(Tuần từ 11/01 – 17/01/2021)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Trần Phạm Bình Minh
Biên tập: Nguyễn Trịnh Đôn
Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News, Nhóm The Open Source Briefing


Tải bản PDF ở
Sau hơn một tháng nghỉ lễ mùa đông, Bản Tin Biển Đông quay trở lại với những nội dung sau:
I- TRÊN THỰC ĐỊA
II- TRUNG QUỐC – ASEAN
III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
IV- MỸ – TRUNG QUỐC
V- LIÊN MINH CHÂU ÂU – TRUNG QUỐC
VI- CHUYỂN ĐỘNG BỘ TỨ AN NINH
VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
VIII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/SÁCH
I- TRÊN THỰC ĐỊA
Hoạt động của Hải quân Mỹ ở Biển Đông
Chuyển động Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tuần trước được đánh dấu bởi một loạt hoạt động hải quân quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực Hạm đội 7 chịu trách nhiệm. Được đưa ra biển từ cuối tuần trước, USS America (LHA-6) và USS Ashland (LSD-48) đã cùng hoạt động ngoài khơi Okinawa vào ngày 11/1/2021. Cùng ngày, USNS Able (T-AGOS-20), một tàu giám sát đại dương lớp Victorious, đã đi qua Philippines vào Biển Đông trên hải trình đến gần Quần đảo Trường Sa. Có dấu hiệu cho thấy USNS Victorious (T-AGOS-19) cũng đã hoạt động ở vùng lân cận quần đảo Trường Sa kể từ ngày 4/1/2021 sau khi rời Okinawa vào ngày 31/12/2020.
Ngày 14/1/2021, USS Shiloh (CG-67) đã vào cảng ở Yokosuka, và vào ngày 15/1, USS America và USS Ashland đã ghé cảng tại Căn cứ Hải quân White Beach ở Okinawa. Trên biển, sức mạnh hải quân Hoa Kỳ được tăng cường trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 với sự hiện diện của Nhóm tàu sân bay tấn công Theodore Roosevelt (CSG-9). Mặc dù Hải quân Hoa Kỳ thường không nói gì về việc triển khai tàu ngầm, nhưng theo một số chuyên gia quân sự xác nhận với chúng tôi, có một điều gần như chắc chắn là sẽ luôn có ít nhất một tàu ngầm tấn công hạt nhân đi cùng hộ tống tàu sân bay.
Ngày 15/1/2021, Nhóm tấn công tàu sân bay Theodore Roosevelt đã tham gia cuộc tập trận song phương trên biển với Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF). Các tàu JMSDF có mặt là JS Kongo (DDG-173) và JS Asahi (DD-119). Theo Chuẩn Đô đốc Dough Verissimo, Tư lệnh CSG 9, cuộc tập trận nhằm “nâng cao trình độ và khả năng tương tác của chúng tôi”. Hơn nữa, Chuẩn Đô đốc Verissimo chỉ ra rằng “các lực lượng tham gia đã thực hiện nhiều năng lực, từ các hoạt động an ninh hàng hải đến các cuộc tập trận phòng không phức tạp hơn, điều này thể hiện sự linh hoạt vốn có của hai lực lượng tổng hợp.”
Ngoài ra, các chuyến bay giám sát hàng hải và tình báo tín hiệu trên Biển Đông tiếp tục được thực hiện bởi các máy bay P-8A Poseidon, MQ-4C Triton, RC-135W Rivet Joint và EP-3E ARIES II. Các chuyến bay này thể hiện sự tiếp tục mô hình hoạt động của Hải quân và Không quân Hoa Kỳ trong những tháng gần đây.
Một sự kiện đáng chú ý khác là cuộc tập trận đa phương chống tàu ngầm, Sea Dragon 2021, ở Guam ngày 11/1/2021. Dù không ràng buộc chặt chẽ với Biển Đông, Sea Dragon 2021 bao gồm cả 4 thành viên trong Bộ Tứ an ninh là Không quân Hoàng gia Úc, Hải quân Ấn Độ, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, và Hải quân Hoa Kỳ, cùng với sự góp mặt của Không quân Hoàng gia Canada. Cuộc tập trận bao gồm 125 giờ huấn luyện trên không trong một cuộc tập trận tìm và theo dõi USS Chicago (SSN 721), một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles của Hải quân Hoa Kỳ.
Hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ được tổng hợp bởi nhóm The Open Source Briefing dựa trên các dữ liệu định vị hàng hải và trên không, cùng một số nguồn tin chính thức từ Hải quân Hoa Kỳ.
Xem thêm:
U.S. 7th Fleet ngày 11/1/2021: Sea Dragon 2021 Kicks Off Between US and Partner Nations
U.S. Pacific Fleet ngày 15/1/2021: Theodore Roosevelt Carrier Strike Group conducts bilateral exercise with JMSDF
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tập trận ở Biển Hoa Đông
Truyền thông Đài Loan dẫn nguồn tin từ một quan chức quân sự cấp cao Đài Loan cho biết vào cuối tuần trước, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Biển Hoa Đông và ngoài khơi bờ biển Phúc Kiến từ ngày 8-11/1/2021. Các hoạt động ở Biển Hoa Đông bao gồm các cuộc tập trận như gây nhiễu radar, theo dõi và diễn tập bắn đạn thật, với sự hiện diện của Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D “Thái Nguyên”, Khu trục hạm nhỏ 529 “Châu Sơn”, và hai tàu chiến hạng hiện đại do Nga sản xuất là tàu “Hàng Châu” và “Thái Châu”, tất cả đều hội tụ ở cùng khu vực.
Ngoài khơi Phúc Kiến, lữ đoàn 73 đã điều động trực thăng tấn công để diễn tập ném bom và nhắm mục tiêu.
Xem thêm:
Taiwan News ngày 12/1/2021: PLA conducts naval, aerial exercises
South China Morning Post ngày 12/1/2021: China’s navy conducts live-fire military drills in the East China Sea
Máy bay trinh sát không người lái có vũ trang, tốc độ cao của Trung Quốc hoàn thành chuyến bay đầu tiên
Chuyến bay đầu tiên của chiếc máy bay trinh sát không người lái WJ-700 mới của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào ngày 11/1/2021 đã xác nhận các thông số kỹ thuật của nó là trọng lượng 3,5 tấn, thời gian bay 20 giờ, đạt độ cao 39.000 feet và tốc độ tối đa 435mph. Tờ South China Morning Post cho biết máy bay này sẽ được sử dụng trong nước, nhưng không chắc chắn về việc nó được sử dụng ở Biển Đông hoặc Đài Loan.
Xem thêm:
South China Morning Post 13/1/2021: China’s high-speed, armed reconnaissance drone completes maiden flight
CNOOC triển khai giàn khai thác khổng lồ ở Biển Đông
Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã triển khai giàn khai thác nước sâu nửa chìm nửa nổi đầu tiên trên thế giới với các cơ sở lưu trữ chất lỏng, có sức chứa 30.000 mét khối. Đó là giàn Thâm Hải 1 (“Shen Hai Yi Hao” hay “Deepwater 1”), do Công ty Kỹ thuật Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc (COOEC) chế tạo, đang được kéo đến Biển Đông để phát triển mỏ khí đốt Lăng Thuỷ 17-2 (Lingshui 17-2).
Xem thêm:
Upstream ngày 14/1/2021: Video: CNOOC delivers giant South China Sea floater as first gas nears
II- TRUNG QUỐC – ASEAN
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị thăm các nước Đông Nam Á, trừ Việt Nam
Ngày 11/1/2021, Uỷ viên quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu chuyến công du nước ngoài thứ hai trong năm mới 2021. Trong lịch trình lần này, ông Vương Nghị sẽ tới thăm các nước Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines.
Chuyến đi của ông Vương diễn ra ba tháng sau chuyến thăm Campuchia, Malaysia, Lào và Thái Lan và dừng chân tại Singapore. Vào tháng 9/2020, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phương Hoà đã có chuyến thăm tới 4 nước thành viên ASEAN Malaysia, Indonesia, Brunei and the Philippines. Vào tháng 8/2020, Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đến thăm Singapore.
Như vậy các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã tích cực công du tới hầu hết các nước Đông Nam Á, trừ Việt Nam.
Bình luận
Bình luận về chuyến thăm mới nhất của Vương Nghị, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) của Trung Quốc nói rằng chuyến thăm truyền đi một tín hiệu đến các quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn như Malaysia và Việt Nam, rằng “họ nên ngừng khiêu vũ với Mỹ và khuấy động những rắc rối, nếu không cuối cùng họ sẽ tự tổn thương mình.”
Chuyến đi được mong đợi sẽ tăng cường hợp tác với 4 nước Đông Nam Á về chống COVID-19 và tái khởi động các dự án quan trọng dọc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, theo Global Times.
Trên trang The Diplomat, học giả Bành Niệm (Peng Nian) đến từ Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc nhận định rằng hợp tác vắc-xin COVID-19, thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường, và vấn đề Biển Đông là những mục đích chính trong nghị trình của ông Vương.
