Bản Tin Thực Địa (Trích Bản Tin Biển Đông Số 75)

Lời trần tình: Chúng tôi xin phép đăng trễ Bản Tin Biển Đông tuần này. Hôm thứ Hai ngày 9/8/2021, thành viên phụ trách điều phối và biên tập vòng 1 cho bản tin tuần này, TS. Vân Phạm, bất ngờ nhận được giấy mời đi tiêm vaccine phòng chống COVID-19, và hiện nay đang trải qua 3 ngày dưới tác dụng phụ của vaccine bao gồm sốt và đau mệt khắp người, cánh tay bị đau không thao tác được. Dù đã rất cố gắng nhưng chị đã không thể hoàn thành kịp phần việc của mình, và do sự việc đột xuất nên các thành viên khác cũng không kịp sắp xếp công việc để có thể làm thay chị.

Để đảm bảo tính thời sự của thông tin, chúng tôi xin đăng tải phần tin thực địa trước. Và những phần còn lại, chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành việc biên tập để đăng tải trọn vẹn bản tin sớm nhất có thể.

Kính mong quý độc giả thông cảm cho những khó khăn trong những ngày đại dịch, và kính chúc tất cả mọi người đều sớm được bảo vệ qua tiêm chủng phòng chống dịch COVID-19.

Trân trọng,

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

———-

BẢN TIN THỰC ĐỊA

(Trích Bản Tin Biển Đông Số 75 – tuần từ ngày 2 – 9/8/2021)

Trung Quốc đồng loạt tổ chức tập trận trên nhiều khu vực gần bờ và ở quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông

Theo thông báo của Cục Hải sự Quảng Đông và Hải Nam, kể từ đầu tháng 8/2021, Trung Quốc tổ chức 6 đợt tập trận tại khu vực ven biển phía nam tỉnh Quảng Đông (3 đợt), vịnh Bắc Bộ (2 đợt) và khu vực từ quần đảo Hoàng Sa đến phía đông nam đảo Hải Nam (1 đợt). Cụ thể:

– Khu vực ven biển thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông, 2 đợt tập trận trong ngày 6/8/2021 và từ 6-8/8/2021.

– Khu vực ven biển Sán Vỹ, tỉnh Quảng Đông, 1 đợt tập trận từ 5-12/8/2021.

– Khu vực phía tây bán đảo Lôi Châu, 1 đợt từ 4-13/8

– Khu vực eo biển Hải Khẩu, 1 đợt từ 9-10/8.

– Tại khu vực rộng lớn kéo dài từ phía đông đảo Hải Nam đến hết phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa trong thời gian từ 6-10/8/2021. Đáng chú ý, Trung Quốc đã thiết lập một vùng cấm bay gần bao phủ lên khu vực tập trận trong thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 8/8/2021 (giờ Trung Quốc). Thông thường, vùng cấm bay này sẽ được thiết lập trong trường hợp diễn tập không quân hoặc thử tên lửa. Trước đó ngày 29/7/2021, Trung Quốc cũng đã tập trận tại khu vực ven biển phía đông nam đảo Hải Nam.

Sơ đồ các cuộc tập trận của Trung Quốc trong tháng Tám. Dựng bản đồ dựa trên toạ độ do Cục Hải sự Trung Quốc cung cấp: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Các cuộc tập trận trên nhiều khu vực như vậy diễn ra trong bối cảnh Hải quân Hoa Kỳ tổ chức hai cuộc tập trận quy mô lớn, Large Scale Global Exercise ’21 của Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hợp tác với các lực lượng của Nhật Bản, Úc, Anh, và Large Scale Exercise 21 của Hải quân Hoa Kỳ, cũng như việc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tập trận cùng Hải quân Singapore tại Biển Đông; với Mỹ, Australia, Pháp và Nhật Bản tại Biển Philippines. 

Hoạt động của Hải cảnh và tàu nghiên cứu và khảo sát Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia

Như đã đưa tin trong Bản Tin Biển Đông Số 74, tàu nghiên cứu và khảo sát hải dương Hướng Dương Hồng 10 đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia từ ngày 10/7/2021. Khu vực hoạt động kéo dài từ Cụm bãi cạn Luconia đến vị trí cách bãi cạn này khoảng 160 hải lý về phía đông, vị trí gần nhất cách bờ biển Malaysia khoảng 40 hải lý.

