(Tuần từ 09/5 – 16/5/2022)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Hương Nguyễn, Ngô Trung Hiếu, Đoàn Thị Hằng Ni, Trần Phạm Bình Minh, Đinh Tùng Lâm
Biên tập: Phạm Huệ Việt, Trần Bằng
Tư liệu: South China Sea News

Tải bản PDF ở
—————
Trong Bản Tin Biển Đông Số 106 có những nội dung sau:
I- TRÊN BIỂN
II- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ
III- MỘT BƯỚC NGOẶT TRONG KHÁI NIỆM “AN NINH TẬP THỂ”, “CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC PHÒNG THỦ”: PHẦN LAN VÀ THUỴ ĐIỂN TỪ BỎ LẬP TRƯỜNG TRUNG LẬP TRUYỀN THỐNG, QUYẾT ĐỊNH ĐỆ ĐƠN GIA NHẬP NATO
IV- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ
V- HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH MỸ – ASEAN
VI- MỘT TUẦN LÀM VIỆC CỦA THỦ TƯỚNG VIỆT NAM TẠI HOA KỲ
VII- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN
VIII- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
IX- ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG & CHÂU ÂU – ĐẠI TÂY DƯƠNG
X- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN
XI- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
———-
I- TRÊN BIỂN
Úc lo ngại về tàu do thám của Trung Quốc
Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết hôm thứ Sáu ngày 13/5/2022 rằng Úc đã theo dõi một tàu do thám của Trung Quốc di chuyển ngoài khơi bờ biển phía tây của Úc trong tuần qua. Con tàu mang tên Haiwangxing không đi vào lãnh hải của Úc nhưng đi trong vòng 50 hải lý từ trạm liên lạc hải quân bí mật Harold E Holt ở Exmouth, nơi được Úc và các tàu ngầm đồng minh sử dụng. Morrison cho biết sự hiện diện của con tàu là “đáng lo ngại” và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton gọi đó là “một hành động gây hấn”.
Michael Shoebridge, chuyên gia quốc phòng của Viện Chính sách Chiến lược Úc cảnh báo sự hiện diện nhiều hơn của tàu hải quân Trung Quốc ở Thái Bình Dương có thể trở thành ‘bình thường mới’ sau hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon.
Xem thêm:
DW ngày 13/5/2022: Australia sights Chinese spy ship off western coast
Reuters ngày 13/5/2022: Australia says Chinese spy ship’s presence off west coast ‘concerning’
ABC News ngày 13/5/2022: Defence Minister Peter Dutton says a Chinese spy ship has been seen near secretive naval facility off Western Australia
Bộ Quốc phòng Úc ngày 13/5/2022: Imagery – Chinese Naval Vessel operating off West Australian Coast
Sky News ngày 16/5/2022: Defence expert warns heavier Chinese presence in the Pacific could be ‘the new normal’ following Solomon Islands pact
Diễn biến và vị trí đội tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc tập trận ở vùng biển phía Nam Nhật Bản và phía đông Đài Loan
Tàu sân bay Liêu Ninh cùng các tàu hộ tống đã dành phần lớn thời gian trong hai tuần vừa rồi diễn tập ở Biển Hoa Đông. Ảnh vệ tinh cho thấy vào ngày 11/5/2022, tàu đã hiện diện cách quần đảo Yaeyama của Nhật Bản khoảng 85 hải lý về phía nam và cách Đài Loan 160 hải lý về phía đông ở Biển Philippines.
Vị trí nhóm tàu sân bay Liêu Ninh ngày 11/5/2022. Ảnh: Detresfa_
Vào ngày 14/5, nhóm tàu đã rời vùng biển phía đông Đài Loan và di chuyển vào vùng biển phía nam Okidaitōjima của Nhật Bản.
Hôm thứ Sáu ngày 13/5, Janes đưa tin từ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết máy bay của tàu sân bay Liêu Ninh đã thực hiện hơn 100 lần xuất kích trong các cuộc tập trận từ ngày 3 – 9/5. Cuộc tập trận bao gồm các chuyến bay tiêm kích Shenyang J-15 và các hoạt động tác chiến chống tàu ngầm (ASW) với máy bay trực thăng.
Hoạt động của nhóm tàu sân bay Trung Quốc có lẽ đã thu hút nhiều sự chú ý từ các bộ phận giám sát của Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng như Đài Loan. Những hoạt động của tàu sẽ cung cấp thông tin cho các chuyên gia hiểu rõ hơn nhóm tàu sẽ hoạt động như thế nào trong thời chiến.
Xem thêm:
The War Zone ngày 14/5/2022: Chinese Aircraft Carrier Liaoning Spotted Off Taiwan In Satellite Imagery
The Japan Times ngày 12/5/2022: Chinese aircraft carrier’s activity a ‘security concern,’ says Japan general. Một bản toàn văn được lưu ở đây.
Hải quân Quân giải phóng Nhân dân lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận đội hình tàu đổ bộ tấn công, được truyền thông Trung Quốc coi là “công cụ mạnh mẽ trong quá trình thống nhất Đài Loan”
Tờ Global Times đưa tin gần đây, hai tàu đổ bộ tấn công Type 075 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cùng tiến hành tập trận đội hình hai tàu. Tờ báo viết rằng sự kiện này không chỉ cho thấy chiếc tàu thứ hai được mới đưa vào hoạt động trong thời gian ngắn đã đạt được năng lực chiến đấu cao, mà còn cung cấp cho PLA một công cụ mới mạnh mẽ trong các hoạt động đổ bộ, với đảo Đài Loan là một mục tiêu tiềm năng chính.
Xem thêm:
Global Times ngày 12/5/2022: PLA Navy holds 1st dual amphibious assault ship drills, ‘gains powerful new instrument in reunification’
Tàu khu trục lớn nhất của hải quân Trung Quốc dẫn đầu các cuộc tập trận trên Hoàng Hải được cho là nhằm vào các đối thủ nhỏ hơn
Tàu chiến Type 055 thứ hai của Hải quân PLA, Lhasa, được cho là sẵn sàng chiến đấu vào tháng Giêng. Với lượng choán nước 12.000 tấn, nó được coi là tàu khu trục mạnh thứ hai trên thế giới sau USS Zumwalt (DDG-1000) của Hoa Kỳ.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 16/5/2022: Chinese navy’s biggest destroyer leads Yellow Sea combat drills seen to target smaller rivals. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
———-
II- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Indonesia thảo luận về Biển Đông, chia sẻ thông tin hàng hải
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã có chuyến công du ba ngày bắt đầu từ ngày 12/5/2022. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông đến Việt Nam kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10 năm 2019. Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Giang đề nghị các cơ quan thực thi pháp luật trên biển hai nước tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, xử lý các vấn đề phát sinh trên biển trên cơ sở phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và tinh thần đối xử nhân đạo với ngư dân.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Giang đã mời lãnh đạo Bộ Quốc phòng Indonesia tham dự và mời các doanh nghiệp quốc phòng trưng bày sản phẩm tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần thứ nhất dự kiến tổ chức tại Việt Nam vào tháng 12 năm nay.
Xem thêm:
Talk Vietnam ngày 14/5/2022: Vietnamese, Indonesian defence chiefs discuss South China Sea, maritime information sharing
Máy bay tuần tra hàng hải P-8I của Ấn Độ tập trận với Hải quân Pháp
Theo thông tin được Swarajya đăng tải vào ngày 10/5/2022, một máy bay tuần tra hàng hải P-8I của Ấn Độ đã tiến hành tập trận chung với Hải quân Pháp ở Tây Nam Ấn Độ Dương.
Xem thêm:
Naval News ngày 11/5/2022: Indian P-8I maritime patrol aircraft conducts drills with French Navy
Hoa Kỳ lãnh đạo cuộc tập trận NATO dọc biên giới phía đông của liên minh, trong đó có thành viên mới nhất của NATO
Hôm thứ Năm ngày 12/5/2022, Quân đội Hoa Kỳ đã tham gia cùng với các lực lượng từ Anh, Pháp, Ý và các nước đồng minh trong khu vực trong một cuộc tập trận được tổ chức tại quốc gia thành viên mới nhất của NATO, Bắc Macedonia, nhằm thể hiện sự sẵn sàng triển khai quân dọc theo biên giới phía đông của liên minh. Gần 10.000 binh sĩ từ 19 quốc gia đang tham gia các cuộc tập trận “Phản ứng nhanh” của NATO trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraine tiếp tục kéo dài sang tuần thứ 12. Các quan chức quân sự cho biết các cuộc tập trận đang được tổ chức tại 5 địa điểm riêng biệt, trải dài từ Na Uy đến Bắc Macedonia.
Xem thêm:
Military Times ngày 12/5/2022: US leads exercise in NATO’s newest member
Nhật Bản theo đuổi chia sẻ thông tin tình báo nhiều hơn với nhóm tình báo Five Eyes trong bối cảnh lo ngại về Trung Quốc
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục quyết đoán ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Nga xâm lược Ukraine đã làm lung lay nền tảng an ninh toàn cầu, Nhật Bản đang tìm cách tăng cường hợp tác với liên minh chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes.
Mặc dù nỗ lực thúc đẩy việc này, Nhật Bản có thể vẫn phải đứng bên lề của liên minh vì thiếu cơ quan tình báo hoạt động tại nước ngoài.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 12/5/2022: Japan pursues greater Five Eyes intel-sharing amid China concerns. Một bản toàn văn được lưu ở đây.
EU lên kế hoạch cấu trúc đầu tư mới để tăng cường chi tiêu quốc phòng
Theo Bloomberg, Liên hiệp Châu Âu có kế hoạch giới thiệu các công cụ đầu tư mới để thúc đẩy chi tiêu quốc phòng và tăng hiệu quả cho hoạt động mua sắm quốc phòng của Châu Âu. Các biện pháp, được gọi là DefendEU sẽ hợp lý hóa các quy trình mua sắm và loại bỏ các rào cản hiện tại, chẳng hạn như lệnh cấm các dự án đầu tư quốc phòng của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 13/5/2022: EU Plans Joint Investment Tools to Boost Defense Spending. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Hải quân Australia tổ chức cuộc tập trận quốc tế lớn nhất trong lịch sử
Hải quân Úc tiết lộ kế hoạch tập trận hải quân Kakadu dự kiến sẽ là cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử của Australia, thúc đẩy quan hệ ngoại giao mang tính xây dựng và hợp tác khu vực.
Trong 30 năm qua, Úc đã chứng kiến sự tham gia của các quốc gia sau; Singapore, New Zealand, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Papua New Guinea, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp (New Caledonia), Ấn Độ, Pakistan, Brunei, Đông Timo, Tonga, Hồng Kông (Vương quốc Anh), Canada, Bangladesh , Campuchia, Việt Nam, Fiji, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Quần đảo Cook, Sri Lanka, Chile, Trung Quốc và Vanuatu.
Xem thêm:
Naval Today ngày 13/5/2022: Australian Navy to host largest international exercise in its history
———-
III- MỘT BƯỚC NGOẶT TRONG KHÁI NIỆM “AN NINH TẬP THỂ”, “CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC PHÒNG THỦ”: PHẦN LAN VÀ THUỴ ĐIỂN TỪ BỎ LẬP TRƯỜNG TRUNG LẬP TRUYỀN THỐNG, QUYẾT ĐỊNH ĐỆ ĐƠN GIA NHẬP NATO
Báo cáo đánh giá chính sách an ninh của Thuỵ Điển và Phần Lan
Sau nhiều tuần tuyên bố ủng hộ việc gia nhập NATO, chính phủ Phần Lan và Thụy Điển đã công bố quan điểm chính thức của họ về vấn đề này vào ngày 15/5/2022 và Quốc hội hai nước đã phê chuẩn với số phiếu ủng hộ chiếm áp đảo. Hai nước đã cùng chính thức nộp đơn vào thứ Tư ngày 18/5/2022.
Bản đánh giá chính sách an ninh của Thuỵ Điển đã kết luận rằng tư cách thành viên NATO sẽ có tác dụng ổn định và có lợi cho các nước xung quanh vùng biển Baltic. Mặc dù lường trước việc Nga có thể trả đũa, nhưng bản đánh giá cho rằng lập trường an ninh không liên kết của Thụy Điển đang đặt Thuỵ Điển ở vị trí tồi tệ nhất: bị Nga coi là một phần của phương Tây nhưng không có sự đảm bảo về an ninh của NATO. Ở trong một thế giới không đứng về bên nào như vậy không mang lại bất kỳ sự an toàn nào, mà chỉ có sự tổn thương, Allan Widman của Đảng Tự Do Thuỵ Điển nói. Đây không phải là độc lập, mà đúng nghĩa là đơn độc.
Trong thông cáo báo chí tuyên bố sự ủng hộ của Đảng Dân Chủ Xã hội cầm quyền Thuỵ Điển, Thủ tướng Magdalena Andersson nói: Đảng Dân chủ Xã hội đã kết luận rằng Thụy Điển nên gia nhập NATO. Chính sách không liên kết quân sự hai trăm năm tuổi của Thuỵ Điển đã phục vụ tốt cho Thụy Điển. Nhưng vấn đề đang đặt ra là liệu sự chính sách không liên kết quân sự này có còn tiếp tục phục vụ lợi ích quốc gia của Thuỵ Điển hay không?
