Bản Tin Biển Đông Số 71

(Tuần từ 05/07 – 12/07/2021)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Trần Phạm Bình Minh, Lưu Việt Hà, Lê Xuân Phương

Biên tập: Nguyễn Trịnh Đôn

Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Tượng Nữ thần Công lý ở Frankfurt, Đức.

Tải Bản PDF ở

———-


Trong Bản Tin Biển Đông Số 71 có những nội dung sau:

I- KỶ NIỆM NĂM NĂM PHÁN QUYẾT TÒA TRỌNG TÀI VỤ KIỆN BIỂN ĐÔNG

II- BIỂN ĐÔNG QUA BẢN ĐỒ AIS

III- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

IV- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

V- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

VI- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

VII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

———-

Một số sự kiện trong tuần đã được điểm tại Bản Tin Biển Đông Số 70. Mời xem tại đây.

I- KỶ NIỆM NĂM NĂM PHÁN QUYẾT TÒA TRỌNG TÀI VỤ KIỆN BIỂN ĐÔNG

Thông cáo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Trong bản thông cáo kỷ niệm năm năm Phán quyết vụ kiện Biển Đông, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng Hoa Kỳ tái khẳng định chính sách của Mỹ tuyên bố ngày 13/7/2020 liên quan đến các yêu sách biển ở Biển Đông. Hoa Kỳ cũng tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines năm 1951.

Hoa Kỳ kêu gọi CHND Trung Hoa tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, ngừng các hành vi khiêu khích và thực hiện các bước để trấn an cộng đồng quốc tế rằng nước này cam kết tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ.

Khi được hỏi liệu có một nỗ lực nào đang được tiến hành trong Chính phủ Hoa Kỳ để phê chuẩn UNCLOS để Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể dễ dàng thúc đẩy lập trường của mình về phán quyết này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói rằng kể từ khi UNCLOS được thông qua, mọi chính quyền Hoa Kỳ đã nhìn nhận UNCLOS như là luật tập quán quốc tế và Hoa Kỳ sẽ tuân thủ UNCLOS trên phương diện sử dụng đại dương theo những cách thức truyền thống, bao gồm khẳng định các quyền trong không gian biển.

Đối với CHND Trung Hoa, CHNDTH là một quốc gia thành viên của UNCLOS, đã đồng ý tuân theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc liên quan đến trọng tài. Nhưng bằng cách phớt lờ và bác bỏ Phán quyết năm 2016 về Biển Đông và gọi nó chỉ là “mẩu giấy vụn,” Bắc Kinh rõ ràng đang vi phạm các nghĩa vụ của mình theo UNCLOS. 

Đây không phải là Hoa Kỳ đang chống lại CHND Trung Hoa hay bất kỳ quốc gia nào khác, mà là chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, và xa hơn nữa là hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ mà mọi quốc gia trên thế giới dù lớn hay nhỏ đều có nghĩa vụ tuân thủ. Bởi vậy, Hoa Kỳ trung lập đối với yêu sách lãnh thổ, nhưng tán thành Phán quyết mà hội đồng trọng tài đã nhất trí đưa ra về các yêu sách biển. Nếu như đặt ra câu hỏi rằng quốc gia đang trung thành hơn với các nguyên tắc của UNCLOS, thì câu trả lời đã rõ ràng.

Dù vậy, Price cho biết ông không có thông tin cập nhật về khả năng Thượng viện phê chuẩn UNCLOS, và tái khẳng định mọi chính quyền Mỹ đều đã và đang tuân thủ các nguyên tắc cơ bản cốt lõi của UNCLOS. 

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 11/7/2021: Fifth Anniversary of the Arbitral Tribunal Ruling on the South China Sea

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 12/7/2021: Department Press Briefing – July 12, 2021

Tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa

Theo Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam thuộc Hải quân Trung Quốc, vào ngày 12/7/2021, đúng 5 năm sau khi Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông công bố Phán quyết có tính lịch sử, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Benford của Mỹ đã “xâm nhập vào lãnh hải” của quần đảo Hoàng Sa. 

Tại thời điểm chúng tôi soạn bản tin, chưa có thông tin chi tiết về hải trình của USS Benford.

Xem thêm: 

Guancha ngày 12/7/2021: 美舰擅闯西沙领海,南部战区警告驱离

Thông cáo Bộ Ngoại giao Philippines

Trong bản tuyên bố, Ngoại trưởng Philippines Teodoro L. Locsin, Jr. khẳng định Phán quyết đã giải quyết dứt điểm tình trạng của các quyền lịch sử và các quyền hàng hải ở Biển Đông chứ không phải bỏ qua các yêu sách lịch sử – vốn là lập luận thường thấy của phía Trung Quốc. Phán quyết đã gạch bỏ đường chín đoạn và bất kỳ kỳ vọng nào rằng chiếm hữu là 9/10 của luật pháp. Bởi vì sở hữu đơn thuần không tạo ra hiệu lực pháp lý. Do vậy, Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã trở thành và tiếp tục là một cột mốc quan trọng trong kho luật quốc tế, đưa tranh chấp khỏi nguy cơ xung đột, bởi vì chiếm đoạt bằng vũ lực không dẫn đến bất kỳ lợi ích nào về mặt luật pháp.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã khẳng định kiên quyết tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng “giờ đây nó là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài tầm với của các chính phủ muốn pha loãng, giảm bớt hoặc từ bỏ”. Philippines tự hào đã đóng góp vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, khẳng định UNCLOS và củng cố trật tự pháp lý trên các vùng biển.

Phán quyết có tính chung thẩm. Philippines kiên quyết từ chối các nỗ lực phá hoại nó; thậm chí xóa nó khỏi luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể của chúng ta. Ngày kỷ niệm là một dịp để nhìn lại quá khứ, đánh dấu những thành tựu của hiện tại, nhìn về tương lai và tìm cách hợp tác vì lợi ích chung, vì sẽ không có lợi ích nào có thể đạt được không thể đạt được một lợi  nào nếu vi phạm nó.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 12/7/2021: Statement of Foreign Affairs Secretary Teodoro L. Locsin, Jr. on the 5th Anniversary of the Issuance of the Award on the South China Sea Arbitration

Thông cáo Bộ Ngoại giao Việt Nam

Chiều ngày 12/7/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định lập trường của Việt Nam ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý và bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam cũng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở Công ước; kêu gọi tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước.

Xem thêm:

Thông tin Chính phủ ngày 12/7/2021: Bình luận của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 5 năm Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông ra phán quyết cuối cùng

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản

Trong bản tuyên bố ngày 12/7/2021, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu khẳng định Phán quyết có tính chung thẩm và ràng buộc pháp lý đối với các bên tranh chấp theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Các bên trong vụ kiện này, Philippines và Trung Quốc, cần tuân thủ Phán quyết. Việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận Phán quyết là đi ngược lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, và làm suy yếu pháp quyền (rule of law) như một giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản thực sự hy vọng việc các bên tuân thủ phán quyết sẽ dẫn đến việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hoà bình.

