(Tuần từ 15 – 22/11/2021)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Lê Đức Tâm, Lê Xuân Phương, Trần Phạm Bình Minh, Đoàn Thị Hằng Ni
Biên tập: Nguyễn Thế Phương
Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Tải bản PDF ở
———-
Trong Bản Tin Biển Đông Số 85 có những nội dung sau:
I- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC
II- HẢI CẢNH TRUNG QUỐC SỬ DỤNG VÒI RỒNG CHỐNG LẠI TÀU PHILIPPINES TẠI BÃI CỎ MÂY, HIỆN THỰC HÓA LUẬT HẢI CẢNH
III- TRUNG QUỐC VÀ ASEAN NÂNG CẤP QUAN HỆ ĐỐI TÁC
IV- DIỄN TIẾN VIỆC XÉT NHẬP THÀNH VIÊN MỚI VÀO CPTPP
V- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
VI- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
VII- CHUYỂN ĐỘNG LIÊN HỢP QUỐC
VIII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
IX- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/SÁCH
———-
I- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bầu 34 thành viên thực hiện nhiệm kỳ 5 năm tại Ủy ban pháp luật quốc tế
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bầu ra 34 thành viên thực hiện nhiệm kỳ 5 năm (bắt đầu từ ngày 1/1/2023) tại Ủy ban Luật Quốc tế thông qua phương thức bỏ phiếu kín. 34 thành viên này bao gồm 9 công dân đến từ các Quốc gia Châu Phi, 8 thành viên đến từ các Quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương, 3 thành viên đến từ các Quốc gia Đông Âu, 6 thành viên đến từ các Quốc gia Châu Mỹ Latinh và Caribe và 8 thành viên đến từ các Quốc gia Tây Âu và các Quốc gia khác.
Đại diện của Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao là 1 trong 8 thành viên đến từ Châu Á – Thái Bình Dương đắc cử với số phiếu 145/191 (phiếu biểu quyết hợp lệ).
Xem thêm:
UN: General Assembly Elects 34 Members to Serve Five-Year Terms with International Law Commission
Ngoại trưởng G7 – ASEAN chuẩn bị gặp mặt thảo luận hợp tác
Nhóm G7 đang dự kiến mời 10 nước thành viên ASEAN tới Anh tham dự cuộc họp ngoại trưởng trực tiếp vào đầu tháng 12 tới. Theo nguồn tin của Kyodo, Theo các nguồn tin, hai bên dự kiến thảo luận hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như một số vấn đề khác.
Tuy vậy, hồi tháng 10, phía Anh cho biết chính quyền quân sự Myanmar sẽ không được mời.
Xem thêm:
Vietnamplus ngày 16/11/2021: Nhóm G7 có kế hoạch mời ASEAN tham dự cuộc họp ngoại trưởng
The Irrawaddy ngày 21/10/2021: UK Says Myanmar Junta Not Invited to G7-ASEAN Ministerial Meeting
Việt Nam nhận máy bay huấn luyện Yak-130 từ Nga
6 chiếc máy bay huấn luyện Yak-130 đầu tiên trong lô 12 chiếc mà Việt Nam đặt từ Nga đã về đến sân bay Phù Cát (Bình Định) ngày 13/11. Chúng sẽ được dùng để thay thế các máy bay Aero L-39 của Tiệp Khắc và được biên chế vào thành phần trung đoàn không quân huấn luyện 940.
Xem thêm:
Sputnik ngày 16/11/2021: Máy bay Yak-130 của Nga đến Việt Nam
Việt Nam, Philippines nối lại nghiên cứu khảo sát khoa học biển chung
Trong cuộc họp của nhóm làm việc chung về các mối quan ngại trên biển giữa Việt Nam và Philippines ngày 8/11, hai bên đã nhất trí nối lại nghiên cứu khảo sát khoa học biển chung. Trước đó, hai quốc gia đã thực hiện 4 chuyến khảo sát chung vào các năm 1996, 2000, 2005 và 2007.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Philippines ngày 17/11/2021: Philippines, Viet Nam Agree to Resume Joint Marine Scientific Research Expedition
Xem thêm thông tin về các chuyến khảo sát trước tại đây:
Thayer Consultancy Background Brief ngày 20/11/2021: Philippines-Vietnam Joint Marine Scientific Research
Viện Hải dương học Việt Nam ngày 15/10/2012: Dự án Khảo sát nghiên cứu khoa học biển phối hợp Việt Nam – Philippin trên Biển Đông (JOMSRE-SCS), 1996 – 2007
Việt Nam phản đối Đài Loan tập trận ở Trường Sa
Khi được hỏi về thông tin tàu ngầm của Đài Loan tham gia tập trận hải quân gần đảo Ba Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời với nội dung không có gì mới hơn, nhưng là một hành động pháp lý cần thiết để bảo lưu yêu sách chủ quyền đối với các thực thể ở quần đảo Trường Sa: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn trong tương lai”.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 18/11/2021: Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 21 năm 2021
Lý Hiển Long cảnh báo nguy cơ từ căng thẳng tại Đài Loan
Trong Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg hôm 17/11/2021, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo các động thái của Mỹ và Trung Quốc đối với Đài Loan sẽ làm gia tăng nghi kỵ, căng thẳng và lo ngại, làm tăng khả năng dẫn đến rủi ro hoặc tính toán sai lầm, khiến cả Mỹ và Trung Quốc phải hối tiếc.
Xem thêm:
Straits Times ngày 18/11/2021: Sino-US tensions over Taiwan could result in regrettable ‘mishap’: PM Lee Hsien Loong
Thủ tướng Việt Nam chuẩn bị thăm Nhật Bản
Từ ngày 22-25/11/2021,. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm tới Nhật Bản. Đây là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Kishida Fumio nhậm chức đầu tháng 10 vừa qua.
“Việt Nam là đối tác nhằm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chúng tôi kỳ vọng tiếp tục tăng cường quan hệ Nhật Bản – Việt Nam và xây dựng sự tin cậy về mặt cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo”, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu nói.
Xem thêm:
VnExpress ngày 19/11/2021: Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp thăm Nhật Bản
Kyodo ngày 19/11/2021: Vietnam PM to visit Japan next week, 1st leader Kishida to host
Nhật Bản và Việt Nam hướng tới phòng thủ mạng, được cho là để đối phó với Trung Quốc
Hôm thứ Ba ngày 23/11/2021, trong chuyến công du của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tới Nhật Bản, Nhật Bản và Việt Nam đã ký một thỏa thuận an ninh mạng mà theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, nhằm giải quyết tính cấp bách của các hoạt động thách thức trật tự quốc tế hiện có ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Kishi cho biết các cuộc hội đàm với người đồng cấp Việt Nam, Phan Văn Giang, đã đưa “quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước lên một tầm cao mới”.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác phòng thủ mạng với Hoa Kỳ, Australia và các đối tác khác, đồng thời tham gia cuộc tập trận không gian mạng của NATO vào tháng Tư. Nhật Bản cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán về an ninh mạng với Việt Nam, Singapore và Indonesia.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cũng trong buổi hội đàm hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã nhất trí “phản đối mạnh mẽ” những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng các vùng biển trong khu vực, ám chỉ sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Xem thêm:
AP News ngày 23/11/2021: Japan, Vietnam look to space and cyber defense against China
Kyodo News ngày 23/11/2021: Japan, Vietnam defense chiefs oppose bids to change status quo
The Times ngày 16/11/2021: Chinese threat calls for Five Eyes expansion | Comment. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Kurt Campbell khẳng định Ấn Độ và Việt Nam sẽ định hình tương lai của châu Á
Trong một sự kiện tại Washington ngày 19/11/2021, quan chức phụ trách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Kurt Campbell khẳng định rằng Mỹ coi Ấn Độ và Việt Nam là các đối tác chủ chốt để tăng cường quan hệ. Trong dó, ông gọi Việt Nam là “quốc gia chiến trường “ (swing state) trong khu vực và kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ và Việt Nam quen biết nhau hơn, ít đọc sẵn từ giấy trong các cuộc gặp mà cần thảo luận nhiều hơn về mục tiêu chiến lược chung.
“Dù chúng ta có chế độ chính trị và hệ giá trị khác nhau, tôi tin rằng khả năng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam sẽ mang tính quyết định để chúng ta tiến về phía trước”, ông nói.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 20/11/2021: India and Vietnam will define the future of Asia: Kurt Campbell
—–
II- HẢI CẢNH TRUNG QUỐC SỬ DỤNG VÒI RỒNG CHỐNG LẠI TÀU PHILIPPINES TẠI BÃI CỎ MÂY, HIỆN THỰC HÓA LUẬT HẢI CẢNH
Diễn biến sự kiện
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy phía Tây Palawan, ngày 16/11/2021, 3 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn và dùng vòi rồng phun nước vào hai 2 tàu tiếp tế của Philippines trên đường vận chuyển thực phẩm cho quân nhân Philippines ở Bãi Cỏ Mây, khiến hai tàu phải huỷ bỏ nhiệm vụ của mình. Manila đã ra lệnh cho các tàu của Bắc Kinh lùi lại và cảnh báo rằng các tàu tiếp tế của họ được hỗ trợ bởi một hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ.
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines cho biết phía Philippines cũng đã có kế hoạch triển khai lực lực cảnh sát biển và kiểm ngư để hỗ trợ các tàu hải quân và thực thi luật đánh bắt cá của mình tại Bãi Cỏ Mây. Ông cũng cho biết số lượng tàu giám sát của Trung Quốc đã tăng lên trong những tuần gần đây ở các bãi cạn phía xa hơn và khu vực đảo Thị Tứ.
Xem thêm:
AP News ngày 18/11/2021: China coast guard uses water cannon against Philippine boats
Tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines
Trong tuyên bố ngày 18/11/2021, Ngoại trưởng Philippines Teodoro L. Locsin cho biết Philippines đã có những phản hồi với Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Bãi Cỏ Mây là một phần của nhóm đảo Kalayaan là một bộ phận không thể tách rời của Philippines, tại đó Philippines có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán. Các hành vi của tàu Hải Cảnh Trung Quốc là vi phạm pháp luật, Trung Quốc không có quyền thực thi pháp luật trong và xung quanh các khu vực này. Hành động của Trung Quốc đã đe dọa đến mối quan hệ ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc.
Xem thêm:
Statement of Secretary Teodoro L. Locsin, Jr. on the Ayungin Shoal incident
Trung Quốc: Tàu tiếp tế của Philippines xâm phạm vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa
Ngày 18/11/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đáp trả rằng 2 tàu tiếp tế của Philippines xâm phạm vùng biển thuộc quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc. “Vào tối ngày 16/11, hai tàu tiếp tế của Philippines đã xâm phạm vào vùng biển gần bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc mà không có sự đồng ý của Trung Quốc. Các tàu hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện công vụ căn cứ theo luật để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và trật tự hàng hải của Trung Quốc”, Triệu Lập Kiên phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 18/11/2021: Foreign Ministry Spokesperson Zhao Lijian’s Regular Press Conference on November 18, 2021
Việt Nam bình luận vụ hải cảnh Trung Quốc ‘cản trở tàu Philippines’
Liên quan đến vụ tàu hải cảnh Trung Quốc cản trở tàu Philippines, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong mọi hoạt động trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.”
