng chính quyền Trung Quốc sẽ bảo đảm lời hứa về “một quốc gia, hai chế độ.”

Chuyến thăm của phái đoàn quốc hội Mỹ nằm trong loạt chuyến thăm tới các đối tác Thái Bình Dương của Mỹ, bao gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, và Nhật Bản, tập trung vào các vấn đề quan trọng như an ninh chung, đối tác kinh tế, và quản trị dân chủ. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với một “lựa chọn giữa chuyên chế và dân chủ”, mở đầu bởi cuộc chiến tại Ukraine do Nga tiến hành. Pelosi khẳng định rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đe dọa Đài Loan, và đang thách thức chính nền dân chủ toàn thế giới. Với việc tới thăm Đài Loan, phái đoàn mong muốn tái khẳng định cam kết đối với nền dân chủ thế giới.

Xem thêm:

The Washington Post ngày 02/8/2022: Opinion | Nancy Pelosi: Why I’m leading a congressional delegation to Taiwan. Một bản PDF được lưu ở đây.

Hai mươi sáu Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng Hoà ra tuyên bố ủng hộ chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi

Tuyên bố của các Thượng nghị sĩ được đưa ra cùng ngày máy bay của bà Pelosi hạ cánh xuống Đài Bắc viết: “Chúng tôi ủng hộ chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan. Trong nhiều thập kỷ, các thành viên của Quốc hội Mỹ, bao gồm cả các Chủ tịch Hạ viện tiền nhiệm, đã từng đến Đài Loan. Chuyến đi này phù hợp với chính sách Một Trung Quốc của Mỹ mà chúng tôi đã cam kết. Chúng tôi cũng cam kết hơn bao giờ hết với tất cả các yếu tố của Đạo luật Quan hệ Đài Loan.”

Mặc dù hiện nay Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ Mỹ đang mâu thuẫn với nhau một cách mạnh mẽ trong nhiều khía cạnh, đặc biệt là chính trị trong nước, hai đảng có tiếng nói khá thống nhất đối với vấn đề Ukraine và vấn đề Đài Loan. 

Xem thêm:

Statement on Speaker Pelosi’s Taiwan Visit

Ngày 02/8/2022: Quan điểm từ Canada 

Nhà ngoại giao kỳ cựu Gordon Houlden, cựu đại diện ngoại giao của Canada tại Đài Bắc cho biết Canada luôn đóng vai trò tích cực trong việc cố gắng xoa dịu căng thẳng trong khu vực, một phần vì Canada sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu căng thẳng gia tăng.

“Rủi ro là có thật. Không phải là không có gì. Với việc tàu chiến di chuyển ở vùng nước nông với tốc độ cao, tôi có thể tưởng tượng tai nạn có thể xảy ra dẫn đến thiệt hại lớn về nhân mạng và gây ra xung đột,” Houlden nói và cho biết thêm rằng va chạm máy bay ngẫu nhiên sẽ là một yếu tố rủi ro khác.

“Trong số các quốc gia tầm trung, tôi không nghĩ rằng một quốc gia như Ý lại muốn bảo vệ Đài Loan, nhưng Canada, với tư cách là đồng minh quan trọng của Mỹ, có thể bị lôi kéo vào bất kỳ cuộc đối đầu nào ngay khi nó nổ ra” Houlden nói.

Khi ông là giám đốc điều hành văn phòng thương mại của Ottawa ở Đài Loan từ năm 2004 đến năm 2006 trong một giai đoạn căng thẳng tương tự (trong nhiệm kỳ của tổng thống Đài Loan ủng hộ độc lập Trần Thủy Biển), Houlden nói rằng Canada và các nền dân chủ khác đã cố gắng củng cố Đài Loan tư cách là một nhà lãnh đạo kinh tế và văn hóa toàn cầu “mà không phải mạo hiểm vào các vấn đề quân sự phức tạp.”

Theo thống kê của Canada, Đài Loan đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 13 của Canada và lớn thứ năm ở Châu Á trong những thập kỷ qua. Canada nhập khẩu hơn 5 tỷ USD hàng hóa từ Đài Loan vào năm 2020.

Không giống Mỹ, Canada không có nghĩa vụ pháp lý hỗ trợ Đài Loan. Bộ trưởng Ngoại giao Melanie Joly đã nói vào cuối năm 2021 rằng lập trường của Canada đối với Đài Loan vẫn không thay đổi và “Canada rất lo ngại về những căng thẳng gần đây ở Eo biển Đài Loan”.

Xem thêm: 

The Star ngày 02/8/2022: Here are the great risks — and quiet potential — of Nancy Pelosi’s trip to Taiwan. Một bản PDF được lưu ở đây.

Ngày 02/8/2022: Các nghị sĩ Anh lên kế hoạch thăm Đài Loan

Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh đang lên kế hoạch cho chuyến thăm Đài Loan vào cuối năm nay – có thể là vào tháng 11 hoặc đầu tháng 12 – bất chấp căng thẳng gia tăng trong khu vực, theo các nguồn tin nói với The Guardian. Chuyến đi – ban đầu được lên kế hoạch vào đầu năm nay nhưng đã bị hoãn lại do một thành viên trong phái đoàn xét nghiệm dương tính với Covid – nhằm thể hiện sự ủng hộ của Anh đối với hòn đảo có thể chế dân chủ mà Trung Quốc luôn muốn sáp nhập với đại lục. 

Xem thêm:

The Guardian ngày 02/8/2022: British MPs plan visit to Taiwan as tension with China simmers 

Ngày 02/8/2022: Bộ Ngoại giao Nga tái khẳng định lập trường đứng về phía Trung Quốc

Trên Twitter, Bộ Ngoại giao Nga đã đăng một tuyên bố khẳng định lập trường có tính nguyên tắc của Nga vẫn không thay đổi: “Chúng tôi hoạt động trên tiền đề rằng chỉ có một Trung Quốc và chính phủ CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc, rằng Đài Loan là một phần bất khả xâm phạm của Trung Quốc.” 

Nga coi chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Pelosi, một hoạt động chính trị phi quân sự đã được bà Pelosi và chính phủ Mỹ khẳng định không làm thay đổi chính sách truyền thống của Mỹ với Đài Loan, lại là một hành động khiêu khích rõ ràng nhằm duy trì chính sách ngăn chặn CHND Trung Hoa một cách hung hăng của Mỹ. “Chúng tôi kêu gọi Washington kiềm chế các hành động phá hoại sự ổn định của khu vực và an ninh quốc tế.”

Như chúng ta đã thấy ở phần đầu tiên của báo cáo, Trung Quốc đã trả đũa hoạt động phi quân sự của Pelosi bằng các chiến dịch đe dọa vũ lực, phong toả bao vây xung quanh hòn đảo và cản trở tự do hải hành và không hành của dòng chảy thương mại dân sự. Đây không phải là điều mới. Vào năm 1988, song song với việc kêu gọi các nước Đông Nam Á “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng hỏa lực mạnh bắn chết những công binh tay không của Hải quân Việt Nam tại Gạc Ma. Cùng chung cách tiếp cận, Nga đã sử dụng vũ lực xâm lược một quốc gia có chủ quyền dựa trên những tiền đề mơ hồ hoặc không có thực.

Hiến chương Liên Hợp Quốc nghiêm cấm các quốc gia sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế và thụ đắc lãnh thổ. Việc sử dụng vũ lực chỉ được cho phép để tự vệ trước một hành động sử dụng vũ lực khác.

Trước đó, trong một tuyên bố chung ngày 04/02/2022, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng kêu gọi Mỹ “công nhận thực tế địa chính trị mới mà ở đó không còn chỗ cho bá quyền của Mỹ.”

Xem thêm:

MFA Russia ngày 02/8/2022: Russian Foreign Ministry statement on US House of Representatives Speaker Nancy Pelosi’s visit to Taiwan-1

MFA Russia ngày 02/8/2022: Russian Foreign Ministry statement on US House of Representatives Speaker Nancy Pelosi’s visit to Taiwan-2

Điện Kremlin ngày 04/02/2022: Joint Statement of the Russian Federation and the People’s Republic of China on the International Relations Entering a New Era and the Global Sustainable Development 

Ngày 03/8/2022: Phát biểu của Tổng thống Thái Anh Văn trong cuộc gặp bà Pelosi

Trong buổi làm việc với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Tổng thống Thái Anh Văn đã khẳng định rằng các phản ứng tập trận và cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc là “không cần thiết”, và cho biết “Đài Loan tiếp tục sẵn sàng đối thoại có tính xây dựng để duy trì hòa bình tại Eo biển Đài Loan”.

Xem thêm:

Focus Taiwan ngày 03/8/2022: Chinese drills over Pelosi visit ‘unnecessary’: Taiwan president 

Ngày 03/8/2022: Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan gián tiếp khẳng định Đài Loan có chủ quyền lãnh thổ

Trong tuyên bố của mình ngày 03/8/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết Trung Quốc đã vi phạm quy định của Liên Hiệp Quốc, xâm phạm không gian lãnh thổ, tiến hành một cuộc vây hãm trên không và trên biển đối với Đài Loan. Khâu tuyên bố Đài Loan sẽ kiên quyết bảo vệ an ninh, chống lại bất cứ hành vi xâm phạm “chủ quyền lãnh thổ”, và nâng cao cấp độ báo động của quân đội nhưng trên nguyên tắc không gây chiến.

