Bản Tin Biển Đông Số 90

(Tuần từ 10 – 17/01/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Lê Đức Tâm, Đoàn Thị Hằng Ni, Lê Xuân Phương, Trần Phạm Bình Minh  

Biên tập: Phạm Huệ Việt

Tư liệu: South China Sea News

Tư liệu về một quân nhân đã ngã xuống trong hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974:  “Tường Trình Ủy Khúc” của Hải Quân Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh (Hạm trưởng Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ5) kính trình Đô Đốc Trần Văn Chơn về trường hợp Thượng Sĩ Điện Tử Nguyễn Phú Hảo như sau:
“… Đặc biệt trong trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19-01-1974, Th/S ĐT Hảo đã tận tụy sửa chữa các máy móc điện tử trong lúc chiến hạm đang giao tranh với tàu Trung Cộng để giữ vững khả năng tác chiến của chiến hạm, nhờ đó đã góp công bắn chìm 2 tàu địch và gây cho 2 chiệc khác tổn thất nặng nề. Th/S DT NGUYEN PHU HAO SQ:60A701.092 từ trần trong trận hải chiến giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải Quân Trung Cộng để giành lại chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa tại quần đảo Hoàng Sa… “. Nguồn: Lâm Nguyễn.

Tải bản PDF ở

———-

Trong Bản Tin Biển Đông Số 90 có những nội dung sau:

I- BÁO CÁO CỦA BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ: YÊU SÁCH BIỂN ĐÔNG CỦA TRUNG QUỐC – THỰC TIỄN CÁC QUỐC GIA

II- THỦ TƯỚNG VIỆT NAM – TRUNG QUỐC ĐIỆN ĐÀM TRONG BỐI CẢNH TRUNG QUỐC CHẶN CỬA KHẨU BIÊN GIỚI, BINH LÍNH TRUNG QUỐC NÉM ĐÁ XE XÚC XÂY DỰNG VIỆT NAM

III- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

VI- CHUYỂN ĐỘNG LIÊN HỢP QUỐC

VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

VIII- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH

———-

I- BÁO CÁO CỦA BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ: YÊU SÁCH BIỂN ĐÔNG CỦA TRUNG QUỐC – THỰC TIỄN CÁC QUỐC GIA

Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ: Yêu sách Biển Đông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Báo cáo của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tập trung xem xét các yêu sách biển của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông. Các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với pháp luật quốc tế được thể hiện trong UNCLOS 1982. Cụ thể, Trung Quốc đưa ra 04 yêu sách biển đi ngược lại pháp luật quốc tế trên Biển Đông: (1) Yêu sách chủ quyền đối với các thực thể địa lý ở Biển Đông. (2) Yêu sách đường cơ sở thẳng. (3) Yêu sách vùng biển bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với từng nhóm đảo trên Biển Đông. Và (4) Trung Quốc khẳng định quốc gia mình có “quyền lịch sử” ở Biển Đông.

 Tuần tự theo 4 yêu sách trên báo cáo của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã lần lượt bác bỏ dựa trên hệ thống các nguyên tắc và quy định của pháp luật quốc tế. Cụ thể: 

(1) Về yêu sách chủ quyền đối với các thực thể địa lý ở Biển Đông

Báo cáo chỉ ra rằng nguyên tắc cốt lõi của luật biển quốc tế là “đất thống trị biển”, theo đó lãnh thổ vùng đất sẽ quyết định việc mở rộng ra các vùng nước phụ cận. Đồng thời cũng cần thiết làm rõ các thực thể  địa lý nổi ở thủy triều cao (đảo/đá) và các thực thể địa lý chìm ở triều cao (chỉ nổi ở thuỷ triều thấp) , trong đó các thực thể  địa lý thủy triều cao sẽ được hưởng quy chế pháp lý riêng biệt theo Điều 121 UNCLOS 1982, còn các thực thể địa lý chìm ở triều cao sẽ  phụ thuộc vào quy chế pháp lý của vùng biển mà những thực thể này nằm trong. Cũng theo khoản 3, Điều 121 UNCLOS, những đảo, đá không có đời sống kinh tế riêng và không phù hợp cho con người đến ở sẽ không được hưởng quy chế pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Báo cáo cũng nêu rõ việc cải tạo đất hoặc các hoạt động khác của con người làm thay đổi trạng thái tự nhiên của các thực thể địa lý không thể biến các thực thể địa lý này thành đảo và được hưởng các quy chế pháp lý đầy đủ.

Từ đó đi đến kết luận yêu sách của Trung Quốc đối với với hơn 100 thực thể chìm ở triều cao  ở Biển Đông, không đáp ứng được định nghĩa của luật quốc tế về “đảo” và nằm ngoài lãnh hải hợp pháp, là không phù hợp với luật pháp quốc tế, do đó sẽ không được Hoa Kỳ và các quốc gia khác công nhận. Kết luận này cũng bao gồm tất cả các thực thể  địa lý chìm dưới mực nước biển như Bãi ngầm James (Tăng Mẫu), Bãi Tư Chính, bãi ngầm Trung Sa, và bao gồm bất kỳ yêu sách chủ quyền nào đối với các thực thể địa lý chìm ở triều cao như Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây hoàn toàn nằm ngoài lãnh hải hợp pháp và không phải là đối tượng của việc thụ đắc lãnh thổ theo Luật quốc tế. 

(2) Về yêu sách đường cơ sở thẳng

Báo cáo viện dẫn kết luận của ICJ về đường cơ sở thẳng: “Đường cơ sở thẳng là một trường hợp ngoại lệ đối với các quy tắc thông thường để xác định đường cơ sở và chỉ được áp dụng nếu đáp ứng đủ một số điều kiện. Do đó, phương pháp đường cơ sở thẳng chỉ được áp dụng một cách hạn chế với các điều kiện bờ biển bị khoét sâu, lồi lõm, hoặc có một chuỗi đảo chạy dọc ven bờ”. Điều 7 UNCLOS cũng đặt ra việc vẽ đường cơ sở thẳng không được chệch quá xa so với xu hướng chung của bờ biển, đường cơ sở không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc chìm lúc nổi, và không được vẽ theo hướng làm tách rời lãnh hải của một quốc gia khác khỏi biển cả hoặc vùng đặc quyền kinh tế. Báo cáo cũng khẳng định lại quy định của UNCLOS tại phần IV về việc thiết lập đường cơ sở quần đảo, do đó chỉ có quốc gia quần đảo mới có quyền thiết lập đường cơ sở quần đảo, các quốc gia lục địa có một phần lãnh thổ là các quần đảo hợp không được vẽ đường cơ sở quần đảo. 

Báo cáo khẳng định rằng các đường cơ sở mà Trung Quốc thiết lập đối với quần đảo Hoàng Sa và ý đồ của quốc gia này nhằm thiết lập đường cơ sở xung quanh các nhóm đảo khác ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế. Không có bất kỳ đảo hoặc nhóm đảo nào trong số 04 nhóm đảo mà Trung Quốc gọi là “Nam Hải Chư Đảo” đáp ứng đủ các điều kiện địa lý để thiết lập đường cơ sở thẳng theo Điều 7 UNCLOS 1982. Báo cáo của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng đưa ra các minh chứng để chứng minh rằng các yêu cầu của Trung Quốc về việc hình thành tập quán  quốc tế liên quan đến các nhóm đảo xa bờ không được đáp ứng và do đó không có bất kỳ tập quán quốc tế nào tạo ra các cơ sở pháp lý thay thế cho phép các quốc gia lục địa như Trung Quốc yêu cầu đường cơ sở thẳng ở các nhóm đảo xa bờ

(3) Về yêu sách đối với các vùng biển

Báo cáo nhắc lại một lần nữa các quy định của UNCLOS 1982 về cách xác định và quy chế pháp lý của lãnh hải, vùng tiếp giáp, EEZ và thềm lục địa. Theo đó quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, và có các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp, EEZ và thềm lục địa, trong 03 vùng biển này các quốc gia khác cũng được hưởng các quyền tự do theo UNCLOS. 

Trên cơ sở quy chế pháp lý của các vùng biển theo UNCLOS, Báo cáo đi đến kết luận yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh “Nam Hải Chư Đảo” cũng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Bất kỳ yêu sách nào về nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa dựa trên việc coi các nhóm đảo ở Biển Đông là “một thể thống nhất” đều không được pháp luật quốc tế cho phép. Trong các vùng mà mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, quốc gia này cũng đưa ra các tuyên bố về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong đó có yêu cầu về sự cho phép trước đối với các tàu chiến để thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải, một thẩm quyền được Trung Quốc khẳng định được tạo ra nhằm ngăn chặn và trừng phạt các hành vi vi phạm luật “an ninh” của Trung Quốc trong vùng tiếp giáp; và các hạn chế đối với các hoạt động quân sự trong EEZ.

(4) Về yêu sách quyền lịch sử

Báo cáo khẳng định không có bất kỳ điều khoản nào của UNCLOS quy định về quyền lịch sử cũng như không có bất kỳ cách hiểu, giải thích nào về thuật ngữ “quyền lịch sử” trong hệ thống pháp luật quốc tế. Hai trường hợp được UNCLOS đề cập đến là Vịnh lịch sử tại Điều 10, và Danh nghĩa lịch sử tại Điều 15 khi xác định các vùng biển chồng lấn. Những điều khoản này cũng tương tự như các quy định được thỏa thuận trước đó trong công ước Geneva năm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp. Việc UNCLOS không quy định về quyền lịch sử cũng được kết luận trong Phán quyết trọng tài Biển Đông năm 2016. 

Do đó, kết luận yêu sách của Trung Quốc đối với các “quyền lịch sử” là không phù hợp với pháp luật quốc tế vì đã vượt quá các quyền và lợi ích hợp pháp có thể có trên biển của Trung Quốc  theo quy định của luật pháp quốc tế được quy định trong UNCLOS. 

Tải toàn văn báo cáo ở đây

Báo cáo bổ sung về Thực tiễn quốc gia 

Báo cáo này được thực hiện nhằm bổ sung phần thực tiễn của các quốc gia trong việc đánh giá yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, báo cáo cho rằng Trung Quốc đã lập luận rằng “chế độ pháp lý đối với các quần đảo xa bờ không được quy định trong UNCLOS do đó các quy tắc của tập quán quốc tế cần phải được áp dụng trong trường hợp này”. 