Xem thêm:
VnExpress ngày 18/11/2021: Việt Nam bình luận vụ hải cảnh Trung Quốc ‘cản trở tàu Philippines’
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận các cam kết ràng buộc bởi Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines khi các tàu công vụ của Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông
Liên quan đến vụ việc Bãi Cỏ Mây, Hoa Kỳ khẳng định sát cánh với đồng minh Philippines trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ và tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các tàu công vụ của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung với Philippines năm 1951.
Hoa Kỳ cũng nhắc lại Phán quyết về Biển Đông của Tòa trọng tài năm 2016 với nội dung bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với Bãi Cỏ Mây vốn được xác định là một phần nằm trong vùng Đặc quyền kinh tế của Philippines. Hành động của Trung Quốc là trái với pháp luật quốc tế và ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 19/11/2021: Ned Price, Department Spokesperson, Press Statement: On the Situation in the South China Sea, November, 19/11/2021
Úc, Nhật Bản, Pháp và Đức đồng loạt lên tiếng
Trên Twitter, Đại sứ các nước Úc, Nhật Bản, Pháp và Đức tại Philippines đã đồng loạt lên tiếng bày tỏ “quan ngại” hoặc “quan ngại nghiêm trọng” về sự việc ở Bãi Cỏ Mây.
Đại sứ Úc tại Philippines: “Australia đã liên tục bày tỏ sự ủng hộ đối với UNCLOS, Phán quyết Trọng tài về Biển Đông năm 2016 và một khu vực mở và bao trùm. Chúng tôi tiếp tục làm việc và hỗ trợ các đối tác Philippines về các vấn đề hàng hải và lo ngại về các sự cố gây mất ổn định gần đây ở Biển Đông.”
Đại sứ Nhật Bản tại Philippines: “Nhật Bản cực lực phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Việc tuân thủ Phán quyết Trọng tài năm 2016 và nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật quốc tế, UNCLOS, có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình và thịnh vượng cho khu vực.”
Đại sứ Pháp và Đức tại Philippines lên tiếng chung: “Pháp và Đức chia sẻ mối quan ngại nghiêm trọng về sự cố mới nhất do 3 tàu Trung Quốc tấn công 2 tàu tiếp tế ở Biển Đông. Kêu gọi kiềm chế hành vi gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hỗ trợ vững chắc đối thoại giữa các bên liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Xem thêm:
Tuyên bố của các nước Úc, Nhật Bản, Pháp & Đức
Người phát ngôn Phái đoàn Liên hiệp Châu Âu tại Philippines: COC cần hiệu lực, thực chất, ràng buộc pháp lý và không tổn hại quyền lợi bên thứ ba
Lên tiếng về việc tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tàu tiếp vận của Philippines, Liên hiệp Châu Âu coi đây là một hành động đơn phương nối tiếp một loạt các hành động đơn phương khác của các tàu Trung Quốc ở Biển Đông trong những tháng qua, và tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào gây nguy hiểm cho hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như trật tự dựa trên luật lệ quốc tế.
Tuyên bố nhắc lại Phán quyết Trọng tài đã kết luận rằng Bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS bao gồm cả các cơ chế giải quyết tranh chấp.
Liên hiệp Châu Âu ủng hộ tiến trình do ASEAN dẫn dắt hướng tới Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông. Lập trường của EU là bộ quy tắc này phải hiệu lực, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý, đồng thời không phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba.
Xem thêm:
EEAS ngày 21/11/2021: South China Sea: Statement by the Spokesperson on recent incidents
Lê Xuân Phương: Khía cạnh pháp lý của vụ việc
Vào năm 2016, Tòa trọng tài Biển Đông đã đưa ra phán quyết về một số vấn đề pháp lý liên quan đến quần đảo Trường Sa, cụ thể, Tòa khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho yêu sách đường chín đoạn với tư cách là yêu sách biển cũng như không có cơ sở pháp lý để khẳng định cho các yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông. Phán quyết của Tòa cũng khẳng định không một cấu trúc nào tại quần đảo Trường Sa đáp ứng tiêu chí để được xem là đảo và được hưởng các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tương tự như đất liền.
Đối với Bãi Cỏ Mây, Phán quyết của Tòa khẳng định Bãi Cỏ Mây là một cấu trúc lúc chìm lúc nổi do đó bãi cạn này không tạo ra bất kỳ vùng biển phụ cận nào. Đồng thời, với kết luận là một cấu trúc lúc chìm lúc nổi Bãi Cỏ Mây không phải là đối tượng của việc thụ đắc lãnh thổ. Tòa kết luận Bãi Cỏ Mây thuộc một phần của vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Do đó, không có cơ sở pháp lý nào hỗ trợ cho việc Trung Quốc ngang nhiên sử dụng vòi rồng tấn công vào các tàu tiếp tế của Philippines trong khu vực.
Hành động của Trung Quốc đối với Bãi Cỏ Mây là một ví dụ cụ thể cho việc quốc gia này sẽ áp dụng Luật Hải cảnh tại khu vực Biển Đông. Cụ thể tại Điều 22 Luật hải cảnh năm 2021 của Trung Quốc quy định rằng, Hải cảnh Trung Quốc có thể “sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng vũ khí để ngăn chặn và loại bỏ các mối nguy hiểm khi các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia”. Do đó, có thể nhận thấy việc hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu tiếp tế của Philippines là đang sử dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trên tinh thần Điều 22. Qua đó cũng cho thấy Trung Quốc vẫn đang tiếp tục duy trì yêu sách của mình đối với các vùng biển tại quần đảo Trường Sa bất chấp Phán quyết của Tòa Trọng tài quy định về việc bác bỏ các yêu sách về quyền lịch sử và đường lưỡi bò của quốc gia này ở Biển Đông.
Philippines tiếp tục nhiệm vụ tiếp tế ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng nói Trung Quốc “sẽ không can thiệp”
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm Chủ nhật ngày 21/11/2021 cho biết ông đã chỉ thị cho quân đội điều các tàu tiếp tế trở lại Bãi Cỏ Mây và Trung Quốc “sẽ không can thiệp” lần này sau khi ông đã nói chuyện với Đại sứ Trung Quốc tại Philippines từ tối ngày 16 cho tới ngày 20/11.
Xem thêm:
Reuters ngày 21/11/2021: Philippines set to resume resupply mission to South China Sea
Hải quân Trung Quốc phát cảnh báo khi máy bay chở Nghị sĩ Ping Lacson trên đường tới đảo Thị Tứ
Thượng nghị sĩ Panfilo “Ping” Lacson và nhóm của ông đã bị Hải quân Trung Quốc cảnh cáo khi máy bay của họ đang bay đến đảo Thị Tứ hôm thứ Bảy.
Các nhà chức trách từ Hải quân Trung Quốc đã phát thanh với thông báo sau: “Các bạn đang tiếp cận khu vực quân sự của chúng tôi. Vui lòng tránh xa khu vực này và rời đi ngay lập tức. Hành động của các bạn là không thân thiện và nguy hiểm. Hành động của các bạn là nguy hiểm”.
“Đây là Hải quân Trung Quốc. Bạn đang tiếp cận vùng cảnh báo quân sự của chúng tôi. Hãy rời đi ngay lập tức để tránh bị hiểu lầm,” nhà chức trách Trung Quốc sau đó nói thêm.
Xem thêm:
ABS-CBN News ngày 21/11/2021: Lacson plane warned by Chinese Navy en route to Pag-asa
—–
III- TRUNG QUỐC VÀ ASEAN NÂNG CẤP QUAN HỆ ĐỐI TÁC
ASEAN và Trung Quốc công bố Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện
Sáng ngày 22/11/2021, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Đại diện phía Trung Quốc tham dự là Chủ tịch Tập Cận Bình, thay vì Thủ tướng Lý Khắc Cường như các hội nghị liên quan đến ASEAN khác. Lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar không được mời tham dự. Trong cuộc gặp, ông Tập khẳng định Trung Quốc “tuyệt đối không mưu cầu bá quyền, càng không ỷ lớn để bắt nạt các nước nhỏ. Về kinh tế, ông Tập nhắc lại đến “Sáng kiến Phát triển Toàn cầu” (Global Development Initiative, sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc đề cập trong bài phát biểu gửi đến Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9 vừa qua). Sáng kiến này cũng đã được đưa vào tuyên bố chung của hội nghị. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết viện trợ phát triển 1,5 tỷ USD cho các nước ASEAN trong ba năm tới, cũng như đóng góp thêm 150 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước trong khu vực. Trong hội nghị, ASEAN và Trung Quốc cũng đã chính thức công bố việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện và lưu ý rằng khối lượng thương mại đã tăng từ dưới 8 tỷ đô la lên 684,6 tỷ đô la trong 3 thập kỷ qua.
Theo truyền thông Trung Quốc, Tập gọi quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là một “cột mốc” trong lịch sử quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Bổ sung nó sẽ tạo động lực mới cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực và thế giới.
Ông nêu ra các nguyên tắc quan hệ Trung Quốc-ASEAN:
1. Tôn trọng lẫn nhau và duy trì các chuẩn mực cơ bản chi phối quan hệ quốc tế
2. Theo đuổi phát triển hòa bình thông qua hợp tác đôi bên cùng có lợi
3. Giúp đỡ lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi
4. Tính toàn diện
Xem thêm:
VOV ngày 22/11/2021: Thủ tướng dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/11/2021: Xi Jinping Attends and Chairs the Special Summit to Commemorate the 30th Anniversary of China-ASEAN Dialogue Relations and Officially Announces the Establishment of a China-ASEAN Comprehensive Strategic Partnership
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/11/2021: For a Shared Future and Our Common
Tân Hoa Xã ngày 22/11/2021: 习近平出席并主持中国-东盟建立对话关系30周年纪念峰会 正式宣布建立中国东盟全面战略伙伴关系
Biển Đông trong tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc: Các bên liên quan cam kết giải quyết các vấn đề tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán thông qua tham vấn và đàm phán giữa các quốc gia trực tiếp liên quan, phù hợp với luật quốc tế bao gồm UNCLOS
Cụ thể, về phần Biển Đông, bản tuyên bố chung viết:
“Khẳng định lại tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và tiếp tục thúc đẩy an ninh và an toàn hàng hải, nâng cao lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, cũng như duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Khẳng định lại cam kết của chúng tôi đối với quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, đồng thời các Bên liên quan cam kết giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS năm 1982. Tiếp tục cam kết đáp ứng nguyện vọng của Tuyên bố Thập kỷ bảo vệ môi trường biển và ven biển ở Biển Đông (2017-2027); Tiếp tục khẳng định lại cam kết của chúng tôi trong việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi cho các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), và mong muốn sớm có được một COC hiệu lực và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982, trong một khung thời gian được cả hai bên cùng nhất trí.”
