(Tuần từ 24/01 – 02/02/2022)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Lê Đức Tâm, Đoàn Thị Hằng Ni, Trần Phạm Bình Minh
Biên tập: Phạm Huệ Việt
Tư liệu: South China Sea News

Đã chơi xuân đừng quản nghĩ chi chi
Khi ngâm nga xáo lộn cổ kim đi
Tùa tám cõi ném về trong một túi
Thơ rằng:
Nước non Hồng Lạc còn đây mãi
Mặt mũi anh hùng há chịu ri
Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi
Sinh thời thế phải xoay nên thời thế
Phùng xuân hội, may ra ừ cũng dễ
Nắm địa cầu vừa một tí con con
Đạp toang hai cánh càn khôn
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà
Hai vai gánh vác sơn hà
Đã chơi chơi nốt, ố chà chà xuân.
Phan Bội Châu (1905)
Tải bản PDF ở
Trong Bản Tin Biển Đông Số 92 có những nội dung sau:
I- TRÊN BIỂN
II- SỰ HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM “AN NINH BIỂN” Ở ĐÔNG NAM Á: TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT
III- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC
IV- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
V- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
VI- QUAN HỆ MỸ – TRUNG QUỐC
VII- QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC
VIII- NGA – TRUNG QUỐC – MỸ
IX- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
X- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH
———-
I- TRÊN BIỂN
Trung Quốc tổ chức tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/1/2022, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Wu Qian cho biết, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành động “khiêu khích” quân sự nào của Mỹ nhằm vào Trung Quốc trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông dự kiến khai mạc vào ngày 4/2 tới. Trước đó, ngày 24/1, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, một lữ đoàn trực thuộc lực lượng Không quân Hải quân của Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam của PLA đã tiến hành diễn tập bay cả ngày và đêm từ sân bay trên đảo Phú Lâm. Bản tin cho biết, vào buổi sáng, 4 máy bay chiến đấu đã tạo thành 2 đội hình trên không, bay ở độ cao thấp gần với mặt biển để tiếp cận mục tiêu và thực hiện các cuộc tấn công giả định trước khi quay trở lại căn cứ vào buổi trưa.
Xem thêm:
Global Times ngày 27/1/2022: PLA ready for US provocations during Beijing Winter Olympics, holds drills in Xisha Islands
Hải cảnh Trung Quốc tiếp tục luân phiên duy trì hiện diện ở Bãi Tư Chính và tiếp cận các lô dầu khí Việt Nam
Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của tàu hải cảnh tại khu vực Bãi Tư Chính để “khẳng định chủ quyền theo đường 9 đoạn” và tiếp tục gây sức ép đối với các hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Tuy nhiên, tần suất tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam đã giảm từ 7 đến 10 ngày so với 3 ngày/ lần trước đây.
Xem thêm:
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 27/1/2022: Hải Cảnh Trung Quốc Tiếp Tục Luân Phiên Duy Trì Hiện Diện Ở Bãi Tư Chính Và Tiếp Cận Các Lô Dầu Khí Việt Nam
Số tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quần đảo Senkaku tăng mạnh sau khi Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh
Theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, tổng số lượt Hải cảnh Trung Quốc đi vào lãnh hải quần đảo Senkaku là 34 lần trong năm 2021, kéo dài 40 ngày. Con số này đã tăng 40% so với năm trước đó, với 24 lần trong 29 ngày.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 3/2/2022: Number of Chinese ships in waters off Senkakus surged since enactment of coast guard law
—–
II- SỰ HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM “AN NINH BIỂN” Ở ĐÔNG NAM Á: TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT
Serie 14 bài viết đăng trên AMTI phân tích các khái niệm an ninh biển được định nghĩa, sử dụng và hình thành ở 7 nước Đông Nam Á (Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan), ASEAN với tư cách một khối, cũng như bốn nước trong nhóm Bộ Tứ, qua đó chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt.
Một số câu hỏi mà các bài viết trả lời bao gồm:
– “An ninh biển” trong ngôn ngữ quốc gia của nước đó?
– Định nghĩa của nước đó về an ninh biển?
– Các tài liệu chủ chốt của nước đó về an ninh biển?
– Các nhân tố trong cách tiếp cận của nước đó với an ninh biển (bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, quản lý nghề cá, quản lý tài nguyên, chống khủng bố, thực thi pháp luật, hoạt động hải quân, răn đe)?
– Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển của nước đó?
– Bổ sung về bối cảnh.
Xem thêm:
AMTI ngày 15/12/2021: Conceptualization of “Maritime Security” in Southeast Asia: Convergence and Divergence
John Bradford: Sự hình thành khái niệm an ninh biển đang phát triển tại Đông Nam Á
Tác giả chỉ ra chưa có một định nghĩa chung về an ninh biển. Tại Đông Nam Á, khái niệm này có thể có phạm vi rộng và được xem như thành tố biển của an ninh quốc gia. Tác giả chỉ ra khái niệm an ninh biển chỉ xuất hiện ở Đông Nam Á trong thập niên 90 của thế kỷ XX, được đưa từ kênh II vào diễn ngôn chính thức. Bước sang thế kỷ XXI, hàng loạt sự kiện khiến nhận thức về mối đe dọa của các nước Đông Nam Á thay đổi, đặt an ninh biển lên vị trí hàng đầu. Đến cuối những năm 2000, khái niệm này đã được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, các “người chơi” ngoài khu vực tại Đông Nam Á – Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia – cũng sử dụng an ninh biển như một khái niệm khung từ những năm 2000. Theo tác giả, khái niệm an ninh biển tại Đông Nam Á thu hút nhiều yếu tố liên quốc gia từ những năm 2000 trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc xấu đi vì tranh chấp lãnh thổ của nước này với một số thành viên ASEAN. Tuy vậy, trái với các nước ngoài khu vực hướng đến cạnh tranh nước lớn, Đông Nam Á quan tâm đến cả các mối đe dọa trên biển là chủ thể nhà nước lẫn phí nhà nước, cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội.
Xem thêm:
AMTI ngày 4/11/2021: Evolving Conceptualizations of Maritime Security in Southeast Asia
Jay Batongbacal: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Philippines
“An ninh biển” trong ngôn ngữ Philippines
Philippines sử dụng tiếng Anh cho văn bản chính thức. Khái niệm “maritime security” được chấp nhận và sử dụng rộng rãi, thường liên quan đến quản trị và thực thi pháp luật, thể hiện mối quan tâm lớn với việc kiểm soát các hoạt động trên biển, thường bao hàm hòa bình và trật tự trên biển.
Định nghĩa chính thức và sử dụng
Khái niệm an ninh biển được định nghĩa trong Chính sách Biển Quốc gia (1994) là “tình trạng mà các tài sản biển, tập quán biển, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và trật tự ở vùng ven biển của quốc gia được bảo vệ, duy trì, giữ gìn và đề cao”.
Các tài liệu chủ chốt
Chính sách An ninh Quốc gia (National Security Policy) và Chiến lược An ninh Quốc gia (National Security Strategy).
Các nhân tố
Bao gồm toàn bộ nhân tố được nhắc đến. “Tài sản biển, tập quán biển” bao gồm bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, quản lý nghề cá và tài nguyên. “Toàn vẹn lãnh thổ” chỉ các hoạt động và sự răn đe hải quân. “Hòa bình và trật tự ở vùng ven biển” chỉ việc chống khủng bố và thực thi pháp luật”. Tuy nhiên, đây là khái niệm trên lý thuyết và có thể có khác biệt trong thực tế.
Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển
Theo những gì rút ra từ Chính sách An ninh Quốc gia, thực tế áp dụng của khái niệm này không toàn diện như lý thuyết. Điều này chủ yếu gây ra bởi quan điểm dựa vào đất liền là chủ yếu trong hoạch định chính sách, cũng như diễn ngôn quản trị biển bị chi phối bởi lực lượng thực thi pháp luật và chuyên gia an ninh.
Bổ sung về bối cảnh
Về bối cảnh trong nước, sự cạnh tranh giữa các chủ thể nội bộ Philippines rất gay gắt, chủ yếu là giữa các cộng đồng giàu và nghèo, góp phần gây ra các vấn đề an ninh biển như đánh bắt cá trái phép hay buôn bán ma túy. Về bối cảnh khu vực, các nước còn nhiều tranh chấp, trong khi chủ nghĩa dân tộc tác động tiêu cực tới hợp tác. Về bối cảnh toàn cầu, vị trí chiến lược của Philippines biến nước này trở thành nơi cạnh tranh giữa các nước lớn.
Xem thêm:
AMTI ngày 4/11/2021: The Philippines’ Conceptualizations of Maritime Security
Nguyễn Nam Dương: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Việt Nam
“An ninh biển” trong ngôn ngữ Việt Nam
Thuật ngữ “an ninh biển” đang được sử dụng, thường được dùng trong mối quan hệ với an ninh quốc gia. Thuật ngữ này đối lập với an ninh đất liền. Bên cạnh đó, thuật ngữ an ninh hàng hải cũng được sử dụng rộng rãi, nhưng không thực sự liên quan tới an ninh quốc gia, mà tới các tuyến đường biển hay tàu biển. Thuật ngữ an ninh biển rộng hơn an ninh hàng hải, nhưng cũng có lúc được dùng thay thế cho nhau, gây ra sự mơ hồ nhất định.
Định nghĩa
Việt Nam không có định nghĩa chính thức về an ninh biển trong các tài liệu của Đảng, Nhà nước hay chính phủ. Tuy vậy, trong 5-10 năm qua, giới chức Việt Nam ngày càng có sự đồng thuận về cách sử dụng thuật ngữ này. Thuật ngữ này cũng gắn với các cuộc thảo luận của giới tinh hoa về an ninh quốc gia. Một số bài viết của các sĩ quan quân đội cấp cao đã tìm cách làm rõ thuật ngữ an ninh biển, trong đó thuật ngữ này gắn chặt vào an ninh quốc gia và an ninh trên Biển Đông, bao gồm mặt truyền thống và phi truyền thống.
Các tài liệu chủ chốt
Sách trắng Quốc phòng 2019, Tuyên bố ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Tuyên bố ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, Luật Dầu khí, Luật Biên giới Quốc gia, Luật Thủy sản, Bộ luật Hàng hải, Luật Biển, Luật Cảnh sát biển.
Các tài liệu trên trình bày nhiều mặt khác nhau của khái niệm an ninh biển tại Việt Nam. Tuy vậy, không tài liệu nào trực tiếp đề cập đến khái niệm an ninh biển.
Các nhân tố
Không có quy định rõ ràng, nhưng có khả năng bao gồm toàn bộ nhân tố được nhắc đến vì Việt Nam có thừa nhận khía cạnh phi truyền thống của an ninh biển.
Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển
Khái niệm an ninh biển chỉ được sử dụng từ cuối những năm 2000. Trước đó, chỉ có khái niệm an ninh hàng hải được sử dụng. Từ những năm 2010, khái niệm này được sử dụng nhiều hơn trong các bài viết về an ninh quốc gia, đặc biệt liên quan tới Biển Đông.
Bổ sung về bối cảnh
Việc khái niệm an ninh biển được sử dụng rộng rãi có thể đến từ hai nguyên nhân: Thứ nhất là sự căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, thứ hai là sự “xã hội hóa” của Việt Nam trong diễn ngôn an ninh ASEAN.
Xem thêm:
AMTI ngày 4/11/2021: Vietnam’s Conceptualizations of Maritime Security
Asyura Salleh: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Brunei
“An ninh biển” trong ngôn ngữ Brunei
Khái niệm an ninh biển thường được đề cập trong văn kiện của Brunei bằng tiếng Anh – ngôn ngữ của các văn bản về an ninh quốc gia. Trong các bài báo hay diễn văn, khái niệm này có thể được dịch sang tiếng Malay là “keselamatan maritim”, trong đó “keselamatan” có cả nghĩa là “an toàn”, nhưng điều này không có nghĩa Brunei ưu tiên an toàn hơn là an ninh – ổn định.
Định nghĩa chính thức và sử dụng
Không có một định nghĩa chung về an ninh biển trong chính phủ Brunei. Các cơ quan nhìn lĩnh vực này qua lăng kính lĩnh vực của mình. Ủy ban về an ninh biển điều phối hoạt động của các cơ quan trong lĩnh vực này.
Các tài liệu chủ chốt
Đạo luật Nghề cá 1973, các sách trắng của Bộ Quốc phòng.
Các nhân tố
Sách trắng Quốc phòng Brunei 2021 liệt kê hàng loạt nhân tố từ khủng bố, cướp biển, xâm nhập trái phép, đánh bắt trái phép buôn bán vũ khí, ma túy và buôn người, cho đến nguy cơ từ tính toán sai lầm và quân sự hóa trên biển.
Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển
Phụ thuộc vào môi trường ngoại vi trực tiếp của đất nước. Sự thay đổi trong môi trường sẽ dẫn đến thay đổi về định nghĩa an ninh biển của Brunei.
Bổ sung về bối cảnh
Là nước có yêu sách ở Biển Đông, Brunei có vị trí bấp bênh vì kích thước và năng lực nhỏ. Nước này phải đối mặt với thách thức thích ứng với những sự tiến triển về an ninh một cách nhanh chóng, cẩn thận để không kích động sự đe dọa của các nước láng giềng. Các lựa chọn của Brunei là các cơ chế điều phối khu vực hay tập trận hải quân đa phương.