Cho đến nay, Myanmar, Philippines và Indonesia là ba quốc gia Đông Nam Á có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất. Vắc-xin là chìa khóa để họ ngăn chặn virus lây lan trong những tháng tới. Indonesia đã nhận được 3 triệu liều vắc-xin từ Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc. Myanmar và Philippines đã đàm phán để mua vắc-xin của Trung Quốc. Trong chặng dừng đầu tiên của chuyến công du kéo dài 5 ngày, Vương Nghị đã hứa với Myanmar 300.000 liều vắc-xin Trung Quốc. Dự kiến, Trung Quốc cũng sẽ đưa ra thông báo tương tự trong chuyến thăm Philippines từ ngày 15-16/1.
Tuy nhiên, bên cạnh vắc-xin, Bành Niệm cho rằng phục hồi kinh tế sau đại dịch đang được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của cả chính phủ Trung Quốc và Đông Nam Á. Và vì hầu hết các nước Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào ngoại thương và đầu tư, nên việc xây dựng quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc sẽ là lựa chọn tốt nhất để họ đưa nền kinh tế đứng vững trở lại.
Bành Niệm đưa ra một số ví dụ như chính phủ Myanmar đã đưa ra kế hoạch giải cứu kinh tế vào năm ngoái, dựa trên việc tăng tốc xây dựng Thành phố Mới Yangon, một trong ba trụ cột của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC), nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Trên thực tế, 10 nước Đông Nam Á gộp lại đã lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2020, vượt qua Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh mới với hy vọng dịch COVID-19 sẽ chậm lại sau khi triển khai vắc-xin, học giả Trung Quốc này gợi ý rằng việc triển khai các dự án Sáng kiến Vành đai Con đường sẽ được đẩy nhanh để thúc đẩy việc làm và phát triển kinh tế ở các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, theo Bành Niệm, chuyến đi của Vương Nghị cũng nhằm ổn định tình hình Biển Đông và tăng cường hợp tác hàng hải với các quốc gia Đông Nam Á. Đó là lý do tại sao ông ấy chọn thăm Myanmar, nơi đảm nhận vai trò điều phối quan hệ Trung Quốc-ASEAN và đồng chủ trì tham vấn về COC trong năm nay, cũng như Brunei, nước giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN cho năm 2021. Vì Trung Quốc muốn thúc đẩy đàm phán COC, phối hợp chính sách tốt hơn với hai quốc gia này sẽ có lợi. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang cố gắng nâng cấp quan hệ với Philippines và Indonesia bằng cách cung cấp vắc-xin và các lợi ích kinh tế, nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Trên Twitter, TS. Alexander Vuving cho rằng sự kiện các đặc phái viên cấp cao của Trung Quốc sẽ đến thăm tất cả các thành viên ASEAN, trừ Việt Nam, trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, mục đích là nhằm ngăn chặn một liên minh chống Trung Quốc và kéo họ vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Việt Nam không được nhắm tới có thể vì Trung Quốc đã không còn hy vọng có thể đạt được mục đích trên với Việt Nam, hoặc có thể vì muốn trừng phạt Việt Nam vì đã tham gia Bộ Tứ mở rộng.
Tuy nhiên, nhà báo Nga Phạm của BBC đưa ra khả năng Việt Nam không có trong lịch trình của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc có thể là vì các nhà lãnh đạo Việt Nam đang bận rộn với cuộc sắp xếp quyền lực trước thềm Đại hội Đảng.
Ngày 17/1/2021, bốn nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện mừng tới những người đồng cấp Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam – Trung Quốc (18/1/1950 – 18/1/2021).
Xem thêm:
Global Times ngày 10/1/2021: Wang Yi’s upcoming visit to SE Asia to ‘consolidate ties, restart key projects’ post COVID-19
The Diplomat ngày 15/1/2021: China’s Goals for Wang Yi’s Southeast Asian Tour
Chính phủ ngày 17/1/2021: Viet Nam, China mark 71st founding anniversary of diplomatic ties
Gặp gỡ song phương Indonesia – Trung Quốc
Trong ngày đầu tiên của chuyến công du hai ngày thăm Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tới thăm thành phố quê hương của Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan ở Bắc Sumatra để thảo luận về hợp tác đầu tư, theo The Jakarta Post.
Cũng theo tờ The Jakarta Post, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, với thương mại hai chiều trị giá 72,6 tỷ USD vào năm 2018. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại quốc gia này, với tổng các khoản đầu tư đạt giá trị 2,3 tỷ USD vào năm 2019, theo dữ liệu chính thức.
Trong một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, ông Vương Nghị nói rằng “mặc dù nhu cầu về vắc-xin tăng mạnh, chúng tôi vẫn vượt qua khó khăn và không ngần ngại đáp ứng nhu cầu cung cấp vắc-xin của Indonesia cho công dân Indonesia. Điều này thể hiện mối quan hệ anh em giữa hai nước,” Trang Antara News và AP cho biết.
Ông Vương cũng cho biết chuyến thăm của ông tới Indonesia là nhằm “củng cố lòng tin chiến lược của chúng tôi và theo đuổi ứng hợp tác ứng phó COVID-19 và phát triển, vốn là hai ưu tiên.” Ông cho biết Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Indonesia trong việc mua và sản xuất vắc-xin “để hỗ trợ Indonesia trở thành một trung tâm sản xuất trong khu vực.”
Bộ trưởng Marsudi cho biết Indonesia đang tìm cách tự chủ trong ngành dược phẩm của mình. Ông nói: “Về kế hoạch này, Indonesia sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc và các nước khác.”
Tại cuộc họp báo, ông Vương Nghị cũng nói rằng Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều sản phẩm của Indonesia hơn và tăng cường đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. “Chúng tôi mong đợi mở rộng nhập khẩu từ Indonesia và các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia để chúng tôi có thể mang lại sự tăng trưởng lành mạnh và cân bằng hơn cho thương mại giữa hai nước.”
Trước đó, Bộ trưởng Indonesia Retno kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với các sản phẩm hàng đầu của nước này như dầu cọ, thủy sản, trái cây và yến sào, như một cách để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại.
Bộ trưởng Retno cũng cho biết Indonesia đồng ý với một nghiên cứu của Trung Quốc về dự án đập Lambakan ở Đông Kalimantan. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, con đập là một trong những dự án chính của Indonesia để kiểm soát lũ lụt và trị giá khoảng 400 triệu USD. Ông Vương Nghị không đề cập đến con đập, nhưng nói rằng Trung Quốc và Indonesia nên hợp tác tổng hợp sức mạnh của các chương trình cơ sở hạ tầng tương ứng của họ – Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và chương trình Điểm tựa Hàng hải Toàn cầu của Indonesia.
Theo tờ The Australian, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thúc giục hai quốc gia làm việc cùng nhau để thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, và cam kết Trung Quốc sẽ giúp Indonesia phát triển mạng 5G.
“Sự đoàn kết” giữa hai quốc gia ven biển lớn nhất Biển Đông – về việc hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trên biển ASEAN / Trung Quốc và đưa thỏa thuận thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gồm 15 quốc gia trở thành hiệu lực – sẽ có “ý nghĩa chiến lược và ảnh hưởng toàn cầu,” ông nói.
“Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào đổi mới công nghệ và tăng tốc xây dựng các động lực tăng trưởng mới như 5G, AI và Dữ liệu lớn, để chúng tôi có thể làm cho các ngành của mình cạnh tranh hơn.”
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marsudi cho biết trong cuộc gặp với ông Vương, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và hòa bình khu vực ở Biển Đông. “Để đạt được điều này, chỉ có một việc mà tất cả các quốc gia phải làm, đó là tôn trọng và thực hiện luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982,” bà nói.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo nói rằng Bộ trưởng ngoại giao hai nước đã đạt được sự đồng thuận mới 5 điểm.
Sau cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, ông Vương Nghị đã có cuộc gặp xã giao với Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Xem thêm:
The Jakarta Post ngày 13/1/2021: Luhut welcomes China’s Wang Yi to hometown for investment talks
Antara News ngày 13/1/2021: Wang Yi tegaskan Indonesia-China akan bekerja sama kalahkan virus
AP ngày 13/1/2021: China pledges to help Indonesia in fight against coronavirus
Reuters ngày 13/1/2021: UPDATE 1-China to import more Indonesian products to balanced trade
Business Times ngày 14/1/2021: China to import more Indonesian products
The Weekend Australian ngày 15/1/2021: China to assist Jakarta with 5G rollout. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/1/2021: Wang Yi on the Five-Point Consensus China Reached with Indonesia
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/1/2021: Indonesian President Joko Widodo Meets with Wang Yi
Vương Nghị cảnh báo về “chủ nghĩa đa phương giả dối”
Kết thúc một tuần công du Đông Nam Á, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có một bài trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Bành Phái Tân Văn (tên tiếng Anh: “The Paper”) của Trung Quốc đề cập đến các chủ đề chính trong chuyến đi bao gồm thương mại, đầu tư và ngoại giao vắc-xin.
