Bản Tin Biển Đông Số 86

(Tuần từ 22 – 29/11/2021)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Lê Xuân Phương, Trần Phạm Bình Minh, Đoàn Thị Hằng Ni, Phạm Triều Nghi

Biên tập: Nguyễn Thế Phương

Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Một tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc đang đi qua eo biển Đài Loan từ căn cứ tàu ngầm Du Lâm về phía bắc. Trong thời gian tàu nổi trên mặt nước, chuyển động của tàu đã được chụp lại bởi ảnh vệ tinh hôm 29/11/2021. Ảnh: H I Sutton/Covert Shores

Tải bản PDF ở

———-

Trong Bản Tin Biển Đông Số 86 có những nội dung sau:

I- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

II- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

IV- QUAN HỆ MỸ – TRUNG

V- QUAN HỆ NGA – TRUNG QUỐC

VI- CHUYỂN ĐỘNG LIÊN HỢP QUỐC

VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

VIII- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH

———-

I- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

Mỹ và Philippines ra tuyên bố về tầm nhìn chung cho quan hệ đối tác chiến lược

Trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược Song phương Mỹ – Philippines lần thứ 9 hôm 16/11, Mỹ và Philippines đã ra tuyên bố “Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – Philippines ở thế kỷ 21”. Tuyên bố nhấn mạnh Hiệp ước Phòng thủ chung 1951, sau đó được tăng cường bởi Hiệp định Các Lực lượng Thăm viếng năm 1998 và Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) năm 2014, vẫn là một trụ cột chính trong quan hệ quốc phòng và an ninh song phương. Hiệp ước hỗ trợ an ninh khu vực và toàn cầu bằng cách tạo điều kiện cho hai bên có sự chuẩn bị và tạo ra sự linh hoạt. Để tăng cường khả năng răn đe tổng hợp nhằm đối phó với những thách thức mới nổi, hai bên có kế hoạch phát triển những hướng dẫn quốc phòng song phương mới hỗ trợ hiểu biết chung về vai trò, sứ mệnh, và năng lực trong khuôn khổ liên minh. Hai bên dự định tiếp tục thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng tại các địa điểm EDCA hiện tại và khám phá thêm những địa điểm mới.

Bản tuyên bố cũng cho biết Hoa Kỳ và Philippines tìm cách phối hợp hơn nữa các nỗ lực ngoại giao trong việc xây dựng một liên minh quốc tế ủng hộ trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ.

Trong đó, hai bên bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, cũng như quan hệ đồng minh để chống lại các thách thức mới đang nổi lên.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/11/2021: Joint Vision for a 21st Century United States-Philippines Partnership

Indonesia và Mỹ thúc đẩy hợp tác quốc phòng

Trong cuộc gặp giữa Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á – Đông Nam Á Lindsey Ford và Cục trưởng Cục Chiến lược Quốc phòng Indonesia Rodon Pedrason, hai bên đã nhất trí thúc đẩy các sáng kiến mới để làm sâu sắc thêm quan hệ song phương. Các sáng kiến này bao gồm: Mở rộng quy mô, phạm vi và mức độ phối hợp của các cuộc tập trận chung song phương; tăng cường hợp tác trong nhận thức khu vực hàng hải (maritime domain awareness – MDA) và các sáng kiến tăng cường năng lực hàng hải khác; tăng cường hợp tác về an ninh mạng, nhân lực, giáo dục, xử lý các thách thức an ninh từ biến đổi khí hậu..

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 23/11/2021: Readout of Indonesia – United States Security Dialogue 2021

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia tuyên bố “hiểu và tôn trọng” AUKUS

Phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Manama tại Bahrain hôm 20/11/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto tuyên bố Indonesia “hiểu và tôn trọng” hiệp ước AUKUS giữa Australia, Mỹ và Anh.

“Trọng tâm của mọi đất nước là bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Nếu họ cảm thấy bị đe dọa, họ sẽ làm mọi thứ để tự bảo vệ. Chúng tôi hiểu và tôn trọng họ”, ông nói.

Xem thêm:

Jakarta Post ngày 23/11/2021: Prabowo says ‘understands, respects’ AUKUS pact

Hoa Kỳ và Nga tập trận với các nước Đông Nam Á

Vào ngày 23/11/2021, Malaysia và Mỹ đã bắt đầu Hoạt động Huấn luyện Hàng hải (MTA) Malaysia 2021 ở gần như toàn bộ các vùng biển và vùng trời của eo biển Malacca sẽ diễn ra trong 8 ngày. Hạm đội 7 cho biết cuộc tập trận  nhấn mạnh toàn bộ các năng lực hải quân và những sự tiến triển về hợp tác, làm nổi bật khả năng Hoa Kỳ và Malaysia có thể làm việc cùng nhau để hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

MTA Malaysia là một phần của chuỗi tập trận CARAT. Trước đó, vào đầu tháng 11, Hoa Kỳ cũng đã hoàn thành những cuộc tập trận trong chuỗi này với Indonesia và Brunei.

Trong khi đó, Nga đã công bố cuộc tập trận hải quân lần đầu tiên giữa Nga với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sẽ bắt đầu vào ngày 1/12/2021 tại vùng biển Bắc Sumatra, Indonesia. Phía Nga gửi tàu khu trục săn ngầm cỡ lớn Đô đốc Panteleyev tham gia cuộc tập trận. Các nước ASEAN đều cử tàu chiến tham gia tập trận, ngoại trừ Lào và Campuchia chỉ cử các đội giám sát. Hải quân Việt Nam cử tàu 012-Lý Thái Tổ tham gia tập trận.

Nga trở thành quốc gia thứ ba, sau Trung Quốc và Mỹ, tham gia tập trận chung với khối ASEAN. 

Xem thêm:

USNI News ngày 23/11/2021: US Begins Exercise Off Japan with Canadian, German and Australian Navies – USNI News

Quân đội nhân dân ngày 23/11/2021: Tàu 012-Lý Thái Tổ lên đường tham gia diễn tập Hải quân ASEAN-Nga

Bernama ngày 24/11/2021: Indonesia to host ASEAN, Russia maiden joint naval drills next month

VOV ngày 24/11/2021: Nga và ASEAN lần đầu tiên tập trận chung trên biển tại Indonesia

Hai bộ trưởng Indonesia thị sát quần đảo Natuna

Từ ngày 23/11/2021, Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp luật và An ninh Indonesia Mahfud MD và Bộ trưởng Nội vụ Indonesia Tito Karnavian đã có chuyến thị sát quần đảo Natuna. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh tàu Trung Quốc nhiều lần xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia trong thời gian qua. Tuy vậy, ông Mahfud MD khẳng định chuyến thị sát “không liên quan gì đến Trung Quốc”, mà nằm trong kế hoạch củng cố biên giới đất nước.

Xem thêm:

Jakarta Post ngày 24/11/2021: Ministers in Natuna to bolster frontier.  Một bản PDF được lưu trữ ở đây

Trung Quốc yêu cầu Philippines rút tàu BRP Sierra Madre khỏi Bãi Cỏ Mây

Trong cuộc họp báo ngày 24/11/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên yêu cầu Philippines “tôn trọng cam kết và rút con tàu đóng trái phép tại Bãi Cỏ Mây”.

Phản ứng trước tuyên bố này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana bác bỏ việc Philippines có cam kết rút tàu BRP Sierra Madre. “Con tàu đã ở đây từ năm 1999. Nếu có cam kết, nó đã được rút từ lâu rồi”, ông nói.

Trước đó, ông Lorenzana tuyên bố hải cảnh Trung Quốc tiếp tục “đe dọa và quấy rối” khi cử một xuồng cao su quay phim, chụp ảnh khi hàng hóa được dỡ xuống cho binh lính đóng trên tàu BRP Sierra Madre.

Xem thêm:

Inquirer ngày 24/11/2021: Chinese still intimidating, harassing – Lorenzana

ABS-CBN ngày 24/11/2021: China tells PH to remove BRP Sierra Madre from Ayungin Shoal

Nikkei Asia ngày 25/11/2021: Philippines rejects China demand to remove grounded ship

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thăm Đông Nam Á

Từ ngày 27/11 – 4/12/2021, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel J. Kritenbrink sẽ có chuyến thăm tới 4 nước Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến thăm, ông Kritenbrink sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác, nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cũng như sự ủng hộ của Mỹ với trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26/11/2021: Assistant Secretary of State for East Asian and Pacific Affairs Daniel J. Kritenbrink’s Travel to Southeast Asia November 27 to December 4

Mỹ có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN ở Washington vào tháng Giêng năm tới

Các nguồn tin ASEAN cho biết Hoa Kỳ đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào tuần thứ ba của tháng Giêng và đang sắp xếp ngày cụ thể với các thành viên ASEAN. Hội nghị thượng đỉnh sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN kể từ khi ông nhậm chức vào tháng Giêng năm nay, trong bối cảnh Washington đang nhấn mạnh cam kết của mình với khu vực trước việc Trung Quốc ngày càng có nhiều ảnh hưởng.