Trung Quốc cho rằng quốc gia mình coi trọng các quy định và điều kiện áp dụng được quy định trong UNCLOS đối với việc vẽ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Đồng thời, Trung Quốc tin rằng thông lệ lâu đời trong luật pháp quốc tế liên quan đến các quần đảo xa của các Quốc gia lục địa cần được tôn trọng. Trung Quốc cho rằng việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở lãnh hải trên các đảo và bãi đá ngầm có liên quan ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế chung. Các lập luận được Trung Quốc đưa ra bao gồm: (1) Việc áp dụng đường cơ sở liên quan đến các quần đảo ở xa lục địa không bị điều chỉnh bởi UNCLOS và (2) “Tập quán quốc tế” đã cung cấp cơ sở pháp lý để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh các quần đảo xa bờ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Phần báo cáo bổ sung thực tiễn này của Hoa Kỳ tập trung vào việc chứng minh rằng không có bất kỳ quy tắc pháp luật quốc tế nào tách biệt với những quy tắc được phản ánh trong Công ước cung cấp cơ sở pháp lý thay thế cho việc vẽ đường cơ sở của các Quốc gia lục địa xung quanh các quần đảo xa bờ. 

Hai vấn đề được xem xét đến liên quan đến lập luận của Trung Quốc là tập quán quốc tế và các bằng chứng trên thực tế. 

Trước hết, đối với tập quán pháp luật quốc tế. Để chứng minh cho sự tồn tại của một nguyên tắc pháp luật theo tập quán quốc tế phải có “bằng chứng về một thông lệ chung được chấp nhận là luật”, như được nêu trong Quy chế của ICJ. Do đó các tập quán này phải đảm bảo 02 yếu tố (1) Thông lệ của quốc gia và (2) Quan điểm về việc thực tiễn được chấp nhận như là luật, (opinio juris) nếu thiếu vắng một trong hai yếu tố trên thì sẽ không được thừa nhận là tập quán quốc tế.

Và thứ hai, bằng chứng thực tế: Việc rà soát thực tiễn quốc gia và opnio juris. Trên cơ sở xem xét thực tiễn áp dụng đường cơ sở của một số quốc gia, Báo cáo cho thấy nhiều quốc gia hoàn toàn không sử dụng đường cơ sở thẳng  cho các quần đảo xa bờ thay vào đó sử dụng đường cơ sở thông thường theo quy định tại Điều 5 UNCLOS. Trong một số trường hợp tương đối hiếm các quốc gia cũng thiết lập đường cơ sở đối với toàn bộ một nhóm đảo xa bờ. Tuy nhiên, những trường hợp này không thể được coi là thông lệ chung và nhất quán.

Báo cáo bác bỏ lập luận của Hội Luật quốc tế Trung Quốc rằng hầu hết các quốc gia lục địa có các quần đảo xa bờ đều thiết lập đường cơ sở thẳng. Việc sử dụng có chọn lọc các đường cơ sở thẳng trong một nhóm đảo theo cách mà Quốc gia ven biển coi là phù hợp Điều 7 của Công ước sẽ không hỗ trợ quan điểm rằng tồn tại một tập quán quốc tế riêng biệt về việc vẽ các đường cơ sở thẳng xung quanh một nhóm đảo xa bờ, đặc biệt là một quy tắc đối lập với các điều khoản cơ bản được quy định trong UNCLOS. Báo cáo cũng chỉ rõ Hội Luật quốc tế Trung Quốc không phân tích toàn bộ thực tiễn áp dụng của các quốc gia mà chỉ viện dẫn các trường hợp ủng hộ cho quan điểm của Trung Quốc và những trường hợp Trung Quốc viện dẫn như vậy không có tính đại diện cho một thông lệ chung và nhất quán của các quốc gia. Từ đó, Báo cáo đi đến kết luận không tồn tại thông lệ chung và nhất quán nào về việc các quốc gia đại lục có thể vẽ đường cơ sở thẳng cho các quần đảo xa bờ. 

Những dữ liệu của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng chứng minh rằng các Quốc gia ven biển nỗ lực thực hiện các điều khoản cơ bản trong Công ước hơn là tạo ra các quy tắc thay thế như một tập quán quốc tế.

Về khả năng hình thành tập quán, Báo cáo chỉ ra rằng vấn đề sử dụng đường cơ sở thẳng đối với các quần đảo xa bờ đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ III của Liên hợp quốc về Luật Biển. Có 9 quốc gia đưa ra bản dự thảo về việc cho phép các quốc gia ven biển có một hoặc nhiều quần đảo xa bờ được phép áp dụng đường cơ sở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đề xuất như vậy bị từ chối cho thấy quan điểm được đưa ra trong dự thảo là không hợp lý và sẽ không được áp dụng. Chỉ có một cơ sở pháp lý duy nhất cho việc vẽ đường cơ sở thẳng là điều 7 UNCLOS 1982; các trường hợp không tuân thủ điều 7 đều trái với quy định của pháp luật quốc tế. 

Tải toàn văn báo cáo ở đây.

Việt Nam: Giữa Việt Nam và Trung Quốc, UNCLOS cung cấp cơ sở pháp lý duy nhất cho các yêu sách biển của mỗi nước ở Biển Đông

Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố Việt Nam “ghi nhận” động thái này. Bà cũng khẳng định Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ.

Trước đó, trong công hàm ngày 30/3/2020 gửi Liên Hợp Quốc liên quan tới đệ trình yêu sách thềm lục địa của Malaysia, Việt Nam đưa ra lập trường tương tự với Mỹ liên quan tới yêu sách biển của Trung Quốc. 

Cụ thể, Việt Nam tuyên bố rằng “giữa Việt Nam và Trung Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cung cấp cơ sở pháp lý duy nhất và xác định một cách toàn diện và đầy đủ phạm vi các quyền lợi hàng hải của mỗi nước ở Biển Đông. Theo đó, quyền được hưởng vùng biển của các thực thể luôn nổi ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa sẽ được xác định theo Điều 121 (3) của UNCLOS; đường cơ sở của các nhóm đảo trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không thể được vẽ bằng cách nối các điểm ngoài cùng của các thực thể địa lý ngoài cùng của chúng; các bãi cạn lúc chìm, lúc nổi hoặc các bãi ngầm không phải là đối tượng để thụ đắc lãnh thổ và tự chúng không tạo ra các quyền được hưởng vùng biển. Việt Nam phản đối bất kỳ yêu sách biển nào ở Biển Đông vượt quá giới hạn quy định trong UNCLOS, bao gồm cả yêu sách về các quyền lịch sử; những yêu sách này không có giá trị pháp lý.”

Xem thêm:

VOV ngày 14/1/2022: Việt Nam ghi nhận Báo cáo số 150 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về các ranh giới biển

Công hàm của Việt Nam ngày 30/3/2020

Trung Quốc: Báo cáo mới về Biển Đông của Hoa Kỳ gây hiểu lầm, bóp méo luật pháp quốc tế

Bắc Kinh cho rằng hành động của Hoa Kỳ là “trái pháp luật”, là hành vi gây hiểu lầm và bóp méo pháp luật quốc tế, gây bất hòa và phá vỡ các trật tự chung trong khu vực. 

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói thêm  rằng khác với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã không phê chuẩn UNCLOS 1982 nhưng vẫn tự coi mình là “Thẩm phán của UNCLOS”

Xem thêm:

The Straits Times ngày 13/1/2022: Beijing says new South China Sea report by US is misleading, distorts international law

II- THỦ TƯỚNG VIỆT NAM – TRUNG QUỐC ĐIỆN ĐÀM TRONG BỐI CẢNH TRUNG QUỐC CHẶN CỬA KHẨU BIÊN GIỚI, BINH LÍNH TRUNG QUỐC NÉM ĐÁ XE XÚC XÂY DỰNG VIỆT NAM 

Trung Quốc kiểm soát biên giới làm tổn thương nông dân và người lái xe tải Việt Nam

Các biện pháp hạn chế biên giới liên tục của Trung Quốc dọc theo biên giới Việt Nam – Trung Quốc đang gây ra tình trạng tồn đọng xe tải chở hàng hoá của Việt Nam, một số xe phải đợi tới 40 ngày mới được qua lại. Tại cửa khẩu Hữu Nghị dọc biên giới Việt – Trung, ngày 6/1/2022 chỉ có 100 xe tải qua lại và ít nhất 800 xe phải xếp hàng chờ. Tính đến ngày 5/1, 9 thành phố ở các tỉnh Chiết Giang và Giang Tây của Trung Quốc nói rằng đã phát hiện dấu vết của COVID-19 trên trái cây nhập khẩu từ Việt Nam và yêu cầu người mua trái cây địa phương phải kiểm dịch. Trung Quốc đang duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt như một phần của chính sách COVID-19 “không khoan nhượng” đang diễn ra.

Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 4 tỷ đô la vào năm 2021, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 56%. Các nhà sản xuất Việt Nam khó tìm được thị trường mới trong bối cảnh kẹt xe biên giới Việt – Trung, vì nhiều thị trường nước ngoài vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự chậm trễ về vận chuyển và rất ít thị trường có thể sánh được với sức mua của Trung Quốc.

Xem thêm:

Stratfor ngày 7/1/2022: Vietnam, China: Chinese Border Controls Hurt Vietnamese Farmers and Truckers 

Thủ tướng Việt Nam điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc

Ngày 13/1/2022, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc điện đàm “nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc” (theo thông cáo của Việt Nam), “về quan hệ song phương và RCEP” (theo thông cáo của Trung Quốc).

Theo ông Chính, hai bên cần phối hợp chặt chẽ và áp dụng các biện pháp hiệu quả, quyết liệt để tiếp tục giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới. Ông cũng đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa và đẩy nhanh mở cửa thị trường đối với một số loại nông sản, hoa quả của Việt Nam và nhấn mạnh Việt Nam đang quyết liệt thực hiện phương châm “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn”.

Theo thông cáo của Việt Nam, sau khi ông Chính có thư gửi ông Lý và gặp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Lý đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương Trung Quốc phối hợp giải quyết, đến nay tình hình giao thương hàng hóa tại cửa khẩu đã có cải thiện

Theo thông cáo của Trung Quốc, nước này sẵn sàng tạo thuận lợi để các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Việt Nam thông quan. Ông Lý cũng khẳng định cùng Việt Nam và các nước thành viên khác thúc đẩy việc thực thi hiệu quả RCEP và đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực lên một tầm cao mới.

