(Tuần từ 17 – 24/05/2021)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Trần Phạm Bình Minh, Lưu Việt Hà, Đỗ Xuân Hồng
Biên tập: Nguyễn Trịnh Đôn
Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Tải Bản PDF ở
———
Trong Bản Tin Biển Đông Số 64 có những nội dung sau:
I- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ CÁC ĐỐI TÁC
II- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
III- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
IV- QUAN HỆ MỸ – TRUNG
V- QUAN HỆ ÚC -TRUNG
VI- QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC
VII- MỸ – NGA – TRUNG
VIII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
IX- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
———-
I- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ CÁC ĐỐI TÁC
Hải cảnh Trung Quốc tiếp tục tiếp cận các lô dầu khí của Việt Nam
Sau lần đầu vào ngày 16/5/2021, Hải cảnh 5302 đã tiếp tục thực hiện thêm 2 lần tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại Lô 06.1 và Lô 05.3 vào các ngày 19 và 22/5/2021 với mục tiêu vẫn là giàn khai thác tại mỏ Lan Tây và giàn khai thác tại mỏ Hải Thạch.
Tàu nghiên cứu khoa học Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines
Tàu nghiên cứu khoa học biển Gia Canh (Jia Geng) của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines từ phía đông bắc quần đảo Trường Sa đến cửa eo Bashi với khoảng cách đến bờ biển nước này từ 100 đến 160 hải lý. Trước đó, ngày 5/5/2021, tàu nghiên cứu biển của Trung Quốc rời cảng Hạ Môn và hoạt động tại khu vực phía đông bãi Macclesfield từ 30 đến 60 hải lý từ ngày 7 đến 10/5. Từ ngày 12/5, Gia Canh bắt đầu đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines sau đó đã tác nghiệp tại khu vực phía đông bắc Bãi Cỏ Rong và vùng biển phía tây Philippines cách bờ biển nước này từ 90 đến 120 hải lý.
Trong khi đó, tàu nghiên cứu biển Thực Nghiệm 2 cũng đã hoạt động theo trục Bắc – Nam song song với tàu Gia Canh cách hải trình của Gia Canh khoảng 90 hải lý về phía Tây. Hành trình của Thực Nghiệm 2 cũng một phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ngày 20/5, Thực Nghiệm 2 hoạt động tại khu vực cửa eo biển Bashi sau đó di chuyển về gần Hồng Kông.
Philippines tăng cường tuần tra bãi cạn Scarborough
Philippines tiếp tục đưa các tàu tuần tra thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển nước này tới hoạt động tại khu vực bãi cạn Scarborough và đảo Thị Tứ (quần đảo Trường Sa) trong đó từ ngày 18-19/5 có tới 3 tàu tuần tra của Philippines tại Scarborough và từ ngày 20/5 đến hiện tại (23/5) có 2 tàu tại đảo Thị Tứ. Cụ thể :
+ BRP Sindangan hoạt động tại Scarborough từ 18 đến 21/5.
+ BRP Habagat hoạt động tại Scarborough từ 18 đến 19/5.
+ BRP Gabriela Silang hoạt động tại Scarborough từ 18 đến 19/5 và đảo Thị Tứ từ 20/5.
+ BRP Cabra tại Thị Tứ từ ngày 20/5.
Tổng thống Philippines cấm nội các bàn công khai về Biển Đông, quyết định ngó lơ chỉ trích
Ngày 17/5/2021, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố đã cấm nội các thảo luận công khai về Biển Đông. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque làm rõ vào ngày 18/5 rằng chỉ ông và Ngoại trưởng Teodoro Locsin có quyền nói về vấn đề này. Ông khẳng định các báo cáo của Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Biển Tây Philippines (NTF-WPS) cần chuyển cho Bộ Ngoại giao, cơ quan có quyền quyết định có cần phản đối về ngoại giao hay không. Điều này có nghĩa Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và NTF-WPS không còn quyền phát ngôn hay công bố báo cáo về Biển Đông.
Trong khi đó, trong cuộc điện đàm với cựu Chủ tịch Thượng viện, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Juan Ponce Enrile hôm 17/5, Tổng thống Duterte tuyên bố quyết định ngó lơ những lời chỉ trích về Biển Đông.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 18/5, ông Duterte khẳng định các lực lượng Philippines sẽ tiếp tục tuần tra trên biển Đông.
Xem thêm:
Inquirer ngày 17/5/2021: Duterte tells Cabinet: No one talks about West PH Sea row except through spox
Inquirer ngày 18/5/2021: Lorenzana, NTF-WPS no longer allowed to talk, issue statements on sea row with China
Philippine News Agency ngày 18/5/2021: Upon JPE’s advice, Duterte decides to ignore critics on WPS issue
RFA ngày 18/5/2021: Philippine Leader: South China Sea Patrols Will ‘Firmly Assert What is Ours’
Mỹ sẵn sàng rút quân khỏi Philippines trong vài tháng nữa nếu không có Thỏa thuận Các Lực lượng Thăm viếng mới
Khoảng 400 binh sĩ Mỹ và các nhà thầu quốc phòng triển khai ở miền nam Philippines có thể bị rút đi trong vòng vài tháng nếu Washington và Manila không ký Thỏa thuận Các Lực lượng Thăm viếng (VFA) mới vào thời điểm đó. Hoa Kỳ đã “sẵn sàng rút” đội ngũ binh sĩ khỏi nhóm đảo Mindanao nơi họ đang tham gia vào các chiến dịch chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan và phiến quân, Giáo sư Quan hệ quốc tế Renato De Castro thuộc Đại học De la Salle ở Manila cho biết trong một cuộc hội thảo trực tuyến do Viện Đông Á Weatherhead thuộc Đại học Columbia tổ chức hôm 14/5.
Kể từ năm 2002, Hoa Kỳ đã duy trì sự hiện diện luân phiên của quân đội ở Philippines để chống lại các tay súng hồi giáo nhưng có thể sẽ rút quân trước tháng 6 hoặc tháng 7 tới nếu không có thỏa thuận nào mới được đưa ra, Giáo sư De Castro cho biết. Nếu điều này xảy ra sẽ làm tổn hại đến các hoạt động chống khủng bố của chính phủ chống lại các nhóm có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo.
Cho đến năm 1991, Hải quân và Không quân Hoa Kỳ đã duy trì hai căn cứ ở Philippines là Trạm Hải quân Vịnh Subic và Căn cứ Không quân Clark. Cả hai đều bị hư hại do núi lửa Pinatubo phun trào vào năm đó; những tranh cãi về chi phí xây dựng lại cũng như sự bất bình ngày càng tăng của người dân Philippines đối với các binh sĩ Mỹ bị cáo buộc phạm tội thường xuyên trốn khỏi Philippines để tránh các phiên tòa đã khiến cho thỏa thuận sử dụng 2 căn cứ này bị tạm dừng.
Sau nhiều năm tranh cãi, hai nước đã ký VFA vào năm 1999, cho phép quân đội Mỹ tạm trú với điều kiện những tội ác do họ gây ra sẽ được xét xử tại tòa án Philippines trong khi Mỹ sẽ giữ quyền giám hộ bị cáo cho đến khi bị kết án cuối cùng. Tuy nhiên tháng 2/2020, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ chấm dứt VFA sau khi Mỹ đã đơn phương hủy bỏ thị thực vào Mỹ của Thượng Nghị sĩ Ronald “Bato” dela Rosa, cựu cảnh sát trưởng quốc gia do dính líu đến cuộc chiến chống ma túy của dưới thời ông Duterte. VFA được cho là đã bị chấm dứt vào tháng 8 năm ngoái, nhưng chính phủ Duterte đã đình chỉ việc hủy bỏ trong sáu tháng, sau đó đình chỉ quyết định một lần nữa vào tháng Hai năm nay.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể đợi cho đến khi nhiệm kỳ của Duterte kết thúc vào tháng 7 năm sau để đàm phán lại VFA với chính quyền mới, De Castro cho biết thêm. Tuy nhiên, Jose Antonio Custodio, một nhà phân tích và sử học quốc phòng, cho biết ông chưa nghe nói về bất kỳ kế hoạch rút quân Mỹ sắp xảy ra.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 17/5/2021: US ready to pull troops from Philippines ‘in months’ if no new VFA: expert
Tham vấn Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc
Ngày 18/5/2021, Hội nghị Tham vấn Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN-Trung Quốc (ACSOC) thường niên lần thứ 27 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tham dự hội nghị có trưởng đoàn quan chức cao cấp (SOM) ASEAN của các nước thành viên và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ngô Giang Hạo. Hội nghị đã khẳng định việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc đặc biệt dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6/2021.
