Bản Tin Biển Đông Số 84

(Tuần từ 08 – 15/11/2021)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Lê Xuân Phương, Trần Phạm Bình Minh, Đoàn Thị Hằng Ni

Biên tập: Nguyễn Thế Phương

Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Sơ đồ hoạt động của một nửa số tàu khảo sát/nghiên cứu Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei và các quần đảo ở Biển Đông trong suốt năm qua. Dữ liệu sẽ được công bố tại Hội thảo Biển Đông Quốc tế và trong ấn phẩm sắp tới của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Tải bản PDF ở

———-

Trong Bản Tin Biển Đông Số 84 có những nội dung sau:

I- HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ 13 CỦA VIỆT NAM

II- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

III- HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6 KHÓA 19 ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

VI- CUỘC GẶP TRỰC TUYẾN MỸ – TRUNG

VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

VIII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

———-

I- HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ 13 CỦA VIỆT NAM

Là một sự kiện được tổ chức thường niên bởi Học viện Ngoại giao Việt Nam, Hội thảo Biển Đông Quốc tế hiện đang là một trong những hội thảo lớn nhất được mong đợi hàng năm của cộng đồng nghiên cứu, phân tích, hoạch định chính sách liên quan tới Biển Đông. Hội thảo năm nay được tổ chức trong hai ngày 18 và 19/11/2021 với chủ đề: “Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn”, gồm 8 phiên tập trung thảo luận các diễn biến liên quan đến khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng từ khía cạnh địa chính trị và pháp lý, vai trò và tầm nhìn của ASEAN về Biển Đông, các vấn đề an ninh biển truyền thống và phi truyền thống nổi lên hiện nay.

Thành viên Nguyễn Thế Phương đại diện Dự án Đại Sự Ký Biển Đông được mời trình bày tại Hội thảo về việc ứng dụng công nghệ trong tăng cường nhận thức hàng hải. Dữ liệu hoạt động hàng hải của 20 tàu nghiên cứu/khảo sát Trung Quốc trong suốt năm vừa qua trong vùng đặc quyền kinh tế các nước Đông Nam Á và các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông sẽ được đề cập trong tham luận của chúng tôi.

Chương trình HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ 13:  “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”

Đặc biệt, với những ai quan tâm đến sâu đến vấn đề chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, Hội thảo năm nay sẽ dành riêng một phiên để thảo luận về những bằng chứng lịch sử với sự hiện diện của một tên tuổi kinh điển mà sách của bà ai cũng bắt buộc phải đọc nếu quan tâm sâu về vấn đề chủ quyền. Đó là Prof. Monique Chemillier-Gendreau. Một bản PDF cuốn sách của bà được lưu trữ ở đây

Hội thảo sẽ được tổ chức với cả hai hình thức trực tiếp tại thành phố Hà Nội và trực tuyến qua nền tảng Zoom. Độc giả quan tâm có thể đăng ký tham dự trực tuyến tại https://nghiencuubiendong.vn/hoi-thao-quoc-te-bien-dong-thu-13.1724.snews

—–

II- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

Việt Nam và Australia ra mắt Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế

Việt Nam và Australia đã ra tuyên bố chung về việc hoàn thành Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước, được ban hành sau cuộc gặp mặt giữa hai thủ tướng tại Glasgow đầu tháng 11 này. Theo bản chiến lược trên, hai bên bảy tỏ mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư và trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau, cũng như cam kết tăng cường trật tự thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ và hợp tác chống lại các thách thức kinh tế và hành vi cưỡng ép kinh tế. Bản chiến lược cũng chỉ ra các lĩnh vực then chốt cho việc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước: giáo dục và đào tạo, tài nguyên và năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, công nghiệp chế tạo, du lịch, khoa học kỹ thuật và sáng tạo, kinh tế số… Bản chiến lược và kế hoạch thực hiện sẽ được công bố trong những tuần tới.

Benjamin Herscovitch: Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên nhắc đến các hành vi “cưỡng ép kinh tế”

Theo học giả Benjamin Herscovitch tại Đại học Quốc gia Australia, qua tuyên bố chung trên, Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên nhắc đến các “hành vi cưỡng ép kinh tế” trong một tuyên bố chung với Australia. Trước đó, mới chỉ có Nhật Bản, Mỹ, New Zealand, Pháp, Ấn Độ và một tuyên bố chung của G7 nhắc đến vấn đề này. Điều này cho thấy dường như Australia đang nỗ lực lập ra một liên minh các quốc gia sẵn sàng bày tỏ quan ngại về các hành vi cưỡng ép kinh tế, qua đó khiến uy tín của Trung Quốc chịu tổn hại (mà không cần nhắc tên trực tiếp).

Xem thêm:

Website của thủ tướng Australia ngày 3/11/2021: Vietnam – Australia Joint Statement on the finalisation of the Australia – Vietnam Enhanced Economic Engagement Strategy

VOV ngày 3/11/2021: Thủ tướng Australia ra thông cáo, đánh giá cao quan hệ với Việt Nam

Bình luận của Benjamin Herscovitch tại đây

Bộ trưởng Quốc phòng Australia tái khẳng định cam kết với ASEAN

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ngày 10/11, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton tái khẳng định “AUKUS không phải một liên minh quân sự hay hiệp ước an ninh” và không thay đổi vị thế an ninh của Australia. Ông cũng tái khẳng định cam kết với ASEAN và sự ủng hộ đối với Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP).

Xem thêm:

Defence Connect ngày 11/11/2021: Defence reaffirms ASEAN commitment amid AUKUS concerns

—–

III- HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6 KHÓA 19 ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC

Từ ngày 8-11/11/2021, Hội nghị Trung ương 6 khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Thành quả đáng chú ý nhất của hội nghị là bản nghị quyết “về các thành tựu trọng đại và kinh nghiệm lịch sử qua một trăm năm phấn đấu của Đảng”. Đây là bản nghị quyết về lịch sử thứ ba từng được Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua, sau hai bản nghị quyết năm 1945 dưới thời Mao Trạch Đông và năm 1981 dưới thời Đặng Tiểu Bình.  

Toàn văn bản nghị quyết vẫn chưa được công bố chính thức. Tuy vậy, một số nội dung chính của văn bản này đã được công bố qua bản thông cáo sau hội nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bên cạnh việc điểm lại lịch sử đảng từ khi thành lập, qua các thời kỳ của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, văn bản ca ngợi những thành tựu của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, cũng như khẳng định vai trò hạt nhân của ông Tập đối với Trung ương Đảng và toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Hoàng Khôn Minh, đây là một văn kiện mang tính cương lĩnh của chủ nghĩa Marx, thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động của toàn đảng, đạt mục tiêu phục hưng  dân tộc Trung Hoa vĩ đại.

Xem thêm:

Nhân dân Nhật báo ngày 11/11/2021: 中国共产党第十九届中央委员会第六次全体会议公报

Nhân dân Nhật báo ngày 11/11/2021: Full Text: Communique of 6th plenary session of 19th CPC Central Committee

Tân Hoa Xã ngày 11/11/2021: Senior CPC official stresses publicizing key Party session

Đa Chiều ngày 11/11/2021: 解局:读懂中共六中全会公报四个要点

Bình luận

Trên trang China Media Project, David Bandurski chỉ ra bản nghị quyết lần này chỉ nhắc đến các “thành tựu trọng đại” và “kinh nghiệm lịch sử”, thay vì các “vấn đề” như hai bản nghị quyết trước về lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, bản nghị quyết này không hướng tới việc “sửa các sai lầm” mà bao hàm một khoảng thời gian rộng hơn, hướng đến các kinh nghiệm, thành tựu và tính chính danh lịch sử của Tập Cận Bình. Ông cho rằng văn bản này cho thấy ông Tập sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 3.

