Bản Tin Biển Đông Số 69

(Tuần từ 21 – 28/06/2021)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Trần Phạm Bình Minh, Lưu Việt Hà

Biên tập: Nguyễn Hồng Thao

Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Nhóm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ tiến vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào cuối mùa hè này thay thế cho nhóm tàu tấn công Ronald Reagan hiện diện thường trực trong khu vực.

Tải Bản PDF ở

———-

Trong Bản Tin Biển Đông Số 69 có những nội dung sau:

I- LẬP BẢN ĐỒ THAM VỌNG TRUNG QUỐC – PHẦN III: HƯỚNG TỚI MỘT HỆ SINH THÁI DỮ LIỆU CỦA CHÍNH PHỦ

II- HỘI NGHỊ CẤP CAO TRỰC TUYẾN KHU VỰC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG VỀ HỢP TÁC VÀNH ĐAI & CON ĐƯỜNG

III- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

VI- QUAN HỆ HOA KỲ – TRUNG QUỐC

VII- QUAN HỆ AUSTRALIA-TRUNG QUỐC

VIII- HOA KỲ – NGA – TRUNG QUỐC

IX- LUẬT QUỐC TẾ

X- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

XI- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

———-

I- LẬP BẢN ĐỒ THAM VỌNG TRUNG QUỐC – PHẦN III: HƯỚNG TỚI MỘT HỆ SINH THÁI DỮ LIỆU CỦA CHÍNH PHỦ

Jamie Burnham là thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Belfer về Khoa học và Các vấn đề Quốc tế của Trường Kennedy Harvard, nơi ông đang khám phá cách công nghệ kỹ thuật số thay đổi tình báo chính trị và hoạch định chính sách. Là một nhà ngoại giao Anh, ông đã phục vụ khắp châu Phi và Trung Đông, với quan tâm đặc biệt trong chủ đề phổ biến công nghệ vũ khí và khả năng tự cường của các quốc gia mong manh. Đây là phần thứ ba trong chuỗi bài ông viết về chủ đề lập bản đồ tham vọng của Trung Quốc. (Mời xem phần thứ nhất ở Bản Tin Biển Đông Số 66 và phần thứ nhì ở Bản Tin Biển Đông số 67). Do tính bản quyền nghiêm ngặt và nội dung bài viết được đồng nghiệp chia sẻ trong danh sách thư tín nội bộ, chúng tôi chỉ có thể giới thiệu bản dịch toàn văn, và cung cấp bản tiếng Anh toàn văn cho các nhà tài trợ và những ai cần cho công việc. Email liên hệ: sukybiendong@gmail.com

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông là một dự án nghiêm túc với nhiều thành viên và cộng tác viên xuất hiện công khai với tên tuổi thật. Bởi vậy chúng tôi rất tiếc sẽ không thể hồi âm những địa chỉ email giả, hay những trao đổi không nghiêm túc, hoặc đã không đọc những hướng dẫn của chúng tôi trước khi yêu cầu chia sẻ tư liệu. Trên thực tế, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã đáp ứng hàng nghìn yêu cầu chia sẻ tư liệu từ nhiều năm qua và chỉ từ chối một số ít với những lý do trên. 

——-

Kiến thức không có giá trị gì nếu nó không được sử dụng. Khả năng phân tích dữ liệu phải hoạt động như một phần của hệ thống sinh thái dữ liệu rộng hơn của Chính phủ. Đánh giá tổng hợp về an ninh quốc gia của Anh thừa nhận rằng năng lực kinh tế, an ninh và ảnh hưởng của nhà nước có thể mang lại lợi thế bổ sung trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược. Nó công nhận rằng khi “khối lượng dữ liệu tăng theo cấp số nhân, thì khả năng tạo và sử dụng dữ liệu đó để thúc đẩy sự đổi mới sẽ là một yếu tố quan trọng tạo nên lợi thế chiến lược.”

Năng lực phân tích về Trung Quốc phải được coi là đóng góp cái nhìn sâu và kiến thức cho các quyết định ở cấp độ chính sách và hành động trên một loạt các chức năng an ninh và tình báo. Các yêu cầu cốt lõi có thể là, ví dụ, cung cấp thông tin vào các môi trường không bảo mật để cho phép can thiệp sớm vào các quyết định đầu tư trực tiếp nước ngoài hay các lệnh kiểm soát xuất khẩu hoặc có thể chỉ là để hiểu được năng lực tự chủ của chuỗi cung ứng vắc xin. Trong môi trường bảo mật, dữ liệu có thể được kết hợp với các hệ thống thu thập khác để theo dõi tác động đến năng lực quân sự hoặc thông báo cho các cuộc điều tra phản tình báo. Tích hợp dữ liệu vào một hệ thống rộng lớn hơn là một phần thách thức công nghệ (sử dụng cổng API) nhưng cũng đòi hỏi sự hợp tác xuyên qua ranh giới thể chế để xác định vấn đề và xây dựng mô hình.

Thông tin tình báo từ lâu đã được cung cấp dưới dạng báo cáo: các tuyên bố ngắn gọn, linh hoạt cung cấp cho các bộ trưởng và các nhà hoạch định chính sách những hiểu biết kịp thời về đối thủ. Giấy vẫn là đơn vị cơ bản của thông tin tình báo. Tuy nhiên, những người ra quyết định khác nhau sử dụng dữ liệu theo những cách khác nhau. Ví dụ, một chỉ huy quân sự sẽ coi trọng tốc độ và độ chính xác của thông tin trong một tình huống chiến thuật. Trong khi một bộ trưởng quốc phòng sẽ coi trọng hơn khả năng có thể truy cập một bảng dữ liệu để xác định chi tiêu cho các năng lực mới. Trong việc xây dựng hệ thống thông tin, việc trình bày và trực quan hóa dữ liệu cũng là một kỹ năng quan trọng như việc soạn thảo một báo cáo tình báo. Các loại sản phẩm có thể hữu ích cho những người ra quyết định của chính phủ có thể bao gồm:

Đánh giá Rủi ro Đầu tư. Một công ty đầu tư có đăng ký tại Quần đảo Cayman đang tìm cách nắm cổ phần trong một công ty công nghệ của Anh. Chính phủ sẽ muốn hiểu hành vi đã biết trước đây của công ty đầu tư, các  liên hệ của công ty với nhà nước Trung Quốc và liệu công nghệ có phải là mục tiêu thâu tóm hay không.

Đánh giá Chuỗi Cung ứng. Một cơ sở sản xuất vắc xin có mạng lưới các nhà cung cấp toàn cầu. Chính phủ Anh muốn hiểu nguồn cung cấp vắc xin trong tương lai sẽ phụ thuộc thế nào vào nhà nước Trung Quốc.

Hỗ trợ Can thiệp ở Nước ngoài. Cổ đông chính của một công ty bán dẫn Anh được đăng ký tại Canada. Một quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đang tìm kiếm phần lớn cổ phần của chủ sở hữu người Canada. Chuyển giao công nghệ sẽ hỗ trợ năng lực quân sự của Trung Quốc. Mạng lưới ngoại giao Anh sẽ cần thông tin để hỗ trợ cho việc can thiệp với chính phủ Canada.