Xem thêm:
AMTI ngày 22/11/2021: Brunei Darussalam’s Conceptualizations of Maritime Security
Tharishini Krishnan: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Malaysia
“An ninh biển” trong ngôn ngữ Malaysia
Thuật ngữ thường được dùng trong tiếng Malaysia là “keselamatan maritim”, với “keselamatan” mang cả ý nghĩa an ninh lẫn an toàn. Do đó, thuật ngữ này mang ý nghĩa rộng, cả về mặt quân sự lẫn thương mại của sức mạnh trên biển của Malaysia.
Định nghĩa chính thức và sử dụng
Cho đến nay, giới chức Malaysia không có định nghĩa chính thức về an ninh biển. Thuật ngữ này được sử dụng một cách rộng rãi và linh hoạt bởi nhiều cơ quan, liên quan tới các lợi ích trên biển.
Các tài liệu chủ chốt
Chính sách An ninh Quốc gia (Dasar Keselamatan Negara – DKN), Sách trắng 2019, Đạo luật Cơ quan Thực thi Pháp luật trên biển Malaysia (MMEA), chương trình “15 to 5 Transformation Program”, Chiến lược Quốc phòng Biển, Đạo luật An ninh Biển.
Các nhân tố
Gần như toàn bộ khía cạnh của sức mạnh biển và bảo vệ lợi ích trên biển có thể được coi là thành tố của an ninh biển tại Malaysia. Chúng có thể được chia thành khía cạnh thương mại và quân sự, truyền thống và phi truyền thống. Mọi điều khiến chính phủ phải trả giá/chịu thiệt hại về ngân khố trên biển – kể cả tạo dựng hình ảnh xấu với cộng đồng quốc tế – có thể coi là thành tố của an ninh biển.
Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển
Sự tiến triển này dựa trên lợi ích của Malaysia trong từng giai đoạn cụ thể hay sự kiện nhất định, ví dụ cuộc xung đột tại Lahad Datu (2013) hay đại dịch Covid-19.
Bổ sung về bối cảnh
Các nhiệm vụ quân sự và cảnh sát được phân chia giữa hải quân Malaysia và cơ quan dân sự – MMEA.
Xem thêm:
AMTI ngày 22/11/2021: Malaysia’s Conceptualizations of Maritime Security
Gilang Kembara: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Indonesia
“An ninh biển” trong ngôn ngữ Indonesia
Thuật ngữ “keamanan maritim” hoặc “keamanan laut” được sử dụng trong tiếng Indonesia.
Định nghĩa
Indonesia không có định nghĩa chính thức về an ninh biển. Trong các văn bản chính thức, chính phủ thường ám chỉ khả năng giảm thiểu các mối đe dọa từ cả trong lẫn ngoài nước, cũng như khả năng của Indonesia trong thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực. Sắc lệnh Tổng thống số 16/2017 tạo ra cách hiểu thống nhất khi đề ra 5 trụ cột của phát triển biển tại Indonesia, trong đó an ninh biển là một trụ cột. Trước sắc lệnh này, mỗi cơ quan bộ ngành có một cách hiểu khác nhau, đôi lúc dẫn đến sự khác biệt về quan điểm khi giải quyết vấn đề.
Các tài liệu chủ chốt
Sắc lệnh Tổng thống số 16/2017 về Chính sách Biển Indonesia, Luật số 32/2014 về Biển, Sắc lệnh số 128/2019 về Sách trắng Ngoại giao Biển, Luật số 17/2008 về Hàng hải, Sắc lệnh Tổng thống số 81/2005 thành lập Cơ quan Điều phối An ninh biển Indonesia, Luật số 6/1996 về Lãnh hải Indonesia.
Các nhân tố
Chính phủ Indonesia không nói rõ các nhân tố an ninh biển.
Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển
Khái niệm an ninh biển của Indonesia phát triển toàn diện hơn từ khái niệm an ninh, an toàn hàng hải. Dưới thời Suharto, mối quan tâm chủ yếu của Chính phủ là phát triển và an ninh trên bờ. Hầu hết các định nghĩa và mô tả được chính phủ sử dụng trong lĩnh vực an ninh biển được hình thành dưới thời Tổng thống Jokowi.
Bổ sung về bối cảnh
Văn hóa chiến lược Indonesia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc chiến cách mạng 1945-1949 và thời kỳ dài quân đội giữ quyền lực tuyệt đối sau đó, đặc biệt dưới thời Suharto. Do đó, giới chức Indonesia thường coi mối đe dọa lớn nhất đến từ bên trong. Chỉ sau thời Suharto, Indonesia mới thúc đẩy an ninh biển thành một nhân tố quan trọng của đất nước.
Xem thêm:
AMTI ngày 22/11/2021: Indonesia’s Conceptualizations of Maritime Security
YingHui Lee: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Singapore
“An ninh biển” trong ngôn ngữ Singapore
Singapore sử dụng tiếng Anh cho các văn kiện chính sách. Thuật ngữ “martime security” được sử dụng tương tự các nước nói tiếng Anh khác.
Định nghĩa chính thức và sử dụng
Không có định nghĩa chính thức về an ninh biển tại Singapore. Tuy vậy, có sự nhất trí trong chính phủ Singapore về nội hàm khái niệm này, bao gồm cả an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống. Singapore thiết lập một đội chuyên trách/chỉ huy về an ninh biển dưới sự lãnh đạo của Hải quân Singapore.
Các tài liệu chủ chốt
Không có tài liệu nào định nghĩa về an ninh biển của Singapore. Các tiếp cận toàn chính phủ của nước này về an ninh biển được thể hiện qua hai cơ chế điều phối phản ứng liên cơ quan trước các mối đe dọa: Hệ thống An ninh biển Quốc gia (National Maritime Security System) và Trung tâm Khủng hoảng biển Singapore (Singapore Maritime Crisis Centre – SMCC).
Các nhân tố
Không có tài liệu thống nhất về các nhân tố. Qua các phát biểu, tài liệu chính thức và website của Chính phủ, đảm bảo an ninh các tuyến đường hàng hải để đảm bảo tự do hàng hải và đề phòng khủng bố trên biển là hai thành tố chính. Bên cạnh đó, Singapore cũng quan tâm tới các vấn đề khác như cướp biển, tội phạm trên biển…
Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển
Vụ khủng bố 11/9 và vụ khủng bố Mumbai 2008 giúp hình thành quan điểm về an ninh biển của Singapore, cho thấy mối đe dọa khủng bố từ biển. Các hoạt động khủng bố trên biển thành công ở Đông Nam Á càng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức không gian biển (maritime domain awareness- MDA) và hợp tác khu vực.
Bổ sung về bối cảnh
Sự phụ thuộc mang tính sống còn vào biển giúp hình thành quan điểm về an ninh biển của Singapore. Tuy vậy, dường như có sự thiết kết nối giữa an ninh biển và văn hóa biển. Một chiến lược biển quốc gia có thể kết nối hai vấn đề này.
Xem thêm:
AMTI ngày 1/12/2021: Singapore’s Conceptualization of Maritime Security
Somjade Kongrawd: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Thái Lan
“An ninh biển” trong ngôn ngữ Thái Lan
“An ninh biển” trong tiếng Thái Lan là “ความมั่นคงทางทะเล” (kwarm-mun-kong-tarng-talay), trong đó “kwarm-mun-kong” vốn có nghĩa là ổn định, nhưng trong bối cảnh này cũng có thể được dịch là an ninh. Trong khi đó, “tarng-talay” nghĩa là “liên quan đến biển”.
Định nghĩa
Có thể rút ra định nghĩa từ Kế hoạch An ninh biển quốc gia (2015-2021) là: “đất nước có hoàn cảnh biển thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động trên biển một cách tự do, an toàn và phù hợp để thực hiện lợi ích quốc gia “.
Các tài liệu chủ chốt
Kế hoạch và Chính sách Quốc gia về An ninh Quốc gia (2019-2022) và Kế hoạch An ninh biển Quốc gia (2015-2021).
Các nhân tố
Bao gồm tất cả các nhân tố được nhắc đến.
Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển
Trước Kế hoạch An ninh biển Quốc gia (2015-2021), không có kế hoạch cụ thể nào về an ninh biển mà chỉ có gắn với an ninh quốc gia nói chung. Các kế hoạch trước đó chỉ liên quan đến an ninh quốc gia nói chung. Điều này có nghĩa là có sự nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của lợi ích biển và việc thừa nhận mạnh mẽ hơn an ninh biển như là một mối quan tâm riêng. Sự thừa nhận mới này xuất phát từ vai trò lãnh đạo cá nhân, tầm quan trọng của việc bảo vệ không gian biển và sự hình thành của các chuẩn mực khu vực.
Bổ sung về bối cảnh
Hiện nay, các vấn đề về đánh bắt IUU, người nhập cư trái phép, tìm kiếm cứu nạn, buôn lậu ma túy và bảo vệ, phục hồi ôi trưởng biển có tầm quan trọng đối với chính phủ Thái Lan.
Xem thêm:
AMTI ngày 1/12/2021: Thailand’s Conceptualizations of Maritime Security
Dita Liliansa: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của ASEAN
Định nghĩa
ASEAN không có định nghĩa chính thức về an ninh biển. Khái niệm này trong ASEAN thường gắn với các tội phạm xuyên quốc gia, dù không phải lúc nào cũng vậy. Việc đạt được sự thống nhất không dễ dàng vì có nhiều cơ quan thuộc ASEAN có liên quan tới lĩnh vực này.
Các tài liệu chủ chốt
Tuyên bố ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (1997), kế hoạch hành động về an ninh biển của ARF, Công ước Asean về chống khủng bố (2007), Tuyên bố về Thoả ước ASEAN II (Bali II – 2003), các Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN, tuyên bố của cơ chế ARF, ADMM, ADMM+, Chương trình Hành động Vientiane (2004), Kế hoạch tổng thể APSC (2009, 2015).
Các nhân tố
Khái niệm an ninh biển ở ASEAN rộng, bao gồm nhiều nhân tố, từ bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, quản lý nghề cá, chống khủng bố, thực thi pháp luật đến hoạt động hải quân… Khái niệm này cũng bao hàm cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó an ninh phi truyền thống được chú ý hơn. Khoảng cách giữa an ninh và an toàn là không rõ ràng.
Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển
ASEAN lần đầu tham gia vào cuộc thảo luận về an ninh biển có lẽ thông qua sự thành lập ARF năm 1994, nhưng việc đề cập rõ ràng ở các cơ chế chính của ASEAN chỉ xuất hiện lần đầu vào năm 2003. Hai nguyên nhân chính là sự nổi lên của các vấn đề cướp biển và đánh bắt cá IUU.
Bổ sung về bối cảnh
ASEAN có các đặc điểm: tiếp cận dựa trên 3 trụ cột (chính trị – an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội), có các quan hệ đối tác với các nước bên ngoài, tự định vị mình là trung tâm gây ảnh hưởng trong các tiến trình khu vực.
Xem thêm:
AMTI ngày 1/12/2021: ASEAN Conceptualizations of Maritime Security
David Letts: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Australia
“An ninh biển” trong ngôn ngữ Australia
Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc gia của Australia.
Định nghĩa
Không có định nghĩa chính thức. Các cơ quan có thể sử dụng thuật ngữ này, nhưng không đi kèm định nghĩa, cũng như không có sự thống nhất giữa các cơ quan. Thuật ngữ này gồm 2 khía cạnh riêng biệt: khía cạnh vĩ mô (chủ yếu là về bên ngoài) là mối quan tâm của Bộ Ngoại giao & Thương mại và Bộ Quốc phòng Australia; khía cạnh vi mô (chủ yếu là nội bộ) được giám sát bởi Bộ Nội vụ, Lực lượng Biên giới Australia và nhiều cơ quan hỗ trợ.
Các tài liệu chủ chốt
Hướng dẫn Bố trí An ninh biển Australia (GAMSA) 2020, Sách trắng Chính sách Đối ngoại, Cập nhật Chiến lược Quốc phòng.
Các nhân tố
Bao gồm tất cả các nhân tố được nhắc đến.
Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển
Australia đã đối phó với các thách thức an ninh biển, cả ở cấp độ vĩ mô lẫn vi mô, trong suốt 20 năm qua.
Bổ sung về bối cảnh
Sự thiếu hụt một định nghĩa chung, bao hàm về an ninh biển là một đặc điểm của các nghiên cứu học thuật trong lĩnh vực này. Do đó, việc chính phủ Australia không có một định nghĩa không phải là điều đáng chú ý. Thực tế, điều này có thể có ích khi sự không rõ ràng có thể hỗ trợ nhiều mục tiêu an ninh rộng lớn hơn của chính phủ.
Xem thêm:
AMTI ngày 9/12/2021: Australia’s Conceptualization of Maritime Security
Prakash Gopal: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Ấn Độ
“An ninh biển” trong ngôn ngữ Ấn Độ
Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ. Thuật ngữ “maritime security” được sử dụng giống với các nước nói tiếng Anh khác. Thuật ngữ tương tự trong tiếng Hindi là समुद्री सुरक्षा (samudri suraksha).
