(Tuần từ 02/02 – 07/02/2022)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Lê Đức Tâm, Đoàn Thị Hằng Ni, Trần Phạm Bình Minh
Biên tập: Phạm Huệ Việt
Tư liệu: South China Sea News

Tải bản PDF ở
—————
Trong Bản Tin Biển Đông Số 93 có những nội dung sau:
I- TRÊN BIỂN
II- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
III- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
IV- TRUNG – NGA
V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
VI- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
VII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
—————
I- TRÊN BIỂN
Hải quân Hoa Kỳ tập trận với 60 quốc gia, sử dụng trí tuệ nhân tạo và hệ thống không người lái
Hạm đội 5, Hoa Kỳ đã kết hợp cuộc tập trận Hàng hải quốc tế 2022 với cuộc tập trận Cutlass Express của Hạm đội 6 để tăng cường hợp tác giữa các hạm đội và phát triển quan hệ với các quốc gia tham gia. Cuộc tập trận hải quân kéo dài 18 ngày có sự tham gia của 9.000 người với 50 tàu đến từ 60 quốc gia diễn ra ở Vịnh Ả Rập, Biển Ả Rập, Vịnh Oman, Biển Đỏ và Biển Bắc Ấn Độ. Tại cuộc tập trận này, Hoa Kỳ cùng 9 quốc gia khác sẽ triển khai 80 hệ thống không người lái trên không, trên mặt đất và dưới nước trong đó đáng chú ý là các hệ thống Saildrone Explorer, Mantas T-12 và Switchblade 300 của Hoa Kỳ. Các hệ thống này sẽ hoạt động trên 14 kịch bản để thử nghiệm khả năng của các hệ thống không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều kiện thực tế với hi vọng sẽ cải thiện khả năng giám sát các vùng biển xung quanh bán đảo Ả Rập.
Xem thêm:
Defense One ngày 3/2/2022: Navy Puts AI, Unmanned Systems to the Test in Five-Sea, 60-Nation Exercise
Tiếp nối tập trận chung Không quân, Mỹ – Nhật tiến hành tập trận chung hải quân liên hợp
Sau khi cuộc tập trận chung trên không quy mô lớn giữa lực lượng không quân Mỹ – Nhật – Úc được thông báo khởi động vào cuối tháng 1, vào ngày 3/2/2022, cuộc tập trận hải quân viễn chinh liên hợp mang tên Noble Fusion đã được khởi động ở Biển Philippines, gần eo biển Luzon và eo biển Miyako, kết hợp nhiều thành phần của Hải quân, Thủy quân lục chiến và Không quân Hoa Kỳ cùng với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF).
Theo Hải quân Hoa Kỳ, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2018, hai Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến (MEU) và Nhóm Sẵn sàng Đổ bộ (ARG) phối hợp hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong khuôn khổ Tập trận Noble Fusion, lần này cùng với Nhóm tàu sân bay tấn công (CSG). Cuộc tập trận muốn chứng tỏ rằng các lực lượng viễn chinh hải quân đồng minh có thể nhanh chóng tập hợp thành lực lượng tác chiến để tiến hành các hoạt động tấn công ngăn chặn trên biển, chiếm giữ các địa hình biển quan trọng, đảm bảo quyền tự do đi lại và tạo lợi thế cho các lực lượng của Hoa Kỳ, đối tác và đồng minh.
Theo Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ, Lực lượng Hải quân Viễn chinh tiến hành huấn luyện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương suốt năm để duy trì trạng thái sẵn sàng.
Xem thêm:
U.S. Navy ngày 7/2/2022: Exercise Noble Fusion kicks off with joint, combined training
———-
II- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
Ứng viên tổng thống hàng đầu của Philippines muốn thỏa thuận song phương với Trung Quốc về Biển Đông
Trong một loạt cuộc phỏng vấn với truyền thông Philippines, cựu Thượng nghị sĩ Ferdinand “Bongbong” Marcos, người đang dẫn đầu trong các cuộc bầu cử Tổng thống Philippines, tiết lộ về lập trường của ông đối với vấn đề Biển Đông.
