(Tuần từ 23 – 30/08/2021)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Lưu Việt Hà, Lê Xuân Phương, Trần Phạm Bình Minh
Biên tập: Nguyễn Trịnh Đôn
Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Tải Bản PDF ở
———-
Trong Bản Tin Biển Đông Số 77 có những nội dung sau:
I- TRÊN BIỂN
II- CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA PHÓ TỔNG THỐNG MỸ KAMALA HARRIS
III- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC
IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
VI- QUAN HỆ HOA KỲ – TRUNG QUỐC
VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
VIII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
———-
I- TRÊN BIỂN
Các tàu khảo sát, nghiên cứu Trung Quốc tiếp tục luân phiên hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế các nước Đông Nam Á
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc rời Tam Á ngày 21/8/2021, sau đó hoạt động tại khu vực gần bãi cạn Macclesfield từ 22 đến 26/8 rồi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines từ ngày 26/8 và hiện đang hoạt động ở đây.
Tàu Gia Canh đã trở về Hạ Môn ngày 27/8, kết thúc đợt hoạt động tại Biển Đông kéo dài 1 tháng, trong đó, hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 7 đến 9/8 với khoảng cách gần nhất đến bờ biển Việt Nam là 150 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines từ ngày 12 đến 13/8 với khoảng cách gần nhất đến bờ biển nước này là 85 hải lý.
Hai tàu khảo sát, nghiên cứu khoa học của Trung Quốc là Hướng Dương Hồng 3 và Hải Đại Hiệu cũng đã rời vùng biển Việt Nam. Trong đó, tàu Hướng Dương Hồng 3 đã rời vùng biển Việt Nam vào ngày 21/8 trước khi quay trở lại tại vùng biển Quảng Ngãi vào ngày 26/8 và đến ngày 28/8, Hướng Dương Hồng 3 quay về Tam Á.
Tàu Hải Đại Hiệu cũng đã rời vùng biển Việt Nam vào ngày 23/8; trong khi đó, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 vẫn tiếp tục hoạt động tại vùng biển Bình Thuận.
Một tàu khác của Trung Quốc là Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi Shihao) cũng đang đi qua vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, Hải Dương Địa Chất 10 đang di chuyển với tốc độ 10–12 hải lý/giờ, đây không phải là tốc độ phù hợp để tác nghiệp. Bởi vậy cần tiếp tục quan sát thêm xem liệu có phải tàu chỉ đang đi qua vùng biển Việt Nam tới một địa điểm khác xa hơn.
Tham khảo thêm:
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 22/8/2021: Nhiều Tàu Nghiên Cứu/Khảo Sát Biển Trung Quốc Hoạt Động Trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế Việt Nam
Nhật, Anh, Mỹ tổ chức diễn tập hải quân ở phía nam đảo Okinawa và Biển Philippines
Ngày 24/8/2021, Nhật Bản và Anh đã tổ chức cuộc diễn tập hải quân chung Noble Union ở phía nam đảo Okinawa với sự tham gia của tàu khu trục Ise của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản và nhóm tàu sân bay tấn công HMS Queen Elizabeth của Anh, đánh dấu lần đầu tiên tàu chiến lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh diễn tập với Nhật Bản. Ngoài ra, cuộc diễn tập còn có sự tham gia của các tàu hải quân Hoa Kỳ và Hà Lan đi cùng tàu sân bay Queen Elizabeth cùng với các máy bay chiến đấu F-15 của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản, máy bay F-35B của Không quân Hoa Kỳ và Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 31 của Hoa Kỳ.
Đến ngày 26/8/2021, nhóm tàu sân bay tấn công HMS Queen Elizabeth đã tổ chức diễn tập cùng với Nhóm tấn công Viễn chinh 7 của Hoa Kỳ do tàu đổ bộ USS America dẫn đầu. Ba phi đội bay F-35B của cả Anh và Hoa Kỳ đã diễn tập cùng nhau trong cuộc tập trận dự kiến kéo dài 12 ngày.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 26/8/2021: Japan and U.K. hold joint naval drill south of Okinawa Island. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
UK Defence Journal ngày 24/8/2021: British carrier sails with American and Japanese assault ships
Stars and Stripes ngày 26/8/2021: UK aircraft carrier swaps F-35B stealth fighters with US warship during Pacific exercise
ABS CBN News ngày 26/8/2021: WATCH: UK, US show military strength in Philippine Sea
Nhóm Bộ tứ Quad bắt đầu cuộc tập trận Malabar 2021. Truyền thông Trung Quốc loan tin Trung Quốc tổ chức tập trận biển xa
Ngày 26/8/2021, Lực lượng hàng hải từ nhóm Bộ tứ gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã bắt đầu giai đoạn 1 của cuộc tập trận hàng hải Malabar 2021 tại Biển Philippines. MALABAR là cuộc tập trận hàng hải thường niên nhằm tăng cường đào tạo và sử dụng các chiến thuật chiến tranh tiên tiến giữa Hải quân Hoàng gia Australia (RAN), Hải quân Ấn Độ (IN), Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) và Hải quân Hoa Kỳ “nhằm thể hiện cam kết giữa các quốc gia cùng chí hướng để duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Cuộc tập trận năm nay do Hoa Kỳ đăng cai tổ chức và sẽ diễn ra trong 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 gồm các hoạt động hàng hải kết hợp, tác chiến chống ngầm, tác chiến trên không, bắn đạn thật, tiếp tế trên biển, cất hạ cánh máy bay quân sự trên các tàu chiến.
Phía Hoa Kỳ có sự tham gia của tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS Barry (DDG 52), lực lượng tác chiến đặc biệt của Hải quân, máy bay tuần tra và trinh sát hàng hải của Lực lượng Đặc nhiệm 72, tàu tiếp dầu USNS Rappahannock. Phía Ấn Độ có sự tham gia của khinh hạm tàng hình Shivalik (F 47) và tàu hộ tống tác chiến chống ngầm INS Kadmatt (P 29). Nhật Bản cử các tàu khu trục JS Kaga, JS Murasame và JS Shiranui. Khinh hạm HMAS Warramonga là đại diện của Australia. Ngoài ra, cuộc tập trận còn có sự tham gia của các máy bay tuần tra và trinh sát hàng hải như P-8 của Ấn Độ, P-1 của Nhật Bản và P-8A của Hoa Kỳ.
Trung Quốc nghi ngờ về mục đích của cuộc tập trận Malabar vì họ cho rằng cuộc tập trận thường niên này là một nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo truyền thông Trung Quốc, cũng trong ngày 26/8, Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận biển xa để đáp trả cuộc tập trận của nhóm Bộ tứ. Ngày 24/8, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã phát hiện một nhóm 4 tàu chiến bao gồm tàu khu trục Type 055 Nam Xương (Nanchang), tàu khu trục Type 052D Quý Dương (Guiyang), tàu tiếp liệu Type 903A với số hiệu 903 và một tàu giám sát với số hiệu thân tàu là 799 đi qua eo biển Soya từ Biển Nhật Bản và sau đó đi về phía đông dường như để tham gia tập trận. Một đội tàu khác gồm khu trục Type 052D Tri Bác (Zibo), tàu khu trục Type 052C Trịnh Châu (Zhengzhou) và tàu khu trục Type 054A Ích Dương (Yiyang) cũng được phát hiện đi qua eo biển Miyako về phía nam vào Thái Bình Dương.
Theo Hoàn cầu Thời báo, ngoài các cuộc tập trận biển xa, Trung Quốc đã tổ chức ít nhất 120 cuộc tập trận ở Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Biển Đông trong ba tháng qua. Trong đó, tại khu vực Bột Hải và Hoàng Hải, quân đội Trung Quốc đã tổ chức ít nhất 48 cuộc tập trận kể từ cuối tháng 5, 39 cuộc tập trận được tổ chức gần eo biển Đài Loan, 26 cuộc tập trận tại khu vực Biển Đông và 7 cuộc ở Biển Hoa Đông.
Xem thêm:
Commander, U.S. 7th Fleet, ngày 25/8/2021, Australia, India, Japan, and U.S. Kick-off exercise MALABAR 2021
The Hindu, ngày 26/8/2021, Quad navies begin 4-day Malabar exercise off Guam
Nikkei Asia, ngày 26/8/2021, Quad navies gather for drills as Australia courts India on trade. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Global Times, ngày 26/8/2021, PLA holds far sea exercises amid multinational drills targeting China, ‘shows capability, determination against provocation’
Global Times, ngày 24/6/2021, PLA holds 100+ drills in all Chinese sea areas in 3 months, ‘sets up strategic defense perimeter’
South China Morning Post, ngày 24/8/2021, China holds naval drills ahead of US-led Quad exercise off coast of Guam
Nhật Bản ngăn chặn máy bay không người lái và máy bay do thám của quân đội Trung Quốc nhiều ngày liên tiếp đồng thời triển khai tàu tuần duyên lớn nhất bảo vệ nhóm đảo Senkaku
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, nước này đã điều máy bay chiến đấu để chặn các máy bay không người lái và máy bay trinh sát của quân đội Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và eo Miyako trong ba ngày liên tiếp từ ngày 24 đến 26/8/2021. Theo các đường bay minh họa được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, máy bay không người lái TB-001 đã “lảng vảng” ở Biển Hoa Đông vào ngày 24/8, sau đó Nhật Bản đã chặn một UAV BZK-005 và hai máy bay do thám Y-8 vào ngày tiếp theo. Cũng trong ngày 25/8, ba máy bay của quân đội Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako vào Tây Thái Bình Dương qua không phận quốc tế giữa các đảo Okinawa và Miyako. Ngày 26/8, máy bay TB-001 và hai chiếc Y-8 đã quay trở lại với các đường bay tương tự như ngày 24/8. Mặc dù không có máy bay nào của quân đội Trung Quốc xâm phạm không phận của Nhật Bản nhưng việc các máy bay của Trung Quốc hoạt động trùng thời điểm Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tập trận chung với nhóm tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh và nhóm Bộ tứ Quad tổ chức tập trận Malabar 2021 ở Biển Philippines đã khiến các chuyên gia quân sự chú ý.
Ngày 26/8, báo Yomiuri Shimbun đưa tin, Nhật Bản sẽ triển khai tàu tuần tra Asazuki, một trong những tàu lớn nhất và mới nhất trong số các tàu tuần duyên của nước này cho Văn phòng Cảnh sát biển Ishigaki để giám sát các hoạt động tại nhóm đảo Senkaku bắt đầu vào tháng 11/2021. Asazuki là tàu tuần tra có trọng tải 6.500 tấn, có khả năng mang theo trực thăng được đóng từ năm 2018 với chi phí khoảng 20 tỷ Yên và hiện đang hoạt động thử nghiệm. Bốn tàu tuần tra của Hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hoạt động gần khu vực đảo Senkaku. Chỉ tính riêng trong năm nay, các tàu này đã hoạt động tại vùng biển trên 212 ngày và đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản 25 lần trong đó có một số lần ở lại trong thời gian dài.