Định nghĩa chính thức và sử dụng
Không có định nghĩa chính thức trên toàn quốc về an ninh biển. Tài liệu Học thuyết Biển Ấn Độ của Hải quân Ấn Độ gọi đây là “không có mối đe dọa ở hoặc từ biển”, nhưng đây không có quá nhiều tác dụng như một định nghĩa. Có thể cho rằng thiếu đi sự đồng thuận giữa các cơ quan chính phủ về vấn đề này, đôi lúc dẫn đến mâu thuẫn.
Các tài liệu chủ chốt
Học thuyết Biển Ấn Độ, Đảm bảo An ninh Biển: Chiến lược An ninh biển Ấn Độ.của Hải quân Ấn Độ.
Các nhân tố
Tài liệu chiến lược biển Ấn Độ phân biệt thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó coi khủng bố, cướp biển, đánh bắt IUU, tội phạm trên biển, phổ biến lực lượng vũ trang tư nhân, biến đổi khí hậu và thảm họa tự nhiên là thách thức phi truyền thống với Ấn Độ. Tuy không được đề cập, những lĩnh vực như bảo vệ môi trường hay an toàn hàng hải cũng được công nhận là thách thức an ninh biển.
Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển
Vụ khủng bố Mumbai 2008 là tác nhân quan trọng nhân thay đổi quan điểm về an ninh biển ở Ấn Độ. Trước đó, chính phủ ít quan tâm tới an ninh biển và không thiết lập cơ chế liên cơ quan để giải quyết. Sau vụ tấn công, Ấn Độ nỗ lực tăng cường cơ chế điều phối về an ninh biển, với Hải quân Ấn Độ là cơ quan chủ đạo. Ngoài ra, năng lực của lực lượng cảnh sát biển nước này cũng gia tăng trong những năm qua.
Bổ sung về bối cảnh
Ấn Độ có truyền thống biển phong phú, nhưng bị mai một dưới thời thực dân và sau khi giành độc lập. Hải quân Ấn Độ có vai trò lãnh đạo trong việc hình thành diễn ngôn về an ninh biển, đặc biệt qua các văn kiện. Tuy vậy, vai trò của hải quân là hạn chế trong hình thành một “văn hóa biển” tác động tới mọi cấp chính quyền.
Xem thêm:
AMTI ngày 9/12/2021: India’s Conceptualization of Maritime Security
Kentaro Furuya: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Nhật Bản
“An ninh biển” trong ngôn ngữ Nhật Bản
Thuật ngữ thường được sử dụng là “海洋安全保障 (Kaiyo anzen hosho)”, với “kaiyo” là hải dương, “anzen” là an toàn nói chung, “hosho” là bảo đảm. Ngoài ra, “海上警備 (kaijou keibi)” và “領海警備 (Ryokai keibi)” cũng được dùng trong các ngữ cảnh nhất định.
Định nghĩa chính thức và sử dụng
Không có định nghĩa chính thức về an ninh biển ở Nhật Bản. Tuy vậy, từ này thường xuyên xuất hiện trong các tài liệu chính thức.
Các tài liệu chủ chốt
Kế hoạch Cơ bản về Chính sách biển, Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng, Sách trắng Quốc phòng.
Các nhân tố
Tất cả nhân tố được nhắc đến được coi là thách thức an ninh biển theo Kế hoạch Cơ bản về Chính sách biển. Văn bản này cũng đề ra khái niệm “an ninh biển toàn diện”.
Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển
Định nghĩa về an ninh biển thay đổi theo nhận thức về các đe dọa. Sau Chiến tranh Lạnh, an ninh biển được mở rộng để bao gồm cả các thách thức an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia hay khủng bố. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng phải đối mặt với thách thức trước hoạt động vùng xám của Trung Quốc hay các mối đe dọa với các tuyến đường hàng hải chính của Nhật Bản.
Bổ sung về bối cảnh
Mối đe dọa trên biển lớn nhất với Nhật Bản là hoạt động của Hải cảnh Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku. Bên cạnh đó, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông cũng là vấn đề quan trọng.
Xem thêm:
AMTI ngày 9/12/2021: Japan’s Conceptualization of Maritime Security
Blake Herzinger: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Mỹ
“An ninh biển” trong ngôn ngữ Mỹ
Tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc của chính phủ Mỹ. Thuật ngữ an ninh biển có nghĩa rộng trong giới chính sách Mỹ, có lúc bao gồm tất cả hoạt động hải quân, nhưng thường đề cập tới các nhiệm vụ “an ninh phi truyền thống”.
Định nghĩa chính thức và sử dụng
Mỹ không có định nghĩa chính thức, công khai về an ninh biển. Một số tài liệu cũng đề cập đến vấn đề này, nhưng không đưa ra định nghĩa.
Các tài liệu chủ chốt
Chiến lược Quốc gia về An ninh biển 2005 và các kế hoạch phụ trợ, các chiến lược hải quân, tài liệu “A Cooperative Strategy for 21st Century Seapower” và “Advantage at Sea”.
Các nhân tố
Định nghĩa an ninh biển ở Mỹ thường gắn với các hoạt động hải quân, liên quan tới các hoạt động thấp hơn xung đột vũ trang giữa các quốc gia, và là hoạt động trong thời bình. Bên cạnh đó, ít cơ quan chuẩn bị cho việc đối mặt với các thách thức an ninh biển ngoài định nghĩa hẹp của mình, việc phối hợp liên chính phủ thường cũng rất hạn chế.
Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển
Khoảng 20 năm trước, sau vụ khủng bố 11/9, thuật ngữ này được chú ý trong diễn ngôn an ninh của chính phủ Mỹ. Tuy vậy, kể từ đó, việc định nghĩa và sử dụng thuật ngữ này chưa thể đạt đến mức độ có ý nghĩa. Khái niệm cạnh tranh chiến lược cũng có thể đang gây ra sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ về an ninh biển, hướng tới các mặt trận mới nhằm gây áp lực lên Trung Quốc như đánh bắt IUU hay môi trường.
Bổ sung về bối cảnh
An ninh biển của Mỹ có nhiều chủ thể tham gia từ các cơ quan khác nhau thuộc chính phủ: Bộ Thương mại, Quốc phòng, Năng lượng, An ninh nội địa, Ngoại giao, Giao thông… Các bộ này cũng cần sự hỗ trợ của các bang và chính quyền địa phương. Bộ Quốc phòng giữ vai trò lớn nhất, nhưng khó có thể nhận dạng một “chuỗi chỉ huy” cấp quốc gia về an ninh biển. Di sản vụ khủng bố 11/9 cũng khiến nhiều biện pháp, kế hoạch về an ninh biển dường như tập trung quá mức vào khủng bố, cướp biển và vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong khi không đánh giá đúng mức các vấn đề như đánh bắt IUU hay chia sẻ thông tin.
Xem thêm:
AMTI ngày 15/12/2021: The United States’ Conceptualization of Maritime Security
John Bradford: Sự hình thành khái niệm an ninh biển ở Đông Nam Á: Hàm ý từ sự tương đồng và khác biệt
Tác giả chỉ ra vẫn chưa có sự thống nhất trong định nghĩa an ninh biển. Các nước Đông Nam Á nhìn thuật ngữ này một cách toàn diện hơn, bao gồm toàn bộ thách thức từ chủ thể nhà nước, phi nhà nước cho đến cả thách thức về môi trường, tương ứng với các hoạt động từ quân sự, cảnh sát đến phát triển kinh tế – xã hội. Các nước tuy quan ngại về hành động của Trung Quốc nhưng không phát triển năng lực an ninh biển chỉ để đối phó với Trung Quốc. Trong khi đó, các nước thuộc nhóm Bộ Tứ định nghĩa hẹp hơn, chỉ nhắm đến hoạt động chống lại thách thức từ các chủ thể nhà nước và phi nhà nước. Trên cả mặt nội bộ lẫn đối với an ninh khu vực, việc sử dụng thuật ngữ an ninh biển một cách mơ hồ có một số lợi ích, nhưng cũng đặt ra các vấn đề. Tác giả đề xuất các nước cần lựa chọn từ ngữ để thông điệp rõ ràng nhất có thể trong các tuyên bố về an ninh biển.
Xem thêm:
AMTI ngày 15/12/2021: Maritime Security Conceptualizations in Southeast Asia: The Implications of Convergence and Divergence
—–
III- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC
Indonesia coi các tàu cá Việt Nam, các loại tàu của Trung Quốc là mối đe dọa trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia
Theo Hồ sơ Theo dõi Chính sách Biển của Indonesia năm 2021 và Dự báo 2022 do Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia (IOJI) xuất bản, đánh bắt bất hợp pháp và các mối đe doạ đối với quyền chủ quyền là những thách thức chính đối với sự phát triển của nền kinh tế đại dương bền vững của Indonesia.
Trong suốt năm 2021, IOJI đã phát hiện sự xâm nhập của tàu cá nước ngoài vào vùng biển của Indonesia, đặc biệt Biển Bắc Natuna được coi là dễ bị tổn thương nhất bởi sự đánh bắt “trái phép” của các tàu cá nước ngoài, đặc biệt là từ Việt Nam. Những hoạt động đánh bắt được coi là bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý đã diễn ra không chỉ trong khu vực chồng lấn Vùng Đặc quyền Kinh tế giữa Indonesia và Việt Nam (tranh chấp) mà còn ở các khu vực không tranh chấp. Indonesia và Việt Nam vẫn chưa thống nhất về việc phân định EEZ.
Vụ xâm phạm lớn nhất của tàu cá Việt Nam ở Biển Bắc Natuna vào năm ngoái là vào tháng 4/2021 khi 100 tàu cá Việt Nam bị phát hiện trong khu vực 110 km vuông trên biển hoặc tương đương với một tàu cho mỗi km vuông.
Báo cáo của IOJI cũng cáo buộc các tàu Kiểm ngư Việt nam đã bảo vệ các tàu cá Việt nam, đi xa hơn đến vùng đặc quyền kinh tế không tranh chấp của Indonesia, thể hiện sự ủng hộ của họ đối với hoạt động đánh bắt của tàu cá Việt Nam.
Bên cạnh đó, các loại tàu Trung Quốc cũng là các mối đe doạ đối với quyền chủ quyền của Indonesia ở Biển Bắc Natuna vào năm 2021, bao gồm tàu cá, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, tàu nghiên cứu/khảo sát địa chất, và thậm chí cả tàu quân sự từ tháng 5 đến tháng 11/2021. Cường độ hoạt động của các tàu Trung Quốc cao hơn so với các năm trước. Các mối đe doạ an ninh hàng hải do Trung Quốc gây ra vào năm 2021 trong EEZ của Indonesia được coi là chưa từng có.
Xem thêm:
The Jakarta Post ngày 25/1/2022: Threats to Indonesia’s sovereign rights in EEZ – Inforial
Bộ Quốc phòng Việt Nam bổ nhiệm Tư lệnh Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng
Ngày 24/1/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành quyết định bổ nhiệm Đại tá Lê Dũng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc, Bộ Quốc phòng giữ chức Tư lệnh Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng. Cùng ngày, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng ký quyết định số 125/QĐ-TTg về việc Trung tướng Đinh Thế Cường thôi giữ chức Tư lệnh Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Bộ Quốc phòng.
Bộ tư lệnh Tác chiến Không gian mạng hay còn gọi là Bộ tư lệnh 86 được thành lập theo Quyết định số 1198/QĐ-TTg ngày 15-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng là đơn vị đầu mối giúp Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và công nghệ thông tin trong lực lượng quân đội. Đây là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong “bảo vệ Tổ quốc” trên không gian mạng. Từ khi được thành lập cho đến nay, Bộ tư lệnh 86 đã tham mưu chủ trương, đường lối, các văn bản pháp quy về xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; tham gia xây dựng Luật an ninh mạng năm 2018, các nghị định, thông tư, quy định tạo hành lang pháp lý kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin trong quân đội; trinh sát, phát hiện tình hình, đề xuất giải pháp xử trí tình huống trên không gian mạng kịp thời, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời tham gia có hiệu quả vào việc bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao và âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các “thế lực thù địch”, cơ hội chính trị trên không gian mạng; bảo vệ hạ tầng thông tin trọng yếu quốc gia.
Xem thêm:
Tuổi trẻ ngày 8/1/2018: Việt Nam thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng
VNEXPRESS ngày 8/1/2018: Thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng
Tuổi Trẻ ngày 25/1/2022: Bổ nhiệm tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng – Bộ Quốc phòng
Các hải đội dân quân biển Việt Nam ra quân trực Tết
Theo truyền thông Việt Nam, các hải đội dân quân thường trực của TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị đã lên đường thực hiện nhiệm vụ trực Tết trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trước đó, hôm 24/1/2022, hai hải đội này (cùng hải đội của Quảng Ngãi) đã bế mạc khóa huấn luyện hơn một tháng tại Lữ đoàn 161, Vùng 3 Hải quân. Theo một bài báo trước đó trên Báo Hải quân Việt Nam, các nội dung huấn luyện bao gồm “Cách thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về quốc phòng – an ninh; khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, phương pháp tuần tra, trinh sát, thu thập, xử lý thông tin trên không, trên biển; phối hợp với các lực lượng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ ngư dân, tham gia phòng thủ dân sự, cứu hộ, cứu nạn, vận tải, tiếp tế trên biển; SSCĐ và phục vụ chiến đấu…”. Số học viên được huấn luyện là gần 50 người.