Về vấn đề biên giới lãnh thổ, ông Chính đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện tốt 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, nhất là vấn đề nảy sinh; tiếp tục phát huy tốt các cơ chế đàm phán nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển theo tinh thần nhận thức chung cấp cao và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; tích cực thúc đẩy đàm phán xây dựng, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế. 

Đáng chú ý, từ khoá “hiệu lực” trước đây vốn gắn liền với Bộ Quy tắc ứng xử đã không còn trong bản tin của Chính phủ Việt Nam. 

Ông Lý bày tỏ mong muốn thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển giữa hai nước sớm đạt tiến triển thực chất, sẵn sàng cùng Việt Nam và các nước ASEAN tiếp tục nỗ lực sớm đạt COC. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì hiệu quả các kênh trao đổi về biên giới trên đất liền và vấn đề trên biển, thúc đẩy điểm đồng, xử lý các khác biệt, giữ gìn hòa bình, ổn định chung.

Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh nhiều hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị ách tắc tại các cửa khẩu trong thời gian qua, do chính sách siết chặt việc thông quan của Trung Quốc với lý do phòng dịch. 

Bên cạnh đó, tình hình tại biên giới trên bộ cũng có những diễn biến phức tạp. Một đoạn video xuất phát từ tài khoản tên “Lee Ann Quann” đăng lên trang Twitter vào ngày 3/1 cho thấy binh lính Trung Quốc ném đá về phía những chiếc xe xúc đất của các công nhân không vũ khí đang xây kè sông bên phía Việt Nam để chống xói lở.

Nhận định về sự việc, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện ISEAS (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) của Singapore, nói với VOA rằng có thể khẳng định hành động của binh sĩ Trung Quốc là do “nhận lệnh từ Bắc Kinh”. Dưới đây là trích đoạn bản tin của VOA: 

“Trung Quốc họ không đồng ý cho công nhân Việt Nam đắp ở chỗ bờ bên này của suối nước. Lý do của họ là nó sẽ cản dòng nước và (làm cho) dòng nước chảy về phía bờ của Trung Quốc, làm xói bờ phía Trung Quốc và làm đổ hàng rào mà Trung Quốc xây ở đó. Họ nói rất rõ và còn trưng cả khẩu hiệu phản đối bằng tiếng Việt lẫn tiếng Trung Quốc”.

Phía Việt Nam sau đó đã giải thích rằng việc đắp bờ không ảnh hưởng đến Trung Quốc và tiếp tục làm công trình nên dẫn đến vụ “ném đá” trên, vẫn theo TS. Hà Hoàng Hợp.

“Phía bên kia, Trung Quốc họ nói không được thì họ đưa người dân ra biểu tình, đả đảo, nhưng cũng không được nữa thì họ ném đá. Họ không ném vào công nhân Việt Nam nhưng họ ném vào mấy chiếc xe xúc. Không một người Việt Nam nào bị thương cả”, TS. Hà Hoàng Hợp cho biết.

Hành động “ném đá” của người Trung Quốc đối với Việt Nam, theo ông, giống hệt như những gì đã diễn trong giai đoạn đầu cuộc xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

“Lúc đầu, người Trung Quốc chỉ ném đá vào các lều của người Ấn Độ ở biên giới thôi, là những lều không có người, những lều mà lính Ấn Độ trữ thực phẩm, gạo, thức ăn và mấy con heo… Nhưng sau đó (xung đột) tăng lên rất nhanh, (Trung Quốc) bắt đầu ném vào những lều mà lính (Ấn Độ) ở, rồi ném đá vào nhau, đánh nhau, đẩy nhau xuống vực chết”, TS. Hà Hoàng Hợp nói, đồng thời cho rằng đây là một dấu hiệu “không tốt”, mặc dù khả năng xảy ra xung đột vũ trang như trong trường hợp của Ấn Độ là không cao, “nhưng không phải là không có”.

Xem thêm:

Báo Chính phủ ngày 13/1/2022: Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ toàn diện, giải quyết vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu

Tân Hoa Xã ngày 13/1/2022: Chinese premier, Vietnamese PM hold phone call on bilateral ties, RCEP

ANI ngày 13/1/2022: Chinese soldiers threw stones at Vietnamese at border fence, Ha Giang province – Reports

Nhân dân Nhật báo ngày 14/1/2022: 李克强同越南总理范明政通电话时强调: 以RCEP如期生效实施为契机 推进更高水平的区域经济一体化

CRI Tiếng Việt ngày 14/1/2022: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường điện đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính

VOA Tiếng Việt ngày 15/1/2022: Biên giới Việt-Trung: Hết chặn cửa khẩu đến ‘ném đá’, Trung Quốc đang làm gì với Việt Nam? 

III- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á

Phó Thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt: Singapore có thể giúp Trung Quốc kết nối tốt hơn với thị trường Đông Nam Á

Trong bài viết trên Think China trước thềm cuộc họp của Hội đồng Hợp tác Song phương Singapore – Trung Quốc, Phó Thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt (Heng Swee Keat) chỉ ra các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội tới phát triển bền vững. Về kinh tế, Singapore có thể tăng cường liên kết của Trung Quốc với các nền kinh tế trong khu vực, cũng như tăng cường các mối liên kết kỹ thuật số. Về xã hội, ông Vương đề xuất hai bên có thể hợp tác trong các lĩnh vực như chăm sóc người cao tuổi. Các kênh trao đổi không chỉ được triển khai giữa các quan chức, mà còn giữa các giới doanh nhân, khoa học hay sinh viên… Ngoài ra, hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và kinh tế xanh. Theo ông Vương, cả Singapore và Trung Quốc sẽ đều có lợi ích trong xây dựng một tương lai năng động, kết nối và bền vững.

Xem thêm:

Think China ngày 28/12/2021: Singapore DPM: Singapore can help to better connect China with Southeast Asian markets

Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia ký Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải

Ngày 28/12/2021, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia (Bakamla) đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải. Bản ghi nhớ này tập trung vào 6 lĩnh vực chính: nâng cao năng lực qua diễn tập chung, huấn luyện, giáo dục, hội thảo, tọa đàm…; trao đổi giữa hai lực lượng; chia sẻ thông tin và liên lạc; tìm kiếm cứu nạn và phòng chống tội phạm; thăm lẫn nhau; chống đánh bắt IUU.

Xem thêm:

Quân đội nhân dân ngày 28/12/2021: Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia ký Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải

Bakamla ngày 28/12/2021: Bakamla RI-Vietnam Coast Guard Jalin Kerja Sama Keamanan dan Keselamatan Maritim

Cảnh sát biển Indonesia mời đại diện cảnh sát biển một số nước Đông Nam Á nhóm họp

Truyền thông Indonesia cho biết Phó đô đốc Aan Kurnia, Tư lệnh Cảnh sát biển Indonesia (Bakamla) đã mời các người đồng cấp từ Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam tham dự một cuộc họp vào tháng 2/2022 để “chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy tình anh em” giữa cá lực lượng trên. Ông Aan cho biết việc có cách tiếp cận phối hợp trong vấn đề Biển Đông và “ứng phó trên thực địa khi chúng ta cùng bị quấy rầy” là quan trọng.

Trước đó, ngày 14/10/2021, Nhóm Tư lệnh Cảnh sát biển các nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam  cũng đã tổ chức cuộc họp trực tuyến. Cuộc họp này cũng do Cảnh sát biển Indonesia đề xuất.

Xem thêm:

Benar News ngày 28/12/2021: Indonesia Seeks Cooperation Among ASEAN Over Beijing’s Moves in South China Sea

Cảnh sát biển Việt Nam ngày 15/10/2021: Họp trực tuyến Nhóm Tư lệnh Cảnh sát biển các nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam

Bill Hayton: Những liên kết mới đang xuất hiện ở Biển Đông

Theo tác giả, động thái của Indonesia dường như được gây ra bởi các hành động quấy rối của Trung Quốc với việc thăm dò dầu khí của quốc gia này. Tác giả cho rằng các nước ASEAN trước đây không muốn thiết lập các nhóm nhỏ để giải quyết các vấn đề cụ thể, nhưng cuộc gặp vào tháng 2 tới đây có thể là sự bắt đầu cho sự phối hợp cao hơn.

Xem thêm:

Chatham House ngày 12/1/2022: New alignments are looming in the South China Sea

Ian Storey bình luận về cuộc họp do Indonesia tổ chức

Theo tác giả, hành động của Indonesia là điều nên làm – lực lượng cảnh sát biển của các nước nên thảo luận về cách phản ứng trước chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc. Tuy vậy, ông cũng chỉ ra trước đây đã có những nỗ lực tập hợp các nước Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông, nhưng đã thất bại. Theo ông, các nước gặp 3 khó khăn chính trong việc phối hợp: Đầu tiên, bản thân các nước này có yêu sách chồng lấn. Thứ hai, các nước có cách tiếp cận khác nhau đối với tranh chấp. Thứ ba, các nước lo ngại phản ứng từ Trung Quốc.

Tác giả nhận định lời đề nghị của Indonesia đặt ra một số câu hỏi thú vị: Thứ nhất, những quốc gia nào sẽ chấp nhận lời mời? Theo ông, tuy việc thảo luận giữa các lãnh đạo cảnh sát biển dân sự ít nhạy cảm hơi giới chức quân sự và các nhà ngoại giao cấp cao, vẫn có khả năng Singapore và Brunei e dè. Thứ hai, các quốc gia sẽ thảo luận điều gì? Ông nhận định việc thiết lập mặt trận chung chống lại các yêu sách của Trung Quốc sẽ gây ra phản ứng từ Bắc Kinh, tuy nhiên thảo luận về tăng cường nhận thức hàng hải, chia sẻ kinh nghiệm và tình báo là có thể. Thứ ba, Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào? Nếu các nước không phản hồi lời mời, đó sẽ là chiến thắng của Trung Quốc. Nếu cuộc họp vẫn diễn ra, Trung Quốc sẽ giận dữ, nhưng sẽ không tác động đến quá trình đàm phán COC hay các hành động quyết đoán của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Xem thêm:

Fulcrum ngày 13/1/2022: Indonesia’s South China Sea Confab: When Chin-wagging Counts

Dedi Dinarto: Bakamla có thể đi đầu trong chiến lược Biển Natuna của Indonesia hay không?