Xem thêm:
Newsweek ngày 26/8/2021: Japan Keeps Intercepting China Military Drones and Spy Planes
The Drive ngày 26/8/2021: Japanese Fighters Intercept Three Chinese Drones In As Many Days
Newsweek ngày 19/8/2021: Japan to Deploy Largest Vessel to Guard Senkaku Islands From China Patrols
The Japan News ngày 28/8/2021: JCG to deploy largest-class patrol ship to Ishigaki office
Tàu khu trục và tuần duyên Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan
Ngày 27/8, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS Kidd (DDG 100) và tàu tuần duyên USCGC Munro (WMSL-755) của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Đài Loan. “Việc các tàu di chuyển hợp pháp qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Hoa Kỳ sẽ bay, đi qua và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.” – trích Thông báo trên trang web của Hạm đội 7.
Đầu tháng này, các sĩ quan tuần duyên của Mỹ và Đài Loan đã gặp nhau để thảo luận về việc tăng cường hợp tác, AP đưa tin. Cùng thời gian, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã phê duyệt việc bán 40 xe pháo tự hành cho Đài Loan.
Đây là lần thứ 8 Hải quân Hoa Kỳ tuần tra qua eo biển Đài Loan. Hoạt động của Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng tại eo biển Đài Loan trong 2 năm qua và diễn ra ngay sau cuộc tập trận của Trung Quốc với các tàu chiến và máy bay chiến đấu tại vùng biển phía tây nam và đông nam hòn đảo này.
Ngày 28/8, Trung Quốc tố cáo hành động của Hoa Kỳ mang tính khiêu khích và Bộ Tư lệnh Quân khu phía Đông của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tổ chức theo dõi và giám sát các hoạt động của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đàm Khắc Phi (Tan Kefei) lên án Mỹ thường xuyên thực hiện các hành động khiêu khích nghiêm trọng và là “kẻ phá hoại” hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Xem thêm:
Commander, U.S. 7th Fleet, ngày 27/8/2021: U.S. Navy, Coast Guard transit Taiwan Strait
Reuters, ngày 27/8/2021: U.S. warship transits Taiwan Strait after Chinese assault drills
Stars & Stripes ngày 27/8/2021: Navy, Coast Guard send ships through Taiwan Strait in wake of assault drills by China
USNI News ngày 27/8/2021: Navy Destroyer, Coast Guard Cutter Make Eighth US Taiwan Strait Transit in 2021
Trung Quốc tổ chức diễn tập gìn giữ hòa bình đa quốc gia
Từ ngày 6 đến 15/9/2021, quân đội Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức cuộc tập trận gìn giữ hòa bình đa quốc gia đầu tiên, Shared Destiny 2021 tại một căn cứ huấn luyện của quân đội Trung Quốc ở tỉnh Hà Nam. Cuộc tập trận có sự tham gia của hơn 1.000 quân nhân từ Trung Quốc, Pakistan, Mông Cổ và Thái Lan nhằm thúc đẩy “sự hợp tác thiết thực giữa các quốc gia và nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng dự phòng gìn giữ hòa bình”.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 28/8/2021: Chinese military to hold multinational peacekeeping drill
———-
II- CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA PHÓ TỔNG THỐNG MỸ KAMALA HARRIS
Thủ tướng Việt Nam gặp Đại sứ Trung Quốc trước thềm chuyến thăm của bà Harris
Ngày 24/8/2021, ngay trước thềm chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba. Trong cuộc gặp, ông Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, coi đây là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông cũng khẳng định Việt Nam không liên minh liên kết với nước này để chống lại nước khác.
Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông Chính cũng đề cập tới vấn đề cảnh giác trước “diễn biến hòa bình” và các “mưu đồ xúi giục ly gián”. Tuy nhiên báo chí Việt Nam không đưa thông tin này.
Cũng trong cuộc gặp, ông Chính cảm ơn Trung Quốc viện trợ thêm cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine COVID-19.
Xem thêm:
Báo Tin tức ngày 24/8/2021: Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam ngày 24/8/2021: 越南总理范明政会见熊波大使
South China Morning Post ngày 25/8/2021: Vietnam says it will not side against China, as US’ Kamala Harris visits
Bà Harris tại Việt Nam
Từ ngày 24-26/8/2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Bà Harris từ Singapore tới Hà Nội muộn một vài tiếng đồng hồ so với kế hoạch do những báo cáo về “một sự việc y tế mới đây có thể là bất thường tại Hà Nội”, cụ thể là một số nhân viên ngoại giao Mỹ tại Hà Nội gặp phải “Hội chứng Havana” (Havana syndrome). Tuy vậy, theo thông tin của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, “sau khi đánh giá một cách cẩn trọng, quyết định được đưa ra là chuyến thăm sẽ tiếp tục”.
Ngày 25/8, bà Harris có cuộc gặp với Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Trong các cuộc gặp, bà Harris tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chủ chốt, bao gồm tăng cường năng lực an ninh hàng hải để chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, cũng như cho rằng cần gây áp lực để buộc Trung Quốc tuân thủ UNCLOS 1982 và thách thức “hành động bắt nạt” và “các yêu sách hàng hải quá mức” của Trung Quốc. Bà Harris tuyên bố tặng Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer bên cạnh 5 triệu liều Moderna mà Mỹ đã cam kết. Bà cũng đề xuất nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên “đối tác chiến lược” trong cuộc gặp với ông Phúc. Tuy thông cáo chính thức của Việt Nam không đề cập đến vấn đề này, báo chí Việt Nam đăng tin này ngay sau cuộc hội đàm.
Đáp lại đề xuất của bà Harris, trang web Chính phủ Việt Nam nói ông Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; trong đó, coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác toàn diện ngày càng thực chất, hiệu quả, ổn định lâu dài, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Sau đó, bà Harris đến thăm đài tưởng niệm sự kiện ông John McCain bị bắn rơi khi còn là phi công trong Chiến tranh Việt Nam, tham dự lễ ra mắt văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tại Đông Nam Á. Bà Harris cũng tham dự lễ ký hợp đồng thuê đất xây dựng Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội; thời hạn hợp đồng lên tới 99 năm với số tiền thuê là 1,2 tỷ USD trả một lần.
Sáng 26/8, bà gặp đại diện các nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội. Theo danh sách của phía Mỹ, danh sách này bao gồm: ông Chu Thanh Hà, Người vận động quyền của người chuyển giới; bà Nguyễn Thị Lan Anh, người vận động quyền của người khuyết tật; bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Live & Learn; nhà vận động môi trường, ông Đoàn Thanh Tùng; người ủng hộ LGBTQI+. RFA chỉ ra danh sách này không có các nhân vật “bất đồng chính kiến” như cuộc gặp của Tổng thống Barack Obama năm 2016. Trưa và chiều hôm đó, bà đến thăm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và tổ chức họp báo kết thúc chuyến thăm tại Việt Nam.
Xem thêm:
Reuters ngày 25/8/2021: U.S. VP Harris forges on with Vietnam trip despite mystery ‘health incident’
Báo Tin tức ngày 25/8/2021: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đón, tiếp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris
Nhân Dân ngày 25/8/2021: Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu
Nhân Dân ngày 25/8/2021: Phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng thực chất, hiệu quả, ổn định lâu dài
Reuters ngày 25/8/2021: U.S. VP Harris offers Vietnam support to counter Beijing in the South China Sea
AP ngày 25/8/2021: Harris urges Vietnam to join US in opposing China ‘bullying’
Nikkei Asia ngày 26/8/2021: Harris tells Vietnam US Navy will keep presence in South China Sea
BBC Tiếng Việt ngày 26/8/2021: 48 giờ Kamala Harris ở Hà Nội: Ngắn ngủi nhưng tác động lâu dài
Nhà Trắng ra văn bản về chính sách của Mỹ với Việt Nam
Hôm 25/8, trong chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam, Nhà Trắng ra văn bản về chính sách đối ngoại của Mỹ về Việt Nam với tựa đề “Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam”. Văn bản này đề cập đến nhiều lĩnh vực như y tế, biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển và tiếp cận thị trường, nhân quyền và xã hội dân sự, giải quyết hậu quả chiến tranh, an ninh, đầu tư, vũ trụ, giáo dục.
Xem thêm:
Nhà Trắng ngày 25/8/2021: FACT SHEET: Strengthening the U.S.-Vietnam Comprehensive Partnership
Bản dịch tiếng Việt tại đây: Toàn văn ‘sách lược’ của Mỹ về chuyến thăm Hà Nội của Kamala Harris
Hai nhà ngoại giao Mỹ rời Hà Nội sau báo cáo về “Hội chứng Havana”
Do những báo cáo về “Hội chứng Havana” đã đề cập ở trên, ít nhất hai nhà ngoại giao Mỹ đã được đưa khỏi Việt Nam. Vụ việc này đã khiến chuyến bay chở bà Harris đến Hà Nội bị chậm một vài tiếng đồng hồ.
Một vài tiếng trước khi bà Harris trước khi đến Việt Nam, đại biện Mỹ tại Hà Nội Christopher Klein thông báo những người này “có triệu chứng bất thường về thính giác tại Hà Nội” trong những ngày cuối tuần, một quan chức Mỹ cấp cao nói với NBC News. Quan chức này cũng cho biết vụ việc xảy ra ở nhà riêng của những cán bộ này thay vì đại sứ quán, và đây không phải là lần đầu tiên “Hội chứng Havana” xuất hiện tại Việt Nam. Phía Mỹ tuyên bố đang tiếp tục điều tra về các vụ việc.
Hội chứng Havana lần đầu được báo cáo bởi các nhà ngoại giao và viên chức chính phủ Mỹ tại thủ đô La Habana, Cuba năm 2016. Các triệu chứng bao gồm nghe thấy tiếng chuông lớn hay tiếng ù ù trong tai, nặng đầu, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, giảm thị giác. Vụ việc không chỉ xảy ra ở La Habana mà còn ở nhiều địa điểm khác thế giới, trong đó có cả Mỹ, Đức, và Áo. Mỹ nghi ngờ vụ việc được gây ra bởi sóng sonar hoặc vi sóng. Một số suy đoạn cho rằng Nga đứng sau các vụ việc, tuy nhiên điện Kremlin đã bác bỏ điều này.
Xem thêm:
NBC News ngày 24/8/2021: 2 U.S. diplomats to be evacuated from Vietnam after “Havana Syndrome” incidents
RFA Tiếng Việt ngày 25/8/2021: Hoa Kỳ tiếp tục điều tra sự cố y tế gây chậm chuyến đến VN của Phó TT Mỹ
The Age ngày 25/8/2021: Is Havana syndrome a new method of covert sabotage – or all in our heads?