Theo Báo Quốc tế, Hội nghị ghi nhận mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19, kim ngạch thương mại ASEAN – Trung Quốc tăng 32,9% và thương mại với ASEAN chiếm 15% toàn bộ kim ngạch thương mại của Trung Quốc, khiến cả Trung Quốc và ASEAN trở thành những đối tác thương mại hàng đầu của nhau trong năm qua.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các nước nhấn mạnh cần phối hợp bảo đảm một môi trường hoà bình, an ninh, ổn định và thượng tôn pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho tập trung phòng chống dịch bệnh ở khu vực, trong đó có Biển Đông, đồng thời tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và sớm nối lại các cuộc đàm phán bị hoãn do ảnh hưởng do COVID-19 để sớm đạt được một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) hiệu lực, hiệu quả.
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng bày tỏ trông đợi hai bên đóng góp tích cực cho bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, thượng tôn pháp luật, kiềm chế và giải quyết hòa bình các tranh chấp và khác biệt; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông và phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.
Còn theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phía ASEAN đã bày tỏ sẵn sàng tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Trung Quốc trên các lĩnh vực như chống dịch, khôi phục kinh tế, kết nối liên thông, phát triển bền vững, và chuyển đổi kỹ thuật số, và duy trì đà tham vấn “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” để đẩy quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Xem thêm:
Báo Thế giới & Việt Nam ngày 18/5/2021: ASEAN-Trung Quốc tăng cường hợp tác ứng phó dịch bệnh Covid-19
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/5/2021: 外交部部长助理吴江浩出席中国-东盟高官磋商
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Thái Lan
Ngày 19/5/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có các cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Khối thịnh vượng chung & Phát triển Anh Dominic Raab và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai.
Trong cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng Việt – Anh, hai bên thảo luận về tăng cường mối quan hệ giữa Anh và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; nhấn mạnh việc đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Ông Raab cảm ơn Việt Nam ủng hộ và hỗ trợ Anh trong nỗ lực trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN cũng như việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện & Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng Việt Nam – Thái Lan, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác và chia sẻ về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, theo tường thuật của báo chí Việt Nam.
Xem thêm:
Báo Tin tức ngày 19/5/2021: Việt Nam đề nghị Anh xem xét việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa COVID-19
Báo Tin tức ngày 19/5/2021: Việt Nam – Thái Lan thúc đẩy giao thương, phục hồi kinh tế sau đại dịch
Bộ Ngoại giao Thái Lan ngày 20/5/2021: Deputy Prime Minister and Minister of Foreign Affairs Enhanced “Strengthened Strategic Partnership” between Thailand and Vietnam in All Dimensions in a Telephone Conversation with Minister of Foreign Affairs of Vietnam
Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Philippines điện đàm
Ngày 19/5/2021, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có cuộc điện đàm, trong đó hai bên thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm như Biển Đông, COVID-19, hợp tác kinh tế… Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ trong xúc tiến “Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”, cũng như “Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Thủ tướng Suga phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như bày tỏ quan ngại về các động thái gần đây của Trung Quốc, bao gồm Luật Hải cảnh. Tổng thống Duterte khẳng định các mối quan hệ đồng minh và đối tác cần góp phần vào ổn định ở Biển Đông, cũng như lợi ích chung ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 19/5/2021: Japan-Philippines Summit Telephone Talk
Phủ Tổng thống Philippines ngày 20/5/2021: President Duterte tackles South China Sea, security issues with Japanese PM Suga
Trung Quốc bán nhiên liệu máy bay cho Myanmar
Theo Reuters, chi nhánh Singapore của Công ty Dầu khí Trung Quốc đã bán 13.300 tấn nhiên liệu máy bay cho Myanmar vào tháng 4/2021, dựa trên dữ liệu nhập khẩu của chính phủ Myanmar.
Xem thêm:
Reuters ngày 20/5/2021: PetroChina ships jet fuel to junta-ruled Myanmar, data shows
Thủ tướng Singapore: Mỹ và Trung Quốc cần học cách hợp tác nếu không muốn chiến tranh
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Toàn cầu về Phục hồi Kinh tế, được tổ chức bởi Hiệp hội Thương mại Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Mỹ và Trung Quốc phải học cách hợp tác, dù hai nước có thể không “hoàn toàn tin” nhau. Hai bên cần phải vượt qua bản năng chủ nghĩa dân tộc và quan niệm rằng “Dù có hoàn toàn tin nhau hay không, dù họ có phải là bạn ta hay không, họ cần là đối tác của ta”.
Xem thêm:
SCMP ngày 20/5/2021: US, China must learn to cooperate or war could ruin us all: Singapore PM Lee Hsien Loong
Đối thoại Quan chức Quốc phòng ASEAN
Ngày 20/5/2021, Hội nghị Đối thoại Quan chức Quốc phòng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tham dự hội nghị có đại diện 27 nước thành viên ARF, đại diện Ban Thư ký ASEAN. Hội nghị có chủ đề “Công nghệ mới nổi và tác động đối với quốc phòng-an ninh”.
Xem thêm:
Quân đội Nhân dân ngày 20/5/2021: Đối thoại Quan chức Quốc phòng Diễn đàn khu vực ASEAN
Hội nghị quốc tế về Tương lai Châu Á 2021
Trong hai ngày 20-21/5/2021, Hội nghị quốc tế về Tương lai Châu Á 2021 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Hội nghị do Tập đoàn Nikkei tổ chức và có sự tham dự của nhiều lãnh đạo và học giả và chuyên gia hàng đầu khu vực. Những chính trị gia tham dự hội nghị đã có một số phát biểu đáng chú ý.
“Nếu tôi không dựa vào Trung Quốc, tôi dựa vào ai đây? Nếu tôi không yêu cầu Trung Quốc, tôi yêu cầu ai đây”, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói. Ông cũng phủ nhận việc Campuchia có kế hoạch cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định Philippines sẽ không “chọn phe” trong “cạnh tranh giữa các nước lớn”. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng nhóm Bộ Tứ là một chiến lược “cũ”, có nguy cơ khiêu khích Trung Quốc. Ông cũng cho rằng Bộ Tứ cần đàm phán một cách hòa bình với Trung Quốc nhằm đảm bảo ổn định và lợi ích về kinh tế cho các bên.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 20/5/2021: Cambodia’s Hun Sen: ‘If I don’t rely on China, who will I rely on?’
Nikkei Asia ngày 20/5/2021: ‘Old’ Quad strategy risks provoking China: Malaysia’s Mahathir
Nikkei Asia ngày 21/5/2021: Duterte says Philippines won’t take sides as US and China tussle
Nhật Bản đề nghị hợp tác chế tạo tàu chiến với Indonesia
Nếu dự án thành hiện thực, nó sẽ tăng cường khả năng của Indonesia trong việc ngăn chặn sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông và củng cố sự hợp tác của Nhật Bản với ASEAN, theo The Sankei Shimbun. Nhật Bản, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ đang cạnh tranh về các hợp đồng tàu liên quan đến quốc phòng với Jakarta.
Xem thêm:
Japan Forward/The Sankei Shimbun ngày 21/5/2021: Japan Offers to Jointly Build Warship with Indonesia
Bộ Ngoại giao Philippines: Philippines và Trung Quốc trao đổi “thân thiện và thẳng thắn” về Biển Đông
Hôm thứ Bảy ngày 22/5/2021, Philippines và Trung Quốc đã tổ chức đối thoại về Biển Đông dưới cơ chế tư vấn song phương được bắt đầu từ năm 2016 nhằm mục đích xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông. Đối thoại diễn ra trong bối cảnh trước đó, phía Philippines đã liên tục công bố báo cáo về sự hiện diện số lượng lớn tàu dân quân biển Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, neo đậu dài ngày ở Bãi Ba Đầu, và hai bên đã có những tuyên bố to tiếng qua lại.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết “Hai bên đã có những trao đổi thân thiện và thẳng thắn về tình hình chung và các vấn đề cụ thể cùng quan tâm ở Biển Đông.” “Hai bên đều thừa nhận tầm quan trọng của đối thoại trong việc xoa dịu căng thẳng và trong việc hiểu rõ quan điểm cũng như ý định của mỗi nước trong khu vực.”
Xem thêm:
Reuters ngày 22/5/2021: Philippines and China hold ‘friendly and candid’ talks on South China Sea
Điện đàm Chủ tịch Trung Quốc – Việt Nam: Tập Cận Bình quan tâm tới việc xây dựng cộng đồng Trung – Việt chiến lược với tương lai chung
Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Ông Tập nói với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc rằng Trung Quốc đã sẵn sàng nỗ lực tích cực cùng Việt Nam xây dựng hai quốc gia thành một cộng đồng với một tương lai chung có ý nghĩa chiến lược.
