(Tuần từ 18/01 – 24/01/2021)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Trần Phạm Bình Minh, Lưu Việt Hà
Biên tập: Nguyễn Trịnh Đôn
Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Tải bản PDF ở
Trong Bản Tin Biển Đông Số 49 có những nội dung sau:
I- TRÊN THỰC ĐỊA
II- MỸ – TRUNG QUỐC
III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
V- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
VI- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/SÁCH
I- TRÊN THỰC ĐỊA
Tàu Trung Quốc thực hiện khảo sát có tính hệ thống đáy biển ở Ấn Độ Dương
Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 3 của Trung Quốc mới đây hoạt động ở Ấn Độ Dương và bị nghi ngờ có hoạt động mờ ám khi không công bố vị trí của mình trong lãnh hải Indonesia. Theo luật của Indonesia, tất cả các tàu đi qua tuyến đường biển quần đảo Indonesia phải bật AIS và bị cấm thực hiện nghiên cứu hải dương học. Tuy nhiên Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia cho biết tàu Hướng Dương Hồng 3 đã tắt thiết bị AIS hai lần khi đi qua quần đảo Natuna và sau đó là ở eo biển Karimata, phía đông bắc đảo Belitung. Sự việc xảy ra sau khi một tàu lượn dưới nước không người lái bị nghi ngờ là Hải Dực (海翼/Haiyi, tiếng Anh gọi là “Sea Wing”) của Trung Quốc được phát hiện ở vùng biển Indonesia cuối tháng 12. Trước đó đã có 3 chiếc Hải Dực của Trung Quốc được phát hiện trong khu vực. Những thiết bị di chuyển dưới nước không người lái (UUVs) có sức bền lâu này thường được sử dụng để thu thập dữ liệu về dòng chảy, âm học và môi trường biển. Dữ liệu thuỷ văn có tính lưỡng dụng, có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, và đặc biệt liên quan đến chiến tranh tàu ngầm, theo H I Sutton (nhà bình luận và minh hoạ thiết bị quân sự) và một số quan chức Ấn Độ.
Phân tích dữ liệu theo dõi tàu cho thấy đây không phải là lần đầu tiên tàu Hướng Dương Hồng 3 tới khu vực này, và cũng không phải là tàu khảo sát duy nhất của Trung Quốc tới khu vực này. Bốn trong số các tàu Hướng Dương Hồng của Trung Quốc đã hoạt động đặc biệt tích cực trong hai năm qua. Những con tàu này được vận hành bởi Cơ quan Quản lý Đại dương nhà nước Trung Quốc.
Hoạt động khảo sát của những con tàu này bao phủ một khu vực rộng lớn khoảng 500.000 km vuông và đang ngày càng lớn hơn. H I Sutton và các chuyên viên phân tích ở Intel lab suy luận là những con tàu này không chỉ tiến hành nghiên cứu dân sự thông thường mà có thể đang thu thập thông tin cho các nhà hoạch định chính sách hải quân. Phía đông Ấn Độ Dương có thể sẽ được Hải quân Trung Quốc quan tâm đặc biệt khi mở rộng năng lực tàu ngầm. Dữ liệu từ các cuộc khảo sát có thể giúp tàu ngầm định hướng hoặc cải thiện cơ hội không bị phát hiện.
Nói cách khác, theo nhóm tác giả, đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm lập bản đồ đáy biển một cách có hệ thống ở Ấn Độ Dương hỗ trợ cho chiến tranh tàu ngầm.
Sutton cũng tiết lộ với The Print rằng vào tháng 12/2019, tàu Hướng Dương Hồng 6 đã triển khai ít nhất 12 tàu lượn dưới nước ở Ấn Độ Dương. Và những thiết bị không người lái này có kiểu giống với những chiếc UUV được tìm thấy ở vùng biển Indonesia.
Điều này làm dấy lên khả năng rằng không chỉ có tàu Hướng Dương Hồng 6, các tàu khác của Trung Quốc cũng có thể đã triển khai các tàu lượn dưới nước, dù hiện vẫn chưa xác định được điểm đã phóng đi những chiếc tàu lượn được tìm thấy ở vùng biển Indonesia, Sutton nói.
Trên thực tế, vào năm 2017, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc đang đẩy nhanh việc triển khai tàu lượn trên Biển Đông. Lý do được đưa ra là những thiết bị này “có thể giúp tiết lộ và theo dõi vị trí của các tàu ngầm nước ngoài”.
Trước sự kiện ở vùng biển Indonesia tháng 12 vừa rồi, đã có 5 trường hợp Hải Dực được tìm thấy. Ngày 16/11/2016, một chiếc đã được tìm thấy gần Quảng Ngãi, Việt Nam. Sau đó, vào ngày 12/2/2019, một chiếc được tìm thấy gần mũi phía bắc đảo Bangka ở Indonesia. Ngày 23/3/2019, một chiếc khác được tìm thấy ở quần đảo Riau, có ghi chữ trên thân rõ ràng là “Hải Dực” (海翼) và “Viện nghiên cứu tự động hoá Thẩm Dương thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc” (中国科学院沈阳自动化研究所: Trung Quốc khoa học viện Thẩm Dương tự động hoá nghiên cứu sở). Ngày 22/1/2020, một chiếc được tìm thấy gần quần đảo Masalembu ở cuối phía đông Biển Java, nằm ở phía đông eo biển Makassar.
David Hambling trên Forbes cho biết Hải Dực là một bản sao thiết kế của Mỹ. Mặc dù bắt đầu rất muộn sau Mỹ và chỉ thực sự triển khai các tàu lượn dưới nước lần đầu tiên vào năm 2011, Trung Quốc đã rất tích cực nghiên cứu và có những tiến bộ công nghệ nhanh chóng. Ví dụ như Hải Yến (海燕/Haiyan; tên tiếng Anh: Petrel) của Đại học Thiên Tân gồm một cánh quạt và một động cơ nổi, có thể thực hiện nhiệm vụ tầm xa với độ bền lâu, và di chuyển tầm ngắn một cách nhanh chóng.
H I Sutton và Kelvin Wong (một nhà phân tích ở công ty phân tích quốc phòng Janes) đồng thuận rằng các dữ liệu mà thiết bị này thu thập hữu ích cho các hoạt động hải quân, đặc biệt là trong chiến tranh tàu ngầm và chống tàu ngầm, cho phép tàu ngầm có thể hoạt động một cách thầm lặng hơn và ít bị phát hiện hơn.
Xem thêm:
Benar News ngày 4/1/2021: Indonesian Navy Probes ‘Sea Glider’ Drone Found in National Waters
USNI News ngày 16/1/2021: Chinese Survey Ship Caught ‘Running Dark’ Give Clues to Underwater Drone Operations
Naval News ngày 22/1/2021: Chinese Ships Seen Mapping Strategic Seabed In Indian Ocean
The Print ngày 22/1/2021: Satellite catches Chinese survey ship mapping seabed in eastern Indian Ocean
RUSI ngày 15/1/2021: Underwater Drone Incidents Point to China’s Expanding Intelligence Gathering
CNBC ngày 11/1/2021: ‘Missile-like’ object found in Indonesian waters is a Chinese underwater drone, says defense analyst
Jian-cheng Yu et al. (2011) Development and Experiments of the Sea-Wing Underwater Glider.
Wang Yan-hui et al. Design of a new type underwater glider propelled by temperature difference energy
Trung Quốc tăng cường dấu ấn hải quân ở Hải Nam – tỉnh cực nam Trung Quốc
Vào tháng 12, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Trực thăng Cáp Nhĩ Tân (Harbin) Z-9 cất cánh từ một căn cứ ở Tam Á trên cực nam Hải Nam và bắn tên lửa chống hạm vào các mục tiêu mô phỏng, một tín hiệu cho thấy căn cứ hải quân ở Hải Nam đã được cải thiện đáng kể trong năm qua.
Các hình ảnh vệ tinh tại các thời điểm khác nhau trong năm 2020 cho thấy tiến độ xây dựng một ụ tàu mới ở Tam Á, Hải Nam. Nó đủ lớn cho siêu tàu sân bay Type-003 mới của Trung Quốc.
