(Tuần từ 12 – 19/04/2021)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Trần Phạm Bình Minh, Lưu Việt Hà, Lê Xuân Phương
Biên tập: Nguyễn Trịnh Đôn
Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Tải Bản PDF ở
———-
Trong Bản Tin Biển Đông Số 59 có những nội dung sau:
I- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ CÁC ĐỐI TÁC
II- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
III- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
IV- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
V- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/SÁCH
———-
I- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á VÀ CÁC ĐỐI TÁC
Malaysia và Việt Nam dự định ký bản ghi nhớ về an ninh hàng hải trong năm nay
Hãng thông tấn Bernama của Malaysia đưa tin, Malaysia và Việt Nam sẽ ký bản ghi nhớ (MOU) nhằm tăng cường hợp tác về an ninh trên biển, bao gồm “sự xâm phạm của ngư dân Việt Nam”.
Thông tin này được Tổng cục trưởng phụ trách Cơ quan Thực thi pháp luật trên biển Malaysia (MMEA) Datuk Mohd Zubil Mat Som chia sẻ với báo chí ngày 5/4.
Bản ghi nhớ sẽ được ký giữa MMEA và Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo ông Mohd Zubil, quá trình lên dự thảo cho bản ghi nhớ trên đã bước vào giai đoạn cuối.
Bình luận
Giới chuyên gia cho rằng bản ghi nhớ này có thể giúp Việt Nam và Malaysia tăng cường hợp tác, giúp các nước này kháng cự – hoặc hợp tác với Trung Quốc.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM chia sẻ với VOA: “Nếu Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia có thể hợp tác với nhau, Trung Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài hợp tác với các nước Đông Nam Á này”.
Giáo sư Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, Hawaii cho rằng bản ghi nhớ này là hình mẫu cho các thỏa thuận giữa các nước có yêu sách ở Biển Đông.
Xem thêm:
Bernama ngày 5/4/2021: Malaysia, Vietnam expected to ink MoU on maritime security this year
VOA ngày 16/4/2021: How a Vietnam-Malaysia Fishing MOU Could Ease the Wider South China Sea Dispute
Hoa Kỳ bàn giao Trung tâm Huấn luyện cho Cảnh Sát Biển Việt Nam
Vào ngày 9/4/2021, Hoa Kỳ đã bàn giao một trung tâm huấn luyện, một xưởng duy tu – bảo trì và một cơ sở hạ tầng cảng cho Cảnh Sát Biển Việt Nam, trang VnExpress phiên bản tiếng Anh loan tin ngày 18/4/2021. Cả ba hạng mục vừa nêu nằm trong một dự án lớn do phía Mỹ tài trợ.
Buổi lễ bàn giao được tiến hành tại tỉnh Khánh Hòa với sự hiện diện của bà Marie C. Damour, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện cho Chính phủ Mỹ và Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam. Theo ông Sơn, những cơ sở mới được bàn giao giúp Cảnh Sát Biển Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển. Đây là một mốc quan trọng nữa trong mối quan hệ ngày càng thắt chặt hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Vào năm 2017, Cơ quan Tuần Duyên Hoa Kỳ bàn giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam tàu tuần tra USCGC Morgenthau lớp Hamilton và được đổi thành tàu CSB 8020. Từ năm 2019, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Việt Nam 24 xuồng tuần tra tốc độ cao. Hiện phía Hoa Kỳ cũng đang cho sơn và tháo gỡ một số vũ khí trên tàu USCGS John Midgett để sớm bàn giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam. Đây là một tàu tuần tra lớp Hamilton khác đã loại biên của Mỹ.
Xem thêm:
VnExpress ngày 18/4/2021: US hands over training facilities to Vietnam coast guard
RFA Tiếng Việt ngày 19/4/2021: Hoa Kỳ bàn giao Trung tâm Huấn luyện cho Cảnh Sát Biển Việt Nam
Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam tập huấn sử dụng công cụ giám sát biển
Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh ngày 13/4/2021, trong tuần vừa rồi tại thành phố Quy Nhơn, Văn phòng Hợp tác quốc phòng và Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tài trợ khóa tập huấn trực tuyến về sử dụng SeaVision cho các cơ quan hàng hải khác nhau gồm Cục Hàng hải Việt Nam, cảng vụ các tỉnh, thành phố, các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, Tổng cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư.
Theo lời giới thiệu, SeaVision là một công cụ dựa trên trang web về nhận biết tình hình trên biển nhằm giúp các cơ quan hàng hải tạo thuận lợi cho thương mại, đấu tranh chống buôn lậu, chống đánh bắt cá trái phép, thực hiện các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, gìn giữ môi trường và bảo vệ chủ quyền quốc gia. SeaVision do Bộ Giao thông Hoa Kỳ phát triển và hiện đang được sử dụng bởi nhiều quốc gia, trong đó có các nước thành viên ASEAN như Philippines Malaysia và Indonesia. Bằng hoạt động này, Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết của mình đối với an ninh và an toàn hàng hải của Việt Nam qua việc cung cấp đào tạo, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng.
Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo kết quả Đại hội XIII tới Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ngày 12/4/2021, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung và Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến thông báo về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tới Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Về quan hệ với Trung Quốc, ông Lê Hoài Trung khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một coi trọng việc duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định, bền vững với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Đây là chủ trương nhất quán, lâu dài và là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Xem thêm:
Báo Nhân dân ngày 13/4/2021: Thông báo kết quả Đại hội XIII của Đảng ta tới Đảng Cộng sản Trung Quốc
Nhân dân nhật báo ngày 14/4/2021: 宋涛同越南共产党中央对外部部长黎怀忠通话
Hạ nghị sĩ Mỹ Joaquin Castro nói về khu vực Bãi Ba Đầu và Sinh Tồn Đông: Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ việc tôn trọng chủ quyền các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam
Chiều 12/4/2021, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc đã có cuộc trao đổi trực tuyến với Hạ nghị sĩ liên bang thuộc đảng Dân chủ của bang Texas Joaquin Castro, đồng Chủ tịch Nhóm ASEAN của Quốc hội Hoa Kỳ, Chủ tịch Tiểu ban Phát triển quốc tế, các tổ chức quốc tế và tác động xã hội của kinh doanh toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.
Hai bên đã trao đổi về thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, Đối tác chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ và một số vấn đề khu vực cùng quan tâm. Đại sứ Hà Kim Ngọc đánh giá cao việc Hạ nghị sĩ Joaquin Castro, cùng Hạ nghị sĩ Ann Wagner (Cộng hòa – Missouri) đã giới thiệu Dự luật Chiến lược Đông Nam Á. Đại sứ Hà Kim Ngọc đề nghị Hạ nghị sĩ Castro ủng hộ thúc đẩy Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ, trong đó có việc Hoa Kỳ dự các Hội nghị cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ và Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Hạ nghị sĩ Castro khẳng định nỗ lực cùng các nghị sỹ thúc đẩy Chính quyền tăng cường can dự tích cực và xây dựng đối với khu vực và vận động Hạ viện và Thượng viện thông qua dự luật Chiến lược Đông Nam Á.
Đại sứ Hà Kim Ngọc đánh giá cao lập trường của Hoa Kỳ về duy trì các nguyên tắc căn bản để bảo đảm trật tự hàng hải dựa trên luật lệ và ủng hộ các quyền lợi chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông. Về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian gần đây, nhất là ở khu vực đá Ba Đầu và Sinh Tồn Đông, Hạ nghị sĩ Castro khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ việc tôn trọng chủ quyền của các nước khu vực, trong đó có Việt Nam.
Xem thêm:
Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ ngày 13/4/2021: Đại sứ Hà Kim Ngọc điện đàm với Hạ nghị sỹ Joaquin Castro
Mỹ đề cử ông Marc Evans Knapper làm đại sứ mới ở Việt Nam
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cử ông Marc Evans Knapper, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về Nhật Bản và Hàn Quốc tại Cục các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam, theo thông cáo ngày 15/4 của Nhà Trắng. Hiện đề cử của ông Biden đang chờ Thượng viện phê chuẩn.
Ông Knapper trước đây là tham tán của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Trước đó, ông là phó trưởng phái bộ của Đại sứ quán.
Ông cũng từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Ấn Độ, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Nhật Bản của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các vị trí lãnh đạo tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Baghdad, Iraq và Tokyo, Nhật Bản.
