Bản Tin Biển Đông Số 70

(Tuần từ 28/06 – 05/07/2021)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Trần Phạm Bình Minh, Lưu Việt Hà

Biên tập: Nguyễn Hồng Thao

Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Tại sự kiện kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Tải Bản PDF ở

———-

Trong Bản Tin Biển Đông Số 70 có những nội dung sau:

I- BIỂN ĐÔNG QUA BẢN ĐỒ AIS

II- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

IV- QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC

V- HOA KỲ – NGA – TRUNG QUỐC

VI- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ CÁC ĐỐI TÁC

VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

VIII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

———

I- BIỂN ĐÔNG QUA BẢN ĐỒ AIS

Tàu khảo sát, nghiên cứu khoa học biển Trung Quốc hoạt động tại Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

+ Ngày 26/6/2021, tàu nghiên cứu khoa học biển Hướng Dương Hồng 14 của Trung Quốc rời Tam Á xuống hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa. Dữ liệu từ Marine Traffic cho thấy, Hướng Dương Hồng 14 đã có mặt tại đá Tư Nghĩa (thuộc cụm Sinh Tồn, cách đá Ba Đầu khoảng 8 hải lý) trong các ngày 29, 30/6 và đá Chữ Thập (từ ngày 1/7).

+ Ngày 29/6/2021, tàu nghiên cứu biển Thẩm Quát cũng đã rời Tam Á và di chuyển xuống khu vực quần đảo Trường Sa và đã hoạt động tại khu vực đá Vành Khăn kể từ ngày 3/7.

+ Trong khi đó, tàu khảo sát Điện Khoa 1 cũng đã rời Tam Á ngày 28/6/2021 và di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam từ ngày 1/7 với khoảng cách đến bờ biển nước ta từ  80 đến hơn 100 hải lý. Tại vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Bình Thuận, Dian Ke 1 Hao đã giảm tốc độ, thay đổi hướng di chuyển và có thể đã tiến hành các hoạt động tác nghiệp tại các vị trí cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 85 hải lý, cách bờ biển Khánh Hòa khoảng 100 hải lý và cách đảo Phú Quý khoảng 113 hải lý.

(Do có một số trục trặc kỹ thuật, hiện giờ chúng tôi chưa thể cung cấp sơ đồ di chuyển của các tàu. Chúng tôi sẽ cập nhật trong bản tin tuần sau).

—–

II- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Sự kiện chính quan trọng nhất trong tuần vừa rồi là tuần lễ kỷ niệm đánh dấu một trăm năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc đưa các sự kiện tại Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988 vào đại sự ký kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng

Ngày 27/6, Tân Hoa Xã đã phát hành Đại sự ký 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phiên bản Đại sự ký này có khác biệt so với phiên bản kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2011, bao gồm việc bổ sung các sự kiện ở Hoàng Sa ngày 19-20/1/1974, chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 và Trường Sa ngày 14/3/1988. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bổ sung một số sự kiện liên quan đến Biển Đông trong giai đoạn 2011-2021 như việc thành lập địa cấp thị Tam Sa năm 2012 hay khánh thành hải đăng tại đá Châu Viên, Trường Sa năm 2015.

Xem thêm:

Đại sự ký 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đây

Phiên bản đại sự ký năm 2011 tại đây: phần 1 phần 2 phần 3

Trung Quốc khai trương trang web về tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao và đối ngoại Trung Quốc trong thời kỳ mới

Ngày 28/6/2021, Trung Quốc đã khai trương trang web về tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao và đối ngoại Trung Quốc trong thời kỳ mới với địa chỉ http://www.chinadiplomacy.org.cn

Trang web này được thiết lập bởi Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc (China.org.cn/China.com.cn) và Trung tâm Nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình về đối ngoại thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cũng như nhận được sự hướng dẫn của Bộ Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Đây được coi là nền tảng chính thức nhằm giới thiệu và phổ biến Tư tưởng Tập Cận Bình về đối ngoại.

Xem thêm:

China.org.cn ngày 28/6/2021: China’s Diplomacy in the New Era website launched

Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng

Ngày 1/7/2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kỷ niệm 100 năm thành lập với buổi lễ kỷ niệm có sự tham gia của khoảng 70.000 người tại quảng trường Thiên An Môn. Trong buổi lễ kỷ niệm, Chủ tịch Trung Quốc đã có bài phát biểu dài hơn 1 giờ đồng hồ về lịch sử và vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như những nhiệm vụ của Đảng trong thời gian tới.

Bình luận

Trên trang Strategist, Peter Jennings, giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) rút ra 10 trích dẫn quan trọng từ bài phát biểu của ông Tập:

1. “Đảng có nguồn gốc từ nhân dân”

2. “Trung Quốc đang bước đi không thể ngăn cản hướng đến sự phục hưng vĩ đại”

3. “Nếu không có Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ không có nước Trung Quốc mới”

4. “Chủ nghĩa Marx đã hoạt động trên thực tế”

5. “Chân lý không thể bác bỏ: Đảng phải chỉ huy lực lượng vũ trang”

6. “…va chạm với trường thành thép được rèn bởi 1,4 tỷ người Trung Quốc” – trước đó, ông Tập nói: “Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai bắt nạt, đàn áp hoặc khuất phục Trung Quốc”.

7. “Đảng luôn coi trọng vị trí của mặt trận thống nhất”

8. “Cần lò rèn tốt để rèn thép tốt” – nói về xây dựng Đảng

9. “Chúng ta sẽ đảm bảo ổn định xã hội ở Hong Kong”

10. “Kiên quyết đập tan mọi âm mưu Đài Loan độc lập”

Xem thêm:

Toàn văn bài phát biểu của ông Tập tại đây

Bản dịch tiếng Anh tại đây

VOV ngày 2/7/2021: Nội dung chính trong phát biểu của ông Tập Cận Bình về Đảng Cộng sản Trung Quốc

Strategist ngày 3/7/2021: The ‘great, glorious, and correct Party!’

Đài Loan phản ứng trước tuyên bố về “thống nhất hoàn toàn đất nước” của ông Tập Cận Bình

Ngày 1/7/2021, Ủy ban về Đại lục của Đài Loan đã ra tuyên bố khẳng định chính quyền Đài Loan “quyết tâm bảo vệ chủ quyền và dân chủ” của hòn đảo này và yêu cầu Bắc Kinh từ bỏ đe dọa quân sự nhằm vào Đài Loan

Trước đó, trong bài phát biểu ngày 1/7, ông Tập nói: “Giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện thống nhất hoàn toàn đất nước là nhiệm vụ lịch sử không thể thay đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Trung Quốc”.

Xem thêm:

Ủy ban về Đại lục của Đài Loan ngày 1/7/2021: 我政府堅定捍衛國家主權、拒絕中共對臺政治主張,呼籲對岸早日民主改革、還政於民

CNBC ngày 1/7/2021: Taiwan lashes out at Beijing after Chinese President Xi Jinping pledges ‘complete reunification’

Trung Quốc đang xây dựng hơn 100 hầm chứa tên lửa mới ở sa mạc phía tây nước này

Các nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí Jame Martin tại Monterey cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng hơn 100 hầm chứa mới cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tại một sa mạc gần thành phố Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc những công trình có thể báo hiệu sự mở rộng đáng kể năng lực hạt nhân của Bắc Kinh. Các hình ảnh vệ tinh thương mại do các nhà nghiên cứu công bố cho thấy, việc xây dựng đang được tiến hành tại 119 địa điểm (nếu tính trên cả nước là 145 hầm chứa) trải dài trên vùng đất hàng trăm dặm vuông ở tỉnh Cam Túc với kết cấu gần như giống hệt nhau và có các đặc điểm giống với các cơ sở phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Hiện chưa rõ số lượng tên lửa mới được bố trí tại các hầm chứa mới này. Tuy nhiên Trung Quốc hiện được cho là sở hữu kho vũ khí hạt nhân tương đối khiêm tốn với số lượng chỉ từ 250 đến 350 và nước này cũng đã từng triển khai các hầm chứa giả trong quá khứ.

Xem thêm: 

The Washington Post ngày 1/7/2021: China is building more than 100 new missile silos in its western desert, analysts say. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Chiếc tàu nghiên cứu lớn nhất của Trung Quốc hướng đến Biển Đông trong chuyến đi đầu tiên

Con tàu mang tên Đại học Tôn Trung Sơn sẽ được sử dụng cho các dự án nghiên cứu khí quyển và biển. Mặc dù Bắc Kinh khăng khăng rằng hoạt động nghiên cứu sẽ được sử dụng cho lợi ích công, những hoạt động này không được chào đón bởi các nước láng giềng ven Biển Đông. 

