Tổng hợp và biên dịch: Nhật Minh
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 12 tháng 11 năm 2018
Nội dung
- Bắc Kinh tìm cách chặn các nước ngoài khu vực khoan dầu ở Biển Đông.
- Lần đầu tiên, Washington trực tiếp kêu gọi Trung Quốc rút hệ thống tên lửa khỏi Trường Sa. Hoàng Sa bị lãng quên?
- Cùng một số thông tin khác.
———-
Bắc Kinh tìm cách chặn các nước ngoài khu vực khoan dầu ở Biển Đông
Trung Quốc muốn cấm các nước ngoài khu vực thăm dò dầu ở Biển Đông như là một phần của Bộ quy tắc ứng xử vốn đã bị trì hoãn trong thời gian dài, theo các nguồn tin biết về vấn đề này.
Cụ thể, Trung Quốc đã đưa ngôn ngữ về lệnh cấm thăm dò dầu vào một đề xuất tài liệu công tác hồi tháng Tám vừa rồi, theo những người gần gũi với các cuộc đàm phán. Đề xuất này đang cản trở diễn tiến các cuộc đàm phán để tiến tới một bộ quy tắc ứng xử cuối cùng.
Các quan chức Đông Nam Á đã kêu gọi xoá bỏ ngôn ngữ này, nói rằng nó xung đột với luật biển quốc tế. Nhưng bản thân trong ASEAN vẫn còn nhiều chia rẽ về vấn đề Biển Đông, một số thành viên ASEAN, đặc biệt là Campuchia và Lào, nghiêng về gần hơn quan điểm của Trung Quốc. Dự định dự thảo Bộ quy tắc sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng này ở Singapore.
Các quốc gia ven Biển Đông trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đang tìm kiếm những cơ hội khai thác nguồn năng lượng dự trữ dồi dào được cho là biển đang nắm giữ. Nhưng trừ Trung Quốc, các nước còn lại đều thiếu các ngành công nghiệp dầu phát triển tốt và phải dựa vào công nghệ của nước ngoài.
Bắc Kinh dường như lo sợ rằng thông qua các dự án hợp tác dầu khí với các nước ASEAN, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện trên biển và ảnh hưởng đối với khu vực.
Một số nhà quan sát nghi ngờ Trung Quốc biết rõ các nước ASEAN sẽ không chấp nhận nhưng vẫn đề xuất ý tưởng này là chỉ nhằm đề trì hoãn việc tiến tới COC trong khi phát triển sức mạnh ở Biển Đông.
Trung Quốc cũng đề xuất cấm các nước ngoài khu vực tham gia tập trận chung với các nước ASEAN ở Biển Đông như một phần của Bộ quy tắc ứng xử. Các thành viên ASEAN trong đó có Singapore đã không đồng ý với điều khoản này. Điều này đã tạo ra một trở ngại khác để kết thúc các quá trình đàm phán.
ASEAN đang xúc tiến tăng cường quan hệ với Trung Quốc, thể hiện bởi cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên vào tháng trước. Đồng thời, khối Đông Nam Á cũng đang có kế hoạch tập trận chung với hải quân Hoa Kỳ vào đầu năm tới.
Nguồn: Beijing seeks to block outsiders from drilling in South China Sea – Nikkei Asia Review 11/11/2018.
Đọc thêm:
Thiết lập cơ chế giữa ASEAN và Trung Quốc giải quyết xung đột Biển Đông – Thanh Niên 10/11/2018
Lần đầu tiên, Washington trực tiếp kêu gọi Trung Quốc rút hệ thống tên lửa khỏi Trường Sa
Theo tóm tắt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nội dung Đối thoại an ninh và ngoại giao cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc, Lầu Năm Góc kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa khỏi quần đảo Trường Sa. Hoàng Sa đã không được nhắc tới.
Nguyên văn nội dung về vấn đề Biển Đông như sau:“Biển Đông: Hai bên cam kết hỗ trợ hòa bình và ổn định ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tự do hải hành và tự do hàng không, cùng với những hoạt động sử dụng biển khác phù hợp với luật pháp quốc tế. Cả hai bên cam kết đảm bảo an toàn hàng hải và hàng không, quản lý rủi ro một cách có tính xây dựng. Hoa Kỳ đã thảo luận tầm quan trọng của việc tất cả các tàu quân sự, thực thi pháp luật, các tàu dân sự và máy bay hoạt động một cách an toàn và chuyên nghiệp theo luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa khỏi các thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, và tái khẳng định rằng tất cả các nước nên tránh giải quyết các tranh chấp thông qua cưỡng chế hoặc đe dọa. Hoa Kỳ vẫn cam kết bay, đi lại trên biển và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.”
Theo Biên niên sự kiện của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông về các hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc sáu tháng đầu năm 2018, ngày 2 tháng 5, kênh truyền hình CNBC trích dẫn nguồn tin tình báo Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã triển khai các tên lửa hành trình đối hạm YJ-12B và các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9B trên ba thực thể ở quần đảo Trường Sa đầu tháng 4. Trung Quốc đã xây dựng khoang chứa tên lửa trên những thực thể địa lý này vào đầu năm 2017, nhưng đợt triển khai tháng 4 là lần đầu xác thực được việc có những bệ tên lửa như vậy.
Tiếp đó, Trung Quốc triển khai thêm khí tài đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa từ ngày 9 tháng 5 để phục vụ tập trận. Hình ảnh vệ tinh ngày 20 tháng 5 cho thấy các khí tài này vẫn còn để ở đây. Rất có thể đây là các hệ thống tên lửa đất đối không hoặc đối hạm, radar, xe hậu cần, thiết bị phá sóng.

Hoàng Sa dường như đã bị lãng quên trong cuộc đối thoại song phương Mỹ – Trung, khi mà ngay chính Trung Quốc cũng không nhắc tới khi biện minh cho các hoạt động xây dựng của mình ở Biển Đông.
“Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các hòn đảo ở Nansha (Trường Sa) và các vùng nước lân cận. Trên lãnh thổ riêng của mình, Trung Quốc đang thực hiện một số công trình xây dựng cơ sở dân sự và các cơ sở quốc phòng cần thiết. Đây là quyền được giữ an toàn khỏi nguy hiểm và quyền tự vệ mà luật pháp quốc tế đã cung cấp cho nhà nước có chủ quyền mà không liên quan gì tới quân sự hóa,” Uỷ viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì nói trong cuộc họp báo sau khi Mỹ kêu gọi Trung Quốc dừng quân sự hoá ở Biển Đông.
Nguồn:
U.S.-China Diplomatic and Security Dialogue – U.S. Department of State 09/11/2018
Đọc thêm: ‘Rào chắn’ ngăn Mỹ-Trung ‘chiến tranh Lạnh’ – TTXVN 11/11/2018.
Những thông tin khác:
Tên ‘South China Sea’ không có hàm ý liên quan đến chủ quyền – Thanh Niên 11/11/2018
Nguy cơ đảo quốc Maldives phải “gán đất” cho Trung Quốc – Một Thế giới 11/11/2018Nhiều cá chết ở bờ biển Đà Nẵng nghi do nổ mìn – Tuổi Trẻ Online 10/11/2018
Củ tỏi và thân phận người Lý Sơn – RFA 09/11/2018
Nhật Minh là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Phương pháp thực hiện bản tin: Chọn lọc, tóm tắt hoặc trích đoạn và biên dịch (khi cần) những thông tin đáng chú ý xung quanh vấn đề Biển Đông được đăng tải trong ngày trên truyền thông quốc tế và trong nước. Email liên hệ: sukybiendong@gmail.com.
———-Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.