Trong giai đoạn 2004-2007, ông là tham tán chính trị trong Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Đặc biệt, theo thông cáo của Nhà Trắng, ông biết nói tiếng Việt, bên cạnh tiếng Nhật và tiếng Hàn.
Xem thêm:
Tân Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị
Bùi Thanh Sơn đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, cùng ASEAN đạt tiến triển về COC
Ngày 16/4, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Tại cuộc điện đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã giới thiệu đường lối đối ngoại của Việt Nam được Đại hội XIII xác định, khẳng định việc giữ gìn và phát triển tình hữu nghị và quan hệ với Trung Quốc luôn được Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Theo tờ Thế giới & Việt Nam của Bộ Ngoại giao Việt Nam, hai bên đã trao đổi chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán hiện nay. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên trao đổi, giải quyết bất đồng theo tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, thỏa thuận, nhận thức chung giữa hai bên và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cùng ASEAN đạt tiến triển tích cực về COC.
Trong khi đó, đối với vấn đề Biển Đông, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói hai bên cần xử lý đúng đắn các vấn đề trên biển, và nhấn mạnh đến các khía cạnh hợp tác kinh tế, tương đồng về chính trị.
Vương Nghị: Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Việt Nam đi theo con đường xã hội chủ nghĩa vì tương lai tốt đẹp hơn – Hành lang Thương mại quốc tế Biển-Đất liền mới
Trong buổi điện đàm đầu tiên với Bộ trưởng Ngoại giao mới của Việt Nam, ông Vương Nghị nhắc đến mối quan hệ đồng chí và anh em giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhắc đến điểm tương đồng là hai nước cùng được lãnh đạo bởi các đảng cộng sản, cùng chung sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, và thuộc về một cộng đồng chung một tương lai có ý nghĩa chiến lược.
Ông Vương nói cả hai bên cần ghi nhớ sứ mệnh ban đầu của mình, tăng cường tin cậy và đoàn kết lẫn nhau, tăng cường hợp tác chiến lược và bảo vệ những lợi ích chung, vì sự ổn định an ninh chính trị của hai nước và tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của thế giới.
Ông Vương nhấn mạnh, cách đây không lâu, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng và hai nước đã nói chuyện lại với nhau, vạch ra kế hoạch chi tiết và chỉ ra con đường phát triển cho quan hệ song phương hiện tại và tương lai.
Ông Vương nhắc đến Sáng kiến Vành đai và Con đường, “Hai hành lang một vòng kinh tế”, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, Hợp tác Lan Thương-Mekong và Hành lang Thương mại quốc tế Biển-Đất liền mới như những nền tảng tăng cường hợp tác và phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam nói riêng và với ASEAN nói chung.
Xem thêm:
Báo Thế giới & Việt Nam ngày 16/4/2021: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/4/2021: 王毅同越南新任外长裴青山通电话
Tân Hoa Xã/CGTN ngày 17/4/2021: Wang Yi: China to keep supporting Vietnam in taking socialist path for better future
Hải cảnh 5304 vẫn tiếp tục áp sát các lô dầu/khí Việt Nam
Hải cảnh 5304 tiếp tục thực hiện thêm 2 lần tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại Lô 05.2 và Lô 06.1 vào ngày 12 và 15/4/2021 với khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác tại mỏ Hải Thạch (Lô 05.2) khoảng hơn 1 hải lý và giàn khai thác tại mỏ Lan Tây (Lô 06.1) khoảng hơn 2 hải lý.
Hai tàu Cảnh sát biển hiện đại nhất Việt Nam đã hiện diện ở quần đảo Trường Sa
Theo dữ liệu AIS, bên cạnh tàu Cảnh sát biển 8001 (CSB8001) vẫn tiếp tục hiện diện tại khu vực phía tây đảo Sinh Tồn Đông, Tàu Cảnh sát biển mang số hiệu 8002 cũng đã di chuyển tới quần đảo Trường Sa từ ngày 15/4/2021 và hiện đang neo gần khu vực đảo Nam Yết, cách đá Ba Đầu khoảng 18 hải lý.
Bộ Ngoại giao Philippines triệu đại sứ Trung Quốc về vụ việc ở đá Ba Đầu
Ngày 12/4, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên để “bày tỏ sự bất mãn sâu sắc đối với vấn đề đá Ba Đầu”, theo một thông cáo của bộ này ngày 13/4.
Theo thông cáo, Quyền Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Elizabeth P. Buensuceso nói với Đại sứ Hoàng rằng đá Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bà cho rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở đây là nguồn gốc xung đột trong khu vực.
Bà cũng một lần nữa yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút tàu ra khỏi khu vực đá Ba Đầu và “các vùng biển khác của Philippines”.
Xem thêm:
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 13/4/2021
Reuters ngày 13/4/2021: Philippines summons Chinese ambassador over vessels in disputed waters
SCMP ngày 13/4/2021: Whitsun Reef row: could the Philippines lose another South China Sea feature to Beijing?
Philippines mở rộng tuần tra Biển Đông
Ngày 13/4 vừa qua, các quan chức Philippines thông báo đã bổ sung các tàu đến các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông; trong đó một tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển, bốn tàu hải quân và hai tàu khác từ Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản tới quần đảo Trường Sa và các khu vực khác ở Biển Đông để tuần tra hàng hải.
Ông Ramil Roberto, Phó Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Phía Tây thuộc Lực Lượng Đặc nhiệm Quốc gia về biển Tây Philippines cho biết Chính phủ sẽ thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải nhằm bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật trên biển tại khu vực bãi Ba Đầu, đảo Thị Tứ, bãi Cỏ Rong và các khu vực khác của quần đảo Trường Sa.
“Những nỗ lực liên ngành này là rất cần thiết để chúng tôi giải quyết các mối quan tâm quốc gia ở Biển Đông. Lực lượng Đặc nhiệm phía Tây sẽ tiếp tục làm như vậy để đảm bảo rằng các lực lượng và cơ quan Chính phủ có thể hợp tác, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện các nhiệm vụ tương ứng nhằm thực thi chính sách và chiến lược quốc gia,” Roberto nói.
Tổng Tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Philippines, Cirilito Sobejana, tiết lộ rằng có ít nhất 28 tàu bao gồm tàu hải cảnh và dân quân hàng hải của Trung Quốc vẫn ở Biển Đông và quần đảo Trường Sa.
Giáo sư Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, cho rằng sự hiện diện của tàu dân quân biển Trung Quốc tại Bãi Ba Đầu là một mưu đồ của Trung Quốc nhằm gây sức ép buộc Philippines phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tình hình tại Bãi Ba Đầu cũng được tạo ra để phá vỡ liên minh Hoa Kỳ – Philippines. Ông Thayer nói trong bài thuyết trình trực tuyến trước các nhà báo quốc tế rằng Trung Quốc đã quyết đoán hơn trong việc trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ; với khả năng tiềm tàng kết hợp với sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để chống lại “trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu”. Ông cho biết lợi thế quân sự của Mỹ đối với Bắc Kinh đã giảm xuống khi PLA đã nâng cấp và cải tiến trang bị vũ khí của mình; “nếu không có biện pháp răn đe đủ mạnh, Trung Quốc có thể phá hoại trật tự quốc tế và các giá trị đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Xem thêm:
USNI News ngày 13/4/2021: Officials: the Philippines Expanding South China Sea Patrols Near Disputed Reef – USNI News
Tàu tuần tra BRP Cabra của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines tiếp tục tuần tra Bãi Ba Đầu
Từ ngày 11 đến 16/4/2021, tàu tuần tra BRP Cabra của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines đã tiến hành tuần tra tại khu vực bãi Ba Đầu và đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Theo đó, BRP Cabra đã có mặt tại khu vực phía nam Bãi Ba Đầu từ rạng sáng 13/4/2021 và rời khỏi khu vực bãi ngầm này vào khoảng 7 giờ sáng ngày 13/4 để di chuyển về khu vực đảo Thị Tứ (mà Philippines chiếm đóng từ đầu thập niên 1970). BRP Cabra sau đó đã neo tại khu vực phía tây đảo Thị Tứ từ 15 giờ ngày 13/4 đến 22 giờ ngày 14/4 thì di chuyển quay trở lại Bãi Ba Đầu. Tàu tuần tra của Philippines tiếp tục hoạt động tại khu vực phía nam Bãi Ba Đầu từ 7 giờ đến 15 giờ ngày 15/4 trước khi di chuyển trở về đất liền.