Việc xây dựng bến tàu bắt đầu từ năm 2016 và hiện đã gần hoàn thành. Như với bất kỳ cấu trúc mới nào chỉ được quan sát qua ảnh vệ tinh, mục đích của cấu trúc này khó có thể được xác định chắc chắn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các tác giả tự tin rằng đây thực sự là một ụ khô lớn. Một ụ tàu như vậy ở Hải Nam sẽ tăng cường đáng kể sự hiện diện của hải quân ở đó. Nó cho phép các tàu sân bay đóng quân vĩnh viễn trên đảo.
Cũng trong năm qua, Trung Quốc đã triển khai nhiều máy bay cảnh báo sớm và chống tàu ngầm ở các căn cứ không quân ở Hải Nam.
Các bức ảnh vệ tinh chụp các căn cứ không quân tại Lăng Thuỷ (Lingshui) và Quỳnh Hải (Qionghai) ở bờ biển phía đông nam và phía đông Hải Nam ngày 12/1/2021 cho thấy lần lượt 8 và 6 máy bay lớn trên các sân đỗ tương ứng, mặc dù độ phân giải của các bức ảnh không đủ để xác định các loại máy bay. Lăng Thuỷ hiện là căn cứ cho máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-500 và các nền tảng trinh sát khác của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN).
Một bức ảnh có độ phân giải cao về căn cứ được chụp vào ngày 3/12/2020 cho thấy 5 máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-500 và 3 máy bay khác không xác định được loại nhưng dựa trên loại Y-9, mặc dù không rõ liệu những chiếc sau này là máy bay không vận thông thường hay máy bay thu thập thông tin tình báo chuyên dụng.
Trong khi đó, Quỳnh Hải là căn cứ của một trung đoàn máy bay tuần tra trên biển tầm xa, chống tàu ngầm KQ-200 thuộc Hạm đội Nam Hải của PLAN. Sân bay này xuất phát điểm vốn là một cơ sở dân sự, nhưng giờ đã trở thành căn cứ cho KQ-200.
Ngoài việc triển khai máy bay mới, Trung Quốc đang nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cơ sở của PLAN ở Hải Nam. Một căn cứ không quân ở Tam Á đang được tân trang lại với việc xây dựng một sân đỗ mới, ít nhất 11 nhà chứa máy bay mới và các đường lăn khác đang được cải tạo lại bề mặt trong một dự án xây dựng bắt đầu vào tháng 1/2020.
Tóm lại, sự triển khai các máy bay tới Lăng Thuỷ và Quỳnh Hải sẽ tăng cường năng lực nhận thức vùng biển và vùng trời trên Biển Đông bao gồm các các quần đảo. Đồng thời, việc xây dựng thêm cơ sở hạ tầng sân bay và ụ tàu lớn để hỗ trợ tàu sân bay có thể giúp tàu sân bay đóng và duy trì tại Hải Nam.
Kết hợp lại với nhau, theo Mike Yeo, các bước này sẽ tăng cường đáng kể năng lực của Hạm đội Nam Hải trong khu vực và sẽ giúp củng cố sự chênh lệch quyền lực vốn đã rất lớn của Trung Quốc so với các bên có yêu sách khác khác đối với các quần đảo ở Biển Đông.
Căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam là trung tâm kiểm soát tất cả các hoạt động triển khai ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong bối cảnh việc đóng tàu thường trực trên các đảo nhỏ không phải dễ dàng vì biển động và khoảng cách xa so với đất liền Trung Quốc, theo Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington.
Xem thêm:
Naval News ngày 17/12/2020: Beijing Upgrading Naval Bases To Strengthen Grip On South China Sea
VOA News ngày 15/1/2021: Expansion of Naval Base Seen Giving China More Power in Disputed Asian Sea
Defense News ngày 23/1/2021: China boosting naval footprint at its southern tip, new satellite images suggest
Trung Quốc bồi đất, ngăn xói mòn ở căn cứ đảo Phú Lâm
Theo hình ảnh vệ tinh mới và tài liệu của chính phủ Trung Quốc phân tích bởi Đài Á Châu Tự Do, Trung Quốc đã bồi thêm nhiều đất trên đảo Phú Lâm (thực thể nổi ở triều cao lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa), tiền đồn chính của họ ở phía bắc Biển Đông và đang củng cố bờ biển của hòn đảo để chống xói mòn trước các điều kiện môi trường khắc nghiệt của Biển Đông. Kể từ tháng 6/2020 tới nay, đã có khoảng 30.000 mét vuông đất mới được bồi đắp ở phía đông bắc đảo Phú Lâm, và việc bồi đắp cũng như xây dựng các công trình củng cố bờ biển vẫn đang tiếp tục.
Xem thêm:
RFA ngày 21/1/2021: China Reclaims Land, Fortifies Coast of South China Sea Island Base to Prevent Erosion
Tàu khảo sát Trung Quốc tiến hành khảo sát ngoài khơi Hải Nam
Theo thông báo của Cục hải sự Hải Nam, tàu khảo sát Hải Dương Thạch Du 718 (Hai Yang Shi You 718) sẽ tiến hành khảo sát 3D tại khu vực giới hạn bởi các tọa độ 17-58.49N 108-04.00E, 18-02.64N 108-09.50E, 17-46.06N 108-23.18E, 17-41.53N 108-17.43E trong thời gian 3 tháng từ 20/12/2020 đến 21/3/2021.
Khu vực hoạt động của Hải Dương Thạch Du 718 nằm trong Vịnh Bắc Bộ và nằm về phía Trung Quốc theo đường phân chia Vịnh Bắc Bộ, một phần chưa được phân chia nhưng cũng gần về phía Trung Quốc hơn so với Việt Nam. Theo tín hiệu AIS, ngày 18/1/2021, Hải Dương Thạch Du 718 mới rời đảo Hải Nam di chuyển ra khu vực tác nghiệp và hiện đang hoạt động tại khu vực trên.
Dự án đường hầm vượt biển nối giữa Hải Nam và Bắc Kinh
Theo tờ South China Morning Post ngày 16/1/2021, ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc (NISCSS) đang kêu gọi chính phủ nước này đưa dự án xây dựng một đường hầm đường sắt cao tốc nối đại lục và đảo Hải Nam, dự án được cho là sẽ thúc đẩy nền kinh tế của hòn đảo và phục vụ tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông trở lại chương trình nghị sự.
Theo ông Ngô, Chính phủ Trung Quốc nên đưa dự án này vào kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (công bố hồi đầu tháng 11/2020) hoặc kế hoạch 5 năm lần thứ 15 để hoàn thành dự án trước năm 2033. Đường hầm đường sắt cao tốc có thể rút ngắn thời gian di chuyển giữa đại lục và đảo Hải Nam còn khoảng 10 phút thay vì từ 2 đến 5 giờ di chuyển bằng phà như hiện tại.
Đáng chú ý, ông Ngô cho biết việc xây dựng một tuyến đường giao thông qua lại có thể giúp Bắc Kinh hiện diện mạnh mẽ hơn ở Biển Đông, giúp cung cấp vật liệu và hỗ trợ hậu cần. Tuy nhiên, dự án hiện vẫn còn nhiều tranh cãi vì những khó khăn về xây dựng, chi phí cao và lo ngại về môi trường.
Xem thêm:
Pháp luật TP Hồ Chí Minh ngày 17/1/2021: Biển Đông: Lo ngại quanh hầm vượt biển nối Hải Nam và Bắc Kinh
Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ: các tương tác với Trung Quốc trên biển vẫn “chuyên nghiệp” dù xích mích tồn tại
Bất chấp những cuộc đối thoại gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về, và đôi khi ở Biển Đông, hải quân hai nước vẫn đang tương tác trên cơ sở “chuyên nghiệp và có thể đoán trước,” Chuẩn đô đốc Doug Verissimo – Chỉ huy Nhóm tàu sân bay tấn công số 9 – cho biết. Ông nói điều này khi trao đổi với các phóng viên ngày 19/1/2021 qua điện thoại từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, đang di chuyển tại một vị trí không xác định ở Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Verissimo lưu ý Trung Quốc hiện có “số lượng tàu lớn hơn”.