Phó Đô đốc Aan Kurnia, người đứng đầu Bakamla, tuyên bố vào cuối tháng 12/2021 rằng chương trình ưu tiên của Bakamla vào năm 2022 sẽ là bảo vệ khu vực Biển Bắc Natuna. Cuộc họp với những người đồng cấp từ năm quốc gia ASEAN nhằm mục đích cải thiện tình bạn thân thiết giữa lực lượng tuần duyên của các quốc gia khác nhau và thảo luận về các chương trình hợp tác hữu hình hơn, chẳng hạn như chuyển giao kiến thức và trao đổi dữ liệu, khi đối phó với các thách thức hoạt động ở Biển Đông. Chuỗi sự kiện được đề xuất này ngụ ý rằng Bakamla đang tự định vị mình là cơ quan dẫn đầu cho chiến lược Biển Natuna của Indonesia.

Theo tác giả, kể từ khi thành lập năm 2014, Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla) đã dần trở thành một cơ quan cảnh sát biển với nhiều quyền hạn. Theo luật, lực lượng này vừa là một cơ quan chấp pháp trên biển, vừa là cơ quan điều phối giữa các đơn vị an ninh hàng hải của nước này. Tuy vậy, Bakamla đang phải đối mặt với các thách thức về trang bị và cả trong việc giành được sự công nhận về thẩm quyền của các cơ quan khác. Tác giả cho rằng sử dụng cảnh sát biển là một phương pháp tốt để phản ứng trước chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Do đó, Bakamla là trung tâm của chiến lược bảo vệ Biển Natuna của Indonesia. Tác giả đề xuất chính quyền Jakarta cần giải quyết sự cạnh tranh và thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị, cũng như giải quyết các khó khăn về trang bị đối với Bakamla.

Xem thêm:

RSIS ngày 14/1/2022: Can Bakamla Be at the Forefront of Indonesia’s Natuna Sea Strategy?

Indonesia muốn phân định biển với các nước láng giềng

Trong thông cáo báo chí hàng năm, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết nước này đã có 17 vòng đàm phán phân định ranh giới với Philippines, Malaysia, Palau và Việt Nam. Bà kỳ vọng các cuộc đàm phán sẽ được đẩy mạnh trong năm 2022. Cụ thể, với Việt Nam, Indonesia muốn tiếp tục các cuộc đàm phán ở cấp chuyên viên nhằm đạt được thỏa thuận về phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Trong thông cáo này, bà Retno cũng khẳng định UNCLOS 1982 vẫn là cơ sở của các cuộc đàm phán phân định ranh giới biển. Theo bà, mọi yêu sách của các quốc gia cần tuân thủ với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Indonesia sẽ tiếp tục bác bỏ mọi yêu sách thiếu đi cơ sở về luật pháp quốc tế.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 6/1/2022: Annual Press Statement of the Minister for Foreign Affairs of the Republic of Indonesia 2022

Trung Quốc muốn tích hợp BRI vào quy hoạch phát triển của Indonesia

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Indonesia Joko Widodo ngày 11/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị hai bên tích hợp Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vào quy hoạch phát triển quốc gia trung và dài hạn của Indonesia. Ông Tập cũng so sánh hợp tác giữa hai nước như một “cỗ xe bốn bánh” dựa trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và các vấn đề trên biển.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 12/1/2021: Xi eyes closer post-pandemic cooperation with Indonesia

Nhân dân Nhật báo ngày 12/1/2021: 习近平同印度尼西亚总统佐科通电话

Một số nước Đông Nam Á không hài lòng với chuyến thăm Myanmar của ông Hun Sen

Trả lời báo giới hôm 13/1/2022, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tới Myanmar vấp phải các ý kiến khác nhau bên trong khối ASEAN, khi có ý kiến lo ngại chuyến thăm này có thể được hiểu là sự công nhận chính quyền quân sự. Ông cũng nhận định chuyến thăm của ông Hun Sen không đạt kết quả gì.

“Quan điểm của Malaysia là ông ấy có quyền đến thăm Myanmar với tư cách người đứng đầu chính phủ Campuchia. Tuy vậy, chúng tôi cũng thấy rằng, vì ông ấy đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, ông ấy đáng ra nên tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN khác và tìm kiếm quan điểm của chúng tôi về việc ông ấy nên làm gì nếu đến Myanmar”, Ngoại trưởng Malaysia tuyên bố.

Trong khi đó, tại cuộc điện đàm với ông Hun Sen hôm 14/1, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng nhận định “không có sự tiến triển đáng kể nào” về việc thực hiện đồng thuận 5 điểm của ASEAN. Ông cũng khẳng định rằng trừ khi có tiến triển đáng kể trong việc thực hiện đồng thuận 5 điểm, ASEAN cần giữ quyết định chỉ mời đại diện phi chính trị từ Myanmar tham dự các cuộc họp của ASEAN. Ông cũng nhấn mạnh rằng Chủ tịch ASEAN cần tương tác với tất cả các bên liên quan, bao gồm quân đội Myanmar và đảng NLD. Ông cũng chỉ ra quân đội tiếp tục tấn công phe đối lập và bà Aung San Suu Kyi nhận thêm án tù ngay sau chuyến thăm của ông Hun Sen.

Ở chiều ngược lại, ngày 16/1, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tuyên bố “ủng hộ hoàn toàn” chuyến thăm Myanmar vừa qua của Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Tuy vậy, ông cũng lên án việc chính quyền quân sự Myanmar tuyên thêm án tù với bà Aung San Suu Kyi, cũng như gọi bà là “nhân tố không thể thiếu” trong tiến trình dân chủ.

Trong một diễn biến có liên quan, ASEAN quyết định hoãn vô thời hạn cuộc họp trực tiếp cấp Ngoại trưởng dự kiến tổ chức ở Siem Reap, Campuchia vào ngày 19/1. Theo Bộ Ngoại giao Campuchia, buổi gặp bị hủy do một số Ngoại trưởng không thể trực tiếp đến dự. Phát ngôn viên của Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết ông Abdullah không thể đến Siem Reap do phải tham gia họp Quốc hội khẩn cấp về vấn đề thiên tai.

Về vấn đề Myanmar, Việt Nam khẳng định luôn xem Myanmar là một thành viên trong gia đình ASEAN, do đó luôn theo dõi sát tình hình và hỗ trợ Myanmar trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Việt Nam cũng cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện và tiệm tiến, không nóng vội, mọi giải pháp cần phải đặt người dân ở vị trí trung tâm; đồng thời mong muốn cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đối thoại và hòa giải ở Myanmar, cũng như tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm và nỗ lực của ASEAN.

Xem thêm:

VTC ngày 12/1/2022: Hoãn cuộc họp trực tiếp giữa các Ngoại trưởng ASEAN

Al Jazeera ngày 14/1/2022: Voices of concern at ASEAN over Hun Sen’s Myanmar visit

Thế giới & Việt Nam ngày 14/1/2022: Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tiếp Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Myanmar

Bộ Ngoại giao Singapore ngày 15/1/2022: Prime Minister Lee Hsien Loong’s Video Call with Cambodian Prime Minister Hun Sen

Reuters ngày 16/1/2022: Philippines says ‘indispensable’ Suu Kyi must be involved in Myanmar peace process

Philippines xác nhận mua tên lửa BrahMos

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 14/1 tiết lộ nước này đồng ý mua hệ thống tên lửa BrahMos với giá trị gần 375 triệu USD. Philippines sẽ là khách hàng đầu tiên sở hữu hệ thống tên lửa này. Bên cạnh Philippines, một số quốc gia khác như Thái Lan, Việt Nam hay Indonesia cũng tỏ ra quan tâm tới BrahMos.

Xem thêm:

The Diplomat ngày 14/1/2022: Philippines Confirms Purchase of BrahMos Supersonic Missile System

——

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Trung Quốc công bố cải cách về phân phối tư liệu sản xuất

Ngày 6/1/2022, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố kế hoạch thí điểm cải cách toàn diện đối với việc phân phối tư liệu sản xuất như đất đai, lao động, vốn, công nghệ, dữ liệu hay các nguồn tài nguyên. Kế hoạch thí điểm này sẽ được triển khai ở các thành phố lớn có nhu cầu cải cách, có nền tảng vững chắc và tiềm năng phát triển.

Về lĩnh vực đất đai, kế hoạch kêu gọi phân phối tài nguyên hiệu quả hơn, cải cách hệ thống quản lý đất đai, tối ưu hóa nguồn cung đất đai cho công nghiệp, cũng như tối ưu hóa tài nguyên biển. Về lao động, kế hoạch kêu gọi việc lưu chuyển hợp lý, trật tự, không bị cản trở của các nhân tố lao động, cải cách hệ thống hộ khẩu, tạo thuận lợi cho các nhân tài và khích lệ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Về vốn, bản kế hoạch hỗ trợ việc sử dụng các nhân tố vốn để phát triển kinh tế, tăng cường nguồn cung dịch vụ tài chính, cũng như cải thiện hệ thống giám sát tài chính và quản lý rủi ro ở các địa phương. Bên cạnh đó, bản kế hoạch cũng kêu gọi chuyển đổi khoa học kỹ thuật vào sản xuất thực tế.

Xem thêm:

Toàn văn kế hoạch tại đây

Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 6/1/2022: China to improve market-based allocation of production factors

Tân Hoa Xã ngày 6/1/2022: China to advance reforms on market-based allocation of production factors

Quốc vụ viện: Trung Quốc sẽ tăng tốc các dự án trọng điểm được vạch ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14

Một cuộc họp điều hành của Quốc vụ viện do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì đã được tổ chức vào thứ Hai ngày 10/01/2022. Theo bản tin của Tân Hoa Xã tường thuật lại cuộc họp cho biết hoạt động kinh tế hiện nay là mấu chốt quan trọng để đối phó với các thách thức. Điều quan trọng là phải ưu tiên cao hơn cho việc ổn định tăng trưởng kinh tế, tiếp tục chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước và thực hiện các bước có mục tiêu để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.