Trung Quốc phản ứng về chuyến thăm Việt Nam của bà Kamala Harris
Phản ứng trước các tuyên bố của bà Kamala Harris tại Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc đã có bài đăng trên Facebook chỉ trích Mỹ “bất chấp lai lịch lịch sử và sự thật của vấn đề Nam Hải, bất chấp nguyện vọng và nỗ lực của các nước ASEAN về việc cùng nhau gìn giữ hòa bình ổn định tại Nam Hải, cố tình bìa đặt luận điệu ‘Trung Quốc cưỡng ép tại Nam Hải’, xuyên tạc và bôi nhọ lập trường chủ trương của Trung Quốc”, “thúc đẩy quân sự hóa tại Nam Hải, là kẻ thật sự cưỡng ép và bắt nạt”, “cố tình đến Việt Nam chia rẽ ác ý quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh”, cũng như “khuyến cáo phía Mỹ, đừng coi nhẹ quyết tâm kiên cường, ý chí kiên định, năng lực mạnh mẽ của nhân dân Trung Quốc để bảo vệ lợi ích phát triển và an ninh chủ quyền quốc gia! Đừng coi nhẹ tính quan trọng của việc độc lập tự chủ trong tấm lòng nhân dân các nước trong khu vực, đừng đánh giá quá cao vị thế và uy quyền “nước đứng đầu liên minh” của mình”.
Tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc cũng có bài xã luận với tựa đề: “Trò phô trương của bà Harris tại Việt Nam là sự sỉ nhục với trí tuệ của Hà Nội/Mưu đồ của bà Harris là sự sỉ nhục với Việt Nam, đăng trên cả phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung của tờ báo này. Trong bài xã luận, Hoàn cầu nhận định Mỹ muốn dụ Việt Nam tham gia một cuộc đối đầu với Trung Quốc mà Việt Nam không thể đủ sức thực hiện. Điều này có nghĩa là Washington đang lừa phỉnh người dân Việt Nam, sỉ nhục trí tuệ về chính trị cơ bản của người Việt Nam.
Xem thêm:
Post của trang Facebook Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội tại đây
Hoàn cầu thời báo ngày 25/8/2021: 社评:哈里斯心怀的企图是对越南的侮辱
Global Times ngày 25/8/2021: Harris’ Vietnam stunt an insult to Hanoi’s wisdom: Global Times editorial
Global Times ngày 27/8/2021: ‘Don’t overestimate your dominance,’ Chinese Embassy in Vietnam responds to Harris’ lobbying
—–
III- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC
ASEAN và Ủy hội sông Mekong tổ chức cuộc họp chung đầu tiên về an ninh nguồn nước
Trong hai ngày 19-20/8/2021, ASEAN và Ủy hội sông Mekong đã tổ chức cuộc Đối thoại An ninh nguồn nước lần đầu tiên. Cuộc họp có sự tham gia của các quan chức cấp cao, chuyên gia và đối tác ở tiểu vùng Mekong nói riêng và ASEAN nói chung. Cuộc họp đã đưa ra ba nhóm giải pháp liên quan đến chính sách, công nghệ và mạng lưới đối tác để giúp các quốc gia đối phó với các thách thức về an ninh nguồn nước.
Dự kiến Đối thoại An ninh nguồn nước giữa ASEAN và Ủy hội sông Mekong sẽ được tổ chức hai năm một lần.
Xem thêm:
Ủy hội sông Mekong ngày 24/8/2021: Water security in the Mekong and ASEAN key to a safe and sustainable future
South China Morning Post ngày 25/8/2021: Asean formalises Mekong involvement with water security dialogue, as China’s dams come under scrutiny
Quan chức Singapore bình luận về chuyến thăm Singapore của Phó Tổng thống Mỹ
Trong cuộc họp báo chung với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm 23/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng nhận thức về quyết tâm và cam kết của Mỹ đối với khu vực sẽ được quyết định bởi “điều mà Mỹ sẽ làm trong tương lai, cách Mỹ định hình bản thân trong khu vực, cách Mỹ thu hút các bạn bè, đồng minh và đối tác”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan hoan nghênh đề nghị của Mỹ trở thành nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023, coi đây là minh chứng mạnh mẽ cho vai trò hàng đầu của Mỹ trong thúc đẩy thương mại, đầu tư, kinh tế số và sự ủng hộ của Mỹ cho chủ nghĩa đa phương. Ông cũng hoan nghênh cam kết của bà Harris với khu vực. Ông khẳng định Singapore sẽ tiếp tục ủng hộ sự hiện diện và can dự một cách lâu dài, có tính xây dựng của Mỹ.
Trong một động thái có liên quan, cũng trong chuyến thăm của bà Harris, Nhà Trắng đã ra văn bản về chính sách của Mỹ với Singapore có tựa đề “Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Singapore”.
Xem thêm:
Reuters ngày 23/8/2021: Kamala Harris says U.S. focus on Afghan evacuations, pledges open South China Sea
Twitter của Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 24/8/2021 tại đây
Nhà Trắng ngày 23/8/2021: FACT SHEET: Strengthening the U.S.-Singapore Strategic Partnership
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thăm Philippines
Nhân kỷ niệm 70 năm Hiệp ước Phòng thủ chung Hoa Kỳ – Philippines, Đô đốc John C. Aquilino, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã thăm Philippines nhằm tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với Philippines. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Aquilino đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines. “Hai bên đã khẳng định rõ ràng về cam kết đối với Liên minh và chúng tôi luôn sẵn sàng cùng chiến đấu và bảo vệ lẫn nhau bằng tất cả khả năng của mình để duy trì hòa bình và ổn định của khu vực” – ông Aquilino nói.
Xem thêm:
U.S. Indo-Pacific Command ngày 23/8/2021: US INDOPACOM Commander Visits The Philippines
Tuyên bố chung Philippines – Úc cấp Bộ trưởng nhấn mạnh hoạt động của hải cảnh cần phù hợp với luật pháp quốc tế
Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Philippines-Australia (PAMM) lần thứ V được tổ chức vào ngày 23/8/2021 bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về việc “tiếp tục quân sự hóa các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, việc sử dụng tàu hải cảnh và lực lượng dân quân biển một cách nguy hiểm và mang tính cưỡng chế, và những hành vi làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia khác.” Mặc dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng tuyên bố chung cũng nhấn mạnh rằng “các hành động của lực lượng hải cảnh của một quốc gia, và các khuôn khổ pháp lý liên quan của quốc gia đó, phải phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Bên cạnh đó Philippines và Australia nhắc lại tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không và cho rằng tất cả các tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982. Đồng thời khẳng định phán quyết của trọng tài Biển Đông năm 2016 là phán quyết cuối cùng và có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên tranh chấp.
Xem thêm:
ABS-CBN News ngày 24/8/2021: South China Sea arbitration award final, legally binding
Ông Duterte sẽ tranh cử Phó tổng thống năm 2022
Đương kim Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông sẽ tranh cử Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử năm sau để tiếp tục cuộc chiến chống ma túy và quân nội dậy.
Theo pháp luật Philippines, Tổng thống đã hoàn thành trọn nhiệm kỳ không được phép tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2, và vị trí Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu chọn riêng biệt mà không theo liên danh.
Xem thêm:
France24 ngày 25/8/2021: Philippines’ Duterte says will run for vice president in 2022
Tổng thống Philippines và Chủ tịch Trung Quốc điện đàm
Trong cuộc điện đàm hôm 27/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Theo Global Times, ông Duterte ca ngợi Trung Quốc là “người bạn chân chính” và cam kết không làm tổn hại lợi ích địa chính trị của Trung Quốc. Ông Duterte cũng cảm ơn Trung Quốc ủng hộ chương trình “Xây dựng, xây dựng, xây dựng” (“Build, Build, Build”) của Philippines và khuyến khích Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, ngư nghiệp, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ.
Cùng thời gian này, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (xem phần I – Trên Biển).
Xem thêm:
Global Times ngày 27/8/2021: Duterte vows not to harm China’s interest during phone conversation with President Xi
Inquirer ngày 28/8/2021: Duterte, Xi reaffirm PH-China ties, friendship in phone call
—–
IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Trung Quốc ban hành quy định bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin thiết yếu
Ngày 24/8/2021, Trung Quốc tổ chức họp báo giới thiệu quy định bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin thiết yếu, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9. Theo quy định này, Trung Quốc sẽ thực thi các biện pháp để theo dõi, bảo vệ và đối phó với các thách thức an ninh mạng cả trong và ngoài nước, bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin thiết yếu khỏi bị tấn công, xâm nhập hay phá hoại, cũng như trừng trị hành vi vi phạm. Văn bản quy định rõ các quy tắc cho các công ty trong các lĩnh vực như viễn thông, năng lượng, giao thông vận tải, tài chính hay quốc phòng.
Trong cuộc họp báo hôm 24/8, ông Thịnh Vinh Hoa, Phó Chủ nhiệm cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc, khẳng định quy định này “không nhắm vào các công ty định thực hiện phát hành chứng khoán ra công chúng lần đầu (IPO) ở nước ngoài”.
Xem thêm:
Global Times ngày 17/8/2021: China launches regulations to protect critical information infrastructure
Reuters ngày 24/8/2021: China’s critical data rules not aimed at firms planning foreign IPOs – regulator
Nhân dân nhật báo ngày 25/8/2021: 国务院政策例行吹风会——加强关键信息基础设施安全保护(权威发布)
Trung Quốc đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào chương trình giáo dục
Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn về việc đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào chương trình giáo dục từ tiểu học đến đại học, tích hợp vào nhiều môn học khác nhau. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, điều này sẽ giúp thiếu niên hình thành niềm tin vào chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Xem thêm:
Bộ Giáo dục Trung Quốc ngày 24/8/2021: 发挥培根铸魂的思想伟力 – 《习近平新时代中国特色社会主义思想进课程教材指南》发布
Global Times ngày 24/8/2021: Xi Jinping thought added into curriculum: Ministry of Education
BBC ngày 25/8/2021: China schools: ‘Xi Jinping Thought’ introduced into curriculum
Trung Quốc kêu gọi tăng cường liên lạc chiến lược trong BRICS
Trong hội nghị của các đại diện về an ninh của khối BRICS (viết tắt tên tiếng Anh của các nước: Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), đại diện Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì kêu gọi các quốc gia trong khối tăng cường liên lạc chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị và phối hợp về an ninh.