Về vấn đề Biển Đông, ông cho biết đã nói với các nước ông tới thăm là Trung Quốc sẽ kiểm soát những khác biệt trên biển thông qua tham vấn thân thiện, và cảnh giác ngăn chặn sự xúi giục can thiệp của các thế lực bên ngoài.
Ông cũng nhấn mạnh rằng cần phải cảnh giác chống lại tất cả các loại “chủ nghĩa đa phương sai lầm.” “Trung Quốc muốn làm việc với ASEAN để chống lại chính trị nhóm lợi ích dưới chiêu bài chủ nghĩa đa phương, áp đặt các luật lệ lên cộng đồng quốc tế với lý do chủ nghĩa đa phương, và triển khai chủ nghĩa đa phương nhằm đối phó với những quốc gia cụ thể.”
Xem thêm:
The Paper ngày 18/1/2021: 王毅结束访问缅甸、印尼、文莱、菲律宾之际接受媒体采访
III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Triển vọng quốc phòng 2021
Tổng thư ký NATO: Liên minh của chúng ta phải duy trì vững mạnh về quân sự và chính trị trên toàn cầu
Theo ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, đại dịch COVID-19 đã cho thấy thế giới đang trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết, và cần phải học cách đối phó với sự bất định này.
Sáng kiến NATO 2030 là nhằm chuẩn bị để đối phó với những điều bất ngờ, bằng cách duy trì NATO như một liên minh quân sự mạnh, mạnh hơn về chính trị và đảm bảo cách tiếp cận của liên minh có tính toàn cầu hơn.
Để giữ NATO vững mạnh về quân sự, các quốc gia trong liên minh cần tiếp tục đầu tư vào quốc phòng để có những quân đội tốt nhất với những năng lực phù hợp. Để duy trì lợi thế công nghệ của NATO, vị Tổng thư ký NATO cho rằng các nước đồng minh cần đầu tư nhiều hơn vào các năng lực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán lượng tử.
Để nâng tầm sức mạnh chính trị của NATO, NATO cần được sử dụng nhiều hơn như một nền tảng cho các cuộc tham vấn chính trị, vì đây là nơi duy nhất mà Bắc Mỹ và châu Âu gặp nhau hàng ngày để thảo luận, quyết định và hành động vì an ninh chung của khối đồng minh. Khi có sự khác biệt, cần phải đưa ra NATO và thảo luận cởi mở để có thể tiến tới những cách tiếp cận chung.
Và trong khi NATO là một liên minh khu vực, NATO cần có cách tiếp cận toàn cầu hơn để đối phó với những thách thức toàn cầu như sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc không phải là đối thủ của NATO. Sự trỗi dậy của Trung Quốc vừa mang tới cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức. Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới và tiếp tục hiện đại hoá quân đội với tốc độ nhanh chóng. Đồng thời, nó làm xói mòn nhân quyền và bắt nạt các quốc gia khác.
Để đối mặt với thách thức này, NATO đang hợp tác chặt chẽ với các nền dân chủ chung chí hướng, đặc biệt là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cùng có lợi ích chung trong việc bảo vệ các giá trị chung.
Theo vị Tổng thư ký NATO, có một điều chắc chắn rằng Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương chỉ có thể mạnh khi Bắc Mỹ và châu Âu đoàn kết. Vì vậy ông mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden và chính quyền mới để củng cố hơn nữa liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Xem thêm:
Defense News ngày 11/1/2021: NATO secretary general: Our alliance must remain strong militarily and politically across the globe
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản: Chuyển đổi ngành công nghiệp quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa trong tương lai
Mối đe dọa mà Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo muốn nhấn mạnh trong bài viết trên Defense News là “sự bất định của chiến tranh tương lai,” với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong các lãnh vực khác nhau, như trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghệ nano, công nghệ lượng tử, và cùng với đó là tiềm năng ứng dụng to lớn của chúng trong một loạt các chức năng quân sự. Và nó đặt ra một thách thức liên tục cho các cơ quan quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng.
“Giờ đây khi những tiến bộ công nghệ có khả năng xác định lại một cách mạnh mẽ bản chất của an ninh trong bối cảnh những thay đổi liên tục về cán cân quyền lực và sự bất ổn trong trật tự quốc tế, chúng ta phải khai thác những ý tưởng và hiểu biết sâu sắc từ cả khu vực công và tư nhân ở Nhật Bản và giữa các quốc gia có liên quan để duy trì lợi thế trong chiến tranh tương lai,” ông viết.
Xem thêm:
Defense News ngày 11/1/2021: Japan’s defense minister: Transform the defense industry to meet future threats
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore: Điều gì sẽ đe dọa các thế hệ tương lai?
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Hoàng Vĩnh Hoằng (Ng Eng Hen), đó là nguy cơ đại dịch truyền nhiễm, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung, và biến đổi khí hậu.
Ông nhấn mạnh: “Trong thế kỷ 20, đã có một thế hệ sống sót sau hai cuộc chiến tranh thế giới thiết lập các chuẩn mực và tạo ra các thể chế để mang lại hòa bình và tiến bộ trong 70 năm tiếp theo. Chúng ta, những người may mắn được hưởng thành quả lao động và hy sinh của họ, giờ đây phải đương đầu với những hiểm họa lớn của thế kỷ 21. Chúng ta phải duy trì hòa bình cho thế hệ này.”
Xem thêm:
Defense News ngày 11/1/2021: Singapore’s defense minister: What will threaten future generations?
Mỹ phát hành chiến lược biển mới
Ngày 17/12/2020, ba cơ quan chuyên trách biển của Hoa Kỳ là Hải quân, Thuỷ quân lục chiến và Cảnh sát biển đã phát hành tài liệu về chiến lược biển mới với tựa đề “Advantage at Sea: Prevailing with Integrated All-Domain Naval Power” (tạm dịch: “Lợi thế trên biển: giành ưu thế với sức mạnh hải quân toàn diện hợp nhất“). Tài liệu này cung cấp những chỉ dẫn cho các cơ quan hải quân trong thập kỷ tới để chiếm ưu thế trong một cuộc cạnh tranh liên tục – bao gồm tương tác với các quốc gia khác từ hợp tác đến xung đột, mà khía cạnh “xung đột” sẽ được nhấn mạnh.
Tài liệu về chiến lược mới trên biển tập trung vào Trung Quốc và Nga, hai mối đe dọa mà Mỹ coi là đáng kể nhất đối với kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng toàn cầu. Tài liệu cho biết Mỹ ưu tiên cạnh tranh với Trung Quốc do sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của nước này, đi cùng với đó là tính hiếu chiến ngày càng tăng và thể hiện ý định thống trị các vùng biển trong khu vực và lập lại trật tự quốc tế có lợi cho mình. Cho đến khi Trung Quốc chọn hành động như một bên liên quan có trách nhiệm thay vì dùng quyền lực để tăng thêm lợi ích độc tài, thì Trung Quốc vẫn là mối đe dọa toàn diện nhất đối với Hoa Kỳ, các đồng minh của Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia ủng hộ một hệ thống tự do và cởi mở.
Hải quân Hoa Kỳ cảnh báo rằng họ sẽ “quyết đoán hơn” đối với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, chỉ đích danh Nga và Trung Quốc là hai quốc gia “đang tranh giành cán cân quyền lực ở các khu vực quan trọng và tìm cách phá hoại trật tự thế giới hiện có.” Tài liệu cho biết Hoa Kỳ sẽ “chấp nhận những rủi ro chiến thuật có tính toán và áp dụng một tư thế quyết đoán hơn trong các hoạt động hàng ngày của chúng tôi.”
Tải toàn văn tài liệu ở đây.
Chính quyền ông Trump giải mật chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien ngày 12/1/2021 công bố xuất bản bộ tài liệu có tên ‘Khung chính sách chiến lược của Mỹ cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương’. Tài liệu này vốn được phân loại “mật”, không tiết lộ với người nước ngoài.
Bản kế hoạch trên được ông Trump phê duyệt từ tháng 2/2018, và đây được coi là “hướng dẫn chiến lược bao quát” cho mọi hành động của Mỹ trong suốt 3 năm qua. Ông O’Brien cho biết tài liệu được công bố nhằm chứng tỏ sự cam kết của Mỹ trong việc “giữ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do lâu dài tiến đến tương lai”.
Phản ứng với sự kiện này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng “Một số chính trị gia Hoa Kỳ muốn có “di sản” để lại bằng cách giải mật tài liệu, nhưng nội dung của văn bản này đã chỉ có một tác dụng là vạch trần ý định thâm độc của Hoa Kỳ trong việc sử dụng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để trấn áp và kiềm chế Trung Quốc cũng như phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực. Thực chất đây là chiến lược bá quyền.”
Bình luận
Chưa đầy một tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, vào ngày 13/1, chính quyền Trump đã giải mật một tài liệu an ninh quốc gia — khuôn khổ chiến lược cho Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tài liệu bao gồm: việc ngăn cản Trung Quốc thiết lập các phạm vi ảnh hưởng mới, phi tự do; cho phép Đài Loan phát triển một chiến lược và khả năng phòng thủ phi đối xứng hiệu quả; và củng cố khả năng và ý chí của Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc để góp phần chống lại sự xâm lược của Trung Quốc; cùng các nội dung khác.