Can thiệp và làm gián đoạn 

Chính phủ Vương quốc Anh đang phát triển một loạt các phản ứng chính sách nhằm hỗ trợ cải thiện năng lực tự cường của quốc gia, chẳng hạn như luật quản lý đầu tư hướng nội. Những phản ứng này sẽ cần thiết, nhưng có lẽ không đủ. Giảm thiểu rủi ro của các hành vi của Trung Quốc có thể cần các biện pháp can thiệp có tính mục tiêu và gây gián đoạn mà làm giảm  năng đối đầu. Những biện pháp can thiệp này có thể cần đến các năng lực cụ thể của cộng đồng tình báo hoặc được công khai. Chúng phải hợp pháp, cần thiết và tương xứng và chịu sự giám sát của các bộ trưởng. Chúng có thể bao gồm sự can thiệp của luật pháp hoặc quy định hoặc sử dụng mạng lưới ngoại giao toàn cầu để cho phép hành động ở các khu vực pháp lý ở nước ngoài, ví dụ như hợp tác với Bộ Tài chính Hoa Kỳ.

Tác động có thể tăng lên nếu các năng lực của Trung Quốc được nhìn nhận như là những mạng lưới với các nút phụ thuộc lẫn nhau, thay vì là các thực thể độc lập. Các nguyên tắc về gián đoạn mạng lưới được thiết lập tốt trong việc chống lại các đội quân hoặc mạng lưới khủng bố nhưng chưa được áp dụng cho những năng lực thâu tóm của Trung Quốc. Nó đòi hỏi một cách tiếp cận phân tích để xác định các lỗ hổng dễ bị tổn thương trong hệ thống của đối thủ. Bằng cách tương tự, một nhà lãnh đạo sẽ tìm cách loại bỏ ong chúa khỏi một tổ ong hơn là đuổi hàng nghìn con ong thợ. ‘Phương pháp Đánh giá Tính dễ bị tổn thương’ của tập đoàn RAND cung cấp một mẫu hữu ích cho phân tích có cấu trúc. Nó ủng hộ việc sử dụng các nguyên tắc của Carver để cung cấp đánh giá  số các phần tử khác nhau của một mạng lưới.

—–

II- HỘI NGHỊ CẤP CAO TRỰC TUYẾN KHU VỰC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG VỀ HỢP TÁC VÀNH ĐAI & CON ĐƯỜNG 

Ngày 23/6/2021, Hội nghị cấp cao trực tuyến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về hợp tác Vành đai và Con đường đã diễn ra dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đại diện Việt Nam tham dự hội nghị.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc nguyện cùng các quốc gia cùng xây dựng “Vành đai và Con đường” có chất lượng cao. Ông đề xuất 4 điểm: tiếp tục làm sâu sắc thêm hợp tác về vaccine, tiếp tục tăng cường hợp tác về kết nối, tiếp tục thúc đẩy hợp tác về phát triển xanh, tiếp tục thúc đẩy tự do thương mại trong khu vực và trên toàn cầu.

Hội nghị đã thông qua “Sáng kiến đối tác Vành đai và Con đường về hợp tác vaccine COVID-19” và “Sáng kiến đối tác Vành đai và Con đường về phát triển xanh”.

 Bên cạnh các nước Đông Nam Á là Việt Nam, Singapore, Indonesia, Lào, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Brunei, Campuchia, Myanmar, các quốc gia tham gia “Sáng kiến đối tác Vành đai và Con đường về hợp tác vaccine COVID-19” còn bao gồm: Afghanistan, Bangladesh, Chile, Trung Quốc, Colombia, Fiji, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Maldives, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Ả Rập Saudi, Quần đảo Solomon, Sri Lanka, Tajikistan, Turkmenistan, UAE, Uzbekistan.

Trong tuyên bố chung, các quốc gia cam kết:

– Tăng cường truyền thông chính sách quản lý vắc xin.

– Khuyến khích các nước sản xuất vắc xin đủ điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thêm vắc xin cho COVAX.

– Thúc đẩy tài trợ hoặc xuất khẩu vắc xin giá rẻ sang các nước đang phát triển.

– Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển vắc xin, bao gồm cả chuyển giao công nghệ.

– Thúc đẩy thiết lập quan hệ đối tác sản xuất vắc xin chung.

– Khuyến khích các ngân hàng đa phương tài trợ cho việc phát triển vắc xin.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 23/6/2021: Keynote Speech by H.E. State Councilor and Foreign Minister Wang Yi At Asia and Pacific High-level Conference on Belt and Road Cooperation

Báo Tin tức ngày 23/6/2021: Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị cao cấp về hợp tác Vành đai và Con đường

Tân Hoa Xã ngày 24/6/2021: Chinese FM chairs high-level meeting of BRI Asia-Pacific region

Nhân dân Nhật báo ngày 24/6/2021: Chinese president calls for building closer Belt and Road partnership

Nhân dân Nhật báo ngày 25/6/2021: 王毅主持一带一路亚太区域国际合作高级别视频会议

Toàn văn “Sáng kiến đối tác Vành đai và Con đường về hợp tác vaccine COVID-19” tại đây

Toàn văn Sáng kiến đối tác Vành đai và Con đường về phát triển xanh tại đây

—–

III- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Anh, Hàn Quốc thăm Việt Nam

Theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui Yong và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã đến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM). Đây là các Bộ trưởng Ngoại giao nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam trong năm 2021.

Xem thêm:

Thế giới & Việt Nam ngày 18/6/2021: Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Hàn Quốc, Singapore thăm chính thức Việt Nam và dự Đối thoại chính sách cao cấp ASEM tại Hà Nội

Vietnamnet ngày 21/6/2021: Bộ trưởng Ngoại giao Singapore thăm Việt Nam

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 22/6/2021: Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc thăm Việt Nam

Báo Thế giới & Việt Nam ngày 22/6/2021: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab

Channel News Asia ngày 23/6/2021: Singapore, Vietnam discussing ways to prepare for resumption of travel for business and to ‘selected’ tourism sites

Yonhap ngày 23/6/2021: FM Chung calls for Vietnam’s cooperation in addressing difficulties facing Korean businesspeople

Chính phủ Anh ngày 22/6/2021: Foreign Secretary visits Vietnam to strengthen bilateral ties and cooperation on trade and global challenges

Đối thoại chính sách cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM)

Ngày 22/6, Đối thoại chính sách cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) với chủ đề “25 năm thành lập ASEM – Tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á – Âu trong một thế giới đang thay đổi” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn. Tham dự đối thoại có các Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Anh, Hàn Quốc trực tiếp từ Hà Nội; Campuchia, Lào, Nga; Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu; Thứ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha theo hình thức trực tuyến và đại diện các cơ quan chính phủ, giới học giả, doanh nghiệp và tổ chức xã hội từ 53 nước thành viên ASEM và các tổ chức quốc tế.

Với mục tiêu là góp phần xây dựng một tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác Á – Âu, Đối thoại đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Những chuyển biến lớn trong tình hình thế giới và hai châu lục; các yếu tố và xu thế mới tác động đến quan hệ đối tác Á – Âu trong thập kỷ tới; Vai trò của hợp tác Á – Âu trong giải quyết các thách thức toàn cầu, củng cố hợp tác đa phương, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm;  Tầm nhìn của hợp tác Á – Âu trong giai đoạn tới.

Xem thêm:

VOV ngày 22/6/2021: Đối thoại chính sách cao cấp ASEM: Xây dựng một tầm nhìn mới

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thăm 3 nước ASEAN

Từ ngày 21-24/6, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã có chuyến thăm tới 3 nước ASEAN: Việt Nam, Campuchia và Singapore. Đây là chuyến thăm thứ 5 của ông Raab trên cương vị Ngoại trưởng Anh. Theo website của chính phủ Anh, chuyến thăm này tập trung vào các lĩnh vực thương mại, quốc phòng và an ninh.

Bình luận

Bình luận về chuyến thăm, học giả Joseph Liow tại Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore (NTU) cho rằng chuyến thăm đã “thể hiện sức nặng” cho tham vọng của nước Anh, cũng như củng cố vị thế của Anh trong thương mại toàn cầu sau Brexit.