Xem thêm: US Navy admiral says interactions with Chinese at sea still ‘professional’ despite friction
Trung Quốc khai trương siêu thị đầu tiên ở Đá Chữ Thập
Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc tăng cường phúc lợi cho quân đồn trú với siêu thị đầu tiên trên Đá Chữ Thập, giúp cho cuộc sống của binh lính ở đó thuận lợi hơn và “giống với ở nhà” hơn, trong bối cảnh giao thông khó khăn giữa đất liền và những thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.
Theo báo cáo, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm hoạt động của siêu thị doanh trại Đá Chữ Thập, đơn vị đồn trú của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các siêu thị doanh trại khác trong bước tiếp theo.
Xem thêm:
81.cn ngày 21/1/2021: 好消息!南沙首个军营超市建成使用
Ấn Độ chuẩn bị tập trận quy mô lớn ở cửa ngõ Đông Nam Á
Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 21/1 cho biết nước này sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô lớn có tên Kavach trong tuần tới ngoài khơi quần đảo Andaman và Nicobar, cửa ngõ dẫn vào eo biển Malacca của Đông Nam Á, nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến và tăng cường sức mạnh tổng hợp giữa ba quân chủng.
Tuyên bố nêu rõ: “Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia và triển khai của các đơn vị thuộc lữ đoàn đổ bộ lục quân cùng với các lực lượng hỗ trợ, trong đó có lực lượng đặc nhiệm của hải quân, xe thiết giáp/cơ giới hóa, các tàu hải quân như tàu khu trục, tàu hộ tống tác chiến chống tàu ngầm (ASW) và tàu đổ bộ chở máy bay trực thăng, các máy bay chiến đấu tấn công trên biển và máy bay vận tải của không quân Ấn Độ cùng các đơn vị của lực lượng bảo vệ bờ biển”.
Trong khuôn khổ cuộc tập trận, các lực lượng Ấn Độ sẽ thực hiện các bài tập tấn công và phòng thủ cường độ cao ở biển Andaman và vịnh Bengal. Quần đảo Andaman và Nicobar cách lục địa Ấn Độ hơn 1.200 km về phía Đông Nam.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc đang vướng vào cuộc đối đầu căng thẳng trên biên giới ở khu vực Đông Ladakh, và Hải quân Ấn Độ đang tăng cường giám sát khu vực Ấn Độ Dương nhằm theo dõi các động thái của Trung Quốc mở rộng sự hiện tại vùng biển chiến lược này.
Xem thêm:
Thế giới & Việt Nam ngày 22/1/2021: Ấn Độ chuẩn bị tập trận quy mô lớn ở cửa ngõ Đông Nam Á
Trên 10 chiếc máy bay Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến vào ADIZ Đài Loan phía tây nam
Bộ Quốc phòng Đài Loan đưa tin, ngày 23/1/2021, một chiếc chống ngầm Y-8, tám chiếc máy bay ném bom H-6K và bốn máy bay chiến đấu J-16 đã bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Đài Loan đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không để giám sát hoạt động của máy bay Trung Quốc, đồng thời đưa ra lời cảnh báo qua vô tuyến.
Ngay sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ra thông cáo tuyên bố “Áp lực quân sự của CHND Trung Hoa đối với Đài Loan đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.”
Hoa Kỳ “kêu gọi Bắc Kinh ngừng áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan và thay thế bằng đối thoại có ý nghĩa với các đại diện được bầu cử dân chủ của Đài Loan.”
Bản thông cáo khẳng định Hoa Kỳ sẽ “sát cánh cùng bạn bè và đồng minh thúc đẩy thịnh vượng chung, an ninh và các giá trị của chúng tôi trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – và điều đó bao gồm việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ của chúng tôi với Đài Loan dân chủ. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển, phù hợp với mong muốn và lợi ích tốt nhất của người dân Đài Loan. Hoa Kỳ duy trì các cam kết lâu dài của mình như được nêu trong Bộ ba thông cáo Mỹ–Trung (Three Communiqués: 3 thông cáo 1972, 1979, và 1982 thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và điều chỉnh quan hệ hai bên), Luật quan hệ với Đài Loan của Mỹ (Taiwan Relations Act: quy định quan hệ với Đài Loan là quan trọng tuy không chính thức về mặt ngoại giao), và Sáu cam đoan (Six Assurances: cam kết của các cấp chính quyền Hoa Kỳ từ năm 1982 rằng Mỹ sẽ duy trì những cam kết trước đó với Đài Loan). Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan duy trì năng lực tự vệ đầy đủ. Cam kết của chúng tôi với Đài Loan là vững chắc và đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và trong khu vực.
Cùng ngày 23/1, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Mỹ do USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã tiến vào Biển Đông để thúc đẩy “quyền tự do trên biển”, quân đội Mỹ cho biết hôm Chủ nhật. Hình ảnh vệ tinh mà Sáng kiến Theo dõi Biển Đông của Bắc Kinh có được từ Planet Labs cho thấy nhóm tàu sân bay đã vào Biển Đông thông qua eo biển Bashi vào sáng ngày 23/1.
Một nhà quan sát lâu năm tại tài khoản Twitter @AircraftSpots lưu ý rằng trong khi 8 máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc bay vào vùng trời phía tây nam của Đài Loan, Mỹ đã không có máy bay ném bom chiến lược nào được triển khai ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, dự kiến máy bay ném bom B-52H sẽ được triển khai tới Guam trong những ngày tới.
Ngày 24/1/2021, máy bay quân sự Trung Quốc tiếp tục bay vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Lần này số lượng máy bay tăng lên 15, bao gồm hai chiếc chống ngầm Y-8 ASW, hai chiếc tiêm kích SU-30, bốn chiếc J-16, sáu chiếc J-10, và một máy bay trinh sát chiến thuật Y-8 RECCE.
Xem thêm:
Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 23/1/2021: PLA aircraft entered Taiwan’s southwestern ADIZ
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 23/1/2021: PRC Military Pressure Against Taiwan Threatens Regional Peace and Stability
Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 24/1/2021: PLA aircraft entered Taiwan’s southwestern ADIZ
Reuters ngày 24/1/2021: U.S. carrier group enters South China Sea amid Taiwan tensions
II- MỸ – TRUNG QUỐC
Tân Hoa Xã: Lãnh đạo giới doanh nghiệp Mỹ thúc giục Mỹ – Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn
Ngày 18/1/2021, phiên bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã đăng bài phỏng vấn ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung Quốc (USCBC). Theo bài báo, ông Allen khẳng định, “Sự hợp tác sẽ rất có hiệu quả, đặc biệt về lâu dài”. Ông Allen cũng khẳng định, các công ty Mỹ không rời Trung Quốc giữa đại dịch, cũng như các công ty thành viên của USCBC hoan nghênh việc Trung Quốc đầu tư vào Mỹ.
USCBC là tổ chức đại diện cho hơn 200 công ty Mỹ đang kinh doanh với Trung Quốc, trong đó có những cái tên như Microsoft, PepsiCo hay Exxon Mobil. Trước đó, USCBC công bố một báo cáo nói rằng cuộc chiến thương mại đã làm mất 245.000 việc làm của người Mỹ
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 19/1/2021: Interview: U.S. business leader urges stronger U.S.-China cooperation to tackle climate change, pandemic
Báo cáo “The US-China Economic Relationship” của USCBC
Trung Quốc công bố lệnh trừng phạt cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và các cựu quan chức Mỹ khác. Phản ứng phía Mỹ.
Ngày 20/1/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo cho biết Trung Quốc đã quyết định trừng phạt 28 người Mỹ đã “vì lợi ích chính trị ích kỷ và thành kiến, thù hận với Trung Quốc và không quan tâm đến lợi ích của người Hoa và người Mỹ, đã lên kế hoạch, thúc đẩy và thực hiện một loạt những động thái điên rồ can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, phá hoại lợi ích của Trung Quốc, xúc phạm người dân Trung Quốc, làm gián đoạn nghiêm trọng quan hệ Trung – Mỹ.” Đây là những người phải chịu trách nhiệm chính về các động thái của Mỹ trong những năm qua. Họ bao gồm Michael R. Pompeo, Peter K. Navarro, Robert C. O’Brien, David R. Stilwell, Matthew Pottinger, Alex M. Azzar II, Keith J. Krach, Kelly DK Craft, John R. Bolton và Stephen K. Bannon. Đây là những quan chức dưới chính quyền cựu Tổng thống Trump.