Theo ABC Australia, tài liệu trước đây được xếp vào loại “bí mật” và “không dành cho công dân nước ngoài.” Nó chính thức được giải mật sớm hơn 30 năm so với thông thường. Cách tiếp cận này là bất thường và người ta tin rằng Trump đang cố gắng gây áp lực lên chính quyền tiếp theo để tránh sự thay đổi lớn trong chính sách của Trung Quốc.
Tài liệu liệt kê các biện pháp để cho phép Hoa Kỳ duy trì ưu thế ngoại giao ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tài liệu nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Triều Tiên gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của khu vực. Chiến lược của Hoa Kỳ là liên kết với Úc, Ấn Độ và Nhật Bản để tạo ra một khuôn khổ an ninh tứ phương nhằm chống lại sự xâm lược kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc đồng thời cho phép Đài Loan có được khả năng quốc phòng để giao chiến với Trung Quốc theo các điều kiện của mình.
Trong các phần về Trung Quốc, tài liệu nhấn mạnh rằng mục tiêu là “ngăn chặn các chính sách công nghiệp và các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc làm sai lệch thị trường toàn cầu và làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ; và để xây dựng sự đồng thuận quốc tế rằng các chính sách công nghiệp và các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc đang gây tổn hại cho hệ thống thương mại toàn cầu.
Tài liệu đề ra các hành động bao gồm hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và các nước cùng chí hướng để ngăn chặn việc Trung Quốc có được các năng lực quân sự và chiến lược; mở rộng phạm vi của Ủy ban về đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ bao gồm cả đầu tư mạo hiểm và các hình thức đầu tư khác của Trung Quốc; và áp dụng các chính sách trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong các công nghệ quan trọng.”
Rory Medcalf, người đứng đầu Trường An ninh Quốc gia tại Đại học quốc gia Australia (ANU), cho biết “Đây là một tài liệu có ý nghĩa rất lớn. Điều phi thường là nó đã được phát hành sớm hàng chục năm. … Khuôn khổ chiến lược này rất thẳng thắn với Trung Quốc – không hoàn toàn mang tính đối đầu nhưng rất vững chắc.”
Tuy nhiên, nội dung tài liệu này cũng cho thấy một khoảng cách rõ ràng giữa ý định và thực tế. Ví dụ, tài liệu cho thấy một mong muốn cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc để gây áp lực lên Triều Tiên, nhưng không cho biết điều này sẽ được thực hiện như thế nào, Medcalf phân tích.
Đôi khi, mục tiêu được thiết lập quá cao đến nỗi sự thất bại gần như được đảm bảo. Tầm nhìn táo bạo đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đã không tính đến chiều sâu sự chia rẽ và rối loạn trong nước, cản trở khả năng của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy các lợi ích của mình ra nước ngoài.
“Dù vậy, Khuôn khổ chiến lược đã được giải mật sẽ có giá trị lâu dài như là bước khởi đầu của một kế hoạch chi tiết của toàn chính phủ để xử lý vấn đề cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ thực sự nghiêm túc về cuộc cạnh tranh dài hạn đó, họ sẽ không thể lựa chọn giữa việc xây dựng trật tự trong ngôi nhà của mình và xây dựng quyền lực ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Họ sẽ cần phải làm cả hai cùng một lúc. Như tôi đã lập luận trong cuốn sách giải thích khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương, Mỹ không thể cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc nếu nước này cho phép Bắc Kinh làm bá chủ khu vực rộng lớn này, trung tâm kinh tế và chiến lược trong một thế giới kết nối,” Medcalf kết luận trong bài bình luận đăng trên The Strategist.
Xem thêm:
Toàn văn tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien ngày 12/1/2021
Toàn văn tài liệu “Khung chính sách chiến lược của Mỹ về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
ABC News ngày 12/1/2021: Previously secret details of Trump administration’s Indo-Pacific strategy revealed
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/1/2021: Foreign Ministry Spokesperson Zhao Lijian’s Regular Press Conference on January 13, 2021
Chinascope/RFA ngày 13/1/2021: 特朗普國安文件提前30年解密:不讓中國在第一島鏈有海空優勢
The Strategist ngày 13/1/2021: Declassification of secret document reveals US strategy in the Indo-Pacific
Bộ trưởng Quốc phòng do Biden đề cử đối mặt với những nghi ngại từ các đảng viên Đảng Dân Chủ
Một số đảng viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện Hoa Kỳ đã lên tiếng vào hôm thứ Ba bày tỏ nghi ngại về việc lần thứ hai đưa một vị tướng đã nghỉ hưu trở thành quan chức dân sự hàng đầu tại Bộ Quốc phòng, một số đã dẫn chứng cuộc nổi loạn mới đây tại Điện Capitol Hoa Kỳ.
Tổng thống đắc cử thuộc Đảng Dân chủ Joe Biden đã đề cử tướng nghỉ hưu Lloyd Austin làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Vì ông Austin rời quân đội vào năm 2016, ông sẽ cần Quốc hội chấp thuận là ngoại lệ đối với đạo luật cấm các cựu sĩ quan quân đội trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong vòng 7 năm sau khi rời quân ngũ. Đây là đạo luật nhằm đảm bảo sự giám sát dân sự trong quân đội.
Ông Austin sẽ có buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 19/1/2021.
Xem thêm:
Reuters ngày 13/1/2021: Biden Defense pick faces eligibility questions from Democrats
The Hill 18/1/2021: What to watch for in Biden Defense pick’s confirmation hearing
Norquist sẽ giữ chức Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Theo Defense News, ông David Norquist sẽ giữ vai trò quyền Bộ trưởng Quốc phòng cho sự khởi đầu của chính quyền Biden. Nhóm Biden đã quyết định rằng Norquist, Thứ trưởng Quốc phòng đương nhiệm thuộc Đảng Cộng hoà, là sự lựa chọn tốt nhất để duy trì hoạt động hàng ngày của Bộ Quốc phòng trong khi Lloyd Austin, vị tướng quân đội đã nghỉ hưu được Tổng thống đắc cử Joe Biden lựa chọn để lãnh đạo Bộ đang phải chờ sự phê chuẩn Quốc hội.
Xem thêm:
Defense News ngày 15/1/2021: Norquist to serve as acting defense secretary; acting service secretaries named
Defense News ngày 15/1/2021: Here’s why Biden’s first defense secretary may be a Trump appointee
Kurt M. Campbell và Rush Doshi bàn về Chiến lược duy trì trật tự châu Á
Kurt M. Campbell và Rush Doshi mới đây được bổ nhiệm là các thành viên cao cấp điều phối vấn đề châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Biden. Chỉ trước đó vài ngày, hai tác giả có một bài viết trên Foreign Affairs bàn về chiến lược Mỹ nên thực hiện ở châu Á.
Hai tác giả cho rằng một chiến lược cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày nay sẽ có lợi khi kết hợp ba yếu tố cần có: sự cần thiết của sự cân bằng quyền lực; sự cần thiết của một trật tự mà các quốc gia trong khu vực đều công nhận là hợp pháp; và sự cần thiết của một liên minh đồng minh và đối tác để giải quyết thách thức Trung Quốc đối với cả hai yếu tố trước. Cách tiếp cận như vậy có thể đảm bảo rằng tương lai Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cân bằng và mở chứ không phải là không gian của bá quyền thế kỷ 19.
Thay vì thành lập một liên minh lớn tập trung vào mọi vấn đề, Hoa Kỳ nên theo đuổi hình thức các tổ chức đặc biệt tập trung vào từng vấn đề riêng rẽ, chẳng hạn như D-10 do Vương Quốc Anh đề xuất (bao gồm các nền dân chủ G-7 cộng với Úc, Ấn Độ và Hàn Quốc). Những liên minh này sẽ đặt trọng tâm vào các câu hỏi về thương mại, công nghệ, chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn.
Những liên minh khác có thể tập trung vào việc răn đe quân sự bằng cách mở rộng Bộ Tứ hiện tại, đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua hợp tác với Nhật và Ấn Độ… Mục đích của các liên minh khác nhau này – và chiến lược rộng lớn hơn – là tạo ra sự cân bằng trong một số trường hợp, tăng cường sự đồng thuận về các khía cạnh quan trọng của trật tự khu vực, hay trong những trường hợp khác, là gửi một thông điệp rằng sẽ có những rủi ro cho đường lối hiện tại của Trung Quốc.
Xem thêm:
Foreign Affairs ngày 12/1/2021: How America Can Shore Up Asian Order
IV- MỸ – TRUNG QUỐC
Trung Quốc ban hành quy định mới chống lại luật kinh doanh và ngoại thương “phi lý”
Bộ Thương mại Trung Quốc vào cuối tuần đầu tháng Giêng đã công bố các quy định mới cho phép các nhà chức trách Trung Quốc ban hành lệnh rằng các công ty hoặc người dân ở Trung Quốc không cần tuân thủ các hạn chế của nước ngoài.
