Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Lê Xuân Phương
Biên tập: Nguyễn Thế Phương
Tư liệu: South China Sea News

Tải Bản PDF ở
———-
Lời Ban Biên tập:
Như đã thông báo vào ngày 7/9/2021 trên Facebook của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông (https://www.facebook.com/daisukybiendong/posts/4575418955812097), máy tính tập hợp dữ liệu các Bản Tin Biển Đông của chúng tôi bất ngờ bị khoá, thành viên phụ trách không thể truy cập được dù đã gõ đúng password. Đó là khoảng thời gian Hà Nội đang giãn cách nên cũng không có cách nào để có người đến xem và sửa. Cho đến hiện tại, chúng tôi đã phải thay ổ cứng mới và bắt đầu lại từ đầu như một chiếc máy mới.
Như đã thông báo trên Facebook Dự án, chúng tôi không lưu giữ thông tin cá nhân của ai trên máy tính, CV của các cộng tác viên đã được xóa ngay sau khi kết thúc giai đoạn tuyển dụng nên cũng không lưu giữ cả trong email. Trong máy chỉ lưu giữ tư liệu làm việc của Dự án. Các địa chỉ email của Dự án đều đặt cài bảo mật 2 lớp và đều không có dấu hiệu có xâm nhập lạ. Nên có thể nói Dự án không gặp vấn đề gì về an toàn thông tin cá nhân.
Do sự cố đó, chúng tôi đã không thể gửi tới quý độc giả Bản Tin Biển Đông hàng tuần trong những tuần vừa rồi. Chúng tôi cảm thấy rất áy náy và xin cáo lỗi về sự đình trệ này. Hiện giờ chúng tôi đang xử lý khối lượng thông tin tồn đọng nhiều tuần, lựa ra những gì quan trọng nhất và tiếp tục đưa bản tin trở lại guồng cập nhật hàng tuần.
Trong bối cảnh đó, Bản Tin Biển Đông tuần này không đánh số mà là một bản tin đặc biệt, với ba câu chuyện quan trọng nhất được chọn ra trong số những diễn biến những tuần qua, là những câu chuyện có tính ảnh hưởng tầm chiến lược đối với Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Kính mong quý độc giả thông cảm với tai nạn này và tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng có thể gây đủ quỹ tài chính để trang trải thù lao toàn thời gian cho 1-2 người, và như vậy có thể giảm thiểu việc bị đình trệ bản tin do những sự cố ngoài ý muốn, cũng như thực hiện một số ấn phẩm trả lời một số câu hỏi của độc giả. Hiện tại, các thành viên và cộng tác viên đều phải tranh thủ thời gian cá nhân để làm việc Dự án nên có nhiều ý tưởng muốn mà chưa thể thực hiện. Điều chúng tôi có thể làm là với mỗi ấn phẩm của Dự án, chúng tôi cam kết thực hiện với tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc, tuân thủ các giá trị mà Dự án đeo đuổi, đưa tới độc giả những sản phẩm tri thức chất lượng cao, hữu ích cho đất nước và cộng đồng. Xin trân trọng cảm ơn.
———-
Trong Bản Tin Biển Đông Số Đặc Biệt có những nội dung sau:
I. TOÀN CẢNH SỰ RA ĐỜI CỦA QUAN HỆ ĐỐI TÁC AN NINH BA BÊN TĂNG CƯỜNG AUKUS
II. TRUNG QUỐC VÀ ĐÀI LOAN CHÍNH THỨC XIN GIA NHẬP CPTPP
III. LUẬT AN TOÀN HÀNG HẢI TRUNG QUỐC
———-
I. TOÀN CẢNH SỰ RA ĐỜI CỦA QUAN HỆ ĐỐI TÁC AN NINH BA BÊN TĂNG CƯỜNG AUKUS
AUKUS là gì? Nội dung của AUKUS?
Ngày 15/9/2021, các nhà lãnh đạo ba nước Úc, Anh và Mỹ đã ra tuyên bố chung, thông báo về việc thành lập quan hệ đối tác an ninh ba bên tăng cường được gọi là “AUKUS”. Đây được coi như là một phần của nỗ lực tăng cường hợp tác ngoại giao, an ninh và quốc phòng nhằm hợp tác với các đối tác để đáp ứng những thách thức của thế kỷ XXI đối với trật tự dựa trên luật quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thông qua AUKUS, ba bên sẽ thúc đẩy chia sẻ sâu hơn về thông tin và công nghệ, thúc đẩy sự kết hợp lẫn nhau giữa khoa học, công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng. Cụ thể, hợp tác về một loạt các năng lực an ninh và quốc phòng sẽ sâu rộng hơn đáng kể.
Sáng kiến đầu tiên của AUKUS là Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Úc có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Theo thông cáo của phía Úc, mục đích hướng tới của lộ trình này là sẽ cung cấp ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân cho Úc. Trong vòng 18 tháng tới, Úc, Anh và Mỹ sẽ kiểm tra chặt chẽ toàn bộ các yêu cầu làm nền tảng cho việc quản lý hạt nhân và chứng minh một lộ trình rõ ràng để quản lý có trách nhiệm và đáng tin cậy đối với công nghệ nhạy cảm này. Úc sẽ thành lập Lực lượng đặc nhiệm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong Bộ Quốc phòng để lãnh đạo công việc này. Tàu ngầm sẽ được xây dựng ở Nam Úc.
Trong tuyên bố huỷ hợp đồng tàu ngầm truyền thống với Pháp, Úc cũng thừa nhận rằng nguyên nhân của việc quyết định chuyển hướng sang tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là là do những thay đổi ngày càng nhanh đối với an ninh khu vực khiến các tàu ngầm thông thường không còn phù hợp với nhu cầu hoạt động của Úc trong những thập kỷ tới.
Trong khuôn khổ AUKUS, ba nước cũng sẽ tăng cường hợp tác nâng cao năng lực chung và khả năng tương tác lẫn nhau trong các lĩnh vực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và những năng lực dưới đáy biển khác.
Xem thêm:
Nhà Trắng ngày 15/9/2021: Joint Leaders Statement on AUKUS
Thông cáo báo chí của Úc ngày 16/9/2021: Australia to pursue nuclear-powered submarines through new trilateral enhanced security partnership
Nguồn gốc của AUKUS
Tờ The Guardian dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết chính Úc đã gặp Anh để tìm kiếm một thỏa thuận vào tháng 3, sau khi Úc tiến hành một nghiên cứu bí mật kéo dài một năm, trong đó họ kết luận rằng họ muốn từ bỏ dự án nâng cấp tàu ngầm với Pháp. Cả hai quốc gia sau đó đã tìm đến Mỹ. Johnson đã cùng với thủ tướng Úc Scott Morrison và Biden tham dự cuộc gặp ba bên bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall vào tháng 6/2021.
Tại đó, cả ba đã thảo luận về tính nguyên tắc của hiệp ước, thứ mà khi bắt đầu mới chỉ là một thỏa thuận công nghệ đã được mở rộng thành một liên minh ba bên rộng lớn hơn với những kế hoạch chia sẻ các công nghệ quân sự khác bao gồm cả trí tuệ nhân tạo.
Các tàu ngầm sẽ được chế tạo ở Adelaide, với động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, dựa trên uranium chất lượng cấp vũ khí, sẽ được sản xuất ở Mỹ hoặc ở Anh bởi Rolls-Royce. Quá trình sản xuất cụ thể vẫn chưa được quyết định và đang chờ đánh giá ban đầu kéo dài 18 tháng. Cũng chưa rõ sau khi các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được đưa ra khỏi xưởng đóng tàu thì các lõi của lò phản ứng khi ngừng hoạt động sẽ được đưa đến đâu.
Trùng khớp với báo cáo của The Guardian, tờ The Times đã tiết lộ những chi tiết cụ thể đằng sau hậu trường được trích dẫn từ các nguồn tin an ninh và quốc phòng.
Khi người đứng đầu Hải quân Hoàng gia Anh được mời tham dự một cuộc họp tại uỷ ban cấp cao Úc vào tháng 3 vừa rồi, ông không hề biết về tầm quan trọng của những gì sắp diễn ra, Đô đốc Tony Radakin – được các đồng nghiệp mô tả là “người hành động” – đã được Phó Đô đốc Michael Noonan, Tư lệnh Hải quân Úc hỏi, liệu người Anh và người Mỹ có thể giúp đồng minh của họ xây dựng một hạm đội tàu ngầm mới chạy bằng năng lượng hạt nhân hay không?
