Bản Tin Biển Đông Số 51

(Tuần từ 03/02 – 10/02/2021)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Trần Phạm Bình Minh, Lưu Việt Hà

Biên tập: Nguyễn Trịnh Đôn

Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News & Đối tác

Ảnh vệ tinh và phân tích từ đối tác của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho thấy một căn cứ tên lửa đất đối không đang được hoàn tất ở huyện Ninh Minh thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km. Toạ độ trong ảnh.

Tải bản PDF ở


Trong Bản Tin Biển Đông Số 51 có những nội dung sau:

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC BẢN TIN BIỂN ĐÔNG 2021

I- LUẬT HẢI CẢNH TRUNG QUỐC

II- TRUNG QUỐC – ASEAN – HOA KỲ

III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

IV- HOA KỲ – TRUNG QUỐC – ĐÀI LOAN


KẾ HOẠCH TỔ CHỨC BẢN TIN BIỂN ĐÔNG 2021

I- MỤC ĐÍCH

Bản tin Biển Đông hàng tuần cung cấp tới cộng đồng một bức tranh có tính tổng hợphệ thống hoá những diễn biến xảy ra trong tuần và những phân tích nghiên cứu đáng chú ý liên quan đến Biển Đông, với chất lượng thông tin và hàm lượng tri thức ở tiêu chuẩn học thuật.

Bản tin được xây dựng dựa trên các giá trị mà Dự án Đại Sự Ký Biển Đông theo đuổi, đó là: khoa học, độc lập, phi chính trị và phi lợi nhuận. 

Là những người làm nghiên cứu và giao tiếp với cộng đồng quốc tế hàng ngày, chúng tôi mong muốn người Việt chúng ta cũng sẽ tiếp cận vấn đề một cách duy lý, được trang bị nhiều tri thức vững chãi.

Thông tin được chọn lọc từ những nguồn đáng tin cậy, được kiểm tra chéo và hệ thống hóa để cung cấp bức tranh hoàn chỉnh nhất. Vì một mảnh ghép không phản ánh được hiện thực tổng thể, nhiều khi còn dễ dẫn dắt hiểu sai bản chất câu chuyện. Đây cũng là ý tưởng chủ đạo của Bản Tin Biển Đông hàng tuần cũng như các sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Chúng tôi muốn thông qua Bản Tin Biển Đông hàng tuần, đưa tri thức chất lượng cao của thế giới, đưa những cuộc tranh luận tri thức đang diễn ra sôi nổi trên các diễn đàn quốc tế, đưa những công trình nghiên cứu học thuật về Biển Đông, về gần gũi với cộng đồng người Việt, thông qua lược dịch và đường dẫn đến bài gốc để độc giả có thể tiếp cận trực tiếp. 

Tất cả là vì chúng tôi mong muốn chúng ta không chỉ gói gọn tầm hiểu biết hạn hẹp trong nội bộ đất nước, mà còn nắm bắt được tư duy của cộng đồng quốc tế, những chuyển động trên thế giới và liên hệ chặt chẽ tới vấn đề Biển Đông. 

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông là dự án độc lập, không thuộc hay phục vụ lợi ích của tổ chức chính trị nào, ngoài mục tiêu phụng sự đất nước, phụng sự cộng đồng hoà với sự phát triển tiến bộ của thế giới.

Mời xem thêm: Sứ Mệnh & Nguyên Tắc Hoạt Động của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

II- NGUỒN TÀI NGUYÊN SẴN CÓ

1. Nhân lực

Bản tin được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu (trong và ngoài nước), có kinh nghiệm nghiên cứu hay thực tập nghiên cứu Biển Đông, với sự hỗ trợ của thành viên Dự án và những đối tác đã có trên 5 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp thông tin Biển Đông cho cộng đồng quốc tế, cùng sự cộng tác với những chuyên gia quốc tế đang viết bài cho những tạp chí an ninh có uy tín thế giới. 

Mời xem sơ lược về lịch sử hình thành Dự án Đại Sự Ký Biển Đông do Báo Thanh Niên chủ động tìm hiểu: https://thanhnien.vn/thoi-su/bao-ve-chu-quyen-bien-dong-1217339.html

2. Nguồn tư liệu và thông tin

Đã được tài trợ tài khoản truy cập vào hoặc có thể lấy tài liệu từ 

– Marine Traffic (https://www.marinetraffic.com/)

– Các tạp chí và thư viện chuyên môn như: Peace Palace Library, Elsevier, Taylor & Francis, Foreign Affairs, World Politics Review, Project Syndicate, mạng lưới tin tức của giới chuyên gia và viên chức an ninh quốc gia Mỹ, v.v..

– Nhiều tạp chí nghiên cứu biển và chính sách biển thuộc NXB Elsevier. 

– Thư viện Pháp luật

– Các tờ báo: Bloomberg, Bloomberg Quint, Business Insider, Caixin, Chicago Tribune, Encyclopedia Britannica, Examiner, Financial News, Foreign Policy, London Review of Books, Los Angeles Business Journal, Los Angeles Times, MIT Technology Review, New York Magazine, New Zealand Herald, Nikkei Asian Review, Quartz, Scientific American, The Age, The American Interest, The Atlantic, The Australian Financial Review, The Australian, The Canberra Times, The Courier, The Daily Telegraph, The Diplomat, The Economist, The Globe and Mail, The Hindu, The Japan Times, The Nation, The New Yorker, The New York Times, The Sydney Morning Herald, The Telegraph, The Times, The Wall Street Journal, The Washington Post, Wired, v.v…

Tổng tài trợ nguồn tư liệu trị giá nằm trong khoảng 2000 – 3000 USD mỗi năm. 

Như đã liệt kê, có ít nhất 50% thông tin trong mỗi Bản Tin của chúng tôi là đến từ các tờ báo/tạp chí phải trả tiền. Đây là những nơi cung cấp thông tin giúp chúng ta tiếp cận tốt hơn với thực tế, có đầy đủ thông tin hơn, hạn chế được cái nhìn phiến diện một chiều.

Để tiếp cận những thông tin tư liệu đó, mỗi cá nhân có thể phải bỏ ra tới 2000 3000 USD/1 năm. Dự án Đại Sự Ký Biển Đông được hỗ trợ quyền truy cập nhờ vào sự tin tưởng của các nhà nghiên cứu và nhà báo trong và ngoài nước, nên có thể tổng hợp những tư liệu đó và chia sẻ rộng rãi với cộng đồng. 

