(Tuần từ 07/03 – 14/03/2022)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Lê Đức Tâm, Đoàn Thị Hằng Ni, Trần Phạm Bình Minh
Biên tập: Phạm Huệ Việt
Tư liệu: South China Sea News

Tải bản PDF ở
—————
Trong Bản Tin Biển Đông Số 97 có những nội dung sau:
I- TRÊN BIỂN
II- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN
III- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
IV- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
V- TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU CỦA CUỘC CHIẾN TRANH NGA – UKRAINE
VI- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
VII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
—————
I- TRÊN BIỂN
Diễn biến khu vực Trung Quốc cấm tàu thuyền qua lại trên bản đồ AIS
Dữ liệu AIS từ Marine Traffic cho thấy có 3 tàu khảo sát, nghiên cứu khoa học biển của nước này hoạt động trong khu vực mà Cục Hải sự Nam Hải đã khoanh vùng tuyên bố tập trận trước đó, bao gồm: tàu Thám Tác 1 (hoạt động từ ngày 7/3), Thám Tác 2 (hoạt động từ ngày 9/3) và Hải Dương Địa Chất 6 (từ ngày 8/3). Đây đều là các tàu có chức năng khảo sát, thăm dò tài nguyên biển, đặc biệt 2 tàu Thám Tác được trang bị tàu lặn. Khu vực tác nghiệp của 3 tàu khảo sát này gần như chỉ tập trung tại vị trí các đảo Hải Nam khoảng hơn 50 hải lý và nằm về phía Trung Quốc nếu đối chiếu với đường trung tuyến bờ – bờ. Có lẽ đây là khu vực mà Trung Quốc được cho là đang tìm kiếm chiếc máy bay Y-8 rơi hồi đầu tháng 3.
Ngoài 3 tàu khảo sát nói trên, có 4 tàu Hải cảnh của Trung Quốc hoạt động trong khu vực tuyên bố tập trận, bao gồm: Hải cảnh 4304 (hoạt động ngày 4/3), Hải cảnh 5901 (từ ngày 2 đến 9/3), Hải cảnh 5304 (từ 3 đến 12/3) và Hải cảnh 5401 (từ ngày 8/3).
Về phía Việt Nam có sự hiện diện của tàu có số hiệu Cảnh sát biển 6006 và số hiệu Kiểm ngư 313 gần khu vực Trung Quốc tuyên bố tập trận.
Tàu hải cảnh 5901, tàu hải cảnh lớn và hiện đại nhất của Trung Quốc, sau đó đã di chuyển xuống quần đảo Trường Sa vào ngày 11/3 và di chuyển tới khu vực phía tây nam bãi Tư Chính từ ngày 12/3 rồi xuống sâu phía nam về phía vùng biển của Indonesia.
Bản đồ Hải quân Hoa Kỳ ngày 10/3/2022
Bản đồ Cập nhật Hải quân của Stratfor hiển thị vị trí gần đúng hiện tại của các Nhóm tàu sân bay tấn công Hoa Kỳ (CSG) và Nhóm sẵn sàng đổ bộ (ARG), dựa trên thông tin nguồn mở có sẵn. Không có thông tin mật hoặc hoạt động nhạy cảm nào được đưa vào bản cập nhật hàng tuần này. CSG và ARG là chìa khóa để Hoa Kỳ thống trị các đại dương trên thế giới. CSG tập trung vào một tàu sân bay với năng lực tấn công. Một ARG tập trung vào ba tàu chiến đổ bộ, với một Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến.
Xem thêm:
Stratfor ngày 10/3/2022: US Naval Update Map: March 10, 2022
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tổ chức diễn tập đổ bộ
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Nhật Bản và Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận đổ bộ kéo dài ba tuần nhằm cải thiện khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng sức mạnh và phạm vi tiếp cận trên biển.
Theo Đại úy Nikki Gallegos, cuộc tập trận sẽ diễn ra đến ngày 25/3/2022 ở miền trung Nhật Bản, là “cuộc tập trận quy mô lớn đầu tiên” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giữa lữ đoàn đổ bộ của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Nhật và Đơn vị viễn chinh 31 của Thuỷ quân Mỹ.
Xem thêm:
Kyodo News ngày 13/3/2022: Japan’s GSDF, US Marines hold amphibious drill as China power grows
Tàu do Trung Quốc đóng trục vớt xác máy bay F-35C của Mỹ ở Biển Đông
Đầu tháng 3/2022, Hải quân Hoa Kỳ cho biết đã trục vớt thành công máy bay F-35C Lightning II bị chìm ở Biển Đông sau sự cố khi đang hạ cánh trên tàu sân bay USS Carl Vinson. Chiếc máy bay chiến đấu tàng hình này đã được kéo lên từ độ sâu 3.780 mét bởi Picasso, một tàu cần cẩu được trang bị tàu lặn không người lái thuộc sở hữu của Ultra Deep Solutions, công ty điều hành tàu xây dựng có trụ sở tại Singapore. Picasso là tàu chuyên dụng phục vụ cứu hộ, lắp đặt, kiểm tra và sửa chữa ở các vùng nước sâu được đóng bởi Merchants Heavy Industries, một trong ba công ty đóng tàu quốc doanh hàng đầu Trung Quốc. Picasso được trang bị thiết bị lặn không người lái tiên tiến được gọi là Curv-21 có thể lặn sâu 3.000 mét và chính thiết bị này đã gắn dây nâng và giá đỡ vào chiếc máy bay sau đó đưa lên bằng cần trục.
Nhà phân tích quân sự Song Zhongping cho biết, Trung Quốc là nước đi đầu trong lĩnh vực đóng tàu, đặc biệt là các tàu chuyên dụng và không có gì ngạc nhiên khi các tàu do nước này sản xuất cũng tham gia vào hoạt động cứu hộ. Trước đó vào năm 2019, một chiếc tàu tương tự do Trung Quốc đóng cũng do Ultra Deep Solutions vận hành là Van Gogh đã tham gia trục vớt chiếc máy bay F-35A của Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản bị rơi ở Thái Bình Dương.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 7/3/2021: The China-built ship that pulled a US Navy jet wreck from the South China Sea
———-
II- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN
Việt Nam phát hiện 228 lượt tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển trong 3 tháng
Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, trong đợt cao điểm từ 1/12/2021 đến 28/2/2022, lực lượng này phát hiện 228 lượt/chiếc tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam. Con số này giảm 120 lượt/chiếc so với cùng kỳ năm 2021.
Xem thêm:
Tiền Phong ngày 9/3/2022: Phát hiện 228 lượt tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam
Tập đoàn dầu khí Việt Nam lo ngại căng thẳng Ukraine ảnh hưởng tới hoạt động phát triển, khai thác mỏ dầu khí
Tại cuộc họp giao ban sản xuất, kinh doanh ngày 7/3/2022, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, nhận định giá dầu tăng đem lại những rủi ro cho ngành dầu khí trong nước. Trước tiên, thị trường giá dầu biến động mạnh, khó dự báo, dẫn tới chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng tới tiêu thụ.
Mặt khác, ngành năng lượng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thiết bị của Nga, nên sẽ gặp phải những khó khăn, rào cản trong tương lai nếu chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế. Việc phát triển mỏ và khoan thăm dò tại một số mỏ dầu có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Xem thêm:
VnExpress ngày 10/3/2022: Dầu khí Việt Nam trước căng thẳng Nga – Ukraine
Reuters ngày 10/3/2022: PetroVietnam says Ukraine-Russia crisis may impact new oil drilling
Việt Nam yêu cầu Đài Loan ngừng diễn tập trái phép tại Trường Sa
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/3/2022 tuyên bố việc Đài Loan tiếp tục tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là hành động “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”, cũng như “kiên quyết phản đối, yêu cầu Đài Loan hủy bỏ hoạt động diễn tập trái phép nêu trên và không tái diễn trong tương lai”.