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 6/7/2021: China’s biggest research ship to head to Paracels on maiden voyage

—–

III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Hàn Quốc có kế hoạch tham gia cuộc tập trận lớn với Mỹ và Australia vào tháng tới

Ngày 28/6, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này có kế hoạch tham gia cuộc tập trận hải quân Talisman Sabre mà Mỹ và Australia dự định tổ chức vào giữa tháng 7. Hải quân Hàn Quốc dự định cử một tàu khu trục 4.400 tấn tham gia cuộc tập trận diễn ra 2 năm 1 lần và được xem là hoạt động huấn luyện song phương lớn nhất giữa Mỹ và Australia. Anh, Canada, New Zealand và Nhật Bản cũng sẽ tham gia cuộc tập trận năm nay, trong khi Pháp, Ấn Độ và Indonesia sẽ đóng vai trò là các quốc gia quan sát, theo quân đội Australia. 

“Chúng tôi đã quyết định tham gia cuộc tập trận lần đầu tiên trong năm nay với mục tiêu cải thiện khả năng tiến hành các hoạt động kết hợp của chúng tôi”, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Boo Seung-chan nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Một số người nói rằng cuộc tập trận nhằm chống lại Trung Quốc đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang căng thẳng, nhưng Boo nói rằng cuộc tập trận không nhằm vào các quốc gia cụ thể.

Trong cuộc tập trận năm 2019, Hàn Quốc tham gia với tư cách là quan sát viên.

Xem thêm:

Yonhap ngày 28/6/2021: (LEAD) S. Korea to take part in major U.S.-Australia combined exercise next month

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ tăng cường tương tác với các đối tác, đồng minh Thái Bình Dương và lực lượng Hải quân Hoa Kỳ

Trong cuộc thảo luận trực tuyến với Michael O’Hanlon của Viện Brookings, Đô đốc Karl Schultz, Tư lệnh Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ đã trình bày chi tiết một số phương thức mà lực lượng này đang tiếp cận để thúc đẩy hợp tác quốc tế. Bao gồm: chỉ định Tùy viên tại Australia kiêm nhiệm New Zealand và Papua New Guinea; dự kiến cử một Tùy viên đến Singapore vào mùa hè tới; cử một Cố vấn đến Việt Nam; chuyển giao ba tàu tuần tra cho Philippines; giúp Indonesia thành lập một trung tâm huấn luyện mới; chỉ định các chức vụ chỉ huy phụ trách kế hoạch, hoạt động của Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, chỉ huy Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii; cung cấp hai tàu tuần tra vào năm 2019 và một tàu tuần tra vào năm 2020 để hỗ trợ hoạt động của Hạm đội 7 khi USS John McCain và USS Fitzgerald phải sửa chữa sau khi va chạm.

Xem thêm: 

Seapower ngày 28/6/2021: Coast Guard Increasing Engagement with Pacific Allies, Partners, U.S. Navy

Anh muốn gia nhập CPTPP trước cuối năm 2022

Trả lời phỏng vấn Nikkei, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss khẳng định nước Anh muốn gia nhập CPTPP trước cuối năm 2022. Bà cũng cho rằng Trung Quốc “phải làm nhiều hơn” để tuân thủ hoàn toàn với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chưa nói đến các quy tắc chặt chẽ của CPTPP.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 29/6/2021: UK aims to gain TPP entry in 2022: trade secretary

Mỹ và Nhật Bản tập trận đất đối không tại một hòn đảo gần Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc – Đài Loan gia tăng

Ngày 1/7/2021, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận đất đối không tại quần đảo Nansei thuộc Nhật Bản, cách Đài Loan khoảng 850 km, trong bối cảnh Trung Quốc tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản. Cuộc tập trận nhằm thể hiện khả năng của Mỹ và đồng minh trong việc triển khai lực lượng trên các hòn đảo xa xôi của Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan. Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản đã triển khai hai bệ phóng tên lửa tầm trung trong khi Mỹ triển khai hai khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot Advanced Capability-3. Tờ The Australian Financial Review đưa tin, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành tập dượt các mô hình chiến tranh trong trường hợp xung đột với Trung Quốc về Đài Loan thông qua diễn tập phòng thủ chống máy bay và tên lửa của kẻ thù.

Xem thêm: 

The Australian Financial Review ngày 1/7/2021: US and Japan conduct war games amid rising China-Taiwan tensions. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Nikkei Asia, ngày 2/7/2021: Japan and US test island air defense in Taiwan’s neighborhood

Quan chức Lầu Năm Góc gợi ý hợp tác NATO – Châu Á

Giám đốc chính sách về châu Âu và NATO của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, Mỹ sẽ tập hợp các đối tác ở Châu Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để tổ chức các cuộc tập trận chung nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga. Không gian mạng, không gian và không phổ biến vũ khí hạt nhân là những lĩnh vực mà NATO nhận thấy có những thách thức an ninh chung với các đối tác như Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc. Winternitz nói: “Tôi nghĩ rằng các nước châu Âu ngày càng thấy rõ cách Trung Quốc có một số chính sách rất cưỡng chế đối với các nước nhỏ và kém phát triển hơn”. Ông cũng lưu ý những lo ngại về việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và chiến lược hợp nhất quân sự – dân sự của nước này.

Xem thêm: 

Nikkei Asia ngày ngày 1/7/2021: Pentagon official touts NATO-Asia cooperation amid China threat

Nhân vật quyền lực thứ hai trong nội các Nhật Bản – Phó Thủ tướng Taro Aso nói về khả năng Nhật Bản và Mỹ cùng bảo vệ Đài Loan nếu Đài Loan bị xâm lược

Bình luận tại một bữa tiệc gây quỹ chính trị ở Tokyo hôm thứ Hai, Aso cho biết một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc có thể được coi là một mối đe dọa hiện hữu, cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể, Kyodo đưa tin.

“Nếu một sự cố lớn xảy ra ở Đài Loan, không có gì bất thường nếu coi đó là một mối đe dọa hiện hữu [đối với Nhật Bản]”, Jiji Press trích dẫn phát biểu của ông Aso. “Trong trường hợp như vậy, Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ phải hợp tác cùng nhau để bảo vệ Đài Loan.”

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 6/7/2021: Japan’s No. 2 raises possibility of joining US in defending Taiwan

Bloomberg ngày 6/7/2021: Japan, U.S. Must Defend Taiwan Together, Deputy Premier Aso Says. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Kurt Campbell: Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể cùng tồn tại trong hòa bình nhưng thách thức là rất lớn

Điều phối viên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell hôm thứ Ba ngày 6/7/2021 cho biết Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể cùng tồn tại trong hòa bình nhưng thách thức là rất lớn và Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán.

Campbell nói với Hiệp hội Châu Á (một tổ chức tư vấn chính sách ở Mỹ) rằng Tổng thống Joe Biden sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm nay với các nhà lãnh đạo của Australia, Ấn Độ và Nhật Bản – nhóm được gọi là “Bộ tứ” mà Washington coi như một phương tiện để chống lại Trung Quốc.

Khi được hỏi khi nào có thể mong đợi cuộc gặp đầu tiên giữa Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và liệu điều này có thể diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 10 hay không, Campbell trả lời: “Kỳ vọng của tôi là chúng tôi sẽ có một số giao tiếp trước khi quá lâu.”

Xem thêm:

Reuters ngày 6/7/2021: China, U.S. can coexist in peace but challenge is enormous – White House. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Asia Society ngày 6/7/2021: Kurt Campbell: U.S. and China Can Co-Exist Peacefully

—–

IV- QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Châu Âu muốn có một bàn tay mạnh mẽ hơn, nhưng không phân ly với Trung Quốc

Một nhóm vận động hành lang kinh doanh mạnh mẽ ở Châu Âu đã kêu gọi các chính trị gia Liên minh Châu Âu đẩy mạnh chống lại chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc nhưng không chặn các doanh nghiệp Trung Quốc, như chủ trương của một số nhà lãnh đạo đang đi theo hướng dẫn của Hoa Kỳ về việc hạn chế quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Các thành viên của Bàn tròn Châu Âu về Công nghiệp, hay ERT, một nhóm thương mại gồm gần 60 giám đốc điều hành và chủ tịch của các công ty đa quốc gia lớn có trụ sở tại Châu Âu, hôm thứ Hai ngày 28/6/2021 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thúc đẩy các điều khoản kinh doanh tốt hơn với Trung Quốc và không quay lưng lại, mặc dù đang có sự nghi ngờ ngày càng tăng của một số nhà lãnh đạo EU đối với Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Washington đang được cải thiện.