“Cuộc xâm lược vô cớ của Nga vào Ukraine không chỉ là bất hợp pháp và không thể biện minh mà còn phá hoại trật tự an ninh của châu Âu,” bà nói. “Hiện chúng ta đang phải đối mặt với một sự thay đổi cơ bản trong môi trường an ninh ở Châu Âu. Và khi chúng ta định hướng trong môi trường mới này, câu hỏi cơ bản đặt ra cho chúng ta là: Làm thế nào để chúng ta bảo vệ Thụy Điển một cách tốt nhất? Và Điện Kremlin đã cho thấy rằng họ đã sẵn sàng sử dụng bạo lực để đạt được các mục tiêu chính trị của mình và không ngần ngại chấp nhận những rủi ro to lớn. Họ đưa ra một yêu cầu không thể chấp nhận được và đòi hỏi sự phục tùng các nước láng giềng hòa bình và dân chủ, trong đó có cả Thụy Điển.”
Trở thành thành viên của NATO, Thủ tướng Andersson nói Thụy Điển không chỉ có thêm sự bảo vệ mà còn đóng góp vào việc tăng cường an ninh của khối. Trong NATO, Thụy Điển sẽ là một nhà cung cấp an ninh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Magdalena Andersson cho biết Thụy Điển sẽ từ chối vũ khí hạt nhân hoặc các căn cứ vĩnh viễn của NATO trên đất của họ, tương tự trường hợp của các thành viên NATO là Na Uy và Đan Mạch. Phần Lan chưa đưa ra tuyên bố gì về vấn đề này.
Tương tự như Thuỵ Điển, Phần Lan khẳng định sự kiện Nga xâm lược Ukraine đã dẫn tới một sự thay đổi căn bản trong môi trường an ninh và hoạt động của Phần Lan và Châu Âu. Gia nhập NATO là giải pháp để Phần Lan củng cố an ninh của chính mình nhằm thích nghi với môi trường đã thay đổi. Thông qua tư cách thành viên NATO, Phần Lan sẽ là một phần của lực lượng phòng thủ tập thể của NATO và do đó, sẽ được đảm bảo an ninh theo trong Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Là một thành viên của NATO, Phần Lan sẽ tham gia vào việc đưa ra các quyết định về các vấn đề chính sách an ninh có tầm quan trọng chính đối với Phần Lan. Là một thành viên của NATO, Phần Lan sẽ củng cố toàn bộ Liên minh. Tư cách thành viên của Phần Lan trong NATO cũng sẽ củng cố sự ổn định và an ninh ở khu vực Biển Baltic và Bắc Âu.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 14/5, Tổng thống Phần Lan Silau Niinistö lưu ý rằng ông đã từng nói với Tổng thống Putin trong cuộc họp song phương đầu tiên vào năm 2012, mọi quốc gia độc lập đều tối đa hoá an ninh của mình. Việc Phần Lan gia nhập NATO chính là để tối đa hoá an ninh của mình. Bằng cách gia nhập NATO, Phần Lan củng cố an ninh của chính mình cũng như đảm nhận trách nhiệm của mình. Cũng như trong tương lai, Phần Lan muốn giải quyết các câu hỏi thực tế nảy sinh từ việc là nước láng giềng của Nga một cách đúng đắn và chuyên nghiệp.
Trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02/2022, dư luận ở cả hai nước Bắc Âu kiên quyết phản đối việc gia nhập NATO, nhưng sự ủng hộ đối với tư cách thành viên NATO đã tăng nhanh chóng ở cả hai quốc gia sau ngày Nga phá bỏ các nền tảng của nguyên tắc luật quốc tế, quyết định sử dụng vũ lực xâm phạm một quốc gia có chủ quyền.
Cựu Thủ tướng Thuỵ Điển Carl Bildt cho biết nếu Phần Lan và Thụy Điển tham gia liên minh NATO, hai quốc gia sẽ mang lại những khả năng quân sự mới đáng kể, bao gồm cả năng lực trên không và tàu ngầm tiên tiến, sẽ thay đổi cấu trúc an ninh của Bắc Âu và giúp ngăn chặn sự mở rộng xâm lược của Nga.
Quyết định của Phần Lan và Thuỵ Điển nhận được ủng hộ của hầu hết các thành viên, đối tác NATO
Quyết định gia nhập NATO của chính quyền Phần Lan và Thụy Điển là diễn biến mang tính bước ngoặt đối với an ninh khu vực. Quyết định tấn công Ukraine của Tổng thống Putin đã ngay lập tức làm thay đổi hoàn toàn thái độ của người Phần Lan và Thụy Điển đối với vấn đề tư cách thành viên NATO. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai quốc gia có truyền thống trung lập về an ninh đã thể hiện mong muốn đóng góp vào nỗ lực quốc phòng chung của Châu Âu, nhằm đối phó với nguy cơ an ninh từ nước Nga của Tổng thống Putin. Mong muốn của chính quyền và người dân Phần Lan, Thụy Điển đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các thành viên và đối tác của NATO. Mỹ, Anh, Pháp, Đan Mạch, Nhật Bản, các quốc gia Baltic gồm Latvia, Lithuania, Estonia nhanh chóng thể hiện lập trường ủng hộ mong muốn của hai quốc gia Bắc Âu, và kêu gọi đẩy nhanh quá trình tiếp nhận đơn gia nhập của hai quốc gia này. Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tới làm việc trực tiếp với Tổng thống Phần Lan và Thụy Điển, ký kết thỏa thuận bảo đảm an ninh cho hai quốc gia này trong quá trình NATO xét duyệt hồ sơ gia nhập. Ngày 12/5, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania khẳng định quyết định của Phần Lan sẽ củng cố an ninh khu vực Baltic, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania cho rằng quyết định này sẽ là một vấn đề lớn đối với Nga. Sau đó, ba bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia Baltic đã khẳng định rằng ba nước này sẽ tìm cách đẩy nhanh quá trình phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng đồng thuận với lập trường của ba quốc gia Baltic, cho biết Đan Mạch sẽ làm mọi cách để đẩy nhanh quá trình phê chuẩn. Ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Biden đã điện đàm với Thủ tướng Thụy Điển Andersson và Tổng thống Phần Lan Niinistö để thảo luận về hợp tác an ninh quốc phòng, và Biden đã khẳng định sự ủng hộ của nước Mỹ với chính sách Mở cửa của NATO cũng như đối với quyền tự lựa chọn tương lai an ninh của mình. Lập trường của Tổng thống Biden cũng được chia sẻ bởi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Các quốc gia trên đều đồng thuận rằng an ninh của NATO và an ninh của Phần Lan, Thụy Điển đều sẽ được củng cố với các quyết định gia nhập của hai quốc gia này, bởi vì hai quốc gia này đều sử dụng tiêu chuẩn chung của NATO, đã có lịch sử hợp tác chặt chẽ với NATO, và có lực lượng quân sự mạnh có thể đóng góp vào năng lực răn đe chung của toàn khối.
Phát biểu trước giới truyền thông, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nói rằng Thuỵ Điển và Phần Lan vốn là những đối tác thân thiết nhất của NATO và việc họ quyết định gia nhập NATO sẽ có tính lịch sử. Sự gia nhập NATO của hai quốc gia này sẽ tăng cường an ninh chung của cả khối, chứng minh rằng cánh cửa của NATO rộng mở và hành động gây hấn không có tác dụng gì. Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia có chủ quyền đều có quyền lựa chọn con đường riêng của mình.
Ông Stoltenberg cho biết, sau khi các lực lượng quân đội Nga không chiếm được Kyiv, họ đang rút lui khỏi Kharkiv và cuộc tấn công Donbass bị đình trệ. “Nga không đạt được các mục tiêu chiến lược của mình,” ông nhận định. “Tổng thống Putin muốn Ukraine bị đánh bại, NATO suy thoái và Châu Âu và Bắc Mỹ bị chia rẽ. Nhưng Ukraine đã đứng vững, NATO mạnh hơn bao giờ hết. Châu Âu và Bắc Mỹ đoàn kết với nhau. Ukraine có thể dành chiến thắng cuộc chiến này” và các Đồng minh phải tiếp tục tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.
Trong khi hầu hết các quốc gia thành viên NATO, bao gồm Hoa Kỳ, Pháp, Vương quốc Anh và Đức, bày tỏ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ có thể phủ quyết các đơn gia nhập của hai nước này và điều kiện họ đặt ra là phải từ bỏ sự ủng hộ đối với Đảng Công nhân Kurdistan, một tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố, và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu. Để trở thành thành viên NATO đòi hỏi tất cả các quốc gia đang là thành viên NATO nhất trí chấp thuận. Các quan chức Phần Lan và Thụy Điển sẽ gặp gỡ ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ để đối thoại. Các quan chức Mỹ cho biết cũng sẽ trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết các khúc mắc.
Phản ứng của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai cho biết Moscow “không có vấn đề gì” về việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO, nhưng sẽ phản ứng nếu có “việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ” của những nước này.
Nga sẽ coi những nỗ lực của Thụy Điển và Phần Lan trong việc trở thành thành viên NATO là một động thái khác của NATO mở rộng về phía đông và bao vây nước này hơn nữa ở khu vực Baltic. Mặc dù Moscow có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp gây rối, nhưng một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga với Thụy Điển hoặc Phần Lan ít có khả năng xảy ra, theo đánh giá của Thuỵ Điển và nhiều nhà phân tích.
Sự đảm bảo an ninh trong quá trình hai quốc gia chờ trở thành thành viên chính thức của NATO
Các quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Na Uy, Đan Mạch, Iceland đều đã tuyên bố sẽ đảm bảo an ninh cho Phần Lan và Thuỵ Điển nếu như hai nước bị tấn công trước khi nhận được tư cách thành viên chính thức của NATO. Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cho biết đang xem xét khả năng triển khai quân đội để đảm bảo an ninh cho Thuỵ Điển và Phần Lan.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Đức sẽ tăng cường tập trận chung với Thuỵ Điển và Phần Lan, và cả đều có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Đức.
Bên cạnh đó, theo điều khoản phòng thủ chung của EU mà Phần Lan và Thuỵ Điển là thành viên, tất cả các quốc gia thành viên ràng buộc với nhau bằng nghĩa vụ cung cấp cho nhau mọi sự giúp đỡ và hỗ trợ trong khả năng tốt nhất để bảo vệ lẫn nhau.
Xem thêm:
Báo cáo đánh giá chính sách an ninh của Chính phủ Thuỵ Điển
Báo cáo đánh giá chính sách an ninh của Chính phủ Phần Lan
Văn phòng Tổng thống Phần Lan ngày 12/5/2022: Joint statement by the President of the Republic and Prime Minister of Finland on Finland’s NATO membership
AP News ngày 16/5/2022: Swedish lawmakers debate joining NATO as attitudes change
AP News ngày 14/5/2022: Putin warns Finland NATO membership would harm relations
Đảng Dân chủ Xã hội Thuỵ Điển ngày 15/5/2022: Partistyrelsens beslut om Socialdemokraternas säkerhetspolitiska linje
The Washington Post ngày 15/5/2022: Ruling parties in Sweden, Finland back NATO membership in historic shifts. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Foreign Affairs ngày 3/5/2022: NATO’s Nordic Expansion. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Delfi ngày 12/5/2022: Landsbergis: Finland joining NATO would ‘dramatically’ change situation in region
LRT ngày 12/5/2022: Finland in NATO ‘creates a problem for Russia’, says Lithuanian defence chief
DevDiscourse ngày 12/5/2022: Denmark to push for quick NATO admission of Finland – PM
Twitter của Tổng thư ký NATO ngày 12/5/2022: Statement of NATO Secretary Jens Stoltenberg
The Hill ngày 12/5/2022: US, allies look to fast-track Finland and Sweden joining NATO
Deutsche Welle ngày 12/5/2022: NATO: New challenges for the alliance as Finland and Sweden inch closer to membership?
The Hill ngày 12/5/2022: Biden speaks to leaders of Finland, Sweden about NATO membership
Financial Times ngày 13/5/2022: Baltic states hail Finland and Sweden’s expected Nato accession. Một bản PDF được lưu trữ ở đây
VOA ngày 13/5/2022: Turkey’s Erdogan Says He Opposes NATO Membership for Sweden, Finland
NATO ngày 15/5/2022: Joint press conference by the NATO Secretary General and the Minister of Foreign Affairs of Germany, 15-May
Văn phòng Thủ tướng Phần Lan ngày 15/5/2022: Report on Finland’s Accession to the North Atlantic Treaty Organization
BBC ngày 13/5/2022: Finland Nato: Russia threatens to retaliate over membership move
The Washington Post ngày 15/5/2022: Russia is furious that Finland is joining NATO but it can’t do much about it. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bloomberg ngày 11/5/2022: Sweden, Finland Get UK Security Pledge For NATO Bid Period. Một bản PDF được lưu trữ ở đây
Financial Times ngày 11/5/2022: UK provides security assurances to Sweden and Finland. Một bản PDF được lưu trữ ở đây
AFP ngày 17/5/2022: Germany To Boost Military Cooperation With Sweden, Finland Amid NATO Bid
Bộ Quốc phòng Thuỵ Sĩ xem xét chuyển dịch chính sách an ninh tiếp cận gần hơn với NATO
Vị thế trung lập huyền thoại của Thụy Sĩ sắp phải đối mặt với thử thách lớn nhất trong nhiều thập kỷ, với việc Bộ Quốc phòng nghiêng về phía các cường quốc quân sự phương Tây để đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Bộ Quốc phòng Thuỵ Sĩ đang lập một báo cáo về các lựa chọn an ninh bao gồm các cuộc tập trận quân sự chung với các nước NATO và dự trữ đạn dược trở lại, Paelvi Pulli, người đứng đầu chính sách an ninh của Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ nói với Reuters.