12 tàu ngầm điện-diesel Barracuda mà Úc đã đồng ý mua từ Pháp 5 năm trước đó trong khuôn khổ hợp đồng trị giá 47 tỷ bảng đã không còn đủ để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc, quốc gia đang đổ hàng tỷ bảng vào việc xây dựng lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và củng cố các đảo bên ngoài lãnh hải của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton sau này cho biết chính phủ đã nghe theo tư vấn quân sự rằng các tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel thông thường sẽ không cung cấp cho Australia khả năng hoạt động dưới đáy biển mà nước này cần trong những năm 2030 và xa hơn thế nữa.
Họ muốn những chiếc tàu ngầm nhanh hơn, chạy êm hơn và có độ bền gần như vô hạn. Chìa khoá là “giám sát”, theo các nguồn tin quốc phòng quen thuộc với các cuộc thảo luận.
“Họ đã thực hiện một cuộc đánh giá và những con tàu mà họ sẽ nhận được (từ Pháp) không phù hợp với mục đích. Trung Quốc có rất nhiều tiền nhưng không phát triển được trong một số năng lực. Người Úc muốn sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để “di chuyển nhẹ nhàng, nằm bên ngoài một cảng, theo dõi các chuyển động, theo dõi các tuyến cáp dưới biển và theo dõi các tàu ngầm. Những điều này nhằm hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc trong khu vực,” nguồn tin quốc phòng cho biết.
Cả Anh và Mỹ không chỉ có 6 thập niên kinh nghiệm xây dựng năng lực chủ quyền riêng của mình mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ đối tác chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes với Australia – không giống như Pháp – có nghĩa là họ có thể bị thuyết phục để chia sẻ công nghệ hạt nhân.
“Đó là lần tiếp xúc đầu tiên. Đó là một trò chơi chiến lược lớn. Ông ấy [Radakin] sau đó đã đem sự việc trở về và giao toàn bộ cho [Ngài Stephen] Lovegrove,” một nguồn tin an ninh cho biết, ám chỉ thư ký thường trực Bộ Quốc phòng vào thời điểm đó. Nguồn tin đã so sánh cảnh này như một cảnh trong cuốn tiểu thuyết điệp viên John le Carré.
Và từ đó, Chiến dịch Hookless bắt đầu – nó được đặt mật danh Số 10 – và là bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất trong chính phủ trong nhiều năm. Chỉ có khoảng 10 người ở Anh được biết thông tin chi tiết, bao gồm Thủ tướng, Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng. Lovegrove, người vẫn là thư ký thường trực Bộ Quốc phòng khi đó, đã rời Bộ để đảm nhận vị trí cố vấn an ninh quốc gia, vị trí khiến ông thậm chí có cơ hội tốt hơn để giúp khắc chạm thỏa thuận để đời. John Bew, cố vấn chính sách đối ngoại của Johnson và là bộ óc đằng sau bản đánh giá tổng hợp nghiêng về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng được phép tham gia. Những người được tham gia trong kế hoạch bí mật này phải ký vào một tờ giấy cam kết không để những chi tiết bí mật của các cuộc thảo luận ra khỏi cửa phòng.
Sau cuộc họp đầu tiên vào tháng 3, đề xuất này đã được đưa tới trước mặt người Mỹ. “Phải mất khá nhiều thời gian để đi qua bộ máy của Mỹ – nó phải được thảo luận tại Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng,” nguồn tin nói. Trong những tuần sau đó, những người Anh trong vòng thảo luận đã tin rằng “có 20% khả năng kế hoạch sẽ thất bại.”
Đồng hồ đang điểm cho người Úc, họ đã cảnh báo chính phủ Anh rằng có một thời hạn chót khi chi phí cho thỏa thuận với Pháp sẽ nhanh chóng tăng lên và sẽ không thể thoát ra khỏi thỏa thuận đó. “Các động lực bên trong rất tinh tế. Chúng có thể dễ dàng không đến được với nhau,” nguồn tin an ninh nói.
Mặc dù các cuộc thảo luận đầu tiên xung quanh vấn đề tàu ngầm đã được khởi động, nhưng tại nơi thảo luận Chiến dịch Số 10, Johnson lại hào hứng muốn đạt điều gì đó sâu sắc hơn nhiều. “Boris thực sự đã thúc đẩy điều này. Có một sự lựa chọn về độ rộng của nó – đó chỉ là một thỏa thuận kỹ thuật về một chủ đề cụ thể hay là sẽ mở rộng hơn? Borris đã cho rằng nó cần phải có tham vọng nhất có thể. Đây là một động thái chiến lược,” một nguồn tin chính phủ tham gia vào các cuộc thảo luận cho biết.
Vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall vào tháng Sáu, các kế hoạch đang được triển khai tốt. Khi người Pháp đang bận rộn với cái gọi là “cuộc chiến xúc xích” đang diễn ra liên quan đến thỏa thuận Brexit, Johnson, Tổng thống Biden và Thủ tướng Úc – có bí danh là “ScoMo” trong Chiến dịch Số 10 – đã đưa ra được các chi tiết của một hiệp ước tối mật mà sau này, theo cách dịch của Đại Sứ quán Mỹ tại Việt Nam, được gọi là mối quan hệ đối tác an ninh ba bên tăng cường AUKUS.
Tuy nhiên họ đã phải hứng chịu một phản ứng dữ dội không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ Pháp. Một nguồn tin nói rằng thoả thuận tàu ngầm hiện có của Úc với người Pháp đã đặt mọi người vào một “tình huống khó khăn”. “Không ai muốn chọc giận người Pháp, mọi người đều biết sẽ rất khó khăn.” Một câu hỏi được đặt ra là liệu Pháp – cũng đang sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân – có sẵn sàng chia sẻ năng lực có tính chủ quyền của họ với người Úc không. Nguồn tin quốc phòng nói rằng câu trả lời cho câu hỏi này là khác đối với người Anh với thực tế là Úc cũng ở cùng trong Khối thịnh vượng chung.
“Một khi bạn chia sẻ thông tin đó, bạn không thể lấy lại được. Bạn chỉ có thể trao nó cho những quốc gia mà bạn sẽ làm bạn mãi mãi,” nguồn tin quốc phòng cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng Anh cũng rất thân thiết với Pháp.
Mặc dù thách thức từ Trung Quốc đã là “mối quan ngại đầu tiên” đối với người Úc, các nguồn tin chính phủ cho biết hiệp ước này đi sâu hơn nhiều so với vấn đề Bắc Kinh và hướng về những thập kỷ tiếp theo và các vấn đề an ninh khác có thể phát sinh. “Hiệp ước này sẽ có ý nghĩa đối với cả 3 chính quyền,” họ nói.
Xem thêm:
The Times ngày 18/9/2021: ‘Like a scene from le Carré’: how the nuclear submarine pact was No 10’s biggest secret. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.
Ý nghĩa của AUKUS đối với từng nước thành viên Mỹ, Anh, Úc. Điều duy nhất còn thiếu là vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ
Theo Richard Fontaine, giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh mới Mỹ ở Washington DC, AUKUS đã cho thấy Washington coi trọng tầm quan trọng của Canberra. Quốc gia duy nhất có quyền tiếp cận công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ là Anh, và điều đó đã xảy ra từ cách đây khoảng ba thế hệ. Trong nhiều năm qua, Washington đã nói không với một số quốc gia muốn được như Anh. Nhưng Washington giờ đây đồng ý với Úc, đồng thời nhấn mạnh rằng động thái này chỉ là một ngoại lệ và các quy tắc của họ vẫn không đổi. Tín hiệu của quan hệ đối tác và quyết tâm chung sẽ vượt xa hơn việc chỉ đơn thuần đạt được một năng lực quân sự mới.
Sau khi công bố hiệp ước, Lovegrove đã mô tả nó là “sự hợp tác có năng lực quan trọng nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới trong những thập kỷ qua”. Các nhân vật cấp cao trong chính phủ Anh đã so sánh nó với thỏa thuận phòng thủ chung (MDA) năm 1958 giữa Tổng thống Eisenhower và Harold Macmillan, thủ tướng Anh, và sự khởi đầu của “mối quan hệ hạt nhân đặc biệt” cho phép các quốc gia trao đổi vật liệu hạt nhân, công nghệ và thông tin đến tận ngày nay.
Điều này phản ánh sự tin tưởng sâu sắc và mức độ hợp tác lâu dài, thống nhất ba nền dân chủ mạnh mẽ với lịch sử, giá trị và triển vọng được chia sẻ. Như thủ tướng Úc Scott Morrison đã nói, đó là “mối quan hệ đối tác mà công nghệ của chúng tôi, các nhà khoa học, ngành công nghiệp của chúng tôi, lực lượng quốc phòng của chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để mang lại một khu vực an toàn hơn và mang lại lợi ích cuối cùng cho tất cả. Đây là trọng tâm và sức mạnh của thỏa thuận mới này: hợp tác quốc tế để cùng nhau đối mặt với những thách thức. AUKUS sẽ thúc đẩy an ninh, thịnh vượng, chia sẻ công nghệ. Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau trong tất cả các lĩnh vực bao gồm cả không gian và mạng. Tại Vương quốc Anh, nó sẽ tạo ra hàng trăm công việc có tay nghề cao, thực hiện theo chính sách của thủ tướng chúng tôi nhằm nâng cao trình độ trên toàn quốc. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng trở thành đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu.”