Trong bài phỏng vấn hôm 25/1/2022, ông tuyên bố: “Phán quyết không còn là phán quyết nếu chỉ có một bên. Do đó, chúng ta không còn có thể sử dụng nó”. Ông khẳng định nguy cơ chiến tranh “cần được gạt bỏ ngay lập tức”. “Các hiệp định song phương là cái mà chúng ta còn”, ông nói.
Trong một cuộc phỏng vấn khác hôm 25/1, ông tái khẳng định chiến thắng của Philippines là “không hiệu quả”, và thỏa ước song phương là “lựa chọn thực tế duy nhất”. “Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận. Trên thực tế, những người ở Đại sứ quán Trung Quốc là bạn tôi. Chúng tôi đã thảo luận về điều này”.
Trong cuộc phỏng vấn thứ ba với ABS-CBN, ông Marcos tuyên bố nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ bác bỏ mọi đề nghị giúp đỡ của Mỹ trong đàm phán với Trung Quốc. “Vấn đề là giữa Trung Quốc và chúng ta. Nếu người Mỹ tham gia, nó sẽ thất bại”, ông tuyên bố.
Xem thêm:
The Diplomat ngày 28/1/2022: Philippines’ Marcos to Pursue Bilateral Deal With Beijing Over South China Sea
Campuchia không mời ngoại trưởng Myanmar tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN
Bộ Ngoại giao Campuchia hôm 3/2/2022 tuyên bố đã mời một đại diện phi chính trị từ Myanmar tham dự hội nghị giữa các ngoại trưởng ASEAN vào ngày 16-17/2.Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry, Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á đã không đạt được đồng thuận trong việc mời Ngoại trưởng do chính quyền quân sự Myanmar bổ nhiệm. Campuchia tuyên bố “khuyến khích” Myanmar cử đại diện thay vì không tham dự, cũng như khẳng định Myanmar có quyền quyết định người này là ai.
Xem thêm:
Channel News Asia ngày 3/2/2022: Cambodia says non-political Myanmar rep invited to ASEAN meeting
———-
III- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Hai ngân hàng Trung Quốc hoàn toàn không dùng tiền mặt
Hai ngân hàng tư nhân nhỏ tại Trung Quốc – NewUp Bank tại Liêu Ninh và Zhongguancun Bank tại Bắc Kinh – tuyên bố họ sẽ không cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền giấy và tiền xu vào tháng 3-4 tới. Các ngân hàng cho biết họ đã nhận được sự chấp thuận của ngân hàng trung ương. Đây được coi là một bước tiến tới xã hội không dùng tiền mặt của Trung Quốc.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 4/2/2022: China’s fully cashless society a step closer after two private banks end services for banknotes and coins
———-
IV- TRUNG – NGA
Tổng thống Nga Putin trả lời phỏng vấn China Media Group
Trong bài phỏng vấn, ông Putin nói rằng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang phát triển trên cơ sở bình đẳng, phi tư tưởng. Mối quan hệ đối tác của hai nước là bền vững, có giá trị về bản chất, không bị ảnh hưởng bởi môi trường chính trị và không nhằm chống lại bất kỳ ai. Nó được củng cố bằng sự tôn trọng, coi trọng lợi ích cốt lõi của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Xem thêm:
CGTN ngày 3/2/2022: Russian President Putin gives exclusive interview to China Media Group
Nhân dân Nhật báo ngày 4/2/2022: 俄罗斯总统普京接受中央广播电视总台台长专访
Tân Hoa Xã ngày 3/2/2022: Full text of Putin’s signed article for Xinhua
Cuộc họp ngoại trưởng Nga – Trung ở Bắc Kinh
Theo tường thuật của phía Trung Quốc, hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn nữa liên lạc và hợp tác trong khuôn khổ SCO, BRICS, RIC và Liên Hợp Quốc để cùng duy trì các chuẩn mực điều chỉnh quan hệ quốc tế và an ninh khu vực và quốc tế. Phía Nga đã thông báo tóm tắt cho phía Trung Quốc về những diễn biến mới nhất trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO, đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc an ninh không thể chia cắt; phía Trung Quốc bày tỏ sự hiểu biết và ủng hộ.
