Walter Pincus: Hiểu Biết Về Hải Chiến Tương Lai

Biên dịch: Đoàn Thị Hằng Ni | Hiệu đính: Nguyễn Nhật Minh

Hệ thống tàu không người lái Mantas T-12 của Hải quân Hoa Kỳ. Ảnh: Maritime Tactical Systems

Hẳn chúng ta còn nhớ ngày 13/4/2022, Hoa Kỳ thông báo sẽ gửi cho Ukraine “tàu tuần tra không người lái” từ kho dự trữ của Hải quân Hoa Kỳ như một phần của gói hỗ trợ an ninh 800 triệu USD?

Vào thời điểm đó, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói với các phóng viên rằng, “Phòng thủ bờ biển là điều mà Ukraine nhiều lần nói rằng họ rất quan tâm. Đó là nhu cầu cấp thiết hiện nay khi người Nga tập trung binh lực ở phía đông và phía nam, như chúng ta thấy.”

“Đó là tàu mặt nước không người lái (USV), có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong phòng thủ bờ biển. Tôi nghĩ tôi chỉ nên nói tới đó thôi” Kirby nói.

Việc đưa một số lượng lớn các tàu Hải quân không người lái đến Ukraine thu hút sự quan tâm của tôi, vì vậy tôi đã xem xét vai trò ngày càng tăng mà các hệ thống hàng hải không người lái này dường như đang đóng trong chiến lược Hải quân. Hải quân đã tích hợp các tàu có người lái với các hệ thống máy bay không người lái, chẳng hạn như MQ-4C Tritons, Hệ thống giám sát hàng hải khu vực rộng (BAMS-D) và MQ-1 Predator.

Trở lại tháng 9/2021, để giúp tích hợp nhanh chóng các tàu không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động hàng hải của Hải quân, Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm 59 tại Bahrain, trụ sở của Hạm đội 5.

Phó Đô đốc Brad Cooper, người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm 59, đã mô tả kế hoạch của mình vào tháng 9 năm ngoái khi lực lượng đặc nhiệm được thành lập. Cooper nói: “Chúng tôi sẽ sử dụng các hệ thống không người lái ngày nay – phần lớn là trên không”. “Chúng sẽ được tăng cường với tàu không người lái vận hành trên mặt nước… Chúng ta đã không có chúng trong quá khứ. Giờ chúng ta đã có. Chúng sẽ được tăng cường với nhiều tàu không người lái vận hành trên mặt nước hơn nữa.”

Lực lượng Đặc nhiệm 59 kể từ đó đã trở thành nơi thử nghiệm việc sử dụng tàu biển không người lái (USV) đầu tiên của Hải quân và một vài phương tiện không người lái vận hành trên mặt nước (UUV) kết hợp năng lực của chúng với các nền tảng có người lái cho các hoạt động đa miền trong mọi lĩnh vực của chiến sự hàng hải từ trên không đến dưới biển.

“Chúng tôi đang khai thác công nghệ không người lái mới nổi, cùng với trí tuệ nhân tạo và máy học, đang thực sự phát triển với tốc độ nhằm mang lại những năng lực mới cho khu vực. Tôi nghĩ rằng vào năm 2022, chúng ta sẽ thấy những nỗ lực liên tục về vấn đề này trong việc ứng dụng vào các chiến dịch quân sự và tác động đến các chiến dịch quân sự. Điều đó sẽ rất thú vị,” Cooper nói.

Lực lượng đặc nhiệm cũng đã là một thử nghiệm về nhân sự. Lãnh đạo lực lượng (commodore) là Thuyền trưởng Michael Brasseur, một chuyên gia về robot hàng hải, và danh sách ban đầu bao gồm cả những quân nhân dự bị động viên (reservists), chẳng hạn như Giám đốc điều hành của một công ty an ninh mạng 1.000 người; một học giả think tank ở D.C. đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Harvard và một cố vấn, một trong những nhân viên làm việc lâu nhất của Snapchat, theo thông cáo báo chí của Hải quân.