Xem thêm:
Reuters ngày 16/5/2022: Analysis: Neutral Switzerland leans closer to NATO in response to Russia
———-
IV- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ nói về thách thức Trung Quốc và Nga
Cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine có khả năng trở nên “khó lường hơn và sẽ leo thang” trong những tháng tới, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines nói với Ủy ban Vũ trang Thượng viện Quốc hội hôm thứ Ba.
Bà Haines đã vẽ một bức tranh ảm đạm và không chắc chắn về giai đoạn tiếp theo của cuộc xâm lược kéo dài hai tháng của Putin, và không có dấu hiệu kết thúc.
Ngay cả khi Nga thành công ở Donbas, nơi Moscow hiện đang tập trung các nỗ lực quân sự, “chúng tôi không tin rằng cuộc chiến ở Donbas sẽ kết thúc chiến tranh một cách hiệu quả,” Haines nói. Cộng đồng tình báo đánh giá rằng Putin đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và vẫn giữ ý định đạt được các mục tiêu ngoài Donbas.
Trong khi đó, phía Nga đổ lỗi cho Ukraine đã từ bỏ tiến trình đàm phán với Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết hiện không có cuộc đàm phán nào giữa các phái đoàn Nga và Ukraine được tiến hành và Kyiv đã không phản hồi dự thảo hiệp ước mà Nga đã đề xuất. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö trong cuộc điện đàm rằng các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv đã bị tạm dừng do “phía Ukraine không quan tâm đến một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.”
Mykhailo Podolyak, cố vấn của văn phòng Tổng thống Ukraine, thì nói rằng các cuộc đàm phán “đang tạm dừng.” Không rõ các điều kiện mà phía Nga đưa ra là gì. Tuy nhiên gần đây Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã bác bỏ đề nghị của Tổng thống Pháp là nhượng một phần lãnh thổ “để giúp Nga giữ mặt mũi”.
Quay trở lại phiên điều trần Thượng viện, bà Haines cho biết mối đe dọa về một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan từ nay đến năm 2030 là “nghiêm trọng”. Trung Quốc đang “làm việc chăm chỉ để đặt mình một cách hiệu quả vào vị trí mà quân đội của họ có khả năng tiếp quản Đài Loan trước sự can thiệp của chúng ta,” bà nói.
Trung Quốc vẫn muốn chiếm Đài Loan một cách hòa bình nhưng đang chuẩn bị về mặt quân sự, bà cho biết.
Xem thêm:
CNN ngày 10/5/2022: Top US spy chief says war in Ukraine will likely become ‘more unpredictable and escalatory’
Reuters ngày 10/5/2022: China wants to take Taiwan peacefully but is preparing militarily -US intelligence officials
Taiwan News ngày 11/5/2022: US National Intelligence head warns threat of Chinese invasion of Taiwan has grown
United States Committee on Armed Services ngày 10/5/2022: Hearing: To receive testimony on worldwide threats
TASS ngày 17/5/2022: Kiev essentially quit negotiations with Moscow, says Russian deputy foreign minister
Một “vạn lý trường thành” các mục tiêu hải quân ở sa mạc Trung Quốc. Một số mô hình gợi ý Trung Quốc đang thực hành các cuộc tấn công tên lửa vào các mục tiêu ở Đài Loan và Guam
Hình ảnh vệ tinh mới được phân tích bởi H I Sutton cho thấy Trung Quốc đã dựng các mô hình tàu sân bay ở sa mạc Takmalakan, tạo thành một chuỗi các mục tiêu quy mô lớn chạy dọc theo rìa phía đông của sa mạc. Một số trong số này có mô hình giống với cảng biển, tàu khu trục. Một số vị trí đã có dấu vết của tấn công. Bản chất, vị trí và các cuộc tấn công vào các địa điểm này đều cho thấy các mục tiêu được sử dụng để thử tên lửa đạn đạo. Theo Damien Symon, một nhà phân tích quân sự, có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thử nghiệm nhắm tới những mục tiêu tinh vi phức tạp.
Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, cho biết ông đã tìm thấy một cách mô hình được bố trí rất giống với Căn cứ Hải quân Suao ở quận Yilan, phía đông bắc Đài Loan. Theo Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, Suao là một cảng chiến lược được thiết kế để giữ cho Đài Loan tiếp cận các chuỗi cung ứng hàng hải trong thời kỳ chiến tranh, vì vậy đây sẽ một là mục tiêu ưu tiên của tấn công bằng tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Theo Lu, các thiết kế mô phỏng và diễn tập cho thấy các tàu chiến Trung Quốc đang mô phỏng các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu ở cả căn cứ hải quân Guam và cảng quân sự Suao bằng tên lửa chống hạm YJ-21.
Xem thêm:
USNI ngày 11/5/2022: Great Wall of Naval Targets Discovered in Chinese Desert
South China Morning Post ngày 12/5/2022: Satellite images ‘suggest China is practising missile strikes on targets in Taiwan and Guam’. Một bản PDF được lưu ở đây.
Ảnh vệ tinh cho thấy tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc có thể phóng tên lửa hành trình
Bức ảnh vệ tinh về xưởng đóng tàu tại Huludao thuộc tỉnh Liêu Ninh, miền bắc Trung Quốc, được chụp vào ngày 03/5/2022 cho thấy một chiếc tàu ngầm trên một ụ khô. Đây có thể là một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc một lớp thiết kế mới hoặc một phiên bản phái sinh với hệ thống đẩy tàng hình mới và ống phóng tên lửa hành trình.
Xem thêm:
Defense News ngày 16/5/2022: Satellite photo shows possible new Chinese nuclear submarine able to launch cruise missiles
Công nghệ Trung Quốc vẫn tồn tại rộng khắp ở Hoa Kỳ
Công nghệ của Trung Quốc vẫn tồn tại trên khắp nước Mỹ – kể cả ở một số nơi nhạy cảm. Hơn 100 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vẫn đang kết nối các cuộc gọi điện thoại di động cho hàng trăm nghìn khách hàng với thiết bị của Huawei Technologies Co và ZTE Corp. Thiết bị do Trung Quốc sản xuất vẫn đang phục vụ các cơ sở của Bộ Quốc phòng, các máy bay phản lực của một số công ty lớn nhất của Mỹ, và các hãng hàng không thương mại lớn nhất. Mặc dù các quan chức Mỹ đã không cung cấp bằng chứng công khai về mối đe dọa do công nghệ Trung Quốc gây ra, nhưng các chuyên gia cho biết các sản phẩm có rủi ro thực sự. James Lewis, Phó Chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế cho biết: “Đó là một điểm thâm nhập tiềm năng cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc.” “Rủi ro là họ có thể làm gián đoạn liên lạc của chúng ta theo ý muốn.”
Xem thêm:
Bloomberg ngày 11/5/2022: US Ban on China Tech Failed to Stop Use of Hauwei, ZTE Hardware. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Camera Trung Quốc được sử dụng trên đường phố có micro ẩn có thể theo dõi bạn
Các micro ẩn đã được tìm thấy trong các camera quan sát của Trung Quốc được lắp đặt trên các đường phố của Anh. Chính phủ Anh cảnh báo những chiếc micro ẩn này có thể được sử dụng để theo dõi công chúng Anh.
Xem thêm:
The Telegraph ngày 11/5/2022: Chinese CCTV cameras on our streets have hidden microphones that could be spying on you. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo thử nghiệm thành công việc sử dụng công nghệ vi sóng chống máy bay không người lái
Theo Lầu Năm Góc, một cuộc trình diễn công nghệ vi sóng công suất cao có năng lực đánh bại các mối đe dọa từ máy bay không người lái đã kết thúc thành công. Bộ Quốc phòng Mỹ đang tăng tốc các nỗ lực để đối phó với mối đe doạ ngày càng tăng của những hạm đội máy bay không người lái. Cuộc trình diễn mới nhất diễn ra vào tháng 4 với sự tham gia của ba nhóm công nghiệp từ Epirus, Raytheon Technologies và Leonardo DRS.
Xem thêm:
Defense News ngày 11/5/2022: Pentagon tests high-power microwave systems against drones
Nhật Bản, Anh cùng phát triển thế hệ máy bay mới cho Lực lượng Phòng Không Nhật Bản
Theo The Yomiuri Shimbun, chính phủ Nhật Bản và Anh đang tiến tới việc phát triển chung một dòng máy bay thay thế loại máy bay chiến đấu F-2 sẽ bị loại biên.
Hai chính phủ đang trong giai đoạn phối hợp cuối cùng của dự án, trong đó các thành phần chính cho máy bay chiến đấu mới sẽ được hợp tác phát triển chung với BAE Systems PLC, một công ty quốc phòng và máy bay lớn của Anh. Chính phủ dự định sẽ giới thiệu loại máy bay chiến đấu thế hệ mới này vào giữa những năm 2030. Mitsubishi Heavy Industries Ltd. sẽ đóng vai trò chính trong việc thiết kế thân máy bay và phát triển hệ thống.
Xem thêm:
The Japan News ngày 15/5/2022: Japan, Britain to jointly develop ASDF’s successor to F-2 fighter jet
Hoa Kỳ nói các biện pháp trừng phạt buộc Nga sử dụng các bộ phận dân sự trong thiết bị quân sự
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đang buộc Nga sử dụng chip máy tính từ máy rửa bát và tủ lạnh trong một số thiết bị quân sự. Theo Raimondo, xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang Nga đã giảm gần 70% kể từ khi lệnh trừng phạt bắt đầu. Ba mươi quốc gia khác đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu tương tự.
Xem thêm:
The Washington Post ngày 11/5/2022: Sanctions forcing Russia to use appliance parts in military gear, U.S. says. Một bản PDF được lưu ở đây.
Ấn Độ ngừng giao dịch trực thăng Ka-31 với Nga
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Ấn Độ đưa tin, Ấn Độ đã tạm dừng đàm phán với Nga để mua trực thăng radar tầm xa Ka-31 vì Delhi không chắc chắn về khả năng của Moscow trong việc thực hiện đơn đặt hàng.
Xem thêm:
Defense News ngày 16/5/2022: India halts Ka-31 helicopter deal with Russia
———-
V- HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH MỸ – ASEAN
Biden cam kết viện trợ 150 triệu USD cho các quốc gia ASEAN, triển khai sáng kiến hợp tác hàng hải, đưa tàu cảnh sát biển tới khu vực, đào tạo chuyên môn cho quan chức
Hôm thứ Năm ngày 12/5/2022, Tổng thống Joe Biden đã khởi động Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 quốc gia. Biden đã tổ chức một bữa tối với các nhà lãnh đạo của Brunei, Indonesia, Campuchia, Singapore, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Malaysia và Philippines để bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh, sau đó là cuộc hội đàm tại Bộ Ngoại giao vào thứ Sáu. Các cuộc đàm phán nhằm tăng cường mối quan hệ của Hoa Kỳ với các quốc gia ASEAN và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tại hội nghị, chính quyền Biden đã thông báo sẽ đầu tư 150 triệu USD vào các nước Đông Nam Á trong nỗ lực thúc đẩy sự tham gia kinh tế trong khu vực như một phần trong chiến lược chống lại Trung Quốc. Trong số các sáng kiến có sáng kiến 60 triệu USD cho hợp tác hàng hải và Mỹ cũng sẽ triển khai một tàu cảnh sát biển đến khu vực để tăng cường hợp tác an ninh. Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins sẽ thành lập một học viện để đào tạo các quan chức của các quốc gia ASEAN, dự kiến mỗi năm sẽ có 3 suất dành cho mỗi nước.
Theo Stratfor, khu vực tư nhân Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào ASEAN vào năm 2020, và điều tương tự có thể sẽ xảy ra trong năm nay.
Ngoài ra, thông qua việc đề cử Yohannes Abraham, Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, làm đại sứ tại ASEAN vào ngày 13/5/2022, Tổng thống Biden đang tìm cách gửi thông điệp rằng ông nghiêm túc về việc điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của Mỹ để tập trung nhiều hơn vào Châu Á và tăng cường vai trò của Hoa Kỳ với tư cách đối trọng với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong khu vực.
Trước Hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo ASEAN đã có cuộc họp với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN và Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cùng với Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai.
Xem thêm:
The White House ngày 15/5/2022: FACT SHEET: US-ASEAN Special Summit in Washington, DC
U.S. Mission to ASEAN ngày 14/5/2022: Remarks By President Biden at the US-ASEAN Special Summit
The White House ngày 12/5/2022: Background Press Call by a Senior Administration Official Previewing New Initiatives from the US-ASEAN Special Summit
Financial Times ngày 12/5/2022: US to invest $150mn in south-east Asia in attempt to counter China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây
Stratfor ngày 13/5/2022: ASEAN: US Announces Investment in Region After Leaders Meet Biden in Washington. Một bản PDF được lưu ở đây
VnExpress ngày 14/5/2022: Vietnam PM hails ASEAN-US maritime cooperation
Hoa Kỳ và ASEAN cam kết thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ vào tháng 11/2022
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo các nước Mỹ và ASEAN đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung phản ánh những kết quả đạt được trong 45 năm qua và đề ra định hướng tương lai. Tuyên bố cho biết các nước cam kết thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Hoa Kỳ có “ý nghĩa thực chất, hiệu quả và cùng có lợi” tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 10 vào tháng 11/2022.