Ngày 15/4, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines đã công bố các hình ảnh tàu tuần tra áp sát các tàu Trung Quốc tại Bãi Ba Đầu. Các bức ảnh được công bố cho thấy, các ca nô của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã tiếp cận khá gần nhóm 6 tàu Trung Quốc trong đó có 1 tàu hải cảnh đóng bè tại khu vực đá Ba Đầu. Những bức ảnh này có thể được chụp vào ngày 13/4 khi tàu tuần tra BRP Cabra của Philippines tiếp cận khu vực bãi Ba Đầu.
Xem thêm:
ABS – CBN News ngày 14/4/2021: At least 240 Chinese ships swarming in Philippines’ EEZ: NTF-WPS
Philstar ngày 15/4/2021: In photos: Chinese maritime militia ships remain in Julian Felipe Reef
Báo Tuổi Trẻ ngày 15/4/2021: Philippines công bố hình ảnh áp sát tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu
Bộ Ngoại giao Philippines tiếp tục phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, nước này đã gửi 2 công hàm phản đối tới Trung Quốc vào ngày 14/4 để phản đối sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đá Ba Đầu, cũng như sự phân tán của các tàu Trung Quốc đến “các vùng biển khác của Philippines”.
Xem thêm:
PNA ngày 14/4/2021: DFA to file anew diplomatic protest over Chinese vessels in WPS
Các hội doanh nghiệp Philippines phản ứng về vụ Bãi Ba Đầu: Trung Quốc hãy dừng hành động như thực dân
Trong một động thái hiếm hoi liên quan đến mối quan hệ giữa Philippines với cường quốc kinh tế và quân sự mạnh nhất ở châu Á, hôm thứ Tư ngày 14/4/2021, phòng thương mại lớn nhất của nước này và các nhóm kinh doanh khác đã tham gia kêu gọi Trung Quốc rút các tàu dân quân biển của họ khỏi Biển Tây Philippines và dừng hành động như những người thực dân đã từng khuất phục đất nước Trung Hoa.
Xem thêm:
Philippine Daily Inquirer ngày 14/4/2021: Stop acting like a colonizer, PH business groups tell China
Nghị sĩ đối lập Philippines kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte đối đầu với “sự bắt nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong khi một số quan chức Philippines, bao gồm cả nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước và Bộ trưởng Quốc phòng, đã công khai yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi vùng biển của đất nước, ông Duterte đã giữ im lặng trong nhiều tuần. Trong một bài phát biểu vào tối thứ Năm, ông Duterte không đề cập đến Biển Đông. Người phát ngôn của ông trước đó đã nói rằng tổng thống muốn theo đuổi “các sáng kiến ngoại giao” của mình trong “riêng tư”.
Các nhà lập pháp và chuyên gia chính sách đối ngoại cảnh báo sự im lặng của nhà lãnh đạo Philippines đang phát đi tín hiệu sai khi hàng trăm tàu “dân quân biển” Trung Quốc tiếp tục tập trung trong khu vực đặc quyền kinh tế của Manila đới (EEZ) trên Biển Đông.
Xem thêm:
Aljazeera ngày 16/4/2021: Duterte urged to confront Chinese ‘bullying’ in South China Sea
Lần đầu bình luận công khai về vụ Bãi Ba Đầu, Tổng thống Philippines một lần nữa nói Philippines không thể làm gì được đâu
Trong một bài phát biểu trước công chúng ngày 19/4/2021, thay vì cùng các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của mình phản đối sự xâm nhập của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte chỉ lặp lại những lập luận cũ chống lại việc khiêu khích Trung Quốc.
Bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Hai là lần đầu tiên ông Duterte đưa ra những nhận xét công khai về vụ tràn ngập tàu Trung Quốc ở Bãi Ba Đầu.
Xem thêm:
Rappler ngày 20/4/2021: Amid Chinese incursions, Duterte again says nothing PH can do
South China Morning Post ngày 20/4/2021: ‘It will be bloody’: Duterte may send naval ships over South China Sea disputes
Đại sứ Philippines tại Mỹ: Hoa Kỳ sẵn sàng trợ giúp Philippines bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế
Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết chính phủ Hoa Kỳ “rõ ràng đang chờ đợi” nếu Philippines cần hỗ trợ để đuổi các tàu nước ngoài lưu trú trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Romualdez cho biết cả Lầu Năm Góc và Lực lượng Vũ trang Philippines đang liên lạc về vấn đề này.
“Bộ trưởng Quốc phòng (Delfin) Lorenzana đã có cuộc điện đàm gần đây với Bộ trưởng (Bộ Quốc phòng Lloyd Austin) tại Hoa Kỳ. Cả hai rõ ràng đang làm việc cùng nhau và gần đây Hoa Kỳ đã triển khai tàu USS Theodore Roosevelt đến và họ đã có một hoạt động ở Biển Tây Philippines,” ông nói.
Xem thêm:
Philippine News Agency ngày 20/4/2021: US ready to help in securing PH exclusive zones: envoy
II- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Không phận của Đài Loan chứng kiến sự gia tăng xâm nhập quân sự của Trung Quốc
Hôm thứ Hai ngày 12/4/2021, 25 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan, cuộc xâm nhập lớn nhất kể từ khi hòn đảo này bắt đầu báo cáo hoạt động như vậy lần đầu tiên vào giữa tháng 9 năm ngoái. 18 máy bay chiến đấu J-16 và J-10 nằm trong số các máy bay của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân (PLAAF) bị phát hiện, cùng với 4 máy bay ném bom H-6K. Phần còn lại gồm một máy bay cảnh báo và điều khiển trên không KJ-500 và hai máy bay chống ngầm Y-8. Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố rằng họ đã điều máy bay chiến đấu của riêng mình và triển khai các hệ thống tên lửa để giám sát hoạt động của Trung Quốc trong khi cảnh báo vô tuyến đã được phát đi.
Quy mô ngày càng tăng của các hoạt động trên không và hải quân của Trung Quốc trong những tuần gần đây đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc đụng độ quân sự trong khu vực, với việc Đảo Pratas do Đài Loan kiểm soát được cho là đặc biệt dễ bị tổn thương vì vị trí cô lập. Những lo ngại này cũng đã dẫn đến việc triển khai 500 Thủy quân lục chiến Đài Loan ở đó. Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh bất hảo và cho rằng việc tái thống nhất là không thể tránh khỏi, bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp để đạt được mục tiêu đó, bao gồm cả lực lượng quân sự.
Xem thêm:
Forbes ngày 14/4/2021: Taiwan’s Airspace Sees Increase In Chinese Military Incursions [Infographic]
Thủy quân lục chiến Mỹ diễn tập tấn công đổ bộ lên đảo ở Biển Đông
Trong cuộc tập trận Noble Fury, thủy thủ và thủy quân lục chiến thuộc Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 3 đã thực hành các kỹ thuật tấn công đảo có thể được sử dụng trong một trận chiến tương lai ở Thái Bình Dương.
Trong cuộc diễn tập, Thủy quân lục chiến di chuyển bằng máy bay quân sự đa nhiệm Marine V-22 Ospreys đã đổ bộ lên đảo Shima nằm ngay phía tây Okinawa. Với sự hỗ trợ trên không của máy bay trực thăng tấn công AH-1Z, hơn một trăm lính thủy đánh bộ đã mô phòng chiếm một sân bay của đối phương và bảo vệ hòn đảo. Sau khi đẩy lùi một cuộc phản công mô phỏng của đối phương, Thủy quân lục chiến đã tiến hành một cuộc xâm nhập với sự hỗ trợ của hệ thống pháo di động HIMARS vào ban đêm.
Xem thêm:
The National Interest ngày 10/4/2021: The Marines are Preparing to Assault South China Sea Islands
Blinken cảnh báo Trung Quốc, Nga về hành động quân sự, nhưng không hứa Hoa Kỳ sẽ can thiệp nếu hai nước này tiến hành cuộc xâm lược
Trong một chương trình truyền hình của đài NBC, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói rằng nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan thì đó sẽ là một “sai lầm nghiêm trọng.” Ông cũng bày tỏ lo ngại về việc Nga triển khai lực lượng tới biên giới Ukraine, và nói rằng nếu Nga hành động liều lĩnh hoặc gây hấn thì sẽ phải trả giá, phải gánh chịu hậu quả.