Hai bên cũng đã có các cuộc thảo luận sâu và lập trường phối hợp về hợp tác BRICS, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, như Ukraine, Afghanistan và tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/2/2022: 王毅会见俄罗斯外长拉夫罗夫— 中华人民共和国外交部
Gazprom, Rosneft ký thỏa thuận mới với Trung Quốc
Trong lúc Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Trung Quốc, hai ông lớn dầu khí Nga Gazprom và Rosneft đã ký các thỏa thuận mới với các đối tác Trung Quốc. Cụ thể, Gazprom ký với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) một thỏa thuận dài hạn, theo đó, Gazprom sẽ chuyển cho đối tác 10 tỷ mét khối khí mỗi năm trong 25 năm qua một đường ống mới ở khu vực Viễn Đông của Nga. Trong khi đó, Rosneft cũng đạt thỏa thuận chuyển 100 triệu tấn dầu thô cho CNPC qua Kazakhstan trong 10 năm, sau khi một thỏa thuận tương tự sẽ hết hạn vào năm tới. Lượng dầu này sẽ được chuyển đến các nhà máy lọc dầu ở Tây Bắc Trung Quốc.
Rosneft cũng ký với công ty công nghệ Huawei thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thông tin hóa và số hóa cho giai đoạn đến năm 2027.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 4/2/2022: Russia Signs Oil and Gas Deals With China as Relations With the West Sour. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Danh sách tất cả các thoả thuận được thông qua trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Trung Quốc
Tuyên bố chung Nga – Trung Quốc
Trong tuyên bố chung đạt được sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai bên tuyên bố “phản đối sự mở rộng NATO”, cũng như kêu gọi NATO “từ bỏ cách tiếp cận ý thức hệ Chiến tranh Lạnh”. Trung Quốc tuyên bố “thông cảm và ủng hộ” đề xuất của Nga trong việc tạo lập đảo bảo an ninh lâu dài, ràng buộc pháp lý ở Châu Âu.
Hai bên cũng tuyên bố phản đối việc hình thành “các cấu trúc đóng” và kết bè phái ở Châu Á – Thái Bình Dương, cảnh giác trước tác động của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ tới hòa bình và an ninh khu vực, Về liên minh AUKUS, hai bên tuyên bố “quan ngại” và coi đây là hành động trái với mục tiêu an ninh, phát triển bền vững ở Châu Á – Thái Bình Dương, tăng nguy cơ chạy đua vũ trang, tạo nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh đó, tuyên bố thể hiện sự đồng thuận giữa hai nước về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Hai bên tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau trong “bảo vệ lợi ích cốt lõi, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Hai bên khẳng định quan hệ mới giữa hai nước “ưu việt hơn các liên minh chính trị và quân sự dưới thời Chiến tranh Lạnh”, “không có giới hạn, không có ‘vùng cấm’ trong hợp tác”. Nga hoàn toàn ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan và phản đối việc Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức.
Xem thêm:
Tuyên bố chung giữa hai nước tại đây. Bản tiếng Trung tại đây
David Santoro/Twitter ngày 5/2/2022 tại đây
The Washington Post ngày 5/2/2022: What is — and isn’t — in the joint statement from Putin and Xi.
———-
V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Tài liệu rò rỉ cho thấy Hoa Kỳ kiên định với lập trường quốc gia nào có thể gia nhập vào khối NATO khi phản hồi Nga
Theo tờ New York Times, các tài liệu bị rò rỉ – nhưng đã được do Bộ Quốc phòng xác minh – đã xác nhận việc Mỹ và khối NATO bác bỏ các yêu cầu an ninh của Nga. Mặc dù bản phác thảo của các văn bản phản hồi yêu cầu của Nga đã được biết đến, nhưng việc công khai các tài liệu trên đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc hơn về những trở ngại cho một giải pháp ngoại giao đối với căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc cho biết, “Chúng tôi đã không công khai tài liệu này, nhưng giờ chúng đã được công khai, chúng đã xác nhận với toàn thế giới về những gì chúng tôi đã tuyên bố”. Các tài liệu cho thấy Mỹ và NATO đã từ chối tuân thủ các yêu cầu của Nga, chẳng hạn như cấm Ukraine gia nhập NATO.