Xem thêm:

Nhân dân Nhật báo ngày 11/1/2022: 李克强主持召开国务院常务会议

Tân Hoa Xã ngày 10/1/2022: China to accelerate key projects in 14th Five-Year plan

Đánh giá của Stratfor: Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vấp phải Vạn lý trường thành

Theo phân tích tổng quan của Stratfor, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với những khó khăn đáng kể vào năm 2022, bao gồm tái diễn sự bùng phát COVID-19, nhu cầu trong nước yếu và những hạn chế đối với mô hình đầu tư do nhà nước lãnh đạo. Điều này sẽ buộc Bắc Kinh phải cung cấp các biện pháp kích thích bằng cách tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng của chính phủ và doanh nghiệp nhà nước (SOE), nới lỏng chiến dịch xóa nợ tài chính và can thiệp vào thị trường ngoại hối, điều này có thể dẫn đến sự chậm lại trong cải cách kinh tế và sa sút trong dài hạn.

Xem thêm:

Stratfor ngày 7/1/2022: China’s Economic Recovery Hits a Great Wall  

The Diplomat ngày 3/1/2022: China’s Core Economic Issues in 2022 – The Diplomat 

Trung Quốc công bố cải cách về phân phối tư liệu sản xuất

Ngày 6/1/2022, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố kế hoạch thí điểm cải cách toàn diện đối với việc phân phối tư liệu sản xuất như đất đai, lao động, vốn, công nghệ, dữ liệu hay các nguồn tài nguyên. Kế hoạch thí điểm này sẽ được triển khai ở các thành phố lớn có nhu cầu cải cách, có nền tảng vững chắc và tiềm năng phát triển.

Về lĩnh vực đất đai, kế hoạch kêu gọi phân phối tài nguyên hiệu quả hơn, cải cách hệ thống quản lý đất đai, tối ưu hóa nguồn cung đất đai cho công nghiệp, cũng như tối ưu hóa tài nguyên biển. Về lao động, kế hoạch kêu gọi việc lưu chuyển hợp lý, trật tự, không bị cản trở của các nhân tố lao động, cải cách hệ thống hộ khẩu, tạo thuận lợi cho các nhân tài và khích lệ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Về vốn, bản kế hoạch hỗ trợ việc sử dụng các nhân tố vốn để phát triển kinh tế, tăng cường nguồn cung dịch vụ tài chính, cũng như cải thiện hệ thống giám sát tài chính và quản lý rủi ro ở các địa phương. Bên cạnh đó, bản kế hoạch cũng kêu gọi chuyển đổi khoa học kỹ thuật vào sản xuất thực tế.

Xem thêm:

Toàn văn kế hoạch tại đây

Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 6/1/2022: China to improve market-based allocation of production factors

Tân Hoa Xã ngày 6/1/2022: China to advance reforms on market-based allocation of production factors

Trung Quốc có số lượng bằng sáng chế phát minh ngày càng tăng

Ngày 11/1/2022, Cục Sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (NIPA) cho biết nước này đã chứng kiến sự tăng trưởng liên tục về số lượng bằng sáng chế trong năm qua. Trong đó, Trung Quốc có gần 3,6 triệu bằng phát minh sáng chế còn hiệu lực ở nước này trong đó 2,7 triệu được giữ ở đại lục trong năm 2021. Tỷ lệ sở hữu trung bình của các bằng sáng chế có giá trị cao đạt 7,5 bằng sáng chế trên 10.000 người, tăng 1,2 so với năm trước. Hu Wenhui, người phát ngôn của NIPA cho biết có thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nộp đơn xin cấp bằng sáng chế hợp lệ trong năm 2021 với 298.000 công ty, tăng 52.000 so với năm 2020. Ông Hu cũng cho biết thêm các công ty Trung Quốc hiện đang nắm giữ 1,9 triệu bằng sáng chế hợp lệ, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó các doanh nghiệp công nghệ cao nắm giữ 1,2 triệu chiếm 63,6%.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 12/1/2022: China sees growing number of invention patents: official

Sự gia tăng truy cập của Trung Quốc vào dữ liệu vận chuyển toàn cầu làm dấy lên lo ngại quốc tế

Theo tờ Wall Street Journal, ngay cả hàng hóa không bao giờ tiếp xúc với các bờ biển của Trung Quốc vẫn thường xuyên đi qua mạng lưới hậu cần trải dài toàn cầu của Bắc Kinh, bao gồm cả thông qua các hệ thống dữ liệu tinh vi theo dõi các chuyến hàng quá cảnh các cảng nằm xa Trung Quốc. Trả lời câu hỏi bằng văn bản từ nghị sĩ Alicia Kearns, Chính phủ Anh cho biết họ không giám sát việc sử dụng nền tảng hậu cần nhà nước chính của Trung Quốc, LOGINK, tại các cảng của Anh. Bắc Kinh có thể theo dõi hàng hóa bằng hệ thống LOGINK ít được biết đến này, có khả năng thu được lợi thế thương mại và thông tin tình báo.

Xem thêm:

The Wall Street Journal ngày 20/12/2021: China’s Growing Access to Global Shipping Data Worries US 

Ngành công nghiệp phần mềm có kế hoạch giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã phát hành Kế hoạch 5 năm (FYP) lần thứ 14 cho ngành công nghiệp phần mềm. Tài liệu nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực phần mềm trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi một nền kinh tế định hướng đổi mới. Các mục tiêu chính cho năm 2025 được liệt kê trong chính sách bao gồm:

  • Nâng tổng doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp phần mềm lên 14 nghìn tỷ CNY, tăng từ 8,16 nghìn tỷ CNY vào năm 2020; hỗ trợ 15 doanh nghiệp đạt doanh thu trên 100 tỷ CNY
  • Đạt được những bước đột phá trong việc cung cấp nhân phần mềm (yếu tố cốt lõi của hệ điều hành), khung phát triển và các thành phần cơ bản khác
  • Tăng số lượng ứng dụng công nghiệp bản địa lên hơn một triệu và thúc đẩy ứng dụng của chúng trong các lĩnh vực như đóng tàu, điện tử, máy móc và tài chính

Nhận xét của MERICS

Sự thúc đẩy tự lực của Trung Quốc ngày càng ưu tiên thu hẹp khoảng cách công nghệ trong phần mềm, áp dụng cách tiếp cận tương tự đối với chất bán dẫn. Các quan chức đang huy động nguồn nhân lực và tài chính để tăng tốc năng lực địa phương. Ví dụ: vào ngày 6/12/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố danh sách các trường cao đẳng phần mềm chuyên ngành sẽ được thành lập tại các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, như đã được thực hiện đối với các mạch tích hợp. Vào tháng 8/2020, Quốc vụ viện đã ban hành các biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thuế và các lợi ích khác cho cả hai ngành. Vào cuối năm nay, có thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ loại bỏ tất cả phần cứng và phần mềm nước ngoài khỏi hệ thống CNTT của các văn phòng chính phủ và các tổ chức công.

Các nhà lãnh đạo mong muốn tích hợp phần mềm vào tất cả các khía cạnh của ngành công nghiệp, để tạo ra một hệ thống sản xuất dựa trên dữ liệu, có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, hiện tại, năng lực của Trung Quốc trong lĩnh vực phần mềm công nghiệp còn yếu và tập trung ở các phân khúc có giá trị gia tăng thấp. Ví dụ: SAP của Đức và Oracle của Mỹ chiếm hơn 90% thị trường phần mềm công nghiệp quản lý sản xuất cao cấp, phần lớn nhờ vào kinh nghiệm, sự công nhận thương hiệu và bộ cung cấp dịch vụ đầy đủ của họ. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng chiếm ưu thế trong lĩnh vực R&D và phần mềm thiết kế. Mặc dù các nhà cung cấp phần mềm Trung Quốc tụt hậu rất nhiều so với các công ty nước ngoài đã có tên tuổi, nhưng họ có khả năng giành được nhiều khách hàng công cũng như tư nhân hơn vì hỗ trợ các nhà cung cấp địa phương ngày càng trở thành một sứ mệnh chính trị quan trọng.

Xem thêm:

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc ngày 30/11/2021: 工业和信息化部关于印发“十四五”软件和信息技术服务业发展规划的通知 

—–

V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Thỏa thuận giữa Nhật Bản và Australia liên quan đến cơ sở tiếp cận và hợp tác giữa lực lượng tự vệ của Nhật Bản và lực lượng lãnh đạo Australia

Thủ tướng Morrison và Thủ tướng Kishida đã có cuộc gặp trực tuyến vào ngày 6/1/2022.  Hai nhà lãnh đạo đã ký Thỏa thuận tiếp cận qua lại mang tính bước ngoặt trong hợp tác an ninh và quốc phòng song phương giữa Australia và Nhật Bản (Australia-Japan RAA). Hai nước khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giữa Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và Bộ Nội vụ Australia, bao gồm cả việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin và hợp tác về nhận thức lĩnh vực hàng hải. Thỏa thuận song phương này nhằm tạo tiền đề cho các cuộc tập trận chung của các lực lượng vũ trang của hai nước và tăng cường hợp tác an ninh trong bối cảnh hai bên cùng quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

Xem thêm:

Bản thỏa thuận: Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Prime Minister of Australia, ngày 6/1/2022: JOINT STATEMENT

Defense News, ngày 6/1/2022: Japan, Australia ink deal to make military drills run more smoothly 

Kyodo News, ngày 6/1/2022: Japan, Australia sign defense cooperation pact amid China’s rise

Nikkei Asia, ngày 7/1/2022:  Japan and Australia strengthen quasi-alliance with eye on China

Tranh giành quyền lực trong không gian mạng tại Nhà Trắng gây ra mối quan ngại 

Bloomberg đưa ra một bài báo cáo mới cho rằng có những dấu hiệu nổi lên sự căng thẳng và các cuộc chiến chính trị trong Nhà Trắng về việc ai là người có vai trò chính trong không gian mạng. Vấn đề là liệu Anne Neuberger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về Mạng của chính quyền Biden và Chris Inglis, Giám đốc Quốc gia về Không gian mạng có đang tranh giành quyền kiểm soát như các phe phái riêng biệt để xác định ai chịu trách nhiệm về chính sách mạng của quốc gia. Báo cáo trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết các động thái gần đây của Neuberger đã xếp hạng các quan chức mạng liên bang khác và dẫn lời Thượng nghị sĩ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Chọn lọc về Tình báo Thượng viện nói rằng ông đã ‘bối rối’ khi cố gắng tìm hiểu xem nhóm không gian mạng của chính quyền Biden được tổ chức như thế nào.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 7/1/2022: Critics Say Power Sharing of Cyber Roles at White House Causing Concern