Với tính phổ quát và toàn diện của UNCLOS, tất cả các yêu sách biển phải dựa trên các quy định liên quan của UNCLOS. Nhật Bản bác bỏ các yêu sách biển ở Biển Đông không phù hợp với UNCLOS và vẫn thật sự quan ngại về tình hình hiện tại. Hơn nữa, Nhật Bản tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 12/7/2021: Five years since the issuance of the Arbitral Tribunal’s award as to the disputes between the Republic of the Philippines and the People’s Republic of China regarding the South China Sea(Statement by Foreign Minister MOTEGI Toshimitsu)

Thông cáo của Bộ Các Vấn đề Toàn cầu Canada

Bản tuyên bố của Bộ Các Vấn đề Toàn cầu Canada cho biết Canada tái khẳng định sự cần thiết rằng tất cả các bên liên quan phải tuân thủ Phán quyết Biển Đông. Phán quyết là một dấu mốc quan trọng và là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Canada kêu gọi các bên trong khu vực kiềm chế và tránh hành động đơn phương để không làm trầm trọng thêm căng thẳng và đe dọa ổn định khu vực. Cụ thể, Canada đặc biệt lo ngại trước các hành vi leo thang và gây mất ổn định của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, bao gồm các hoạt động gần đây ngoài khơi Philippines, quân sự hoá các thực thể tranh chấp và sử dụng các tàu hải quân, tàu hải cảnh và dân quân biển để đe dọa và quấy nhiễu tàu của các nước khác.

Canada cũng kêu gọi các quốc gia liên quan, bao gồm cả Trung Quốc tuân thủ các cam kết trong Tuyên bố năm 2002 về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông, khuyến khích sự minh bạch về các cuộc đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, và nhấn mạnh rằng bộ quy tắc này không được vi phạm các quyền mà các bên được hưởng theo luật pháp quốc tế hoặc làm phương hại đến quyền của các bên thứ ba.

Canada cam kết bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có hiệu lực, bao gồm cho cả biển và đại dương, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.

Xem thêm:

Bộ Các Vấn đề Toàn cầu Canada ngày 12/7/2021: Statement by Global Affairs Canada on South China Sea ruling

Ý kiến chuyên gia Philippines, Việt Nam và quốc tế 5 năm sau Phán quyết Biển Đông

Trả lời phỏng vấn Benar News, giáo sư Renato de Castro tại Đại học De La Salle, Manila, cho rằng Philippines đã mất cơ hội khẳng định chiến thắng trước Trung Quốc tại Tòa Trọng tài và tập hợp liên minh các quốc gia muốn thi hành phán quyết. Các quốc gia đơn lẻ đang thi hành phán quyết, nhưng điều này sẽ không tạo nên khác biệt nếu không có liên minh được dẫn dắt bởi quốc gia thắng kiện. Theo ông, Philippines đã mất đi “sự tự tôn và phẩm giá” của mình khi chần chừ. Ông cho rằng việc Tổng thống Duterte “nhắc lại lập trường của Trung Quốc về phán quyết” là “bi kịch của đất nước”, và chính sách xoa dịu Trung Quốc đã không đem lại kết quả.

Trong khi đó, học giả Chester Cabalza cho rằng nếu Manila sớm quyết đoán trong thực hiện phán quyết, tiến trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc có thể đã được đẩy nhanh hơn. Ông cho rằng chính sách không nhất quán của Philippines về vấn đề Biển Đông đã làm nhiều người Philippines bối rối, khiến những tuyên bố “chủ bại” và thái độ thờ ơ với giá trị của phán quyết chiếm ưu thế. Ông cho rằng Philippines cần có chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại kiên định về Biển Đông, không ảnh hưởng bởi cá nhân lãnh đạo.

Trả lời phỏng vấn Reuters, chuyên gia Greg Poling tại CSIS nhận định rằng dữ liệu cho thấy rõ cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc đã hiện diện tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhiều hơn so với 5 năm trước đây. Theo ông, Trung Quốc đã kiểm soát rộng hơn. Điều duy nhất chính quyền Duterte đạt được là không có vụ việc lớn nào xảy ra.

Trong khi đó, trong bài viết trên Vietnamnet, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao, thành viên Dự án Đại sự ký Biển Đông khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài là cơ sở để các nước nhìn nhận lại chính sách trên Biển Đông và thúc đẩy các nước thể hiện rõ hơn lập trường của mình. Phán quyết cũng góp phần giảm thiểu tối đa các vụ tranh chấp phân định trong tương lai cũng như phạm vi các vùng biển chồng lấn và khiến Malaysia đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng năm 2019. Ngoài ra, phán quyết cũng tạo nền tảng cho sự thống nhất về lập trường pháp lý, cũng như tác động đến lập trường của ASEAN trong việc khẳng định vị trí trung tâm của tổ chức.

Xem thêm:

Benar News ngày 7/7/2021: Analysts: 5 Years Later, Philippines yet to Leverage South China Sea Win

Reuters ngày 9/7/2021: Five years after South China Sea ruling, China’s presence around Philippines only growing

Vietnamnet ngày 9/7/2021: 5 năm phán quyết Biển Đông: Không có chuyện sức mạnh tạo ra công lý

Nguyễn Thành Trung: Kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông: Kết hợp giữa gây áp lực và pháp lý

Tác giả cho rằng, sau 5 năm phán quyết tòa trọng tài năm 2016 được công bố, Trung Quốc đang sử dụng kết hợp hai biện pháp ở Biển Đông. Một mặt, họ gây áp lực lên các quốc gia Đông Nam Á, thuyết phục các quốc gia này rằng họ sẽ phải chịu chi phí về kinh tế nếu chống lại Trung Quốc. Nước này cũng sử dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, với “cây gậy” được thể hiện qua chính sách quyết đoán hơn ở Biển Đông. Trong khi đó, về mặt luật pháp, Trung Quốc đang sử dụng mọi biện pháp để hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế khỏi giá trị pháp lý của tòa trọng tài 2016. Một trong những biện pháp đó là đàm phán COC. Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn mở rộng phạm vi của nội luật ra thế giới, thể hiện qua luật hải cảnh.