Những cựu quan chức nằm trong danh sách trừng phạt và gia đình của họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Ma Cao, và các công ty và tổ chức liên quan đến 28 cựu quan chức này sẽ bị hạn chế tiến hành kinh doanh với Trung Quốc.
Pottinger, một trong những cựu quan chức bị đưa vào danh sách nói với Financial Times: “Đó là một sự trùng hợp đáng hoan nghênh, bởi tôi đang kế hoạch cho kỳ nghỉ tiếp theo của gia đình ở một đất nước không phạm tội diệt chủng. Đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng tô vẽ đối thủ của mình là chống Trung Quốc, nhưng người dân Trung Quốc biết rõ hơn: Thế giới chỉ chống Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền tân Tổng thống Biden cho biết Trung Quốc đang cố gắng “chơi trò gây chia rẽ đảng phái” nhưng sẽ không thành công. “Chiêu này sẽ không hoạt động. Người Mỹ của cả hai đảng đều phản đối động thái không hiệu quả và thô lỗ này,” người phát ngôn cho biết.
Tuy nhiên hiện vẫn chưa thấy người phát ngôn Bộ Ngoại giao chính quyền mới của Mỹ lên tiếng.
Học giả Trung Quốc: Lệnh trừng phạt là một lời cảnh báo tới các quan chức muốn trở thành Pompeo tiếp theo
Lữ Tường (Lü Xiang), một chuyên gia nghiên cứu về Hoa Kỳ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm thứ Năm rằng ở Hoa Kỳ, có một cánh cửa quay vòng cho các chính trị gia Hoa Kỳ được làm việc trong các công ty khu vực tư nhân, các viện tài chính và các tổ chức tư vấn sau khi họ rời văn phòng chính quyền.
Bởi vậy lệnh trừng phạt của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến “con đường kiếm tiền của các chính trị gia,” Lữ nói. “Ví dụ, giống như Stilwell trong danh sách trừng phạt, chúng tôi đã gặp nhau ở Washington khi ông ấy sắp nghỉ hưu khỏi chức Tham mưu trưởng Liên quân vào năm 2015. Vào thời điểm đó, những vấn đề mà ông ấy quan tâm nhất là về kinh doanh.”
Ông Lữ lưu ý rằng với mối quan hệ kinh tế đan xen sâu sắc giữa hai nước, hầu hết các công ty lớn của Hoa Kỳ, các viện tài chính và các tổ chức tư vấn chắc chắn sẽ cần phải phát triển quan hệ với Trung Quốc, khiến họ không muốn thuê những người bị trừng phạt.
“Lệnh trừng phạt mạnh mẽ này cũng là một lời cảnh báo cho các quan chức muốn trở thành Pompeo tiếp theo”, Lữ nói.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20/1/2021: Foreign Ministry Spokesperson Announces Sanctions on Pompeo and Others
Global Times ngày 21/1/2021: Beijing sanctions Pompeo, other anti-China hawks, sets ‘bottom line’ on bilateral ties
Financial Times ngày 22/1/2021: China imposes sanctions on Trump officials including Mike Pompeo. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Trung Quốc kêu gọi cải thiện quan hệ Trung – Mỹ trong ngày đầu tân Tổng thống Mỹ nhậm chức
Hôm thứ Năm ngày 21/1/2021, Trung Quốc kêu gọi cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ trong lời chúc mừng Tổng thống Joe Biden nhậm chức và hoan nghênh quyết định quay trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của ông.
“Với sự hợp tác từ cả hai bên, những thiên thần tốt đẹp hơn trong quan hệ Trung – Mỹ sẽ đánh bại các thế lực xấu,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, kêu gọi “sự thống nhất” trong quan hệ song phương, sử dụng từ ngữ trong bài phát biểu nhậm chức của Biden.
Xem thêm:
RFA ngày 21/1/2021: China Calls For Better Ties With US as Biden Begins Presidency
III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Đức chủ trì hội thảo trực tuyến về Biển Đông
Ngày 15/1/2021, tại thủ đô Berlin của CHLB Đức, Ủy ban Đối ngoại Hạ nghị viện (Bundestag) Đức đã chủ trì Hội thảo trực tuyến về vấn đề Biển Đông với đại diện các hội đoàn và chuyên gia người Việt tại Đức. Tiến sỹ Daniela De Ridder, Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ nghị viện, kiêm Phó Chủ tịch Ban phòng chống khủng hoảng dân sự, quản lý xung đột và kết nối thương mại Hạ nghị viện Đức chủ trì hội thảo cho biết Quốc hội và Chính phủ Đức rất quan tâm tới tình hình an ninh Biển Đông đồng thời rất muốn lắng nghe những đánh giá, thông tin từ cộng đồng người Việt, đại diện các hội đoàn và các chuyên gia người Việt tại Đức sau đó sẽ thảo luận với các nghị sĩ để đưa vấn đề Biển Đông ra Quốc hội Liên bang Đức.
Xem thêm:
Báo Tin tức ngày 16/1/2021: Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức chủ trì Hội thảo trực tuyến về Biển Đông
Ngoại trưởng Nhật Bản hy vọng Mỹ quay lại TPP dưới thời Tổng thống Biden
Trong một bài phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Motegi Toshimitsu đã bày tỏ hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ quay trở lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức, theo The Japan Times.
“Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng tham gia TPP sẽ có lợi cho Hoa Kỳ,” ông nói.
Ông Motegi cho biết ông sẽ liên lạc chặt chẽ với chính quyền sắp tới trên nhiều lãnh vực, bao gồm cả thương mại. Ông nhấn mạnh Nhật Bản sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác song phương với Mỹ nhằm đạt được một “Ấn Độ Dương tự do và rộng mở”. Thúc giục Trung Quốc hành động theo các quy tắc quốc tế cũng là một việc sẽ tiếp tục rất quan trọng đối với Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Motegi cũng cho biết Nhật Bản đang nỗ lực để đạt được cuộc gặp thượng đỉnh tại Hoa Kỳ giữa Thủ tướng Suga Yoshihide và Biden trong thời gian sớm nhất.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 17/1/2021: Japanese foreign minister says Biden presidency gives U.S. chance to rejoin TPP
Doanh nhân lãnh đạo Hội doanh nghiệp Australia nói rằng giới doanh nghiệp Úc không được để Trung Quốc bắt nạt
Viết trên tờ The Australian hôm thứ Hai ngày 18/1/2021, ông Innes Willox, lãnh đạo Hội doanh nghiệp Australia (Australian Industry Group) và nguyên Tổng lãnh sự Australia tại Los Angeles (Mỹ), đã kêu gọi thúc đẩy đa dạng hoá xuất khẩu và duy trì các giá trị của Úc. Ông viết rằng các nhà ngoại giao và doanh nghiệp phải đoàn kết để “vượt qua những trở ngại mà Trung Quốc đã chọn để cản đường chúng ta.”
Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Úc – Trung Quốc vẫn đang tiếp tục diễn ra, và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Úc đang thúc giục Thủ tướng Úc Scott Morrison sửa chữa mối quan hệ với Bắc Kinh, khiến cho Úc nguội lạnh dần đối với việc thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của SARS-CoV-2, chiến dịch chống can thiệp của nước ngoài, cũng như lên án Trung Quốc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông.