Xem thêm:
Báo Hải quân Việt Nam ngày 17/12/2021: Lữ đoàn 161: Khai mạc huấn luyện hải đội dân quân thường trực
Báo Hải quân Việt Nam ngày 25/1/2022: Lữ đoàn 161 bế mạc huấn luyện hải đội dân quân thường trực
Báo Đà Nẵng ngày 28/1/2022: Tàu Hải đội Dân quân thường trực thành phố lên đường tuần tra, trực Tết
Quân đội nhân dân ngày 28/1/2022: Hải đội Dân quân thường trực tỉnh Quảng Trị sẵn sàng cùng ngư dân vươn khơi đón Tết
Tân Đại sứ Việt Nam tại Mỹ điện đàm với hai quan chức Mỹ phụ trách khu vực
Ngày 25/1/2022, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, tân Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đã điện đàm với Phó Trợ lý Tổng thống Mỹ, Điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Kurt Campbell và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink. Truyền thông Việt Nam cho biết cuộc điện đàm này được tổ chức theo đề nghị của phía Mỹ.
Trong cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về các mặt của quan hệ song phương. Trong khi đó, hai quan chức Mỹ tiếp tục khẳng định mong muốn nâng tầm quan hệ lên tầm mức cao hơn.
Xem thêm:
Thế giới & Việt Nam ngày 25/1/2022: Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng điện đàm với Phó Trợ lý Tổng thống và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc trao đổi điện mừng năm mới
Ngày 25/1/2022, các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã trao đổi điện mừng năm mới âm lịch. Trong thư gửi lãnh đạo Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi hai nước là “cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”, khẳng định “lợi ích chung giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng sâu rộng” và bày tỏ mong muốn “duy trì trao đổi mật thiết, dẫn đường cho mối quan hệ Trung – Việt không ngừng phát triển theo hướng tốt đẹp”. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc dẫn lời Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong thời gian qua, ông và Chủ tịch Tập Cận Bình “đạt được nhận thức chung quan trọng, đã phát huy vai trò dẫn dắt chiến lược quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước Trung – Việt tiếp tục phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định”.
Xem thêm:
CGTN ngày 25/1/2022: Xi Jinping, Nguyen Phu Trong exchange Spring Festival greetings
CRI tiếng Việt ngày 25/1/2022: Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trao đổi thư chúc mừng năm mới Nhâm Dần
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam: Khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ pháp lý quốc tế
Trong bài phỏng vấn, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu chỉ ra từ tiếp thu, tham gia, vận dụng các tổ chức, điều ước và luật pháp quốc tế, Việt Nam đã chuyển sang xây dựng luật chơi, tham gia pháp điển và phát triển luật pháp quốc tế. Trong đó, Việt Nam đã tăng cường sự tham gia tại các diễn đàn pháp lý đa phương. Về sự kiện Tòa Trọng tài thường trực (PCA) thành lập Văn phòng Đại diện tại Việt Nam, ông Hiệu đề ra 4 ý nghĩa lớn: khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; phản ánh thông điệp nhất quán của Việt Nam; tạo điều kiện tiếp cận dịch vụ pháp lý quốc tế của PCA, thể hiện sự ghi nhận và tin tưởng của cộng đồng quốc tế, minh chứng cho vị thế của Việt Nam; mở ra cơ hội đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ pháp lý Việt Nam.
Ông cũng chỉ ra các ưu tiên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bao gồm:
Thứ nhất, tiếp tục phối hợp các bộ, ban, ngành nghiên cứu, xây dựng chủ trương và quan điểm đối với các vấn đề pháp lý quan trọng, mới nảy sinh, liên quan sát sườn tới lợi ích của Việt Nam và các nước đang phát triển, như vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, vấn đề tội phạm mạng.
Thứ hai, tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa sự hiện diện tại các diễn đàn pháp lý quốc tế, tham gia sâu và đóng góp thực chất hơn vào việc nghiên cứu và xây dựng các dự thảo báo cáo, dự thảo Công ước là nền tảng cho luật quốc tế trong tương lai.
Thứ ba, tiếp tục đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ pháp lý quốc tế về chất và lượng với định hướng lâu dài; tạo điều kiện để cán bộ pháp lý của Việt Nam cọ xát, làm việc trực tiếp tại các cơ quan nghiên cứu, các cơ chế xét xử nhằm trau dồi, tích lũy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn, tạo kết nối và xây dựng mạng lưới chuyên gia pháp lý quốc tế trong và ngoài nước.
Xem thêm:
Biên giới lãnh thổ ngày 26/1/2022: Khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ pháp lý quốc tế
Indonesia và Singapore ký thỏa thuận về không phận, hợp tác quốc phòng
Ngày 25/1/2022, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chứng kiến lễ ký các thỏa thuận về không phận, hợp tác quốc phòng và dẫn độ giữa hai nước tại đảo Bintan gần Singapore. Trước đó, hai nước cũng từng ký thỏa thuận quốc phòng tháng 4/2007, nhưng không có hiệu lực do sự phản đối của Quốc hội Indonesia. Với việc thỏa thuận về không phận và dẫn độ thỏa mãn nhiều yêu cầu của Jakarta, nhiều khả năng thỏa thuận quốc phòng lần này sẽ được phê chuẩn.
Theo thỏa thuận quốc phòng, Singapore có quyền tập trận cùng các quốc gia khác ở khu vực Bravo ở Biển Đông 4 năm một lần. Đổi lại, theo thỏa thuận về không phận, Singapore đồng ý chuyển một phần FIR Singapore – vốn bao trùm khu vực quần đảo Riau của Indonesia – cho Indonesia kiểm soát.
Xem thêm:
AP ngày 25/1/2022: Indonesia, Singapore sign key defense, extradition treaties
Các ứng viên Tổng thống Philippines bày tỏ quan điểm về Biển Đông
Ngày 22/1/2022, bốn trong số các ứng viên Tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới tại Philippines đã bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Đông trong một chương trình truyền hình. Tuy vậy, cựu Thượng nghị sĩ Bongbong Marcos, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, không có mặt.
Đương kim Phó Tổng thống Leni Robredo nhận định Philippines nên thúc đẩy Phán quyết tòa trọng tài để hình thành “liên minh các quốc gia” nhằm ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Thượng nghị sĩ Ping Lacson ghi nhận phán quyết là “bền vững” và tuyên bố sự cân bằng quyền lực trên Biển Đông là cần thiết. Ông đề xuất tăng cường liên minh quân sự với các nước “mạnh” như Mỹ, thành viên EU, Nhật Bản hay Australia.
Thượng nghị sĩ Manny Pacquiao tuyên bố phải khẳng định chủ quyền của Philippines ở Biển Đông và đề xuất thêm đối thoại với các bên liên quan.
Thị trưởng Manila Isko Moreno cam kết sẽ có “sự hiện diện của lực lượng vũ trang” trong khu vực nếu ông trở thành Tổng thống. Dù thừa nhận Trung Quốc sẽ không công nhận Phán quyết tòa trọng tài, ông cho biết sẽ đảm bảo để ngư dân Philippines được đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông.
Ngoài ra, cả bốn ứng viên đồng ý khai thác chung với Trung Quốc ở Biển Đông. Bà Robredo cho biết thêm bà chỉ đồng ý nếu có sự công nhận đối với Phán quyết tòa trọng tài.
Thượng nghị sĩ Marcos không xuất hiện trong chương trình. Đội ngũ của ông tố cáo phóng viên “thiên vị”. Các ứng viên thượng nghị sĩ thuộc phe ông Marcos cũng chưa tiết lộ quan điểm về vấn đề Biển Đông, theo South China Morning Post.
Xem thêm:
Philstar ngày 23/1/2022: Presidential bets vow to enforce Philippines’ arbitral award
SCMP ngày 24/1/2022: Philippine presidential front runner Ferdinand ‘Bongbong’ Marcos Jnr ducks South China Sea issue
Các nước phương Tây áp đặt trừng phạt Myanmar vào ngày kỷ niệm đảo chính
Mỹ, Anh và Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Myanmar vào thứ Hai ngày 31/1/2022 là ngày đánh dấu một năm cuộc đảo chính quân sự. Các biện pháp trừng phạt phối hợp nhằm vào các quan chức tư pháp hàng đầu liên quan đến các vụ truy tố gần đây đối với nhà lãnh đạo bị lật đổ của đất nước Aung San Suu Kyi. Mỹ cũng đưa vào danh sách đen bộ phận mua sắm của Bộ Quốc phòng Myanmar và Công ty Dịch vụ và Hậu cần KT, đơn vị vận hành một cảng lớn ở thành phố Yangon. Các biện pháp mới được đưa ra trong bối cảnh một cuộc đình công trên toàn quốc để phản đối sự cai trị của quân đội.
Xem thêm:
AP News ngày 31/1/2022: US sanctions Myanmar judiciary officials on coup anniversary
—–
IV- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Tuyên bố song phương Úc – Anh phản đối cưỡng ép kinh tế, ủng hộ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế
Vào ngày 21/1/2022 đã diễn ra cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Úc và Anh trong khuôn khổ Tham vấn Bộ trưởng Úc-Anh (AUKMIN). Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng tái khẳng định sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, lấy Tổ chức Thương mại Thế giới làm cốt lõi và bày tỏ quan ngại về những thực hành làm suy yếu hệ thống này. Cả hai đều đồng ý thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu và hỗ trợ đa dạng hóa thương mại, đồng thời phản đối việc sử dụng các chính sách và thực hành kinh tế mang tính ép buộc.
Theo quan sát của Benjamin Herscovitch, đây là tuyên bố chung song phương thứ mười bốn mà Australia đạt được nhằm phản đối các hành vi cưỡng bức kinh tế. Nó cũng đánh dấu lần đầu tiên Anh cùng với Australia ra một tuyên bố chung song phương như vậy. Các tuyên bố của G7 nêu lên lo ngại về việc cưỡng bức kinh tế vào tháng 5 và tháng 12/2021 có sự tham gia của Anh. Nhưng sự ép buộc về kinh tế đã không được đề cập trong bài phát biểu từ cuộc họp của Thủ tướng Scott Morrison với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào tháng 5/2021.
Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc ép buộc. Họ bày tỏ sự ủng hộ đối với sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế, với tư cách là một thành viên mà tư cách nhà nước không phải là điều kiện tiên quyết và với tư cách là quan sát viên hoặc khách mời.
Xem thêm:
Toàn văn Tuyên bố chung AUKMIN ngày 21/1/2022
Hoa Kỳ thiết lập ‘mục tiêu chung’ về hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào đầu năm 2022
Phát biểu tại sự kiện của Cục Nghiên cứu Châu Á Quốc gia diễn ra trong tuần trước, Giám đốc cấp cao của Nhà Trắng về Trung Quốc Laura Rosenberger nói rằng chính quyền Biden đang xây dựng một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Những ý tưởng ban đầu về các lĩnh vực hợp tác kinh tế được đề xuất bao gồm tạo thuận lợi thương mại, các tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, giảm thải cacbon và năng lượng sạch, kiểm soát xuất khẩu, thuế và chống tham nhũng.
Xem thêm:
Reuters ngày 19/1/2022: US to set ‘common goals’ on Indo-Pacific economic cooperation in early 2022
Nikkei Asia ngày 20/1/2022: Taiwan wants to join Biden’s Indo-Pacific economic framework. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.
Politico ngày 24/1/2022: Japan’s role in selling Biden’s Indo-Pacific agenda
The Diplomat ngày 19/1/2022: Will South Korea Join the US Effort to Insulate Supply Chains From China?
Brookings ngày 25/1/2022: Biden’s China policy needs to be more than just Trump lite
Hạ viện Mỹ hoàn thiện dự luật đối đầu với Trung Quốc, bao gồm các điều khoản về chất bán dẫn và quan hệ với Đài Loan
Dự luật Cạnh Tranh Hoa Kỳ năm 2022, dài gần 3.000 trang, đã được công bố vào tối thứ ba ngày 25/1/2022. Dự luật có một khoản đầu tư lịch sử nhằm tăng cường sản lượng chất bán dẫn do Hoa Kỳ sản xuất, giải quyết các rủi ro trong chuỗi cung ứng để sản xuất nhiều hàng hóa hơn ở Mỹ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và vai trò lãnh đạo công nghệ của Mỹ, đồng thời củng cố nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ ở trong và ngoài nước. Dự luật có một điều khoản gây tranh cãi về việc thiết lập một quy trình sàng lọc của Chính phủ đối với các khoản đầu tư của Mỹ vào các quốc gia không thân thiện như Trung Quốc.