Trên Bloomberg, bà Frida Haapaniemi, một nhà phân tích tại Bắc Kinh của Trivium China, nhận định thông điệp trong bản thông cáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “bắt đầu thời kỳ 100 năm sau một cách tốt nhất có thể, với Chủ tịch Tập Cận Bình là hạt nhân và Tư tưởng Tập Cận Bình là hệ tư tưởng dẫn đường”, và không thể hiện bất cứ sự thay đổi chính sách lớn nào.

Trong khí đó, Joseph Torigian xác định hai mục tiêu được đưa ra là thiết lập tính chính danh và thẩm quyền cho ông Tập, cũng như thuyết phục người Trung Quốc tin vào “nhiệm vụ lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Điều này không thể hiện một tương lai “ý thức hệ hơn, gần với Mao Trạch Đông hơn”, cũng không phải là sự bác bỏ Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Trên tờ Wall Street Journal, Timothy Cheek cho rằng nhiều đảng viên không tin việc tập trung quyền lực và một lãnh đạo tối cao là điều tốt. Bản nghị quyết đã trả lời những thắc mắc này, và quan trọng hơn là coi những người có ý kiến khác là không trung thành, là phản bội. Ông Tập cũng sẽ có thêm quyền lực để lựa chọn đồng minh trong kỳ đại hội sắp tới.

Alfred Wu nhận định việc kiểm soát cách kể về lịch sử đã là một phần quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi kiểm soát mọi thứ, ông Tập đang muốn cả kiểm soát suy nghĩ mọi người. Đồng quan điểm, trên New York Times, Joseph Torigian chỉ ra ông Tập coi lịch sử là công cụ để chống lại các thách thức với đảng, cũng như coi các quan điểm lịch sử khác nhau, cạnh tranh với nhau là nguy hiểm.

Trên trang China Brief, Willy Wo-Lap Lam cho rằng ông Tập Cận Bình đã được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng ý để tiếp tục cầm quyền thêm ít nhất một nhiệm kỳ nữa. Tác giả dự đoán ông Tập có thể cầm quyết cho đến Đại hội 22 năm 2032, sau đó có thể chỉ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương như Đặng Tiểu Bình trước đây.

Về tác động của nghị quyết đến quan hệ Trung – Mỹ, Eduardo Jaramillo nhận định trên SupChina rằng trong bối cảnh Đảng Dân chủ Mỹ đang gặp khó khăn trong nước, ông Tập Cận Bình sẽ có vị thế quyền lực tốt hơn trong cuộc gặp sắp tới với ông Biden. Bản nghị quyết cũng có thể góp thêm vào tiếng cảnh báo giới chức Mỹ về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Ngoài ra, với việc thể hiện sự sùng bái cá nhân Tập Cận Bình, bản nghị quyết có thể tác động đến quan điểm của giới chức và công chúng Mỹ về Trung Quốc, khoét sâu sự khác biệt về ý thức hệ giữa hai xã hội.

Xem thêm:

China Media Project ngày 8/11/2021: Deciding History, Sealing the Future

SupChina Ngày 8/11/2021: A historic plenum — and what it means for U.S.-China relations

Bloomberg ngày 11/11/2021: China’s Elite Hand Xi a Key Victory, Paving the Way for His Indefinite Rule

China Digital Times ngày 12/11/2021: In Resolution on History, Party Depicts Glorious Future

China Brief ngày 12/11/2021: Early Warning Brief: Did Xi Jinping Secure “Leader for Life” Status at the Sixth Plenum?

—–

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ Trung – Mỹ trước thềm hội nghị thượng đỉnh song phương

Nhân buổi Gala Dinner của Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung hôm 9/11/2021, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng. Trong bức thư được đọc bởi Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương, ông Tập bày tỏ mong muốn hợp tác với Mỹ để đưa quan hệ song phương về đúng hướng. Đại sứ Tần Cương cho biết bức thư này thể hiện thái độ và quan điểm tích cực của Trung Quốc với quan hệ song phương.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 10/11/2021: Chinese ambassador to U.S. attends annual Gala Dinner of National Committee on U.S.-China Relations, reads out President Xi’s congratulatory letter

Nhân dân Nhật báo ngày 11/11/2021: 美中关系全国委员会年度晚宴举行中美两国元首分别致贺信

Trung Quốc khẳng định Đài Loan sẽ thêm thịnh vượng sau khi thống nhất

Người phát ngôn của Văn phòng sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc Zhu Fenglian hôm 10/11/2021 tuyên bố “mọi của cải của người dân Đài Loan” sẽ được sử dụng để cải thiện cuộc sống của người Đài Loan sau khi thống nhất và cam kết sự thịnh vượng của hòn đảo này “sẽ được nâng lên hoàn toàn”. Bà cũng chỉ trích Đảng Dân Tiến (DPP) “lợi dụng tài sản của người dân Đài Loan” vào việc mua bán vũ khí và tìm kiếm quan hệ ngoại giao qua viện trợ. Bà kêu gọi người dân Đài Loan “nhìn thấu ý đồ chính trị ích kỷ của DPP” và hành động kiên quyết phản đối Đài Loan độc lập, vì lợi ích của chính họ. Động thái này diễn ra ngay sau khi một nhóm nghị sĩ Mỹ đến Đài Loan ngày 9/11.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 10/11/2021: Well-being of Taiwan people to improve after reunification: spokesperson

Vương Nghị kêu gọi xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh trên biển”

Phát biểu tại một cuộc hội thảo về Biển Đông do Trung Quốc tổ chức ngày 9/11/2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi nhân loại xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh trên biển”, cũng như phản đối các quốc gia vì muốn bảo vệ bá quyền trên biển mà xâm phạm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các quốc gia khác. Ông cũng một lần nữa kêu gọi sớm hoàn thành COC.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/11/2021: 加强团结合作,携手共建海洋命运共同体

Tân Hoa Xã ngày 9/11/2021: China calls for building maritime community with shared future

Nhân dân Nhật báo ngày 10/11/2021: 王毅在“海洋合作与治理论坛”开幕式上发表视频致辞

Tập Cận Bình cảnh báo nguy cơ “chiến tranh lạnh” ở Châu Á – Thái Bình Dương, cam kết tăng cường mở cửa thị trường

Trong một bài phát biểu gửi đến hội nghị APEC năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo về nguy cơ căng thẳng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khiến tư duy chiến tranh lạnh quay trở lại ở khu vực. Ông cũng cảnh báo các nỗ lực chia cắt khu vực về ý thức hệ hay địa chính trị sẽ thất bại. Ngoài ra, ông Tập cũng kêu gọi đảm bảo sự vận hành của chuỗi cung ứng, cũng như đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư. Ông cũng bày tỏ cam kết cắt giảm danh mục hạn chế đầu tư nước ngoài, mở cửa toàn diện ngành nông nghiệp và chế tạo, tăng cường mở cửa ngành dịch vụ và đối xử công bằng với các doanh nghiệp nội và ngoại dựa trên pháp luật, trong bối cảnh thực thi RCEP và đàm phán gia nhập CPTPP.

Xem thêm:

AP ngày 11/11/2021: China’s leader Xi warns against ‘Cold War’ in Asia-Pacific

World Trade Online ngày 11/11/2021: Xi pledges more market access, foreign investment in pursuit of CPTPP

Tân Hoa Xã ngày 12/11/2021: Full Text: Remarks by Chinese President Xi Jinping at 28th APEC Economic Leaders’ Meeting

—–

V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Nghiên cứu về các chính sách và ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc phát triển các tiêu chuẩn quốc tế cho các công nghệ mới nổi

Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) đang trưng cầu ý kiến ​​công chúng về các chính sách và ảnh hưởng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) trong việc phát triển các tiêu chuẩn quốc tế cho các công nghệ mới nổi. Mục 9414 của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2021 chỉ đạo NIST ký kết thỏa thuận với một tổ chức thích hợp để tiến hành nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị liên quan đến hiệu lực của các chính sách của CHND Trung Hoa và sự phối hợp giữa các đơn vị công nghiệp trong CHND Trung Hoa, các tổ chức quốc tế tham gia vào việc phát triển và thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế cho các công nghệ mới nổi. NIST đang lấy ý kiến ​​để cung cấp thông tin cho nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị về các hành động mà Hoa Kỳ có thể thực hiện để giảm thiểu bất kỳ ảnh hưởng quá mức nào của CHND Trung Hoa và thúc đẩy sự tham gia của khu vực công và tư nhân của Hoa Kỳ vào các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế. 

