(Tuần từ 22/03 – 29/03/2021)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Trần Phạm Bình Minh, Lưu Việt Hà, Đỗ Xuân Hồng
Biên tập: Nguyễn Trịnh Đôn
Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Tải Bản PDF ở
———-
Trong Bản Tin Biển Đông Số 57 có những nội dung sau:
I- DIỄN BIẾN BÃI BA ĐẦU
II- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á VÀ ĐỐI TÁC
III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
IV- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
V- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
———-
I- DIỄN BIẾN BÃI BA ĐẦU
Cập nhật ngày 30/3/2021
Theo thông tin từ The Philippine Inquirer, hình ảnh từ không quân Philippines cho thấy vẫn có hơn 200 tàu Trung Quốc hiện diện ở Bãi Ba Đầu. Đáng chú ý, khi máy bay tuần tra của không quân Philippines bay qua khu vực, phía Trung Quốc đã yêu cầu phía Philippines rời khỏi khu vực ngay lập tức “để tránh bất kỳ động thái nào có thể gây ra hiểu lầm.”
Bãi Ba Đầu ngày 30/3/2021. Ảnh: Không quân Philippines/The Philippine Inquirer
Đây là bằng chứng rõ ràng rằng Trung Quốc đang thực hiện quyền kiểm soát thực tế với Bãi Ba Đầu, chứ không đơn thuần nơi đây là một bãi đá không người chỉ có ngư dân đánh cá. Đây là kịch bản tương tự với kịch bản Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn năm 1995. Lúc đầu, Trung Quốc cũng chỉ nói rằng tàu cá neo ở Đá Vành Khăn để tránh thời tiết xấu. Nhưng khi phía Philippines cử tàu ra quan sát, với sự giám sát của truyền thông quốc tế, phía Trung Quốc đã điều hai tàu chiến từ Gạc Ma tới chặn không cho tàu Philippines tiếp cận khu vực, và kể từ đó chính thức chiếm luôn bãi Vành Khăn, giờ đây đã trở thành một căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, với đường băng và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.
Cập nhật ngày 28/3/2021
Ảnh vệ tinh cung cấp bởi Planet Labs cho thấy các tàu Trung Quốc đã tháo bè rời khỏi Bãi Ba Đầu (tên tiếng Anh: Whitsun Reef). Hiện chưa biết những tàu này đi sâu vào cụm Sinh Tồn để hoạt động hay rút về Trung Quốc.
Bãi Ba Đầu ngày 28/3/2021. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Planet Labs.
Toàn cảnh Bãi Ba Đầu qua ảnh vệ tinh từ cuối tháng 10/2020
Các bức ảnh vệ tinh được phân tích bởi công ty phân tích Simularity cho thấy hiện tượng tàu Trung Quốc tập trung tại khu vực đá Ba Đầu có thể bắt đầu từ giữa tháng 12/2020.
Các bức ảnh ngày 30/10, 4/11 và 9/12 cho thấy không nhiều tàu tại khu vực Ba Đầu, đặc biệt là bức ảnh ngày 9/12 chỉ có 3 tàu neo tại khu vực cửa ngoài đá Ba Đầu; bức ảnh ngày 4/11 trước đó có khoảng 40 tàu nhưng đều nằm rải rác. Từ ngày 14/12/2020, bắt đầu có hiện tượng các tàu tập trung vào khu vực phía trong của đá Ba Đầu và kết bè; có 2 bè lớn (1 bè 15 tàu và 1 bè 21 tàu).
Cuối tháng 12/2020 đến đầu tháng 2/2021, các tàu dường như tháo bè. Các ảnh ngày 24/12/2020, 13/1/2021 và 2/2/2021 không cho thấy các bè lớn nữa. Trong ảnh ngày 7/2/2021, 1 bè lớn xuất hiện trở lại, ngày 4/3 có ít nhất 6 bè. Ngày 24/3, phát hiện 1 bè có khoảng 38 tàu kết lại với nhau chiều dài khoảng 380 mét (mỗi tàu có chiều rộng khoảng gần 10 mét).
Bãi Ba Đầu ngày 30/10/2020. Ảnh: Simularity.
Bãi Ba Đầu ngày 4/11/2020. Ảnh: Simularity.
Bãi Ba Đầu ngày 14/11/2020. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Planet Labs.
Bãi Ba Đầu ngày 21/11/2020. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Planet Labs.
Bãi Ba Đầu ngày 9/12/2020. Ảnh: Simularity.
Bãi Ba Đầu ngày 14/12/2020. Ảnh: Simularity.
Cận cảnh nhóm tàu Trung Quốc kết thành bè. Ảnh: Simularity.
Bãi Ba Đầu ngày 24/12/2020. Ảnh: Simularity.
Bãi Ba Đầu ngày 13/1/2021. Ảnh: Simularity.
Bãi Ba Đầu ngày 2/2/2021. Ảnh: Simularity.
Bãi Ba Đầu ngày 7/2/2021. Ảnh: Simularity.
Bãi Ba Đầu ngày 10/2/2021. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Planet Labs.
Bãi Ba Đầu ngày 4/3/2021. Ảnh: Simularity.
Bãi Ba Đầu ngày 9/3/2021. Ảnh: Simularity.
Bãi Ba Đầu ngày 19/3/2021. Ảnh: Simularity.
Bãi Ba Đầu ngày 23/3/2021. Ảnh: Facts on the Sea/Maxar.
Bãi Ba Đầu ngày 24/3/2021. Ảnh: Simularity.
Bãi Ba Đầu ngày 25/3/2021. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Planet Labs
Bãi Ba Đầu ngày 28/3/2021. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Planet Labs.