Tuy nhiên Blinken lại không hứa liệu Hoa Kỳ sẽ có can thiệp quân sự hay không nếu Trung Quốc và Nga tiến hành hoạt động quân sự – “Tôi sẽ không sa đà vào những giả thiết” – nhưng ông khẳng định sẽ có “hậu quả”.
Xem thêm:
Politico ngày 11/4/2021: Blinken warns China, Russia about military action
Aljazeera ngày 11/4/2021: Blinken warns China that action against Taiwan would be ‘mistake’
Bloomberg ngày 11/4/2021: Blinken Warns China on Taiwan Encroachment, Russia on Ukraine. Bản PDF được lưu trữ ở đây.
Báo cáo tình báo Hoa Kỳ nhận định Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines đã công bố báo cáo đánh giá mối đe dọa thường niên năm 2021 do cộng đồng tình báo Hoa Kỳ thực hiện, trong đó mô tả chi tiết “các mối đe dọa trực tiếp, nghiêm trọng nhất đối với Hoa Kỳ trong năm tới.” Báo cáo xác định những mối đe doạ hàng đầu là Trung Quốc, Triều Tiên, Nga và Iran vì các quốc gia đã “thể hiện khả năng và ý định thúc đẩy lợi ích của họ với chi phí của Hoa Kỳ và các đồng minh.” Báo cáo cũng lưu ý rằng “đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động căng thẳng tới chính phủ và xã hội, thúc đẩy các cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế, bất ổn chính trị, và cạnh tranh địa chính trị.”
Báo cáo sẽ là cơ sở cho các cuộc họp Ủy ban Tình báo Quốc hội diễn ra ngày 13 và 14/4/2021.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
Reuters ngày 13/4/2021: China push for global power tops US security threats -intelligence report
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tới thăm Đài Loan
Thứ trưởng Ngoại giao Điền Trung Quang (Tien Chung-kwang) cho biết Đài Bắc đang thu xếp để cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo có thể đến thăm Đài Loan vào cuối năm nay theo mong muốn của ông. Pompeo là người ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ trong thời gian ông đương chức. Thông báo được đưa ra khi những căng thẳng giữa Đài Loan, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang gia tăng. Chuyến đi dự kiến sẽ thu hút sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Nhiều nguồn tin dự đoán cựu Ngoại trưởng Pompeo có thể sẽ ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 13/4/2021: Taiwan ready to welcome former US secretary of state Mike Pompeo
Lần đầu tiên, Nhật – Đức tổ chức Hội đàm 2+2, mở rộng hợp tác từ kinh tế sang an ninh
Chiều ngày 13/4/2021, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Nhật Bản và Đức đã tổ chức một hội nghị trực tuyến kéo dài 90 phút trong nỗ lực mở rộng hợp tác vốn trước đó tập trung vào kinh tế, sang lãnh vực an ninh quốc gia, vào thời điểm mà những lo ngại về hành vi bá quyền của Trung Quốc đang gia tăng ở cả châu Á và châu Âu.
Trong cuộc hội đàm, hai bên đã xác nhận ý định hợp tác chặt chẽ trong những hoạt động cho một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Phía Nhật Bản đã đề xuất hợp tác song phương nhân dịp Hải quân Đức triển khai khinh hạm ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong đó có các cuộc tập trận chung cũng như các hoạt động theo dõi và giám sát vận chuyển bất hợp pháp liên quan đến Triều Tiên.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết hai bên trao đổi quan điểm về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, tuy nhiên thông cáo không cho biết cụ thể quan điểm của phía Đức.
Tháng 9 năm ngoái, Đức đã ban hành các hướng dẫn chính sách cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có tăng cường hợp tác với các nước dân chủ như Nhật Bản và Australia. Theo hướng dẫn, Đức đang lên kế hoạch điều động tàu khu trục nhỏ đầu tiên đến khu vực. Đức cũng đã cùng với Anh và Pháp đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc bày tỏ lập trường bác bỏ một số yêu sách của Trung Quốc mà có thể cản trở tự do hải hành và không hành ở Biển Đông.
Dù vậy, giới quan sát vẫn lo ngại việc Đức ưu tiên mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, và chỉ trích sự im lặng của Thủ tướng Đức Angela Merkel trước những sự kiện xảy ra ở Hồng Kông và Tân Cương trong cuộc hội đàm song phương mới đây với Trung Quốc.
Bốn Bộ trưởng đã xác nhận ý định tổ chức Hội đàm 2 + 2 tiếp theo vào một ngày sớm nhất, theo hình thức gặp trực tiếp.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 13/4/2021: Japan-Germany Foreign and Defense Ministers’ Meeting (“2+2”)
DW ngày 14/4/2021: Japan seeks German help to counter China’s clout in Indo-Pacific
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 17/9/2020: Lập Trường Chung Của Pháp, Đức, Anh Về Biển Đông
Gần 70% người Nhật tham gia khảo sát của Bộ Ngoại giao Nhật Bản muốn chính phủ có lập trường mạnh mẽ trước sự xâm nhập của Trung Quốc
Gần 70% trong số 1000 câu trả lời hợp lệ được thu thập bởi cuộc khảo sát được tiến hành bởi Bộ Ngoại giao Nhật Bản qua điện thoại muốn chính phủ có lập trường mạnh mẽ đối với các cuộc xâm nhập của hải cảnh Trung Quốc vào vùng biển Nhật Bản, kết quả mới được công bố hôm thứ Năm ngày 15/4/2021.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 15/4/2021: Some 70% of Japanese want to take strong stance on China’s intrusions
84% người Mỹ tham gia khảo sát có cái nhìn tích cực về Nhật Bản
Theo kết quả một khảo sát của Gallup Inc. được công bố ngay trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, 84% người Mỹ có quan điểm tích cực về Nhật Bản. Nhật Bản được đánh giá tích cực nhất ở châu Á và chỉ sau Canada, Anh và Pháp trên toàn cầu.
Quan điểm tích cực của người Mỹ về Nhật Bản được chia sẻ rộng rãi giữa các nhóm nhân khẩu học, với 84% đảng viên Dân Chủ, 80% đảng viên Cộng hoà và 86% người phi đảng phái.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 18/4/2021: 84% of Americans view Japan positively, poll shows
Hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản phát đi thông điệp về ưu tiên của Mỹ
Như tin đã đưa, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide là lãnh đạo quốc gia đầu tiên đã được mời đến Nhà Trắng gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021. Theo truyền thống của Mỹ, cuộc gặp gỡ đầu tiên của tổng thống mới với một nhà lãnh đạo nước ngoài thường dành cho các đồng minh hàng đầu. Truyền thông tiết lộ cuộc họp trực tiếp tiếp theo sẽ được thực hiện với Hàn Quốc, dự kiến vào tháng 5.
Trung Quốc là chủ đề đứng đầu chương trình nghị sự trong cuộc gặp giữa Biden và Suga. Những động thái này của Mỹ được cho là đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của Nhật Bản trong các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đối đầu với Bắc Kinh.
“Một phần của chiến lược (ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) tất nhiên là tập trung thực sự chuyên sâu vào việc hợp tác với các đồng minh, bạn bè và đối tác, và trung tâm của chiến lược đó là Nhật Bản,” Kurt Campbell, điều phối viên Nhà Trắng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho biết trong một sự kiện trực tuyến gần đây.
Nhật Bản cũng là đối tác được các nước Đông Nam Á tin tưởng nhất, theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak vào cuối năm 2020.
Trong buổi họp báo sau cuộc họp, ông Biden cho biết hai bên đã có một cuộc thảo luận có hiệu quả, hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động và cơ hội có thể hợp tác cùng nhau trong tương lai. Ông Biden công bố một mối quan hệ đối tác mới giữa nhật Bản và Hoa Kỳ để nâng cao năng lực cùng nhau đáp ứng những thách thức cấp bách của thời đại. Đó là các thách thức từ Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và Triều Tiên để bảo vệ một tương lai Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở; đó là làm sao để chứng tỏ rằng các nền dân chủ vẫn có thể cạnh tranh và chiến thắng ở thế kỷ 21. Và trên hết, đứng hàng đầu trong chương trình nghị sự là kiểm soát đại dịch và giúp bạn bè và hàng xóm trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phục hồi.