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/11/2021: Xi Jinping Attends and Chairs the Special Summit to Commemorate the 30th Anniversary of China-ASEAN Dialogue Relations and Officially Announces the Establishment of a China-ASEAN Comprehensive Strategic Partnership
Phản đối AUKUS là một trong những trọng tâm của Tập Cận Bình tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc
“Chúng ta cần theo đuổi đối thoại thay vì đối đầu, xây dựng quan hệ đối tác thay vì liên minh và nỗ lực phối hợp để giải quyết các yếu tố tiêu cực khác nhau có thể đe dọa hoặc phá hoại hòa bình”, nhà lãnh đạo mạnh mẽ của Trung Quốc cho biết trong một bài phát biểu quan trọng qua video vào cuối ngày thứ Hai trước Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á. Ông cho biết “cùng nhau” xây dựng “một ngôi nhà hoà bình” là một trong năm đề xuất của ông đối với Đông Nam Á.
Ông nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ “bắt nạt các nước nhỏ hơn”, trước khi tấn công sang thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân mới của Australia.
Ông nói: “Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng một khu vực không có vũ khí hạt nhân và chuẩn bị ký Nghị định thư của Hiệp ước về Khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á”.
Ja Ian Chong, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với The Australian rằng bài phát biểu của ông Tập đã đặt ra câu hỏi về khả năng hạt nhân của chính Trung Quốc trong khu vực. Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân có một căn cứ lớn tại Hải Nam ngay ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
“Có phải Trung Quốc sẽ dỡ bỏ tàu ngầm hạt nhân khỏi Hải Nam? Hay là sẽ có việc loại bỏ tên lửa hạt nhân từ đó? Sẽ có giám sát liên quan đến việc này? ” Chong hỏi.
Xem thêm:
The Australian ngày 23/11/2021: Xi Jinping leads Chinese attack on AUKUS; Beijing sledges Peter Dutton. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
—–
IV- DIỄN TIẾN VIỆC XÉT NHẬP THÀNH VIÊN MỚI VÀO CPTPP
Singapore thấy việc Đài Loan xin gia nhập CPTPP có “những phức tạp” cần giải quyết
“Chúng tôi hoan nghênh việc xin gia nhập của họ giống như cách chúng tôi hoan nghênh bất kỳ nền kinh tế nào sẵn sàng và có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao đó,” Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg Television hôm thứ Năm ngày 18/11/2021. “Phải nói rằng, rõ ràng là có những phức tạp chính trị về mặt đó, và giống như nhiều vấn đề ở hai bờ eo biển, một lần nữa sẽ cần phải có giải pháp.”
Singapore sẽ chủ trì uỷ ban của nhóm các thành viên CPTPP vào năm tới nhằm xem xét việc có cho phép một chính phủ khác tham gia hay không.
Trong một văn bản trả lời câu hỏi của quốc hội vào tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Singapore nói rằng Singapore “hoan nghênh sự quan tâm của Trung Quốc” tham gia thỏa thuận thương mại. Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết hôm thứ Tư ngày 17/11 rằng Úc và Trung Quốc cần tiến hành được các cuộc thảo luận cấp bộ trưởng như một phần của quá trình để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gia nhập nhóm.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 18/11/2021: Singapore Sees ‘Complications’ in Taiwan Bid to Join Trade Deal. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc: Thời gian không thuận lợi cho các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng với Australia
Wang Xining, Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra (Úc) nói rằng thời điểm vẫn chưa chín muồi để các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng giữa hai nước nối lại, vì ông khẳng định rằng Canberra đang hành xử như một “kẻ bướng bỉnh” khi cố gắng mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo hiệp ước AUKUS. “Khi bạn thấy các quan chức cấp cao nhất của [Úc] tiếp tục nói rằng Trung Quốc là một mối đe dọa và Úc có thể tham gia vào một cuộc xung đột quân sự ở một số khu vực của Trung Quốc, đây không phải là môi trường thuận lợi để tham gia vào các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng,” ông nói.
Xem thêm:
CGTN ngày 19/11/2021: Chinese envoy: Time not conducive for ministerial talks with Australia
Trung Quốc nhắm vào công ty ủng hộ Đảng cầm quyền của Đài Loan
Sau khi phạt tập đoàn Viễn Đông của Đài Loan, Trung Quốc cho biết họ sẽ trừng phạt các doanh nghiệp và nhà tài trợ chính trị có liên kết với các cá nhân ủng hộ Đài Loan độc lập.
“Các doanh nghiệp và nhà tài trợ tài chính liên kết với những người ủng hộ Đài Loan độc lập sẽ bị trừng phạt theo pháp luật,” Phát ngôn viên Văn phòng Các vấn đề Đài Loan Zhu Fenglian nói với các phóng viên hôm thứ Hai ngày 22/11/2021. Zhu nói rằng những người ủng hộ nền độc lập làm suy yếu mối quan hệ xuyên eo biển và có nguy cơ gây bất ổn trong khu vực.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 22/11/2021: China to Punish Corporate Backers of Taiwan’s Independence. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Joanna Shelton: Các nước thành viên CPTPP rất nên nghi ngờ lời đề nghị của ông Tập
Kể từ khi nộp đơn chính thức xin gia nhập, Bắc Kinh đã vận động các nước thành viên CPTPP ủng hộ các cuộc đàm phán về việc gia nhập của Trung Quốc. Phát biểu vào ngày 4/11/2021 tại Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc, một hội chợ thương mại ở Thượng Hải, ông Tập đã làm dịu tình hình bằng cách đề nghị thảo luận về các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) của Trung Quốc, trợ cấp công nghiệp và các biện pháp khác như một cái giá để gia nhập.
Tuy nhiên, theo tác giả, các nước thành viên CPTPP rất nên nghi ngờ lời đề nghị của ông Tập. Lý do rất đơn giản: trước đây Trung Quốc đã cam kết kỷ luật các doanh nghiệp nhà nước, trợ cấp công nghiệp và các hành vi bóp méo thương mại khác, và hồ sơ tuân thủ các cam kết này và các cam kết khác, như được trình bày chi tiết trong bài viết, rất kém. Không có lý do gì để kỳ vọng những cam kết gần đây của ông Tập sẽ mang lại một kết quả khác. Ngược lại, ông Tập đã đảo ngược các cải cách trước đây và đang tăng gấp đôi sự hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Xem thêm:
CSIS ngày 18/11/2021: Look Skeptically at China’s CPTPP Application
—–
V- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố toàn văn nghị quyết về lịch sử
Ngày 16/11/2021, năm ngày sau khi Hội nghị TW6 ĐCSTQ bế mạc, các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đồng loạt đăng bản toàn văn nghị quyết của hội nghị về vấn đề lịch sử. Nội dung cơ bản của bản toàn văn nghị quyết khá giống với những gì được tiết lộ trước qua thông cáo của Hội nghị Trung ương 6 vừa qua và phân tích của các chuyên gia. Bản nghị quyết có 7 chương: Ba chương đầu nói về lịch sử ĐCSTQ trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền chia làm ba thời kỳ: Trước 1949, 1949-1978 và 1978-2012. Chương 4 (là chương dài nhất) nói về những thành tựu của đảng dưới thời Tập Cận Bình. Chương 5 đề cập đến những thành tựu của ĐCSTQ nói chung, chương 6 tổng kết kinh nghiệm lịch sử của đảng, còn chương 7 đề ra những điều đảng cần làm trong thời gian tới.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 16/11/2021: 中共中央关于党的百年奋斗重大成就和历史经验的决议
Tân Hoa Xã ngày 16/11/2021: Resolution of the CPC Central Committee on the Major Achievements and Historical Experience of the Party over the Past Century
Tiếp tục câu chuyện cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Trung
Như đã đề cập trong Bản Tin Số 84, ngày 16/11/2021 (giờ Trung Quốc, tức ngày 15/11 theo giờ Mỹ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc họp trực tuyến đầu tiên kể từ tháng 2, kéo dài hơn 3 tiếng rưỡi. Theo thông cáo chính thức của mỗi nước sau cuộc họp cho thấy cả hai bên đã khẳng định lại lập trường của mình trên các vấn đề từ chính trị, an ninh đến kinh tế, thảo luận về các lĩnh vực hợp tác như khí hậu, cũng như thảo luận về các vấn đề quốc tế như Triều Tiên, Afghanistan hay Iran.
Về vấn đề Đài Loan, ông Biden khẳng định cam kết với chính sách “Một Trung Quốc”, nhưng bày tỏ phản đối “mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng hay phá hoại hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhu cầu đạt được “sự ổn định chiến lược” về hạt nhân. Mỹ và Trung Quốc cũng đã thống nhất sẽ tổ chức các cuộc gặp nhằm giảm căng thẳng trong vấn đề này. Một nguồn tin của Bloomberg cũng tiết lộ hai nhà lãnh đạo đã đồng ý về một cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao quân đội hai nước, bao gồm cả Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Theo SCMP, trong cuộc gặp, Mỹ đã đề nghị Trung Quốc cùng mở kho dự trữ dầu để bình ổn giá dầu thô trên thị trường quốc tế. Đây cũng là một trong những chủ đề mà hai Ngoại trưởng Trung Quốc và Mỹ bàn luận hôm 12/11, ngay trước hội nghị thượng đỉnh.
Sau cuộc gặp, Mỹ và Trung Quốc cũng đã đạt thỏa thuận nới lỏng hạn chế thị thực đối với phóng viên của mỗi nước. Theo đó, thời hạn thị thực của phóng viên sẽ được nâng từ 3 tháng lên một năm.
Theo Reuters, ngay trước cuộc họp, công dân Mỹ Daniel Hsu – người đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc trong hơn 4 năm dù không bị cáo buộc tội danh nào – đã được phép trở về Mỹ.