Xem thêm:

The Wall Street Journal ngày 3/7/2021: European Business Leaders Want a Stronger Hand With China, Not Decoupling. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

EU phát triển sáng kiến đầu tư để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc

Trong tháng này, các ngoại trưởng EU sẽ cố gắng thông qua “sáng kiến kết nối” của EU, như một nỗ lực thúc đẩy tiến bộ trong việc đối phó với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

 Bản dự thảo, theo Financial Times, thúc giục “cách tiếp cận địa chiến lược cho việc kết nối” và đặt mục tiêu xác định “các dự án và hành động có tác động cao và hữu hình trên toàn cầu.”

 Động thái này nối tiếp cam kết của Joe Biden và các đối tác G7 vào tháng trước ở Cornwall về quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng “Build Back Better” có thể đóng góp ước tính 40 tỷ đô la mà các quốc gia đang phát triển cần vào năm 2035.

Xem thêm:

Financial Times ngày 5/7/2021: EU to develop investment initiative to counter Chinese influence. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Politico ngày 6/7/2021: EU starts work on rival to China’s Belt and Road Initiative. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc – Đức – Pháp 

Trong hội đàm trực tuyến hôm thứ Hai ngày 5/7/2021, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Pháp và Đức đã bày tỏ sự ủng hộ thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và EU, theo bản tóm tắt của phía Trung Quốc. 

Bản báo cáo từ phía Đức chỉ đề cập một cách cơ bản và ngắn gọn các chủ đề chính đã được thảo luận, bao gồm quan hệ EU-Trung Quốc, thương mại quốc tế, bảo vệ khí hậu, đa dạng sinh học và cung cấp vắc xin. 

Bản tóm tắt của Pháp thì lại cho rằng trọng tâm chính của hội nghị là các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Bản tóm tắt của Pháp cũng cho biết Pháp và Đức “hoan nghênh cam kết của Trung Quốc trong việc đóng góp vào việc tái cơ cấu nợ của các nước dễ bị tổn thương.” Nó cũng nói về “kỳ vọng của Châu Âu về khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc và các điều kiện cạnh tranh công bằng.” Tuyên bố của Pháp kết thúc bằng việc cho biết Macron và Merkel bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc” và “liên quan đến cuộc đấu tranh chống lao động cưỡng bức.”

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 5/7/2021: Xi, Merkel and Macron support EU-China investment deal, Beijing says

Tân Hoa Xã ngày 5/7/2021: 习近平同法国德国领导人举行视频峰会

Die Bundeskanzlerin ngày 5/7/2021: Bundeskanzlerin Merkel und der französische Präsident Macron sprechen mit dem chinesischen Präsidenten Xi Jinping

Elysee ngày 5/7/2021: Entretien en visioconférence avec la Chancelière de la République fédérale d’Allemagne, Mme Angela MERKEL, et le Président de la République populaire de Chine, M. XI Jinping

Reuters ngày 5/7/2021: China’s Xi tells Macron, Merkel he hopes to expand cooperation with Europe

Tân Hoa Xã ngày 6/7/2021: Xi calls for expanding consensus, cooperation with Europe in virtual summit with French, German leaders – Xinhua

Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Trung Quốc thảo luận về Biển Đông trong hội đàm trực tuyến

Theo thông cáo phía Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phương Hòa, bao gồm  việc Đức sắp triển khai một tàu khu trục nhỏ của Đức tới khu vực. Tuyên bố của Đức cho biết Kramp-Karrenbauer đã sử dụng cuộc hội đàm trực tuyến qua video để nhắc nhở ông Ngụy về tầm quan trọng của việc duy trì phán quyết trọng tài năm 2016 hạn chế các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Xem thêm:

Reuters ngày 6/7/2021: German, Chinese defence ministers discuss South China Sea in call – statement. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 17/9/2021: Lập Trường Chung Của Pháp, Đức, Anh Về Biển Đông

Nghị viện Châu Âu kêu gọi tẩy chay Olympic mùa đông Bắc Kinh và trừng phạt các nhà lãnh đạo Hồng Kông về việc đóng cửa tờ báo độc lập Apple Daily

Một dự thảo nghị quyết đã được soạn thảo và được dự đoán là sẽ được đa số thành viên Nghị viện Châu Âu thông qua. Dù không có tính ràng buộc, dự thảo cung cấp hướng dẫn cho Uỷ ban Châu Âu và Hội đồng Liên hiệp Châu Âu về quan điểm phổ biến trong Nghị viện. Theo South China Morning Post, dự thảo kêu gọi EU áp đặt “các biện pháp trừng phạt có mục tiêu” đối với các quan chức chính phủ Hồng Kông, bao gồm Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng An ninh, cựu cảnh sát trưởng và Chánh văn phòng. Dự thảo cũng kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và các tổ chức ở đại lục “có vai trò quan trọng trong việc áp dụng các biện pháp và các hành động đồng lõa làm suy yếu quyền tự chủ và tự do ở mức độ cao của Hồng Kông ”.  

Dự thảo kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh để phản ứng với việc đóng cửa tờ báo độc lập Apple Daily và “phá bỏ xã hội tự do ở Hồng Kông”.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 7/7/2021: Euro MPs to call for Olympic boycott and sanctions on Hong Kong officials

Noah Barkin: Những diễn biến quan trọng liên quan đến Trung Quốc từ Châu Âu – Tháng 6/2021

Càng ngày càng tệ

Còn quá sớm để gióng lên hồi chuông báo tử cho quyền tự chủ chiến lược của châu Âu. Ý tưởng này đã được đưa vào chiến lược thương mại của EU (với việc bổ sung thuật ngữ “mở”). Việc tốn quá nhiều giờ trao đổi trực tuyến về nội hàm của thuật ngữ này cũng có nghĩa là khái niệm này khó có thể sớm biến mất. Nhưng không có gì phải bàn cãi khi trong tháng qua, những người ủng hộ trung thành nhất ý tưởng về một Châu Âu độc lập và tự hoạch định lộ trình địa chính trị của mình khác biệt với Hoa Kỳ và Trung Quốc đang lo lắng về tương lai của khái niệm bí ẩn này. Lý do là trước sự ngạc nhiên của nhiều người, chính quyền Biden đã làm được tất cả những điều cần thiết ở Châu Âu, như môi giới về cuộc đình chiến trong tranh chấp kéo dài 17 năm giữa Airbus-Boeing, đón nhận ý tưởng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và thậm chí sử dụng ngôn ngữ riêng của EU khi nói về Trung Quốc. Mới chỉ là những ngày đầu, nhưng sự khởi đầu mạnh mẽ của Biden đã thay đổi cách các quan chức ở các thủ đô Châu Âu nói về tam giác Mỹ-Âu-Trung – và làm lộ ra những rạn nứt ngay chính ở nền tảng của quyền tự chủ chiến lược. Một quan chức Đức nói với tôi: “Chúng tôi đang bị kéo vào phía của người Mỹ và tôi không nghĩ rằng chúng tôi có đủ sức để chống lại. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để trở thành một lực lượng ôn hòa, nhưng mối quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc đang xấu và có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn”.

Sự thất vọng của người Pháp

Nhóm Biden đang tập trung vào cuộc tấn công quyến rũ vào Berlin – thủ đô Châu Âu mà Trump rất ghét. Angela Merkel sẽ trở thành nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên có mặt tại Nhà Trắng với Biden khi bà có chuyến thăm chia tay kỷ niệm tới Washington vào giữa tháng Bảy. Các biện pháp trừng phạt đối với dự án Nord Stream 2 sẽ không được đề cập vào lúc này. Đột nhiên, trước sự vui mừng của nền chính trị lâu đời tại Berlin, Washington “không có người bạn nào trên thế giới tốt hơn” Đức. Nhưng không phải tất cả mọi người ở Châu Âu đều hài lòng về tình hình này. Tại Paris, nơi tôi đã dành vài ngày trong tuần trước để nói chuyện với các quan chức Pháp, có thể thấy rõ sự lo lắng về chuyến công du Châu Âu của Biden và tác động của nó đối với vị trí của Châu Âu trong bối cảnh địa chính trị. Emmanuel Macron đang quan tâm đến sự tập trung của NATO vào Trung Quốc và lời khen ngợi mà ông Biden đã nhận được ở châu Âu vì cuộc gặp với Vladimir Putin (hai năm sau khi tổng thống Pháp bị chỉ trích nặng nề vì đề xuất quan hệ hợp tác với Moscow). Tổng kết sự thất vọng của người Pháp, Bộ trưởng Châu Âu của Macron, Clément Beaune, nói với Le Monde vào tuần trước: “Người Mỹ đang tạo ấn tượng rằng họ là những nhà lãnh đạo thế giới về biến đổi khí hậu, về tiêm chủng, về thuế kỹ thuật số, trong khi thực tế họ đang ngăn chặn tất cả những điều này bốn năm qua. Ngày nay, họ lại là những người vận động tranh thủ sự ủng hộ của Châu Âu.”