Xem thêm:
The New York Times ngày 2/2/2022: In Responses to Russia, U.S. Stands Firm on Who Can Join NATO
Nhật Bản dễ bị ảnh hưởng bởi những ràng buộc với chuỗi cung ứng của Trung Quốc – Thủ tướng Nhật dự kiến dự luật an ninh kinh tế
Một báo cáo được đưa ra cho biết Nhật Bản dễ bị ảnh hưởng trước những hạn chế về nguồn cung ở Trung Quốc. Báo cáo cho thấy hơn 1.000 mặt hàng nhập khẩu của Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Bên cạnh đó, báo cáo còn cho thấy sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Trung Quốc rõ rệt nhất trong các mặt hàng điện tử gia dụng như máy tính cá nhân, máy tính bảng và điện thoại di động, một lần nữa vượt xa mức độ phụ thuộc tương ứng đối với Hoa Kỳ và Đức. Phân tích được đưa ra khi chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida dự kiến sẽ đưa ra dự luật an ninh kinh tế vào cuối tháng này. Bên cạnh đó, Koya Miyamae, nhà kinh tế tại SMBC Nikko Securities Inc., cho biết Thủ tướng Fumio Kishida coi việc cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc là một chủ đề quan trọng và khi tình hình căng thẳng từ phía nguồn cung tiếp tục diễn ra, Nhật Bản sẽ cố gắng cơ cấu lại năng lực sản xuất của Nhật Bản giữa các nước đồng minh.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 3/2/2022: Japan Flags Vulnerability to China Supply Chain Constraints. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Nhật Bản dự định đề xuất khuôn khổ chia sẻ dữ liệu để thúc đẩy chuỗi cung ứng Châu Á
Theo Nikkei Asia, Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị đề xuất một kế hoạch thúc đẩy chia sẻ dữ liệu giữa các công ty ở Châu Á để tăng cường chuỗi cung ứng trong khu vực.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) hy vọng rằng một khuôn khổ chia sẻ dữ liệu an toàn như khuôn khổ được phát triển ở Châu Âu sẽ cho phép các công ty ở Châu Á trao đổi dữ liệu một cách suôn sẻ, chẳng hạn như thông tin về hàng tồn kho trên các sản phẩm và bộ phận, cũng như thông tin về tiềm năng và sự gián đoạn trong mua sắm. Được biết, ý tưởng này nằm trong nghị trình một cuộc họp chuyên gia của Bộ vào thứ Sáu ngày 4/2/2022.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 4/2/2022: Japan to pitch data-sharing framework to bolster Asia supply chains. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.
Chính phủ Đức coi Trung Quốc là “đối thủ có tính hệ thống”
Chính phủ liên minh mới của Đức đã tuyên bố rằng họ sẽ cứng rắn hơn đối với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh. Thoả thuận liên minh giữa Đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do thân thiện với doanh nghiệp (FDP) nêu rõ rằng họ sẽ theo đuổi hợp tác với Trung Quốc, nhưng “trên cơ sở nhân quyền và luật pháp quốc tế hiện hành”. Reinhard Bütikofer, một chuyên gia về Trung Quốc và là thành viên của Nghị viện Châu Âu thuộc Đảng Xanh, cho biết, sự thay đổi hướng tới một chính sách dựa trên giá trị chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng của các đối tác liên minh nhỏ hơn. Nhưng các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của SPD đã ủng hộ những nguyên tắc này.
Thủ tướng Đức sẽ không đến dự Thế vận hội mùa đông. Hơn thế nữa, Scholz muốn tổ chức các cuộc tham vấn với chính phủ Ấn Độ và Nhật Bản trước cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Trung Quốc – qua video hoặc gặp trực tiếp.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng không có kế hoạch thăm Trung Quốc sớm. Bộ Ngoại giao Đức hiện đang chuẩn bị một “Chiến lược Trung Quốc.” Trong đó, Chính phủ Đức sẽ coi “Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh và là đối thủ mang tính hệ thống”, một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức nói với DER SPIEGEL. Văn bản thống nhất nhằm ngăn chặn các bộ khác nhau cãi vã về các quyết định cụ thể như đã xảy ra trước đây.