Bãi Ba Đầu ngày 30/3/2021. Ảnh: Không quân Philippines/The Philippine Inquirer
Việt Nam
Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố về sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở Bãi Ba Đầu
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc báo chí Philippines cho biết, có sự xuất hiện của 220 tàu Trung Quốc tại một khu vực trên biển Đông ngày 7/3 và lo ngại các tàu Trung Quốc sẽ có nguy cơ đánh bắt hải sản quá mức, phá hoại môi trường biển, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố:
“…Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC)…”
Khi được hỏi về việc tàu cảnh sát biển Việt Nam có xuất hiện ở đá Ba Đầu hay không, và Việt Nam có động thái gửi phản đối cho Trung Quốc như Philippines không, bà Hằng nói:
“Các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ, nhiệm vụ như được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982…”
Trước đó, phân tích pháp lý của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông dựa trên những dữ liệu của chính Philippines trong Hồ sơ kiện Trung Quốc năm 2016 cũng đi đến nhận định Bãi Ba Đầu nằm trong lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông mà Việt Nam đang đóng quân và khẳng định chủ quyền. Do đó, Bãi Ba Đầu sẽ thuộc chủ quyền của quốc gia có chủ quyền ở đảo Sinh Tồn Đông chứ không phải thuộc vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25/3/2021: Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 5 năm 2021
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 23/3/2021: Tàu Dân Quân Biển Trung Quốc ở Bãi Ba Đầu (Phần 1)
Một tàu cảnh sát biển thuộc lớp lớn nhất của Việt Nam neo đậu ở đảo Sinh Tồn Đông
Theo dữ liệu hệ thống nhận dạng tự động (AIS), tàu Cảnh sát biển 8001 đã hiện diện ở khu vực đảo Sinh Tồn Đông ít nhất từ ngày 5/3/2021, cách vị trí của nhóm tàu Trung Quốc khoảng hơn 7 hải lý. Cảnh sát biển 8001 là tàu cảnh sát biển lớn và hiện đại nhất do Việt Nam tự đóng, chiều dài tương đương với 1 sân bóng đá và chiều cao tương đương tòa nhà 6 tầng, có cả bãi đỗ cho máy bay trực thăng. Dữ liệu điểm ghi nhận lại được trên các ứng dụng theo dõi hàng hải rất ít và không có dữ liệu nào cho thấy tàu tiếp cận gần nhóm tàu Trung Quốc. Trên thực tế, tàu thường được sử dụng là trung tâm chỉ huy và theo dõi.
Ảnh vệ tinh ngày 23/3/2021 cho thấy tàu Cảnh sát biển 8001 hiện diện ở đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Planet Labs.
Dữ liệu AIS cho thấy tàu Cảnh sát biển 8001 của Việt Nam hiện diện ở đảo Sinh Tồn Đông ít nhất từ ngày 5/3/2021 cho tới nay. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Vessel Finder.
Philippines
Phủ Tổng thống Philippines tin rằng sự hiện diện của dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông không dẫn tới đối đầu
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque cho rằng, “Tôi không nghĩ [sự kiện này sẽ dẫn tới đối đầu như tại bãi cạn Scarborough năm 2012]. Mọi thứ sẽ được thảo luận trên tinh thần bạn bè và láng giềng”.
Ông nói rằng Philippines đã phản đối sự hiện diện của Trung Quốc: “Đây là điều chúng ta nên làm theo luật quốc tế. Hãy chờ hồi đáp từ Trung Quốc”.
Xem thêm:
Philstar ngày 22/3/2021: Palace confident Chinese militia presence in West Philippine Sea won’t lead to standoff
Tổng thống Philippines muốn gặp đại sứ Trung Quốc
Trong cuộc họp báo ngày 23/3, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque nói rằng, tổng thống Duterte sẽ có cuộc gặp với đại sứ Trung Quốc. Tổng thống nói rằng không có gì là không thể thảo luận giữa bạn bè với nhau”.
Ông không nói rõ cuộc gặp diễn ra khi nào.
Xem thêm:
Inquirer ngày 24/3/2021: Duterte will talk to Beijing envoy about West Philippine Sea incursion – Palace
Các thượng nghị sĩ Philippines lên án Trung Quốc đưa tàu đến Bãi Ba Đầu
Ngày 24/3, thượng nghị sĩ Philippines Risa Hontiveros ra tuyên bố, nói rằng Trung Quốc nên “ngừng bẻ cong sự thật” sau khi Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines phủ nhận sự hiện diện của 220 tàu dân quân biển ở đá Ba Đầu.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Richard Gordon cho rằng, hành động mang tính cưỡng ép và gây mất ổn định của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy nước này không làm đúng với tuyên bố về tình hữu nghị và hợp tác với người dân Philippines.
“Tôi sẽ thúc giục người láng giềng tốt của chúng ta – chính phủ Trung Quốc – có các chính sách và hành động đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực, không tạo nên ấn tượng của một người hàng xóm đi bắt nạt”, ông bổ sung.
Xem thêm:
GMA News ngày 24/3/2021: Senators denounce presence of Chinese militia vessels near Julian Felipe reef
Philippines triển khai thêm tàu hải quân tới Biển Đông
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Cirilito Sobejana, đã ra lệnh triển khai thêm các tàu hải quân để tăng cường “các cuộc tuần tra chủ quyền trên biển” của đất nước trong vùng biển tranh chấp, Người phát ngôn quân đội Philippines, Thiếu tướng Edgard Arevalo, cho biết hôm thứ Năm.
“Bằng việc gia tăng sự hiện diện của hải quân trong khu vực, chúng tôi tìm cách trấn an người dân của chúng tôi về cam kết mạnh mẽ và kiên định của Lực lượng vũ trang Philippines trong việc bảo vệ họ khỏi bị quấy rối và đảm bảo rằng họ có thể hưởng các quyền của mình đối với ngư trường phong phú của đất nước,” ông Arevalo nói. Ông không cho biết tàu Philippines sẽ đến gần tàu Trung Quốc tới mức nào.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 25/3/2021: Philippines sends navy on ‘sovereignty patrols’ to South China Sea amid fears Whitsun Reef is ‘Scarborough Shoal 2.0’
Tàu tuần duyên Philippines được điều tới neo đậu ở cửa ngoài Bãi Ba Đầu trong một ngày
Qua dữ liệu từ Marine Traffic, ngày 26/3/2021, tàu tuần tra BRP Cabra của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines (The Philippine Coast Guard) đã di chuyển từ khu vực đảo Thị Tứ (hiện do Philippines kiểm soát, thuộc cụm Thị Tứ, quần đảo Trường Sa). Tuy nhiên, tàu thực thi pháp luật của Philippines mới chỉ di chuyển và neo tại khu vực cách cánh bên phải của đá Ba Đầu khoảng hơn 1 hải lý về phía nam. Trong khi đó, theo hình ảnh vệ tinh từ Planet ngày 24/3, nhóm tàu Trung Quốc án ngữ tại khu vực phía trong của đá Ba Đầu cách vị trí của tàu Cabra khoảng 2,5 hải lý về phía tây bắc.
Tàu tuần duyên Philippines Carbra neo đậu ngoài cửa Bãi Ba Đầu 1 ngày. Dữ liệu AIS cho thấy tàu không tiếp cận nhóm tàu Trung Quốc, mà có lẽ chỉ làm nhiệm vụ theo dõi. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Planet Labs.
Sau khi neo đậu ngoài cửa Bãi Ba Đầu 1 ngày, tàu Cabra đã rời khỏi khu vực.