Xem thêm:

The Japan Times ngày 28/11/2021: U.S. eyeing summit with ASEAN leaders in Washington in January

Petronas hợp tác với ExxonMobil, Technip Energies trong lĩnh vực thu hồi và lưu trữ carbon

Tập đoàn Petronas của Malaysia đã ký các thỏa thuận hợp tác với ExxonMobil và Technip Energies trong lĩnh vực thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) nhằm giảm phát thải carbon trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí của Malaysia, cũng như cung cấp các kho chứa cho châu Á.

Xem thêm:

Energy Voice ngày 16/11/2021: Petronas teams up with ExxonMobil, Technip Energies, for CCS

Thái Lan thu hút doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Hành lang Kinh tế phía Đông

Giới chức Thái Lan đang kêu gọi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) của nước này. Cơ quan quản lý EEC đã ký một thỏa thuận hợp tác với chi nhánh Thái Lan của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC). Trong khi đó, khu công nghiệp chung Thái Lan – Trung Quốc ở tỉnh Rayong cũng đã đón hơn 100 công ty có vốn đầu tư Trung Quốc hoạt động, thu hút hơn 4 tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc và tạo ra hơn 40.000 việc làm cho người địa phương.

Xem thêm:

Bangkok Post ngày 25/11/2021: Drive to woo Chinese investors to EEC

Tân Hoa Xã ngày 26/11/2021: Chinese, Thai businesses tap into opportunities in closer China-ASEAN cooperation

Hàn Quốc mở nhà máy sản xuất container tại Việt Nam

Hai doanh nghiệp Hàn Quốc – Seojin Systems và Ace Engineering – đang xây dựng một nhà máy sản xuất container tại Hải Phòng. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2022 với công suất ban đầu đạt 4.000 container mỗi tháng. Dự án nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn Thương mại Đại dương Hàn Quốc (Korea Ocean Business Corporation – KOBC), thể chế tài chính do nhà nước điều hành.

Xem thêm:

Splash 247 ngày 26/11/2021: South Korea to develop container manufacturing site in Vietnam

ExxonMobil tiếp tục công việc chuẩn bị cho dự án khí đốt tại Việt Nam

Trong một tuyên bố qua email, người phát ngôn của ExxonMobil cho biết công ty vẫn đang tiếp tục công việc chuẩn bị cho dự án khí Cá Voi Xanh tại Việt Nam. Quyết định đầu tư cuối cùng sẽ dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm những sự chấp thuận về quy định, bảo lãnh của chính phủ, các thoả thuận bán khí đốt và khả năng cạnh tranh kinh tế.

Như đã đưa tin, tháng trước, hội đồng quản trị ExxonMobil đã tranh luận về việc có nên tiếp tục một số dự án dầu khí lớn, bao gồm cả dự án ở Việt Nam, trong bối cảnh các nhà đầu tư thúc đẩy các công ty nhiên liệu hóa thạch có ý thức hơn về chi phí và năng lượng xanh thân thiện. Sau khi thông tin này được đưa ra, đã dấy lên những nghi ngại trong một số nhà quan sát Việt Nam, thường đưa ra những thông tin được cho là không được công khai, về việc ExxonMobil có thể bán cổ phần cho Trung Quốc, dẫn tới việc đặt ra câu hỏi trong một số nhà nghiên cứu rằng không lẽ Việt Nam đã không nghĩ đến kịch bản này trước khi quyết định để cho ExxonMobil nắm 51% cổ phần?  

Xem thêm:

Reuters ngày 29/11/2021: ExxonMobil continues preparatory work for gas project in Vietnam

—–

II- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Energy Voice: Trung Quốc khát hợp đồng LNG với Mỹ

Bài viết nhận định việc Trung Quốc đang cần thêm các hợp đồng cung cấp khí hóa lỏng (LNG) để đáp ứng nhu cầu trong nước sẽ tạo ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu Mỹ, đặc biệt khi giá LNG từ Mỹ rẻ hơn hầu hết quốc gia khác. Trong những tuần qua, hàng hoạt hợp đồng đã được ký kết. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu LNG của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, tạo ra cơ hội giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Xem thêm:

Energy Voice ngày 16/11/2021: China hungry for more US LNG deals

Tập Cận Bình: BRI nên hướng đến chất lượng cao, bền vững và lấy con người làm trung tâm

Trong bài phát biểu tại buổi tọa đàm về BRI ngày 19/11/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lên định hướng cho sáng kiến này là “chất lượng cao, bền vững và phát triển lấy con người làm trung tâm”. Ông cũng cảnh báo về môi trường quốc tế phức tạp đối với BRI và yêu cầu phát triển một hệ thống đánh giá rủi ro cho các dự án ở nước ngoài của Trung Quốc, cũng như cơ chế điều phối giữa bảo vệ lợi ích quốc gia, chống khủng bố và bảo vệ an ninh.

MERICS: Trung Quốc đóng gói lại Sáng kiến Vành đai và Con đường để cạnh tranh với Hoa Kỳ và Châu Âu

Theo MERICS, phát biểu của ông Tập đến vào thời điểm các dự án Build Back a Better World (B3W) của Mỹ và European Global Gateway của EU đang cạnh tranh với BRI. Đây là các dự án hướng tới sự bền vững và tiêu chuẩn cao, do đó, Trung Quốc cũng đang có định hướng tương tự. MERICS nhận định các sáng kiến này đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh địa chính trị. Việc tham gia một sáng kiến sẽ dễ bị coi là động thái “nghiêng” về một quốc gia hơn trước.

Xem thêm:

Chính phủ Trung Quốc ngày 19/11/2021: 习近平出席第三次“一带一路”建设座谈会并发表重要讲话

Tân Hoa Xã ngày 20/11/2021: Xi urges continuous efforts to promote high-quality BRI development

Bình luận của MERICS tại đây

CNBC: 5 vấn đề của các công ty công nghệ lớn Trung Quốc trong năm 2022

Bài viết chỉ ra các mối quan tâm hàng đầu của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc trong năm 2022 bao gồm: các biện pháp mạnh tay của chính quyền, sự tụt hậu của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, phương tiện chạy điện và sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.

Xem thêm:

CNBC ngày 24/11/2021: China’s 5 big tech issues for 2022

Tập Cận Bình thúc đẩy cải cách quản lý khoa học công nghệ

Trong cuộc họp của Ủy ban Cải cách sâu sắc toàn diện Trung ương Trung Quốc ngày 24/11/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thúc đẩy việc cải cách hệ thống quản lý khoa học công nghệ của đất nước, đảm bảo sự tự lực tự cường về các ngành khoa học công nghệ trình độ cao, tăng cường năng lực sáng tạo khoa học công nghệ một cách hệ thống.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 25/11/2021: 习近平主持召开中央全面深化改革委员会第二十二次会议强调 -加快科技体制改革攻坚建设全国统一电力市场体系建立中小学校党组织领导的校长负责制

Tân Hoa Xã ngày 25/11/2021: Xi Focus: Xi urges sci-tech management system reform, development of unified electricity market system

Ngành hàng hải chịu tác động từ chính sách “zero Covid” của Trung Quốc

Trong lĩnh vực hàng hải, Trung Quốc đang ban hành nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chính sách “zero Covid” như buộc cách ly 7 tuần với thuyền viên về nước, cấm thay người với các thủy thủ đoàn nước ngoài hay buộc các tàu bổ sung thuyền viên ở bên ngoài đợi hai tuần mới được vào cảng. Những quy định này buộc các tàu thay đổi hành trình, hoãn các chuyến hàng hay hoãn việc đổi thuyền viên, dẫn đến khủng hoảng trong chuỗi cung ứng. Nhiều nhà quản lý và vận hành tàu biển đang kêu gọi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế này.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 25/11/2021: Supply-Chain Crisis Only Getting Worse With China’s 7-Week Port Quarantine. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại với khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản

Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong tháng 11, với doanh số bán xe hơi và bất động sản giảm trở lại khi các tai ương trên thị trường nhà đất kéo dài. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ đang bao trùm lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang đe dọa tiêu tốn của các nhà phát triển đã vay hàng tỷ USD nợ xanh. Theo S&P Global Ratings, Kaisa và Fujian Yango hiện phải đối mặt với các kịch bản vỡ nợ “không thể tránh khỏi”.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 25/11/2021: China’s Property-Led Economic Slowdown Shows No Signs of Ending. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Trung Quốc giành hợp đồng xây cảng ở Sri Lanka

Tổng Công ty Xây dựng Cảng Trung Quốc (CHEC) đã giành được quyền thi công giai đoạn 2 của cảng container phía đông của cảng Colombo – cảng lớn nhất Sri Lanka. Ban đầu, dự án này được lên kế hoạch thực hiện cùng các nhà thầu Ấn Độ và Nhật Bản. Tuy vậy, hợp đồng đã bị hủy bỏ vào đầu năm nay.

