Tổng hợp và biên dịch: Nhật Minh
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 11 tháng 11 năm 2018

Nội dung
- Việt – Trung thống nhất đàm phán phân định biển và bàn bạc hợp tác biển theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS
- Thực hư tuyên bố của Bộ Quốc phòng Đài Loan về việc tàu Mỹ neo đậu tại đảo Ba Bình
- Nội dung Họp báo Đối thoại an ninh & ngoại giao lần thứ hai giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
- Thực hư lời tố cáo nữ nghiên cứu sinh Trung Quốc có “hành vi gián điệp” ở Viện Hán Nôm Việt Nam
———-
Việt – Trung thống nhất đàm phán phân định biển và bàn bạc hợp tác biển theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS
VOV cho biết trong hai ngày 6 và 7 tháng 11 tại thành phố Ninh Ba, Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tiến hành Phiên họp đàm phán vòng X về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vòng VII bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển. Trưởng đoàn công tác Việt Nam là TS Nguyễn Đăng Thắng, Vụ trưởng, Uỷ ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao. Trưởng đoàn công tác Trung Quốc là ông Chu Kiện, Đại diện các vấn đề về biên giới và biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Hai bên nhất trí trên cở sở tuần tự tiệm tiến, thúc đẩy đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và việc bàn bạc về hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Kết thúc phiên họp, hai bên ký biên bản đàm phán. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tiến hành ở Việt Nam.
Nguồn: Việt-Trung đàm phán về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và hợp tác biển – VOV 08/11/2018.
Thực hư tuyên bố của Bộ Quốc phòng Đài Loan về việc tàu Mỹ neo đậu tại đảo Ba Bình
Trong những ngày qua, truyền thông tiếng Anh mà tiêu biểu là Bưu điện Hoa Nam đã đưa tin về tuyên bố của Bộ Quốc phòng Đài Loan đối với khả năng tàu Mỹ neo đậu tại đảo Ba Bình. Tuy nhiên những thông tin này còn nhiều phần chưa rõ ràng và dễ gây hiểu nhầm.
Một bài báo trên báo Liên Hợp tiếng Trung đã cho biết thông tin đầy đủ hơn về bối cảnh và diễn biến của tuyên bố trên.
Một cách tóm lược, trả lời câu hỏi của đại biểu Viện Lập pháp ngày 5 tháng 11 năm 2018 về việc liệu Hoa Kỳ có thể yêu cầu cho mượn cảng ở đảo Ba Bình với tư cách một tàu quân sự hay không, Bộ trưởng Quốc phòng [Đài Loan] Nghiêm Đức Phát (Yan Defa) nói rằng đây là một vấn đề mang tính giả định, nhưng ông cũng nói rằng “cứu trợ nhân đạo là có thể, điều đó phải phù hợp với quyền lợi của chúng ta”. Nếu nó có tác động đến an ninh và hòa bình khu vực, thì “chúng ta sẽ phải xem xét”.
Mặt khác, giới chuyên gia của CSIS, Greg Poling và Bonnie Glaser, cùng với nhiều học giả quốc tế khác như M. Taylor Fravel và Chen-Yi Tu đều cho rằng việc Mỹ yêu cầu neo đậu ở đảo Ba Bình không chắc có thể xảy ra bởi sẽ phải trả giá ngoại giao quá đắt trong khi không đạt được gì trong năng lực hoạt động.
Đọc đầy đủ ở: Thực Hư Tuyên Bố của Bộ Quốc Phòng Đài Loan về Việc Tàu Mỹ Neo Đậu tại Đảo Ba Bình – Dự án Đại Sự Ký Biển Đông 10/11/2018.
Đối thoại an ninh & ngoại giao lần thứ hai giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Như tin đã đưa, ngày 9 tháng 11 vừa rồi đã diễn ra đối thoại an ninh & ngoại giao giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis của phía Hoa Kỳ với Uỷ viên Bộ Chính trị, Chánh Văn phòng Công tác ngoại sự Trung ương Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Nguỵ Phương Hoà của phía Trung Quốc. Kết thúc hội đàm, hai bên đã tổ chức họp báo chung.
Qua những phát biểu của mỗi vị Bộ trưởng, có thể thấy hai bên cùng mong muốn và đang nỗ lực tránh xung đột và đối đầu, tăng cường hợp tác. Hoa Kỳ tuyên bố không theo đuổi Chiến tranh lạnh hay chính sách kiềm toả với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc khẳng định không theo đuổi chính sách bá quyền và cam kết đường lối phát triển hoà bình.
Tuy nhiên vẫn còn có sự đối kháng nhau trong quan điểm hai bên về nhiều vấn đề quan trọng, mà trong đó rõ rệt nhất là vấn đề Biển Đông. Trong khi Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc dừng quân sự hoá Biển Đông, Trung Quốc khẳng định các hành động xây dựng và triển khai cơ sở hạ tầng của mình chủ yếu là cho mục đích dân sự và phục vụ công ích cho khu vực, đồng thời Trung Quốc có quyền tự vệ phù hợp với Luật quốc tế. Theo lập trường của Trung Quốc thì Hoa Kỳ mới là nước đang quân sự hoá bằng việc đưa tàu chiến và máy bay tới gần khu vực đảo đá Trung Quốc đang chiếm đóng. Tuy nhiên Hoa Kỳ khẳng định các hoạt động tự do hải hành của mình là phù hợp với Luật quốc tế và Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động này ở những nơi mà luật quốc tế cho phép.