Xem thêm:
VnExpress ngày 11/3/2022: Việt Nam yêu cầu Đài Loan ngừng diễn tập trái phép tại Trường Sa
Thủ tướng Việt Nam dâng hương tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Chiều ngày 12/3/2022, trong chuyến công tác tại Khánh Hòa, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2022). Cùng ngày, ông Chính cũng tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân và Lữ đoàn 162 của Vùng 4 Hải quân.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa sáng 13/3, ông Chính “đặc biệt lưu ý” việc quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ông Chính khẳng định việc này cần làm “càng sớm càng tốt” và “ngay sau quy hoạch phải dành nguồn lực để thực hiện”. Theo ông Chính, trước mắt cần ưu tiên nguồn lực xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá tại đây; tiếp tục vận động người dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, ổn định cuộc sống lâu dài trên huyện đảo.
Xem thêm:
Báo điện tử Chính phủ ngày 12/3/2022: Thủ tướng dâng hương tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, thăm Lữ đoàn Tàu ngầm và Vùng 4 Hải quân
Báo điện tử Chính phủ ngày 13/3/2022: Quy hoạch, xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Lãnh đạo quân sự Philippines thăm đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa
Quân đội Philippines cho biết Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Andres C. Centino đã đến thăm và động viên tinh thần binh sĩ nước này đang đóng quân tại đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa vào ngày 4/3. Đảo Thị Tứ nằm cách căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc đặt tại đá Subi khoảng 12 hải lý.
Xem thêm:
Bussiness World ngày 6/3/2022: Military chief visits Thitu Island in disputed waterway
Tổng thống Philippines nhắc người kế nhiệm về thỏa thuận với Trung Quốc
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết một người từ Trung Quốc “nhắc nhở” ông về thỏa thuận hợp tác thăm dò giữa hai nước ở Bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa) trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Philippines tháng 5 tới. Ông Duterte cho biết sẽ cam kết thực hiện thỏa thuận đến khi hết nhiệm kỳ ngày 30/6, cũng như nhắc nhở chính quyền kế cận của Philippines tiếp tục tuân thủ thỏa thuận này.
Xem thêm:
SCMP ngày 9/3/2022: South China Sea: New Philippine leader must honor joint exploration agreement with Beijing or face conflict, says Duterte
Philippines tiếp tục hợp đồng mua trực thăng từ Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 9/3/2022 tuyên bố hợp đồng mua 17 chiếc trực thăng Mi-17 trị giá 249 triệu USD của nước này với Nga vẫn sẽ tiếp tục. Hợp đồng này được ký tháng 11/2021. Philippines đã trả khoản tiền đầu tiên vào tháng 1 năm nay.
Xem thêm:
AP ngày 9/3/2022: Philippines to proceed with deal to buy Russian helicopters
Tổng thống Duterte tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Mỹ nếu xung đột Ukraine lan đến Châu Á
Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez ngày 10/3/2022 cho biết Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố nước này sẵn sàng nếu Mỹ yêu cầu hỗ trợ, đặc biệt nếu cuộc khủng hoảng Ukraine lan tới châu Á, và Philippines sẽ đáp ứng mọi cơ sở vật chất, mọi thứ mà Mỹ cần.
Xem thêm:
AP ngày 10/3/2022: Philippines ready to back US if it gets embroiled in war
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hủy chuyến thăm Indonesia vì Ukraine
Theo ông Alman Helvas, chuyên gia về thị trường công nghiệp quốc phòng, cựu đại diện của Jane tại Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đáng ra sẽ tới thăm Indonesia trong tuần này để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, bao gồm xúc tiến thương vụ mua máy bay F-15 của Jakarta. Tuy vậy, cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine đã khiến chuyến thăm tạm hoãn.
Xem thêm:
Tweet của Alman Helvas tại đây
———-
III- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Trung Quốc thành lập cơ sở sửa chữa tên lửa ở Bangladesh
Một thập kỷ sau khi Trung Quốc cung cấp cho Bangladesh các hệ thống tên lửa đất đối không, một cơ sở bảo dưỡng và đại tu sẽ được thiết lập và có thể được nâng cấp như một dây chuyền sản xuất tên lửa cùng dòng và các biến thể tiên tiến của nó.
Bangladesh hiện đang là khách hàng mua vũ khí lớn thứ hai của Trung Quốc.
Xem thêm:
Tribune News Service ngày 17/2/2022: China to set up missile repair base in Bangladesh
Trung Quốc kết thúc họp lưỡng hội
Trong hai ngày 10-11/3/2022, hai kỳ họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (Chính hiệp) Trung Quốc và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc đã khép lại.
Văn bản được quan tâm nhất trong hai kỳ họp này là báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc. Về đối ngoại, báo cáo tiếp tục khẳng định đường lối “độc lập, hòa bình”, “xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại”. Báo cáo nhắc đến cả Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (Global Development Initiative) và Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Về Đài Loan, báo cáo tiếp tục khẳng định lại các chính sách trước đó của Chính phủ Trung Quốc. Báo cáo cũng nhắc đến việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, lẫn định hướng cải cách quân đội – tập trung vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; hậu cần; khoa học công nghệ; hệ thống động viên quốc phòng; nhận thức của công chúng về quốc phòng.
Trọng tâm của báo cáo vẫn nằm ở lĩnh vực kinh tế. Stratfor chỉ ra báo cáo cho thấy Bắc Kinh sẽ tập trung vào sự ổn định về kinh tế trong năm 2022, với mục tiêu tăng trưởng 5,5% – cao so với ước tính trong và ngoài nước. Để thực hiện mục tiêu này, Bắc Kinh dường như sẽ tiếp tục các chính sách của năm 2021, cũng như có hỗ trợ nhất định về mặt tài khóa. Dù vậy, đánh đổi lại, tầm quan trọng của các mục tiêu lâu dài (như chuyển đổi năng lượng, BRI, giải quyết vấn đề nợ của chính quyền địa phương) bị giảm đi.
Cây viết Nadya Yeh của SupChina chỉ ra sự “ổn định” là đường lối chỉ đạo và được thể hiện qua một số phương diện: Về kinh tế, mục tiêu tăng trưởng 5,5% là thấp nhất kể từ năm 1991, nhưng vẫn cao hơn các dự đoán, và cũng nhằm “ra tín hiệu về ý định ổn định nền kinh tế giữa áp lực bất động sản hạ giá và nguy cơ từ cuộc chiến Nga – Ukraine”. Về lương thực và năng lượng, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố việc cắt giảm khí thải “không nên đi kèm cái giá về an ninh năng lượng và lương thực, chuỗi cung ứng, hay cuộc sống và việc làm bình thường của người dân”. Ngoài ra, sự ổn định còn được thể hiện cả về vấn đề Ukraine, các dân tộc thiểu số hay các đặc khu hành chính.
Cây viết Yu Zeyuan của Lianhe Zaobao cũng chỉ ra chữ “ổn” (稳) xuất hiện trên 80 lần trong báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc, và đây cũng là chủ đề chính của kỳ họp lưỡng hội lần này. Ông nhận xét yêu cầu ổn định gắn liền với nhận thức của giới chức Trung Quốc về tình hình thế giới và trong nước với nhiều nguy cơ và thách thức. Bên cạnh kinh tế, sự ổn định còn được thể hiện ở vấn đề Đài Loan, khi giới chức Trung Quốc tin tưởng ưu tiên là phát triển đất nước, trong khi nhiệm vụ thống nhất chưa cấp thiết.
