Tổng hợp và biên dịch: Nhật Minh
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 09/11/2018
Nội dung
- Việt Nam-Australia ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng.
- Canada tham gia chiến dịch kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông.
- Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động sử dụng các trạm quan trắc ở quần đảo Trường Sa.
———-
Việt Nam-Australia ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng
Nhận lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Australia từ ngày 6-8 tháng 11.
Chiều 8 tháng 11, Bộ trưởng Pyne đã chủ trì lễ đón chính thức Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch. Các Bộ trưởng đã thảo luận về những thách thức chiến lược trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và những cơ hội tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm cả an ninh hàng hải.
Hai bên đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt Nam-Australia. Đây sẽ là chỉ dẫn cho việc mở rộng hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Australia trong các lãnh vực như an ninh hàng hải, hợp tác gìn giữ hoà bình.
“Mối quan hệ quốc phòng của chúng tôi đã bước vào thập kỷ thứ ba, Australia và Việt Nam cam kết tăng cường hòa bình và an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương trên cơ sở một hệ thống dựa trên luật pháp, chứ không phải dựa trên cưỡng chế, và trong đó quyền của tất cả các nước, lớn hay nhỏ, đều được bảo vệ. ” Bộ trưởng Pyne nói.
Nguồn:
2018 Australia-Vietnam Defence Ministers’ Meeting – Department of Defence Ministers 08/11/2018
Việt Nam-Australia ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng – TTXVN 08/11/2018.
Canada tham gia chiến dịch kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông
Canada triển khai chiến hạm HMCS Calgary đến Tây Thái Bình Dương để tập trận chống tàu ngầm chung với Nhật Bản và Mỹ giữa lúc ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Chúng tôi hy vọng mỗi năm có thể triển khai 1 hoặc 2 tàu chiến tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau với nhiều đồng minh khác nhau trong khu vực” – Đại tá Blair Saltel, thuyền trưởng của HMCS Calgary, khẳng định ở TP Yokosuka – Nhật Bản.
Canada quyết định triển khai tàu chiến tham gia tập trận Hải quân ở châu Á sau khi các quốc gia khác, bao gồm Anh, Pháp và Nhật, tăng cường hiện diện trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc.
Nguồn: Canada tham gia chiến dịch kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông – Người Lao động 08/11/2018.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động sử dụng các trạm quan trắc ở quần đảo Trường Sa
Ngày 08 tháng 11 năm 2018, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời các câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng về việc vừa qua Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên một số cấu trúc ở quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc xây dựng, cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nói trên, tuân thủ nghiêm “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).”
Nguồn: Phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng – Bộ Ngoại giao Việt Nam 08/11/2018
Mời đọc lại: Trung Quốc mở 3 trạm khí tượng ở Trường Sa: Đâu là mục đích thực sự? – Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 04/11/2018.
Nhật Minh là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Phương pháp thực hiện bản tin: Chọn lọc, trích đoạn và biên dịch (khi cần) những thông tin đáng chú ý xung quanh vấn đề Biển Đông được đăng tải trong ngày trên truyền thông quốc tế và trong nước. Email liên hệ: sukybiendong@gmail.com.
———-
Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.