Xem thêm:
SPIEGEL International ngày 4/2/2022: Germany Rethinks Position on Beijing: Government in Berlin Classifies China as a “Systemic Rival”
Cuộc họp Bộ Tứ tuần này: Úc đề xuất một trọng tâm chính là chống lại sự ép buộc
Như đã đề cập trong Bản Tin Biển Đông tuần trước, tại Melbourne thứ Sáu tuần này sẽ diễn ra cuộc họp Bộ Tứ cấp Bộ trưởng Ngoại giao. Theo The Australian Financial Review trích dẫn những nguồn tin chính phủ, các Bộ trưởng Ngoại giao từ Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ sẽ thảo luận về cách Đối thoại An ninh Tứ giác có thể hoạt động cùng với các khối khác trong khu vực để kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong khi việc mở rộng Bộ Tứ không nằm trong chương trình nghị sự cho cuộc họp hôm thứ Sáu, các thành viên muốn bắt đầu xây dựng mối quan hệ với các nhóm khu vực khác như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne gợi ý một trọng tâm chính là giúp các quốc gia trong khu vực “có thể đưa ra các quyết định chiến lược của riêng mình mà không bị ép buộc.”
Trước thềm cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton cảnh báo rằng Mỹ và các đồng minh sẽ “thua trong thập kỷ tới” nếu không đẩy lùi mạnh mẽ hơn nữa chống lại Trung Quốc sau khi họ đã “chấp thuận và cho phép” Bắc Kinh mở rộng dấu chân của mình ở Biển Đông trong thập kỷ qua. Ông Dutton cũng bày tỏ tin tưởng chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Australia sẽ đến trước năm 2038.
Vào hồi giữa tháng Giêng năm nay, trước khi các cuộc khảo sát thăm dò ý kiến cử tri được thực hiện trước kỳ bầu cử ở Úc, lãnh đạo phe đối lập ở Úc Anthony Albanese nói với The Sydney Morning Herald rằng Canberra cần đáp trả Bắc Kinh theo cách mạnh mẽ nhưng cũng khôn khéo ngoại giao, đồng thời tỏ ra cứng rắn hơn về lập trường đối với Trung Quốc.
Xem thêm:
The Sydney Morning Herald ngày 7/2/2022: Peter Dutton says Australia must stand up to China or risk “losing next decade’
The Australian Financial Review ngày 8/2/2022: Quad to build ties with other blocs to counter Chinese influence
The Age ngày 8/2/2022: Quad countries to counter China’s disinformation campaigns and trade strikes
Bloomberg ngày 17/1/2022: Australia Opposition Hardens China Stance Before Polls. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Dữ liệu mới công bố cho thấy Trung Quốc vẫn không thực hiện cam kết thương mại với Mỹ. Mỹ xóa bỏ thuế quan thép đối với Nhật Bản
Theo các báo cáo từ Bloomberg, Mỹ đang mất kiên nhẫn với Trung Quốc sau khi nước này không đáp ứng các cam kết mua hàng theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Trung Quốc đã cam kết mua thêm 200 tỷ đô la Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng và các sản phẩm chế tạo của Mỹ trên mức năm 2017 trong hai năm đến hết năm 2021. Với các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11, Nhà Trắng đang chịu áp lực ngày càng tăng để thể hiện rằng họ sẵn sàng trừng phạt Trung Quốc vì Trung Quốc đã không giữ cam kết. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản vừa đạt được thỏa thuận xóa bỏ thuế quan đối với thép vốn được áp đặt dưới thời Trump.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 7/2/2022: US Patience With China Wears Thin as Trade-Deal Pledges Unmet. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bloomberg ngày 7/2/2022: US and Japan Reach an Agreement to Remove Trump-Era Steel Tariffs. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
———-
VI- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Huỳnh Tâm Sáng: Quan hệ Australia – Việt Nam có đạt cột mốc mới vào năm 2022 hay không?
Theo tác giả, để thực hiện mục tiêu thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2023, Việt Nam và Australia cần thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và bền vững hơn hơn ở tất cả các mặt, từ kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng lẫn chiến lược. Hai nước có thể hướng đến các lĩnh vực chuyên biệt, có nhiều tiềm năng hợp tác. Ví dụ, hai nước có thể xử lý những thiếu sót trong đầu tư của Australia vào Việt Nam, đối phó với biến đổi khí hậu hay chia sẻ kinh nghiệm quản trị số của Canberra với Hà Nội.