Điều đáng chú ý là trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Khâu đã lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Đài Loan, như một sự khẳng định rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập có chủ quyền.

Ngày 04/8/2022, Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố một video về các lực lượng quân sự của Đài Loan, khẳng định rằng lực lượng quân sự của Đài Loan “sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ, sẵn sàng canh gác để bảo vệ quốc gia. Đài Loan không gia tăng căng thẳng nhưng sẵn sàng bảo vệ tự do, dân chủ, ổn định, và an ninh khu vực láng giềng.”  

Xem thêm:

Reuters ngày 03/8/2022: Taiwan defence ministry says Chinese drills seriously violated island’s sovereignty

Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 04/8/2022: #ROCArmedForces are resolved to uphold our sovereignty and guard our territory.

Ngày 03/8/2022: Đảng đối lập Đài Loan lên án các cuộc tập trận của Trung Quốc

Trên Twitter, Quốc Dân Đảng tuyên bố “cực lực lên án các cuộc tập trận của PLA đang bao vây Đài Loan và đe dọa an ninh của Cộng hoà Trung Hoa. 

Xem thêm:

Tuyên bố của Quốc Dân Đảng

 03/8/2022: Cựu Chủ tịch Quốc dân Đảng Giang Khởi Thần cảm ơn Pelosi

Trên Twitter, cựu Chủ tịch Quốc dân Đảng và hiện giờ là thành viên Uỷ ban Đối ngoại và Quốc phòng Quốc hội Đài Loan đã cảm ơn bà Pelosi vì đã ủng hộ Cộng hòa Trung Hoa. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ sự ủng hộ bền bỉ của bà đối với các giá trị dân chủ và không hề sợ hãi khi đối mặt với chủ nghĩa độc tài. “Cộng hoà Trung Hoa là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, và chúng tôi hoan nghênh chuyến thăm của bà đến Đài Loan,” ông viết.

Quốc dân Đảng dưới thời ông Giang lãnh đạo đã liên tiếp thất bại trong các cuộc bầu cử quan trọng và bị chỉ trích là “muốn bán Đài Loan cho đại lục.” Quốc dân Đảng sau đó đã phải lập tức tạo khoảng cách với Trung Quốc và khẳng định “luôn đặt Đài Loan trên hết vì lợi ích của người dân.” 

Xem thêm:

Phát biểu của Giang Khởi Thần

Ngày 03/8/2022: Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng khẳng định Mỹ không muốn khủng hoảng với Trung Quốc về chuyến đi Đài Loan của Pelosi

Trong buổi họp báo, Người phát ngôn John Kirby nói “Không có lý do gì để Trung Quốc biến một chuyến du lịch hoàn toàn hợp pháp và nhất quán của Chủ tịch Hạ viện thành cái cớ để gia tăng căng thẳng hoặc chế ra ra một số loại khủng hoảng hoặc xung đột.” Về phần mình, Mỹ không có ý định tham gia vào cuộc phô trương lực lượng quân sự và muốn thấy căng thẳng giảm nhiệt, ông nói.

Xem thêm:

Kyodo News ngày 03/8/2022: U.S. doesn’t want crisis with China over Pelosi Taiwan trip: official 

Ngày 03/8/2022: Lần đầu tiên, G7 có một tuyên bố riêng về Eo biển Đài Loan. G7 và EU thống nhất lập trường ra tuyên bố chung về “Bảo tồn hoà bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan”

Tuyên bố với sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ, cùng với Đại diện Cấp cao của EU chỉ ra rằng Trung Quốc không nên sử dụng chuyến thăm của Pelosi như một cái cớ đối với các hoạt động quân sự gây hấn ở Eo biển Đài Loan đồng thời kêu gọi giải quyết các khác biệt xuyên eo biển bằng các biện pháp hòa bình.

Đáng chú ý, tuyên bố cho thấy sự đoàn kết giữa Khối 7 nước công nghiệp phát triển và Liên hiệp Châu Âu. 

Xem thêm:

G7 Foreign Ministers’ Statement on Preserving Peace and Stability Across the Taiwan Strait 2002

Ngày 03/8/2022: EU kêu gọi giải pháp hoà bình cho Eo biển Đài Loan, duy trì kênh liên lạc và giải quyết căng thẳng bằng đối thoại

Liên minh Châu Âu EU lên tiếng kêu gọi các bên giải quyết căng thẳng qua đối thoại và duy trì các kênh liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc để tránh sai sót và hiểu nhầm. EU khẳng định rằng: “EU có lợi ích trong việc bảo đảm hòa bình và hiện trạng tại Eo biển Đài Loan. Chúng tôi kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề tại Eo biển Đài Loan, và căng thẳng nên được giải quyết qua đối thoại. Các kênh liên lạc cần phải được duy trì để tránh hiểu lầm”.

Xem thêm:

Reuters ngày 03/8/2022: EU urges dialogue to reduce risks amid Taiwan tension

Ngày 03/8/2022: Bộ trưởng Ngoại giao Đức nhắc lại bài học Ukraine khi nói về Đài Loan

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định về vấn đề Đài Loan: “Chúng ta đã có những bài học đau đớn từ ngày 24/2 về việc các diễn ngôn hung hăng có thể nhanh chóng biến thành các hành động nguy hiểm như thế nào. Những nhận xét của Trung Quốc về Đài Loan đang tạo ra những câu hỏi nghiêm trọng.”

Xem thêm:

Phát biểu của Ngoại trưởng Baerbock: Baerbock’s comment on China / Taiwan

Ngày 04/8/2022: Đài Loan cho biết sẽ củng cố năng lực quốc phòng

Sau khi Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận xung quanh lãnh thổ Đài Loan để phản ứng lại với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Pelosi, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou cho biết sẽ củng cố năng lực tự vệ quốc phòng và phối hợp chặt chẽ với Mỹ cùng với các quốc gia chung chí hướng. 

Xem thêm:

Reuters ngày 04/8/2022: Taiwan says will strengthen self-defence capabilities

Ngày 04/8/2022: Phát biểu của Tổng thống Đài Loan gián tiếp khẳng định Đài Loan có chủ quyền riêng và phát đi thông điệp: Trong khi Trung Quốc hung hăng, Đài Loan hành xử có trách nhiệm

Trong bài phát biểu được thu sẵn, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã khẳng định rằng: “các cuộc tập trận của Trung Quốc không chỉ làm suy giảm hiện trạng tại Eo biển Đài Loan và can thiệp vào chủ quyền quốc gia của Đài Loan, mà còn tạo ra căng thẳng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, can thiệp vào quyền tự do không hành, hải hành, và giao thương tại khu vực.” Tổng thống Thái nhấn mạnh: “chúng ta không gia tăng căng thẳng và không kích động xung đột, nhưng chúng ta cũng sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia như một thành trì của dân chủ và tự do.”

Tổng thống Thái cũng cho biết: “Đài Loan đã luôn là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, và luôn hành động bình tĩnh, không kích động xung đột nhưng cũng không lùi bước. Do đó, Đài Loan kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với Đài Loan dân chủ, cùng nhau chấm dứt các hành vi quân sự đơn phương và vô lý của Trung Quốc… Hòa bình tại Eo biển Đài Loan là trách nhiệm chung của mọi quốc gia khu vực. Đài Loan đang làm mọi thứ để duy trì hiện trạng, và sẵn sàng đối thoại có tính xây dựng. Chúng tôi mong rằng tất cả người dân Đài Loan sẽ đoàn kết bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền, và dân chủ của đất nước của chúng ta.”

Xem thêm:

Chính phủ Đài Loan ngày 04/8/2022: President Tsai delivers remarks on the live-fire military exercises China conducting in areas around Taiwan

Ngày 04/8/2022: Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand kêu gọi giảm leo thang ở Eo biển Đài Loan

Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta đã có cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị cấp cao ASEAN. Bà tái khẳng định mối quan tâm của New Zealand đối với hoà bình và ổn định trong khu vực, trong đó có Eo biển Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm leo thang, ngoại giao và đối thoại.

Xem thêm:

The Print ngày 04/8/2022: New Zealand Minister meets Chinese Foreign Minister, tells ‘de-escalation’ needed in Taiwan Strait 

Ngày 04/8/2022: Ngoại trưởng Mỹ Blinken cảnh cáo Trung Quốc không sản xuất khủng hoảng

Bên lề sự kiện Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Mỹ tại Campuchia, Ngoại trưởng Blinken cho biết: “Tôi mong rằng Trung Quốc sẽ không lợi dụng cơ hội để ‘sản xuất’ ra một cuộc khủng hoảng hoặc tìm một cái cớ để tăng cường các hoạt động quân sự. Nhiều quốc gia thế giới tin rằng gia tăng căng thẳng không mang lại lợi ích cho ai, có thể mang lại những hậu quả khó lường cho tất cả, bao gồm các thành viên ASEAN và Trung Quốc.” Ngoại trưởng Blinken cũng cho biết Mỹ tiếp tục tìm cách duy trì đối thoại với Trung Quốc ở mọi cấp độ để gửi đi thông điệp: “Mỹ không thay đổi lập trường của mình, và phản đối các nỗ lực thay đổi hiện trạng tại Eo biển Đài Loan, đặc biệt là bằng vũ lực”.