Trong khi đó, giáo sư Wang Jiangyu tại Đại học Thành thị Hong Kong cho rằng ông Raab đến khu vực này để vận động sự ủng hộ giúp Anh gia nhập CPTPP.

Học giả Alan Chong tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) cho rằng việc ông Raab đến thăm một quốc gia Cộng sản như Việt Nam chứng tỏ cách tiếp cận “rất thực dụng” của London, trong khi Việt Nam có thể cho Trung Quốc thấy nước này sẵn sàng phát triển quan hệ với các cường quốc ngoài khu vực như Anh nếu tranh chấp ở Biển Đông tiếp diễn.

Xem thêm:

Chính phủ Anh ngày 21/6/2021: Foreign Secretary visits South East Asia to boost trade and defence links

South China Morning Post ngày 24/6/2021: Raab’s Asean trip highlights UK’s plan to reinvent itself by shifting trade and foreign policy focus, analysts say

Thủ tướng Việt Nam – Đức điện đàm

Ngày 22/6/2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm. Trong cuộc điện đàm, hai bên đã trao đổi về việc làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và thúc đẩy quan hệ kinh tế, cũng như về đại dịch Covid-19, khí hậu, năng lượng và các vấn đề quốc tế – khu vực cùng quan tâm.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và thượng tôn pháp luật là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế; nhất trí thúc đẩy các bên thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Xem thêm:

Báo Tin tức ngày 22/6/2021: Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel

Phủ Thủ tướng Đức ngày 22/6/2021: Bundeskanzlerin Merkel telefoniert mit dem vietnamesischen Premierminister Pham Minh Chinh

Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ quan điểm về một số vấn đề liên quan đến Biển Đông

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 24/6, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã đưa ra bình luận của Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Trả lời câu hỏi về sự hiện diện trái phép của tàu trinh sát và máy bay quân sự Trung Quốc ở khu vực Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, bà Hằng tuyên bố: Như đã khẳng định nhiều lần, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông, có đóng góp thiết thực và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông”.

Trả lời câu hỏi về việc chính quyền tỉnh Hải Nam triển khai dự án gắn thẻ tên nhằm ghi nhận các loài thực vật ở quần đảo Hoàng Sa, bà Hằng tuyên bố: Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 24/6/2021: Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 11 năm 2021

Hải quân Việt Nam – Trung Quốc tuần tra chung

Ngày 24-25/6, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Hải quân Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tuần tra liên hợp lần thứ 30. Đội hình tuần tra hai bên gồm: Biên đội tàu 266, 267 thuộc Vùng 1 Hải quân Việt Nam và Biên đội tàu 520, 552 thuộc Chi đội tàu hộ vệ số 18, Căn cứ Quảng Châu, Hải quân Trung Quốc. Chuyến tuần tra có hải trình gần 300 hải lý nhằm phối hợp luyện tập các nội dung: Trao đổi thông tin, thông báo mục tiêu tìm kiếm cứu nạn, luyện tập trao đổi thông tin.

Xem thêm:

Báo Hải quân Việt Nam ngày 26/6/2021: Hải quân Nhân dân Việt Nam và Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tuần tra liên hợp lần thứ 30

Malaysia dự định mua máy bay chiến đấu mới

Theo Defense News, Bộ Quốc phòng Malaysia đang tìm mua 18 máy bay chiến đấu hạng nhẹ – huấn luyện để thay thế các máy bay cũ.

Trước đó, năm 2018, Malaysia đã yêu cầu thông tin từ nhiều nhà sản xuất dòng máy bay này. Lực lượng này nhận được câu trả lời từ 8 nhà sản xuất: Boeing T-7 Red Hawk, KAI FA-50 của Hàn Quốc, Leonardo M-346 Master của Italia, HAL Tejas của Ấn Độ, PAC JF-17 Thunder của Trung Quốc/Pakistan, Hongdu (Hồng Đô) L-15 của Trung Quốc, Yakolev Yak-130 của Nga và Aero Vodochody L-39NG của CH Séc.

Động thái của Malaysia diễn ra sau khi 16 máy bay Trung Quốc bay đến gần bờ biển Malaysia cuối tháng 5.

Xem thêm:

Defense News ngày 22/6/2021: After unwanted flights over the South China Sea, Malaysia looks for new aircraft

Indonesia và Mỹ khởi công trung tâm huấn luyện hàng hải

Ngày 25/6/2021, Indonesia và Mỹ đã khởi công xây dựng trung tâm huấn luyện hàng hải trị giá 3,5 triệu USD cho Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla) ở Batam, quần đảo Riau. Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim gọi đây là “một phần nỗ lực chung của hai nước để củng cố an ninh trong khu vực”.

Xem thêm:

Jakarta Post ngày 25/6/2021: Indonesia, US set up $3.5m maritime training center

Reuters ngày 26/6/2021: Indonesia, U.S break ground on joint strategic maritime centre

Bộ Ngoại giao Mỹ mở đường cho Philippines mua F-16,  tên lửa từ Mỹ

Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua việc bán máy bay chiến đấu F-16 cũng như tên lửa Sidewinder và Harpoon cho Philippines trong ba thương vụ riêng biệt với tổng giá trị hơn 2,5 tỷ USD. Các nguồn tin cho biết, Philippines đang tìm mua máy bay chiến đấu đa năng mới và đang cân nhắc giữa F-16 và Saab AB’s Gripen; Manila có thể đang cố gắng đàm phán mua 12 máy bay F-16 và các vũ khí chiến thuật khác trị giá 2,43 tỷ USD.

Chiều thứ Năm, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ (DSCA) công bố cho phép quốc gia Đông Nam Á mua: 10 máy bay F-16C Block 70/72 và 2 máy bay F-16D Block 70/72 do Lockheed Martin Co. chế tạo; 15 radar Northrop Grumman AN / APG-83; 24 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến Raytheon AIM-120 thuộc biến thể C-7 hoặc C-8; bộ dụng cụ dẫn đường GPS/ laser; các thiết bị liên kết và hỗ trợ. Tuy nhiên, các thông báo DSCA không đảm bảo rằng việc mua bán sẽ xảy ra vì cần được Quốc hội chấp thuận và hai bên vẫn còn có thể thương lượng về giá cả và số lượng vũ khí.

Trong một thông báo khác được đưa ra cùng thời điểm, DSCA đã đề nghị Philippines mua 24 tên lửa không đối không AIM-9X Block II Sidewinder của Raytheon Technologies và 12 tên lửa chống hạm Boeing AGM-84L-1 Harpoon Block II, trị giá lần lượt khoảng 42,4 triệu USD và 120 triệu USD.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tìm cách gia hạn với Philippines về sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại nước này sau khi Philippines một lần nữa đình chỉ thêm 6 tháng Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA).

Xem thêm:

Defense News ngày 25/6/2021: Philippines gets approval for F-16, missile buy worth over $2 billion

Aljazeera ngày 25/6/2021: US approves possible sale of F-16s, missiles to the Philippines

Đại sứ quán Trung Quốc chỉ trích Việt Nam không thực hiện thỏa thuận về vaccine

Ngày 26/6/2021, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phát thông cáo, cho rằng kế hoạch phân bố vaccine Sinopharm của Việt Nam – không được tham vấn trước với Trung Quốc – vi phạm đồng thuận giữa hai nước về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine. Theo Đại sứ quán Trung Quốc, cơ quan này đã bày tỏ quan ngại, và các cơ quan chức năng Việt Nam đã rút lại kế hoạch.

