Tác giả: Ngô Trung Hiếu
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 12/9/2022

Chiến tranh Chiếm lĩnh Nhận thức (Cognitive Warfare) là gì, và tại sao người Việt lại cần hiểu biết về khái niệm này ngay bây giờ.
Kể từ khi cuộc chiến do Nga phát động tại Ukraine diễn ra, các thuật ngữ như “Chiến tranh Thông tin” và “Chiến tranh Tâm lý” đã quay trở lại chiếm lĩnh các phương tiện truyền thông tại Việt Nam. Một động tác tìm kiếm đơn giản với công cụ Google cho thấy “Chiến tranh Thông tin” và “Chiến tranh Tâm lý” xuất hiện lần lượt với số lượt lên tới hơn 300.000 và 500.000, với một số lượng lớn bài viết xuất hiện ngay trước và sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra.
Tuy nhiên, nhìn sâu vào khái niệm “Chiến tranh Thông tin” và “Chiến tranh Tâm lý”, có thể thấy những gì đang diễn ra tại Ukraine và trên thế giới vượt qua khuôn khổ của hai khái niệm riêng biệt này. “Chiến tranh Thông tin” là một khái niệm mới xuất hiện kèm công nghệ viễn thông, được định nghĩa là “một nhóm các kỹ thuật bao gồm thu thập, chuyển giao, bảo vệ, chống lại, gây nhiễu, và làm suy giảm chất lượng thông tin, với mục tiêu giành lợi thế trước đối thủ”[1], trong khi “Chiến tranh Tâm lý” có nguồn gốc sâu xa hơn, được định nghĩa là “bao gồm việc sử dụng công cụ tuyên truyền để chống lại đối phương, kết hợp với những biện pháp khác như quân sự, kinh tế, chính trị để thay đổi tâm trí và cảm xúc của đối phương, của đồng minh, và của những nhóm trung lập, nhằm đạt được các mục tiêu chiến thuật hoặc chiến dịch nhất định”[2].
Những chiến dịch gây ảnh hưởng tinh vi và phức tạp mà Nga đã đang tiến hành tại Ukraine và trên thế giới trong nhiều năm qua đã được Giáo sư Timothy Snyder tổng kết trong cuốn The Road to Unfreedom: Russia, Europe, America[3], được đánh giá và tóm tắt bởi bởi cây bút David Frum của tờ The Atlantic[4]: Nga đã xây dựng một hệ thống các “viện nghiên cứu” và các “thông tấn xã” giả có trụ sở tại nhiều quốc gia trên thế giới, rồi lợi dụng sự tự do của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter để làm công cụ phát tán tin giả do các “viện nghiên cứu” đưa ra. Các tài khoản giả mạo được lực lượng tác chiến mạng của Nga lập ra liên tục trích dẫn lại các bài viết, bài nghiên cứu giả, đôi khi là hợp tác với một số đối tác như Iran và Trung Quốc, để tìm cách “chính danh hóa” các tin giả mạo. Các tin giả mạo này sẽ được người dùng hoặc một số trang tin tổng hợp dẫn lại, bao gồm cả các kênh thông tấn của Nga như RT và TASS, và đi vào diễn ngôn thực tế như một thông tin chính thống. Các chiến dịch tin giả này đã và đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, tinh vi hơn rất nhiều nhờ có những phát minh công nghệ mới như công nghệ deepfake chỉnh sửa video bằng Trí tuệ nhân tạo (AI), mà một ví dụ điển hình là video deepfake Tổng thống Ukraine Zelenskyy kêu gọi người dân Ukraine nhanh chóng đầu hàng được phát tán trên các trang mạng xã hội hồi đầu tháng 3/2022. Nhận thức rõ những nguy cơ đáng gờm này, năm 2020, NATO đã hợp tác cùng những trường đại học hàng đầu thế giới về khoa học nhận thức như Đại học John Hopkins, Đại học Bordeaux để nghiên cứu và phát triển một khái niệm mới, với tên gọi là “Chiến tranh Chiếm lĩnh Nhận thức”.
Các nhà nghiên cứu và NATO xác nhận rằng Chiến tranh Chiếm lĩnh Nhận thức “là một bước tiến hơn nữa trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát dòng thông tin. Đây là cuộc chiến để giành quyền kiểm soát và thay đổi cách thức con người phản ứng với thông tin”. Định nghĩa của khái niệm này trong năm 2020 là “sự vũ khí hóa dư luận công chúng, bởi một thực thể ở bên ngoài, nhằm mục tiêu (1) ảnh hưởng tới chính sách công và chính sách của chính phủ, và (2) làm suy yếu các thể chế công”[5]. Đi sâu hơn vào khái niệm, các tác giả chỉ ra rằng: “Chiến tranh Chiếm lĩnh Nhận thức sử dụng những lợi thế của công nghệ truyền thông hiện đại để thay đổi quy trình nhận thức, lợi dụng những thiên kiến nhận thức sẵn có và tư duy phản xạ của con người, tạo ra những đứt gãy trong suy nghĩ, ảnh hưởng quá trình ra quyết định và ngăn chặn hành động một cách tiêu cực, ở cả mức độ cá nhân và cộng đồng”[6].
