Nghê Phong: Vận Dụng Khái Niệm An Ninh Quốc Gia Tổng Thể Để Định Hướng Ván Cờ Quan Hệ Với Mỹ

Tác giả: Nghê Phong | 现代国际关系 2021年第7期

Biên dịch: Nguyễn Phương Dung | Hiệu đính: Trần Thị Kim Nguyên

Ảnh: King’s College London

Mỹ là nhân tố bên ngoài ảnh hưởng lớn nhất đến tiến trình phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, ván cờ chiến lược Trung – Mỹ vừa là một ván cờ dài hạn đi đôi với toàn bộ quá trình phục hưng vĩ đại, vừa là ván cờ toàn diện liên quan đến các lĩnh vực phát triển quốc gia, phạm vi thời gian và không gian đã vượt xa quá khứ, việc vận dụng khái niệm an ninh quốc gia tổng thể để định hướng ván cờ chiến lược Trung – Mỹ có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trong quá trình này, phải cực kỳ chú ý đến hướng đi và thay đổi của Mỹ, đặc biệt là việc điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, kịp thời thích ứng, tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho Trung Quốc. Ngày 20/01/2021, trải qua một cuộc bầu cử đầy sóng gió và tranh cãi, chính phủ Mỹ cuối cùng cũng hoàn thành việc chuyển giao đảng phái, việc chuyển giao chính quyền giữa các đảng phái là điểm then chốt trong điều chỉnh chính sách của Mỹ, các vấn đề đối nội và đối ngoại tất cả đều có thể phát sinh những thay đổi lớn, là một góc nhìn quan trọng để quan sát hướng đi của Mỹ. Tính đến nay đã hơn năm tháng kể từ khi chính phủ mới của Joe Biden lên cầm quyền, bộ khung cơ bản về chính sách với Trung Quốc thay đổi ra sao đã thể hiện khá rõ ràng. 

Thứ nhất là chú trọng việc tiếp tục chính sách đối ngoại với Trung Quốc dưới thời Donald Trump hơn là việc điều chỉnh. Sau khi Biden thắng cử, nhận định cơ bản của giới chuyên gia học giả là tính liên tục sẽ được chú trọng hơn việc điều chỉnh. Hiện nay, hướng phán đoán này về cơ bản là chính xác, nhưng cụ thể vẫn cần những bước điều chỉnh chính thức, đó là tính tiếp diễn trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc của chính phủ Joe Biden có thể sẽ vượt tầm dự đoán của dư luận. Một là sự nhìn nhận về Trung Quốc sẽ có xu thế tiêu cực hơn. Trước đây nhận định cực đoan nhất dưới thời chính phủ Donald Trump là “đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu”, chính phủ Biden thay đổi thuật ngữ thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược gay gắt nhất”. “Gay gắt” mang lại sắc thái biểu cảm mạnh mẽ hơn so với “hàng đầu”, thúc đẩy hơn nữa trong đánh giá chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Hai là bố cục chính sách đối ngoại sẽ tập trung hơn vào Trung Quốc. Nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của chính phủ Donald Trump là hướng đến lợi ích, không phân biệt rõ ràng giữa các đối tác khác và Trung Quốc, khai chiến thương mại với nhiều quốc gia bao gồm cả Trung Quốc và liên minh Châu Âu. Nguyên tắc của Joe Biden là nhấn mạnh việc khôi phục quan hệ với đồng minh, chuyển trọng tâm vào Trung Quốc. Ba là không vội vàng loại bỏ chính sách cũ. Thông thường ở Mỹ quy trình điều chỉnh chính sách của chính phủ mới là quá trình loại bỏ chính sách cũ. Nhưng chính phủ Joe Biden không loại bỏ chính sách chiến tranh thương mại với Trung Quốc dưới thời Donald Trump mà xây dựng dựa trên chính sách cũ, chính sách tăng thuế cho đến nay vẫn chưa được rút lại. 

Về nguyên nhân, nhân tố chủ yếu thúc đẩy tính tiếp diễn trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc của chính phủ Biden là sự gia tăng thay đổi trong cán cân thực lực giữa Trung Quốc và Mỹ. Khi ông Biden lên nắm quyền, tình hình dịch bệnh đã khiến khoảng cách về thực lực giữa đôi bên bị thu hẹp lại nhanh chóng. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, các quốc gia không thể không dự trữ, cạnh tranh nước lớn nếu như trước đây là “cạnh tranh tăng trưởng” thì giờ lui lại thành “ván cờ dự trữ”, vế thứ hai thậm chí mang màu sắc trò chơi có tổng bằng không (zero-sum). Trong thời gian dịch bệnh, Trung Quốc là quốc gia duy nhất đạt mức tăng trưởng dương trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, năm 2020 kinh tăng trưởng kinh tế đạt 2,3%, kinh tế của Mỹ suy thoái 3,5%, tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ tăng 8%. Điều này làm gia tăng sự thay đổi cán cân năng lực của hai nước. Năm 2017 GDP của Trung Quốc bằng 63% của Mỹ, năm 2019 là 65%, tương đương mỗi năm giảm 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên năm 2020 GDP của Trung Quốc bằng 70% của Mỹ, tương đương một năm giảm 5 điểm phần trăm. Sự thay đổi nhanh chóng này ngày càng trở thành mối lo đối với Mỹ. Nói về thực tế cơ bản quan hệ Trung – Mỹ từ khi chính phủ Joe Biden lên nắm quyền, bốn năm qua ông Donald Trump đã gây ra cho quan hệ Trung – Mỹ một loạt cú đánh có sức tàn phá đến mức khó có thể khôi phục và không thể nào trở lại như trước nữa. Đồng thời sự đánh giá, nhìn nhận của nội bộ nước Mỹ đối với Trung Quốc không những không có sự cải thiện khi nước Mỹ thay đổi Đảng cầm quyền mà còn chuyển biến theo hướng xấu hơn. Theo điều tra số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tháng 8/2020 thiện cảm của người Mỹ đối với người Trung Quốc giảm 23%, tháng 3/2021 tiếp tục giảm 10% nữa, trong thời gian nửa năm giảm 13 điểm phần trăm, cứng rắn với Trung Quốc đã trở thành đã trở thành “sự đúng đắn chính trị” mới trong chính trị nội bộ của Mỹ.  