Global Times dẫn lời một công dân Trung Quốc họ Mã tại TP.HCM cho rằng ông “không tin tưởng” Việt Nam sẽ giữ lời hứa. Tờ báo này cho biết vụ việc này đã được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc, trong đó nhiều cư dân mạng đã chỉ trích Việt Nam vì thất hứa.

Theo South China Morning Post, trong ngày 25/6, hashtag “Việt Nam không thực hiện lời hứa” đã được xem hơn 450 triệu lượt trên nền tảng Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc.

Xem thêm:

Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng ngày 24/6/2021: 中国驻越南使馆领侨处负责人就中越疫苗合作有关问题发表谈话

Global Times ngày 25/6/2021: Vietnam agrees to fulfill promise to first inoculate Chinese with China-donated vaccines

South China Morning Post ngày 25/6/2021: Vietnam to give Chinese nationals priority for Covid-19 jabs after complaint, embassy says

—–

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 100 thành lập Đảng 

Theo Global Times đưa tin hồi cuối tháng 3/2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức buổi lễ lớn nhằm kỷ niệm 100 thành lập vào ngày 1/7/2021. Một số hoạt động kỷ niệm bao gồm: Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu, trao huân chương “Mùng 1 tháng 7” cho những đảng viên có đóng góp đặc biệt, giáo dục lịch sử đảng, triển lãm quy mô lớn, phát hành tài liệu tuyên truyền, mở cửa một số địa điểm quân sự. Tuy vậy, Trung Quốc sẽ không tổ chức duyệt binh.

Xem thêm:

Global Times ngày 23/3/2021: CPC to hold grand ceremony marking 100th founding anniversary, award outstanding members

Trung Quốc sẽ giữ hạn chế biên giới vì đại dịch thêm một năm nữa

Bắc Kinh đang có kế hoạch duy trì các hạn chế biên giới trong ít nhất một năm nữa khi các quan chức lo ngại về sự xuất hiện của các biến thể mới và lịch các sự kiện nhạy cảm, mặc dù chiến dịch tiêm chủng trong nước đã đạt được một tỷ liều, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin từ những người được cho là biết về vấn đề này cho biết.

Thái độ thận trọng được thúc đẩy bởi hai sự kiện mà các quan chức Trung Quốc muốn sẽ diễn ra vào năm tới mà không gặp trở ngại: Đó là Thế vận hội Mùa đông vào tháng Hai và cuộc chuyển giao quyền lực thập kỷ trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm. CDC Trung Quốc cho biết họ đang nghiên cứu hiệu quả (effectiveness) của các liều bổ sung, bao gồm cả các mũi tiêm nhắc lại bằng vắc xin trong nước cũng như của BioNTech.

Xem thêm:

The Wall Street Journal ngày 22/6/2021: China to Keep Covid-19 Border Restrictions for Another Year. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Tập Cận Bình gửi thư cho lưu học sinh nước ngoài tại Trung Quốc

Trong bức thư ngày 21/6/2021 hồi đáp các lưu học sinh nước ngoài tại Đại học Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khuyến khích lưu học sinh hiểu sâu hơn về Trung Quốc, chia sẻ suy nghĩ và trải nghiệm của mình với nhiều người hơn và đóng vai trò chủ động trong thúc đẩy tình hữu nghị giữa các quốc gia.

Trước đó, 45 lưu học sinh tại Đại học Bắc Kinh đã viết thư cho ông Tập Cận Bình để chúc mừng 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 22/6/2021: Xi Focus: Xi replies to letter from overseas students at Peking University

Giới sử học Trung Quốc tranh luận về “chủ nghĩa hư vô lịch sử”

Dư luận Trung Quốc đã nổi lên cuộc tranh luận hiếm có khi một bài giảng của nhà sử học nổi danh Cát Kiếm Hồng (Ge Jianxiong) tháng 1/2021 lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong bài giảng này, giáo sư Cát lập luận rằng phiên bản lịch sử chính thức đã được sử dụng làm công cụ để duy trì tính chính danh của các nhà cầm quyền trong hàng nghìn năm qua, và điều này vẫn đúng ngày nay.

Một slide của ông có dòng chữ “Phản đối chủ nghĩa hư vô lịch sử, bảo đảm tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. “Chủ nghĩa hư vô lịch sử” là khái niệm được Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng để chỉ các cuộc thảo luận hay nghiên cứu thách thức phiên bản lịch sử chính thức của Đảng. Chủ tịch Tập Cận Bình từng khẳng định chủ nghĩa hư vô lịch sử sẽ “không được tha thứ”.

Một hình ảnh khác cho thấy ông sử dụng cụm từ “Lịch sử đã lựa chọn Đảng Cộng sản, nhân dân Trung Quốc đã lựa chọn Đảng Cộng sản”, trong khi một slide khác nói rằng nghiên cứu cần phục vụ lợi ích quốc gia.

Giáo sư Cát từng nổi danh là người phản đối chính sách một con và thúc đẩy luật yêu cầu quan chức công khai tài sản.

Bài giảng của giáo sư Cát bị chỉ trích trong giới sử học Trung Quốc. Nhà sử học Yang Zhengguang tại Thâm Quyến chỉ trích giáo sư Cát vì thay đổi quan điểm và bảo vệ quan điểm chính thức của Đảng. Trong khi đó, nhà sử học Tiêu Công Tần (Xiao Gongqin) cho rằng giáo sư Cát “không chỉ làm nản lòng các nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại mà Đảng có thể không đồng tình, mà còn khẳng định lãnh đạo đảng không khác gì các nhà cai trị trước đó”. Theo ông, mọi nỗ lực nâng cao tính chính danh qua việc ngăn cản người khác thể hiện quan điểm là ảo tưởng từ thời phong kiến”.

Để đáp trả, giáo sư Cát cho rằng ông chỉ nói “sự thật mất lòng” và khẳng định bản thân chỉ muốn “nhắc người trẻ đừng tin một cách ngây thơ rằng lịch sử hiện đại là chủ đề học thuật mà mọi người có thể thảo luận tự do”.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 24/6/2021: Chinese academic under fire over ‘historical nihilism’ remarks

Trung Quốc hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương chống dịch Covid-19

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Fiji Voreqe Bainimarama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ thiết lập Kho dự trữ vật tư khẩn cấp giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương, cũng như giúp đỡ Fiji và các quốc đảo Thái Bình Dương khác trong việc nâng cao khả năng đối phó với các tình huống y tế công cộng và thảm họa tự nhiên.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 24/6/2021: Xi says China to continue supporting Fiji’s COVID-19 fight

Trung Quốc nói rằng tương lai của Đài Loan là “thống nhất” với Trung Quốc đồng thời phản đối tiếp xúc quân sự giữa Mỹ và Đài Loan

Ngô Khiêm, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức trao đổi trực tiếp hoặc tiếp xúc quân sự chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan. Đài Loan là một phần bất khả xâm phạm của Trung Quốc và vấn đề Đài Loan hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn nhắc nhở Hoa Kỳ cần nhận thức đầy đủ rằng sự phát triển của Trung Quốc là không thể bị ngăn chặn; Mỹ nên tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và ba thông cáo chung Trung – Mỹ, đồng thời cắt đứt mọi quan hệ quân sự với Đài Loan. Ông Ngô nhấn mạnh thêm, các nhà chức trách của Đảng Dân tiến ở Đài Loan phải tỉnh táo nhận thức rằng tương lai của Đài Loan nằm ở sự “thống nhất”, bất kỳ nỗ lực nào nhằm “tìm kiếm độc lập bằng cách dựa vào Hoa Kỳ đều thất bại”.