BRP Cabra có kích thước 44,5 x 7,5 x 4 mét, được đóng bởi công ty đóng tàu và dịch vụ tàu biển Japan Marine United, Yokohama, Nhật Bản, có vận tốc tối đa 25 hải lý/ giờ, tầm hoạt động 1.500 hải lý (2.800 km). Tàu được trang bị các thiết bị liên lạc và giám sát vô tuyến hiện đại của Rohde & Schwarz và được đưa vào vận hành từ đầu năm 2018.
Philippines đưa máy bay quân sự tới Bãi Ba Đầu theo dõi tình hình
Hôm thứ Bảy ngày 27/3/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết các máy bay quân sự của Philippines đã được cử tới Bãi Ba Đầu hàng ngày để theo dõi tình hình, nơi đang có trên dưới 200 tàu Trung Quốc neo đậu. Phía Trung Quốc nói rằng đó là tàu cá đang tránh thời tiết xấu.
Phản ứng quốc tế
Hôm thứ Ba ngày 23/3/2021, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực châu Á Nigel Adams nói rằng Philippines là đối tác quan trọng của Vương quốc liên hiệp Anh & Bắc Ireland ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông cho biết ông đã nói chuyện với Ngoại trưởng Philippines về chiến lược mới của Anh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như những quan ngại chung của hai bên về Myanmar và Biển Đông, bao gồm các hành động làm gia tăng căng thẳng ở đó.
Cùng ngày, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Koshikawa Kazuhiko nói rằng các vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và là mối quan tâm của tất cả mọi người. Nhật Bản cực lực phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng và ủng hộ việc thực thi chế độ pháp quyền (“rule of law”) trên biển và hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình.
Trong khi đó, New Zealand kêu gọi các bên thực hiện tự kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và thực hiện các hoạt động hợp tác để xây dựng lòng tin, đồng thời kêu gọi tuân thủ UNCLOS.
Hôm thứ Tư ngày 24/3/2021, Đại sứ Úc tại Philippines Steven J. Robinson phát biểu Úc ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an toàn, mở và bao trùm. Biển Đông – một tuyến đường thủy quốc tế quan trọng – được điều chỉnh bởi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Úc vẫn lo ngại về các hành động gây mất ổn định có thể kích động leo thang.
Ngày 25/3/2021, Đại sứ Canada tại Philippines Peter MacArthur nói rằng Canada phản đối các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả ngoài khơi bờ biển Philippines, làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Cùng ngày Đại sứ Liên hiệp Châu Âu (EU) tại Manila Luc Veron nhấn mạnh sự cần thiết của tất cả các bên phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Ông cũng trích dẫn tuyên bố của Đại diện cấp cao của Liên hiệp châu Âu phụ trách Đối ngoại và Chính sách An ninh Josep Borrell tại cuộc họp cấp bộ trưởng giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và EU gần đây.
“Chúng tôi không thể cho phép các nước đơn phương phá hoại luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải ở Biển Đông, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển hòa bình của khu vực”, ông Borrell nói.
Ngày 27/3/2021, Đại sứ Pháp tại Philippines đăng tải trên Twitter, bày tỏ rằng Đức và Pháp lo ngại về những phát triển gần đây nhất ở Biển Đông đã tạo căng thẳng giữa các quốc gia láng giềng. Đức và Pháp kêu gọi kiềm chế các biện pháp gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định và an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ngày 29/3/2021, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tái khẳng định Hoa Kỳ sát cánh với đồng minh Philippines đối mặt với lực lượng dân quân hàng hải của CHND Trung Hoa đang tập trung tại Bãi Ba Đầu. Hoa Kỳ sẽ luôn đứng về phía các đồng minh của mình và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Trang Twitter của đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines ngay lập tức đáp trả các tuyên bố này.
Đáp trả tuyên bố của Mỹ, Đại sứ quán Trung Quốc viết: “Mỹ không phải là một bên trong vấn đề Biển Đông. Đổ thêm dầu vào lửa và gây ra đối đầu trong khu vực chỉ phục vụ lợi ích vị kỷ của một quốc gia nhất định và phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực”.
Tài khoản Twitter này bình luận khi đăng lại Twitter của Đại sứ Nhật Bản: “Căng thẳng đang gia tăng trong khu vực do một số quốc gia bên ngoài đang có xu hướng chơi các lá bài địa chính trị cũ rích. Đáng buồn là một số quốc gia châu Á có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, với mục đích vị kỷ muốn kiềm chế sự phục hưng của Trung Quốc, tự nguyện khom lưng hành động như một chư hầu chiến lược của Mỹ. Những hành vi này giống như mời sói vào nhà, phản bội lợi ích chung của khu vực và sẽ không tránh khỏi thất bại”.
“Các nhà ngoại giao này đều không hiểu sự thật cơ bản, cũng như có khả năng suy nghĩ và đánh giá độc lập. Tuy vậy, họ có các bình luận thiếu trách nhiệm với ngôn từ giống nhau… Hiểu và tôn trọng sự thật trước khi đưa ra bất cứ bình luận nào”, đại sứ quán Trung Quốc đăng kèm ảnh chụp màn hình bài đăng của đại sứ Australia, Canada và ông Nigel Adams.
Trong khi Bãi Ba Đầu thuộc lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông mà Việt Nam đang đóng quân và tuyên bố chủ quyền, Philippines khẳng định Bãi Ba Đầu thuộc về vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Philippines cũng là nơi lên tiếng đầu tiên tố cáo sự hiện diện của số lượng lớn tàu Trung Quốc ở Bãi Ba Đầu như một động thái thực thi quyền chủ quyền, đồng thời liên tục truyền thông diễn biến tình hình. Vì những sự tích cực này của Philippines, giờ đây nhất loạt truyền thông quốc tế và lãnh đạo các quốc gia phương Tây đều lên tiếng ủng hộ Philippines. Sự lên tiếng đơn độc của một Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mà không có báo cáo tình hình từ phía Việt Nam, cũng như sự im lặng của phần lớn các học giả Việt Nam, đã khiến tuyên bố chủ quyền của Việt Nam với Bãi Ba Đầu mờ nhạt và không được quốc tế chú ý tới.