Xem thêm:
Nhà Trắng ngày 16/11/2021: Readout of President Biden’s Virtual Meeting with President Xi Jinping of the People’s Republic of China
Tân Hoa Xã ngày 16/11/2021: 习近平同美国总统拜登举行视频会晤
Tân Hoa Xã ngày 16/11/2021: Xi, Biden pledge to steer China-U.S. relations back on right track
Financial Times ngày 17/11/2021: US and China agree to hold talks on nuclear arsenals
SCMP ngày 17/11/2021: US asks China to release oil reserves as part of discussions on economic cooperation, source says
SCMP ngày 17/11/2021: US, China will relax visa restrictions on each others’ journalists
Reuters ngày 19/11/2021: American barred from leaving China returned to U.S. before Biden-Xi meeting
Bloomberg: Ủy ban bí mật của Trung Quốc lên danh sách thay thế công nghệ Mỹ
Bài báo trên Bloomberg chỉ ra cơ quan có tên “Ủy ban Công tác về Ứng dụng Sáng tạo trong Công nghệ thông tin” – là tập hơn của hơn 1.000 doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc – đang thực hiện kế hoạch về “Ứng dụng Sáng tạo Công nghệ thông tin”, hay còn được gọi là “Xinchuang List” nhằm cung cấp các công nghệ cho các lĩnh vực nhạy cảm, từ ngân hàng đến dữ liệu của chính phủ. Với việc là thành viên của Ủy ban, các doanh nghiệp có thể có lợi thế khi xin cấp phép trong khuôn khổ “Xinchuang List”, qua đó mở ra một thị trường có giá trị hàng tỷ USD. Các doanh nghiệp tham gia không được có quá 25% sở hữu nước ngoài, khiến các ông lớn như Intel hay Microsoft không đủ điều kiện, trong khi Alibaba hay Tencent phải gia nhập gián tiếp qua các công ty con.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 17/11/2021: Secretive Chinese Committee Draws Up List to Replace U.S. Tech. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bộ Chính trị Trung Quốc xem xét báo cáo của Ủy ban Tư vấn Khoa học Kỹ thuật Quốc gia
Trong cuộc họp ngày 18/11/2021, Bộ Chính trị Trung Quốc đã xem xét bản báo cáo tư vấn năm 2021 của Ủy ban Tư vấn Khoa học Kỹ thuật Quốc gia nước này. Theo Nhân dân Nhật báo, Bộ Chính trị Trung Quốc đã ca ngợi các đóng góp của Ủy ban sau 2 năm kể từ khi thành lập, trong các lĩnh vực như xây dựng kế hoạch khoa học công nghệ quốc gia, chống Covid-19, phát triển nhân tài, giảm phát thải carbon. Bộ Chính trị Trung Quốc cũng yêu cầu ủy ban dự báo về xu hướng phát triển khoa học kỹ thuật thế giới trong tương lai, cũng như nghiên cứu một chiến lược khoa học công nghệ quốc gia, lộ trình đổi mới sáng tạo quốc gia phù hợp với tình hình.
Đây là lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc đưa tin về một báo cáo của ủy ban trên được các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc xem xét. Thông tin cụ thể về thành phần, chức năng và cơ cấu tổ chức của ủy ban vẫn chưa được tiết lộ. Một số tỉnh thành của Trung Quốc như Chiết Giang cũng đã thiết lập các ủy ban tư vấn của riêng mình.
Xem thêm:
Nhân dân Nhật báo ngày 18/11/2021: 中共中央政治局召开会议 审议《国家安全战略(2021-2025年)》《军队功勋荣誉表彰条例》和《国家科技咨询委员会2021年咨询报告》 中共中央总书记习近平主持会议
SCMP ngày 19/11/2021: China’s top science and technology advisory commission emerges from the dark as Beijing charts future economic course
Tân Ngoại trưởng Nhật Bản có cuộc điện đàm đầu tiên với ngoại trưởng Trung Quốc
Ngày 18/11/2021, Tân Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Trong cuộc gặp, ông Hayashi bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước tình hình ở quần đảo Senkaku, tình hình ở biển Hoa Đông, Biển Đông, Hong Kong, Tân Cương, cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Trong khi đó, ông Vương Nghị kêu gọi Nhật Bản tuân thủ các nguyên tắc thiết lập quan hệ giữa hai nước, nhìn sự phát triển của Trung Quốc một cách khách quan và lý trí, cũng như không dao động, đảo ngược chính sách hay vượt quá giới hạn trong các vấn đề như lịch sử hay Đài Loan. Ông Vương kêu gọi hai bên chống lại các nỗ lực nhằm kích động chia rẽ, đối đầu, thậm chí là cuộc chiến tranh lạnh mới, cũng như nhắc lại rằng “Nhật Bản và Mỹ là đồng minh, trong khi Trung Quốc và Nhật bản là láng giềng không thể chia cắt”.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 18/11/2021: Japan-China Foreign Ministers’ Telephone Talk
Nhân dân Nhật báo ngày 19/11/2021: 王毅同日本外相林芳正通电话
Tân Hoa Xã ngày 19/11/2021: China, Japan should hold on to right direction for bilateral ties: Chinese FM
Nhà khoa học Trung Quốc ở Đan Mạch xuất bản nghiên cứu cùng quân đội Trung Quốc
Theo Reuters, giáo sư người Trung Quốc Zhang Guojie tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch đã tiến hành một nghiên cứu với lực lượng quân đội Trung Quốc mà không tiết lộ về việc này. Cụ thể, ông và một sinh viên đã làm việc với một phòng thí nghiệm của quân đội Trung Quốc để nghiên cứu phản ứng của não khỉ với độ cao lớn, qua đó phát triển các loại thuốc mới để ngăn chặn tổn thương não. Nhóm nghiên cứu, bao gồm một thiếu tướng quân đội Trung Quốc, đã xuất bản bài báo vào tháng 1/2020. Cả ông Zhang và Đại học Copenhagen đều cho biết cơ sở trên không yêu cầu các nhà nghiên cứu phải báo cáo về các công trình khác của bản thân.
Đề tài nghiên cứu của ông Zhang có thể giúp ích cho hoạt động của quân đội Trung Quốc ở Tây Tạng hay Tân Cương. Vụ việc này cho thấy mong muốn tìm kiếm công nghệ sinh học ứng dụng trong lĩnh vực quân sự của Trung Quốc đã trở thành một vấn đề đặt ra đối với các trường đại học ở Châu Âu.
Xem thêm:
Reuters ngày 19/11/2021: Monkey-brain study with link to China’s military roils top European university
Cầu tàu nghiên cứu của Trung Quốc đang được xây dựng gần cảng cá lớn nhất ở Biển Đông
Trung Quốc đang xây dựng cầu tàu nghiên cứu khoa học đầu tiên mang tên Bến tàu Nghiên cứu khoa học Nam Sơn tại quận Yazhou, thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, nơi có cảng cá lớn nhất trên đảo Hải Nam. Cầu tàu trị giá 274 triệu nhân dân Tệ (tương đương 42,8 triệu USD) sẽ mất hai năm để xây dựng với 4 bến cho tàu nghiên cứu có trọng tải trên 12.000 tấn cùng với một cơ sở cho tàu lặn nghiên cứu biển sâu có người lái. Vào tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh thông báo tàu nghiên cứu trọng tải 10.100 tấn đang được đóng ở Quảng Đông và vào tháng 10, tàu Đại học Tôn Trung Sơn trọng tải 6.880 tấn, tàu nghiên cứu lớn và tiên tiến nhất của Trung Quốc đã thực hiện chuyến đi đầu tiên ở Biển Đông.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 11/11/2021: Chinese research wharf being built near South China Sea fishing port
Trung Quốc chế tạo mô hình máy bay chiến đấu F-35 cho mục đích huấn luyện
Ấn bản mới nhất của tạp chí quân sự hàng tháng Kanwa International Journal đưa tin, hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đã chế tạo ít nhất 4 mô hình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ tại Trường bắn Korla của Lực lượng Tên lửa PLA ở Tân Cương. Andrei Chang Tổng biên tập của tạp chí cho biết, các mô hình có thể là mục tiêu cho các tên lửa đạn đạo tầm trung DF-16 và DF-21C của lực lượng tên lửa đồng thời cũng là một thông điệp gửi đến các căn cứ không quân Mỹ ở Nhật Bản. Tên lửa DF-16 có tầm bắn 1.000 km là một trong những tên lửa đạn đạo tầm trung dòng Đông Phương mới nhất.
Ông Chang cũng cho biết thêm, Trung Quốc đã triển khai DF-21C với tầm bắn 2.000 km ở phía đông bắc nước này như một chiến thuật mới nhằm đưa toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản vào trong tầm bắn. Việc Trung Quốc triển khai DF-21C và chế tạo mô hình máy bay và trước đó là tàu sân bay và tàu chiến ở Tân Cương có thể được coi là phản ứng của PLA trước việc thủy quân lục chiến Mỹ tăng cường triển khai thêm nhiều F-35 tới căn cứ không quân ở Iwakuni, trong khi Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản cũng gửi thêm F-35A tới Căn cứ không quân Misawa.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 11/11/2021: First a fake US aircraft carrier and now China has models of F-35 fighter jets
Luật mới của Trung Quốc ngăn chặn truy cập dữ liệu AIS từ nước ngoài
Theo Reuters, nhiều người dùng phương Tây sử dụng dữ liệu AIS cho biết số lượng tín hiệu nhận được giảm mạnh nguyên nhân không phải do các tàu tắt thiết bị định vị mà có vẻ do nhà cung cấp dữ liệu AIS từ Trung Quốc đang đáp ứng các hạn chế trong Luật Bảo mật dữ liệu và Luật Bảo vệ thông tin cá nhân mới của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ mùa thu năm nay. Hai dự luật này hạn chế quyền truy cập của nước ngoài vào bất kỳ dữ liệu “quan trọng” nào liên quan đến an ninh quốc gia hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng của Trung Quốc. Công ty tư vấn Vessels Value có trụ sở tại Anh cho biết dữ liệu AIS đã giảm khoảng 90% trên tất cả các vùng biển của Trung Quốc. Hai nguồn tin khác cho biết mức độ giảm nhỏ hơn, khoảng 45% nhưng đó vẫn là con số khá lớn.
Các tín hiệu AIS của tàu vẫn có thể được thu nhận bởi vệ tinh, nhưng việc mất quyền truy cập vào các trạm phát AIS trên đất liền sẽ đồng nghĩa với việc khó theo dõi độ trung thực ở các vùng biển ven bờ của Trung Quốc. Tại các bến cảng và đường thủy đông đúc của Trung Quốc, hàng trăm con tàu có thể đang phát sóng trong cùng một khu vực nhỏ, và các máy thu vệ tinh có thể khó có thể tách các tín hiệu đó ra.
Sự thay đổi này không có nghĩa là các tàu ngừng phát sóng AIS, vì vậy nó sẽ ít ảnh hưởng đến an toàn hàng hải. Tuy nhiên, nó sẽ khiến các quan sát viên nước ngoài khó theo dõi chuyển động của các tàu hoạt động bên trong và xung quanh Trung Quốc – bao gồm cả các chuyển động có khả năng liên quan đến hoạt động bất hợp pháp hoặc bí mật. “Đây là một bước lùi đáng tiếc cho sự minh bạch trong vận tải biển,” theo cựu giám đốc Chương trình Nhận thức Hàng hải của Lực lượng Cảnh sát biển Hoa Kỳ.