Ý kiến của ông Ngô được đưa ra trong bối cảnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã điều nhiều loại máy bay quân sự đến tập trận tại eo biển Đài Loan và các trao đổi quân sự giữa Mỹ và Đài Loan diễn ra gần đây.

Xem thêm:

China Military ngày 24/6/2021: China urges US to stop official exchanges and military contacts with Taiwan:Defense Spokesperson

Reuters ngày 24/6/2021:China says after massed drills that Taiwan’s future lies in ‘reunification’

Quân ủy Trung ương Trung Quốc tổ chức học tập về xây dựng quân đội hùng mạnh

Ngày 24/6/2021, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã tổ chức buổi học tập về kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh. Hội nghị có sự tham gia của hai Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng và Trương Hựu Hiệp, cũng như các ủy viên Quân ủy Trung ương và lãnh đạo các cơ quan thuộc Quân ủy Trung ương.

Hội nghị chỉ ra những kinh nghiệm đáng giá nhất trong xây dựng quân đội hùng mạnh là: Đảng xây dựng quân đội, quân đội vì nhân dân, Đảng tuyệt đối lãnh đạo quân đội, quân đội tuyệt đối nghe Đảng chỉ huy, theo kịp thời đại, đổi mới chỉ đạo về lý luận và chiến lược quân sự, sự phát triển của quân đội luôn đi kèm sự giàu mạnh của đất nước và sự phục hưng của dân tộc, bảo vệ bản chất chính trị và tác phong tốt đẹp của quân đội.

Xem thêm:

Nhân dân Nhật báo ngày 25/6/2021: 中央军委组织党史专题学习: 深入学习中国共产党领导建设强大人民军队的经验启示

—–

V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Phi đội Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ phối hợp hoạt động với tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh

Phi đội máy bay chiến đấu trên biển VMFA 211 được triển khai trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã bắt đầu các hoạt động trên không hỗ trợ chiến dịch Shader của Anh và chiến dịch Inherent Resolve của quân đội Mỹ ngày 18/6/2021. VMFA-211 và Phi đội 617 của Anh đều được trang bị các máy bay F-35B Lightning II Joint Strike Fighter cho các nhiệm vụ đối phó với Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và bảo vệ tàu sân bay.  Đây là lần đầu tiên, Anh tích hợp hoạt động của hàng không mẫu hạm thông qua Trung tâm Điều hành Hàng không liên hợp của Không quân Hoa Kỳ. Ngoài Phi đội VMFA-211, Hoa Kỳ còn bố trí tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS The Sullivans (DDG 68) làm nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.

Xem thêm:

DVIDS News ngày 22/6/2021: U.S. Marine Corps Squadron Supports Operation Inherent Resolve from Royal Navy’s HMS Queen Elizabeth

Nhà lãnh đạo hiệp hội công nghiệp có ảnh hưởng của Đức: Đức không được tránh đối đầu với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền dù đó là đối tác thương mại

Trong bài phát biểu tại một sự kiện trong hiệp hội, Chủ tịch BDI Siegfried Russwurm cho rằng châu Âu và các nước phương Tây cần áp dụng cách tiếp cận tự tin đối với các khách hàng và đối thủ “khó tính” như Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê Út, Brazil.

Ông nói: “Chúng ta cần một cuộc thảo luận trung thực về cách chúng ta đối phó với các đối tác thương mại chuyên quyền. “Chúng ta ủng hộ sự chung sống và hợp tác có trách nhiệm – với ranh giới rõ ràng.”

Ông nói thêm rằng một phần của cách tiếp cận đó là chấp nhận rằng các hệ thống xã hội khác nhau tồn tại song song với nhau.

“Chúng ta không được né tránh đối đầu khi lằn ranh đỏ bị vượt qua. Chẳng hạn, nhân quyền là giá trị phổ quát, không phải là ‘chuyện nội bộ’,” ông nói.

Xem thêm:

Reuters ngày 22/6/2021: Germany must confront China on human rights despite trade, says industry. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Tòa án Thụy Điển giữ nguyên lệnh cấm Huawei bán thiết bị mạng 5G

Vào tháng 10/2021, cơ quan quản lý viễn thông Thụy Điển PTS đã bất ngờ cấm Huawei cung cấp thiết bị 5G cho các công ty di động Thụy Điển do những lo ngại về bảo mật theo báo cáo của dịch vụ bảo mật SAPO của Thụy Điển. Huawei đã thách thức quyết định này trước toà. 

“An ninh của Thụy Điển có tầm quan trọng lớn và tòa án hành chính đã tính đến việc chỉ có Cảnh sát An ninh và các lực lượng vũ trang mới có bức tranh tổng thể về tình hình an ninh và mối đe dọa đối với Thụy Điển,” tòa án cho biết trong một tuyên bố quyết định giữ nguyên lệnh cấm.

Reuters ngày 22/6/2021: Swedish court upholds ban on Huawei selling 5G network gear. Một bản PDF được đăng ở đây.

Nauru từ chối đề xuất xây cáp ngầm của Trung Quốc để đàm phán với Australia 

Quốc đảo Nauru ở Thái Bình Dương đang đàm phán xây dựng mạng lưới liên lạc ngầm kết nối với mạng lưới của Australia, sau khi từ chối gói thầu của công ty Huawei Marine (nay là HMN Tech) của Trung Quốc. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương quan ngại cáp ngầm được lắp đặt bởi Trung Quốc có thể đe dọa an ninh khu vực. Nauru là quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Australia.

Xem thêm:

Reuters ngày 24/6/2021: Pacific island turns to Australia for undersea cable after spurning China

Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện của Nhóm tàu sân bay ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Hải quân Mỹ cho biết nhóm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ tiến vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào cuối mùa hè này thay thế cho nhóm tàu tấn công Ronald Reagan di chuyển đến Trung Đông để hỗ trợ việc rút lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan. 

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 22/6/2021: US aircraft carrier tag team shows strengthening Indo-Pacific presence

USNI News ngày 25/6/2021: Japan-based USS Ronald Reagan Now in the Middle East to Cover Afghanistan Withdrawal – USNI News

Tàu khu trục Mỹ đi qua eo biển Đài Loan lần thứ 6 dưới thời Tổng thống Biden

Ngày 22/6/2021, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur (DDG-54) đã đi qua eo biển Đài Loan nhằm “thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Đây là lần thứ 6, tàu khu trục của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền.

Xem thêm:

USNI News ngày 22/6/2021: Destroyer Makes Sixth Taiwan Strait Transit During Biden Administration

Lãnh đạo Lầu Năm Góc khẳng định đề xuất ngân sách quốc phòng hiện tại là đủ

Chính quyền Biden đã gửi Quốc hội yêu cầu ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2022 là 715 tỷ USD, tăng 11 tỷ USD so với năm ngoái, một số thành viên cấp tiến cho là quá nhiều nhưng lãnh đạo Đảng Cộng hòa nói là quá ít. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley đã trả lời trước Ủy ban Quân vụ Hạ Viện rằng ngân sách này là đủ.

Xem thêm:

Defense News ngày 23/6/2021: Pentagon chiefs insist flat defense budget is enough

Biden chọn chuyên gia về Nga cho vị trí chủ chốt của Lầu Năm Góc

Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ đề cử Giám đốc điều hành của tổ chức về Nga đồng thời là một cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia về Nga làm trợ lý tại Bộ Quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế. Nhà Trắng hôm thứ Ba ngày 22/6/2021 đã công bố Celeste Wallander, cựu Giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế là ứng cử viên dự kiến được đề cử. Celeste Wallander từng là Trợ lý đặc biệt của Tổng thống và Giám đốc cấp cao về Nga và Âu-Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Obama. Nếu được xác nhận, bà sẽ có vai trò quan trọng giám sát hợp tác an ninh quân sự của Hoa Kỳ và hoạt động mua bán quân sự ở nước ngoài trong bối cảnh Biden đặt trọng tâm mới vào việc củng cố các liên minh của Hoa Kỳ.