Xem thêm:

CNN ngày 04/8/2022: Blinken says he hopes ‘Beijing will not manufacture a crisis’ after Pelosi’s visit to Taiwan 

Ngày 04/8/2022: Ấn Độ im lặng 

Trong khi các quốc gia khu vực và thế giới khẳng định lập trường đối với vấn đề Đài Loan, Ấn Độ đã lựa chọn yên lặng, không đưa ra bất cứ phát biểu nào có liên quan tới vấn đề này. Các quan chức chính phủ Ấn Độ, bao gồm Ngoại trưởng Jaishankar, đã lựa chọn cẩn thận và đi tới quyết định này để thể hiện lập trường trung lập của Ấn Độ. Giới quan sát cho rằng Ấn Độ không muốn tạo ra căng thẳng khi đang trong đối thoại biên giới với Trung Quốc, nhưng cũng không muốn khẳng định sự ủng hộ đối với Nguyên tắc Một Trung Quốc, do đó “yên lặng có lẽ là phản ứng tốt nhất cho tình trạng này”.

Xem thêm:

The Hindu ngày 04/8/2022: India maintains ‘studied silence’ on Taiwan crisis

Ngày 04/8/2022: Vương Nghị chỉ trích chuyến thăm của bà Pelosi tại hội nghị ASEAN

Bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Campuchia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 4/8/2022 chỉ trích chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan là hành vi “khiêu khích trắng trợn” và gọi Mỹ là “kẻ phá hoại lớn nhất với hòa bình tại eo biển Đài Loan và kẻ gây rối lớn nhất với ổn định khu vực”. Ông gọi chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là hành động “thất thường, vô trách nhiệm và rất thiếu lý trí” của Mỹ.

Xem thêm:

China foreign minister slams Pelosi’s Taiwan trip in ASEAN meet. Một bản toàn văn được lưu ở đây

Ngày 04/8/2022, Trung Quốc hủy cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản

Theo phân tích của Rena Sasaki, sở dĩ Trung Quốc trả đũa Nhật Bản bởi bản tuyên bố của G7 vì đây là lần đầu tiên “hoà bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan” trở thành một tuyên bố riêng của khối G7. Cụm từ này mới chỉ được đề cập lần đầu tiên trong một tuyên bố của G7 vào năm ngoái, nhưng đó là tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall. Bất kỳ tuyên bố nào của G7 đều cần sự đồng ý của tất cả các thành viên trong nhóm. Những tiến triển trong hai tuyên bố gần đây của G7 cho thấy ít nhất Nhật Bản đã chấp nhận đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của G7.

Xem thêm:

Reuters ngày 05/8/2022: Japan remains open to dialogue with China -Japan foreign minister

The Diplomat ngày 10/8/2022: Japan’s Evolving Approach to the Taiwan Strait 

Tối ngày 04/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản tiếp tục phê phán Trung Quốc

Sau khi phía Trung Quốc bắn 9 quả tên lửa vào chiều ngày 04/8, trong đó có 5 quả đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori đã gọi điện cho Đại sứ Trung Quốc Kong Xuanyou vào buổi tối cùng ngày để phản đối các vụ phóng và yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay các cuộc tập trận.

Tương tự, khi được Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Deng Xing triệu tập để phản đối tuyên bố của G7, Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Tarumi Hideo đã thẳng thừng phản bác và tuyên bố rằng Nhật Bản không bao giờ có thể chấp nhận việc Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo hạ cánh xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. 

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 04/8/2022: 5 Chinese missiles land in Japan’s EEZ: defense chief  

Ngày 05/8/2022: Đài Loan cho rằng Trung Quốc đang “tiếp bước Triều Tiên” với các vụ phóng tên lửa

Sau khi Trung Quốc phóng một số tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía Đông Bắc và Tây Nam Đài Loan, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã ra thông cáo khẳng định rằng: “động thái này của Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia Đài Loan, gia tăng căng thẳng khu vực, đe dọa giao thông và giao thương quốc tế. Đài Loan lên án mạnh mẽ động thái tiếp bước Triều Tiên mà Trung Quốc tiến hành, và yêu cầu Trung Quốc kiềm chế”. Chính quyền Đài Loan cũng cho biết các vụ phóng tên lửa này dù bay qua lãnh thổ Đài Loan, nhưng ở tầm rất cao và không đe dọa vùng lãnh thổ phía dưới. Phản ứng lại tuyên bố của Đài Loan, Trung Quốc cho rằng “chính sự thông đồng giữa Mỹ và Đài Loan mới là nguyên nhân đẩy hòn đảo này tới miệng hố thảm họa”. Tờ Nikkei của Nhật Bản cũng cho biết 05 trong số các quả tên lửa đạn đạo do Trung Quốc phóng lên đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Xem thêm:

NK News ngày 05/8/2022: China following ‘example of North Korea’ with risky missile launches: Taipei

Ngày 05/8/2022: Lần đầu tiên, Nhật Bản đề cập đến Eo biển Đài Loan tại một diễn đàn của ASEAN

Trong thời gian diễn ra các hội nghị và diễn đàn giữa ASEAN và các đối tác ở Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi đã trao đổi quan điểm về tình hình Đài Loan với người đồng cấp Lào, Brunei, Timor-Leste, và Thủ tướng Campuchia. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á (EAS), ông Hayashi Yoshimasa đã lên án hành động của Trung Quốc gây nguy hiểm cho an ninh Nhật Bản và sự an toàn của người dân Nhật, tác động nghiêm trọng đến hoà bình và ổn định của khu vực và cộng đồng quốc tế. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan và kêu gọi Trung Quốc dừng ngay lập tức các cuộc tập trận quân sự.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 05/8/2022: The 12th East Asia Summit (EAS) Foreign Ministers’ Meeting

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 06/8/2022: Foreign Minister Hayashi Attends ASEAN-related Foreign Ministers’ Meetings(August 3-6, 2022) 

Ngày 05/8/2022: Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Mỹ và Úc thống nhất lập trường ra tuyên bố chung

Bên lề các Diễn đàn và Hội nghị ASEAN và đối tác diễn ra ở Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao ba nước đã có cuộc họp và cùng ra tuyên bố chung về sự kiện Trung Quốc tập trận và bắn tên lửa xung quanh Đài Loan. Ba Bộ trường cùng lên án việc CHND Trung Hoa phóng tên lửa đạn đạo, 5 trong số đó đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn trong khu vực. Ba nhà lãnh đạo ngoại giao kêu gọi CHND Trung Hoa ngừng ngay các cuộc tập trận. Không có sự thay đổi nào trong các chính sách Một Trung Quốc, cũng như lập trường cơ bản đối với Đài Loan ở ba nước Úc, Nhật Bản và Mỹ.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 05/8/2022: U.S.-Australia-Japan Trilateral Strategic Dialogue

Ngày 05/8/2022: Tuyên bố của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn

Giữa thời điểm Đài Loan và Trung Quốc trao đổi các tuyên bố lên án gia tăng căng thẳng tại Eo biển Đài Loan, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã có bài phát biểu được ghi hình trước, khẳng định rằng chính quyền Đài Loan đang theo dõi sát sao các diễn biến tập trận và tấn công mạng của Trung Quốc. Tổng thống Thái khẳng định rằng: (i) các động thái cố tình đẩy cao căng thẳng của Trung Quốc đang đe dọa một cách vô trách nhiệm Đài Loan và cộng đồng quốc tế; (ii) động thái của Trung Quốc đang đe dọa hiện trạng tại Eo biển Đài Loan, do đó Đài Loan kêu gọi Trung Quốc kiềm chế và hành động theo lý trí; (iii) quân đội Đài Loan đã được đặt vào tư thế sẵn sàng cao độ và liên tục theo dõi diễn biến; (iv) các hành vi tấn công mạng của Trung Quốc đang ngày một gia tăng, do đó các doanh nghiệp tư nhân cần củng cố các biện pháp phòng ngừa cùng với các cơ quan công quyền. Do đó, Tổng thống Thái kêu gọi cộng đồng quốc tế sát cánh ủng hộ Đài Loan, ngăn ngừa các hành vi tập trận quân sự đơn phương, vô lý của phía Trung Quốc.

Xem thêm:

Tóm tắt và toàn văn phát biểu của Tổng thống Thái Anh Văn: Tsai Ing-wen full remark

Ngày 05/8/2022: Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc cô lập Đài Loan, Pelosi nói ở Tokyo

Trong một cuộc họp báo tại thủ đô Nhật Bản sau cuộc gặp kéo dài 90’ với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói rằng chuyến đi của bà tới Đài Loan không làm thay đổi chính sách Một Trung Quốc của Mỹ, nhưng là thông điệp khẳng định Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc cô lập Đài Loan. 

Trước đó, trong cuộc gặp với bà Pelosi, ông Kishida cũng đã lên án mạnh mẽ các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc và cho biết chính phủ của ông đã thúc giục Bắc Kinh ngừng các cuộc tập trận quân sự ngay lập tức. 