Xem thêm:
Báo cáo công tác của chính phủ Trung Quốc tại đây
Neican ngày 5/3/2022: Government Work Report 2022 (foreign policy & national security)
SupChina ngày 7/3/2022: Stability takes the spotlight at China’s ‘Two Sessions’
ThinkChina ngày 7/3/2022: Stability and growth: Two Sessions’ government work report spells out what China wants
Stratfor ngày 9/3/2022: Beijing Aims for Economic Stability, Policy Continuity and Short-Term Growth. Một bản PDF được lưu trữ tại đây
Tân Hoa xã ngày 10/3/2022: China Focus: China’s top political advisory body wraps up annual session
Nhân dân Nhật báo ngày 11/3/2022: 全国政协十三届五次会议闭幕
Nhân dân Nhật báo ngày 12/3/2022: 十三届全国人大五次会议在京闭幕
Ngoại trưởng Trung Quốc trả lời báo giới bên lề kỳ họp lưỡng hội
Hôm 7/3/2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc trả lời báo giới trong và ngoài nước nhân dịp kỳ họp lưỡng hội. Các câu hỏi ông nhận được bao gồm cả các sáng kiến ngoại giao của Trung Quốc như Vành đai và Con đường, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, quan hệ của Trung Quốc với các khu vực và đối tác chính, các vấn đề nổi cộm liên quan trực tiếp đến Trung Quốc (Đài Loan, Biển Đông), không liên quan trực tiếp (Ukraine, Afghanistan)…
Các tuyên bố của ông Vương chủ yếu nhằm tái khẳng định lại các chính sách của ngoại giao Trung Quốc. Về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, ông Vương tuyên bố Trung Quốc có thái độ “khách quan”, “không thiên vị” và “đánh giá độc lập tình hình”. Ông tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc như tôn trọng hiến chương Liên Hợp Quốc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia, nhu cầu về một kiến trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả, bền vững, (nhưng không chỉ đích danh tới Mỹ hay NATO), giải quyết bằng biện pháp hòa bình…
Về Biển Đông, ông Vương tuyên bố Trung Quốc tự tin vào triển vọng hoàn tất COC. Theo ông, Bộ quy tắc này không chỉ phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, mà còn bảo vệ hiệu quả hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ngoài khu vực. Ông cho rằng các nước cần chú ý tới hai điều: chú ý tới khác biệt và kiên quyết ngăn chặn sự quấy nhiễu, khi một số quốc gia bên ngoài không vui vẻ với COC, không muốn Biển Đông yên bình.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/3/2022: State Councilor and Foreign Minister Wang Yi Meets the Press
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/3/2022: 国务委员兼外交部长王毅就中国外交政策和对外关系回答中外记者提问
Mỹ, phương Tây trở thành chủ đề thảo luận của các đại biểu lưỡng hội Trung Quốc
Qua xem xét biên bản các cuộc thảo luận công khai với báo chí, SCMP chỉ ra các đại biểu tham dự lưỡng hội Trung Quốc có xu hướng nhìn nhận phương Tây đang trên đà suy yếu, cũng như coi Mỹ là nguyên nhân gây ra sự “bất định” cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tuyên bố quân đội nước này sẽ phải đối mặt với cuộc đối đầu “chưa có tiền lệ” giữa các cường quốc. Ông đề cập đến bối cảnh “sự suy yếu của phương Tây và sự nổi lên của phương Đông”, cũng như cho rằng an ninh quốc gia Trung Quốc sắp bước vào thời kỳ chịu áp lực và nguy cơ lớn.
Bí thư đảng ủy Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tề Ngọc (Qi Yu) nhận định Trung Quốc cần tăng ngân sách cho ngoại giao và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đấu tranh” trên trường quốc tế. Ông gọi đây là “sự đầu tư chiến lược”, giúp Trung Quốc thúc đẩy xu hướng “phương Đông nổi lên, phương Tây suy yếu”, định hình trật tự toàn cầu mới và cải thiện môi trường quốc tế.
(Ngân sách ngoại giao Trung Quốc năm 2022 tăng 2,4%, thấp hơn công an (4,7%) hay quốc phòng (7,1%)).
Trong một phiên họp Chính hiệp, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố có sự “tương phản” giữa quản trị có trật tự ở Trung Quốc và sự hỗn loạn đang gia tăng của phương Tây.
Ông Trương Vịnh Thuận (Zhang Rongshun), Phó Trưởng Văn phòng liên lạc của Chính quyền Trung ương tại Macau, ca ngợi sự thể hiện của Trung Quốc về kinh tế như “câu trả lời tốt nhất cho chính sách ngăn chặn thực hiện bởi Mỹ và phương Tây.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam La Bảo Minh tuyên bố Mỹ đang “kiềm chế Trung Quốc trên mọi mặt”. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hi (Li Xi) ca ngợi tỉnh mình “đối phó vững chắc với các tác động của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ”.
Bên cạnh đó, cũng có những tiếng nói mang tính hòa giải. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Phó Oánh (Fu Ying) kêu gọi đảm bảo “môi trường bên ngoài ổn định” để phát triển đất nước.
Xem thêm:
SCMP ngày 9/3/2022: China lawmakers have West’s decline on their minds at ‘two sessions’
Ủy viên Chính hiệp Trung Quốc kêu gọi xây dựng luật về thống nhất Đài Loan
Ông Trương Liên Khởi (Zhang Lianqi), Ủy viên Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, đề xuất xây dựng một luật về thống nhất đất nước để đối phó với vấn đề Đài Loan nhằm “thúc đẩy thống nhất Tổ quốc bằng các biện pháp pháp lý, dù có hòa bình hay không”. Theo ông Trương, luật này sẽ tập trung vào thúc đẩy thống nhất, khác với Luật Chống ly khai tập trung vào chống “Đài Loan độc lập”.
Dù vậy, tại phiên họp lưỡng hội năm nay, Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương không đề cập đến vấn đề này. Ông chỉ kêu gọi phát triển hòa bình quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, phản đối các phần tử “Đài Loan độc lập” và kêu gọi người dân hai bờ eo biển chúng tay thúc đẩy sự nghiệp thống nhất và phục hưng dân tộc.
Xem thêm:
Global Times ngày 4/3/2022: Senior political advisor to propose law on natl reunification to deter Taiwan secessionists at two sessions
SCMP ngày 9/3/2022: ‘Two sessions’ 2022: senior Beijing adviser proposes reunification law amid Taiwan tensions
Quân đội Trung Quốc tuyên bố không khoan nhượng với “Đài Loan độc lập”, bác bỏ “chi tiêu ma” trong quốc phòng
Trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc, đại tá Ngô Khiêm (Wu Qian), phát ngôn viên đoàn đại biểu quân đội và vũ cảnh Trung Quốc, tuyên bố các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc nhằm vào các lực lượng đòi Đài Loan độc lập, không nhằm vào đồng bào Đài Loan. Ông cũng tuyên bố “không khoan nhượng” các phần tử “Đài Loan độc lập” âm mưu “chia rẽ tổ quốc”.
Ngoài ra, ông Ngô cũng tuyên bố việc ngân sách quốc phòng Trung Quốc giữ đà tăng một cách “hợp lý” và “ổn định” là nhằm đối phó với các thách thức an ninh và thực hiện nghĩa vụ của một nước lớn. Ông lên tiếng chỉ trích một số thế lực bên ngoài phóng đại cái gọi là “chi tiêu ma trong quốc phòng”, gọi đây là ảo tưởng “vô căn cứ”.
Xem thêm:
China Military ngày 10/3/2022: PLA has zero tolerance for “Taiwan independence”: Defense Spokesperson
Nhân dân Nhật báo ngày 11/3/2022: 解放军和武警部队代表团新闻发言人答记者问
Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ từ chức vào năm 2023, chưa rõ người kế vị
Tại cuộc họp báo kết thúc cuộc họp thường niên Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trả lời các câu hỏi về tương lai của Trung Quốc, bày tỏ hy vọng về việc giảm căng thẳng với Hoa Kỳ và tuyên bố rằng ông sẽ từ chức thủ tướng vào tháng 3 năm 2023.
Theo phân tích của Stratfor, ông Lý có xu hướng ủng hộ cải cách hơn Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình, điều này đã phần nào cân bằng tác động của các chính sách kiên định của ông Tập. Nếu Lý bị thay thế bởi một người trung thành với Tập – người sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực của chính quyền trung ương và nuôi dưỡng tính cách sùng bái Tập – xu hướng dân tộc chủ nghĩa và chống phương Tây của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục. Nhưng nếu Lý bị thay thế bởi một quan chức tương tự với quan hệ cá nhân lỏng lẻo hơn với Tập, điều này có thể báo hiệu rằng Tập cần xoa dịu sự bất mãn ngày càng tăng của giới tinh hoa trong thời kỳ kinh tế còn nhiều khó khăn. Về mặt kỹ thuật, Lý vẫn còn tuổi để không phải rời khỏi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng ông khó có thể ở lại đó bởi xu hướng lãnh đạo lớn tuổi thường hoặc được thăng chức hoặc bị cách chức.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 11/3, Thủ tướng Trung Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ tương tác với Trung Quốc nhiều hơn và dành cho nhau một số không gian. Ông cũng kêu gọi Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu đối với Trung Quốc.