Quan hệ đối tác AUKUS cũng báo hiệu sự thay đổi trong chiến lược của Úc, quốc gia có những yêu cầu ngoại giao với Bắc Kinh đã dẫn đến việc Trung Quốc đáp trả bằng hình thức cưỡng chế hạn chế thương mại trong năm qua. Hiệp ước an ninh mới được thành lập có hiệu lực có nghĩa là Canberra đã chính thức đứng về phía Mỹ để chống lại Trung Quốc. Guy Boekenstein, Giám đốc cấp cao về quốc phòng và an ninh quốc gia tại Chính phủ Lãnh thổ phía Bắc của Australia, nói với BBC.
Một điều đáng chú ý là thông báo của AUKUS được đưa ra ngay sau khủng hoảng Afghanistan. Điều này cho thấy chính quyền Mỹ mong muốn thể hiện sức mạnh, quyết tâm và lòng trung thành với các đồng minh, đồng thời đưa ra câu trả lời dứt khoát về uy tín và năng lực của Washington, cũng như mức độ cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trọng tâm của chiến lược mới của Mỹ là một cách tiếp cận được gọi là Răn đe tổng hợp, theo đó, Mỹ liên kết các lực lượng của mình cũng như của các đồng minh và đối tác lại gần nhau hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào họ. Điều này cho phép các hoạt động gần lãnh thổ Trung Quốc hơn nhưng trong một số trường hợp cũng che chắn cho các tài sản của Mỹ khỏi bị tấn công.
Euan Graham, chuyên gia cấp cao về an ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một tổ chức tư vấn ở Singapore nhận định: “Úc không chỉ là một đồng minh chính trị, mà còn ở một vị trí thuận tiện, nằm ngoài tầm của tất cả, trừ tên lửa tầm xa nhất của Trung Quốc.”
“Mỹ có thể đặt các vũ khí tấn công ở đó và thực hiện những gì họ đã làm vào đầu những năm 1940,” khi Mỹ và Úc cùng nhau chiến đấu với Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai. “Công nghệ thay đổi rất nhiều, nhưng địa lý thì không thay đổi,” Graham bình luận.
Cho tới nay, chính quyền Biden đã đạt được những thành tựu như khởi động sáng kiến vaccine Bộ Tứ, khôi phục Thỏa thuận Các Lực lượng Thăm viếng với Philippines, Quan hệ đối tác ẠUKUS. Các thiết chế đa phương là Liên minh tình báo Five Eyes, Bộ tứ, ASEAN, ẠUKUS đều kết hợp ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo quan sát của John Chipman từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế. Như Bruce Jones từ Viện Brookings phân tích, kế hoạch lâu dài của Biden là tìm ra một cơ chế – hoặc nhiều khả năng hơn, một loạt cơ chế – để liên kết các đồng minh châu Á và châu Âu của Mỹ nhằm chống lại và kiềm chế Trung Quốc. Bất chấp những xích mích với Pháp (mà Mỹ nên cố gắng nhanh chóng vượt qua), việc ra mắt AUKUS là một bước quan trọng tiếp theo theo hướng đó.
Giờ điều duy nhất còn thiếu sót, theo các nhà nghiên cứu, đó là một chiến lược thương mại để Mỹ có thể nắm vai trò lãnh đạo kinh tế đối với khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức xin gia nhập Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ.
Xem thêm:
The Australian Financial Review ngày 16/9/2021: AUKUS nuclear submarine deal: A profound move for Australia and the US. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
BBC ngày 16/9/2021: Aukus: UK, US and Australia pact signals Asia-Pacific power shift
Financial Times ngày 18/9/2021: US military extends reach into China’s backyard with Australia security pact. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Noema Magazine ngày 21/9/2021: A New Era In Indo-Pacific Security – NOEMA
Tác động của AUKUS đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Sẽ còn cần có thời gian để quan sát những tác động thực tế của AUKUS, phụ thuộc vào quá trình thực thi quan hệ đối tác mới này trong thực tế. Tuy nhiên, theo tờ The Economist nhận định, có thể thấy ngay được tầm quan trọng có tính biểu tượng, đủ để Trung Quốc phải ngay lập tức lên tiếng bác bỏ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng AUKUS gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực, làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang và phá hoại hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Lưu Kính Tùng, Vụ trưởng Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức các cuộc gặp riêng với các đại sứ từ Philippines, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia tại Bắc Kinh để thảo luận về AUKUS. Trong các cuộc họp, Lưu tố cáo AUKUS là tác phẩm của “các nhóm có động cơ địa chính trị và chủng tộc”.
Ông nói với các nhà ngoại giao: “Một số quốc gia đã bất chấp xu hướng thế giới và sự đồng thuận quốc tế bằng cách tham gia vào các liên minh ý thức hệ và quân sự có mục tiêu cao và độc quyền, áp dụng các tiêu chuẩn kép và làm bất cứ điều gì họ muốn về các vấn đề như không phổ biến vũ khí hạt nhân.
“Những lời nói và hành động đạo đức giả và phản trắc như vậy không chỉ phá hoại Hiệp ước khu vực cấm vũ khí hạt nhân Đông Nam Á mà còn có thể thúc đẩy các cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và tạo ra căng thẳng và chia rẽ”.
Các đồng minh của ba bên tham gia hiệp ước tương đối nhiệt tình với AUKUS. Tại Nhật Bản, Kato Katsunobu, Chánh văn phòng nội các, đã ca ngợi tầm quan trọng của nó đối với hòa bình và an ninh trong khu vực. Tại Đài Loan, quốc gia có lý do trước mắt nhất để lo sợ ý định của Trung Quốc, một phát ngôn viên của Tổng thống hoan nghênh đây là một phần của “xu hướng tích cực và cần thiết cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bị thách thức bởi người tiền nhiệm của mình, Theresa May, về việc liệu hiệp ước quốc phòng AUKUS mới được ký kết giữa Anh, Mỹ và Úc có thể dẫn đến việc Anh bị kéo vào cuộc chiến với Trung Quốc về Đài Loan hay không.
Cựu thủ tướng Anh hỏi Johnson: “Hiệp ước này có ý nghĩa gì đối với lập trường mà Vương quốc Anh sẽ đưa ra để đáp trả nếu Trung Quốc cố gắng xâm lược Đài Loan?”
Đáp lại, thủ tướng đã cẩn thận không loại trừ bất cứ điều gì. Ông nói: “Vương quốc Anh vẫn kiên quyết bảo vệ luật pháp quốc tế và đó là lời khuyên mạnh mẽ mà chúng tôi dành cho bạn bè của mình trên toàn thế giới và lời khuyên sâu sắc mà chúng tôi dành cho chính phủ ở Bắc Kinh.”
Trả lời phỏng vấn trên tờ Foreign Policy, Emma Ashford cho rằng Thỏa thuận tàu ngầm có thể định hình lại cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương và đánh đúng vào điểm yếu của Trung Quốc về tác chiến chống ngầm. Như cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Michele Flournoy đã nói, cách tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược Đài Loan là có khả năng đánh bại hải quân Trung Quốc trong 72 giờ. Tàu ngầm rất giỏi trong việc đánh chìm tàu địch, còn Trung Quốc thì rất tệ trong tác chiến chống ngầm. Bất chấp những nỗ lực của mình, Trung Quốc phải vật lộn với những vấn đề khó khăn trong việc phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu di động dưới nước. Vị trí địa lý cũng là một yếu tố, vì hải quân Trung Quốc bị bao vây bởi các địa hình chủ yếu do các đồng minh và đối tác của Mỹ kiểm soát, trong khi kẻ thù của Trung Quốc có lợi thế tiếp cận từ các vùng biển và đại dương rộng lớn và sâu. Vì vậy, thỏa thuận này khiến Bắc Kinh bị tổn thương.
Còn Bùi Mẫn Hân viết trên Bloomberg rằng những nỗ lực của Trung Quốc để đuổi kịp sức mạnh quân sự tổng hợp của Mỹ và các đồng minh sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải tăng chi tiêu một cách triệt để – đây chính là cái bẫy đã giăng ra cho Liên Xô, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, và là một trong những nguyên nhân chính khiến Liên bang Xô Viết sụp đổ.
Xem thêm:
The Economist ngày 16/9/2021: Australia is getting nuclear subs, with American and British help. Một bản toàn văn nội dung được lưu trữ ở đây.