Cùng với việc đề cử Wallander, năm đề cử nhân sự khác của Biden cũng đã được Ủy ban Quân vụ Thượng viện phê duyệt bao gồm: Caroline Krass cho vị trí Trưởng cố vấn Lầu Năm Góc, Gina Ortiz-Jones cho vị trí Thứ trưởng Không quân, Ely Ratner cho vị trí Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Shawn Skelly cho vị trí Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và Meredith Berger cho vị trí Trợ lý thư ký của Hải quân.

Xem thêm:

Defense News ngày 23/6/2021: Biden picks Russia pro for key Pentagon post

Quan chức Hoa Kỳ cho biết nước này không coi Đài Loan là vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc

Ngày 24/6/2021, Raymond Greene, Phó Viện trưởng Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (được coi là đại sứ quán Hoa Kỳ tại Đài Loan trên thực tế) cho biết, Hoa Kỳ không còn coi Đài Loan là vấn đề trong quan hệ của nước này với Trung Quốc mà là một cơ hội để thúc đẩy một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. “Hoa Kỳ không còn coi Đài Loan là ‘vấn đề’ trong quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc, chúng tôi coi đó là một cơ hội để nâng cao tầm nhìn chung của chúng ta về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời cũng là một báo hiệu cho thế giới, những người khao khát một thế giới công bằng, an toàn, thịnh vượng và dân chủ”, ông Raymond Greene nói.

Xem thêm:

Reuters ngày 24/6/2021: U.S. no longer sees Taiwan as a problem in China ties, official says

Tướng Mỹ: Trung Quốc không có khả năng chiếm Đài Loan trong hai năm tới

Theo tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Trung Quốc khó có thể cố gắng tiếp quản Đài Loan trong vòng một đến hai năm tới. “Tôi không thấy điều đó xảy ra ngay lập tức, không có lý do gì cho điều đó”, Milley nói trong một phiên điều trần trước Quốc hội, đồng thời nói thêm rằng một cuộc xâm lược nhằm chiếm một hòn đảo lớn như Đài Loan với mức độ khả năng phòng thủ hiện tại sẽ là “cực kỳ phức tạp và tốn kém”.

Xem thêm: 

South China Morning Post ngày 24/6/2021: China ‘unlikely’ to try taking Taiwan in next two years: US general  

Nhật Bản coi căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan là mối đe dọa với an ninh nước này

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Nobuo Kishi cho biết an ninh của Đài Loan liên quan trực tiếp đến an ninh của Nhật Bản khi căng thẳng xung quanh hòn đảo đang tăng lên và năng lực phòng thủ của Đài Loan ngày càng “lu mờ” trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc. “Hòa bình và ổn định của Đài Loan liên quan trực tiếp với Nhật Bản và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan, cũng như hoạt động quân sự của Trung Quốc,” ông Kishi nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 24/6/2021.

Đài Loan rất quan trọng đối với Tokyo khi eo biển Luzon ở phía nam Đài Loan là con đường biển vận chuyển năng lượng, hàng hóa quan trọng cho Nhật Bản vốn nghèo tài nguyên và dựa vào tàu chở dầu để cung cấp sức mạnh cho nền kinh tế.

Xem thêm:

The Japan Times ngày 25/6/2021: Japan sees China-Taiwan friction as threat to its security. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Đàm phán thương mại Đài Loan và Hoa Kỳ dự kiến được nối lại vào tuần này

Đài Loan và Mỹ dự kiến sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại vốn bị đình trệ lâu nay trong tuần này, trong bối cảnh Washington tìm cách tăng cường hỗ trợ cho hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Xem thêm:

The Australian Financial Review/Reuters ngày 27/6/2021: Taiwan, US trade talks to resume within days. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Financial Times ngày 28/6/2021: US-Taiwan talks to focus on supply chains and digital trade. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Các nhóm chính trị gia và vận động chính trường Anh, Mỹ kêu gọi tạo một nhóm “NATO thương mại” chống lại các động thái cưỡng bức kinh tế của Bắc Kinh 

Một bài báo mới được uỷ nhiệm bởi Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc của các nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ Anh của và Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, một tổ chức tư vấn về chính sách khoa học và công nghệ có mối liên hệ với chính phủ và các công ty Mỹ, đã đưa ra đề xuất là các quốc gia dân chủ thành lập một liên minh dựa trên thương mại tương tự như việc lập nhóm quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Theo quy tắc của NATO, các thành viên đồng ý bảo vệ bất kỳ ai trong số họ bị tấn công.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 28/6/2021: British, US China hawks call for ‘Nato for trade’ against Beijing

—–

VI- QUAN HỆ HOA KỲ – TRUNG QUỐC

Đại sứ tại nhiệm lâu nhất của Trung Quốc tại Hoa Kỳ sẽ rời Washington trở lại Trung Quốc

Hôm thứ Ba ngày 22/6/2021, ông Thôi Thiên Khải xác nhận rằng ông sẽ rời Washington sau tám năm là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ.

 Rời chức trong thời điểm căng thẳng quan hệ hai nước, ông kêu gọi Hoa kiều ở Mỹ đóng vai trò then chốt trong việc ổn định quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

“Quan hệ Trung – Mỹ đang ở ngã ba đường quan trọng với việc Mỹ đang tham gia vào một vòng tái cơ cấu mới trong chính sách của chính phủ đối với Trung Quốc và đang phải đối mặt với sự lựa chọn giữa hợp tác và đối đầu. Tại thời điểm này, Hoa kiều ở Mỹ phải gánh vác trách nhiệm và sứ mệnh lớn hơn, và tôi hy vọng các bạn sẽ bảo vệ quyền được ở Mỹ và phát triển lợi ích của chính mình, với xuất phát điểm là giúp bảo vệ các lợi ích cơ bản. của người dân Trung Quốc và Hoa Kỳ,” ông nói.

Người kế nhiệm ông Thôi chưa được xác nhận, nhưng nhiều người dự đoán là Qin Gang, 55 tuổi, nổi tiếng với “những phản pháo sắc bén trước những lời chỉ trích về Trung Quốc”.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 22/6/2021: China’s man in Washington Cui Tiankai heads for home after eight years

Reuters ngày 22/6/2021: Qin Gang set to be named China’s new ambassador to U.S., as veteran Cui leaves

Lá thư của ông Thôi gửi Hoa Kiều ở Mỹ.

—–

VII- QUAN HỆ AUSTRALIA-TRUNG QUỐC

Xuất khẩu năng lượng và tài nguyên Úc đạt mức kỷ lục

Xuất khẩu năng lượng và tài nguyên của Úc dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục 310 tỷ đô la trong năm tài chính này, củng cố nền kinh tế trong bối cảnh thời kỳ hỗn loạn bao gồm căng thẳng thương mại ngày càng tồi tệ với Trung Quốc và đại dịch toàn cầu. Sự gia tăng nhu cầu đối với quặng sắt, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Úc, đã đẩy giá mặt hàng này lên mức kỷ lục 230 USD/tấn, trong bối cảnh các chương trình kích thích tập trung vào cơ sở hạ tầng đã khiến bùng nổ nhu cầu về nguyên liệu thô sản xuất thép. Trong khi đó, nguồn cung đường biển toàn cầu đã bị hạn chế vì những gián đoạn liên tục ảnh hưởng tới sản lượng đầu ra tại các mỏ quặng sắt ở Brazil.