Các quy định mới cũng cho phép công dân hoặc công ty Trung Quốc kiện đòi bồi thường tại tòa án Trung Quốc nếu lợi ích của họ bị tổn hại do áp dụng luật pháp nước ngoài và có thể khiến các công ty toàn cầu ở Trung Quốc gặp nguy hiểm về mặt pháp lý nếu tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Xem thêm:
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 9/1/2021: MOFCOM Order No. 1 of 2021 on Rules on Counteracting Unjustified Extra-territorial Application of Foreign Legislation and Other Measures
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 10/1/2021: 商务部令2021年第1号 阻断外国法律与措施不当域外适用办法
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 10/1/2021: 商务部条约法律司负责人就《阻断外国法律与措施不当域外适用办法》答记者问
Reuters ngày 9/1/2021: China to counter ‘unjustified’ foreign trade and business laws
Bloomberg News ngày 9/1/2021: China Pushes Back Against U.S. Sanctions With New Rules. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bộ trưởng Ngoại giao sắp mãn nhiệm Mỹ gỡ bỏ những hạn chế tự áp đặt đối với mối quan hệ Hoa Kỳ – Đài Loan
Trong những ngày cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã sử dụng quyền lực của mình để tuyên bố “các hướng dẫn” về sự tương tác của Hoa Kỳ với Đài Loan là “vô hiệu.” Các nguyên tắc này nhằm mục đích giữ cho các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan không giống như quan hệ song phương giữa hai quốc gia; ví dụ: hạn chế những nơi quan chức Mỹ có thể gặp người đồng cấp Đài Loan, và những cuộc gặp gỡ này bị cấm trong Bộ Ngoại giao hoặc Nhà Trắng.
Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh cho đến nay vẫn giữ im lặng, nhưng một phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Đài Loan, Kolas Yotaka, đã viết trên Twitter rằng mối ưu tiên của Đài Loan không phải là tránh làm mất lòng người khác (chọc giận Trung Quốc), mà chỉ đơn giản là được công nhận có vị thế bình đẳng.” Các quan chức và nhà ngoại giao Đài Loan cũng nhanh chóng ca ngợi động thái này.
Văn phòng ngoại giao của Đài Loan tại Washington cho biết hành động của Bộ ngoại giao Mỹ phản ánh “sức mạnh và chiều sâu” của mối quan hệ Đài Loan-Hoa Kỳ, và Đài Loan mong muốn “mở rộng” quan hệ đối tác trong những tháng và năm tới…
David Stilwell, quan chức hàng đầu đặc trách vấn đề châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với Financial Times rằng quyết định về huỷ bỏ hướng dẫn giới hạn quan hệ Mỹ – Đài Loan là kết quả của quá trình xem xét lâu dài. Ông phủ nhận quyết định được đưa ra vội vàng trong những ngày cuối của chính quyền.
Gerrit van der Wees, một cựu quan chức ngoại giao Hà Lan hiện đang là giảng viên lịch sử Đài Loan tại Đại học George Washington (Mỹ), nói với China Watcher rằng có sự đồng thuận khá rộng rãi – chắc chắn là trong Quốc hội – rằng các hướng dẫn này đã không còn hữu ích nữa. Quốc hội đã thúc giục chính quyền dỡ bỏ các hạn chế này từ vài năm nay.” Nhưng nó có thể được thực hiện theo cách ít phô trương hơn, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Winston Lord nói. “Động thái này không nên được phô trương như là một chính sách mới, mà nên thực hiện từng bước và lặng lẽ trên thực tế.”
Một quan chức trong nhóm phụ trách vấn đề chuyển giao quyền lực của Tổng thống Biden cho biết tổng thống đắc cử đã nói rõ trong quá trình vận động tranh cử rằng ông cam kết tuân thủ Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 là đạo luật xác định mối quan hệ của Mỹ với Đài Loan và chính sách một Trung Quốc.
Ngay sau tuyên bố gỡ bỏ các hạn chế tương tác chính thức với Đài Loan, Đại diện của Đài Loan tại Hà Lan đã đến thăm đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Lan trong một cuộc gặp chính thức được coi là lần đầu tiên được công khai.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/1/2021: Lifting Self-Imposed Restrictions on the U.S.-Taiwan Relationship
Phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Đài Loan: For Taiwan the priority isn’t to avoid upsetting others, it’s simply being recognized as an equal.
Financial Times ngày 10/1/2021: US risks enraging China by easing limits on Taiwan relations. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Reuters ngày 12/1/2021: U.S. hosts Taiwan in Netherlands in first visit since restrictions lifted
Trong lúc chính trường Hoa Kỳ khủng hoảng, Tập Cận Bình nói thời gian đang đứng về phía Trung Quốc
Theo một số chuyên gia tư vấn Trung Quốc, hầu như hàng năm ông Tập đều có diễn văn đầu năm mới, đưa ra những chủ đề chính mà các quan chức nên tập trung vào trong năm tới. Trong diễn văn năm nay, ông tập trung vào kinh tế.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với các quan chức cấp tỉnh và cấp bộ trong một buổi học ngày 11/1/2021 rằng ông nhìn thấy “cơ hội nói chung lớn hơn thách thức”, một sự thay đổi rõ rệt so với những cảnh báo đôi khi nghe có vẻ thảm khốc của ông trong những tháng gần đây. Trong khi lặp lại ám chỉ về những thách thức do chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump đặt ra, ông bày tỏ niềm tin mới rằng Trung Quốc sẽ đạt được lợi ích trong dài hạn.
“Thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy trong một thế kỷ, nhưng thời gian và tình hình đang có lợi cho chúng ta”, ông Tập nói trong buổi học tập tại Trường Đảng Trung ương của ĐCS Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã. “Đây là nơi bắt nguồn sự quyết tâm và tự tin của chúng ta.”
Xem thêm:
Chính phủ Trung Quốc ngày 11/1/2021: 习近平:深入学习坚决贯彻党的十九届五中全会精神 确保全面建设社会主义现代化国家开好局
Tân Hoa Xã ngày 11/1/2021: Xi Focus: Xi stresses good start for fully building modern socialist China
Bloomberg News ngày 12/1/2021: Upbeat Xi Says Time on China’s Side as Turmoil Grips U.S.. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Hoa Kỳ cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm bông, cà chua từ vùng Tân Cương của Trung Quốc
Chính quyền Trump đã công bố lệnh cấm nhập khẩu đối với tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc vào thứ Tư ngày 13/1/2020 vì cáo buộc rằng chúng được thực hiện bằng lao động cưỡng bức từ những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ.
Trước đó, Anh và Canada đã áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ Tân Cương với cùng một lý do. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tức giận gọi động thái này là “trò hề,” thúc giục hai nước ngay lập tức chấn chỉnh các quyết định sai lầm của mình và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Reuters ngày 14/1/2021: U.S. bans imports of all cotton, tomato products from China’s Xinjiang region
Tân Hoa Xã ngày 13/1/2021: China slams UK, Canada banning Xinjiang imports as “farce”
Alibaba, Tencent và Baidu thoát khỏi danh sách đen của nhà đầu tư Mỹ
Tháng 11/2020, Tổng thống Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc có liên kết với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Chính quyền của ông sau đó đã làm rõ rằng các công ty bị cấm sẽ được lấy từ danh sách các nhóm Trung Quốc có quan hệ với PLA. Lầu Năm Góc đã được Quốc hội yêu cầu cung cấp danh sách.
Ông Trump hôm thứ Tư đã ban hành một phiên bản sửa đổi của lệnh, trong đó nói rằng các nhà đầu tư phải thoái vốn khỏi các công ty trong danh sách đen của Lầu Năm Góc trong vòng một năm.
Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thúc đẩy việc đưa Alibaba, Tencent và Baidu vào danh sách các công ty Trung Quốc mà Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ba nguồn tin mà theo Financial Times quen thuộc với tình hình, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã thành công ngăn chặn nỗ lực của Lầu Năm Góc và Bộ ngoại giao Mỹ nhằm đưa những công ty công nghệ lớn nhất này của Trung Quốc vào danh sách đen mà lẽ ra sẽ cấm các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ cổ phiếu của họ.
Bình luận
Roger Robinson, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cho rằng: “Loại bỏ ba cái tên lớn (‘Big 3’) khỏi danh sách các công ty liên kết với PLA của Trung Quốc có nguy cơ gửi đi thông điệp rằng việc bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Hoa Kỳ đã bị bỏ qua một bên bởi lo ngại về thiệt hại tiềm tàng cho nhà đầu tư Hoa Kỳ.”
Xem thêm:
Financial Times ngày 14/1/2021: Alibaba, Tencent and Baidu spared from US investor blacklist. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Chủ tịch danh dự Starbucks tặng sách cho Tập Cận Bình. Ông Tập muốn Starbucks giúp thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ
Trong một lá thư hồi âm cho Howard Schultz, Chủ tịch danh dự của Tập đoàn Starbucks (trước đây từng là chủ tịch và tổng giám đốc điều hành Starbucks), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông hy vọng công ty cà phê sẽ có những nỗ lực tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ, cũng như quan hệ hai nước. Ông Tập nhấn mạnh, việc Trung Quốc bắt đầu một hành trình mới xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại sẽ mang lại không gian rộng rãi hơn cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới, bao gồm Starbucks và các công ty Mỹ khác, phát triển tại Trung Quốc.