Theo tác giả, bản chất của quan hệ đối tác giữa hai nước là mối quan hệ gia tăng giữa hai quốc gia tầm trung trong khu vực. Hai nước có chung quan ngại với Trung Quốc, nhưng đây không nên chỉ là một liên minh để đối phó với Bắc Kinh. Điểm tương đồng lợi ích lớn hơn nằm ở Đông Nam Á, khi Việt Nam muốn tăng cường vị thế chiến lược và củng cố quan hệ với các nước láng giềng, trong khi Australia muốn tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị. Việt Nam có thể trở thành cầu nối giữa Canberra và ASEAN, trong khi Australia có thể là một hình mẫu cho Việt Nam như một quốc gia tầm trung có ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Xem thêm:
Diplomat ngày 24/1/2022: Are Australia-Vietnam Relations Set to Reach New Heights in 2022?
Andrey Gubin: Quan hệ đầy hứa hẹn giữa Nga và ASEAN
Theo tác giả, việc Nga chấp nhận các quy tắc của ASEAN là điều đáng chú ý. Tác giả chỉ ra Nga và ASEAN cũng đang hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ quốc phòng, an ninh tới kinh tế, phát triển. Tuy vậy, bản chất vai trò của Nga trong khu vực vẫn còn là dấu hỏi. Nga không tạo ra vấn đề đáng kể nào với khu vực, trong khi tâm lý chuộng đa phương của ASEAN hấp dẫn Moscow. Việc quan điểm của Nga không đồng nhất hoàn toàn với Trung Quốc cũng tạo cơ hội cho Moscow đóng vai trò trung gian độc lập trong các tranh chấp. Nga cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết khủng hoảng và nhiều lĩnh vực khác. Theo tác giả, Nga và ASEAN cần tập trung vào các vấn đề cụ thể, không quá tổng quát và không bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh Mỹ – Trung.
Xem thêm:
East Asia Forum ngày 5/2/2022: Russia’s blossoming ties with ASEAN
Thomas G. Mahnken: Chiến lược hàng hải để đối phó với Trung Quốc
Một chiến lược hàng hải tận dụng lợi thế địa lý xung quanh Trung Quốc và sử dụng kết hợp các lực lượng bên trong và bên ngoài có thể ngăn chặn hoặc đánh bại Trung Quốc nếu cuộc chiến xảy ra. Bất kỳ chiến lược nào để cạnh tranh với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương và xa hơn cũng sẽ bắt đầu từ chiến lược hàng hải và Tây Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò trung tâm của chiến lược. Các mối quan tâm chính về lãnh thổ của Trung Quốc là Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông gần nước này hơn nhiều so với Hoa Kỳ nên chiến lược hàng hải của Hoa Kỳ phải tìm cách biến vị trí địa lý thành lợi thế của Hoa Kỳ bằng cách sử dụng Tây Thái Bình Dương để hạn chế Trung Quốc tiếp cận các đại dương rộng mở trong điều kiện khủng hoảng hoặc chiến tranh.
Từ Trung Quốc để tiếp cận Thái Bình Dương cần phải băng qua Chuỗi đảo thứ nhất được hình thành bởi Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và một phần bán đảo Đông Nam Á với chỉ một số eo biển hẹp và Hoa Kỳ cần phải kiểm soát được các eo biển này để hạn chế Trung Quốc. Chuỗi đảo thứ nhất nên được coi là vị trí then chốt mà Hoa Kỳ và đồng minh phải bảo vệ. Sức mạnh từ các lực lượng tổng hợp trên bộ, viễn chinh, hải quân và không quân của Hoa Kỳ và đồng minh được hỗ trợ bởi năng lực không gian và không gian mạng sẽ là một thách thức mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể bỏ qua.
Xem thêm:
U.S. Naval Institute tháng 2/2022: A Maritime Strategy to Deal with China
Michael J. Green & Evan S. Medeiros: Liệu Mỹ có thể xây dựng lại sức mạnh của mình ở Châu Á?