Xem thêm:

Maritime Executive ngày 25/11/2021: China Bags Another Lucrative Port Deal in Sri Lanka

Nikkei Asia ngày 25/11/2021: Sri Lanka awards port project to China after dropping Japan, India

Tàu do thám Trung Quốc được phát hiện tại vùng biển Australia, New Zealand

Tờ Daily Telegraph hôm 25/11/2021 tiết lộ một tàu do thám lớp Dongdiao của Trung Quốc đã đi vòng bờ biển Australia trong 3 tuần từ tháng 8 đến tháng 9 vừa qua để thu thập thông tin tình báo điện tử nhạy cảm, trước khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của New Zealand. Bộ Quốc phòng Australia và New Zealand đã xác nhận thông tin này.

Thủ tướng Scott Morrison gọi đây là “vấn đề nghiêm trọng”. Tuy vậy, ông cũng khẳng định hành vi của tàu Trung Quốc không vi phạm luật pháp quốc tế. “Theo luật pháp quốc tế, họ có toàn quyền ở đấy, giống như chúng ta và các nước dân chủ tự do khác có toàn quyền tự do đi lại ở Biển Đông”, ông nói.

Xem thêm:

News.com.au ngày 26/11/2021: Chinese spy ship spotted circling Australia’s coast for three weeks

USNI News ngày 26/11/2021: Australian Prime Minister: Chinese Navy Has ‘Every Right’ to Operate In Our Exclusive Economic Zone

1News ngày 26/11/2021: NZDF confirms Chinese spy ship entered NZ ‘economic zone’

Dương Khiết Trì: Thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại

Trong bài xã luận trên trang Nhân dân Nhật báo, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đặt ra yêu cầu phải hiểu được các lập luận về việc xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại” được thể hiện qua nghị quyết hội nghị trung ương 6 ĐCSTQ. Theo tác giả, việc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại là thành quả mới nhất của công cuộc “Trung Quốc hóa”, “thời đại hóa” chủ nghĩa Marx, trả lời cho câu hỏi “Thế giới đang đi theo hướng nào và nhân loại cần làm gì?”. Đây là một phần quan trọng của Tư tưởng Tập Cận Bình về xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới, cũng như Tư tưởng Ngoại giao Tập Cận Bình. Việc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại đã trở thành “lá cờ tươi sáng dẫn dắt trào lưu của thời đại và phương hướng của nhân loại”.

Xem thêm:

Nhân dân Nhật báo ngày 26/11/2021: 推动构建人类命运共同体(学习贯彻党的十九届六中全会精神)

Lần đầu tiên máy bay tiếp dầu trên không Y-20U xuất hiện trong đợt máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan 

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm Chủ nhật ngày 28/11/2021 cho biết 27 máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, trong đó lần đầu tiên có sự xuất hiện của một máy bay tiếp dầu trên không Y-20U.

Y-20U là phiên bản mới của máy bay vận tải quân sự Y-20 được sửa đổi để tiếp nhiên liệu trên không. Nó được cho là có ba điểm tiếp nhiên liệu, có thể mang theo 60 tấn nhiên liệu và sử dụng phương pháp ống mềm và thiết bị bay không người lái để tiếp nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, theo Defense News.

Sự xuất hiện của tàu chở dầu này rất có ý nghĩa bởi tiếp nhiên liệu trên không được coi là điểm yếu của Lực lượng Phòng không Quân Giải phóng Nhân dân (PLAAF). Việc bổ sung các máy bay như vậy có thể mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay vận tải của Trung Quốc.

Xem thêm:

Taiwan News ngày 29/11/2021: 27 Chinese military planes intrude on Taiwan’s ADIZ

—–

III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Hoa Kỳ-Đài Loan năm 2021

Vào ngày 22/11/2021 đã diễn ra Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Hoa Kỳ-Đài Loan lần thứ hai dưới sự bảo trợ của của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (TECRO) tại Hoa Kỳ. Đối thoại lần này được dẫn đầu bởi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách năng lượng, tăng trưởng kinh tế và môi trường Jose W. Fernandez. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ – Đài Loan được xây dựng dựa trên mối quan hệ thương mại và đầu tư hai chiều bền chặt, mối quan hệ giao lưu nhân dân, cũng như trong việc cùng bảo vệ  tự do và các giá trị dân chủ chung của hai bên.

Xem thêm:

U.S. Department of State ngày 19/11/2021: 2021 US-Taiwan Economic Prosperity Partnership Dialogue

Đài Loan tiếp tục tiếp đón Phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ lần thứ hai chỉ sau hai tuần

Phái đoàn gồm 5 người với hầu hết là các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân Chủ đã hạ cánh tại Đài Bắc vào tối thứ Năm ngày 25/11/2021 trước cuộc họp thứ Sáu với các quan chức cấp cao Đài Loan về các vấn đề bao gồm quan hệ Mỹ – Đài Loan và an ninh khu vực.

Theo Dân biểu Elissa Slotkin, một thành viên của phái đoàn, một trong những vấn đề chắc chắn có trong chương trình nghị sự là về chuỗi cung ứng, khi Đài Loan hiện đang là nhà cung cấp vi mạch lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô. Nhưng cũng giống như các điểm dừng Nhật Bản và Hàn Quốc mà phái đoàn đã tới trước khi tới Đài Loan, bà Slotkin cho biết phái đoàn tới để tìm hiểu về khu vực và tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với người Đài Loan.

Đây cũng là phái đoàn Hạ viện Mỹ đầu tiên có thành viên của cả lưỡng đảng tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, theo lời Dân biểu Nancy Mace của phái đoàn.

Xem thêm:

The Wall Street Journal ngày 26/11/2021: ​​Taiwan Hosts Second U.S. Congressional Delegation in Two Weeks. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

https://twitter.com/RepSlotkin/status/1463878185314050051

Các nước Châu Á, Châu Âu tăng cường mua máy bay chống ngầm

Một số quốc gia ở Châu Á và Châu Âu, bao gồm Đức, Na Uy và Ấn Độ đang có ý định mua máy bay chống ngầm P-8 Poseidon của Boeing do “quan ngại trước đe dọa từ Trung Quốc và Nga”, theo Giám đốc thương mại toàn cầu của Boeing Tim Flood. Cụ thể, Đức đã đặt mua 5 chiếc, Na Uy sắp nhận một chiếc máy bay loại này, trong khi Ấn Độ sẽ nhận thêm 4 chiếc P-8s vào quý I năm 2022.

Xem thêm:

National Defense ngày 16/11/2021: Chinese, Russian Threats Spurring Anti-Submarine Weapon Buys

Đức lần đầu tham gia cuộc tập trận thường niên của Nhật Bản và các nước ngoài khu vực 

Cuộc tập trận  được gọi là ANNUALEX 2021, bắt đầu vào Chủ nhật và sẽ tiếp tục đến hết ngày 30/11/2021 đánh dấu lần đầu tiên có sự tham gia của Hải quân Đức. Tham mưu trưởng Hải quân Đức, Phó Đô đốc Kay-Achim Schönbach một lần nữa khẳng định tuyên bố trước đó của mình về việc Hải quân Đức sẽ triển khai thường xuyên tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. “Hải quân Đức sẽ tăng cường cam kết với khu vực thông qua hợp tác an ninh và quốc phòng sâu rộng hơn với các đối tác trong khu vực,” Schönbach cho biết trong một bản tin. “Đức sẽ tìm cách gửi một tàu khu trục nhỏ hai năm một lần đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cùng với một tàu tiếp liệu.”