Dự luật cũng chỉ đạo Ngoại trưởng Mỹ tiến tới việc đổi tên đại sứ quán trên thực tế của Đài Loan tại Washington, Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, thành “Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ”. Bên cạnh đó, Dự luật cho phép dành 10 triệu đô la để tài trợ cho các trung tâm học ngoại ngữ thay thế các Học viện Khổng Tử gây tranh cãi của Trung Quốc, vốn bị giám sát chặt chẽ ở Mỹ trong những năm gần đây do có quan hệ với Chính phủ Trung Quốc. Chương trình này, được đặt theo tên của người đoạt giải Nobel hòa bình quá cố Lưu Hiểu Ba, người bị Trung Quốc cầm tù cho đến trước khi chết, sẽ hỗ trợ tiếng Quan Thoại, Quảng Đông, Tây Tạng, Uyghur, Mông Cổ “và các ngôn ngữ nói hiện đại khác của Trung Quốc”.
Xem thêm:
Toàn văn Dự luật Cạnh tranh 2022
South China Morning Post ngày 26/1/2022: US House finalises bill to confront China, including provisions on semiconductors and Taiwan ties
Politico ngày 25/1/2022: House China bill includes aggressive trade provisions
Speaker Nancy Pelosi ngày 25/1/2022: House Committee Chairs Statement on Unveiling of the America COMPETES Act of 2022
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự định gặp gỡ các công ty quốc phòng Mỹ nhằm đẩy nhanh phát triển vũ khí siêu thanh
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin có kế hoạch vào ngày 3/2/2022 sẽ gặp các giám đốc điều hành của khoảng một chục công ty quốc phòng lớn nhất của Mỹ trong bối cảnh một số thất bại thử nghiệm đã làm chậm quá trình phát triển vũ khí siêu thanh, theo nhiều nguồn tin ẩn danh được cho là có hiểu biết về cuộc họp.
Mục đích của cuộc họp cấp cao này là nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc trang bị những vũ khí bay nhanh trong cuộc đua bắt kịp nhằm bắt kịp những tiến bộ gần đây của Trung Quốc và Nga. Thứ trưởng Quốc phòng Kathleen Hicks sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến này.; Heidi Shyu, một thứ trưởng quốc phòng, người giám sát tất cả quá trình phát triển vũ khí siêu thanh, cũng được cho là sẽ tham dự.
Xem thêm:
Politico ngày 26/1/2022: Austin pushes to fast-track hypersonic missiles as China, Russia make gains
Defense One ngày 26/1/2022: SecDef Austin Summons Hypersonics CEOs
Pháp không mời Mỹ, Trung Quốc tới diễn đàn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Úc có cơ hội hàn gắn quan hệ với Pháp
Pháp đang chuẩn bị cho diễn đàn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào tháng sau, nơi các Bộ trưởng Liên hiệp Châu Âu sẽ gặp 30 ngoại trưởng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Danh sách khách mời của Pháp cho sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 22/2/2022 bao gồm từ những đối thủ nặng ký trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đến các quần đảo như Comoros và Micronesia. Sự kiện sẽ tập trung vào “những thách thức về an ninh và quốc phòng, các vấn đề kỹ thuật số và kết nối, trong bối cảnh của sáng kiến ‘Cổng toàn cầu’ về cơ sở hạ tầng toàn cầu, cũng như các vấn đề toàn cầu”, theo phác thảo của chính phủ Pháp về các ưu tiên của EU đầu năm.
Trung Quốc, Mỹ không nhận được lời mời. Tuy nhiên Úc lại có trong danh sách khách mời mặc dù hai nước đã có những căn thẳng ngoại giao gần đây liên quan đến AUKUS mà hệ quả là Canberra từ bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp và thay thế bằng thoả thuận với Mỹ và Anh. Sự kiện này bởi vậy được cho là mang đến cơ hội khôi phục quan hệ Úc – Pháp.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne vẫn chưa cho biết liệu bà có tham dự hay không, nhưng một phát ngôn viên của Ngoại trưởng nói với ABC rằng “Chúng tôi hoan nghênh lời mời từ Pháp và Liên hiệp Châu Âu tham dự Diễn đàn Bộ trưởng Hợp tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương… Australia rất coi trọng hợp tác với Pháp và với Châu Âu, bao gồm cả ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”
Xem thêm:
Politico ngày 27/1/2022: France snubs China with its Indo-Pacific forum
ABC News ngày 31/1/2022: Foreign Minister Marise Payne to visit France in opportunity to repair relations after submarine spat
Các nghị sĩ Anh có kế hoạch công du Đài Loan
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Anh dự kiến sẽ có chuyến công du đến Đài Loan vào tháng 2. Mặc dù năm ngoái đã có các phái đoàn chính trị tương tự từ các Quốc hội Hoa Kỳ, Pháp, Séc và Châu Âu. Sự xuất hiện của các nghị sĩ Anh tới hòn đảo dân chủ sẽ báo hiệu tầm quan trọng ngày càng tăng của hòn đảo này trong chính sách an ninh đối ngoại của Chính phủ Anh sau Brexit.
Xem thêm:
The Telegraph ngày 28/1/2022: British MPs risk wrath of China with planned trip to Taiwan
Nhật Bản cân nhắc cho Mỹ triển khai máy bay do thám không người lái tới căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ở Kyushu
Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết hôm thứ Sáu ngày 29/1/2022 rằng Tokyo và Washington đang xem xét việc triển khai tạm thời máy bay giám sát không người lái MQ-9 của Không quân Hoa Kỳ tới Căn cứ Không quân Kanoya của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (Maritime Self-Defense Force – MSDF) ở tỉnh Kagoshima. Đây là lần đầu tiên máy bay không người lái của Mỹ được gửi đến một căn cứ của SDF.
Khoảng bảy máy bay không người lái MQ-9 sẽ được triển khai đến căn cứ, với khoảng 100 nhân viên Hoa Kỳ dự kiến sẽ vận hành và bảo trì máy bay, theo các phương tiện truyền thông. Động thái triển khai máy bay không người lái sẽ là “một phần trong nỗ lực cải thiện năng lực giám sát của liên minh,” Kishi nói trong một cuộc họp báo.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 29/1/2022: Japan weighs deploying US spy drones to MSDF base in Kyushu
Không quân Hoa Kỳ – Nhật – Úc tập trận chung
Lực lượng Không quân Thái Bình Dương thông báo trong một tuyên bố hôm thứ Bảy ngày 29/1/2022 rằng Lực lượng Không quân Hoa Kỳ chuẩn bị khởi động Cope North, một cuộc tập trận trên không quy mô lớn với Nhật Bản và Úc bao gồm chiến đấu trên không, triển khai lực lượng và cứu trợ thảm họa.
Theo thông cáo của Không quân Hoa Kỳ, máy bay chiến đấu của cả ba quốc gia sẽ tham gia các nhiệm vụ hỗ trợ đối không và tầm gần. Họ cũng sẽ thực hành tiếp nhiên liệu trên không. Phản công có nghĩa là tấn công các căn cứ không quân của đối phương trong khi yểm trợ trên không liên quan đến việc máy bay tấn công các mục tiêu của đối phương gần các lực lượng mặt đất thân thiện.
Các nhiệm vụ đào tạo này sẽ kết thúc với một cuộc tập trận lớn được thiết kế để tăng cường sự sẵn sàng và khả năng tương tác giữa ba quốc gia, tuyên bố cho biết. Khả năng tương tác lẫn nhau có nghĩa là khả năng lực lượng vũ trang của một quốc gia sử dụng các phương pháp huấn luyện và thiết bị quân sự của quốc gia khác.
Các cuộc tập trận diễn ra sau cuộc tập trận Keen Edge tuần trước với sự tham gia của các lực lượng Hoa Kỳ và Nhật Bản tại Nhật, và cuộc tập trận đổ bộ – tấn công Marine Excercise 2022 đang diễn ra với sự tham gia của các thuỷ thủ và thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ với các lực lượng địa phương ở Philippines.
Xem thêm:
Stripes ngày 31/1/2022: US military drills with Pacific allies send a message to China, expert says
Cuộc gặp công khai lần đầu tiên của Phó Tổng thống Đài Loan và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ
Trong lễ nhậm chức của tân Chủ tịch Honduras Xiomara Castro vào ngày 27/1/2022, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (賴清德) và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã có cuộc gặp gỡ công khai lần đầu tiên. Theo Reuters, Phó Tổng thống Harris nói rằng Phó tổng thống Đài Loan đã tiếp cận bà và cả hai đã nói về những lợi ích chung ở Trung Mỹ và Chiến lược Nguyên nhân gốc rễ của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp từ khu vực này sang Mỹ. Ngoài ra, theo Liberty Times, Phó Tổng thống Harris đã chào Phó tổng thống Đài Loan và tương tác với ông trong khoảng 20 đến 30 giây, khi ông đứng ở hàng ghế đầu gần Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado Quesada và Vua Tây Ban Nha Felipe VI. Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều thông tin mâu thuẫn về việc liệu hai người có gặp nhau hay không.
Xem thêm:
Taiwan News ngày 28/1/2022: Taiwan’s VP Lai meets Kamala Harris for 1st time publicly
Quan chức cấp cao Hoa Kỳ đến thăm Lithuania để thảo luận chống lại ‘sự ép buộc’ của Trung Quốc
Một quan chức cấp cao của Mỹ sẽ đến thăm Lithuania vào tuần tới để thảo luận về việc tăng cường hợp tác kinh tế với quốc gia Baltic nhỏ bé, vốn đang phải đối mặt với áp lực từ Trung Quốc vì thúc đẩy quan hệ với Đài Loan.
Bộ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Thứ trưởng về Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Jose Fernandez sẽ ở Vilnius từ Chủ Nhật đến Thứ Ba, và ở Brussels từ Thứ Tư đến Thứ Sáu, nơi ông cũng sẽ thảo luận với các quan chức EU về những nỗ lực chống lại sự “ép buộc” kinh tế của Trung Quốc.
Xem thêm:
Reuters ngày 29/1/2022: Senior US official to visit Lithuania in show of support over Chinese ‘coercion’
Rishi Sunak theo đuổi thiết lập lại quan hệ với Trung Quốc để thúc đẩy thương mại
Bộ trưởng Tài chính Anh Sunak đã yêu cầu các quan chức Bộ Tài chính khôi phục Đối thoại Tài chính và Kinh tế Anh-Trung, được tổ chức lần cuối vào năm 2019 và sau đó bị đình chỉ trong bối cảnh căng thẳng về Hồng Kông và Covid. Nguồn tin Telegraph xác nhận rằng các ngân hàng lớn – bao gồm HSBC và Standard Chartered – sẽ tìm cách đảm bảo các giấy phép giao dịch có giá trị và các đợt phát hành trái phiếu như một phần của đàm phán thương mại.
Xem thêm:
The Telegraph ngay 29/1/2022: Rishi Sunak bids to reset China relations to boost trade
Đài Loan nói với Trung Quốc: Chúng tôi sẽ không im lặng
Trước thềm Thế vận hội Mùa Đông bắt đầu vào tuần này tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp đã cảnh báo các mối đe dọa quân sự, các chiến dịch thông tin sai lệch và cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang trong năm nay, đồng thời cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng “phá hủy nền dân chủ và mở rộng chủ nghĩa độc tài”.
“Việc Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa đông dường như đang tạo ấn tượng cho cộng đồng quốc tế rằng không có gì xấu đang xảy ra,” ông Wu nói với tờ The Sydney Morning Herald. “Nhưng chúng ta không nên quên về tất cả những hành động tàn bạo hay tội ác diệt chủng hay tội ác chống lại loài người này. Chúng tôi đã theo dõi những vấn đề này rất cẩn thận, chúng tôi sẽ không quên tất cả những điều này chỉ vì Thế vận hội mùa đông. Chúng tôi sẽ không im lặng ”. Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và gọi đây là một chiến dịch bôi nhọ phương Tây.
Tuần trước, Đại sứ mới của Trung Quốc tại Australia Tiếu Thiên nói rằng quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đang ở một điểm mấu chốt quan trọng với “khó khăn và thách thức” cũng như “cơ hội và tiềm năng to lớn”. Phó Thủ tướng Úc Barnaby Joyce hôm qua nói với Sky News rằng trong khi chào đón cử chỉ thiện chí mới, ông sẽ theo đuổi một mối quan hệ hòa bình “với đôi mắt mở to” và không ngây thơ.
Xem thêm:
The Sydney Morning Herald ngày 31/1/2022: China relations: Taiwan’s warning to Beijing ahead of the Winter Olympic Games
Úc tổ chức cuộc họp Bộ Tứ cấp Bộ trưởng Ngoại giao
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken dự kiến sẽ đến Úc vào tháng Hai để gặp những người đồng cấp từ Nhật Bản, Ấn Độ và Úc để thảo luận về điều phối Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chính phủ Úc cho biết hôm thứ Hai.
Cuộc họp hai ngày của các ngoại trưởng Bộ Tứ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden lo ngại về Trung Quốc, căng thẳng với Nga về Ukraine gia tăng ở châu Âu.
