Tổng hợp và biên dịch: Nhật Minh
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 4 tháng 11 năm 2018
Nội dung:
- Đâu là mục đích thật sự của việc Trung Quốc mở trạm khí tượng ở Trường Sa?
- Anh sẽ bán không giới hạn radar quân sự cho Trung Quốc.
- Doanh nghiệp ở Thừa Thiên – Huế xin nhận chìm hơn 700.000m3 bùn thải xuống biển.
- Biển Đông, thương mại tăng cường quan hệ Việt – Pháp.
- Việt Nam là quốc gia danh dự tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc.
- Tư lệnh Hải Quân Mỹ: Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc ứng xử trên biển.
- Nga ủng hộ đưa Trung Quốc, NATO vào Hiệp ước hạt nhân INF.
———-
Trung Quốc mở 3 trạm khí tượng ở Trường Sa: Đâu là mục đích thực sự?
Theo Taiwan News, điều kiện thời tiết trên Biển Đông khá khắc nghiệt và thường có những diễn biến khó lường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động hàng hải trong khu vực. Do đó, có khả năng cao là các trạm khí tượng này được thiết lập để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, mặc dù Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các công trình xây dựng của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo là nhằm cung cấp “các dịch vụ công ích” cho các nước trong khu vực, theo CNN.
Các trạm khí tượng, đặc biệt là ở những nơi có điều kiện dễ bay hơi, là một bộ phận quan trọng của quốc phòng. Trung Quốc đã tìm cách loại bỏ các điểm mù trong quan sát khí tượng ở các khu vực đặc biệt gây tranh cãi. Ví dụ như gần đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã thiết lập các trạm thời tiết không người dọc theo biên giới Ấn Độ ở Tây Tạng để hỗ trợ vận chuyển và giao tiếp.
Cần lưu ý rằng trong tháng 10 vừa rồi, Trung Quốc cũng có thể đã cài đặt các thiết bị giám sát dưới nước ngay ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương — với danh nghĩa là quan sát môi trường. Các thiết bị điều khiển đã được lắp đặt ở đây với sự giúp đỡ của chính quyền Canada và được nói là chỉ được dùng để phát hiện các hóa chất nằm sâu dưới biển. Tuy nhiên, chúng được đặt dọc theo một tuyến đường biển đặc biệt mang tính chiến lược và năng lực phát hiện tàu ngầm hoặc các tàu hải quân khác của những thiết bị này hiện vẫn chưa được xác định.
Nguồn:
TQ mở trái phép 3 trạm khí tượng ở Trường Sa: Đâu là mục đích thực sự? – SOHA 02/11/2018
China opens a number of weather observatories on contested Spratly Islands – Taiwan News 01/11/2018
Beijing operates weather stations in South China Sea artificial islands – CNN Philippines 03/11/2018
China builds unmanned weather station near border with India – Global Times 16/07/2018.
Mời đọc lại: Alexander L. Vuving: Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông – Dự án Đại Sự Ký Biển Đông 21/02/2016.
Anh sẽ bán không giới hạn radar quân sự cho Trung Quốc
Một tập đoàn quốc phòng Anh mới đây đã được London bật đèn xanh để cung cấp khí tài quân sự cho quân đội Trung Quốc, bao gồm cả các tổ hợp radar hàng không có thể được sử dụng cho lực lượng không quân, Bưu điện Hoa Nam đưa tin ngày 1 tháng 11.
Theo Bộ Thương mại Quốc tế Anh, tập đoàn giấu tên này đã nhận được giấy phép xuất khẩu không giới hạn (OIEL) cho hợp đồng từ tháng 4 năm 2018, hai tháng sau khi Thủ tướng Anh Theresa May có chyến thăm tới Bắc Kinh.
“Đó là một đơn hàng khổng lồ và khách hàng cuối cùng chính là không quân Trung Quốc”, Andrew Smith, phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ chống buôn bán vũ khí tại London, cho biết.
Nguồn: Anh sẽ bán không giới hạn radar quân sự cho Trung Quốc – VnExpress 03/11/2018
Nguồn tin gốc: Britain to sell China ‘unlimited’ amount of military radar equipment, technology – South China Morning Post 01/11/2018.
Thừa Thiên – Huế: Doanh nghiệp xin nhận chìm hơn 700.000 m3 bùn thải xuống biển
Sáng ngày 2 tháng 11, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Công ty TNHH Hào Hưng Huế – chủ đầu tư dự án Bến số 3 Cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) – vừa có văn bản xin nhận chìm 715.000 m3 bùn thải xuống biển.
Theo văn bản của Công ty TNHH Hào Hưng Huế gửi đến Bộ Tài nguyên & Môi trường, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về vị trí đổ 1,2 triệu m3 bùn nạo vét khi thực hiện dự án Bến số 3 Cảng Chân Mây. Doanh nghiệp cho rằng đây là nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ trong việc thực hiện các hạng mục.