Xem thêm:

Stars & Stripes ngày 05/8/2022: US will not allow China to isolate Taiwan, Pelosi says in Tokyo 

Bloomberg ngày 05/8/2022: China Missiles Deal Fresh Blow to Fraught Ties With Japan. Một bản PDF được lưu ở đây

The Diplomat ngày 06/8/2022: Pelosi Discusses Taiwan Tensions in Japan 

Ngày 05/8/2022: Lập trường của EU trong bài phát biểu của Phó Chủ tịch EU Josep Borrell tại Diễn đàn Khu vực ASEAN

Với tư cách là Đại diện EU, ông Borrell cho biết EU có lợi ích rõ ràng trong việc gìn giữ hoà bình và hiện trạng ở Eo biển Đài Loan. EU hết sức quan ngại trước việc Trung Quốc đã bắn tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Đài Loan và một số tên lửa trong số đó đã hạ xuống Vùng Đặc quyền Kinh tế của Nhật Bản. Đây là những diễn biến rất đáng lo ngại, dẫn đến bất ổn và leo thang rủi ro.

Lập trường của EU là không ai được đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và cần giải quyết những khác biệt bằng các biện pháp hoà bình. EU kêu gọi các bên bình tĩnh, kiềm chế, hành động minh bạch, và duy trì đường dây liên lạc mở để ngăn chặn bất kỳ tính toán sai lầm nào có thể dẫn đến hậu quả bi thảm.

Xem thêm:

EEAS ngày 05/8/2022: 29th ASEAN Regional Forum: Speech by the High Representative/Vice-President Josep Borrell 

Ngày 05/8/2022: Các nước Đông Nam Á vật lộn xử lý căng thẳng Mỹ – Trung

Singapore đối diện với nhiều khó khăn

Bộ trưởng Ngoại giao Vivian Balakrishnan bày tỏ quan hệ Mỹ-Trung ổn định là yếu tố sống còn đối với hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Singapore hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể đưa ra phương thức hợp lý, tự kiềm chế và kiềm chế các hành động làm leo thang căng thẳng”. Ông cho biết thêm: “Đây là thời điểm nguy hiểm, nguy hiểm cho cả thế giới”, đồng thời nếu mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tan vỡ sẽ dẫn đến giá cả cao hơn, chuỗi cung ứng kém hiệu quả hơn, và rồi dẫn đến một thế giới bị chia rẽ hơn, hoặc một thế giới bị gián đoạn và nguy hiểm hơn”. Thể hiện quan điểm của Singapore về vấn đề này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo về phạm vi tính toán sai lầm đối với căng thẳng ở Eo biển Đài Loan, mà ông cho rằng khó có thể sớm giảm bớt trong bối cảnh nghi ngờ sâu sắc và sự can dự hạn chế giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, Thủ tướng Singapore cho biết, nước này sẽ phải hứng chịu sự cạnh tranh gay gắt và căng thẳng trong khu vực, chuẩn bị một tương lai ít hòa bình và ổn định hơn bây giờ. Dù vậy, đối diện với những thách thức kinh tế, Chính phủ sẽ triển khai nhiều biện pháp để giúp người dân đối phó với tình trạng giá cả tăng cao.

Malaysia kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết căng thẳng ở eo biển Đài Loan một cách thận trọng

Bộ trưởng Ngoại giao Datuk Seri Saifuddin Abdullah cho biết Malaysia đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Eo biển Đài Loan sau khi căng thẳng bùng phát giữa Trung Quốc và Mỹ.

Phía Malaysia kêu gọi các bên liên quan giải quyết tình hình một cách thận trọng và theo cách tốt nhất có thể. Malaysia giữ vững chính sách Một Trung Quốc và nhấn mạnh rằng hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực phải được duy trì.

Thái Lan, Indonesia kêu gọi giảm căng thẳng và ủng hộ chính sách Một Trung Quốc

Thái Lan này kêu gọi kiềm chế giữa căng thẳng ở Eo biển Đài Loan và hy vọng các bên liên quan đến tình hình ở Eo biển Đài Loan sẽ giải quyết vấn đề  thông qua các biện pháp hòa bình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: “Thái Lan ủng hộ chính sách Một Trung Quốc. Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng và phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Tương tự, Đại diện Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố rằng: “Indonesia lo ngại sâu sắc về sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các cường quốc. Nếu không được quản lý tốt, sự cạnh tranh có thể dẫn đến xung đột mở và phá vỡ hòa bình và ổn định, bao gồm cả ở Eo biển Đài Loan” và “Indonesia kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động khiêu khích có thể làm trầm trọng thêm tình hình”. Jakarta, được coi là nhà lãnh đạo trên thực tế của ASEAN, cho biết thế giới “rất cần sự khôn ngoan và trách nhiệm từ tất cả các nhà lãnh đạo để đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định”, đồng thời cho biết thêm rằng Indonesia tiếp tục “tôn trọng chính sách Một Trung Quốc”.

Việt Nam ủng hộ Chính sách Một Trung Quốc hay Nguyên tắc Một Trung Quốc?

Ngày 02/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới”, đồng thời Việt Nam khẳng định kiên trì thực hiện chính sách “Một Trung Quốc”.

Tuy nhiên sang ngày 13/8, khi Tân Hoa Xã đề nghị cho biết lập trường của Việt Nam đối với tình hình Eo biển Đài Loan, thì Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng lại trả lời Việt Nam kiên trì nguyên tắc Một Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc muốn “Một Trung Quốc” là một nguyên tắc có tính cố định không thể thay đổi, và Nga đồng tình với lập trường của Trung Quốc, thì đa phần cộng đồng quốc tế, trong đó gồm cả những nước Đông Nam Á như đã nêu ở trên, đều chỉ sử dụng từ “chính sách” có tính linh hoạt hơn, phù hợp hơn trong chính sách đối ngoại. 

Tuyên bố chung ASEAN kêu gọi các bên giảm leo thang căng thẳng

Kung Phoak, phát ngôn viên ASEAN và Thứ trưởng Ngoại giao Campuchia cho biết các ngoại trưởng ASEAN đã bày tỏ quan ngại về “căng thẳng ngày càng gia tăng ở Eo biển Đài Loan”. Ông nói thêm rằng các ngoại trưởng tại các cuộc đàm phán kín đã bày tỏ hy vọng rằng hai cường quốc sẽ cố gắng “hết sức mình để giảm leo thang căng thẳng”.

Ngày 03/8/2022, ASEAN đưa ra tuyên bố chung về Eo biển Đài Loan. Thứ nhất, ASEAN bày tỏ lo ngại về sự biến động của quốc tế và khu vực, đặc biệt là sự phát triển gần đây ở khu vực giáp ranh với khu vực ASEAN, có thể gây mất ổn định khu vực và cuối cùng có thể dẫn đến tính toán sai lầm, đối đầu nghiêm trọng, xung đột mở và những hậu quả khó lường giữa các cường quốc.

Thứ hai, ASEAN kêu gọi kiềm chế tối đa, kiềm chế các hành động khiêu khích và duy trì các nguyên tắc được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC). Tuyên bố chung nhắc lại sự ủng hộ của các Quốc gia Thành viên ASEAN đối với Chính sách Một Trung Quốc.

Thứ ba, Tuyên bố kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo để duy trì chủ nghĩa đa phương và quan hệ đối tác, hợp tác, chung sống hòa bình và cạnh tranh lành mạnh vì các mục tiêu chung hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bao trùm và bền vững.

Thứ tư, các nước ASEAN cần hành động cùng nhau và ASEAN sẵn sàng đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại hòa bình giữa tất cả các bên, bao gồm thông qua việc sử dụng các cơ chế do ASEAN dẫn dắt để xoa dịu căng thẳng, bảo vệ hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực.

Xem thêm:

The Wall Street Journal ngày 07/8/2022: Southeast Asia Seeks to Tiptoe Through U.S.-China Taiwan Minefield. Một bản PDF được lưu ở đây

Reuters ngày 08/8/2022: ‘Storm is gathering’ – Singapore PM warns of risk of U.S.-China miscalculation 

The Jakarta Post ngày 04/8/2022: Indonesia calls for de-escalation after Pelosi’s Taiwan visit. Một bản PDF được lưu ở đây

Bộ Ngoại giao Singapore ngày 03/8/2022: 55th ASEAN Foreign Ministers’ Meeting, 3 August 2022 

The National Thailand ngày 03/8/2022: Thailand calls for restraint amid tensions in Taiwan strait

Malay Mail ngày 03/8/2022: At Asean meet, Malaysia urges all concerned parties to address tension in Taiwan Strait very carefully  

GMA News ngày 03/8/2022: Palace: Philippines ‘closely monitoring’ China’s actions amid Pelosi’s Taiwan visit 

ASEAN ngày 03/8/2022: ASEAN FOREIGN MINISTERS’ STATEMENT ON THE CROSS STRAIT DEVELOPMENT 

Tuổi trẻ ngày 03/8/2022: Việt Nam lên tiếng về tình hình eo biển Đài Loan

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 13/8/2022: Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 13 năm 2022 

Ngày 05/8/2022: Bộ trưởng Ngoại giao Singapore trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị 

Bên lề hội nghị ASEAN, Tiến sĩ Balakrishnan cho rằng cả hai bên đều không tìm kiếm xung đột.

