Tác giả: Vũ Hải Đăng | RSIS Commentary ngày 6/11/2019
Biên dịch: Lê Xuân Phương | Hiệu đính: Vũ Hải Đăng
Tóm lược
Sự việc bộ phim Abominable có cảnh mô tả bản đồ Đường chín đoạn gây tranh cãi của Trung Quốc đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia Đông Nam Á. Làm thế nào để các công ty quốc tế hoạt động trong khu vực tránh vướng vào những vụ việc tương tự trong tương lai?
———-
BÌNH LUẬN
Trong vòng 5 ngày từ 13-17/10/2019, ba quốc gia Đông Nam Á đã phản đối bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em “Abominable”, do hãng DreamWorks của Mỹ và Pearl Studio có trụ sở tại Trung Quốc hợp tác sản xuất về Yeti, một Người tuyết ở Himalaya. Nguyên nhân: bộ phim có cảnh mô tả đường chín đoạn gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông mà cộng đồng quốc tế không công nhận. Các cơ quan chức năng của Việt Nam, Philippines và Malaysia đã tiến hành những biện pháp ngăn chặn bộ phim được công chiếu trên lãnh thổ của mình.
Malaysia ngừng chiếu bộ phim tại các cụm rạp trừ khi bản đồ được gỡ bỏ; Philippines cấm chiếu phim; còn Việt Nam thì yêu cầu các rạp chiếu phim thu hồi ấn phẩm. Những phản ứng bất lợi này từ ba nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông trong khu vực chỉ diễn ra vài ngày sau khi kênh thể thao EPSN bị chỉ trích vì chiếu hình ảnh Trung Quốc sử dụng bản đồ đường chín đoạn. Các phản ứng của khu vực đối với tấm bản đồ tái hiện lại những gì đã diễn ra cách đây ba năm khi Trung Quốc lần đầu tiên phát hành hộ chiếu điện tử có đường chín đoạn – ngoại trừ lần này vấn đề liên quan đến các công ty tư nhân nước ngoài.
Mặc dù chiến thuật sử dụng bản đồ để quảng bá các yêu sách lãnh thổ và trên biển đã được chứng minh là ít có hiệu lực pháp lý tại các tòa án quốc tế, nhưng đây vẫn là một biện pháp rất phổ biến được các quốc gia sử dụng. Hệ quả pháp lý trong luật pháp quốc tế của việc sử dụng và quảng bá bản đồ đường chín đoạn đối với các bên tranh chấp ở Biển Đông, cụ thể là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á gì?
Tương tự như vậy, hệ quả pháp lý đối với các công ty tư nhân quốc tế là gì? Có cách nào để giúp các công ty quốc tế không muốn đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp có thể tránh được những sự cố tương tự trong tương lai?
Luật án lệ quốc tế đã chỉ ra rằng bản đồ và các tài liệu bản vẽ khác chỉ có thể được các tòa án và trọng tài quốc tế chấp nhận làm bằng chứng trong những điều kiện rất hạn chế. Ví dụ, khi những bản đồ này là phụ lục được đính kèm hiệp định phân định biên giới hoặc khi chúng được các cơ quan trung lập hoặc ủy ban biên giới vẽ.
Trong mọi trường hợp, các bản đồ liên quan phải chính xác về mặt kỹ thuật và địa lý, điều này rõ ràng không phải là trường hợp của bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc. Đường yêu sách này không có bất kỳ tọa độ địa lý nào và có hình dạng thay đổi theo thời gian. Có lẽ giá trị tốt nhất mà những bản đồ này có thể đem lại đối với Trung Quốc là sự thể hiện yêu sách của nước này ở Biển Đông.
Tuy nhiên, giá trị này cũng rất hạn chế do sự thiếu chính xác và không rõ ràng. Trên thực tế, trong vụ Trọng tài Biển Đông, Tòa trọng tài mặc dù đề cập đến bản đồ đường chín đoạn khi xem xét các lập luận của Trung Quốc, nhưng đã phải tìm đến các nguồn khác như các văn bản pháp lý, các tuyên bố chính thức,… để nhận diện yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phản ứng từ các bên yêu sách Đông Nam Á
Trong khi việc quảng bá bản đồ đường chín đoạn không mang lại nhiều giá trị pháp lý cho Trung Quốc, thì các bên tranh chấp Đông Nam Á cũng không thể im lặng. Các quốc gia này phải có phản ứng để phản đối hoặc bác bỏ bản đồ gây tranh cãi này bất kỳ khi nào họ chính thức “nhìn thấy” nó. Đó là vì các quốc gia này không muốn bị hiểu hoặc hiểu lầm là đã mặc nhiên chấp nhận bản đồ đường chín đoạn này.