Sau những nỗ lực trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, chính quyền Biden đã nỗ lực đạt được những thành tích ấn tượng, tuy nhiên những nỗ lực ấy vẫn không khắc phục được việc Tổng thống Trump tách rời kinh tế khỏi Châu Á, cũng như không thực hiện các khoản đầu tư cần thiết để duy trì lợi thế quân sự của Hoa Kỳ. Vì thế, theo tác giả, để dần xây dựng lại sức mạnh của Hoa Kỳ ở Châu Á, Chính quyền Biden không chỉ cần phải duy trì những động lực hiện tại mà còn phải mở rộng hành động của mình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ngay cả khi các cuộc khủng hoảng mới phát sinh ở Ukraine và Trung Đông. Chính quyền cần phải chú trọng nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực pháp chế kinh tế và răn đe quân sự, mở rộng các sáng kiến về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có sự ủng hộ của lưỡng đảng, bao gồm các quốc gia mới đặc biệt là Hàn Quốc. Bên cạnh đó, chính quyền phải nêu rõ chính sách toàn diện về Trung Quốc theo cách duy trì sự ủng hộ trong nước và quốc tế. Cuối cùng, theo tác giả, Tổng thống Biden phải bắt đầu lên kế hoạch cho hành động thứ hai của mình ở Châu Á và nếu muốn cam kết đáng tin cậy với khu vực, thì ông không nên ngần ngại suy nghĩ lớn và hành động mạnh dạn hơn.
Xem thêm:
Foreign Affairs ngày 31/1/2022: Can America Rebuild Its Power in Asia?. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Cate Cadell: Trung Quốc thu thập dữ liệu về công dân các nước phương Tây
Theo một đánh giá của The Washington Post dựa trên hàng trăm hồ sơ mời thầu, hợp đồng và hồ sơ của các công ty Trung Quốc, nước này đang chuyển một phần chính mạng lưới giám sát dữ liệu Internet nội bộ của mình ra bên ngoài để khai thác các phương tiện truyền thông xã hội của phương Tây bao gồm cả Facebook và Twitter nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan chính phủ, cảnh sát, quân đội về các mục tiêu nước ngoài. Theo đó, Trung Quốc duy trì một mạng lưới các dịch vụ giám sát dữ liệu của chính phủ trên toàn quốc được phát triển trong nhiều thập kỷ qua và được sử dụng để cảnh báo các quan chức về thông tin nhạy cảm chính trị trên các nền tảng số. Phần mềm này chủ yếu nhằm mục tiêu là người dùng internet và phương tiện truyền thông trong nước nhưng cũng bao gồm cả các nguồn từ nước ngoài như Twitter, Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội phương Tây khác.
Xem thêm:
The Washington Post ngày 31/12/2021: China harvests masses of data on Western targets, documents show. Bản PDF được lưu trữ tại đây.
Kai von Carnap: Tập Cận Bình và chương trình công nghệ mở rộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng các “buổi nghiên cứu tập thể” để xác định các công nghệ mới nổi mà họ có thể khai thác về mặt chính trị với sự hợp nhất của các mục tiêu công nghệ dân sự và quân sự. Huawei gần đây đã hoàn thành việc triển khai hệ điều hành mới mang tên HarmonyOS 2.0 ở Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Mặc dù đây chỉ là một thành công về đổi mới và tiến bộ về khoa học công nghệ nhưng lại mạng lại cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước này nhiều quyền lực hơn trên không gian mạng. Dưới thời Tập Cận Bình, sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc đối với chủ quyền không gian mạng đã trở nên mạnh mẽ hơn đặc biệt là từ sau năm 2017. Ông Tập cũng đã đưa các chương trình về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo blockchain vào các chương trình nghiên cứu mới phát triển.