Xem thêm:

Federal Register ngày 4/11/2021: Study on People’s Republic of China (PRC) Policies and Influence in the Development of International Standards for Emerging Technologies

Triển lãm trực tuyến Diễn đàn Hợp tác Công nghiệp Quốc phòng Hoa Kỳ – Ấn Độ

Ngày 8/11/2021 đã diễn ra Triển lãm trực tuyến lần thứ hai của Diễn đàn Hợp tác Công nghiệp thuộc Sáng kiến ​​Thương mại và Công nghệ Quốc phòng (DICF) giữa Mỹ và Ấn Độ tập trung vào việc đảm bảo chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn và hợp tác để đổi mới trong các lĩnh vực mới nổi, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và không gian.

DICF là một nền tảng của Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng Hoa Kỳ-Ấn Độ nhằm mục đích tăng cường hợp tác công nghiệp giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ bằng cách xác định các cơ hội để cùng nghiên cứu, phát triển và sản xuất các năng lực chiến đấu.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 8/11/2021: Readout of U.S. – India Defense Industry Collaboration Forum Virtual Expo

Biden hoạch định các dự án chính để thách thức Vành đai và Con đường của Trung Quốc 

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết hôm thứ Hai rằng Chính quyền Biden dự kiến ​​sẽ khởi động một chương trình tài trợ cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm đối kháng với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, với từ 5 đến 10 dự án hàng đầu sẽ được công bố ngay từ tháng Giêng năm tới. Các quan chức cho biết, sáng kiến ​​G7 B3W (Tái thiết tốt đẹp hơn) nhằm đáp ứng một phần khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 40 nghìn tỷ USD mà các nước đang phát triển sẽ cần vào năm 2035 và cung cấp một giải pháp thay thế cho các hoạt động cho vay có vấn đề của Trung Quốc. Các dự án được thảo luận bao gồm thiết lập một trung tâm sản xuất vắc xin khả thi cho Tây Phi ở Senegal, tăng cường nguồn cung cấp năng lượng tái tạo, thúc đẩy cho vay các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số. Ngoài ra, chính quyền cũng cho biết rằng, không giống như Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ sẽ không yêu cầu phải giữ bí mật các thoả thuận hoặc các thỏa thuận tài sản thế chấp có thể dẫn đến việc chiếm giữ cảng hoặc sân bay sau này.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 9/11/2021: Biden Plans Flagship Projects to Challenge China’s Belt and Road Initiative. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Reuters ngày 10/11/2021: U.S. eyes January rollout of first projects to counter China’s Belt and Road -official. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Lầu Năm Góc nói rằng Trung Quốc và biến đổi khí hậu là những mối đe dọa an ninh quốc gia “quan trọng như nhau”

“Cả hai đều quan trọng như nhau,” Thư ký báo chí John Kirby nói với Fox News. “Cả hai đều là những thách thức mà Bộ trưởng Quốc phòng muốn lãnh đạo cấp cao tại Lầu Năm Góc tập trung vào, cũng như nhiều người khác cũng muốn vậy.”

Xem thêm:

Fox News ngày 11/11/2021: Pentagon says China and climate change ‘equally important’ national security threats

Bài giảng công chúng của Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden

Trong bài giảng công chúng ngày 11/11/2021 tại Viện Lowy, khi được hỏi về cách thức Mỹ sẽ cạnh tranh với Trung Quốc về kinh tế và thương mại, Jake Sullivan đã cho biết họ đang tổng hợp lại những gì được xem là tầm nhìn về sự tham gia kinh tế của Mỹ trong khu vực, với một khuôn khổ giải quyết các thách thức hiện đại mà họ phải đối mặt. Cho dù đó là trong lĩnh vực khí hậu, chuỗi cung ứng, thương mại, kỹ thuật số, hoặc sàng lọc đầu tư và kiểm soát xuất khẩu, họ vẫn tin rằng có khả năng đưa ra một tầm nhìn toàn diện và thu hút được nhiều quốc gia cùng liên kết với nhau. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết Đại diện Thương mại Tai và Bộ trưởng Thương mại Raimondo sẽ có những cuộc tham vấn trong những tuần tới với các đối tác của họ  – bao gồm Úc và New Zealand, cũng như ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á về các yếu tố và thành phần của một chương trình nghị sự kinh tế đầy đủ, mạnh mẽ, hấp dẫn để song hành với chương trình nghị sự về an ninh và địa chính trị của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xem thêm:

Lowy Institute ngày 11/11/2021: 2021 Lowy Lecture by Jake Sullivan

EU đưa ra kế hoạch công nghệ trị giá 46 tỷ đô la để chống lại Trung Quốc

Theo bản dự thảo mà Bloomberg được nhìn thấy, chiến lược “Cổng toàn cầu” của EU sẽ tập trung vào các dự án kỹ thuật số, vận tải, năng lượng và thương mại. Kế hoạch này nhằm thúc đẩy lợi ích và khả năng cạnh tranh của Châu Âu trên toàn thế giới, đồng thời thúc đẩy các tiêu chuẩn và giá trị môi trường bền vững như dân chủ, nhân quyền và pháp quyền.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 12/11/2021: EU to Lay Out $46 Billion Infrastructure Plan to Counter China

Nhật Bản ‘còn hơn cả sẵn sàng’ để giúp đảm bảo AUKUS thành công 

Trong một cuộc phỏng vấn với Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc Peter Jennings, Đại sứ Nhật Bản tại Canberra, Shingo Yamagami cho biết Nhật Bản sẽ giúp đỡ trong các lĩnh vực khác được nêu trong thỏa thuận như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và công nghệ lượng tử nhằm hỗ trợ  Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ để đảm bảo thỏa thuận AUKUS thành công. Ông nói: “Chúng tôi đã được thông báo rằng có một số trường hợp hoặc lĩnh vực mà các thành viên AUKUS có thể cần sự hợp tác và tham gia của Nhật Bản và chúng tôi rất sẵn lòng đóng góp của mình”. Bên cạnh đó, ông cho biết cả Australia và Nhật Bản cần phải nỗ lực hết sức để duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, không chỉ để hỗ trợ một nền dân chủ gần như giống như Úc mà còn để bảo vệ nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và một yếu tố quan trọng khi nói đến chất bán dẫn. Về quan hệ an ninh Úc – Nhật, ông khẳng định “Sẽ có một thể chế hóa một khuôn khổ để chúng tôi có thể tiến hành các cuộc tập trận và tập trận chung thường xuyên hơn cả ở Úc và Nhật Bản.”

Xem thêm:

The Strategist ngày 12/11/2021: Japan ‘more than willing’ to help ensure AUKUS success

Hoa Kỳ mở các cuộc tham vấn với Nhật Bản về thép và nhôm

Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thông báo hôm thứ Sáu rằng Hoa Kỳ sẽ bắt đầu tham vấn với Nhật Bản về thép và nhôm trong nỗ lực giải quyết tranh chấp về thuế quan của Hoa Kỳ và tìm giải pháp để củng cố liên minh dân chủ Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cuộc tham vấn này tạo cơ hội để thúc đẩy các tiêu chuẩn cao, giải quyết các mối quan tâm chung, bao gồm cả biến đổi khí hậu và buộc các nước như Trung Quốc ủng hộ các chính sách và thực tiễn phi thị trường bóp méo thương mại phải giải trình.