Hai bên sẽ hợp tác cùng nhau trong việc bảo vệ các công nghệ giúp duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh của hai nước, từ việc thúc đẩy mạng 5G cho đến các chuỗi cung ứng trong các lãnh vực quan trọng như chất bán dẫn, thúc đẩy nghiên cứu chung trong các lãnh vực như trí tuệ nhân tạo, gen, điện toán lượng tử…
Về phía Thủ tướng Nhật Suga, ông cho biết thêm rằng hai bên đã nhất trí rằng mỗi nước cần đối thoại thẳng thắn với Trung Quốc, theo đuổi sự ổn định trong các mối quan hệ quốc tế trong khi đồng thời duy trì các giá trị phổ quát. Ông Suga cũng cho biết trong cuộc họp, ông Biden đã một lần nữa thể hiện cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Nhật Bản, bao gồm cả việc áp dụng Điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung đối với quần đảo Senkaku.
Bản Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo được công bố sau đó cũng nhấn mạnh bằng văn bản rằng Hoa Kỳ tái khẳng định sự hỗ trợ vững chắc đối với quốc phòng Nhật Bản và quần đảo Senkaku theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh Hoa Kỳ-Nhật Bản, với tất cả năng lực hiện có của Mỹ, bao gồm cả hạt nhân.
Với sự thúc giục của Mỹ, vấn đề Đài Loan đã được nhắc đến trong cả buổi họp báo và Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo sau đó. Hai bên cùng tái khẳng định về tầm quan trọng của hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết một cách hoà bình. Tuy nhiên ông Suga không cho biết chi tiết thảo luận của hai bên về Đài Loan vì vấn đề ngoại giao.
Các quan chức chính phủ Nhật Bản cũng kín tiếng về các cuộc thảo luận về Đài Loan. “Đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn về quan điểm liên quan đến Đài Loan. Nhưng chúng tôi không muốn đi vào chi tiết về những gì đã được thảo luận”, một quan chức chính phủ cấp cao nói với các phóng viên sau cuộc họp.
Dù vậy, đây là lần đầu tiên Đài Loan được đề cập trực tiếp trong một tuyên bố chung lãnh đạo Mỹ – Nhật kể từ khi Mỹ và Nhật Bản chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc vào những năm 1970.
Vì sao Nhật Bản kín tiếng về chi tiết thảo luận vấn đề Đài Loan?
Mike Mochizuki, một nhà khoa học chính trị tại Đại học George Washington, cho biết “vì tầm quan trọng của Nhật Bản, Hoa Kỳ sẵn sàng lắng nghe những gì Nhật Bản nói. Thách thức đối với Nhật Bản là tìm ra những gì họ muốn nói.”
Mochizuki nhận định: “Khi tôi nhìn vào lợi ích thực sự của Nhật Bản, mặc dù Nhật Bản có lo ngại về Trung Quốc, nhưng nước này không muốn sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt đến mức nguy cơ xung đột quân sự gia tăng.
Điều đó có thể giải thích sự thiếu nhiệt tình của phía Nhật Bản trong việc công bố các cuộc thảo luận về Đài Loan.”
Những câu hỏi đặt ra sau Hội đàm thượng đỉnh song phương Mỹ – Nhật
Về khía cạnh kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng chiến lược thương mại vẫn còn mù mờ của chính quyền Biden đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể làm phức tạp các nỗ lực nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trọng tâm hiện tại của Chính quyền Biden là đầu tư vào khả năng cạnh tranh của Mỹ trên sân nhà hơn là đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào, duy trì cái mà họ gọi là “chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu”.
Nước này cũng tỏ ra thận trọng về việc sớm quay lại thỏa thuận thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đã để lại cách đây 4 năm. Nhật Bản và 10 thành viên châu Á-Thái Bình Dương còn lại đã chuyển sang cứu vãn phần lớn thỏa thuận, hiện được gọi là Thỏa thuận Toàn diện và Tiến bộ cho Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.
Zack Cooper, một chuyên gia về chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cho biết: “Nếu không có TPP, Hoa Kỳ không có nhiều lựa chọn để làm thế nào để tham gia sâu hơn (với khu vực).
Trong khi Biden và Suga đưa ra các thỏa thuận để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm an ninh khu vực đến công nghệ, Cooper cho biết phần khó nhất sẽ là biến điều đó thành nỗ lực xây dựng liên minh về các vấn đề cụ thể để đáp ứng những thách thức phía trước.
Xem thêm:
Financial Times ngày 14/4/2021: US pushes Japan to back Taiwan at Biden-Suga summit. Bản PDF được lưu trữ ở đây.
Nhà Trắng ngày 16/4/2021: Remarks by President Biden and Prime Minister Suga of Japan at Press Conference
Nhà Trắng ngày 16/4/2021: US- Japan Joint Leaders’ Statement: “US – JAPAN GLOBAL PARTNERSHIP FOR A NEW ERA”
Nhà Trắng ngày 16/4/2021: FACT SHEET: U.S.-Japan Competitiveness and Resilience (CoRe) Partnership [PDF]
Financial Times ngày 17/4/2021: Japan vows to support US in opposing ‘coercion’ from China. Bản PDF được lưu trữ ở đây.
Kyodo News ngày 17/4/2021: Suga, Biden commit to take on China challenges, affirm Taiwan stance
Nikkei Asia ngày 17/4/2021: Biden and Suga refer to ‘peace and stability of Taiwan Strait’ in statement. Bản PDF được lưu trữ ở đây.
The Japan Times ngày 18/4/2021: Tough road ahead as Japan-U.S. alliance tackles China challenge. Bản PDF được lưu trữ ở đây.
Trung Quốc tuyên bố đã sẵn sàng thống nhất Đài Loan
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ra tuyên bố chung đề cập vấn đề Đài Loan, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành tuyên bố nước này không bao giờ để Đài Loan độc lập và đã chuẩn bị sẵn sàng, không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào. “Thống nhất đất nước giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc là một quá trình lịch sử, sẽ không bị ngăn cản bởi bất kỳ ai hay bất kỳ thế lực nào. Chúng tôi sẽ không bao giờ để Đài Loan độc lập”, ông Lạc Ngọc Thành trả lời phỏng vấn hôm 16/4/2021.
Trung Quốc cho rằng việc hai nhà lãnh đạo Mỹ – Nhật lần đầu tiên đề cập đến Đài Loan trong tuyên bố chung là can thiệp nghiêm trọng các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và gửi đi tín hiệu rằng Mỹ – Nhật đang cố thách thức các động thái có thể của Bắc Kinh nhằm thống nhất đất nước.
Trung Quốc luôn coi đảo Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Ông Lạc nhấn mạnh nguyên tắc “Một Trung Quốc” là lằn ranh đỏ của Trung Quốc và không ai nên cố vượt qua, dù ở cấp thấp hay cấp cao. “Vấn đề Đài Loan dựa trên lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Đơn giản là không có chỗ cho thỏa hiệp”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Xem thêm:
VnExpress ngày 19/4/2021: Trung Quốc tuyên bố đã sẵn sàng cho thống nhất Đài Loan
Chiến lược dài hạn của châu Âu: Thêm tàu chiến ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Tại một cuộc họp của Hội đồng đối ngoại vào thứ Hai, các quốc gia EU dự kiến sẽ thông qua một tài liệu mà lần đầu tiên đặt ra một chiến lược châu Âu toàn diện đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo một dự thảo, chiến lược tìm cách giải quyết thách thức Trung Quốc trỗi dậy và nêu ra một loạt các vấn đề, từ giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc đến mở rộng vai trò của châu Âu trong lãnh vực số hóa trên toàn Đông Nam Á. Trên hết, vấn đề gây tranh cãi nhất là dự thảo có kế hoạch ghi nhận “tầm quan trọng của sự hiện diện đáng kể của Hải quân châu Âu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Xem thêm:
EEAS ngày 19/4/2021: Toàn văn dự thảo
Politico ngày 19/4/2021: Europe’s strategic long-shot: More warships in the Indo-Pacific
EU đầu tư nhiều hơn vào chất bán dẫn của Đài Loan.
Liên hiệp châu Âu sẽ đầu tư nhiều hơn vào ngành sản xuất chip của Đài Loan để giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu và đảm bảo chuỗi cung ứng của chính khối.
