Bằng Chứng Cho Thấy Tàu Dân Quân Biển Của Trung Quốc Tại Đá Ba Đầu

Tác giả: Andrew S. Erickson và Ryan D. Martinson | Foreign Policy ngày 29/3/2021

Lược dịch: Lê Đức Tâm | Hiệu đính: Huệ Việt

Ảnh vệ tinh Bãi Ba Đầu ngày 25/3/2021. Nguồn: Facts on the Sea/Maxar

Bắc Kinh tuyên bố các tàu của họ tại khu vực đá Ba Đầu là tàu cá nhưng dữ liệu lại cho thấy điều hoàn toàn khác.

 Ngay cá khi hàng chục “tàu cá” của Trung Quốc rất giống lực lượng Dân quân biển của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trung Quốc (PAFMM) đã neo đậu gần bãi đá ngầm Ba Đầu đang tranh chấp – mà không thực hiện bất kỳ hoạt động đánh bắt cá nào – các quan chức Trung Quốc vẫn phủ nhận đó là các tàu dân quân biển. Khi được báo chí hỏi ngày 22/3/2021, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nói tránh: “các tàu đánh cá của Trung Quốc đã đánh bắt cá ở vùng biển gần bãi đá ngầm từ trước đến nay. Gần đây, do tình hình biển, một số tàu cá đã trú gió gần đá Ba Đầu, điều này là hoàn toàn bình thường”. Nhưng Đại Sứ quán Trung Quốc tại Manila thì đã trực tiếp phủ nhận: “không có lực lượng dân quân biển Trung Quốc như cáo buộc”.

Những tuyên bố này là không đúng sự thật. Ít nhất đã có 7 tàu của PAFMM hoạt động tại cụm Sinh Tồn bao gồm cả đá Ba Đầu – trong cả tháng qua và nhiều lần trong năm qua.

Cả trong tháng 2 và tháng 3/2021, các tàu đã được xác định là PAFMM qua hệ thống nhận dạng tự động (AIS) đã có mặt tại Bãi Ba Đầu. Các nguồn thông tin công khai xác nhận những nhận định của chúng tôi từ nhiều góc độ.

Trong số các “tàu đánh cá” đang tập trung số lượng lớn tại cụm Sinh Tồn có ít nhất 7 tàu cá khổng lồ thuộc sở hữu của một công ty đánh cá ít tên tuổi, Taishan Fangcheng Fisheries Development. Được thành lập vào tháng 10/2016, công ty có trụ sở tại thành phố Đài Sơn tỉnh Quảng Đông. Bảy tàu này được đều được đóng bởi Guangxin Shipbuilding & Heavy Industry Co.,Ltd, một công ty cung cấp thiết bị công nghiệp ở Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông. Vào ngày 15/3/2017, Fancheng Fishing và Guangxin Shipbuilding đã ký hợp đồng đóng cho 9 tàu đánh cá tại Trường Sa dài 62,8 mét nằm trong lô tàu thứ 13 đã được Bộ Nông nghiệp Trung Quốc phê duyệt. Guangxin không có kinh nghiệm đóng tàu cá nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong 9 tháng với thử nghiệm trên biển vào tháng 10 và bàn giao tàu vào tháng 12/20217.

Tại lễ bàn giao tàu, trên danh nghĩa phụ trách Fancheng Fisheries, Giám đốc Huang Jiang không phải là khách mời quan trọng duy nhất mà còn có sự hiện diện của hai sỹ quan quân đội Trung Quốc Wan Liang’an, Phó Chỉ huy quân sự thành phố Giang Môn, và Zhang Yuanfa Chỉ huy Đơn vị Xây dựng và Sẵn sàng Chiến tranh thuộc thành phố Giang Môn (the War Readiness Construction Bureau, Jiangmen military subdistrict). Sự có mặt của Wan và Zhang cho thấy đây không phải là các tàu cá thông thường mà là tàu bổ sung mới nhất cho PAFMM Đài Sơn chịu sự chỉ huy của PLA.

Được đặt mã hiệu là Yuetaiyu 18000, 18111, 18222, 18333, 18555, 18666, 18777, 18888 và 18999, 9 tàu này đóng quân tại khu vực vịnh Phật Sơn (Shadi Bay) ở rìa phía tây nam của đảo Thương Xuyên (Shangchuan Island), bờ biển phía nam tỉnh Quảng Đông. Kế hoạch thành lập “Biên đội tàu dân quân biển xa” được thảo luận tại cuộc làm việc với các lực lượng vũ trang Đài Sơn vào tháng 3/2016, cùng năm Fancheng Fisheries được thành lập, trong đó khái niệm “Những vùng Biển Xa” được xác định là các vùng nước xa trong chuỗi đảo đầu tiên, bao gồm cả vùng phía nam của Biển Đông.

Tháng 4/2019, trong chuyến thăm Biên đội dân quân biển xa tại Vịnh Phật Sơn, Li Guangyi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Giang Môn đã kêu gọi thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đóng vai trò là “đội tiên phong” trong việc bảo vệ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó cho thấy, Biên đội dân quân Biển xa được điều hành bởi các cựu quân nhân PLA, một hình mẫu cho việc thiết lập Lực lượng dân quân biển thành phố Tam Sa.

