Tổng hợp và biên dịch: Nhật Minh
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông 08/11/2018

Nội dung
- Sẽ không có thoả thuận thăm dò chung nào được ký trong chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc tới Philippines.
- Philippines: Ngư dân không còn cảm thấy bình yên khi đánh cá ở nơi Trung Quốc hiện diện.
- Việt Nam: ngư dân là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền.
- Đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ – Trung.
- ASEAN trong vòng xoáy cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
- Cùng một số thông tin khác.
———-
Sẽ không có thoả thuận thăm dò chung nào được ký trong chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc tới Philippines
Philippines và Trung Quốc sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận thăm dò chung nào tại Biển Đông, nhưng có thể sẽ có những thảo luận giữa hai bên trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Philippines trong tháng này, Bộ trưởng Năng lượng Alfonso Cusi cho biết hôm thứ Tư.
Hiện tại Philippines đã có hai hợp đồng thăm dò dầu khí đang chờ chữ ký của Tổng thống Duterte, ông Cusi nói.
Một trong những hợp đồng đó liên quan đến một dự án hợp tác thăm dò giữa Công ty Dầu khí Quốc gia Philippine (PNOC) và Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC Ltd). Dự án này nằm ngoài khơi Calamian ở tỉnh Palawan, không nằm trong yêu sách của Trung Quốc.
Ông không cho biết chi tiết về hợp đồng thứ nhì. Tuy nhiên hợp đồng này không liên quan đến dự án thăm dò dầu khí của Tập đoàn năng lượng PXP của Philippines ở Bãi Cỏ Rong. Đây là khu vực mà Trung Quốc đang tranh chấp với Philippines.
Ông Cusi cũng một lần nữa kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm thăm dò ở Bãi Cỏ Rong mà chính phủ Philippines đã ban hành trước đây. Vấn đề này hiện đang do Bộ Ngoại giao Philippines chịu trách nhiệm vì liên quan đến một số vấn đề ngoại giao. Theo ông Cusi, để khôi phục lại việc thăm dò thì cần phải dỡ bỏ lệnh cấm đó.
Nguồn:
2 oil exploration contracts awaiting Duterte’s signature: Cusi – Rappler ngày 07/11/2018
Philippines says 2 energy exploration deals with China ready for signing – Reuters ngày 07/11/2018.
Philippines: Ngư dân không còn cảm thấy bình yên khi đánh cá ở nơi Trung Quốc hiện diện
Tuần trước, một bộ phận của Cục Thuỷ sản và Tài nguyên dưới nước của Philippines (BFAR) đã thúc giục các tàu đánh cá địa phương và các hạm đội thương mại tới Biển Tây Philippines (một phần của Biển Đông) đánh bắt cá bởi khu vực này vẫn còn ít được khai thác, trong khi các ngư trường khác cần được nghỉ ngơi để có thời gian phục hồi.
Tuy nhiên, một nhóm ngư dân dân quân phản hồi rằng việc đánh cá ở Biển Tây Philippines khó có thể xảy ra bởi sự hiện diện của Trung Quốc. Ngư dân Philippines đã không còn có thể đánh cá một cách bình yên ở vùng biển tranh chấp nơi Trung Quốc có mặt.
Nhóm kêu gọi BFAR hãy thúc giục Tổng thống Duterte duy trì quyền chủ quyền của Philippines trên vùng biển Tây Philippines.
“Thay vì chỉ khuyến khích chúng tôi phiêu lưu ở Biển Tây Philippines, nơi có sự hiện diện dày đặc nhân viên công sự Trung Quốc, BFAR nên đặt áp lực lên Tổng thống Duterte, để ông phải có một lập trường mạnh mẽ chống lại việc Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển của chúng ta và để cho ngư dân Philippines có thể đánh bắt nguồn tài nguyên thuộc về nước mình,” người đại diện nhóm ngư dân nói.
Việt Nam: ngư dân là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền
Ngày ngày, ngư dân Đà Nẵng kiên cường vươn khơi bám biển, tích cực tham gia cứu hộ cứu nạn và các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Nguyễn Phú Ban, mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ như một cột mốc sống khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển.
Nguồn: Những ‘cột mốc sống’ khẳng định chủ quyền – Nông nghiệp Việt Nam 07/11/2018.
Đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ – Trung
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thông báo Cuộc đối thoại Ngoại giao và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc lần thứ hai (D&SD) sẽ được tổ chức tại Washington vào ngày 9 tháng 11 năm 2018.
Bộ trưởng Ngoại giao Michael R. Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James N. Mattis sẽ tiếp Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc và Chánh Văn phòng Công tác ngoại sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phương Hoà (Wei Fenghe), cùng với các thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ và đồng cấp Trung Quốc.
Tổng thống Donald J. Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra khuôn khổ đàm phán này tại Mar-a-Lago vào năm 2017 để mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong khi thu hẹp sự khác biệt về các vấn đề ngoại giao và an ninh quan trọng.
Nguồn: U.S.-China Diplomatic and Security Dialogue – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 05/11/2018.
ASEAN trong vòng xoáy cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
Theo Đài Channel News Asia, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận câu hỏi khá hóc búa tại diễn đàn, có sự tham gia của hơn 400 tên tuổi lớn trong chính giới và doanh nghiệp: “Trong bối cảnh căng thẳng quan hệ giữa các cường quốc hiện nay, liệu các nước nhỏ trong khu vực cần phải liên minh với nhau?”
Thủ tướng Lý cho rằng những người hàng xóm chưa bao giờ hết phức tạp. Ông lấy ví dụ Mỹ và Canada là hàng xóm của nhau, nhiều lúc cũng gặp trục trặc nhưng hai bên đã có những cuộc nói chuyện thú vị theo thời gian.
“Sẽ luôn có những vấn đề nảy sinh, và chúng ta sẽ phải đối phó với chúng theo cách mang tính xây dựng, hai bên cùng thắng và tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau,” ông nói.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, các nước ASEAN sẽ có nhiều góc nhìn chiến lược khác nhau. Ông cho biết Trung Quốc đang ngày càng có vai trò lớn mạnh ở Đông Dương, nhưng Việt Nam đang cố gắng duy trì chính sách độc lập, tự chủ trong khi những nước Đông Dương khác như Lào và Campuchia thì xem Trung Quốc như một nguồn hỗ trợ và hợp tác lớn.
Nguồn:
Thủ tướng Lý Hiển Long: “Chúng ta không thể chọn hàng xóm” – Tuổi Trẻ Online ngày 07/11/2018
Những thông tin khác:
Đức sẽ gây sức ép với Trung Quốc về kiểm soát vũ khí – Thế giới & Việt Nam 07/11/2018
Khánh Hòa: Khách du lịch Trung Quốc ở lại lao động không phép – RFA ngày 07/11/2018
Nhật Minh là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Phương pháp thực hiện bản tin: Chọn lọc, trích đoạn và biên dịch (khi cần) những thông tin đáng chú ý xung quanh vấn đề Biển Đông được đăng tải trong ngày trên truyền thông quốc tế và trong nước. Email liên hệ: sukybiendong@gmail.com.
———-
Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.