Tuyên bố chung không đề cập đến Nga hay cuộc xâm lược, nhưng cho biết “chúng tôi tiếp tục tái khẳng định sự tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ” và kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch” ở Ukraine.
Edgard Kagan, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ kiêm Giám đốc cấp cao về Đông Á và Châu Đại Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết Mỹ đã không cố gắng thuyết phục các nước ASEAN tách khỏi Nga bởi cuộc xâm lược Ukraine. Mặc dù Tổng thống Biden đã thảo luận với các nhà lãnh đạo ASEAN về tầm quan trọng của việc có phản ứng quốc tế mạnh mẽ liên quan đến cuộc chiến, trọng tâm chính là đảm bảo các nước hiểu được quan điểm của Hoa Kỳ.
Daniel Kritenbrink, trợ lý Ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết đã có “sự đồng thuận mạnh mẽ” giữa các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh trong việc vạch ra các nguyên tắc liên quan đến Ukraine.
Ông Kritenbrink cũng cho biết hợp tác hàng hải giữa Hoa Kỳ và các thành viên ASEAN bao gồm đào tạo cho các ứng dụng thực tế như giám sát hoạt động đánh bắt cá trái phép và tìm kiếm cứu nạn.
“Có một trọng tâm là hợp tác thiết thực trong lĩnh vực hàng hải. Một phần trong đó được thể hiện bằng các chương trình mới đã được công bố trong bảng thông tin của chúng tôi, sẽ được thực hiện bởi Cảnh sát biển, tập trung vào phát triển năng lực và khả năng của các đối tác của chúng tôi trong việc đạt được nhận thức về lĩnh vực hàng hải, hiểu những gì đang diễn ra ở đó,” ông nói hôm thứ Ba ngày 18/5/2022.
Xem thêm:
ASEAN ngày 14/5/2022: ASEAN-U.S. Special Summit, 2022 Joint Vision Statement
ABS-CBN News ngày 18/5/2022: US to ASEAN: No pressure to distance from Russia
INQUIRER.net ngày 18/5/2022: US-Asean maritime cooperation down to practical levels
Các cuộc gặp song phương
Vào ngày 12 và 13/5/2022, Bộ trưởng Antony J. Blinken đã có cuộc gặp và tiếp đón các lãnh đạo cấp cao đến từ các nước ASEAN.
Trong cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, Bộ trưởng Antony J. Blinken hoan nghênh mối quan hệ bền chặt Hoa Kỳ- Indonesia và cho biết sẽ sử dụng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước nhằm đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong cuộc họp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Blinken tái khẳng định quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ và sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN; Mekong-Hoa Kỳ. Đồng thời, cả hai cũng trao đổi về các biện pháp mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh, quan hệ kinh tế thương mại, hợp tác biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân.
Với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thân thiện với khí hậu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các giá trị chung trên toàn khu vực Mekong, bao gồm việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Miến Điện và làm việc thông qua ASEAN để khôi phục con đường đi tới dân chủ của Miến Điện.
Và cuối cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về những hạn chế đối với nhân quyền và các quyền tự do cơ bản ở Campuchia, kêu gọi Campuchia từ bỏ các cáo buộc có động cơ chính trị và cho phép các chính trị gia đối lập tự do tham gia vào các cuộc bầu cử sắp tới. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến những lo ngại của Hoa Kỳ về ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh khu vực đối với việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xây dựng các cơ sở quân sự tại Căn cứ Hải quân Ream.
Xem thêm:
U.S. Department of State ngày 10/5/2022: US-Thailand Strategic and Defense Dialogue
U.S.Department of State ngày 13/5/2022: Secretary Antony J. Blinken and Indonesian Foreign Minister Retno Marsudi Before Their Meeting
U.S.Department ngày 13/5/2022: Secretary Antony J. Blinken and Vietnamese Prime Minister Pham Minh Chinh Before Their Meeting
U.S.Department of State ngày 13/5/2022: Secretary Blinken’s Meeting with Thai Deputy Prime Minister and Foreign Minister Don
U.S.Department of State ngày 13/5/2022: Secretary Antony J. Blinken and Cambodian Deputy Prime Minister and Foreign Minister Prak Sokhonn
AP News ngày 13/5/2022: Biden looks to nudge ASEAN leaders to speak out on Russia
U.S.Department of State ngày 14/5/2022: Secretary Blinken’s Meeting with Vietnamese Prime Minister Chinh
U.S.Department of State ngày 14/5/2022: Secretary Blinken’s Meeting with Cambodian Deputy Prime Minister/Foreign Minister Sokhonn
Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên kích động đối đầu khi đẩy mạnh quan hệ với Đông Nam Á
Bắc Kinh cho biết rằng Trung Quốc hoan nghênh sự tham gia tích cực với khu vực và làm sâu sắc hơn hợp tác, tuy nhiên, kêu gọi Hoa Kỳ đáp ứng nhu cầu của các nước ASEAN bằng cách thúc đẩy hòa bình và hợp tác thay vì tham gia vào các cuộc đối đầu trong khối sau tuyên bố của Washington rằng nước này sẽ mở rộng quan hệ với khu vực.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 13/5/2022: China warns US not to provoke confrontation as it pushes to boost ties with Southeast Asia. Một bản PDF được lưu ở đây.
Bình luận của các học giả tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới
Theo Richard Fontaine từ Center of New American Security tại Hoa Kỳ, Đông Nam Á là khu vực có nhiều tranh chấp nhất trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ở đó đang có sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong tiếp cận thị trường, liên minh trong ngoại giao và quyền tiếp cận quân sự. Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN thể hiện một bước đi hữu ích đúng hướng của chính quyền Biden nhằm cho thấy tầm quan trọng lâu dài của Đông Nam Á đối với Hoa Kỳ, trong bối cảnh Hoa Kỳ đang dành nhiều quan tâm chú ý cho cuộc chiến ở Ukraine. Dù vậy, đây chỉ nên coi là một bước tiến tốt. Đầu tư của Hoa Kỳ vào Đông Nam Á hiện giờ vẫn còn thấp và đặc biệt là thiếu một chính sách thương mại ở Châu Á. Fontaine cho rằng Philippines, Singapore, Việt Nam và Indonesia là những nước chủ chốt ở Đông Nam Á.
Cùng nhận định với Fontaine, Lisa Curtis cho biết các nước ASEAN đặc biệt lo ngại về việc Washington thiếu một chiến lược kinh tế chủ động đối với khu vực. Việc công bố 150 triệu đô la Mỹ đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng, sức khỏe cộng đồng và an ninh hàng hải sẽ giúp ích ở một mức độ nào đó nhưng cần phải có một cách tiếp cận kinh tế sâu sắc hơn, toàn diện hơn đối với khu vực. Về phần mình, Washington thất vọng với việc ASEAN không thể đóng vai trò nhất quán và mạnh mẽ trong việc hỗ trợ sự trở lại nền dân chủ ở Myanmar sau cuộc đảo chính năm ngoái. Nếu Hoa Kỳ muốn thấy các chính sách của khu vực phù hợp chặt chẽ hơn với chính sách của mình trong tương lai, thì Hoa Kỳ phải duy trì động lực được tạo ra trong hội nghị thượng đỉnh lần này thông qua sự hiện diện và tham gia liên tục về kinh tế, chính trị và quân sự trong toàn khu vực.
Xem thêm:
CNAS ngày 13/5/2022: CNAS Responds: Biden Hosts Southeast Asian Leaders for US-ASEAN Special Summit
Susannah Patton: Đánh giá hội nghị thượng đỉnh ASEAN của Biden
Theo tác giả, hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy Mỹ muốn tập trung vào Đông Nam Á và đây là một bước đi tốt cho mối quan hệ giữa Mỹ với Đông Nam Á, nhưng với một chương trình nghị sự trung bình như vậy, thiếu một thông điệp mạch lạc, ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực sẽ tiếp tục suy giảm. Việc thiếu các cuộc gặp song phương Tổng thống Biden và các lãnh đạo ASEAN đã tạo ra một số khó khăn trong bối cảnh Biden vẫn chưa thiết lập mối quan hệ với nhiều người đồng cấp của mình trong khu vực. Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chưa được chào đón mặn mà ở Đông Nam Á do còn thiếu nhiều nội dung cụ thể. Về tổng thể, mặc dù hội nghị diễn ra tốt đẹp, Mỹ sẽ tiếp tục đánh mất ảnh hưởng ở Đông Nam Á nếu không dành thêm thời gian và sự chú ý.
Xem thêm:
The Interpreter ngày 16/5/2022: Scoring Biden’s ASEAN summit
Walter Russell Mead: Đông Nam Á muốn gì ở Mỹ?
Theo tác giả, những gì các nước ASEAN muốn từ Washington rất đơn giản. Họ muốn tăng cường năng lực quân sự trong khu vực để đối phó với Trung Quốc. Họ muốn có một đối tác đáng tin cậy ở Washington không thay đổi chính sách đối ngoại triệt để từ chính quyền này sang chính quyền tiếp theo. Họ muốn tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ mà không bị ràng buộc. Họ muốn lãi suất thấp hơn và giúp quản lý các cơn bão kinh tế sắp tới. Họ muốn chấm dứt tình trạng bị gây áp lực về nhân quyền và không muốn có bất kỳ cuộc nói chuyện nào về năng lượng xanh trừ khi nó đi kèm với các cam kết viện trợ nước ngoài khổng lồ để bù đắp chi phí đắt đỏ.
Không Tổng thống Mỹ nào có thể (hoặc nên) cung cấp cho các nhà lãnh đạo ASEAN mọi thứ họ muốn, nhưng khoảng cách giữa chương trình nghị sự của ASEAN và các ý tưởng thông thường của Đảng Dân chủ về các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ đang khá lớn. Cần phải có một cây cầu bắc qua khoảng trống này, nếu không sẽ có rất ít triển vọng cho chính sách thành công của Mỹ trong một khu vực quan trọng.
Vấn đề lớn nhất là thương mại. Nếu chính quyền Biden không thể phát triển một chương trình nghị sự thương mại thu hút Đông Nam Á, thì có bao nhiêu hội nghị cấp cao được tổ chức ở Washington cũng không quan trọng.
Xem thêm:
The Wall Street Journal ngày 16/5/2022: What Southeast Asia Wants From America. Một bản PDF được lưu ở đây.
———-
VI- MỘT TUẦN LÀM VIỆC CỦA THỦ TƯỚNG VIỆT NAM TẠI HOA KỲ
Như đã được đề cập trong bản tin tuần trước, cùng với sự kiện Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu quan chức gồm nhiều Bộ trưởng thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc từ ngày 11-17/5/2022. Trong thời gian này, bên cạnh một số sự kiện chính được tóm tắt dưới đây, ông đã có nhiều cuộc gặp với các quỹ đầu tư, các tập đoàn doanh nghiệp và công nghệ lớn của Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tới thăm Liên Hợp Quốc, v.v…
Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang thảo luận những sáng kiến định hình lại quan hệ kinh tế và quan hệ quốc tế trước những biến động an ninh ở Châu Âu và Châu Á, việc Thủ tướng Việt Nam đích thân tiếp cận với cộng đồng doanh nghiệp và nghiên cứu chính sách ở Mỹ cho thấy nhiều tín hiệu tích cực về hướng mở cửa và hội nhập thế giới của Việt Nam. Ý nghĩa thực sự của những cuộc gặp gỡ dày đặc này đối với Việt Nam sẽ phụ thuộc vào những kết quả cụ thể đạt được sau chuyến đi.
Bài phát biểu công chúng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế
Vào chiều 11/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ, chuyển tải thông điệp về sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong hợp tác quốc tế để giải quyết những vấn đề dù là nước lớn hay nước nhỏ, nước giàu hay nước nghèo cũng phải đối mặt và những thách thức chung cần sự hợp tác của các nước, khẳng định Việt Nam đứng về phía chính nghĩa, về phía lẽ phải, về phía luật pháp quốc tế, không chọn bên.
Tải toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở đây.
Video clip: [ENG] Prime Minister Pham Minh Chinh ahead of U.S.-ASEAN Summit
Carlyle Alan Thayer: Hoa Kỳ-Việt Nam cần tăng cường Quan hệ Đối tác Toàn diện
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, D.C. vào ngày 11/5/2022 với tựa đề “Chân thành, tin cậy và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn”. Có lẽ các nhà phân tích và chuyên gia dự đoán quan hệ sẽ được nâng lên tầm đối tác chiến lược (hoặc Việt Nam là đối tác không thể thiếu của Hoa Kỳ) sẽ thất vọng.
Thủ tướng Việt Nam đã bốn lần đề cập đến quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, với ngụ ý rằng cần phải làm nhiều việc hơn trước khi chúng có thể chính thức được nâng lên một cấp độ cao hơn.
Lần thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ trích thư của Tổng thống Joe Biden năm 2021 gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ “dựa trên nền tảng tôn trọng nhân phẩm, tôn trọng lẫn nhau, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.” Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự chân thành, tin cậy và trách nhiệm” trong bài phát biểu của mình.