Dự án còn có được sự tin tưởng và hợp tác, hỗ trợ của một số chuyên gia hàng đầu ở nước ngoài, những người có quyền truy cập vào ảnh vệ tinh chất lượng cao và dữ liệu thông tin thực địa chuyên nghiệp, sau khi họ đã quan sát Dự án một thời gian dài và nhận thấy rằng những gì Dự án đang làm có mục đích tốt. 

III- PHƯƠNG PHÁP

Các cộng tác viên Dự án sẽ đọc, chắt lọc thông tin từ ít nhất 500 email mỗi tuần, biên dịch những điểm quan trọng, tổng hợp thành các chủ đề, để tạo thành một bản tin với khối lượng thông tin và tri thức trên dưới 30 trang.

Bản tin được biên tập qua 2 vòng bởi ít nhất 2 thành viên của Dự án.

Các thông tin được điểm trong bản tin sẽ được chọn lọc cẩn thận và hệ thống hoá từ những nguồn thông tin có thể dùng trong nghiên cứu, được kiểm tra chéo khi có thể. 

Các bài phân tích/bình luận được chọn lựa là những bài mà quan điểm tác giả phải dựa trên dữ liệu và bằng chứng, có tính nghiên cứu sâu. Bản tin cũng sẽ cố gắng giới thiệu những nghiên cứu học thuật mới trong lĩnh vực Biển Đông.

Để giữ tính khách quan cho bản tin, chúng tôi thực hiện hai nguyên tắc sau:

(1) Tách riêng sự kiện và quan điểm

(2) Đảm bảo tính khách quan khi giới thiệu quan điểm bằng cách cố gắng giới thiệu quan điểm đa chiều.

IV- DỰ TÍNH NHÂN SỰ

1 cộng tác viên phụ trách diễn biến thực địa

1 cộng tác viên phụ trách các báo tiếng Việt

2 cộng tác viên phụ trách tiếng Anh mảng chính trị, luật và quan hệ quốc tế

1 cộng tác viên phụ trách tiếng Anh mảng quân sự

1 cộng tác viên phụ trách mảng khoa học & kinh tế biển

1 cộng tác viên phụ trách các báo tiếng Trung

1 cộng tác viên phụ trách các báo tiếng Pháp

2 vòng biên tập bởi 2 thành viên khác nhau. 

V- DỰ TRÙ TÀI CHÍNH CẦN TÀI TRỢ

1. Thù lao ước tính cho các cộng tác viên mỗi bản tin

Thù lao thực tế có thể thay đổi do khối lượng công việc phải xử lý mỗi tuần không đồng đều. Trung bình hiện nay mỗi tuần nhóm phải xử lý trên dưới 500 email, đọc và chắt lọc những gì mới và quan trọng, từ đó tiến hành lược dịch, sắp xếp và tổng hợp. 

  • Diễn biến thực địa và phần tin tiếng Việt: 250.000 VNĐ
  • Mảng chính trị – luật quốc tế – quan hệ quốc tế tiếng Anh: 1.500.000 VNĐ
  • Mảng quân sự tiếng Anh: 500.000 VNĐ
  • Mảng khoa học & kinh tế biển: 500.000 VNĐ
  • Mảng tiếng Trung: 500.000 VNĐ
  • Mảng tiếng Pháp: 500.000 VNĐ

Tổng cộng thù lao cho 1 bản tin dao động trong khoảng 2.500.000 VNĐ – 3.750.000 VNĐ/1 tuần. 

(Theo các nhà báo ở Việt Nam, cũng như khảo sát các bản tin/newsletters trên thế giới, đây chỉ là một con số thấp hơn mức vừa phải một chút).

Tổng cộng thù lao cho 1 năm (50 tuần): 125.000.000 VNĐ – 187.500.000 VNĐ

2. Tài khoản hệ thống nhận diện tự động (AIS) vệ tinh 1 năm

Do mỗi ứng dụng theo dõi hàng hải có những điểm mạnh/yếu khác nhau, phụ thuộc vào mạng lưới phân bổ các trạm thu nhận tín hiệu AIS trên mặt đất và các đối tác dữ liệu vệ tinh của mỗi công ty cung cấp ứng dụng, chúng tôi luôn kết hợp nhiều ứng dụng đồng thời, cũng như các cơ sở dữ liệu tàu thuyền khả tín của giới doanh nghiệp hàng hải thế giới để kiểm chứng số liệu nhiều nhất có thể, tránh tối đa những sai sót do một số loại dữ liệu có thể bị con người can thiệp và thao túng.

Hiện tại Dự án đang được tài trợ tài khoản Marine Traffic trị giá 124 EUR/1 tháng. Tuy nhiên Marine Traffic không đủ mạnh trong dữ liệu tàu thuyền của Trung Quốc.

Bởi vậy Dự án cần tài trợ thêm  tài khoản ở Vessel Finder (https://www.vesselfinder.com/): 139 USD/1 tháng x 12 = 1.668 USD

3. Chi tiêu mua tư liệu hàng tháng: 

10 USD/1 tháng x 12 = 120 USD.

Ước tính sẽ cần khoảng tối thiểu 200.000.000 VNĐ để duy trì bản tin. Các thành viên Dự án làm việc không nhận thù lao.

VI- CÁCH THỨC TÀI TRỢ CHO DỰ ÁN ĐẠI SỰ KÝ BIỂN ĐÔNG

Mời xem tại: Tài Trợ cho Dự Án

Nếu mọi người thấy rằng một Bản Tin Biển Đông như vậy là cần thiết để có một cái nhìn đa chiều và thực tế về Biển Đông cũng như nâng cao nền tảng tri thức hiểu biết trong bối cảnh Biển Đông đã trở thành vấn đề quốc tế, cần có một dự án tri thức độc lập tồn tại như Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, hãy tài trợ cho chúng tôi để chúng tôi có thể tiếp tục hoạt động. Chúng tôi cam kết sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ, để từng đồng đóng góp của mỗi người đều được chuyển đổi thành sản phẩm tri thức hữu ích cho cộng đồng.


I- LUẬT HẢI CẢNH TRUNG QUỐC

Phản ứng các nước

Nhật Bản

Các nước vẫn tiếp tục nêu ra những lo ngại về nguy cơ leo thang vũ lực ở các vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông mà Trung Quốc yêu sách quyền tài phán. 

Tại Nhật Bản, một số thành viên trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền thúc giục các biện pháp tăng cường trong khu vực như các cuộc tập trận chung giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Hoa Kỳ gần quần đảo Senkaku.

