Thực hiện: Nhóm theo dõi thực địa | Dự án Đại Sự Ký Biển Đông
Dữ liệu AIS từ Marine Traffic được tài trợ bởi các nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông trong những tuần vừa qua. Dữ liệu AIS từ Spire được chia sẻ bởi đối tác quốc tế của Dự án.

Trong Bản Tin Chuyển Động Trên Biển Ngày 27/2/2023 có những nội dung sau:
Tàu cá Việt Nam bị phá trên biển Hoàng Sa – Một nỗ lực định vị khu vực xảy ra sự việc
Ít nhất hàng chục tàu định danh tàu cá Trung Quốc đang ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hơn tháng nay
Đang xác minh một tàu tự khai báo là “tàu nạo vét Trung Quốc” đã hoạt động ở khu vực biển miền Trung Việt Nam cả tháng nay
Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 tích cực tham gia phòng chống đánh cá bất hợp pháp… nhưng áp dụng với ngư dân Việt Nam
Hải cảnh 5901 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế Malaysia
Máy bay không người lái Trung Quốc gia tăng tiếp cận không phận Nhật Bản
Máy bay Hạm đội 7 Hoa Kỳ bay qua Eo biển Đài Loan
Quân đội Canada phát hiện phao giám sát của Trung Quốc ở Bắc Cực
—————
Tàu cá Việt Nam bị phá trên biển Hoàng Sa – Một nỗ lực định vị khu vực xảy ra sự việc
Hải cảnh 4301 của Trung Quốc dùng gậy sắt doạ đánh ép ngư dân “chặt nát” dàn lưới “còn mới tinh”, ép phải ký vào “một tờ giấy bằng tiếng Việt” với nội dung tàu cá Việt Nam đã “xâm phạm vùng biển Trung Quốc và chấp hành xử phạt, tịch thu ngư cụ,” sau đó lấy toàn bộ 1,5 tấn cá mực của tàu cá Việt Nam. Đó là những gì đã xảy ra với tàu cá QNa-91829 của ông Huỳnh Văn Khôi (người thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam) khi ông đưa tàu vào một rạn đá thuộc quần đảo Hoàng Sa để neo trú tạm.
Theo lời kể của ông, lúc 10h sáng ngày 19/2/2023, sau khi đánh bắt được 1,5 tấn mực và cá thì gió lớn nổi lên nên ông đưa tàu về một rạn đá thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trên đường vào, bất ngờ một tàu lớn của Trung Quốc mang số hiệu 4301 tìm cách tiếp cận tàu cá của ông, nhóm người trên tàu Trung Quốc thả xuồng nhỏ rồi cầm gậy sắt, mặc sắc phục, loa nhảy lên tàu cá của ông.
Sau khi bị phá ngư cụ, lấy hết cá và một số đồ đạc có giá trị, trưa cùng ngày, tàu của ông Khôi trở về. Tại cảng Kỳ Hà, ông đã trình báo toàn bộ sự việc và được bộ đội biên phòng ghi nhận, xác minh.
Dựa trên lời kể của ông Khôi, Nhóm theo dõi thực địa của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã kiểm tra sơ đồ hành trình của Hải cảnh 4301 vào khoảng thời gian xảy ra việc từ 10 – 13h ngày 19/2. Ước đoán sự việc xảy ra cách Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 3-4 hải lý, cách bờ biển Việt Nam khoảng 170 hải lý, nằm trong khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán phân định ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Sơ đồ cho thấy trong khoảng thời gian này Hải cảnh 4301 chuyển động rất chậm dưới 1-2 hải lý/giờ hoặc có những lúc dừng hẳn. Sau đó tầm khoảng 15h cùng ngày, Hải cảnh 4301 tăng tốc đi về phía bắc. Do có những ngắt quãng về tín hiệu AIS trên bản đồ Marine Traffic nên chúng tôi chưa xác định được thực sự điểm dừng của Hải cảnh 4301. Tầm 17h, Hải cảnh 4301 tiếp tục từ Nhóm Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa di chuyển về phía nam, trong khu vực biển mà Trung Quốc và Việt Nam đang đàm phán phân định ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Cũng theo lời ông Khôi, sở dĩ ông đưa tàu cá tìm nơi neo trú tạm thời vì khi đó gió lớn nổi lên. Theo dữ liệu khí tượng, trong khoảng thời gian xảy ra sự việc, tốc độ gió khi đó ước tính là 38 km/h, nằm ở ranh giới giữa cấp gió số 5 và cấp gió số 6, tức là nằm ở ngưỡng biển có thể động mạnh, nguy hiểm đối với tàu thuyền, nhất là tàu cá nhỏ thô sơ.