Thông báo được đưa ra hai tuần sau khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận về thuế quan Mục 232, đồng ý với hệ thống hạn ngạch thuế quan đối với thép và nhôm của EU và cam kết dẫn đầu một “Thỏa thuận thép bền vững toàn cầu” mới để giải quyết tình trạng dư thừa và biến đổi khí hậu. Sau khi biết EU đạt được thoả thuận này với Mỹ, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda đã yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai vào tuần trước chấm dứt thuế quan Mục 232 của nước này. 

Xem thêm:

Inside U.S. Trade ngày 12/11/2021: US to open consultations with Japan on steel and aluminum. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

U.S. Department of Commerce ngày 12/11/2021: U.S. Statement on Working with Japan to Address Global Steel and Aluminum Excess Capacity

Ministry of Foreign Affairs of Japan ngày 15/11/2021: Meeting between Foreign Minister HAYASHI and the Secretary of Commerce of the United States of America

Ministry of Foreign Affairs of Japan ngày 15/11/2021: Courtesy Call on Chief Cabinet Secretary MATSUNO Hirokazu by the Honorable Gina Raimondo, Secretary of Commerce of the United States of America

Steven Overly: Các quan chức thương mại của Biden bắt đầu chuyến công du châu Á với thông điệp Mỹ muốn tăng cường quan hệ kinh tế trên khắp Châu Á, nhưng không kèm theo lời hứa nào về một thỏa thuận thương mại

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo bắt đầu các chuyến công du châu Á của họ trong tuần này với cuộc gặp đầu tiên với các quan chức Tokyo hôm thứ Hai ngày 15/11/2021. Nhưng các quan chức cao cấp nhất của chính quyền Mỹ trong vấn đề thương mại toàn cầu xuất hiện mà không mang theo món quà các đối tác thực sự muốn: một thỏa thuận thương mại. 

Điều đó sẽ không xảy ra, ít nhất là không xảy ra trong chuyến đi này. Trong khi Biden đã công bố kế hoạch phát triển một “khuôn khổ kinh tế” với các đối tác thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Nhà Trắng đã tuyên bố rõ ràng rằng đó không phải là quy tắc cho một hiệp định thương mại và ưu tiên của họ vẫn là xây dựng lại nền kinh tế Mỹ trước khi theo đuổi các thỏa thuận trên khắp thế giới.

Robert Holleyman, cựu phó đại diện thương mại Hoa Kỳ, hiện là chủ tịch và giám đốc điều hành của Crowell & Moring International bình luận: Điều quan trọng là các quan chức này phải đến khu vực, nhưng sẽ là không đủ nếu Hoa Kỳ không có một chính sách thương mại tích cực và rộng rãi hơn của Hoa Kỳ trong khu vực, bao gồm các cuộc đàm phán và các hiệp định thương mại mới. 

Và trong khi Washington chỉ trích Bắc Kinh về các hành vi phi thị trường, các nhà phê bình cho rằng Trung Quốc đang nắm bắt cơ hội để gây ảnh hưởng lớn hơn khi Hoa Kỳ không hoạt động. Hiện tại, Bắc Kinh đang tiến tới tham gia hai hiệp định thương mại quan trọng trong khu vực – Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ.

Từ Nhật Bản, Raimondo sẽ khởi hành đến Singapore và sau đó tiếp tục đến Malaysia. Trong khi đó, Tai sẽ đến Hàn Quốc trước khi kết thúc chuyến công du ở Ấn Độ, nơi bà sẽ đồng tổ chức cuộc họp Diễn đàn Chính sách Thương mại Mỹ-Ấn đầu tiên sau 4 năm.

Xem thêm:

Politico ngày 15/11/2021: Biden’s trade officials begin deal-less tour of Asia

Raimondo: Hoa Kỳ hướng tới một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ‘mạnh mẽ hơn’ CPTPP

Trong cuộc trò chuyện với chương trình “World Business Satellite” của TV Tokyo hôm thứ Hai ngày 15/11/2021, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhắc lại điều Cố vấn An ninh Jake Sullivan đã tiết lộ trước đó, chính quyền Biden đang nỗ lực phát triển một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vượt ra ngoài các hiệp định thương mại tự do truyền thống như CPTPP. Bà đã nhắc đến chuỗi cung ứng và nền kinh tế kỹ thuật số là những lĩnh vực tiềm năng để hợp tác trong khuôn khổ mới.

Bà Raimondo cho biết mục tiêu chuyến thăm đầu tiên của bà đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với tư cách là Bộ trưởng Thương mại là để “bắt đầu các cuộc thảo luận”. Tại Nhật Bản, bà đã có cuộc gặp với một số lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp ở Tokyo, bao gồm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hagiuda Koichi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hayashi Yoshimasa và Chánh văn phòng Nội các Matsuno Hirozaku.

Khi được hỏi liệu Mỹ có cân nhắc tham gia CPTPP hay không, Raimondo cho biết chính quyền Biden không quan tâm đến việc tham gia hiệp định vì nó “được hình thành từ năm 2016”. Chính quyền đang hướng tới một khuôn khổ kinh tế “có thể thậm chí còn mạnh mẽ hơn theo một số cách nào đó so với hiệp định thương mại tự do truyền thống vì nó sẽ cho phép chúng ta thảo luận về các nguyên tắc và xem xét các vấn đề có liên quan hiện nay khi tái thiết sau đại dịch,” bà nói và cho biết rằng chất bán dẫn, nền kinh tế kỹ thuật số và năng lượng sạch có thể là những tiêu điểm.

Xem thêm:

Inside U.S. Trade ngày 15/11/2021: Raimondo: US eyeing Indo-Pacific framework ‘more robust’ than CPTPP. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ thực hiện chuyến đi “bất ngờ” đến Đài Loan, nhưng không phải là bí mật với Trung Quốc

Một phái đoàn gồm các nhà lập pháp Hoa Kỳ, bao gồm các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Cornyn của Texas và Tommy Tuberville của Alabama đã hạ cánh xuống Đài Loan vào thứ Ba, trong một chuyến thăm do Đại sứ quán trên thực tế của Washington tổ chức. Tờ South China Morning Post lặp lại ý từ Global Times cho đây là chuyến đi bất ngờ/bí mật. Tuy nhiên theo tờ Foreign Policy, trước chuyến đi tuần trước, nhóm nghị sĩ Mỹ đã nhận được cảnh báo từ Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington yêu cầu họ huỷ chuyến đi. 

“Theo hiểu biết của chúng tôi, loại ngôn ngữ này chưa từng được sử dụng với các nhà lập pháp Hoa Kỳ từ Đại sứ quán Trung Quốc,” Hạ nghị sĩ Jake Ellzey, một thành viên năm nhất của Quốc hội từ Texas và là cựu phi công Hải quân đã tham gia chuyến đi do đồng nghiệp của ông ở Texas, Thượng nghị sĩ John Cornyn dẫn đầu. “Đó không phải là một lời đe dọa, nhưng thúc giục chúng tôi hủy bỏ. Họ không sử dụng từ “lên án”, nhưng rõ ràng đó là sự lên án đối với chuyến đi.”

Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, John Kirby cho biết  đây là chuyến đi thứ hai của Quốc hội tới hòn đảo trong năm và  tất cả chuyến đi của các nhà lập pháp Mỹ đến Đài Loan đều “phù hợp với nghĩa vụ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan”. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi cảnh báo phía Hoa Kỳ dừng ngay các hành động khiêu khích, chấm dứt ngay mọi hành động phá hoại dẫn đến leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan và ngừng gửi các tín hiệu sai trái đến lực lượng ly khai ‘Đài Loan độc lập’”. Bên cạnh đó Bộ Quốc phòng Bắc Kinh đã tố cáo chuyến thăm này là “sự can thiệp thô lỗ vào công việc nội bộ của Trung Quốc” và sau đó đã  tiến hành một cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu trong khu vực để đáp trả những gì họ gọi là “những lời nói và hành động sai lầm nghiêm trọng” của các quốc gia khác liên quan đến Đài Loan.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 9/11/2021: US lawmakers including John Cornyn make surprise trip to Taiwan

Foreign Policy ngày 15/11/2021: China Lashes Out at Republican Congressional Delegation to Taiwan. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố báo cáo Đánh giá Quốc phòng trong nỗ lực tăng cường giao tiếp với quốc tế nhằm đối phó mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc

Lần đầu tiên trong 30 năm, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã ban hành báo cáo đánh giá quốc phòng đồng thời cả hai ngôn ngữ tiếng Trung và tiếng Anh, khác với trước đây bản tiếng Anh thường được công bố trễ hơn vài tuần hoặc vài tháng. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan, thay đổi mới nhất này cho phép các lực lượng vũ trang Đài Loan giao tiếp tốt hơn với nước ngoài và nằm trong nỗ lực ủng hộ chính sách của chính phủ nhằm biến Đài Loan thành quốc gia song ngữ.

Báo cáo đã cung cấp thông tin về những diễn biến gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan và dự đoán tình hình an ninh sắp tới sẽ trở nên phức tạp. Báo cáo cho biết Bắc Kinh đang gia tăng các hoạt động tình báo nhắm vào Đài Loan, bao gồm cả việc sử dụng các tàu thu thập thông tin tình báo ở eo biển Đài Loan. Các chủ đề khác trong báo cáo bao gồm sự gia tăng nhanh chóng của việc Trung Quốc sử dụng các vệ tinh thu thập thông tin tình báo và việc tăng cường sử dụng các biện pháp an ninh mạng tích cực.

Để đối mặt với những thách thức trong tương lai, những điểm then chốt trong các nỗ lực xây dựng lực lượng và quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc là: (1) đẩy nhanh việc phát triển các năng lực phi đối xứng chống lại các mối đe dọa vùng xám do CHND Trung Hoa áp đặt để bảo vệ hệ thống dân chủ quý giá; (2) hỗ trợ nền quốc phòng tự cường và xây dựng môi trường thịnh vượng cho các ngành công nghiệp quốc phòng; (3) thực hiện cải cách quốc phòng, tối ưu hoá tổ chức và hiệu quả lực lượng theo cách tiếp cận thực dụng để hiện đại hoá lực lượng tác chiến nhằm giành lợi thế trong cuộc chiến trong tương lai và có thể đối phó với cả các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống.

Xem thêm:

Focus Taiwan ngày 9/11/2021: In a first, defense report released in Chinese, English simultaneously

Toàn văn Báo cáo Đánh giá Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc năm 2021

Blinken: Hoa Kỳ và đồng minh “sẽ hành động” nếu Đài Loan bị tấn công

Trả lời câu hỏi về mức độ cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan tại hội nghị New York Times Dealbook hôm thứ Tư ngày 10/11/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng các quốc gia đồng minh sẽ sẵn sàng “hành động” nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan. Nhưng ông một lần nữa từ chối cho biết liệu chính quyền Biden sẽ sẵn sàng sử dụng quân đội Hoa Kỳ trong một cuộc xung đột như vậy. 

Ông cũng nói rằng “Có nhiều quốc gia trong khu vực và hơn thế nữa sẽ coi bất kỳ hành động đơn phương nào sử dụng vũ lực để phá vỡ hiện trạng là một mối đe dọa đáng kể đối với hòa bình và an ninh.” “Và họ cũng vậy, sẽ có hành động nếu chuyện này xảy ra.”

Xem thêm:

Bloomberg ngày 10/11/2021: Blinken Says Allies Would ‘Take Action’ If China Attacks Taiwan. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

Reuters ngày 10/11/2021: U.S. and allies would ‘take action’ if Taiwan attacked – Blinken. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc: Bảo vệ Đài Loan là việc phải làm

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của The Australian kỷ niệm 20 năm hoạt động nghị trường, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton tin rằng Trung Quốc không có quyền đòi lại Đài Loan, và nếu Mỹ cam kết sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ hòn đảo thì sẽ “không thể tưởng tượng nổi” rằng Australia, với tư cách là một đối tác liên minh, sẽ không tham gia vào hành động quân sự đó.

Xem thêm:

The Australian ngày 12/11/2021: Defending Taiwan against Beijing is a must, says Peter Dutton. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

—–

VI- CUỘC GẶP TRỰC TUYẾN MỸ – TRUNG

Đại sứ quán Trung Quốc vận động doanh nghiệp Mỹ phản đối các dự luật của Trung Quốc

Trong những tuần gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, thông qua thư gửi và các cuộc họp với nhiều thành viên trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, đã thúc đẩy các giám đốc điều hành, công ty và nhóm kinh doanh của Mỹ đấu tranh chống lại các dự luật liên quan đến Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ, theo bốn nguồn tin được cho là có hiểu biết về sáng kiến này nói với Reuters.

Các nguồn tin cho biết yêu cầu của Trung Quốc cũng khiến một số cá nhân nhận được thư lo ngại rằng họ có thể bị coi là vi phạm Đạo luật Đăng ký Đại lý Nước ngoài (FARA) nếu họ vận động các nhà lập pháp về các vấn đề tương tự trong tương lai.

Do đó, không có nguồn tin nào muốn xác nhận với Reuters là họ đã nhận hay xem bức thư.

Xem thêm:

Reuters ngày 12/11/2021: EXCLUSIVE Chinese embassy lobbies U.S. business to oppose China bills. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Nhiều nhóm doanh nghiệp Mỹ thúc giục Mỹ xóa bỏ thuế quan chiến tranh thương mại với Trung Quốc

Hai chục hiệp hội doanh nghiệp Mỹ đã gửi một lá thư tới các quan chức thương mại cấp cao của Mỹ vào thứ Sáu, thúc giục Nhà Trắng giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và mở rộng phạm vi miễn thuế nhập khẩu để khôi phục khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ.

Trong bức thư gửi tới đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, nhóm đã thúc giục chính quyền dỡ bỏ thuế quan và yêu cầu chính quyền “hành động ngay lập tức”.

“[Thuế quan] tiếp tục gây thiệt hại kinh tế một cách không cân xứng cho các doanh nghiệp, nông dân, công nhân và gia đình Hoa Kỳ,” theo lá thư do các hiệp hội ký tên và được dẫn đầu bởi Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCBC), một tổ chức thương mại phi lợi nhuận đại diện cho hơn 200 công ty Hoa Kỳ.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 14/11/2021: Remove tariffs ahead of Biden-Xi meeting, urge US business groups

U.S. Industry Organizations, Letter To Biden Administration On US-China Affairs, Nov. 12, 2021

Washington nới lỏng lập trường về thương mại trước hội đàm Tập – Biden

Một ngày trước cuộc hội đàm song phương giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói với CBS rằng thuế quan “có xu hướng làm tăng giá trong nước”, khi lạm phát của Mỹ đạt mức cao nhất trong 31 năm vào tháng 10 và quốc gia này đang phải đối mặt với việc tăng giá năng lượng và gián đoạn chuỗi cung ứng đè nặng lên triển vọng của nền kinh tế Mỹ.

Khi được hỏi liệu chính quyền Biden có dỡ bỏ thuế quan do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt, bà thừa nhận rằng “điều đó sẽ tạo ra một số khác biệt”, và cho biết thêm rằng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đang “xem xét lại” thỏa thuận thương mại giai đoạn một và nhìn nhận các yêu cầu “giảm thuế quan trong một số lĩnh vực.”