Xem thêm:
Reuters ngày 31/1/2022: Australia to host ‘Quad’ meeting of foreign ministers
Úc ủng hộ việc khai thác đất hiếm để giảm bớt sự thống trị về nguồn cung của Trung Quốc
Hôm thứ Tư ngày 2/2/2022, Chính phủ Úc đã đồng ý một khoản vay tài trợ cho dự án trị giá 140 triệu đô la Úc (100 triệu đô la Mỹ) cho mỏ đất hiếm Yangibana ở vùng Gascoyne của Tây Úc. Mỏ đang được thành lập bởi Hastings Technology Metals, một công ty trở thành nhà xuất khẩu khoáng sản đất hiếm lớn thứ hai của Úc.
Xem thêm:
Financial Times ngày 2/2/2022: Australia backs rare earths mine to reduce China’s supply dominance. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
EU vạch ra kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn công nghệ nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo
Margrethe Vestager, giám đốc cạnh tranh của khối, nói với Financial Times rằng chiến lược mới được thiết kế để đảm bảo Châu Âu tiếp tục đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế hướng dẫn sự phát triển của mọi thứ, từ hệ thống nhận dạng khuôn mặt, tiến bộ về năng lượng pin và thế hệ tiếp theo của những đổi mới công nghệ trong lĩnh vực môi trường.
Xem thêm:
Financial Times ngày 2/2/2022: EU to outline tech standards plan to counter China influence. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Big Tech tăng tài trợ cho các tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại của Mỹ
Các công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang đổ tiền vào các tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại lớn nhất ở Mỹ, trong bối cảnh họ tìm cách thúc đẩy lập luận rằng các quy tắc cạnh tranh chặt chẽ hơn sẽ có lợi cho Trung Quốc. Google, Amazon, Facebook và Apple đứng sau việc tăng tài trợ cho bốn trong số các nhóm nghiên cứu uy tín nhất của Washington: Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung tâm An ninh mới của Mỹ, Brookings và Viện Hudson.
Xem thêm:
Financial Times ngày 31/1/2022: Big Tech increases funding to US foreign policy think-tanks. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
—–
V- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Trung Quốc sử dụng cụm từ mới khi nói về chính sách với Đài Loan
Theo bản tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc về hội nghị công tác Đài Loan của ĐCS Trung Quốc ngày 25/1/2022, Uông Dương, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, yêu cầu “quán triệt sâu sắc và thực hiện ‘Phương hướng tổng thể giải quyết vấn đề Đài Loan của Đảng trong thời đại mới’ (新时代党解决台湾问题的总体方略)”. Cụm từ này cũng được sử dụng trong nghị quyết TW6 khóa 19 của ĐCS Trung Quốc tháng 11/2021: “Đồng chí Tập Cận Bình đề xuất hàng loạt tư tưởng trọng yếu, chủ trương chính sách trọng yếu về công tác với Đài Loan, hình thành Phương hướng tổng thể giải quyết vấn đề Đài Loan của Đảng trong thời đại mới”. Ông cũng không đề cập đến cụm từ “nguyên tắc một Trung Quốc” và nhấn mạnh đến các nguy cơ và thách thức ở eo biển Đài Loan. Gần đây, cựu Giám đốc Văn phòng sự vụ Đài Loan của Quốc Vụ Viện Trung Quốc Tôn Á Phu cũng cho biết Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách và chủ trương mới về Đài Loan tại Đại hội đảng lần thứ 20. Chuyên gia Amanda Hsiao tại Crisis Group nhận định có thể Bắc Kinh muốn hành động trước trong vấn đề Đài Loan khi thấy nhiều trở ngại với mục tiêu thống nhất.
Xem thêm:
Bài đăng của bà Amanda Hsiao tại đây
CCTV ngày 25/1/2022: 2022年对台工作会议在京召开 汪洋出席并讲话
Tân Hoa Xã ngày 25/1/2022: CPC leader stresses maintaining initiative, ability to steer cross-Strait relations
Nghị quyết TW6 của ĐCS Trung Quốc: 中共中央关于党的百年奋斗重大成就和历史经验的决议
Trung Quốc ra hướng dẫn thực hiện RCEP
Ngày 26/1/2022, Chính phủ Trung Quốc đã ra hướng dẫn về việc thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Theo đó, nước này sẽ thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận với chất lượng cao, cũng như tăng cường cải cách qua mở cửa.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 26/1/2022: China issues guideline to promote high-quality RCEP implementation
Các hoạt động mua bán của Trung Quốc chuyển sang châu Âu trong bối cảnh căng thẳng quan hệ với Mỹ
Hoạt động mua bán và sáp nhập của Trung Quốc đã chuyển từ Mỹ sang châu Âu vào năm ngoái do căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của Baker McKenzie và Rhodium Group, các công ty Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực tiêu dùng và chuỗi cung ứng xe điện trên toàn thế giới.
Xem thêm:
CNBC ngày 26/1/2022: Chinese companies boost overseas investment in consumer products, EV supply chain
Nikkei Asia ngày 26/1/2022: Chinese deal-making shifts to Europe amid US tensions. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.
Trung Quốc dự định triển khai nền tảng sản xuất chíp và nhắm tới Inel, ADM
Theo nguồn tin của Nikkei Asia, Trung Quốc có kế hoạch thành lập một tổ chức đặc biệt tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các công ty trong nước và các công ty sản xuất chất bán dẫn ở nước ngoài như Intel để thúc đẩy các trung tâm phát triển về phần mềm, vật liệu và thiết bị sản xuất. Tổ chức này được gọi là “ủy ban công tác xuyên biên giới trong lĩnh vực bán dẫn”. Bộ Thương mại sẽ giám sát ủy ban đặc biệt này cùng với Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin. Mục tiêu của ủy ban là củng cố mối quan hệ giữa các công ty Trung Quốc và nước ngoài. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một chuỗi cung ứng chip bằng cách đảm bảo các công nghệ bán dẫn từ Nhật Bản, Châu Âu và Hoa Kỳ. Ngoài ra, ủy ban muốn thuyết phục các công ty nước ngoài thành lập các địa điểm phát triển và sản xuất ở Trung Quốc như được hứa với chính quyền địa phương và cấp vốn.
Trước đó, Giám đốc điều hành Tập đoàn Intel, ông Patrick Gelsinger, tin rằng khó có khả năng Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn của Trung Quốc (SMIC) sẽ bắt kịp các công ty cùng ngành trên toàn cầu trong cuộc đua sản xuất chất bán dẫn với quy trình chế tạo tiên tiến hàng đầu. Ông Gelsinger đưa ra những nhận xét này tại hội nghị công nghệ Credit Suisse hồi đầu tháng 12/2021. Trong bài nói chuyện của mình, ông cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hỗ trợ các công ty chip của Mỹ do bất ổn chính trị Châu Á.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 2/2/2022: China to launch chipmaking platform as it targets Intel and AMD
WCCFTech ngày 8/12/2021: Intel Chief Doesn’t Think China Can Lead In Chipmaking, Talks About Trillion Transistor Chip
Trung Quốc muốn đạt được những tiến bộ trong hiện đại hóa quân nhân
Ngày 26/1/2022, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ban hành “Quyết định về việc tăng cường công tác bồi dưỡng nhân tài trong thời đại mới” để nâng cao năng lực, thành phần, phát triển, bồi dưỡng quân nhân chuyên nghiệp và có trình độ cao phục vụ quá trình hiện đại hóa quân nhân tiến tới xây dựng lực lượng vũ trang của nước này trở thành lực lượng vũ trang đẳng cấp thế giới. Quyết định mới chỉ ra rằng nhân tài là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực quân đội để cạnh tranh, giành thế chủ động và giành thắng lợi trong các “cuộc chiến sau này”. Đây là một phần của chiến lược củng cố nhân tài quân sự trong thời kỳ mới theo “Tư tưởng Tập Cận Bình” về xây dựng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Mục tiêu đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân đội Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chuyển đổi toàn diện, nâng cao năng lực, phẩm chất, xây dựng người quân nhân mới chất lượng cao, chuyên nghiệp vừa có phẩm chất chính trị vừa có năng lực đảm bảo quá trình hiện đại hóa quân đội và phát triển nhân tài trong các lĩnh vực then chốt.
Xem thêm:
China.org.cn ngày 27/1/2022: China eyes substantial progress in modernization of military personnel
Nhân dân Nhật báo ngày 27/1/2022: 经中央军委主席习近平批准 中央军委印发《关于加强新时代军队人才工作的决定》中央军委办公厅印发相关配套政策措施
—–
VI- QUAN HỆ MỸ – TRUNG QUỐC
Trung Quốc kêu gọi NATO từ bỏ “tư duy Chiến tranh Lạnh”
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/1/2022, khi được hỏi về phản ứng của Trung Quốc trước việc Mỹ từ chối dùng mở rộng khối NATO, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố NATO là “tàn dư Chiến tranh Lạnh”, đồng thời kêu gọi khối này từ bỏ “tư duy Chiến tranh Lạnh lạc hậu và thiên kiến về ý thức hệ”, cũng như khẳng định lại Trung Quốc “kiên quyết phản đối” mọi dạng “nhóm nhỏ” (small clique -小圈子).
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 26/1/2022: China urges NATO to abandon outdated Cold War mentality
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/1/2022: Foreign Ministry Spokesperson Zhao Lijian’s Regular Press Conference on January 26, 2022
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/1/2022: 2022年1月26日外交部发言人赵立坚主持例行记者会
Canada tố Trung Quốc có chiến dịch gián điệp, lôi kéo nhắm vào cộng đồng người Hoa
Theo một báo cáo của chính phủ Canada, Bắc Kinh đang “thực hiện chiến dịch có hệ thống nhằm thu thập thông tin tình báo, thuyết phục, gây ảnh hưởng và lôi kéo cộng đồng người Hoa ở quốc gia này. Báo cáo cho rằng cơ quan kiều bào của Trung Quốc có nhiệm vụ này và họ dùng cả “chiến thuật cưỡng ép” với người bất đồng chính kiến và người thiểu số.
Xem thêm:
Global News ngày 26/1/2022: Canadian government report accuses China of widespread campaign of espionage, manipulation
FBI cảnh báo về mối đe dọa từ Trung Quốc
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ Christopher Wray cảnh báo rằng mối đe dọa từ Chính phủ Trung Quốc chống lại phương Tây “trơ trẽn hơn”, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và gây tổn hại hơn trước. Ông nói rằng chiến dịch dai dẳng của Bắc Kinh nhằm đánh cắp công nghệ và sự đổi mới của Mỹ thông qua các cuộc tấn công mạng và gián điệp đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh kinh tế lâu dài của Hoa Kỳ. Wray nhấn mạnh rằng cứ mỗi 12 giờ, văn phòng lại mở các vụ án mới để chống lại các hoạt động tình báo của Trung Quốc. Nhận xét của ông được đưa ra trong một bài phát biểu tại Thư viện Tổng thống Reagan vào thứ Hai ngày 31/1/2022.
Xem thêm:
AP News ngày 31/1/2022: FBI chief: Threat from China ‘more brazen’ than ever before
Micron dừng hoạt động nhóm thiết kế DRAM tại Trung Quốc vì mất nhân tài
Ông lớn chip Mỹ Micron tuyên bố sẽ dừng hoạt động nhóm thiết kế DRAM tại Thượng Hải vào cuối năm nay sau khi nhiều thành viên của nhóm chuyển sang đầu quân cho các đối thủ nội địa. Đây được coi là động thái đề phòng lộ bí mật công nghệ vào tay các đối thủ, công ty này cho biết.
Xem thêm:
Caixin ngày 27/1/2022: Micron to Shut Down DRAM Chip Design Team in Shanghai
Cơ quan chứng khoán Trung Quốc gặp gỡ các ngân hàng nước ngoài
Theo Reuters, Phó Chủ nhiệm Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Fang Xinghai hôm 25/1/2022 đã có cuộc gặp với lãnh đạo các ngân hàng và định chế tài chính nước ngoài để đảm bảo về triển vọng kinh tế của đất nước sau năm 2021 vừa qua. Các định chế tài chính có mặt bao gồm BlackRock, Credit Suisse, Fidelity International, Goldman Sachs, JPMorgan, Morgan Stanley hay UBS. Ông Fang khẳng định nước này sẽ “tăng trưởng khá” trong năm 2022, cũng như cho biết lãnh đạo Trung Quốc hiểu những thay đổi năm 2021 sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nhưng quyết tâm chấp nhận các khó khăn.
Xem thêm:
Reuters ngày 28/1/2022: China securities regulator met foreign banks to soothe economic concerns – sources
Goldman Sachs tiết lộ kế hoạch lớn cho Trung Quốc
Gã khổng lồ Phố Wall có những kế hoạch lớn đối với Trung Quốc và đã vượt trước mục tiêu tăng gấp đôi lực lượng lao động tại đại lục lên 600 người, một trong những mục tiêu được đặt ra trong chiến lược tăng trưởng 5 năm vào năm 2019. Ngân hàng đang tìm cách phát triển cả bốn các ngành nghề kinh doanh toàn cầu – ngân hàng đầu tư, thị trường toàn cầu, quản lý tài sản, quản lý người tiêu dùng và của cải.
“Trọng tâm ngắn hạn đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Trung Quốc vẫn sẽ là cung cấp cho khách hàng Trung Quốc các dịch vụ ngân hàng đầu tư và đầu tư”, Todd Leland, đồng chủ tịch Goldman Sachs khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) và là người đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư của khu vực, nói với Caixin trong một cuộc phỏng vấn độc quyền.