Theo tác giả, nếu không đề cập đến giá trị pháp lý của phán quyết năm 2016 khi đàm phán COC, ASEAN khiến lợi ích chung của khối và luật pháp quốc tế bị xói mòn. Một COC không bao gồm phán quyết sẽ có lợi cho Trung Quốc trong quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Xem thêm:

AMTI ngày 7/7/2021: China Plan for the South China Sea: A Mixture of Pressure and Legal Approaches

Một số tư liệu liên quan được lưu trữ tại Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

South China Sea Research ngày 12/7/2016: Toàn văn Phán quyết

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 12/7/2016: Toàn Văn Thông Cáo Báo Chí Vụ Kiện Trọng Tài Biển Đông

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 22/1/2019: Trích dịch Phán quyết của Tòa: Quy Chế Pháp Lý của Đảo Ba Bình và Các Thực Thể Địa Lý Nổi ở Triều Cao ở Quần Đảo Trường Sa

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 14/7/2020: Tuyên Bố Lập Trường của Hoa Kỳ về Yêu Sách Biển ở Biển Đông

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 20/8/2016: Văn Bản Đồng Thuận tại Hội Thảo Quốc Tế “Quy Chế Pháp Lý của Đảo, Đá trong Luật Quốc Tế và Thực Tiễn Biển Đông”

Nguyễn Việt Long (ngày 3/8/2016): Vụ Kiện Thế Kỷ, Bước Ngoặt Biển Đông

Nguyễn Bá Sơn (ngày 2/9/2016): Cục Diện Pháp Lý Mới ở Biển Đông

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 11/10/2016: Luật gia Việt Nam: Phán Quyết của Tòa Trọng Tài Có Hiệu Lực Phổ Quát

Nguyễn Đăng Thắng (ngày 8/1/2017): Những Hệ Quả từ Phán Quyết của Tòa Trọng Tài Tháng 7/2016

Nguyễn Thị Lan Anh (ngày 30/1/2017): Phán Quyết Biển Đông: Những Tác Động Pháp Lý đối với Việt Nam

Nguyễn Thị Lan Anh (ngày 4/1/2018): Phán Quyết của Tòa Trọng Tài: Những Hệ Quả Pháp Lý đối với Tranh Chấp Biển Đông

Nguyễn Ngọc Lan, Phan Duy Hảo (ngày 22/2/2018): Vụ Kiện Trọng Tài Biển Đông: Tính Ràng Buộc, Tính Chung Thẩm, và Sự Tuân Thủ Các Quyết Định về Giải Quyết Tranh Chấp UNCLOS

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông (ngày 22/2/2018): Chuyên Đề về Vụ Kiện Trọng Tài Biển Đông trên Asian Journal of International Law. Toàn văn các bài báo được lưu trữ tại Thư viện số Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Email: sukybiendong@gmail.com

J. Ashley Roach (ngày 8/4/2018): Đường Cơ Sở Thẳng Bao Quanh Quần Đảo Ngoài Khơi Có Phải Là Một Yêu Sách Quá Mức?

Maximo Paulino T. Sison III (ngày 6/5/2018): Áp Dụng những Giá Trị Phổ Quát của Luật Biển trong Tranh Chấp Biển Đông

Nguyễn Chu Hồi & Vũ Hải Đăng (ngày 8/5/2018): Vấn Đề Môi Trường ở Biển Đông: Nghĩa Vụ Pháp Lý và Những Đòn Bẩy Hợp Tác

Yoshifumi Tanaka (ngày 8/5/2018): Phán Quyết Biển Đông: Những Nghĩa Vụ Môi Trường theo Công Ước Luật Biển

Zoe Scanlon & Robert Beckman ngày 13/8/2018: Đánh Giá Khía Cạnh Tác Động Môi Trường và Nghĩa Vụ Hợp Tác trong Phán Quyết Biển Đông

Nguyễn Thị Lan Anh ngày 23/8/2018: Công Trình Nghiên Cứu của Hội Luật Quốc Tế của Trung Quốc: Bước Tiến về Luật Pháp hay Sự Ngụy Biện dưới Chiêu Bài Khoa Học?

—–

II- BIỂN ĐÔNG QUA BẢN ĐỒ AIS

Tàu khảo sát, nghiên cứu khoa học biển Trung Quốc hoạt động tại Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Như đã đề cập trong Bản Tin Biển Đông Số 70, ngày 29/6/2021, tàu nghiên cứu biển Thẩm Quát đã rời Tam Á và di chuyển xuống khu vực quần đảo Trường Sa và đã hoạt động tại khu vực đá Vành Khăn kể từ ngày 3/7. Sau khi rời đá Vành Khăn vào ngày 4/7, Thẩm Quát đã hoạt động xung quanh cụm Sinh Tồn (ngày 5/7), cụm Nam Yết (ngày 6/7), hoạt động tại khu vực đá Chữ Thập (7-9/7), đá Châu Viên (10/7) sau đó di chuyển tới đá Subi (ngày 11/7).

Sơ đồ hoạt động của tàu Thẩm Quát từ ngày 2 – 11/7/2021. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic.

Trong khi đó, tàu khảo sát Điện Khoa 1 cũng đã rời Tam Á ngày 28/6/2021 và di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam từ ngày 1/7 với khoảng cách đến bờ biển nước ta từ 80 đến hơn 100 hải lý. Tại vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Bình Thuận, Điện Khoa 1 đã giảm tốc độ, thay đổi hướng di chuyển và có thể đã tiến hành các hoạt động tác nghiệp tại các vị trí cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 85 hải lý, cách bờ biển Khánh Hòa khoảng 100 hải lý và cách đảo Phú Quý khoảng 113 hải lý.

Ngày 5/7, tàu kết thúc hoạt động và trở về Hải Nam.

Sơ đồ hoạt động của tàu Điện Khoa 1 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 28/6 – 11/7/2021. Các nét đứt là những thời điểm không thu nhận được tín hiệu AIS của tàu và do vậy đã không thể thu được sơ đồ hoàn chỉnh đường đi của tàu Điện Khoa 1. Tuy nhiên việc tàu rời Hải Nam và ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trong nhiều ngày rồi quay trở lại Hải Nam có thể cho phép suy đoán tàu đã có hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic.

Hải cảnh Trung Quốc tại khu vực Tư Chính tiếp tục mất tín hiệu. Ảnh vệ tinh ngày 8/7 nhiều mây nên cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông không kiểm tra được.

—–

III- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

Philippines tuyên bố đuổi tàu cá Trung Quốc, Việt Nam khỏi vùng đặc quyền kinh tế

Hôm 4/7, Cảnh sát biển Philippines đã công bố video được ghi hình ngày 30/6, trong đó lực lượng này đã đuổi 5 tàu Trung Quốc và 2 tàu Việt Nam khỏi vùng biển mà Philippines cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Xem thêm:

Rappler ngày 4/7/2021: PH Coast Guard disperses China, Vietnam ships off Palawan coast

Trung Quốc mới giải ngân một phần khoản tiền cho vay và đầu tư cam kết với Philippines năm 2016

Bài báo trên South China Morning Post ngày 5/7 chỉ ra tổng giá trị đầu tư trực tiếp được chấp thuận của Trung Quốc vào Philippines chỉ là 3,2 tỷ USD từ năm 2016 đến năm 2020, trong khi nước này năm 2016 đã cam kết đầu tư 15 tỷ USD. Bên cạnh đó, nước này cam kết cho Philippines vay ưu đãi 9 tỷ USD, nhưng tổng giá trị cho vay chỉ tăng từ 1,6 triệu USD lên 590 triệu USD trong giai đoạn 2016-2019. Trong khi đó, nguồn vốn ODA của Nhật Bản cho Philippines năm 2019 là 8,5 tỷ USD.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 5/7/2021: China’s promised infrastructure billions yet to arrive in the Philippines, five years on

Ngoại trưởng Nga Lavrov thăm Đông Nam Á

Từ ngày 5-7/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có chuyến thăm đến hai nước Đông Nam Á là Indonesia và Lào. Ban đầu, ông Lavrov dự định đi thăm cả Brunei, nhưng chuyến thăm đã bị hủy bỏ do các biện pháp phong tỏa nhằm chống dịch Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á này.