“Đây không phải là đội B,” Brasseur nói trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi đã bị hạ đo ván bởi tài năng của mọi người,” Chỉ huy Tom McAndrew, nhân vật thứ hai của đội đặc nhiệm, cho biết trong một cuộc phỏng vấn riêng.

Những người có năng lực cao như vậy có lẽ khó có thể nhân bản được. Mười trong số 21 thành viên ban đầu của Lực lượng Đặc nhiệm 59 là những quân nhân dự bị động viên, bao gồm cả McAndrew, nghĩa là cuối cùng họ sẽ quay trở lại công việc hàng ngày bên ngoài Hải quân.

Để giúp Hải quân mở rộng thử nghiệm các hệ thống không người lái trên các lĩnh vực, Lực lượng Đặc nhiệm 59 đã phát triển các mối quan hệ làm việc với các đối tác trong khu vực, trước tiên là với Bahrain và sau đó là với Jordan. Cuối năm ngoái, họ đã lên kế hoạch cho Cuộc tập trận Hàng hải Quốc tế (IMX 2022) như một cơ hội để chứng minh việc sử dụng các hệ thống không người lái cùng với các đồng minh và đối tác trong các tình huống hoạt động khác nhau.

Bắt đầu từ ngày 31/01/2022, IMX 2022 đã diễn ra ở nhiều vùng biển Trung Đông như một sự kiện huấn luyện kéo dài 18 ngày – cuộc tập trận hàng hải không người lái lớn nhất thế giới với hơn 80 hệ thống không người lái và 9.000 nhân viên từ 10 quốc gia tham gia.

Một ngày sau khi IMX 2022 kết thúc, Đô đốc Mike Gilday phát biểu tại hội nghị WEST 2022 của Viện Hải quân Hoa Kỳ tại San Diego, “Dựa trên vấn đề chiến đấu tích hợp mà chúng tôi vừa thực hiện trong Hạm đội 5 [IMX 2022] với khoảng 100 hệ thống không người lái trong vài tuần qua, tôi đã rút ra được kết luận phù hợp với phân tích, rằng chúng ta cần một lực lượng hải quân trên 500 tàu… [và] nhìn vào tương lai, 150 hệ thống [sẽ] không người lái.”

Gilday cho biết, mục đích cuối cùng là thực hiện một “cách tiếp cận tiến hóa” nhằm đưa các nền tảng không người lái nhỏ hơn, ít phức tạp hơn vào đội bay trong thời gian tới, nhưng sẽ sẵn sàng mở rộng quy mô trong thập kỷ tới.

Gilday cho biết ông muốn “vào thẳng vấn đề chính, hy vọng tới năm 2030, chúng ta sẽ thực sự có một hạm đội lai để có thể hiện thực hoá các Chiến dịch Hàng hải Phân tán (Distributed Maritime Operations)[1] theo cách đạt hiệu quả cao nếu chúng ta thực sự phải chiến đấu.”

Các tàu không người lái sẽ mở rộng phạm vi của các cảm biến và cung cấp các ổ đạn vũ khí có thể bắn khi được điều khiển từ xa bởi một tàu chiến có người lái. Những con tàu này – một số lớn là tàu hộ tống 2.000 tấn – phải tuân theo yêu cầu thử nghiệm trên đất liền của Quốc hội.

Trong khi đó, vẫn còn những câu hỏi, đó là những chiếc USV không người lái nào của Hải quân Hoa Kỳ đã được gửi đến Ukraine và chúng đang được sử dụng ở đâu?

Nơi rõ ràng nhất là phần phía bắc của Biển Đen gần Odessa.

Thứ Sáu tuần trước, Thiếu tướng Nga Rustam Minnekayev tuyên bố rằng một trong những mục tiêu của Nga là “kiểm soát hoàn toàn Donbas và miền nam Ukraine”. Ông nói rằng điều đó sẽ cho phép Nga kiểm soát các cảng trên Biển Đen của Ukraine, “qua đó các sản phẩm nông nghiệp và luyện kim được chuyển giao” cho các quốc gia khác.”