Thứ hai là những điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc của chính phủ Joe Biden. Một là chú trọng hơn nữa việc cạnh tranh khoa học kỹ thuật. Sự khác biệt về quy mô dân số giữa Trung Quốc và Mỹ khẳng định Mỹ không thể ngăn cản Trung Quốc bắt kịp và vượt qua tổng sản lượng kinh tế, do đó, chính phủ Biden sẽ tập trung hơn nữa trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc về lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thử nghiệm phép lặp công nghệ để triệt tiêu ưu thế về số lượng của Trung Quốc, trì hoãn khả năng rượt đuổi của Trung Quốc, làm suy yếu ảnh hưởng thực tế sau khi tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc tăng vượt. Hai là chú trọng hơn về tư tưởng. Đảng Cộng hòa Mỹ coi trọng cạnh tranh thực lực, có xu hướng thiên về phương án thông qua áp lực bên ngoài để thay đổi hành vi của đối thủ, trái lại Đảng Dân chủ lại coi trọng việc “định hình nội bộ” của đối thủ, nhấn mạnh cái gọi là khái niệm giá trị, dựa vào đoàn kết nội bộ và đồng minh để phân hóa đối thủ, cuối cùng là thay đổi hành vi của đối thủ. Ba là chú trọng hơn về cạnh tranh địa chính trị. Sắc thái hoạt động địa chính trị trong chính sách  đối ngoại với Trung Quốc của chính phủ Joe Biden được thể hiện mạnh mẽ hơn, ví dụ như nâng cấp “cơ chế Bộ Tứ”, thúc đẩy chính sách Đông tiến của NATO, lôi kéo nước Nga xoay trục, khuyến khích một số quốc gia trong khu vực đối đầu với Trung Quốc, mục đích là hình thành sự bao vây ngăn chặn địa chính trị chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Bốn là chiến lược tổng thể bố trí dài hạn hơn. Trong việc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc nhấn mạnh vào vận hành và trù tính chiến lược, chú trọng hơn đến việc lập pháp, hệ thống đồng minh, quy tắc và biện pháp khác. Nếu như chính sách đối ngoại với Trung Quốc của Donald Trump là giông tố thì đây khả năng chỉ là “khúc dạo đầu” trong cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ. Những hành động này của chính phủ Joe Biden cho thấy phần “chính kịch” cao trào vẫn nằm phía sau “khúc dạo đầu”. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng.

Kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền, xu hướng mới trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc của chính phủ Mỹ một lần nữa cho thấy ván cờ chiến lược Trung – Mỹ là ván cờ dài hạn và được triển khai có hệ thống trong nhiều lĩnh vực, ván cờ chiến lược đối với Mỹ phải lấy khái niệm an ninh quốc gia tổng thể của Tổng Bí thư Tập Cận Bình làm quan điểm chỉ đạo. Trước tiên phải vận hành và trù tính quan hệ Trung – Mỹ dưới góc độ tổng thể chiến lược phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa và sự thay đổi cục diện lớn chưa từng có trên thế giới trong hàng trăm năm qua. Cùng với việc thực hiện thắng lợi mục tiêu “100 năm đầu tiên” phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, khẳng định quá trình phục hưng vĩ đại là không thể ngăn cản được. Đồng thời, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh xu thế cục diện thay đổi gia tăng ở Trung Đông và giảm ở phương Tây càng rõ rệt. Chúng ta phải tăng cường củng cố sự tin tưởng vào chiến lược, dám đấu tranh, giỏi chiến đấu. Thứ hai là điều tiết tốt mối quan hệ phát triển và an toàn an ninh. Phải có lối tư duy và nhận thức sâu sắc tính dài hạn, phức tạp, cam go, luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong ván cờ chiến lược Trung – Mỹ. Đồng thời, phải luôn tâm niệm rằng sự phục hưng vĩ đại cuối cùng quyết định bởi sự phát triển, nhiệm vụ phát triển của Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước. So sánh với những ván cờ chiến lược lớn trong lịch sử, về trình độ phát triển tổng thể kinh tế xã hội giữa hai bên cơ bản tương đồng, trong khi hiện nay Trung Quốc là quốc gia đang phát triển, GDP bình quân đầu người bằng 1/6 Mỹ, đồng thời phải đối mặt với những áp lực an ninh bên ngoài ngày càng lớn, nhiệm vụ phát triển cũng ngày càng nhiều và nặng nề đã đề ra yêu cầu rất cao cho việc tính toán và vận hành chiến lược tổng thể của Trung Quốc, chỉ có điều tiết tốt sự phát triển với an toàn an ninh mới có thể chiếm ưu thế lâu dài trong ván cờ chiến lược này.

Nghê Phong là Giám đốc và là nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội người Mỹ gốc Hoa. Bản gốc bài viết: http://www.aisixiang.com/data/128347.html.

Nguyễn Phương Dung và Trần Thị Kim Nguyên lần lượt là cộng tác viên thực tập và cộng tác viên của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.