Ông Tập nhấn mạnh hai bên nên tiếp tục tận dụng những lợi thế đặc biệt của kênh trao đổi liên đảng nhằm làm sâu sắc thêm chia sẻ kinh nghiệm về quản trị nhà nước. Hai bên nên phát huy đầy đủ vai trò điều phối của Ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Trung – Việt, thúc đẩy sức mạnh tổng hợp chất lượng cao giữa “Sáng kiến Vành đai & Con đường” của Trung Quốc với kế hoạch “Hai Hành lang Một Vòng tròn Kinh tế” của Việt Nam.
Ông Tập kêu gọi tăng tốc kết nối cơ sở hạ tầng và khai thác đầy đủ tiềm năng hợp tác của các hình thức kinh doanh và động lực mới, tăng cường trao đổi nhân dân, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án của Trung Quốc hỗ trợ lợi ích công cộng tại Việt Nam.
Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục cung cấp hỗ trợ tối đa trong năng lực của mình cho trận chiến của Việt Nam chống lại đại dịch, ông Tập nói.
Bản tin phía truyền thông Việt Nam có nhiều khác biệt so với bản tin của Tân Hoa Xã. Phía truyền thông Việt Nam không nhắc gì đến ý tưởng của ông Tập về việc xây dựng “cộng đồng Trung – Việt chung tương lai có nghĩa chiến lược” cũng như một loạt đề xuất khác của ông Tập về việc phối hợp các kế hoạch kinh tế hai bên.
Trong khi Tân Hoa Xã không nhắc đến việc Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mời ông Tập sang thăm Việt Nam cũng như vấn đề Biển Đông, bản tin của VnExpress cho biết “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng mời Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Quốc thăm Việt Nam, đồng thời nêu một số biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước như tăng cường hợp tác phòng chống dịch Covid-19, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân, nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, ổn định, cùng xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển theo nhận thức chung cấp cao, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tiếp tục tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương.”
Tờ VnExpress cũng cho biết “Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của giao lưu và tiếp xúc cấp cao, trân trọng mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc, đề nghị các bộ ngành, địa phương hai nước tích cực trao đổi, tạo cục diện hợp tác cùng có lợi, kiên trì nhận thức chung cấp cao, tích lũy kinh nghiệm, quản lý bất đồng, tăng cường hợp tác về vấn đề trên biển.” Đây cũng là điều đã không được tường thuật trong bản tin của phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, bản tin của VnExpress không cho biết Chủ tịch hai nước có nhận lời mời của nhau.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 24/5/2021: Xi eyes strategic China-Vietnam community with shared future
VnExpress ngày 24/5/2021: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần đầu điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc
II- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Mỹ đưa hai máy bay không người lái MQ-4C Triton từ Guam đến hoạt động tạm thời tại Nhật Bản
Hải quân Mỹ đang điều động tạm thời 2 máy bay không người lái MQ-4C từ Guam đến Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực giám sát hàng hải. Các máy bay đã hoạt động tại Guam hơn một năm nay này sẽ hạ cánh ở Misawa vào thứ Bảy. Misawa là Cơ sở Hàng không Không quân nằm gần mũi phía bắc của đảo Honshu nơi tổ chức các hoạt động trên không của Hải quân bao gồm cả máy bay trinh sát chống ngầm P-8A Poseidon.
“Nó cho phép chúng tôi có bức tranh hoàn chỉnh hơn về những gì ở ngoài kia, cả trên biển và trên không”, Phó đô đốc James Kilby, Phó Chỉ huy trưởng phụ trách các chiến dịch hải quân phục vụ yêu cầu và năng lực chiến đấu, phát biểu trước Tiểu ban Dự báo và Hải quân của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 18/5/2021.
Hải quân Mỹ đã triển khai hai chiếc MQ-4C Triton đến Guam vào đầu năm 2020, chậm hơn gần một năm so với dự kiến ban đầu. Đây là lần đầu tiên, các máy bay không người lái của Mỹ hoạt động từ một địa điểm khác trên Thái Bình Dương, tạo điều kiện cho hoạt động kiểm tra khả năng tại các vùng biển “nóng hơn” và các yếu tố môi trường khác nhau.
Trong thông cáo báo chí đầu tháng Năm, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết chiếc máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk của Không quân Mỹ cũng sẽ tới Nhật Bản.
Xem thêm:
USNI ngày 14/5/2021: Navy Sending Two Guam-Based MQ-4C Tritons to Japan for Temporary Operations
South China Morning Post ngày 16/5/2021: US to make greater use of drones to spy on China, experts say
Đài Loan tiết lộ cơ cấu lại quân đội hướng tới phi tập trung quân đội
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan nói với các nhà lập pháp rằng Đài Loan sẽ tổ chức lại cơ cấu chỉ huy của Quân đội để nhấn mạnh các hoạt động chung giữa các quân chủng và cung cấp cho các chỉ huy khu vực sự linh hoạt hơn trong hoạt động trong trường hợp xảy ra xung đột.
Xem thêm:
Defense News ngày 18/5/2021: Taiwan unveils Army restructure aimed at decentralizing military
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Australia khẳng định mối quan hệ an ninh trước thách thức Trung Quốc, cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng ba bên với Hoa Kỳ
Hôm thứ Tư ngày 19/5/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi ông Dutton nhậm chức vào tháng Ba vừa rồi.
Hai bên khẳng định cam kết phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông thông qua tăng cường mối quan hệ hai bên chặt chẽ hơn, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.
Hai bộ trưởng cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng ba bên với Hoa Kỳ trong nỗ lực hiện thực hóa sáng kiến hướng tới một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Vào giữa tháng 5, khinh hạm HMAS Ballarat của Hải quân Hoàng gia Australia đã bắt đầu theo dõi và giám sát các hoạt động hàng hải bất hợp pháp ở vùng biển xung quanh Nhật Bản, trong đó có các hoạt động của tàu Bắc Triều Tiên, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Đây là hoạt động thứ năm của các tàu Hải quân Hoàng gia Úc kể từ năm 2018.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 19/5/2021: Japan and Australia affirm security ties over China’s assertiveness. Một bản PDF được lưu trữ ở đây (truy cập giới hạn).
Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 18/5/2021: Monitoring and surveillance activities by Australia against illicit maritime activities including ship-to-ship transfers
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Hàn Quốc: Biden muốn Hàn Quốc có đường lối cứng rắn với Trung Quốc – một vấn đề nhạy cảm đối với Hàn Quốc
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Hàn tại Washington, Mỹ đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ủng hộ ngôn từ mạnh mẽ trong tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về Trung Quốc. Đây được coi như một phần trong chiến lược hợp tác với các đồng minh để chống lại Trung Quốc, theo Financial Times dẫn nguồn tin từ 5 người được cho là có thông tin nội bộ. Ông Moon là nhà lãnh đạo thế giới thứ hai gặp Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày thứ Sáu 21/5/2021 vừa rồi.
Nhưng theo những người có thông tin về các cuộc đàm phán hai bên, Moon không muốn đưa vào tuyên bố chung ngôn ngữ có thể kích hoạt phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Tuyên bố chung sau đó đã thể hiện sự thống nhất lập trường của hai nước đối với vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên tuyên bố đã tránh trực tiếp nhắc đến Trung Quốc trong khi khẳng định mối quan hệ Mỹ – Hàn có tầm quan trọng vượt xa hơn vấn đề Triều Tiên. Tuyên bố đề cập đến việc hợp tác để đưa Chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc và Tầm nhìn của Hoa Kỳ về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phù hợp với nhau, đồng thời tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an toàn, thịnh vượng và năng động. Hoa Kỳ và Hàn Quốc cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt.
Xem thêm:
Financial Times ngày 20/5/2021: Biden to push South Korea to take tough line on China at summit. Bản PDF được lưu trữ ở đây
Nikkei Asia ngày 22/5/2021: Biden and Moon align on North Korea but walk fine line on China
The White House ngày 21/5/2021: US-ROK Leaders’ Joint Statement
Tàu khu trục Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan và tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa. Lần đầu tiên Mỹ tuyên bố trực tiếp phản đối yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa
Ngày 20/5/2021, Trung Quốc tuyên bố tàu chiến Mỹ đã đi vào lãnh hải nước này ở Biển Đông một cách bất hợp pháp và bị trục xuất. Tuyên bố được đưa ra sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur (DDG 54, thuộc lớp Arleigh Burke) đã đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trong ngày 20/5 sau khi di chuyển qua Eo biển Đài Loan vào hai ngày trước đó.