“Đồng thời, đầu tư của chúng tôi vào quản lý tài sản và quản lý của cải sẽ tăng lên. Mặc dù cơ sở không lớn nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ rất nhanh,” ông nói.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 31/1/2022: Goldman Sachs unveils big plans for China. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ: Quan hệ thương mại Mỹ – Trung đang trong giai đoạn khó khăn
Tại một sự kiện diễn ra ngày 31/1/2022 do Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ Quốc gia Châu Á Thái Bình Dương tài trợ, trước câu hỏi về các vấn đề thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang ở giai đoạn “khó khăn”, nhưng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi những tác động tiêu cực từ các chính sách của Trung Quốc.
Bà Tai cho biết nhóm của bà sẽ “tham gia mạnh mẽ” với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán đang diễn ra về các cam kết của Bắc Kinh mua hàng hóa của Hoa Kỳ theo thỏa thuận được ký kết dưới thời cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Xem thêm:
RFI ngày 31/1/2022: US-China trade relations in ‘difficult’ stage: Tai
—–
VII- QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC
Thủ tướng Anh cho biết việc máy bay chiến đấu của Trung Quốc đi vào ADIZ của Đài Loan không có lợi cho hòa bình
Ngày 23/1/2022, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Anh, Boris Johnson cho biết việc máy bay quân sự Trung Quốc đi vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan là không có lợi có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực. “Các chuyến bay quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan trong những ngày gần đây … không có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực…. Những gì chúng ta cần là một hiệp ước hòa bình và các cuộc đối thoại mang tính xây dựng của người dân hai bờ eo biển Đài Loan”, Thủ tướng Anh nói. Phát biểu của Thủ tướng Anh diễn ra trong bối cảnh ngày 23/1 vừa qua, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đã có 39 lượt máy bay chiến đấu của Trung Quốc đi vào Vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, nhiều nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Xem thêm
Reuters ngày 26/1/2022: Chinese air force incursion of Taiwan not conducive to peace, UK PM says
Reuters ngày 24/1/2022: Taiwan reports new large-scale Chinese air force incursion
EU khởi kiện Trung Quốc ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các hành vi “cưỡng ép” Lithuania
Ngày 27/1/2022, EU đã khởi kiện chống lại Trung Quốc về các hành vi thương mại phân biệt đối xử chống lại Lithuania trong bối cảnh Lithuania thúc đẩy quan hệ với Đài Loan. EU cho rằng các hành vi của Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu khác từ Thị trường chung của EU.
Theo Reuters, Phó chủ tịch điều hành và Ủy viên phụ trách Thương mại của EU, Valdis Dombrovskis, bày tỏ hy vọng EU và Trung Quốc có thể tìm ra giải pháp ngoại giao cho tranh chấp. Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Triệu Lập Kiên trong cuộc họp báo vào ngày 27/1 nhấn mạnh rằng những tuyên bố về việc Trung Quốc cưỡng chế Lithuania là “vô căn cứ và xuyên tạc sự thật.”
Ngày 29/1, Reuters đưa tin rằng Australia sẽ tìm cách tham dự những cuộc tham vấn về tranh chấp thương mại giữa Liên hiệp Châu Âu và Trung Quốc do EU đưa ra tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Trước đó, Úc đã nộp hai đơn khiếu nại lên WTO trong 18 tháng qua về thuế nhập khẩu của Trung Quốc đối với rượu vang đóng chai và lúa mạch.
Xem thêm:
Toàn văn Thông cáo của Uỷ ban Châu Âu ngày 27/1/2022
Reuters ngày 27/1/2022: There can a diplomatic solution with China over Lithuania – Dombrovskis
Reuters ngày 29/1/2022: Australia seeks to join WTO talks on China-EU trade row
Tình báo Trung Quốc thuê các chuyên gia châu Âu thông qua cửa sau
Một trung tâm Trung Quốc tự thể hiện mình là một công ty tư vấn kinh doanh quốc tế gần đây đã tuyển dụng các nhà nghiên cứu chiến lược tự do trong các lĩnh vực mà Trung Quốc quan tâm, chẳng hạn như khu vực Ấn Độ Dương, ngay “dưới mũi” của các cơ quan tình báo Châu Âu.
Theo Intelligence Online, một thực thể bí ẩn của Trung Quốc có tên là Học viện Qualland đã bắt đầu một chiến dịch tuyển dụng vào đầu tháng này để thu hút các nhà nghiên cứu tự do Châu Âu làm việc trong các lĩnh vực mà Bắc Kinh hiện đang quan tâm.
Không có nhiều thông tin về trung tâm, dù nó tuyên bố hoạt động ở Anh, Pháp và Ý “với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà đầu tư và ngành công nghiệp và chuyên cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và các công ty Trung Quốc quan tâm đến thị trường xuất khẩu.” Qualland, có trụ sở chính ở phía bắc Bắc Kinh, tự giới thiệu mình là một công ty cung cấp nghiên cứu chiến lược chuyên sâu về các câu hỏi quốc tế và cung cấp đầy đủ các dịch vụ thông tin, công nghệ và PR liên quan đến chính trị, kinh tế, an ninh, luật, khoa học và công nghệ trên các quốc gia liên quan trong Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI).
Một trung tâm nghiên cứu có một không hai
Bước đầu tiên, việc liên hệ với các tân binh tiềm năng được thực hiện qua email. Sau khi cuộc trò chuyện bắt đầu, Qualland mời các ứng viên tham gia một cuộc phỏng vấn Zoom, tại đó người được phỏng vấn không được phép nhìn thấy người đối thoại. Trong cuộc gọi, người được phỏng vấn được thông báo về “thù lao hậu hĩnh” có sẵn, dao động từ € 450 – € 500 cho các báo cáo bốn trang không trích dẫn nguồn cụ thể đến € 900 cho các bài báo có cùng độ dài nếu chúng chứa “thông tin chất lượng”, chẳng hạn như trích dẫn trực tiếp của các quan chức hoặc tài liệu nội bộ.
Các chủ đề có tính chiến lược
Danh sách các chủ đề mà trung tâm quan tâm không để lại nhiều chỗ cho những nghi ngờ về ý định của nó. Các ưu tiên của nước này là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và đặc biệt là đối với Pháp, trọng tâm là mối quan hệ đang phát triển giữa Washington và Paris sau thỏa thuận tàu ngầm Australia bị hủy bỏ, cũng như quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển giữa Paris và Tokyo.
Để giúp những người mới tuyển dụng hiểu rõ hơn quan điểm của Trung Quốc về những vấn đề này, các ứng viên được mời đến thăm Bắc Kinh, nơi họ sẽ gặp những đồng nghiệp ‘có uy tín cao’ mà danh tính vẫn còn là một bí ẩn, bất chấp sự thăm dò của Intelligence Online.
Điều khiến cho vai trò tình báo của Qualland trở nên rõ ràng hơn, đó là trung tâm này tiết lộ hai chi tiết khác cho các nhà nghiên cứu, những người có vẻ quan tâm đến đề xuất của nó. Họ phải nhanh chóng cho biết số điện thoại của mình và được thông báo rằng họ sẽ có thể viết nghiên cứu của mình bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, những đóng góp của họ sẽ được dịch sang tiếng Trung Quốc và đáng ngạc nhiên là đối với một tổ chức học thuật, sẽ chỉ được lưu giữ cho mục đích sử dụng nội bộ.
Chiến lược của trung tâm tự nhận là nghiên cứu này dường như có vẻ trực tiếp hơn các chiến dịch chủ động tấn công của tình báo Trung Quốc trước đây, xác nhận sự quan tâm được dâng cao của Bắc Kinh đối với khả năng huy động ngay Tây Âu thành môi trường hoạt động.
Bản gốc không được phép lưu hành nên chỉ có thể chia sẻ cho những người sử dụng thông tin cho việc. Mời email tới sukybiendong@gmail.com
Hacker Trung Quốc nhắn đến công ty dược phẩm, công nghệ của Đức
Nhóm hacker APT 27 của Trung Quốc bị Cơ quan Liên bang về bảo vệ Hiến pháp Đức (BfV) tố cáo nhắm đến các công ty Đức trong các lĩnh vực như dược phẩm và công nghệ nhằm trộm cắp bí mật thương mại, sở hữu trí tuệ, cũng như xâm nhập mạng lưới khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ.
Xem thêm:
Reuters ngày 27/1/2022: Chinese hackers target German pharma and tech firms
Anh: Các sĩ quan tình báo Trung Quốc xâm nhập tổ chức từ thiện do Hoàng thân Philip thành lập
Các đặc vụ đã hợp tác với tổ chức từ thiện để gặp Công tước xứ Edinburgh tại Lâu đài Windsor. Công tước cũng đã gặp người sáng lập tổ chức từ thiện, Martin Palmer, tại Cung điện Buckingham. Các tiết lộ được đưa ra sau khi tình báo Anh vạch trần một vòng gián điệp của Trung Quốc đã cố gắng xâm nhập vào Quốc hội.
Xem thêm:
The Sun ngày 30/1/2022: Chinese intelligence officers infiltrate charity set up by Prince Philip
Noah Barkin: Chiến lược Trung Quốc của Chính phủ mới của Đức
Những nguồn tin của tác giả cho biết, bất chấp những hứa hẹn sâu sắc hơn về hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc sau các cuộc gọi đầu tiên của Tân Thủ tướng Đức Scholz với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, Scholz đã đưa ra quyết định ưu tiên tương tác với các đối tác dân chủ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong nửa đầu năm 2022. Sau chuyến đi tới Washington vào đầu tháng 2, Scholz dự kiến sẽ đến Nhật Bản vào đầu mùa xuân. Thủ tướng Đức dường như quyết tâm tổ chức các cuộc tham vấn chính thức đầu tiên của chính phủ với Tokyo – và có thể với cả Delhi – trước khi làm như vậy với Bắc Kinh. Các quan chức Trung Quốc đã thúc đẩy Đức tổ chức một cuộc họp song phương với các quan chức hàng đầu trong nội các vào đầu mùa hè, nhưng Berlin không có ý định tổ chức cuộc họp sớm như vậy. Một nhà ngoại giao Đức nói với tác giả: “Bạn sẽ thấy chính phủ này tập trung vào các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương theo cách mà bà Merkel chưa từng làm.”
Thứ hai, tác giả được cho biết rằng Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã chỉ thị cho các đồng nghiệp thực hiện một cách tiếp cận trong đó Đức ủng hộ các sáng kiến của EU — bao gồm các đề xuất lập pháp về các biện pháp thẩm định chuỗi cung ứng và chống cưỡng chế. Điều đó không có nghĩa là bà sẽ né tránh đối thoại với Bắc Kinh. Baerbock đã có một cuộc gọi kéo dài một tiếng rưỡi với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vào cuối tháng Giêng. Cuộc điện đàm được mô tả là “dữ dội”, chạm vào tất cả các lằn ranh đỏ của Bắc Kinh, từ Đài Loan đến Tân Cương. Tác giả được cho biết rằng Vương Nghị sẽ đến Berlin vào cuối tháng này để tiếp tục đối thoại. Tất cả các vấn đề gây tranh cãi trong mối quan hệ sẽ được đưa lên bàn.
Các nhà ngoại giao thuộc bộ phận Châu Á – Thái Bình Dương của Văn phòng Đối ngoại Đức, những người sẽ dẫn đầu trong việc hoạch định chiến lược Trung Quốc mới của chính phủ, cũng đang được khuyến khích chống lại thói quen cũ tự kiểm duyệt. Trái ngược với cách tiếp cận kín đáo mà Bộ đã tiếp cận các tài liệu chiến lược trước đây, lần này Bộ sẽ tiếp cận với các tổ chức tư vấn, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức EU — và thậm chí có thể tổ chức một cuộc họp ở tòa thị chính. Dường như có sự đồng thuận rằng Chiến lược An ninh Quốc gia mới của chính phủ sẽ được đưa ra trước — có thể ngay sau kỳ nghỉ hè — với chiến lược Trung Quốc sẽ được áp dụng vào cuối năm nay. Một số phần của nó sẽ được công khai và những phần khác dự kiến sẽ được giữ bí mật.
Thứ ba, sau một thời gian do dự, chính phủ dường như đang tập trung vào một phản ứng thống nhất và rõ ràng hơn đối với sự cưỡng bức của Trung Quốc đối với Lithuania. Scholz đã đề cập đến Lithuania trong cuộc gọi của ông với Lý Khắc Cường vào tháng Giêng, sau khi từ chối lời khuyên ép Tập Cận Bình về vấn đề này trong cuộc điện đàm một tháng trước đó. Điều quan trọng, các quan chức trong bộ kinh tế, được điều hành bởi Robert Habeck, đồng nghiệp trong Đảng Xanh của Baerbock, gần đây đã yêu cầu các công ty Đức ở Lithuania không thực hiện bất kỳ bước ngắn hạn nào để chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi đó nhằm đối phó với lệnh cấm vận thương mại của Trung Quốc. Song song đó, các cuộc thảo luận đang diễn ra ở Berlin và ở cấp độ EU về cách giảm tác động tài chính cho các công ty bị ảnh hưởng. Đây đều là những dấu hiệu tích cực.