Xem thêm:

TASS ngày 3/7/2021: Lavrov’s visit to Brunei not to take place due to quarantine circumstances — ministry

TASS ngày 6/7/2021: Russia, Indonesia agree to boost educational cooperation — Lavrov

Jakarta Post ngày 6/7/2021: Russia offers vaccine cooperation, assures Indonesia on Myanmar coup crisis

TASS ngày 7/7/2021: Russia mulls sending Sputnik V to Laos free of charge — Lavrov

Laotian Times ngày 8/7/2021: Laos and Russia Agree to Strengthen Ties and Expand Cooperation

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nga

Ngày 6/7/2021, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nga đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trong hội nghị, Ngoại trưởng Lavrov đã khẳng định Nga coi ASEAN như “đồng minh tin cậy và có thể dự đoán” trong bối cảnh địa chính trị không ổn định. Nga cũng đã đề xuất tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN – Nga lần thứ 4 vào tháng 10/2021.

Xem thêm:

Báo Tin tức ngày 6/7/2021: Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nga

TASS ngày 6/7/2021: Russia sees ASEAN as reliable ally amid global instability — Lavrov

Việt Nam, Nga thăm dò Biển Đông

Theo thông tin được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố chiều ngày 7/7/2021, các nhà khoa học Việt Nam và Nga đã tiến hành khảo sát, thu thập hàng trăm mẫu vật trên biển Đông từ tàu “Viện sĩ Oparin” của Nga. Trước đó, vào năm 2015 và 2018, tàu này cũng đã đến Việt Nam để thực hiện khảo sát.

Xem thêm:

VnExpress ngày 7/7/2021: Tàu ‘Viện sỹ Oparin’ thu thập hàng trăm mẫu vật trên biển Đông

AMTI: Hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu dự án khí của Malaysia trên Biển Đông

Theo báo cáo của dự án Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (ATMI), các tàu hải cảnh CCG 5403 và CCG 5303 của Trung Quốc đã tới khu vực gần mỏ khí Kasawari, ngoài khơi bang Sarawak, Malaysia, khi Malaysia đang lắp đặt giếng khoan tại đây. Sự hiện diện của các tàu này được xác nhận ngay sau khi Trung Quốc điều 16 máy bay chiến đấu áp sát vùng trời Malaysia cuối tháng 5.

Xem thêm:

AMTI ngày 7/7/2021: Contest at Kasawari: Another Malaysian Gas Project Faces Pressure

Petronas và CNOOC ký thỏa thuận 7 tỷ USD trong lĩnh vực khí hóa lỏng

Tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia đã ký kết thỏa thuận cung cấp khí hóa lỏng trong 10 năm cho tập đoàn CNOOC của Trung Quốc đã ký kết. Theo thông cáo của Petronas, thỏa thuận này có giá trị xấp xỉ 7 tỷ USD.

Xem thêm:

Petronas ngày 7/7/2021: PETRONAS and CNOOC Sign 10-Year LNG Supply Agreement

Báo Công nghiệp Hóa chất Trung Quốc ngày 8/7/2021: 中海油与马石油签署10年液化天然气供应协议

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines: Tình hình Biển Đông ổn định

Ngày 7/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết tình hình ở Biển Đông đã ổn định khi các tàu của lực lượng chức năng nước này đã có thể tuần tra Biển Đông mà không xảy ra mâu thuẫn với tàu của các bên yêu sách khác. Ông cũng cho biết hầu hết tàu Trung Quốc từng tập hợp tại đây đã rút khỏi khu vực.

Xem thêm:

PNA ngày 8/7/2021: Lorenzana says West PH Sea situation stable

Việt Nam phản đối Trung Quốc khảo sát Hoàng Sa

Ngày 8/7/2021, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam với thông tin tàu nghiên cứu Trung Sơn Đại Học (Zhongshan Daxue) lớn nhất nước này dự kiến thực hiện chuyến đi tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, bất hợp pháp và vô giá trị.”.

Xem thêm:

Nội dung họp báo thường kỳ lần thứ 12 của Bộ Ngoại giao Việt Nam tại đây

Indonesia đổi đối tác xây dựng dự án tàu cao tốc với Trung Quốc

Chính phủ Indonesia thông báo công ty nhà nước PT Kereta Api Indonesia (KAI) sẽ chịu trách nhiệm tham gia dự án chung giữa nước này và Trung Quốc nhằm xây dựng đường sắt cao tốc kết nối Jakarta và Bandung. Theo Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Kartiko Wirjoatmodjo, sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề xung quanh dự án, từ vấn đề vốn đến vận hành, trong bối cảnh dự án đã hoàn thành 74%. Ngoài ra, chính phủ Indonesia cũng dự định rót thêm vốn để giảm áp lực cho đơn vị vận hành.

Xem thêm:

Jakarta Post ngày 9/7/2021: KAI to lead Indonesian side in high-speed rail project with China

Thủ tướng Việt Nam, Ấn Độ điện đàm

Ngày 10/7, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hai thủ tướng đã thảo luận về các vấn đề như ứng phó với đại dịch Covid-19, hợp tác về công nghiệp quốc phòng, gìn giữ hòa bình, đối phó với các thách thức an ninh, thương mại, đầu tư, phối hợp tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương.

Xem thêm:

Báo Tin tức ngày 10/7/2021: Thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Ấn Độ

The Hindu ngày 10/7/2021: PM Modi speaks with Vietnam PM, says both nations share vision of rules-based Indian Ocean region

—–

IV- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Hoa Kỳ và các nước đồng minh Úc, Nhật, Hàn Quốc tập trận chung

Lực lượng hàng hải từ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã tập hợp tại vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông Australia để tiến hành cuộc tập trận hợp tác hàng hải Pacific Vanguard (PACVAN) 2021 bắt đầu từ ngày 5/7/2021. 

Theo thông cáo của Hải quân Mỹ và Úc, PACVAN là cơ hội để hải quân 4 nước chung ý chí ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương củng cố kỹ năng của họ trong các hoạt động hàng hải, bao gồm tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến trên không, các sự kiện tên lửa đạn thật và các kịch bản cơ động nâng cao.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Úc ngày 8/7/2021: Navies prove strength in numbers

Commander, U.S. 7th Fleet ngày 9/7/2021: U.S., Allied Forces conduct Exercise Pacific Vanguard 2021 off Coast of Australia

Các nhóm cấp tiến ở Mỹ muốn Tổng thống Biden hợp tác với Trung Quốc

Tờ Politico cho biết hơn 40 nhóm cấp tiến hôm thứ Tư ngày 7/7/2021 đã gửi thư cho Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp, kêu gọi họ ưu tiên hợp tác với Trung Quốc về biến đổi khí hậu và hạn chế cách tiếp cận đối đầu với Bắc Kinh trong các vấn đề như đàn áp Hồng Kông và giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Theo Alex Ward của Politico, các nhóm cấp tiến cánh tả không tin rằng chính quyền Biden có thể vừa hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu lại vừa có thể cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc. Trong lá thư viết, “Để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu và xây dựng một nền kinh tế toàn cầu phù hợp với những người làm việc hàng ngày – ở Hoa Kỳ và Trung Quốc – chúng ta phải chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác.”