Đây là lần thứ 34 kể từ tháng 10/2015, Mỹ đưa các tàu chiến di chuyển gần các thực thể tại Biển Đông trong đó tiếp cận bãi cạn Scarborough 2 lần, Côn Đảo 1 lần, quần đảo Trường Sa 15 lần và quần đảo Hoàng Sa 16 lần. Ngoài ra, tàu chiến của Anh HMS Albion cũng từng di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa vào tháng 8/2018.
Tuyên bố của Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam cho rằng Hoa Kỳ đã vi phạm chủ quyền Trung Quốc và phá hoại hòa bình, ổn định của khu vực khi đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa mà không xin phép, đồng thời cho biết các tàu và máy bay Trung Quốc đã trục xuất tàu Mỹ khỏi khu vực. Trước đó, phía Trung Quốc cũng đã tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình và việc USS Curtis Wilbur đi qua Eo biển Đài Loan là một hành động khiêu khích nghiêm trọng.
Ham đội 7 của Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc và cho biết USS Curtis Wilbur “khẳng định các quyền và tự do hàng hải” gần quần đảo Hoàng Sa nơi mà Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền. “USS Curtis Wilbur không bị trục xuất khỏi lãnh thổ quốc gia nào” và “USS Curtis Wilbur đã tiến hành Chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOP) này phù hợp với luật pháp quốc tế và sau đó tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế”, tuyên bố của Hạm đội 7 cho biết.
Ngoài ra, “Hoa Kỳ cũng phản đối tuyên bố năm 1996 của Trung Quốc về các đường cơ sở thẳng bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Bất kể bên nào có chủ quyền đối với các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, các đường cơ sở thẳng không thể được vẽ một cách hợp pháp xung quanh toàn bộ quần đảo Hoàng Sa”, trích thông báo trên website của Hạm đội 7.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ triển khai chiến dịch tự do hàng hải nhằm phát thông điệp không công nhận yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa, vốn được coi là không phù hợp với luật quốc tế, trong các chiến dịch lần trước, Hoa Kỳ chỉ có tuyên bố chung chung là thách thức “các yêu sách biển quá mức”.
Chiến dịch lần này là lần đầu tiên, Hải quân Hoa Kỳ đã nói rõ ràng là phản đối yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc trong một thông cáo chính thức.
Xem thêm:
Hạm đội 7 ngày 18/5/2021: 7th Fleet Destroyer transits Taiwan Strait > Commander, US
Reuters ngày 20/5/2021: China says U.S. warship illegally enters its territory in S. China Sea
Hạm đội 7 ngày 20/5/2021: 7th Fleet conducts Freedom of Navigation Operation > Commander, US 7th Fleet > Display
HMS Queen Elizabeth và Nhóm tàu sân bay tấn công hoàn thành diễn tập lần cuối trước khi triển khai nhiệm vụ tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Một lực lượng gồm 20 tàu chiến, 3 tàu ngầm và 150 máy bay đã tham gia cuộc tập trận đa quốc gia do Anh dẫn đầu nhằm kiểm tra phản ứng của Nhóm tàu sân bay tấn công Anh đối với một loạt các tình huống khủng hoảng và xung đột.
Cuộc tập trận dự kiến kéo dài hai tuần này là một phần của cuộc tập trận quân sự hai năm một lần mang tên “Chiến binh Kết hợp” (Joint Warrior). Trong cuộc tập trận này, Hải quân Hoàng gia, Không quân Hoàng gia, Lục quân Anh và Bộ Chỉ huy Chiến lược Anh – cùng với các đối tác NATO và Úc – tiến hành các cuộc tập trận trên bộ, mạng và không gian. Đây là cuộc thử nghiệm cuối cùng của Nhóm tàu sân bay tấn công trước khi bắt đầu triển khai hoạt động lần đầu tiên vào cuối tuần này. Chuyến đi lần này kéo dài bảy tháng qua Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương và đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tương tác với hơn 1/5 quốc gia trên thế giới.
Hàng không mẫu hạm mới của Anh, HMS Queen Elizabeth, sẽ dẫn sáu tàu Hải quân Hoàng gia, một tàu ngầm Hải quân Hoàng gia, một tàu khu trục của Hải quân Mỹ và một tàu khu trục nhỏ từ Hà Lan trong lần triển khai này.
Vào ngày thứ Bảy 22/5/2021, Nữ Hoàng Anh đã có chuyến thăm tàu HMS Queen Elizabeth trước ngày nhóm triển khai tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm “thể hiện với những người bạn ở Trung Quốc rằng chúng tôi tin vào luật biển quốc tế” theo cách không đối đầu, theo lời của Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Trước đó, tại Hội nghị Cường quốc Biển ngày 19/5/2021, Hải quân Anh cũng cho biết “tàu HMS Tamar và HMS Spey sẽ đi từ phía Tây vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tham gia với Nhóm tàu sân bay tấn công trong chặng đường dài. Tamar và Spey sẽ ở lại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tham gia cùng các khinh hạm Type-31 trong tương lai,” trong nỗ lực của Hải quân Anh đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở Châu Á Thái Bình Dương.
Xem thêm:
Royal Navy ngày 20/5/2021: Carriers sail together as HMS Queen Elizabeth and Carrier Strike Group complete final exercise
AP ngày 23/5/2021: Queen Elizabeth II visits navy carrier ahead of deployment
Hải quân Hoàng gia Anh ngày 19/5/2021: First Sea Lord Sea Power Conference Speech 2021
Bộ Quốc phòng Anh ngày 22/5/2021: Carrier Strike Group sets sail on seven-month maiden deployment
The Telegraph ngày 23/5/2021: Russia and China will ‘behave responsibly’, First Sea Lord says, as Carrier Strike Group sets sail.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản: Nhật Bản dỡ bỏ mức trần 1% GDP đối với chi tiêu quốc phòng
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo nói với Nikkei Asia Review rằng Nhật Bản sẽ tăng chi tiêu quốc phòng vượt quá giới hạn thông thường là 1% tổng sản phẩm quốc nội. Ông viện dẫn sự cần thiết phải chống lại Trung Quốc về mặt quân sự, đặc biệt là ở quần đảo Senkaku, là lý do phá vỡ thông lệ lâu đời.
Tuyên bố báo hiệu rằng Nhật Bản đã sẵn sàng loại bỏ mức trần 1% GDP lâu nay cho chi tiêu quốc phòng hàng năm và phản ánh ý định của nước này trong việc tăng cường khả năng quốc phòng của chính mình, như Thủ tướng Suga Yoshihide đã hứa với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước.
Xem thêm:
Nikkei Asia Review ngày 20/5/2021: Japan to scrap 1% GDP cap on defense spending: Minister Kishi
III- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Một trong những ưu tiên của cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc là “phong phú hoá bộ công cụ pháp lý” để đáp trả các lệnh trừng phạt, sự can thiệp của nước ngoài
Hôm thứ Sáu ngày 14/5/2021, Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc – cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc – đã công bố các ưu tiên công việc trong năm, trong đó có các vấn đề “xử lý đúng các ý kiến đề xuất của công dân và tổ chức”; “thúc đẩy trao đổi lập pháp với các nước quan trọng, bao gồm Nga, EU và Mỹ” và “làm phong phú thêm bộ công cụ pháp lý” để đáp ứng các lệnh trừng phạt, sự can thiệp của nước ngoài.
Xem thêm:
Đại hội Nhân dân toàn quốc ngày 14/5/2021: 全国人大常委会2021年度工作要点
Cơ quan an ninh Trung Quốc có thể đã từng kiểm soát thông tin trên iPhone từ xa
Một bài báo tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur cho biết chính phủ Trung Quốc đã từng bí mật tổ chức một cuộc thi và trao phần thưởng 200.000 USD cho bất kỳ ai có thể hack vào iPhone. Vào tháng 11/2018, một hacker Trung Quốc đã tìm ra cách kiểm soát thông tin trên iPhone từ xa. Hai tháng sau, Apple lặng lẽ vá lỗ hổng. Trong khoảng thời gian hai tháng này, có thể cơ quan an ninh Trung Quốc đã theo dõi tất cả người dùng iPhone, đặc biệt là những người Duy Ngô Nhĩ.
Một bài báo đăng ngày 6/5/2021 trên tạp chí MIT Technology Review đã trình bày chi tiết quá trình trên.