Xem thêm:
Stratfor ngày 11/3/2022: China: Premier to Step Down in 2023, Successor Unclear
China Trade Monitor ngày 13/3/2022: Chinese Premier Calls for US-China Engagement
Trung Quốc tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu than
Tại một cuộc họp vào cuối tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã nói với các quan chức từ các khu vực khai thác lớn rằng họ muốn tăng năng lực sản xuất trong nước lên khoảng 300 triệu tấn (tương đương với lượng nhập khẩu hàng năm điển hình của Trung Quốc) và xây dựng một kho dự trữ 620 triệu tấn.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 14/3/2022: China Seeks to Cut Reliance on Coal Imports With Mining Boom. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
———-
IV- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Tuyên bố chung về Tham vấn Hoa Kỳ-Vương quốc Anh về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Vào ngày 7-8/3/2022, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc tham vấn cấp cao về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Kurt Campbell và David Quarrey chủ trì.
Xem thêm:
The White House ngày 11/3/2022: Joint Statement on US-UK Consultations on the Indo-Pacific
Hải quân Australia xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân mới
Hải quân Hoàng gia Australia sẽ thiết lập một căn cứ mới trên bờ biển phía đông của nước này (ba địa điểm đang được xem xét là: Brisbane, Newcastle và Port Kembla) để tiếp nhận các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vốn đã được lên kế hoạch và bổ sung cho căn cứ tàu ngầm Garden Island. Thông báo này được đưa ra trong bài phát biểu trực tuyến của Thủ tướng Scott Morrison tại Lowy Institute sau đó là thông cáo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Morrison cho biết quyết định này được đưa ra nhằm hỗ trợ việc bố trí các tàu ngầm hạt nhân trong tương lai nhưng đồng thời nhấn mạnh căn cứ mới không phải để thay thế cho các cơ sở hiện có của Hạm đội Miền Tây. Thủ tướng Australia cũng cho biết quyết định xây dựng căn cứ tàu ngầm mới đã được lên kế hoạch trong nhiều năm qua trong kế hoạch chuyển đổi từ tàu ngầm lớp Collins sang tàu ngầm hạt nhân mới.
Xem thêm:
USNI News ngày 7/3/2021:Australia to Build New Sub Base for Nuclear Attack Boat Fleet
Australia tăng cường quy mô quân đội trong động thái lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Việt Nam
Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo rằng Australia sẽ tăng cường lực lượng quốc phòng 30% lên gần 80.000 quân vào năm 2040, với chi phí khoảng 38 tỷ đô la Úc (21,1 tỷ bảng Anh).
Xem thêm:
The Telegraph ngày 10/3/2022: Australia boosts defence forces by 30pc in ‘biggest military increase since the Vietnam War’. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
The Wall Street Journal ngày 10/3/2022: Australia to Boost Size of Military, Intensifying Effort to Counter China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Tình báo Australia: Trung – Nga “hội tụ chiến lược”
Giám đốc Văn phòng Tình báo Quốc gia Australia Andrew Shearer ngày 9/3/2022 tuyên bố Trung Quốc và Nga đang phát triển “sự hội tụ chiến lược mới”, gây ra nguy cơ xung đột nước lớn. Ông cũng nhận định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như muốn thống trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và chiếm vị trí dẫn đầu thế giới của Mỹ. Theo ông, các mối đe dọa địa chính trị sẽ tập trung vào công nghệ, bao gồm tấn công mạng. Do đó, Australia cần tăng cường khả năng phòng thủ mạng mà không “đóng cửa” với thương mại và chia sẻ thông tin.
Khi được hỏi về bình luận của ông Shearer, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố “không biết tới” bình luận này.
Xem thêm:
Reuters ngày 9/3/2022: Russia, China in ‘strategic convergence’ -Australian intelligence
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne gặp đại sứ mới của Trung Quốc
Ông Tiếu Thiên đã dùng giọng điệu có tính hòa giải trong các bình luận công khai kể từ khi đến Úc vào tháng Giêng, nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ động thái thực chất nào từ Bắc Kinh cũng như bất kỳ sáng kiến nào từ Canberra trong cuộc họp giữa bà Payne và ông Thiên. Bế tắc cơ bản là chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Úc nhượng bộ trong 14 lĩnh vực thuộc chủ quyền của mình trong bối cảnh Úc đang bị Trung Quốc tẩy chay đối với hàng hóa xuất khẩu trị giá hơn 20 tỷ đô la. Úc đã từ chối nhượng bộ.
Xem thêm:
The Sydney Morning Herald ngày 10/3/2022: Marise Payne meets China’s new ambassador Xiao Qian
Đừng quên Trung Quốc trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Canada cảnh báo
Trong một tuyên bố tại Hội nghị Ottawa về An ninh và Quốc phòng vào ngày 11/3/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cho biết ở thời điểm hiện tại, Châu Âu “không phải là vấn đề dẫn đến xung đột duy nhất” đối với an ninh toàn cầu trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. Bên cạnh đó, ông Anita Anand đã viện dẫn các hành vi “cưỡng chế” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trộm cắp tài sản trí tuệ, “hành vi vô trách nhiệm và rất đáng lo ngại trong không gian mạng” và các chiến thuật ngoại giao con tin, chẳng hạn như trường hợp của người Canada Michael Kovrig và Michael Spavor, người đã bị Trung Quốc giam cầm trong hơn 1.000 ngày. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Anand cũng cho biết Canada sẽ hợp tác với Mỹ “trong một chương trình hợp tác mạnh mẽ ngắn hạn” để hiện đại hóa Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) nhằm tăng cường khả năng phòng thủ lục địa, bao gồm cả ở phía Bắc.
Xem thêm:
Toronto Star ngày 11/3/2022: Don’t forget China during Russian invasion of Ukraine, Canada’s defence minister warns | The Star. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Đài Loan nói Trung Quốc tập trung vào Đại hội Đảng hơn là leo thang căng thẳng
Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan cho biết Bắc Kinh quá bận rộn để đảm bảo sự ổn định cho Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay nên sẽ không “đột ngột leo thang căng thẳng [với Đài Bắc] trong ngắn hạn.” Đại hội sắp tới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì dự kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba. Mặc dù vậy, Hội đồng Các vấn đề Đại lục cảnh báo việc Trung Quốc từ chối lên án việc Nga xâm lược Ukraine vẫn cho thấy nguy cơ Trung Quốc có hành động quân sự chống lại Đài Loan.
Xem thêm:
Reuters ngày 9/3/2022: Taiwan says China is too busy with party congress to raise tensions now
———-
V- TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU CỦA CUỘC CHIẾN TRANH NGA – UKRAINE
Axios: Truyền thông Trung Quốc mua quảng cáo Meta, thúc đẩy quan điểm của Nga về chiến tranh
Bài viết trên Axios chỉ ra kênh truyền hình nhà nước CGTN của Trung Quốc đang chạy ít nhất 21 quảng cáo trên Facebook hướng đến người dùng toàn cầu về quan điểm của Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Không rõ CGTN phải trả bao nhiêu tiền cho các đoạn quảng cáo này.
Xem thêm:
Axios ngày 9/3/2022: China’s state media buys Meta ads pushing Russia’s line on war
Trung Quốc kiểm duyệt thảo luận trên mạng về Ukraine, cấm kêu gọi hòa bình
Theo Reuters, cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc đã xóa nhiều bình luận thách thức việc ủng hộ Nga và Tổng thống Putin, cũng như kêu gọi hòa bình trên các mạng xã hội nước này. Trong số những người bị kiểm duyệt có cả những nhân vật, nghệ sĩ nổi tiếng.