Nếu sự việc xảy ra chính xác trong lãnh hải của Đá Lồi, theo lập trường của phía Việt Nam, đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo nguyên tắc đất thống trị biển, quy chế lãnh hải sẽ phải được xét trước quy chế EEZ.
Nếu sự việc xảy ra ngoài lãnh hải của Đá Lồi nhưng nằm về phía Việt Nam của đường trung tuyến giả định giữa bờ biển Việt Nam và đảo Hải Nam, thì về mặt lý thuyết, khu vực đó vẫn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, như lời kể của chủ tàu cá được đề cập ở trên, ông đã bị đe doạ vũ lực ép phải ký vào một tờ giấy xác nhận đó là vùng biển thuộc Trung Quốc.
Theo báo Tuổi Trẻ thuật lại lời của nhiều ngư dân ở Núi Thành (Quảng Nam), “thời gian gần đây lực lượng Trung Quốc gia tăng chèn ép, xua đuổi và đập phá ngư cụ để làm ngư dân Việt Nam nản lòng trên vùng biển Hoàng Sa truyền thống của người Việt.” Trong khi đó, vòng đàm phán tiếp theo về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông sẽ được diễn ra vào tháng 3 tới đây, và đàm phán song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vẫn chưa có tiến triển mới.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi có thêm thông tin mới.
Xem thêm:
Tuổi Trẻ Online ngày 23/2/2023: Tàu cá bị phá trên biển Hoàng Sa, ngư dân tơi tả về bờ
Ít nhất hàng chục tàu định danh tàu cá Trung Quốc đang ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hơn tháng nay
Những tàu định danh “tàu cá” này đậu thành từng cụm ở hai khu vực vùng biển miền Trung và ngoài khơi Côn Đảo, có những lúc chỉ cách vùng biển miền Trung Việt Nam 60 hải lý.
Tra cứu cơ sở dữ liệu được ghi nhận bởi nhiều ứng dụng công nghệ viễn thám khác nhau, ví dụ dữ liệu từ Spire, cho thấy số lượng tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam có thể còn lớn hơn. Một phân tích kỹ hơn về hoạt động của những tàu này đang được thực hiện. Theo Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á có trụ sở tại Hoa Kỳ, những thuyền có ký hiệu Gui Bei Yu từ Bắc Hải đã có lịch sử lâu đời về cả hoạt động dân quân biển lẫn đánh bắt trái phép được trợ cấp bởi nhà nước. Theo tư duy logic thông thường, những tàu cá này đi một đoạn đường dài, tiêu tốn chi phí xăng dầu, và ăn nằm ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ít nhất hơn một tháng, không thể không có mục đích rõ ràng.
Đang xác minh một tàu tự khai báo là “tàu nạo vét Trung Quốc” đã hoạt động ở khu vực biển miền Trung Việt Nam cả tháng nay
Trong cụm tàu Trung Quốc đậu ở khu vực biển miền Trung, có một tàu khai báo danh tính là tàu nạo vét của Trung Quốc (MMSI: 412027666), khởi hành từ Bắc Hải ngày 29/1/2023 xuống khu vực miền trung vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ở đó cho đến nay. Sơ đồ đường đi cho thấy tàu di chuyển rất chậm rãi, dưới 2 hải lý/1 giờ, và chỉ cách bờ biển Việt Nam, khu vực biển Phan Rang, trên dưới 100 hải lý. Con tàu này cũng không xuất phát từ các cảng cá thông thường ở Bắc Hải. Hiện chúng tôi đang tra cứu cơ sở dữ liệu tàu cá để xác minh xem có đúng đây là tàu cá giả danh, hay là tàu nạo vét thật. Nếu là tàu nạo vét thật thì tàu ở khu vực biển đó cả tháng nay để làm gì?
Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 tích cực tham gia phòng chống đánh cá bất hợp pháp… nhưng áp dụng với ngư dân Việt Nam
Theo Báo Hải Quân VIệt Nam, công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU) là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm đang được các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và toàn dân đẩy mạnh thực hiện. Đây cũng là nội dung quan trọng được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia.
Xem thêm:
Hải Quân Việt Nam ngày 26/2/2023: Tích cực bám biển tham gia phòng, chống khai thác IUU
Hải cảnh 5901 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế Malaysia
Theo thông tin từ Raymond M. Powell, Giám đốc Dự án Myoushu tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot, Đại học Stanford, Trung Quốc tiếp tục điều động hai tàu hải cảnh vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia gần Bãi cạn Luconia (Beting Patinggi Ali), trong đó có chiếc lớn nhất thế giới—CCG 5901—trọng lượng 12.000 tấn và đã tiếp cận trong phạm vi 50 hải lý tính từ bờ biển của Malaysia. Tàu Hải quân Hoàng gia Malaysia đã được triển khai để giám sát tàu hải cảnh Trung Quốc.
Xem thêm:The Online Citizen ngày 28/2/2023: China Coast Guard’s 12,000 tonne “Monster” spotted sailing near coast of Sarawak
Máy bay không người lái Trung Quốc gia tăng tiếp cận không phận Nhật Bản
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết trong những năm gần đây, các máy bay không người lái của Trung Quốc bay qua Biển Hoa Đông “gần như mỗi ngày.”
Shigeki Muto, một trung tướng đã nghỉ hưu, từng là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không, cho biết: “Trung Quốc đang tăng tốc hoạt động của máy bay không người lái để chuẩn bị cho chiến đấu thực sự. “Có lo ngại rằng sau khi tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Nhật Bản, Trung Quốc có thể thực hiện các hành vi vi phạm không phận bằng cách sử dụng máy bay không người lái, với mục đích thực hiện quyền kiểm soát hiệu quả đối với quần đảo Senkaku”.
Xem thêm:
The Yomiuri Shimbun ngày 27/2/2023: Chinese Drone Flights Rise Near Japanese Airspace
Máy bay Hạm đội 7 Hoa Kỳ bay qua Eo biển Đài Loan
Một chiếc P-8A Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ đã bay qua Eo biển Đài Loan trong không phận quốc tế vào ngày 27/2/2023 (giờ địa phương), theo thông cáo của Hạm đội 7 Hoa Kỳ. Thông cáo cho biết việc máy bay bay qua Eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Xem thêm:
Hạm đội 7 ngày 26/2/2023: 7th Fleet Aircraft Transits Taiwan Strait
Quân đội Canada phát hiện phao giám sát của Trung Quốc ở Bắc Cực
Lực lượng Vũ trang Canada được cho là đã định vị và lấy được các phao giám sát của Trung Quốc ở Bắc Cực vào mùa thu năm ngoái. Các nhà bình luận phi chính phủ cho rằng các phao có khả năng nhằm giám sát hoạt động của tàu ngầm và đánh giá các điều kiện môi trường như độ dày của băng, nhiệt độ và độ mặn của nước. Đây là những thông tin có thể phục vụ cho cả các chính sách về biến đổi khí hậu lẫn chính sách quân sự. Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm liên tục đến khu vực Bắc Cực cho các hoạt động thương mại và chiến lược, và tình tiết này có thể sẽ gây thêm căng thẳng cho quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh, vốn đã bị hủy hoại bởi các báo cáo về sự can thiệp của Trung Quốc vào chính trị Canada và cáo buộc các hoạt động rửa tiền tại Canada.
Xem thêm:
The Globe and Mail ngày 22/2/2023: Canadian military found Chinese monitoring buoys in the Arctic
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Dựa vào hỗ trợ tài chính từ cộng đồng là cách để chúng tôi có thể tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào tổ chức chính trị hay thương mại nào. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy cần phải có một dự án tri thức độc lập, hãy chung tay với chúng tôi để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.