Xem thêm:

Politico ngày 7/7/2021: Biden’s new Cold War with China will result in climate collapse, progressives warn

Quan chức tình báo quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương: Trung Quốc có khả năng tấn công các nước láng giềng

Ngày 7/7/2021, Chuẩn đô đốc Mike Studeman, lãnh đạo bộ phận tình báo tại Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nhận định sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc làm tăng khả năng nước này tấn công các nước láng giềng. Trong đó, Đài Loan chỉ là một trong nhiều mục tiêu tiềm năng. Bên cạnh đó, ông khẳng định Mỹ đang tăng cường vũ khí và trăng bị để chuẩn bị cho thời điểm xung đột nổ ra với Đài Loan hay một đồng mình, đối tác khác của Mỹ.

Xem thêm:

Washington Times ngày 8/7/2021: U.S. Pacific intel chief: Coming Chinese attack on Taiwan could target other nations

Đài Loan đề nghị Mỹ không gây hiểu lầm

Đài Loan đã yêu cầu văn phòng đại diện của họ ở Washington nhắc nhở Hoa Kỳ không gây ra “suy đoán hoặc hiểu lầm không cần thiết” sau khi Nhà Trắng xóa một bài đăng trên mạng xã hội có gắn cờ Đài Loan. Bài viết nói về việc Hoa Kỳ tặng vắc xin COVID-19 cho một số nước, trong đó gắn cờ Đài Loan bên cạnh cờ của những nước khác. Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho rằng việc sử dụng lá cờ chỉ là một lỗi vô tình của nhóm xử lý đồ họa và phương tiện truyền thông xã hội, không nên được coi là sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Bắc, theo đó Washington không chính thức công nhận chính quyền Đài Loan.

Xem thêm:

Reuters ngày 8/7/2021: Taiwan asks US not to cause ‘misunderstanding’ after flag tweet removed. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

—–

V- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Bộ trưởng Quốc phòng Đức khẳng định lập trường về Biển Đông trước Trung Quốc

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 6/7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã “một lần nữa nhấn mạnh lập trường pháp lý của Đức” và khẳng định “Đức coi phán quyết Tòa trọng tài UNCLOS tháng 7/2016 có tính ràng buộc” khi đề cập đến yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Thông cáo của Trung Quốc không đề cập đến điều này.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Đức ngày 8/7/2021: VTC of Kramp-Karrenbauer and Chinese Minister of National Defence Wei Fenghe

China Military Online ngày 6/7/2021: Chinese defense chief talks to German counterpart via video link

Trung Quốc công bố dự thảo quy định về việc gọi nhập ngũ

Bộ Cựu chiến binh Trung Quốc đã công bố dự thảo điều chỉnh “Điều lệ công tác gọi nhập ngũ” để lấy ý kiến từ ngày 2/7 đến ngày 2/8. Theo South China Morning Post, đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố cách thức cựu chiến binh và các lực lượng khác được tuyển mộ khi đất nước xảy ra chiến tranh. Theo dự thảo này, cựu chiến binh sẽ là lực lượng ưu tiên để tái nhập ngũ. Họ có thể quay lại đơn vị cũ hay trở lại vị trí tương tự ở đơn vị khác.

Xem thêm:

Toàn văn dự thảo tại đây

South China Morning Post ngày 7/7/2021: China spells out wartime conscription plans for first time

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi cải thiện quan hệ Trung Quốc – EU

Trong cuộc hội đàm với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell hôm 8/7/2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng hai bên có trách nhiệm duy trì đối thoại và hợp tác. Theo ông, Trung Quốc và EU không có xung đột về lợi ích cốt lõi hay địa chính trị, hai bên cần tôn trọng lẫn nhau, tìm điểm tương đồng trong khi gác lại khác biệt. Ông Vương bày tỏ ủng hộ EU trong việc tăng cường tự chủ chiến lược và phát triển quan hệ song phương “với tinh thần độc lập thực sự”. Về “trật tự thế giới dựa trên luật lệ”, ông Vương nhấn mạnh trật tự này cần được tạo ra bởi cộng đồng quốc tế, thay vì áp đặt “luật gia đình” hay “luật băng đảng” lên các nước khác.

Xem thêm:

CGTN ngày 8/7/2021: Wang Yi calls for better relations between China and EU

EU ngày 9/7/2021: China: High Representative Josep Borrell spoke to Foreign Minister Wang Yi

Trung Quốc tiết lộ chương trình tàu ngầm không người lái

Theo South China Morning Post, một bài báo mới đây được công bố trên tạp chí của Đại học Công trình Cáp Nhĩ Tân bởi giáo sư Lương Quốc Long (Liang Guolong) cùng đồng sự cho thấy Trung Quốc đã phát triển chương trình tàu ngầm không người lái từ những năm 1990. Qua chương trình được tài trợ bởi quân đội này, Trung Quốc đã thử thành công loại tàu ngầm không người lái có khả năng nhận biết mục tiêu giả, nhận ra nguồn gốc của mục tiêu và tấn công bằng ngư lôi nhờ trí tuệ nhân tạo.

Tuy vậy, Forbes cho biết họ không tìm được bài báo được đề cập trong danh sách bài viết trên tạp chí của Đại học Công trình Cáp Nhĩ Tân.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 8/7/2021: China reveals secret programme of unmanned drone submarines dating back to 1990s

Forbes ngày 9/7/2021: China’s New Unmanned Attack Sub May Not Be What It Seems

Nhà ngoại giao Mỹ cảnh báo Trung Quốc định phát triển công nghệ hạt nhân mới

Đại sứ Mỹ tại Hội nghị giải trừ quân bị tại Geneva Robert Wood hôm 8/7/2021 cảnh báo Trung Quốc đang dự định phát triển các hệ thống hạt nhân tự hành trên biển và trên không. Nước Mỹ đang không sở hữu những hệ thống vũ khí này.

Xem thêm:

AP ngày 9/7/2021: US envoy warns China ‘looking at’ new nuclear technologies

—–

VI- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

Nikkei Asia: Trung Quốc thắng Mỹ trong cuộc đua vào Đông Nam Á

Bài báo của Nikkei Asia chỉ ra các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á được xem như nỗ lực làm xói mòn nỗ lực của Mỹ trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở khu vực. Bắc Kinh quyết tâm ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ nhằm lôi kéo ASEAN về phía mình. Ngay sau khi Washington có những bước đi nào, Bắc Kinh sẽ ngay lập tức có biện pháp đối phó. Ngoài ra, qua các khoản đầu tư, Trung Quốc cũng muốn biến sự hiện diện quân sự của nước này trên Biển Đông thành “sự đã rồi”.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 5/7/2021: China outspends US in ASEAN investment blitz

Lê Thu Hường: Biden phải thay đổi câu chuyện về sự thờ ơ đối với Đông Nam Á

“Ngoại giao nên là công cụ đầu tiên của sức mạnh Hoa Kỳ,” Joe Biden đã từng viết vào đầu năm 2020 trong một bài luận về việc khôi phục chính sách đối ngoại sau Trump.