Xem thêm:
The Australian ngày 18/1/2021: Australian Industry Group chief Innes Willox says business cannot let China bully them in 2021. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Nhật Bản trở thành quốc gia mới nhất phản đối các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông
Ngày 19/1/2021, Phái đoàn thường trực Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trở thành quốc gia thứ 11 tham gia vào sự kiện được truyền thông quốc tế gọi là “cuộc chiến công hàm” sau khi Malaysia đệ trình yêu sách ranh giới thềm lục địa mở rộng trên Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS). Công hàm của Nhật Bản đáp trả trực tiếp công hàm số CML/63/2020 ngày 18/9/2020 của Trung Quốc (Bản thân công hàm CML/63/2020 được Trung Quốc gửi lên Liên Hợp Quốc nhằm đáp trả công hàm của Anh, Pháp và Đức gửi ngày 16/9/2020).
Công hàm của Nhật Bản là động thái mới nhất trong chuỗi những đệ trình lên Liên Hợp Quốc từ Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Malaysia, Úc, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ, nhằm chỉ trích lập trường của Trung Quốc.
Tuy nhiên Nhật Bản chỉ tập trung ở hai điểm: đó là bác bỏ các yêu sách đường cơ sở bao xung quanh các quần đảo, và các thực thể chìm ở triều cao (low-tide elevations) không được hưởng lãnh hải riêng, tố cáo những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế quyền tự do hải hành và không hành.
Nhật không nhắc tới khía cạnh khác trong Phán quyết Tòa trọng tài, đó là tình trạng đảo/đá của các thực thể nổi ở triều cao ở Biển Đông. Điều này có lẽ liên quan đến lợi ích của Nhật đối với quần đảo Senkaku.
Xem thêm:
Công hàm của Nhật Bản đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 19/1/2021
RFA ngày 22/1/2021: Japan Becomes Latest Nation to Contest Beijing’s Claims in the South China Sea
Trong những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng, Donald Trump hạn chế nhập khẩu máy bay không người lái
Một trong những sắc lệnh cuối cùng của Tổng thống Trump là chỉ đạo các cơ quan liên bang không mua sắm các hệ thống máy bay không người lái do các quốc gia đối địch bao gồm Trung Quốc, Nga và Iran sản xuất.
Xem thêm:
Defense One ngày 21/1/2021: Trump Restricted Drone Imports In Final White House Days
Ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ
Ngày 19/1/2021, ông Lloyd Austin, một vị tướng về hưu được tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử vào chức Bộ trưởng Quốc phòng, đã có buổi điều trần tại Uỷ ban Quân lực Thượng viện Mỹ. Bài phát biểu của ông cũng như phần trả lời các câu hỏi chất vấn sẽ cho chúng ta hiểu hơn về quan điểm, mối ưu tiên cũng như những hành động dự định của ông.
Trong phiên điều trần, ông Austin cam kết sẽ loại bỏ khỏi quân ngũ những thành phần phân biệt chủng tộc và cực đoan, đồng thời hướng tới mục tiêu tạo ra bầu không khí tích cực trong lực lượng quân đội Mỹ.
Ông khẳng định nhiệm vụ của quân đội Mỹ là “bảo vệ quốc gia trước các kẻ thù” nhưng nhiệm vụ này sẽ khó có thể thực hiện nếu trong nội bộ lực lượng này tồn tại những thành phần thù địch. Những phát biểu của ông Austin được đưa ra khi 12 thành viên của lực lượng Vệ binh Quốc gia vốn được triển khai bảo vệ lễ nhậm chức của ông Biden đã bị loại sau cuộc kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt nhằm loại bỏ những thành viên có khả năng liên quan các nhóm cực đoan. Trước đó có thông tin cho rằng một số binh sĩ quân đội mặc thường phục đã tham gia cuộc biểu tình gây bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ hôm 6/1.
Khi được yêu cầu kể tên mối đe dọa chính mà nước Mỹ đang đối mặt, vị tướng 67 tuổi cho rằng đó là đại dịch COVID-19. Ông Austin cũng nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của ông, Lầu Năm góc sẽ luôn được chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với mọi thách thức. Ông cũng ủng hộ việc rút quân khỏi Afghanistan nhưng Mỹ sẽ vẫn chú trọng tới mục tiêu chống khủng bố tại quốc gia này.
Về Iran, ông Austin cho rằng Iran vẫn là một “nhân tố bất ổn trong khu vực”. Tướng Austin cũng để ngỏ khả năng hợp tác với Nga ở Bắc Cực song bày tỏ quan ngại về vấn đề tăng cường quân sự ở khu vực này. Ông Austin khẳng định việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Nga nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Đối với quan hệ với Trung Quốc, ông Austin cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục giữ vị thế cạnh tranh nhưng khoảng cách giữa hai nước đang dần được thu hẹp.
Ngày 22/1, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn Tướng Austin làm tân Bộ trưởng Quốc phòng của nước này.
Xem thêm:
Toàn văn bài phát biểu của tướng Lloyd Austin
Tân Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ thái độ cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc, không ủng hộ cách làm
Ngày 19/1/2021, tại Phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ, ông Antony Blinken, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chọn làm ngoại trưởng, nói với Quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc đang tìm cách trở thành cường quốc thống trị thế giới và làm xói mòn các lợi ích của Mỹ.
“Tôi nghĩ những gì chúng ta chứng kiến trong những năm gần đây, cụ thể từ lúc Chủ tịch Tập Cận Bình lên lãnh đạo Trung Quốc, chính là sách lược ‘giấu mình chờ thời’ đã biến mất” – ông Antony Blinken nói với các nghị sĩ trong phiên điều trần phê chuẩn ông tại Thượng viện Mỹ.
“Tôi cũng tin rằng Tổng thống Trump đã đúng đắn về mặt nguyên tắc cơ bản khi cứng rắn hơn với Trung Quốc” – ông Antony Blinken nói. Tuy ông “rất không đồng ý với cách làm của ông ấy trong một số lĩnh vực, nhưng nguyên tắc cơ bản là đúng.”
Bình luận của ông Antony Blinken được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chính quyền ông Trump xác định Trung Quốc đã phạm “tội ác chống lại loài người và diệt chủng” liên quan người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.
Trong phiên điều trần trên, ông Antony Blinken cho biết đồng ý với việc gắn mác “diệt chủng”.
Cũng trong phiên điều trần, ông Blinken tuyên bố chính quyền mới sẽ duy trì cam kết giúp Đài Loan đảm bảo năng lực tự vệ. Ông Blinken cũng tán thành việc Ngoại trưởng Pompeo nới lỏng những quy định về việc giao thiệp giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan.
Mặt khác, ông Blinken đã đưa ra quan điểm về chính sách đối ngoại đối với nhiều khu vực khác trên thế giới. Ông tuyên bố chính quyền mới sẽ xem xét lại toàn bộ cách tiếp cận với CHDCND Triều Tiên, tìm kiếm thỏa thuận lâu dài và chặt chẽ hơn với Iran, gia hạn hiệp ước hạt nhân với Nga.
Ông Blinken khẳng định sẽ tiếp tục coi Jerusalem là thủ đô của Israel nhưng cũng sẽ tìm cách công nhận nhà nước Palestine. Ông cho biết sẽ xét lại thỏa thuận với Taliban tại Afghanistan, xét lại việc tuyên bố lực lượng Houthi ở Yemen là khủng bố và chấm dứt hỗ trợ chiến dịch quân sự do Ả-rập Xê-út dẫn đầu tại Yemen. Trong khi đó, ông Blinken nói sẽ tiếp tục công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là Tổng thống Venezuela và kêu gọi bầu cử công bằng, tự do tại nước này.