The Guardian ngày 16/9/2021: Theresa May questions whether Aukus pact could lead to war over Taiwan
Foreign Policy ngày 24/9/2021: How will AUKUS reshape the balance of power in the Pacific?
South China Morning Post ngày 25/9/2021: China seeks support from Southeast Asia in wake of new security pact
Bloomberg ngày 22/9/2021: Australia Sub Deal Shows China Will Lose Arms Race With US
Tác động của AUKUS đối với ASEAN
Phản ứng của các nước ASEAN
Indonesia và Malaysia cảnh báo rằng điều này sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á, trong khi Philippines ủng hộ hiệp ước như một phương tiện duy trì cán cân quyền lực của khu vực.
Ngày 17/9/2021, Bộ Ngoại giao Indonesia ra “Tuyên bố về chương trình tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Australia”. Trong đó, Indonesia tuyên bố nước này “ghi nhận một cách thận trọng quyết định mua tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Australia”, bày tỏ quan ngại về cạnh tranh vũ trang và phô diễn lực lượng trong khu vực, nhắc lại cam kết của Australia về không phổ biến vũ khí hạt nhân, kêu gọi Australia giữ gìn cam kết về hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, cũng như ủng hộ Australia và các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhấn mạnh đến luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Trước đó, hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Indonesia và Úc đã gặp nhau tại Jakarta vào ngày 9/9/2021 trong cuộc họp “2 + 2” lần thứ bảy, nâng cấp các thỏa thuận song phương hiện có, công bố các sáng kiến mới và cam kết duy trì trật tự khu vực.
Trao đổi với Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob bày tỏ quan ngại về việc liên minh ba bên có thể châm ngòi chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như khiêu khích các cường quốc khác hành động hung hăng hơn trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein hôm thứ Tư ngày 22/9/2021 đã đề xuất một chuyến công du tới Trung Quốc ngay lập tức để thảo luận về AUKUS.
Ông Hishammuddin nói trong quốc hội: “Chúng ta cần biết quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là quốc phòng của Trung Quốc, về AUKUS đã được ba nước công bố và hành động của họ sau thông báo này là gì.” Ông Hishammuddin cho biết ông đã thúc giục người đồng cấp Úc Peter Dutton tiếp cận Brunei, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam – những người láng giềng của Trung Quốc – để giải quyết những lo ngại về an ninh của khu vực.
Ông Hishammuddin nói thêm rằng trọng tâm hiện tại là cân bằng giữa hai cường quốc trong bối cảnh AUKUS, cộng với mối quan hệ của Malaysia với Thỏa thuận Phòng thủ Ngũ cường, một hiệp ước tham vấn năm 1971 giữa Anh, Úc, New Zealand, Malaysia và Singapore được ký kết vào đỉnh điểm của chiến tranh lạnh.
Ông nói rằng điều đó nên được “sử dụng như đòn bẩy để cân bằng giữa các cường quốc.
Philippines hiện tại là nước công khai ủng hộ AUKUS nhiều nhất. Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Teddy Locsin chỉ ra rằng “Các quốc gia thành viên ASEAN, đơn lẻ hay tập thể, không sở hữu quân đội đủ sức duy trì hoà bình và an ninh ở Đông Nam Á, không khuyến khích việc đột ngột tạo ra các cuộc khủng hoảng trong khu vực, và tránh những phản ứng không cân xứng và vội vàng của các cường quốc cạnh tranh lẫn nhau. Ngoại giao phòng ngừa và pháp quyền không đủ để duy trì hòa bình và an ninh.” Bởi vậy sự tăng cường năng lực triển khai sức mạnh của một đồng minh gần (như Úc) nên khôi phục và duy trì sự cân bằng hơn là phá vỡ thế ổn định.
Về phía Singapore, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc, Thủ tướng Singapore nói rằng ông “hy vọng rằng AUKUS sẽ đóng góp một cách tích cực vào hoà bình và ổn định của khu vực và là một sự bổ sung cho cấu trúc khu vực.”
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 25/9/2021, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã đưa ra quan điểm cụ thể hơn. Ông cho rằng AUKUS không thực sự là trọng tâm của mối quan tâm. Câu hỏi chiến lược thực sự vẫn là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, cách họ quản lý việc tái cơ cấu chiến lược, tái cân bằng và hiệu chỉnh lại mối quan hệ đó. Mọi thứ khác, theo một nghĩa nào đó, chỉ là những vấn đề thứ yếu đối với họ. Câu hỏi chính vẫn là liệu Mỹ và Trung Quốc có thể vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và tránh xung đột hay không.
Quan điểm của Singapore về AUKUS là rất rõ ràng. Singapore đã có mối quan hệ lâu dài và mang tính xây dựng với cả ba nước – Mỹ, Anh và Úc, với nhiều nguồn rộng lớn cho sự tin cậy và liên kết, nên Singapore không quá lo lắng về những phát triển mới này.
Singapore hy vọng những thoả thuận mới này sẽ đóng góp một cách tích cực vào hoà bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới, và sẽ bổ sung cho cấu trúc khu vực, trong đó ASEAN là trung tâm và một ASEAN thống nhất là trung tâm của tất cả.
Điểm mấu chốt cần hiểu là đây thực sự là một phần của quá trình tái cấu trúc chiến lược địa lý lớn hơn và cần biết các lực lượng chính tác động lên các mảng kiến tạo này là gì. Singapore sẽ phải rất, rất cẩn thận và đảm bảo rằng nước này không rơi vào một vị trí bất khả kháng hoặc nguy hiểm, hoặc một vị trí có thể gây bất lợi cho Singapore. Singapore đã thể hiện rất rõ lập trường không chống lại bất kỳ bên nào. Singapore sẽ tiếp tục duy trì các mối quan hệ của mình, xây dựng những vòng kết nối tin cậy, khuyến khích các đối tác đóng góp một cách xây dựng vào hòa bình và ổn định khu vực.
Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 23/9/2021, khi được hỏi về quan điểm của Việt Nam về Hiệp định Tăng cường đối tác ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc vừa qua và việc Australia theo đuổi công nghệ tàu ngầm hạt nhân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến của tình hình khu vực. Chúng tôi cho rằng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia và các nước có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này… Quan điểm của chúng tôi là việc phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân phải phục vụ mục đích hòa bình và phát triển kinh tế xã hội của các nước cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và môi trường.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Singapore ngày 16/9/2021: 20210916 PM Call With Scott Morrison
Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 17/9/2021: Statement On Australias Nuclear Powered Submarines Program | Portal Kementerian Luar Negeri Republik Indonesia
Sydney Morning Herald ngày 18/9/2021: Malaysia warns AUKUS pact will spark nuclear arms race in Indo-Pacific
Bộ Ngoại giao Philippines ngày 19/9/2021: Statement of Foreign Affairs Teodoro L. Locsin, Jr. On the Australia-United Kingdom-United States (AUKUS) Enhanced Trilateral Security Partnership
Reuters ngày 22/9/2021: Malaysia to seek China’s view on Australia’s nuclear sub pact. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 23/9/2021: Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 17 năm 2021
Bộ Ngoại giao Singapore ngày 26/9/2021: Transcript of Minister for Foreign Affairs Dr Vivian Balakrishnan’s Doorstop with Singapore Media via Zoom at the 76th Session of the United Nations General Assembly, on 25 September 2021
Blinken cho biết Mỹ sẽ sớm đưa ra chiến lược mới cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các ngoại trưởng từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm thứ Năm ngày 23/9/2021 rằng Washington sẽ sớm đưa ra một chiến lược toàn diện mới cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông nói thêm: “Nó sẽ phản ánh tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và vai trò quan trọng của ASEAN trong việc xác định tương lai của khu vực.”
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23/9/2021: Secretary Antony J. Blinken Remarks at Top of Meeting with the Foreign Ministers of the ASEAN Nations
Nhận định từ giới phân tích
GS Carl Thayer cho rằng các nước ASEAN, bao gồm cả Singapore, không muốn bị buộc phải chọn phe. Nhưng đa số đều cho rằng sự hiện diện liên tục của Mỹ là mang lại sự cân bằng và ổn định trong việc kiềm chế hành vi của Trung Quốc. Sự kết hợp của Bộ tứ cộng với AUKUS sẽ quyết định sự cân bằng quyền lực trong tương lai trong khu vực. Điều này giúp cho các bên tranh chấp ASEAN có thời gian để phục hồi sau đại dịch COVID-19 và phát triển nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng đối trọng với việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc không giống như giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Riêng Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng như một lực lượng trung gian mới nổi. Việt Nam sẽ tìm cách tăng cường quyền tự chủ trong các hành động độc lập và tránh ngả về phía Mỹ hay Trung Quốc. Việt Nam lâu nay có chính sách quốc phòng “ba không” và được mở rộng thành “bốn không” vào cuối năm 2019. Đó là: không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không liên kết với một nước chống lại nước thứ ba và không sử dụng vũ lực trước. Vì vậy, Việt Nam không thể bị mua chuộc trong việc tham gia cùng Mỹ để chống lại Trung Quốc. Bất chấp tranh chấp Biển Đông, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến triển khá tốt.Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã thêm vào một cảnh báo trong “bốn không”. Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam nói thêm rằng, “Tùy vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ xem xét phát triển các mối quan hệ quốc phòng và quân sự cần thiết, phù hợp với các nước…
Còn theo Dzirhan Mahadzir, AUKUS không phải là ưu tiên chính của cả hai chính phủ Indonesia và Malaysia hiện tại vì cả hai sẽ tập trung vào các vấn đề nội địa trong bối cảnh các kỳ bầu cử sắp tới. Indonesia và Malaysia vẫn sẽ như mọi khi, giữ một vị trí trung lập theo kiểu “chúng tôi không thích điều đó nhưng chúng tôi vẫn mãi mãi là người bạn tốt nhất với Úc”.