Tại một cuộc tham vấn cấp cao hai nước Nhật Bản – Trung Quốc về các vấn đề hàng hải, các quan chức Nhật Bản đã “kiên quyết kêu gọi” Trung Quốc kiềm chế trong các hành động của mình, theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết trong một cuộc họp báo hôm 4/2/2021. Ông Kato cũng nói rằng Trung Quốc không được thực hiện luật đó theo cách thức trái với luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, quan chức Trung Quốc đã nói với phía Nhật Bản rằng Luật Hải cảnh Trung Quốc cho phép hải cảnh sử dụng vũ khí trong các vùng biển Trung Quốc yêu sách là “phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.” Trung Quốc cũng yêu cầu Nhật Bản không thực hiện các hành động làm phức tạp tình hình.

Ngày 6/2/2021 vừa rồi, các tàu Hải cảnh Trung Quốc đã lần đầu tiên đi vào lãnh hải quần đảo Senkaku kể từ khi Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực. Một trong hai tàu thuộc lớp tàu hải cảnh lớn thứ hai của nước này mà NATO gọi là “Shuoshi II”. Hai tàu Trung Quốc đã tiếp cận hai tàu cá Nhật Bản đang hoạt động trong khu vực vào khoảng 4h30 sáng. Cảnh sát biển Nhật Bản đã cử tàu tới bảo vệ các tàu cá đồng thời liên tục thúc giục tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố. Hai tàu khác của Trung Quốc, trong đó có một tàu trang bị vũ khí giống đại bác, đã được phát hiện ở vùng tiếp giáp lãnh hải. Sau nửa ngày, cả bốn tàu Trung Quốc đã rời khỏi khu vực vào lúc 1 giờ chiều, theo Cảnh sát biển Nhật Bản.

Quần đảo Senkaku hiện đang nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản và bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền.

Philippines

Về phía Philippines, sau khi đã phản đối chính thức qua đường ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trả lời phỏng vấn CNN hôm 8/2/2021 cho biết “Tôi rất lo ngại về luật này vì nó có thể gây ra những tính toán sai lầm và tai nạn, đặc biệt là hiện tại khi hải cảnh Trung Quốc được phép bắn vào tàu nước ngoài.”

Ông Lorenzana “kêu gọi tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc, Việt Nam, hãy thận trọng trong việc thực thi luật pháp quốc gia của họ”. Ông cho biết Philippines sẽ thảo luận với các đồng minh, bao gồm Mỹ, và các bên tranh chấp khác, về cách xử lý tình hình. 

Tổng tham mưu trưởng (người đứng đầu sau tổng thống kiêm tổng tư lệnh) lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Cirilito Sobejana, tiếp tục tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm 9/2/2021 rằng Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc là “đáng báo động” và “vô trách nhiệm” khi hải cảnh có thể nổ súng vào những người xâm nhập vào lãnh thổ trong khi người Philippines không vào khu vực tranh chấp để gây chiến mà là để kiếm sống.

Ông Sobejana cho biết họ sẽ tăng cường hiện diện ở các khu vực tranh chấp thông qua việc tăng cường triển khai khí tàu hải quân. Nhưng ông khẳng định “sự hiện diện của hải quân chúng tôi ở đó không phải để gây chiến chống lại Trung Quốc, mà để đảm bảo an ninh cho người dân chúng tôi.”

Indonesia

Phó đô đốc Aan Kurnia, Lãnh đạo Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia cho rằng Luật hải cảnh mới của Trung Quốc có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột lan tới vùng biển của Indonesia bao quanh quần đảo Natuna. 

“Với việc Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn ở Biển Đông, cũng như xét tới phản ứng của các nước lớn có lợi ích ở vùng biển này, nguy cơ leo thang xung đột là có thật”, ông Aan Kurnia phát biểu trước quốc hội Indonesia. 

Quan điểm cho rằng Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa ngày càng gia tăng với chủ quyền của Indonesia đang hiện hữu trong giới chức quân đội nước này. Tháng 12/2020, một bài viết trên tập san của Học viện Chỉ huy & Tham mưu của quân đội Indonesia cho rằng “Một cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc vào quần đảo Natuna có khả năng sắp xảy ra, với việc Trung Quốc có ý định và khả năng về quân sự để thực hiện các cuộc tấn công như vậy từ các căn cứ ở quần đảo Trường Sa”. 

Xem thêm: 

SCMP ngày 5/2/2021: Indonesia flags unease over Beijing’s South China Sea actions in comments from maritime security chief, army staff college

Malaysia

Ngày 15/1/2021, tàu Hải cảnh 5202 (số hiệu cũ 35111) của Trung Quốc đã rời cảng Tam Á đến hoạt động tại khu vực bãi cạn Nam Luconia thay thế cho Hải cảnh 5402 từ ngày 17/1, với khoảng cách gần nhất đến bờ biển Malaysia khoảng 35 hải lý. 

Sơ đồ hoạt động của Hải cảnh 5202 trong vùng biển Malaysia

Phía Malaysia cũng bố trí tàu tuần duyên (cảnh sát biển) 3902 của mình hoạt động tại bãi cạn này từ ngày 2–4/2/2021, với khoảng cách gần nhất đến Hải cảnh 5202 được ghi nhận qua hệ thống nhận diện tự động (AIS) của Marine Traffic khoảng gần 2 hải lý vào ngày 4/2.

Tàu cảnh sát biển Malaysia tiếp cận Hải cảnh Trung Quốc

Việt Nam

Ngày 8/2/2021, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chúc Tết người dân Việt Nam trong cuộc điện đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Theo bản tin của báo Việt Nam, Ông Tập Cận Bình khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam, sẵn sàng cùng với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, định hướng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Trung Quốc không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới.

Đáp lại, ông Nguyễn Phú Trọng bày tỏ cảm ơn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sớm gửi điện chúc mừng đến Đại hội XIII; cảm ơn ông Tập đã gửi điện chúc mừng tới cá nhân ông. 

Tổng bí thư, Chủ tịch Việt Nam nhấn mạnh trải qua 71 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng thực tiễn lịch sử cho thấy hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ hai Đảng, hai nước.

Ông đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước đạt được những thành quả to lớn hơn nữa trong thời kỳ mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Trong bản tin của Tân Hoa Xã phía Trung Quốc, đã có một số chi tiết không thấy xuất hiện trong báo cáo của Việt Nam. Đó là ông Tập muốn làm việc với Việt Nam để thúc đẩy sức mạnh tổng hợp của Sáng kiến Vành đai Con đường với “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, thúc đẩy xây dựng các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa hai nước và tìm hiểu giao lưu và hợp tác trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, kinh tế kỹ thuật số và nhân văn. 

Tân Hoa Xã cũng cho biết ông Tập đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp và hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực, duy trì vững chắc hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc làm nòng cốt, phản đối chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, đồng thời ủng hộ việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực nhanh chóng có hiệu lực.