Và với những hoạt động của chính quyền Biden tập trung vào các nước lớn và những nhóm quan trọng trong gần 6 tháng nhậm chức, các quốc gia Đông Nam Á đang chờ đợi trong kiên nhẫn mất dần về sự cam kết của Biden đối với một khu vực vốn được coi là then chốt trong việc đối phó với Trung Quốc. Tác giả cho rằng nếu tình hình này không được đảo ngược nhanh chóng, Biden sẽ củng cố nhận thức của khu vực về Hoa Kỳ như một cường quốc không cam kết.

Xem thêm:

Foreign Policy ngày 9/7/2021: Washington Is in Danger of Souring Potential Friends in Southeast Asia. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

Craig Singleton: Trung Quốc đang nhắm đến các căn cứ quân sự mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Tác giả cho rằng trong việc Trung Quốc nhắm đến các căn cứ quân sự mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt ở Kiribati, Campuchia, UAE hay Tanzania thể hiện sự yếu kém của Washington trong việc đối phó với các mục tiêu toàn cầu của Bắc Kinh. Theo tác giả, mấu chốt của chiến lược đối phó là tác động đến nước có khả năng cung cấp địa điểm để Trung Quốc xây căn cứ, và vai trò của Bộ Quốc phòng là quan trọng nhất.

Theo tác giả, Lầu Năm Góc cần:

1. Cử ra một quan chức điều phối về vấn đề này

2. Sử dụng ngoại giao công chúng và cá nhân đối với giới tinh hoa của nước tiếp nhận căn cứ

3. Cử các quan chức quốc phòng nước ngoài hay đã nghỉ hưu đến để can dự vào các nước tiếp nhận

4. Giúp các nước tiếp nhận nhận ra “trò lừa gạt” của Trung Quốc

5. Trong trường hợp Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận, sử dụng các biện pháp công khai và bí mật để đảm bảo căn cứ không được khởi công hay vận hành.

Xem thêm:

Foreign Policy ngày 7/7/2021: Beijing Eyes New Military Bases Across the Indo-Pacific. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

David Bandurski: Chiến lược kể câu chuyện Trung Quốc

Từ việc phân tích một buổi seminar của Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải phối hợp với Ban Liên lạc Đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc về Tư tưởng Tập Cận Bình về đối ngoại và đổi mới lý luận đối ngoại, tác giả cho rằng các học giả của nhà nước quan tâm đến việc bày tỏ sự trung thành hơn là suy nghĩ một cách trí tuệ và hướng ra bên ngoài.

Về khó khăn của Trung Quốc trong thông tin đối ngoại, các học giả Trung Quốc cho rằng nguyên nhân nằm ở sự “đàn áp” của các quốc gia phương Tây và các thế lực chống Trung Quốc. Tác giả nhận định không ai nhận ra rằng “câu chuyện của Trung Quốc” và “câu chuyện của Đảng” đã không thể tách rời, trong khi câu chuyện về sự vĩ đại và không thể sai sót của Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra nghi ngờ nhiều hơn là tôn trọng.

Trong các bài phát biểu tại tọa đàm, tác giả chỉ ra bài phát biểu của học giả Trương Kiến (Zhang Jian) là đáng chú ý nhất. Trong bài phát biểu này, ông Trương chỉ ra 3 vấn đề mà Trung Quốc đang gặp phải là:

1. Sự tương tác giữa Trung Quốc và phương Tây đã phức tạp hơn, nhận thức về Trung Quốc tại phương Tây khá tiêu cực

2. Mỹ và phương Tây gây áp lực lên Trung Quốc về hệ tư tưởng, đàn áo thông tin đối ngoại

3. Tâm lý mâu thuẫn trong nhận thức về Trung Quốc trỗi dậy trong các nước đang phát triển

Theo đó, ông Trương đề xuất:

1. Trung Quốc cần có các cách kể truyện khác nhau, hướng đến từng đối tượng. Khu vực trọng tâm cần là các nước vừa và nhỏ, các nước đang phát triển

2. Kết hợp câu chuyện lớn với những điểm nhỏ gây xúc động

3. Kể câu chuyện Trung Quốc là trách nhiệm của mọi người

4. Việc kể câu chuyện Trung Quốc cần được địa phương hóa

5. Kết hợp kể câu chuyện lớn với kinh nghiệm quản trị cụ thể của Trung Quốc

6. Cần tiếng nói của các nhà khoa học và chuyên gia

Xem thêm:

China Media Project ngày 9/7/2021: Strategies for the China Story

Ian Williams: Trung Quốc mua Đại học Cambridge thế nào

Tác giả chỉ ra Đại học Cambridge, Anh đã nhận tiền tài trợ từ Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang đổ tiền vào các lĩnh vực nghiên cứu có tầm quan trọng chiến lược và nhắm đến nhiều viện nghiên cứu ở Anh. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc đến Cambridge đã được thể hiện trên nhiều lĩnh vực.Theo tác giả, “hiếm có nơi nào thỏa hiệp hoàn toàn như Cambridge”.

Xem thêm:

The Spectator ngày 10/7/2021: How China bought Cambridge

Kuni Miyake: Góc nhìn từ bên ngoài về 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc

Tác giả cho rằng phát biểu của ông Tập Cận Bình tại lễ kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1/7/2021 gần như tương đồng so với các phát biểu trước đó của ông. Tuy nhiên, so với các phát biểu tại lễ kỷ niệm năm 2011, 2001 hay 1991, thông điệp của ông Tập trực tiếp và tự tin hơn.

Tuy vậy, phát biểu của ông Tập không được đón nhận tích cực tại các nước láng giềng. Ở Nhật Bản, các tờ báo lớn đều bày tỏ sự quan ngại. Điều này khác với thực tế 20 hay 10 năm trước. Tác giả cũng chỉ ra tuy lãnh đạo một số chính đảng lớn ở Nhật gửi điện và thư chúc mừng tới Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản và Đảng Cộng sản Nhật Bản không làm điều này.

Ngoài ra, tác giả nhận định, trong quá khứ Trung Quốc đã tập trung tác động đến các chính trị gia thân Trung Quốc ở Nhật Bản mà không chú ý đến các chính trị gia trẻ, những người ngày nay lãnh đạo Nhật Bản. Ông cho rằng sự thiếu tầm nhìn này đã tác động tiêu cực đến quan hệ song phương.