Khi được hỏi Hoa Kỳ và Trung Quốc đang làm những điều gì cụ thể để xây dựng cơ chế quân sự nhằm tránh xung đột ở Biển Đông, và liệu có sự thay đổi gì trong hoạt động không, câu trả lời của Bộ trưởng Mattis và Uỷ viên Bộ Chính trị Dương cho thấy hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề này.
Bộ trưởng Mattis: “Liên quan đến các cuộc tập trận và hoạt động của chúng tôi ở Biển Đông, Hoa Kỳ tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và các quy tắc hàng hải quốc tế, và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào thuộc vùng biển và vùng trời quốc tế. Vì vậy, điều quan trọng nhất là tất cả chúng ta đều dành sự quan tâm như nhau đối với luật pháp quốc tế.”
Uỷ viên Bộ chính trị Dương: “Trong bài phát biểu khai mạc của tôi, tôi đã nói rằng trong cuộc thảo luận, chúng tôi đã nói về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã tái khẳng định lập trường có tính nguyên tắc của mình về vấn đề này và chỉ ra rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đói với các hòn đảo ở Nansha (Trường Sa) và các vùng nước lân cận. Trên lãnh thổ riêng của mình, Trung Quốc đang thực hiện một số công trình xây dựng cơ sở dân sự và các cơ sở quốc phòng cần thiết. Đây là quyền được giữ an toàn khỏi nguy hiểm và quyền tự vệ mà luật pháp quốc tế đã cung cấp cho nhà nước có chủ quyền mà không liên quan gì tới quân sự hóa. Những hành động này là hợp pháp. Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán với các bên liên quan trực tiếp. Trung Quốc đang làm việc với các nước ASEAN để thực hiện đầy đủ, toàn bộ và toàn diện, DOC, và việc tham vấn cho COC hiện nay đang có tiến bộ tốt. Vâng, hiện tại tình hình ở Biển Đông đang có xu hướng ổn định hơn.
Trong cuộc thảo luận vừa rồi, phía Trung Quốc đã nói rõ với Hoa Kỳ rằng họ nên ngừng gửi tàu và máy bay quân sự đến gần các đảo đá của Trung Quốc và chấm dứt các hành động làm suy yếu chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Và chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Điều đó chắc chắn sẽ giúp giảm thiểu rủi ro an ninh.”
Nguồn: Biển Đông trong Họp Báo sau Đối Thoại An Ninh & Ngoại Giao Mỹ – Trung – Dự án Đại Sự Ký Biển Đông 10/11/2018.
Mời đọc thêm:
Mike Pence: The United States seeks collaboration, not control, in the Indo-Pacific – Washington Post 09/11/2018
Ông Trump phái phó tướng tới châu Á để “đấu” Trung Quốc – Người Lao động 09/11/2018
Vice President Mike Pence to visit Japan, Singapore, Australia, and Papua New Guinea – White House 08/11/2018
Màn phô diễn sức mạnh ngay gần Trung Quốc của hải quân Mỹ, Nhật – VnExpress 09/11/2018
Bà Thái Anh Văn ‘thách thức’ Trung Quốc: ‘Đài Loan sẽ không lùi bước dù chỉ vài cm’ – Viet Nam Finance 09/11/2018.
Thực hư lời tố cáo nữ nghiên cứu sinh Trung Quốc có “hành vi gián điệp” ở Viện Hán Nôm Việt Nam
Ngày 31 tháng 10 vừa rồi, một số trang báo tiếng Việt đã đưa tin học giả Trung Quốc chụp trộm tài liệu liên quan đến Hoàng Sa ở Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam. Thông tin được dẫn nguồn từ lời tố cáo gay gắt của TS Nguyễn Xuân Diện về một nữ nghiên cứu sinh Trung Quốc đã chụp trộm “tư liệu quý” liên quan tới Hoàng Sa của Viện Hán Nôm. Sự kiện này đã làm dấy lên sự nổi giận của dư luận trên mạng xã hội mà phần nhiều xuất phát từ những nghi ngờ vốn có với Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông. Nhiều người đã buộc tội nữ học giả là gián điệp được cử sang thu thập thông tin tài liệu cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào ngày 10 tháng 11, TS Nguyễn Phúc Anh tại khoa Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra thông tin và một góc nhìn trái ngược về sự kiện này và cho rằng không nên lái chủ nghĩa dân tộc theo hướng tiêu cực để huỷ hoại danh dự một nhà nghiên cứu, “ảnh hưởng đến danh tiếng, quan hệ hợp tác nghiên cứu trong/ngoài nước, cùng sự phát triển lành mạnh của ngành Hán Nôm.”
Để rộng đường dư luận và nhằm hướng tới sự thật dựa trên tiếp nhận thông tin đa chiều một cách khách quan, xin mời độc giả tham khảo tiếp thông tin và góc nhìn của TS Nguyễn Phúc Anh về sự kiện này.
Nhóm thực hiện bản tin Biển Đông chúng tôi cùng chia sẻ quan điểm rằng những cảm xúc chủ nghĩa dân tộc theo hướng cảm tính, ít lý trí thật ra chỉ là một thứ “rượu rẻ tiền” – cách gọi của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki – mà lịch sử đã chứng minh chỉ dẫn tới phá hoại và huỷ diệt, thay vì bảo vệ đất nước.
Nhật Minh là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Phương pháp thực hiện bản tin: Chọn lọc, tóm tắt hoặc trích đoạn và biên dịch (khi cần) những thông tin đáng chú ý xung quanh vấn đề Biển Đông được đăng tải trong ngày trên truyền thông quốc tế và trong nước. Email liên hệ: sukybiendong@gmail.com.
———-
Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.