Hoạt động của tàu đánh cá là minh họa nổi bật nhất về vai trò PAFMM của họ. Xem lại hải trình của Fancheng Nine cho thấy những sơ đồ đường đi nổi bật mà không một tàu cá bình thường nào có thể trưng bày. Gregory Poling và các đồng nghiệp của ông tại Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã đi tiên phong trong việc theo dõi những tàu đánh cá trị giá hơn 100 triệu đô la này vào tháng 1 năm 2019. Giờ chúng tôi bổ sung các quan sát của riêng mình dựa trên dữ liệu AIS 12 tháng qua.

Kể từ tháng 3/2020, 9 tàu cá dân binh trên đã thực hiện một cách có hệ thống hành trình khoảng gần 1300 km từ Đài Sơn đến tuần tra tại cụm Sinh Tồn, đá Subi và đá Vành Khăn sau đó trở về Quảng Đông. Ngoài việc tham gia hoạt động khắp các khu vực tại cụm Sinh Tồn, các tàu dân quân biển này cũng đã có mặt tại khu vực Sandy Cay, ngay phía Tây của đảo Thị Tứ (hiện do Philippines kiểm soát) vào tháng 12/2020. Đây không phải là hành vi của tàu cá bình thường mà động lực kinh tế sẽ khiến tàu phải đánh cá thường xuyên chứ không neo đậu ngoài khơi một thời gian dài mà không đánh bắt cá.

Việc triển khai hiện tại bắt đầu khi 8 trong tổng số 9 tàu cá Fancheng khởi hành từ Quảng Đông vào ngày 16/2 và di chuyển đến cơ sở quân sự của Trung Quốc ở đá Subi. Kể từ đó, tín hiệu AIS chỉ ra rằng ít nhất 7 tàu đã tuần tra tại khu vực cụm Sinh Tồn, bao gồm cả đá Ba Đầu (chiếc thứ 8 đã tắt AIS ngay sau khi rời Quảng Đông). Không có bằng chứng nào về việc những tàu này đánh bắt cá trong những hải trình có tính đặc trưng này. Thay vào đó, mọi dấu hiệu cho thấy đây là hoạt động có hệ thống nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền lãnh thổ – tương tự như đã chứng kiến với một số của 84 tàu PAFMM tiền tuyến của Thành phố Tam Sa kể từ năm 2017, cũng đang trong các đợt triển khai luân phiên tới Bãi cạn Scarborugh và Đá Chữ Thập, Vành Khăn, Subi ở quần đảo Trường Sa.

Tóm lại, mọi điều diễn ra đều khớp với nhau – ngoại trừ sự phủ nhận vô lý của Trung Quốc. Ít nhất là kể từ Trận chiến Hoàng Sa năm 1974, Bắc Kinh đã sử dụng các đơn vị PAFMM để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền đang tranh chấp của họ ở Biển Đông. Ở đỉnh phía trên một kim tự tháp lớn bao gồm các nhân viên và tàu PAFMM bán thời gian có thể được kích hoạt cho các nhiệm vụ quốc gia, Trung Quốc đã bổ sung các thuỷ thủ đoàn là những quân nhân chuyên nghiệp toàn thời gian tuyển dụng một phần từ các cựu quân nhân quân đội nhân dân Trung Quốc. Những người này được trả lương và được hưởng những lợi ích hậu hĩnh để thực hiện nhiệm vụ theo đuổi các yêu sách của Trung Quốc một cách liên tục – và không có trách nhiệm đánh bắt cá rõ ràng nào.

Theo các mô hình phát triển PAFMM, Fancheng Fisheries dường như là một đơn vị kiểu mẫu có lẽ là tiên tiến nhất ở Quảng Đông, và thậm chí ở Biển Đông trong một số khía cạnh. Các đơn vị khác có thể tham khảo và phát triển theo mô hình này.

Những ngày vừa qua, Bắc Kinh đã thể hiện sự hung hăng và thô bạo chưa từng có đối với mọi thứ, từ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đến phủ nhận những hành động tàn bạo tại Tân Cương. Hoa Kỳ và các nước đồng minh nếu muốn đánh vào danh tiếng và dư luận trong vấn đề Trung Quốc có thể tẩy chay Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh cũng như tận dụng cuộc bầu cử Tổng thống tại Philippines diễn ra vào năm tới. Và, dù Manila, Washington, và các đồng minh và đối tác khác quyết định thế nào về hành động đối với Bãi Ba Đầu, thì các nước vẫn có không gian đáng kể để áp đặt giá Trung Quốc phải trả ở những nơi khác tại thời điểm và địa điểm mà họ lựa chọn. Thực tế rằng Trung Quốc đã được bỏ qua sau khi nuốt lời hứa vụ bãi cạn Scarborough năm 2012 đang tiếp tục làm suy yếu uy tín của hoa Kỳ – một sai lầm không bao giờ được lặp lại. Cũng bởi vì không phải trả giá mà ngay từ đầu, Bắc Kinh đã cố gắng theo đuổi những mục tiêu của mình bằng các hoạt động vùng xám dưới ngưỡng chú ý của mọi người.

Andrew S. Erickson là Giáo sư lãnh vực Chiến lược tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc của Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ và là học giả thỉnh giảng toàn thời gian tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc John King của Đại học Harvard. Ryan D. Martinson là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc của Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ. Nguồn bản gốc đầy đủ tiếng Anh: Records Expose China’s Maritime Militia at Whitsun Reef.

Lê Đức Tâm là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phụ trách theo dõi thực địa.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

One thought on “Bằng Chứng Cho Thấy Tàu Dân Quân Biển Của Trung Quốc Tại Đá Ba Đầu

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.