Xem thêm:
Nhân dân Nhật báo ngày 25/8/2021: 杨洁篪出席第十一次金砖国家安全事务高级代表视频会议
Tân Hoa Xã ngày 25/8/2021: Senior Chinese official stresses strategic communication for BRICS cooperation
Quan điểm của Tập Cận Bình về lịch sử
Ngày 26/8/2021, trang web của Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn kiện Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng tải bài viết với tựa đề: “Đại lịch sử quan của Tổng Bí thư Tập Cận Bình”, trong đó chỉ ra các đặc điểm chính:
Về “kiên trì quan điểm về lịch sử, thu nhận tri thức lịch sử”:
1. Kiên trì quan điểm duy vật về lịch sử, đánh giá các nhân vật và sự kiện lịch sử lớn;
2. Kiên trì phương pháp biện chứng, đánh giá các thời kỳ lịch sử;
3. Chống chủ nghĩa hư vô lịch sử, bảo vệ lịch sử Đảng, lịch sử đất nước.
Về “rút kinh nghiệm từ lịch sử, vận dụng tư duy lịch sử”:
1. Chú trọng việc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa ưu tú của Trung Quốc;
2. Hiểu “sứ mệnh ban đầu” qua lịch sử Đảng;
3. Nâng cao năng lực tư duy lịch sử trong trị quốc.
Về “nắm vững quy luật lịch sử, tiếp thu trí tuệ lịch sử”
1. Nhận thức về quy luật cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc;
2. Nhận thức về quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội;
3. Nhận thức về quy luật phát triển của xã hội loài người.
Xem thêm:
Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn kiện Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 26/8/2021: 习近平总书记的大历史观
Công bố tài liệu “Sứ mệnh lịch sử và giá trị hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc”
Ngày 26/8/2021, Ban Tuyên truyền trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức họp báo công bố tài liệu “Sứ mệnh lịch sử và giá trị hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là tài liệu được kỳ vọng sẽ giải thích và giới thiệu quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, giúp thế giới hiểu Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc hơn.
Cũng trong buổi họp báo, các quan chức Trung Quốc “làm rõ những hiểu lầm về Đảng, cũng như phản bác những cáo buộc không có cơ sở từ nước ngoài”.
Xem thêm:
Toàn văn tài liệu tại đây
Toàn văn bản dịch Tiếng Anh tại đây
Tân Hoa Xã ngày 26/8/2021: Xinhua Headlines: CPC releases key publication on its mission, contributions
Global Times ngày 26/8/2021: The Communist Party of China launches a major publication on its mission and contributions
Trung Quốc yêu cầu tàu nước ngoài báo cáo thông tin khi đi vào lãnh hải Trung Quốc
Theo thông báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc được ban hành cuối tuần qua, các tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác được yêu cầu báo cáo thông tin chi tiết khi vào lãnh hải Trung Quốc.
Ngoài các loại tàu nêu trên, các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc theo quy định của pháp luật, quy định hành chính hoặc quy định của Quốc vụ viện – nội các Trung Quốc – cũng nên tuân theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
Các thông tin phải báo cáo với nhà chức trách Trung Quốc bao gồm tên, biển báo, vị trí hiện tại và cảng ghé tiếp theo và thời gian đến dự kiến. Đây đều là những thông tin mà theo yêu cầu của an toàn hàng hải quốc tế, các tàu có trọng tải trên 300 tấn đều phải báo cáo qua hệ thống nhận dạng tự động AIS.
Tên của hàng hóa nguy hiểm trên tàu và trọng lượng của hàng hóa cũng được yêu cầu trong báo cáo.
Sau khi vào lãnh hải Trung Quốc, các tàu không cần báo cáo tiếp theo nếu hệ thống nhận dạng tự động của tàu hoạt động tốt. Nhưng nếu hệ thống nhận dạng tự động không hoạt động bình thường, tàu phải báo cáo hai giờ một lần cho đến khi rời lãnh hải.
Một số người đã kết nối quy định này với các thiết bị do thám không người lái mà các ngư dân Trung Quốc đã thỉnh thoảng bắt được ven biển.
Theo Điều 2 Luật nội địa Trung Quốc về lãnh hải và vùng tiếp giáp, “lãnh hải là vùng nước tiếp giáp với lãnh thổ của nó. Lãnh thổ của CHND Trung Hoa bao gồm đất liền và các đảo ngoài khơi, Đài Loan và các đảo liên kết khác nhau bao gồm Đảo Điếu Ngư, Quần đảo Bành Hồ, Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đảo khác thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Xem thêm:
Thông báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc
Global Times ngày 29/8/2021: China requires information report for foreign vessels entering territorial waters, showing determination to safeguard national security
—–
V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Lần đầu tiên, một nửa số người Mỹ được hỏi ủng hộ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công
Cuộc khảo sát của Hội đồng Chicago (Chicago Council Survey) năm 2021 cho thấy, lần đầu tiên đa số người Mỹ được hỏi ủng hộ việc gửi quân Mỹ đến bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công. Kết quả cụ thể của cuộc khảo sát như sau:
– 69% ủng hộ Hoa Kỳ công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, 65% ủng hộ Đài Loan hòa nhập với các tổ chức quốc tế và 57% ủng hộ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Mỹ – Đài Loan.
– 53% ủng hộ việc Hoa Kỳ ký kết liên minh chính thức với Đài Loan và 46% ủng hộ cam kết rõ ràng sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công.
– Khi được hỏi về các kịch bản tiềm năng, 52% ủng hộ việc sử dụng quân đội Hoa Kỳ để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công. Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận trong các cuộc khảo sát của Hội đồng từ năm 1982.
– 50% ủng hộ việc bán vũ khí và thiết bị quân sự cho Đài Loan trong khi có 47% không ủng hộ việc này.
Xem toàn văn kết quả khảo sát ở đây.
Đài Loan muốn mua máy bay chiến đấu trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng tăng khiêm tốn
Ngày 26/8/2021, nội các của bà Thái Anh Văn đề xuất ngân sách quốc phòng trong năm 2022 ở mức 471,7 tỷ USD, tăng nhẹ so với 453,4 tỷ USD trong năm nay, nhưng vẫn sẽ dành ra 1,44 tỷ USD để mua máy bay chiến đấu mới trong bối cảnh sức ép gia tăng từ Bắc Kinh. Mặc dù, chính quyền Đài Bắc không đưa thông tin chi tiết nhưng khả năng Đài Loan sẽ mua máy bay F-16 vốn đã được Hoa Kỳ thông qua thương vụ trị giá 8 tỷ USD vào năm 2019.
Xem thêm:
Reuters ngày 26/8/2021: Taiwan eyes jet fighter buy amid modest hike in 2022 defence spending
Quan chức Hoa Kỳ lo ngại việc Trung Quốc theo đuổi vũ khí hạt nhân và siêu thanh
Trong cuộc thảo luận trực tuyến do Viện Hudson tổ chức vào ngày 26/8/2021, Đô đốc Charles Richard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ đã bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc tăng tốc các năng lực hạt nhân, không gian, không gian mạng và vũ khí siêu thanh. Ông Richard cũng đã liệt kê các loại vũ khí chiến lược mà Trung Quốc đang sở hữu, bao gồm: 6 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới, tên lửa hành trình phóng từ trên không, hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân cải tiến, hệ thống phòng thủ tên lửa được nâng cấp cùng với việc Trung Quốc xây dựng các hầm chứa tên lửa mới cũng như năng lực phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Trong khi đó, Hoa Kỳ “đã không làm được gì trong 30 năm qua” để hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình, ông Richard đánh giá.
Xem thêm:
USNI News ngày 26/8/2021: STRATCOM: China’s Pursuit of Nuclear and Hypersonic Weapons Adds Urgency to US Deterrence – USNI News
Hải quân Hoa Kỳ sẽ được nâng cấp tàu chiến để bổ sung năng lực không gian
Phát biểu tại Hội thảo Hải quân và Không gian tại Hội nghị Chuyên đề Vũ trụ lần thứ 36, được tổ chức ở bang Colorado (Mỹ), Chuẩn đô đốc Michael Bernacchi, Giám đốc Chiến lược, Kế hoạch và Chính sách tại Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ cho biết, các tàu của Hải quân Hoa Kỳ sẽ có thêm các năng lực không gian mới trong những lần nâng cấp trong tương lai. Trong đó, 30 tàu sẽ được nâng cấp trong vài năm tới cũng như hệ thống Aegis Ashore với khả năng phòng thủ tên lửa.
Xem thêm:
Defense One, ngày 26/8/2021: US Navy Will Upgrade Warships to Add Unnamed Space Capabilities
Đảng cầm quyền Nhật Bản và Đài Loan tổ chức hội đàm an ninh. Nhật Bản bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan
Hai đảng cầm quyền của Nhật Bản và Đài Loan lần đầu tiên tổ chức đối thoại an ninh khu vực vào ngày 27/8/2021, trong đó các nhà lập pháp Nhật Bản cho biết họ sẽ ủng hộ việc Đài Loan gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Các cuộc đàm phán cũng tập trung vào hợp tác trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times Masahisa Sato, một nghị sĩ điều hành các vấn đề đối ngoại cho đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản, cho biết hai bên cần đối thoại sâu hơn vì tương lai của Đài Loan sẽ có “tác động nghiêm trọng” đến an ninh và kinh tế của Nhật Bản.
Theo tờ The Wall Street Journal, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan đã khiến các nhà lãnh đạo Nhật Bản thúc đẩy công khai kế hoạch cho một cuộc xung đột có thể xảy ra, và điều này có thể dẫn đến hợp tác chặt chẽ hơn với quân đội Hoa Kỳ.
Phó Thủ tướng Taro Aso gần đây đã nói trong một bài phát biểu trước những người ủng hộ rằng Nhật Bản và Hoa Kỳ nên cùng nhau lập kế hoạch bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xảy ra các cuộc xung đột.
Các cuộc tập trận lớn của quân đội Nhật Bản bắt đầu vào tháng 9 dự kiến sẽ giúp Tokyo chuẩn bị cho bất kỳ rắc rối nào ở các khu vực bao gồm Đài Loan, các quan chức Nhật Bản hiện tại và trước đây cho biết.
