Biển Đông Có Gì Mới 1/11/2018

Tổng hợp và biên dịch: Nhật Minh

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 2 tháng 11 năm 2018

01

Philippines hy vọng đạt được thoả thuận năng lượng ở Biển Đông với Trung Quốc

Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi lạc quan rằng một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc ở Biển Đông cuối cùng cũng sẽ có tiến triển khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Philippines vào tháng tới.

Trong một cuộc phỏng vấn ở Singapore, Cusi cho biết các điều khoản cho một thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc có thể được hoàn tất trong chuyến thăm của ông Tập. Chính phủ cũng đang thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm thăm dò ở các vùng nước tranh chấp của Tổng thống tiền nhiệm. Lệnh này đã cản trở tiềm năng liên doanh giữa Tổng Công ty Năng lượng PXP (PXP Energy Corp.) và Tổng công ty Dầu khí Hải Dương của Trung Quốc (China National Offshore Oil Corp).

“Chúng tôi đang thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm, và ý tưởng thăm dò chung với Trung Quốc cũng được đề xuất,” Cusi nói hôm thứ Ba. “Hai vấn đề này vẫn còn đang được thảo luận và hy vọng sẽ được giải quyết trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ đạt được một số điều khoản cho những vấn đề này.”

Bất kỳ thỏa thuận nào về thăm dò chung sẽ là một chiến thắng lớn cho Trung Quốc, nước đã không ngừng nỗ lực trong suốt thập kỷ qua ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á khai thác tài nguyên năng lượng ở Biển Đông.

Philippines đã từng liên kết với Việt Nam bác bỏ việc Trung Quốc dùng yêu sách đối với hầu hết Biển Đông làm cơ sở cho thăm dò chung. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Dueterte lên nhậm chức, ông đã thực hiện chính sách thân thiện với Trung Quốc và ủng hộ ý tưởng thăm dò chung với Trung Quốc với mức phân chia lợi nhuận 60 – 40.

Nhưng mặc dù tình bạn giữa ông Duterte và ông Tập đã trở nên sâu sắc, các cuộc đàm phán cho một thoả thuận giữa hai nước đã kéo dài hàng tháng trời. Một cuộc họp giữa các nhà ngoại giao hàng đầu hai nước hôm thứ Hai vừa rồi đã thất bại, không thể tạo ra bước đột phá trong kế hoạch thăm dò chung.

Chủ tịch Tập đoàn năng lượng PXP Manuel Pangilinan đã bực bội nói với các phóng viên rằng ông không nghĩ lệnh cấm thăm dò ở vùng biển tranh chấp sẽ được dỡ bỏ kịp thời cho chuyến thăm của ông Tập vào tuần thứ ba của tháng 11. Các cuộc đàm phán với CNOOC không thể khởi động lại cho đến khi Philippines và Trung Quốc ký kết được thỏa thuận song phương, ông nói.

“Chúng tôi đang nói chuyện với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này,” Cusi nói. “Đây là vấn đề được chúng tôi ưu tiên cao vì chúng ta có rất nhiều dự trữ tài nguyên có thể thăm dò và khai thác.”

Nguồn: Philippines hopeful for South China Sea energy deal – World Oil 30/10/2018.

Đọc thêm: Ngành Dầu khí Việt Nam trong tầm nhìn mới về chiến lược biển – Năng lượng Việt Nam 28/10/2018.

Philippines muốn thu hút nguồn đầu tư từ Bắc Kinh

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 1 tháng 11 cho biết chính phủ Philippines muốn thu hút thêm nguồn đầu tư của Bắc Kinh, tranh thủ cuộc chiến thương mại và cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ – một đồng minh phòng thủ truyền thống của Manila.

Ông Tập sẽ đến Manila sau khi ông dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ bế mạc ngày 18 tháng 11 tới ở Papua New Guinea. Theo Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez, dự kiến Philippines sẽ ký ít nhất 5 thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc, có cả các thỏa thuận vay thêm tiền của Bắc Kinh, để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bởi vậy, các nhà phân tích dự đoán Tổng thống Philippines có thể sẽ tạm thời bỏ qua vấn đề tranh chấp Biển Đông khi tiếp ông Tập Cận Bình.

Nguồn: Philippines né vụ tranh chấp Biển Đông khi tiếp Chủ tịch Trung Quốc – Một Thế Giới 1/11/2018

Nguồn tin gốc: Philippines must strike a balance when China’s Xi Jinping comes to visit, analysts say – South China Morning Post 1/11/2018.

Trung Quốc đưa trạm quan trắc khí tượng ở Trường Sa vào hoạt động

Theo CCTV News ngày 31 tháng 10 đưa tin, bắt đầu từ 31 tháng 10, Trạm quan trắc khí tượng trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa chính thức được đưa vào hoạt động. Bài báo nói các trạm quan trắc sẽ giúp cho ngư dân, các nước xung quanh và tàu thuyền qua lại Biển Đông được nhận thông tin cảnh báo thời tiết chính xác hơn.

Nguồn: 我国南沙岛礁气象观测站今天起正式启用Shanghai Observer 31/10/2018.

Hội nghị công tác Cảnh sát biển Việt Nam-Trung Quốc lần II

Hội nghị công tác Cảnh sát biển Việt Nam-Trung Quốc đầu tiên được tổ chức năm 2016, trong đó hai bên đã thống nhất triển khai các nội dung hợp tác như thiết lập đầu mối liên lạc chia sẻ thông tin liên quan đến tình hình tội phạm trên biển; hoạt động nghề cá của ngư dân hai bên; công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển; tổ chức cho tàu cảnh sát biển hai bên sang thăm hữu nghị; giao lưu sỹ quan trẻ; tăng số lần kiểm tra liên hợp nghề cá từ 1 lần/năm lên 2 lần/năm.

Ngày 31 tháng 10 vừa rồi, tại thành phố Vũng Tàu đã diễn ra Hội nghị công tác Cảnh sát biển Việt Nam-Trung Quốc lần thứ II nhằm tổng kết các nội dung hợp tác từ Hội nghị công tác Cảnh sát biển Việt Nam-Trung Quốc lần thứ nhất và định hướng hoạt động hợp tác thời gian tới.

Hai bên thống nhất, thời gian tới cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn nữa; tăng cường chia sẻ thông tin liên quan đến nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm cứu nạn và phối hợp xử lý ổn thỏa những vụ việc phát sinh nghề cá trên biển. Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác đã được quyết định tại hội nghị lần thứ nhất; nghiên cứu, làm mới các nội dung hợp tác để đạt mục đích và hiệu quả cao hơn.

Nguồn: Hội nghị công tác Cảnh sát biển Việt Nam-Trung Quốc lần II – TTXVN 31/10/2018.

Đọc thêm: Học giả Trung Quốc chụp trộm tài liệu liên quan đến Hoàng Sa ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam – RFA 31/10/2018.

Nhật Minh là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Phương pháp thực hiện bản tin: Chọn lọc, trích đoạn và biên dịch (khi cần) những thông tin đáng chú ý xung quanh vấn đề Biển Đông được đăng tải trong ngày trên truyền thông quốc tế và trong nước. Email liên hệ: sukybiendong@gmail.com.

Phần tin tiếng Trung được dẫn từ nguồn của nhà biên dịch Nguyễn Trung Thuần.

———-

Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.