Kế Hoạch Bản Tin Biển Đông Năm 2023

Tải bản PDF ở

Quý độc giả, đồng nghiệp và thân hữu kính mến,

Như chúng ta đều biết, Biển Đông có một vị trí chiến lược cả về an ninh và kinh tế đối với sự trường tồn và phát triển của đất nước, là một phần huyết mạch của một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng hàng đầu trên thế giới. Những tranh chấp, căng thẳng cũng như cơ hội phát triển kinh tế ở khu vực này hiện đang là mối quan tâm quan trọng đối với mọi giới ở Việt Nam, không chỉ giới hạn trong giới chính trị, học giả, mà còn là mối bận tâm của các doanh nghiệp, của những công dân có trách nhiệm đối với đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từng phát biểu: “Biển Đông là không gian sinh tồn của người Việt.” Vì Đảng Cộng sản Việt Nam đang nắm vị trí lãnh đạo đường hướng phát triển của đất nước, phát biểu của người cao nhất trong tổ chức chính trị lãnh đạo, cùng với Nghị quyết về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cũng như diễn ngôn của Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam tại các diễn đàn an ninh thế giới thường xuyên nhắc đến Biển Đông, những dữ kiện này cho thấy rằng Biển Đông là một hướng ưu tiên chiến lược trong phát triển của Việt Nam ít nhất trong vài năm tới. Dù rằng, mối ưu tiên này có phải là mối ưu tiên số một, việc triển khai hiện thực hóa ý tưởng chiến lược như thế nào, sẽ cần có thời gian theo dõi.

Bên cạnh đó, người Việt vốn có một chiều dài lịch sử phải chống lại sự xâm lăng của các nước bên ngoài và do vậy có sự nhạy cảm đặc biệt đối với chủ quyền đất nước và sự cưỡng ép của các nước khác, cũng như có một ý chí độc lập rất mạnh mẽ. Đây cũng là điều mà ngay cả khi lợi ích ở Biển Đông không phải là quyền lợi sát sườn của nhiều người, vấn đề vẫn được dành một sự quan tâm đáng kể trong công chúng.

Trên bàn cờ địa chính trị thế giới, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang là trọng tâm chiến lược dài hạn của các cường quốc trong và ngoài khu vực. Tần suất hiện diện của các tàu chiến, máy bay do thám, các cuộc tập trận ​​của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã được tăng cường. Ngay cả Đức và các nước Châu Âu cũng đã bắt đầu đưa tàu chiến hiện diện trong khu vực. 

Trong năm 2021-2022, Trung Quốc, dựa trên yêu sách áp đặt gần như toàn bộ Biển Đông, vẫn đang từng bước củng cố kiểm soát trên biển với chi phí là lợi ích hợp pháp của các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế. Năm 2021 chứng kiến ít nhất 20 tàu khảo sát/nghiên cứu Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông, và một số trong đó với nhiều thiết bị hiện đại đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tàu Hải cảnh Trung Quốc thường trực ở Bãi Tư Chính và thường xuyên tiếp cận, áp sát các lô dầu khí đang hoạt động của Việt Nam, cũng như hoạt động dầu khí của các nước Indonesia và Malaysia, nhằm thực thi nhiệm vụ của hải cảnh Trung Quốc theo Luật Hải cảnh mới, đó là bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Không ồn ào nhưng nhất quán chiến thuật “tằm ăn dâu”, Trung Quốc đã biến những hoạt động trên trở thành trạng thái bình thường mới ở Biển Đông. Tình hình Eo biển Đài Loan vẫn tiếp tục có nguy cơ gia tăng căng thẳng. 

Bối cảnh đó tạo ra nhiều thách thức cho Việt Nam nói riêng, và cho hoà bình trong khu vực nói chung. Vấn đề Biển Đông được quốc tế hoá vượt ra ngoài khu vực đã tạo ra một lượng độc giả quan tâm cũng như một khối lượng thông tin và tri thức lớn trên toàn thế giới. Sự đan xen phức tạp nhiều mặt của chính trị, kinh tế, thương mại, nhận thức của công chúng đều có thể ảnh hưởng đến chính sách của từng quốc gia và đòi hỏi phải được tiếp cận một cách khách quan, sát với thực tế nhất để có thể đánh giá đúng tình hình, từ đó mới có thể có những giải pháp và quyết định đúng đắn.