Xem thêm:
The Strategist ngày 4/2/2022: Xi Jinping and the CCP’s expanding technology agenda
Jonathan Cheng: Để đạt được “thịnh vượng chung”, Tập Cận Bình muốn giải quyết “ba ngọn núi lớn” của Trung Quốc
Tác giả chỉ ra Trung Quốc đang phải đối mặt với “ba ngọn núi lớn” – cụm từ chỉ ba vấn đề nhức nhối trong xã hội Trung Quốc hiện nay: chi tiêu lớn cho giáo dục, y tế và nhà ở. Các vấn đề này xuất hiện sau khi Trung Quốc mở cửa các lĩnh vực này cho kinh tế tư nhân, góp phần dẫn tới việc suy giảm tỷ lệ sinh. Để đạt được mục tiêu “thịnh vượng chung”, giới chức Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để kiểm soát giá nhà ở, hạn chế ngành công nghiệp dạy thêm và cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Xem thêm:
The Wall Street Journal ngày 3/2/2022: To Achieve ‘Common Prosperity,’ Xi Jinping Seeks to Scale China’s ‘Three Big Mountains’
———-
VII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Sebastian Biba (2021) Germany’s relations with the United States and China from a strategic triangle perspective
Trong bối cảnh sự do dự của chính quyền Đức trong việc áp dụng toàn bộ cách tiếp cận chống Trung Quốc của Hoa Kỳ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, bài nghiên cứu được công bố năm 2021 (trước khi chính phủ mới được thay thế ở Đức) đã áp dụng cách tiếp cận tam giác chiến lược (STA), được giới thiệu bởi học giả Hoa Kỳ Lowell Dittmer vào đầu những năm 1980, nhằm phân tích các hành động của chính quyền Đức. Đồng thời, thông qua việc phân tích cách tiếp cận tam giác chiến lược, bài báo cũng trả lời hai câu hỏi: Tại sao Berlin lại miễn cưỡng liên kết với sự đối kháng của Washington đối với Trung Quốc? Và những triển vọng và khó khăn trong hành động hiện nay hay sự lựa chọn giải pháp của Đức là gì? Từ đó, bài báo giới thiệu các định đề lý thuyết chính của STA và đặc biệt nhấn mạnh vào điểm được gọi là vị trí xoay trục trong “tam giác lãng mạn”, một vị trí của Đức không thực sự chủ động nhắm tới. Tuy nhiên hiện nay Đức đã tìm cách duy trì vai trò này vì chính quyền Đức cho rằng mối quan hệ tích cực với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc có lợi cho an ninh và lợi ích kinh tế của chính quốc gia này. Cuối cùng, bài báo đã tham gia vào một cuộc thảo luận với nền tảng dựa trên STA về hành động hiện tại của chính phủ Đức, từ đó nêu lên những thách thức mà Berlin đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn phía trước.
Xem toàn văn bài báo tại đây.
MERICS China Forecast 2022
Bài báo cáo cho thấy kết quả của cuộc khảo sát trực tuyến về Chính sách Trung Quốc của Châu Âu được Merics thực hiện vào tháng 12/2021, với 850 người tham gia khảo sát bao gồm những chuyên gia và các quan sát viên Châu Âu về Trung Quốc. Thông qua cuộc khảo sát, các chuyên gia và quan sát viên thể hiện quan điểm rằng chính quyền Tập Cận Bình sẽ tiếp tục củng cố quyền lực trong năm 2022 cùng với khẩu hiệu về tự lực và thịnh vượng chung. Về phát triển kinh tế, các chuyên gia và quan sát viên cho rằng sự kiểm soát của nhà nước sẽ chiếm nhiều ưu thế đối với việc định hình sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, đồng thời, tính ổn định và tính tự lực về công nghệ cũng là ưu tiên chính sách kinh tế chủ chốt của Trung Quốc vào năm 2022. Trong năm nay, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ ưu tiên cung cấp năng lượng và các quy định trong lĩnh vực giải trí nghiêm ngặt hơn ở trong nước, song chính quyền Trung Quốc cũng tăng cường hướng dẫn và kiểm soát đối với các quyết định của cấp điều hành thuộc các công ty công nghệ lớn. Về quan hệ EU-Trung Quốc, những thành viên tham gia khảo sát đánh giá rằng nền kinh tế ổn định nhưng trong tương lai có thể xảy ra bất ổn chính trị. Bên cạnh đó, Chính phủ mới của Đức được xem là yếu tố quan trọng đối với mối quan hệ Trung Quốc – EU. Trong năm 2022, Ủy ban Châu Âu nên đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình chính sách Trung Quốc của Châu Âu, đổng thời tập trung vào Hợp tác an ninh kinh tế và khí hậu trong chính sách Trung Quốc. Về thương mại, EU sẽ giảm hoặc tăng thương mại, đầu tư và R&D với Trung Quốc liên quan đến công nghệ xanh. Hầu hết các chuyên gia và quan sát viên đều cho rằng EU nên hỗ trợ mạnh mẽ hợp tác với các nước cùng chí hướng đối với cách tiếp cận kinh tế của EU đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó, EU và các quốc gia thành viên nên ưu tiên hỗ trợ đa dạng hóa quan hệ đối tác ngoài quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Xem toàn văn báo cáo tại đây.
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.