Xem thêm:
The Maritime Executive ngày 17/11/2021: Report: New Data Law Cuts Off Access to Chinese AIS Tracking
Chương trình vũ khí siêu thanh của Trung Quốc tiên tiến hơn so với suy nghĩ trước đây
Một báo cáo mới của Financial Times hôm Chủ nhật đã mô tả một cuộc điều động tinh vi diễn ra trong một vụ thử tên lửa gần đây của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy chương trình vũ khí siêu thanh của Bắc Kinh tiên tiến hơn những gì đã nghĩ trước đây. Báo cáo nói rằng một quả đạn được bắn ra từ một hệ thống tên lửa khi đang di chuyển với tốc độ siêu thanh, một khả năng mà chưa quốc gia nào chứng minh trước đây. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CBS, Tướng John Hyten của Lực lượng Không quân đã mô tả toàn bộ vụ việc rằng tên lửa của Trung Quốc “đã đi vòng quanh thế giới, thả một phương tiện siêu thanh đi ngược trở lại Trung Quốc, tác động đến một mục tiêu ở Trung Quốc”.
Xem thêm:
Financial Times ngày 21/11/2021: Chinese hypersonic weapon fired a missile over South China Sea. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
The Wall Street Journal ngày 21/11/2021: Advanced Maneuver in China Hypersonic Missile Test Shows New Military Capability. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
CBS News ngày 17/11/2021: Vice Chairman of the Joint Chiefs of Staff General John Hyten spoke to CBS News on the new details behind China’s hypersonic weapons test last summer
Trung Quốc, Nga tiến hành tuần tra chung trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông
Lực lượng không quân Trung Quốc và Nga đã tổ chức tuần tra chung trên không trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông vào ngày 19/11/2021, Bộ Quốc phòng Trung Quốc (MND) cho biết. Cuộc tuần tra là cuộc diễn tập quân sự chung Trung-Nga lần thứ ba vào năm 2021, cho thấy mối quan hệ quân sự song phương đang ngày càng phát triển.
Theo MND, cuộc tuần tra trên không có hai máy bay ném bom chiến lược H-6K Tây An của Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân và hai máy bay ném bom Tupolev Tu-95 ‘Bear ‘của Không quân Nga.
MND cho biết máy bay tuân thủ các giao thức quốc tế và không đi vào không phận của các quốc gia khác. Mặc dù vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ quan ngại về cuộc tuần tra.
Xem thêm:
Janes ngày 22/11/2021: China, Russia conduct joint air patrol over Sea of Japan
—–
VI- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Tàu tiếp liệu tàu ngầm USS Frank Cable lần đầu thăm Yokohama, Nhật Bản
Ngày 15/11/2021, tàu tiếp liệu cho tàu ngầm USS Frank Cable đã có chuyến thăm đầu tiên đến cảng Yokohama trong suốt 42 năm lịch sử của mình và cũng là chuyến thăm đầu tiên đến Nhật Bản sau hơn 5 năm. “Chuyến thăm của Frank Cable đến Nhật Bản là cơ hội quan trọng để thúc đẩy ổn định và an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, thể hiện cam kết với các đối tác khu vực và thúc đẩy các mối quan hệ ngày càng phát triển. Chuyến thăm cũng nhằm mục đích tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị và thiện chí giữa Hải quân Hoa Kỳ và nhân dân Nhật Bản.”, trích thông báo trên website của Hạm đội 7.
Xem thêm:
Commander, U.S. 7th Fleet ngày 16/11/2021, USS Frank Cable Makes First Visit to Yokohama, Japan
Mỹ và Nhật Bản tổ chức tập trận tác chiến chống tàu ngầm ở Biển Đông
Ngày 16/11/2021, tàu khu trục trực thăng JS Kaga (DDH-184), tàu khu trục JS Murasame (DD101) cùng trực thăng SH-60J, một tàu ngầm lớp Oyashio chưa được đặt tên và một máy bay Tuần tra Hàng hải P-1 đã tiến hành một cuộc tập trận chống tàu ngầm với tàu khu trục USS Milius (DDG-69) của Hải quân Hoa Kỳ và một máy bay tuần tra hàng hải P-8A của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm của Nhật Bản tham dự các cuộc tập trận tác chiến chống ngầm với Hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông. JS Kaga và JS Murasame đã tiến hành một cuộc tập trận ở Biển Đông với USS Milius vào tuần trước và đã ghé thăm cảng ở Subic, Philippines vào cuối tuần. Sau đó, các tàu chiến của Nhật và Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận ở Biển Đông với khinh hạm BRP Jose Rizal (FF-150) của Hải quân Philippines.
Xem thêm:
USNI News ngày 16/11/2021: US and Japanese Ships Hold Anti-Submarine Warfare Drills in the South China Sea
Hoa Kỳ, Nhật Bản khởi động ‘quan hệ đối tác về thương mại’
Mỹ và Nhật Bản đã khởi động “quan hệ đối tác về thương mại” tiếp tục đẩy mạnh các kế hoạch của chính quyền Biden nhằm theo đuổi một khuôn khổ kinh tế cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, giải quyết thương mại kỹ thuật số và “các mối quan tâm của nước thứ ba”, trong số các vấn đề khác, hai bên thông báo hôm 17/11/2021, trong chuyến thăm của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai tới Tokyo.
Quan hệ Đối tác Thương mại Mỹ-Nhật Bản mới “tái khẳng định cam kết chung để củng cố liên minh này thông qua việc tham gia thường xuyên vào các vấn đề liên quan đến thương mại có tầm quan trọng đối với cả hai nước”, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
Xem thêm:
USTR statement on the formation of the U.S.-Japan Partnership on Trade
Liên minh Australia – Hoa Kỳ bao gồm hợp tác hàng không và vũ trụ tăng cường
Nhân kỷ niệm 70 năm hiệp ước An ninh ANZUS giữa Hoa Kỳ, Australia và New Zealand, Australia có kế hoạch đầu tư mạnh vào quốc phòng với gần 200 tỷ USD trong 10 năm tới. Tại cuộc họp vào ngày 16/11/2021, Đại sứ Australia tại Washington, D.C., Arthur Sinodinos cho biết vai trò của Australia ngày càng nổi bật trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy và trọng tâm của kinh tế, địa chính trị toàn cầu đã chuyển dịch sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đồng thời nhấn mạnh AUKUS không chỉ là hợp tác về tàu ngầm mà còn là trí tuệ nhân tạo, máy học, chiến tranh mạng và khả năng tác chiến trên biển. Đại sứ Arthur Sinodinos cũng cho biết Mỹ và Australia đang hợp tác chế tạo tên lửa hành trình siêu thanh trong chương trình bắt đầu vào năm 2020 đồng thời hai bên cũng đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng không và vũ trụ khác.
Xem thêm:
Air Force Magazine ngày 18/11/2021: Australia-US Alliance to Include Enhanced Air and Space Cooperation
Nhật Bản sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để hỗ trợ lực lượng Mỹ
Nhật Bản dự kiến sẽ tăng cường tài trợ cho 54.000 lính Mỹ đang đóng tại nước này bắt đầu từ năm tài chính 2022 bằng việc gia hạn thêm một năm thỏa thuận giữa hai nước đã được ký kết vào tháng 2 năm nay và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3 năm tới. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 tới, Nhật Bản đang chi 1,76 tỷ USD để hỗ trợ tiền lương, chi phí đào tạo và các tiện ích khác cho các lực lượng Mỹ. Theo các nguồn tin, Nhật Bản đang xem xét thêm một điều khoản trong thỏa thuận chia sẻ chi phí quy định phần đóng góp tăng lên của nước này sẽ được dành cho việc đào tạo chung và các hoạt động khác.
Xem thêm:
Stars and Stripes ngày 18/11/2021: Japan is prepared to pay more to support US forces, according to local report
EU tạm gác việc nâng cấp quan hệ thương mại với Đài Loan
Theo South China Morning Post, Liên hiệp Châu Âu đã hoãn kế hoạch bí mật nâng cấp quan hệ thương mại với Đài Loan trong bối cảnh một số nghị sĩ lo ngại rằng quan hệ với Bắc Kinh có thể xấu đi hơn nữa.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 17/11/2021: EU shelves Taiwan trade upgrade amid balancing act on China
Reuters ngày 16/11/2021: China’s EU envoy says no flexibility on Taiwan, sanctions, trade
Chính quyền Biden muốn các đồng minh EU thực hiện “quyền tự chủ chiến lược”
Trong chuyến thăm đến Brussels, Cố vấn Bộ Ngoại giao Derek Chollet cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden “hoàn toàn ủng hộ” các đồng minh châu Âu phát triển khả năng quân sự mạnh mẽ hơn của riêng họ. Nhưng ông cũng cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải ngừng nói và bắt đầu hành động, chỉ ra lời hứa về các hoạt động chống khủng bố do Pháp dẫn đầu ở khu vực Sahel của châu Phi. Mặt khác, Chollet cũng cảnh báo, khoảng cách giữa những gì quân đội Mỹ có thể làm và những gì quân đội tập thể của châu Âu không thể làm, sẽ chỉ ngày càng nới rộng, đặc biệt là khi đối mặt với các mối đe dọa mới từ Trung Quốc. Và ông cũng cho biết nếu các đồng minh châu Âu đã sẵn sàng nghiêm túc, thì Washington sẽ rất sẵn lòng cung cấp các năng lực để bắt đầu xây dựng nhằm mục đích “muốn một châu Âu mạnh hơn”.
Xem thêm:
Politico ngày 19/11/2021: Biden’s team wants EU allies to get real on ‘strategic autonomy’
Chủ tịch Uỷ ban Quân sự NATO: Trung Quốc ở quá xa NATO để được gọi là đối thủ
Theo Đô đốc Rob Bauer thuộc Hải quân Hoàng gia Hà Lan, NATO sẽ không coi Trung Quốc là đối thủ trong tài liệu chiến lược tiếp theo của mình một phần vì nước này ở quá xa phạm vi quan tâm của liên minh, nhưng các thành viên vẫn phải cố gắng để đuổi kịp cuộc đua công nghệ.
Xem thêm:
Defense News ngày 19/11/2021: China is too far away from NATO to be called an adversary, says top alliance general
Úc ký Thỏa thuận chia sẻ thông tin hệ thống lực đẩy bằng năng lượng hạt nhân với Vương quốc Anh, Hoa Kỳ
Theo định nghĩa của Hải quân Hoa Kỳ, “nuclear propulsion information” là một loại vốn tri thức bao gồm thông tin mật hoặc không mật liên quan đến thiết kế, sắp xếp, phát triển, sản xuất, thử nghiệm, vận hành, quản lý, đào tạo, bảo trì và sửa chữa các hệ thống động lực đẩy của các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của hải quân, bao gồm cả các boong tàu liên quan và các cơ sở hỗ trợ hạt nhân trên bờ.