Xem thêm:
Reuters ngày 11/3/2022: China censors online Ukraine debate, bars calls for peace
Phương Khả Thành: Những người Trung Quốc chỉ trích Nga tấn công Ukraine sợ lên tiếng
Trả lời phỏng vấn SCMP, tác giả – hiện là Phó giáo sư tại Đại học Trung văn Hong Kong và từng là nhà báo của tờ Nam phương cuối tuần xuất bản tại Quảng Châu – chỉ ra dù phần lớn bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ với cuộc chiến của Nga tại Ukraine, dữ liệu này không đủ để đưa ra kết luận về quan điểm của người Trung Quốc vì chỉ một số ít người đăng tải ý kiến trên mạng xã hội. Những người có quan điểm diều hâu, sô vanh được cho là có nhiều khả năng lên tiếng hơn, trong khi chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt các bài đăng công khai chỉ trích Nga. Các thuật toán của Weibo, WeChat, Douyin… cũng giúp lan rộng thông tin giả, trong khi các mạng xã hội được hưởng lợi từ điều này.
Xem thêm:
SCMP ngày 10/3/2022: Chinese critics of Russian attack on Ukraine frightened to speak out
Maria Repnikova & Wendy Zhou: Mạng xã hội Trung Quốc đang nói gì về Ukraine?
Các tác giả cho rằng tâm lý thân Nga trên mạng xã hội Trung Quốc thực chất là sự che đậy cho những phê bình của người Trung Quốc về sự ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây. Các tuyên bố ủng hộ của người Trung Quốc với Nga đến từ tâm lý chống phương Tây, chống Mỹ, không phải là sự ủng hộ thực chất hay một liên minh giữa Bắc Kinh và Moscow. Các quan chức Trung Quốc không ủng hộ hành động của Nga một cách rõ ràng, nhưng coi đây là kết quả của sự leo thang quân sự do Mỹ gây ra. Trong khi đó, các cuộc tranh luận trên mạng xã hội ít nhằm tới bản thân Nga hay quan hệ Nga – Ukraine hơn là việc NATO và Mỹ dồn Nga vào thế tự vệ. Cả các bình luận chính thức lẫn phi chính thức đều nhấn mạnh đến “tiêu chuẩn kép” của Mỹ và phương Tây. Các tác giả nhận định việc sử dụng các bình luận thân Nga để đối chất lập trường đạo đức của phương Tây phù hợp với các phát ngôn ngoại giao hiếu chiến của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng rút ra nhiều bài học từ sự việc này, thông qua lăng kính cạnh tranh với Mỹ.
Xem thêm:
The Atlantic ngày 11/3/2022: What China’s Social Media Is Saying About Ukraine
Global Times: Chính trị gia Mỹ, truyền thông phương Tây, kẻ gây rối Đài Loan phối hợp thực hiện chiến dịch tin giả nhằm vào đại lục giữa xung đột Nga – Ukraine
Theo điều tra của tờ Global Times, các thế lực từ Mỹ, phương Tây và Đài Loan đang phối hợp thực hiện một “cuộc chiến tin giả”có hệ thống, có chiến lược rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. Các thế lực này dựa vào các nguồn tin giấu tên, phóng đại bình luận cực đoan của một số người dùng Trung Quốc để coi đây là quan điểm của chính phủ Trung Quốc. Họ tuyên truyền các luận điệu như “Trung Quốc biết trước kế hoạch của Nga”, “Trung Quốc là bên hưởng lợi lớn nhất”, “Đài Loan là Ukraine tiếp theo”, “Trung Quốc muốn đem về phụ nữ tháo chạy khỏi Ukraine”…
Ba thế lực được Global Times chỉ đích danh là: 1) Các chính trị gia Mỹ, với chiêu bài dựa vào phỏng đoán và các nguồn tin không kiểm chứng để đưa ra kết luận, hợp tác với truyền thông để phóng đại chúng; 2) Truyền thông phương Tây và một số truyền thông chống Trung Quốc được Mỹ tài trợ, với chiêu bài sử dụng các nguồn tin ẩn danh để đưa ra cáo buộc vô căn cứ, đưa ra “tin giật gân”; 3) Những kẻ gây rối từ Đài Loan, với chiêu bài hợp tác với các nền tảng chống Trung Quốc để lan truyền tin đồn, phóng đại một số bình luận cực đoan, thiên kiến của người Trung Quốc như đại diện tổng thể cho Trung Quốc.
Xem thêm:
Global Times ngày 9/3/2022: GT investigates: US politicians, Western media, Taiwan online trolls co-orchestrated disinformation campaign against Chinese mainland amid Russia-Ukraine conflict
Nhật Bản sửa đổi các quan hệ chiến lược với việc Nga từ ‘đối tác’ trở thành ‘thách thức an ninh’
Nhật Bản đang xem xét việc thay đổi địa vị của Nga từ “đối tác” thành “thách thức an ninh quốc gia” trong Chiến lược An ninh Quốc gia, được lên kế hoạch sửa đổi vào cuối năm 2022. Để đối phó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, chính quyền Trung ương có ý định suy nghĩ lại về cách tiếp cận cơ bản đối phó với Nga, dự kiến sẽ được xếp cùng loại với Triều Tiên và Trung Quốc trong tài liệu chiến lược. Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng cho biết: “Chiến lược hiện tại coi Nga là một quốc gia thân thiện, nhưng chúng tôi không còn có thể thực hiện một cách tiếp cận hào phóng như vậy nữa”.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 6/3/2022: Japan to revise strategic relations with Russia from ‘partner’ to ‘security challenge’
Nhật Bản thay đổi hướng dẫn cung cấp thiết bị quốc phòng trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine
Các quan chức chính phủ cho biết Nhật Bản đã quyết định xem xét lại hướng dẫn của mình về việc chuyển giao thiết bị quốc phòng ra nước ngoài vào ngày 8/3/3022, khi nước này chuẩn bị gửi hàng tiếp tế từ Lực lượng Phòng vệ tới Ukraine. Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết, sau khi sửa đổi Nhật Bản có kế hoạch gửi áo chống đạn và các mặt hàng khác tới Ukraine theo yêu cầu của quốc gia Đông Âu. Kế hoạch sửa đổi đã được công bố tại một cuộc họp của các nhà lập pháp từ Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền trước đó trong ngày.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 8/3/2022: Japan to change defense supply transfer guidelines amid Ukraine crisis | The Japan Times. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Chiến tranh Ukraine khiến các đồng minh của Washington ở Châu Á cứng rắn hơn Trung Quốc
Việc Nga xâm lược Ukraine đã thúc đẩy một số đồng minh thân cận nhất của Washington ở Châu Á đưa ra lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc và củng cố tiếng nói trong đảng cầm quyền của Nhật Bản, trong đó, các quan chức trong đảng cầm quyền của Nhật Bản cho rằng nước này nên cân nhắc việc sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ. Úc và Hàn Quốc cũng có sự thay đổi trong tư duy.
Xem thêm:
Financial Times ngày 10/3/2022: Ukraine war hardens Washington’s Asia allies on China
Cuộc xâm lược của Ukraine thúc đẩy Đức hướng tới tư duy an ninh mới
Trước những hình ảnh về sự tàn phá ở Ukraine sau cuộc sâm lược của Nga, những người Đức theo chủ nghĩa hòa bình trước đây cũng quay lại động thái đại tu quốc phòng và tăng chi tiêu quân sự khi đối mặt với mối đe dọa từ Nga. Bà Lisa Just, một trong những người Đức theo chủ nghĩa hòa bình trước đây, tin rằng Đức nên hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến lại Nga. Bên cạnh đó, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố một quỹ trị giá 100 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội Đức và hứa sẽ chi nhiều hơn mục tiêu của NATO là 2% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước hàng năm cho quốc phòng, so với 1,5% hiện nay – một cam kết mà các nhà phê bình đã yêu cầu trong nhiều năm. Ông cũng tyên bố trước Hạ viện rằng Đức đã phải đón nhận một Zeitenwende – một bước ngoặt lịch sử.