Tiếp theo, Thủ tướng Chính đã viện dẫn Hồ Chí Minh, người đã bày tỏ mong muốn thiết lập “quan hệ đối tác bình đẳng và toàn diện” với Tổng thống Hoa Kỳ, được trích dẫn từ một bức thư do ông Hồ viết vào ngày 16 tháng Hai năm 1946, “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ.”
Sau khi lưu ý rằng nền tảng của quan hệ song phương đã được xây dựng trong hơn ba thập kỷ, ông Chính nói rằng “chúng ta cần chân thành, tin cậy, tôn trọng và có trách nhiệm” trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Để đưa quan hệ đối tác toàn diện “phát triển ổn định, thực chất, hiệu quả và đi vào chiều sâu”, cần có sự hợp tác nhiều hơn về “kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chống biến thay đổi… và trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực.”
Ngoài ra, Việt Nam và Hoa Kỳ cần xem xét ba lĩnh vực hợp tác quan trọng trong tương lai: tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số, và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Chính lưu ý, hợp tác quốc phòng – an ninh “tiếp tục phát triển với kết quả cụ thể, thiết thực” theo Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng ban hành năm 2015 hoặc 7 năm trước.
Nói tóm lại, Thủ tướng Chính đã đi theo tiền lệ trước đây trong việc kêu gọi sự hỗ trợ tiếp tục của Hoa Kỳ trong việc giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh hoặc “hàn gắn vết thương chiến tranh” là điều kiện thiết yếu trong quan hệ song phương. Ông Chính cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam mong đợi nhiều hơn từ Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực. Cuộc thảo luận của Thủ tướng Chính về quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ dường như cho thấy rằng thời điểm để nâng quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược vẫn chưa đến.
Xem thêm:
Toạ đàm chính sách cùng Đại học Harvard về định hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21
Chiều ngày 14/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn Việt Nam đã tới thăm và dự tọa đàm chính sách với giáo sư, sinh viên trường Đại học Harvard về định hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21.
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã thảo luận về phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, các hiệp định thương mại quốc tế, nền kinh tế số, an ninh mạng, chính sách khí hậu Việt Nam v.v…Tại đây, ông Chính đã truyền tải thông điệp Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Xem thêm thông tin chi tiết ở đây.
Thăm sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới tại New York; tham dự tọa đàm bàn tròn với CEO một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE
Trong bối cảnh có nhiều biến động xấu với thị trường chứng khoán trong nước, sáng ngày 16/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến trải nghiệm thực tế tại sàn giao dịch chứng khoán lâu đời của Mỹ (NYSE). Tại đây, ông Chính đề nghị NYSE quan tâm hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả, bền vững ở Việt Nam, xây dựng thành công trung tâm tài chính quy mô khu vực; đồng thời hướng đến quan hệ đối tác bền vững, đôi bên cùng có lợi giữa NYSE và các đối tác Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng thực chất, hiệu quả.
NYSE sẽ hợp tác với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.
Nhân dịp này, đã diễn ra sự kiện trao hai văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tham dự tọa đàm với Thủ tướng có các tập đoàn như Goldman Sachs, Deutsche Bank, Amphenol Corporation, Vinfast, v.v… Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời các câu hỏi thắc mắc của các tập đoàn.
Xem thêm:
Thông tin Chính phủ ngày 17/5/2022: Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Sàn giao dịch chứng khoán New York
Vietnam Investment Review ngày 17/5/2022: PM Pham Minh Chinh visited New York Stock Exchange
New York Stock Exchange ngày 16/5/2022: His Excellency Phạm Minh Chính, Prime Minister of Vietnam, Rings The Closing Bell®
Thông tin Chính phủ ngày 17/5/2022: Các tập đoàn hàng đầu trên Sàn chứng khoán New York toạ đàm cùng Thủ tướng
———-
VII- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN
EU hỗ trợ 142 triệu euro cho Chương trình Chuyển đổi Năng lượng Bền vững EU – Việt Nam
Ngày 10/5/2022, tại Hà Nội, phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Chương trình Chuyển đổi Năng lượng Bền vững EU – Việt Nam (SETP) đã được tổ chức với sự tham dự của Đại sứ EU Giorgio Aliberti và Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đặng Hoàng An. Đại sứ Aliberti khẳng định khoản hỗ trợ trị giá 142 triệu euro cho Việt Nam sẽ giúp nâng cao hiệu năng sử dụng điện và mở rộng năng lượng tái tạo tại Việt Nam. SETP sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các chương trình: (i) Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3); (ii) Chiến lược Phát triển Năng lượng Tái tạo (REDS); (iii) Hệ thống Thông tin Năng lượng Việt Nam (VEIS). Thỏa thuận SETP cũng sẽ hướng tới việc hợp tác toàn diện và bền vững giữa Việt Nam và EU về năng lượng, bao gồm việc chia sẻ các kinh nghiệm đối với giải quyết các thách thức của quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng.
Xem thêm:
Phái đoàn EU tại Việt Nam: EUR 142 million Financing Agreement on Sustainable Energy Transition Program between Viet Nam and the European Union
“Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất lạc quan về quan hệ kinh tế Việt – Mỹ”
Theo bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Quốc tế Hoa Kỳ, với quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng phát triển bền vững trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rất lạc quan và làm việc rất tích cực tại Việt Nam.
Xem thêm:
Vietnamplus ngày 17/5/2022: American business community very optimistic about US-Vietnam economic ties
Hoa Kỳ sớm nhận thấy những ‘thách thức’ từ chính quyền mới của Philippines
Nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ về Châu Á cho biết vào Thứ Tư ngày 11/5/2022 rằng Hoa Kỳ đang tìm kiếm sự can dự sớm với chính quyền mới được bầu của Ferdinand Marcos Jr ở Philippines, mặc dù nhìn vào lịch sử, có thể sẽ có một số thách thức ban đầu.
Xem thêm:
Reuters ngày 12/5/2022: US sees early ‘challenges’ dealing with new Philippines administration
Cáp quang biển do công ty Trung Quốc lắp đặt nối Philippines với đảo Hải Nam, Hồng Kông và một số nước Đông Nam Á vào năm 2024
Một hệ thống cáp quang biển mới do Công ty HMN Technologies có trụ sở tại Trung Quốc xây dựng và triển khai sẽ sớm kết nối Hải Nam, Hồng Kông, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore, với các tùy chọn mở rộng đến Việt Nam, Campuchia và Indonesia.
Philippine News Agency ngày 12/5/2022: 5K-km submarine cable to connect PH, SEA, Hong Kong by 2024
Indonesia chuẩn bị hình thành đặc khu kinh tế ở Biển Đông
Indonesia có thể biến quần đảo Natuna ở Biển Đông thành đặc khu kinh tế (SEZ) để củng cố an ninh hàng hải và thu hút đầu tư vào ngành đánh cá và du lịch địa phương, theo các nguồn tin nói với Nikkei Asia.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 13/5/2022: Indonesia looks to form special economic zone in South China Sea. Một bản toàn văn được lưu ở đây.
Ngoại trưởng Malaysia gặp gỡ các quan chức thuộc Chính phủ đối lập của Myanmar
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah đã cho biết vào hôm thứ Bảy ngày 14/5/2022 rằng ông đã gặp người đồng cấp từ Chính phủ Thống nhất Quốc gia của Myanmar (NUG), chính phủ đã bị chính quyền quân sự của đất nước lật đổ sau một vụ đảo chính, bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Washington. Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman cho biết bà cũng đã gặp các đại diện từ NUG. Bộ Ngoại giao chính quyền quân sự Myanmar đã lên án sự can dự với NUG và nói rằng họ đã gửi các phản đối tới tất cả các nước ASEAN và Hoa Kỳ. Bộ này cũng bác bỏ một tuyên bố chung giữa Mỹ và ASEAN kêu gọi một kế hoạch hòa bình 5 điểm ở Myanmar.
Xem thêm:
Reuters ngày 15/5/2022: Malaysia foreign minister meets counterpart from Myanmar shadow government in Washington
South China Morning Post ngày 16/5/2022: Malaysia’s top diplomat meets Myanmar anti-junta counterpart on sidelines of US-Asean summit. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Nếu trúng cử Thủ tướng Úc, Albanese sẽ đề xuất gói chính sách Đông Nam Á trong cuộc họp Bộ Tứ
Lãnh đạo Đảng Lao động Úc Anthony Albanese sẽ đưa một gói các chính sách Đông Nam Á tới cuộc họp của Bộ Tứ vào tuần tới nếu được bầu làm thủ tướng, một dấu hiệu cho thấy đảng của ông muốn tập trung nhiều hơn vào khu vực.
Gói tài trợ sẽ bao gồm 470 triệu USD viện trợ cho Đông Nam Á trong vòng 4 năm, một đặc phái viên và một văn phòng cho khu vực sẽ được thành lập trong Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.
Xem thêm:
The Sydney Morning Herald ngày 17/5/2022: Albanese to take South-East Asia package to Quad meeting if Labor elected. Một bản PDF được lưu ở đây.
———-
VIII- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh do chính sách Zero COVID
Dữ liệu từ Bloomberg Economics cho biết sản lượng công nghiệp Trung Quốc bất ngờ giảm 2,9% trong tháng 4 so với một năm trước, trong khi doanh số bán lẻ giảm 11,1% trong kỳ, thấp hơn mức giảm dự kiến 6,6%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 6,1% và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức kỷ lục. Tổng sản phẩm quốc nội giảm 0,68% trong tháng 4 so với một năm trước, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 2 năm 2020. Theo UBS Group AG, tăng trưởng có thể suy yếu xuống dưới 2% trong quý II, trong khi S&P Global Ratings dự đoán có thể thấp tới 0,5%. Các nhà kinh tế của Citigroup Inc. đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm 2022 xuống 4,2% từ 5,1%.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 16/5/2022: China Economy Contracts Sharply as Covid Zero Curbs Output. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
The Wall Street Journal ngày 16/5/2022: China’s Economic Distress Deepens as Lockdowns Drag On. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Global Times ngày 16/5/2022: China April economic data down on Omicron impact; more pro-growth measures in pipeline
Tân Hoa Xã ngày 16/5/2022: China’s power use down 1.3 percent in April
Caixin ngày 13/5/2022: Small Businesses Suffer as Lockdowns Cut Revenue, Cash Flow
Bloomberg ngày 15/5/2022: Old Xi Speech on China’s Front Pages Shows Urgency to Fix Economy. Một bản PDF được lưu ở đây.
Bloomberg ngày 10/5/2022: Xi’s Planned China Stimulus Won’t Reverse a Recession. Một bản PDF được lưu ở đây.
Các doanh nghiệp Châu Âu lo ngại sự gián đoạn kinh doanh bởi COVID-19 ở Trung Quốc
Bettina Schoen-Behanzin, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc cho biết: “Triển vọng khá ảm đạm. “Niềm tin kinh doanh đã thực sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các chính sách phong tỏa thất thường liên tục của Thượng Hải.” Nhiều công ty và cá nhân đang xem xét nghiêm túc về việc liệu có tiếp tục kinh doanh ở Trung Quốc.
Xem thêm:
Reuters ngày 16/5/2022: European businesses fear more COVID disruption in China
Phòng Thương mại Hoa Kỳ: Các biện pháp kiểm soát COVID của Trung Quốc sẽ tác động đến đầu tư nước ngoài trong nhiều năm
Trong một sự kiện ra mắt báo cáo thường niên hôm thứ Ba ngày 17/5/2022, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc sẽ cản trở đầu tư nước ngoài vào nước này trong nhiều năm tới do việc đi lại bị giới hạn khiến cho dòng chảy các dự án bị tắc nghẽn. Mặc dù có rất ít dấu hiệu cho thấy các công ty Mỹ đang rời thị trường Trung Quốc, nhưng quá trình nghiên cứu và thẩm định dự án kéo dài nhiều năm đã bị trì hoãn.
Xem thêm:
Reuters ngày 17/5/2022: China’s COVID controls will impact foreign investment for years – US lobby
Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc thúc giục Bắc Kinh và Washington có kế hoạch thực sự xúc tiến tương tác song phương
Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) ở Trung Quốc cho biết việc sự phân ly kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phải trả một chi phí rất đáng kể và không tạo ra người chiến thắng rõ ràng. AmCham Trung Quốc khuyến nghị cả Washington và Bắc Kinh tách biệt các vấn đề an ninh quốc gia và xác định các rào cản để định hướng cạnh tranh song phương trong các lĩnh vực khác.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 17/5/2022: US-China decoupling: Beijing, Washington urged to work on ‘real’ plans for bilateral engagement. Một bản PDF được lưu ở đây.
Họp ngành công nghệ Trung Quốc
Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), cơ quan cố vấn chính trị chính của Bắc Kinh, có thể tổ chức một hội nghị chuyên đề với những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc vào đầu tuần này. Cuộc họp dự kiến sẽ chỉ ra liệu Bắc Kinh có thực sự giảm bớt việc giám sát quy định của họ đối với lĩnh vực công nghệ như họ đã cam kết làm trong những tuần gần đây để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh phong toả vì COVID-19. Mặc dù CPPCC có ít quyền lập pháp, nhưng cơ quan này có quan hệ chặt chẽ với giới tinh hoa của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là quan điểm của cơ quan này thường phản ánh quan điểm của Bắc Kinh, ngay cả khi CPPCC có xu hướng vẽ một bức tranh tươi sáng hơn về các vấn đề của ngành. Cuộc họp diễn ra khi các nhóm ủng hộ doanh nghiệp và ủng hộ quy định ở Bắc Kinh, do Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu, đã đưa ra những quan điểm trái ngược nhau về vai trò của công nghệ ở Trung Quốc trong 18 tháng qua.