Xem thêm:
Financial Times ngày 25/8/2021: Japan and Taiwan to hold talks to counter Chinese aggression. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Nikkei Asia ngày 27/8/2021: Taiwan says security talks with Japan focused on TSMC investment
Bloomberg ngày 27/8/2021: Japan Ruling Party Lawmakers Back Taiwan Joining Trade Pact. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
The Wall Street Journal ngày 27/8/2021: As China-Taiwan Tensions Rise, Japan Begins Preparing for Possible Conflict. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Taipei Times ngày 28/8/2021: Taiwan, Japan ruling parties talk trade
—–
VI- QUAN HỆ HOA KỲ – TRUNG QUỐC
Phó Oánh: Washington đang phải vật lộn với ‘kẻ thù trong bóng tối’ khi cơ quan lập pháp nhắm vào Trung Quốc
Trong bài viết trên trang South China Morning Post, bà Phó Oánh (Fu Ying), Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nhân đại (Quốc hội) Trung Quốc, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vẫn cho rằng căng thẳng quan hệ Trung – Mỹ là do những vấn đề nằm ở giao tiếp. Bà cho rằng các dự luật có nội dung chống lại và hạn chế Trung Quốc được quốc hội Mỹ ban hành – như Đạo luật Biên cương Vô tận (Endless Frontier Act), Đạo luật Cạnh tranh 2021 và Đạo luật Đối phó với thách thức từ Trung Quốc 2021 – được xây dựng dựa trên thông tin sai lệch, ví dụ như các thông tin “Trung Quốc thiếu bảo vệ sở hữu trí tuệ”, “chính phủ Trung Quốc dự định gia tăng kiểm soát nhờ thu thập dữ liệu cá nhân của công dân qua các công ty công nghệ”… Bà Phó cho rằng việc biến Trung Quốc thành “kẻ thù tưởng tượng” là việc nguy hiểm và thiếu trách nhiệm, làm gia tăng thù địch giữa nhân dân hai nước. Bà đề xuất hai nước cần giữa cái đầu lạnh, có đánh giá thực chất về nhau và không để bị dẫn dắt bởi các thông tin sai lệch, trong khi Trung Quốc cần nỗ lực giao tiếp với thế giới để giảm hiểu lầm.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 26/8/2021: In US legislation targeting China, Washington is wrestling with a shadow enemy
Lầu Năm Góc lần đầu đối thoại với quân đội Trung Quốc kể từ khi Biden lên nắm quyền
Ngày 27/8/2021, một quan chức Mỹ cho biết, Michael Chase, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách Trung Quốc đã hội đàm với Thiếu tướng Trung Quốc Hoàng Tuyết Bình (Huang Xueping), Phó Giám đốc Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa vào tuần trước nhằm kiểm soát rủi ro giữa hai nước. Bất chấp những căng thẳng và lời lẽ gay gắt, các quan chức quân đội Mỹ từ lâu đã tìm cách liên lạc cởi mở với các đối tác Trung Quốc để có thể giảm thiểu xung đột tiềm ẩn và đối phó với bất kỳ rủi ro không mong muốn nào. Tuy nhiên, các nguồn tin cũng cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vẫn chưa có bất kỳ cuộc nói chuyện nào với người đồng cấp Trung Quốc. Trong bài phát biểu ngày 26/8, Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết, Hoa Kỳ hoan nghênh cạnh tranh và sẽ lên tiếng về các vấn đề như tranh chấp hàng hải ở Biển Đông nhưng không muốn xung đột với Bắc Kinh.
Xem thêm:
Reuters ngày 28/8/2021: EXCLUSIVE Pentagon holds talks with Chinese military for first time under Biden- official says
—–
VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Hoàng Trường Sa: Kamala Harris thăm Việt Nam: Đánh giá vị thế địa chính trị của Việt Nam
Tác giả cho rằng dù các vấn đề mà Hà Nội và Washington chú trọng trong quan hệ song phương gần giống nhau, mục đích tiếp cận lại có sự khác biệt. Dù vấn đề Biển Đông là vấn đề “sinh tử” với Việt Nam nhưng không phải là vấn đề cốt tử đối với Mỹ. Do đây không phải vấn đề sát sườn của Mỹ, không thể đảm bảo Mỹ sẽ có sự quan tâm lâu dài. Mỹ cũng không thực sự quan tâm đến các lĩnh vực Việt Nam còn yếu như khoa học, công nghệ hay giáo dục ở tầm chiến lược như đối với các nước như Singapore, Hàn Quốc. Việt Nam cũng không có nền tảng để có thể hợp tác với Mỹ ở những lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao như Singapore đã đạt được.
Theo tác giả, trong khi nhiều quan chức, nhà nghiên cứu Việt Nam tự tin là Mỹ cần Việt Nam, vị thế của Việt Nam với Mỹ không thực sự quan trọng như vậy. Chiến lược của Mỹ còn có thể thay đổi trong tương lai phụ thuộc vào cách tiếp cận của Singapore và Việt Nam đối với Mỹ. Do đó, vị thế “địa chính trị” của Việt Nam không có nhiều giá trị như được thể hiện trên truyền thông hay diễn đàn ngoại giao. Việt Nam không còn nhiều thời gian để nắm bắt cơ hội có thể được Mỹ hỗ trợ theo cách đã giúp Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Nam Việt Nam và Đài Loan ở giai đoạn giữa thế kỉ 20.
Cho dù chính phủ Mỹ thể hiện rõ thông điệp muốn “ở lại”, bằng dự án xây dựng tòa nhà Đại Sứ quán Hoa Kỳ mới ở Hà Nội với kinh phí thuê là 1,2 tỷ USD, nếu Việt Nam không phát triển được năng lực tự thân, không bảo vệ thể hiện quốc gia trước Trung Quốc, không quản trị quốc gia bằng các giá trị toàn nhân loại của tinh thần cộng hòa, không có gì bảo đảm nước Mỹ không nói lời tạm biệt như cách họ rút khỏi Afghanistan hiện nay, tác giả kết luận.
Xem thêm:
RFA ngày 28/8/2021: Kamala Harris thăm Việt Nam: Đánh giá vị thế địa chính trị của Việt Nam
Khang Vũ: Chiến lược chia rẽ của Trung Quốc với quan hệ Mỹ – Việt
Tác giả nhận định mục tiêu trong chiến lược chia rẽ quan hệ Mỹ – Việt là giữ Việt Nam trung lập. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc sử dụng hai nhóm biện pháp chính: hạ thấp sự khác biệt về an ninh giữa Trung Quốc và Việt Nam và nhấn mạnh đến việc hai nước chia sẻ hệ tư tưởng.
Trong nhóm biện pháp đầu tiên, Trung Quốc tìm cách giảm biểu thị tranh chấp lãnh thổ chỉ như vấn đề nhỏ trong tổng thể quan hệ song phương tích cực. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng thuyết phục Hà Nội đây chỉ là vấn đề song phương và hai nước đã từng thành công trong quá khứ, không cần sự hợp tác về an ninh chặt chẽ hơn giữa Hà Nội và Washington.
Trong nhóm biện pháp thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh đến các giá trị xã hội chủ nghĩa chung giữa Trung Quốc và Việt Nam, tuyên bố hai nước “không có tranh chấp cơ bản nào khác ngoài Biển Đông” và cảnh bảo Hà Nội về âm mưu thù địch của Washington. Trung Quốc cũng cảnh báo quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ sẽ thúc đẩy các thế lực chống Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như ý thức hệ sẽ là vấn đề nếu Mỹ và Việt Nam liên kết chặt chẽ hơn.
Tác giả cho rằng để chống lại chiến lược chia rẽ của Trung Quốc và làm giảm nhẹ lo ngại của Việt Nam với việc Mỹ ủng hộ thay đổi chế độ, Mỹ cần tiếp tục tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, và tránh buộc Việt Nam từ bỏ thế cân bằng ngoại giao, không kéo Việt Nam vào một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xem thêm:
Diplomat ngày 25/8/2021: China’s Wedge Strategy Towards the US-Vietnam Partnership
Trần Thị Bích: Việt Nam tiếp tục nỗ lực nhằm giảm phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc
Tác giả chỉ ra với việc Trung Quốc từng sử dụng thương mại như công cụ để trừng phạt các quốc gia có tranh chấp, tranh chấp ở Biển Đông là tiếng chuông cảnh tỉnh để Việt Nam cố gắng giảm phụ thuộc thương mại vào quốc gia này. Tuy vậy, dù Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới trong thời gian qua, những nỗ lực giảm phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc của Việt Nam chưa đạt được hiệu quả mong muốn khi vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Tác giả cho rằng điều này xảy đến do một số nguyên nhân như giá cả, khoảng cách và việc Việt Nam chưa tận dụng được Hiệp định đối tác toàn diện & tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định tự do thương mại Liên hiệp Châu Âu – Việt Nam (EVFTA). Theo tác giả, Việt Nam cần có các biện pháp để tận dụng tốt hơn các hiệp định, cũng như cải cách thể chế để tăng cường năng lực kinh tế.
Xem thêm:
ISEAS Commentary 27/8/2021: 2021/114 “Vietnam Continues Efforts to Reduce Trade Dependence on China” by Bich T. Tran
Derek Grossman: Chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ông Joe Biden đang hiện hình
Tác giả cho rằng dựa trên các chuyến thăm đến khu vực và các cuộc hội họp trực tuyến của quan chức cấp cao trong chính quyền Biden trong tháng qua, ba điểm chính trong chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đã được nhận thấy. Thứ nhất, chính quyền Biden đã sửa đổi phần nào thông điệp về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền. Mỹ không chỉ làm việc với các nước dân chủ chung chí hướng như Quad mà còn sẵn sàng hợp tác với các đồng minh và đối tác khác – miễn là họ cam kết thực sự về các giá trị, cũng như thừa nhận không nền dân chủ nào, kể cả Mỹ, là hoàn hảo và mọi quốc gia cần cải thiện bản thân. Thứ hai, nội dung các cuộc đối thoại chính sách của Mỹ chuyển từ việc các đồng minh và đối tác sẽ liên kết với Washington hay Bắc Kinh sang các thách thức và quan ngại của các đồng minh, đối tác này. Thứ ba, chính quyền Biden khẳng định cạnh tranh Mỹ Trung không nên vượt quá tầm kiểm soát. Tác giả nhận định chính quyền Biden đang thể hiện sự linh hoạt, chú tâm và thực dụng với khu vực.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 23/8/2021: Biden’s Indo-Pacific policy blueprint emerges
Susannah Patton & Ashley Townshend: Chuyến thăm Đông Nam Á của bà Kamala Harris không thể sửa chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đầy vấn đề của ông Biden
Các tác giả cho rằng việc bà Kamala Harris đến thăm 2/3 nước mà Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến thăm chứng tỏ chính quyền Biden đang muốn an toàn và cũng thể hiện điểm yếu của chính quyền Biden trong cách tiếp cận với châu Á. Theo các tác giả, Mỹ cần can dự sâu hơn khắp khu vực Đông Nam Á, thay vì chỉ một vài quốc gia thân thiện với Mỹ. Tuy vậy, Mỹ dường như chưa nhận thức đúng mức sự cấp bách và quy mô hành động cần thiết để kiềm chế sự ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc tại khu vực, cả về quốc phòng lẫn kinh tế. Các tác giả nhận định Việt Nam và Singapore chỉ là ngoại lệ; các nước khác trong khu vực vẫn còn ngần ngại và cần được thuyết phục. Nếu Mỹ không có một chiến lược toàn diện với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chú trọng vào vấn đề kinh tế và Đông Nam Á, việc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn.
Xem thêm:
Foreign Policy ngày 24/8/2021: Kamala Harris’s Asia Trip Can’t Fix Biden’s Troubled Indo-Pacific Strategy. Một bản PDF được lưu trữ tại đây.
