Tác giả: Victoria Tin-Bor Hui
The American Interest, năm 2008
Biên dịch: Ngô Di Lân & Tôn Nữ Khánh Trinh
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 28 tháng 5 năm 2018
Lịch sử không thể giải đáp cho ta biết một Trung Quốc hùng cường sẽ hành xử ra sao, mà chỉ làm rõ thêm câu hỏi.
Nếu có một sự đồng thuận nào đó trong giới quan sát chính trường quốc tế thì đó là Trung Quốc, vốn đã là một cường quốc, trong tương lai sẽ đạt vị thế của một siêu cường. Đa số cũng tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ báo hiệu một sự chuyển dịch ảnh hưởng chung về mặt chiến lược và chuẩn mực ứng xử từ phương Tây sang Châu Á với những hệ lụy được cho là rất quan trọng nhưng bất định. Một lý do khiến những hệ quả này còn hết sức không rõ ràng là bởi, kể cả khi có nhất trí rộng rãi về sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì vẫn không có sự đồng thuận đáng kể nào về tính chất quyền lực của Trung Quốc: Thỏa mãn hay hung hăng? Ôn hòa hay đàn áp? Dễ đoán hay thất thường? Hợp tác hay theo chủ nghĩa sô vanh?
Thực tế, việc Trung Quốc trở thành siêu cường ngang hàng với Mỹ không phải là tất yếu. Điều đó còn phụ thuộc vào hình hài sức mạnh của Châu Âu và Mỹ, và liệu Ấn Độ có trở thành một hàng xóm ngang hàng hay thậm chí có ảnh hưởng hơn Trung Quốc hay không? Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng có thể bị trật bánh bởi cuộc khủng hoảng môi trường đang cận kề của chính Trung Quốc; thay vì liên tục tăng trưởng hai con số, Trung Quốc có thể đối mặt với “bước lùi vĩ đại” như chuyên gia Elizabeth Economy của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) đã nói. Tuy nhiên, tiềm năng của Trung Quốc rõ ràng là có, vì thế sẽ là ngở nghệch nếu chúng ta không dự tính tính cách của một siêu cường Trung Hoa sẽ thế nào.
Đây không phải là một nhiệm vụ đơn giản, một phần vì có rất nhiều học thuyết về hành vi quốc tế dẫn chúng ta đến những giả định khác nhau và buộc chúng ta phải vận dụng các phương pháp khác nhau. Khi đánh giá sự trỗi dậy của Trung Quốc, một số nhà phân tích tập trung vào động lực và năng lực hiện tại của Bắc Kinh. Nhưng cách tiếp cận này làm nảy sinh câu hỏi về nguồn gốc của những động lực ấy xuất phát từ đâu. Nhiều người đã tìm đến lịch sử Trung Quốc để hiểu rõ hơn về nguồn gốc sâu xa của tư tưởng chiến lược và hành vi của Trung Quốc. Nhưng do các cách tiếp cận lịch sử cũng khác nhau nên những kết luận rút ra từ những cách tiếp cận đó cũng khác nhau.
Đối với các học giả có tư duy lịch sử, lịch sử (nói như Henry Maine) theo cách này hay cách khác là một nhà tiên tri. Nhưng tham vấn lời tiên tri cũng chính là một câu đố. Một số nhà phân tích cho rằng địa lý, văn hoá và logic của quyền lực tương đối là những yếu tố quyết định. Vì tất cả các yếu tố đó gần như không thay đổi, quan điểm này dẫn đến kỳ vọng rằng, lịch sử về cơ bản sẽ tự lặp lại. Một số tuy đồng ý lịch sử đóng vai trò rất quan trọng, nhưng chủ yếu là cách nó được diễn giải – từ những ành hưởng và bài học trong quá khứ – hơn là từ chính bản thân lịch sử. Một số khác lại lập luận rằng quan trọng là các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai hiểu lịch sử như thế nào – lịch sử cho họ biết gì về sự giao thoa giữa bản chất con người, chính trị và các vấn đề thường ngày. Các nhà lãnh đạo kiểu đó có thể bị ảnh hưởng bởi các diễn giải lịch sử phổ biến được đưa ra vào thời kì trước, nhưng họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hàng loạt yếu tố khác. Vậy những giả thiết về hành vi của Trung Quốc trong tương lai có thể bắt nguồn từ lịch sử Trung Quốc không? Các nhà trí thức Trung Quốc đã hiểu được ý nghĩa của lịch sử của họ như thế nào? Các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc đang diễn giải lịch sử thế nào, và những người kế nhiệm của họ sẽ làm ra sao?
Đọc toàn văn bài viết ở Victoria Tin-bor Hui (2008) Trung Quốc Đã Được Cai Trị Như Thế Nào_Ngô Di Lân & Tôn Nữ Khánh Trinh dịch_SCSCI
Victoria Tin-bor Hui là phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame. Bà là tác giả của cuốn sách “Chiến tranh và Sự hình thành Nhà nước ở Trung Quốc Cổ đại” và “Châu Âu Buổi Đầu Hiện đại” (Nhà in Đại học Cambridge, 2005).
Ngô Di Lân là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ. Tôn Nữ Khánh Trinh là sinh viên chuyên ngành Báo chí và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông với mối quan tâm về lãnh vực Quan hệ quốc tế.
———-
Đọc những nghiên cứu khác về Trung Quốc: https://daisukybiendong.wordpress.com/tag/nghien-cuu-trung-quoc/