Xem thêm:

The Sydney Morning Herald ngày 28/6/2021: Australia’s mining and energy exports hit a record $310 billion

—–

VIII- HOA KỲ – NGA – TRUNG QUỐC

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva

Ngày 23/6, tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khẳng định Trung Quốc cam kết đóng góp nhiều hơn vào sự thịnh vượng và phát triển của thế giới, nỗ lực lớn hơn cho công bằng và công lý trên thế giới, cũng như đóng vai trò lớn hơn trong thúc đẩy an ninh chung toàn cầu. Ông Ngụy cũng khẳng định Trung Quốc kiên quyết bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình và phản đối các hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm tổn hại lợi ích của nước này. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các quân đội khác để thiết lập môi trường an ninh được xây dựng và chia sẻ bởi tất cả quốc gia.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 23/6/2021: Chinese defense minister attends Moscow Conference on International Security

Đại sứ Trung Quốc tại Nga viết về quan hệ Trung – Nga

Trong bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy khẳng định quan hệ Trung – Nga đã đạt đến tầm cao chưa từng có. Ông cho rằng mối quan hệ kiểu mới “không kết thành đồng minh, không đối khác, không nhằm vào bên thứ ba”, vượt qua trở ngại về ý thức hệ và địa chính trị giữa Trung Quốc và Nga là hình mẫu quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng hiện nay. Hai bên sẽ duy trì “bốn điều kiên trì giúp đỡ lẫn nhau” (4 điều này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đạt được trong chuyến thăm của ông Tập đến Nga tháng 3/2013 – hỗ trợ đối tác duy trì chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích cốt lõi khác, hỗ trợ con đường phát triển phù hợp với tình hình đất nước của đối tác, hỗ trợ đối tác phát triển hưng thịnh, hỗ trợ đối tác làm tốt công việc nội bộ của mình), bảo vệ lợi ích cốt lõi của mỗi bên và thúc đẩy đa phương hóa, dân chủ hóa quan hệ quốc tế.

Tác giả khẳng định quan hệ Trung – Nga “đoàn kết như sơn”, tình hữu nghị giữa hai nước không thể bị phá vỡ. Ông cũng cho rằng quan hệ song phương là chỗ dựa và động lực quan trọng cho cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại.

Xem thêm:

Nhân dân Nhật báo ngày 25/6/2021: 共创光辉灿烂美好未来(大使随笔)

—–

IX- LUẬT QUỐC TẾ

Hội nghị lần thứ 31 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển 

Từ ngày 21-25/6, tại trụ sở Liên Hợp Quốc đã diễn ra Hội nghị lần thứ 31 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS). Hội nghị xem xét báo cáo của các cơ quan thành lập theo Công ước như Tòa án quốc tế về luật biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa, Cơ quan quyền lực đáy đại dương và các vấn đề thủ tục, ngân sách, nhân sự của các cơ quan này. Hội nghị quyết định kéo dài nhiệm kỳ của các thành viên Ủy ban ranh giới thềm lục địa thêm một năm do tác động của đại dịch Covid-19.

Xem thêm:

Thế giới & Việt Nam ngày 24/6/2021: Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 31 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển

Liên Hợp Quốc ngày 26/6/2021: Meetings of States Parties to the 1982 United Nations Convention on the Law of the Sea

—–

X- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

Giang Tiểu Quyên: Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc ra quyết sách như thế nào

Trong bài viết trên trang Sina, nguyên Phó Tổng thư ký Quốc vụ viện Trung Quốc Giang Tiểu Quyên (Jiang Xiaojuan) đã nói về quy trình ra quyết sách của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc dựa trên kinh nghiệm bản thân.

Đầu tiên, theo bà Giang, ý nguyện và ý chí của lãnh đạo cấp cao là đặc biệt quan trọng. Mọi quyết định được đưa ra bởi lãnh đạo cấp cao sau khi nghe ý kiến của các bên. Ví dụ, các tranh cãi về vấn đề bảo vệ môi trường chỉ được giải quyết, các quy định cứng rắn chỉ được đưa ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình  đưa ra lý luận về “núi vàng biển bạc”. Ngoài ra, trong tranh luận, các quan điểm của mỗi người rất khó thay đổi, và lập luận logic không thể giải quyết khác biệt trong quan điểm.

Thứ hai, việc thí điểm là biện pháp quan trọng để thúc đẩy cải cách ở Trung Quốc và là đặc điểm của mô hình quản lý công của nước này. Việc thí điểm chính sách mới trên quy mô nhỏ có thể giúp quan sát tính hiệu quả và hoàn thiện phương án cải cách. Thí điểm cũng giúp tích lũy kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả, đột phá trở ngại và là biện pháp hiệu quả để thúc đẩy cải cách. Tuy vậy, thí điểm có kết quả tốt không có nghĩa chính sách có kết quả tốt trên quy mô lớn.

Thứ ba, ý kiến của các học giả có thể ảnh hưởng đến hoạch định chính sách. Bà Giang cho rằng những người ra quyết sách thực sự lắng nghe và chú ý đến ý kiến của các học giả. Tuy vậy, bà cũng nhận xét rằng có quá nhiều cuộc thảo luận chung chung, trong khi ít chú ý đến tính toán tỉ mỉ, điều này ảnh hưởng đến sự hữu dụng của ý kiến học giả. Ngoài ra, giới hoạch định chính sách muốn có phân tích về những vấn đề có thể gặp phải và đánh giá về chi phí của việc đổi mới để có chính sách tối ưu.

Cuối cùng, bà Giang cho rằng việc đánh giá xem sự can thiệp của chính phủ có hợp lý không là khó. Về nguyên tắc, sự can thiệp của chính phủ là hợp lý, nhưng trong một trường hợp cụ thể, ranh giới có thể không rõ ràng.

Xem thêm:

Sina ngày 10/5/2021: 高层到底怎么决策? 一位国务院副秘书长的卸任后思考

Bản dịch tiếng Anh tại đây

Trương Duy Vi (Zhang Weiwei): Câu chuyện chính trị của Trung Quốc hoàn toàn có thể được kể một cách thấu đáo và đẹp đẽ hơn

Giáo sư Trương Duy Vi tại Đại học Phúc Đán cho rằng do các nhân tố bên ngoài, bên trong và cả sự thiếu sót trong khả năng suy nghĩ thấu đáo và đàm luận cản trở Trung Quốc kể “câu chuyện chính trị” (政治故事 – chính trị cố sự) của mình ra thế giới. Để cải thiện khả năng này, tác giả đề xuất 5 điểm:

1. Từ bỏ khung phân tích “dân chủ hay chuyên chế”, sử dụng “quản trị tốt và quản trị kém”;

2. So sánh thành tựu của Trung Quốc với các quốc gia khác: các nước đang phát triển, các nước có nền kinh tế chuyển đổi và các nước phương Tây;

3. Nói về tác động của văn hóa đằng sau sự lựa chọn chính trị của Trung Quốc;

4. Dựa trên các điểm Trung Quốc đi trước phương Tây trong quá trình hiện đại hóa, liên hệ các thành công này với chế độ chính trị Trung Quốc, giúp câu chuyện của Trung Quốc thuyết phục, có sức truyền bá và lôi cuốn hơn;

5. Đưa các tư tưởng và phương pháp của Trung Quốc thành tiêu chuẩn quốc tế.