Xem thêm:

Global Times ngày 15/11/2021: Washington eases stance on trade ahead of Xi-Biden talks

CBS News ngày 14/11/2021: Full transcript: Treasury Secretary Janet Yellen on “Face the Nation,” November 14, 2021

Cuộc họp trực tuyến Joe Biden-Tập Cận Bình bắt đầu với cảnh báo về ‘xung đột’

Trong cuộc gặp kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ, ​​Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng ông sẽ thực hiện “hành động quyết liệt” nếu cảm thấy bị khiêu khích bởi vấn đề Đài Loan. Trước đó, Tổng thống Biden đã nói với ông Tập rằng Mỹ-Trung cần đảm bảo sự cạnh tranh cường quốc của họ không leo thang thành xung đột quân sự.

​​“Đó dường như là trách nhiệm của chúng ta – với tư cách là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Hoa Kỳ – để đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai quốc gia của chúng ta không trở thành xung đột, dù là dự định hay ngoài ý muốn”. “Đây là sự lãnh đạo thế giới có trách nhiệm,” ông nói, và cho rằng Trung Quốc cũng như Mỹ là một nhà lãnh đạo lớn trên thế giới.

Gọi cựu Phó Tổng thống là “người bạn cũ”, Tập Cận Bình nói “Trung Quốc và Hoa Kỳ nên tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình và theo đuổi hợp tác đôi bên cùng có lợi. Tôi sẵn sàng làm việc với ngài, thưa ngài Tổng thống, để xây dựng sự đồng thuận, thực hiện các bước tích cực và thúc đẩy mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ tiến triển theo hướng tích cực.” 

Ông Tập đề nghị hai nước cần tăng cường giao tiếp và hợp tác.

Tuy nhiên, ông Tập đổ trách nhiệm cho phía Mỹ trong việc khắc phục mối quan hệ song phương căng thẳng. “Người ta hy vọng rằng Ngài Tổng thống sẽ … thúc đẩy chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trở lại con đường hợp lý và thực dụng,” ông nói, theo Tân Hoa Xã.

Afghanistan, Triều Tiên và Iran, cũng như nhân quyền, biến đổi khí hậu nằm trong số các chủ đề mà các Tổng thống Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thảo luận. Tuy nhiên vấn đề Đài Loan vẫn là mối quan tâm hàng đầu của hai bên.

Trong một cuộc họp ngắn với các phóng viên ngay sau sự kiện, Nhà Trắng cho biết cuộc họp không có bước đột phá gì mới. 

“Chúng tôi không mong đợi cuộc gặp này bằng cách nào đó sẽ là một điểm khởi đầu cơ bản trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chúng tôi không mong đợi một bước đột phá và không có gì để báo cáo”, một quan chức cấp cao cho biết.

“Giảm bớt căng thẳng là cách nhìn sai lầm về mục đích của buổi tối nay… một chút mô hình cũ về cách nghĩ về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc,” bà nói thêm và cho biết không có nhận thức gì mới được thiết lập về vấn đề Đài Loan. 

Xem thêm:

C-Span Video ngày 15/11/2021: President Biden Holds Virtual Meeting with President of China

Brooking Institution ngày 16/11/2021: Readout from the Biden-Xi virtual meeting: Discussion with National Security Advisor Jake Sullivan

The Australian ngày 16/11/2021: Joe Biden-Xi Jinping virtual meeting begins with warning over ‘conflict’. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

The Wall Street Journal ngày 16/11/2021: Biden, Xi Cool Down Hostilities in Virtual Meeting

CGTN ngày 16/11/2021: Xi: China, U.S. must increase communication and cooperation

—–

VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

Eliot Chen: Quá khứ dài và tương lai bất định của Microsoft tại Trung Quốc

Bài viết điểm lại quá trình hoạt động của Microsoft tại Trung Quốc, bao gồm những nhượng bộ mà Microsoft đã phải đưa ra để ở lại thị trường này.

Tác giả điểm lại nhiều lần Microsoft gặp khó khăn trong quá trình hoạt động ở thị trường Trung Quốc, như khi Windows 8 bị cấm theo quy định chống độc quyền năm 2014, các quan ngại của Bắc Kinh sau vụ Edward Snowden. Để trụ lại thị trường Trung Quốc, Microsoft đã phải có nhiều biện pháp nhượng bộ: từ cho quan chức Trung Quốc xem mã nguồn của Windows XP năm 2003 đến liên doanh với các công ty Trung Quốc, ví dụ với CETC để phát hành Windows 10 năm 2017. Qua đó, Microsoft đứng trước nguy cơ để lộ tài sản trí tuệ cho các đối thủ cạnh tranh tiềm năng, cũng như để lộ các điểm yếu an ninh có thể bị khai thác.

Theo tác giả, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Windows cho thấy khó có khả năng Microsoft có thể sớm rút khỏi thị trường này. Tuy vậy, việc cả Trung Quốc và Mỹ giám sát kỹ lưỡng hơn với các công ty công nghệ khiến cho các sản phẩm của Microsoft sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc, giống như LinkedIn, mạng xã hội sẽ ngừng hoạt động tại Trung Quốc từ cuối năm nay. Một trong số đó là Github, khi nền tảng này phải chịu áp lực kiểm duyệt từ chính quyền.

Xem thêm:

The Wire China ngày 7/11/2021: Microsoft’s Long Past and Uncertain Future in China. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

Maggie Baughman: Bán câu chuyện Trung Quốc: Cách chính quyền Trung Quốc tư nhân hóa việc tuyên truyền qua Facebook

Qua điều tra các dữ liệu chi tiêu của chính quyền Trung Quốc được công khai, tác giả chỉ ra các chiến dịch tuyên truyền, gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài đang được thực hiện bởi các công ty tư nhân, thay vì các cá nhân được trả tiền trực tiếp như trước. Các cơ quan chính quyền ở mọi cấp đang tăng cường thuê các công ty chuyên nghiệp để thực hiện công việc này. Qua hai ví dụ về một công ty vận hành tài khoản mạng xã hội và một công ty chuyên chạy quảng cáo trên Facebook, tác giả chỉ ra: Khi nhu cầu gia tăng, nguồn cung cũng gia tăng, khiến nhiều công ty định hướng kinh doanh vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, bài viết cũng cho thấy cách các công ty Trung Quốc đang hợp tác với các chủ thể phương Tây – cả những KOL hay doanh nghiệp nước ngoài – để tiếp cận khán giả bên ngoài Trung Quốc.

Xem thêm:

China Talk ngày 8/11/2021: Selling China’s Story: How the Chinese Gov’t Privatized Facebook Propaganda

Bloomberg: Thành công và thất bại lớn nhất của ông Tập sau gần một thập kỷ nắm quyền

Qua các số liệu thống kê, bài viết đã nhận xét về những điều được cho là thành công, thất bại và thành bại lẫn lộn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi cầm quyền đến nay:

Các thành công bao gồm:

1) Tăng trưởng kinh tế

2) Sự hài lòng của người dân với hệ thống quản trị

3) Sức mạnh quân sự

Các thất bại bao gồm:

1) Hình ảnh quốc tế

2) Bất bình đẳng thu nhập

3) Tỷ lệ sinh

“Thành bại lẫn lộn” bao gồm:

1) Sáng kiến “Vành đai và Con đường”

2) Môi trường

3) Tài chính quốc tế

4) Các rủi ro tài chính

Xem thêm:

Bloomberg ngày 10/11/2021: Xi’s Biggest Wins and Losses After Nearly a Decade in Power. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

Ishii Masafumi: Vai trò và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và khái niệm FOIP: Góc nhìn từ Nhật Bản

Theo cựu đại sứ Nhật Bản tại Indonesia Ishii Masafumi, ASEAN có tầm quan trọng đặc biệt với Nhật Bản ở ba khía cạnh chính: tiềm năng kinh tế, vị trí gần các tuyến đường biển và vị thế trong trật tự quốc tế trong tương lai. Ông chia ASEAN thành 4 nhóm nước. “Big 3” – Indonesia, Philippines và Việt Nam – không công khai chọn bên, nhưng đủ mạnh để chống lại áp lực từ Trung Quốc, kể cả dựa vào các quốc gia bên ngoài nếu cần thiết. “Middle 3” – Malaysia, Thái Lan và Myanmar – có chính sách thay đổi, phụ thuộc vào chính phủ đang nắm quyền. “Small 3” – Campuchia, Brunei và Lào – khó có thể nói không nếu Trung Quốc gây áp lực. Singapore là một nhóm đặc biệt, tuy khảo sát dư luận cho thấy xu hướng thân Trung Quốc nhưng lại cho tàu chiến Mỹ trú ngụ.