Trong khi đó, từ ngày 15/7/2021, Malaysia đưa tàu khoan West Capella hoạt động tại khu vực cách bãi cạn Luconia khoảng 105 hải lý về phía đông, cách bờ biển nước này khoảng 60 hải lý.

Ngày 3/8, Hướng Dương Hồng 10 đã di chuyển qua khu vực tàu khoan West Capella. Vị trí gần nhất cách tàu khoan Malaysia chỉ khoảng hơn 2 hải lý.

Ngoài ra, hai tàu hải cảnh của Trung Quốc là 3303 và 4303 cũng đã xuất hiện tại khu vực hoạt động của tàu khoan Malaysia. Trong đó, Hải cảnh 3303 hoạt động tại khu vực này bắt đầu từ ngày 16/7 và đã tiếp cận tàu khoan vào ngày 30/7 với khoảng cách gần nhất khoảng hơn 4 hải lý. Sau khi Hải cảnh 3303 rời đi, Hải cảnh 4303 đến thay thế và tiếp cận tàu khoan ngày 3/8.

Cần lưu ý thêm rằng, Trung Quốc cũng đang bố trí một tàu hải cảnh khác là 5303 hoạt động tại Cụm bãi cạn Luconia. Đây là khu vực mà tàu Hải cảnh Trung Quốc hoạt động thường xuyên và liên tục trong vài năm gần đây.

Đến ngày 4 và 5/8, tàu tuần tra KD Keris của Hải quân Malaysia đã hoạt động gần tàu nghiên cứu khoa học Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc.

Một tàu Hải cảnh khác của Trung Quốc là 5202 cũng đang hoạt động tại khu vực phía nam Biển Đông gần vị trí của giàn khoan Noble Clyde Boudreaux với khoảng cách gần nhất khoảng hơn 3 hải lý kể từ cuối tháng 6/2021. Ngày 8/8, Hải cảnh 5202 đã rời khu vực tác nghiệp di chuyển về phía đông bắc, kết thúc giai đoạn áp sát giàn khoan do Indonesia thuê kéo dài gần 2 tháng qua.

Sơ đồ hoạt động của Hải cảnh 5202 áp sát giàn Noble Clyde Boudreaux đang hoạt động theo hợp đồng với Indonesia. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic.

Mỹ tổ chức tập trận quy mô lớn tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhiều khu vực trên toàn cầu

Theo Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đang tiến hành Cuộc tập trận Toàn cầu Quy mô lớn ’21, LSGE ’21 từ ngày 2 cho đến hết ngày 27/8/2021. LSGE ’21 là một cuộc tập trận về không quân, đất liền và trên biển, huấn luyện thực địa, hoạt động không gian mạng và không gian, cũng như các hoạt động tác chiến đặc biệt và hậu cần trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cuộc tập trận có sự tham gia của Lục quân Hoa Kỳ, Không quân Hoa Kỳ (USAF), Hải quân Hoa Kỳ và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (USMC) cũng như Quân đội Anh, Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) và Nhật Bản (JSDF).

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John F. Kirby cho biết cuộc tập trận này sẽ cải thiện năng lực tương tác, tăng cường liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ, và cung cấp một môi trường đa quốc gia phức tạp và đầy thử thách để các lực lượng trau dồi kỹ năng của họ.

Và trong khi lực lượng Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ đang diễn tập LSGE21, Cuộc tập trận Quy mô lớn của Hải quân Hoa Kỳ, LSE21, sẽ diễn ra đến hết ngày 16/8/2021 với các lực lượng hải quân hoạt động trên toàn cầu bao gồm hơn 80 đơn vị trải dài 17 múi giờ và sáu đơn vị Hải quân và Thủy quân lục chiến. Các đơn vị sẽ tham gia huấn luyện đội tàu tích hợp toàn cầu theo kịch bản trực tiếp và mô phỏng. Đây được cho là cuộc tập trận quy mô chưa từng có kể từ Chiến tranh Lạnh.