Chính bởi lợi dụng những quy trình nhận thức ở tầng tiềm thức, những chiến dịch Chiến tranh Chiếm lĩnh Nhận thức rất khó để nhận ra, đặc biệt trong cuộc sống nhiều lo toan và những đặc tính của mạng xã hội khiến công chúng có xu hướng nghĩ nhanh chứ không sâu, tư duy đơn giản. Sự xuất hiện của một lớp “trí thức mỳ ăn liền” (dẫn lời của TS. Vân Phạm từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông) dễ nổi tiếng trên truyền thông và mạng xã hội ít đào sâu nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi phát ngôn không chỉ là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam mà còn ở Trung Quốc và cũng đã bị nhiều học giả kỳ cựu của Trung Quốc phê phán, lại càng là môi trường thuận lợi cho chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức khi công chúng phụ thuộc vào nhận định của họ để hiểu vấn đề.
Điều đáng lo ngại hơn là không chỉ công chúng dễ bị chi phối bởi các chiến dịch Chiếm lĩnh Nhận thức, những người làm công tác hoạch định chính sách cũng dễ dàng bị chi phối nếu không tỉnh táo, chú ý, và thường xuyên đối diện với suy nghĩ nhiều chiều. Từ khi chiến tranh tại Ukraine nổ ra, Nga đã đẩy mạnh các chiến dịch Chiếm lĩnh Nhận thức tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là ở khu vực Châu Phi, Nam Á, và Đông Nam Á. Các thống kê của Singapore cho thấy chỉ trong vài tuần, chiến dịch của Nga đã có một số thành công nhất định khi đẩy cao tâm lý chống Mỹ và chống phương Tây tại Singapore và Philippines[7]. Điều này khiến chính quyền Singapore đã phải cảnh giác và chủ động kháng cự, nỗ lực đưa ra các biện pháp để hoá giải những tin giả và huyền thoại liên quan đến Ukraine và rộng hơn nữa, nhằm tránh ảnh hưởng đến an ninh của chính Singapore và những quốc gia nhỏ.
Tại Việt Nam, trong thời gian đầu khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, các tờ báo mạng chủ yếu tập trung dịch và đưa tin có nguồn từ các kênh thông tấn của Nga, tức là trực tiếp hỗ trợ các chiến dịch Chiếm lĩnh Nhận thức của Nga. Nhận thức của công chúng Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương và chiếm lĩnh, bởi vì: (1) công chúng Việt Nam chưa được đào tạo để nhận ra những thiên kiến nhận thức cơ bản trong chính bản thân mình, do đó chủ động tiếp nhận những thông tin và diễn giải có tính “ăn liền đậm đặc gia vị đánh lừa vị giác và nuôi dưỡng tư duy giản đơn”; (2) chính vì chưa nhận ra được những thiên kiến nhận thức này, công chúng Việt Nam đôi khi chưa thể chấp nhận việc thực tế tồn tại trái ngược với niềm tin của mình, và dễ dàng sa vào những lập luận vòng vo để bảo vệ niềm tin của mình tới cùng, nhằm tránh sự khó chịu đến từ hiện tượng “bất hòa nhận thức” – cognitive dissonance. Từ những yếu tố này, bao gồm sự phản kháng lại “bất hòa nhận thức”, những tiếng nói tri thức có lập luận logic vững chắc và có cái nhìn nhiều chiều đã bị công chúng Việt Nam phản ứng dữ dội, thậm chí có nhiều trường hợp bị mạt sát chỉ vì đưa ra những góc nhìn trái ngược với niềm tin của công chúng.
Đây là một nguy cơ lớn đối với an ninh của Việt Nam, khi đang để cho công chúng dễ dàng rơi vào vòng ảnh hưởng của một cuộc Chiến tranh Chiếm lĩnh Nhận thức. Việt Nam cũng có nguy cơ tương tự như Ukraine, có thể rơi vào một cuộc chiến Chiếm lĩnh Nhận thức âm thầm, vô hình trong nhiều năm trước khi xung đột bằng súng đạn thực sự nổ ra, đặc biệt là khi chúng ta biết rằng Trung Quốc đã có nhiều năm tiến hành một lý thuyết tương tự với tên gọi là “tam chủng chiến pháp” gồm chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin, và chiến tranh pháp lý. Và khi đó, dẫn lời kết luận của tác giả Bernard Claverie và François du Cluzel: “khi chúng ta nhận ra tác động của chúng, thì tất cả thường là đã quá muộn”[8].
Th.S Ngô Trung Hiếu tốt nghiệp và hiện đang làm nghiên cứu tại Châu Âu, đồng thời là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Bài viết có sự góp ý của các thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
———-
Chú thích:
[1] M. Burns (1999): Chiến tranh Thông tin: Là gì và Như thế nào?
[2] P. M. A. Linebarger (1954): Chiến tranh Tâm lý
[3] T. Snyder (2018): Con đường tới Phi Tự do: Nga, Châu Âu, Mỹ
[4] D. Frum (2018): Chiến dịch Tin giả Vĩ đại của Nga
[5] NATO, Đại học John Hopkins (2020): Chiến tranh Chiếm lĩnh Nhận thức: Tấn công vào Sự thật và Suy nghĩ
[6] B. Claverie, F. Cluzel (2022): Khái niệm Chiến tranh Chiếm lĩnh Nhận thức
[7] The Straits Times (2022): Giải mã Chiến dịch tin giả trên Twitter của Nga
[8] B. Claverie, F. Cluzel (2022): Khái niệm Chiến tranh Chiếm lĩnh Nhận thức
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.