Theo ông Ishii, ưu tiên lớn nhất của Nhật Bản nên dành cho nhóm Big 3, nhưng cũng không ngừng tăng cường quan hệ với nhóm Middle 3. Đối với nhóm Small 3, Nhật Bản cần có cách tiếp cận trọng điểm theo lĩnh vực. Tuy vậy, khi thực hiện thứ tự ưu tiên này, Nhật Bản cần cẩn trọng để không gây chia rẽ ASEAN.

Ông Ishii cho rằng Nhật Bản nên hỗ trợ ASEAN từ phía sau, không làm tổn hại sức mạnh và sự thống nhất của tổ chức này. Nhật Bản cũng cần có sự hiện diện thực tế trong khu vực, xây dựng các cơ chế hợp tác giữa các đồng minh của Mỹ với các nước ASEAN, xây dựng mạng lưới đối tác giữa các nước chung chí hướng, cũng như kêu gọi EU tham gia cùng.

Xem toàn văn bài phỏng vấn với đại sứ Ishii Masafumi tại đây

Susannah Patton: Phân tích phản ứng của Đông Nam Á với AUKUS

Tác giả cho rằng các mối quan ngại chính của Malaysia và Indonesia với AUKUS bao gồm: Mối lo ngại chạy đua vũ trang, mất vai trò trung tâm của ASEAN và vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Australia đã không tham vấn trước với các nước khác, cụ thể là Indonesia, khi ra quyết định này. Tác giả cũng cho rằng quan điểm của Australia và các nước Đông Nam Á về Mỹ là khác nhau. Theo tác giả, 8 hoặc 9 trên 10 nước Đông Nam Á lo ngại về căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hơn là lo ngại Trung Quốc. Tuy vậy, vẫn có những nước có quan điểm tích cực với AUKUS: Việt Nam, Philippines hay Singapore.

Xem thêm:

World Politics Review ngày 11/11/2021: Reading the Tea Leaves of Southeast Asia’s Reactions to AUKUS. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

Christina Lai: Sức mạnh của kẻ yếu: Chiến lược của Đài Loan trong việc chống lại sự cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc

Bài viết đã nêu bật chiến lược đa dạng hóa của Đài Loan nhằm vượt qua những thách thức kinh tế và chính trị từ Trung Quốc. Những lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và vị trí địa chiến lược của Đài Loan là những động lực chính cho chiến lược này. Tác giả Christina Lai đã nhận định rằng: “ việc nhìn nhận đúng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với các nước Châu Á và kinh nghiệm của Đài Loan có những bài học để truyền cho các nước còn lại của thế giới về cách giải quyết những thách thức do hành vi cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc”. 

Trong ngắn hạn, khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tiếp tục phát triển, Bắc Kinh có khả năng sẽ khám phá nhiều cách hơn để sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm tăng thêm lợi ích của mình. Về lâu dài, có một giải pháp tiềm năng cho các nước Châu Á xây dựng khả năng tự cường cao hơn, đó là xây dựng một hiệp ước thương mại bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Đài Loan. Giải pháp này có thể làm giảm mức độ dễ bị tổn thương về kinh tế của các quốc gia thành viên, đồng thời cũng có thể gửi tín hiệu mạnh mẽ trong việc ngăn chặn các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc và tăng cường niềm tin giữa các quốc gia Châu Á, cho phép họ tương tác với Bắc Kinh từ vị thế có sức mạnh. 

Xem thêm:

Jamestown ngày 5/11/2021: Power of the Weak: Taiwan’s Strategy in Countering China’s Economic Coercion

Phùng Tuấn: Con đường hiện đại hóa mới kiểu Trung Quốc thể hiện hình thái mới của văn minh nhân loại

Bài viết đã trình bày về khái niệm “hình thái mới của văn minh nhân loại” (人类文明新形态) được các nhà lý luận Trung Quốc đưa ra trong thời gian gần đây.

Tác giả chỉ ra 4 đặc điểm của “hình thái mới của văn minh nhân loại”:

1) Là sự phát triển hài hòa của 5 loại văn minh: văn minh vật chất, văn minh chính trị, văn minh tinh thần, văn minh xã hội và văn minh sinh thái

2) Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh đến sự phát triển sáng tạo, hài hòa, xanh, khai phóng và cùng hưởng

3) Về quan điểm quản trị quốc gia, nhấn mạnh đến việc hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị quốc gia

4) Xây dựng quan điểm khai phóng, bao dung về văn minh, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại.

Xem thêm:

Viện Nghiên cứu Tài liệu Lịch sử ĐCSTQ ngày 1/11/2021: 中国式现代化新道路展现人类文明新形态

Trịnh Vĩnh Niên: Ba nguồn cho lý thuyết gốc của kinh tế chính trị học Trung Quốc

Theo tác giả, trong nhiều lĩnh vực, khoa học xã hội Trung Quốc vẫn chỉ mang tính ứng dụng, dẫn đến khó phát triển bền vững. Để xây dựng lý thuyết khoa học xã hội gốc (原创性社会科学理论), Trung Quốc cần bắt đầu từ xây dựng lý thuyết kinh tế chính trị gốc mà không dựa vào nền tảng phương Tây. Tác giả cho rằng có ba nguồn để thực hiện công việc này: “đại truyền thống” – kinh nghiệm kinh tế chính trị hơn 2000 năm của Trung Quốc, ít nhất là bắt đầu từ thời Tần Hán đến thời Thanh; “trung truyền thống” – kinh nghiệm kinh tế chính trị Trung Quốc hiện đại; “cận truyền thống” – kinh nghiệm kinh tế chính trị Trung Quốc từ cải cách mở cửa đến nay.

Xem thêm:

Aisixiang ngày 29/10/2021: 郑永年:中国政治经济学原创性理论的三大来源

Đào Văn Chiêu: Cấu trúc quyền lực chính trị quốc tế hiện nay không phải là “lưỡng cực mới” giữa Trung Quốc và Mỹ

Bài viết coi “bẫy Thucydides” và thuyết chuyển giao quyền lực là không thích hợp để giải thích về quan hệ Mỹ – Trung. Theo tác giả, Trung Quốc sẽ không trở thành bá quyền mới thay thế Mỹ.

Tác giả cho rằng, cấu trúc quyền lực hiện nay đang trải qua sự “phi tập trung hóa” do toàn cầu hóa và chuyển dần từ đơn cực sang đa cực. Trên thế giới hiện nay cũng không có các điều kiện để sản sinh ra cấu trúc lưỡng cực như trước, khi không có một cuộc chiến tranh giống như Chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi chính sách đối ngoại không đối đầu, không liên minh, không nhắm vào nước thứ ba của Trung Quốc không tạo ra hai phe như thời chiến tranh lạnh. Quan hệ Trung – Mỹ cũng phức tạp hơn quan hệ Xô – Mỹ khi hai bên phụ thuộc vào nhau hơn, trong khi mạng lưới đồng minh của Mỹ cũng đã khác trước. Trong bối cảnh phi tập trung hóa quyền lực hiện nay, quyền lực không thể chỉ tập trung vào một hay hai quốc gia. Phần quyền lực mà Mỹ mất đi không chỉ được chuyển cho Trung Quốc mà cho nhiều nước đang phát triển và mới nổi khác, tạo nên cấu trúc đa cực.