Xem thêm:

Japan Times ngày 8/7/2021: An outside look at the Chinese Communist Party’s 100th birthday

Báo cáo của Pew Research Center về quan điểm của người Mỹ về Trung Quốc

Trong khảo sát mới đây, Pew Research Center đã hỏi người dân Mỹ: “Bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên khi nghĩ đến Trung Quốc, thu thập và công bố 5 ý đầu tiên của các câu trả lời này. Họ nhận ra hầu hết các ý kiến nói về chính phủ Trung Quốc, thay vì người dân, lịch sử và văn hóa. Ba yếu tố được nhắc đến nhiều nhất là nhân quyền, kinh tế Trung Quốc và hệ thống chính trị Trung Quốc, được nhắc đến bởi lần lượt 20%, 19% và 17% số người được hỏi.

Xem thêm:

Pew Research Center: Most Americans Have ‘Cold’ Views of China. Here’s What They Think About China, In Their Own Words

Ngô Tiểu An: Trung Quốc tương tác với Đông Nam Á: Khảo sát lịch sử trong dài hạn

Qua xem xét lịch sử quan hệ Trung Quốc với Đông Nam Á từ mối quan hệ công nạp và thương mại trong lịch sử, sự xâm lược của thực dân phương Tây và sự di dân của người Hoa, Chiến tranh Lạnh cho đến thời hiện đại, tác giả cho rằng các nhân tố từ lịch sử, địa lý, dân cư, hệ tư tưởng, chủng tộc, di dân, kinh tế, chính trị, lãnh thổ đến xã hội đã tác động đến quan hệ song phương và đa phương giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Trong lịch sử, quan hệ giữa hai bên đã chịu tác động của các nhân tố nội bộ và bên ngoài như chủ nghĩa thực dân hay đế quốc. Tác giả cho rằng thực tế sau chiến tranh lạnh cho thấy trạng thái bình thường hóa và hợp tác có lợi cho cả hai bên. Tuy vậy, do tính bất đối xứng trong quan hệ, ASEAN lo ngại về sự “khống chế” của Trung Quốc. Do đó, mức độ tương tác về kinh tế, chính trị giữa các chính phủ có sự khác biệt với sự tương tác về xã hội – văn hóa giữa nhân dân. Tác giả cho rằng đây là thách thức trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc.

Xem thêm:

Aisixiang ngày 3/7/2021: 吴小安:中国与东南亚的互动:长时段的历史考察

—–

VII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Giovanni Distefano (2018) Time factor and territorial disputes

Research Handbook on Territorial Disputes in International Law, Edited by Marcelo G. Kohen and Mamadou Hébié

Trong Sổ tay Nghiên cứu về Tranh chấp Lãnh thổ trong Luật Quốc tế, tác giả Giovanni Distefano đã có bài viết về “yếu tố thời gian và tranh chấp lãnh thổ”. Qua đó tác giả giải quyết 2 vấn đề chính tạo nên sự mơ hồ về yếu tố thời gian trong tranh chấp lãnh thổ là thời điểm kết tinh tranh chấp và luật quốc tế theo thời điểm. 

 Công pháp quốc tế không thừa nhận thời gian và không gian là những dữ kiện mà tự thân có khả năng tạo ra, chấm dứt hoặc thay đổi các danh nghĩa lãnh thổ. Tuy nhiên, những sự kiện hoặc hành vi được thực hiện bởi các quốc gia phải được nhìn nhận dựa trên bối cảnh của thời gian có khả năng chấm dứt hoặc thay đổi các danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ. 

Các vấn đề chính được tác giả đề cập trong nghiên cứu bao gồm: 

Thứ nhất, thời điểm kết tinh tranh chấp (Critical Date). Trong phần này tác giả tập trung làm rõ khái niệm “thời điểm kết tinh tranh chấp” và các khái niệm có liên quan khác như các thời kỳ trước và sau thời điểm kết tinh tranh chấp và nguyên tắc Uti Possidetis (đường biên giới lịch sử). Bên cạnh đó, tác giả cũng làm rõ việc xác định “thời điểm kết tinh tranh chấp” và kịch bản của những thời điểm kết tinh tranh chấp. Trên cơ sở đó, tác giả tiếp tục làm rõ những ảnh hưởng pháp lý của thời điểm kết tinh tranh chấp trong các tranh chấp lãnh thổ. 

Thứ hai, luật theo thời điểm (luật đương đại – Intertemporal law). Trong phần này, tác giả cũng viện dẫn yếu tố luật đương đại trong một số án lệ về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ để làm rõ khía cạnh này. Một số vấn đề được tác giả nghiên cứu bao gồm: sự phát triển của luật pháp, sự hình thành và tiếp tục tồn tại của danh nghĩa chủ quyền. 

Trên cơ sở nghiên cứu 02 vấn đề quan trọng trên, tác giả đi đến kết luận về tác động của yếu tố thời gian trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ và việc giải quyết vấn đề này. Qua đó, tác giả khẳng định không có gì ngạc nhiên khi yếu tố thời gian đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ cũng như các vấn đề khác trong luật quốc tế. 

Khái niệm về thời điểm kết tinh tranh chấp chắc chắn là một công cụ chính trong hệ thống pháp lý của các chuyên gia pháp luật quốc tế về lĩnh vực này. Khái niệm thời điểm kết tinh tranh chấp là một giải pháp hữu dụng được các tòa án khác nhau đưa ra khi giải quyết các sự kiện thực tế mà các thiết chế tài phán này gặp phải. Khái niệm này cũng đòi hỏi sự linh hoạt trong việc xử lý, theo đó loại bỏ bất kỳ cách tiếp cận rập khuôn, máy móc nào, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng luật, đặc biệt là công pháp quốc tế, được bao trùm bởi “cảm nhận tinh tế” (esprit de finesse) hơn là “khoa học thuần tuý” (more geometrico). 

Về yếu tố luật theo thời điểm, mặc dù ban đầu nó đã được thừa nhận trong hệ thống pháp lý, nhưng nguyên tắc luật theo thời điểm đã gây ra các cuộc tranh luận gay gắt và vấn đang tiếp diễn trong “Các trường đại  vô hình của các luật sư quốc tế”. Cả Viện luật quốc tế và Ủy ban pháp luật quốc tế cũng đã giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, bất kể ý kiến trong các công trình nghiên cứu pháp lý có thể khác nhau, cần phải khẳng định rằng thời gian cũng không tạo ra hay làm chấm dứt các danh nghĩa lãnh thổ. Các hành vi liên quan của các quốc gia theo thời gian có thể dẫn đến kết quả này hoặc là thông qua điều ước hoặc bằng các phương thức khác (như hành xử). Thực tế, thời gian không phải là một tác nhân pháp lý mà là một trong những chiều hướng pháp lý. 

Trong cả hai khía cạnh, yếu tố luật theo thời điểm, cũng như thời điểm kết tinh tranh chấp, là vấn đề không thể bỏ qua đối với bất kỳ thiết chế tài phán quốc tế nào được trao quyền để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ mà nguồn gốc của các tranh chấp này bắt nguồn từ quá khứ. 

Tải toàn văn bài báo ở đây.