Trước đó, theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch danh dự của Starbucks đã chúc mừng Trung Quốc sắp hoàn thành xây dựng một xã hội thịnh vượng trung bình ở mọi lãnh vực dưới sự lãnh đạo của ông Tập, và bày tỏ sự tôn trọng của ông đối với người dân và văn hoá Trung Quốc.
“Thật vinh dự khi nhận được phản hồi từ Chủ tịch Tập,” Schultz nói với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN. Ông nói thêm rằng ông đã chia sẻ với ông Tập một ấn bản tiếng Trung cuốn sách của mình được phát hành gần đây, “Từ mặt đất lên: Một hành trình hình dung lại lời hứa của nước Mỹ.” Trước đây Schultz đã từng nói rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Mỹ hơn là kẻ thù.
[Bình luận] Joseph Brouwer: Tầm nhìn lớn của Tập Cận Bình về mối quan hệ Mỹ – Trung sử dụng Starbucks
Không rõ ông Tập muốn gửi thông điệp gì khi công khai hồi âm Schultz, mặc dù đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc gửi thông điệp quốc tế thông qua tương tác với CEO. Năm 2006, Hồ Cẩm Đào đùa vui về Starbucks trong một bữa ăn tối có sự hiện diện của Schultz, phát đi tín hiệu về sự cởi mở của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Mỹ. Tháng 4/2012, sau vụ bê bối Bạc Hy Lai, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã gặp Schultz để phát tín hiệu rằng ông đã sống sót sau cuộc thanh trừng nội bộ. Một nhà quan sát người Trung Quốc đã gắn thông điệp của ông Tập với lời khen ngợi gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về “ngoại giao” Henry Kissinger và “tính khách quan” của Elon Musk. Tesla của Musk đã xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện lớn ở Thượng Hải. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng Musk có thể được cấp quyền cư trú lâu dài ở Trung Quốc.
Trong khi đó, các doanh nhân Trung Quốc phải đối mặt với một môi trường rất khác. Quyền lực chính trị của họ bị suy giảm, và trong những trường hợp cực đoan, họ bị lấy đi quyền tự do. Trên tờ The Atlantic, Michael Schuman đã viết về những nỗ lực của ông Tập trong việc cắt giảm quyền lực chính trị và kinh tế của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong nước nhằm xây dựng “sự tự cường” của quốc gia như sau:
“Tháng 9/2020, Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành một tài liệu nhằm “hướng dẫn” các công ty tư nhân “khám phá việc thành lập một hệ thống doanh nghiệp hiện đại mang đặc trưng Trung Quốc.” “Ý kiến” của đảng là các cán bộ của đảng phải có ảnh hưởng nhiều hơn đến các quyết định quản lý của các công ty tư nhân, để đảm bảo rằng họ tuân thủ chặt chẽ đường lối đúng đắn, do nhà nước xác định.”
Xem thêm:
CGTN ngày 14/1/2021: Exclusive: Schultz says Starbucks’ best days ahead in China in response to Xi Jinping’s message
Tân Hoa Xã ngày 14/1/2021: Xi encourages Starbucks to help promote China-U.S. ties
Bloomberg ngày 14/1/2021: Xi Asks Starbucks’s Schultz for Help Mending U.S.-China Ties. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
China Digital Times ngày 14/1/2021: Xi’s grande vision for U.S.-China relations runs through Starbucks
The Atlantic ngày 11/1/2021: The Undoing of China’s Economic Miracle
Hoa Kỳ tiếp tục trừng phạt Trung Quốc về Biển Đông
Trong một thông cáo với tựa đề “Bảo vệ và gìn giữ một Biển Đông tự do và rộng mở” một tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ chính quyền Trump, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang tiếp tục thực hiện các hành động bảo vệ các quyền và tự do trên biển phù hợp với Luật quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ đang áp dụng các hạn chế về thị thực đối với các cá nhân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), bao gồm cả giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước và quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với việc cải tạo, xây dựng hoặc quân sự hóa quy mô lớn các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, hoặc việc CHND Trung Hoa sử dụng biện pháp cưỡng bức các bên tranh chấp ở Đông Nam Á để ức chế khả năng tiếp cận của họ với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Biển Đông. Các thành viên trong gia đình những cá nhân này cũng có thể phải tuân theo những hạn chế về thị thực này.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen vì vai trò của Tập đoàn này giúp đỡ chiến dịch cưỡng chế của CHND Trung Hoa đối với các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông nhằm ngăn chặn các quốc gia này tiếp cận tài nguyên dầu khí ở Biển Đông ước tính 2,5 nghìn tỷ USD. Thông cáo của Ngoại trưởng Mike Pompeo viết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng CNOOC và các doanh nghiệp nhà nước khác làm vũ khí thực thi “Đường chín đoạn” bất hợp pháp của Bắc Kinh. CNOOC đã sử dụng giàn khoan khảo sát khổng lồ HD-981 ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa năm 2014 nhằm đe dọa Việt Nam. Giám đốc điều hành CNOOC khi đó đã giới thiệu giàn khoan dầu 981 là “lãnh thổ quốc gia di động.”
Bản thông cáo tái khẳng định “Hoa Kỳ sát cánh với các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách đang tìm cách bảo vệ các quyền và lợi ích chủ quyền của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động cho đến khi chúng tôi thấy Bắc Kinh chấm dứt các hành vi cưỡng bức ở Biển Đông.”
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14/1/2021: Protecting and Preserving a Free and Open South China Sea
Reuters ngày 14/1/2021: U.S. taking additional actions on South China Sea: Secretary of State Pompeo
Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Danh sách bổ sung các công ty quân sự Trung Quốc Cộng Sản
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ đã cập nhật danh sách “các công ty quân sự Cộng sản Trung Quốc” trực tiếp hay gián tiếp hoạt động ở Mỹ, trong một quyết tâm “chống lại chiến lược phát triển Kết hợp Quân sự-Dân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), hỗ trợ các mục tiêu hiện đại hóa của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) bằng cách đảm bảo lực lượng này tiếp cận với các công nghệ và chuyên môn tiên tiến được tiếp thu và phát triển bởi các thực thể mang danh nghĩa dân sự gồm công ty, trường đại học và chương trình nghiên cứu của CHND Trung Hoa.”
Xem thêm:
Danh sách mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 14/1/2021
Bộ thương mại Mỹ hoàn tất các quy định ngăn chặn công nghệ Trung Quốc
Bộ thương mại Hoa Kỳ đã hoàn tất các quy định mới giúp chính phủ liên bang dễ dàng hơn trong việc ngăn chặn người Mỹ nhập khẩu công nghệ từ Trung Quốc và các đối thủ khác của Hoa Kỳ mà họ cho rằng có thể đe dọa an ninh quốc gia.
Quy định mới, áp dụng cho phần mềm được sử dụng trong lãnh vực như cơ sở hạ tầng và phần cứng quan trọng bao gồm máy bay không người lái và camera giám sát, trao những quyền hạn mới cho Bộ trưởng Thương mại trong việc cấp giấy phép hoặc chặn nhập khẩu.
Quy định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày và nhằm thực thi sắc lệnh mà ông Trump đã ký vào năm 2019 để bảo vệ chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ liên quan đến công nghệ và dịch vụ truyền thông.
“Tổng thống Trump đã cam kết bảo vệ an ninh quốc gia của tất cả người dân Mỹ và việc thực hiện quy định này là thời điểm quan trọng trong nỗ lực của chính quyền này nhằm đặt Nước Mỹ lên trên hết và buộc các tác nhân xấu phải chịu trách nhiệm,” Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói.
Động thái này diễn ra cùng ngày Bộ Thương mại Mỹ đặt Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc trong một danh sách đen sẽ gây khó khăn cho các công ty Mỹ xuất khẩu thiết bị hoặc công nghệ cho tập đoàn này. Ông Ross nói rằng CNOOC đã hành động như “một kẻ bắt nạt” tạo điều kiện cho quân đội Trung Quốc đe doạ các nước láng giềng.
Chỉ vài giờ sau đó, Lầu Năm Góc đã đưa Xiaomi – công ty vào tháng 11 đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới tính theo số lượng bán ra – và 8 doanh nghiệp khác vào danh sách các công ty bị cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Những công ty này sẽ phải chịu lệnh cấm đầu tư mới của Hoa Kỳ, buộc các nhà đầu tư Mỹ phải thoái vốn khỏi các công ty trong danh sách đen trước ngày 11/11/2021.
