Tuyên Bố Lập Trường của Hoa Kỳ về Yêu Sách Biển ở Biển Đông

Ngày 13/7/2020 (giờ Washington), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael R. Pompeo đã ban hành Thông cáo báo chí về lập trường chính thức của Hoa Kỳ đối với các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hoa Kỳ ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Hôm nay chúng tôi củng cố chính sách của Hoa Kỳ ở một phần thiết yếu và gây tranh cãi của khu vực đó – Biển Đông. Chúng tôi nói rõ: các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như các chiến dịch bắt nạt của nước này nhằm kiểm soát chúng.

Ở Biển Đông, chúng tôi tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do trên các vùng biển theo phương thức phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở, và phản đối mọi nỗ lực ép buộc hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu sắc và lâu dài này với nhiều đồng minh và đối tác của chúng tôi, những quốc gia từ lâu đã công khai chấp thuận một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

Những lợi ích chung này đang gặp một mối đe dọa chưa từng có từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH). Bắc Kinh đang dùng biện pháp hăm doạ để làm suy yếu quyền chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ven biển ở Biển Đông, bắt nạt nhằm đuổi họ ra khỏi các nguồn tài nguyên ngoài khơi, xác lập sự thống trị đơn phương, và thay thế luật pháp quốc tế bằng “chân lý thuộc về kẻ mạnh.” Cách tiếp cận của Bắc Kinh đã rõ ràng trong nhiều năm. Vào năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lúc bấy giờ là Dương Khiết Trì đã nói với các đối tác ASEAN của mình rằng “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là các nước nhỏ, đó là một thực tế.” Cách nhìn thế giới như một nơi săn mồi của CHNDTH không có chỗ đứng trong thế kỷ 21.

CHNDTH không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của mình lên khu vực. Bắc Kinh đã không đưa ra được một cơ sở pháp lý logic và nhất quán nào cho yêu sách “Đường chín đoạn” kể từ khi nước này chính thức tuyên bố vào năm 2009. Trong một quyết định đồng thuận vào ngày 12/7/2016, Toà trọng tài được thành lập theo Công ước Luật biển 1982 – mà CHND là một quốc gia thành viên – đã bác bỏ các yêu sách biển của CHNDTH là chúng không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Toà án đã trực tiếp đứng về phía Philippines, nơi khởi kiện, ở hầu hết các đệ trình.

Như Hoa Kỳ đã tuyên bố trước đây, và như đã được quy định cụ thể trong Công ước, quyết định của Toà Trọng tài có tính chung thẩm và ràng buộc pháp lý đối với cả hai bên. Hôm nay chúng tôi đưa lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách biển của CHNDTH ở Biển Đông phù hợp với quyết định của Toà. Cụ thể là:

– CHNDTH không thể xác lập một cách hợp pháp yêu sách biển – bao gồm yêu sách bất kỳ Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) nào từ bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa – liên quan tới Philippines trong các khu vực mà Toà án cho rằng thuộc về Vùng Đặc quyền kinh tế hay nằm trên thềm lục địa của Philippines. Việc Bắc Kinh quấy rối các hoạt động đánh và phát triển nguồn năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực đó, cũng như bất kỳ hành động đơn phương nào của CHNDTH để khai thác các tài nguyên đó, là bất hợp pháp. Theo quyết định có tính ràng buộc pháp lý của Toà án, CHNDTH không có yêu sách chủ quyền và yêu sách biển hợp pháp đối với Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) hoặc Bãi Cỏ Mây, hai thực thể thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, Bắc Kinh cũng không có bất kỳ yêu sách lãnh thổ hay yêu sách biển nào bắt nguồn từ những thực thể này.

– Vì Bắc Kinh đã không đưa ra một yêu sách biển nào hợp pháp, logic và nhất quán ở Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách của CHNDTH đối với vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý xuất phát từ các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (Hoa Kỳ trung lập về yêu sách chủ quyền của các quốc gia đối với các đảo đó). Do đó, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách biển của CHNDTH tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), các vùng biển trong EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất kỳ hành động nào của CHNDTH quấy rối việc phát triển tài nguyên dầu khí hoặc hoạt động đánh bắt cá của các quốc gia khác trong các vùng biển này – hoặc để đơn phương thực hiện các hoạt động đó – là bất hợp pháp.

– CHNDTH không có yêu sách lãnh thổ hoặc yêu sách biển nào hợp pháp đối với (hoặc có nguồn gốc từ) bãi ngầm James, một thực thể hoàn toàn chìm dưới nước chỉ cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý. James Shoal thường được trích dẫn trong tuyên truyền của Trung Quốc là cực nam lãnh thổ Trung Quốc. Luật pháp quốc tế rất rõ ràng: Một thực thể chìm dưới nước như James Shoal không phải là đối tượng để yêu sách chủ quyền bởi bất kỳ quốc gia nào và không có khả năng tạo ra các vùng biển riêng. Bãi James (khoảng 20 mét chìm dưới biển) không phải và không bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng không thể xác lập bất kỳ quyền nào hợp pháp nào từ đó.

Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do trên các vùng biển và tôn trọng chủ quyền và bác bỏ bất kỳ cố gắng nào nhằm áp đặt “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hay khu vực rộng lớn hơn.

Nguồn bản gốc tiếng Anh: U.S. Department of State – U.S. Position on Maritime Claims in the South China Sea

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Mọi khoản tài trợ xin gửi về: Tài khoản Paypal: sukybiendong@gmail.com. Hay chuyển khoản: Hoàng Việt. Số tài khoản: 207503269. Ngân hàng ACB (Asia Commercial Bank). Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

2 thoughts on “Tuyên Bố Lập Trường của Hoa Kỳ về Yêu Sách Biển ở Biển Đông

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.