Trong tay Hoa Kỳ

Trump đã thuyết phục người Đức theo đuổi giấc mơ của Pháp về một Châu Âu tự trị. Bây giờ, chỉ trong vài tháng nhiệm kỳ của Biden, Paris lại chứng kiến ​​Berlin biến mất. Armin Laschet, ứng cử viên dẫn đầu trong việc kế nhiệm bà Merkel vào cuối năm nay, đã dứt khoát từ chối chấp nhận thuật ngữ tự chủ chiến lược khi bị Beaune thúc ép tại một sự kiện do Hội nghị An ninh Munich tổ chức vào tuần trước. Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với chính sách về Trung Quốc? Tôi đã bị ấn tượng trong các cuộc nói chuyện ở Paris về mức độ quan hệ với Trung Quốc được nhìn nhận qua lăng kính của các mối quan hệ khác của Pháp – đặc biệt là với Đức và Hoa Kỳ. Như một quan chức Pháp đã nói: “Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với Đức do vậy hoàn toàn là hợp lý khi giữ hoà khí với họ để có được những thứ khác”. Khi được yêu cầu mô tả tâm trạng ở Paris về Trung Quốc, quan chức này cho biết: “Chúng tôi không muốn nằm trong bàn tay Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, cũng như ở Berlin, có cảm giác rằng Châu Âu đang bị kéo theo hướng này một cách không thể tránh khỏi. Quyền tự chủ chiến lược, vốn được sinh ra từ mong muốn bảo vệ Châu Âu khỏi một Hoa Kỳ thù địch dưới thời Trump, giờ đây chủ yếu là nhằm chống lại Trung Quốc. Một bài báo được xuất bản bởi Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại vào tuần trước cung cấp bản thiết kế cho công cụ mới chống cưỡng chế của EU (sẽ được công bố vào mùa thu) nhấn mạnh điểm này. Hầu như tất cả các mối đe dọa cưỡng bức được nêu ra trong bài báo đều xuất phát từ Trung Quốc. “Sự cạnh tranh mang tính hệ thống dường như đang lấn át mọi thứ khác trong mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc,” một quan chức thứ hai ở Paris nói với tôi.

Động lực địa chính trị mới

Sự liên kết về vấn đề Trung Quốc đến từ các Hội nghị thượng đỉnh G7, NATO, và EU-US phần lớn mới dừng ở hùng biện. Nhưng bằng cách tạo ra một loạt các cấu trúc mới – rõ ràng hay không – tập trung vào những thách thức chiến lược mà Trung Quốc đặt ra, các hội nghị thượng đỉnh đã tạo ra một động lực địa chính trị mới khó có thể ngăn chặn. Chỉ riêng Hội đồng Thương mại và Công nghệ xuyên Đại Tây Dương đã thành lập 10 nhóm làm việc — bao gồm cả về chuỗi cung ứng, kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư — sẽ thu hút sự chú ý của các nhà kỹ trị ở Washington và Brussels trong những tháng tới. Trung Quốc là trung tâm của chương trình nghị sự mới của NATO. Và G7 đã làm nảy sinh một tham vọng, mặc dù vẫn còn chưa rõ ràng, thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc — đó là khái niệm B3W của chính quyền Biden.

Sáng kiến Tái thiết tốt hơn (Build Back Better – B3W)

Thật thú vị khi thấy Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt đầu tham gia B3W sau nhiều năm ít chú ý đến những nỗ lực của chính Châu Âu trong việc xây dựng một chiến lược kết nối. Trong các bài phát biểu gần đây trước Hạ viện và Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức, bà đã nhấn mạnh sự cần thiết phải di chuyển nhanh chóng về giải pháp thay thế BRI. Tại sao? Bởi vì G7 đã thành lập một nhóm đặc nhiệm mới về vấn đề này và Đức sẽ đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên của nhóm vào năm tới. Đối với bà Merkel, có vẻ như việc thiết lập một quy trình với các cột mốc rõ ràng là lý do để thực hiện điều này một cách nghiêm túc. Liệu điều này có tạo ra động lực mới cho chiến lược kết nối của riêng EU hay không vẫn chưa rõ ràng. Các quốc gia thành viên vẫn đang căng thẳng với các kết luận của Ủy ban Châu Âu sẽ được các ngoại trưởng EU thông qua vào ngày 12/7/2021. Một ghi chú khái niệm của Đức từ giữa tháng 6, với sự chúc phúc của Thủ tướng, lập luận về một cách tiếp cận toàn cầu hơn. Các quan chức EU được cho là đang để mắt đến một cảng biển nước sâu ở Gruzia như một dự án có thể đưa một số tín nhiệm địa chính trị vào chiến lược tân trang của họ. Diễn biến này sẽ cần được tiếp tục theo dõi. 

Chính sách hướng Đông

Thật là nản lòng – mặc dù không có gì đáng ngạc nhiên – khi những luồng gió thay đổi địa chính trị không được cảm nhận trong thế giới song song của chiến dịch bầu cử Đức. Các ứng cử viên đang nói về chính sách đối ngoại – Armin Laschet đã thực hiện đều đều một loạt các cuộc phỏng vấn trong những tháng gần đây và cuộc tranh luận của MSC vào tuần trước đã đề cập đến một loạt các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả Trung Quốc. Nhưng trừ Annalena Baerbock của Đảng Xanh, dường như không ai muốn mạo hiểm đề cập đến những vấn đề vượt ra ngoài khuôn khổ của cuộc thảo luận chính thống về chính sách đối ngoại của Đức trong thập kỷ qua hoặc thừa nhận rằng một môi trường địa chính trị mới có thể đòi hỏi tư duy mới. Tại sự kiện MSC, Laschet đã ca ngợi cách tiếp cận “Ostpolitik” của Willy Brandt với Liên Xô trong những năm 1970 như một hình mẫu để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, ủng hộ đối thoại với Bắc Kinh và từ chối cắt đứt kinh tế toàn diện khỏi Trung Quốc không phải là một chiến lược. Thay vào đó, chúng là sự chuyển hướng thuận tiện khỏi một cuộc tranh luận thực sự về chiến lược bằng những bài phát biểu cũ rích của Châu Âu từ thời Trump. Rõ ràng là bây giờ cuộc tranh luận thực sự sẽ phải đợi cho đến sau cuộc bầu cử tháng Chín. Đến khi đó thì việc tranh luận là không thể tránh khỏi. “Không có cái gọi là liên tục trong chính sách Trung Quốc của chúng tôi nếu tất cả các yếu tố khác đang thay đổi, bao gồm cả vị thế của Hoa Kỳ,” một thành viên trong đoàn tùy tùng của Laschet nói với tôi. “Mỹ sẵn sàng tỏ ra nhân từ trong một loạt vấn đề nhưng đổi lại, họ mong đợi sự tập trung mạnh mẽ hơn vào Trung Quốc. Laschet cũng nhận thức được điều này.”

Noah Barkin là một nhà báo cựu chiến binh, biên tập viên quản lý ở Nhóm Rhodium và là một thành viên cao cấp thuộc Chương trình Châu Á của Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ có trụ sở tại Berlin. Nội dung trên được biên dịch toàn văn từ nội dung trong thư tín chia sẻ bởi đối tác của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

—–

V- HOA KỲ – NGA – TRUNG QUỐC

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin

Ngày 28/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm trực tuyến. Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố gia hạn Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác song phương Nga-Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác giữa hai nước và các vấn đề cùng quan tâm như đại dịch Covid-19 hay tình hình Afghanistan… Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự phản đối với việc can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác dưới danh nghĩa dân chủ và nhân quyền, cũng như phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 28/6/2021: 习近平同俄罗斯总统普京举行视频会晤 两国元首宣布《中俄睦邻友好合作条约》延期

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/6/2021: Xi Jinping Holds a Video Meeting with Russian President Vladimir Putin

Điện Kremlin ngày 28/6/2021: Conversation with President of China Xi Jinping

Toàn văn tuyên bố chung giữa hai nước tại đây

Đại sứ quán Nga kỷ niệm một trăm năm Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng việc hát bài thơ của Mao Chủ tịch trên Weibo

Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc hôm thứ Năm ngày 1/7/2021 đã công bố trên  xã hội Weibo của Trung Quốc một video trong Đoàn ca múa Cờ Đỏ Alexander ca bài Vạn Lý Trường Chinh bằng tiếng Trung, một bài hát phỏng theo bài thơ của Mao Trạch Đông viết năm 1935.