Xem thêm:
Philippine News Agency ngày 25/3/2021: New Zealand, EU join calls for rules-based order in SCS
Manila Bulletin ngày 27/3/2021: Battle of the tweets: Germany, France sound alarm on Chinese presence in PH reef
Andrew Erickson và Ryan Martinson: Hồ sơ dữ liệu phơi bày lực lượng dân quân biển của Trung Quốc tại Bãi Ba Đầu
Ngay cả khi hàng chục “tàu đánh cá” của Trung Quốc rất giống Dân quân Hàng hải của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trung Quốc (PAFMM) đã neo đậu tại Bãi Ba Đầu mà không thực hiện bất kỳ hoạt động đánh bắt nào, các quan chức Trung Quốc vẫn đã đáp lại những quan ngại chính thức của Philippines và Hoa Kỳ về các hoạt động dân quân biển bằng sự phủ nhận và che giấu. Khi bị thúc ép, vào ngày 22/3/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói chệch hướng: “Các tàu đánh cá của Trung Quốc đã đánh bắt cá ở vùng biển gần đá ngầm từ lâu. Gần đây, do tình hình trên biển, một số tàu đánh cá đã trú gió gần [Bãi Ba Đầu], điều này là khá bình thường.” Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila thì thẳng thừng bác bỏ: “Không có lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc như cáo buộc.”
Những tuyên bố này là không đúng sự thật. Ít nhất, bảy tàu PAFMM đã hoạt động tại cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm cả Bãi Ba Đầu – trong suốt tháng qua và nhiều lần trong năm qua.
Xem thêm:
Foreign Policy ngày 29/3/2021: Records Expose China’s Maritime Militia at Whitsun Reef
II- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á VÀ ĐỐI TÁC
Việt Nam nhập siêu 7,44 tỷ USD từ Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng vừa qua, Việt Nam chi đến 15,42 tỉ USD Mỹ để nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc, tăng 65,9% (hơn 6 tỉ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất so với các thị trường nhập khẩu khác.
Tốc độ tăng trưởng mạnh này đã nâng tỷ lệ của Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ mức 24,9% của 2 tháng đầu năm 2020 lên 32,7% trong 2 tháng đầu năm nay.
Đáng chú ý, giá trị kim ngạch nhập khẩu tăng thêm từ thị trường Trung còn lớn hơn tổng kim ngạch nhập khẩu từ toàn bộ thị trường ASEAN (5,92 tỷ USD) và cao hơn gấp đôi so với nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Mỹ (khoảng 2,26 tỷ USD).
Về tổng thể, trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả Việt Nam đạt 95,85 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 48,74 tỷ USD, nhập khẩu đạt 47,11 tỷ USD, xuất siêu 1,64 tỷ USD.
Xem thêm:
Tổng cục Hải quan Việt Nam ngày 16/3/2021: Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 02 và 2 tháng/2021
Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 23/3/2021: Hàng Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam, hai tháng nhập siêu 7,44 tỉ đô la
Việt Nam ra nghị định về xây dựng Khu kinh tế – quốc phòng
Ngày 19/3/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định số 22/2021/NĐ-CP về Khu kinh tế – quốc phòng. Một số nội dung chính bao gồm mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế – quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch xây dựng, mở mới, kết thúc khu kinh tế – quốc phòng; đoàn kinh tế – quốc phòng; cơ chế đầu tư, tài chính và chính sách.
Xem thêm:
Toàn văn nghị định: Nghị định số 22/2021/NĐ-CP của Chính phủ : Về khu kinh tế – quốc phòng
Báo điện tử Chính phủ ngày 22/3/2021: Quy định về xây dựng Khu kinh tế – quốc phòng
Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng: “Có những sự cố ở Biển Đông phải xử lý hết sức tế nhị”
Trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Chủ tịch nước 2016–2021 trước Quốc hội Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định:
“Có những việc không thể nói công khai nhưng có những thời điểm, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía tây của chúng ta thế nào, phía tây nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật với các bạn, các đồng chí là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt”.
Theo dữ liệu của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, Biển Đông vẫn không được yên bình và ổn định trong những năm 2018, 2019 và 2020 và đầu năm 2021. Trung Quốc, dựa trên yêu sách áp đặt gần như toàn bộ Biển Đông, vẫn đang từng bước củng cố kiểm soát trên biển với chi phí là lợi ích hợp pháp của các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế. Việt Nam ba lần phải hoãn các hoạt động dầu khí hoặc phải đối mặt với các hoạt động quấy nhiễu và áp lực từ tàu khảo sát, hải cảnh và máy bay chiến đấu của Trung Quốc liên tục nhiều tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2020 tới nay, Trung Quốc đã có một bước tiến mới. Không đơn thuần gây áp lực buộc Việt Nam dừng các dự án khoan mới, Hải cảnh Trung Quốc luân phiên hiện diện gần như toàn thời gian ở Bãi Tư Chính, thường xuyên áp sát các lô dầu khí mà Việt Nam đang sản xuất ổn định từ nhiều năm nay. Tàu dân quân biển Trung Quốc neo đậu dài ngày tại Bãi Ba Đầu trong lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông.
Xem thêm:
Thanh Niên ngày 24/3/2021: Chủ tịch nước: ‘Có những sự cố ở Biển Đông phải xử lý hết sức tế nhị’
RFA Tiếng Việt ngày 24/3/2021: Ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận Việt Nam đã không lên tiếng về các sự cố ở Biển Đông vì tế nhị
Việt Nam gia tăng hợp tác quân sự với Israel nhằm làm chủ công nghệ quốc phòng
Israel là nhà cung cấp vũ khí thứ hai cho Việt Nam, chỉ sau Nga, vào năm 2019, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Ngoài hợp tác quân sự, Israel còn là một trong những nước hiếm hoi chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại cho Việt Nam.
Theo báo chí trong nước, đây là cơ hội cho Việt Nam “đi tắt đón đầu” để làm chủ công nghệ thiết bị quốc phòng vì không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng chia sẻ cho các đối tác chiến lược như Israel. Trong khi nhiều nước phương Tây dè chừng về việc cung cấp vũ khí cho Việt Nam vì “lằn ranh đỏ” do Mỹ dựng lên, Israel đã biết lựa chọn những vũ khí có mức độ liên quan vừa phải đến những công nghệ nguồn của Mỹ để chuyển giao.
Xem thêm:
RFI Tiếng Việt ngày 29/3/2021: Việt Nam gia tăng hợp tác quân sự với Israel nhằm làm chủ công nghệ quốc phòng – Tạp chí Việt Nam
ASEAN cân nhắc tập trận hải quân chung với Nga
Tại Hội nghị quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN ngày 24/3/2021, các nước thành viên ASEAN đã xem xét khả năng tập trận hải quân chung với Hải quân Nga. Tuy nhiên thông tin chi tiết hơn đã không được tiết lộ.