Xem thêm:
VOA Tiếng Việt ngày 21/9/2021: ‘Khủng hoảng tàu ngầm’ ảnh hưởng ra sao đến Biển Đông và vai trò Việt Nam?
Tác động tiêu cực của AUKUS
James M. Acton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Carnegie Endowment for International Peace, bày tỏ lo ngại rằng những tác động của thoả thuận tàu ngầm AUKUS đối với không phổ biến vũ khí hạt nhân vừa tiêu cực vừa nghiêm trọng. Để Úc vận hành các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nước này sẽ trở thành quốc gia phi vũ khí hạt nhân đầu tiên tận dụng lỗ hổng cho phép nước này loại bỏ vật liệu hạt nhân khỏi hệ thống kiểm tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ có hại. Trong tương lai, các nhà khai thác vũ khí hạt nhân có thể sử dụng các chương trình lò phản ứng hải quân làm vỏ bọc cho việc phát triển vũ khí hạt nhân – với kỳ vọng rằng, với tiền lệ là Úc, họ sẽ không phải trả giá quá mức.
Xem thêm:
Carnegie Endowment for International Peace ngày 21/9/2021: Why the AUKUS Submarine Deal Is Bad for Nonproliferation—And What to Do About It
Sau thỏa thuận tàu ngầm, Mỹ muốn đặt căn cứ quân sự ở Úc
Tờ Foreign Policy dẫn nguồn tin từ nhiều quan chức hiện tại và cựu quan chức cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hy vọng có thể đảm bảo nhiều quyền căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực, và cụ thể là có thể điều động các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới vùng đất Down Under.
Các quan chức cho biết kế hoạch đưa máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Mỹ đến miền bắc Australia sẽ được đưa ra tại cuộc họp cấp bộ trưởng từ xa giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp Úc của họ.
Hai quan chức hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Biden, Kurt Campbell và Rush Doshi, đã thông báo tóm tắt cho các quan chức và chuyên gia về kế hoạch để người Úc triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong một cuộc điện đàm vào tối thứ Tư. Thỏa thuận cuối cùng có thể mở rộng để bao gồm các loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa. Tờ Agence France-Presse lần đầu tiên đưa tin rằng Úc sẽ nhận được tên lửa Tomahawk.
Xem thêm:
Foreign Policy ngày 16/9/2021: US Looks to Rotate Bombers and Fighters to Australia
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/9/2021: Joint Statement on Australia-US Ministerial Consultations (AUSMIN) 2021
Sau thỏa thuận tàu ngầm, Boeing chọn Úc là cơ sở đầu tiên ở nước ngoài sản xuất máy bay quân sự không người lái
Ngày 23/9/2021, Boeing cho biết cơ sở ở thành phố Toowoomba sẽ được thành lập với sự hợp tác của chính phủ Queensland, để sản xuất và lắp ráp máy bay không người lái “Loyal Wingman”, máy bay chiến đấu quân sự đầu tiên được thiết kế, phát triển và sản xuất ở Australia trong nửa thế kỷ.
Scott Carpendale, phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Boeing Defense Australia, cho biết việc lựa chọn Toowoomba là thể hiện sự ủng hộ của công ty đối với khả năng quốc phòng có chủ quyền của Australia.
Xem thêm:
Kyodo News ngày 23/9/2021: Boeing to produce military drones in Australia
—–
II. TRUNG QUỐC VÀ ĐÀI LOAN CHÍNH THỨC XIN GIA NHẬP CPTPP
Khái quát về CPTPP
Khởi đầu là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, đây là một hiệp định thương mại khổng lồ mà các thành viên tham gia chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu. Đây được coi là trung tâm trong chiến lược xoay trục về Châu Á của Tổng thống Barack Obama, là phương tiện để đảm bảo rằng “Mỹ – chứ không phải các nước như Trung Quốc – là quốc gia viết ra các quy tắc cho nền kinh tế thế giới trong thế kỷ này.”
Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng TPP có những lợi ích kinh tế và chiến lược đối với Mỹ, hiệp định đã vấp phải phản đối từ mọi phía trong chính giới Mỹ, và cuối cùng Tổng thống Trump đã rút lui khỏi hiệp định trong ngày đầu tiên nhậm chức. 11 thành viên còn lại của TPP đã đi đến một thỏa thuận mới được sửa đổi một phần, CPTPP, và để ngỏ khả năng cho Mỹ tái gia nhập. Cùng với RCEP, CPTPP cho thấy các quốc gia trong khu vực đang tiến tới tương lai mà có thể không cần sự hiện diện của Mỹ, Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đối phó với các hành vi của Trung Quốc.
Xem thêm:
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 26/3/2021: Điều gì Đang Chờ Đợi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
Trung Quốc xin gia nhập CPTPP, vận động quốc hội Úc
Theo một tuyên bố vào cuối thứ Năm ngày 16/9/2021 của Bộ Thương mại Trung Quốc, Bắc Kinh đã đệ trình một lá đơn chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã có một bước đi hiếm hoi khi viết thư vận động các nghị sĩ quốc hội Úc về lý do tại sao nước này nên được phép tham gia thỏa thuận thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh Úc vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc. Đối với Úc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ , hay còn gọi là CPTPP, trị giá 23 tỷ đô la Mỹ hàng năm về xuất khẩu. Trung Quốc tuyên bố tư cách thành viên của họ sẽ nâng con số này lên 36 tỷ đô la Mỹ.
Xem thêm:
The Australian Financial Review ngày 10/9/2021: China lobbies MPs to back its bid to join free trade pact. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/9/2021: 中方正式提出申请加入《全面与进步跨太平洋伙伴关系协定》(CPTPP)
Đài Loan chính thức xin gia nhập CPTPP
Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan Đài Loan đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP chưa đầy một tuần sau khi Trung Quốc đệ trình hồ sơ gia nhập của mình.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 22/9/2021: Taiwan submits bid to join CPTPP trade pact
Không quân Trung Quốc triển khai số lượng lớn máy bay sau khi Đài Loan xin gia nhập CPTPP
Ngày 23/9/2021, sau khi Đài Loan thông báo đã nộp đơn đăng ký tham gia CPTPP, Trung Quốc đã điều 24 máy bay chiến đấu vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan để phô trương lực lượng. Trung Quốc vẫn thường xuyên đưa máy bay chiến đấu vào không phận Đài Loan và thực hiện các cuộc xâm nhập quy mô lớn hơn sau các sự kiện chính trị mà nước này coi là vi phạm chủ quyền của mình.
Xem thêm:
AP News ngày 23/9/2021: China sends 24 fighter jets toward Taiwan in show of force
Trình tự xem xét đơn gia nhập CPTPP của một quốc gia
Sau khi nhận được yêu cầu gia nhập của một quốc gia, theo điều 30.4 của Hiệp định, với sự đồng ý của các Bên, Uỷ ban sẽ thành lập một nhóm công tác để thương lượng các điều khoản và điều kiện cho việc gia nhập. Tư cách thành viên trong nhóm công tác sẽ được mở cho tất cả các Bên quan tâm.
Sau khi hoàn thành công việc của mình, nhóm công tác sẽ cung cấp một báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban. Nếu nhóm công tác đã đạt được thỏa thuận với ứng viên gia nhập về các điều khoản và điều kiện được đề xuất để gia nhập, báo cáo sẽ đưa ra các điều khoản và điều kiện cho việc gia nhập, khuyến nghị Uỷ ban phê duyệt chúng, và đề xuất một bản quyết định mà Uỷ ban sẽ mời ứng viên gia nhập trở thành một Bên của Hiệp định.
Nhóm công tác sẽ chỉ được thành lập khi không có Bên nào phản đối bằng văn bản trong vòng 7 ngày kể từ ngày Uỷ ban đưa ra quyết định thành lập nhóm công tác. Và mỗi quyết định của nhóm công tác cần tất cả các thành viên của nhóm công tác đồng thuận hoặc không có thành viên nào phản đối bằng văn bản trong vòng 7 ngày.