Xem thêm:

Aisixiang ngày 1/11/2021: 陶文钊:当下国际政治权力结构不是中美“新两极”

—–

VIII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Peter Dutton_Case Concerning Sovereignty and Maritime Delimitation (Eritrea v. Yemen)

Tranh chấp về chủ quyền và phân định biển giữa Eritrea và Yemen tại khu vực Biển Đỏ gần eo biển Bab-el-Mandeb, tranh chấp này bắt đầu từ năm 1995 khi cả hai quốc gia này đều xác định trạng thái độc lập và nảy sinh nhu cầu xác lập quyền sở hữu đối với các đảo trên Biển Đỏ cũng như các quyền khác liên quan đến tài nguyên biển. Vụ việc được đưa ra giải quyết tại PCA với hai giai đoạn chính: (1) Giai đoạn 1: Tòa tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền với các nội dung chính liên quan đến danh nghĩa lịch sử, danh nghĩa cổ xưa của nhóm đảo tranh chấp và việc duy trì các quyền đánh bắt cá truyền thống hoặc thủ công trên toàn khu vực tranh chấp; (2) Giai đoạn 2: Tòa giải quyết các vấn đề về phân định biển, theo đó Tòa tiến hành phân định biển trên cơ sở đường trung tuyến giữa các bờ biển đối diện và đưa ra kết quả về một đường tương xứng và công bằng.

Trong phần tóm tắt về các nội dung chính của vụ việc Peter Dutton cũng đã chỉ ra một số vấn đề pháp lý liên quan đến chủ quyền liên quan đến danh nghĩa cổ xưa/ban đầu, việc chiếm cứ hữu hiệu và chế độ đánh bắt cá truyền thống. Đối với vấn đề phân định biển giữa các bên, Phán quyết không trả lời liệu các bãi cạn lúc chìm lúc nổi được tham chiếu có nằm trong lãnh hải hiện có hay không, và do đó không có sự phân biệt về mặt pháp lý giữa các bãi cạn lúc chìm lúc nổi nằm bên trong hay bên ngoài phạm vi 12 hải lý của một cấu trúc nổi khác. Theo nhận định của Peter Dutton, các trọng tài trong vụ tranh chấp này đã tham chiếu đến Điều 121 của UNCLOS coi các bãi cạn lúc chìm lúc nổi là một phần của đáy biển và không phải là đối tượng có chủ quyền trừ khi các cấu trúc này nằm trong lãnh hải, theo quy định của Điều 13, sẽ có thể được xem xét đến như một điểm cơ sở để mở rộng lãnh hải. Sự hiểu biết này là cách tiếp cận sau đó được Tòa trọng tài áp dụng trong vụ việc ở Biển Đông.

Xem toàn văn tóm tắt vụ tranh chấp chủ quyền và phân định biển giữa Eritrea và Yemen tại đây.

Sean Fear (2017) Saigon Goes Global- South Vietnam’s Quest for International Legitimacy in the Age of Détente

Trong bài viết này đã đề cập đến không chỉ là một tình huống biến hóa về ngoại giao thời chiến tranh lạnh mà còn phản ánh tham vọng ngoại giao đáng ngạc nhiên của Miền Nam Việt Nam, chính quyền vốn bị cho là chính quyền bù nhìn của Hoa Kỳ. Trong đó, bài viết chỉ ra bối cảnh quan hệ ngoại giao của chính quyền Sài Gòn với đồng minh Hoa Kỳ, đặc biệt là sau các cuộc đàm phán hòa bình với Hà Nội và những diễn biến chính trị giữa các Đảng phái Hoa Kỳ. Chính quyền Sài Gòn đã có những động thái để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế trong bối cảnh tồn tại nhiều thách thức của khu vực và thế giới.

Từ đó, tác giả kết luận rằng một chính sách đối ngoại hiệu quả chỉ là một trong nhiều điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại khó thành hiện thực của chính quyền miền Nam Việt Nam. Và trên thực tế, việc Sài Gòn thất bại trong nỗ lực tìm kiếm tính chính danh từ các quốc gia khác trong bối cảnh sự bất mãn trong nước ngày càng gia tăng cho thấy hoạt động ngoại giao hiệu quả đòi hỏi phải xuất phát từ nền tảng vững chắc trong nước.

Xem toàn văn nghiên cứu ở đây.

Niklas Swanström et al. (2021) AUKUS- Resetting European Thinking on Indo-Pacific?

Tập hợp phân tích từ nhiều tác giả, báo cáo nhận định AUKUS là cơ hội để Châu Âu thúc đẩy khái niệm “tự chủ chiến lược” vốn còn nhiều tranh cãi và củng cố an ninh và quốc phòng của Châu Âu. Là một hiệp ước an ninh ba bên, AUKUS dường như tập trung nhiều hơn vào quan hệ đối tác quân sự-công nghệ nhằm mục đích giải quyết những lỗ hổng trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng và quản lý chuỗi cung ứng, cùng với sự hợp tác trong lĩnh vực chính trị, giữa ba nền kinh tế chủ chốt: Úc, Vương quốc Anh (UK) và Hoa Kỳ (US). Tuy nhiên AUKUS cũng mang ý nghĩa địa chính trị to lớn đối với châu Âu nói chung. Bên cạnh đó, bài báo cáo cũng đề cập đến những định hướng quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương và các cuộc tranh luận giữa liên minh AUKUS đối với các nước trong khu vực Châu Âu và khu vực Châu Á. Từ đó, thúc đẩy vai trò của Liên minh Châu Âu trong việc nhanh chóng củng cố “tự chủ chiến lược” nhằm hình thành tầm nhìn chiến lược rõ ràng về một khu vực lân cận ổn định và tăng cường cung cấp an ninh ứng phó với các mối đe dọa.

Cuối cùng, báo cáo đã làm rõ được vai trò và chức năng của châu Âu trong các chính sách. Cụ thể như vai trò trung lập của EU trong Chính sách với Trung Quốc, Chính sách và cam kết Châu Á không lấy Trung Quốc làm trung tâm, Chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Vương quốc Anh so với Liên minh Châu Âu, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Liên minh Châu Âu so với Chiến lược của các Quốc gia Liên minh Châu Âu; Triển vọng về Công nghệ và Sự phát triển của Liên minh Châu Âu.

Xem toàn văn báo cáo ở đây.

David Scott (2021) European Contributions to Indo-Pacific Maritime Order

Báo cáo xem xét những đóng góp của Châu Âu đối với trật tự hàng hải Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nội dung báo cáo bao gồm hai phần. Thứ nhất, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành một khu vực địa lý ngày càng quan trọng, với một loạt các cường quốc hàng đầu, điều này phản ánh tầm quan trọng địa kinh tế ngày càng tăng của khu vực. Thứ hai, các tổ chức Châu Âu – Pháp, Đức, Hà Lan, Vương quốc Anh và Liên hiệp Châu Âu (EU) – đều đã công bố các chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cụ thể khác nhau để hỗ trợ lợi ích của họ. Tuy nhiên, phản ứng của các nước Châu Âu đối với các thách thức hàng hải liên quan đến Trung Quốc, chẳng hạn như ở Biển Đông, còn quá hạn chế. Báo cáo cũng đã nêu lên thực trạng, giống như Hungary và Hy Lạp, một số quốc gia EU nhỏ hơn đã trở nên phụ thuộc tài chính vào sự hiện diện cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và ngày càng không muốn lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo ở Biển Đông và Sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển. Thông qua đó, Châu Âu cần một cách tiếp cận có nguyên tắc và một cái nhìn dài hạn về lợi ích tổng thể của mình ở Biển Đông và vùng biển rộng lớn hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngoài ra, báo cáo cũng đã liệt kê các chính sách để Châu Âu có thể lựa chọn nhằm bảo vệ lợi ích an ninh trong khu vực và giúp thúc đẩy trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xem toàn văn báo cáo ở đây.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.