Xem thêm:
Hanoi Times ngày 24/3/2021: ASEAN considers navy drills with Russia
Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Quốc phòng lên án bạo lực bảo trợ bởi quân đội ở Myanmar
Bộ trưởng Quốc phòng các nước Úc, Canada, Đức, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Đan Mạch, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Anh và Mỹ đã ra tuyên bố chung lên án việc Lực lượng vũ trang Myanmar sử dụng vũ lực sát thương đối với thường dân không có vũ khí.
Xem thêm:
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 27/3/2021: Joint Statement of Chiefs of Defense Condemning Military-Sponsored Violence in Myanmar
Những phát triển trong quan hệ Philippines – Hoa Kỳ từ đầu năm 2021
Ngày 10/2/2021: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định cam kết của Washington với liên minh Mỹ-Philippines trong cuộc điện đàm đầu tiên với Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana. Lorenzana và Austin cũng nói về những thách thức an ninh khu vực, bao gồm Biển Đông, chống khủng bố và an ninh hàng hải. Austin đã nêu bật giá trị của Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng giữa hai nước.
Ngày 5/3/2021: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila cho biết Hoa Kỳ, nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình Tiếp cận toàn cầu vắc-xin COVID-19 (COVAX), hoan nghênh sự kiện 487.200 liều vắc-xin AstraZeneca mới được nhập vào Philippines. Cho đến nay, Mỹ đã tài trợ 97,2 tỷ peso (2 tỷ USD) cho COVAX “để đảm bảo Philippines và các quốc gia khác nhận được vắc-xin COVID-19.”
Ngày 16/3/2021: Hoa Kỳ bàn giao trang thiết bị dưới nước trị giá 3,7 triệu peso (75.000 USD) cho Cảnh sát quốc gia Philippines – Nhóm Hàng hải để hỗ trợ chương trình điều tra hiện trường tội phạm dưới nước. Mỹ đã tài trợ cho chương trình điều tra hiện trường tội phạm dưới nước của Philippines từ năm 2016.
Ngày 29/3/2021: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định Hoa Kỳ sát cánh với đồng minh Philippines đối mặt với lực lượng dân quân hàng hải của CHND Trung Hoa đang tập trung tại Bãi Ba Đầu.
Xem thêm:
The Philippine Star ngày 29/3/2021: As It Happens: Philippines-United States ties: 2021 developments
III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Mỹ, Liên hiệp châu Âu và các đồng minh trừng phạt Trung Quốc
Mỹ, Anh, Canada và EU hôm thứ Hai đã công bố các biện pháp trừng phạt phối hợp mới đối với Trung Quốc về hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đối với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương. Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ được cho là đã bị nhốt kể từ năm 2017 trong chiến dịch mà Bắc Kinh mô tả là “phi cực đoan hóa” lành mạnh, nhưng được nhiều người cho là mạng lưới các trại giam giữ người thiểu số vô thời hạn mà không cần xét xử.
Một số cá nhân Trung Quốc và các tổ chức liên quan đến dự án bắt giữ hàng loạt sẽ bị trừng phạt. Đây là lần đầu tiên Cộng đồng châu Âu giáng đòn trừng phạt vào Trung Quốc kể từ sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Đáp lại, Bắc Kinh tức giận áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với 10 quan chức châu Âu, tố cáo sự “can thiệp thô bạo” của Brussels vào công việc nội bộ của họ. Lệnh trừng phạt được ban hành trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc về thương mại, nhân quyền. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken hiện đang có chuyến thăm châu Âu và đã có cuộc gặp với những người đồng cấp từ Pháp, Đức và Anh hôm 23/3/2021 tại Brussels. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Mỹ tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của mình đối với NATO và mối quan hệ Xuyên Đại Tây Dương và ủng hộ hợp tác sâu rộng hơn giữa Hoa Kỳ và EU. Các bên đã thảo luận cách giải quyết những thách thức do Nga và Trung Quốc đặt ra và tình hình với Afghanistan, Iran, Libya và Yemen.
Xem thêm:
Politico ngày 22/3/2021: U.S., allies announce sanctions on China over Uyghur ‘genocide’
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/3/2021: Foreign Ministry Spokesperson Announces Sanctions on Relevant EU Entities and Personnel
DW ngày 22/3/2021: China sanctions EU officials in response to Uyghur row
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 23/3/2021: Secretary Blinken’s Meeting with French Minister for Europe and Foreign Affairs Le Drian, German Foreign Minister Maas, and UK Foreign Secretary Raab
Nghị sĩ Anh Nus Ghani: Tại sao Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể bắt nạt các nghị sĩ như tôi?
Trong một bài viết trên Spectator 26/3/2021, nghị sĩ Viện bình dân (hạ nghị viện) Anh Nus Ghani viết rằng chính quyền Bắc Kinh, để trả đũa các biện pháp mà chính phủ Anh thực hiện hôm thứ Hai liên quan đến những vi phạm nhân quyền, đã tính toán sai lầm nghiêm trọng. “Có lẽ họ tin rằng nền dân chủ của chúng ta là một kiểu tự phụ tư sản – rằng các nghị sĩ cuối cùng làm việc cho các đại doanh nghiệp tư bản, những người sẽ gõ bút chì và ra lệnh cho chúng ta im lặng. Hoặc họ tin rằng các bộ trưởng của Chính phủ sẽ yêu cầu chúng ta ngừng chỉ trích Trung Quốc để không bị thua thiệt về đầu tư nước ngoài,” cô viết. Nếu đúng như vậy, những lệnh trừng phạt này minh họa một cách đầy kịch tính sự không tương thích cơ bản giữa hai hệ thống chính quyền Anh và Trung Quốc, và khoảng cách văn hóa rộng lớn giữa hai bên.
Ghani là nghị sĩ Hồi giáo thuộc Đảng Bảo Thủ đang cầm quyền ở Anh, và là đại diện của Anh tại Hội đồng nghị viện NATO. Bà là một trong những chính khách bị Trung Quốc áp dụng lệnh trừng phạt nhằm trả đũa chính phủ Anh.
Xem thêm:
Spectator ngày 26/3/2021: Why does China think it can bully backbench MPs like me?
Statement by European Research Institute Directors
Các đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gặp mặt bất chấp cuộc hội đàm song phương băng giá ở Alaska
Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu (cũng là cựu ngoại trưởng thời Obama), John Kerry, đã cùng người đồng cấp Trung Quốc, Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua), tham gia một hội nghị trực tuyến về biến đổi khí hậu vào thứ Ba ngày 23/3/2021. Cuộc họp chủ trì bởi Trung Quốc có sự tham gia của các quan chức hàng đầu từ hàng chục quốc gia châu Âu, Liên hiệp châu Âu và Canada.