Phản ứng của các nước thành viên CPTPP
Úc đã thông báo với Trung Quốc rằng Úc sẽ phản đối việc Bắc Kinh tham gia hiệp ước thương mại CPTPP cho đến khi nước này ngừng các cuộc phong tỏa thương mại đối với hàng xuất khẩu của Úc và nối lại liên lạc cấp bộ trưởng với chính phủ Morrison.
Bộ trưởng Thương mại Úc cho biết:
“Bước đầu tiên là các Bên trong CPTPP đi đến quyết định về việc có tiến hành các cuộc đàm phán cho Trung Quốc gia nhập hay không.
Điều này đòi hỏi sự ủng hộ đồng thuận từ tất cả các Bên của CPTPP và các Bên của CPTPP muốn tự tin rằng ứng cử viên sẽ đáp ứng, thực hiện và tuân thủ các tiêu chuẩn cao của hiệp định và có thành tích tuân thủ các cam kết của mình trong WTO và các hiệp định thương mại hiện có mà nó là thành viên.
Các Bên CPTPP cũng muốn tin tưởng rằng một ứng viên gia nhập sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết theo Hiệp định một cách thiện chí.
Như chúng tôi đã chuyển tải với Trung Quốc, đây là những vấn đề quan trọng cần có sự trao đổi cấp bộ trưởng.”
Phản ứng với tuyên bố của Bộ trưởng Tehan, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Trung Quốc sẽ tham vấn các thành viên CPTPP, nhưng không đề cập cụ thể tới Úc.
Các Bộ trưởng Úc đã không có trao đổi trực tiếp với những người đồng cấp Trung Quốc từ năm ngoái. Bản thân Tehan đã từng gửi “một bức thư dài” cho Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Kiện Lâm vào tháng Giêng vừa rồi đề ra “các cách thức mà chúng ta có thể hợp tác và các lãnh vực mà chúng ta cần thảo luận.” Nhưng ông vẫn chưa nhận được phản hồi.
Về phía Nhật Bản, nước đóng vai trò lãnh đạo quá trình đàm phán CPTPP, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura trả lời báo chí rằng Nhật Bản sẽ tham khảo ý kiến các nước thành viên để trả lời đề nghị gia nhập CPTPP của Trung Quốc, nhưng ông không đưa ra tín hiệu nào về một mốc thời gian để thực hiện điều đó. “Nhật Bản tin rằng cần phải xác định xem Trung Quốc, nước đã đệ trình yêu cầu tham gia TPP-11, đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cực kỳ cao của hiệp định hay chưa.”
Tương tự Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho biết rằng Nhật Bản “sẽ trao đổi với các nước thành viên khác và giải quyết vấn đề này, sẽ tính đến cả các vấn đề chiến lược.” Ông cũng nói thêm rằng đơn xin gia nhập của Anh sẽ được xử lý trước
Trong khi đó, Nhật Bản ủng hộ đơn xin gia nhập CPTPP của Đài Loan. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói theo quy định của CPTPP, các quốc gia và các vùng lãnh thổ riêng biệt về mặt hải quan có thể tham gia, do đó không có vấn đề gì về mặt kỹ thuật đối với việc Đài Loan có thể gia nhập hiệp định. Nhật Bản sẽ cần kiểm tra xem liệu Đài Loan có sẵn sàng đáp ứng đầy đủ các quy tắc cao cấp về tiếp cận thị trường và các lĩnh vực khác nhau trong khuôn khổ hiệp định.
Theo một tuyên bố trích dẫn bởi Nikkei Asia, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia “đặc biệt thấy khích lệ với động thái gần đây” của Trung Quốc trong việc xin gia nhập CPTPP. Bộ này cho rằng Trung Quốc sẽ có thể tham gia thoả thuận “sớm nhất là vào năm sau.” Bộ Thương mại Malaysia “tin tưởng rằng quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa Malaysia và Trung Quốc sẽ phát triển ở tầm cao hơn,” theo tuyên bố mà Nikkei trích dẫn.
Về phía Việt Nam, khi được hỏi về đệ trình gia nhập CPTPP của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng, theo các quy định về thủ tục liên quan, các nền kinh tế muốn gia nhập cần đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định cũng như tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia Hiệp định này.
Xem thêm:
The Straits Times ngày 17/9/2021: China says trade pact application unrelated to Aukus as Japan highlights strict requirements
Nikkei Asia ngày 21/9/2021: Malaysia welcomes China’s bid to join CPTPP. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Dân Trí ngày 23/9/2021: Quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập CPTPP
Kyodo News ngày 24/9/2021: Japan sees no technical problem with Taiwan joining TPP
Katsuji Nakazawa: Trung Quốc xin gia nhập CPTPP dựa trên kế hoạch 300 ngày được lập kịch bản cẩn thận
Theo Katsuji Nakazawa, một nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei Asia tại Tokyo và đã có bảy năm làm báo ở Trung Quốc, việc Trung Quốc chính thức xin gia nhập CPTPP dựa trên một kế hoạch được lên kịch bản cẩn thận từ hơn 300 ngày trước. Bắc Kinh muốn trở thành thành viên Hiệp định trước khi Hoa Kỳ có thể cân nhắc việc quay trở lại. Bắc Kinh tin rằng Tổng thống Biden có thể thực hiện một động thái như vậy vào năm 2022, khi đại dịch COVID-19 lắng dịu. Một động cơ khác cho kế hoạch của Bắc Kinh là muốn gây áp lực với Đài Loan, vốn đã thể hiện thiện chí tham gia CPTPP.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 23/9/2021: Analysis: China’s TPP bid follows carefully scripted 300-day plan
Mireya Solís: Không ai nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có thể gia nhập được CPTPP nhanh chóng. Nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc đã sai lầm khi thực hiện động thái này.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á thuộc Viện Brookings, sự tự tin của Trung Quốc trong việc tìm kiếm tư cách thành viên CPTPP, bất chấp những vấn đề về cam kết cải cách sâu rộng và những căng thẳng gần đây với các thành viên quan trọng của Hiệp định, đã nói lên nhiều điều đối với việc Mỹ bị gạt ra ngoài lề. Trên thực tế, sẽ hoàn toàn tuỳ thuộc vào các nước tầm trung và nước nhỏ trong CPTPP trong việc duy trì các tiêu chuẩn thương mại và đầu tư mà Hoa Kỳ quan tâm sâu sắc khi những nước này ủng hộ sự gia nhập của Trung Quốc. Đây là nơi mà hành động ngoại giao của Trung Quốc là sâu sắc nhất: Mỹ đã trở thành một cái bóng đối với trung tâm hành động trong hội nhập kinh tế khu vực.
Xem thêm:
Brookings ngày 23/9/2021: China moves to join the CPTPP, but don’t expect a fast pass
Phạm Sỹ Thành: Sự tham gia của Trung Quốc có thể khiến CPTPP mất cân bằng và mang lại lợi ích kinh tế, chính trị to lớn cho Trung Quốc
Trả lời phỏng vấn báo chí, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (VNUA) cho biết 11 thành viên CPTPP đại diện cho khoảng 13,4% GDP và 15% giá trị thương mại toàn cầu.. Nếu Trung Quốc tham gia, về mặt lý thuyết đây sẽ là FTA có quy mô gần 31% GDP và 35% thương mại toàn cầu. Điều này có thể giúp tăng trưởng GDP, xuất khẩu và thu nhập của các quốc gia CPTPP tăng lên. Báo cáo năm 2019 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) tính toán rằng, sự gia nhập của Trung Quốc sẽ giúp thương mại của các bên tham gia tăng thêm 55% trong 10 năm tới.
Nhưng trên thực tế, lợi ích từ Trung Quốc đối với các quốc gia thành viên của CPTPP có thể không rõ ràng như thế.
Đầu tiên, mô hình CPTPP hiện nay đang cân bằng hơn dù quốc gia nhập khẩu chủ lực của hệ thống này là Mỹ đã rời khỏi hiệp định. Nhưng sự tham gia của một nước chuyên tâm xuất khẩu như Trung Quốc có thể sẽ làm CPTPP trở nên mất cân bằng khi các nước đều tìm cách tăng xuất khẩu sang thị trường của nhau – mà lợi thế rất lớn thuộc về Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hoạt động chuỗi cung ứng khu vực sẽ khó tái cấu trúc hơn khi các doanh nghiệp có thể tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Thứ ba, có thể trì hoãn thực thi thậm chí dẫn đến thương lượng để sửa đổi hoặc loại bỏ các nghĩa vụ quan trọng của phần thể chế trong số 20 nghĩa vụ đang tạm hoãn lại. Điều này, với những nước như Việt Nam, sẽ làm giảm đáng kể động lực cải cách đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như không khuyến khích việc tăng tính minh bạch và bảo vệ môi trường một cách mạnh mẽ hơn.