Xem thêm:
Financial Times ngày 5/3/2022: Ukraine invasion nudges Germany towards new security mindset | Financial Times. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
REPowerEU: Hành động chung của Châu Âu về độc lập năng lượng năng lượng
Vào ngày 8/3/2022, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất một phác thảo về kế hoạch giúp Châu Âu độc lập khỏi nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030, bắt đầu từ khí đốt, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. Kế hoạch này cũng vạch ra một loạt các biện pháp nhằm ứng phó với sự tăng giá năng lượng ở Châu Âu và bổ sung lượng khí đốt dự trữ cho mùa đông tới. Kế hoạch REPowerEU tăng khả năng phục hồi của hệ thống năng lượng toàn EU dựa trên hai trụ cột: Thứ nhất, Đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt, thông qua nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đường ống cao hơn từ các nhà cung cấp không phải của Nga, cũng như sản xuất và nhập khẩu khí sinh học và hydro tái tạo với khối lượng lớn hơn; Thứ hai, giảm nhanh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các ngôi nhà, tòa nhà, ngành công nghiệp và hệ thống điện bằng cách tăng cường hiệu quả năng lượng, tăng năng lượng tái tạo và điện khí hóa, đồng thời giải quyết các tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc thực hiện đầy đủ kế hoạch ‘Fit for 55’ đề xuất của Ủy ban sẽ giảm lượng tiêu thụ khí hóa thạch hàng năm của EU xuống 30%, tương đương 100 tỷ mét khối (bcm), vào năm 2030.
Xem thêm:
European Commission ngày 8/3/2022: Joint European action for more affordable, secure energy
Hội nghị Thượng đỉnh EU không chính thức, Versailles, ngày 10-11/3/2022
Vào ngày 10-11/3/2022 đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức ở Versailles, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel chủ trì. Thông qua hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua tuyên bố Versailles nêu rõ cách thức EU có thể thực hiện đúng trách nhiệm của mình và bảo vệ các công dân, giá trị và nền dân chủ của EU cũng như mô hình Châu Âu. Bên cạnh đó, tuyên bố chung cũng nói rõ việc Nga xâm lược Ukraine và vạch ra cách EU có thể tăng cường khả năng quốc phòng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng và xây dựng một cơ sở kinh tế vững chắc hơn.
Xem thêm:
European Council ngày 10-11/3/2022: Informal meeting of heads of state or government, Versailles, 10-11 March 2022
Hoa Kỳ cảnh báo ‘toàn lực lượng’ của NATO sẽ đáp trả nếu Nga tấn công Ba Lan hay thành viên NATO
Sau cuộc tấn công của Nga vào một căn cứ quân sự của Ukraine chỉ cách biên giới với Ba Lan khoảng 10 km, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cảnh báo “Nếu có một cuộc tấn công quân sự vào lãnh thổ NATO, điều này sẽ dẫn đến việc áp dụng Điều 5 và chúng tôi sẽ đưa toàn bộ lực lượng của liên minh NATO để đáp trả.” Ông đang đề cập đến điều khoản của hiệp ước quy định rằng nếu bất kỳ thành viên NATO nào là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang, mọi thành viên khác sẽ coi đó là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả các thành viên.
Xem thêm:
The Wall Street Journal ngày 13/3/2022: US Warns ‘Full Force’ of NATO Would Respond if Russia Hits Poland
Tổng thống Ba Lan: nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine, đây sẽ là động thái “thay đổi cuộc chơi”
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hôm 13/3/2022, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết việc Nga sử dụng vũ khí hóa học hoặc bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào có thể làm “thay đổi cuộc chơi” và có thể khiến NATO phải suy nghĩ nghiêm túc về cách đáp trả.
Xem thêm:
RFERL ngày 13/3/2022: Polish President Says Russian Use Of Chemical Weapons In Ukraine Would Be ‘Game Changer’
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/3/2022: The Kremlin’s Allegations of Chemical and Biological Weapons Laboratories in Ukraine
Disarming Disinformation – United States Department of State
Weapons of Mass Delusion – EU vs DISINFORMATION
US tries to refute ‘rumors’ about its bio-labs in Ukraine, but can we believe it? – Global Times
Nga được cho là đã yêu cầu Trung Quốc viện trợ quân sự trong cuộc xâm lược Ukraine
Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin hôm Chủ nhật ngày 13/3/2022 rằng Nga đã yêu cầu Trung Quốc viện trợ thiết bị quân sự. Các báo cáo trích dẫn các quan chức Mỹ nói rằng Moscow cũng đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ kinh tế để giúp đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Liu Pengyu, nói với các phóng viên rằng ông “chưa bao giờ nghe” về yêu cầu của Nga và rằng Bắc Kinh tìm cách ngăn chặn tình hình “hỗn loạn” ở Ukraine “leo thang hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát”.
Nhiều nhà phân tích nhận định, nếu quả thực có yêu cầu này từ Nga và nếu Trung Quốc đồng ý cung cấp vũ khí cho Moscow, Ukraine sẽ trở thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm đầu tiên trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc
Xem thêm:
The New York Times ngày 13/3/2022: Russia Asked China for Military and Economic Aid for Ukraine War, US Officials Say
Financial Times ngày 13/3/2022: US officials say Russia has asked China for military help in Ukraine
Aljazeera ngày 13/3/2022: Russia counts on sanctions help from China as US warns Beijing
Reuters ngày 13/3/2022: Chinese embassy says has never heard of Russian requests for help
Deutsche Welle ngày 14/3/2022: Russia seeks military aid from China — reports
Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Rome
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã gặp gỡ nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Rome. Cuộc gặp diễn ra một ngày sau khi ông Sullivan cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu giúp Moscow trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây và trong bối cảnh có cáo buộc rằng Moscow đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự, một cáo buộc mà Bắc Kinh bác bỏ.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 14/3/2022: US-China relations: Ukraine casts long shadow as US’ Jake Sullivan meets Beijing’s foreign policy chief Yang Jiechi
Mỹ nói với đồng minh rằng Trung Quốc ra tín hiệu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hỗ trợ quân sự của Nga
Tờ Financial Times dẫn nguồn tin từ các quan chức được cho là biết các điện tín ngoại giao của Mỹ nói rằng Mỹ đã thông báo với các đồng minh về việc Trung Quốc ra tín hiệu sẵn sàng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga để hỗ trợ cuộc xâm lược Ukraine.
Xem thêm:
Financial Times ngày 14/3/2022: US tells allies China signalled openness to provide Russia with military support
Nga là yếu tố làm gia tăng căng thẳng Mỹ – Trung trong lĩnh vực công nghệ
Ngày 8/3/2022, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết chính quyền Biden có thể “đóng cửa” bất kỳ nhà sản xuất chip Trung Quốc nào xuất khẩu hàng hóa sang Nga hoặc Belarus như một động thái leo thang đe dọa đối với các nhà sản xuất chip đến từ Trung Quốc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Nga. Các quan chức an ninh quốc gia Hoa Kỳ còn muốn đặt giới hạn đối với các ngân hàng Hoa Kỳ cho các công ty công nghệ Trung Quốc vay. Theo đó, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan được cho là đã thúc giục Biden cấm đầu tư của Mỹ vào các công ty công nghệ của Trung Quốc thông qua một lệnh hành pháp. Mặc dù, biện pháp này lại chưa nhận được sự đồng tình từ Bộ Tài chính và Bộ Thương mại nhưng một số quỹ và nhà đầu tư đã từ chối đầu tư vào các công ty công nghệ Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Marco Rubio đề xuất Mỹ nên trừng phạt Trung Quốc nếu nước này cho phép Nga sử dụng CIPS để thay thế cho SWIFT.
Xem thêm:
Protocol ngày 11/3/2022: Russia is pushing the US-China tech split way ahead of schedule
Hoảng sợ bán tháo, cổ phiếu Trung Quốc lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2008
Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc tiếp tục bị bán tháo không ngừng vào thứ Hai, bởi mối quan hệ thân thiết của Bắc Kinh với Nga làm tăng rủi ro cho các công ty đại lục vốn đã bị vùi dập bởi những quy định mới của Bắc Kinh.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 14/3/2022: Panic Selling Grips Chinese Stocks in Biggest Plunge Since 2008. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bloomberg ngày 14/3/2022: Alibaba, JD.com, Baidu, Pinduoduo: US-Listed Chinese Stocks Sink Again. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bloomberg ngày 14/3/2022: Wall Street’s China Stock Rout Nears Dot-Com Crash Levels. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Những nỗ lực của Nga nhằm cứu vãn nền kinh tế có thể gây ra những tác động tàn khốc
Mối quan hệ của Nga với nền kinh tế toàn cầu đang nhanh chóng bị cắt đứt bởi các lệnh trừng phạt. Điện Kremlin đã công bố các quy định giới hạn nghiêm ngặt đối với ngân hàng và xuất khẩu nhằm hỗ trợ giá trị đồng tiền đang lao dốc trong tuần này, gây tổn thất cho các doanh nghiệp nước ngoài. Moscow cũng đã tuyên bố thu giữ tài sản của bất kỳ doanh nghiệp nào rời khỏi Nga và cho phép các công ty của họ ăn cắp các bằng sáng chế của phương Tây.