Kết thúc cuộc họp, đã không có dấu hiệu nào cho thấy các quy định được nới lỏng. Dù vậy, cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc đã phản ứng tích cực, Alibaba Group, Tencent Holdings và JD.com tăng lần lượt 7%, 5,3% và 7,4%.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 16/5/2022: China tech bosses to meet officials amid talk of crackdown easing. Một bản toàn văn được lưu ở đây.
Stratfor ngày 17/5/2022: China: CPPCC Meeting with Big Tech Does Not Signal Major Regulatory Relief. Một bản PDF được lưu ở đây.
Dự án sản xuất thẻ nhớ của gã khổng lồ Hàn Quốc động thổ tại Đại Liên
Theo Tân Hoa Xã, SK hynix, một công ty bán dẫn có trụ sở chính tại Hàn Quốc, đã bắt đầu xây dựng một dự án sản xuất bộ nhớ điện tĩnh ở thành phố Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc vào hôm thứ Hai. Dự án sẽ bao gồm một nhà máy sản xuất tấm wafer mới để sản xuất các sản phẩm bộ nhớ chip 3D NAND điện tĩnh. SK hynix đã kết thúc giai đoạn đầu của giao dịch mua lại mảng kinh doanh ổ cứng thể rắn (SSD) NAND của Intel vào cuối năm 2021, tiếp quản mảng kinh doanh SSD của Intel và cơ sở sản xuất thẻ nhớ flash NAND ở Đại Liên.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 16/5/2022: Korean memory chip giant’s manufacturing project breaks ground in China’s Dalian
———-
IX- ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG & CHÂU ÂU – ĐẠI TÂY DƯƠNG
Thủ tướng Anh: Thế giới bước vào kỷ nguyên mới
Trở về sau các cuộc thảo luận an ninh tại Phần Lan và Thuỵ Điển, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cho biết một kỷ nguyên quốc tế mới đã bắt đầu. “Tôi nghĩ rằng thực tế là hai quốc gia có truyền thống trung lập đáng tự hào giờ đang thay đổi theo hướng liên kết rõ ràng hơn là một dấu hiệu cho thấy Vladimir Putin đã tính toán sai lầm về Ukraine,” Johnson nói trong một cuộc phỏng vấn với Economist. “Cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin là một dấu chấm lớn trong lịch sử thời hậu chiến. Đó là sự kết thúc của những giả định dễ hiểu về thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Bây giờ chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới ”.
Xem thêm:
The Economist ngày 12/5/2022: Boris Johnson on Europe and the war in Ukraine. Một bản PDF được lưu ở đây.
Mỹ và đồng minh hướng tới mục tiêu đảm bảo chuỗi cung ứng bằng cách giới hạn thương mại trong phạm vi các quốc gia đáng tin cậy
Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và đại dịch COVID-19 đã bộc lộ sự mong manh của các chuỗi cung ứng, Mỹ và các đồng minh đang theo đuổi một loại hình thương mại toàn cầu mới, một loại hình thương mại giới hạn thương mại trong phạm vi các quốc gia đáng tin cậy. Những người ưa chuộng mô hình này đặt tên là “friend-shoring”.
Những người ủng hộ mô hình này coi đây là cơ hội để cải tiến chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào các quốc gia có chính phủ chuyên quyền và các nền kinh tế phi thị trường, cụ thể là Trung Quốc và Nga. Họ nói rằng đó là sự thỏa hiệp giữa toàn cầu hóa chính thức và chủ nghĩa biệt lập, và giữa sản xuất gia công ở nước ngoài và sản xuất trong nước.
Xem thêm:
The Wall Street Journal ngày 15//5/2022: Nations Aim to Secure Supply Chains by Turning Offshoring Into ‘Friend-Shoring’. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Các quy tắc truyền dữ liệu mới được thiết lập để ngăn chặn Trung Quốc và Nga
Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và bốn thành viên APEC khác đã đồng ý đưa ra các quy tắc chuyển dữ liệu cá nhân độc lập với khuôn khổ hiện tại của diễn đàn khu vực nhằm loại trừ Trung Quốc và Nga. Với việc Nga và Trung Quốc là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, đã có những lo ngại về luồng dữ liệu cá nhân. Các quy tắc mới tạo ra một khuôn khổ giữa các thành viên tin cậy lẫn nhau. Dự định kế hoạch này cũng sẽ kêu gọi sự tham gia của các thành viên không phải APEC, trong đó có các nước Nam Mỹ.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 16/5/2022: New data transfer rules pursued to keep out China and Russia. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.
Xu hướng củng cố hợp tác giữa các hệ thống đồng minh của Mỹ ở các châu lục
Ngày 9/5/2022, trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell đã tuyên bố: “nước Mỹ sẽ sửa các sai lầm của mình tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bằng cách kết nối chặt chẽ với các đồng minh tại Châu Âu trong cách tiếp cận với các quốc gia đối tác, đồng minh của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một trong các sai lầm lớn nhất của Mỹ là làm cho các đồng minh Châu Âu nghĩ rằng Mỹ đang xoay trục khỏi Châu Âu để tới Châu Á”. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đang tạo ra một cơ hội lớn để Mỹ và Châu Âu kết nối chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bởi vì quan hệ ngày càng gần giữa Nga và Trung Quốc đang tạo ra lo ngại ngày một lớn tại Châu Âu.
Mở đầu cho xu hướng củng cố hợp tác gần đây là sự đồng thuận ngày càng tăng giữa Đức và Nhật Bản trong Thượng đỉnh Đức – Nhật ngày 28/4/2022, khẳng định các cam kết hợp tác kinh tế và chiến lược.
Các kết quả đạt được trong Thượng đỉnh này đã được củng cố và mở rộng trong Thượng đỉnh EU – Nhật Bản. Ngày 12/5/2022, Thượng đỉnh EU – Nhật Bản đã được tổ chức với sự đồng thuận của hai phía với tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hai phía tái khẳng định rằng quan hệ đối tác EU – Nhật Bản được xây dựng dựa trên nền tảng các nguyên tắc chung về dân chủ và thượng tôn pháp luật, đồng thời cam kết đối với việc duy trì hỗ trợ Ukraine và tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề lên Nga, bao gồm trừng phạt năng lượng. EU cho biết sẽ tham gia tích cực hơn vào một mặt trận căng thẳng nhưng đang phát triển, đó là Đông Á và Đông Nam Á; trong khi Nhật Bản lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine làm ảnh hưởng nặng nề tới trật tự thế giới tại cả Châu Âu và Châu Á. EU và Nhật khẳng định sự phản đối đối với các động thái đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực tại bất cứ khu vực nào trên thế giới, bao gồm tại đảo Senkaku, tại Eo biển Đài Loan, tại biển Đông, hay tại Ukraine. Hai phía cũng khẳng định cam kết tiếp tục củng cố hợp tác về an ninh, công nghệ, bảo vệ chuỗi cung ứng, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nền kinh tế trong thời gian tới. Sự đồng thuận ngày càng tăng trong chiến lược của EU và Nhật Bản là kết quả của nỗ lực kết nối do Thủ tướng Đức thúc đẩy trong Thượng đỉnh Đức – Nhật Bản ngày 28/4/2022.
Bên cạnh nỗ lực kết nối EU – Nhật Bản, Mỹ tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ – NATO và Mỹ – EU, để giúp điều chỉnh, kết nối chiến lược của hai khối này với chiến lược của Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngày 14/5/2022, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã tham gia Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Berlin để tiếp tục công tác chuẩn bị cho Thượng đỉnh NATO tại Madrid vào tháng 6/2022, dự kiến sẽ thông qua văn bản Khái niệm Chiến lược cho các thách thức trong giai đoạn mới đến từ Nga và Trung Quốc. Ngày 15/5/2022, Ngoại trưởng Blinken tới Paris để tiếp tục các thảo luận trong khuôn khổ Hội đồng Thương mại – Công nghệ Mỹ – EU nhằm củng cố lợi thế cạnh tranh về công nghệ với Trung Quốc.
Để đối phó với xu hướng củng cố hệ thống đồng minh toàn cầu của Mỹ, Trung Quốc đang kêu gọi các quốc gia Châu Á đoàn kết, hợp tác để “giành lấy cơ hội cho Châu Á”, cũng như kêu gọi các quốc gia thuộc nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, và Nam Phi ủng hộ các sáng kiến của mình. Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối ngoại giao các nỗ lực kết nối đồng minh Á – Âu, bao gồm phản đối Thông cáo chung của Thượng đỉnh EU – Nhật Bản. Ngày 13/5/2022, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết EU và Nhật Bản đã động chạm tới các vấn đề liên quan tới Trung Quốc, bôi nhọ hình ảnh của nước này, can thiệp vào công việc nội bộ, và kích động mâu thuẫn tại khu vực, đồng thời kêu gọi EU và Nhật Bản dừng chia rẽ thế giới thông qua ý thức hệ và chính trị nhóm nhỏ.
Xem thêm:
KyodoNews ngày 12/5/2022: Japan, EU agree to seek free Indo-Pacific, cooperate over Ukraine
Reuters ngày 12/5/2022: EU seeks bigger role in Asia’s ‘theatre of tensions’, warns on China
Hội đồng Châu Âu ngày 12/5/2022: Joint Statement EU-Japan Summit 2022
South China Morning Post ngày 10/5/2022: Renewed alliances strengthen US approach in Indo-Pacific, Kurt Campbell says. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/5/2022: Secretary Blinken’s Travel to Germany and France
Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 29/4/2022: Japan-Germany Summit Meeting
NHK ngày 13/5/2022: China lodges protest over Japan-EU joint statement
Nhật Bản thông qua dự luật an ninh kinh tế để bảo vệ công nghệ nhạy cảm
Vào ngày 11/5/2022, quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh kinh tế nhằm bảo vệ công nghệ và củng cố các chuỗi cung ứng quan trọng, đồng thời áp đặt giám sát chặt chẽ hơn đối với các công ty Nhật Bản làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm hoặc trong cơ sở hạ tầng quan trọng.
Xem thêm:
Reuters ngày 11/5/2022: Japan passes economic security bill to guard sensitive technology
Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Hoa Kỳ họp lần 2
Cuộc họp lần thứ hai của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Hoa Kỳ (TTC) đã diễn ra vào hai ngày 15-16/5/2022 tại Paris. Hai bên đã công bố các sáng kiến nhằm điều chỉnh tốt hơn các chính sách và hoạt động trong 10 lĩnh vực, bao gồm chuỗi cung ứng công nghệ cao trong đó có chất bán dẫn và vật liệu được sử dụng trong sản xuất của họ, trí tuệ nhân tạo và các tiêu chuẩn công nghiệp quốc tế. Các nhóm công tác chung của TTC cũng đã phát triển một lộ trình về các công cụ đánh giá và đo lường để quản lý rủi ro và trí tuệ nhân tạo đáng tin cậy, đồng thời tạo ra một cơ chế thông tin tiêu chuẩn hóa để chia sẻ thông tin về việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế. Để đối phó với tác động kinh tế của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhóm đã bổ sung thêm một quy trình làm việc về an ninh lương thực toàn cầu.
Nhìn chung, TTC được coi là một nền tảng để thúc đẩy hợp tác giữa các nền dân chủ, một mục tiêu được thể hiện bằng cách thức nhanh chóng và hiệu quả mà Hoa Kỳ và EU đã phối hợp và thực hiện các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu chống lại Nga.
Xem thêm:
Nhà Trắng ngày 16/5/2022: FACT SHEET: US-EU Trade and Technology Council Establishes Economic and Technology Policies & Initiatives
Nhà Trắng ngày 16/5/2022: U.S.-EU Joint Statement of the Trade and Technology Council
The Wall Street Journal ngày 16/5/2022: US, EU Boost Trade Ties to Remedy Supply Shortages, Counter Russia and China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
South China Morning Post ngày 16/5/2022: EU-US trade and tech negotiators meet in Paris to tighten screws on autocrats, including China and Russia. Một bản PDF được lưu ở đây.
Tổng thống Biden công du Châu Á với kế hoạch hợp tác kinh tế mới chống lại Trung Quốc
Chuyến thăm của Biden tới Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là bệ phóng cho một chiến lược kinh tế mới của Hoa Kỳ, theo đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ Koji Tomita. Washington đã thiếu sự hiện diện kinh tế trong khu vực kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ hiệp ước thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đổi lại, chính quyền Biden đã công bố cái gọi là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) vào tháng 10/2021. IPEF được cho là bao gồm thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật số, các vấn đề lao động, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khuôn khổ này sẽ không ở dạng “một thỏa thuận thương mại tự do điển hình”, theo Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo. Vì các lý do chính trị trong nước, Biden sẽ không hoặc không thể cung cấp tự do hóa thị trường thực sự. Tham nhũng, thuế hoặc các quy tắc về thương mại cũng sẽ được IPEF điều chỉnh.