Hạm đội 7 của Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí rằng cuộc tập trận sẽ “bao gồm các chiến thuật liên lạc hàng hải tăng cường, hoạt động tác chiến chống tàu ngầm, hoạt động tác chiến trên không, tiếp liệu trên biển, hoạt động bay xuyên boong và diễn tập can thiệp hàng hải”. 

Xem thêm:

USNI News ngày 23/11/2021: US Begins Exercise Off Japan with Canadian, German and Australian Navies – USNI News

Nhật Bản sắp đạt được thỏa thuận tiếp cận quốc phòng với Australia vào năm tới

Theo Nikkei Asia, Nhật Bản và Australia đang chuẩn bị ký một hiệp ước đã gây tranh cãi từ lâu trong năm tới, nhằm giúp các lực lượng của mỗi nước tham gia vào các cuộc tập trận chung một cách dễ dàng hơn. Thỏa thuận này cũng đại diện cho mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Canberra mà Tokyo sẽ sử dụng làm khuôn mẫu cho các nước bán liên minh tương tự ngoài hiệp ước an ninh với Mỹ. Và điều này sẽ giúp Nhật Bản mở rộng các lựa chọn đối với việc  hợp tác quốc phòng đa phương khi Trung Quốc tập trung xây dựng quân đội. 

Xem thêm: 

Nikkei Asia ngày 24/11/2021: Japan nears defense access deal with quasi-ally Australia next year 

Nhật Bản và Hoa Kỳ đang xem xét các cuộc đàm phán an ninh “2+2” vào tháng Giêng năm tới. Mỹ đề nghị Nhật chia sẻ chi phí đóng quân của Mỹ tại Nhật

Nhật Bản và Hoa Kỳ đang xem xét tổ chức các cuộc đàm phán an ninh giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước vào tháng Giêng năm tới để củng cố liên minh trong việc đối phó với sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết hôm Chủ nhật.

Cuộc họp gặp mặt trực tiếp có thể sẽ được tổ chức sau khi Tokyo quyết định vào tháng 12 sẽ gánh thêm chi phí cho việc đóng quân của Mỹ tại Nhật Bản từ năm tài chính 2022 theo yêu cầu từ Washington, với việc các bộ trưởng ký thỏa thuận chia sẻ chi phí, các nguồn tin cho biết.

Xem thêm:

The Japan Times ngày 28/11/2021: Japan and U.S. eye ‘two-plus-two’ security talks in January. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Liên minh các đảng thắng cử ở Đức đạt thỏa thuận cho một chính phủ mới và một chính sách Trung Quốc mới mạnh mẽ hơn

Vào ngày 24/11/2021, một thỏa thuận được công bố đã xác nhận rằng Đức sẽ có một chính Chính phủ mới, một Thủ tướng mới. Theo thỏa thuận liên minh, Đức sẽ có chính sách mới cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Theo đó, Olaf Scholz thuộc Đảng Dân chủ Xã hội sẽ kế nhiệm Angela Merkel trở thành Thủ tướng Đức. Scholz sẽ thành lập chính phủ mới với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP). Văn bản thỏa thuận liên minh mới của Đức thể hiện muốn  phát triển quan hệ với Trung Quốc theo các khía cạnh đối tác, cạnh tranh đang được định hình, và đối thủ hệ thống. Và Đức cũng tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc “trên cơ sở tôn trọng nhân quyền” khi có thể. Đồng thời, văn bản thỏa thuận của Đức kêu gọi Trung Quốc “đóng vai trò có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định ở khu vực lân cận”, đồng thời, Đức “cam kết đảm bảo rằng các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông được giải quyết trên cơ sở luật biển quốc tế”. Ngoài ra, các quan chức của Đảng Xanh đã cho biết sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại “dựa trên giá trị” và có đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, Nga và các mối đe dọa đối với an ninh của Đức và EU.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 25/11/2021: German coalition seals deal for new government, new tough-talking China policy

Nhà phê bình hàng đầu của EU về Trung Quốc: Các công ty Đức đã hành động như “những nhà vận động hành lang” cho Bắc Kinh 

Glucksmann là một nhà hoạt động nhân quyền người Pháp và cũng là một trong bốn đại biểu Quốc hội Châu Âu đã bị đưa vào danh sách đen của Bắc Kinh vào tháng Ba cho những cuộc vận động chống  diệt chủng ở Tân Cương. Mới đây, ông cho biết EU đang dần thức tỉnh trước mối đe dọa từ Chính phủ Trung Quốc, và ông nhận ra Đức chính là rào cản lớn đối với những hành động mạnh mẽ của Châu Âu đối với Trung Quốc. Đồng thời ông cũng bày tỏ hy vọng sự hiện diện của các quan chức Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền sẽ thúc đẩy Chính phủ mới của  Đức thực hiện “cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc” hơn đối với Trung Quốc. 

Xem thêm:

Axios ngày 23/11/2021: Top EU China critic: German companies act as “lobbyists” for Beijing

Thủ tướng Ý Mario Draghi phủ quyết lần tiếp quản thứ ba của Trung Quốc trong năm nay

Ngày 23/11/2021, Thủ tướng Ý Mario Draghi đã lần thứ ba chặn nỗ lực của doanh nghiệp Trung Quốc Zhejiang Jingsheng Mechanical (300316.SZ) nhằm thành lập liên doanh với chi nhánh Hồng Kông của tập đoàn Applied Materials (AMAT.O) có trụ sở tại Hoa Kỳ để mua lại mảng kinh doanh thiết bị in lụa của tập đoàn tại Ý. Các nguồn tin cho biết, nội các của ông đã thông qua quyết định này vì lo ngại về hậu quả của việc thu mua trong lĩnh vực chất bán dẫn có tính chiến lược. Trong số các sản phẩm của Applied Materials có máy móc được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn và các thành phần công nghệ cao khác.

Xem thêm:

Reuters ngày 23/11/2021: Italy’s Draghi vetoes third Chinese takeover this year 

Hoa Kỳ đưa các công ty điện toán lượng tử của Trung Quốc vào danh sách đen

Mới đây, Mỹ đã có động thái đưa hàng chục nhóm Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực máy tính lượng tử và các công nghệ tiên tiến khác vào danh sách đen với lý do các nhóm này có nguy cơ giành quyền truy cập vào các công nghệ quan trọng của Mỹ cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Động thái này đã khiến các công ty Mỹ gần như không thể bán công nghệ của mình cho các công ty niêm yết. Ngoài điện toán lượng tử, danh sách còn có các công ty trong ngành bán dẫn và hàng không vũ trụ. Bên cạnh Trung Quốc, Washington cũng tiến hành đưa 13 công ty Pakistan vào danh sách vì các hoạt động liên quan đến các chương trình tên lửa nhân đạo và hạt nhân. Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cho biết: “Các hành động của ngày hôm nay sẽ giúp ngăn chặn sự chuyển hướng công nghệ của Hoa Kỳ vào việc giúp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Nga đạt được các tiến bộ về quân sự”. Và các hành động này cũng đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền Biden nhằm gây khó khăn hơn cho Trung Quốc trong việc đảm bảo tiếp cận các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quân sự.  

Xem thêm:

Financial Times, ngày 25/11/2021: US blacklists Chinese quantum computing companies. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

Vương quốc Anh thông qua sự phát triển của chi nhánh đầu tư mới nhằm tìm cách chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc 

Vào ngày 25/11/2021, Liz Truss, Ngoại trưởng Vương quốc Anh, sẽ ra mắt Qũy Đầu tư Quốc tế Anh (BII), một cơ quan sẽ tận dụng nguồn vốn tư nhân để đầu tư vào các quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và Caribê, cung cấp một giải pháp thay thế cho các khoản vay của Trung Quốc. Theo kế hoạch, Vương quốc Anh sẽ huy động ít nhất chín tỷ bảng Anh đầu tư mỗi năm tới năm 2025, bao gồm việc hợp tác với thị trường vốn và các quỹ tài sản có chủ quyền để mở rộng quy mô tài chính và trợ giúp khu vực tư nhân tham gia. Tuy nhiên, Ranil Dissanayake, chuyên gia chính sách tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết: “Những suy luận về việc Quỹ đầu tư Quốc tế Anh (BII) cho phép các nước thay thế nợ của Trung Quốc là khoa trương, vì chín tỷ bảng Anh là con số rất nhỏ so với quy mô của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc”. 