Bức tranh về thương mại tự do được tăng cường trở nên phức tạp và kém thực tế đi khi các tiêu chuẩn minh bạch để thực hiện hiệp ước thương mại tự do và các yếu tố an ninh chiến lược đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được xem xét.
Thứ tư, 9/11 nước thành viên CPTPP (ngoại trừ Canada và Mexico) đều đã có các FTA song phương và khu vực với Trung Quốc, 7/9 nước này (ngoại trừ Chile và Peru) đều là thành viên RCEP, 4/7 nước này (ngoại trừ Nhật Bản, Australia và New Zealand) đều đã có FTA khu vực với Trung Quốc thông qua ASEAN. Rõ ràng, các hấp dẫn về thuế quan đã không còn nhiều, ngay cả lợi thế của việc xuất xứ hàng hóa được cộng gộp cũng đã được giải quyết qua RCEP. Vì thế, CPTPP có thêm Trung Quốc cũng sẽ mang nhiều ý nghĩa tượng trưng và mục đích chính trị hơn là lợi ích kinh tế có thể hy vọng.
Trong khi đó, việc gia nhập CPTPP sẽ giúp Trung Quốc giữ được hình ảnh quốc gia thúc đẩy chủ nghĩa thương mại tự do, mở thêm được những thị trường mới, cũng như ngăn Mỹ tập hợp lực lượng để loại bỏ hoặc kiềm chế Trung Quốc trong các luật chơi mới.
Trước động thái này của Trung Quốc, theo Phạm Sỹ Thành, Việt Nam cần tích cực thúc đẩy thực thi các chương đang bị trì hoãn nhằm tạo động lực cho cải cách ở trong nước. Đặc biệt những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng nền kinh tế mà còn cải thiện chất lượng thể chế và thay đổi tư duy tiếp cận với thương mại tự do của những người hoạch định chính sách ở các tầng nấc. Khi và chỉ khi giải quyết được vấn đề của chính mình ở CPTPP thì những tác động từ việc tham gia hay rời đi của các thành viên trong khối mới ít mang lại tác động xáo trộn với Việt Nam.
Xem thêm:
Cafe F ngày 17/9/2021: Tại sao Trung Quốc lại xin gia nhập CPTPP và các nước thành viên được gì, mất gì với sự hiện diện của Bắc Kinh?
Cafe F ngày 17/9/2021: CPTPP là FTA thế hệ 2.0, gây bất lợi cho chính sách thương mại của Trung Quốc nhưng sự vắng mặt của Mỹ tạo cơ hội cho Bắc Kinh “lật kèo”
SOHA ngày 17/9/2021: Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTPP, muốn định hình luật chơi mới: Việc Việt Nam cần làm?
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc gặp khó khăn ở Châu Phi
Theo tổng hợp của Quỹ Jamestown, một số quốc gia ở châu Phi – đặc biệt là Ghana và Cộng hoà Dân chủ Congo (DRC) – đã quyết định hủy hợp đồng với Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn do lo ngại về nợ vượt mức và các hoạt động kinh doanh không công bằng.
Ghana đã hủy hợp đồng trị giá 100 triệu đô la với China’s Every Way Traffic and Lighting Tech Co Ltd, được thành lập để tạo ra một hệ thống quản lý giao thông thông minh cho đất nước. Trong khi đó, Tổng thống DRC đã tuyên bố rằng ông muốn đánh giá lại hợp đồng năm 2008 với Trung Quốc, với lý do rằng thỏa thuận ký với Sinohydro Corp và China Railway group là mang tính bóc lột và không công bằng. Các công ty đã đồng ý xây dựng đường xá, bệnh viện và cầu ở DRC để đổi lấy phần lớn cổ phần trong doanh nghiệp Sicomines của đất nước. Trong khi các công ty Trung Quốc thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh khai thác của DRC, rất ít dự án cơ sở hạ tầng được hoàn thành.
Đây không phải là lần đầu tiên một dự án lớn của Trung Quốc vấp phải sự hoài nghi ở châu Phi. Năm 2020, một tòa án cấp cao Kenya đã hủy hợp đồng đường sắt trị giá 3,2 tỷ USD với Trung Quốc. Năm 2018, một sân bay trị giá 400 triệu đô la do Trung Quốc tài trợ đã bị chính phủ nước này hủy bỏ sau khi tổng thống cho rằng dự án này không khả thi.
Không có dấu hiệu cho thấy xu hướng này đang chậm lại. Với thông báo rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không còn phụ thuộc vào than, các kế hoạch xây dựng một nhà máy chạy bằng than trị giá 15 triệu đô la ở Zimbabwe có thể có nguy cơ gần như chắc chắn sẽ bị hủy bỏ. Zimbabwe, cùng với một số đối tác châu Phi khác, có thể sẽ phải hủy bỏ các dự án chạy bằng than đã được lên lịch hoặc đang thực hiện với Trung Quốc.
Xem thêm:
Business Standard ngày 21/9/2021: Beijing finds itself cornered by Africa as they cancel China-led projectss
Colombo Gazette ngày 24/9/2021: African countries cancel China-led projects
Opinidia ngày 24/9/2021: African countries cancel projects by Chinese companies due to shoddy work
—–
III. LUẬT AN TOÀN HÀNG HẢI TRUNG QUỐC
Thông báo của Cục An toàn hàng hải Trung Quốc
Ngày 27/8/2021, Cục An toàn hàng hải Trung Quốc đã phát hành thông báo về yêu cầu báo cáo đối với tất cả tàu thuyền nước ngoài đi vào lãnh hải nước CHND Trung Hoa.
Xem thêm:
中华人民共和国海事局关于外国籍船舶进入中华人民共和国领海报告要求的公告
Luật an toàn hàng hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Được thông qua ngày 2/9/1983, có hiệu lực từ ngày 1/1/1984; sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 7/11/2016; sửa đổi lần 2 ngày 29/4/2021, có hiệu lực từ ngày 1/9/2021. Nội dung của Luật này bao gồm 10 chương:
Chương 1. Quy định chung
Chương 2. Tàu, cơ sở lắp đặt ngoài khơi và thủy thủ đoàn
Chương 3. Điều kiện giao thông trên biển và đảm bảo hàng hải
Chương 4. Điều hướng, bến cảng, vận hành
Chương 5. Đảm bảo an toàn về vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường biển
Chương 6. Tìm kiếm, cứu nạn hàng hải
Chương 7. Điều tra và xử lý tai nạn giao thông hàng hải
Chương 8. Giám sát và quản lý
Chương 9. Trách nhiệm pháp lý
Chương 10. Điều khoản bổ sung
Xem toàn văn Luật an toàn hàng hải tại đây:
Maritime Traffic Safety Law of the People’s Republic of China
Lầu Năm góc: Luật mới của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến hải quân Mỹ ở Biển Đông
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các quy định hàng hải của Trung Quốc “không được xâm phạm đến các quyền mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật quốc tế”. Lầu Năm Góc cũng bác bỏ yêu cầu của Bắc Kinh đối với việc tất cả các tàu đi vào Biển Đông phải đăng ký với cơ quan hàng hải Trung Quốc, đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải và thương mại. Các hoạt động của Hải quân Mỹ ở Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật mới của Trung Quốc.
Xem thêm:
Stars and Stripes ngày 2/9/2021: Beijing’s new law for foreign vessels won’t impact US Navy in South China Sea, Pentagon says
Kayleigh Madjar: Luật hàng hải mới của Trung Quốc có thể là “quả bom hẹn giờ”
Kể từ ngày 01/9/2021 Trung Quốc hợp pháp hóa việc yêu cầu các tàu nước ngoài đi vào khu vực mà quốc gia này coi là lãnh hải phải thực hiện nghĩa vụ thông báo, đây là một “quả bom hẹn giờ” gây xung đột ở Biển Đông như nhiều người quan ngại. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Trung Quốc) đã sửa đổi luật an toàn hàng hải của quốc gia này, để yêu cầu tất cả tàu thuyền nước ngoài khi đi vào lãnh hải Trung Quốc phải cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng hàng hải, phải mang theo các giấy phép liên quan cũng như chịu sự chỉ huy và giám sát của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, bản sửa đổi luật lần này cũng trao cho Bắc Kinh thẩm quyền yêu cầu các tàu nước ngoài “đe dọa sự an toàn đối với các vùng nội thủy hoặc lãnh hải của Trung Quốc” rời đi và thực hiện “quyền truy đuổi ngay lập tức”.
Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc cũng cho biết rằng yêu cầu báo cáo theo luật sửa đổi mới này sẽ được áp dụng đối với tất cả các tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở chất phóng xạ hoặc chất độc hại cũng như bất kỳ tàu nước ngoài nào bị coi là “gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc”.
Theo UNCLOS, quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải được áp dụng đối với tất cả tàu thuyền mà không đe dọa đến an ninh của quốc gia ven biển. Các chuyên gia Đài Loan cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng luật phát để mở rộng phạm vi “xung đột vùng xám”.
Xem thêm:
Taipei Times ngày 31/8/2021: New Chinese maritime law could be ‘time bomb’
Taipei Times: Trung Quốc kết hợp một loạt luật nội địa khuấy động căng thẳng
Liên quan đến các nội dung của bản sửa đổi Luật An toàn Hàng hải của Trung Quốc, ban biên tập tờ Taipei Times cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tìm cách củng cố quyền kiểm soát của mình đối với các vùng lãnh hải tranh chấp mà họ tuyên bố chủ quyền. Có nhiều lý do để các nước láng giềng, bao gồm cả Đài Loan, phải lo ngại về vấn đề này.
Cụ thể, Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy các động lực để trở thành một cường quốc hàng hải thông qua một loạt các bộ luật mới được củng cố như Luật Hải cảnh, Luật cảnh sát vũ trang nhân dân, Luật cảng thương mại tự do Hải Nam, Luật Quốc phòng và mới nhất là Luật an toàn hàng hải. Sự kết hợp của các luật này củng cố sự tương tác giữa các cơ quan dân sự, cảnh sát và quân đội Trung Quốc trong các cuộc xung đột về yêu sách trên biển. Những sửa đổi này, cùng với sự mơ hồ có chủ đích liên quan đến định nghĩa về lãnh hải của Bắc Kinh, có nguy cơ làm bùng phát căng thẳng ở nơi vốn đã là một mồi lửa. Đồng thời cũng sẽ có nguy cơ bùng phát xung đột về quyền tự do hàng hải đối với các quốc gia như Mỹ, vốn sẽ không công nhận các quy tắc mới của Trung Quốc, vì chúng không tuân thủ các công ước của Liên Hợp Quốc.
Xem thêm:
Taipei Times ngày 2/9/2021: Chinese amendments stir tension
Jacob Fromer: Mỹ nói quy định tàu thuyền phải đăng ký khi tiếp cận Biển Đông của Trung Quốc là đe dọa tự do hàng hải
Giáo sư Raul (Pete) Pedrozo cảnh báo rằng các động thái của Trung Quốc sẽ gây bất ổn trong khu vực. Nhu cầu mới này của Trung Quốc “tấn công” trật tự luật pháp quốc tế đã quản lý các đại dương trên thế giới kể từ khi Thế chiến II kết thúc đến nay – một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm “ép buộc các nước láng giềng, thúc đẩy an ninh quốc gia và các mục tiêu bành trướng, đồng thời củng cố quyền kiểm soát đối với các vùng biển tranh chấp và lãnh thổ”. Theo ông, Trung Quốc cũng đang làm phép thử đối với cộng đồng quốc tế để xem họ phản ứng như thế nào đối với luật mới.
Xem thêm:
South China Morning Post, ngày 2/9/2021, US says new Chinese rule that vessels register for South China Sea access threatens freedom of navigation
Aristyo Rizka Darmawan: Trung Quốc cố tình làm mơ hồ về tuyên bố “lãnh hải” mới
Các cuộc tập trận quân sự ngày càng tăng ở Biển Đông của Hải quân Mỹ và các đối tác từ các quốc gia khác nhằm gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng các tuyên bố lãnh thổ quyết đoán của họ đối với các vùng biển tranh chấp này vẫn chưa được công nhận. Tuy nhiên Trung Quốc cũng đang tiếp tục có lập trường hiếu chiến – không chỉ với các cuộc tuần tra của riêng trong khu vực, mà còn bằng cách mở rộng các trở ngại hành chính.
Thông báo của Cục An toàn hàng hải Trung Quốc là một ví dụ, thông báo này yêu cầu các tàu nước ngoài “báo cáo thông tin chi tiết” bất cứ khi nào khi đi vào vùng mà Trung Quốc tuyên bố là “lãnh hải”. Theo thời báo Hoàn Cầu, thông báo này cũng yêu cầu “Người điều khiển tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải báo cáo thông tin chi tiết khi đi vào lãnh hải Trung Quốc”.
Tác giả Aristyo Rizka Darmawan cho biết, hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ tìm cách thực thi các quy định mới của mình ở đâu và cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng như thế nào. Theo tác giả, thông báo mới được báo cáo từ Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cũng không chỉ rõ liệu tất cả các tàu thuyền có phải báo cáo hay không, hay chỉ “tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác”. Và liệu rằng chỉ các tàu này “gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải của Trung Quốc”. Sự mơ hồ như vậy có thể là do cố ý. Ngoài ra tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc cũng khá mơ hồ. Tại Điều 2, Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992 của Trung Quốc quy định:
“Lãnh hải của [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] là vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ Trung Hoa. Và lãnh thổ của CHND Trung Hoa bao gồm đất liền và các đảo ngoài khơi, Đài Loan và các đảo liên kết khác nhau bao gồm đảo Điếu Ngư, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa và các đảo khác thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nội thủy của CHND Trung Hoa là vùng nước dọc theo đường cơ sở của lãnh hải đối diện với đất liền.”
Những từ này thường được thể hiện trong cái gọi là “đường chín đoạn” bao trùm Biển Đông. Tuy nhiên các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đang bị tranh chấp – bao gồm cả quyền kiểm soát eo biển Đài Loan. Vì vậy, vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ tìm cách thực thi các quy định mới của mình ở đâu và cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng như thế nào.
Trên Twitter của mình đăng ngày 31/8 ông Mathieu Duchâtel, Giám đốc Phòng Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cũng dẫn lại bài viết trên và cho biết, nghiêm trọng hơn Trung Quốc đã áp dụng hạn chế đi lại này đối với cả “Vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. Và trong một bài viết khác về Luật an toàn hàng hải của Trung Quốc ông cũng cho biết thêm ban đầu Trung Quốc sử dụng cụm từ “vùng nước ven biển” tại Điều 2, sự thay đổi trong bản sửa đổi luật được công bố rất có thể nhằm mục đích tạo ra các lựa chọn về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Xem thêm:
Lowy Institute ngày 31/8/2021: Deliberate ambiguity of China’s new “territorial waters” declaration
Amber Wang: Nước đi của Trung Quốc đối với tàu nước ngoài “có thể đi theo cách tương tự như ADIZ”
Các nhà quan sát nhận định, yêu cầu mới của Trung Quốc đối với các tàu nước ngoài phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa khi đi vào vùng biển của quốc gia này có thể khó thực thi. Đồng thời đưa ra dự đoán, các quốc gia tiếp tục tranh chấp biển với Trung Quốc hoặc thách thức các yêu sách của Trung Quốc bất chấp những quy định này.
Theo ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định các “người chơi quan trọng”, bao gồm cả Mỹ sẽ không tuân theo quy định. Cũng theo ông, một kết quả như vậy sẽ lặp lại tuyên bố của Trung Quốc về ADIZ ở Biển Hoa Đông vào năm 2013, điều này đã tạo ra phản ứng dữ dội từ các quốc gia bao gồm cả Nhật Bản và Mỹ. ADIZ liên quan đến việc xác định, xác định vị trí và kiểm soát máy bay vì mục đích an ninh, được Mỹ thực thi lần đầu tiên vào năm 1950, nhưng không được xác định bởi bất kỳ hiệp ước quốc tế nào và không được coi là không phận lãnh thổ của quốc gia.
Đồng ý với quan điểm trên, học giả Thời Ân Hằng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cũng cho rằng “Bất kỳ quốc gia nào có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như các nước phương Tây như Mỹ và Anh bác bỏ hầu hết các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đều sẽ không tuân theo quy định này”.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 1/9/2021: South China Sea: Beijing’s foreign ships move ‘may go the same way as ADIZ’
Kyodo News: Trung Quốc thực hiện sửa đổi luật để tăng cường quyền lực của các cơ quan hàng hải
Trung Quốc đã tiến hành một sửa đổi luật để tăng cường quyền lực cho cơ quan hàng hải của mình, trong bối cảnh lo ngại rằng động thái này có thể làm leo thang căng thẳng với các nước khác, bao gồm cả Nhật Bản, ở các vùng biển lân cận.
Bắc Kinh yêu sách rằng quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý trong vùng Biển Hoa Đông là một phần lãnh thổ của quốc gia này, vì vậy Luật An toàn Hàng hải sửa đổi có thể nhắm vào các tàu Nhật Bản đang di chuyển quanh các đảo nhỏ, được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 1/9/2021: China implements revised law to boost power of maritime authorities
———-
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.