Xem thêm:
AFP ngày 19/1/2021: Biden nominee Blinken vows firmness on China, Iran
Reuters ngày 20/1/2021: U.S. secretary of state nominee Blinken sees strong foundation for bipartisan China policy
Báo Tuổi Trẻ ngày 20/1/2021: Ngoại trưởng tương lai thời Biden: ‘Ông Trump cứng rắn với Trung Quốc là đúng’
Báo Thanh Niên ngày 20/1/2021: Ngoại trưởng Mỹ tương lai ưng việc Tổng thống Trump cứng rắn với Trung Quốc
Chính quyền Joe Biden kiện toàn danh sách nhân sự phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh quốc gia
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố danh sách nhân sự chủ chốt phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cụ thể như sau:
Kurt Campbell – Điều phối khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Laura Rosenberger – Cố vấn cấp cao về Trung Quốc
Rush Doshi – Cố vấn cấp cao về Trung Quốc
Shanthi Kalathil – Điều phối về dân chủ và nhân quyền
Tarun Chhabra – Cố vấn cấp cao về công nghệ và an ninh quốc gia
Quan chức ngoại giao Đài Loan lần đầu tiên được chính thức mời tham dự lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Hôm thứ Tư ngày 20/1/2021, Đại diện Đài Loan tại Washington, Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), đã tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Biden theo lời mời chính thức từ uỷ ban phụ trách lễ nhậm chức (chức vụ chính thức của bà Tiêu là lãnh đạo Phòng đại diện văn hoá kinh tế Đài Bắc tại Hoa Kỳ, có nhiệm vụ tương đương đại sứ trên thực tế). Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết đây là lần đầu tiên kể từ năm 1979 (khi Hoa Kỳ và Trung Hoa dân quốc chính thức chấm dứt quan hệ ngoại giao), Đài Loan nhận được lời mời chính thức tham dự sự kiện, và điều này đã cho thấy tình hữu nghị thân thiết giữa Đài Loan và Hoa Kỳ dựa trên những giá trị chung. “Những giá trị chung đó là dân chủ, tự do và quyền con người,” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An (tên tiếng Anh: Joanne Ou) nói.
Emily Horne, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho biết cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan là “vững chắc”, trong bối cảnh quan ngại gia tăng ở Đài Loan về việc liệu chính quyền Biden có tiếp tục ủng hộ Đài Loan như dưới thời Tổng thống Trump.
“Tổng thống Biden sẽ sát cánh cùng bạn bè và đồng minh để thúc đẩy sự thịnh vượng chung, an ninh và các giá trị của chúng ta ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – bao gồm cả Đài Loan”.
Xem thêm:
Reuters ngày 21/1/2021: Taiwan-Biden ties off to strong start with invite for top diplomat
Nghị viện Liên minh châu Âu lên án Thỏa thuận đầu tư EU – Trung Quốc vì Trung Quốc đàn áp Hồng Kông
EU đã mất uy tín về nhân quyền khi ký kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, một nghị quyết tại Nghị viện châu Âu cảnh báo hôm thứ Năm.
Cuộc họp của của Nghị viện qua liên kết video ở Brussels đã thông qua một cách áp đảo nghị quyết lên án rộng rãi cuộc đàn áp các nhà hoạt động Hồng Kông của chính quyền trung ương ở Trung Quốc. Nghị quyết cũng kêu gọi “các biện pháp trừng phạt có mục tiêu” đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông chịu trách nhiệm về hành động của cảnh sát.
Ý kiến của các nhà lập pháp EU là quan trọng vì thỏa thuận EU – Trung Quốc do Đức hậu thuẫn sẽ cần phải có được sự phê chuẩn của họ mới có thể có hiệu lực.
Xem thêm:
AFP/South China Morning Post ngày 22/1/2021: EU Parliament condemns China deal over Hong Kong crackdown
Nghị viện Liên minh châu Âu thông qua các nghị quyết chứa các điều khoản ủng hộ Đài Loan
Nghị viện châu Âu ngày 20/1/2021 đã thông qua nghị quyết về thực hiện Chính sách An ninh và Quốc phòng chung và nghị quyết về thực hiện Chính sách An ninh và Đối ngoại chung, có nội dung ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan, và lần đầu tiên khuyến khích các thành viên Liên minh châu Âu “xem xét lại các chính sách tương tác với Đài Loan” và hợp tác với các đối tác quốc tế cùng chí hướng để “bảo vệ nền dân chủ Đài Loan khỏi các mối đe dọa từ nước ngoài,” theo Bộ Ngoại giao Đài Loan.
Hai nghị quyết cũng nhắc lại lập trường của EU rằng EU đang theo dõi chặt chẽ tình hình xuyên eo biển Đài Loan, đồng thời bày tỏ quan ngại về “các hoạt động quân sự ngày càng khiêu khích nhắm vào Đài Loan,” đồng thời kêu gọi hai bên giải quyết khác biệt thông qua các biện pháp hoà bình. Các nghị quyết cũng kêu gọi các thành viên EU ủng hộ “sự tham gia có ý nghĩa và thiết thực của Đài Loan với tư cách là quan sát viên trong các cuộc họp, cơ chế và hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới,” để cùng đấu tranh chống lại đại dịch COVID-19.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ cảm ơn Nghị viện châu Âu đã thông qua hai nghị quyết trên và nói rằng với tư cách là một thành viên quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đài Loan sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các đối tác cùng chí hướng, bao gồm cả EU, nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Xem thêm:
Focus Taiwan ngày 21/1/2021: EU passes resolutions containing pro-Taiwan clauses
Nhật Bản tiếp tục phản đối Bắc Kinh về các cuộc xâm nhập gần quần đảo Senkaku
Các nhà ngoại giao Nhật Bản đã tiếp tục đưa ra phản đối với những người đồng cấp Trung Quốc hôm thứ Tư về việc Bắc Kinh liên tục xâm nhập vào vùng biển xung quanh các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông trong một hội nghị trực tuyến giữa các nhà ngoại giao cấp cao hai nước, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói với Stars and Stripes qua điện thoại hôm thứ Năm.
Takehiro Funakoshi, Cục trưởng Cục Châu Á và Đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, và Hồng Lượng (Hong Liang), Cục trưởng Cục Biên giới và Đại dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tham gia hội nghị, người phát ngôn cho biết.
Người phát ngôn cho biết, Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc ngừng xâm nhập vào vùng biển của Nhật Bản và ngừng quấy rối các tàu đánh cá của Nhật Bản trong khu vực.
Xem thêm:
Stars and Stripes ngày 21/1/2021: Tokyo again protests to Beijing about incursions near Senkaku Islands in East China Sea
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ tái khẳng định cam kết của Mỹ về quần đảo Senkaku
Trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút đánh dấu cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hôm thứ Tư, Jake Sullivan và người đồng cấp Nhật Bản Kitamura Shigeru đã tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ – Nhật.
Ông Sullivan cũng xác nhận Hiệp ước quốc phòng của Washington với Tokyo áp dụng cho quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, theo tài liệu của chính phủ Nhật Bản. Cuộc điện đàm do Tokyo yêu cầu.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 22/1/2021: Team Biden assures Japan that Senkakus fall under security treaty. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Trong những cuộc điện đàm đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ điện đàm với Tổng thư ký NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc
Cuộc gọi đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong ngày đầu ở văn phòng đã được dành cho Tổng thư ký NATO, nhằm “nhắc lại cam kết kiên định của Hoa Kỳ đối với Liên minh NATO.”
Ông Austin cũng đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhằm “tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đặc biệt” giữa hai nước.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Nhật Bản Kishi Nobuo, ông Austin đã tái khẳng định cam kết của Mỹ với Tokyo trong việc bảo vệ quần đảo Senkaku mà Trung Quốc đang tranh chấp, Lầu Năm Góc cho biết.
Austin đã xác nhận Điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật quy định các nghĩa vụ quốc phòng của Mỹ đối với Nhật Bản bao gồm cả quần đảo Senkaku.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, ông Kishi nói rằng điều đó nghĩa là Washington sẽ bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công vũ trang nhằm vào quần đảo Senkaku.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông.
Sự đảm bảo của Austin được đưa ra sau khi Thủ tướng Suga Yoshihide nhận được bình luận tương tự từ Tổng thống đắc cử Biden vào tháng 11/2020 sau khi ông đánh bại Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
Trong cuộc hội đàm, Kishi và Austin nhất trí về vai trò then chốt của liên minh song phương trong khu vực và sự cần thiết phải hợp tác với các đối tác khác nhau, bao gồm cả bên ngoài khu vực, để duy trì và củng cố một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Austin thúc giục Nhật Bản đóng góp nhiều hơn vào việc cung cấp an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cùng ngày, ông Austin có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook để “tái khẳng định Liên minh Hoa Kỳ-Hàn Quốc vững chắc và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác chặt chẽ giữa hai nước.” Hai bên lưu ý sự cần thiết phải duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng liên minh, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và nhất trí tăng cường hợp tác về các mối đe dọa chung, theo thông cáo Bộ Quốc phòng Mỹ.
