Bình Luận Về Hội Thảo Quốc Tế Về Biển Đông Tổ Chức Bởi Học Viện Ngoại Giao Việt Nam

Tác giả: Lưu Việt Hà

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Nghiên cứu Biển Đông.

Từ ngày 18-19/11/2021, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 đã được Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) tổ chức tại Hà Nội theo cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến.

Hội thảo bao gồm 8 phiên: (1) Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi; (2) 30 năm sau Chiến tranh Lạnh: Phải chăng một cuộc chiến tranh lạnh mới đang tích tụ và làm cách nào để ngăn chặn nó biến thành xung đột; (3) Củng cố trật tự pháp lý ở Biển Đông 5 năm qua; (4) Công bằng với sự thật: Lịch sử và Biển Đông; (5) ASEAN và QUAD trong cấu trúc khu vực; (6) Đứt gãy chuỗi cung ứng: Cách thức đảm bảo khả năng phục hồi các tuyến đường biển trong bối cảnh đại dịch Covid-19; (7) Thúc đẩy ngoại giao khoa học vì lợi ích chung của đại dương; (8) Sự minh bạch thông qua Công nghệ giám sát. Ngoài ra, hội thảo còn có các bài phát biểu dẫn đề (keynote speech) của các quan chức, cựu quan chức, học giả đến từ Australia, Indonesia, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ; ba phiên bình luận của học giả Việt Nam về các nội dung được trao đổi trong các phiên chính, cũng như các phiên thảo luận của Chương trình Lãnh đạo trẻ (Young Leaders).

Hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp cả trên thực địa lẫn mặt trận pháp lý. Trong những tháng qua, các tàu nghiên cứu, khảo sát Trung Quốc tiếp tục đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc ban hành các nội luật có thể tác động đến vấn đề Biển Đông như Luật Hải cảnh, Luật An toàn giao thông hàng hải…

Hội thảo đã dành ra ba phiên để thảo luận tình hình ở Biển Đông trong thời gian qua, trật tự quốc tế hiện nay và vai trò của các chủ thể trong khu vực. Các diễn giả đã điểm lại quan điểm của các bên về tình hình trên Biển Đông trong thời gian qua. Trong đó, các khác biệt trong quan điểm của Trung Quốc và các bên khác có thể được thấy rõ. Ngoài ra, theo các diễn giả, việc sử dụng cụm từ “Chiến tranh Lạnh” để gọi quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là không phù hợp, trong khi một cuộc “Chiến tranh Lạnh” cũng sẽ không xuất hiện trong thời gian tới. Tuy vậy, cả Mỹ, Trung Quốc lẫn các nước ASEAN và các quốc gia khác sẽ cần làm nhiều việc để tránh nguy cơ căng thẳng, xung đột. Các diễn giả cũng thảo luận đến sự hình thành của nhóm Bộ Tứ (Quad), tác động của Quad tới ASEAN và cấu trúc khu vực nói chung, cũng như những điều ASEAN có thể làm để giữ vai trò trung tâm trong khu vực.

Một điểm đáng chú ý ở phiên thảo luận về luật quốc tế là quan điểm của diễn giả đến từ Hội Luật quốc tế Đài Loan Lin Ting-hui về việc áp dụng đường cơ sở quần đảo. Ông có quan điểm tương đồng với cách giải thích chủ đạo của các chuyên gia luật quốc tế và khác biệt với quan điểm của Bắc Kinh khi cho rằng không thể vẽ đường cơ sở quần đảo đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phiên thảo luận cũng chứng kiến sự khác biệt trong quan điểm của giới học giả Trung Quốc và các nước khác về vai trò của UNCLOS và phán quyết tòa trọng tài năm 2016. Trong khi GS. Nishimoto Kentaro từ Đại học Tohoku, Nhật Bản khẳng định UNCLOS phải là trung tâm của luật pháp trên biển, TS. Yan Yan từ Viện Nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc cho rằng bản thân UNCLOS là không đủ. Theo bà, công ước này còn nhiều lỗ hổng cần được lấp đầy bởi các hiệp định khác giữa các quốc gia, bao gồm COC.