Nhiều chuyên gia: Sự gấp rút của Bắc Kinh đối với Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông nhằm phá hoại phán quyết của La Hay năm 2016
Tờ South China Morning Post đưa tin, trong một buổi diễn thuyết ngày 26/8/2021 tôn vinh cựu Tổng thư ký ASEAN Rodolfo Severino Jr, cựu ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario và các chuyên gia khác cáo buộc Bắc Kinh có động cơ ngầm khi vội vã muốn đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) và cho rằng nhiều khả năng các bên liên quan sẽ không đạt được thỏa thuận cuối cùng trong năm nay hoặc năm sau. Đồng thời, các nhà phê bình cho rằng 2 điều khoản mà Trung Quốc đưa ra trong dự thảo quy tắc sẽ làm ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Nam Á trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài liên quan đến diễn tập quân sự và khai thác các nguồn năng lượng. Tuy nhiên một số nhà phê bình khác lại cho rằng cần tiếp tục có sự thỏa hiệp.
Cụ thể, cựu ngoại trưởng Del Rosario cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng gấp rút thông qua một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông bởi vì Trung Quốc muốn làm suy yếu bác bỏ của tòa Trọng tài đối với các yêu sách lãnh thổ của quốc gia này trong vùng biển đang tranh chấp.
Ông Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Yusof Ishak ở Singapore cũng đồng ý với nhận định trên và cho rằng 2 điều khoản Trung Quốc đưa ra không chỉ gây rắc rối và làm suy yếu phán quyết của Tòa trọng tài mà còn vi phạm UNCLOS. Cụ thể với điều khoản đầu tiên liên quan đến việc phát triển chung các nguồn năng lượng ở Biển Đông nên bị giới hạn trong quan hệ đối tác giữa các công ty Trung Quốc và Đông Nam Á, đồng thời loại trừ các công ty nước ngoài sẽ làm giảm các quyền của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Điều thứ hai Trung Quốc đưa ra một giới hạn tương tự đối với các cuộc tập trận chung trên biển và cho rằng bất kỳ bên nào muốn tham gia vào các cuộc tập trận chung trên Biển Đông đều phải được sự đồng ý của Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên ASEAN, ông Ian Storey cho đây sẽ là cơ sở để Trung Quốc phủ quyết tất cả các hoạt động quân sự của nước ngoài ở Biển Đông. Đây đồng thời cũng là quan điểm của ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines.
Để giải quyết vấn đề trên, nhà phân tích người Malaysia Ngeow Chow Bing cho biết ASEAN sẽ phải thỏa hiệp lại với nhau nếu muốn có một bộ quy tắc ứng xử. Còn Cựu ngoại trưởng Australia, Gareth Evans cho rằng các quốc ASEAN không nên mong đợi việc Mỹ sẽ gánh toàn bộ gánh nặng về an ninh biển trong khu vực, mặc dù trên thực tế quốc gia này cũng đang tìm cách chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Trường hợp Afghanistan là một ví dụ cụ thể nhất cho việc chỉ dựa vào Mỹ để giữ gìn hòa bình.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 26/8/2021: South China Sea: Beijing rushing code of conduct to undermine 2016 Hague ruling, claims Philippines’ Del Rosario
Vũ Hải Đăng: Ủy ban tuân thủ Địa Trung Hải: Mô hình cho Biển Đông?
Các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) đã bị trì hoãn kể từ năm 2019, nguyên nhân chủ yếu là do sự bùng phát của COVID-19 và những thách thức liên tục trong khu vực. Tuy nhiên, ngay cả khi tình hình đại dịch được cải thiện và các cuộc đàm phán có thể tiếp diễn như bình thường, các nhà đàm phán COC sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải bao gồm phạm vi địa lý của thỏa thuận, nghĩa vụ hợp tác, vai trò của các bên thứ ba và đặc biệt là vấn đề giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, có một vấn đề quan trọng để đạt được một COC hiệu quả chưa được quan tâm đúng mức là: đảm bảo tuân thủ. Chính vì thiếu cơ chế tuân thủ mà Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông năm 2002 chỉ là một công cụ hình thức mà bất kỳ bên nào cũng có thể cáo buộc bên khác vi phạm.
Trong các cuộc đàm phán COC, một đề xuất đã được đặt ra là thành lập một ủy ban để giám sát việc thực hiện COC. Trong bài bình luận trên Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, TS. Vũ Hải Đăng giới thiệu mô hình Ủy ban tuân thủ Địa Trung Hải, một mô hình được thành lập trong khuôn khổ Công ước Barcelona về Bảo vệ Biển Địa Trung Hải chống lại ô nhiễm như một điển hình để xây dựng một mô hình tương tự cho COC.
Trong bài phân tích, tác giả đã đưa ra bối cảnh hình thành và cơ chế hoạt động của Ủy Ban tuân thủ Địa Trung Hải. Từ đó, tiến hành đánh giá những ưu điểm của cơ chế này trong mối liên hệ đến bối cảnh cụ thể của Biển Đông. Qua đó, tác giả khẳng định một ủy ban tuân thủ lấy cảm hứng từ Công ước Barcelona tại Biển Địa Trung Hải là hoàn toàn phù hợp và cần thiết cho khu vực Biển Đông.
Xem thêm:
Asia Maritime transparency initiative ngày 25/8/2021: The Mediterranean’s compliance committee: A model for the South China sea?
Sarah Teo: Tăng cường hiệp lực giữa ADMM và các thỏa thuận tiểu vùng
Trong 15 năm qua, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) đã tích cực thúc đẩy đối thoại và hợp tác thiết thực trong lĩnh vực quốc phòng với các chương trình làm việc về các thách thức chung mà các quốc gia thành viên ASEAN phải đối mặt, đồng thời tìm cách cải thiện hợp tác kết nối để giải quyết các vấn đề chung. Tuy nhiên, ở cấp độ quốc gia, mỗi nước có thể tập trung vào các thách thức của riêng mình khác biệt với thách thức chung của toàn khối do đó các thỏa thuận tiểu vùng như Tuần tra eo biển Malacca liên quan đến Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan hay Thỏa thuận Hợp tác ba bên giữa Indonesia, Malaysia và Philippines được cho là cơ chế tốt hơn để giải quyết những vấn đề trong phạm vi tiểu vùng. Sự kết hợp chặt chẽ giữa các thỏa thuận tiểu vùng với ADMM trong đó ADMM đóng vai trò là nền tảng chia sẻ kiến thức trung tâm cho các thỏa thuận liên quan đến quốc phòng trong khu vực sẽ hữu ích trong việc tăng cường sự đồng thuận và phản ứng chung đối với các mối đe dọa an ninh chung.
Xem thêm:
RSIS Publication ngày 24/8/2021: IP21002 | Creating Synergies between the ADMM and Sub-regional Arrangements
Evan A. Laksmana: Indonesia không chuẩn bị cho đối đầu nước lớn tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Tác giả nhận định việc Indonesia không chọn phe trong đối đầu Mỹ – Trung vừa đến từ sự thiếu lòng tin với các nước lớn vừa từ kinh nghiệm lịch sử, vấn đề đối nội và việc nước này không muốn mất sự tự chủ chiến lược. Do đó, Indonesia lựa chọn chính sách đối ngoại mang tính thụ động (negative), dựa vào ASEAN và giữ khoảng cách đều nhau với các nước lớn. Tuy vậy, tác giả cho rằng các cơ chế này không phù hợp với thời đại cạnh tranh nước lớn. Trong khi dựa vào ASEAN là không đủ, việc giữ khoảng cách đều nhau với các nước lớn là không thể đạt được khi Indonesia ngày càng dựa vào Trung Quốc.
Xem thêm:
Foreign Policy ngày 26/8/2021: Indonesia Unprepared as Great Powers Clash in Indo-Pacific. Một bản PDF được lưu trữ tại đây.
John Bradford: An ninh biển Đông Nam Á nên là một phần trong chương trình nghị sư liên minh Mỹ – Nhật
Tác giả cho rằng Mỹ và Nhật Bản cần phối hợp tăng cường khả năng quản trị hàng hải trong khu vực Đông Nam Á để giải quyết các thách thức trong khu vực và bảo vệ lợi ích của bản thân. Để thực hiện hiệu quả, Mỹ và Nhật Bản cần: 1) ưu tiên các dự án điều phối cơ sở hạ tầng trên biển, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, nhận thức về hàng hải (maritime domain awareness) và thực thi pháp luật; 2) thiết lập một ủy ban điều phối cấp cao; 3) cơ quan điều phối cấp làm việc cần được đặt ở thủ đô các nước trong khu vực, thay vì Washington hay Tokyo và 4) chỉ xây dựng mạng lưới đối tác khi các điều kiện trên đã được thực hiện.
Xem toàn văn bài viết tại đây.
Ryan Fedasiuk: Trung Quốc phát triển các loại phương tiện tự hành dưới biển
Kể từ năm 2018, ngư dân Indonesia thường xuyên phát hiện các phương tiện tự hành dưới biển (UUV) ở phía nam Biển Java, những phương tiện cùng với thiết bị lặn không người lái (AUV) được quân đội Trung Quốc đang phát triển và có thể được sử dụng trong các cuộc xung đột tương lai. Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu AUV vào những năm 1980 với 3 đơn vị xương sống là Viện tự động hóa Thẩm Dương (chế tạo thiết bị lặn Thám Tác Giả [Explorer] những năm 1990 đến 2000 có khả năng lặn sâu đến 6.000 mét và các tàu lặn Hải Kình 2000 [Sea-Whale 2000], Tiềm Long [Hidden Dragon]), Tổng công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (phát triển loạt AUV Hải Thần [Poseidon] và dòng tàu lượn tự động Hải Dực 1 [Haiyi 1]) và Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân (phát triển loạt AUV Smart Water). Hiện nay, Trung Quốc đang thúc đẩy các nguồn lực tư nhân cùng với quân đội để đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu về AUV và UUV. Tài liệu do Hiệp hội Kiến trúc Hải quân Trung Quốc xuất bản năm 2019 đã liệt kê 159 dự án nghiên cứu phương tiện dưới biển đang được phát triển tại hơn 40 trường đại học Trung Quốc.
Về ứng dụng của UUV và AUV, Hải quân Trung Quốc có thể sử dụng các phương tiện tự hành dưới đáy biển để khảo sát và trinh sát biển, triển khai lắp đặt và khắc phục hậu quả bom mìn trên biển, kiểm tra lắp đặt cáp ngầm và tác chiến chống ngầm. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng vấp phải những rào cản trong việc phát triển UUV và AUV trong đó rào cản lớn nhất phải kể đến là vấn đề về kỹ thuật đặc biệt là tuổi thọ pin.
Xem thêm:
CIMSEC ngày 17/8/2021: Leviathan Wakes: China’s Growing Fleet of Autonomous Undersea Vehicles
Thomas Shugart: Vận tải dân sự có thể cho phép Trung Quốc xâm lược Đài Loan như thế nào?