Những cuộc tập trận lần này nhằm chứng minh khả năng Mỹ có thể đồng thời giải quyết các thách thức ở Biển Đen, Địa Trung hải, Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm ngăn chặn nỗ lực dàn mỏng lực lượng quân sự Hoa Kỳ đồng thời chứng minh Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ có thể kiểm soát các vùng biển quan trọng ở Tây Thái Bình Dương nơi Hoa Kỳ hi vọng ngăn chặn Trung Quốc chiếm Đài Loan và quần đảo Senkaku.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 9/8/2021: Pentagon Press Secretary John F. Kirby Holds a Press Briefing

Star And Stripes, ngày 2/8/2021, Navy and Marine exercise to span 17 time zones on a scale last seen during the Cold War

America’s Navy, ngày 3/8/2021, U.S. Navy Kicks Off Large-Scale Exercise 2021

Naval Technology, ngày 3/8/2021, US Indo-Pacific Command commences Large Scale Global Exercise 21

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông để đảm bảo sự thịnh vượng chung

Ngày 3/8, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado, Đô đốc John C. Aquilino, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương cho biết Hoa Kỳ quan tâm đến các hành động của Bắc Kinh, vốn không khớp với các phát biểu của lãnh đạo nước này. Ông Aquilino nói, các hành động của Trung Quốc ở Hồng Kông không tuân theo lời hứa về quyền tự trị theo thỏa thuận năm 1997 với Chính phủ Anh. “Chúng tôi thấy những hành động tương tự nếu bạn nhìn vào biên giới Ấn Độ – chúng tôi quan tâm đến điều đó. Nếu bạn nhìn vào những hành động liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và những vi phạm những gì chúng tôi tin – phẩm giá, sự tôn trọng và nhân quyền – rằng chúng tôi quan tâm đến những hành động đó”, Đô đốc Aquilino nói.

Bộ tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng quan tâm đến các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông – điều mà theo ông Aquilino là can thiệp vào cuộc sống và thịnh vượng của tất cả các quốc gia trong khu vực. Chúng tôi quan tâm đến yêu sách trái phép [của Trung Quốc] đối với toàn bộ Biển Đông – tác động trực tiếp và tiêu cực đến tất cả các quốc gia trong khu vực, từ sinh kế của họ, cho dù đó là đánh bắt cá đến tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên”, Aquilino nói.

Ông Aquilino cũng cho biết, Mỹ đã hoạt động ở Thái Bình Dương hơn 80 năm nay và sẽ tiếp tục làm như vậy, bao gồm cả để duy trì các trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc mà Mỹ và tất cả các quốc gia ở Thái Bình Dương phụ thuộc vào để đảm bảo sự phồn thịnh.

Xem thêm:

U.S. Dept Of Defense ngày 4/8/2021: U.S. Will Continue to Operate in South China Sea to Ensure Prosperity for All

Ấn Độ triển khai lực lượng đặc nhiệm Hải quân vào Biển Đông và tập trận với các quốc gia trong khu vực

Người phát ngôn Hải quân Ấn Độ, Vivek Madhwal cho biết lực lượng đặc nhiệm gồm 4 tàu hải quân thuộc Hạm đội Miền Đông nước này dự kiến sẽ triển khai tới Đông Nam Á, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương trong vòng 2 tháng bắt đầu từ đầu tháng 8/2021. Nhóm tàu của Hải quân Ấn Độ bao gồm tàu ​​khu trục tên lửa dẫn đường Ranvijay, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Shivalik, tàu hộ tống chống tàu ngầm Kadmatt và tàu hộ tống tên lửa dẫn đường Kora sẽ tham gia tập trận đa phương MALABAR-21 cùng với Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ nhằm tăng cường sự phối hợp với “các quốc gia thân thiện” dựa trên lợi ích hàng hải chung và cam kết về tự do hàng hải. Ngoài ra, các tàu chiến này cũng sẽ tham gia tập trận song phương với Hải quân các nước Philippines, Việt Nam, Singapore, Indonesia và Australia để tăng cường hợp tác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh hàng hải.

“Việc triển khai các tàu của Hải quân Ấn Độ nhằm nhấn mạnh tầm hoạt động, sự hiện diện hòa bình và tình đoàn kết với các nước thân thiện nhằm đảm bảo trật tự tốt trong lĩnh vực hàng hải …” Hải quân Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.

Theo một số nhà phân tích, trên thực tế Hải quân Ấn Độ đã được triển khai ở Biển Đông kể từ năm 2000, thường là hai lần mỗi năm, bao gồm các hoạt động đơn phương cũng như các cuộc tập trận, ghé cảng song phương với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam. Đã có một số sự cố mà Trung Quốc được cho là, qua radio, đã yêu cầu tàu Ấn Độ rời khỏi “vùng biển của Trung Quốc”.  Đầu tháng 5/2019, hai tàu Hải quân Ấn Độ đã tham gia vào đội tàu bao gồm các tàu của các hải quân Nhật Bản, Philippines và Mỹ đi qua Biển Đông.