Theo Crabtree, các quốc gia mới nổi như các nước ASEAN chỉ tham gia vào các khuôn khổ với những tiêu chuẩn khó khăn này vì đổi lại họ nhận được lợi ích từ cắt giảm thuế quan và khả năng tiếp cận thị trường. Nếu thiếu đi những yếu tố này sẽ khó hấp dẫn ASEAN. Nhiều khả năng các đối tác phát triển Hàn Quốc và Nhật Bản là ứng cử viên cho IPEF. Đối với họ, các đảm bảo an ninh của Hoa Kỳ thậm chí còn đóng một vai trò lớn hơn đối với ASEAN.
Trong chuyến công du này, ngoài các cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc mới nhậm chức Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Biden và Kishida cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và nhà lãnh đạo Australia Scott Morrison. Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản đã thiết kế riêng một website dành cho sự kiện này.
Xem thêm:
Kyodo News ngày 10/5/2022: US Indo-Pacific economic initiative launch eyed in May: Japan envoy
Christiane Kühl ngày 13/5/2022: Biden in Asia: new economic cooperation against China
Foreign Policy ngày 11/5/2022: US-ASEAN Summit: Biden and Xi Struggle to Compete in Asia. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
South China Morning Post ngày 16/5/2022: Joe Biden to plug Indo-Pacific Strategy in Japan and South Korea, with eye on China and Russia. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản: QUAD Leaders’ Meeting Tokyo 2022
Hoa Kỳ ủng hộ tư cách quan sát viên của Đài Loan tại Đại Hội Đồng của WHO
Hôm thứ Sáu ngày 13/5/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật giúp Đài Loan lấy lại vị thế quan sát viên đã mất tại Đại HHội đồng Y tế Thế giới (WHA) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hạ viện đã thông qua dự luật vào cuối tháng 4 mà không có phiếu chống. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Dân chủ giới thiệu dự luật này đã ca ngợi Tổng thống bởi “sự ủng hộ đối với sự tham gia của Đài Loan”. Đài Loan đã “đóng góp to lớn” cho việc bảo vệ sức khỏe, vì vậy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên làm việc để phá bỏ chủ nghĩa cản trở của Trung Quốc.
Thượng viện Cộng hòa Séc, cũng đã thông qua một nghị quyết vào ngày 11/5 kêu gọi khôi phục tư cách quan sát viên của Đài Loan tại WHA. Từ năm 2009 đến năm 2016, Đài Loan được đại diện trong Đại hội đồng mà không có quyền biểu quyết tại cơ quan kiểm soát Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đại hội đồng sẽ họp tại Geneva bắt đầu từ Chủ nhật và Đài Loan có kế hoạch cử một phái đoàn do Thứ trưởng Bộ Y tế Lee Li-fen 李麗芬 dẫn đầu.
Xem thêm:
U.S. Senetor for Oklahoma ngày 13/5/2022: Inhofe, Menendez Applaud President Biden Signing Legislation Supporting Taiwan’s Observer Status at WHO’s World Health Assembly
Taiwan heute ngày 13/5/2022: Resolution von Tschechiens Senat befürwortet Taiwans Beteiligung in WHA
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/5/202: Taiwan as an Observer in the World Health Assembly
Lần đầu tiên kể từ ngày Nga xâm lược Ukraine, Bộ Quốc phòng Mỹ có thể nối lại liên lạc với Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã có cuộc hội đàm đầu tiên với Bộ trưởng Quốc phòng Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine bắt đầu. Cuộc hội đàm giữa Lloyd Austin và Sergey Shoygu diễn ra vào thứ Sáu ngày 13/5/2022, trong nỗ lực duy trì kênh liên lạc trực tiếp để giữ tình hình không leo thang vượt khỏi tầm kiểm soát giữa hai cường quốc hạt nhân.
Trong một thông cáo về nội dung cuộc hội đàm, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết Austin “kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc.” Lần cuối cùng hai bên nói chuyện với nhau là vào ngày 18/2, chưa đầy một tuần trước khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu.
Một tháng sau cuộc xâm lược, Kirby thừa nhận rằng Austin và Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley đã cố gắng liên lạc với các người đồng cấp của mình phía Nga mà không thành công mặc dù hai bên có đường dây nóng. Nga dường như không quan tâm đối thoại.
Austin hy vọng cuộc điện đàm “sẽ đóng vai trò là bàn đạp cho các cuộc trò chuyện trong tương lai” song không nói điều gì đã khiến Nga thay đổi và chấp nhận đối thoại
Tuy nhiên, Austin “tiếp tục lo ngại về những gì đang xảy ra ở Ukraine,” và không kỳ vọng rằng cuộc hội đàm này có thể “giải quyết cụ thể bất kỳ vấn đề cấp tính nào hoặc dẫn đến sự thay đổi trực tiếp về những gì người Nga đang nói và làm.”
Xem thêm:
Financial Times ngày 13/5/2022: US holds first talks with Russian defence minister since Ukraine war began. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13/5/2022: Readout of Secretary of Defense Lloyd J. Austin III’s Call With Russian Minister of Defense Sergey Shoygu
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 18/2/2022: Readout of Secretary of Defense Lloyd Austin III’s Call With Russian Minister of Defense Sergey Shoygu
The Hill ngày 24/3/2022: Pentagon: Russian defense officials have declined to take multiple calls from US counterparts
The Hill ngày 13/5/2022: Austin speaks with Russian counterpart for first time since start of war in Ukraine
Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga gửi một thông điệp không được tiết lộ cho Bộ Ngoại giao Nga
Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào ngày 12/5/2022, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga, John Sullivan, đã đến thăm Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow nhằm chuyển thông điệp tới Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov. Tuy nhiên, quan chức này chỉ cho biết các cuộc họp nhằm mục đích thảo luận về các vấn đề song phương mà không nêu chi tiết những vấn đề đó có thể được thảo luận.
Hôm Chủ nhật ngày 15/5/2022, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã ngụ ý trên truyền hình nhà nước về sự chia rẽ trong Điện Kremlin, một số người quyền lực đã sẵn sàng từ bỏ cuộc xâm lược tàn bạo.
Ông cũng cho biết các quan chức Mỹ đang ngấm ngầm đưa ra các điều khoản đàm phán để ngừng giao tranh.
“Người Mỹ đang đẩy chúng ta vào các cuộc đàm phán, nhưng với một số điều kiện nhất định,” ông nói. “Tôi sẽ tiết lộ ba trong số đó.” Thứ nhất là dừng các hành động quân sự. Thứ nhì là rút quân đội trở lại vị trí trước ngày 24/2, và thứ ba là hối cải về tất cả những gì Nga đã gây ra.
Nhưng Đại sứ Nga nhấn mạnh rằng quân đội Nga sẽ không lùi bước.
Xem thêm:
CNN ngày 11/5/2022: US ambassador to Russia delivered undisclosed message to Russian Foreign Ministry on Wednesday, official says
New York Post ngày 15/5/2022: Russian ambassador hints some Kremlin officials want war to end: reports
Soloviev Live ngày 14/5/2022: Посол: РФ говорит США, что капитуляции Москвы на Украине не будет
Bulgaria đạt được thỏa thuận nhập khẩu khí đốt từ Mỹ với giá thấp hơn giá giao ngay của Gazprom
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov đã có buổi làm việc với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris để thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược song phương và tìm kiếm các cơ hội củng cố hợp tác vì lợi ích chung. Cuộc chiến tại Ukraine là một vấn đề lớn trong buổi làm việc, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc chiến đối với an ninh năng lượng. Hai phía đã đạt được thỏa thuận về việc Mỹ sẽ giao khí đốt LNG cho Bulgaria với giá thấp hơn giá giao ngay trên thị trường mà tập đoàn Gazprom đưa ra, bắt đầu từ tháng 6/2022. Trước đó, Thủ tướng Petkov đã hội đàm cùng Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại Bộ Ngoại giao về tiềm năng hợp tác trong vấn đề đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của Bulgaria và khu vực; về vấn đề hiện đại hóa quân đội Bulgaria; và về tình hình ổn định và phát triển khu vực Tây Balkan.
Xem thêm:
Chính phủ Bulgaria ngày 11/5/2022: Bulgaria to receive gas from the US at prices lower than Gazprom’s spot prices.
Dầu của Nga vẫn tiếp tục mang lại nguồn thu khổng lồ, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây
EU đã tiến hành các động thái mạnh mẽ để giảm nhập khẩu dầu từ Nga, tuy nhiên Nga vẫn còn rất nhiều bạn hàng khác, và Nga vẫn có thể bán dầu với giá đủ cao để đảm bảo nguồn thu cho chính quyền trong ngắn hạn. Trước cuộc chiến tại Ukraine, Nga xuất khẩu khoảng ½ trong số 7,85 triệu thùng dầu thô và tinh luyện cho Châu Âu mỗi ngày, và lượng dầu này có thể được chuyển sang bán cho các quốc gia khác tại châu Á. Giá dầu thế giới tăng cao đã bù đắp lại ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt đối với nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng. Trung tâm nghiên cứu Rystad Energy dự báo rằng Nga sẽ có thể thu được hơn 180 triệu USD tiền thuế từ xuất khẩu năng lượng trong năm 2022, tăng 45% so với năm 2021, kể cả khi sẽ cắt giảm sâu sản lượng dầu trong những tháng tới. Các báo cáo cho thấy Nga đang dịch chuyển xuất khẩu dầu sang các thị trường lớn tại Châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ bằng các tàu chở dầu trong khi các hệ thống đường ống chưa được xây dựng, và dự báo rằng điều này sẽ có ảnh hưởng tới nguồn thu của Nga trong trung hạn do các vấn đề liên quan tới vận chuyển và do cạnh tranh từ Iraq. Châu Âu đang có những bước tiến lớn trong việc giảm lượng dầu nhập khẩu từ Nga, và Rystad dự báo rằng điều này sẽ còn tiếp tục khiến cho giá dầu tăng cao trong thời gian tới vì các tập đoàn dầu khí châu Âu thu mua dầu với giá cao để dự trữ.
Xem thêm:
Washington Post ngày 11/5/2022: Where are Russia’s barrels of oil going? Một bản PDF được lưu ở đây
Bloomberg ngày 12/5/2022: Russia Oil Revenue Up 50% This Year Despite Boycott, IEA Says
Reuters ngày 17/5/2022: Russia jumps to 4th position as oil supplier to India – tanker data
EU hạ thấp lập trường trong cuộc chiến khí đốt với Nga
EU đã mềm dẻo hơn trong diễn giải các lệnh trừng phạt nhằm duy trì dòng chảy khí đốt Nga trong khối, trong bối cảnh một số quốc gia thành viên không thể chấp nhận việc cắt giảm. Sau khi kết luận rằng sắc lệnh của Vladimir Putin yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp đã vi phạm lệnh trừng phạt, hướng dẫn mới của khối cung cấp cho các công ty một cách để vẫn có thể tiếp tục mua nhiên liệu. Trong hướng dẫn cập nhật được gửi tới các quốc gia thành viên vào ngày 13/5, Ủy ban Châu Âu cho biết các công ty có thể thiết lập tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và gửi tiền vào tài khoản để thanh toán khí đốt của Nga nhưng phải làm như vậy bằng đồng tiền gốc quy định trong hợp đồng khí đốt của họ (điển hình là euro), và phải coi giao dịch đã hoàn tất khi đồng tiền gốc đó đã được gửi vào tài khoản. Hướng dẫn này mang lại sự linh hoạt cho các công ty Châu Âu trong việc thanh toán khí đốt của Nga bằng cơ chế Gazprombank trước ngày tới hạn thanh toán vào nửa cuối tháng 5 của nhiều hợp đồng, tránh được việc khí đốt bị cắt giảm diện rộng vào cuối tháng này.
Động thái này khiến Berlin và Rome thở phào nhẹ nhõm, và gã khổng lồ khí đốt Ý Eni đã sẵn sàng mở tài khoản rúp tại ngân hàng Gazprombank. Còn Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã chỉ trích EU về việc xuống nước này và cho biết Ba Lan sẽ không khuất phục trước sự tống tiền của Nga. Nga đã ngừng dòng chảy khí đốt tới Ba Lan vào cuối tháng Tư.
Đức cho biết dù gói trừng phạt thứ sáu tới đây của EU có như thế nào, Đức vẫn sẽ ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022. Đức đang đạt được những tiến triển trong đàm phán để đạt được thoả thuận với các nhà cung cấp thay thế và chính phủ “tự tin rằng họ có thể giải quyết các vấn đề hậu cần còn lại trong vòng sáu đến bảy tháng tới,”, theo Bloomberg dẫn nguồn tin từ các quan chức chính phủ ẩn danh.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 17/5/2022: EU Softens Stance in Gas Fight With Russia. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Aljazeera/Bloomberg ngày 16/5/2022: EU gives companies green light to buy gas from Russia
Bloomberg ngày 15/5/2022: Germany to Stop Russian Oil Imports Regardless of EU Sanctions. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Stratfor ngày 16/5/2022: Europe: European Commission Issues New Guidance on Russian Natural Gas Payments. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Công ty Phần Lan từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp và khởi kiện Gazprom
Công ty năng lượng Phần Lan Gasum hôm 17/5/2022 đã công bố quyết định khởi kiện PJSC Gazprom về những thay đổi tiền tệ trong hợp đồng giữa hai công ty.
Gasum đã từ chối yêu cầu chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp của Gazprom, do đó công ty quyết định đệ đơn kiện tập đoàn năng lượng Nga theo đúng hợp đồng. Giám đốc điều hành của Gasum Mika Wiljanen giải thích điều này có thể dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt cho đất nước, nhưng nhấn mạnh công ty sẽ hướng tới việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế cho khách hàng của mình.
Cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh bán khí đốt cho “các quốc gia không thân thiện” bằng đồng rúp.
Xem thêm:
Teletrader ngày 17/5/2022: Gazprom faces lawsuit over rubles payment – Finland
Nga đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế
Ngày 11/5/2022, một bản dự báo về tình hình kinh tế Nga của Điện Kremlin đã bị rò rỉ ra báo giới. Báo cáo này đánh giá rằng kinh tế Nga đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong vòng ba thập kỷ bởi tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Bộ Tài chính Nga dự báo GDP sẽ giảm 12% trong năm 2022, con số giảm lớn nhất kể từ năm 1994, và sẽ xóa sạch tăng trưởng trong thập kỷ vừa qua của kinh tế Nga. Báo cáo này, kết hợp với việc Nga suýt nữa không thể trả được nợ nước ngoài trong tuần vừa qua, cho thấy rằng chính quyền Nga đang chịu áp lực rất lớn. Tổng thống Putin cũng đã không tuyên chiến với Ukraine trong bài phát biểu nhân Ngày Chiến thắng 9/5 như dự đoán, điều này cho thấy Putin đang lo ngại đánh mất sự ủng hộ của người dân.
Xem thêm:
Sydney Morning Herald ngày 11/5/2022: Russia faces economic collapse, leaked forecasts show. Một bản PDF được lưu ở đây.
———-
X- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN
David Sacks: Trung Quốc học được gì từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine?
Theo tác giả, bài học tiềm tàng nhất mà Trung Quốc học được từ cuộc chiến ở Ukraine là Mỹ sẽ không can thiệp quân sự trực tiếp chống lại một đối thủ có vũ khí hạt nhân. Trước khi Nga xâm lược Ukraine, Hoa Kỳ đã gạt bỏ khả năng can thiệp quân sự trực tiếp, Biden cảnh báo rằng “cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga là Thế chiến III”. Các nhà phân tích và hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể đã kết luận rằng kho vũ khí hạt nhân của Nga đã ngăn cản Hoa Kỳ can thiệp và vũ khí hạt nhân tạo ra nhiều không gian hơn cho các hoạt động quân sự thông thường. Các chiến lược gia Trung Quốc có thể tin rằng quyết định của nước này đầu tư mạnh vào việc phát triển kho vũ khí hạt nhân là đúng đắn.
Xem thêm:
Foreign Affairs ngày 16/5/2022: What Is China Learning From Russia’s War in Ukraine?. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Joseph C. Sternberg: Với bạn như Putin, Tập Cận Bình có thể đánh mất Châu Âu
Trong bài bình luận đăng trên tờ Wall Street Journal ngày 5/5/2022, Sternberg đã đánh giá rằng chuyến công du của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Nhật Bản ngày 28/4/2022 là động thái đáng chú ý, bởi vì Scholz đã thay đổi một truyền thống bắt đầu từ cựu Thủ tướng Merkel: Thủ tướng Đức thường tới công du Trung Quốc từ rất sớm và rất thường xuyên. Sự thay đổi này của Đức trong việc lựa chọn Nhật Bản là đối tác kinh tế và chiến lược đang gây ra lo ngại tại Bắc Kinh, khi mà chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo dõi sát sao những hậu quả của cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Tổng thống Putin, người bạn “không giới hạn” của Chủ tịch Tập, đã chứng minh rằng chính sách đối ngoại “Thay đổi bằng Thương mại” (Wandel durch Handel) của chính quyền Đức là một chính sách tồi, tức là Trung Quốc khó có thể tiếp tục sử dụng thương mại để xoa dịu các quan ngại của Đức cũng như của EU trong các vấn đề khác. Sự thay đổi trong quan điểm với Trung Quốc không chỉ được thể hiện trong chính quyền Đức, mà còn ngày càng được thể hiện rõ ràng trong giới doanh nghiệp, giới nghị sỹ, và dư luận Đức: một khảo sát của Học viện Ifo trong tháng 2/2022 cho thấy 45% doanh nghiệp sản xuất và 55% doanh nghiệp bán lẻ của Đức có dự định giảm nhập khẩu từ Trung Quốc; các nghị sỹ Đức thông qua một nghị quyết kêu gọi tăng tốc chuyển các hệ thống vũ khí tới Ukraine, trong đó có một đoạn nói về đe dọa trừng phạt Trung Quốc nếu hỗ trợ Nga; đảng CDU đối lập kêu gọi một cuộc cải cách đối với chiến lược thương mại của Đức; người dân Đức ngày càng chú ý tới câu hỏi “liệu Đức có thể từ biệt thị trường Trung Quốc hay không” với một loạt các phóng viên, bình luận viên đánh giá về các khía cạnh của câu hỏi này. Sternberg kết luận rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một nước Đức và một EU cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc trong thời gian tới, do hậu quả của quyết định chiến tranh mà Tổng thống Putin đưa ra.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện phần nào sự lo lắng của mình khi tiến hành hai cuộc đối thoại với Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Pháp Macron sau khi Scholz công du tại Nhật Bản. Ngày 9/5/2022, Chủ tịch Tập đã làm việc với Thủ tướng Scholz qua hình thức trực tuyến, nhấn mạnh quan hệ đối tác tốt đẹp giữa hai nước và giữa Trung Quốc với EU, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Thông cáo từ phía Trung Quốc bổ sung rằng Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc luôn luôn cam kết trong việc hợp tác với Đức trên mọi lĩnh vực; ủng hộ một EU tự chủ chiến lược có thể tự quyết định các chính sách của mình; quan hệ EU – Trung Quốc không bị can thiệp bởi một bên thứ ba; và Trung Quốc kêu gọi Đức ủng hộ Sáng kiến An ninh Toàn cầu. Thông cáo của phía Đức chỉ bổ sung rằng Thủ tướng Scholz đã thảo luận về vấn đề cuộc chiến tại Ukraine, ảnh hưởng của cuộc chiến với an ninh lương thực và an ninh năng lượng, cũng như thảo luận về việc củng cố quan hệ thương mại song phương. Ngày 10/5/2022, Chủ tịch Tập đã điện đàm với Tổng thống Macron, cũng nhấn mạnh quan hệ đối tác tốt đẹp song phương mang lại lợi ích cho tất cả. Thông cáo của phía Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập kêu gọi Pháp tiếp tục tăng cường hợp tác nghiên cứu công nghệ mới, đổi lại là Trung Quốc sẵn sàng mở rộng tiếp cận thị trường cho các tập đoàn Pháp; kêu gọi Pháp hợp tác cùng Trung Quốc tại các diễn đàn đa phương; và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến An ninh Toàn cầu. Thông cáo của phía Pháp cho biết Pháp đã đối thoại về vấn đề cuộc chiến tại Ukraine; Pháp kêu gọi Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ EU – Trung Quốc, bao gồm việc triển khai luật chống lao động cưỡng bức tại Tân Cương và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Lithuania.
Xem thêm:
Wall Street Journal ngày 5/5/2022: With Friends Like Putin, Xi May Lose Europe – WSJ . Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Chính phủ Đức ngày 9/5/2022: Bundeskanzler Scholz spricht per Videokonferenz mit dem chinesischen Staatspräsidenten Xi Jinping
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/5/2022: President Xi Jinping Has a Virtual Meeting with German Chancellor Olaf Scholz
Điện Elysee ngày 10/5/2022: Entretien téléphonique avec M. XI Jinping, Président de la République Populaire de Chine.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/5/2022: President Xi Jinping Speaks with French President Emmanuel Macron on Phone
Pradeep S Mehta and Sandra George: Hợp tác quốc phòng củng cố mối quan hệ Ấn Độ – Australia
Mối quan hệ Ấn Độ – Australia phát triển đỉnh điểm vào năm 2022 trở thành quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện thông qua một số các thỏa thuận song phương, chẳng hạn như Bản ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng năm 2006 và Tuyên bố chung về Hợp tác An ninh năm 2009… Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến song phương được tổ chức vào ngày 21/3/2022 cũng như việc ký kết Hiệp định Hợp tác Kinh tế và Thương mại Australia-Ấn Độ (ECTA) vào ngày 02/4 đã đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ Ấn Độ – Australia, đặc biệt là trong bối cảnh hợp tác an ninh và quốc phòng ngày càng mở rộng hơn. Trong đó, về quốc phòng, tác giả cho rằng sự hợp tác mới nổi giữa Ấn Độ và Australia được hiểu là phản ứng trước thách thức Trung Quốc.
Xem thêm:
EAF ngày 13/5/2022: Defence cooperation hardens the India–Australia relationship
———-
XI- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
LI Jingmin et al. (2022) Dataset of the South China Sea U-boundary and the geographical names for part of Nanhai Zhudao
Trong nỗ lực xây dựng bằng chứng pháp lý cho yêu sách biển và chủ quyền của Trung Quốc, bài báo đã công bố một bộ dữ liệu về biên giới chín đoạn ở Biển Đông (1948) đã thu được bằng cách trích xuất thông tin tọa độ trên Bản đồ Đông Ấn và một bộ dữ liệu về tên địa lý của Nam Hải Chư Đảo (những quần đảo ở Biển Đông). Hai bộ dữ liệu này được coi là có ý nghĩa quan trọng đối với việc điều tra phân định biên giới biển của Trung Quốc và giúp Trung Quốc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông.
Theo nhóm tác giả, Nam Hải Chư Đảo (quần đảo ở Biển Đông) của Trung Quốc bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa. Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, thăm dò và khai thác Nam Hải Chư Đảo và các vùng biển liên quan, và là nước đầu tiên thực hiện chủ quyền và quyền tài phán đối với khu này một cách liên tục, hòa bình và hiệu quả, do đó xác lập chủ quyền lãnh thổ và các quyền và lợi ích liên quan ở Biển Hoa Đông. Bản đồ mới của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xuất bản năm 1951 có những đường liền mạch và đường đứt nét chín đoạn phân định biên giới biển quốc gia. Các tác giả cũng tìm thấy một phiên bản tương tự ở Bản đồ Đông Ấn. Bản đồ sử dụng ký hiệu ranh giới quốc gia có đường nét liền và chỉ ra rõ ràng sự phân định biên giới giới quốc gia tại SCS vào năm 1948. Bản đồ nêu rằng Trung Quốc “chủ quyền lãnh thổ của quần đảo Biển Đông và là bằng chứng lịch sử về chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông”.
Tải toàn văn bài báo ở đây.
Isaac B. Kardon & Wendy Leutert (2022) Pier Competitor: China’s Power Position in Global Ports
International Security, Vol. 46, No. 4 (Spring 2022), pp. 9–47
Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong ngành vận tải toàn cầu, với vị trí đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực cảng biển. Một bản đồ về mọi cảng biển bên ngoài Trung Quốc cho thấy rằng các công ty Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành các tài sản thiết bị đầu cuối tại chín mươi sáu cảng ở 53 quốc gia. Một tập dữ liệu ban đầu về các cảng ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc ghi lại sự phân bố địa lý, quyền sở hữu và đặc điểm hoạt động của các cảng này. Các tác động an ninh quốc tế của việc mở rộng cảng toàn cầu của Trung Quốc là gì? Một cuộc điều tra về mối quan hệ của các công ty Trung Quốc với Đảng-nhà nước cho thấy nhiều cơ chế mà lãnh đạo Trung Quốc có thể chỉ đạo việc sử dụng các tài sản cảng thương mại cho các mục đích chiến lược. Các bến cảng quốc tế mà các công ty Trung Quốc sở hữu và vận hành đã cung cấp năng lực lưỡng dụng cho Quân đội Giải phóng Nhân dân trong thời bình, thiết lập mạng lưới hậu cần và tình báo về mặt vật chất cho phép Trung Quốc phóng sức mạnh vào các khu vực quan trọng trên toàn thế giới. Nhưng hình thức quyền lực nhà nước với mạng lưới này bị hạn chế trong thời chiến vì nó phụ thuộc vào các cơ sở thương mại ở các quốc gia không liên minh. Bằng cách cung cấp bằng chứng cho thấy các căn cứ ở nước ngoài không phải là chỉ số duy nhất về khả năng dự báo quyền lực toàn cầu, các kết quả nghiên cứu đã thúc đẩy nghiên cứu về việc xác định và đo lường sức mạnh quốc gia. Việc Trung Quốc tận dụng mạng lưới cảng thương mại xuyên quốc gia của các doanh nghiệp Trung Quốc tạo thành một hình thức triển khai quyền lực nhà nước không được đánh giá cao nhưng mang tính hệ quả.
Tải bài báo ở đây.
Xem thêm: Nikkei Asia ngày 13/5/2022: COSCO: China’s shipping giant expands its global influence. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.
Bonny Lin et al. (2022) Assessing U.S. Business Community Support for U.S.-China Competition
RAND Corporation
Trong báo cáo này, nhóm tác giả đánh giá quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ trong các lĩnh vực sản xuất, công nghệ và tài chính đã nhìn nhận các chính sách về Trung Quốc của chính quyền Trump như thế nào, qua một số lăng kính khác nhau: từ quan điểm của từng cá nhân, từ quan điểm của các công ty khác nhau theo thời gian và từ quan điểm của các ngành và phân ngành cụ thể. Phân tích tập trung vào các hành động của chính quyền Trump đối với Trung Quốc từ năm 2017 đến mùa thu năm 2020.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.