Trong thời gian qua, một số quan chức quân sự Mỹ đã cảnh báo nguy cơ Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong thời gian tới. Một số chuyên gia nghi ngại về năng lực vận tải đổ bộ của Trung Quốc khó có thể đáp ứng cho một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Đài Loan. Các đánh giá của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Đài Loan phần lớn đều cho rằng Trung Quốc “thiếu các phương tiện đổ bộ và hậu cần cần thiết để tiến hành một cuộc “xâm lược Đài Loan” do thiếu tàu đổ bộ và máy bay vận tải cỡ lớn.
Tuy nhiên, các đánh giá về khả năng đổ bộ của Trung Quốc thường chỉ tập trung vào các tàu tấn công đổ bộ mà không đánh giá hết tiềm năng của các tàu vận tải dân sự. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhiều năm qua đã sử dụng các tàu vận tải và phà dân dụng để vận chuyển phương tiện, vũ khí và chuyển quân trong các cuộc tập trận. Trung Quốc cũng đã ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại tàu dân sự chủ chốt để đảm bảo chúng có thể “phục vụ nhu cầu quốc phòng nếu được huy động”. Lãnh đạo Trung Quốc cũng bắt đầu tổ chức lại các đơn vị vận chuyển dân sự thành các đơn vị phụ trợ của quân đội như Tập đoàn Phà Bột Hải được tổ chức vào nhóm Vận tải thứ 8 của hạm đội tàu hỗ trợ chiến lược, Công ty vận tải eo biển Hải Nam (Hainan Strait Shipping Co.) được tổ chức như Tập đoàn vận tải số 9,… Ngoài ra, Trung Quốc gần đây đã thường xuyên diễn tập đổ bộ với sự tham gia của lực lượng vận tải dân sự; cuộc tập trận vào tháng 7/2020 thậm chí còn thử nghiệm việc “phóng” tàu đổ bộ trực tiếp từ phà dân sự với đường dốc phía đuôi đã được sửa đổi.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Hải Chiến Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc đã hoán cải phà Bổng Truỳ Đảo (Bang Chui Dao) và sử dụng cho cuộc tập trận đổ bộ tại tỉnh Quảng Đông vào mùa hè năm ngoái. Ngoài ra, dữ liệu từ Marine Traffic cũng cho thấy hai chiếc phà lớn Bột Hải Mã Châu (Bo Hai Ma Zhu) và Hoa Đông Minh Châu VIII (Huadong Pearl VIII) thường hoạt động ở phía bắc của Trung Quốc cũng đã xuất hiện gần một tàu độ bộ và các tàu hải quân khác trong cuộc tập trận này.
Tuy nhiên, lực lượng vận tải quân sự có điểm yếu cốt tử là dễ bị tấn công và không có khả năng phòng vệ, do đó Trung Quốc có thể phải sử dụng lực lượng tàu hộ tống để phòng thủ. Nếu Đài Loan, Hoa Kỳ và đồng minh sử dụng các loại vũ khí chống hạm thì “số phận” của lực lượng vận tải dân sự này có thể trở nên mong manh.
Xem thêm:
War On The Rock ngày 16/8/2021: Mind the Gap: How China’s Civilian Shipping Could Enable a Taiwan Invasion
Stephen Chen: Có phải các nhà khoa học Trung Quốc vừa hạ một máy bay không người lái bằng vũ khí xung điện từ?
Một bài báo đăng trên tạp chí Electronic Information Warfare Technology của Trung Quốc cho biết, nước này đã thử nghiệm thành công việc hạ một máy bay không người lái bằng vũ khí xung điện từ (EMP) mạnh. Mặc dù không đưa ra chi tiết về thời gian và địa điểm của cuộc thử nghiệm nhưng đây là lần đầu tiên một cuộc thử nghiệm vũ khí xung điện tử được công bố công khai. Cuộc thử nghiệm lần này được thực hiện bởi Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETEC) với một chiếc máy bay cỡ lớn bay ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển. Trước đó, Mỹ đã trình diện một vũ khí EMP nguyên mẫu có thể hạ gục 50 máy bay không người lái (kích thước bé hơn so với cuộc thử nghiệm của Trung Quốc) chỉ bằng một lần bắn vào năm 2019.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 26/8/2021: Did China just bring down an unmanned plane with an electromagnetic weapon?
Alec Ash: Chủ nghĩa dân tộc mới tại Trung Quốc
Nếu như thế hệ trẻ Trung Quốc những năm 2000 thường được miêu tả là “tự ti”, thì thế hệ trẻ Trung Quốc ngày nay có đặc điểm là trẻ và có thể tiếp cận với truyền thông nước ngoài. Chủ nghĩa dân tộc của giới trẻ Trung Quốc ngày nay vừa đến từ cảm giác nước này bị “ác quỷ hóa” trên thế giới, vừa đến từ sự tự tin về Trung Quốc. Khác với những người sinh ra trong thập niên 1980, thế hệ này chỉ biết đến một nước Trung Quốc giàu mạnh, và được giáo dục bởi chiến dịch giáo dục “ái quốc chủ nghĩa” được khởi động năm 1990.
Ngoài sự tự tin, “chủ nghĩa dân tộc mới” của Trung Quốc còn có tính “trình diễn” cao, vừa đến từ cảm xúc, vừa đến từ lợi ích cá nhân của người thể hiện khi điều này tác động tới việc thăng tiến cá nhân. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi và tận dụng chủ nghĩa dân tộc để tác động đến tâm lý mua hàng của người dân.
Khi phần thưởng càng lớn, hình phạt cũng càng lớn. Các thành phần dân tộc chủ nghĩa trên mạng tấn công cả những nhà hoạt động nữ quyền, LGBT hay cả một nhà khoa học vì “thông đồng với nước ngoài” hoặc là thành phần “bạch tả” (chỉ tư tưởng cánh tả phương Tây). Chủ nghĩa dân tộc đã chiếm thế “độc tôn” trong dư luận xã hội. Điều này cũng một phần đến từ việc các tư tưởng khác bị mất chỗ đứng.
Chủ nghĩa dân tộc và sự tự tin của Trung Quốc được thể hiện qua chính sách đối ngoại và cách Đảng Cộng sản Trung Quốc truyền đi thông điệp. Ví dụ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chuyển từ cụm từ “làm tổn thương tình cảm của người dân Trung Quốc” sang cụm từ “kích động sự giận dữ của người dân Trung Quốc”. Tuy vậy, tác giả nhận định Trung Quốc cũng lo ngại chủ nghĩa dân tộc sẽ vượt quá mức kiểm soát và quay ngược tấn công chính các lãnh đạo nước này.
Xem thêm:
The Wire China ngày 8/8/2021: China’s New Nationalism. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bloomberg: Cách các chiến binh bàn phím Trung Quốc bịt miệng những người chỉ trích Bắc Kinh
Các nhân vật dân tộc chủ nghĩa online tại Trung Quốc tấn công bất kỳ ai mà họ cho là “không yêu nước” hay “chịu sự ảnh hưởng của nước ngoài” – từ người nổi tiếng, nhà khoa học cho đến người nước ngoài hay thậm chí cả chính những nhân vật dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc như tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo Hồ Tích Tiến. Bài báo nhận định những người dân tộc chủ nghĩa đang chiếm thế thượng phong trên môi trường mạng xã hội Trung Quốc. Tuy việc thể hiện chủ nghĩa dân tộc đi ngược lại với việc xây dựng hình ảnh ôn hòa của nước này trên trường quốc tế, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác vì đây là một phần quan trọng của tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Xem thêm:
The Australian Financial Review ngày 26/8/2021: How China’s keyboard warriors are silencing Beijing’s critics. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Brad Lendon: Hải quân Mỹ đặt cược vào tàu tác chiến ven biển ở Biển Đông
Ngày 23/8/2021, sự kiện Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris bước chân lên tàu tác chiến ven biển USS Tulsa ở Singapore đã tạo ra sự chú ý về một trong những tàu chiến gây tranh cãi nhất của Hoa Kỳ. Nhiều chuyên gia đánh giá, tàu tác chiến ven biển (LCS) là mối đe dọa hàng hải với khả năng “thổi bay mọi hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông” trong khi số khác lại đánh giá là không hiệu quả khi đối đầu với Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Theo các quan chức Hải quân Hoa Kỳ, LCS “hoàn hảo” cho các mối đe dọa ven biển với tốc độ, sự linh hoạt trong các vùng biển nông, có thể di chuyển nhanh chóng giữa các đảo trên tuyến đường thủy trong khi được trang bị 8 tên lửa hành trình rất khó bị phát hiện bởi radar cũng như có thể cơ động tránh hệ thống phòng thủ của đối phương. Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự của Hoa Kỳ lại đánh giá LCS hạn chế về vũ khí khi chỉ có 8 tên lửa, ngoài ra còn có nhiều sự cố cơ khí trong lịch sử. Carl Schuster, một cựu thuyền trưởng của Hải quân Hoa Kỳ hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific đánh giá LCS sẽ “không tồn tại lâu nếu đối đầu với một đơn vị Hải quân Trung Quốc” khi mà tốc độ và sự linh hoạt không có tác dụng đối với các tên lửa chống hạm. Trong khi đó, Blake Herzinger, một sĩ quan dự bị Hải quân Mỹ đồng thời là thành viên của Diễn đàn Thái Bình Dương ở Singapore cho rằng, người ta đang phóng đại quá mực về hiệu quả của LCS đối với Trung Quốc khi các tàu chiến này.
Xem thêm:
CNN ngày 27/8/2021: Analysis: In the turbulent South China Sea, the US Navy bets on a troubled warship
Caleb Larson: Tên lửa Hải quân, vũ khí chống Trung Quốc bí mật của Hải quân Hoa Kỳ
Hải quân Quân giải phóng Nhân Dân Trung Quốc đã có những bước tiến quan trọng với quy mô lớn nhất thế giới về số lượng tàu chiến. Hải quân Trung Quốc cũng đã đạt được một số tiến bộ trong đó, ngoài số lượng tàu nổi còn có tàu ngầm có khả năng tàng hình cùng với các tàu sân bay hiện đại được chế tạo trong nước. Tuy nhiên, Hải quân Hoa Kỳ vẫn được đánh giá là lực lượng hải quân hàng đầu thế giới với nhiều năng lực vượt bậc hơn so với Trung Quốc trong đó có tên lửa tấn công hải quân (naval strike missile). Đây là nền tảng tấn công chống hạm mạnh mẽ có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển với tốc độ tiệm cận tốc độ âm thanh cùng khả năng di chuyển lướt trên bề mặt đại dương hoặc di chuyển quanh các địa hình khi bay trên đất liền để tránh sự phát hiện của radar cũng như khả năng thay đổi quỹ đạo bay ngẫu nhiên ở giai đoạn cuối giúp tên lửa né tránh các biện pháp đối phó của đối phương. Tên lửa tấn công hải quân của Hoa Kỳ sử dụng vật liệu composite tiên tiến giúp nó khó bị phát hiện hơn so với các loại tên lửa tương đương, ngoài ra tầm bắn hơn 115 dặm giúp nâng cấp đáng kể về phạm vi hỏa lực và tính hiệu quả.