Các chuyên gia cho rằng hậu quả có thể kéo dài sau khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc và làm mất vị thế của Nga trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Xem thêm:
The Hill ngày 13/3/2022: Russia’s efforts to salvage economy could have devastating impacts
Phan Xuân Dũng: Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine tạo nên tình thế bối rối địa chính trị cho Việt Nam
Theo tác giả, cuộc chiến của Nga tại Ukraine là một sự bất ngờ hoàn toàn với Việt Nam và khiến Hà Nội gặp phải nhiều sự bối rối về địa chính trị. Đầu tiên, Việt Nam tránh chọn phe vì có mối quan hệ tốt với mọi bên tham gia xung đột. Thứ hai, Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cân bằng giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ khi căng thẳng giữa các quốc gia này gia tăng, trong khi khác biệt trong quan điểm giữa Nga và Việt Nam về Biển Đông có thể được nới rộng. Thứ ba, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dẫn tới một trật tự thế giới mới ít có lợi hơn cho các nước vừa và nhỏ như Việt Nam.
Xem thêm:
Think China ngày 3/3/2022: Russian invasion of Ukraine poses geopolitical quandaries for Vietnam
Randall Puah: Xung đột Nga – Ukraine: Hàm ý cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam
Tác giả nhận định tài sản của các thể chế tài chính hoặc doanh nghiệp Việt Nam có liên doanh hoặc làm ăn với các thể chế tài chính Nga bị trừng phạt có thể bị giữ ở các thể chế tài chính nước ngoài hoặc không thể giao dịch quốc tế. Trong khi đó, dù các công ty dầu khí Nga chưa bị cấm vận, các công ty dầu khí Việt Nam có làm ăn với Nga có thể bị trực tiếp ảnh hưởng.
Giá xăng cũng sẽ tăng do giá dầu thế giới tăng, làm tăng áp lực lạm phát. Dù Nga không phải thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, các lệnh cấm vận cũng khiến các công ty Việt Nam gặp khó về thanh toán hay vận chuyển. Việc nhập khẩu vũ khí hay các hàng hóa khác của Việt Nam từ Nga cũng có thể bị gián đoạn. Việc Nga cấm các hãng hàng không của Mỹ, Canada hay EU có thể tác động tới các đường bay từ Mỹ/châu Âu tới châu Á, ảnh hưởng du lịch của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo tác giả, kịch bản xung đột kéo dài hoặc một cuộc chiến rộng hơn giữa Nga và NATO có thể đem lại những thách thức lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hay nhà xuất khẩu Việt Nam.
Xem thêm:
Geopolitical Monitor ngày 10/3/2022: Russia-Ukraine Conflict: Implications for Investors and Businesses in Vietnam
Murray Hiebert: Nga xâm lược Ukraine và hậu quả với Đông Nam Á
Tác giả nhận định tác động kinh tế lớn nhất với người dân Đông Nam Á sẽ là lạm phát do giá dầu và khí đốt tăng cao. Bên cạnh đó, Nga và Ukraine là nhà cung cấp sản phẩm nông sản và kim loại dùng cho vật liệu bán dẫn, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt sản phẩm này tại Đông Nam Á. Ngành xuất khẩu điện tử – điện thoại của Việt Nam nói riêng có thể chịu tác động nặng nề hơn, vì các nhà cung cấp chip bán dẫn chính như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều ủng hộ cấm vận Nga. Giá lương thực có thể gia tăng, trong khi ngành nông nghiệp Đông Nam Á có thể bị tác động vì thiếu nguồn cung phân bón từ Nga. Ngành du lịch cũng sẽ chịu tác động do hạn chế chuyến bay, đồng rúp mất giá và khó khăn trong giao dịch. Việc xuất khẩu vũ khí của Nga tới khu vực cũng có thể bị ảnh hưởng, phụ thuộc vào việc Mỹ có miễn trừ Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) cho Việt Nam, Ấn Độ và các quốc gia trong khu vực mua vũ khí của Nga hay không.
Xem thêm:
CSIS ngày 11/3/2022: Fallout in Southeast Asia of Russia’s Invasion of Ukraine
Chiến tranh ở Ukraine sẽ khiến việc quản lý các cuộc khủng hoảng khác trên thế giới trở nên khó khăn hơn
Bên cạnh việc chú ý đến những hậu quả khủng khiếp về con người và chính trị của cuộc xung đột ở Ukraine, thì đã có nhiều ý kiến thảo luận so sánh sự chú ý cực độ tới cuộc xung đột này với sự quan tâm liên tục và suy yếu trong vài năm qua đối với những đau khổ của người dân và các hành động xâm lược ở những nơi khác như Afghanistan, Syria, Yemen, Ethiopia hoặc Somalia. Tuy số người thiệt hại của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine về cơ bản thấp hơn đáng kể so với các cuộc xung đột khác, nhưng mô hình các cuộc tấn công này vốn đã nằm ngoài các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế và số người thiệt hại chắc chắn sẽ tăng lên…Hơn nữa, cuộc khủng hoảng này có khả năng gây ra những tác động địa chính trị đáng kể, có thể làm xấu đi các động lực chính trị của các cuộc xung đột và khủng hoảng khác trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các hình thức bỏ phiếu trong cuộc thảo luận tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về một dự thảo nghị quyết chỉ trích hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine được xem là một điềm báo về sự chia rẽ trong tương lai giữa các khối cường quốc. Hơn nữa, hợp tác đa phương và quản lý khủng hoảng bị đình trệ cũng có thể gây ra nhiều thiệt hại và thậm chí là những cản trở về nhân quyền.
Xem thêm:
World Politics Review ngày 7/3/2022: The Ukraine-Russia War Will Complicate the World’s Other Crises. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
———-
VI- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Võ Kiều Bảo Uyên: Hệ sinh thái biển Việt Nam: Cơ hội phục hồi?
Qua câu chuyện của các ngư dân Việt Nam, tác giả chỉ ra nguồn lợi thủy sản ven bờ biển Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng trong những năm qua do số lượng đánh bắt vượt quá khả năng tái tạo của đàn cá, trong khi chính quyền một thời gian dài lơ là, hoặc không đủ nguồn lực để kiểm soát. Trong khi đó, vùng biển xa bờ không phải lúc nào cũng nhiều cá, trong khi phải đối mặt với các tàu cá vỏ thép lớn Trung Quốc được hải cảnh bảo vệ. Điều này khiến nhiều ngư dân nợ nần chồng chất.
Dù Việt Nam đã có những nỗ lực nhằm chống đánh bắt cá IUU, nguồn lực cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan chuyên trách quá mỏng để kiểm soát các hoạt động đánh bắt của ngư dân. Theo các chuyên gia, chính sách không nên tập trung vào chế tài mà cần phải hướng đến bảo tồn nền sinh thái và chuyển đổi sinh kế cho ngư dân như giảm tần suất hoạt động đánh bắt, giảm số lượng tàu đóng mới, giáo dục con em ngư dân…
Xem thêm:
Tia Sáng ngày 9/3/2022: Hệ sinh thái biển Việt Nam: Cơ hội phục hồi?
Eliot Chen: Quan hệ kinh tế Trung – Nga qua những con số
– Năm 2021, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, nhưng Nga chỉ là đối tác lớn thứ 11 của Trung Quốc.
– Kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 140 tỷ USD. Trung Quốc thâm hụt khoảng 11,7 tỷ USD.
– Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga là nhiên liệu hóa thạch (65%). Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Nga, và là thị trường lớn thứ hai (chỉ sau EU). Về khí hóa lỏng, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba (sau EU và Nhật Bản).