Xem thêm:
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 22/1/2021: Readout of Secretary of Defense Lloyd Austin’s Call with NATO Secretary General Jens Stoltenberg
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 23/1/2021: Readout of Secretary of Defense Lloyd Austin’s Call With U.K. Secretary of State for Defense Ben Wallace
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 23/1/2021: Readout of Secretary of Defense Lloyd Austin’s Call With Japanese Defense Minister Nobuo Kishi
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 23/1/2021: Readout of Secretary of Defense Lloyd Austin’s Call With Republic of Korea Minister of National Defense Suh Wook
Reuters ngày 24/1/2021: U.S. reaffirms commitment to Japan to defending islands disputed with China
Kyodo News ngày 24/1/2021: Japan, U.S. defense chiefs affirm Senkakus fall under security pact
IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Vương Nghị: Đối mặt với khó khăn, gánh vác trách nhiệm với đất nước, nỗ lực dấn thân vào hành trình mới của ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc
Trong bài viết mới nhất trên trang điện tử của tạp chí Cầu Thị (Qiushi: tập san lý luận của Trường đảng trung ương thuộc Đảng cộng sản Trung Quốc), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ca ngợi sự nghiệp phát triển của Đảng và đất nước Trung Quốc đã vượt qua khó khăn, mở ra những bước ngoặt mới. Mặt trận ngoại giao dưới sự chỉ đạo của tư tưởng Tập Cận Bình đã lấy ngoại giao chống dịch là chính, thực hành khái niệm cộng đồng vì tương lai chung cho nhân loại. Ông Vương Nghị cũng ca ngợi những thành tựu mà ngoại giao Trung Quốc đã đạt được như “tình bạn không thể phá vỡ” với Nga, Hiệp định đầu tư Trung Quốc – EU, và cuộc đấu tranh với những “hành động sai trái” của Hoa Kỳ.
Hướng về tương lai, ông Vương Nghị viết: Đấu tranh ngoại giao diễn ra kiên quyết và mạnh mẽ, và chúng ta đứng ở tuyến đầu bảo vệ quyền và lợi ích. Chúng ta ghi nhớ chắc chắn “các vấn đề chính.” Chúng ta phản đối rõ ràng những hành động sai trái của Hoa Kỳ đã chính trị hoá dịch bệnh và dán nhãn virus, và không cho phép bất kỳ “virus chính trị” nào tràn lan trên thế giới. Chúng ta sẽ kiên quyết chống lại thông tin xuyên tạc, bôi nhọ hệ thống và con đường của Trung Quốc, đồng thời kiên quyết bảo vệ an ninh của Đảng, chế độ và hệ thống của Nhà nước. Chúng ta sẽ mạnh mẽ ngăn chặn các nỗ lực can thiệp vào nội bộ Trung Quốc bằng cách sử dụng Đài Loan, các vấn đề liên quan tới Hồng Kông, biên giới và Tây Tạng, đồng thời bảo vệ độc lập chủ quyền và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế. Xử lý vững chắc và đúng đắn các tranh chấp biên giới lãnh thổ, quyền và lợi ích trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Phản bác lại các loại thông tin sai sự thật, đồng thời thể hiện câu chuyện một cách khách quan và chân thực. Kiên quyết ngăn chặn hành vi lợi dụng an ninh quốc gia cho những hành vi trừng phạt đơn phương, bảo vệ phẩm giá quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và công dân.
Xem thêm:
QS Theory ngày 16/1/2021: 迎难而上 为国担当 奋力开启中国特色大国外交新征程 – 求是网
Viên Bằng: Hoa Kỳ đang bị bệnh, Trung Quốc đã ổn định, và thế giới đã thay đổi
Đó là quan điểm của Viên Bằng (Yuan Peng), người đứng đầu Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc và đã tham gia Phiên nghiên cứu tháng 12 của Bộ Chính trị về An ninh quốc gia, trong một bài phỏng vấn do Tân Kinh Báo (Beijing News) thực hiện.
Ông Viên cho rằng xu hướng “phương Đông trỗi dậy và phương Tây suy tàn” là không thể đảo ngược, và Trung Quốc cần đóng vai trò dẫn đầu.
Xem thêm:
China News ngày 18/1/2021: 中国现代国际关系研究院院长袁鹏:美国病了 中国稳了 世界变了
Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh, tăng quyền lực cho hải cảnh trong các vùng biển “thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”
Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh vào ngày 22/1/2021 cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) nước này dùng vũ khí nhắm vào tàu nước ngoài.
Báo Tuổi Trẻ cho biết theo các chi tiết về luật được đăng lại trên trang web chính phủ Trung Quốc, Luật hải cảnh gồm 11 chương, với tổng cộng 84 điều. Điều 84 ghi: “Luật này được thi hành từ ngày 1/2/2021”.
Trong chương 1 về “quy tắc chung”, điều 3 ghi: “Luật này có thể áp dụng với việc hải cảnh triển khai hoạt động chấp pháp, bảo vệ quyền trên biển trong vùng biển thuộc quản lý của nước CHND Trung Hoa.” Tại chương 3 về “bảo vệ an ninh trên biển”, điều 22 ghi: “Khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc bị các cá nhân và tổ chức nước ngoài xâm phạm phi pháp hoặc đối diện mối nguy cấp bách bị xâm phạm phi pháp, theo luật này và các luật liên quan khác, hải cảnh có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí, để chặn đứng hành vi xâm phạm và loại trừ mối nguy.”
Luật này nhiều lần nhắc tới việc sử dụng vũ khí, với từ “vũ khí” được nhắc 15 lần. Chương nhắc nhiều nhất tới từ “vũ khí” là chương 6, (gồm điều 46, 47, 48, 49, 50, 51) có nội dung về “Sử dụng vũ khí và cảnh giới”, nêu ra những trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí.
Điều 46 ghi: “Với một trong những tình huống dưới đây, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí hoặc các thiết bị, công cụ tại hiện trường: Thứ nhất, cần ép buộc tàu bè dừng di chuyển khi truy đuổi, ngăn lại, kiểm tra, lên tàu theo luật. Thứ hai, cưỡng chế xua đuổi, cưỡng chế lai dắt tàu bè theo luật. Thứ ba, trong quá trình thi hành nhiệm vụ theo luật, gặp phải trở ngại, điều gây phương hại. Thứ tư, trong tình huống khác cần phải dừng hành vi phạm tội, phạm pháp ngay tại chỗ.”
Theo điều 47, một trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng “vũ khí cầm tay” nếu cảnh cáo đã đưa ra vô hiệu là khi tàu bè nước ngoài xâm nhập vào “vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc” và tham gia phi pháp hoạt động sản xuất, từ chối tuân theo lệnh dừng tàu và những hoạt động mà theo họ là phi pháp.
Điều 48 thuộc chương 6 ghi: “Trong các tình huống sau, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng các vũ khí trên tàu hoặc trên máy bay bên cạnh vũ khí cầm tay: Thứ nhất, thi hành nhiệm vụ chống khủng bố trên biển. Thứ hai, xử lý sự việc bạo lực nghiêm trọng trên biển. Thứ ba, tàu và máy bay chấp pháp bị tấn công bằng vũ khí hoặc phương thức nguy hiểm khác.”
Còn điều 49 ghi: “Khi nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí theo luật, họ có thể sử dụng trực tiếp vũ khí nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn.”
Theo luật mới, lực lượng hải cảnh có thể phá dỡ các công trình do các nước khác xây dựng hoặc lắp đặt trong vùng biển do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và lên tàu kiểm tra các tàu nước ngoài trong khu vực.
Theo Tân Hoa xã, ông Lật Chiến Thư, ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (chủ tịch Quốc hội), nói rằng Luật hải cảnh giúp bảo vệ hiệu quả cái gọi là “các quyền lợi trên biển, an ninh và chủ quyền quốc gia”.