Bà Yan cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc không công phận Phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016, cũng như nhận định các vấn đề ở Biển Đông vẫn chưa được giải quyết dù phán quyết đã có mặt 5 năm. Ở chiều ngược lại, các diễn giả từ Anh, Philippines hay Đài Loan đều trích dẫn phán quyết trong bài trình bày của mình.

Ở phiên thảo luận về lịch sử, các học giả đã phân tích quan điểm và các bằng chứng lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. GS. Monique Chemillier-Gendreau tại Đại học Paris 7 và TS. Vũ Hải Đăng từ Đại học Quốc gia Singapore chỉ ra Hiệp ước San Francisco và Hòa ước Trung – Nhật 1952 không ảnh hưởng tới chủ quyền của hai quần đảo. Các học giả cũng đã tranh luận thẳng thắn về chứng cứ lịch sử mà hai quốc gia đưa ra trong tranh chấp hiện nay. Các học giả nhận định không phải sự kiện lịch sử nào có giá trị pháp lý và tranh chấp cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế.

Hội thảo Biển Đông năm nay cũng dành hai phiên để thảo luận về các khía cạnh kinh tế và khoa học ở Biển Đông. Các diễn giả đã trình bày về các khó khăn trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành và việc hợp tác nghiên cứu khoa học ở Biển Đông, cũng như đề ra các biện pháp giải quyết.

Ở phiên cuối cùng của hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về công nghệ giám sát tại Biển Đông. Trong phiên thảo luận này, NCS. Nguyễn Thế Phương, thành viên Dự án Đại sự ký Biển Đông, có bài trình bày về việc ứng dụng công nghệ trong tăng cường nhận thức hàng hải. NCS. Nguyễn Thế Phương cũng trình bày kết quả theo dõi của dự án về các tàu nghiên cứu, tàu khảo sát Trung Quốc ở Biển Đông trong năm qua qua dữ liệu AIS. Các học giả cũng tranh luận, phản bác việc các nhà nghiên cứu Trung Quốc sử dụng chưa đúng mực công cụ AIS để diễn giải về hoạt động của ngư dân Việt Nam ở Bắc Biển Đông.

Thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông Nguyễn Thế Phương đang trình bày tại Phiên thảo luận về công nghệ giám sát tại Biển Đông. Ảnh: Nghiên cứu Biển Đông

Hội thảo năm nay tiếp tục nhận được sự đồng hành của các các đại sứ quán/phái đoàn Australia, Anh, Canada, EU, Pháp, Đức tại Việt Nam, ngoài ra còn có thêm Đại sứ quán Nhật Bản. Một số quốc gia/tổ chức quốc tế như Anh, EU cũng cử các quan chức đương nhiệm phát biểu dẫn đề hoặc tham gia hội thảo với tư cách diễn giả, cho thấy sự chú trọng ngày càng gia tăng của các quốc gia đến ngoại giao kênh 2 trong thảo luận và giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Tóm lại, qua hội thảo, có thể nhận thấy sự khác biệt giữa quan điểm của các diễn giả Trung Quốc với phần còn lại của cộng đồng quốc tế. Không chỉ các diễn giả đến từ các viện nghiên cứu nhà nước hoặc từng là quan chức quân đội Trung Quốc, mà những học giả độc lập cũng tích cực bảo vệ quan điểm của chính phủ mình. Điều này cho thấy ngoại giao kênh 2 của Trung Quốc không thể thoát khỏi ảnh hưởng của chính phủ và do vậy sẽ còn nhiều khó khăn để thực hiện đúng vai trò của học giả là giữ thái độ nghiên cứu khách quan để tư vấn chính phủ hướng tới giải pháp hợp lý và thỏa đáng.

Xem thêm:

Trang web của hội thảo tại đây

Video các phiên hội thảo tại đây

Lưu Việt Hà là cộng tác viên chuyên ngành Khoa học Chính trị của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.