Nói tóm lại, mục đích của Matxcơva là biến Ukraine thành một quốc gia không có biển.

Cho đến nay, bất chấp các cuộc tấn công liên tục, Nga vẫn không chiếm được các cảng trên Biển Đen của Ukraine, bao gồm cả Odessa, một thành phố kiên cố với một triệu dân. Cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào thứ Bảy tuần trước nhằm vào Odessa dường như thể hiện một loạt các mục tiêu quân sự mới của Minnekayev, và sẽ đòi hỏi Ukraine phải tăng cường khả năng phòng thủ trên biển ở các phần phía bắc của Biển Đen.

Tính đến tháng 01/2022, Ukraine có ba tàu tuần tra Mark VI cũ của Mỹ ở Odessa để giúp Ukraine “tuần tra và bảo vệ lãnh hải của mình”. Theo hải quân Ukraine, những chiếc Mark VI này mang theo các hệ thống tên lửa tầm ngắn. Theo một phát ngôn viên Lầu Năm Góc, các thành viên phi hành đoàn của chiếc Mark VI cuối cùng đã được đào tạo tại Mỹ. Vào thời điểm đó, thủy thủ đoàn Ukraine đã nhận được một số huấn luyện về các USV được gửi đến Ukraine trong gói 800 triệu USD ngày 13/4, theo một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc.

Trong số các USV của Hải quân Hoa Kỳ được thử nghiệm trong IMX 2022 là Mantas T-12, một con tàu dài 12 feet có thể mang trọng tải 140 pound với tốc độ lên đến 30 hải lý/giờ. Thiết kế mô-đun của nó cho phép nhanh chóng điều chỉnh các gói cảm biến nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động cụ thể. Chúng được vận hành cùng với tàu tuần tra có người lái của Hoa Kỳ và Lực lượng Phòng vệ Bahrain trong IMV 2022, theo một tuyên bố của Hải quân.

Brent Sadler, thành viên cấp cao (senior fellow) về chiến tranh hải quân tại Qũy Di sản, nói với trang web FEDSCOOP rằng Mantas T-12, có thể là hệ thống đã  được gửi đến Ukraine. Sadler nói: “Nếu có một hệ thống có thể được cung cấp cho Ukraine, thì đó sẽ là những gì nằm trong cuộc tập trận [IMX 2022] đó, và chiếc Mantas T-12 này được coi là một tàu không người lái vận hành trên mặt nước.

Sử dụng Mantas T-12 không người lái trong một cuộc tập trận là một phần, phần còn lại là cách người Ukraine sử dụng chúng trong các tình huống thời chiến thực sự.

Sadler đã nhận ra lợi ích đó và nói: “Điều này hữu ích cho Hoa Kỳ ở chỗ nó cũng cho phép chúng ta cải tiến tốt hơn các chúng ta [có thể] thực sự sử dụng những hệ thống này trong chiến đấu. Bởi vậy chúng ta cũng học hỏi và có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm chiến đấu mà người Ukraine có được và cách họ sử dụng chúng.”

—–

Chú thích

[1]  Khái niệm về Hoạt động Hàng hải Phân tán (DMO) dựa trên ba nguyên lý cơ bản: lực lượng phân bổ phải khó tìm, khó tiêu diệt và gây chết người.

Nhà báo đoạt giải Pulitzer Walter Pincus đã làm việc tại The Washington Post bốn mươi năm, viết về các chủ đề từ vũ khí hạt nhân đến chính trị. Ông là tác giả của Blown to Hell: American Deadly Betrayal of the Marshall Islanders. Pincus đã giành được giải Emmy vào năm 1981 và là người nhận được Giải thưởng Arthur Ross từ Học viện Ngoại giao Hoa Kỳ vào năm 2010.

Đoàn Thị Hằng Ni và TS. Nguyễn Nhật Minh là các cộng tác viên của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.