Xem thêm:
Reuters ngày 20/4/2021: EU seeks greater Taiwanese investment as chip shortage bites
III- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật ở eo biển Đài Loan trong thời gian phái đoàn Mỹ đến thăm hòn đảo này và lãnh đạo Nhật – Mỹ lần đầu tiên đề cập Đài Loan trong tuyên bố chung
Quân đội Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài sáu ngày bắt đầu từ ngày 15/4 tại phía nam quần đảo Bành Hồ ở eo biển Đài Loan. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh một phái đoàn không chính thức của Hoa Kỳ trong đó có cựu thượng nghị sĩ Chris Dodd và các cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage, James Steinberg đến thăm đảo Đài Loan và dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Thái Anh Văn cũng vào ngày 15/4/2021.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, họ sẵn sàng sử dụng vũ lực để tái thống nhất nếu cần thiết. Trung Quốc cũng đã nhiều lần cảnh báo Washington về mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Bắc.
“Các cuộc tập trận rõ ràng là một tuyên bố về chủ quyền ở Biển Đông cũng như Đài Loan. Nó cũng đóng vai trò như một lời cảnh báo rõ ràng đối với nước ngoài không can thiệp vào hai vấn đề này.” Khương Lâm (Kang Lin), một nhà nghiên cứu tại Đại học Hải Nam, Trung Quốc đánh giá.
Tuy nhiên nhà bình luận về các vấn đề quân sự Chu Thần Minh (Zhou Chenming) cho biết quân đội Trung Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực vào khoảng thời gian này trong năm vì điều kiện thời tiết thuận lợi.
Các cuộc tập trận diễn ra sau khi Bắc Kinh điều 25 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan vào ngày 12/4 – cuộc xâm nhập lớn nhất từ trước đến nay được báo cáo bởi Bộ Quốc phòng Đài Loan.
Trước đó, Cục Hải sự Quảng Đông đã ra thông báo về việc diễn tập bắn đạn thật tại khu vực có diện tích khoảng 200 km2 cách bờ biển Sán Đầu khoảng 25 hải lý, cách quần đảo Bành Hồ khoảng 120 hải lý. Cũng theo thông báo từ Cục Hải sự Quảng Đông, một đợt diễn tập bắn đạn thật khác cũng diễn ra tại ven biển Sán Vĩ, gần eo biển Đài Loan từ ngày 13 đến 17/4/2021.
Theo một báo cáo của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc được trích dẫn lại bởi tờ South China Morning Post, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận oanh tạc trên không quy mô lớn vào cuối tuần qua, với việc triển khai hàng chục máy bay ném bom chiến lược H-6K trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật kéo dài 9 giờ. Các máy bay ném bom đã cất cánh theo nhóm từ một sân bay quân sự ở miền đông Trung Quốc trong đội hình chiến đấu trong điều kiện tầm nhìn thấp và hướng tới một “trường bắn không xác định”, báo cáo của CCTV cho biết.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 14/3/2021: PLA to hold live-fire drills off Taiwan as US delegation visits island
South China Morning Post ngày 20/4/2021: China conducts aerial bombing drill after US-Japan statement on Taiwan
Trung Quốc đăng ký “nhãn hiệu” cho toàn bộ Biển Đông
Theo BenarNews, chính quyền thành phố Tam Sa đã nộp hàng nghìn đơn đăng ký nhãn hiệu trong nước bao gồm 281 bãi đá, rạn san hô, bãi cạn cụ thể và các đối tượng địa lý tranh chấp khác cũng như toàn bộ các khu vực của Biển Đông. Mỗi nhãn hiệu này bao gồm tên của đối tượng địa lý được viết kiểu thư pháp cách điệu của Trung Quốc và được phân loại theo một trong 45 nhóm nhãn hiệu quốc tế. Nhiều biểu tượng cũng bao gồm phiên âm tiếng Anh của tên đối tượng địa lý và biểu trưng minh họa cung cấp một cái nhìn đầy màu sắc về cấu trúc địa lý khi nhìn từ trên xuống. Việc mô tả các đối cấu trúc lý dường như có trước chiến dịch cải tạo đất lớn của Trung Quốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bắt đầu vào năm 2014.
Đài Loan và Việt Nam đã bác bỏ tính hợp pháp của các nhãn hiệu này, cái mà các chuyên gia mô tả là một nỗ lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) nhằm kiểm soát cách các công ty trong nước và thậm chí cả nước ngoài sử dụng nhãn hiệu đối với Biển Đông.
Theo giáo sư Julian Ku, Trường Luật Maurice A. Deane tại Đại học Hofstra ở New York, cho biết những nhãn hiệu này có khả năng giúp chính phủ Trung Quốc tiến hành các vụ kiện để kiểm soát cách các công ty Trung Quốc và nước ngoài sử dụng nhãn hiệu liên quan đến Biển Đông. Ông cũng cho rằng rằng đây sẽ là một hình thức “lách luật” của Trung Quốc thông qua việc sử dụng luật pháp quốc tế và quốc gia để nâng cao vị thế của mình đối với các tranh chấp.
Xem thêm:
RFA ngày 13/4/2021: China Has Trademarked the Entire South China Sea
Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành nói về quan hệ Trung – Mỹ
Hôm thứ Sáu ngày 16/4/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) đã trả lời phỏng vấn tờ Associated Press về một loạt các vấn đề liên quan tới quan hệ Trung – Mỹ.
Ông Lạc cho rằng định nghĩa của chính quyền Joe Biden về mối quan hệ giữa hai nước là cạnh tranh, hợp tác và là đối thủ là một định nghĩa có xu hướng tiêu cực, và cảnh báo rằng xu hướng tiêu cực này có thể dẫn tới thảm họa.
Ông Lạc kêu gọi hai nước cần tăng cường đối thoại để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, và mở đường cho hợp tác. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục nhắc lại mô-tuýp quen thuộc, đó là cho rằng sự căng thẳng trong mối quan hệ hai nước hoàn toàn là do Mỹ.
Điều này cho thấy Trung Quốc tiếp tục để ngỏ cánh cửa đối thoại và cải thiện quan hệ, nhưng sẽ không nhượng bộ Mỹ trong những nguyên nhân gây ra căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 18/4/2021: Transcript of Vice Minister Le Yucheng’s Exclusive Interview with the Associated Press of the United States
South China Morning Post ngày 18/4/2021: US negativity towards China could lead to catastrophe, diplomat says
Tập Cận Bình: Các trường đại học Trung Quốc nên đào tạo ra những nhà tư tưởng hoàn toàn trung thành với Đảng Cộng sản
Trong chuyến công du hôm thứ Hai ngày 19/4/2021 tới thăm Đại học Thanh Hoa ở thủ đô Bắc Kinh, ông Tập đã ca ngợi Thanh Hoa về truyền thống đào tạo nhân tài “vừa hồng vừa chuyên”, một cụm từ được đưa ra dưới thời Mao Trạch Đông. Trường đại học sẽ kỷ niệm 110 năm thành lập vào Chủ nhật tới.
Tập Cận Bình nhấn mạnh việc tuân thủ định hướng xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới mang đặc trưng Trung Quốc, giáo dục đại học Trung Quốc phải đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước, sự phục hưng của dân tộc Trung Quốc và hạnh phúc của người dân. Ông khuyến khích những người trẻ tuổi ở Trung Quốc vươn lên thực hiện sứ mệnh phục hưng đất nước.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 19/4/2021: Xi stresses building world-class universities to serve nation in visit to Tsinghua – Xinhua
South China Morning Post ngày 19/4/2021: Chinese universities should produce inquisitive thinkers who are totally loyal to the Communist Party, says Xi Jinping
Global Times nói khảo sát cho thấy 90% người trẻ Trung Quốc tin rằng Trung Quốc không cần tiếp tục ngước nhìn phương Tây
Khoảng 90% thanh niên Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu của tờ Thời báo Hoàn cầu thực hiện tin rằng Trung Quốc không nên “nhìn lên phương Tây” nữa, với nhiều người trong 5 năm qua thậm chí “nhìn xuống phương Tây” do nhiều lý do bao gồm thành tựu phát triển của Trung Quốc và việc phương Tây không xử lý được đại dịch COVID-19…
Cuộc khảo sát có tiêu đề “Thay đổi thái độ đối với phương Tây trong giới trẻ Trung Quốc,” thu thập từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 4 với tổng số 1.281 câu trả lời từ 129 thành phố trong cả nước. Nó cho thấy đã có một sự thay đổi đáng kể trong thái độ của những người trẻ tuổi đối với các nước phương Tây, khi ngày càng nhiều người được hỏi coi họ là bình đẳng trong khi nhiều người trước đây vẫn coi trọng họ.