Điện thoại để bàn có thể trở thành công cụ gián điệp của Trung Quốc

Trong bức thư gửi đến Defense One ngày 28/9/2021, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen đã mô tả một báo cáo làm “dấy lên lo ngại nghiêm trọng về tính bảo mật của thiết bị nghe nhìn do các công ty Trung Quốc như Yealink sản xuất và bán vào Hoa Kỳ” khi điện thoại để bàn của hãng này bị phát hiện gửi tin nhắn mã hóa đến máy chủ Trung Quốc ba lần một ngày. Yealink không có sự tham gia của gã khổng lồ đang gây tranh cãi của Trung Quốc là Huawei nhưng thiết bị điện thoại của hãng này đang được sử dụng rộng rãi trên khắp Hoa Kỳ, bao gồm cả các cơ quan chính phủ và vào tháng 9 vừa qua Yealink và Verizon đã công bố kế hoạch bán “điện thoại bàn di động 4G / LTE đầu tiên ở Mỹ. Báo cáo chỉ ra rằng phần mềm Yealink kết nối điện thoại với mạng cục bộ cho phép thực hiện cuộc gọi từ PC nhưng cũng cho phép Yealink có thể bí mật ghi lại những cuộc gọi điện thoại đó và thậm chí theo dõi những trang web mà người dùng đang truy cập.

Xem thêm:

Defense One ngày 7/1/2022: Common Office Desk Phone Could Be Leaking Info to Chinese Government, Report Alleges

Nhật Bản theo đuổi “tự do hàng hải” để răn đe Trung Quốc

Từ mùa xuân năm 2021, các tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF) đã nhiều lần đi qua vùng biển gần các đảo nhân tạo và rạn san hô mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhằm “kìm hãm nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng” của chính quyền Bắc Kinh. Một động thái được xem là tương tự như các hoạt động “tự do hàng hải của Hoa Kỳ”. Theo đó, một tàu khu trục của MSDF đã đi vào vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa nơi cả Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền vào tháng 3/2021. Khu vực tàu đi qua nằm ngoài phạm vi 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố là “lãnh hải” của họ, và trong vùng tiếp giáp từ 12 đến 24 hải lý.

Đến tháng 8/2021, một tàu khu trục khác đã tiến hành một hoạt động tương tự tại vùng biển này. Các hoạt động nói trên đều diễn sau trong những thời điểm trước và sau các cuộc tập trận chung của Nhật Bản với hải quân các nước khác tại Biển Đông.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết: “Các hoạt động này nhằm cảnh báo Trung Quốc, quốc gia đang bóp méo luật pháp quốc tế và bảo vệ tự do hàng hải cũng như luật pháp và trật tự trên biển”.

Xem thêm:

The Japan News ngày 11/1/2022: Japan pursues ‘freedom of navigation’ to deter China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân Nga triển khai tới Ấn Độ Dương

Ngày 11/1/2022, Văn phòng Báo chí Hạm đội Thái Bình Dương của Nga thông báo, một lực lượng đặc nhiệm thuộc hạm đội này bao gồm tàu ​​tuần dương tên lửa Nakhimov Varyag, tàu tác chiến chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Tributs và tàu chở dầu Boris Butoma đã đi qua eo biển Malacca và tiến vào Ấn Độ Dương để triển khai ở các vùng biển xa. Trong lần triển khai này, các tàu chiến Nga dự kiến sẽ ghé thăm các cảng của một số quốc gia bao gồm cả Cộng hòa Seychelles. Chuyến ghé cảng sẽ đánh dấu 105 năm kể từ khi tàu tuần dương bọc thép Varyag của Hải quân Đế quốc Nga ghé thăm Cảng Victoria của Quần đảo Seychelles. Ngoài ra, Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân Nga sẽ tổ chức các cuộc tập trận theo lịch trình bao gồm các cuộc tập trận quốc tế ở các khu vực khác nhau của Ấn Độ Dương.

Trước đó, khi đi qua Biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông và Biển Đông, các tàu chiến Nga đã tổ chức một loạt các cuộc diễn tập xử lý sự cố bao gồm cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn và sửa chữa tàu.

Xem thêm:

TASS ngày 11/1/2022: Russian Navy task force enters Indian Ocean in long-distance deployment

Mỹ cử nhóm tàu sân bay tấn công tới Biển Đông

Ngày 11/1/2022, hai nhóm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson và sẵn sàng đổ bộ USS Essex đi vào vùng biển phía Nam của Biển Đông vào ngày 11/1/2022 để tiến hành các hoạt động huấn luyện chung của lực lượng tấn công viễn chinh. Cuộc tập trận đã kết thúc ngày 16/1/2022. 

Theo báo cáo của Hải quân Hoa Kỳ, Các hoạt động huấn luyện bao gồm các nhiệm vụ tấn công tổng hợp trên biển, hoạt động ngăn chặn hàng hải, tác chiến chống tàu ngầm, tiếp liệu trên biển và các hoạt động điều động / điều hướng đội hình. Các hoạt động này là những sự kiện mới nhất trong việc tăng cường sự sẵn sàng của hải quân và khả năng tương tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xem thêm:

The Telegraph ngày 13/1/2022: US ‘sends carrier strike group’ to South China Sea

Navy ngày 16/1/2022: Carl Vinson Carrier Strike Group and Essex Amphibious Ready Group Wrap Up Joint Operations in the South China Sea 

Các nhà lãnh đạo Hạ viện Mỹ gần đạt được thỏa thuận về Dự luật Cạnh tranh Trung Quốc bị đình trệ

Sau khi Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Hoa Kỳ thông qua Quốc hội, Hạ viện Hoa Kỳ đang chuẩn bị thông qua một dự luật về năng lực cạnh tranh của Trung Quốc sẽ cho phép tài trợ hàng tỷ đô la để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển của Hoa Kỳ cũng như viện trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước,một phụ tá lãnh đạo cho biết.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 12/1/2022: House Leaders Near Agreement on Stalled China Competition Bill

Hạ nghị sĩ Mỹ kêu gọi xây dựng Đạo luật cho phép Mỹ phản ứng quân sự nhanh hơn nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan

Ngày 12/1/2022, Hạ nghị sĩ Elaine Luria, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện cho biết Tổng thống Joe Biden hiện “không có thẩm quyền [theo luật] để thực sự đáp trả”, do đó Đạo luật mới là cần thiết để cho phép Hoa Kỳ phản ứng nhanh hơn nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 yêu cầu Tổng thống phải được sự chấp thuận của Quốc hội để can thiệp quân sự trong trường hợp Trung Quốc tấn công hòn đảo dân chủ trong khi đó Đạo luật Quyền lực Chiến tranh (The War Powers Act) cũng cản trở Tổng thống thực hiện hành động tương tự nếu chưa được sự phê chuẩn của Quốc hội. 

Xem thêm:

Stars and Stripes ngày 12/1/2022: House lawmaker calls for legislation to allow a faster US military response should China invade Taiwan

Katherine Tai bình luận về Hợp tác Mỹ-EU trước thách thức thương mại Trung Quốc

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã có phát biểu tại một sự kiện do Viện Các vấn đề Quốc tế và Châu Âu tổ chức hôm 12/1/2022. Trả lời câu hỏi về việc thực thi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc giai đoạn một, bà không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào mà thay vào đó nói về hợp tác với EU để giải quyết những thách thức liên quan đến Trung Quốc.

Xem thêm:

IIEA ngày 12/1/2022: The Outlook for Global Trade: a US Perspective | IIEA 

Tàu chiến Mỹ thách thức Trung Quốc với công nghệ siêu thanh 

Hoa Kỳ đã tiết lộ kế hoạch trang bị các tên lửa siêu thanh và vũ khí laser cho các tàu khu trục thế hệ tiếp theo của Hải quân nước này nhằm đối phó với mối đe dọa từ lực lượng hải quân đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Thế hệ tàu chiến mới dự kiến là loại tàu lớn nhất được chế tạo trong 2 thập kỷ qua sẽ được trang bị 100 tên lửa các loại bao gồm cả tên lửa siêu thanh có tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (tốc độ March 5). Các hệ thống vũ khí siêu thanh và laser cho phép các tàu khu trục bắn hạ tên lửa hành trình chống hạm bay thấp và máy bay chiến đấu của đối phương cũng như vũ khí di chuyển với tốc độ trên Mach 5. Theo kế hoạch, tàu khu trục thế hệ tiếp theo đầu tiên sẽ được đặt hàng vào năm 2028 và sẵn sàng cho vào biên chế khoảng năm 2032 nhằm thay thế cho 22 tàu khu trục lớp Ticonderoga và 69 tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Hoa Kỳ.

Xem thêm:

The Times ngày 13/1/2022: US navy warship to provide hypersonic challenge to China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania kêu gọi EU đứng lên chống lại Trung Quốc

Gabrielius Landsbergis nói với tờ Financial Times rằng Trung Quốc đã leo thang xung đột để phản ứng với mối quan hệ Lithuania – Đài Loan, bao gồm việc quấy rối các công ty châu Âu sử dụng các linh kiện do Lithuania sản xuất. Landsbergis cho biết sẽ đưa vấn đề này ra trao đổi với các bộ trưởng ngoại giao EU tại một cuộc họp vào thứ Năm và thứ Sáu.

Xem thêm:

Financial Times ngày 13/1/2022: Lithuania’s foreign minister calls on EU to stand up to China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Hiệp hội Tùy viên Hải quân từ chối các thành viên Đài Loan sau áp lực từ Trung Quốc

Hiệp hội Tùy viên Hải quân (NAA) có trụ sở tại Washington đã hủy bỏ lời mời Đài Loan gia nhập tổ chức sau khi Trung Quốc phản đối mạnh mẽ. Đây được xem như một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cô lập Đài Bắc trên bình diện quốc tế. Trước đó, vào mùa hè năm ngoái, NAA đã đồng ý yêu cầu thành viên của Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn Hóa Đài Bắc, Đại sứ quán trên thực tế của Đài Loan tại Mỹ. NAA sau đó đã mời ba sĩ quan Đài Loan tham dự một sự kiện vào ngày 8/9, vụ việc đã vấp phải phản ứng quyết liệt của Thuyền trưởng Zhang Meng, tùy viên Hải quân Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Zhang viết trong một cảnh báo “Nếu sĩ quan Đài Loan không bị xóa khỏi danh sách của NAA và không bị thu hồi lời mời, chắc chắn quân nhân của các bạn ở Bắc Kinh sẽ bị ảnh hưởng bất lợi.”