Ông đã nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, và truyền đạt quan điểm rằng mối nguy hiểm chính là Trung Quốc đã triển khai rất nhiều tàu và máy bay, tên lửa xung quanh đó. Mặc dù Trung Quốc có thể không muốn đi tới chiến tranh, nhưng sẽ có nguy cơ xảy ra tai nạn và tính toán sai lầm. Bởi vậy tất cả các nước Đông Nam Á đều muốn căng thẳng được hạ nhiệt.

Xem thêm:

The Straits Times ngày 05/8/2022: Asean wants US, China to cool tensions, which are hurting global economy: Vivian Balakrishnan

Ngày 05/8/2022: Chủ tịch Seimas của Lithuania lên kế hoạch tới thăm Đài Bắc

Sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, các nhà cầm quyền của Lithuania cũng đang cân nhắc cử một quan chức cấp cao tới Đài Bắc. Chủ tịch Seimas Viktorija Čmilytė-Nielsen nói rằng bà dự định thảo luận về một chuyến thăm chung tới Đài Loan trong các cuộc gặp tiếp theo với các nhà lãnh đạo của Liên hiệp Châu Âu (EU).

Xem thêm:

Baltics News ngày 05/8/2022: Čmilytė-Nielsen is also considering going to Taipei after China’s fuss over Pelosi’s visit: the minister’s trip is also planned  

Ngày 05/8/2022: Ngoại trưởng Nga – Trung rời phòng họp khi ngoại trưởng Nhật phát biểu

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 5/8/2022 đã cùng ra khỏi phòng khi Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa phát biểu tại cuộc họp ngoại trưởng Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), nhằm phản đối việc ông Hayashi chỉ trích các cuộc tập trận của Trung Quốc sau khi bà Pelosi đến Đài Loan. 

Xem thêm:

Mainichi ngày 5/8/2022: China, Russia walk out of ASEAN meet overshadowed by Taiwan tensions

Ngày 05/8/2022: Đại sứ Trung Quốc tại Pháp: Trung Quốc sẽ giáo dục lại người Đài Loan sau khi thống nhất

Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp BMF TV hôm 03/8/2022, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã tuyên bố khả năng giải phóng Đài Loan bằng quân sự “vẫn còn đó”, cũng như tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiến hành tái giáo dục sau khi thống nhất – nhằm giúp người Đài Loan yêu nước và ủng hộ thống nhất.

Xem thêm:

Taiwan News ngày 5/8/2022: China’s ambassador to France says Taiwanese will be ‘reeducated’ after annexation

Phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp  

Politico ngày 11/8/2022: China’s top 5 wolf warrior diplomats sinking their fangs into Europe

Ngày 05/8/2022: Ấn Độ thận trọng bày tỏ quan ngại

Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã có buổi làm việc thứ hai với Ngoại trưởng Mỹ Blinken bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Campuchia, thảo luận về các vấn đề quan tâm như tình hình tại Sri Lanka, Myanmar và Đài Loan. Mặc dù vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức cho tới thời điểm đó, Ngoại trưởng Jaishankar đã đưa ra quan ngại về “tính toán sai lầm dẫn tới đối đầu nghiêm trọng, xung đột quân sự giữa các cường quốc, dẫn tới những hậu quả không thể lường trước. Ấn Độ kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, và nhắc lại sự ủng hộ của ASEAN đối với Chính sách Một Trung Quốc.

         Xem thêm:

The Times of India ngày 05/8/2022: Jaishankar, Blinken meet amid Asean discussions on Taiwan, Myanmar 

Ngày 06/8/2022: Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên gọi Pelosi là “kẻ hủy diệt hoà bình và ổn định quốc tế tồi tệ nhất”

Trong tuyên bố ngày thứ Bảy phê phán chuyến đi của bà tới Đài Loan và biên giới giữa Bắc và Nam bán đảo Triều Tiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Jo Yong Sam đã gọi Pelosi là kẻ hủy diệt hòa bình và ổn định quốc tế tồi tệ nhất vì đã kích động bầu không khí đối đầu với Nga khi đi thăm thăm Ukraine vào tháng 4, và gây ra sự phẫn nộ của người dân Trung Quốc khi tới Đài Loan. Bắc Triều Tiên nói rằng ẩn sau chuyến đi của bà tới Hàn Quốc và đặc biệt biên giới hai miền Triều Tiên là ​​âm mưu thâm độc của Mỹ nhằm tiếp tục leo thang tình hình vốn đã căng thẳng ở Hàn Quốc và khu vực bằng cách đẩy lực lượng bảo thủ đang cầm quyền của Hàn Quốc vào cuộc đối đầu với những người đồng hương ở phía bắc, và sử dụng điều này nhằm biện minh cho chính sách thù địch lạc hậu đối với CHDCND Triều Tiên và việc chế tạo vũ khí một cách điên rồ.

Ngày 06/8/2022: Thư ký báo chí Lầu Năm Góc: Trung Quốc đã phản ứng thái quá và muốn lấy đó làm cớ cho “hoạt động quân sự khiêu khích”

​​”Một phần của phản ứng thái quá này là hạn chế nghiêm ngặt các tương tác quốc phòng đúng vào lúc mà bất kỳ nhà nước nào có trách nhiệm cũng sẽ phải biết chúng ta cần chúng nhất,” Todd Breasseale nói. “Mặc dù CHND Trung Hoa đã đơn phương chấm dứt một số tương tác quốc phòng, chúng tôi vẫn mở rộng cửa cho việc liên lạc và cam kết xây dựng các cơ chế liên lạc và giảm thiểu rủi ro trong khủng hoảng.”

Ngày 06/8/2022: Quan chức Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ bác bỏ phát ngôn từ Lầu Năm Góc

​​Jing Quan, một quan chức cấp cao tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, cho biết Mỹ đang đùn đẩy trách nhiệm khi cáo buộc Trung Quốc phản ứng thái quá đối với chuyến thăm. “Anh không thể khiêu khích và không cho phép người khác tự vệ. Đài Loan là một trong số rất ít các vấn đề có thể đưa Trung Quốc và Mỹ vào xung đột hoặc thậm chí chiến tranh.”

Họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản, Pelosi nói chuyến thăm Đài Loan không nhằm thay đổi hiện trạng mà chỉ chống lại những nỗ lực của Trung Quốc cô lập Đài Loan với phần còn lại của thế giới

Trong điểm dừng cuối cùng trong chuyến công du Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bà Pelosi đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ông Kishida đã lên án các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay các cuộc tập trận quân sự. Trong buổi họp báo, Pelosi một lần nữa nhắc lại điều mà bà đã tuyên bố ngay khi hạ cánh xuống Đài Bắc, đó là chuyến thăm Đài Loan của bà không nhằm mục đích thay đổi hiện trạng. Mỹ không thay đổi chính sách Một Trung Quốc. Chuyến thăm của bà diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc nhiều lần nỗ lực cô lập Đài Loan với phần còn lại của thế giới.

Doanh nhân Robert Tsao, người sáng lập United Microelectronics Corp, sẽ đóng góp 3 tỷ Đài tệ (100 triệu USD) cho quốc phòng Đài Loan

“Với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc hành động độc ác như vậy đối với Đài Loan, có lẽ họ nghĩ rằng người dân Đài Loan đều sợ chết và thèm muốn tiền bạc?” ông nói trong một cuộc họp báo nảy lửa. “Nhưng tôi hy vọng… chúng ta sẽ đứng lên đấu tranh để bảo vệ tự do, dân chủ và nhân quyền.”

Trước đó, Tsao nói với truyền thông Đài Loan rằng hai con trai của ông sẽ trở về nước nếu Trung Quốc xâm lược.

Ngày 06/8/2022: Tổng thống Philippines: Tình hình Đài Loan khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Mỹ – Philippines

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Manila ngày 6/8/2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố tình hình địa chính trị bất ổn và kết quả của chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan đã khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines. Trong khi đó, ông Blinken khẳng định lại rằng Mỹ sẽ thực hiện các cam kết trong hiệp ước phòng thủ chung giữa hai bên.

Xem thêm:

Channel News Asia ngày 6/8/2022: Taiwan tension underscores importance of Philippine-US ties, says Marcos

Ngày 06/8/2022: Canada tiếp tục lên tiếng

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly đã tuyên bố Canada quan ngại sâu sắc với các hành vi phóng tên lửa qua Đài Loan và vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Đây là những hành vi gây hấn, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, và Canada kêu gọi mạnh mẽ Trung Quốc chấm dứt các hành vi cưỡng ép bằng quân sự và kinh tế.

Xem thêm:

Ngoại trưởng Melanie Joly ngày 06/8/2022: Canada is deeply concerned

Ngày 07/8/2022: Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan

Trong bài phỏng vấn độc quyền với đài BBC, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu đã bảo vệ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Bộ trưởng Wu khẳng định rằng chuyến thăm của bà Pelosi là “cực kỳ quan trọng” đối với Đài Loan bởi vì nó lôi kéo sự chú ý của toàn thế giới đối với cuộc đấu tranh của Đài Loan chống lại chiến dịch cô lập của Trung Quốc. Bộ trưởng Wu cho biết chính mình đã dàn xếp chuyến thăm của bà Pelosi, và khẳng định rằng các phản ứng của Trung Quốc sẽ không thể ngăn cản các chuyến thăm tiếp theo của các chính trị gia dân chủ trong thời gian tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Wu cũng khẳng định rằng Đài Loan không phải là bên kích động khủng hoảng, mà chính những phản ứng thái quá của Trung Quốc đã khiến căng thẳng tăng cao. Những phản ứng này của Trung Quốc cho thấy tâm lý bành trướng của chính quyền Bắc Kinh, và Wu cảnh báo các quốc gia khu vực rằng “Đài Loan sẽ không phải là mục tiêu cuối cùng của giấc mơ mở rộng bờ cõi của Bắc Kinh”.