Xem thêm:
Global Times ngày 19/4/2021: GT survey shows 90% say China should not look up to West; experts say confident Chinese won’t tolerate foreign provocations
IV- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Zachary Haver: Cách thức Trung Quốc tận dụng công nghệ nước ngoài để thống trị Biển Đông
Cuộc điều tra của nhà báo từ RFA cho thấy Trung Quốc đang sử dụng hơn 930.000 USD công nghệ nước ngoài để kiểm soát Biển Đông, chủ yếu từ các công ty Mỹ, bao gồm các bộ phận của phương tiện mặt nước không người lái và thiết bị giám sát cấp quân sự. Thành phố Tam Sa có được công nghệ nước ngoài một cách có hệ thống thông qua các hợp đồng mua sắm với các công ty bên thứ ba của Trung Quốc. Tuy nhiên, cách thức chính xác mà các công ty Trung Quốc này mua các mặt hàng từ các công ty nước ngoài hiện vẫn chưa được rõ ràng.
Xem thêm:
RFA Tiếng Anh ngày 19/4/2021: How China is Leveraging Foreign Technology to Dominate the South China Sea
Lê Vĩnh Triển: Cuộc tranh luận về dân chủ ở Việt Nam
Tác giả cho rằng cả hai phe trong cuộc tranh luận – giữ mô hình hiện tại và ủng hộ mô hình đa nguyên cho Việt Nam đều bị giới hạn trong tư duy, khi họ coi thay đổi về thể chế là “tĩnh” thay vì “động”. Theo tác giả, tư duy “động” về cải cách thể chế sẽ chấp nhận và khuyến khích sự tham gia của người dân vào công việc của đất nước, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Tác giả cho rằng cải cách chính trị theo hướng “động” sẽ giúp Việt Nam giải quyết sự xung đột về hệ tư tưởng trong nội bộ, cũng như giúp Việt Nam khác biệt với Trung Quốc.
Xem thêm:
The Diplomat ngày 15/4/2021: Vietnam’s Great Debate Over Democracy
Đinh Hoàng Thắng: Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink: Quan hệ Việt – Mỹ ‘chỉ có bầu trời là giới hạn’
Trong bài viết trên BBC Tiếng Việt, tác giả cho rằng, những thông điệp của Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Daniel J. Kritenbrink trước khi hết nhiệm kỳ “mang âm hưởng chung: Khuyến khích bản sắc và sức đề kháng của người Việt trước “bóng đè” bành trướng của ngoại bang”. Tác giả cũng điểm lại một số hoạt động của Đại sứ Kritenbrink trong nhiệm kỳ và hàm ý của nó tới tương lai của quan hệ Việt – Mỹ.
Câu chuyện mà ông Kritenbrink không kể ra, theo tác giả, là tại sao bang giao Việt – Mỹ quan trọng nhường ấy, mà trải qua bao đời các đại sứ Mỹ từ trước tới nay đã không thành tựu nổi một “đứa con tinh thần” của các chiến lược gia từ các cơ quan hoạch định chính sách ở cả hai nước. “Đối tác Chiến lược Mỹ – Việt” rốt cuộc vẫn còn “treo” đấy. Với người Việt, “danh có chính thì ngôn mới thuận”.
Tại sao “danh chưa chính?” thì bản Báo cáo ngày 16/2/2021 do Viện Nghiên cứu Chính sách công của Quốc hội Mỹ đã cho biết, đáng ra quan hệ sẽ còn phát triển hơn thế nữa nhưng hai nước còn bị hạn chế bởi: Thứ nhất là do sức ép từ Trung Quốc. Lãnh đạo Việt Nam vẫn nghĩ rằng không nên “thân thiện” Hoa Kỳ nhiều quá, vì đơn giản là Trung Quốc không muốn vậy.
Thứ hai – mà điều này mới quan trọng – vẫn còn nhiều lãnh đạo Việt Nam “nghi ngờ mục tiêu lâu dài của Hoa Kỳ là muốn thấy sự chấm dứt quyền lực độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua “diễn biến hoà bình”. Não trạng về “diễn biến hoà bình” là tư duy lỗi thời từ Trung Quốc, nhằm phủ nhận các giá trị quan trọng của nhân loại như tự do và dân chủ.
Xem thêm:
BBC Tiếng Việt ngày 16/4/2021: Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink: Quan hệ Việt – Mỹ ‘chỉ có bầu trời là giới hạn’
Nguyễn Thế Anh: Sức đề kháng của Việt Nam trước sự bành trướng của Trung Quốc
Tác giả lập luận, trong lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ chư hầu, theo đó mỗi nước chư hầu có thể được độc lập cả về đối nội và đối ngoại, nhưng vẫn giữ liên kết phụ thuộc truyền thống với thiên triều.
Hệ thống chư hầu thỏa mãn lợi ích căn bản của cả 2 bên, khi Trung Quốc giữ được Việt Nam trong tầm ảnh hưởngvà củng cố trật tự xã hội phía Nam, còn Việt Nam tránh bị Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào nội bộ hay xâm lược trong thời bình, nhận được sự giúp đỡ khi trong nước có nội loạn, cũng như hưởng lợi về vật chất và văn hóa. Tuy vậy, Việt Nam cũng nỗ lực trung hòa những ảnh hưởng tiêu cực của hệ thống này.
Tác giả cho rằng, mối đe dọa từ Trung Quốc là có thật, khi Trung Quốc luôn can thiệp khi đế chế này cho rằng đến lúc họ phải ra tay. Trung Quốc không nhìn nhận biên giới như những đường ranh chia cắt lãnh thổ của các quốc gia có chủ quyền, mà là chỉ được coi như sự phân cách về hành chính. Trong khi đó, đối với Việt Nam, bảo vệ biên cương như một khía cạnh quan trọng cho sự chính danh hóa quyền thống trị của các đời vua. Một minh quân phải chứng tỏ khả năng chống đối sự đô hộ chính trị của triều đình Trung Quốc.
Tác giả cũng cho rằng các sử gia Việt Nam đã tìm cách tách Việt Nam với Trung Quốc, đặt nền móng cho niềm tin vào sự bình đẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như chối bỏ quyền bá chủ chính trị của Trung Quốc.
(Nguyên văn tiếng Anh “The Vietnamese Resistance to Chinese Expansion”, trong International Convention of Asia Scholars [Hội nghị Quốc tế của các học giả châu Á], Noordwijkerhout, 25-28 tháng 6 năm 1998, in trong Dòng Việt, số 6, năm 1999, tr.117-131, in trong “Việt Nam vận hội”, NXB Hội Nhà Văn, năm 2021. T.H. dịch)
Xem thêm:
Toàn văn bản dịch bài viết trên Viet Studies
Ben Bland: Ngoại giao trực tiếp cho Trung Quốc lợi thế ở Đông Nam Á
Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy (tổ chức nghiên cứu độc lập tại Sydney, Australia) Ben Band chỉ ra các quan chức Trung Quốc có nhiều cuộc gặp với những người đồng cấp Đông Nam Á hơn cả 4 nước trong Bộ Tứ – Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia – cộng lại.
Tác giả cho rằng, đối với Đông Nam Á, việc có thể có mặt đã là chiến thắng một nửa, khi nó thể hiện sự cam kết lớn hơn giữa đại dịch.
Các động thái ngoại giao con thoi của Trung Quốc để lại một số bài học. Đầu tiên, ngoại giao trực tuyến không thể thay thế các cuộc gặp trực tiếp. Thứ hai, mặc dù sử dụng “ngoại giao chiến lang” với phương Tây, Trung Quốc muốn tỏ ra thân thiện hơn đối với các nước láng giềng và các nước đang phát triển. Thứ ba, chúng thể hiện Đông Nam Á rất cần Trung Quốc, dù có thể không tin tưởng nước này.
Tác giả kết luận, nếu các thành viên của Bộ Tứ và các chính phủ có cùng mục tiêu muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, họ cần phải có mặt nhiều hơn, nhất là trong những thời khắc khó khăn như hiện nay.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 13/4/2021: Face-to-face diplomacy gives China the edge in Southeast Asia
Henry Storey: Cuộc đảo chính ở Myanmar ảnh hưởng tới ASEAN đến mức nào?
Theo tác giả, quan điểm cho rằng cuộc đảo chính ở Myanmar là “mối đe dọa lớn nhất đến vị thế của ASEAN trong khu vực kể từ Chiến tranh lạnh” là thiếu cơ sở.