– Nga là nguồn cung nhiên liệu hóa thạch lớn nhất cho Trung Quốc kể từ năm 2016.
– Đường ống “Sức mạnh Siberia” là nguồn cung cấp khí chính nối giữa Nga và Trung Quốc. Đường ống “Sức mạnh Siberia 2” đang được lên kế hoạch.
– Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc sang Nga là máy móc và sản phẩm điện tử.
– Khoảng 13% dự trữ vàng & ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga dưới dạng nhân dân tệ, nhiều nhất trong các loại tiền tệ.
Xem thêm:
The Wire China ngày 6/3/2022: China-Russia By The Numbers. Một bản PDF được lưu trữ tại đây
Chan Kung & He Jun: Trung Quốc bên bờ vực khủng hoảng năng lượng
Theo các tác giả, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu khí từ bên ngoài. Do đó, kể cả khi Bắc Kinh không tham gia vào xung đột, nước này cũng sẽ chịu tác động từ thị trường năng lượng thế giới, vốn chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Bản thân Trung Quốc cũng nhận thức được tầm quan trọng của an ninh năng lượng với đất nước và cố gắng xây dựng hệ thống an ninh năng lượng, bao gồm thỏa thuận mua khí tự nhiên mới đạt được với Nga.
Xem thêm:
World Financial Review ngày 25/2/2022: China on the Verge of Energy Crisis
Trần Học Đông: 15 năm tới là quãng thời gian then chốt để ngành chế tạo Trung Quốc chuyển từ “lớn” sang “mạnh”
Tác giả nhận định ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc hiện nay mới chỉ “lớn” chứ chưa “mạnh”, chủ yếu biểu hiện trên bốn phương diện: 1) Năng lực tự chủ đổi mới sáng tạo còn yếu, đầu tư nghiên cứu phát triển còn thiếu, tỷ lệ đóng góp của đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế còn thấp, phụ thuộc nhiều vào công nghệ then chốt từ nước ngoài; 2) Cơ sở công nghiệp còn yếu, sản phẩm then chốt công nghệ cao phụ thuộc nhập khẩu; 3) Năng lực tận dụng tài nguyên còn thấp; 4) Mức độ điện tử hóa, “mạng lưới hóa”, “thông minh hóa” cần được gấp rút tăng cường.
Theo tác giả, 15 năm tới là quãng thời gian then chốt để ngành chế tạo Trung Quốc chuyển từ “lớn” sang “mạnh”. Tác giả đưa ra một số đề xuất: Tăng cường lên kế hoạch, phân loại và thực thi ở cấp cao; khuyến khích đổi mới sáng tạo độc lập trong doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn thế giới, tăng cường tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, tăng đầu tư nghiên cứu phát triển; xây dựng cơ cấu nghiên cứu phát triển; bồi dưỡng nhân tài ưu tú.
Xem thêm:
Caijing ngày 27/11/2021: 陈学东:未来15年是我国制造业由大变强的关键期. Bản trích dịch của CSIS tại đây
Hồ Nhữ Ngân: Bước tiếp theo trong kiến thiết cường quốc: xây dựng hệ sinh thái đổi mới quốc gia xuất sắc
Trong bài viết, tác giả – người từng là chuyên gia kinh tế trưởng của sàn chứng khoán Thượng Hải – nhận định lĩnh vực đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ của Trung Quốc chưa hỗ trợ đủ cho tăng trưởng kinh tế, trong khi mức độ hiệu quả của các tổ chức đổi mới sáng tạo và hiệu suất đầu tư không cao. Từ quan sát, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo của Mỹ, tác giả đưa ra 3 khuyến nghị cho Trung Quốc: xây dựng hệ thống giá trị xã hội hướng đến đổi mới sáng tạo để “phá băng tư tưởng”; tạo nền tảng qua việc tăng cường cải cách giáo dục, nghiên cứu, nhân lực; cải cách cơ cấu tổ chức các cơ quan khoa học công nghệ then chốt.
Xem thêm:
CSIS ngày 11/12/2021: The Next Step in Superpower Construction: Building an Outstanding National Innovation Ecosystem
———-
VII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Office Director Of National Intelligence (2/2022) Annual Threat Assessment of the U.S. Intelligence Community
Báo cáo thường niên của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ về các mối đe dọa trên toàn thế giới đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ đánh giá trong năm 2022, Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ phải đối mặt với môi trường an ninh toàn cầu ngày càng phức tạp với sự cạnh tranh và xung đột giữa các cường quốc, các mối đe dọa tập thể xuyên quốc gia. Các thách thức này sẽ xuất hiện trong bối cảnh toàn thế giới tiếp tục phải tập trung đối phó với dịch Covid-19 cũng như biến đổi khí hậu và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ toàn cầu.
Một số thách thức đáng chú ý đó là:
– Cạnh tranh và xung đột tiềm tàng giữa các quốc gia vẫn là mối đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và đồng minh. Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên có thể khiến Mỹ và đồng minh phải “trả giá”.
– Tác động kéo dài của Covid-19 sẽ tiếp tục gây căng thẳng cho các quốc gia trên thế giới, đồng thời sẽ thúc đẩy các cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế cũng như bất ổn chính trị, cạnh tranh địa chính trị quốc tế.
– Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sẽ tiếp tục làm bùng phát dịch bệnh, đe dọa an ninh lương thực và an ninh nguồn nước đồng thời làm trầm trọng hơn bất ổn chính trị và khủng hoảng nhân đạo.
– Các thách thức xuyên quốc gia khác có thể đặt ra một loạt các mối đe dọa trực tiếp và gián tiếp đối với Hoa Kỳ. Đó có thể là vấn đề người di cư từ Afghanistan, Mỹ Latinh và các quốc gia nghèo khác, vốn đang quay cuồng vì xung đột và suy thoái kinh tế của đại dịch COVID-19.
– Cuối cùng, ISIS, Al-Qaeda và Iran cùng với các đồng minh của họ có thể tiếp tục âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào người và lợi ích của Hoa Kỳ đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn ở các khu vực như Châu Phi, Trung Đông.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
Cristina L. Garafola (2022) The PLA Airborne Corps in a Joint Island Landing Campaign
Báo cáo nhận định, Quân đoàn Nhảy dù của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến tại eo biển Đài Loan nếu xảy ra với khả năng tác chiến phía sau phòng tuyến đối phương với sự hỗ trợ của Không quân PLA. Khi đã đổ bộ lên đảo, lực lượng dù sẽ chiếm giữ các vị trí quan trọng và hỗ trợ các lực lượng khác để mở rộng phạm vi kiểm soát. Trong nhiều năm gần đây, Quân đoàn Nhảy dù của PLA đã tổ chức lại để cải thiện khả năng cơ động và tấn công với việc tận dụng kho máy bay vận tải lớn của Không quân, đặc biệt là các máy bay Y-20. Ngoài ra, lực lượng Nhảy dù của Trung Quốc cũng đã tăng cường huấn luyện với các bài tập phức tạp hơn kể cả hợp tác với quân đội nước ngoài. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực hiện đại hóa gần đây lực lượng này vẫn ít được chú ý so với lực lượng đổ bộ mặt đất và lực lượng hải quân khi đánh giá về khả năng tấn công Đài Loan.
Báo cáo này cũng đã đánh giá quá trình thay đổi của Quân đoàn Nhảy dù của PLA trong thập kỷ qua cũng như vai trò của lực lượng này trong cuộc tấn công Đài Loan nếu xảy ra với 4 phần chính:
Phần 1: Tóm tắt cơ cấu của Quân đoàn Nhảy dù PLA.
Phần 2: Đánh giá vai trò và nhiệm vụ của Quân đoàn Nhảy dù có thể thực hiện trong chiến dịch đổ bộ lên đảo Đài Loan
Phần 3: Xem xét các nỗ lực tăng cường khả năng của Quân đoàn trong thời gian gần đây.
Phần 4: Thảo luận về những thách thức đối với Quân đoàn Nhảy dù PLA phải vượt qua để thực hiện hiệu quả các hoạt động với quy mô lớn.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.
[…] Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 15/3/2022: Bản tin Biển Đông số 97 […]
LikeLike