Xem thêm:
The Wall Street Journal ngày 22/3/2021: US, China Climate Envoys to Meet Despite Frosty Alaska Talks. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
EU và Hoa Kỳ hình thành Đối thoại Trung Quốc
Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu sẽ nối lại các cuộc đàm phán song phương để thảo luận về hợp tác về Trung Quốc và cách đối phó với ‘hành vi thách thức’ của Nga, theo một bản tuyên bố chung giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Đại biểu cấp cao Liên hiệp châu Âu về ngoại giao & chính sách an ninh Josep Borrell hôm thứ Tư ngày 24/3/2021 (chức vụ của ông Borrell còn được gọi tắt là “ngoại trưởng Châu Âu”).
“Ngoại trưởng Blinken và Đại biểu cấp cao Borrell khẳng định nền dân chủ đa đảng đáng tin cậy, bảo vệ nhân quyền và tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ hỗ trợ sự ổn định và thịnh vượng của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương,” tuyên bố cho biết.
“Cả hai đều hướng tới hợp tác để thúc đẩy các tuyến đường và chuỗi cung ứng hàng hải an toàn, bền vững, tự do và rộng mở, đồng thời mong muốn hợp tác sâu sắc hơn với các đối tác cùng chí hướng, nơi các lợi ích và cách tiếp cận giao nhau.”
Xem thêm:
Reuters ngày 24/3/2021: U.S., EU to cooperate on China dialogue, Russia challenge: statement
Nikkei Asia ngày 25/3/2021: US and EU reboot dialogue on China ‘challenges and opportunities’
Tổng thư ký NATO: NATO phải đối mặt với mối đe dọa Trung Quốc
Trong bối cảnh các đại diện của Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu nhóm họp để thảo luận về hành vi “hung hăng và cưỡng ép” của Bắc Kinh vài ngày sau khi phương Tây phối hợp các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức Trung Quốc tham gia chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói rằng NATO phải hợp lực với các quốc gia thân thiện trên thế giới để đối đầu với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trung Quốc đã sử dụng biện pháp cưỡng bức đối với các nước láng giềng. “Và, có lẽ quan trọng nhất, Trung Quốc là một quốc gia không chia sẻ các giá trị của chúng tôi,” ông nói.
Ông cho biết khối liên minh Bắc Đại Tây Dương đang khẩn trương tìm cách “hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đối tác, cả ở khu vực lân cận cũng như ở châu Á Thái Bình Dương, để giải quyết sự trỗi dậy của Trung Quốc”. NATO không coi Trung Quốc là đối thủ toàn diện nhưng sự trỗi dậy của nước này có “hậu quả trực tiếp đối với an ninh của chúng ta”, ông nói thêm.
Xem thêm
The Times ngày 25/3/2021: We must confront threat of China, says Nato chief Jens Stoltenberg.
Đài Loan, Hoa Kỳ tăng cường phối hợp hàng hải sau khi Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh
Đài Loan và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận đầu tiên dưới thời chính quyền Biden, thành lập Nhóm công tác tuần duyên để điều phối chính sách, sau khi Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh của họ nổ súng đối với các tàu nước ngoài.
Hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ thành lập một nhóm làm việc để “cải thiện thông tin liên lạc, xây dựng hợp tác và chia sẻ thông tin” về các nỗ lực liên quan đến lực lượng bảo vệ bờ biển, theo một tuyên bố hôm thứ Sáu từ Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan – thực tế là đại sứ quán Hoa Kỳ ở Đài Bắc.
Xem thêm:
Reuters ngày 26/3/2021: Taiwan, U.S. to strengthen maritime coordination after China law
Bloomberg ngày 26/3/2021: U.S., Taiwan Sign Coast Guard Deal to Counter China Pressure. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể thử nghiệm ý tưởng giành quyền kiểm soát Đài Loan
Trung Quốc dường như đang chuyển từ giai đoạn bằng lòng với hiện trạng của Đài Loan sang giai đoạn thiếu kiên nhẫn hơn và chuẩn bị kỹ hơn để thử thách các giới hạn và thử nghiệm ý tưởng thống nhất, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Financial Times.
Quan chức này cho biết chính quyền Biden đã đưa ra kết luận trên sau khi đánh giá hành vi của Trung Quốc trong suốt hai tháng qua. Mỹ lo ngại rằng khi Tập Cận Bình có thể sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ ba, Tập có thể coi những bước tiến mới trong vấn đề Đài Loan là quan trọng cho tính chính danh và di sản của ông ấy, và chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận nhiều rủi ro hơn.
Xem thêm:
Financial Times ngày 27/3/2021: US fears China is flirting with seizing control of Taiwan. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Mỹ triển khai Đội hoạt động đặc biệt ở Thái Bình Dương đối đầu với các chiến dịch thông tin của Trung Quốc
Bộ Tư lệnh Hoạt động Đặc biệt của Hoa Kỳ thông báo họ đã cử một lực lượng đặc nhiệm chung để chống lại các hoạt động cung cấp thông tin của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương. Lực lượng đặc nhiệm sẽ tập trung vào các nỗ lực tuyên truyền, gieo rắc thông tin sai lệch của Trung Quốc.
Xem thêm:
Army Times ngày 26/3/2021: Special Operations team in Pacific will confront Chinese information campaigns
Đại sứ Úc tại Trung Quốc: Trung Quốc là một đối tác thương mại hay thù hằn và không đáng tin cậy
Đại sứ Graham Fletcher cho biết Trung Quốc là một đối tác thương mại “hay thù hằn” và “không đáng tin cậy”. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne đã mô tả các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương là “một trong những hành vi nghiêm trọng nhất thế giới”, trong bối cảnh rạn nứt ngoại giao giữa hai nước ngày càng sâu sắc.
Xem thêm:
The Australian ngày 26/3/2021: China a vindictive and unreliable trading partner: ambassador Graham Fletcher. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Ngoại trưởng Mỹ phê phán lệnh trừng phạt của Trung Quốc với các quan chức Mỹ
Ông Blinken tuyên bố đoàn kết với Canada, Anh, Liên hiệp Châu Âu và các đối tác và đồng minh khác trên toàn thế giới trong việc kêu gọi CHND Trung Hoa chấm dứt các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu là người Hồi giáo và các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác ở Tân Cương và, trả tự do cho những người bị giam giữ tùy tiện.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/3/2021: PRC Sanctions on US Officials – United States Department of State
Đại diện Thương mại mới của Hoa Kỳ: Hoa Kỳ chưa sẵn sàng dỡ bỏ thuế quan với Trung Quốc, nhưng để ngỏ cơ hội cho các cuộc đàm phán
Theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai, Hoa Kỳ chưa sẵn sàng dỡ bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong tương lai gần, nhưng có thể mở cửa cho các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Xem thêm:
The Wall Street Journal ngày 28/3/2021: New Trade Representative Says US Isn’t Ready to Lift China Tariffs. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Thủ tướng Anh: Cần phải có liên minh toàn cầu để đối phó với Trung Quốc
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ thành lập một liên minh toàn cầu để chống lại Trung Quốc, trả đũa việc nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nghị sĩ Anh và những người đồng cấp. Ông Johnson cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về kế hoạch cho một dự án cơ sở hạ tầng để cạnh tranh với chiến lược Vành đai và Con đường được Bắc Kinh sử dụng để mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị.