Xem thêm:
Financial Times ngày 14/1/2021: US sets out new powers to block Chinese technology. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Financial Times ngày 14/1/2021: US blacklists Xiaomi and Cnooc in flurry of actions to counter China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Reuters ngày 15/1/2021: Exclusive: Trump administration adds China’s Comac, Xiaomi to Chinese military blacklist
V- LIÊN MINH CHÂU ÂU – TRUNG QUỐC
Bộ trưởng Thương mại Pháp: EU sẽ không yêu cầu Trung Quốc ký lệnh cấm lao động cưỡng bức trước khi thông qua thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc
Khi được Politico hỏi liệu Pháp có nhất quyết yêu cầu Trung Quốc cấm lao động cưỡng bức trước khi Liên minh châu Âu bỏ phiếu để thông qua thỏa thuận hay không, ông Franck Riester cho biết sẽ không, mà thay vào đó sẽ nhấn mạnh vào một “lịch trình” cho các cải cách của Bắc Kinh.
Xem thêm:
Politico ngày 12/1/2021: EU will not ask China to sign forced labor ban before ratifying investment deal, says French minister
VI- CHUYỂN ĐỘNG BỘ TỨ AN NINH
Hội nghị quan chức cấp cao Hoa Kỳ-Úc-Ấn Độ-Nhật Bản (“Bộ tứ”)
Ngày 18/12/2020, các quan chức cấp cao từ Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đã có cuộc họp trực tuyến trong lịch trình các cuộc tham vấn thường xuyên của Bộ Tứ với mục đích thúc đẩy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, mở và bao trùm. Cuộc họp này tiếp nối cuộc thảo luận cấp Bộ trưởng đã được tổ chức tại Tokyo ngày 6/10/2020.
Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, quan chức bốn nước đã thảo luận các cách thức hợp tác thực tế để chống lại thông tin sai lệch, tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và phối hợp các nỗ lực hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương bởi các hành động kinh tế không lành mạnh và cưỡng ép ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Quan chức bốn nước cũng xem xét những diễn biến có tính chiến lược gần đây trên khắp khu vực, bao gồm Biển Đông, Hồng Kông, Đài Loan và tiểu vùng sông Mê Kông. Các quan chức tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ tứ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn đầu. Bốn nước hoan nghênh cơ hội tiếp tục tham vấn thường xuyên, bao gồm cả ở cấp Bộ trưởng, cấp quan chức cấp cao, và cấp các nhóm công tác.
“Bốn nước nhất trí tiếp tục tham vấn thường xuyên và sắp xếp cuộc họp ngoại trưởng tiếp theo vào “thời điểm thích hợp trong năm tới”,” tờ The Japan Times dẫn nguồn từ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 18/12/2020: U.S.-Australia-India-Japan Consultations (“The Quad”) Senior Officials Meeting
The Japan Times ngày 18/12/2020: ‘Quad’ officials reaffirm need to advance ‘Free and Open Indo-Pacific’
VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường: 4 lý do lạc quan về quan hệ Việt – Mỹ
Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, có 4 lý do để lạc quan về quan hệ Việt – Mỹ dưới thời ông Joe Biden.
Thứ nhất, phát triển mạnh mẽ quan hệ với Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận cao trong nội bộ Mỹ, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cả giới doanh nghiệp và giới học giả. Mỹ đánh giá cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực và đã nhiều lần khẳng định rằng một nước Việt Nam độc lập, mạnh mẽ và thịnh vượng là phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Thứ hai, mối quan hệ hai nước đã trải qua nhiều thử thách kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay và đã định hình một khuôn khổ rõ ràng là “đối tác toàn diện” từ năm 2013 với những nguyên tắc cơ bản – đó là tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Thứ ba, bản thân ông Biden khi còn là phó tổng thống Mỹ là người rất am hiểu về các vấn đề đối ngoại và ông luôn đánh giá tích cực về quan hệ với Việt Nam.
Thứ tư, trong đội ngũ nội các và cố vấn mà ông Biden đang sắp xếp cho chính quyền mới có nhiều gương mặt khá quen thuộc, trong đó có nhiều người am hiểu về Việt Nam và khu vực, đã từng thăm Việt Nam và có những đóng góp quan trọng vào việc định hình khuôn khổ đối tác toàn diện giữa hai nước như Ngoại trưởng Tony Blinken (nguyên là thứ trưởng ngoại giao thời tổng thống Obama), Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Điều phối viên về các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Kurt Campbell (nguyên là trợ lý ngoại trưởng Mỹ thời ông Obama)…
Xem thêm:
Tuổi Trẻ Online ngày 17/1/2021: Cựu đại sứ VN tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường: 4 lý do lạc quan về quan hệ Việt – Mỹ
Rana Mitter: Thế giới mà Trung Quốc muốn – và quyền lực sẽ, và sẽ không giúp định hình những tham vọng của Trung Quốc như thế nào?
Theo tác giả, quyền lực của Trung Quốc ngày nay là một lực lượng mạnh mẽ, năng động được hình thành bởi mối liên hệ giữa chủ nghĩa độc tài, chủ nghĩa tiêu dùng, tham vọng toàn cầu và công nghệ (mô hình ACGT). Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn củng cố quyền lực của mình đối với xã hội Trung Quốc, khuyến khích chủ nghĩa tiêu dùng trong và ngoài nước, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, đồng thời phát triển và xuất khẩu công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Sẽ không thể hiểu được vị thế hiện tại và triển vọng tương lai của Trung Quốc nếu không nhìn thấy đồng thời cả bốn mục tiêu đó.
Trở ngại lớn đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế không phải là sự thù địch của Hoa Kỳ hay những kẻ thù nội bộ, mà là yếu tố độc tài trong bản sắc cốt lõi của ĐCSTQ. Chính chủ nghĩa độc tài đó và đôi khi chủ nghĩa bành trướng đối đầu có tác động làm lu mờ các thành phần khác cấu thành nên mô hình Trung Quốc.
Các yếu tố chính trong hỗn hợp hệ tư tưởng của Trung Quốc – chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng truyền thống, phép loại suy lịch sử và thành công kinh tế – đã làm lu mờ phần lớn sức mạnh luôn hạn chế của chủ nghĩa tự do phương Tây trong việc ảnh hưởng đến cách ĐCSTQ nhìn thế giới. Nhưng tương lai toàn cầu của Trung Quốc phụ thuộc vào cách nước này có thể kết hợp thành công các khía cạnh khác của mô hình ACGT. Hiện tại, chủ nghĩa chuyên chế của Trung Quốc có nguy cơ hạn chế khả năng của Bắc Kinh trong việc tạo ra một hình thức trật tự toàn cầu mới thừa nhận được.
Rana Mitter là Giáo sư Lịch sử và Chính trị của Trung Quốc hiện đại tại Đại học Oxford và là tác giả của cuốn “China’s Good War: How World War II Is Shaping a New Nationalism.”
Xem thêm:
Foreign Affairs số Tháng Giêng/Tháng Hai năm 2021: The World China Wants. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bùi Mẫn Hân: Bước ngoặt hướng nội định mệnh của Trung Quốc: Chiến lược kinh tế mới của Bắc Kinh được thể hiện qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19 vào cuối tháng 10/2020, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã công bố chiến lược mới để duy trì phát triển kinh tế trong 15 năm tới. Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã tham gia sâu vào việc xây dựng khuôn khổ làm nền tảng cho chiến lược mới. Tác giả nhận định, mặc dù đầy tham vọng nhưng thiếu chi tiết cụ thể, chiến lược kinh tế mới của Trung Quốc cho thấy rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ chuyển trọng tâm nền kinh tế của mình hướng vào thị trường trong nước và hướng tới đạt được khả năng tự chủ khoa học và công nghệ để cải thiện an ninh quốc gia và duy trì tăng trưởng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc định hình lý do cho sự thay đổi này là phản ứng trước những thay đổi căn bản và bất lợi của môi trường bên ngoài. Họ cũng sẽ dựa vào hệ thống “toàn quốc” mới để huy động các nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu của mình. Mục tiêu chính trị trước mắt của việc ban hành bản kế hoạch kinh tế này dường như để trấn an quốc gia Trung Quốc rằng ĐCSTQ có kế hoạch duy trì sự cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ.
Xem thêm:
China Leadership Monitor ngày 16/12/2020: China’s Fateful Inward Turn: Beijing’s New Economic Strategy as Spelled Out by the Resolution of the CCP Central Committee’s 5th Plenum
Michael Beckley và Hal Brands: Cạnh tranh với Trung Quốc có thể ngắn và gay gắt
Nhiều cuộc tranh luận về chính sách Trung Quốc của Washington tập trung vào những nguy cơ mà Trung Quốc sẽ gây ra với tư cách là một đối thủ ngang hàng vào cuối thế kỷ này. Tuy nhiên, có một mối đe doạ cấp bách hơn mà Hoa Kỳ thực sự phải đối mặt: một Trung Quốc vốn đã hùng mạnh nhưng bất an bị bao vây bằng tốc độ tăng trưởng chậm lại và sự thù địch gia tăng ở nước ngoài. Và khi tăng trưởng kinh tế giảm, các nguy cơ của bất ổn xã hội và chính trị sẽ gia tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết điều này: Chủ tịch Tập Cận Bình đã có nhiều bài phát biểu cảnh báo về khả năng Trung Quốc sụp đổ theo kiểu Liên Xô, và giới tinh hoa Trung Quốc đang chuyển tiền và con cái của họ ra nước ngoài.