Xem thêm:

Financial Times ngày 25/11/2021: UK seeks to counter China’s influence with new development investment arm. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Boris Johnson chặn Trung Quốc tài trợ cho các nhà máy điện hạt nhân ở Anh

Vào ngày 24/11/2021, Boris Johnson xác nhận Trung Quốc sẽ không tham gia vào việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân mới và cho biết đối thủ tiềm tàng này trong tương lai có thể không có vai trò đối với “cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng” của Anh. Chính phủ Anh  đang rút lui khỏi một thỏa thuận được ký kết bởi Theresa May vào năm 2016 trong đó công ty hạt nhân của Trung Quốc CGN đã đồng ý đầu tư 6 tỷ bảng Anh cho 33,5% cổ phần của nhà máy Hinkley Point C ở Somerset. Bên cạnh đó, Johnson cũng gợi ý rằng kế hoạch cho phép CGN sở hữu và vận hành nhà máy của riêng mình ở Bradwell đã bị bỏ dở.

Xem thêm: 

The Times ngày 25/11/2021: China blocked from funding nuclear power stations by Boris Johnson. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

—–

IV- QUAN HỆ MỸ – TRUNG

Tần Cương: Trung Quốc không phải vấn đề, mà là giải pháp

Trong bài phát biểu tại Viện Brookings, Mỹ ngày 18/11/2021, Đại sứ Trung Quốc tại Washington Tần Cương khẳng định Bắc Kinh “không muốn phá vỡ hay lật đổ trật tự thế giới hiện tại, mà chỉ muốn hành động vì một thế giới hòa bình và phát triển hơn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển hòa bình, đóng góp trí tuệ và giải pháp vào các vấn đề toàn cầu”. Ông khẳng định “Trung Quốc không phải là một phần vấn đề của thế giới, mà là một phần giải pháp”. Ông cũng kêu gọi hai nước Trung – Mỹ hợp tác để ngăn chặn đối đầu.

Xem thêm:

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 19/11/2021: Two Different Countries, One International System

Mỹ nghi Trung Quốc xây cơ sở quân sự tại UAE

Theo thông tin mới được Wall Street Journal tiết lộ, vào đầu năm nay, cơ quan tình báo Mỹ phát hiện Trung Quốc đang bí mật xây dựng một công trình nghi là cơ sở quân sự tại cảng Khalifa, UAE. Giới chức Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, đã bày tỏ lo ngại đến chính quyền UAE. Đến nay, việc xây dựng đã được tạm ngừng. UAE khẳng định họ không có kế hoạch cho Trung Quốc đặt cơ sở quân sự trên đất nước.

Xem thêm:

Wall Street Journal ngày 19/11/2021: Secret Chinese Port Project in Persian Gulf Rattles U.S. Relations With U.A.E.

Mỹ đặt mục tiêu tổ chức được các cuộc đàm phán quốc phòng với các quan chức hàng đầu của Trung Quốc vào cuối năm nay

Theo nhiều quan chức chính phủ Mỹ, Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng sắp xếp để các quan chức quốc phòng hàng đầu hai bên có thể đối thoại qua điện thoại hoặc trực tuyến trước cuối năm nay. Nếu cuộc họp diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden. Lần cuối cùng Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói chuyện với các quan chức cấp cao của Trung Quốc là vào tháng 8 năm 2020, dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump. 

Nếu cuộc họp diễn ra, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin sẽ tham gia. Trung Quốc có thể được đại diện bởi Hứa Kỳ Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và Ngụy Phương Hòa, Ủy viên Quốc Vụ và Bộ trưởng Quốc phòng.

Theo Phát ngôn viên của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẵn sàng mở cửa cho các mối quan hệ tốt đẹp với quân đội Hoa Kỳ, nếu chủ quyền của Trung Quốc được tôn trọng. Điều này được cho rằng đây là điều kiện của phía Trung Quốc cho các cuộc đàm phán quân sự với Washington.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 25/11/2021: U.S. aims for year-end defense talks with top China officials

South China Morning Post ngày 26/11/2021: China’s PLA open to good relations with US military, if based on respect

—–

V- QUAN HỆ NGA – TRUNG QUỐC

Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác quốc phòng, vệ tinh

Trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu ngày 23/11, hai bên đã ký kết lộ trình hợp tác giữa quân đội hai nước giai đoạn 2021-2025. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thông qua các cuộc tập trận, tuần tra chung ở cấp chiến lược.

Trước đó, ngày 17/11, hãng thông tấn TASS của Nga thông báo cơ quan vũ trụ Nga và Trung Quốc sẽ xây dựng các trạm quan sát vệ tinh trên lãnh thổ của nhau. Theo bình luận của Emily Young Carr trên The Diplomat, đây là bước đi tiếp theo trong quá trình tăng cường hợp tác vũ trụ giữa hai quốc gia nhằm chống lại sức ảnh hưởng của Mỹ, bao gồm việc tích hợp hệ thống vệ tinh của hai nước.

Xem thêm:

The Diplomat ngày 18/11/2021: China and Russia Cooperate on Rival to GPS

China Military ngày 23/11/2021: Chinese, Russian defense ministers hold talks via video link

Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/11/2021: The heads of the military departments of Russia and China approved the roadmap of cooperation for 2021-2025

SCMP ngày 24/11/2021: China and Russia move closer to de facto military alliance amid US pressure

Cuộc họp lần thứ bảy của Ủy ban hợp tác quốc hội Trung – Nga với hình thức trực tuyến

 Chủ tịch Nhân Đại Trung Quốc Lật Chiến Thư cho biết trong cuộc họp, ông nói rằng “phía Trung Quốc tin rằng dân chủ không phải là bằng sáng chế của bất kỳ quốc gia cụ thể nào, mà là giá trị chung của tất cả mọi người. Dân chủ không phải là một vật trang trí, và có nhiều cách để hiện thực hóa dân chủ. Ông nói thêm rằng việc đo lường các hệ thống chính trị đa dạng của thế giới chỉ bằng một thước đo duy nhất là không dân chủ và xem xét các nền văn minh chính trị đầy màu sắc của thế giới bằng con mắt đơn điệu. ”

Ông cũng nói thêm rằng Trung Quốc và Nga cần tiếp tục tập trung vào việc duy trì an ninh chính trị của hai nước và thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau thông qua các đạo luật có mục tiêu. Ông cũng kêu gọi cung cấp hỗ trợ pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy sức mạnh tổng hợp giữa Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và Liên minh Kinh tế Á-Âu, đồng thời thúc giục tăng cường trao đổi pháp luật trong phòng ngừa và kiểm soát COVID-19, y tế công cộng và các lĩnh vực khác. Ông cũng kêu gọi phối hợp chặt chẽ hơn trong các khuôn khổ đa phương.

Xem thêm:

ECNS ngày 24/11/2021: Top Chinese legislator addresses meeting on China-Russia parliamentary cooperation

Trung Quốc, Nga tăng cường liên kết trong đổi mới khoa học công nghệ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã gửi thư chúc mừng tới lễ kỷ niệm đánh dấu sự kết thúc Năm Đổi mới Khoa học và Công nghệ giữa Trung Quốc và Nga. Trong thư, ông Tập nói rằng trong thời kỳ này, Trung Quốc và Nga đã thực hiện hơn 1.000 hoạt động đổi mới khoa học và công nghệ. Hai bên đã tích cực thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực ứng phó COVID-19, hàng không và vũ trụ, năng lượng hạt nhân và nền kinh tế kỹ thuật số với những thành tựu hiệu quả. Ông Tập cho biết thêm rằng quỹ đổi mới khoa học công nghệ chung Trung-Nga đã được ra mắt và sự hợp tác của họ về các dự án lớn mang tính chiến lược đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.

Xem thêm:

China Daily ngày 27/11/2021: China, Russia enhance links in sci-tech innovation

—–

VI- CHUYỂN ĐỘNG LIÊN HỢP QUỐC

Dự thảo nghị quyết: Chương trình Hỗ trợ của Liên hợp quốc trong việc Giảng dạy, Nghiên cứu, Phổ biến và Đánh giá đúng Luật Quốc tế

Ngày 12/11/2021, trong khuôn khổ mục chương trình nghị sự 81, Ủy ban thứ 6, Phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đã đưa ra Dự thảo nghị quyết: Chương trình Hỗ trợ của Liên hợp quốc trong việc Giảng dạy, Nghiên cứu, Phổ biến và Nhận thức rộng rãi hơn về Luật Quốc tế. 

Chương trình hỗ trợ là một hoạt động cốt lõi của Hoa Kỳ và các quốc gia trong việc nâng cao kiến thức về luật pháp quốc tế trong nửa thế kỷ qua. Theo bản dự thảo, nhu cầu ngày càng cao của việc đào tạo luật quốc tế đã tạo ra những thách thức đối với chương trình Hỗ trợ. 