Trong nghiên cứu gần đây, Viện Nghiên cứu & Thiết kế Hàng hải Trung Quốc, cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng đầu của ngành công nghiệp đóng tàu nước này đã chỉ ra rằng tàu chiến đấu ven biển của Hải quân Mỹ là mối đe dọa đáng kể đối với hải quân Trung Quốc đặc biệt là khi kết hợp với tên lửa tấn công hải quân. Trong khi đó, theo các quan chức Hải quân Hoa Kỳ, ba tàu của hải quân Trung Quốc đã đi theo một tàu chiến đấu ven biển mang theo tên lửa tấn công trong các cuộc tập trận hải quân gần đây của Mỹ ở Biển Đông trong khi chỉ dùng một tàu đối với các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke cho thấy mức độ quan tâm rất lớn của hải quân Trung Quốc đối với tàu chiến đấu ven biển và tên lửa tấn công của Mỹ.
Xem thêm:
1945 ngày 24/8/2021: Naval Strike Missile: The U.S. Navy’s Secret Weapon Against China?
—–
VIII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Congressional Research Service (4 Aug 2021) U.S.-China strategic competition in South and East China Seas: Background and issues for Congress
Báo cáo đánh giá Biển Đông, khu vực có tầm quan trọng về chiến lược, chính trị và kinh tế đối với Hoa Kỳ, đồng minh và đối tác hiện đã nổi lên như một “đấu trường” cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Các hành động của Trung Quốc gần đây như xây dựng đảo nhân tạo với quy mô lớn tại Trường Sa; tăng cường hoạt động của lực lượng chấp pháp để khẳng định tuyên bố chủ quyền chống lại các tuyên bố chủ quyền của Philippines và Việt Nam khiến các nhà quan sát Hoa Kỳ lo ngại rằng Trung Quốc đang giành được quyền kiểm soát hiệu quả tại Biển Đông. Trong khi đó, hành động của lực lượng hàng hải Trung Quốc tại quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông cũng là mối quan tâm khác của Hoa Kỳ. “Sự thống trị” của Trung Quốc tại các vùng biển gần như Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải có thể ảnh hưởng đáng kể đến các lợi ích chiến lược, chính trị và kinh tế của Hoa Kỳ không chỉ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Các mục tiêu chung của Hoa Kỳ trong cạnh tranh chiến lược cạnh tranh Mỹ – Trung tại Biển Đông và Biển Hoa Đông bao gồm thực hiện cam kết an ninh của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương trong đó có các hiệp ước với Nhật Bản và Philippines; duy trì và nâng cao cấu trúc an ninh do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Tây Thái Bình Dương bao gồm quan hệ với các đồng minh và các quốc gia đối tác; duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực có lợi cho Hoa Kỳ và đồng minh, đối tác; bảo vệ nguyên tắc giải quyết tranh chấp hòa bình; bảo vệ nguyên tắc tự do trên biển; ngăn cản Trung Quốc trở thành bá chủ khu vực Đông Á.
Mục tiêu cụ thể của Hoa Kỳ bao gồm gây sức ép để Trung Quốc không xây dựng trái phép, quân sự hóa Biển Đông; không xây dựng các cơ sở tại bãi cạn Scarborough; không tuyên bố các đường cơ sở thẳng xung quanh các thực thể mà nước này tuyên bố chủ quyền hoặc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông; khuyến khích Trung Quốc giảm bớt hoặc chấm dứt các hoạt động của lực lượng hàng hải tại quần đảo Senkaku; ngừng các hoạt động nhằm gây áp lực đối với các thực thể do Philippines chiếm đóng tại Trường Sa; cho phép ngư dân Philippines tiếp cận nhiều hơn đến vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough; áp dụng định nghĩa của Mỹ và phương Tây về quyền tự do trên biển; chấp nhận và tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài tháng 7/2016; v.v…
Các vấn đề đặt ra đối với Quốc hội Hoa Kỳ bao gồm: xem xét chiến lược của Chính quyền trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông; xem xét phê duyệt, từ chối hoặc sửa đổi chiến lược; phân bổ nguồn lực để thực hiện các chiến lược một cách hiệu quả.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
U.S. Army (2021) Chinese tactics
Báo cáo ATP 7-100.3 nằm trong loạt báo cáo ATP 7-100 của quân đội Hoa Kỳ về quân đội của quốc gia, mô tả mang tính học thuật về các chiến thuật quân sự mà Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc sử dụng để huấn luyện, đào tạo và định hướng phát triển cả về tấn công, phòng thủ và các nhiệm vụ liên quan khác. Các chủ đề cơ bản khác bao gồm tổ chức nhiệm vụ, khả năng và giới hạn liên quan đến nhiệm vụ và chức năng của quân đội. Báo cáo gồm hai phần: phần 1 mô tả học thuyết, các nguyên tắc, cơ cấu tổ chức, khả năng quy trình chỉ huy, tác chiến của quân đội Trung Quốc; phần 2 mô tả cách quân đội Trung Quốc tổ chức do thám, tấn công, phòng thủ.
Xem toàn văn Báo cáo tại đây.
Eric Heginbotham (2021) Chinese views of the military balance in the Western Pacific
CMSI China Maritime Reports ngày 6/9/2021
Báo cáo xem xét quan điểm của Trung Quốc về sự cân bằng sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về cán cân quân sự giữa hai nước nhưng nhìn chung khoảng cách của quân đội hai nước đã thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây nhưng Trung Quốc vẫn thua kém ở những vấn đề cốt lõi và khoảng cách này càng lớn khi Trung Quốc hoạt động càng xa Đại lục. Bản báo cáo gồm 5 phần chính: phần 1 phác thảo các nguồn phản ánh quan điểm của Trung Quốc; phần 2 đề cập đến các phương pháp phân tích đằng sau các đánh giá của Trung Quốc; phần 3 đánh giá cách lãnh đạo và nhà phân tích Trung Quốc nhìn nhận sự cân bằng quyền lực tổng thể hiện nay và sự thay đổi trong hai thập kỷ qua; phần 4 thảo luận về các lĩnh vực cụ thể, điểm mạnh và điểm yếu của quân đội Trung Quốc so với Hoa Kỳ và phần 5 xem xét cách các nhà phân tích Trung Quốc nhìn nhận tác động tiềm tàng của việc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xem toàn văn báo cáo tại đây.
Agatha Kratz et al. (2021) Chinese FDI in Europe: 2020 Update
MERICS Report tháng 6/2021
Trong bối cảnh đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc năm 2020 rơi xuống mức thấp nhất trong 13 năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào châu Âu cũng rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm, chỉ còn 6,5 tỷ euro năm 2020 so với 11,7 tỷ euro năm 2019. Tuy vậy, hình thức đầu tư GI (greenfield investment: công ty mẹ lập ra một công ty con ở một quốc gia khác, xây dựng các hoạt động của mình ngay từ đầu) của Trung Quốc vào châu Âu đạt mức cao nhất từ năm 2016 với 1,3 tỷ euro.
Đức, Anh và Pháp vẫn nhận hơn một nửa số vốn đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu, trong khi Ba Lan vươn lên mạnh mẽ, trở thành quốc gia nhận đầu tư nhiều thứ hai từ Trung Quốc. Tỷ trọng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có dấu hiệu tăng, từ 11% năm 2019 đến 18% năm 2020. Nguồn vốn này tương đối ổn định, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng và vật liệu cơ bản. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư tư nhân giảm gần 50%.
Trong năm 2020, các giao dịch cỡ nhỏ và vừa chiếm ưu thế và không xuất hiện các dự án đầu tư lớn hàng tỷ USD như năm 2019. Trong khi đó, xét theo lĩnh vực, các khoản đầu tư có xu hướng cần bằng hơn (thay vì 70% hướng đến sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như năm 2019). Trong năm 2020, cơ sở hạ tầng, ICT và điện tử là ba lĩnh vực lớn nhất, chiếm 51% số tiền đầu tư.
Tuy vậy, FDI của Trung Quốc đang phải đối mặt với sự xem xét kỹ lưỡng hơn từ các nước thành viên Liên hiệp Châu Âu (EU). Chiều hướng này sẽ gia tăng trong năm 2021, với FDI của Trung Quốc vào EU tiếp tục giảm trong quý 1 năm nay. Dù EU vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, FDI từ Trung Quốc phải đối mặt với các thách thức từ đại dịch COVID-19, rào cản với việc đưa vốn ra nước ngoài tại Trung Quốc, rào cản với đầu tư nước ngoài tại châu Âu và mối quan hệ xấu đi giữa EU và Trung Quốc.
Xem toàn văn báo cáo tại đây.
Coby Goldberg (2021) Open gates: Technology transfer from Chinese universities to the defense industry through joint ventures
C4ADS tháng 6/2021
Qua việc phân tích mạng lưới đầu tư vào các trường đại học Trung Quốc, tác giả chỉ ra nhiều trường đại học Trung Quốc có quan hệ với các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng lớn của Trung Quốc. Qua hợp tác, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng có thể tiếp cận với các tài sản trí tuệ và đội ngũ nhân lực trong các trường đại học. Trong khi đó, các trường đại học sẽ nhận được nguồn tài chính từ các doanh nghiệp trên.
Xem toàn văn báo cáo tại đây.
Karl Friedhoff et al. (2021) Americans, Japanese, and South Koreans wary of China’s intentions
The Chicago Council on Global Affairs
Qua các cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 3-4/2021 tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, các tác giả nhận thấy hơn 80% số người được hỏi tại cả 3 quốc gia cho rằng Trung Quốc có ý định thay thế Mỹ để trở thành quốc gia thống trị ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hoặc trên thế giới. Tuy vậy, nguy cơ từ mối đe dọa về quân sự và kinh tế của Trung Quốc đều được đánh giá thấp hơn so với các thách thức khác như đại dịch COVID-19, tỉ lệ sinh thấp (tại Nhật Bản, Hàn Quốc) hay sự phân cực chính trị, bạo lực cực đoan trong nước và chương trình hạt nhân Iran (tại Mỹ). Bên cạnh đó, việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng được coi là ưu tiên lớn hơn đối với liên minh này so với việc kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc tại châu Á.
Khảo sát cũng cho thấy 67% số người Mỹ, 73% số người Nhật Bản, 60% số người Hàn Quốc coi Trung Quốc là mối đe dọa hơn là đối tác về kinh tế. Trong khi đó, 78% số người Mỹ, 88% số người Nhật Bản và 83% số người Hàn Quốc coi Trung Quốc là mối đe dọa hơn là đối tác về an ninh. Phần lớn người Hàn Quốc (72%) và Nhật Bản (80%) coi nước còn lại là đối thủ. Trong khi đó, phần lớn người dân hai nước này coi sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ giúp gia tăng ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Xem toàn văn báo cáo tại đây.
———-
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.