Xem thêm:
RFI tiếng Trung ngày 15/5/2021: 北京如何窃取维吾尔族人Iphone手机数据- 法国报纸摘要
MIT Technology Review ngày 6/5/2021: How China turned a prize-winning iPhone hack against the Uyghurs
Apples ngày 6/9/2019: A message about iOS security – Apple Statement
Trung Quốc tăng cường nỗ lực tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, vốn được tạo ra để loại trừ nó
Theo Bloomberg, Trung Quốc đang trao đổi với Australia, Malaysia và New Zealand về việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Xem thêm:
Bloomberg ngày 17/5/2021: China Steps Up Efforts to Join Trade Pact Created to Exclude It. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực giành vị thế lãnh đạo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với việc thành lập Uỷ ban Hợp tác Công nghiệp RCEP
Vào ngày 16/4/2021, Ủy ban Hợp tác Công nghiệp RCEP bao gồm đại diện của cộng đồng doanh nghiệp 15 quốc gia RCEP đã được thành lập tại Bắc Kinh. Truyền thông Trung Quốc nói rằng Uỷ ban được thành lập với hy vọng tăng cường hơn nữa hợp tác công nghiệp khu vực và cùng thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận RCEP. Uỷ ban sau đó đã khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp các nước cần tích cực thúc đẩy và tham gia xây dựng RCEP.
Xem thêm:
ASEAN Tribune ngày 19/4/2021: RCEP Industry Cooperation Committee was established in Beijing
China News ngày 18/5/2021: RCEP产业合作委员会建议:各国工商界应积极推进和参与RCEP建设-中新网
Tân Hoa Xã ngày 19/5/2021: RCEP产业合作委员会第一次会议在南明区举行-新华网
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở cả ba Quân khu
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, ba Hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải đã tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật riêng biệt nhưng không nêu rõ thời gian và địa điểm. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng có những báo cáo về các cuộc tập trận mà các nhà quan sát coi là nỗ lực chống lại các thách thức quân sự của Mỹ.
Cuộc diễn tập của Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông chịu trách nhiệm giám sát Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan có sự tham gia của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 042D Truy Bác và Hạ Môn cũng như khinh hạm An Dương (Anyang) Type 054A. Tàu hộ tống Type 056A Hoàng Thạch tham gia cuộc tập trận của Bộ Tư lệnh Quân khu miền Bắc (giám sát vịnh Bột Hải và Hoàng Hải) tại vùng biển Hoàng Hải trong khi một đội hình hải quân do tàu Type 054A Nam Sung và Văn Sơn hộ tống tham gia huấn luyện chung về phòng thủ tên lửa và tấn công hàng hải tại Bộ tư lệnh Quân khu miền Nam.
Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu chương trình huấn luyện hàng năm vào tháng trước và kể từ đó đã tổ chức hai cuộc diễn tập bắn đạn thật của các Hạm đội Hải quân trực thuộc các Quân khu khác nhau. Các cuộc tập trận bắn đạn thật hải quân cuối cùng liên quan đến ba Bộ Tư lệnh Quân khu đã được tổ chức vào giữa tháng 4 và một cuộc tập trận tương tự đã được tổ chức tháng 7 năm ngoái.
Tống Trung Bình (Song Zhongping), một nhà bình luận quân sự có trụ sở tại Hồng Kông đồng thời là cựu quân nhân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết: “Mục đích của việc tăng cường huấn luyện chiến đấu là để diễn tập và chuẩn bị cho chiến tranh,…. Đây không chỉ là về căng thẳng gia tăng ở Eo biển Đài Loan mà còn là do chính sách cứng rắn chống Trung Quốc của Washington.”
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 18/5/2021: China navy fleets in live-fire drills across three theatre commands
Trung Quốc triển khai giàn khoan sản xuất dầu ngoài khơi ở Biển Đông
Ngày 20/5/2021, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho biết đã hoàn thành việc lắp đặt giàn khoan sản xuất dầu thô tự thiết kế lớn nhất Trung Quốc tại khu vực mỏ Lục Phong 14-4 (Lufeng 14-4) cách Hồng Kông khoảng 200 km về phía tây nam.
Cao Sảng (Gao Shuang), Tổng Giám đốc dự án tổ hợp dầu Lục Phong của CNOOC cho biết khi đi vào hoạt động (dự kiến vào cuối năm nay), giàn khoan này sẽ khai thác dầu tại mỏ Lục Phong 14-4 và Lục Phong 14-8 đồng thời cung cấp thêm nguồn khí đốt tự nhiên và dầu mỏ cho Quảng Đông, Hồng Kông, Ma Cao và Vịnh Lớn đồng thời nâng cao khả năng xây dựng và lắp đặt thiết bị dầu khí ngoài khơi quy mô lớn của Trung Quốc.
CNOOC cho biết sản lượng dầu và khí đốt ngoài khơi của Trung Quốc lần đầu tiên vượt quá mức 65 triệu tấn vào năm ngoái. Mỏ dầu của CNOOC ở phía đông Biển Đông là một cơ sở sản xuất quan trọng với sản lượng hơn 10 triệu mét khối dầu và khí đốt tương đương mỗi năm trong 25 năm qua. CNOOC dự kiến sẽ đầu tư 100 tỷ nhân dân tệ (15,5 tỷ USD) vào năm 2021 và 19 dự án mới sẽ đi vào sản xuất.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 20/5/2021: China deploys offshore oil production rig in South China Sea
Truyền thông Trung Quốc: Giàn khoan biển sâu Trung Quốc đã khoan tới độ sâu 231 mét ở Biển Đông
Theo tờ Nhân dân Nhật báo, giàn khoan biển sâu Hải Ngưu (Hainiu) II do Đại học Khoa học và Công nghệ Hồ Nam (HNUST) phát triển gần đây đã khoan tới độ sâu 231 mét trên đáy biển sâu hơn 2.000 mét dưới mực nước biển ở Biển Đông, vượt qua kỷ lục cũ với độ sâu 200 mét (độ sâu thực tế khoan trong ống áp lực là 135 mét).
Kỹ thuật độc đáo của Hải Ngưu II là cho phép giàn khoan lấy mẫu lõi từ đáy đại dương trong khi duy trì áp suất tại chỗ; điều này là rất quan trọng để phát hiện băng cháy và một số khoáng chất dưới đáy biển khác. Băng cháy chỉ ở dạng băng khi ở dưới áp suất nước biển do đó chỉ có thể lấy ra khi lấy mẫu lõi áp suất.
Vạn Bộ Viêm (Wan Buyan), giáo sư của HNUST và trưởng nhóm nghiên cứu cho biết giàn khoan Hải Ngưu II đã đạt được một loạt đột phá về công nghệ như áp lực lõi toàn bộ quy trình cũng như cần khoan công suất cao. Ông Vạn cho biết thêm, tất cả các công nghệ cốt lõi đều được phát triển độc lập bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc với 125 bằng sáng chế của Trung Quốc và 4 bằng sáng chế quốc tế. Máy khoan thông minh có thể được vận hành bởi một người trên tàu mẹ; trong khi khoan và lấy mẫu, nó cũng có thể phát hiện điện trở suất và độ rỗng của đá, đồng thời chụp ảnh trong lỗ khoan.
Ông Vạn tiết lộ rằng nhóm nghiên cứu của Hải Ngưu II sẽ cải thiện hơn nữa hiệu suất của máy khoan để làm cho nó thích nghi hơn, hoạt động hoàn thiện hơn và trở nên thông minh hơn. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch đưa giàn khoan vào hoạt động thăm dò tại rãnh Mariana với độ sâu hơn 10.000 mét, nơi chưa từng có hoạt động khoan đáy biển nào, ông nói.
Xem thêm:
Nhân dân Nhật báo ngày 20/5/2021: China’s deep-water drilling machine sets new world record
IV- QUAN HỆ MỸ – TRUNG
Chính quyền Tổng thống Biden dự định trì hoãn thêm hai tuần lệnh cấm các công ty Mỹ đầu tư vào một số công ty Trung Quốc
Hôm thứ Ba ngày 18/5/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã ra thông báo lùi hạn chót cho các nhà đầu tư mua cổ phần của các công ty con của các công ty nằm trong danh sách đen của chính quyền Trump trước đó hoặc bán lại cổ phần cho người Mỹ. Hạn được kéo dài từ ngày 27/5 ban đầu tới ngày 11/6. Cho đến lúc đó, Nhà Trắng sẽ làm rõ lệnh cấm đầu tư vào Trung Quốc sẽ được áp dụng như thế nào, Bloomberg dẫn nguồn tin từ ba quan chức ẩn danh cho biết.