Xem thêm:

AP ngày 4/8/2021, Indian navy ships to join exercises in Indo-Pacific

Government of India ngày 2/8/2021 Eastern Fleet Ships on Overseas Operational Deployment

Edition ngày 3/8/2021, India to deploy naval task force into South China Sea and beyond

Tàu sân bay Anh không di chuyển gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng các tàu hỗ trợ đã không đi gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã cải tạo ở Biển Đông. Như vậy, Anh đã “tránh cùng với Hoa Kỳ thách thức trực tiếp yêu sách lãnh thổ 12 hải lý của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp”. Nhóm tàu sân bay tấn công, HMS Queen Elizabeth đã tiến hành các cuộc tập trận tự do hàng hải và tập trận quân sự với các nước khác trong tuần trước trước khi rời Biển Đông đi vào vùng Biển Philippines vào ngày 2/8.

Các nguồn tin quốc phòng Anh cho biết, Vương quốc Anh không có kế hoạch tiến hành một cuộc đối đầu với Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó nguồn tin thân cận từ PLA cho biết, Quân đội Trung Quốc “hài lòng” với hoạt động của nhóm tàu sân bay tấn công Anh trong Biển Đông vừa qua.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 4/8/2021, South China Sea: British warships ‘didn’t sail near’ Chinese artificial islands

Châu Âu phô diễn sức mạnh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong nỗ lực ủng hộ Hoa Kỳ kiềm chế Bắc Kinh ở Biển Đông

Sau khi đến Biển Philippines, nhóm tàu sân bay tấn công của Anh sẽ cùng Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Pháp tham gia các cuộc tập trận ở gần Biển Đông. Sự xuất hiện của HMS Queen Elizabeth là một phần trong xu hướng năm nay của các nước Châu  Âu gửi “hỏa lực Hải quân” tới Ấn Độ – Thái Bình Dương để thể hiện sự ủng hộ đối với nỗ lực của Washington trong việc kiềm chế Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Trước đó, hồi tháng 5, Pháp đã điều một tàu khu trục nhỏ và một tàu tấn công đến gần quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo; một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Pháp đã đi qua Biển Đông vào đầu năm nay; các máy bay chiến đấu và máy bay vận tải của Pháp dự định sẽ tiến hành cuộc tập trận trong tháng này tại khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, tàu khu trục Bayern của Đức cũng đã khởi hành vào ngày 2/8 cho chuyến hành trình đến Ấn Độ – Thái Bình Dương với 230 thủy thủ đoàn và dự kiến sẽ đi qua Biển Đông. Sự tham gia ngày càng sâu rộng của Anh, Pháp và Đức tại Biển Đông cho thấy các nước này đánh giá cao tầm quan trọng của vùng biển này trong giai đoạn hiện nay. 

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 6/8/2021: Europe pushes back against Beijing with shows of Indo-Pacific muscle

Tại sao Trung Quốc chưa trả lời đề nghị của phía Đức cho tàu chiến cập cảng 

Lần đầu tiên sau hai thập kỷ, một tàu chiến Đức đang hướng đến Biển Đông khi khinh hạm Bayern rời cảng ở Tây Đức vào ngày 2/8/2021 trong một hành trình dự kiến kéo dài khoảng 6 tháng. Theo phía Đức, việc triển khai tàu chiến lần này giúp thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên đồng thời tham gia một số cuộc tập trận Hải quân và ghé thăm cảng biển của một số quốc gia trong khu vực. Chuyến đi diễn ra sau lời kêu gọi của Hoa Kỳ yêu cầu các đồng minh của mình quan tâm nhiều hơn đến Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả quá cảnh qua Biển Đông. 

Mặt khác, Đức đã đề nghị Trung Quốc cho phép tàu chiến ghé cảng Thượng Hải đồng thời mời Trung Quốc tham gia “Tuần lễ Kiel” và các sự kiện khác vào tháng 9. Đức cũng cam kết rằng tàu chiến Đức sẽ không đi qua trong phạm vi 12 hải lý của bất kỳ thực thể nào ở Biển Đông. Hành động của Đức được các nhà quan sát cho rằng dường như không muốn làm Trung Quốc phật lòng khi đưa tàu chiến qua Biển Đông.

Phía Bắc Kinh đã yêu cầu Đức làm rõ lý do ghé cảng Thượng Hải, phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc không thích sự mập mờ.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 7/8/2021: Why China is not saying yes – or no – to the German navy’s port call request

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.