Ông Tập nói Trung Quốc và Việt Nam nên quản lý đúng đắn sự khác biệt trên biển và chống lại sự xúi giục của các thế lực bên ngoài để thúc đẩy phát triển hòa bình và ổn định khu vực.

Xem thêm:

The Mainichi ngày 4/2/2021: Japan conveys ‘strong concern’ to China over coast guard law

The Japan Times ngày 6/2/2021: Chinese ships near Senkakus for first time since new law allowing use of arms

Kyodo News/ABS-CBN News ngày 5/2/2021: China claims new coast guard law in accordance with international practice

INQUIRER.net ngày 8/2/2021: Lorenzana: New China coast guard law raises risks in South China Sea

CNN Philippines ngày 9/2/2021: New China coast guard law ‘alarming,’ ‘very irresponsible,’ AFP chief says

Tuổi Trẻ ngày 9/2/2021: Ông Tập Cận Bình chúc tết người dân Việt Nam

Tân Hoa Xã ngày 9/2/2021: Xi says China ready to work with Vietnam to promote ties

Bình luận

Aristyo Rizka Darmawan: Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc là bất hợp pháp và có tính leo thang

Theo tác giả bài viết, một giảng viên về Luật quốc tế ở Đại học Indonesia, các quốc gia có yêu sách cũng như các quốc gia quan tâm đến Biển Đông cần có phản ứng mạnh mẽ với Luật Hải cảnh Trung Quốc. Các nước nên phát đi phản đối mạnh mẽ thông qua công hàm tới Bắc Kinh nói rằng Luật của họ đang tạo ra nhiều mối đe dọa phi pháp và có nguy cơ leo thang trong khu vực tranh chấp. Các nước có thể kêu gọi Trung Quốc sửa đổi hoặc thậm chí chấm dứt luật này. Nếu Luật Hải cảnh mới được thực thi, rất có thể sẽ có thêm leo thang hoặc thậm chí là một cuộc chiến công khai trên Biển Đông. Tất cả các quốc gia có yêu sách và các quốc gia quan tâm đến hoà bình và ổn định ở Biển Đông cần đưa ra lời kêu gọi đối với Trung Quốc. 

Xem thêm:

ISEAS Commentary ngày 27/1/2021: China’s New Coast Guard Law: Illegal and Escalatory

Một số nghiên cứu/báo cáo liên quan

Raul (Pete) Pedrozo (2021) Maritime Police Law of the People’s Republic of China

Trong bài phân tích Luật Hải cảnh Trung Quốc ở góc độ Luật quốc tế trên tạp chí Nghiên cứu Luật quốc tế của Trung tâm Luật quốc tế Stockton, Đại tá Raul (Pete) Pedrozo nhận định rằng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu Trung Quốc sử dụng luật mới như một phương tiện phụ để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền hàng hải và lãnh thổ bất hợp pháp của mình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, tiếp tục can thiệp vào các quyền khai thác tài nguyên của các quốc gia ven biển, hoặc can thiệp vào việc sử dụng biển hợp pháp của cộng đồng quốc tế. Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trong khu vực để bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời sẽ bảo vệ các quyền và tự do hải hành để đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Các quốc gia trong khu vực cũng phải thực hiện phần việc của mình và buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành động bất hợp pháp của mình, cho dù đó là trước tòa án quốc tế hay tòa án trong nước, thông qua các biện pháp ngoại giao hoặc sử dụng các biện pháp đối phó hợp pháp, hoặc trước tòa án công luận.

Đại tá nghỉ hưu Raul (Pete) Pedrozo của Hải quân Hoa Kỳ hiện đang là Giáo sư Luật Xung đột Vũ trang ở Trung tâm Luật quốc tế Stockton của Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ. Khi còn tại ngũ, ông đã từng đảm nhiệm các vị trí cấp cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó có vị trí Trợ lý đặc biệt cho Thứ trưởng Quốc phòng về Chính sách.

Tải toàn văn nghiên cứu ở đây.

Ryan D. Martinson (2021) Early Warning Brief – Introducing the “New, New” China Coast Guard

Trong bài nghiên cứu này, tác giả tập trung vào cuộc cải cách lực lượng Hải cảnh Trung Quốc lần thứ nhì bắt đầu vào năm 2018, khi lực lượng hải cảnh được chuyển từ Cục Hải dương quốc gia thuộc Bộ đất đai & tài nguyên Trung Quốc sang Cảnh sát vũ trang nhân dân, một tổ chức đã được tái tổ chức và trực thuộc Quân Uỷ Trung ương do Tập Cận Bình là Chủ tịch. Bài viết tìm cách trả lời các câu hỏi cơ bản về lực lượng Hải cảnh sau cải tổ, bao gồm vai trò/nhiệm vụ, tổ chức và cơ cấu lực lượng của nó là gì? Nó khác với Hải cảnh cũ do Cục Hải dương quốc gia quản lý thế nào? Có điều gì tương tự? Những tiến bộ nào đã đạt được sau hai năm cải cách?

Tải toàn văn bài viết ở đây.

China Power (2020) Are Maritime Law Enforcement Forces Destabilizing Asia?

Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ) đã xây dựng một biên niên sự kiện các sự cố chính liên quan tới lực lượng thực thi pháp luật ở Biển Đông từ năm 2010 tới năm 2020, trong đó cho thấy Trung Quốc là quốc gia chủ chốt tích cực sử dụng lực lượng hải cảnh và các cơ quan thực thi pháp luật trên biển khác để thể hiện sức mạnh và khẳng định chủ quyền toàn Biển Đông.

Xem toàn văn báo cáo ở đây.

Trương Minh Vũ và Nguyễn Thế Phương (2019) Navy-Coast Guard Emerging Nexus – The Case of Vietnam 

Bài nghiên cứu nhằm mục đích giải thích việc thành lập cũng như hiện đại hoá Cảnh sát biển Việt Nam, sự thích ứng của nó với môi trường an ninh mới nơi Trung Quốc đang dần dần tăng cường cưỡng chế, và những vấn đề nội tại mà Cảnh sát biển Việt Nam đang phải đối mặt để đạt được những mục tiêu chiến lược cụ thể và theo đuổi các vai trò thứ cấp khác trong việc bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tải toàn văn bài viết ở đây.

II- TRUNG QUỐC – ASEAN – HOA KỲ

Toạ độ hai công trình Trung Quốc đang xây dựng gần biên giới Việt Nam

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, ảnh vệ tinh phân tích mà Dự án Đại Sự Ký Biển Đông nhận được từ đối tác quốc tế cho thấy một căn cứ tên lửa đất đối không (surface-to-air missile – SAM) đang được hoàn tất cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km, cách công trình khoảng 40 km sâu hơn vào lãnh thổ Trung Quốc có một công trình khác được cho là một sân bay trực thăng quân sự đang được xây dựng.