Như đã đề cập trong những bản tin trước, Trương Duy Vị là học giả đã được mời đến diễn thuyết tại buổi nghiên cứu tập thể của Bộ Chính trị Trung Quốc, và là một người có niềm tin mạnh mẽ rằng hệ thống chính trị Trung Quốc ưu việt hơn hệ thống chính trị phương Tây và hệ thống chính trị phương Tây chỉ là hình thái tạm thời.

Xem thêm:

Guancha ngày 23/6/2021: 张维为:完全有可能把中国政治故事讲得更透彻、更精彩

Jude Blanchette: Canh bạc của ông Tập: Cuộc đua củng cố quyền lực và ngăn chặn thảm họa

Tác giả cho rằng nguyên nhân ông Tập củng cố quyền lực là vấn đề thời điểm, khi ông cho rằng Bắc Kinh chỉ có thể tận dụng sự chuyển biến về kỹ thuật và địa chính trị trong từ 10-15 năm đòi hỏi những hành động táo bạo ngay tức khắc. Tuy vậy, tác giả cho rằng ông Tập đang đưa Trung Quốc đi sai hướng, đe dọa thành tựu của những người tiền nhiệm, cản trở tăng trưởng kinh tế trong tương lai, làm suy yếu sự linh động và năng lực của hệ thống quản trị, làm đất nước thêm hướng nội, hoang tưởng, hung hăng và bị cô lập, cũng như ngăn chặn các lựa chọn thay thế và điều chỉnh chính sách đúng hướng.

Xem thêm:

Foreign Affairs tháng 7-8/2021: Xi’s Gamble: The Race to Consolidate Power and Stave Off Disaster

David Bandurski: Truyền thông đối ngoại Trung Quốc hướng tới lớp trẻ

Trong ấn bản mới nhất của tạp chí Seeking Truth (求 是) của Đảng Cộng sản Trung Quốc, phát hành tuần trước, Tập Cận Bình đứng đầu bảng mục lục – dường như bây giờ đã trở thành thông lệ bắt buộc. Nhưng một nội dung nổi bật khác là của Shen Haixiong (慎 海 雄), người đứng đầu Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc, hay “Tiếng nói của Trung Quốc”, tập đoàn truyền thông chính thức trực thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương được thành lập vào năm 2018 để phục vụ như nhóm bảo trợ cho truyền thông nhà nước khi họ tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn trên phạm vi quốc tế.

Điểm mấu chốt ở đây là các nhà hoạch định của ĐCSTQ đang lập chiến lược về cách tiếp cận tốt hơn để hướng tới độc giả trẻ tuổi trên toàn cầu, thiết kế tuyên truyền ở nước ngoài cho thập kỷ tới. Và điều đó có nghĩa là thông điệp đối ngoại của Trung Quốc, ngay cả khi nước này tuân thủ nghiêm ngặt “ranh giới đỏ” về chính trị, phải học cách trở nên trẻ trung và có tính lan truyền.

Xem thêm:

Toàn văn bài viết của Shen Haixiong

China Media Project ngày 22/6/2021: Influencers, Activists and Diplomats

Daniel H. Rosen:  Xem xét nền kinh tế Trung Quốc: Cái giá của cải cách thất bại

Tác giả cho rằng sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đạt đến giới hạn do mô hình quản lý chặt chẽ của nhà nước hiện nay – tác giả cho rằng từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền, Trung Quốc đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Theo tác giả, nếu lãnh đạo Trung Quốc không tiếp tục tự do hóa kinh tế, tương lai sẽ không mấy khả quan. Tuy vậy, quá trình cải cách sẽ không đơn giản với tỷ lệ nợ trên GDP cao, suy giảm lực lượng lao động và tình hình quốc tế.

Xem thêm:

Foreign Affairs tháng 7-8/2021: China’s Economic Reckoning: The Price of Failed Reforms

Felix K. Chang: ASEAN tìm con đường trung gian: Quan hệ của Đông Nam Á với Trung Quốc và Mỹ

Tác giả cho rằng tư cách là công cụ trong chính sách đối ngoại, “con đường trung gian”, không chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc chưa hẳn có hiệu quả, nhất là khi các nước lớn, cụ thể là Trung Quốc, tác động lên các nước thành viên ASEAN để phá hoại quá trình xây dựng đồng thuận. Tác giả chỉ ra rằng, dù các nước ASEAN muốn thuyết phục các cường quốc tham gia các diễn đàn dựa trên đồng thuận, việc thuyết phục Trung Quốc tuân thủ tinh thần của các thỏa thuận này khó hơn nhiều so với các nước khác. Tác giả cho rằng ASEAN cần thực hiện chính sách cân bằng quyền lực, hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản hay Mỹ.

Xem thêm:

Foreign Policy Research Institute ngày 17/6/2021: ASEAN’s Search for a Third Way: Southeast Asia’s Relations with China and the United States

James Borton: Thời hạn đàm phán COC sắp hết

Tác giả cho rằng thời hạn đạt được một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã sắp hết đối với ASEAN. Đại dịch đã ngăn cản các cuộc gặp cấp bộ trưởng về vấn đề này, trong khi Trung Quốc đã gia tăng sự quyết đoán. Theo tác giả, việc Trung Quốc muốn phạm vi của COC bao hàm cả đường lưỡi bò là rào cản với ASEAN, trong khi hai bên có sự khác biệt trong quan điểm về tính pháp lý của văn bản này. Tác giả cho rằng ASEAN sẽ phải khéo léo để kiềm chế các cơn bão địa chính trị sắp xảy ra.

Xem thêm:

Washington Times ngày 22/6/2021: South China Sea code of conduct clock runs down

—–

XI- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

C4ADS (2021) Zoned Out: A Comprehensive Impact Evaluation of Mekong Economic Development Zones

Báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận C4ADS về các khu vực phát triển kinh tế ven sông Mekong, các tác giả rút ra 3 kết luận chính:

1. Các khu vực phát triển kinh tế không phải lúc nào cũng thúc đẩy phát triển. Kể cả trong trường hợp sự tăng trưởng được ghi nhận, những ảnh hưởng tiêu cực có thể vượt qua lợi ích;

2. Sự hạn chế trong tiếp cận dữ liệu tác động tiêu cực đến cả các chính phủ và cộng đồng địa phương;

3. Hợp tác giữa chính phủ, các tổ chức của người dân, tư nhân và xã hội dân sự sẽ tăng cường tính minh bạch và hiện thực hóa ý định ban đầu.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra Trung Quốc đang sử dụng các công ty an ninh tư nhân, không được kiểm soát để bảo vệ lợi ích dọc sông Mekong. Các công ty này làm gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc nhưng cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến danh tiếng của nước này.

Xem thêm:

Tóm tắt và toàn văn báo cáo tại đây

South China Morning Post ngày 24/6/2021: China turns to unregulated private security firms to protect interests along Mekong

Scott Rozelle & Matthew Boswell (2021) Complicating China’s Rise: Rural Underemployment

The Washington Quarterly. Volume 44, 2021 – Issue 2

Các tác giả cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề chưa được đánh giá đúng mức: hàng trăm triệu người dân nông thôn đang thiếu việc làm và ít được giáo dục. Tác giả cho rằng vấn đề này không dễ giải quyết và sẽ làm phức tạp thêm quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Theo các tác giả, Trung Quốc cần có sự thay đổi lớn về ưu tiên và sự dịch chuyển về nguồn lực để gia tăng phúc lợi xã hội, tái đào tạo cho những người ở khu vực nông thôn, cũng như tăng cường giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nông thôn để có thể trở thành nước có thu nhập cao và ổn định về xã hội.

Xem toàn văn nghiên cứu tại đây

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.