Diễn tiến Dự án – Tháng Hai, 2015

>> Xem diễn tiến dự án tháng Giêng, 2015

1. Kết quả dự án trong tháng Hai

Trong tháng vừa rồi, đã có thêm 150 sự kiện được các CTV và thành viên dự án nhập vào các bảng sự kiện. Những sự kiện này được lấy từ những nghiên cứu của Philippines, Thuỵ Điển, Việt Nam, như một nỗ lực kết nối các mảnh ghép để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh nhất có thể. Đây đều là những nghiên cứu mà các tác giả làm việc với tài liệu gốc. Những sự kiện hiện đang xảy ra trong hiện tại cũng được chú ý và cập nhật. Hiện tại, dự án có 700 sự kiện (chưa thẩm định) trải dài từ trước thế kỷ 19 tới nay.

https://daisukybiendong.wordpress.com/su-kien-da-nhap/

Nhóm của TS Nguyễn Hoài Tưởng ở Pháp đã thiết kế cho dự án một phiên bản khác của thư mục tài liệu kèm theo công cụ tìm kiếm bên trong thư mục, tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm tài liệu.

http://tubizou.net:3838/deploy/dskbd/

2. Câu hỏi và trả lời

Một số độc giả có gửi câu hỏi tới dự án liên quan đến các sự kiện trong tranh chấp Biển Đông. Ngoài ra có một câu hỏi được nêu ra thảo luận tại diễn đàn VNSA. Dưới đây là tóm tắt các câu hỏi và phần trả lời của chúng tôi dựa trên những tài liệu hiện thời dự án có được.

2.1 VNCH có phản đối Trung Quốc và Philippines vào năm 1956 khi họ đóng quân trên các đảo?

+ Ngày 7/1/1947, quân Trung Hoa Dân quốc đổ bộ lên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Ngày 8/1/1947, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Hoa dân quốc đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng Chính phủ Trung Quốc đã lấy lại các đảo Hoàng Sa. Ngày 13/1/1947 Chính phủ Pháp chính thức phản đối việc chiếm đóng trái phép của Trung Hoa dân quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phái tầu chiến Le Tonkinois đến thám sát quần đảo Hoàng Sa, cho 10 lính người Pháp và 17 lính người Việt Nam đổ bộ lên đóng ở đảo Hoàng Sa và quyết định lập đài khí tượng ở đảo này (Lưu trữ BNG Pháp 1955)

+ Tháng 4/1950, Chính quyền Quốc dân Đảng bị thất bại ở lục địa phải rút chạy ra Đài Loan, đồng thời rút quân khỏi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương. Chính quyền VNCH đưa quân ra tiếp quản quần đảo Hoàng Sa thay quân Pháp đóng trên một số đảo của quần đảo này. Tại đảo Hoàng Sa có một đơn vị khoảng 40 người trú đóng. Bắc Kinh bí mật đưa quân ra chiếm đóng trái phép nhóm phía Đông và Bắc quần đảo Hoàng Sa (nhóm An Vĩnh) (Dossier II 1985, Gendreau 1996)

+ Ngày 24/9/1956, Đài Loan chính thức đưa quân đồn trú lên đảo Ba Bình (Itu – Aba) (Valero 1993, Samuels 1982).

+ Ngày 8/6/1956, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Vũ Văn Mẫu tuyên bố khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính quyền Nam Việt Nam đã cho tàu chiến đến quần đảo Trường Sa dựng cờ, đặt cọc dấu khẳng định chủ quyền (Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hoà 1975). Đây là sự kiện xảy ra sau khi Thomas Cloma chiếm Đất Tự do. Cả TQ, ĐL và sau đó VNCH đều phản đối.

Không có tài liệu nào chính thức xác nhận VNCH phản đối khi Đài Loan và Bắc Kinh chiếm các đảo năm 1956. Song phản đối của Ngoại trưởng VNCH Vũ Văn Mẫu vào 1956 có thể được coi là phản ứng của VNCH cho cả 3 sự kiện ĐL chiếm Ba Bình, TQ chiếm Phú Lâm và PLP yêu sách Trường Sa do thời gian gần nhau. Đồng thời ngày 20/10/1956, chính quyền Sài gòn ra sắc lệnh 143/NV về việc đổi tên các tỉnh miền Nam và đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Đây là hành động tỏ rõ ý chí quản lý lãnh thổ chống lại mọi sự xâm lấn từ bên ngoài.