Hôm thứ Hai ngày 22/11/2021, Australia đã ký thỏa thuận chia sẻ loại thông tin này với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, đánh dấu những bước đầu tiên hướng tới việc xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ của Anh và Hoa Kỳ. Tổng thống Joe Biden đã ký một bản ghi nhớ vào thứ Sáu chấp thuận thỏa thuận này.
“Thỏa thuận sẽ cho phép hợp tác, điều này sẽ cải thiện hơn nữa thế trận phòng thủ chung của chúng ta và hỗ trợ các lợi ích của chúng ta theo Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương; Hiệp ước An ninh Úc, New Zealand và Hoa Kỳ; và quan hệ đối tác an ninh AUKUS” Biden cho biết trong bản ghi nhớ.
Trong một bản tin của Bộ Quốc phòng Australia phát hành hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Peter Dutton cho biết thoả thuận sẽ thúc đẩy thêm các cuộc tham vấn bằng cách cho phép Anh và Mỹ lần đầu tiên trao đổi thông tin mật nhạy cảm về động cơ hạt nhân của hải quân với một nước thứ ba.
Xem thêm:
Defence Connect ngày 22/11/2021: Defence signs AUKUS tech-sharing treaty
Toàn văn Thoả thuận được cung cấp bởi Sam LaGrone của Viện Hải quân Hoa Kỳ
Hải quân Hoa Kỳ ngày 7/6/2021: Safeguarding of Naval Nuclear Propulsion Information
Tàu chiến Mỹ lại đi qua eo biển Đài Loan
Ngày 23/11/2021, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke mang tên Milius đã tiến hành “quá cảnh thường lệ qua eo biển Đài Loan”, theo thông báo của Hải quân Hoa Kỳ. “Việc tàu quá cảnh qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở,” tuyên bố của Hải quân Hoa Kỳ cho biết.
Xem thêm:
Reuters ngày 23/11/2021: U.S. warship again transits sensitive Taiwan Strait
Đài Loan, Hoa Kỳ thảo luận về sản xuất Chip, hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn
Hôm thứ Ba ngày 23/11/2021, Mỹ và Đài Loan đã tổ chức phiên họp trực tuyến thứ hai của đối thoại kinh tế đã được khởi động vào năm ngoái. Hai bên giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng đang góp phần gây ra tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu và cách tốt nhất để chống lại sự “cưỡng ép” của nền kinh tế Trung Quốc. Điều này xảy ra trong bối cảnh Bắc Kinh gần đây đang gây áp lực ngoại giao lên Lithuania sau khi nước này mở văn phòng đại diện ở Đài Loan.
Xem thêm:
Reuters ngày 23/11/2021: Taiwan talks chips, Chinese ‘coercion’ in U.S. meeting
—–
VII- CHUYỂN ĐỘNG LIÊN HỢP QUỐC
Vương quốc Anh tái khẳng định cam kết cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Thông qua tuyên bố của Đại sứ James Roscoe tại buổi tranh luận về cải cách Hội đồng Bảo an tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Vương quốc Anh bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng Hội đồng Bảo an ở cả hai cấp thường trực và không thường trực và tạo ra các ghế thường trực mới cho Ấn Độ, Đức, Nhật Bản và Brazil, cũng như đại diện thường trực của Châu Phi.
Xem thêm:
Chính phủ Anh ngày 16/11/2021: Reaffirmed Commitment to Reforming the Security Council
Một số văn bản được lưu hành tại Liên Hợp Quốc
Implementation of the Declaration of the Indian Ocean as a Zone of Peace
(Draft resolution) Strengthening and promoting the international treaty framework
(Draft resolution) The scope and application of the principle of universal jurisdiction
—–
VIII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Kenneth Dekleva: “Tư tưởng Tập Cận Bình” có thể định hình ngoại giao với Mỹ như thế nào?
Khi chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tuần này (cuộc gặp chính thức đầu tiên kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1/2021), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nhiều thách thức phải vượt qua, đặc biệt là với mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp kể từ quan hệ ngoại giao chính thức được thiết lập vào năm 1979. Nhiều thay đổi đối với cả hai nhà lãnh đạo kể từ khi họ nói chuyện qua điện thoại vào tháng 9 năm 2021.
Tổng thống Biden (người đã gặp ông Tập nhiều lần trong nhiệm kỳ Tổng thống Obama) và đội ngũ an ninh quốc gia của ông cần sự rõ ràng, chiến lược và sự tinh tế để hiểu rõ tham vọng của ông Tập và Trung Quốc, đặc biệt là sau sự thành công của Hội nghị toàn thể lần thứ sáu của ĐCSTQ và Ông Tập dự kiến sẽ bổ nhiệm Tổng Bí thư nhiệm kỳ 5 năm thứ ba chưa từng có vào năm 2022.
Trong việc xây dựng một chiến lược an ninh quốc gia để thích ứng và chống lại một Trung Quốc hùng mạnh và hiếu chiến, sự hiểu biết sâu sắc và tỉnh táo về Tập – nhà lãnh đạo đáng gờm nhất thế giới hiện nay – là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Điều này đặc biệt đúng vì rất nhiều nhà quan sát bên ngoài (kể cả trong chính phủ Hoa Kỳ) thường hiểu sai về Tập. Cho dù Trung Quốc được coi là một đối thủ cạnh tranh chiến lược, một mối đe dọa hiện hữu, một đối tác chiến lược hay một đối thủ chiến lược – là những các thuật ngữ đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm qua trong chính phủ Mỹ, các tổ chức tư vấn và giới học thuật – việc hiểu ý định, nguyện vọng của ông Tập, phong cách lãnh đạo, và tâm lý chính trị chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Điều quan trọng là phải nhìn ông Tập qua con mắt và quan điểm của ông ấy, chứ không phải như chúng ta mong muốn về ông ấy.
Đến nay, Tập được nhiều người tuyên bố là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao, người mà hệ tư tưởng (“Tư tưởng Tập Cận Bình”) được tuyên bố tại Hội nghị Trung ương 6 tuần trước là “bản chất của văn hóa Trung Quốc”, và một tuyên bố của ĐCSTQ đã tuyên bố điều này là “Có ý nghĩa quyết định đối với sự phục hưng đất nước Trung Quốc.” Trong quá khứ, những lời khen tặng như vậy chỉ được dành cho Mao và Đặng Tiểu Bình. Điều này cũng mở đường cho ông Tập (người đầu năm nay, đã chủ trì lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ) tiếp tục nắm quyền Tổng Bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ 5 năm thứ ba bắt đầu vào năm 2022.
Tập đã sử dụng đại dịch COVID để củng cố quyền lực của mình ở Trung Quốc một cách tàn nhẫn. Gần đây nhất, ông đã làm như vậy bằng cách buộc các doanh nghiệp tư nhân khổng lồ phải cúi đầu trước sự kiểm soát lớn hơn của ĐCSTQ, và thậm chí còn sẵn sàng lỗ hơn 1 nghìn tỷ đô la để khẳng định quyền kiểm soát nói trên, nhân danh “sự thịnh vượng chung”. Ông đã làm như vậy trong khi quản lý cuộc khủng hoảng nợ Evergrande và căng thẳng gia tăng đối với Đài Loan, đồng thời chủ trì sự phát triển không ngừng của quân đội Trung Quốc.
Đáng buồn thay, ông Tập đã bóp chết quyền tự do lập pháp và tư pháp ở Hồng Kông, với việc thông qua luật an ninh quốc gia mới. Và Trung Quốc có thể được kỳ vọng sẽ tiếp tục tiến triển đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường rộng lớn, bao gồm hơn 70 quốc gia ở châu Á, Âu-Á, Trung Đông và châu Âu.
Tập được hiểu là một nhà lãnh đạo kiên nhẫn, kiên cường, thực dụng và đầy khát vọng. Ông ta có thể sẽ không mạo hiểm đánh cược di sản lịch sử của mình hay việc được bổ nhiệm vào nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2022 bằng cách xâm lược Đài Loan. Vì ông biết rõ các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc và có thể cộng hưởng với câu châm ngôn nổi tiếng của Tôn Tử rằng “nghệ thuật chiến tranh tối cao là khuất phục kẻ thù mà không cần chiến đấu”. Tuy nhiên, điều mà ông Tập dự kiến sẽ làm là tiếp tục từ từ gây áp lực với Đài Loan, cả về quân sự, chính trị và kinh tế, đồng thời vắt kiệt oxy ra khỏi phòng – giống như ông đã làm với Hồng Kông. Điều này không làm giảm nguy cơ tính toán sai lầm, tuyên bố độc lập của bất kỳ nhà lãnh đạo Đài Loan nào, hoặc thậm chí là tuyên bố sai hoặc hiểu lầm của Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, những lời hùng biện bay bổng của Tập và “giấc mơ lớn lao về phục hưng nhân dân Trung Quốc”, cùng với tài năng chính trị đáng gờm của ông, mang lại những rủi ro nhất định cho ông, ĐCSTQ và Trung Quốc. Điểm mù lớn nhất duy nhất của ông – sự kiên trì và tư duy nhất nguyên theo đuổi quyền lực để phục vụ ước mơ, mục tiêu và nguyện vọng của mình – nằm ở chỗ ông đã hiểu sai về chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ, các giá trị và sức mạnh của nước Mỹ. Chắc chắn sẽ khiến ông Tập và các cố vấn hàng đầu của ông thấy nước Mỹ – và thậm chí cả Tổng thống Biden, với xếp hạng chấp thuận thấp hiện tại của ông – là yếu và đang trong giai đoạn suy thoái. Quan điểm này không hoàn toàn mới nhưng đã được tín nhiệm hơn trong giới lãnh đạo Trung Quốc trong vài năm qua.
Gần đây, Yuan Peng, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), một tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ An ninh Nhà nước, đã tuyên bố rằng “Phương Đông đang trỗi dậy, còn phương Tây đang suy tàn”. Nhưng Tập và ban lãnh đạo của ông có thể cân nhắc rằng trong suốt cuộc đời của ông, nước Mỹ thường phải vật lộn với bi kịch, sự yếu kém và suy tàn, nhưng nước Mỹ đã luôn trở lại và tìm thấy khả năng phục hồi cốt lõi, các giá trị dân chủ và chủ nghĩa ngoại lệ độc nhất, và do đó đã xoay sở để tiếp tục vai trò lãnh đạo của mình trong một thế giới bị bao vây bởi những thách thức to lớn.