Liên quan đến học bổng Tưởng niệm Hamilton Shirley Amerasinghe năm 2020 về Luật Biển Bản dự thảo cho biết học bổng sẽ được hoãn đến năm 2022 do tác động của đại dịch coronavirus (COVID-19). 

Các quốc gia, các tổ chức quốc tế và khu vực cũng như các trường đại học và các tổ chức khác cần hỗ trợ tích cực hơn cho chương trình Hỗ trợ này để thúc đẩy việc giảng dạy, nghiên cứu, phổ biến và nhận thức rộng rãi hơn về luật quốc tế đặc biệt là các vấn đề pháp lý đem lại quyền lợi cho các quốc gia đang phát triển. 

Chương trình Hỗ trợ này cũng ủy quyền cho Tổng thư ký thực hiện các hoạt động được quy định trong báo cáo năm 2022 về : (1) Chương trình học bổng Luật quốc tế với tối thiểu 20 suất học bổng; (2) Các Khóa học Khu vực của Liên hợp quốc về Luật Quốc tế cho Châu Phi, Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Mỹ Latinh và Caribe, với tối thiểu 20 học bổng cho mỗi khóa học; (3) Thư viện Nghe nhìn của Liên hợp quốc về Luật Quốc tế; (4) Phổ biến các ấn phẩm pháp luật và các bài giảng từ thư viện Nghe nhìn cho các quốc gia đang phát triển. Đồng thời đề nghị Tổng thư ký có các chương trình trực tuyến thay thế trong trường hợp dịch bệnh.

Nội dung bản dự thảo cũng đánh giá cao việc phát hành ấn bản tiếng Anh Sổ tay Luật quốc tế: Bộ sưu tập các Phương tiện như một nguồn tài nguyên quan trọng trong việc đào tạo Luật quốc tế. Bên cạnh đó, bản dự thảo cũng ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của các quốc gia và khu vực vào sự phát triển của Chương trình. 

Xem thêm:

United Nations Programme of Assistance in the Teaching, Study, Dissemination and Wider Appreciation of International Law

—–

VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

Taufik Rachmat Nugraha: Kiểm soát phương tiện không người lái dưới nước ở vùng biển Indonesia

“Máy bay không người lái ngoài khơi đang cách mạng hóa nền khoa học biển nhưng tiềm lực quân sự khiến sự minh bạch trở nên cần thiết” là nhận định được đưa ra bởi tác giả Taufik Rachmat Nugraha. 

Theo Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia, từ năm 2018 đến tháng 1/2021, một lượng lớn tàu Trung Quốc đã “ngừng kích hoạt” bộ phát tín hiệu AIS và tham gia nghiên cứu khoa học biển bất hợp pháp khi di chuyển trong vùng biển Indonesia. Các tàu Trung Quốc thậm chí còn thả các phương tiện không người lái dưới nước (UUV), với một số máy bay không người lái này đã gặp trục trặc  được người dân địa phương phát hiện khi đang đánh cá. 

Theo tác giả, UNCLOS không đề cập đến việc sử dụng UUV để nghiên cứu khoa học biển mặc dù việc sử dụng những phương tiện này đã được thừa nhận trong hướng dẫn ban hành năm 2010 của Bộ phận Các vấn đề Đại dương và Luật Biển thuộc Văn phòng Các Vấn Đề pháp lý của Liên Hợp Quốc. Nhưng UNCLOS cũng đặt ra yêu cầu  quốc gia nước ngoài muốn tiến hành nghiên cứu biển trong lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia ven biển thì phải có “sự đồng ý” của quốc gia ven biển đó. Tuy nhiên điểm hạn chế là cả UNCLOS và bản Hướng dẫn này đều không phân biệt hoạt động nghiên cứu biển của dân thường hay quân đội. Với những căng thẳng trên Biển Đông và việc Trung Quốc phát triển ngày càng nhiều hơn công nghệ UUV, các nhà chức trách Indonesia có quyền cảnh giác trước sự hiện diện của các UUV của Trung Quốc trong vùng biển của Indonesia. Chính vì vậy, tác giả cho rằng cần có những quy định tốt hơn liên quan đến UUV, Indonesia có mối quan tâm thích đáng để thúc đẩy quy chế hoạt động của UUV vì mục đích khoa học và để các quốc gia khác hợp tác trong vấn đề này.

Xem thêm: 

Lowy Institute ngày 23/11/2021: Regulating unmanned underwater vehicles in Indonesian waters

Ian Storey: Trung Quốc và Bãi Cỏ Mây

Theo tác giả, hành động quấy rối của Trung Quốc với Philippines tại bãi Cỏ Mây mới đây là một phần của nỗ lực sử dụng pháp luật nội địa để khẳng định các yêu sách ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên nước này “hợp lý hóa” hành động của mình qua Luật An toàn giao thông hàng hải, có hiệu lực từ ngày 1/9. Vụ việc cho thấy Trung Quốc sẵn sàng thực thi luật trên nếu họ muốn. Tác giả cho rằng điều này có thể làm tăng căng thẳng, tăng nguy cơ đối đầu nguy hiểm trên biển giữa các lực lượng Trung Quốc và Đông Nam Á và có thể leo thang thành cuộc khủng hoảng lớn.

Xem thêm:

Fulcrum ngày 25/11/2021: China and Second Thomas Shoal: For They Say, But Do Not

William Bratton: Đông Nam Á có nguy cơ vấp phải một tương lai giống Nam Mỹ

Theo t​ác giả của cuốn “Sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự suy tàn của châu Á” và từng là trưởng bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tại ngân hàng HSBC, có nhiều dấu hiệu cho thấy Đông Nam Á, trừ Singapore, đang lặp lại bi kịch của các nước Nam Mỹ trong việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Vào nửa đầu thế kỷ 20, nhiều nước trong khu vực Nam Mỹ đã phát triển tương đối thịnh vượng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Argentina thậm chí còn là một trong những nước giàu nhất thế giới. 

Những yếu tố dẫn đến thất bại của họ là do các nước này không nâng cấp cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp cạnh tranh quốc tế và giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu chính. Thứ hai là sự kém hiệu quả trong việc giải quyết sự cách biệt gia tăng về thu nhập và bất bình đẳng xã hội. Thứ ba là sự bất ổn chính trị của khu vực dẫn đến chủ nghĩa dân tuý trong ngắn hạn nhiều hơn là tư duy kinh tế dài hạn.

Giống như Nam Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, đang phải vật lộn để phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến hơn nhưng rất cần thiết để chuyển đổi từ mở rộng kinh tế dựa vào lao động giản đơn sang tăng trưởng dựa trên năng suất bền vững hơn.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 28/11/2021: Southeast Asia risks stumbling toward a South American future

​​Joanne Lin: Trung Quốc đem gì tới mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN

Theo tác giả, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giống như một sự công nhận về độ sâu sắc và quy mô của quan hệ song phương, thay vì một sự “nâng cấp”. ASEAN đòi hỏi quan hệ đối tác này phải thực chất, có ý nghĩa và đôi bên cùng có lợi. Lĩnh vực hợp tác đầu tiên mà Trung Quốc có thể đem tới cho ASEAN là về kinh tế, khi ASEAN và Trung Quốc đã cùng trở thành đối tác lớn nhất của nhau lần đầu tiên vào năm 2020. Trong lĩnh vực an ninh, tiềm năng hợp tác cũng là rất lớn, tuy Biển Đông sẽ vẫn là vấn đề gai góc, đòi hỏi các nước sớm hoàn thành một COC hiệu lực, thực chất để mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thực sự có ý nghĩa. Ngoài ra, giữa ASEAN và Trung Quốc cũng sẽ có sự liên kết chiến lược nhất định.