Nguyễn Đức Thành (2021) Vietnam’s Economic Prospects in the Wake of the US-China Trade Conflict and COVID-19

Southeast Asian Affairs 2021, Singapore: ISEAS-Yusof Ishak Institute

Qua phân tích các chỉ số kinh tế của Việt Nam trong năm 2020, tác động của cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch Covid-19, tác giả cho rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2020 nhờ tận dụng những lợi ích thu được từ cạnh tranh thương mại và cơ hội khi khống chế hiệu quả đại dịch. Tác giả dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6-5,8% trong trường hợp đại dịch Covid-19 vẫn được kiểm soát, và 1,8-2,0% nếu chủng virus mới tác động đến kinh tế.

Ngoài ra, tác giả đề xuất Việt Nam cần giữ vững an ninh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng khi kinh doanh ngưng trệ, trong khi hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động. Cụ thể, tác giả đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (CAT) thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp  (CIT). Về chính sách tài khóa, việc điều chỉnh lại suất cần được hạn chế. Việt Nam cần chú ý vào bong bóng tài sản ở thị trường chứng khoán và bất động sản. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ cần đi kèm với cải thiện môi trường kinh doanh. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục cải cách, nhất là ở cấp độ địa phương, cải thiện lĩnh vực giáo dục, tài chính ngân hàng, đầu tư vào khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, cũng như cải thiện chính sách công nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước.

Xem toàn văn bài báo tại đây

Nguyễn Hồng Hải (2021) Vietnam in 2020: The Year in Transition

Southeast Asian Affairs 2021, Singapore: ISEAS-Yusof Ishak Institute

Trong bài viết, tác giả đã phân tích chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam – trên ba mặt đại hội Đảng, chiến dịch chống tham nhũng và nhân quyền về đối nội, đa phương và đơn phương về đối ngoại, tác giả cho rằng Việt Nam đã đạt được thành tích về mọi mặt trong năm 2020, trừ vấn đề nhân quyền. Tuy vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các thách thức trong năm 2021, bao gồm thay đổi nhân sự, đại dịch Covid-19, duy trì chiến dịch “đốt lò”, Biển Đông và nguy cơ Mỹ áp đặt thuế quan.

Xem toàn văn bài báo tại đây

Gregory B. Poling et al. (2021) The Unlikely, Indispensable U.S.-Vietnam Partnership

Báo cáo đã điểm qua các khía cạnh của quan hệ Mỹ – Việt từ thương mại, đầu tư, hợp tác năng lượng, giải quyết hậu quả chiến tranh, quan hệ giữa Việt Nam và nhóm Bộ Tứ đến Biển Đông. Theo báo cáo, quan hệ song phương vẫn đang phải đối mặt với một số trở ngại như nguy cơ chính quyền Biden thực thi chặt chẽ Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) hay nhân quyền. Từ đó, báo cáo đề ra 6 khuyến nghị chính sách cho Mỹ: thể hiện ý định nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược, từ bỏ đe dọa trừng phạt thương mại, triển khai ngoại giao vaccine, dừng trục xuất người gốc Việt phạm tội hình sự, triển khai đàm phán đa phương về thỏa thuận thương mại điện tử trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như nỗ lực đa phương để giám sát và nhận diện dân quân biển Trung Quốc.

Xem toàn văn báo cáo tại đây

Sovinda Po & Christophe B. Primiano (2021) Explaining China’s Lancang-Mekong cooperation as an institutional balancing strategy: dragon guarding the water

Australian Journal of International Affairs, Volume 75, 2021 – Issue 3

Hai tác giả cho rằng bên cạnh lý do thương mại, Hợp tác Mekong – Lan Thương (LMC) còn giúp Trung Quốc có một “tấm khiên về thể chế” trong khu vực. LMC có tác dụng như một chiến lược cân bằng về thể chế để đối phó với các cơ chế sẵn có như Đối tác Mỹ – Mekong, Ủy hội sông Mekong hay Hợp tác Mekong – Nhật Bản. LMC cũng là công cụ thể chế của Trung Quốc để đối phó với những áp lực của Mỹ và Nhật Bản về việc nước này xây đập trên sông Mekong. Tuy vậy, các tác giả cho rằng Trung Quốc chưa đạt được mục tiêu cân bằng khi các nước tham gia LMC đều không muốn hoàn toàn đứng về phía Trung Quốc.

Xem nghiên cứu tại đây

China Story ngày 8/7/2021: Lancang-Mekong Cooperation: China’s Institutional Shield

Charles Parton (2021) Empty threats? Policymaking amidst Chinese pressure

Trong báo cáo, tác giả chỉ ra các mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra với quá trình hoạch định chính sách của Anh: Trung Quốc có thể gây áp lực lên Anh trên 6 lĩnh vực: xuất khẩu, đầu tư của Trung Quốc vào Anh, tài chính và các dịch vụ liên quan của London, sinh viên Trung Quốc, khách du lịch và hợp tác chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn sự dụng biện pháp tuyên truyền đối ngoại và mặt trận thống nhất.

Tác giả đề xuất 6 điểm đối với chính phủ Anh:

1. Tổ chức nghiên cứu trong các ủy ban về 6 lĩnh vực mà Trung Quốc có thể đe dọa Anh

2. Gia tăng quyền lực cho Nhóm Thực thi Chiến lược Quốc gia về Trung Quốc

3. Thiết lập các đường dây cung ứng, tài nguyên, hàng hóa mà Anh cần độc lập với Trung Quốc.

4. Sẵn sàng cung cấp hỗ trợ tài chính để đa dạng hóa xuất khẩu khi Trung Quốc tấn công về kinh tế

5. Công khai các biện pháp ngoại giao “cây gậy và củ cả rốt” của Trung Quốc nhằm cảnh báo giới doanh nghiệp, học giả và công chúng, nhấn mạnh nhu cầu và nguyên nhân cần phải có các biện pháp đáp trả

6. Hợp tác với các quốc gia “tự do và rộng mở” khác

Xem toàn văn báo cáo tại đây

Jude Blanchette & Seth G. Jones (2021) How Beijing’s Narrative of U.S. Decline Is Leading to Strategic Overconfidence

Các bản dịch mới từ các nguồn truyền thông Trung Quốc minh họa câu chuyện Bắc Kinh đang kể về “sự suy tàn của Mỹ” và sự suy giảm dần dần ảnh hưởng quốc tế của nước này. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh đánh giá thấp khả năng phục hồi của Hoa Kỳ đang khiến họ tính toán sai sức mạnh tương đối của chính mình. Hoa Kỳ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn Trung Quốc cho nghiên cứu và phát triển (3,1% cho Hoa Kỳ so với 2,2% cho Trung Quốc vào năm 2019), và các cuộc họp cấp cao sôi nổi của Hoa Kỳ trong nhiều tháng qua cho thấy mối quan hệ của Mỹ đối với các đối tác ở Châu Âu và Châu Á đang được củng cố – đây khó có thể là dấu hiệu suy tàn của Mỹ. 

Xem toàn văn báo cáo ở đây.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.