Đây cũng là kết luận của Tòa án Công lý Quốc tế trong vụ Preah Vihear. Phản ứng từ chính phủ quốc gia này với chính phủ quốc gia kia thường mang hình thức phản đối bằng văn bản hoặc từ chối đóng dấu lên hộ chiếu với bản đồ đường chín đoạn (giống như trường hợp hộ chiếu Trung Quốc).
Trong khi đó, phản ứng từ chính phủ đến các công ty tư nhân, thường sẽ là các biện pháp có thể dẫn đến những hậu quả gây tốn kém cho các công ty này, chẳng hạn như trong trường hợp của bộ phim Abominable: từ yêu cầu cắt cảnh cho đến kêu gọi tẩy chay hoặc thu hồi bộ phim đã công chiếu.Một ví dụ khác là thương hiệu cao cấp của Pháp Dior cũng vừa phải hứng chịu những lời kêu gọi tẩy chay tại Trung Quốc vì thể hiện bản đồ của đất nước này mà không có Đài Loan.
Làm thế nào để tránh các sự cố tương tự
Mặc dù việc các công ty tư nhân quốc tế như DreamWorks và ESPN, vô tình hay cố ý, sử dụng, sao chép và quảng bá bản đồ đường chín đoạn đều không có hiệu lực pháp lý vì các công ty này không phải là cơ quan chính thức, nhưng những hành động này vẫn có thể có hậu quả chính trị. Trung Quốc có thể sử dụng chúng để biện minh rằng các công ty này ủng hộ các yêu sách của mình ở Biển Đông. Trên thực tế, Trung Quốc đã sử dụng một số bản đồ do các tổ chức tư nhân nước ngoài xuất bản để làm bằng chứng cho sự “công nhận quốc tế” về chủ quyền Trung Quốc.
Ngoại trừ các công ty thực sự muốn ủng hộ Trung Quốc và chấp nhận mất thị trường tại các quốc gia Đông Nam Á, những bên không muốn bị coi là đứng về phía nào trong các tranh chấp ở Biển Đông nên tìm hiểu kỹ về vấn đề địa chính trị khu vực nhạy cảm này.
Các công ty này cần cẩn trọng hơn trong công tác tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của mình để tránh những sự cố tương tự trong tương lai. Một sai lầm “kỹ thuật” như vậy có thể gây ra những tổn thất lớn về kinh doanh và tài chính cho chính các công ty này.
Có lẽ cách an toàn nhất là tránh thể hiện bất kỳ bản đồ nào trên sản phẩm của các công ty, nhưng điều này là phi thực tế đối với một số loại sản phẩm như tờ rơi quảng cáo du lịch, tờ gấp truyền thông về giao thông vận tải và các chỉ dẫn địa lý. Một cách khác là thể hiện tất cả các tuyên bố của các quốc gia có yêu sách trên bản đồ; nhưng đây cũng là một biện pháp rất khó vì bản đồ trông sẽ rất loạn và rất khó đọc.
Một giải pháp khả thi hơn là sử dụng bản đồ do Liên Hợp Quốc xuất bản, ví dụ như các bản đồ do Bộ phận Thông tin Địa lý của Liên Hợp Quốc xuất bản (https://www.un.org/Depts/Cartographic/english/htmain.htm). Được coi là tổ chức quốc tế quyền lực nhất trên thế giới, Liên Hợp quốc có thành viên là tất cả các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông và có lập trường hoàn toàn trung lập với các tranh chấp này.
Bản đồ thế giới của Liên Hợp Quốc (https://www.un.org/Depts/Cartographic/map/profile/world.pdf) không thể hiện lập trường ủng hộ bên nào trong bất kỳ tranh chấp lãnh thổ và biển chưa được giải quyết nào trên thế giới. Bản đồ này cũng không thể hiện bất kỳ yêu sách đơn phương nào. Đây là sự lựa chọn hợp lý để các tổ chức tư nhân quốc tế tránh bị vướng vào vấn đề bản đồ nhạy cảm.
Bài được đăng lần đầu trên trang RSIS Commentary tại https://www.rsis.edu.sg/rsis-publication/rsis/abominable-and-the-nine-dash-line-what-should-yeti-do/
———-
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.