Với tư cách một khối, ASEAN ưu tiên chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ hơn là dân chủ. Giữ gìn dân chủ, cũng như cách giải quyết vấn đề nội bộ của các thành viên không phải là tiêu chí để đánh giá vai trò trung tâm của ASEAN.
Ngoài ra, theo tác giả, ASEAN đang thất bại trong phản ứng với nhiều vấn đề có tác động lớn đến an ninh khu vực hơn cuộc đảo chính ở Myanmar, bao gồm Biển Đông và sông Mekong.
Tác giả kết luận, sức mạnh của ASEAN nằm ở việc giữ vững hòa bình trong khu vực. Việc ASEAN thiếu phản ứng đối với vấn đề Biển Đông hay sông Mekong có tác động lớn tới vai trò trung tâm của tổ chức này hơn là sự im lặng trong vấn đề nội bộ của Myanmar.
Xem thêm:
The Strategist ngày 15/4/2021: How much does Myanmar’s coup threaten ASEAN’s credibility?
David Engel: Chính sách đối ngoại “tự do và tích cực” của Indonesia được thể hiện từ chuyến thăm cấp bộ trưởng đến Nhật Bản và Trung Quốc
Trong bài viết trên trang The Strategist, tác giả lập luận rằng các chuyến thăm của các bộ trưởng trong chính phủ Indonesia – bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, Bộ trưởng Thương mại Muhammad Lutfi và Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir – thể hiện sự “tự do và chủ động” trong học thuyết đối ngoại của Indonesia. Theo đó, các chuyến thăm thể hiện chính quyền của Tổng thống Widodo không có ý định đi chệch học thuyết nhấn mạnh vào sự không liên kết này.
Theo tác giả, động thái của Indonesia không chỉ hướng đến các nước khác mà còn đến cả người dân trong nước, những người cho rằng học thuyết trên là một phần không thể bị xâm phạm của bản sắc Indonesia hậu thuộc địa.
Tuy vậy, tác giả cho rằng Indonesia cần đánh giá lại xem liệu chính sách không liên kết cứng nhắc và nguyện vọng hợp tác bất kể các nước khác hành động thế nào có phù hợp trong giai đoạn tới hay không.
Xem thêm:
The Strategist ngày 13/4/2021: Indonesia’s ‘free and active’ foreign policy on show in ministerial visits to Japan and China
Aristyo Rizka Darmawan: Mâu thuẫn trong việc giải thích Điều 51, UNCLOS giữa Indonesia và Singapore
Những bất đồng trong cách hiểu đối với điều 51, UNCLOS giữa Indonesia và Singapore xuất phát từ tranh chấp liệu rằng Singapore có quyền truyền thống để tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong vùng biển quần đảo của Indonesia hay không?
Theo UNCLOS, Điều 51 quy định các quốc gia quần đảo tôn trọng các điều ước hiện hành đã được ký kết với các quốc gia khác và thừa nhận các quyền đánh bắt hải sản truyền thống và những hoạt động chính đáng khác của những quốc gia kế cận trong một số khu vực thuộc vùng nước quần đảo và quốc gia quần đảo.” Singapore lập luận rằng các quyền tập trận quân sự truyền thống được bao gồm trong thuật ngữ “các hoạt động chính đáng khác” và Indonesia có nghĩa vụ tạo điều kiện cho Singapore quyền tiến hành các hoạt động đó. Điều 51 cũng quy định “Các điều kiện và thể thức thực hiện các quyền và các hoạt động này, kể cả tính chất, phạm vi của chúng và cả khu vực thực hiện các quyền và các hoạt động nói trên, được xác định theo yêu cầu của bất cứ quốc gia nào trong các quốc gia hữu quan qua các điều ước song phương được ký kết giữa các quốc gia đó.”
Tuy nhiên Indonesia cho rằng cần có “điều khoản và điều kiện” tiên quyết đối với nghĩa vụ tôn trọng “các hoạt động chính đáng khác” vì các cuộc tập trận quân sự của nước ngoài trong vùng biển của Indonesia có thể nguy hiểm.
Với cách giải thích khác nhau về Điều 51, nhiều khả năng Singapore có thể đưa vấn đề này lên các thiết chế tài phán của UNCLOS, cả Singapore và Indonesia đều là thành viên của công ước này đều bị ràng buộc bởi các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc.
Indonesia đã không ngừng gửi công hàm tới Singapore để phản đối các cuộc tập trận quân sự của Singapore. Trong tương lai, có khả năng không quân và hải quân Indonesia có thể đánh chặn các tàu hoặc chiến hạm của hải quân Singapore trong các cuộc diễn tập quân sự này. Để tránh điều này diễn ra trên thực tế, hai nước nên tìm cách giải quyết những bất đồng thông qua việc đàm phán lại Thoả thuận Hợp tác Quốc phòng vốn đã hết hiệu lực và đạt được thỏa thuận về việc giải thích các điều khoản và điều kiện trong Điều 51 để Singapore tiến hành các hoạt động quân sự của mình.
Thực tế cũng cho thấy hai bên đã có một số hành động trên thực tế hướng tới một giải pháp cho vấn đề này. Cả hai nước đã nhất trí về một khuôn khổ đưa ra các nguyên tắc và cân nhắc cốt lõi liên quan đến huấn luyện quân sự phù hợp với UNCLOS. Vào tháng 3/2021, một hiệp ước đầu tư song phương giữa hai nước có hiệu lực, qua đó khẳng định mối quan hệ kinh tế lâu đời của hai bên. Liên minh chính trị của Tổng thống Joko Widodo cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong quốc hội Indonesia, vì vậy chính quyền sẽ dễ dàng hơn trong việc yêu cầu quốc hội phê chuẩn và giải quyết vấn đề tồn tại dai dẳng này.
Xem thêm:
East Asia Forum ngày 7/4/2021: Resolving Indonesia and Singapore’s UNCLOS dispute
V- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/SÁCH
Kenneth W. Allen and Cristina L. Garafola (2021) 70 Year of the PLA Air Force
Một cuốn sách với tựa đề “70 năm Không quân Quân Giải phóng Nhân Dân” dày 474 trang dữ liệu về sự phát triển của Không quân Trung Quốc kể từ khi mới thành lập năm 1949. Cuốn sách tập trung vào sáu lãnh vực chính: Chiến lược và học thuyết, cơ cấu tổ chức, phân sự, giáo dục, đào tạo, và ngoại giao và trao đổi quân sự. Cuốn sách kết thúc bằng dự đoán các hướng mà Không quân Trung Quốc có thể theo đuổi hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập vào năm 2029. Cuốn sách được xuất bản bởi Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, có trụ sở tại Đại học Hàng không và Đại học Quốc phòng.
Tải cuốn sách ở đây.
Nguyễn Ngọc Lan & Trần Hoàng Yến (2019) Coastal States’ Enforcement Power over Fishing Activities in the South China Sea- Where is the Line under International Law?
Việc xác lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được nhiều người coi là một trong những thành tựu quan trọng nhất của UNCLOS. UNCLOS trao cho các Quốc gia ven biển các quyền độc quyền đối với các nguồn tài nguyên cá của họ theo Điều 56 UNCLOS, cùng với đó là các quyền tài phán để thực hiện các biện pháp thực thi nhằm đảm bảo tuân thủ các quy tắc và quy định của họ liên quan đến các vấn đề nghề cá trong các vùng đặc quyền kinh tế của họ theo Điều 73 UNCLOS.
Theo khoản 1, Điều 73 UNCLOS quy định “Trong việc thực hiện các quyền chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước.”
Tuy nhiên, việc liệt kê các biện pháp cưỡng chế theo khoản 1 điều 73 là không đầy đủ. Từ đó, bài nghiên cứu của hai tác giả Nguyễn Ngọc Lan và Trần Hoàng Yến đã xem xét khuôn khổ pháp lý quốc tế quy định quyền lực của các Quốc gia ven biển trong việc thực hiện các biện pháp thực thi đối với các hoạt động đánh bắt cá trong EEZ, bao gồm cả EEZ không tranh chấp và tranh chấp để trả lời cho 02 câu hỏi chính: (1) thẩm quyền thực thi của các Quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế của họ; và (2) xem xét khả năng thực thi của các Quốc gia ven biển trong các EEZ có tranh chấp theo UNCLOS.
Tải toàn văn bài báo ở đây.
———-
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.