Xem thêm:

BBC ngày 05/8/2022: China-Taiwan: Joseph Wu defends US Speaker Pelosi’s visit

Ngày 07/8/2022: Nhà Trắng chống lại nỗ lực lưỡng đảng của Quốc hội muốn đại tu quan hệ Mỹ-Đài Loan

Sau khi cảnh báo Pelosi rằng kế hoạch tới Đài Loan của bà có thể kích động Trung Quốc – chỉ để thấy lưỡng đảng đều ủng hộ chuyến đi – chính quyền Biden hiện đang cố gắng thay đổi dự luật lưỡng đảng sửa đổi chính sách Mỹ-Đài lâu đời. Đạo luật, được gọi là Đạo luật Chính sách Đài Loan, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan và làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Mỹ với hòn đảo này. Nhưng chính quyền Biden đã cố gắng đẩy lùi dự luật này vì lo ngại có thể khiến Bắc Kinh bất an về sự đảm bảo của Mỹ về việc duy trì chính sách Một Trung Quốc. 

Xem thêm:

Politico ngày 07/8/2022: White House resists Congress’ bipartisan bid to overhaul U.S.-Taiwan relations 

Ngày 07/8/2022: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục chỉ trích lực lượng đòi Đài Loan độc lập

Trả lời báo chí Trung Quốc và quốc tế, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố việc các lực lượng đòi Đài Loan độc lập cố gắng đạt mục tiêu qua thu hút sự ủng hộ của Mỹ chỉ là sự ảo tưởng, không có tương lai và chỉ tự làm khó mình, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông cũng lặp lại những lời chỉ trích gay gắt với chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, bao gồm gọi đây là “trò hề”.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/6/2022: Wang Yi Elaborates on China’s Position on the Taiwan Question at a Press Conference for Chinese and Foreign Media

Ngày 08/8/2022: Tổng thống Mỹ Biden quan ngại về các cuộc tập trận của Trung Quốc nhưng không nghĩ Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang

Tổng thống Mỹ Biden, trong lần bình luận công khai đầu tiên về vấn đề này kể từ chuyến thăm của Pelosi, nói rằng ông không lo lắng về Đài Loan nhưng lo ngại về các hành động mà Trung Quốc đang tiến hành trong khu vực.

“Nhưng tôi không nghĩ rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì hơn thế,” Biden nói với các phóng viên ở Delaware.

Xem thêm:

Reuters ngày 08/8/2022: Biden says he is concerned about China’s moves around Taiwan

Ngày 08/8/2022: Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania: Thế giới tự do không thể để Đài Loan trở thành Ukraine thứ hai 

Trong bài xã luận đăng tải trên trang The Telegraph, Gabrielius Landsbergis cảnh báo rằng sự sụp đổ của kiến trúc an ninh toàn cầu sẽ mang đến một viễn cảnh lạnh lẽo về trật tự thế giới, nơi các quốc gia nhỏ hơn có thể bị tiêu diệt. Sự nhân nhượng sẽ không dẫn đến hoà bình. Hy sinh những nước nhỏ đã không dẫn đến hoà bình mà chỉ kích thích kẻ hung hăng tiếp tục gây chiến, như đã xảy ra sau Hội nghị Munich năm 1938, với Georgia vào tháng 8/2008, và với Crimea vào năm 2014. Con đường duy nhất để ngăn chặn các cuộc chiến tiếp tục là không được nhượng bộ. Sự nhượng bộ chắc chắn sẽ dẫn đến chiến tranh. 

Để tránh điều này, theo ông, chúng ta phải gửi một tín hiệu lớn và rõ ràng ngay bây giờ: thế giới tự do không thể và sẽ không cho phép Đài Loan trở thành một Ukraine thứ hai.

Xem thêm:

The Telegraph ngày 08/8/2022: The free world can’t allow Taiwan to become a second Ukraine 

Ngày 08/8/2022: Chuyến đi của bà Pelosi đã làm tăng niềm tin của công chúng Đài Loan về việc Mỹ sẵn sàng can thiệp quân sự bảo vệ Đài Loan

Theo Wen-Ti Sung, một nhà nghiên cứu về chính trị Trung Quốc và Đài Loan, vào tháng 01/2021, có 57% người Đài Loan tin tưởng rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu chiến tranh xảy ra. Nhưng đến cuối tháng 3/2022 (sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine), con số đã giảm xuống gần một nửa, chỉ còn 30% giữ niềm tin này.

 Trong cuộc thăm dò mới nhất được công bố vào thứ Hai, đã có 48,5% người Đài Loan có niềm tin vào sự bảo vệ của Mỹ bằng quân sự, tăng 18,5% chỉ trong vòng 4,5 tháng. 

Mặc dù hai cuộc thăm dò không được thực hiện bởi cùng một cơ quan, nhưng hai cơ quan tiến hành thăm dò ở cùng một phía của chính trường nên kết quả vẫn có một sự tương đồng đáng lưu ý. Trong tương lai, sẽ tốt hơn nữa nếu cuộc thăm dò về thái độ người Đài Loan được thực hiện bởi cùng một cơ quan.

Xem thêm:

TVBS ngày 23/3/2022:  訪問主題:俄烏戰爭與兩岸議題民調

United Daily News ngày 08/8/2022: 裴洛西訪台60.1%民眾不擔心兩岸爆發進一步軍事衝突  

Phân tích của Wen-Ti Sung

The Washington Post ngày 02/8/2022: Taiwanese people will be reassured by Pelosi’s visit, research says. Một bản PDF được lưu ở đây.

Ngày 08/8/2022: Đài Truyền hình Nhật Bản NHK công bố kết quả thăm dò cho thấy hơn 80% người tham gia nói rằng căng thẳng gia tăng đối với Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến an ninh ở Nhật Bản

NHK đã thực hiện cuộc khảo sát qua điện thoại đối với 2.577 công dân được chọn ngẫu nhiên từ 18 tuổi trở lên từ Thứ Sáu đến Chủ Nhật. Trong số đó, 1.223 người đã phản hồi.

Hơn 80% số người tham gia cuộc khảo sát của NHK cho rằng việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ ảnh hưởng đến môi trường an ninh Nhật Bản.

Xem thêm:

NHK ngày 08/8/2022: Poll: Over 80% say rising tensions over Taiwan will affect security in Japan 

Ngày 09/8/2022: Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan tổ chức họp báo quốc tế tại Đài Bắc: Chuyến thăm của Chủ tịch Pelosi chỉ là cái cớ. Các cuộc tập trận của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã chuẩn bị cho một cuộc xâm lược

Các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc trên các vùng biển và trên không xung quanh Đài Loan nhằm mục đích thay đổi hiện trạng ở eo biển này, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cho biết tại một cuộc họp báo ở Đài Bắc hôm thứ Ba. “Đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan đã giữ nguyên hiện trạng của Eo biển trong nhiều thập kỷ và nó là biểu tượng của hiện trạng ở eo biển. Thực tế này đã bị tổn hại trong vài ngày qua do các cuộc tập trận của Trung Quốc, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực và đặc biệt là an ninh của Đài Loan.

Tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở Đài Loan, Wu cảnh báo. Bắc Kinh quyết tâm kiểm soát các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc ở hai đầu Eo biển Đài Loan, biến toàn bộ khu vực trở thành vùng nội thủy của mình.

“Tôi chắc chắn rằng những hoạt động này của Trung Quốc đang khiến những người bạn của chúng tôi như Nhật Bản và Đông Nam Á rất lo lắng,” ông nói. “Chúng ta đang ở chung một con thuyền.”

Wu kêu gọi các nền dân chủ phải đoàn kết và ngăn chặn các mối đe doạ và chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.