Tổng thống Biden đến dự cuộc họp trực tuyến này với tâm lý tích cực. Việc thông qua dự luật cơ sở hạ tầng lịch sử cho thấy khả năng Quốc hội làm việc cùng nhau theo cách thức lưỡng đảng để đạt được một luật có ý nghĩa. Và những cải thiện gần đây đối với quan hệ hợp tác ngoại giao với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu là điều đáng khích lệ. Tổng thống Biden nhận ra rằng việc hiểu và đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy là thách thức an ninh quốc gia sâu sắc nhất trong thời đại chúng ta, quan điểm được Giám đốc CIA Bill Burns ủng hộ khi thành lập Trung tâm Trung Quốc gần đây.
Tổng thống Biden và đội ngũ an ninh quốc gia của ông rất khôn ngoan khi tương tác với Chủ tịch Tập và ban lãnh đạo Trung Quốc. Không gì có thể thay thế được sự tương tác ngoại giao và thông tin tình báo tốt hơn về Trung Quốc, một trong những ‘mục tiêu khó’ đáng gờm và thách thức nhất của chúng ta.
Như Tôn Tử đã viết, “Biết người biết mình, trăm trận không nguy.”
Tiến sĩ Kenneth Dekleva từng là Cán bộ Y tế / Bác sĩ Tâm thần Khu vực (bao gồm 5 năm tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moscow, Liên bang Nga và 2 năm tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở New Delhi) tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong giai đoạn 2002-2016, và hiện là Phó giáo sư, Tổng giám đốc Khoa Tích hợp Tâm thần-Y học, Trung tâm Y tế UT Southwestern, Dallas, Texas; ông cũng là Thành viên cao cấp tại Quỹ George HW Bush về Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc.
David Shambaugh: Tinh thần tương tác của Mỹ với Trung Quốc đã mất
Trong bài phỏng vấn với The Wire, giáo sư David Shambaugh nhận định sự can dự (engagement) của Mỹ với Trung Quốc đang “chết dần” trên thực tế và đã chết về tinh thần. Đa số học giả và người làm chính sách đối ngoại có thái độ phê phán mạnh mẽ với Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, khiến những tiếng nói ủng hộ tiếp tục can dự đã giảm. Trong khi đó, các chính sách của Trung Quốc đang “cắt” nước này khỏi thế giới bên ngoài, còn nước Mỹ cũng đã ngừng hy vọng về khả năng “tự do hóa” Trung Quốc.
Theo tác giả, các nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện nay đang gặp nhiều khó khăn hơn. Thách thức đến từ các biện pháp hạn chế của chính quyền Bắc Kinh. Một số chủ đề trở thành chủ đề “cấm” như Tây Tạng, Tân Cương, tôn giáo, đảng, quân đội… và các chủ đề được xem là nhạy cảm khác. Điều này khiến các nhà nghiên cứu ít “cảm nhận” được Trung Quốc hơn.
Về Trung Quốc, ông nhận định quốc gia này đang là “cường quốc một phần” – mạnh về kinh tế, quân sự nhưng chưa đủ ảnh hưởng. Theo ông, chủ nghĩa dân tộc và sự tự tin quá mức đang làm hại Trung Quốc.
Xem thêm:
The Wire ngày 7/11/2021: David Shambaugh on Why U.S. Engagement With China is Already Dead in Spirit. Một bản PDF được lưu trữ tại đây
Evan A. Laksmana: Có nhiều trật tự khu vực
Theo Evan A. Laksmana, chúng ta không nên cho rằng có thể đạt được sự cân bằng quyền lực theo kiểu Châu Âu hoặc các quốc gia trong khu vực có thể liên kết lại để ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc, bởi các lý do sau: Các quốc gia trong khu vực đặt niềm tin theo một trật tự khu vực mà họ cho là hợp pháp; Các quốc gia đã quen với việc hoạt động mà không theo một trật tự hợp pháp và làm việc thông qua các nguyên tắc của tổ chức khác nhau cho các mục đích chính sách khác nhau; Trật tự khu vực bắt đầu và kết thúc bởi tính hợp pháp trong nước. Vì vậy, theo tác giả chúng ta phải bằng lòng với việc quản lý các trật tự thiết thực khác nhau với các tác nhân khác nhau đưa ra các cấu trúc và quy tắc khác nhau. Bên cạnh đó, tác giả còn khẳng định rằng đã đến lúc ngừng học các bài học từ lịch sử Châu Âu để tìm hiểu thêm về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu các động lực cục bộ của trật tự khu vực.
Ngoài ra, bài viết đã đề cập đến ba thách thức. Thứ nhất, nếu việc không có “hệ điều hành” được chấp nhận rộng rãi như một điểm đặc trưng chứ không phải là sai sót, thì các Quốc gia Thống nhất có nên chấm dứt mọi lời bàn tán về “trật tự dựa trên luật lệ” trong khu vực hay không? Thứ hai, tại sao lại cho rằng việc khi một quốc gia hùng mạnh trỗi dậy, những quốc gia khác sẽ hợp lại với nhau để cân bằng chỉ có khả năng xảy ra ở Đông Nam Á “sau khi khu vực này bị phân cực và Trung Quốc bị loại bỏ khỏi tất cả các cạnh tranh chính sách trong khu vực”? Và cuối cùng, những thay đổi thiết thực đối với chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực nếu Washington chú ý hơn đến các động lực địa phương, đặc biệt là mối quan tâm của các chính phủ Đông Nam Á về tính hợp pháp trong nước.
Xem thêm:
Lowy Institute: There are many orders – The Indo-Pacific Operating System
Kathryn E. Stoner: Đánh giá toàn bộ phạm vi sức mạnh của Nga
Kathryn E. Stoner, một chuyên gia về Nga tại Đại học Stanford, đã có cuộc trao đổi với Elliot Waldman của World Politics Review để thảo luận về cuốn sách của bà xuất bản gần đây với tựa đề “Nước Nga hồi sinh: Sức mạnh và mục đích trong một trật tự toàn cầu mới”. Theo Kathryn Stoner, Moscow không chỉ nắm giữ nhiều quân bài tốt hơn các nhà quan sát phương Tây nghĩ mà chính phủ Nga còn sẵn sàng sử dụng chúng, ngay cả những quân bài mạo hiểm. Hầu hết mọi người đều nghĩ nước Nga thật sự không có gì để cung cấp cho thế giới ngoại trừ khí đốt và vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Stoner còn đề cập đến những quân bài tốt của Nga trong sách của mình. Thứ nhất, sự hỗ trợ của những người được xem là phe ly khai ở miền Đông Ukraine thông qua việc chiếm giữ bán đảo Crimea của Nga. Thứ hai, Nga kiểm soát nhiều đường ống dầu, trong đó có một đường ống lớn ở miền Bắc Syria từ đó mang nhiều ảnh hưởng trong việc cung cấp dầu trên toàn cầu, và đặc biệt là đối với Châu Âu. Thứ ba, hệ thống chính trị Vladimir Putin đã lớn mạnh và 21 năm cầm quyền của ông. Thứ tư, giống với Trung quốc, Nga có vị trí địa lý tiếp giáp 14 quốc gia và có 14 biên giới quốc tế từ đó tạo điều kiện giúp Nga thiết lập các mối quan hệ ở các vùng khác nhau của Iraq và việc bán các thiết bị và vật tư công nghiệp nặng để xây dựng đường sắt. Ngoài ra nước Nga còn có những mối quan hệ mới với Israel, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Ả Rập Xê Út giúp kiểm soát nguồn cung dầu và giá dầu. Và cuối cùng không thể không nhắc đến một cuộc đại tu quân sự hoàn toàn từ năm 2008-2019, Nga đã đưa ra thuật ngữ “Giao diện mới” được hiểu là một hệ thống vũ khí mới và quân đội được xây dựng nhằm phục vụ cho chiến tranh hiện đại chứ không phải chiến tranh lục địa như Liên Xô về trước. Về hải quân, họ cũng tạo ra một loạt các loại vũ khí bậc nhất như ngư lôi Poseidon được trang bị vũ khí hạt nhân và chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Xem thêm:
World Politics Review ngày 18/11/2021: How the West Underestimates Russia’s Putin. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Ryan Fedasiuk: Chúng tôi đã dành một năm để điều tra xem quân đội Trung Quốc đang mua gì. Đây là những gì chúng tôi đã học được
Nghiên cứu đã sàng lọc 350 hợp đồng thiết bị quân sự của Trung Quốc liên quan đến AI dựa trên các báo cáo nguồn mở cho thấy, Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chiến lược quân sự đồng thời đang “thông minh hóa” chiến tranh bằng cách mua các hệ thống AI cho tất cả các ứng dụng, bao gồm các phương tiện tự hành, phân tích thông tin tình báo, chiến tranh điện tử và các công cụ không gian mạng. Đáng chú ý, dựa trên các hợp đồng công khai, tác giả đánh giá Trung Quốc dường như không tập trung vào vũ khí sát thương tự động hay vũ khí hạt nhân tự động cũng như các hệ thống chỉ huy và kiểm soát vũ khí mà tập trung vào các phương tiện thông minh và tự hành như máy bay và phương tiện bay không người lái. Nghiên cứu cũng đánh giá các công ty của Mỹ đang vô tình tiếp sức cho những tiến bộ quân sự Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo khi phần lớn các chip máy tính tiên tiến trung tâm trong các hệ thống AI quân sự của Trung Quốc được thiết kế bởi các công ty Mỹ như Intel, NVIDIA và Xilinx.
Xem thêm:
Politico ngày 10/11/2021: Opinion | We Spent a Year Investigating What the Chinese Army Is Buying. Here’s What We Learned
Andrew Erickson: Quân đội Trung Quốc mạnh đến mức nào? Báo cáo về Trung Quốc mới của Lầu Năm Góc đưa ra câu trả lời
Sau khi chắt lọc những phát hiện quan trọng của China Military Power Report (CMPR) 2021, Tiến sĩ Andrew S. Erickson đã đưa ra những đánh giá và khuyến nghị của mình về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Điểm lớn nhất và quan trọng nhất trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ là vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh. CMPR năm 2020 dự kiến số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 nhưng báo cáo năm 2021 đánh giá con số này có thể tăng gấp 4 lần với ít nhất 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030. Báo cáo cũng đánh giá những diễn biến mới liên quan đến bộ ba hạt nhân của Bắc Kinh có thể đe dọa Đài Bắc và Washington cũng như các nước đồng minh. Chiến lược của Trung Quốc có thể giúp nước này ngang bằng hoặc vượt qua ảnh hưởng và sức mạnh toàn cầu của Hoa Kỳ, thay thế các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương vào năm 2049.
Xem thêm:
1945 ngày 18/11/2021: How Powerful Is China’s Military? The Pentagon’s New China Report Offers Answers
James Martin & Jasper Campbell: Cách để Cảnh sát biển Hoa Kỳ tham gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang trở thành điểm nóng của thế giới trong giai đoạn hiện nay với việc Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và quyết đoán hơn trong hành động của mình đặc biệt là việc mở rộng yêu sách hàng hải đối với các đảo sâu chẳng hạn như quần đảo Trường Sa. Hoa Kỳ cần phải nỗ lực hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc. Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ có vai trò quan trọng trong cách tiếp cận của Washington đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương không chỉ là nhiệm vụ răn đe, bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng còn là công cụ để phát triển quyền lực mềm trong khu vực thông qua hợp tác với các đối tác.