Xin phép độc giả cho chúng tôi được gửi vài lời tới một số nhà bình luận Việt Nam.

Đây là những công việc nghiêm túc và hữu ích với Việt Nam của những chuyên gia phân tích quân sự hiện diện ở những tạp chí an ninh hàng đầu thế giới, có khả năng truy cập dữ liệu ảnh vệ tinh độ phân giải cao phải trả phí. Họ đã rất tử tế khi trao cho người Việt mà không tính phí, thông qua thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông vốn có mối quan hệ hợp tác với họ từ lâu. 

Mỗi người khi tiếp nhận thông tin hoàn toàn có quyền nghi ngờ, nhưng trước khi phát biểu, hãy tìm hiểu kỹ và nói những lời có căn cứ. 

Rất tiếc, một số nhà bình luận Việt Nam đã có những phát ngôn thiếu căn cứ trong việc bày tỏ sự nghi ngờ tính chân thực của thông tin chúng tôi cung cấp. Trên thực tế, người có kinh nghiệm phân tích ảnh sẽ nhận ra đằng sau những bức ảnh đó là những người chuyên nghiệp, và sẽ thận trọng kiểm chứng trước khi đưa ra nhận xét.

Trong khi đó, cùng với nhiều người khác, đã có những bạn trẻ đã tiếp cận vấn đề rất khoa học, thể hiện sự ham học hỏi và hiểu biết về công cụ ảnh vệ tinh và năng lực kiểm chứng thông tin. 

Những lời bình luận phiến diện đã khiến đối tác của chúng tôi, những người coi trọng uy tín và tính liêm chính nghề nghiệp hơn sự nổi tiếng, thêm những ấn tượng không tốt về người Việt. Thay vào đó, chúng tôi mong ngày càng có nhiều người thận trọng và duy lý hơn khi đưa ra bình luận về những vấn đề liên quan tới đất nước. Khi nhận thông tin do các đối tác quốc tế cung cấp, chúng tôi cũng chỉ hướng đến đưa những thông tin có thể hữu ích cho Việt Nam.

Toạ độ của hai công trình đã được đối tác của chúng tôi cung cấp ngay trong những tấm ảnh dưới đây.  

Công trình bị nghi là sân bay trực thăng quân sự đang được xây dựng cách biên giới Việt Nam khoảng 60 km. 
Ảnh vệ tinh và phân tích từ đối tác Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho thấy một căn cứ tên lửa đất đối không đang được hoàn tất ở huyện Ninh Minh thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km.

Xem thêm:

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 3/2/2021: Trung Quốc Đang Xây Một Căn Cứ Tên Lửa Đất Đối Không Gần Biên Giới Việt Nam

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 30/1/2021: Một Số Chuyển Động Của Trung Quốc Qua Ảnh Vệ Tinh

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 8/2/2021: Cập Nhật Diễn Biến Tại Các Sân Bay Quân Sự Trung Quốc Gần Việt Nam

Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin về đường lối đối ngoại với Trung Quốc sau Đại hội XIII

Trả lời câu hỏi liên quan tới đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam với Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Đại hội đã khẳng định Việt Nam kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, mong muốn quan hệ Việt-Trung luôn phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Cũng tại cuộc họp báo này, bà Hằng cho biết Việt Nam sẽ xác minh thông tin căn cứ tên lửa đất đối không đang được Trung Quốc hoàn tất tại huyện Ninh Minh thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km.

  Xem thêm:

Báo Chính phủ ngày 4/2/2021: Bộ Ngoại giao thông tin về đường lối đối ngoại với Trung Quốc sau Đại hội XIII

Ngoại trưởng Mỹ điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam

Ngày 4/2/2021 (theo giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Theo thông cáo của phía Việt Nam, Ngoại trưởng Blinken chúc mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và khẳng định Hoa Kỳ tiếp tục coi trọng quan hệ với Việt Nam, khẳng định Hoa Kỳ coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, và mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong các cơ chế khu vực và quốc tế về các vấn đề cùng quan tâm… 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với ông Blinken để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, nhất trí hợp tác để góp phần đưa quan hệ giữa hai nước phát triển toàn diện và sâu sắc hơn trong thời gian tới với trọng tâm là kinh tế – thương mại – đầu tư, khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực hàng hải, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, cũng như đẩy mạnh hợp tác phòng chống đại dịch Covid-19, tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Trong khi đó, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, hai ngoại trưởng thảo luận về cam kết chung đối với hòa bình và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bảo vệ và giữ gìn Biển Đông dựa trên luật pháp. Hai bên cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác trong phản ứng với đại dịch COVID-19 và thảo luận về cuộc đảo chính gần đây ở Myanmar.

Xem thêm: 

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/2/2021: Secretary Blinken’s Call with Vietnamese Deputy Prime Minister and Foreign Minister Pham Binh Minh 

Báo Thế giới & Việt Nam ngày 5/2/2021: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken

Lãnh đạo Indonesia, Malaysia thảo luận về Biển Đông

Trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo và Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tại Jakarta, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về ổn định và an ninh ở khu vực.

“Tôi nhấn mạnh rằng sự ổn định – kể cả trên Biển Đông – sẽ được thiết lập nếu mọi quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”, Tổng thống Jokowi phát biểu trong cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin nói rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình dựa trên các nguyên tắc được quốc tế công nhận, trong đó có UNCLOS 1982. “Các bên cần kiềm chế các hành động gây căng thẳng, mang tính khiêu khích và tránh sử dụng vũ lực”, ông nói. Ông cũng khẳng định Malaysia cam kết giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông dựa trên các diễn đàn và qua các kênh ngoại giao.

Xem thêm: 

Antara News ngày 5/2/2021: Jokowi, Yassin lay emphasis on stability in South China Sea

III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Nhật Bản, Anh tăng cường hợp tác để ngăn chặn các bước tiến của Trung Quốc trên biển

Ngày 3/2/2021, Nhật Bản và Anh đã có cuộc hội đàm trực tuyến “2+2” với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo cùng những người đồng cấp Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace.

Theo tờ The Asahi Shimbun, trong cuộc họp “2+2” này, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép hải cảnh nước này sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài đã là vấn đề đầu tiên được đưa ra trong nghị trình. Các bộ trưởng Nhật Bản nhấn mạnh rằng Luật Hải cảnh mới không được áp dụng theo cách vi phạm luật pháp quốc tế.

Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Họ cũng hoan nghênh việc Anh dự kiến ​​cử nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth tới Đông Á trong năm nay khi hai bên tái khẳng định rằng “hợp tác trong an ninh hàng hải sẽ tiếp tục là ưu tiên” của hai quốc gia.

Các quan chức chính phủ cũng có kế hoạch sử dụng các nhà máy ở Nhật Bản để sửa chữa máy bay hải quân Anh gắn với tàu sân bay.

Sau cuộc họp trực tuyến, bốn Bộ trưởng ra tuyên bố chung trong đó bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, phản đối mọi hành động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. “Bốn bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì quyền tự do hải hành và không hành trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng”, tuyên bố chung cho biết. 

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 4/2/2021: Fourth Japan-UK Foreign and Defence Ministers’ Meeting(“2+2”)

The Asahi Shimbun ngày 4/2/2021: Japan, Britain in sync on halting China’s maritime advances

Kyodo News/The Japan Times ngày 4/2/2021: Japan and Britain affirm close security ties amid China’s rise

Tàu hải quân Mỹ qua eo biển Đài Loan và vào Biển Đông

Ngày 4/2/2021, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John S. McCain (DDG 56) đã di chuyển qua Biển Đông. Thông báo trên trang web của Hạm đội 7 cho biết, việc DDG 56 di chuyển qua eo biển Đài Loan “thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động hàng không, hàng hải ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”. 

Theo USNI News, Trung Quốc đã đưa 2 tàu quân sự theo dõi hành trình di chuyển của DDG 56 qua eo biển Đài Loan. Ngày 5/2/2021, USS John S. McCain đã thực hiện chiến dịch tự do hải hành nhằm bác bỏ yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc bao quanh quần đảo Hoàng Sa.

Cũng trong ngày 5/2/2021, biên đội tàu sân bay USS Nimitz đã di chuyển qua eo biển Malacca tiến vào Biển Đông. Đây là lần đầu tiên tàu sân bay USS Nimitz trở lại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau 270 ngày hoạt động tại khu vực Trung Đông. Trước đó, ngày 23/1/2021, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cũng đã vào Biển Đông và tiến hành diễn tập tấn công và hiệp đồng tác chiến  nhằm “thúc đẩy quyền tự do trên biển và trấn an các đồng minh, đối tác”.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định “Chúng tôi là một cường quốc Thái Bình Dương và chúng tôi có trách nhiệm ở đó” đồng thời ông cũng khẳng định Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với vai trò của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

Quân đội Trung Quốc tố cáo Mỹ đang cố tình “tạo ra căng thẳng, phá vỡ hòa bình và ổn định” của khu vực. Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam quân đội Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố rằng tàu chiến Mỹ đã đi vào vùng lãnh hải không được phép, vì vậy hải quân và không quân Trung Quốc đã theo dõi, giám sát và “xua đuổi sau khi cảnh báo”. Điền Quân Lý (Tian Junli), phát ngôn viên Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam quân đội Trung Quốc, cho biết: “Hành động quân đội Mỹ là chiến thuật thông thường của họ, phục vụ mục tiêu bá quyền hàng hải. Lực lượng thuộc quân khu Nam luôn cảnh giác cao độ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.”

Giới quan sát cho rằng, động thái của Lầu Năm Góc được xem là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục hướng tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump nhằm vào Trung Quốc; đồng thời cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục các chính sách của chính quyền cựu Tổng thống Trump nhằm hỗ trợ Đài Loan, bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc.

Xem thêm:

Commander, U.S. 7th Fleet ngày 3/2/2021: 7th Fleet Destroyer transits Taiwan Strait

USNI News ngày 4/2/2021: Destroyer USS John McCain Transits Taiwan Strait While Chinese Warships Watched

Commander, U.S. 7th Fleet ngày 5/2/2021: 7th Fleet Destroyer conducts Freedom of Navigation Operation in South China Sea

Reuters ngày 5/2/2021: China says U.S. ‘creating tensions’ after warship sails near Taiwan

Zing ngày 5/2/2021: Tàu sân bay Mỹ đi qua cửa ngõ Biển Đông

USS Ohio tiến hành tập trận chung với lực lượng thủy quân lục chiến gần Okinawa

Ngày 2/2/2021, tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Ohio của Mỹ đã tiến hành các hoạt động diễn tập với lực lượng thủy quân lục chiến nước này tại vùng biển gần Okinawa. Cuộc tập trận đã thử nghiệm hoạt động viễn chinh chung trong đó thủy quân lục chiến có thể lên tàu ngầm một cách an toàn bằng cách sử dụng các tàu đệm khí cao su (CRRC). “Cuộc tập trận là một phần trong nỗ lực của Lực lượng viễn chinh thuỷ quân lục chiến III (MEF-III) cùng Hạm đội 7 của Hoa Kỳ nhằm chuẩn bị các phương án phản ứng linh hoạt, tư thế sẵn sàng và nhanh chóng cho các chỉ huy khu vực của lực lượng Hải quân, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển Hoa Kỳ trong các tình huống khủng hoảng, xung đột,” thông báo trên website của Hạm đội 7 cho biết.

Xem thêm:

Commander, U.S. 7th Fleet ngày 4/2/2021: USS Ohio Conducts Joint Operations with Marine Corps Element Near Okinawa

Hải quân Mỹ đưa tàu chiến hiện đại nhất đến Nhật Bản

Ngày 4/2/2021, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Rafael Paralta – tàu khu trục được xem là hiện đại nhất của hải quân Mỹ – đã đến căn cứ Yokosuka, Nhật Bản sau hành trình dài từ San Diego. 

Được đưa vào biên chế từ tháng 7/2017, USS Rafael Paralta là một trong những tàu khu trục mới nhất của Hải quân Mỹ khi được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis Baseline 9, 2 máy bay trực thăng MH-60 Seahawk và “đã cải tiến khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo, phòng không và tác chiến mặt nước.” 

Theo tuyên bố từ Bộ tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ tại Nhật Bản, việc tàu chiến Mỹ đến Nhật Bản phù hợp với chiến lược phòng thủ quốc gia với các đơn vị có năng lực nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

Theo Người phát ngôn Hạm đội 7, hiện tại căn cứ tại Yokosuka đang được bố trí 7 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (USS Rafael Paralta, USS Milius, USS Barry, USS Cutis Wilbur, USS Benfold, USS John S. McCain và USS Mustin) cùng với 3 tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường (USS Antietam, USS Shiloh và USS Chancellorsville), tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu chỉ huy USS Blue Ridge. 