Xem thêm:

Fulcrum ngày 24/11/2021: What is China Bringing to the Comprehensive Strategic Partnership with ASEAN

Evan Laksmana: Tại sao không có các liên minh lớn ở châu Á

Theo tác giả, các ý tưởng lôi kéo các nước Đông Nam Á vào một liên minh kiểu truyền thống nhằm chống lại Trung Quốc là không khả thi. Các nước trong khu vực không muốn tuân theo một tầm nhìn từ bên ngoài, dù đó là từ Mỹ hay Trung Quốc. Các nước cũng không bị thu hút bởi khái niệm “trật tự thế giới dựa trên luật lệ”, trong khi quan điểm về thách thức từ Trung Quốc có sự khác biệt. Tác giả cho rằng các liên minh chỉ có thể được hình thành khi khu vực bị phân cực hóa, còn Trung Quốc bị loại trừ khỏi tất cả cơ chế khu vực. Tuy vậy, cái giá phải trả sẽ rất lớn. Ngoài ra, tính chính danh của nhiều bộ phận giới tinh hoa Đông Nam Á hiện nay phụ thuộc vào “hàng hóa công”  mà Trung Quốc cung cấp. Do đó, theo tác giả, các nước trong khu vực vẫn sẽ tuân theo trật tự khu vực, tương tác, “cân bằng nước đôi” với cả hai bên, thay vì bị đẩy vào các liên minh cân bằng quyền lực.

Xem thêm:

Financial Review ngày 26/11/2021: Why there are no grand alliances in Asia

Alan Beattie: Ngoại giao pháo hạm của Mỹ ở Châu Á đang thiếu hỏa lực về thương mại

Bài viết bình luận về tầm ảnh hưởng ở Châu Á – Thái Bình Dương, với việc Hoa Kỳ liên tục đe dọa quân sự nhưng lại không có nhiều động thái trên mặt trận thương mại và triển khai vắc xin ở các nước. Tác giả bày tỏ sự nghi ngờ về một “khuôn khổ kinh tế mạnh mẽ” mà Mỹ đã tuyên bố cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ khó có thể có ảnh hưởng lớn như CPTPP. Đồng thời, cho rằng nếu Mỹ không đánh đổi khả năng tiếp cận thị trường nội địa của mình thì sẽ khó có khả năng đạt được những lợi ích trong thương mại. Mặc dù Washington có động thái về thương mại khắp châu Á một cách nhanh chóng, nhưng những quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương (Úc, Canada, Nhật Bản, Mexico và New Zealand) xem Mỹ như một đối trọng kinh tế với Trung Quốc đang dần mất hy vọng. Bên cạnh đó, việc liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các điều kiện để trở thành thành viên của CPTPP hay không vẫn chưa rõ. Tuy nhiên tác giả cho rằng nước này đã thành công tạo ra một cơ hội trong kiến trúc thương mại ở Châu Á, trong khi chính sách thương mại của Hoa Kỳ, lấy người lao động làm trung tâm và sự tập trung vào khuôn khổ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, lại gây nên sự thất vọng.

Xem thêm:

Financial Times ngày 16/11/2021: US gunboat diplomacy in Asia is missing firepower on trade. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Về Khuôn khổ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: các nhà quan sát đang chờ thêm thông tin chi tiết 

Bài viết cho biết Nhà Trắng đã đặt mục tiêu vào một khuôn khổ kỹ thuật số Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới và sẽ có ảnh hưởng “mạnh mẽ hơn” so với các hiệp định thương mại tự do truyền thống như CPTPP “bởi vì khuôn khổ mới cho phép thảo luận về các nguyên tắc và xem xét các vấn đề liên quan sau đại dịch”. Việc theo đuổi “khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” như một phương tiện tăng cường hợp tác với các đồng minh trong khu vực về các vấn đề như kinh tế kỹ thuật số, chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu. Một đại diện cấp cao trong ngành cho biết: Chính quyền Biden đang phát triển một tầm nhìn kinh tế cho khu vực trong bối cảnh TPP bị “tạm hoãn”. Matt Goodman, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết chính quyền dường như đang hướng tới một thỏa thuận hành pháp mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội, sáng kiến này ​​có thể “mạnh mẽ” theo nghĩa sẽ bao gồm các vấn đề không được đề cập trong các FTA, chẳng hạn như khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, khử cacbon, các điều kiện đảm bảo cho công nhân, và cơ sở hạ tầng. 

Tóm lại, bất kỳ khuôn khổ mới nào được chính quyền đưa ra sẽ phải được đặt lên trên các hiệp định hiện có ở châu Á – Thái Bình Dương – cụ thể là CPTPP và DEPA. Về mặt thương mại, một thắc mắc đặt ra rằng liệu khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương này có thể là một sự thay thế đáng tin cậy cho TPP nhằm giúp thúc đẩy các quy tắc và chuẩn mực ưa thích của Hoa Kỳ trong khu vực hay không? Và liệu khuôn khổ này có có phải là một giải pháp thay thế cho những gì Trung Quốc đang cung cấp hay không?

Một số nhà phân tích dự đoán trong năm sau chính quyền Biden sẽ ở vị trí tốt hơn để bắt đầu ý tưởng này sau khi thu xếp được chính trị nội bộ.

Xem thêm:

Inside U.S. Trade’s World Trade Online ngày 24/11/2021: Eyeing an Indo-Pacific framework: Waiting for more ‘flesh on the bones’. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

Sarah Cook: Sự thao túng nội dung của Trung Quốc đã vươn ra ranh giới mới

Tác giả chỉ ra các lực lượng thân Bắc Kinh đang triển khai nhiều hành động nhằm thao túng thông tin trên các nền tảng mạng xã hội toàn cầu. Các hành động này diễn ra ở quy mô lớn, và Youtube là nền tảng yêu thích của các chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các lực lượng trên cũng như áp dụng các chiến thuật mới để tăng tính hiệu quả, bao gồm mở rộng lĩnh vực tham gia, sử dụng các tài khoản giả để kêu gọi người Mỹ tham gia biểu tình, cũng như kiểm duyệt từ khóa trên thiết bị di động.

Xem thêm:

The Diplomat ngày 16/11/2021: China’s Content Manipulation Reaches New Frontiers

Jude Blanchette: Trò chơi tự tin của Tập Cận Bình

Tác giả lập luận các hành động gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đến từ sự “thiếu an ninh” như một số nhà phân tích bình luận, mà đến từ mong muốn nâng cao vị thế và quyền lực, có chỗ đứng trên trường quốc tế của quốc gia này.

Tác giả cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng Trung Quốc “đang sụp đổ”. Theo ông, những điểm yếu của Trung Quốc vẫn không thể so sánh với điểm mạnh và tiềm năng của đất nước này. Ví dụ, vụ việc Evergrande chỉ cho thấy nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, thay vì sụp đổ. Trong khi đó, tình trạng già hóa dân số sẽ tác động về lâu dài, thay vì trước mắt. Bắc Kinh cũng không còn xem tăng trưởng kinh tế chậm là một mối đe dọa, trong khi những dự đoán về sự bất mãn của người dân Trung Quốc với ĐCSTQ không có cơ sở vững chắc. Cá nhân Tập Cận Bình đã xây dựng cơ cấu quyền lực quanh mình, khiến việc chống lại thẩm quyền của ông trở nên cực kỳ khó khăn.

Tác giả cho rằng các nhà phân tích và nhà hoạch định chính sách Mỹ cần đánh giá sức mạnh Trung Quốc một cách đúng đắn, không hạ thấp và cũng không đề cao nước này tránh gây ra ấn tượng và quyết sách sai lầm.

Xem thêm:

Foreign Affairs ngày 23/11/2021: Xi’s Confidence Game

Vương Canh Vũ: Trung Quốc, ASEAN và con đường tơ lụa trên biển mới

Theo tác giả, khái niệm “Đông Nam Á” hiện nay vốn không tồn tại mà chỉ được tạo thành bởi các cường quốc phương Tây trong lịch sử. Trong khi đó, Trung Quốc trong quá khứ không quá quan tâm đến khu vực phía Nam của mình. Chỉ đến Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc mới nhận ra Đông Nam Á có thể giúp Trung Quốc cân bằng nhu cầu có một “không gian biển” trong bối cảnh Mỹ vẫn là quốc gia thống trị. Do đó, BRI là dự án thể hiện thế giới quan của Trung Quốc, cũng như là cách nước này giữ một “mạng lưới toàn cầu” để có thể tồn tại và phát triển trong thời kỳ mới.

Xem thêm:

Think China ngày 16/11/2021: Wang Gungwu: China, ASEAN and the new Maritime Silk Road

Zhuoran Li: Hội nghị Trung ương 6 và sự trỗi dậy của văn hóa truyền thống Trung Quốc trong lý tưởng chính trị

Tác giả nhận định nghị quyết Hội nghị TW 6 ĐCSTQ vừa qua đã nâng cao tầm quan trọng của văn hóa và các giá trị Trung Quốc, đưa văn hóa thành một thành tố của CNXH Trung Quốc và Tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới. Điều này được thực hiện nhằm hai mục tiêu: giải quyết khó khăn của ĐCSTQ trong việc chuyển đổi từ “đảng cách mạng” sang “đảng cầm quyền”, cũng như chống lại các giá trị tự do chủ nghĩa và cá nhân chủ nghĩa phương Tây.