Peter Dutton: Kiểm soát Eo biển Đài Loan từ lâu đã là một mục tiêu của PLA

Nhà nghiên cứu từ Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ cho biết năm 2010, ông đã tổ chức một cuộc đối thoại tại Trường Chiến tranh Hải quân với các sĩ quan PLA và các học giả Trung Quốc. Một người tham gia là chiến lược gia PLA (và là tác giả của cuốn Khoa học về chiến lược quân sự) Thiếu tướng Peng Guangqian, đã nói về thách thức của PLAN đối với một hạm đội bị chia cắt. Ông giải thích, vì Trung Quốc không kiểm soát Đài Loan, Hải quân PLA không thể tự tin dồn hạm đội miền Nam với Hạm đội miền Đông và miền Bắc của họ trong thời điểm khủng hoảng để đối mặt với bất kỳ trục đe dọa nào với lực lượng lớn. Peng nói: “Khu vực biển của Trung Quốc là rào cản chiến lược ban đầu cho an ninh nội địa.” Quan điểm của Peng là Đài Loan, kết hợp với các “cường quốc bên ngoài” có thể ngăn các hạm đội của Trung Quốc hỗ trợ lẫn nhau và do đó làm giảm hiệu quả của PLAN. Do đó, mục tiêu kiểm soát eo biển này là tiền thân của việc kiểm soát Đài Loan. Vì vậy, ‘bình thường mới’ mà chúng ta có thể phải đối mặt hiện nay là quyết tâm kiểm soát eo biển của Trung Quốc trong tương lai gần như một bước tiến gần hơn đến việc kiểm soát đảo Đài Loan.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Đài Loan ngày 09/8/2022: Remarks by Minister Jaushieh Joseph Wu at the International press conference on Taiwan’s response to China’s military provocations 

Peter Dutton (2010) Military Activities in the EEZ (xem trang 25)

Ngày 10/8/2022, Trung Quốc công bố Sách Trắng với tựa đề “Vấn đề Đài Loan và Thống nhất Trung Quốc trong Kỷ nguyên Mới”

Nội dung Sách Trắng gồm 5 vấn đề: (1) Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Đây là thực tế không thể tranh cãi. (2) Những nỗ lực kiên định của Đảng Cộng sản Trung Quốc để hiện thực hoá thống nhất hoàn toàn Trung Quốc. (3) Thống nhất hoàn toàn Trung Quốc là một quá trình không thể trì hoãn. (4) Thống nhất quốc gia trong kỷ nguyên mới. Và (5) Những triển vọng tươi sáng cho một quá trình thống nhất trong hoà bình.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 10/8/2022: Full Text: The Taiwan Question and China’s Reunification in the New Era 

SCIO ngày 10/8/2022: 《台湾问题与新时代中国统一事业》白皮书(全文) 

Ngày 10/8/2022: Đoàn đại biểu Quốc hội Đức thông báo sẽ tới thăm Đài Loan vào tháng 10

Một phái đoàn quốc hội Đức sẽ đến thăm Đài Loan vào tuần đầu tiên của tháng 10, nhà lập pháp Đức Holger Becker hôm thứ Hai nói với các nhà lập pháp của Đảng Dân Tiến Fan Yun (范 雲) và Lin I-chin (林宜瑾)  khi họ tới thăm Bundestag ở Berlin. Khi Fan hỏi liệu ông có lo lắng về những đòn trả đũa có thể xảy ra từ Bắc Kinh, chẳng hạn như cấm ông và gia đình nhập cảnh vào Trung Quốc, Becker cho biết ông quan tâm nhiều hơn đến việc đến thăm Đài Loan, vì “bây giờ là lúc các nền dân chủ sát cánh cùng nhau”.

Xem thêm:

Taipei Times ngày 10/8/2022: German delegation to visit Taiwan

Ngày 11/8/2022: Thêm hai nước Baltic rút khỏi mô hình hợp tác Trung và Đông Âu với Trung Quốc

Bộ Ngoại giao hai nước Estonia và Latvia đã nối tiếp Lithuania, rút khỏi mô hình hợp tác 16+1 với Trung Quốc và tuyên bố sẽ chỉ duy trì hợp tác có tính thực tế thông qua quan hệ song phương và hợp tác giữa EU và Trung Quốc dựa trên hai bên cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhân quyền và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Estonia ngày 11/8/2022: Estonia will no longer participate in the cooperation format of Central and Eastern Europe and China

Bộ Ngoại giao Latvia ngày 11/8/2022: Latvia ceases its participation in the cooperation framework of Central and Eastern European Countries and China 

Phó Trợ lý Tổng thống và Điều phối Nhà Trắng Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đặt lằn ranh đỏ cho Trung Quốc, nói về những dự định của Mỹ trong tương lai

Trong phần phát biểu trước báo giới, Phó Trợ lý Tổng thống và Điều phối Nhà Trắng Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell đã đưa ra những lời lẽ rất cứng rắn đối với những hành vi gia tăng căng thẳng của Trung Quốc trong những ngày qua. Tiếp nối diễn ngôn của Mỹ thời gian qua, Campbell tiếp tục khẳng định rằng chính Trung Quốc đang lợi dụng cơ hội chuyến thăm đã từng có tiền lệ của Chủ tịch Hạ viện Pelosi để gia tăng căng thẳng, tìm cách thay đổi hiện trạng tại Eo biển Đài Loan và đe dọa an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các hành vi gây hấn bằng quân sự, kinh tế, chính trị của Trung Quốc chính là những phản ứng thái quá, hung hăng, gây bất ổn, đi ngược lại với mục tiêu bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Campbell cảnh báo rằng đây mới chỉ là màn mở đầu của một chiến dịch cưỡng ép dài hạn đối với Đài Loan, sẽ kéo dài trong nhiều tuần hay nhiều tháng tới, với mục tiêu cuối cùng là đe dọa, cưỡng ép, làm suy giảm sức chống chịu của Đài Loan.

Campbell khẳng định rằng phản ứng của Mỹ trong những ngày qua là cứng rắn, có trách nhiệm, mang lại ổn định khu vực, và không làm gia tăng căng thẳng. Mỹ chỉ rõ ý đồ của Trung Quốc khi cố ý khiến căng thẳng tăng cao, Mỹ đã cùng với các đồng minh và đối tác toàn cầu ủng hộ Đài Loan, bao gồm G7, ASEAN, EU. Mỹ đã khẳng định quan hệ đồng minh vững chắc qua cuộc tập trận chung với Nhật Bản gần Okinawa. Những phản ứng của Mỹ hoàn toàn thuận theo Chính sách Một Trung Quốc của Mỹ, dựa trên trụ cột Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Ba Tuyên bố chung, và Sáu Bảo đảm Mỹ – Trung Quốc. Với những phản ứng có trách nhiệm của mình, Mỹ khẳng định sự phản đối đối với các nỗ lực thay đổi hiện trạng từ cả hai phía, không ủng hộ Đài Loan độc lập, và mục tiêu dài hạn của Mỹ là bảo vệ hòa bình, ổn định tại Eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, để từ đó bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Trong thời gian tới, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách như trước đây, tiếp tục kiên nhẫn và tìm kiếm quan hệ hiệu quả với Trung Quốc. Một mặt, Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động hàng hải và hàng không tại các khu vực mà luật quốc tế cho phép, theo các cam kết lâu dài đối với tự do hải hành, bao gồm việc di chuyển qua Eo biển Đài Loan trong những tuần tới. Những cam kết này sẽ đi kèm với nỗ lực củng cố nền quốc phòng và sức chống chịu của Đài Loan trong khuôn khổ Chính sách Một Trung Quốc, bao gồm việc mở ra một kế hoạch đàm phán thương mại trong thời gian tới và tiếp tục hiện diện quân sự tại Tây Thái Bình Dương để bảo đảm ổn định lâu dài. Mặt khác, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các kênh liên lạc với Trung Quốc, bao gồm cả các kênh liên lạc mà Bắc Kinh đã đơn phương cắt đứt một cách sai lầm, để bảo đảm lợi ích của khu vực và thế giới. 

Đáng chú ý, Mỹ một lần nữa nhấn mạnh rằng vấn đề chính ở đây không phải là Chính sách Một Trung Quốc. Vấn đề chính ở đây là đã có một bên đã làm suy yếu hiện trạng Eo biển Đài Loan. Và cộng đồng quốc tế đã thể hiện rất rõ rằng họ có lợi ích trong việc bảo vệ hoà bình và ổn định khu vực. Mỹ sẽ thực hiện phần trách nhiệm của mình nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn trong thời gian tới. Và đây là vấn đề của việc Trung Quốc đối kháng với lợi ích cộng đồng quốc tế, không phải là vấn đề song phương giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Bởi vậy, Trung Quốc cần suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi hành động, Campbell cảnh báo. 

         Xem thêm:

The White House ngày 12/8/2022: On-the-Record Press Call by Kurt Campbell, Deputy Assistant to the President and Coordinator for the Indo-Pacific 

———-

C- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Lev Nachman: Các cuộc tập trận của Trung Quốc chưa phải là một cuộc khủng hoảng​​

Các phản ứng của Trung Quốc ngay sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu phương Tây khẳng định rằng “Khủng hoảng Eo biển Đài Loan thứ 4 đã tới”. Tác giả dựa vào các đặc điểm của các cuộc tập trận để đánh giá rằng diễn biến hiện tại vẫn chưa đủ để trở thành một cuộc khủng hoảng: (i) động thái quân sự mà Trung Quốc tiến hành hoàn toàn đã được đoán định trước; (ii) các cuộc tập trận của Trung Quốc được lên kế hoạch và được thông báo công khai; (iii) các cuộc tập trận lần này có giới hạn rõ ràng về thời gian; (iv) người dân và chính quyền Đài Loan giữ bình tĩnh rất tốt giữa những diễn biến này, giảm nguy cơ leo thang căng thẳng; (v) chính quyền Mỹ cũng giữ bình tĩnh và không tiến hành các động thái gia tăng căng thẳng, cho phép chính quyền Trung Quốc phô trương thanh thế quân sự của mình.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những nguy cơ gia tăng căng thẳng bất ngờ do lỗi con người. Những chuyến bay xâm phạm vùng nhận diện phòng không của Đài Loan thời gian qua đang tạo ra nguy cơ bất tuân mệnh lệnh, và hoàn toàn có thể nhanh chóng leo thang thành một xung đột vũ trang. Hoặc những cuộc tập trận gần sát Đài Loan có thể khiến cho các bên hiểu nhầm ý định của nhau. Do đó theo tác giả, cần tránh sử dụng các hàng tít giật gân như Khủng hoảng Đài Loan để phản ánh đúng thực chất diễn biến và thể hiện cả cách tiếp cận bình tĩnh của Đài Loan.