Xem thêm:

Global Times ngày 2/7/2021: Russian Embassy celebrates CPC centennial singing Chairman Mao poem on Weibo, among sincere, creative blessings from other embassies

Nga công bố chiến lược an ninh mới nhằm mở rộng quan hệ với Ấn Độ, Trung Quốc

Chiến lược an ninh quốc gia của Nga, do Tổng thống Nga Putin công bố hôm thứ Bảy ngày 3/7/2021 nhằm mở rộng hơn nữa hợp tác chiến lược với Ấn Độ, đồng thời phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Trung Quốc, theo hãng thông tấn Nga Sputnik. Bản chiến lược cũng kêu gọi giảm sử dụng đô la Mỹ trong các giao dịch quốc tế.

Xem thêm:

Sputnik News ngày 3/7/2021: Ditching Dollars, Prioritizing China & India, De-Westernizing: Inside Russia’s New Security Strategy

—–

VI- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ CÁC ĐỐI TÁC

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào thăm Việt Nam

Từ ngày 28-29/6/2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông từ khi đảm nhận cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2021-2026. Tại Hà Nội, ông Sisoulith đã có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam và một số hoạt động khác. Hai bên cũng đã ra tuyên bố chung.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước và Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã có cuộc hội đàm.

Xem thêm:

Báo Chính phủ ngày 29/6/2021: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam

Thông tấn xã Lào ngày 29/6/2021: Top leaders of Laos, Vietnam vow to beef up special ties

Quân đội nhân dân ngày 28/6/2021: Đưa hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Lào ngày càng đi vào chiều sâu

Báo Chính phủ ngày 29/6/2021: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Lào

Việt Nam nghiên cứu, khảo sát môi trường tại Trường Sa

Trong tháng 5-6/2021, Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga thực hiện chuyến khảo sát thực địa tại huyện đảo Trường Sa.

Đoàn đã nghiên cứu đặc điểm các hợp phần, yếu tố tạo thành cảnh quan, tính đa dạng, phân hóa cảnh quan biển – đảo huyện đảo Trường Sa; khảo sát, hiệu chỉnh và mô tả chi tiết bản đồ thảm thực vật – lớp phủ với việc làm rõ tính phân hóa mùa và ảnh hưởng của cảnh quan đến môi trường biển; khảo sát, đánh giá các yếu tố tự nhiên, sinh thái phát sinh khu hệ sinh vật và hiện trạng các nhóm sinh vật trong các hệ sinh thái cạn tại các đảo nổi; điều tra khu hệ rết, cuốn chiếu, lớp hình nhện, khu hệ chim, khu hệ bò sát-lưỡng cư, khu hệ chân đốt phục vụ y học với những dẫn liệu khoa học mới lần đầu được ghi nhận cho Trường Sa.

Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng thu thập các mẫu đất, nước, trầm tích tại các điểm đảo; điều tra, khảo sát lấy mẫu vi sinh vật trong đất và trong mẫu rễ cây các loại cây sinh trưởng và phát triển trên các đảo nổi; thu thập mẫu động vật thân mềm, trầm tích, cát, rong, rêu, cỏ biển, san hô, bọt biển và mẫu nước chứa sinh vật phù du phục vụ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm…

Tại mỗi điểm đảo, đoàn đã thu thập được các mẫu trầm tích, cát, rong, rêu, cỏ biển, san hô, bọt biển và mẫu nước chứa sinh vật phù du; sơ bộ phân lập được các chủng vi tảo biển; xác định được một số chỉ tiêu về điều kiện sinh trưởng tự nhiên của các loài vi tảo như pH, nhiệt độ, độ mặn, độ chiếu sáng…

Xem thêm:

Báo Hải Quân Việt Nam ngày 29/6/2021: Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển phối hợp nghiên cứu, khảo sát môi trường tại huyện đảo Trường Sa

Hội nghị quan chức cấp cao Quan hệ đối tác Mekong – Mỹ

Ngày 29/6/2021, Hội nghị quan chức cấp cao Quan hệ đối tác Mekong – Mỹ lần đầu tiên đã diễn ra do Campuchia và Mỹ đồng chủ trì. Tham dự về phía Mỹ có ông Kim Moy, quan chức cao cấp Cục Đông Á – Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ. Các bên đã thảo luận về nhiều vấn đề như đại dịch Covid-19, cơ sở hạ tầng, kinh tế số… Đại diện Mỹ nhấn mạnh cam kết của Mỹ với tiểu vùng sông Mekong an toàn, thịnh vượng và rộng mở, cũng như đề nghị các bên có hành động tức thì để buộc quân đội Myanmar tuân thủ đồng thuận 5 điểm của ASEAN, chấm dứt bạo lực, thả những người bị giam giữ trái phép và phục hồi dân chủ tại Myanmar.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30/6/2021: Mekong-U.S. Partnership Senior Officials’ Meeting

Việt Nam bổ nhiệm lãnh đạo huyện đảo Hoàng Sa

Ngày 30/6/2021, thành phố Đà Nẵng đã công bố các quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Theo đó, ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa nhiệm kỳ 2016-2021 được tái bổ nhiệm. Ông Lê Phú Nguyện – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem thêm:

Báo Tin tức ngày 30/6/2021: Huyện đảo Hoàng Sa lần đầu tiên có Phó Chủ tịch UBND huyện

Đại sứ Trung Quốc trả lời phỏng vấn truyền thông Việt Nam và có bài viết nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc

Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đã có cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Việt Nam, cũng như có bài viết trên Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản. Trong các bài phỏng vấn và bài viết, đại sứ Hùng Ba nêu lại các thành tựu trong 100 năm qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lịch sử quan hệ Việt – Trung, cũng như quan hệ giữa hai nước trong hiện tại và tương lai.

Xem thêm:

Báo Tin Tức ngày 30/6/2021: Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba: Kiên trì định hướng chiến lược phát triển quan hệ Trung – Việt

Báo Nhân Dân ngày 1/7/2021: Chung tay thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa

Tạp chí Cộng sản ngày 1/7/2021: Một trăm năm Đảng Cộng sản Trung Quốc: Sáng bừng sức sống sự nghiệp xã hội chủ nghĩa

Ra mắt Nhóm bạn bè của UNCLOS tại Liên Hợp Quốc

Ngày 30/6, Lễ ra mắt Nhóm bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982 đã diễn ra tại New York (Mỹ). Đây là sáng kiến do Việt Nam và Đức khởi xướng.

Theo truyền thông Việt Nam, Nhóm bạn bè của UNCLOS gồm 96 thành viên đại diện cho tất cả các khu vực địa lý, bao gồm 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ, nhiều nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Indonesia, Philippines, Brunei, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Australia, New Zealand và các khu vực khác.

Xem thêm:

Báo Tin Tức ngày 1/7/2021: Gần 100 nước thành viên LHQ thành lập Nhóm bạn bè của UNCLOS

Nhật Bản – Philippines lần đầu tập trận không quân chung

Theo thông báo của Đại sứ quán Nhật Bản tại Philippines hôm 1/7/2021, Không quân Nhật Bản và Philippines sẽ huấn luyện chung về hỗ trợ nhân đạo và thảm họa tại căn cứ không quân Clark, Philippines từ ngày 5-8/7. Đây là lần đầu tiên không quân hai nước tổ chức tập trận chung. Nhật Bản sẽ cử một máy bay C-130H cùng phi đội tham gia tập trận.

Xem thêm:

Đại sứ quán Nhật Bản tại Philippines ngày 1/7/2021: First Air-to-Air Bilateral Training on Humanitarian Assistance and Disaster Relief between Japan Air Self-Defense Force and the Philippine Air Force

Phó Thủ tướng Việt Nam điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ

Ngày 1/7/2021, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc điện đàm trao đổi về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm như an ninh hàng hải, khu vực sông Mekong, đối phó với biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, khắc phục hậu quả chiến tranh, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, Biển Đông…

Theo thông báo của phía Mỹ, ông Sullivan “nhấn mạnh cam kết của chính quyền Biden – Harris đối với vai trò trung tâm của ASEAN và vai trò quan trọng của ASEAN trong kiến trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cam kết rằng chính quyền sẽ tiếp tục tiếp xúc cấp cao với Việt Nam và các đối tác trong khu vực”.