Trên cơ sở đó, Công ty TNHH Hào Hưng Huế đưa ra phương án nhận chìm ngoài biển khoảng 715.000 m3 bùn trong trường hợp không đổ được vật liệu nạo vét lên bờ. Vị trí dự kiến đổ bùn nằm cách bờ biển khoảng 3 km.
Nguồn: TT-Huế: Doanh nghiệp xin nhận chìm hơn 700.000m3 bùn thải xuống biển – Dân Việt 02/11/2018.
Biển Đông, thương mại tăng cường quan hệ Việt-Pháp
Le Figaro ngày 2 tháng 11 có bài “Thủ tướng Philippe muốn củng cố quan hệ với Việt Nam”. Trong chuyến công du cựu thuộc địa Đông Dương, thủ tướng Pháp tìm cách tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên Le Figaro nhấn mạnh nghịch lý, là Pháp chưa bao giờ biết tranh thủ thế mạnh của mình, hiện chỉ chiếm có 1% thị phần Việt Nam. Trong những tháng gần đây, Hà Nội đã có sự chuyển hướng chiến lược, không ngần ngại đứng mũi chịu sào trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, mở cửa trước những đối tác khác thay vì người láng giềng khổng lồ phương bắc.
“Trục Ấn Độ – Thái Bình Dương” được tổng thống Emmanuel Macron cổ vũ nay là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Thông điệp của Paris về tôn trọng Luật Biển và tự do hàng hải được đón nhận tích cực tại đất nước đang bị Bắc Kinh đe dọa, bên cạnh đó là những chuyến viếng thăm của các chiến hạm, chiến đấu cơ Pháp trong khuôn khổ chiến dịch Pégase hồi tháng Tám. Paris cho biết sẵn sàng “giúp đỡ” Việt Nam về thiết bị quân sự, một lãnh vực mà xưa nay Nga chiếm ưu thế.
Nguồn: Biển Đông, thương mại tăng cường quan hệ Việt-Pháp – RFI 02/11/2018
Đọc thêm: Hai Thủ tướng Việt-Pháp chứng kiến Lễ ký nhiều văn kiện,thỏa thuận – Tiền Phong 02/11/2018.
Việt Nam là quốc gia danh dự tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc
Từ ngày 4 – 5 tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải.
Hội chợ này là sáng kiến của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai – con đường” được tổ chức vào tháng 5 năm 2017 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Hội chợ sẽ được tổ chức hàng năm.
Nguồn: Việt Nam là quốc gia danh dự tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc – Thanh Niên 03/11/2018.
Tư lệnh Hải Quân Mỹ: Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc ứng xử trên biển
Trong vòng ghé thăm 4 quốc gia vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, tư lệnh Hải Quân Mỹ, đô đốc John Richardson đã đến Úc, và vào hôm 1 tháng 11, đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ chặt chẽ các quy tắc ứng xử để tránh những vụ va chạm không cố ý trên biển. Lời nhắc nhở này được nêu lên trong bối cảnh mới đây, tàu chiến Trung Quốc bị tố cáo là đã suýt đâm vào một khu trục hạm Mỹ trên Biển Đông.
Nguồn: Tư lệnh Hải Quân Mỹ: Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc ứng xử trên biển – RFI 02/11/2018
Nguồn tin gốc: China should stick to code of conduct at sea: US Navy chief – South China Morning Post 01/11/2018.
Nga ủng hộ đưa Trung Quốc, NATO vào Hiệp ước hạt nhân INF
Nga nói ủng hộ việc đưa Trung Quốc và cả NATO vào Hiệp ước hạt nhân INF sau khi Mỹ tháng trước tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước.
Nói với báo chí ngày 1 tháng 11, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết Nga ủng hộ sửa đổi Hiệp ước tên lửa đạn đạo tầm trung (INF) mà Nga ký với Mỹ thành một hiệp ước đa phương, bao gồm thêm không chỉ Trung Quốc mà cả các nước NATO.
“Nga ủng hộ đa phương hóa hiệp ước này để đảm bảo không chỉ Trung Quốc mà cả các nước NATO mà trước hết là Pháp và Anh là một phần của nó” –Sputnik dẫn lời Đại sứ Antonov.
Nguồn: Nga ủng hộ đưa Trung Quốc, NATO vào Hiệp ước hạt nhân INF – Pháp luật TP. Hồ Chí Minh 02/11/2018.
Nhật Minh là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Phương pháp thực hiện bản tin: Chọn lọc, trích đoạn và biên dịch (khi cần) những thông tin đáng chú ý xung quanh vấn đề Biển Đông được đăng tải trong ngày trên truyền thông quốc tế và trong nước. Email liên hệ: sukybiendong@gmail.com.
———-
Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.
[…] đọc lại: Trung Quốc mở 3 trạm khí tượng ở Trường Sa: Đâu là mục đích thực sự? ̵…Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày […]
LikeLike