Thuyền trưởng Pablo Murga Gomez, Tùy viên Hải quân Tây Ban Nha, người chủ trì NAA, ban đầu đã từ chối và bảo vệ động thái mời sĩ quan Đài Loan nhưng sau đó đã thu hồi lời mời. Nhiều tuần sau đó ông đã viết thư cho người đồng cấp Đài Loan Vince Hsu để nói rằng Đài Loan không thể trở thành thành viên của NAA.

Xem thêm:

Financial Times ngày 13/1/2022: Naval association rejects Taiwanese members after pressure from China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

—–

VI- CHUYỂN ĐỘNG LIÊN HỢP QUỐC

Nghị quyết Đại hội đồng ngày 17/12/2021 về Các biện pháp kinh tế đơn phương như một biện pháp cưỡng bức kinh tế và chính trị đối với các nước đang phát triển

Tại Phiên họp thứ bảy mươi sáu, Mục chương trình làm việc 18 (a), liên quan đến Câu hỏi về chính sách kinh tế vĩ mô: thương mại quốc tế và phát triển. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết A/RES/76/191 về Các biện pháp kinh tế đơn phương như một biện pháp cưỡng bức kinh tế và chính trị đối với các nước đang phát triển. 

Trong nghị quyết, Đại hội đồng nhắc lại các nguyên tắc có liên quan được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, khẳng định lại tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế liên quan đến quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia rằng không Quốc gia nào được sử dụng hoặc khuyến khích sử dụng các biện pháp đơn phương về kinh tế, chính trị hoặc bất kỳ loại biện pháp nào khác để ép buộc Quốc gia khác nhằm đạt được sự phục tùng của Quốc gia đó trong việc thực hiện các quyền chủ quyền của mình, ngoại trừ những ngoại lệ khác.

Nghị quyết cũng lo ngại việc việc sử dụng các biện pháp cưỡng bức kinh tế đơn phương ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế và nỗ lực phát triển của các nước đang phát triển nói riêng và có tác động tiêu cực nói chung đến hợp tác kinh tế quốc tế và các nỗ lực trên toàn thế giới nhằm hướng tới một hệ thống thương mại đa phương mở và không phân biệt đối xử. Và khẳng định các biện pháp như vậy cấu thành sự vi phạm rõ ràng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được quy định trong Hiến chương, cũng như các nguyên tắc cơ bản của hệ thống thương mại đa phương. 

Nghị quyết cũng khẳng định trước ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đã gây ra tác động nghiêm trọng và  sự gián đoạn đối với xã hội và kinh tế cũng như tác động tàn khốc đối với cuộc sống và sinh kế nghiêm trọng, trong đó những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Nghị quyết cũng bày tỏ tham vọng trở lại đúng hướng để đạt được Các Mục tiêu Phát triển Bền vững bằng cách xây dựng và thực hiện các chiến lược phục hồi bền vững và bao trùm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầy đủ Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững và xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc, khủng hoảng và đại dịch trong tương lai.

Nghị quyết cũng cho rằng việc ban hành và áp dụng các biện pháp cưỡng chế kinh tế đơn phương là không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương, các biện pháp này có tác động tiêu cực đến năng lực ứng phó hiệu quả của các quốc gia, kể cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cụ thể là trong việc mua và phân phối vắc xin COVID-19, và hoan nghênh lời kêu gọi của Tổng thư ký về việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với các quốc gia để hướng đến việc đảm bảo tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu cho sức khỏe và hỗ trợ y tế đối phó với đại dịch COVID-19.

Từ đó, Nghị quyết kêu gọi cộng đồng quốc tế áp dụng các biện pháp khẩn cấp và hiệu quả nhằm loại bỏ việc sử dụng các biện pháp kinh tế, tài chính hoặc thương mại đơn phương không được các cơ quan hữu quan của Liên Hợp Quốc cho phép, không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế hoặc Hiến chương của Liên Hợp Quốc đồng thời khuyến khích các quốc gia không áp dụng các biện pháp kinh tế đơn phương như vậy, đồng thời đặt ra yêu cầu Tổng thư ký giám sát việc áp dụng các biện pháp kinh tế đơn phương như một biện pháp cưỡng bức kinh tế và chính trị và nghiên cứu tác động của các biện pháp đó đối với các nước bị ảnh hưởng, bao gồm cả tác động đến thương mại và phát triển.

Xem toàn văn nghị quyết:

Resolution adopted by the General Assembly on 17 December 2021

—–

VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

Nguyễn Anh Dương: Thời điểm để Việt Nam thúc đẩy cải cách theo CPTPP

Tác giả nhận định, đối với Việt Nam, hiệp định CPTPP chưa đạt được kỳ vọng trong việc thúc đẩy cải cách trên các lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ và dòng chảy dữ liệu. Bên cạnh đó, đang có cuộc tranh luận bên trong đất nước về việc các cải cách liên quan tới CPTPP nên được thực hiện nhanh đến mức nào, trong bối cảnh Mỹ đã rút và không hào hứng quay lại hiệp định này. Tuy vậy, việc Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP có thể là động lực để Việt Nam tăng tốc cải cách, khi Trung Quốc có thể đàm phán các ngoại lệ giống như những gì dành cho Việt Nam. Với việc cải cách, Việt Nam có thể giữ tiêu chuẩn cao của CPTPP, cũng như hiện thực hóa mục tiêu đóng góp vào các quy tắc thương mại toàn cầu.

Xem thêm:

East Asia Forum ngày 13/1/2022: Time for Vietnam to get cracking on CPTPP reforms

Hai Hong Nguyen: Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức có thêm bước tiến

Theo tác giả, sự tương đồng về lợi ích đã thúc đẩy Việt Nam và Đức mở rộng hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng và an ninh – chuyến thăm của tàu Bayern tới Việt Nam là tín hiệu cho sự hợp tác này, đặc biệt trên lĩnh vực hải quân. Tác giả chỉ ra, trong giai đoạn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quốc phòng và an ninh không phải ưu tiên mà chỉ là mối quan tâm thứ yếu. Điều này phản án ưu tiên chiến lược của mỗi nước vào thời điểm này, cũng như tình hình tại Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi đó. Tuy vậy, với sự nổi lên và gia tăng hành vi gây hấn của Trung Quốc, Việt Nam và Đức đã xem xét lại việc hợp tác về quốc phòng và an ninh, dù tiến triển vẫn khá chậm, và trở thành ưu tiên mới trong quan hệ song phương. Theo tác giả, tăng cường hợp tác quốc phòng có thể là bước đi tiếp theo trong việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Đức lên đối tác chiến lược toàn diện trong 3 năm tới.

Xem thêm:

The Diplomat ngày 13/1/2022: The Vietnam-Germany Strategic Partnership Takes Another Step Forward

Richard Heydarian: Hun Sen sẵn sàng để ASEAN thực hiện nhiều hơn yêu cầu của Trung Quốc

Theo tác giả, chính sách “ngoại giao cao bồi” của Thủ tướng Campuchia Hun Sen – thể hiện qua chuyến thăm Myanmar vừa qua – sẽ phá hoại vai trò trung tâm của ASEAN và làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Tác giả cũng nhận định vai trò của chủ tịch ASEAN không nên bị xem nhẹ. Về vấn đề Biển Đông, theo ông, dù khó có khả năng Campuchia đi xa đến mức ngăn chặn thảo luận về Biển Đông trong ASEAN, ông có thể giảm thiểu tầm quan trọng của vấn đề này và thúc đẩy cách tiếp cận song phương. Về Myanmar, ông nhận định việc công nhận giới tướng lĩnh Myanmar vô điều kiện có thể hủy hoại đồng thuận 5 điểm của ASEAN, cũng như hủy hoại triển vọng khôi phục dân chủ của quốc gia này.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 12/1/2021: Hun Sen readies ASEAN to do more of China’s bidding

Patricia Thornton: Phân tích nghị quyết về lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Theo tác giả, bản nghị quyết lịch sử vừa qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc có hai điểm khác biệt lớn so với hai nghị quyết về lịch sử trước đó: Thứ nhất, trước hội nghị TW6 khóa 19, không có vấn đề lịch sử nào cần được giải quyết. Thứ hai, nghị quyết cũng ít nhắc đến các sai lầm. Nghị quyết lần này chủ yếu nhằm tán dương sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, thậm chí đưa ông lên hàng cao hơn những người tiền nhiệm – kể cả Mao Trạch Đông – về mặt tư tưởng khi gọi ông là “người sáng lập chính” của “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. Tuy vậy, bản nghị quyết này không phải không gặp một số phản đối – các ý kiến đến từ cả phe tả và phe hữu trong chính trị Trung Quốc. Tác giả nhận định Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát đi tín hiệu: Vị trí của ông Tập là bất khả xâm phạm ở trên đỉnh hệ thống đảng – nhà nước. Do đó, nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục nắm quyền trong những năm tới. Tuy vậy, theo tác giả, nếu điểm lại lịch sử, điều này là nguy hiểm, có thể phá hoại khả năng quản trị của đảng về dài hạn.

Xem thêm:

Reading Between the Lines of the 2021 History Resolution

Brian Liu, Raquel Leslie: Khủng hoảng Công nghệ ở Trung Quốc một năm nhìn lại

Trong năm qua, một cuộc “đụng độ” kịch tính giữa quyền lực nhà nước và tư nhân đã diễn ra và ảnh hưởng lớn đến những gã khổng lồ công nghệ một thời tại Trung Quốc. “Thương vong” bao gồm một số công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc bao gồm cả các tập đoàn Tencent và Alibaba, ứng dụng giao đồ ăn Meituan, ứng dụng gọi xe Didi cũng như các công ty về trò chơi trực tuyến, dạy kèm và tiền điện tử. Trong lĩnh vực chống độc quyền, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường đã thực hiện các bước đi quyết liệt để kiềm chế các hành động “phản cạnh tranh” và xử phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD đối với Alibaba và 530 triệu USD đối với Meituan.