Xem thêm:

Foreign Policy ngày 05/8/2022: China’s Military Exercises Near Taiwan Aren’t a Crisis—Yet

Sana Hashmi: Với Trung Quốc, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Pelosi có thể chỉ là một cái cớ để gây hấn

Tác giả khuyến cáo rằng tất cả mọi người nên nhìn nhận rõ rằng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Pelosi không phải là nguyên nhân chính dẫn tới các hành vi đe dọa quân sự đối với Đài Loan, bởi vì: (i) các chuyến thăm của phái đoàn quốc hội khác tới Đài Loan diễn ra thường xuyên và không vấp phải phản ứng của Trung Quốc; (ii) phát biểu của Pelosi tại Đài Loan rất chừng mực và không hề mang tính kích động. Theo tác giả, sự tức giận của Trung Quốc có gốc rễ bắt nguồn từ năm 2016, khi chính quyền mới của Tổng thống Thái Anh Văn từ chối tuân thủ Đồng thuận 1992 và nhấn mạnh quyền tự quyết của người dân Đài Loan. Sau đó, Tổng thống Thái Anh Văn tiếp tục công bố Chính sách Phương Nam Mới, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao với Australia, New Zealand, cũng như các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á. Dưới chính quyền của Tổng thống Thái, vai trò của Đài Loan trên trường quốc tế ngày càng được ghi nhận rõ rệt hơn, khiến cho chính quyền Trung Quốc lo ngại rằng tình hình đang dần vượt ra khỏi tầm kiểm soát khi chính quyền Thái Anh Văn vẫn tiếp tục nắm quyền. Do đó, để khẳng định tính chính danh của mình trước khi tiếp tục nhiệm kỳ thứ 03, Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết định gia tăng căng thẳng để trừng phạt Thái Anh Văn, trừng phạt người dân Đài Loan vì đã tiếp tục củng cố và bảo vệ quyền dân chủ của mình. 

Xem thêm:

The Quint ngày 05/8/2022: For China, US Speaker’s Taiwan Visit May Just Be an Excuse for Aggression 

IISS: Đài Loan, Ổn định Eo biển Đài Loan, và An ninh Châu Âu: Hàm ý và Lựa chọn phản ứng

Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên đang ngày một tập trung hơn vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như một vũ đài trung tâm cho tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh cho một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Tham vọng thống nhất Đài Loan của chính quyền Trung Quốc, có thể thông qua vũ lực, đang gây ra lo ngại bất ổn khu vực và ảnh hưởng tới lợi ích của EU, nhưng các lãnh đạo EU lại chưa thể định hình được vai trò của mình trong việc đảm bảo ổn định Eo biển Đài Loan, đặc biệt là vai trò của EU khi xung đột vũ trang nổ ra.

Báo cáo của IISS đánh giá sự phát triển của quan hệ EU – Đài Loan qua các góc nhìn chính trị, kinh tế, và an ninh, và đi tới kết luận rằng EU hoàn toàn có thể sử dụng các đòn bẩy như: (i) về chính trị – ngoại giao như tăng cường tín hiệu ủng hộ chính trị với Đài Loan và bảo vệ các giá trị mà EU coi trọng như dân chủ, nhân quyền; (ii) về kinh tế như đưa ra tín hiệu sẵn sàng chấm dứt các khoản đầu tư nước ngoài tới Trung Quốc và chấm dứt nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc nếu Bắc Kinh dự định sử dụng vũ lực để thống nhất, cũng như sẵn sàng chấp nhận thiệt hại đối với kinh tế để trừng phạt Bắc Kinh tương tự như đối với Nga trong cuộc chiến tại Ukraine; (iii) về quân sự, một số quốc gia Châu Âu có hiện diện quân sự và lực lượng viễn chinh tại Thái Bình Dương như Pháp và Anh có thể phối hợp cùng với Mỹ để răn đe Trung Quốc trước hoặc trong một cuộc khủng hoảng Đài Loan. Như Tổng Tham mưu Hải quân Pháp Nguyên soái Pierre Vandier khẳng định trước Quốc hội Pháp ngày 11/8/2022: “nếu chúng ta (phương Tây) có thể phối hợp chiến đấu như một liên minh, chúng ta có thể chiến thắng Hải quân Trung Quốc”. Như vậy, có thể thấy rằng nếu như EU có thể huy động được ý chí chính trị của mình, EU hoàn toàn có thể là một yếu tố quan trọng trong bài toán răn đe Trung Quốc không sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan.

Xem thêm:

IISS ngày 30/3/2022: Taiwan, Cross-strait Stability and European Security: Implications and Response Options

Le Figaro ngày 11/8/2022: «Contre la marine chinoise, nous gagnerons si nous nous battons ensemble», affirme l’amiral Vandier

F. Xavier Casals: Căng thẳng gần như chắc chắn sẽ tăng cao sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Pelosi tới Đài Loan

Tác giả F. Xavier Casals của Tập đoàn Tư vấn Quốc phòng JANES đánh giá rằng khả năng rất cao là căng thẳng khu vực sẽ tăng cao sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Pelosi. Nguyên nhân chủ yếu là do: (i) có sự khác biệt trong góc nhìn đối với quan hệ với Đài Loan: Trung Quốc duy trì Nguyên tắc Một Trung Quốc, theo đó chỉ tồn tại một Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, và chính quyền Bắc Kinh là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ theo đuổi Chính sách Một Trung Quốc, công nhận lập trường của Trung Quốc nhưng tìm cách bảo đảm rằng cả Trung Quốc và Đài Loan không thay đổi hiện trạng; (ii) góc nhìn từ phía Trung Quốc đối với chuyến thăm của bà Pelosi: Trung Quốc coi chuyến thăm này là diễn biến mới nhất và nghiêm trọng nhất trong một loạt các động thái làm suy giảm Nguyên tắc Một Trung Quốc, bao gồm các hợp đồng mua bán quốc phòng, chuyến thăm của các quan chức cấp thấp, các nhà hoạch định chính sách của chính quyền trước, các hoạt động của quân đội Mỹ tại Eo biển Đài Loan, và các phát ngôn khẳng định cam kết bảo vệ Đài Loan của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Mặc dù chính quyền Mỹ đã liên tục khẳng định rằng các diễn biến trên không vi phạm Chính sách Một Trung Quốc của Mỹ, hàng loạt các diễn biến này khiến cho chính quyền Trung Quốc tin rằng Mỹ đang chủ động ủng hộ Đài Loan độc lập, đe dọa chủ quyền của Trung Quốc, và ngăn chặn mục tiêu “đại phục hưng” Trung Hoa, không để Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới. Do đó, Trung Quốc không nhận thấy có cơ sở để thỏa hiệp trong diễn biến lần này.

Tác giả đánh giá rằng sau khi chuyến thăm chấm dứt, Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh để tránh mất mặt, đặc biệt trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20. Theo tác giả, các phản ứng của Trung Quốc sẽ bao gồm: (i) về thương mại: Trung Quốc sẽ lợi dụng tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường đại lục lên tới 42% của Đài Loan để gây sức ép, đồng thời cắt đứt nguồn cung cát vào Đài Loan để tấn công vào ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn. Các động thái cưỡng ép thương mại sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng trong thời gian tới; (ii) về quân sự: các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan sẽ được giới hạn trong khả năng để tránh xung đột quân sự, đảm bảo ổn định cho Đại hội 20; (iii) về ngoại giao: các nhà “ngoại giao chiến lang” sẽ tiếp tục được sử dụng nhằm biến chuyến thăm của Pelosi thành một đòn gây hấn của Mỹ, nhằm tấn công vào chủ quyền Trung Quốc, suy giảm ổn định khu vực, thách thức hiện trạng tại Eo biển Đài Loan. Góc nhìn này sẽ được thúc đẩy tại các diễn đàn đa phương và trong diễn ngôn với các quốc gia thứ ba, để làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ và sự ủng hộ quốc tế đối với Đài Loan; (iv) về an ninh mạng: các đòn tấn công mạng sẽ tiếp tục là một trong những động thái gây hấn chính của Trung Quốc, nhắm vào các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan cấp bộ, các cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng. Tác giả cũng đánh giá rằng có hai yếu tố có khả năng giới hạn cường độ phản ứng của Trung Quốc, bao gồm: (i) sự xa cách của người dân Đài Loan; (ii) liên lạc cấp cao với Mỹ. Những phản ứng của Trung Quốc sẽ tiếp tục được diễn ra trong ngắn hạn tới trung hạn, và tác động toàn diện sẽ có thể được thấy rõ sau khoảng một năm. Tác giả cho rằng đây là cơ hội để Mỹ và Trung Quốc sử dụng các kênh đối thoại ngoại giao để giảm căng thẳng và sử dụng diễn biến khủng hoảng lần này để đảm bảo căng thẳng song phương không bị mất kiểm soát.

Xem thêm:

JANES ngày 02/8/2022: US-China relations: tensions almost certain to increase following Pelosi’s visit to Taiwan

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.