Johnson nói: “Chúng ta cần đưa ra giải pháp thay thế để các quốc gia có sự lựa chọn. Phương Tây cần làm điều này.” Trong một cuộc điện đàm vào tối thứ Sáu tuần trước, ông và Biden đã đồng ý chi hàng trăm triệu bảng Anh cho sáng kiến này.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ Anh sẽ sớm công bố một dự luật gián điệp giúp trục xuất các điệp viên Trung Quốc khỏi Anh dễ dàng hơn. Luật sẽ bao gồm yêu cầu các điệp viên nước ngoài ở Anh bắt buộc phải đăng ký.
Xem thêm:
The Times ngày 28/3/2021: Global coalition needed to confront China, says PM. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Khinh hạm Hà Lan sẽ tham gia Nhóm tàu sân bay tấn công của Anh triển khai tới châu Á
Bộ Quốc phòng Hà Lan đã xác nhận rằng HNLMS Evertsen sẽ tham gia cùng Nhóm tàu sân bay tấn công của Anh sắp triển khai tới châu Á – Thái Bình Dương.
Xem thêm:
UK Defense Journal ngày 29/3/2021: Dutch frigate to join British Carrier Strike Group
Nhật ký thỏa thuận xuất khẩu thiết bị quốc phòng sang Indonesia
Nhật Bản và Indonesia hôm thứ Ba ngày 30/3/2021 đã ký một thỏa thuận cho phép xuất khẩu thiết bị quốc phòng do Nhật Bản sản xuất sang Indonesia, trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trong các vùng biển khu vực.
Thỏa thuận về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng được ký kết sau khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nhật Bản và Indonesia gặp nhau tại Tokyo tại cuộc hội đàm 2+2. Trong cuộc hội đàm, hai bên cũng lên án các vụ giết người biểu tình ôn hòa gần đây của lực lượng vũ trang Myanmar và chia sẻ “mối quan ngại nghiêm trọng” về việc Trung Quốc “tiếp tục và tăng cường các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” ở các vùng Biển Đông và Hoa Đông, trong đó bao gồm Luật Hải cảnh mới.
Xem thêm:
Kyodo ngày 30/3/2021: Japan signs deal to export defense equipment to Indonesia
IV- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Nguyễn Hùng Sơn: Cạnh tranh nước lớn ở Biển Đông và phản ứng của Đông Nam Á
Trong bài viết trên trang Maritimes Issues, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam đã phân tích bối cảnh cạnh tranh nước lớn ở Biển Đông trong năm 2020 và cách các nước Đông Nam Á phản ứng, cũng như đưa ra khuyến nghị chính sách cho khu vực.
Theo tác giả, không thể kết luận rằng, không có sự thay đổi đáng kể nào trong động thái của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông dù số liệu cho thấy số cuộc tập trận hay tuần tra không thay đổi nhiều, thậm chí là suy giảm. Tác giả cho rằng, thay đổi trong cạnh tranh Mỹ – Trung ở Biển Đông nằm ở mặt chất lượng hơn là số lượng, thể hiện qua sự gia tăng trong mức độ quân sự hóa của Trung Quốc, việc Mỹ đưa 2 nhóm tàu sân bay đến Biển Đông, Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh và các biện pháp của Trung Quốc nhằm gia tăng sự hiện diện và kiểm soát ở Biển Đông.
Đặc biệt, trên mặt trận pháp lý, Mỹ đã làm rõ quan điểm về Biển Đông trong bối cảnh tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau về luật pháp, cũng như tham gia vào “cuộc chiến công hàm”. Về ngoại giao, cả Mỹ và Trung Quốc thức hiện “ngoại giao con thoi” với các quốc gia Đông Nam Á.
Trong bối cảnh này, các nước Đông Nam Á đã có các biện pháp như củng cố ASEAN, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, ngăn chặn và quản lý xung đột, mong muốn sớm nối lại đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), giữ các kênh liên lạc rộng mở và minh bạch với tất cả các cường quốc.
Tác giả đề xuất, Đông Nam Á cần thiết lập một cấu trúc an ninh khu vực rộng mở, bao hàm, minh bạch và dựa trên luật lệ, các quyết định quan trọng sẽ dựa trên luật lệ và quy tắc thay vì sức mạnh.
Xem thêm:
Maritime Issues ngày 19/3/2021: Major power competition in the South China Sea and Southeast Asian responses
Sarah Cook: Bắc Kinh đang có những bước tiến bộ mới trong nỗ lực gieo rắc thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu
Một số cuộc điều tra chuyên sâu được công bố trong hai tháng qua của các nhà nghiên cứu hàn lâm, các tổ chức tư vấn, hãng tin tức và các công ty an ninh mạng đã làm sáng tỏ sự phát triển của các chiến dịch thông tin sai lệch bắt nguồn từ Trung Quốc. Nhìn chung, các nghiên cứu chỉ ra rằng Trung Quốc đang dành nguồn nhân lực và tài chính đáng kể cho các hoạt động gieo rắc thông tin sai lệch; độ tinh vi và tác động tổng thể đã tăng lên; và mối liên hệ giữa tài khoản chính thức và tài khoản giả càng rõ ràng hơn, khiến việc phủ nhận một cách hợp lý của chính phủ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.
Xem thêm:
The Diplomat ngày 30/3/2021: Beijing Is Getting Better at Disinformation on Global Social Media
V- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Basu P. và Chaturvedi A. (2021) Trong tầng biển sâu: Những mối nguy cho sinh thái biển ở Biển Đông
Khi nhắc đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, sự bành trướng vũ lực của Trung Quốc thường là mối nguy được quan tâm. Trong phân tích chính sách mới đây của Basu và Chaturvedi (2021) đi theo một hướng khác, và tập trung vào việc phân tích các tác động về mặt môi trường (vốn ít được tìm hiểu) từ những hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển này.