Xem thêm:

Thế giới & Việt Nam ngày 1/7/2021: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan

Nhà Trắng ngày 1/7/2021: Statement by NSC Spokesperson Emily Horne on National Security Advisor Jake Sullivan’s Call with Deputy Prime Minister Pham Binh Minh of Vietnam

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 1/7/2021: Tuyên bố của Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Emily Horn về cuộc điện đàm giữa Cố vấn An ninh Quốc gia và Phó Thủ tướng Việt Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Ấn Độ điện đàm

Ngày 1/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh đã có cuộc điện đàm. Hai bên đã đánh giá kết quả hợp tác từ năm 2020 đến nay, cũng như thống nhất các biện pháp hợp tác trong thời gian tới. Hai bên cũng đã nhất trí khởi động hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp – kỹ thuật quốc phòng.

Xem thêm:

Quân đội nhân dân ngày 1/7/2021: Bộ trưởng Phan Văn Giang điện đàm trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ

India Today ngày 1/7/2021: Defence Minister Rajnath Singh speaks to Vietnamese counterpart, accepts invitation to visit Vietnam

Mỹ dừng cấp học bổng quân sự cho Campuchia

Theo người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh Arend Zwartjes, Campuchia sẽ không còn được tham gia chương trình học bổng tại các trường quân sự hàng đầu của Mỹ. Nguyên nhân được cho là những bất đồng giữa hai nước về sự hiện diện của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream.

“Do Campuchia cắt giảm hợp tác trong nhiều lĩnh vực hợp tác quân sự song phương truyền thống, nước này mất quyền tham gia chương trình”, ông Zwartjes nói.

Hiện 6 học viện Campuchia đang học tại các học viện quân sự của Mỹ. Nếu họ hoặc chính phủ Campuchia trả tiền, họ sẽ tiếp tục được học đến khi tốt nghiệp.

Người phát ngôn của chính phủ Campuchia Phay Siphan gọi quyết định của Mỹ giống như “cấm vận những người trẻ Campuchia yêu nước Mỹ” và thúc giục sinh viên muốn đi du học tìm kiếm quốc gia khác.

Xem thêm:

Phnom Penh Post ngày 1/7/2021: US dangles cash for Cambodian cadets

South China Morning Post ngày 2/7/2021: Cambodia cut from US military scholarship programme due to China ties

Mỹ trừng phạt thêm 22 cá nhân Myanmar

Ngày 2/7/2021, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này đã trừng phạt thêm 22 cá nhân Myanmar do liên quan đến cuộc chính biến đầu tháng 2. Những cá nhân này bao gồm 3 thành viên Hội đồng Hành chính Quốc gia (SAC), bốn bộ trưởng được chính quyền quân sự bổ nhiệm và 15 người là vợ hoặc con của các quan chức quân sự đã bị trừng phạt trước đó. Ngoài ra, Mỹ cũng đưa hai công ty có liên quan đến quân đội Myanmar vào danh sách trừng phạt.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/7/2021: The United States Takes Further Actions against the Burmese Military Regime

Sheridan Prasso: Mỹ đứng trước nguy cơ thiệt hại khi thúc ép Việt Nam về thương mại

Trong bài viết trên Bloomberg, tác giả chỉ ra dù chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump thúc ép Việt Nam trao nhiều dự án khí hóa lỏng (LNG) cho các công ty Mỹ, một số dự án không được thực thi. Nguyên nhân đến từ vấn đề tài chính, nguồn cung cấp và cả việc một số nhà đầu tư thiếu thông tin về năng lực. Các nhà đầu tư cần được bảo đảm về việc mua bán và về giá, nhưng Việt Nam không muốn làm điều này. Tác giả cho rằng dù việc mua LNG của Mỹ có ý nghĩa chiến lược với Việt Nam khi các tàu vận chuyển LNG được Hải quân Mỹ bảo vệ, Việt Nam sẽ tìm đến các nguồn cung gần hơn và rẻ hơn như Qatar, Australia hay Malaysia. Trong bối cảnh này, các công ty không phải của Mỹ là bên hưởng lợi.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 2/7/2021: The U.S. Risks Losing Out From Its Own Trade Push in Vietnam

—–

VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

Giới học giả bày tỏ quan ngại về chính sách của Mỹ với ASEAN

Trong bài viết có tựa đề “A Confused Biden Team Risks Losing Southeast Asia” trên Foreign Policy, học giả James Crabtree cho rằng sau 6 tháng cầm quyền của Tổng thống Biden, những hy vọng ban đầu đã rút lui ở Đông Nam Á để nhường chỗ cho sự thất vọng.

Theo ông, quan hệ giữa Mỹ và Đông Nam Á đang tồn tại 3 vấn đề chính. Đầu tiên và rõ ràng nhất, Mỹ thiếu một kế hoạch kinh tế cho khu vực. Thứ hai, ông Biden không gửi đi tín hiệu nào được Đông Nam Á hưởng ứng. Thứ ba và quan trọng nhất, nếu Mỹ càng thúc ép Trung Quốc mạnh mẽ, quan hệ của Mỹ với các nước ASEAN càng khó khăn.

Tác giả cho rằng vấn đề mà ông Biden đang phải đối mặt đến từ chính sự thiếu an ninh của Đông Nam Á. Khu vực này mong Mỹ can dự nhiều hơn, nhưng lại lo lắng khi Mỹ cho thấy dấu hiệu của việc can dự. Theo tác giả, nếu chính quyền của Tổng thống Joe Biden không thể chú tâm trở lại đến khu vực này, uy tín của Washington sẽ suy giảm và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ gia tăng.

Trong khi đó, trong cuộc trao đổi trên Conversation Six, hai học giả Lê Thu Hường và Greg Poling bày tỏ quan ngại về vai trò của ASEAN. Theo ông Poling, Mỹ đang dần nhìn nhận ASEAN như một tổ chức không thể đương đầu với những vấn đề lớn. Do đó, Mỹ sẽ tập trung vào hợp tác với nhóm Bộ Tứ, các nước châu Âu hay từng quốc gia Đông Nam Á như Singapore và Việt Nam. Ông cũng cho rằng một số quốc gia ngoài khu vực, trong đó có Mỹ, đã nản lòng với ASEAN và coi khối này là trở ngại hơn là cơ hội.

Xem thêm:

Foreign Policy ngày 27/6/2021: A Confused Biden Team Risks Losing Southeast Asia

Bản ghi cuộc trao đổi giữa hai học giả Lê Thu Hường và Greg Poling trên Conversation Six tại đây

Linh Phạm: Trung Quốc là chìa khóa cho thành công của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng mặt trời

Tác giả cho rằng nguyên vật liệu, kỹ thuật và vốn của Trung Quốc là chìa khóa cho thành công của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Tuy vậy, Trung Quốc cũng đang đầu tư vào cả ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam, giống với xu hướng toàn cầu của các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc.

Xem thêm:

China Dialogue ngày 30/6/2021: China key to Vietnam’s solar success

Hoàng Lan: Tàu tự hành – ngành công nghiệp kỹ thuật cao mới nổi của Trung Quốc và tác động đến tình hình Biển Đông

Qua phân tích chính sách và các thành tựu thực tiễn của Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu tàu thuyền không người lái, tác giả cho rằng dù chương trình tàu tự hành của Trung Quốc vẫn đang  ở giai đoạn đầu nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm và bước đầu hiện diện ở Biển Đông, Trung Quốc là nước có thế mạnh vượt trội ở lĩnh vực này. Theo tác giả, điều này sẽ khiến cục diện Biển Đông càng trở nên phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh quy định của luật pháp quốc tế vẫn còn nhiều lỗ hổng quanh khái niệm này.

Xem thêm:

Nghiên cứu Biển Đông ngày 30/6/2021: Tàu tự hành – ngành công nghiệp kỹ thuật cao mới nổi của Trung Quốc và tác động đến tình hình Biển Đông

Chuyên đề về tư duy Trung Quốc của Asan Forum

So với các phân tích phong phú về tư duy chiến lược của Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, thì phân tích về tư duy của Trung Quốc là rất ít, đặc biệt là đối với các đồng minh của Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo bị xem xét kỹ lưỡng về các lựa chọn chính sách của họ đối với Trung Quốc nhiều hơn so với việc Trung Quốc bị xem xét kỹ lưỡng về cách họ thúc đẩy các lựa chọn đó và đưa ra các lựa chọn chính sách của riêng mình. Vào tháng 3/2021, Diễn đàn Asan đã mở chuyên đề đặc biệt về tư duy Trung Quốc, đặc biệt là tư tưởng chiến lược của Tập Cận Bình thông qua những phát ngôn của ông.