Hiểu được tầm quan trọng của một nguồn thông tin tri thức có tính hệ thống hoá, khách quan trước một bối cảnh phức tạp và có tính chính trị cao, hiện trên thế giới đã có một số nhà nghiên cứu, tư vấn chính phủ, nhà báo có chuyên môn cung cấp các dịch vụ tổng hợp thông tin. Bên cạnh đó, rất nhiều ấn phẩm nghiên cứu chuyên sâu, báo cáo chính sách đã được công bố, trang bị cho độc giả một bề dày tri thức và nguyên liệu để tư duy đa chiều và bao quát. 

Những dịch vụ thông tin tổng hợp, các nghiên cứu hàn lâm, báo cáo chính sách đến từ các tổ chức nghiên cứu độc lập đã là nguồn thực phẩm tư duy cho các nhà hoạch định và tư vấn chính sách, các quan chức cấp cao của các chính phủ, giới doanh nghiệp và công chúng thế giới.

Tuy nhiên đây là điều còn thiếu vắng ở Việt Nam mặc dù mức độ quan tâm Biển Đông ở Việt Nam cao hơn so với mặt bằng thế giới. Các sản phẩm có tính chuyên sâu mới chỉ dừng lại trong một số cơ quan nhà nước và chủ yếu phục vụ nội bộ hệ thống chính quyền. Mặc dù đã nỗ lực hướng ra công chúng, những cơ sở nhà nước này vẫn không thể tránh khỏi những áp lực về chính trị, ngoại giao, về những quy định bảo vệ bí mật nhà nước rối rắm. Còn các nhóm độc lập liên quan đến Biển Đông hầu hết chỉ dừng ở hoạt động xã hội, vận động kiến nghị và thiếu vắng đầu tư cho nghiên cứu chuyên môn sâu. 

Bên cạnh thực trạng đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp (có công bố trên các tạp chí học thuật quốc tế) còn mỏng, hiện giờ công chúng Việt Nam nói chung chỉ dừng năng lực đọc ở thông tin, các phân tích/bình luận nặng tính quan điểm trên báo đại chúng. Hầu như chưa có báo cáo chính sách được chia sẻ và thảo luận rộng rãi như trên các diễn đàn công chúng thế giới.

Một Bản Tin Biển Đông hàng tuần xuất phát từ một dự án nghiên cứu độc lập, mang tính hệ thống hoá, đa chiều và khoa học bởi vậy là cần thiết để khắc phục những lỗ hổng trên. Với đội ngũ nhân sự bắt buộc phải có chuyên môn, kinh nghiệm liên quan, có tinh thần làm việc hướng tới chuyên nghiệp và tiêu chuẩn quốc tế, Bản Tin Biển Đông của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã đi được 2 năm với 125 số cùng một số ấn phẩm đặc biệt, hiện đang là một địa chỉ tin cậy được đón nhận bởi một số lượng lớn độc giả hàng tuần trong các giới nghiên cứu, ngoại giao, quân sự, an ninh, hoạch định chính sách, truyền thông, doanh nhân, và những người hoạt động trong các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhưng quan tâm tới tình hình đất nước.

Trong bối cảnh đó chúng tôi xin gửi tới quý độc giả Bản Kế hoạch Bản Tin Biển Đông cho năm 2023 cùng với kế hoạch tài chính duy trì bản tin, dự trù chi phí là 250 triệu VNĐ.

Mời đọc toàn văn ở https://daisukybiendong.files.wordpress.com/2023/01/ke-hoach-ban-tin-bien-dong-nam-2023_scsci-3.pdf

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Duy trì tài chính độc lập dựa vào đóng góp từ cộng đồng là cách để chúng tôi có thể tồn tại độc lập. Để duy trì được Bản Tin Biển Đông trong những năm qua, đã không thể thiếu sự hỗ trợ tài chính của cộng đồng, với các nhà tài trợ đến từ nhiều giới, nhiều nghề nghiệp khác nhau. Chúng tôi trân trọng cảm ơn những sự hỗ trợ quan trọng đó và chúng tôi mong quý độc giả tiếp tục chung tay với chúng tôi để tạo ra những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng, cho đất nước.

Kính chúc quý độc giả, đồng nghiệp và thân hữu một Năm Mới an khang, thịnh vượng!

Trân trọng,

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Advertisement

6 thoughts on “Kế Hoạch Bản Tin Biển Đông Năm 2023

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.