Sử dụng các số liệu thống kê và dữ liệu ảnh vệ tinh, Basu và Chaturvedi đã khảo sát hoạt động của sáu quốc gia (Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Indonesia) có tham gia tranh chấp trên Biển Đông. Phân tích tập trung vào ba nhóm hoạt động chính thường được triển khai trên vùng biển này, bao gồm xây dựng đảo nhân tạo, khoan thăm dò và đánh bắt hải sản quá mức. Kết quả cho thấy sự tham gia của các quốc gia khác có quy mô và mức độ ảnh hưởng không đáng kể, và do đó các tác động môi trường từ các hoạt động được phân tích chủ yếu la do phía Trung Quốc gây ra.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy các hoạt động của Trung Quốc đang để lại những tác động môi trường nghiêm trọng. Cụ thể, các hoạt động này đã dẫn đến sự giảm sút của các quần thể hải sản, đẩy hệ sinh thái biển Nam Hoa đến bờ vực sụp đổ, và có thể dẫn đến sự hủy diệt hệ của các quần thể san hô tại khu vực này.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
Nghiên cứu của Trung Quốc
Lu Q. và các cộng sự (2020) Tiến độ dự án Khảo sát Địa chất Sâu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Hoa
Thăm dò địa chất sâu (deep earth exploration) là một lĩnh vực rất được quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, để có thêm hiểu biết về các hợp chất cấu thành, cấu trúc, cũng như các quá trình động của các tầng bên trong của lớp vỏ Trái đất. Hoạt động thăm dò không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học mà còn tạo ra nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng nhằm cung cấp tài nguyên và năng lượng cho sự phát triển kinh tế.
Theo nhóm tác giả đến từ Trung Quốc, từ năm 2008 đến 2016, Trung Quốc đã triển khai thành công giai đoạn một của chương trình Thăm dò Địa chất Sâu Quốc gia (SinoProbe) với nhiều thành tựu quan trọng. Từ năm 2016, giai đoạn tiếp theo của chương trình tiếp tục được triển khai với tên gọi Dự án Khảo sát Địa chất Sâu (Deep Geological Survey). Trong giai đoạn này, các mối quan tâm được tập trung bao gồm chiến lược năng lượng quốc giả, sáng kiến “Con đường và Vài đai” cùng các vấn đề cơ bản khác trong quan trắc địa chất.
Trong ấn bản trên tạp chí China Geology, Lu và các cộng sự (2020) đã tổng kết lại các kết quả của dự án Khảo sát Địa chất Sâu trong giai đoạn từ 2016 đến 2019. Quy mô của đợt khảo sát này tập trung vào bình nguyên Tùng Liêu (Songliao) ở đông bắc Trung Quốc, và một số vùng kiến tạo lớn như vùng núi Kỳ Liên – Thiên Sơn (Quilian-Tianshan) và Khâm Châu – Hàng Châu (Qinzhou-Hangzhou). Thông qua các hoạt động khoan thăm dò, dự án đã xây dựng được thông tin phản xạ địa chấn sâu và từ tính với tổng độ dài 1552 km. Đồng thời, nhiều tiến bộ trong công nghệ khoan sâu, sự khám phá của nhiều mỏ dầu, khí tự nhiên cùng những vấn đề cơ bản về quan trắc địa chất cũng đã được ghi nhận từ dự án này.
Tải toàn văn nghiên cứu ở đây.
Liu J. và cộng sự (2021) Phân bố của kim loại nặng và đồng vị phóng xạ trong trầm tích và các tác động môi trường của chúng trong khu vực Trường Sa, Biển Đông
Ô nhiễm kim loại nặng trong môi trường nước là một vấn đề môi trường mang tính toàn cầu do đặc thù của loại hình ô nhiễm này: có tính độc cao, chậm phân giải và có khả năng tích lũy sinh học cao. Đối với môi trường biển, hầu hết ô nhiễm kim loại nặng (tích lũy và vận chuyển thông qua hệ thống sông ngòi) đều có nguồn gốc từ các hoạt động phát thải của con người. Thông qua các quá trình vật lý, hóa học và sinh học, các chất ô nhiễm này sẽ dần được tích tụ trong các trầm tích, tạo ra một nguồn ô nhiễm thứ cấp có khả năng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sinh vật biển.
Trầm tích tại Biển Đông đã được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau với mức độ liên tục khá tốt, tạo điều kiện tốt cho các nghiên cứu về sự biến đổi chất lượng môi trường qua thời gian dài ở khu vực này. Trong nghiên cứu của mình, Liu và các cộng sự (2021) tập trung vào phân tích các đồng vị phóng xạ (238U, 226Ra, 232Th, and 40K) và khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ của các đồng vị này ở vùng biển Trường Sa. Nghiên cứu cũng đánh giá mức độ ô nhiễm của các kim loại nặng khác nhau (Cr, Co, Ni, Cu, Zn, As, Cd, và Pb) trong các trầm tích. Dựa vào mối tương quan giữa các đồng vị phóng xạ và các kim loại nặng, nghiên cứu cũng đề xuất một phương pháp mới để truy vết và tìm kiếm nguồn gốc của ô nhiễm kim loại nặng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy (ngoại trừ Cr và Cu) nồng độ của các kim loại nặng đều vượt giá trị nền tương ứng, và có thể đang gây ra ô nhiễm trầm tích ở các mức độ khác nhau. Phân tích tương quan cũng cho thấy mối liên hệ giữa đồng vị phóng xạ và các kim loại nặng: 232Th có tương quan dương với As và Pb; 238U có mối tương quan dương (đáng kể về mặt thống kê) với Co, Ni, Cu, Zn, và Cd; 40K có mối tương quan dương với Co, Ni, và Cu. Dựa vào phương pháp truy vết thông qua cách tiếp cận đánh giá rủi ro sinh thái, nghiên cứu chỉ ra hầu hết các kim loại đều có nguồn gốc từ các quá trình tự nhiên (phong hóa, xáo trộn sinh vật đáy, và biến động của các yếu tố thủy động lực học). Tuy nhiên, kết quả của phân tích tương quan và phân tích thành phần chính (PCA: principal component analysis) cho thấy As có nhiều khả năng có nguồn gốc từ cả các quá trình tự nhiên cũng như các hoạt động của con người (thông qua biến đổi về môi trường và khí hậu) trong suốt thời kỳ băng hà cuối cùng.
Tải toàn văn nghiên cứu ở đây.
———-
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.
[…] – Tập hợp dữ liệu vệ tinh của Bãi Ba Đầu, Đá Kennan và cụm đảo Sinh Tồn trong hơn một năm trở lại đây. Một phần dữ liệu đã được công bố tại Bản Tin Biển Đông Số 57. […]
LikeLike