Trung Quốc cũng có những động thái mạnh về lập pháp và hành chính với việc đề xuất sửa đổi Luật Chống độc quyền để tăng hình phạt đối với các vi phạm và thành lập một Văn phòng Chống độc quyền để thực thi luật này. Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã thông qua Luật Bảo mật Dữ liệu và Luật Bảo vệ Thông tin cá nhân được coi là phiên bản Trung Quốc của Quy chế Bảo vệ Dữ liệu chung của EU. Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc cũng đã thẳng tay “trừng trị” các vi phạm quyền riêng tư về dữ liệu, làm gián đoạn kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu của Didi tại New York do không tuân thủ đánh giá an ninh mạng đối với dữ liệu nhạy cảm.

Bất chấp những tác động đáng sợ đối với sự tăng trưởng kinh tế và đổi mới đất nước, các nhà quản lý dường như sẵn sàng thực thi các biện pháp mạnh tay vào năm 2022 để thúc đẩy hơn nữa nỗ lực của Tập Cận Bình đối với “sự thịnh vượng chung”.

Xem thêm:

Law Fare ngày 7/1/2022: China’s Tech Crackdown: A Year-in-Review

MERICS: Các quy tắc thuật toán mới của Trung Quốc phá vỡ nền tảng quy định trên toàn cầu

Trung Quốc đã tiến thêm một bước quan trọng trong việc điều chỉnh các thuật toán khi vào cuối năm 2021 Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) và ba Bộ khác đã hoàn thiện và công bố các quy tắc nhằm thắt chặt giám sát của các cơ quan chức năng về cách các công ty công nghệ sử dụng các thuật toán sửa lỗi. Điều này đã đánh dấu nỗ lực tham vọng của Trung Quốc nhằm định hình lại nền tảng quy chuẩn toàn cầu.

Xem thêm:

MERICS ngày 13/1/2022: China’s new algorithm rules break regulatory ground globally

Klon Kitchen, Bill Drexel: Cần hành động ngay lập tức để bảo mật không gian mạng Đài Loan

Đài Loan hiện này đóng vai trò rất quan trọng trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung trong lĩnh vực công nghệ. Thứ nhất, Tập đoàn Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) vẫn là nút thắt chặt chẽ nhất thế giới trong hệ sinh thái công nghệ cao toàn cầu với khả năng độc quyền sản xuất chip máy tính. Thứ hai, xung đột quân sự ở Đài Loan sẽ đại diện cho mức độ xung đột quân sự chuyên sâu về không gian mạng. Cả hai yếu tố này đều đòi hỏi sự hợp tác chưa từng có giữa Hoa Kỳ và Đài Loan trong đó sự tin tưởng và cởi mở về chống gián điệp và hỗ trợ an ninh quốc gia từ Washington là rất quan trọng.

Xem thêm:

Law Fare ngày 13/1/2022: Securing Taiwan Requires Immediate Unprecedented Cyber Action

Georgianna SheaTrevor Logan: Đã đến lúc chống lại chiến lược dữ liệu của Trung Quốc

Trong tháng cuối năm 2021, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã đóng phản hồi của công chúng về dự thảo quy định nhằm bảo mật và quản lý dữ liệu vì lý do an ninh quốc gia. Mặc dù bề ngoài đây chỉ là một biện pháp kỹ thuật để tăng cường đảm bảo quyền riêng tư nhưng quy định này được xem như là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh trên không gian mạng thông qua thu thập dữ liệu quy mô lớn. Dự thảo mới được xây dựng dựa trên những nỗ lực của Bắc Kinh trong 5 năm qua nhằm sử dụng các cơ chế lập pháp để cho phép nhà nước thu thập dữ liệu, ví dụ như quy định yêu cầu các công ty Trung Quốc lưu trữ dữ liệu tại địa phương và cho phép chính phủ được truy cập. Cũng theo quy định mới, các công ty Trung Quốc phải đánh giá tính bảo mật của dữ liệu, cách thức quản lý và mức độ tin cậy của các đối tác nước ngoài (có thể bao gồm cả công ty Hoa Kỳ) nhận dữ liệu của Trung Quốc. Điều 41 của dự thảo này cũng yêu cầu các biện pháp kiểm soát định tuyến nhằm đảm bảo dữ liệu mạng có nguồn gốc Trung Quốc nằm trong biên giới của nước này.

Xem thêm:

Real Clear Defense ngày 13/1/2022: It Is Time to Counter China’s Data Strategy

Mark Leonard: Ai sẽ cai trị trật tự dựa trên quy tắc?

Bài viết xoay quanh về việc ai sẽ là người có quyền đưa ra các quy tắc trong cuộc chiến quyết định của thế kỷ XXI. Tác giả cho rằng trong những thập kỷ tới, mối đe dọa toàn cầu lớn nhất sẽ không phải là Trung Quốc là kẻ phá vỡ luật lệ, mà là Trung Quốc là kẻ đưa ra luật lệ. Trong nhiều thế kỷ, các cường quốc phương Tây đã coi họ là những nhà thiết lập chuẩn mực của thế giới, ảnh hưởng lớn đến các chính sách của các quốc gia khác thông qua ‘Đồng thuận Washington’, ‘Hiệu ứng Brussels’,.. Tuy nhiên, liệu cam kết của phương Tây đối với các quy tắc sẽ trường tồn hay không trở thành một câu hỏi cấp thiết. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra giả thuyết “ Liệu người Châu Âu và người Mỹ có tôn trọng một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ theo ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ thay vì các nhà tư tưởng Khai sáng phương Tây không?”

Xem thêm: 

Aspi Strategist, ngày 14/1/2022:  Who will rule the rules-based order?

—–

VIII- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH

John Bradford (2021) China’s Security Force Posture in Thailand, Laos, and Cambodia

Báo cáo xem xét sự hiện diện về an ninh của Trung Quốc tại ba quốc gia Đông Nam Á – Thái Lan, Lào, Campuchia – trên ba khía cạnh: diễn tập quân sự chung, tuần tra chung trên sông Mekong và khả năng xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Theo đó, ảnh hưởng địa kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc được thể hiện qua sự gia tăng hiện diện về an ninh ở cả ba quốc gia trên.

Các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc với các nước này đang gia tăng cả về tần suất. Đây có thể là cách để “bình thường hóa” hoạt động của quân đội Trung Quốc trong khu vực, cũng như là cơ hội để thu thập thông tin tình báo. Trong khi đó, các cuộc tuần tra chung trên sông Mekong và các hoạt động phối hợp của lực lượng chấp pháp Trung Quốc với Thái Lan và Lào thể hiện sự thỏa hiệp với sức mạnh địa kinh tế của Bắc Kinh, cũng như hỗ trợ những nỗ lực phòng chống tội phạm ở vùng Tam Giác Vàng. Cuối cùng, nếu Trung Quốc có thể xây dựng căn cứ quân sự tại Campuchia, căn cứ này sẽ có ích cho các hoạt động của quân đội Trung Quốc, nhưng không tạo ra thay đổi lớn về chiến lược.

Theo tác giả, sự hiện diện đang gia tăng về mặt an ninh của Trung Quốc tại Thái Lan, Lào và Campuchia sẽ có tác động đến Đông Nam Á và không phù hợp với lợi ích của Mỹ, nhưng không phải là điều đặc biệt đáng báo động.

Xem toàn văn báo cáo tại đây

Keitian Zhang (2022) Bringing the Economy Back In: Economic Development and China’s Grand Strategy

Qua phân tích các tài liệu tiếng Trung và phỏng vấn với các cựu quan chức Trung Quốc, tác giả nhận định “đại chiến lược” của Trung Quốc đặt trọng tâm vào nhân tố kinh tế, không phải đối ngoại hay an ninh (bản thân kinh tế cũng là một phần trong khái niệm “an ninh quốc gia tổng thể” của Trung Quốc). Vai trò trọng tâm này đã tồn tại từ thời Đặng Tiểu Bình, và vẫn ổn định từ đó tới nay, kể cả ở thời Tập Cận Bình hiện nay. Bên cạnh đó, Trung Quốc thường xuyên sử dụng công cụ kinh tế – cả “cây gậy” và “củ cà rốt” – để phục vụ đại chiến lược của mình. Ngoài ra, những thay đổi về hệ thống kinh tế quốc tế cũng sẽ có ảnh hưởng trở lại đến chính đại chiến lược của Trung Quốc, ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 (và sau này là chiến tranh thương mại với Mỹ và đại dịch Covid-19) dẫn đến việc Trung Quốc tập trung vào thị trường nội địa. Theo tác giả, việc đại chiến lược của Trung Quốc tập trung vào kinh tế không phải là điều gì mới – bản thân nước Mỹ khi trỗi dậy – và cả bây giờ, cũng như Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đều như vậy. Tác giả cũng nhận định Mỹ cần giữ Trung Quốc trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu để giảm thiểu khuynh hướng sử dụng vũ lực của quốc gia này.

Xem toàn văn nghiên cứu tại đây

Shankaran Nambiar (2021) Malaysia’s economic engagement with China: A consideration of the economics and security nexus

Nghiên cứu xem xét quan điểm của Malaysia về hợp tác kinh tế với Trung Quốc và mối quan hệ với lĩnh vực an ninh. Khi nước này tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, dư luận Malaysia xuất hiện những ý kiến lo ngại về hiệu quả và khả năng nước này sẽ vướng phải các khoản nợ lớn. Malaysia đã lựa chọn chiến lược “cân bằng nước đôi”, giữ quan hệ tốt với Trung Quốc, hợp tác kinh tế với Trung Quốc để giành lợi ích tối đa. Tuy vậy, điều này đang trở nên khó khăn hơn: Malaysia vẫn muốn hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhưng cũng nhạy cảm về quan hệ với Mỹ và phương Tây. Các nhân tố này buộc giới hoạch định chính sách Malaysia xem xét cẩn trọng hơn các dự án của Trung Quốc, giúp nước này vẫn hưởng lợi nhưng cũng đảm bảo sự tự chủ chiến lược và mục tiêu an ninh quốc gia

Xem toàn văn nghiên cứu tại đây

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.