Tin tốt cho Hoa Kỳ là về lâu dài, cạnh tranh với Trung Quốc có thể được kiểm soát tốt hơn. Một ngày nào đó, người Mỹ có thể nhìn lại Trung Quốc theo cách mà họ hiện nay coi Liên Xô – như một đối thủ nguy hiểm mà sức mạnh của nó đã che giấu sự trì trệ và dễ bị tổn thương. Tin xấu là trong vòng 5 đến 10 năm tới, tốc độ cạnh tranh Trung-Mỹ sẽ diễn ra gay gắt, và viễn cảnh chiến tranh là hiện thực một cách đáng sợ, khi Bắc Kinh bị cám dỗ lao vào lợi ích địa chính trị. Hoa Kỳ vẫn cần một chiến lược dài hạn để cạnh tranh kéo dài. Nhưng trước tiên nó cần một chiến lược ngắn hạn để điều hướng mối nguy hiểm này.
Xem thêm:
Foreign Affairs ngày 17/12/2020: Competition With China Could Be Short and Sharp
Phỏng vấn Nathalie Tocci về tương lai quan hệ giữa EU với Mỹ và Trung Quốc
Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã bị ảnh hưởng trong suốt 4 năm thời Tổng thống Donald Trump, phần lớn là do thái độ thù địch của Trump đối với Liên minh châu Âu (EU) mà ông coi là đối thủ cạnh tranh thương mại, và đối với liên minh NATO mà ông coi là một gánh nặng.
Những căng thẳng nảy sinh dưới thời Trump đã khiến cuộc tranh luận tại Brussels và khắp EU về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu trở nên cấp thiết hơn, đặc biệt là trong năm qua. Với việc Joe Biden đắc cử Tổng thống, nhiều nhà quan sát kỳ vọng sự trở lại của mối quan hệ êm đẹp hơn giữa Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu. Nhưng điều đó sẽ có ý nghĩa gì đối với những nỗ lực của Châu Âu nhằm trở nên tự chủ hơn về mặt địa chính trị? Và liệu những căng thẳng đã kéo mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời Trump có biến mất?
Trong cuộc phỏng vấn của Trend Lines về bức tranh lớn này, Tiến sĩ Nathalie Tocci lập luận rằng trong ba lĩnh vực chính – thương mại, công nghệ và Trung Quốc – câu trả lời có thể gây thất vọng cho những người mong đợi sự hội tụ toàn diện hai bờ Đại Tây Dương. Tiến sĩ Tocci là giám đốc của Viện các vấn đề quốc tế có trụ sở tại Rome và là cố vấn đặc biệt cho người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell. Trong khi đảm nhiệm vai trò tương tự dưới thời người tiền nhiệm của Borrell, Federica Mogherini, Tiến sĩ Tocci đã viết Chiến lược Toàn cầu của Liên minh Châu Âu và nỗ lực thực hiện Chiến lược này.
Xem thêm:
World Politics Review ngày 12/1/2021: Nathalie Tocci on the Future of EU Ties With the U.S. and China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
VIII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/SÁCH
Jeffrey Becker (2020) Securing China’s lifelines acr elines across the Indian Ocean
Trung Quốc tư duy như thế nào về việc bảo vệ các tuyến đường liên lạc trên biển (SLOCs) và các điểm nghẽn hàng hải ở Ấn Độ Dương (IOR) trong thời kỳ khủng hoảng hoặc xung đột? Dựa trên các tài liệu chính sách của Trung Quốc và các bài viết của các nhà phân tích an ninh Trung Quốc, báo cáo này lập luận rằng ba thách thức có tính then chốt hạn chế khả năng của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) trong việc triển khai sức mạnh ở khu vực và bảo vệ quyền tiếp cận SLOCs và các điểm chặn, đặc biệt trong thời gian khủng hoảng. Ba thách thức đó là: (1) sự hiện diện tương đối khiêm tốn của PLAN trong khu vực so với các cường quốc khác; (2) khả năng tác chiến chống tàu ngầm và phòng không còn hạn chế của PLAN; và (3) cơ sở hậu cần và hạ tầng để duy trì hiện diện còn hạn chế.
Để giải quyết những thách thức này, Bắc Kinh đã thực hiện một loạt sáng kiến, bao gồm mở rộng năng lực của căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti (quốc gia án ngữ con đường biển từ Ấn Độ Dương vào biển Đỏ để từ đó đến kênh đào Suez) và tận dụng đội tàu vận tải thương mại hùng hậu để hỗ trợ hậu cần. Bằng chứng cho thấy CHND Trung Hoa cũng có thể đang theo đuổi các lựa chọn chính sách khác, chẳng hạn như tăng số lượng vũ khí tiên tiến triển khai tới khu vực và thiết lập thêm các cơ sở quân sự ở nước ngoài.
Tải toàn văn nghiên cứu ở đây.
Journal of International Security Studies (2020) 中美关系走向与国际格局之变(名家笔谈)
Tháng 9/2020, Đại học Quan hệ Quốc tế (trực thuộc Bộ An ninh Quốc gia) và Đại học Kỹ thuật Thông tin của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị với chủ đề tương lai quan hệ Mỹ-Trung. Vào tháng 11, Tạp chí Nghiên cứu An ninh Quốc tế đã đăng một loạt các bài luận của các nhà tư tưởng chính sách đối ngoại hàng đầu tham dự hội nghị. Có tám lập luận chính được tóm tắt bởi Walter Kerr:
– Donald Trump đã khiến quan hệ Mỹ – Trung xấu đi đáng kể trong 4 năm qua. Nhưng quan hệ cũng khó có thể cải thiện đáng kể dưới thời Chính quyền Biden. Những người theo chủ nghĩa bảo thủ của Washington không còn đơn độc trong quan điểm “chống Trung Quốc” của họ – cả hai đảng chính trị lớn hiện đều đồng thuận ở quan điểm này.
– Cơ hội để khôi phục lại tương tác Mỹ – Trung trong hầu hết các vấn đề công nghệ và kinh tế trông có vẻ ảm đạm, nhưng hai bên có thể làm việc cùng nhau về khí hậu, năng lượng sạch và một số vấn đề an ninh như kiểm soát vũ khí.
– Những lời kêu gọi “tách rời” khỏi Trung Quốc ở Washington sẽ tăng lên, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của hai mô hình công nghệ cạnh tranh, một do Hoa Kỳ dẫn đầu và một do Trung Quốc dẫn đầu. Đối với các quốc gia thứ ba, việc lựa chọn giữa hai quốc gia này sẽ giống như lựa chọn giữa Apple và Android, mỗi quốc gia đều có các công nghệ và ứng dụng phái sinh riêng.
– Với sự suy giảm ảnh hưởng toàn cầu của Washington, một ngày nào đó, Hoa Kỳ sẽ mất đi vị thế bá chủ của mình. Nhưng Trung Quốc không thể dễ dàng lấp đầy khoảng trống này trong ngắn hạn. Quyền lực mềm của Trung Quốc vẫn còn quá hạn chế và Hoa Kỳ sẽ từ lâu vẫn là lực lượng thống trị. Trung Quốc cần nhiều bạn bè quốc tế hơn trước khi có thể trở thành một cường quốc ngang hàng với Hoa Kỳ.
– Để tăng ảnh hưởng toàn cầu, Trung Quốc nên tích cực hơn trong các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới. Trung Quốc nên dẫn đầu những nỗ lực cải cách cấu trúc quản trị toàn cầu hiện có. Nhiều quốc gia đã mất niềm tin vào hệ thống quốc tế.
– Đồng thời, Bắc Kinh nên tăng gấp đôi nỗ lực tạo ra các cơ chế điều phối quốc tế mới đặt Trung Quốc làm trung tâm, bao gồm thông qua các sáng kiến như Vành đai và Con đường, và đàm phán thêm các thỏa thuận như Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.
– Trung Quốc cũng nên dành nhiều sức lực hơn để tăng cường mối quan hệ với các nước láng giềng và các cường quốc, kể cả với các đối thủ lịch sử như Nhật Bản. Một số bạn bè và đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ, bao gồm cả ở châu Á và đặc biệt là ở châu Âu, ngày càng cảm thấy thờ ơ với các đối tác Mỹ của họ.
– Một số (không phải tất cả) tác giả tranh luận về việc kiềm chế hơn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. GS Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong) của Đại học Nhân Dân (Bắc Kinh) đã đi xa đến mức lập luận rằng Bắc Kinh nên theo đuổi một chiến lược và quân sự “rút lui” ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và về các vấn đề kiểm soát vũ khí, có thể được sử dụng như một “con bài mặc cả” để cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.
Đọc toàn văn ấn phẩm ở đây. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
———-
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Mọi khoản tài trợ xin gửi về: Tài khoản Paypal: sukybiendong@gmail.com. Hay chuyển khoản: Hoàng Việt. Số tài khoản: 207503269. Ngân hàng ACB (Asia Commercial Bank). Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.