Xem thêm:

Stars and Stripes ngày 4/2/2021: Navy shifts one of its newest and most advanced destroyers to Japan-based 7th Fleet

Điện đàm Nga – Mỹ đề cập tới mối đe dọa Trung Quốc

Ngày 4/2/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Theo thông cáo Bộ Ngoại giao Mỹ, hai bên đã thảo luận về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược Nga – Mỹ và tính cần thiết của việc kiểm soát vũ khí mới nhằm giải quyết tất cả vũ khí hạt nhân của Nga và mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 4/2/2021: Secretary Blinken’s Call with Russian Foreign Minister Lavrov

Các nước trong “Bộ Tứ An ninh” đang sắp xếp cuộc họp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo

Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo hôm 7/2/2021 đưa tin Washington đã đề xuất một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo Australia, Ấn Độ và Nhật Bản – các thành viên trong Bộ Tứ An ninh.

Chính quyền Joe Biden trước đó cho biết họ sẽ tiếp tục phát triển những việc mà chính quyền Donald Trump đã làm được trong việc củng cố Bộ Tứ. Tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết Nhà Trắng coi Bộ Tứ là “một nền tảng cơ bản để xây dựng chính sách quan trọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”

Hội nghị thượng đỉnh giữa nguyên thủ bốn nước sẽ là hội nghị đầu tiên ở cấp cao nhất kể từ khi chính quyền Trump quyết định vào năm 2017 chuyển đổi “Đối thoại An ninh Tứ giác” thành một cơ chế để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Xem thêm:

Kyodo News/The Japan Times ngày 7/2/2021: ‘Quad’ countries arranging first meeting of leaders

South China Morning Post ngày 7/2/2021: How US plans for first Quad summit with leaders of Japan, Australia and India could be first steps towards ‘mini-Nato’ to counter Chinese influence

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 1/12/2018: Lược sử Đối thoại An ninh Tứ giác

Nguyên thủ hai nước Mỹ – Ấn Độ thảo luận về Myanmar và những thách thức an ninh do Trung Quốc đặt ra

Hôm thứ Hai ngày 8/2/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực xoay xung quanh Trung Quốc và biến động ở Myanmar, theo tuyên bố của Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao gồm hỗ trợ tự do hải hành, toàn vẹn lãnh thổ và một kiến trúc khu vực mạnh mẽ hơn thông qua Bộ Tứ,” Nhà Trắng cho biết. Bộ Tứ an ninh bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc.

Đại sứ quán Trung Quốc đã không hồi âm ngay yêu cầu bình luận. Về phía Ấn Độ, Chính phủ cho biết các nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều về những diễn biến mới trong khu vực và bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn, và “nhắc lại tầm quan trọng của việc hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng để đảm bảo một trận tự quốc tế dựa trên luật lệ và một khu vực Ấn Độ Dương tự do, mở và bao trùm.” Từ khoá “bao trùm” vốn thường được nhắc tới trong các tuyên bố của Ấn Độ và ASEAN đã không thấy được đề cập trong khái niệm của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

Ông Biden vẫn chưa nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc kể từ ngày ông nhậm chức. 

Xem thêm:

Wall Street Journal ngày 8/2/2021: Biden, India’s Modi Discuss Myanmar, Security Challenges Posed by China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Máy bay ném bom Mỹ lần đầu tiên tới thăm Ấn Độ kể từ năm 1945

Một máy bay ném bom B-1B của Mỹ bay từ Căn cứ Không quân Ellsworth (bang Nam Dakota, Mỹ) đã lần đầu tiên hạ cánh xuống Ấn Độ kể từ năm 1945 để tham dự triển lãm thương mại Aero India. Chuyến thăm nhằm làm nổi bật mối quan hệ ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, theo người đứng đầu đoàn đại biểu Mỹ Don Heflin.

Xem thêm:

Air Force Magazine ngày 8/2/2021: B-1B Makes First US Bomber Visit to India Since 1945

Hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt tập trận chung trên Biển Đông

Nhóm tàu sân bay tấn công USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt đã gặp nhau và có cuộc tập trận chung ở Biển Đông ngày 8/2/2021, theo tuyên bố của Hải quân Hoa Kỳ. “Các tàu và máy bay của hai nhóm tàu tấn công đã phối hợp hoạt động trong một khu vực có mật độ giao thông cao để chứng minh khả năng của Hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong những môi trường đầy thử thách,” tuyên bố cho biết.

Các cuộc tập trận chung giữa hai tàu sân bay tương đối hiếm. Mới chỉ có 9 cuộc diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương kể từ năm 2001, và tần suất đã tăng lên gần đây. Lần gần đây nhất là vào tháng 7/2020, khi tàu Nimitz và Ronald Reagan tập trận chung hai lần.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết các động thái “phô trương vũ lực” thường xuyên của tàu chiến và máy bay Hoa Kỳ ở Biển Đông không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.

Ông Vương nói “Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia và hợp tác với các nước trong khu vực để bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”

Xem thêm:

Stars and Stripes ngày 9/2/2021: Aircraft carriers USS Nimitz and USS Theodore Roosevelt train together in South China Sea

Reuters ngày 9/2/2021: Two U.S. carrier groups conduct exercises in South China Sea

Tàu ngầm hạt nhân Pháp tuần tra Biển Đông

Trên Twitter hôm thứ Hai ngày 8/2/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết tàu ngầm hạt nhân Pháp Émeraude và tàu hỗ trợ hải quân Seine đã đi qua Biển Đông để “khẳng định rằng luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có giá trị” ở bất kỳ vùng biển nào. Bà cũng cho biết “cuộc tuần tra bất thường” này là bằng chứng nổi bật về năng lực của hải quân Pháp trong việc triển khai tới những vùng biển xa xôi trong một thời gian dài, cùng đồng hành với các đối tác chiến lược Úc, Mỹ và Nhật Bản.

Vào tháng 9 năm ngoái, Pháp, Đức và Anh đã đệ trình một tuyên bố chung lên Liên Hợp Quốc cho biết yêu sách của Bắc Kinh về “quyền lịch sử” trong Biển Đông là không tuân thủ luật quốc tế. Trước đó, vào tháng 6/2019, bà Parly nói rằng Pháp sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông hơn hai lần một năm, và kêu gọi các quốc gia cùng chí hướng khác làm theo để duy trì vùng biển rộng mở.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 9/2/2021: South China Sea: challenge to Beijing as French nuclear submarine patrols contested waterway

IV- HOA KỲ – TRUNG QUỐC – ĐÀI LOAN

Đài Loan trục xuất hàng nghìn tàu Trung Quốc khỏi vùng biển của mình

Ngày 25/1/2021, Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cho biết đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ các tàu hút cát của Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển Đài Loan. Từ tháng 1 đến tháng 11/2020, Đài Loan đã trục xuất 3.969 tàu Trung Quốc nạo vét cát trái phép, tăng 6 lần so với năm 2019 (600 tàu) và gần 56 lần so với năm 2018 (71 tàu).