Xem thêm:

The Diplomat ngày 19/11/2021: The Sixth Plenum and the Rise of Traditional Chinese Culture in Socialist Ideology

Yang Liu: Lịch sử thuật ngữ “thịnh vượng chung”

Theo nhà báo tại Tân Hoa Xã, thuật ngữ “thịnh vượng chung” (共同富裕) không phải là mới. Nó đã xuất hiện từ một bài báo của Mao Trạch Đông năm 1953 về hợp tác hóa nông nghiệp. Tuy vậy, trong vài thập kỷ tiếp theo, thuật ngữ này ít được nhắc đến. Đến cuối thập niên 1980, thuật ngữ này trở lại và được sử dụng một cách chính thức bởi nhiều nhà lãnh đạo từ Đặng Tiểu Bình đến Lý Bằng. Đặc biệt, thuật ngữ này đã được Đặng Tiểu Bình giải thích rõ trong chuyến “Nam tuần” năm 1992.

Tập Cận Bình cũng đã từng sử dụng thuật ngữ “thịnh vượng chung” trước đây, trước và sau khi trở thành lãnh đạo Trung Quốc. Ông tiếp tục sử dụng thuật ngữ này khi lên nắm quyền. Từ sau Đại hội 19, “thịnh vượng chung” càng xuất hiện nhiều hơn, đi vào các văn bản chính thức của Trung Quốc, đặc biệt là kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy vậy, truyền thông và giới kinh doanh ngoài Trung Quốc gần như không để ý đến điều này, trước khi cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Tài chính Trung ương Trung Quốc tháng 8 vừa qua đưa ra các chính sách thực hiện mục tiêu “thịnh vượng chung”.

Theo bài viết, khái niệm “thịnh vượng chung” hiện nay vẫn có những điểm khác biệt so với trước kia. Đầu tiên, hiện nay vế “chung” được chú trọng, thay vì vế “thịnh vượng” như trước kia. Thứ hai, thái độ tiêu cực của công chúng với giới nhà giàu đã gia tăng. Thứ ba, chính sách của Trung Quốc cũng đã thay đổi, không quá chú trọng tăng trưởng như trước.

Xem thêm:

Beijing Channel ngày 10/11/2021: The history of “Common Prosperity” in a nutshell

—–

VIII- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH

Julian Ku_Territorial and Maritime Dispute (Nicaragua v. Colombia)

U.S.-Asia Law Institute, New York University School of Law 

Bản tóm tắt của tác giả Julian Ku tập trung vào các nội dung: (1) Tóm tắt vụ án và lịch sử tố tụng; (2) Tóm tắt các vấn đề cơ bản của vụ án: Chủ quyền, thềm lục địa, phân định ranh giới biển; (3) Thi hành các kết luận của Tòa; (4) Kết luận chung.

Năm 2001 Nicaragua đệ đơn lên ICJ với yêu cầu được giải quyết tranh chấp phức tạp và lâu đời về lãnh thổ, ranh giới trên biển và thềm lục địa tranh chấp với Colombia. Đơn khởi kiện của Nicaragua nhằm tìm kiếm một phán quyết từ ICJ kết luận rằng Nicaragua có chủ quyền đối với một số hòn đảo ở phía Tây biển Caribe và nước này cũng có quyền xác lập một đường biên giới đối diện (vis-à-vis) với Colombia dựa trên cơ sở chủ quyền được phát sinh trong mối liên hệ đến UNCLOS 1982. 

Trong đó, đáng chú ý, Bản tóm tắt cũng làm rõ được những câu hỏi pháp lý cơ bản mà Tòa đã giải quyết trong Phán quyết liên quan đến: chủ quyền và các học thuyết pháp lý để xác lập chủ quyền lãnh thổ, khả năng chấp nhận đề xuất phân định trên thềm lục địa mở rộng và cách thức mà tòa phân định biển theo luật pháp quốc tế. 

Mặc dù Phán quyết cuối cùng của Tòa đã trao chủ quyền đối với các đảo tranh chấp cho Colombia tuy nhiên, phán quyết cũng đã đem lại cho Nicaragua một vùng biển rộng lớn xung quanh những hòn đảo này. Điều này đã vấp phải sự phản đối gay gắt đến từ phía Colombia, chính phủ Colombia cũng đã đưa ra tuyên bố bác bỏ phán quyết. 

Một khía cạnh đặc biệt của Vụ tranh chấp là việc Tòa sử dụng “đường phân định biển” (equiratio) có thể phù hợp với các phân định trong tương lai khác với cách tiếp cận đường cách đều truyền thống, tuy nhiên việc Colombia không chấp nhận phán quyết đã làm cho hiệu quả của việc nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán quốc tế bị nghi ngờ nghiêm trọng. Ngoài ra, thảo luận vắn tắt liên quan đến sự khác biệt giữa bãi cạn lúc chìm lúc nổi và một hòn đảo cũng là tiền đề khởi xướng cho các cuộc thảo luận sau đó về vấn đề này trong phán quyết Trọng tài Biển Đông.

Xem toàn văn bản tóm tắt phán quyết tại đây.

Edcel John A. Ibarra (2021) The Controversy Surrounding Sandy Cay- Examining the Public Evidence

FSI Insights Vol. VII (2), Department of Foreign Affairs of Philippines

Vào tháng 8/2017, tàu cảnh sát biển và tàu hải quân của Trung Quốc được phát hiện ở khu vực gần Sandy Cay, thực thể lân cận đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng tại Biển Đông. Cho đến nay, thực tế về việc quốc gia nào đang chiếm đóng cấu trúc này vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi đối với dư luận Philippine, trong khi ông Antonio Carpio, Phó Chánh án tòa án cấp cao Philippines nói rằng Philippines đã để mất Sandy Cay vào tay Trung Quốc thì giới chức Philippines lại bác bỏ điều này. Dựa trên các bằng chứng công khai, tác giả Edcel John A. Ibarra cho rằng rằng tính đến tháng 9/2021, Sandy Cay vẫn chưa rơi vào tay Trung Quốc. Bài nghiên cứu của tác giả cũng tập trung làm rõ các vấn đề cơ bản liên quan đến Sandy Cay và lý giải tại sao Philippine nên bảo vệ cấu trúc này.

Trước hết, về vị trí địa lý, hiện tại mặc dù còn nhiều tranh cãi khác nhau liên quan đến sự tồn tại của Sandy Cay tuy nhiên, theo tác giả, Sandy Cay là một phần của cụm đảo Thị Tứ, nằm ở khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa. Cả đảo Thị Tứ và Sandy Cay đều là những cấu trúc nổi khi thủy triều cao. Các tài liệu chỉ ra rằng Sandy Cay nằm cách Thị Tứ khoảng 4 hải lý về phía Tây, ở vĩ độ khoảng 11°3′36′′ bắc và 114°13′8′′ kinh đông.

Về quy chế pháp lý, theo UNCLOS 1982, các cấu trúc nổi khi thủy triều cao là đảo hoặc đá có thể tạo ra lãnh hải lên đến 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa lên đến 350 hải lý. Theo Phán quyết của Tòa trọng tài Biển Đông năm 2016, không một đối tượng địa lý nào ở quần đảo Trường Sa đủ lớn để đủ tiêu chuẩn trở thành một hòn đảo với đầy đủ quy chế pháp lý, tuy nhiên Sandy Cay cũng được xem là một “đá” có thể tạo ra các vùng biển phụ cận và là một trong số ít các đối tượng địa lý có khả năng chiếm hữu tại quần đảo Trường Sa.

Có thể nhận thấy bản thân Sandy Cay không quan trọng bằng vùng lãnh hải mà cấu trúc này tạo ra có thể bao trọn bãi ngầm Subi mà Trung Quốc đang chiếm đóng và tạo ra một vùng lãnh hải chồng lấn với đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng. Chính vì vậy, tác giả cho rằng Philippines cần chứng minh chủ quyền đối với Sandy Cay để triệt tiêu tất cả các cơ sở pháp lý của Trung Quốc với bãi ngầm Subi và đảm bảo rằng lãnh hải của Thị Tứ sẽ không bị thu hẹp. 

Tác giả là một nhà nghiên cứu thuộc Bộ Ngoại giao Philippines. Hiện chưa rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với Sandy Cay. 

Tải toàn văn bài viết ở đây.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.