Xem thêm:

Giới thiệu về series bài tại đây

Steve Tsang & Olivia Cheung: Sự trỗi dậy không bị cản trở: Chiến lược toàn cầu của Trung Quốc theo Tư tưởng Tập Cận Bình

Theo các tác giả, dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã phát triển chiến lược toàn cầu mới. Chiến lược này hướng đến việc đảm bảo sự trỗi dậy của Trung Quốc không bị ngắt quãng, trái ngược với chiến lược trỗi dậy hòa bình của Hồ Cẩm Đào.

Với việc trói buộc tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc và quyền lực của bản thân vào sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Tập đặt ra nhiệm vụ của Đảng là đảm bảo sự trỗi dậy này không bị ngắt quãng. Để thực hiện điều này, ông Tập sử dụng bốn biện pháp chính: xây dựng “sức mạnh quốc gia tổng hợp” dựa trên việc “tiếp sinh khí” cho Đảng, giúp nền kinh tế Trung Quốc có tính đổi mới sáng tạo, giúp người dân Trung Quốc tự hào về di sản và lịch sử của mình, cũng như sử dụng đòn bẩy kinh tế để khiến các quốc gia thân thiện, hoặc ít nhất là không thù địch, với Trung Quốc.

Xem thêm:

Asan Forum: Uninterrupted Rise: China’s Global Strategy According to Xi Jinping Thought

Gilbert Rozman: Chiến lược của Trung Quốc đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia trong thời kỳ Biden

Theo tác giả, Trung Quốc đang sử dụng giọng điệu khác nhau với ba đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Trung Quốc gay gắt với Australia, vừa hoan nghênh, vừa cảnh cáo ngầm với Hàn Quốc và tích cực với Nhật Bản.

Điều này trái ngược với cách tiếp cận của Trung Quốc vài năm trước, khi họ coi Nhật Bản là “quỷ” do yếu tố lịch sử và tranh chấp chủ quyền ở đảo Senkaku/Điếu Ngư, tranh chấp với Hàn Quốc về vấn đề lịch sử và THAAD, trong khi gọi Australia là đồng minh “thực tế” của Mỹ khi không xích mích với Trung Quốc.

Tuy vậy, từ năm 2017, thử tự đã đảo ngược hoàn toàn: Nhật Bản trở thành đối tác ưa thích, quan hệ với Hàn Quốc tốt lên dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, trong khi quan hệ với Australia rơi xuống vị trí cuối cùng.

Có 3 cách lý giải cho xu hướng này. Cách lý giải đầu tiên nằm ở đại dịch Covid-19: Trung Quốc khó chịu vì Hàn Quốc chỉ trích nước này và “không biết ơn”. Họ tức giận vì Australia yêu cầu điều tra nguồn gốc đại dịch. Trong khi đó, các hành động của Nhật Bản ít khiến Trung Quốc quan ngại hơn.

Cách lý giải thứ hai nằm ở “chủ nghĩa Trung Quốc trung tâm” (Sinocentrism). Trong năm 2015, lịch sử là nhân tố thúc đẩy chính: Nhật Bản là nhân vật phản diện chính, Hàn Quốc gợi nên ký ức về Chiến tranh Triều Tiên, còn Australia chưa từng làm nhục Trung Quốc trong lịch sử. Năm 2016-2017, Hàn Quốc trở thành mục tiêu chính do THAAD.

Cách lý giải thứ ba nằm ở việc nước nào tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ: Nhật Bản đầu thập niên 2010, Hàn Quốc với THAAD và Australia với nhóm Bộ Tứ cuối thập niên này.

Xem thêm:

Asan Forum: China’s Strategies toward South Korea, Japan, and Australia in the Biden Era

Jude Blanchette: Quá khứ là phần mở đầu: Trung Quốc sau Tập Cận Bình

Tác giả cho rằng việc dùng “lăng kính Tập Cận Bình” để nghĩ về tương lai Trung Quốc sẽ có nhiều hạn chế, khi có những lực đẩy có vai trò lớn hơn ông Tập. Đầu tiên, cách tiếp cận hiện tại của Trung Quốc về đối ngoại dường như là sự tiếp nối và phóng đại của thay đổi trong đại chiến lược Trung Quốc trong những năm 2006-2007. Đây là thời điểm nước này đánh giá lại các mối đe dọa, vị thế của Trung Quốc như một cường quốc đang trỗi dậy, sự thay đổi hướng tới cục diện đa cực và ý định của Mỹ với Trung Quốc. Thứ hai, thế kỷ sau đây có thể đem lại nhiều thách thức nhất cho Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1976. Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề dân số, trong khi việc đảm bảo chuỗi cung ứng cho các công ty Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn. Tác giả cho rằng Trung Quốc có thể quyết định tiếp tục cho những thay đổi về mô hình phát triển và cách tiếp cận trong các vấn đề quốc tế

Xem thêm:

Asan Forum: What’s Past Is Prologue: China After Xi

Rana Mitter: Thập niên quyết định của Trung Quốc 

Tác giả cho rằng thập niên 20 của thế kỷ 21 là thời kỳ mang tính cốt yếu với Trung Quốc, khi nước này biến đổi thành một quốc gia giàu hơn, già hơn và cạn kiệt tài nguyên hơn. Theo tác giả, ít có khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ, nhưng không chắc Trung Quốc sẽ mãi phát triển theo quỹ đạo hiện nay. Tác giả chỉ ra khi phải lựa chọn giữa tự do kinh tế và kiểm soát chính trị, Trung Quốc gần như sẽ lựa chọn kiểm soát chính trị.

Xem thêm:

World Politics Review ngày 29/6/2021: China’s Crucial Decade. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Michael Shoebridge: Đảng Cộng sản Trung Quốc 100 năm tuổi: Tiếp theo là gì?

Theo tác giả, cả 3 nhân tố tạo nên sự thịnh vượng của Trung Quốc đã chấm dứt dưới thời Tập Cận Bình: sự thay đổi so với hướng đi mà công cuộc cái cách của Đặng Tiểu Bình vạch ra, sự từ bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể và kế nhiệm, cũng như môi trường thế giới không còn thuận lợi. Do đó, thập kỷ sắp tới sẽ khó khăn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tác giả cho rằng Trung Quốc sẽ cần tăng cường an ninh nội bộ, thậm chí là những cuộc thanh trừng để bảo vệ quyền lực cho Tập Cận Bình.

Xem thêm:

Strategist ngày 3/7/2021: The 100-year-old Chinese Communist Party: what’s next?

Elena Yi-Ching Ho and Malcolm Davis: Vấn đề Đài Loan

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tuần tra tích cực của hải quân xung quanh Đài Loan và thường xuyên đưa máy bay chiến đấu vào vùng nhận diện phòng không Đài Loan. Gần đây nhất, 28 máy bay quân sự Trung Quốc đã đi vào vùng nhận diện phòng không phía tây nam Đài Loan. Các hoạt động trên có thể được hiểu là động thái gây sức ép nhằm buộc chính quyền Đài Bắc phải chấp nhận yêu cầu thống nhất theo các điều khoản của Bắc Kinh, ngăn cản Đài Loan tuyên bố độc lập đồng thời do thám khả năng quân sự của Đài Loan và gây sức ép lên các lực lượng sẵn sàng chiến đấu của hòn đảo này.

Trung Quốc hiện thiếu khả năng quân sự để đánh chiếm Đài Loan nhưng đang nhanh chóng phát triển phương tiện, vũ khí để làm điều đó. PLA hiện không đủ khả năng hậu cần và tàu đổ bộ nhưng có thể Trung Quốc sẽ dựa nhiều vào các yếu tố khác như lực lượng dân binh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có những lỗ hổng trong khả năng tiến hành các hoạt động chung có thể làm thất bại bất kỳ chiến dịch đổ bộ lên đảo nào đặc biệt trong bối cảnh Đài Loan đang phát triển khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của mình.