Ngày 22/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng việc thông qua luật hải cảnh là “hoạt động lập pháp bình thường” của nước này và Trung Quốc “sẽ vẫn cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển”.
Bình luận
Việc cho phép lực lượng thực thi pháp luật sử dụng vũ khí là một thực tế phổ biến trên thế giới. Trên thực tế, Việt Nam cũng thông qua luật tương tự năm 2018. Vấn đề ở đây đối với Luật hải cảnh Trung Quốc là phạm vi được áp dụng cho những vùng biển mà Trung Quốc đang yêu sách ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Theo Collin Koh, ngôn ngữ không rõ ràng trong Luật cho phép các cách diễn giải khác nhau mang lại nhiều không gian tự do hơn cho nhân viên hải cảnh điều chỉnh hành vi tùy tình huống. Mặc dù vậy, sự không rõ ràng này cũng mở ra nguy cơ bị các chỉ huy và người vận hành tại thực địa lạm dụng. Sự thiếu rõ ràng về “vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia” có nghĩa là hải cảnh có thể áp dụng vũ lực không chỉ trong những tình huống mà họ cảm thấy phù hợp dựa trên phác thảo chung của luật, và còn trong phạm vi vùng biển Bắc Kinh tuyên bố sở hữu, bao gồm cả các ngư trường truyền thống đang tranh chấp với những quốc gia khác.
Điều này có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và khiến tình huống leo thang thành xung đột.
Theo báo Nikkei Asia, động thái trên của Trung Quốc đặc biệt “gây báo động” với Nhật Bản khi nước này phải đối phó với số vụ xâm nhập ngày càng thường xuyên của tàu Trung Quốc tại vùng nước quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hơn 1.000 tàu Trung Quốc đã đi vào các vùng nước quanh quần đảo này năm ngoái.
Dữ liệu từ Dự án Sức mạnh Trung Quốc, một chương trình của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho thấy tàu hải cảnh và các tàu chấp pháp hàng hải khác của Trung Quốc có liên quan đến phần lớn các sự cố lớn ở Biển Đông.
Một cuộc điều tra trước đây của Đài Châu Á Tự do cho thấy các tàu hải cảnh phối hợp với lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc để duy trì sự hiện diện liên tục ở các khu vực tranh chấp.
Theo Collin Koh, Luật Hải cảnh ra đời sau khi Hải cảnh Trung Quốc đã nhiều năm phàn nàn về việc gặp khó khăn trên biển như thế nào không chỉ do pháp luật không hướng dẫn cách thức sử dụng vũ lực mà còn cả do các nước Đông Nam Á đã sử dụng hải quân, thay vì lực lượng thực thi pháp luật, để khẳng định chủ quyền và bảo vệ nghề cá. Điều này đặt ra nhu cầu thay đổi luật pháp để họ có thể linh hoạt hơn trong việc ứng phó với các tình huống xảy ra trên biển, hoặc cho phép Hải quân có thể hỗ trợ họ nếu họ gặp hải quân nước ngoài.
Trong những năm gần đây đã có sự thay đổi dần dần để giải quyết những vấn đề này. Ví dụ vào tháng 5/2018, Hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện cuộc tuần tra chung đầu tiên với Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và các đơn vị chính quyền địa phương quanh quần đảo Hoàng Sa. Cách thức hoạt động được tiến hành như sau: trong cuộc tuần tra chung, nếu gặp tàu thực thi pháp luật nước ngoài, Hải cảnh sẽ ứng phó. Nếu gặp tàu hải quân nước ngoài, Hải quân sẽ ứng phó. Nếu gặp ngư dân địa phương vi phạm, chính quyền địa phương sẽ vào cuộc. Đây là cách cuộc tuần tra chung được phân cấp.
Với Luật Hải cảnh mới được ban hành, Hải cảnh Trung Quốc không chỉ được hưởng sự linh hoạt hơn về các phương tiện mà họ có thể thực hiện nhiệm vụ của mình, bao gồm khẳng định chủ quyền và bảo vệ nghề cá ở Biển Đông, mà còn có thể nhận được hỗ trợ liên tục từ Hải quân Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là các đối thủ của Bắc Kinh ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải cũng cần phải tăng cường lực lượng hải cảnh và/hoặc hải quân, cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan, ban hành các quy định thực thi pháp luật và quy tắc giao kết mạnh.
Trong tài liệu chiến lược biển mới được công bố vào tháng trước, Mỹ cho biết họ sẽ tích hợp lực lượng cảnh sát biển vào lực lượng hải quân để chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Xem thêm:
Báo Tuổi Trẻ ngày 23/1/2021: Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho bắn tàu nước ngoài, cụ thể là gì, dư luận nói sao?
South China Morning Post ngày 23/1/2021: China gives coastguards power to fire on foreign ships in disputed waters
Benar News ngày 22/1/2021: China Passes Law Allowing Coastguard to Use Force against Foreign Vessels
V- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Lâm Thành Vinh: Luật Quốc phòng mới của Trung Quốc đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược từ tích cực phòng thủ sang chủ động ra tay trước
Học giả Đài Loan Lâm Thành Vinh (Lin Cheng-jung) đến từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (INDSR), một tổ chức nghiên cứu chính sách (think tank) được chính quyền Đài Loan tài trợ, cho rằng qua việc sửa đổi Luật Quốc phòng, Trung Quốc đã xây dựng nền móng để đưa việc phát động chiến tranh trở thành hành động hợp pháp và chính đáng.
Ông Lâm cũng đưa ra so sánh chi tiết giữa những điều khoản khác nhau giữa Luật Quốc phòng cũ và mới. Ông cho rằng những thay đổi này phản ánh sự chuyển hướng trong chiến lược quốc phòng của Trung Quốc từ “phòng thủ tích cực” sang “chủ động ra tay trước”, đặc biệt ở các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia hay lợi ích phát triển.
Xem thêm:
Toàn văn báo nghiên cứu: 中共最新《國防法》彰顯戰略從積極防禦趨向先制主動
ANI ngày 18/1/2021: New amendments to National Defence Law push China close to war: Scholar
VI- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/SÁCH
Ivan Krasteve & Mark Leonard (2021) The crisis of American Power- How Europeans see Biden’s America
Trong một nghiên cứu được Trung tâm Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) công bố, hai tác giả Ivan Krastev và Mark Leonard lập luận rằng hầu hết quốc gia châu Âu vui mừng với chiến thắng của ông Joe Biden, nhưng châu Âu cũng không nghĩ rằng ông có thể giúp nước Mỹ quay trở lại vị trí cường quốc áp đảo toàn cầu. Thái độ của châu Âu đối với Mỹ đã thay đổi, đa số thành viên chủ chốt của EU cho rằng hệ thống chính trị của Mỹ đã bị suy yếu, và châu Âu không thể chỉ dựa vào Mỹ để bảo vệ bản thân. Nhiều nước châu Âu cho rằng hệ thống chính trị của EU/bản thân nước họ tích cực hơn của Mỹ và coi Berlin là đối tác quan trọng nhất, thay vì Washington. Sự suy yếu của Mỹ để lại hậu quả về mặt địa chính trị: đa số tin rằng sức mạnh của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong vòng một thập kỷ, do đó muốn nước mình giữ vị trí trung lập trong cuộc xung đột giữa hai cường quốc. Các tác giả cũng cho rằng mặc dù Chủ nghĩa Đại Tây Dương (Atlanticism) vẫn còn cơ hội phục hồi, Washington không thể xem nhẹ việc liên kết với châu Âu để đối phó với Trung Quốc khi nhân tố dư luận châu Âu có vai trò lớn hơn trước.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
———-
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Mọi khoản tài trợ xin gửi về: Tài khoản Paypal: sukybiendong@gmail.com. Hay chuyển khoản: Hoàng Việt. Số tài khoản: 207503269. Ngân hàng ACB (Asia Commercial Bank). Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.
[…] dự kiến hạ thủy vào tháng 7 (như đã đề cập ở trên). Theo nhận định của nhóm tác giả dự án Đại ký sự biển Đông, ụ tàu này sẽ cho phép các tàu sân bay đóng quân vĩnh […]
LikeLike