Không rõ liệu chính quyền có thay đổi danh sách các công ty bị áp dụng lệnh cấm đầu tư đã được thiết lập dưới thời chính quyền Trump, nhưng Biden dự định tiếp tục gây áp lực tài chính lên các công ty quân sự Trung Quốc, theo những người quen thuộc với vấn đề này.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 18/5/2021: Biden Delays Revamp of Trump Blacklist for China Investments. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bắc Kinh bác bỏ yêu cầu của Lầu Năm Góc về đối thoại quân sự cấp cao song phương
Financial Times dẫn thông tin từ ba nguồn tin cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ 3 lần đưa ra yêu cầu được điện đàm với Tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và là sĩ quan quân đội cao cấp nhất của Trung Quốc. Trung Quốc từ chối cả 3 lời đề nghị này, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Eo biển Đài Loan.
Ngoài ra, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân của Mỹ, đã không đối thoại với người đồng cấp kể từ đầu tháng 1 trước khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.
Phản ứng lại thông tin trên, tờ Global Times của Trung Quốc dẫn một nguồn tin không rõ danh tính nói rằng Trung Quốc đã từng gửi một tín hiệu thân thiện muốn có đối thoại giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vừa mới nhậm chức, nhưng đã không nhận được phản hồi. Austin sau đó yêu cầu gặp một nhà lãnh đạo khác trong Quân uỷ Trung ương Trung Quốc.
Nguồn tin Trung Quốc cho rằng đây là một hành động không chuyên nghiệp và không thân thiện, coi thường giao thức ngoại giao. Tờ báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc cáo buộc phía Hoa Kỳ đang cố gắng đổ lỗi cho Trung Quốc về việc đã không có các cuộc đàm phán quân sự cấp cao diễn ra cho đến nay.
Xem thêm:
Financial Times ngày 21/5/2021: Beijing rebuffs Pentagon requests for high-level military talks. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Global Times ngày 24/5/2021: US turns a blind eye to China’s signal for defense ministers talk, disregards diplomatic protocol: source
Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ: Chiến tranh với Trung Quốc không phải là không thể tránh khỏi, nhưng cạnh tranh sẽ tồn tại lâu dài
Trong khi Tư lệnh của Thuỷ quân lục chiến đã có một loạt thay đổi để chuẩn bị phục vụ cho cuộc xung đột tiềm tàng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ông nhấn mạnh rằng ông không tin rằng chiến tranh giữa Mỹ là không thể tránh khỏi, dù sự cạnh tranh giữa hai nước sẽ tiếp tục. Tướng David Berger phát biểu điều này tại một diễn đàn trực tuyến do Viện Brookings tổ chức hôm thứ Ba ngày 18/5/2021. Berer cho biết ông đã dành một thập kỷ để nghiên cứu về Trung Quốc.
Xem thêm:
USNI ngày 18/5/2021: Berger: War With China Not ‘An Inevitability,’ But Competition Will Endure
Hoa Kỳ nói Trung Quốc chống lại các cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân
Đại sứ Giải trừ quân bị Hoa Kỳ Robert Wood nói tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc rằng Trung Quốc đang chống lại các cuộc đàm phán song phương với Hoa Kỳ về giảm vũ khí và rủi ro hạt nhân. Đầu năm nay, Nga và Mỹ đã đồng ý gia hạn hiệp ước New START thêm 5 năm.
Xem thêm:
Reuters ngày 18/5/2021: U.S. says China is resisting nuclear arms talks. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Trung Quốc đã mua 37% lượng ngô cho năm tới chỉ từ Hoa Kỳ
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Trung Quốc này đã mua khoảng 9,5 triệu tấn ngô Mỹ từ niên vụ 2021–2022 trong tháng này. Cơ quan này dự kiến Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 26 triệu tấn từ các nhà cung cấp trên toàn thế giới trong giai đoạn bắt đầu vào tháng 9.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 19/5/2021: China Has Bought 37% of Next Year’s Corn Imports Just From U.S.. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
V- QUAN HỆ ÚC -TRUNG
Thủ tướng Australia nói khối lượng thương mại cho thấy mối quan hệ Australia – Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn
Thủ tướng Scott Morrison cho biết doanh số bán hàng hóa không bị hạn chế cho thấy mối quan hệ giữa Úc với Trung Quốc đã không bị phá vỡ.
Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Trong 12 tháng tính đến tháng 3, Australia đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 149 tỷ đô la Úc (116 tỷ USD) sang Trung Quốc, giảm 0,6% so với năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu đã được hỗ trợ bởi giá quặng sắt tăng mạnh, mặt hàng lớn nhất trong thương mại với Trung Quốc.
Xem thêm:
Reuters ngày 19/5/2021: Australian PM says trade volume shows valuable China relationship
The Sydney Morning Herald ngày 19/5/2021: China-Australia trade war being weathered: Scott Morrison
Tàu chở than của Úc mắc kẹt ngoài khơi Trung Quốc đã cập cảng sau gần 365 ngày đợi ngoài biển
Tàu Jag Anand chở 174.000 tấn than từ Úc xuất khẩu sang Trung Quốc đã phải neo đậu ngoài khơi cảng Kinh Đường (Jingtang) ở vịnh Bột Hải vào giữa tháng 6 năm ngoái cùng với hơn 70 tàu chở hàng khác trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đối với một số mặt hàng của Australia khi quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi.
Dữ liệu theo dõi tàu thuyền của Bloomberg cho thấy tàu đã rời cảng Kinh Đường hôm thứ Năm ngày 20/5/2021 sau khi giao hàng.
Ít nhất 19 tàu chở than của Australia vẫn đang neo đậu ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc cho phép 35 chiếc được hạ tải, những chiếc khác đã lên đường vào đầu năm nay và giao hàng cho Ấn Độ, Việt Nam và các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Bloomberg ngày 21/5/2021: Stranded Australian Coal Cargo Arrives in China After 356 Days at Sea. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Cơ quan tình báo Úc: Nếu sử dụng mạng 5G của Trung Quốc, hệ thống mạng có thể bị sập theo lệnh của Bắc Kinh
Cơ quan tình báo mạng của Úc đã khuyên Úc sẽ phải pháp dụng 300 biện pháp an ninh riêng biệt đối với thiết bị của Huawei để đảm bảo an toàn cho hệ thống mạng 5G của quốc gia, nhưng hệ thống mạng này vẫn có thể bị sập theo lệnh của Bắc Kinh.
Cơ quan này đã dành hơn tám tháng trong nỗ lực tìm cách làm cho thiết bị viễn thông này an toàn ở mức có thể chấp nhận được, nhưng cuối cùng đã nói với chính phủ của Malcolm Turnbull (Thủ tướng Australia giai đoạn 2015–2018) rằng rủi ro không thể được kiểm soát một cách thoả đáng.
Úc là nước đầu tiên đã cấm sử dụng các thiết bị mạng 5G của Huawei từ năm 2018.
Xem thêm:
The Sydney Morning Herald ngày 21/5/2021: China could have ordered Huawei to shut down Australia’s 5G, government warned
VI- QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC
Nghị viện Liên hiệp Châu Âu tuyên bố “đóng băng” việc phê chuẩn Thỏa thuận Đầu tư với Trung Quốc
Các nghị sĩ hôm thứ Năm ngày 20/5/2021 đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết ngăn chặn việc phê chuẩn Thỏa thuận Đầu tư EU-Trung Quốc vì các lệnh trừng phạt trả đũa mà Bắc Kinh áp đặt đối với các nghị sĩ, nhà ngoại giao, học giả và các tổ chức tư vấn châu Âu. Nghị quyết đã được thông qua với 599 phiếu thuận, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Xem thêm:
Financial Times ngày 20/5/2021: EU parliament declares China treaty ratification ‘frozen’. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Quốc hội EU: Resolution on Chinese counter-sanctions on EU entities and MEPs and MPs
Trung Quốc vẫn tiếp tục thái độ thách thức sau cảnh báo của EU về Thỏa thuận Đầu tư EU – Trung Quốc
Hôm thứ Sáu ngày 21/5/2021, Trung Quốc đã bác bỏ yêu cầu của Nghị viện Châu Âu về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các nhà lập pháp của Liên hiệp châu Âu để cứu vãn Thỏa thuận Đầu tư EU – Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng các lệnh trừng phạt của Trung Quốc là chính đáng và yêu cầu phía Châu Âu “ngay lập tức ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc (và) từ bỏ cách tiếp cận đối đầu.”