Cũng trong năm 2020, Trung Quốc đã thực hiện 380 lần các chuyến bay xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong hoàn cảnh các nhà phân tích đánh giá căng thẳng giữa hai bờ ở mức cao nhất kể từ giữa những năm 1990.

Xem thêm:

The Straits Times ngày 25/1/2021: Taiwan expels thousands of Chinese dredgers from its waters

Biden nói về Trung Quốc

Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liệt kê những thách thức cụ thể từ Trung Quốc mà ông phải đối mặt – từ “lạm dụng kinh tế” đến các cuộc “tấn công vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu”. Nhưng mặt khác, ông cho biết “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác cùng Bắc Kinh nếu việc đó đem lại lợi ích cho Mỹ”.

Tuy nhiên Trung Quốc không phải là vấn đề được Biden nhắc tới đầu tiên trong bài phát biểu. Sửa chữa rạn nứt quan hệ với các đồng minh, hồi phục nền dân chủ là những vấn đề ông Biden đề cập đầu tiên.

Trong cuộc phỏng vấn với CBS News, khi được hỏi vì sao chưa gọi điện cho Tập Cận Bình, ông Biden nói ông chưa có dịp nói chuyện với ông Tập. “Không có lý do nào để không gọi cho ông ấy. Tôi được cho là người đã dành nhiều thời gian với Tập Cận Bình hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới… Tôi biết ông ấy khá rõ.”

Ông Biden cho rằng có rất nhiều điều để nói với ông Tập. Ông đã từng nói với ông Tập rằng mối quan hệ giữa Mỹ – Trung không cần phải có sự xung đột, nhưng sẽ có cạnh tranh gay gắt. Nhưng ông sẽ không làm theo cách người tiền nhiệm Donald Trump đã làm. Chính quyền ông sẽ tập trung vào các quy tắc quốc tế.

Xem thêm:

The White House ngày 4/2/2021: Remarks by President Biden on America’s Place in the World

CBS News ngày 7/2/2021: Biden says U.S. won’t lift sanctions until Iran halts uranium enrichment

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án Trung Quốc trong cuộc điện đàm với Uỷ viên Bộ Chính Trị Trung Quốc Dương Khiết Trì

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken đã lên án Bắc Kinh vì những lập trường của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, Hồng Kông và cuộc đảo chính Myanmar, gây bất ổn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong đó có eo biển Đài Loan. Blinken cho biết: “Tôi đã nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta, bảo vệ các giá trị dân chủ của chúng ta và buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những hành vi lạm dụng hệ thống quốc tế.”

Về phía Dương Khiết Trì (uỷ viên Bộ chính trị, chủ nhiệm văn phòng Uỷ ban công tác ngoại sự Trung ương ĐCS TQ), tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay ông Dương đã nói với ông Blinken rằng Mỹ nên “sửa chữa” những sai lầm gần đây và làm việc cùng Trung Quốc để “thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung – Mỹ bằng cách nêu cao tinh thần không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.” Tuyên bố nhấn mạnh hai bên cần tôn trọng lợi ích của bên kia, cũng như hệ thống chính trị và con đường chính trị mà họ lựa chọn. Mỗi bên cần tập trung lo giải quyết các vấn đề  đối nội. “Trung Quốc sẽ kiên quyết tiếp tục con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc của Trung Quốc và không ai có thể ngăn cản được sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Quốc”.

Vấn đề Đài Loan đã không được đề cập trong Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng lại được nhắc đến trong bản tin của Tân Hoa Xã. Bản tin tiếng Trung của Tân Hoa Xã cho biết Blinken tái khẳng định phía Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách một Trung Quốc.

Các nhà quan sát lưu ý rằng trong bản tin tiếng Anh, Tân Hoa Xã đã dịch “chính sách” (policy) thành “nguyên tắc” (principle). 

Trước đó, trong bài phát biểu trực tuyến ngày 2/2/2021 trong sự kiện do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc (tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ) có trụ sở tại New York tổ chức, ông Dương cảnh báo chính quyền Hoa Kỳ không được vượt qua “ranh giới đỏ” là tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa mối quan hệ Trung – Mỹ quay lại con đường “có thể dự đoán được và mang tính xây dựng”. 

Ông Dương nói “Những vấn đề này liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, phẩm giá quốc gia cũng như sự nhạy cảm của 1,4 tỷ người”.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/2/2021: 在同美中关系全国委员会举行视频对话时的讲话

Tân Hoa Xã ngày 2/2/2021: Full text of Yang Jiechi’s speech at the dialogue with National Committee on U.S.-China Relations

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 5/2/2021: Secretary Blinken’s Call with PRC Director Yang

CNBC ngày 6/2/2021: U.S. and China top diplomats talk tough on Myanmar and Taiwan in tense first call since Biden took office

CNN ngày 6/2/2021: China’s top diplomat takes hardline stance in first call with new US Secretary of State 

Tân Hoa Xã ngày 6/2/2021: 杨洁篪应约同美国国务卿布林肯通电话

Tân Hoa Xã ngày 6/2/2021: Senior Chinese diplomat holds phone conversation with U.S. secretary of state

Máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm vùng nhận diện phòng không của Đài Loan

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, từ ngày 30/1/2021 đến 6/2/2021 đã có tổng cộng 14 lượt máy bay quân sự của Trung Quốc đi vào vùng nhận diện phòng không phía tây nam Đài Loan (giảm 14 lượt so với tuần trước). Cụ thể:

– Ngày 30/1/2021 có 1 lượt máy bay tiêm kích săn ngầm (ASW) Y-8.

– Ngày 31/1/2021 có 7 lượt: 1 lượt máy bay trinh sát chiến thuật (RECCE) Y-8, 2 lượt máy bay tiêm kích J-10 và 4 lượt máy bay tiêm kích J-11. 

– Ngày 1/2/2021 có 1 lượt máy bay tiêm kích săn ngầm Y-8.

– Ngày 2/2/2021 có 1 lượt máy bay tiêm kích săn ngầm Y-8.

– Ngày 4/2/2021 có 2 lượt: 1 lượt máy bay tác chiến điện tử (ELINT) Y-8 và 1 lượt máy bay trinh sát chiến thuật Y-8.

– Ngày 5/2/2021 có 1 lượt máy bay tiêm kích săn ngầm Y-8.

– Ngày 6/2/2021, có 1 lượt máy bay trinh sát chiến thuật Y-8.

Xem thêm: Thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan

———

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

2 thoughts on “Bản Tin Biển Đông Số 51

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.