Xem thêm:
Real Clear Defense ngày 12/11/2021: Mind the Gap: How the U.S. Coast Guard Can Navigate the Window of Vulnerability in the Indo-Pacific
—–
IX- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/SÁCH
Scott Morris, Rowan Rockafellow & Sarah Rose (2021) Mapping China’s Multilateralism: A Data Survey of China’s Participation in Multilateral Development Institutions and Funds
Báo cáo chỉ ra vai trò của Trung Quốc trong hệ thống hỗ trợ phát triển đa phương trong thập kỷ qua. Theo đó, đóng góp tài chính của quốc gia này đã tăng đáng kể, trở thành quốc gia đóng góp nhiều thứ hai cho các ngân hàng phát triển đa phương. Một phần sự gia tăng này đến “tự động” do sự gia tăng quy mô kinh tế của Trung Quốc, nhưng quốc gia này cũng đã tăng hơn 4 lần khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ chế và quỹ phát triển đa phương, tăng gần 3 lần đóng góp cho các cơ quan phát triển của Liên Hợp Quốc và tăng 2 lần đóng góp cho các quỹ phát triển hướng đến một lĩnh vực cụ thể. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là một trong những nước vay nhiều nhất từ những thể chế phát triển đa phương trên. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc vẫn đang chiếm ưu thế trong các hợp đồng của các thể chế này – chiếm 14% tổng giá trị trong năm 2019. Theo tác giả, đây không phải là điều đáng quan ngại, do việc giữ Trung Quốc bên trong hệ thống vẫn tốt hơn là ở bên ngoài.
Xem toàn văn báo cáo tại đây
2021 Report to Congress of the U.S.-China Economic and Security Review Commission
Báo cáo năm nay của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ -Trung gửi Quốc hội Mỹ năm nay trình bày chi tiết về một số lĩnh vực lớn như sau: tham vọng và thách thức đối với Trung Quốc, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ Latin và Caribe, tình hình kinh tế và thương mại Mỹ – Trung, tham vọng về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, sự kiểm soát của Trung Quốc với các chủ thể phi nhà nước, sự kết nối về tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc và nguy cơ với an ninh của Mỹ, tình hình về an ninh – chính trị và đối ngoại, lực lượng hạt nhân Trung Quốc, tình hình eo biển Đài Loan và tình hình Hong Kong.
Ủy ban đã đề xuất 10 nhóm chính sách lên Quốc hội:
1. Có động thái lập pháp toàn diện để đối phó với các thách thức đối với các nhà đầu tư Mỹ và lợi ích của Mỹ khi đầu tư vào Trung Quốc.
2. Có biện pháp khẩn cấp để tăng cường sự tin cậy đối với các biện pháp răn đe quân sự, bảo đảm Mỹ có khả năng chống lại các hành động đe dọa an ninh Đài Loan.
3. Đảm bảo sự thực thi một cách hiệu quả Đạo luật Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu (Export Control Reform Act – 2018) và Đạo luật Hiện đại hóa việc Xem xét Nguy cơ Đầu tư Nước ngoài (Foreign Investment Risk Review Modernization Act – 2018).
4. Xem xét các đạo luật nhằm kiểm tra việc chuyển một phần chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất thiết yếu tới Trung Quốc.
5. Mở rộng các biện pháp hạn chế đầu tư nhằm vào các công ty trong danh sách NS-CMIC.
6. Ngăn chặn tính ưu việt hạt nhân chiến lược của Mỹ suy yếu, chỉ đạo chính quyền tiếp tục triển khai kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.
7. Yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Mỹ buộc các công ty Mỹ có cơ sở tại Trung Quốc báo cáo về các chi bộ ĐCSTQ trong doanh nghiệp.
8. Ra cơ chế khiến một thực thể Trung Quốc sẽ tự động bị tất cả các cơ quan của Mỹ trừng phạt, sau khi một cơ quan làm điều này.
9. Yêu cầu Bộ Tài chính có báo cáo đầy đủ về đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.
10. Chỉ đạo khởi động quy trình cấm các sản phẩm (Withhold Release Order) từ Tân Cương.
Xem toàn văn báo cáo tại đây
Xem thêm:
Financial Times ngày 22/11/2021: Wall Street and the Chinese military industrial complex. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Andrew Chubb (2021) PRC Overseas Political Activities Risk, Reaction and the Case of Australia
Dựa chủ yếu vào trường hợp Australia, báo cáo xem xét nguy cơ từ các hoạt động chính trị của Trung Quốc ở nước ngoài đến các nền dân chủ tự do và đề xuất chính sách ứng phó. Tác giả xem xét các nguy cơ trên ba lĩnh vực: an ninh quốc gia, quyền tự do dân sự và tự do học thuật. Trên lĩnh vực an ninh quốc gia, Trung Quốc đã can thiệp vào các cuộc bầu cử và chiêu mộ giới tinh hoa bản địa (bao gồm xây dựng quan hệ với các chính trị gia, quyên góp tiền cho các đảng phái, vận động hành lang…). Đối với các quyền tự do dân sự, Trung Quốc tìm cách đàn áp các nhân vật chống đối ở lãnh thổ nước ngoài, kiểm soát các nền tảng truyền thông tiếng Trung, chiêu mộ các tổ chức cộng đồng, các hoạt động chính trị trực tiếp,sử dụng dịch vụ tuyên truyền và thúc đẩy tự kiểm duyệt. Trên lĩnh vực tự do học thuật, Trung Quốc lợi dụng sự phụ thuộc của một số cơ sở giáo dục vào thị trường nước này để gây ảnh hưởng – bao gồm thông qua sinh viên, gây áp lực lên phát ngôn trong trường học của sinh viên người Trung Quốc, tạo sự gắn bó về thể chế với các cơ sở giáo dục Australia, cũng như thúc đẩy tự kiểm duyệt.
Tác giả nhận định cách ứng phó hiện tại của Australia đang phóng đại nguy cơ đối với an ninh quốc gia, dẫn đến nhiều rủi ro đối với chính quốc gia này. Từ đó, tác giả đề ra các nhóm biện pháp để đối phó với từng nhóm thách thức như sau:
1. Về an ninh quốc gia: Cần tăng hiểu biết về Trung Quốc, đặt ra giới hạn quyên góp cho hoạt động chính trị và yêu cầu phải tiết lộ kịp thời, triển khai các chiến dịch thông tin tới công chúng về liêm chính trong bầu cử, định nghĩa rõ khái niệm “an ninh quốc gia” trong các văn bản lập pháp, cũng như nâng cao trách nhiệm khi đưa tin tức về an ninh quốc gia.
2. Về quyền tự do dân sự: Cần có các hình phạt cho hành vi cưỡng ép chính trị bên ngoài lãnh thổ, thiết lập các cơ quan giám sát – bảo vệ quyền tự do dân sự cấp quốc gia, tài trợ truyền thông tiếng Trung độc lập, đưa ra các quy định về việc tiết lộ hành vi kiểm duyệt, định nghĩa rõ khái niệm “hành vi chính trị do nhà nước dẫn dắt” (State-Led Political Action), đảm bảo cộng đồng người Hoa có thể tham gia vào chính trị, đảm bảo dùng từ ngữ chính xác trong các tuyên bố trước công chúng (ví dụ như phân biệt các khái niệm “Trung Quốc/ người Hoa (Chinese)” “CHND Trung Hoa” và “ĐCS Trung Quốc”), cũng như tránh kích động phân biệt chủng tộc để làm chệch hướng chỉ trích.
3. Về tự do học thuật: Cần tăng cường hiểu biết về Trung Quốc ở cấp quản lý, ra báo cáo hàng năm về các thách thức đối với tự do học thuật, xem xét lại các quy tắc trong cơ sở giáo dục, áp dụng quy tắc “Chatham House” trong trường học, tăng cường hỗ trợ du học sinh, minh bạch các hợp đồng và thỏa thuận, cũng như hỗ trợ các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Xem toàn văn báo cáo tại đây
Congressional Research Service (10/2021) Emerging Military Technologies: Background and Issues for Congress
Báo cáo của Ủy ban Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ đánh giá mặc dù Hoa Kỳ là nước đi đầu trong việc phát triển công nghệ quân sự nhưng Trung Quốc và Nga – những đối thủ cạnh tranh chiến lược chính – đang đạt được những tiến bộ ổn định trong việc phát triển công nghệ quân sự tiên tiến. Các công nghệ này bao gồm máy tính công nghệ cao, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, robot, năng lượng định hướng, siêu âm, công nghệ sinh học,… nếu được ứng dụng và triển khai tới các lực lượng quân sự nước ngoài sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc tế không chỉ riêng Hoa Kỳ. Báo cáo cũng cung cấp tổng quan về các công nghệ quân sự mới nổi ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga như: trí tuệ nhân tạo, vũ khí siêu thanh, công nghệ lượng tử, vũ khí sát thương tự động, vũ khí năng lượng định hướng và công nghệ sinh học đồng thời thảo luận về các sáng kiến liên quan trong các tổ chức quốc tế để giám sát hoặc điều chỉnh các công nghệ này, xem xét tác động của công nghệ quân sự mới với chiến tranh và đưa ra các vấn đề liên quan đến Quốc hội Hoa Kỳ.
Xem toàn văn báo cáo ở đây.
CSIS (2021) Pulling Back the Curtain on China’s Maritime Militia
Kể từ khi hoàn thành việc xây dựng các tiền đồn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa vào năm 2016, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang khẳng định quyền kiểm soát đối với Biển Đông, một phần quan trọng của sự thay đổi này là việc mở rộng lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc, lực lượng bề ngoài là tham gia đánh bắt cá nhưng thực tế lại hoạt động cùng với lực lượng thực thi pháp luật và quân đội nước này để nhằm các mục tiêu chính trị trong vùng biển tranh chấp. Các chiến thuật mà lực lượng dân quân hàng hải sử dụng đặt ra một thách thức hàng hải đáng kể đối với việc duy trì trật tự hàng hải theo luật pháp quốc tế.
Báo cáo đã trình bày hồ sơ toàn diện nhất về lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông cùng với phương pháp để xác định các tàu dân quân biển này cũng như danh sách 122 tàu dân quân đã được phát hiện và 52 tàu nghi ngờ là dân quân hàng hải Trung Quốc. Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá Trung Quốc đã triển khai lực lượng dân quân hàng hải ngày càng “hung hãn” hơn đặc biệt là dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như các hoạt động trợ cấp, hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc đối với lực lượng này.
Xem toàn văn báo cáo ở đây
———-
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.