Xem thêm: 

The Strategist ngày 25/6/2021: China military watch

Báo cáo của China Power/CSIS về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc

Dựa trên số liệu thống kê của dự án Theo dõi Đầu tư Toàn cầu Trung Quốc (CGTI), China Power/CSIS đã phân tích các dự án đầu tư của Trung Quốc – thuộc hai lĩnh vực là đầu tư trực tiếp (FDI) và các dự án xây dựng – ở các khu vực khác nhau trên thế giới trong giai đoạn 2005-2019.

Một số điểm đáng chú ý được rút ra từ báo cáo:

– Bắc Mỹ và châu Âu là địa điểm chủ yếu nhận FDI của Trung Quốc, với Mỹ là quốc gia dẫn đầu. Lượng vốn FDI tăng dần và đạt đỉnh vào năm 2017, trước khi giảm mạnh vào 2 năm sau.

– Đầu thập niên 2010, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Bắc Mỹ và Tây Âu chủ yếu do nhu cầu an ninh năng lượng. Gần đây, Trung Quốc mở rộng sang việc tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp

– FDI của Trung Quốc vào châu Âu tập trung vào Tây Âu và Bắc Âu, trong khi các dự án xây dựng tập trung ở Nga và các nước Đông Âu khác.

– Ở châu Á và châu Đại Dương, Australia là nước nhận FDI nhiều nhất từ Trung Quốc, theo sau là Singapore, Indonesia, Kazakhstan, Malaysia. Nhật Bản và Hàn Quốc không thu hút nhiều FDI do không có nhiều tài nguyên thiên nhiên.

– Trong khi đó, đây là khu vực dẫn đầu về tiếp nhận các dự án xây dựng của Trung Quốc.

– Khu vực Mỹ Latinh đứng thứ ba về nhận FDI từ Trung Quốc. Tuy vậy, Trung Quốc không nằm trong danh sách 10 nhà đầu tư hàng đầu vào khu vực này. Trong khi đó, phần lớn hợp đồng xây dựng của Trung Quốc ở khu vực là trong lĩnh vực năng lượng.

– Trung Quốc đứng thứ 5 về đầu tư vào châu Phi trong năm 2018 với tốc độ tăng trưởng nhanh. Các công ty Trung Quốc không tập trung vào các địa điểm truyền thống như Bắc Phi mà hướng đến các địa điểm khác, trong đó có Tây Phi.

– So với FDI, các dự án xây dựng của Trung Quốc ở châu Phi lớn hơn nhiều. Điều này cho thấy châu Phi là ưu tiên trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Xem thêm:

Toàn văn báo cáo tại đây

Robert Francis & Roswell Lary: Chiến thắng trong cuộc chiến ngoại giao công chúng ở Biển Đông

Hai tác giả là sĩ quan trong lực lượng Hải quân Mỹ chỉ ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sử dụng chiến thuật “vùng xám” và lực lượng dân binh ở Biển Đông, sự hiện diện quân sự và chỉ trích về mặt ngoại giao của Mỹ và đối tác không có tác dụng. Trong khi đó, việc đưa tàu chiến của Mỹ hoặc các nước Đông Nam Á đến để giải quyết tranh chấp là chiến lược thất bại, khi chúng tạo ra nguy cơ leo thang căng thẳng và là thảm họa về quan hệ công chúng.

Hai tác giả đề xuất các nước cần buộc Trung Quốc phải trả giá cao về ngoại giao nếu tiếp tục hành động. Điều này cần được thực hiện qua một chiến lược dựa trên tiếng nói của những ngư dân bị ảnh hưởng bởi dân quân biển Trung Quốc, cũng như cho thấy lực lượng này là công cụ quân sự để thực thi yêu sách của Trung Quốc và phá hoại kế sinh nhai của ngư dân.

Theo các tác giả, các chính phủ trong khu vực như Philippines, Việt Nam… cần tổ chức những chiến dịch trên mạng xã hội, giúp ngư dân ghi lại hành vi quấy rối và gửi những video, hình ảnh và bài viết này đến truyền thông khu vực và thế giới. Các chiến dịch này có thể được tài trợ bởi các nước lớn như Mỹ và Nhật Bản.

Nếu các chiến dịch có thể tạo ra “câu chuyện” về những ngư dân có thu nhập thấp bị thiệt hại bởi dân quân biển Trung Quốc, các nước Đông Nam Á có thể chứng minh lực lượng này không chỉ là tàu cá và nhận được sự đồng cảm từ khu vực và thế giới.

Chiến dịch sẽ đưa Trung Quốc vào thế phải sử dụng vũ lực để chống lại ngư dân, hoặc không làm gì và chứng tỏ sự yếu đuối trong phản ứng.

Xem thêm:

Council on Foreign Relations ngày 1/7/2021: Winning the Public Diplomacy Battle in the South China Sea

Về  đề xuất ngân sách quốc phòng của chính quyền Biden 

Ngày 28/5/2021, Tổng thống Joe Biden đã gửi tới Quốc hội yêu cầu ngân sách năm 2022 tập trung vào các vấn đề trong nước như: chống Covid-19, giảm bất bình đẳng trong kinh tế, biến đổi khí hậu và đối ngoại là thách thức của Trung Quốc, Nga với Hoa Kỳ. Dự thảo đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều nhau.

Ashley Townshend, Giám đốc Chương trình Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Úc cho rằng dự thảo ngân sách quốc phòng của Biden sẽ khiến các đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lo lắng bởi những cắt giảm trong một số lĩnh vực và chi phí cho những vấn đề không liên quan tới Trung Quốc.

Cụ thể, đề xuất ngân sách Quốc phòng cho năm tài chính 2022 của chính quyền Biden là 752,9 tỷ USD tăng so với con số 740,8 tỷ USD của năm 2021. Trong đó 715 tỷ USD được dành cho Bộ Quốc phòng, trên danh nghĩa là tăng 1,6% so với con số 703,7 tỷ USD của năm 2021 nhưng thực tế là giảm 0,6% sau khi so sánh với chỉ số lạm phát. Các nội dung quan trọng trong đề xuất ngân sách quốc phòng 2022 là: kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, cắt giảm các lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu, giảm đầu tư cho không quân (từ 201 máy bay chiến đấu mới xuống còn 91), đề xuất ngân sách cho không gian mạng là 10,4 tỷ USD tăng 6% so với năm 2021. 

Trong khi đó, Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược tại Singapore lại cho rằng những thay đổi ngân sách của chính quyền mới cho thấy họ đang tìm cách tạo ra một cơ cấu lực lượng nhấn mạnh sự tinh vi và sẵn sàng về công nghệ hơn là việc mua tàu và máy bay mới. Dự thảo đã đề xuất khoản tiền kỷ lục 112 tỷ USD cho nghiên cứu, phát triển nhằm giúp Lầu Năm Góc tăng tốc khả năng phát triển các công nghệ, vũ khí mới; cắt giảm 8 tỷ USD cho mua sắm vũ khí mới; thu hẹp lực lượng hải quân so với mục tiêu 355 tàu chiến…

Tuy nhiên, Elaine Luria cho rằng dự thảo ngân sách làm giảm khả năng của Hải quân và Không quân – những lực lượng có vai trò to lớn trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở Tây Thái Bình Dương – trong việc ứng phó với các mối đe dọa trong khu vực đó. Trong khi đó, ngân sách hứa hẹn những vũ khí vẫn còn đang trong giai đoạn chưa phát triển và có thể mất hàng thập kỷ để đưa vào hạm đội.

Xem thêm:

United States Studies Centre ngày 23/6/2021: Biden’s defense budget will worry America’s Indo-Pacific allies

International Institute for Strategic Studies, ngày 18/6/2021: The Biden administration’s first defence budget. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

The Wall Street Journal ngày 5/7/2021: Does the Pentagon Take China Seriously?. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

—–

VIII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Furqan Khan (2021) Regional Comprehensive Economic Partnership and China’s Geopolitical Checkmate in the Indo-Pacific Region

Journal of Indo-Pacific Affairs, Summer 2021

Tác giả cho rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa giải quyết trình trạng chồng chéo giữa các hiệp định thương mại tự do (hiệu ứng bát mì – Noodle Bowl Effect), vừa cho Trung Quốc cơ hội đưa các nền kinh tế khu vực vào quỹ đạo của mình, qua đó ngăn các nước chống đối sự trỗi dậy của nước này tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong khi đó, RCEP làm các đồng minh và đối tác chủ chốt của Mỹ rơi vào thế “mơ hồ về chiến lược” và làm giảm tín nhiệm của Mỹ trong những nỗ lực kiềm chế Trung Quốc.

Xem toàn văn nghiên cứu tại đây

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

One thought on “Bản Tin Biển Đông Số 70

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.