—–
VIII- NGA – TRUNG QUỐC – MỸ
Trung – Nga “tăng cường hợp tác về sự vụ châu Á”
Trong cuộc gặp giữa ông Lưu Kình Tùng (Liu Jinsong), Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ ngoại giao Trung Quốc, và ông Ovchinnikov Alexey Mikhailovich, lãnh đạo bộ phận châu Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nga, hai bên đồng ý “tăng cường trao đổi chiến lược và phối hợp về sự vụ châu Á, cùng giữ hòa bình, ổn định trong khu vực, thúc đẩy hợp tác và phát triển”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết hai bên “đạt đồng thuận rộng rãi” về các vấn đề.
Xem thêm:
SCMP ngày 26/1/2022: China, Russia take another step closer, agreeing to strengthen coordination on Asian affairs
Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Phát biểu tích cực của Ngoại trưởng Nga về quan hệ Nga – Trung phản ánh sự đồng thuận cấp cao giữa hai nước
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh tại một cuộc họp báo rằng không có giới hạn về sự tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga, không có vùng cấm đối với hợp tác chiến lược và không có dấu chấm hết cho tình hữu nghị qua nhiều thế hệ của hai nước.
Xem thêm:
Global Times ngày 27/1/2022: Russian Foreign Minister’s positive statement on Russia-China relations reflects high-level consensus between the two countries: Chinese FM
Putin và Tập Cận Bình sẽ gặp nhau trong bối cảnh căng thẳng Ukraine gia tăng
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập tại Bắc Kinh trong chuyến công du của ông Putin tới dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh ngày 4/2/2022, nơi ông sẽ cập nhật cho ông Tập về tình hình đàm phán hiện tại liên quan đến yêu cầu của Nga đối với sự đảm bảo an ninh từ phương Tây. Moscow có thể sẽ tìm cách đưa ra những tuyên bố về việc Trung Quốc tiếp tục ủng hộ những lo ngại về an ninh của Nga. Bằng cách nâng cao nhận thức về mối quan hệ mạnh mẽ của Nga với Trung Quốc, Putin hy vọng sẽ đạt được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với phương Tây.
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov sẽ hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc để thảo luận về các vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Moscow để vận động cho một giải pháp ngoại giao đối với việc Nga tăng cường quân sự dọc theo biên giới Ukraine.
Xem thêm:
Stratfor ngày 29/1/2022: The Weekly Rundown: Putin and Xi Meet Amid Ukraine Tensions, OPEC+ Holds Steady
Đại sứ Nga: Phương Tây đang đẩy Nga vào vòng tay Trung Quốc
Đại sứ Nga tại London nói rằng Nga đang tìm cách tạo dựng mối quan hệ mới với Trung Quốc khi cả hai quốc gia đều phải đối mặt với những căng thẳng chung với khối đồng minh phương Tây. Ông nói chính phương Tây đã thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau và hai nước sẽ tiếp tục xích lại gần nhau hơn nếu họ tiếp tục cảm thấy bị đe doạ.
Ông cho biết Điện Kremlin muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế với “đối tác đầy hứa hẹn” Bắc Kinh, bao gồm việc gửi nhiều khí đốt và dầu mỏ hơn cho Trung Quốc. Ông cũng bác bỏ những gợi ý rằng Nga sẽ lo ngại về việc hủy bỏ đường ống Nord Stream 2, được xây dựng để vận chuyển khí đốt từ Siberia đến Đức, nói rằng các công ty tư nhân và người Châu Âu sẽ “mất trắng” nếu dự án 11 tỷ đô la bị bị chặn.
Xem thêm:
The Times ngày 29/1/2022: West is pushing us into China’s embrace, says Russian ambassador
—–
IX- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Trần Hữu Duy Minh: Luật pháp quốc tế trong Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam
Một khảo sát hệ thống các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng coi trọng vai trò của Luật quốc tế và chủ trương “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.” Luật pháp quốc tế trở thành khung quy chiếu bắt buộc trong việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Bình luận của Biên tập viên: Tính thực chất của việc hiện thực hóa chủ trương này thế nào, hiệu quả ra sao, sẽ là điều cần phải theo dõi để có câu trả lời đầy đủ. Nhờ có Luật quốc tế, các quốc gia nhỏ, yếu hơn có thể đòi hỏi được bình đẳng với các quốc gia lớn. Luật quốc tế đang là một chỗ dựa hữu hiệu để Việt Nam bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trên biển. Các cường quốc sẽ phải tính toán cái giá phải trả về mặt uy tín trên trường quốc tế khi vi phạm luật quốc tế và xâm phạm lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn. Mặt khác, Luật quốc tế vẫn còn những khía cạnh chưa rõ ràng, có thể đi sau sự phát triển của thực tiễn. Liệu Việt Nam sẽ khai thác được tối đa Luật quốc tế để bảo vệ lợi ích hợp pháp của quốc gia mình, hay sẽ để cho những khía cạnh còn chưa rõ ràng của Luật quốc tế trói buộc chân tay mình, điều này sẽ phụ thuộc vào sự hiểu biết và khôn ngoan của những người có vai trò quyết định chính sách.
Xem thêm:
Luật Pháp Quốc Tế Trong Văn Kiện Các Kỳ Đại Hội Đảng
George Soros: Tập Cận Bình có thể sẽ thất bại trong nỗ lực kéo dài quyền cai trị Trung Quốc
Nhà từ thiện tỷ phú George Soros cho biết Tập Cận Bình có thể sẽ thất bại trong việc gia hạn quyền cai trị Trung Quốc vào cuối năm nay, trái ngược với những gì mà hầu hết các nhà quan sát mong đợi. Soros viện dẫn những kẻ thù của ông Tập trong đảng, khủng hoảng bất động sản, vắc xin không hiệu quả và tỷ lệ sinh giảm là những yếu tố chống lại ông. Đó là một tuyên bố táo bạo, vì hầu hết những người theo dõi Trung Quốc đều kết luận rằng ông ta sẽ dễ dàng mở rộng quyền cai trị của mình. Soros nói: “Tình hình hiện tại không có vẻ hứa hẹn đối với ông Tập.”
Tuy nhiên một số nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu lại cho rằng Soros đã bị thông tin tình báo sai và không nên tin vào những bình luận của ông.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 31/1/2022: George Soros Says China Real Estate Crisis, Omicron Threaten Xi’s Rule in China. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.
Toàn văn bình luận của Soros về Trung Quốc.
Tập Cận Bình tìm cách củng cố quyền lực trước thách thức nội bộ
Trong bài viết trên China Brief, tác giả Willy Wo-Lap Lam nhận định đang có sự đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó, “chống tham nhũng” là con bài thường được sử dụng, trong đó cơ quan chính pháp (chính trị – pháp luật) là nơi đấu tranh gay gắt nhất. Trong bối cảnh này, Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách củng cố quyền lực trong quân đội qua bổ nhiệm tướng lĩnh cấp cao. Ông đã thăng chức thượng tướng cho 38 sĩ quan kể từ năm 2019, thậm chí bỏ qua cả một số tập quán thông thường.
Trong khi đó, một bài viết trên Asia Sentinel nhận định việc Bộ Công an Trung Quốc quyết tâm “quét sạch” phe nhóm của cựu Thứ trưởng Tôn Lực Quân có thể cho thấy phe nhóm này có thể là một phần âm mưu lật đổ Chủ tịch Tập Cận Bình.
Xem thêm:
China Brief ngày 25/1/2022: As Rival Factions Gain Traction, Xi Seeks to Secure Support from the Military
Asia Sentinel ngày 27/1/2022: Xi Seeks to Quell Internal Rebellion
Nền kinh tế Đài Loan vượt trội trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19
Nền kinh tế Đài Loan đã vượt trội hơn hầu hết các nền kinh tế khác trong hai năm qua. Trong khi cuộc suy thoái COVID-19 diễn ra khó khăn nhất ở mọi nơi khác, nền kinh tế Đài Loan đã tăng trưởng vừa phải 3,1% vào năm 2020 và có khả năng mở rộng thêm 6,1% vào năm 2021 – mức tăng trưởng cao nhất được ghi nhận kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi phục 12 năm trước. Sự mở rộng kinh tế của Đài Loan là một yếu tố bất thường trong bối cảnh đại dịch.
Xem thêm:
East Asia Forum ngày 31/1/2022: Taiwan’s economy outperforms amid COVID-19 crisis
—–
X- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH
Matthew P. Goodman & William Alan Reinsch (2022) Filling In the Indo-Pacific Economic Framework
Bài báo cáo đưa ra một số khuyến nghị về mục tiêu và hành động chính sách đối với từng lĩnh vực trong số sáu lĩnh vực được liệt kê theo thứ tự trong tuyên bố ngày 27/10/2021 của Nhà Trắng: tạo thuận lợi cho thương mại, tiêu chuẩn về kinh tế và công nghệ số, khôi phục chuỗi cung ứng, khai thác và làm sạch năng lượng, cơ sở hạ tầng, và tiêu chuẩn công nhân. Ngoài sáu lĩnh vực nêu trên, Nhà Trắng cũng bày tỏ mong muốn làm việc với các đối tác khu vực về “các lĩnh vực cùng quan tâm” bao gồm kiểm soát xuất khẩu, sàng lọc đầu tư, thuế và chống tham nhũng. Đồng thời, bài báo cáo còn đưa ra những quan điểm về quá trình đàm phán và nhắm mục tiêu đến các bên tham gia khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Xem toàn văn báo cáo tại đây.
Axel Berkofsky (2022) The US-Japan security alliance – ready and equipped to deal with China?
Bài báo cáo tổng hợp những quan điểm của các học giả và các nhà hoạch định chính sách nhằm cho biết những dự định của chính quyền Trung Quốc và vai trò then chốt của Nhật Bản trong kịch bản Khủng hoảng eo biển Đài Loan. Song song với đó là những dự báo về các tình huống xấu nhất có khả năng diễn ra. Ngoài ra, bài báo cáo đề cập đến những nghi vấn được đặt ra rằng: Các chính sách hiếu chiến/ chính sách bành trướng của Trung Quốc sẽ được mở rộng và vươn xa đến đâu? Hay Mỹ và Nhật Bản sẽ phản ứng như thế nào nếu Bắc Kinh quyết định không chỉ tiếp tục xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà chuyển sang ngăn chặn sự tiếp cận của hải quân tới Biển Đông? Sau cùng, bài báo cáo đã đưa ra nhận định rằng Trung Quốc đang chuẩn bị xâm lược Đài Loan trong một tương lai rất gần.
Xem toàn văn báo cáo tại đây.
Marcus Clay and Roderick Lee (2022) Unmasking the Devil in the Chinese Details A Study Note on the Science of Military Strategy 2020
Đại học Quốc phòng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã biên tập và xuất bản ấn phẩm mới nhất của Bộ Giáo trình Khoa học Chiến lược Quân sự Trung Quốc (战略 学 / SMS), Bộ giáo trình được xem là tài liệu tham khảo có giá trị cho các nghiên cứu về PLA vào tháng 8/2020. Mặc dù vẫn nhất quán với các phiên bản trước đó nhưng SMS 2020 cũng đã có những sửa đổi đáng kể so với ấn phẩm năm 2015 và phản ánh những thành tựu mới nhất trong cải cách quân đội và quốc phòng của Trung Quốc. So với ấn phẩm năm 2017, phiên bản mới nhất của SMS có tới 1.200 chỉnh sửa bao gồm cả về ngữ pháp, chứa ít các thông tin chi tiết hơn về các chủ đề có khả năng bị kiểm duyệt mà PLA coi là “nhạy cảm” chẳng hạn như lĩnh vực không gian, tấn công mạng đồng thời cũng bỏ một số đánh giá căng thẳng trước đây.
Ấn phẩm năm 2020, cũng thể hiện sự tự tin ngày càng lớn của các học giả PLA trong đánh giá về năng lực quân sự tổng thể của Trung Quốc về sự lựa chọn và khả năng thực hiện kiểm soát các hoạt động quân sự. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có thể chủ động hơn trong các chiến lược quân sự của mình kể cả “chiến lược sử dụng vũ lực”. Đáng chú ý, trong phần cập nhật về “phòng thủ chủ động” như một tư tưởng chiến lược mới của SMS 2020, các tác giả nói thêm rằng Trung Quốc phải “kiên định giữ vững chiến lược phòng thủ chủ động” để nắm lấy vị trí cao về “mặt đạo đức” và giành lợi thế về mặt chính trị và ngoại giao. Họ cho rằng “phòng thủ tích cực” là một cách sử dụng sức mạnh để ngăn chặn chiến tranh.
Tuy nhiên cũng giống như tất cả các giáo trình huấn luyện khác, SMS không phải là “kim chỉ nam” trong tư duy chiến lược của Trung Quốc. Mặc dù PLA có thể dự định cho các sĩ quan cao cấp nghiên cứu cuốn sách này trong hệ thống giáo dục quân sự chuyên nghiệp nhưng ảnh hưởng của nó đến thế hệ lãnh đạo hiện tại và tương lai của PLA vẫn còn là một dấu hỏi.
Tải toàn văn bài báo ở đây.
———-
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.