Xem thêm:
ABC News/AP ngày 21/5/2021: China defiant after EU warning over trade agreement
Học giả Trung Quốc: Nghị quyết của EU gây rủi ro cho nền kinh tế của khối
Đây là một động thái “làm hại người khác mà không mang lại lợi ích cho bản thân,” Thôi Hồng Kiện (Cui Hongjian), Trưởng bộ môn Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Global Times. Hành động của EU cho thấy các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với EU năm ngoái về các vấn đề nhân quyền đã nằm ngoài dự đoán của EU và chúng thực tế đã có tác động đối với khối này. Nghị viện châu Âu, bởi vậy không còn cách nào khác, đã “bắt cóc” các cuộc đàm phán thỏa thuận đầu tư để đe dọa Trung Quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, theo ông Thôi.
“Việc đóng băng thỏa thuận này không đồng nghĩa với việc thỏa thuận đã bị huỷ bỏ,” Cựu quan chức thương mại cấp cao Trung Quốc Hà Vỹ Văn (He Weiwen) nói với Global Times.
Xem thêm:
Global Times ngày 20/5/2021: European Parliament votes through motion to freeze China investment deal, risking bloc’s economy amid political self-entertainment
VII- MỸ – NGA – TRUNG
Tập Cận Bình và Putin chứng kiến khởi động dự án năng lượng hạt nhân chung. Tân Hoa Xã: hợp tác chất lượng cao Trung – Nga được thúc đẩy
Cùng ngày thứ Tư ngày 19/5/2021, thông qua video, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã chứng kiến lễ khởi công dự án hợp tác năng lượng hạt nhân song phương, nhà máy điện hạt nhân Điền Loan (Tianwan) ở tỉnh Giang Tô và nhà máy điện hạt nhân Từ Đại Bảo (Xudabao) ở tỉnh Liêu Ninh.
Lưu ý rằng năm nay đánh dấu kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước Láng giềng Tốt và Hợp tác Hữu nghị Trung – Nga, Tập Cận Bình nói rằng ông và Tổng thống Putin đã đồng ý thúc đẩy sự phát triển của quan hệ song phương lên một tầm cao hơn. Đối mặt với đại dịch COVID-19 chưa từng có trong một thế kỷ qua, Trung Quốc và Nga luôn ủng hộ lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, là minh chứng sinh động cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung – Nga trong một kỷ nguyên mới, Tập nói.
Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng hợp tác năng lượng luôn là lĩnh vực hợp tác thiết thực quan trọng nhất mang lại thành tựu lớn nhất và có phạm vi rộng nhất giữa hai nước, và năng lượng hạt nhân là ưu tiên chiến lược cho hợp tác song phương.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 19/5/2021: Xi, Putin witness launch of joint nuclear energy project, high-quality China-Russia cooperation boosted
Mỹ – Nga đồng ý cùng làm việc dù có những khác biệt chiến lược. Nga cảnh cáo G7 chơi “trò chơi nguy hiểm” bằng cách đẩy Moscow về phía Trung Quốc
Hôm thứ Tư ngày 19/5/2021, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực ở Reykjavik, Iceland. Trong cuộc họp hai bên đã nhấn mạnh sự khác biệt chiến lược của mỗi nước trong quan điểm đối với các vấn đề thế giới, nhưng vẫn mong muốn hợp tác nếu có thể, theo Reuters. Đây là cuộc đối thoại trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa chính quyền Biden và Nga.
Blinken cho biết Tổng thống Biden muốn có “một mối quan hệ ổn định, có thể đoán trước được với Nga” và cho biết hai nước có thể cùng nhau giải quyết đại dịch coronavirus, chống biến đổi khí hậu, đối phó với các chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, và cuộc chiến ở Afghanistan.
Blinken cũng thúc giục Nga trả tự do cho các công dân Hoa Kỳ Paul Whelan và Trevor Reed và thảo luận về sức khỏe của Alexei Navalny. Cuộc thảo luận cũng đề cập đến vấn đề an ninh mạng và việc triển khai quân đội Nga tới biên giới của nước này với Ukraine.
Các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết không có đột phá nào trong cuộc họp, nhưng mô tả đây là một “khởi đầu tốt” để làm việc về quan hệ giữa hai nước trong “tuần, tháng và năm tới.”
Cùng ngày, nhật báo Kommersant của Nga đưa tin Nikolay Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Nga và Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan dự định gặp nhau tại một thành phố Châu Âu trong những tuần tới. Tuy nhiên tờ báo mà tiết lộ nguồn tin.
Hãng thông tấn Nga cho biết cả hai dự kiến sẽ thảo luận về một cuộc gặp thượng đỉnh được đề xuất giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 6.
Hôm thứ Năm ngày 21/5, Đại sứ Nga tại London Andrei Kelin nói với Reuters rằng Nhóm G7 đang chơi một “trò chơi nguy hiểm” khi cách đưa ra những lời chỉ trích hung hăng và vô căn cứ đối với Điện Kremlin, điều này sẽ đẩy Nga đến gần hơn với Trung Quốc.
Xem thêm:
Reuters ngày 20/5/2021: Blinken, Lavrov agree to work together despite differences. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Politico ngày 19/5/2021: U.S., Russian diplomats exchange stern words ahead of Biden-Putin summit
Reuters ngày 19/5/2021: Russia, U.S. security chiefs plan meeting in Europe – newspaper.
Reuters ngày 21/5/2021: EXCLUSIVE G7 playing a ‘dangerous game’ by pushing Moscow towards China – Russian envoy. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Dương Khiết Trì tới Nga trong bối cảnh mối quan hệ song phương đạt đến “mức tốt nhất trong lịch sử”
Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Tiểu ban Đối ngoại Trung ương của Trung Quốc, sẽ có chuyến công du tới Nga từ thứ Hai cho đến thứ Tư tuần này cho tham vấn chiến lược và an ninh song phương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm Chủ nhật ngày 23/5/2021. Dương Khiết Trì cũng sẽ thăm Croatia và Slovenia trước khi trở về Trung Quốc.
Trước đó, tại buổi khởi công dự án năng lượng hạt nhân hợp tác với Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin tái khẳng định tuyên bố của Ngoại trưởng Nga rằng mối quan hệ giữa hai nước đã đạt đến “mức tốt nhất trong lịch sử”
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 23/5/2021: Senior Chinese diplomat to hold China-Russia strategic security consultation, visit Slovenia, Croatia
Financial Times ngày 24/5/2021: China’s top diplomat heads to Russia as ties reach ‘best level in history’. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
VIII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Ngô Sỹ Tồn: Làm thế nào Trung Quốc và ASEAN có thể xây dựng nền tảng cho hợp tác Biển Đông
Trong bài bình luận trên South China Morning Post, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia của Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn cho rằng hầu hết các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông thiếu ý chí chính trị để hợp tác, coi các hành động đơn phương nhằm củng cố và mở rộng lợi ích vượt xa nhu cầu hợp tác và một số quốc gia bên ngoài khu vực can thiệp vào các hoạt động hợp tác mà Trung Quốc thúc đẩy.
Ông Ngô gợi ý Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông chung tay phát triển du lịch, quản lý môi trường và cứu trợ nhân đạo. Điều này sẽ không chỉ mang lại lợi ích mà còn giúp các quốc gia tranh chấp xây dựng các phương thức hợp tác cùng nhau.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 23/5/2021: How China and Asean can build the foundations for South China Sea cooperation
Richard Martin: Các đợt bùng phát đại dịch COVID-19 mạnh mẽ ở Châu Á có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và làm tăng lạm phát của Mỹ
Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế sản xuất Châu Á đã báo cáo đợt bùng phát COVID-19 mới trong những tuần vừa qua. Richard Martin, một nhà tư vấn kinh doanh và là giám đốc điều hành Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp Châu Á (IMA Asia) cho biết làn sóng dịch mới này tại các trung tâm sản xuất lớn ở Châu Á có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn tới lạm phát có thể tăng nhanh hơn ở Mỹ.
Xem thêm:
CNBC ngày 19/5/2021: Covid outbreaks in Asia could hit supply chains and raise U.S. inflation, says expert
Tạ Đình Thi: Triển khai Chiến lược phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII
Tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, kinh tế biển (KTB) đã được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại với thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Nghị quyết Đại hội cũng đã nêu rõ các mục tiêu cũng như những quan điểm phát triển chủ đạo, trong đó nhấn mạnh nền tảng tăng trưởng xanh nhằm hướng đến phát triển bền vững KTB đến năm 2030. Các nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn 10 năm sắp tới cũng được xác định đối với nhiều khía cạnh của phát triển KTB, từ khâu quy hoạch, xây dựng chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng gắn liền với đảm bảo An ninh – Quốc phòng đến bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo an sinh xã hội cho các cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, từng bước đưa quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm tỷ trọng 65–70% tổng GDP các nước.