2.2 VNCH có ra tuyên bố phản đối tuyên bố lãnh hải của TQ vào năm 1958 hay không?

Không có tài liệu nào ghi nhận (cần kiểm chứng qua lưu trữ LHQ). Nếu quý vị có tài liệu ghi nhận điều này, hãy cho chúng tôi biết để chúng tôi kịp thời bổ sung vào bảng sự kiện.

Tuy nhiên, đêm 20 rạng 21/2/1959, Trung Quốc cho một số lính đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng và Quang Hoà tại Hoàng Sa. Đơn vị hải quân Sài Gòn đóng tại đây đã lập tức phản ứng và bắt được 82 “ngư dân” và 5 “thuyền đánh cá” vũ trang của Trung Quốc đưa về xét xử tại Đà Nẵng. Bằng hành động này VNCH không công nhận tuyên bố lãnh hải của TQ tháng 9/1958.

2.3 VNCH có hiện diện thực tế trên các đảo ở quần đảo Trường Sa?

+ Tháng 4 và 7/1956, VNCH đóng quân ở Hoàng Sa và Hữu Nhật. Tháng 2 và 3/1959 VNCH đóng quân ở Quang Ảnh và Duy Mộng (thuộc quần đảo Hoàng Sa)

+ Năm 1961, VNCH dựng bia chủ quyền ở Thị Tứ, Loại Ta, An Bang, Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa).

+ Tháng 5/1963, VNCH dựng lại bia chủ quyền ở Trường Sa, An Bang, Thị Tứ, Loại Ta, Song Tử Đông, Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa)

+ Đến tháng 5-7/1973, VNCH bắt đầu đóng quân chính thức ở quần đảo Trường Sa.

Theo luật quốc tế và các án lệ, sự hiện diện thường xuyên tại những vùng đất thưa dân hoặc không có người ở không phải lúc nào cũng cần thiết.

Chúng tôi mong nhận được thông tin/tài liệu mới từ quý vị xung quanh những câu hỏi này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin lưu ý rằng để có thể bình luận, đánh giá các sự kiện một cách đúng đắn, cần phải đặt chúng vào một bức tranh tổng thể trong mối tương quan với các động thái thực thi yêu sách chủ quyền của các quốc gia tranh chấp khác.

3. Mời tham gia dự án

Hiện tại dự án đang cần người đọc những tài liệu sau để ưu tiên hoàn thành bảng sự kiện trước năm 1900 và cũng là bảng khó nhất (Tuy nhiên, quý vị vẫn có thể tham gia ở những bảng sự kiện khác, tài liệu sẽ dễ đọc hơn rất nhiều).

+ Stein Tonneson (2001). An International history of the dispute in the South China Sea. EAI Working paper 71.
+ Phạm Hoàng Quân (2014). Hoàng Sa, Trường Sa – Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc. NXB Văn hóa – Văn nghệ.
+ Shimao Minuro. Hoàng Sa, Trường Sa trong sử liệu Trung Quốc. Tạp chí Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng số 57: 39 – 45 (2014).
+ Raul (Pete) Pedrozo (2014). China versus Vietnam: An Analysis of the Competing Claims in the South China Sea. CNA Occasional Report: từ trang 25-63.
+ Marwyn S. Samuels (1982). Tranh chấp Biển Đông (Tên gốc tiếng Anh: Contest for the South China Sea).

Riêng cuốn sách “Hoàng Sa, Trường Sa: Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc” của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, nếu có ai đang ở Việt Nam và nhận đọc và nhập dữ liệu từ cuốn sách này, chúng tôi sẽ gửi tiền sách cho quý vị. Đây là của dự án tặng cho quý vị.

Trân trọng cảm ơn các thành viên và CTV dự án, các nhà nghiên cứu đã tham gia nhập dữ liệu, góp tài liệu và ý kiến cho dự án. Dự án mong tiếp tục nhận được sự theo dõi, góp ý, tham gia của mọi người.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông (Email liên lạc: sukybiendong@gmail.com)
(Cập nhật lần cuối ngày 03.03.2015).

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.