Dựa trên tình hình triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ về Chiến lược phát triển bền vững KTB trong thời gian gần đây, TS. Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đã có bài viết về những giải pháp cần được triển khai để hiện thực hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng. TS. Thi cho rằng nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế hỗ trợ cho phát triển bền vững KTB cần được quyết liệt thực hiện, cụ thể thông qua bốn nhiệm vụ:
1. Tăng cường vai trò của Ủy ban chỉ đạo Quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững KTB Việt Nam nhằm tạo ra sự thống nhất, liên ngành trong hiện thực hóa các nhiệm vụ chiến lược về KTB.
2. Hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ quốc gia giai đoạn 2021–2030 có tính liên ngành, liên kết vùng và có sự tham gia của cả những địa phương không có biển.
3. Tập trung hiện thực hóa các chủ trương của Nghị quyết số 36-NQ/TW bởi các bộ, ngành liên quan trực tiếp đến KTB với sự tham gia của các bộ ngành có liên quan. Trong đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đóng vai trò chủ đạo trong việc điều hành quá trình khảo sát, điều tra tài nguyên biển; tạo dòng vốn nhằm triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ quan trọng; và xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo.
4. Sớm thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ở các địa phương có biển. Việc tổ chức triển khai các chủ trương giải pháp đã được xác lập tại các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ cần có sự tham gia chặt chẽ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương có liên quan nhằm tăng cường liên kết vùng trong phát triển KTB.
TS. Thi cũng nhận định, các nhiệm vụ của giai đoạn 2021–2025 cần đặt trọng tâm ở việc rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo để thực hiện đầy đủ và toàn diện các nội dung được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Đối với các nhiệm vụ cụ thể của năm 2021, việc hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045 là những công việc cần được ưu tiên hàng đầu.
Xem thêm:
Tạp chí Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 13/5/2021: Triển khai Chiến lược phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII
IX- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Thilo Hanemann (2021) Two-way street – US-China investment trends – 2021 update
The US-China Investment Project, Rhodium Group
Báo cáo của nhóm Rhodium nằm trong một dự án theo dõi đầu tư Mỹ-Trung cho thấy đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm xuống còn 15,9 tỷ USD vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch và căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Đây là mức thấp nhất của dòng chảy đầu tư hai chiều kể từ năm 2009.
Tuy nhiên, vốn FDI của Trung Quốc vào Hoa Kỳ tăng nhẹ từ 6,3 tỷ USD vào năm 2019 lên 7,2 tỷ USD năm 2020. Điều này được thúc đẩy bởi một số thương vụ lớn, bao gồm Tencent mua lại cổ phần của Universal Music Group và Harbin Pharmaceutical Group mua lại GNC Holdings. Dù vậy, khối lượng giao dịch mua bán và sáp nhập này vẫn còn ở mức thấp, và chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực hướng đến người tiêu dùng. Đầu tư mới (greenfield investments) tăng không đáng kể.
Con số giảm đầu tư trực tiếp hai chiều Mỹ-Trung nằm ở chiều Mỹ đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc, xuống còn 8,7 tỷ USD vào năm 2020, giảm khoảng 1/3 so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2004. Đầu tư mới bị gián đoạn do đại dịch trong nửa đầu năm nhưng tăng mạnh trong nửa năm cuối khi nền kinh tế Trung Quốc ổn định trở lại và các hạn chế liên quan đến COVID-19 được nới lỏng. Số các dự án đầu tư mới lớn ít hơn so với những năm trước đó. Các thương vụ mua lại diễn ra chậm hơn rất nhiều, với chỉ một số ít các thương vụ thâu tóm quy mô trung bình trong lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ tài chính.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
Andrew Chubb (2021) Chinese nationalism and the “Gray Zone”: Case analyses of public opinion and PRC maritime policy
CMSI Red Books, Study No. 16
Nghiên cứu này xem xét vai trò của chủ nghĩa dân tộc bình dân trong ứng xử trên biển của Trung Quốc. Phân tích 9 trường hợp mà những hành động gây hấn có vẻ ngoài phi quân sự của Trung Quốc đã nâng cao vị thế của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cho thấy rất ít bằng chứng thuyết phục về việc chủ nghĩa dân tộc ảnh hưởng tới quá trình đưa ra quyết định của Bắc Kinh. Chủ nghĩa dân tộc có xu hướng chỉ nổi lên sau khi các hành động của Trung Quốc trên biển đã xảy ra. Điều này gợi ý rằng các nhà chức trách Trung Quốc không phải quyết định dựa trên dư luận trong nước mà dùng dư luận trong nước để ủng hộ những chính sách hiện hành.
Tải toàn văn bài báo ở đây.
Shuanshi Fan et al. (2021) Design and optimization of offshore ship-based natural gas storage technologies in the South China Sea
Energy Conversion and Management 239
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu về khí thiên nhiên toàn cầu (chủ yếu là ở khu vực Nam Á và Đông Á) sẽ gia tăng khoảng 30% vào năm 2040. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao này, các mỏ băng cháy ngoài khơi được xem như một nguồn dự trữ quan trọng của khí thiên nhiên cần được quan tâm khai thác. Để hỗ trợ cho việc khai thác, phát triển các giải pháp công nghệ lưu trữ và vận chuyển khí thiên nhiên từ băng cháy là một trong những ưu tiên hàng đầu, mà cụ thể là từ thực tiễn của chương trình sản xuất băng cháy lần thứ hai trên Biển Đông của Trung Quốc.
Trong ấn bản trên tạp chí Energy Conversion and Management, Fan và các cộng sự (2021) đã tập trung so sánh ba quy trình có thể đáp ứng nhu cầu lưu trữ khí thiên nhiên có quy mô nhỏ nhằm cung cấp các minh chứng cho sự lựa chọn công nghệ phù hợp cho các chương trình khai thác trong tương lai. Cụ thể, nghiên cứu đã mô phỏng các thông số tối ưu (dựa vào tổng lượng năng lượng tiêu thụ) cho ba công nghệ lưu trữ: (i) khí tự nhiên tinh thể (hydrate-based natural gas; HNG), (ii) khí tự nhiên hóa lỏng có điều áp (pressurized liquefied natural gas; PLNG) và, (iii) khí nén thiên nhiên (compressed natural gas; CNG). Nhóm tác giả cũng phân tích các chỉ số kỹ thuật (tiêu thụ năng lượng riêng, năng suất exergy) và kinh tế (chi phí tài sản cố định) của ba mô hình lưu trữ tối ưu để đưa ra đề xuất về giải pháp công nghệ cho việc lưu trữ băng cháy được khai thác ngoài khơi.
Trong số ba công nghệ được đánh giá, HNG được đề xuất là giải pháp phù hợp nhất để lưu trữ băng cháy khai thác từ khu vực Thần Hồ (Shenhu) ở Biển Đông. Quy trình này có chỉ số năng lượng tiêu thụ riêng thấp nhất, năng suất exergy khá cao và đặc biệt có chi phí tài sản cố định thấp nhất cùng thời gian hoàn vốn ngắn nhất. Từ kết quả này, nhóm tác giả đề xuất các nghiên cứu tiếp theo nên tập trung vào các giải pháp hỗ trợ cho việc lưu trữ và vận chuyện theo công nghệ HNG, như gia tăng tốc độ kết tinh tinh thể và tối ưu điều kiện hình thành tinh thể.
Tải toàn văn bài báo ở đây.
Jonathan E. Hillman and Maesea McCalpin (2021) Huawei’s global cloud strategy – Economic and strategic implications
The CSIS Reconnecting Asia Project
Một nghiên cứu cho thấy những cảnh báo của Mỹ về hoạt động gián điệp của Huawei đang không thuyết phục được các chính phủ ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh thuê tập đoàn công nghệ Trung Quốc làm cơ sở hạ tầng đám mây và các dịch vụ chính phủ điện tử. Báo cáo của tổ chức tư vấn Trung tâm nghiên cứu chiến lược & quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington do Financial Times thực hiện đã xác định 70 giao dịch tại 41 quốc gia giữa Huawei và các chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước cho các dịch vụ này từ năm 2006 đến tháng 4 năm nay.
Xem toàn văn báo cáo ở đây.
Financial Times ngày 16/5/2021: Developing countries sign Huawei deals despite US espionage warnings. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Jeffrey Ding (2021) China’s growing influence over the rules of the digital road
Asia Policy, Volume 16, Number 2
Báo cáo này xem xét vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn quốc tế như một cánh cửa cho nước này nhằm tác động đến các thể chế quản trị kỹ thuật số toàn cầu. Báo cáo nhấn mạnh các lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thể duy trì lợi ích của mình trong không gian mạng.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
———-
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.