Tổng hợp và biên dịch: Nhật Minh
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 31 tháng 10 năm 2018

Philippines ngụ ý sẵn sàng thoả hiệp về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Hai vừa rồi ở thành phố Davao, tân Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jrs. nói Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông không cần phải ràng buộc pháp lý. Điều này phù hợp với mong muốn của Trung Quốc chỉ muốn có một Bộ quy tắc “ràng buộc”, trong khi khối ASEAN thì muốn Bộ quy tắc phải “ràng buộc pháp lý”.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói, “Chúng tôi hoan nghênh những ý kiến có tính xây dựng trong khuôn khổ … đã được đồng ý.” Khuôn khổ mà ông nhắc đến là bản phác thảo chung đã được ASEAN và Trung Quốc thống nhất vào năm ngoái, trong đó loại bỏ phần tham chiếu cho một Bộ quy tắc ràng buộc pháp lý. Bản phác thảo này về cơ bản lặp lại tinh thần của Tuyên Bố về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông năm 2002 (DOC). Các nhà phê bình và quan chức ASEAN cho biết bản tuyên bố này đã thất bại trong việc quản lý căng thẳng trong khu vực tranh chấp vì nó không ràng buộc về mặt pháp lý.
Cũng có những ý kiến khác cho rằng điều quan trọng không phải là Bộ quy tắc có ràng buộc pháp lý hay không. Bởi cho dù có một Bộ quy tắc ràng buộc pháp lý nhưng thiếu những cơ chế thực thi, chế tài trên thực tế thì các quốc gia vẫn có thể vi phạm vì không phải đón nhận trừng phạt đáng kể. Những học giả theo trường phái quan điểm này cho rằng điều quan trọng là các điều khoản trong Bộ quy tắc cần phải càng chi tiết, càng cụ thể càng tốt để dễ dàng khiến các nước vi phạm phải trả giá về mặt uy tín trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều luật sư quốc tế cho rằng việc phá vỡ các cam kết “có tính pháp lý” sẽ phải trả một phí tổn lớn hơn về mặt uy tín so với phá vỡ các cam kết không có tính pháp lý. Và Trung Quốc dĩ nhiên coi trọng phí tổn này, nếu không nước này đã không cần khăng khăng đòi hỏi Bộ quy tắc không ràng buộc pháp lý, theo Giáo sư luật Julian Ku của Đại học Hofstra.
Nguồn: Philippines hints at compromise on South China Sea dispute pact – Nikkei Asian Review 29/10/2018 cùng một số thảo luận trong giới học giả quốc tế nghiên cứu Biển Đông.
Mỹ gia tăng sức ép lên Trung Quốc
Ngày 30 tháng 10, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời Tư lệnh các chiến dịch hải quân Mỹ John Richardson tuyên bố lực lượng này sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông nhằm chống lại những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Tuyên bố được đưa ra trong một cuộc họp báo với giới sĩ quan quân đội Philippines ở thủ đô Manila chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại thành phố Davao rằng một số “nước nằm ngoài khu vực” đang gây rối ở Biển Đông và “phô diễn lực lượng”.
Ngoài ra, nhận định về vụ tàu Trung Quốc quấy rối tàu Mỹ trên Biển Đông hôm 30 tháng 9, đô đốc Richarson nói: “Mỹ và Trung Quốc sẽ còn chạm mặt nhau nhiều lần nữa trên biển”.
Cùng ngày, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin từ Nhà Trắng cho hay Mỹ đang chuẩn bị công bố thuế suất mới đối với toàn bộ những mặt hàng nhập từ Trung Quốc nếu hai bên không đạt thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Hội nghị G-20 tại Argentina (ngày 30 tháng 11 – 1 tháng 12). Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đưa Công ty Fujian Jinhua của Trung Quốc vào danh sách cấm mua linh kiện, phần mềm và sản phẩm công nghệ từ các đối tác Mỹ vì bị cáo buộc đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Tờ South China Morning Post ngày 30 tháng 10 dẫn lời ông Đặng Phác Phương, con trai cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, kêu gọi chính quyền nước này “giữ đầu óc tỉnh táo và biết vị trí của mình.”
Nguồn: Mỹ gia tăng sức ép lên Trung Quốc – Thanh Niên 30/10/2018.
Nhật – Ấn thắt chặt hợp tác quốc phòng
Truyền thông Nhật Bản cho biết việc thủ tướng Nhật Shinzo Abe và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi đã thỏa thuận hai bên sẽ tiến hành các đối thoại theo cơ chế 2+2, giữa các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng, với mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự hóa. Đối thoại 2+2 là một cơ chế thường chỉ được thiết lập giữa các quốc gia có quan hệ đồng minh mật thiết.
Thông cáo chung giữa New Delhi và Tokyo cũng cho biết hai bên sẽ hoàn tất đàm phán để Hải Quân hai nước có thể sử dụng một số căn cứ và dịch vụ quốc phòng của nhau (thỏa thuận ACSA), trong đó có việc phía Ấn Độ sẽ được phép sử dụng căn cứ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại Djibouti (châu Phi), hay phía Nhật được tiếp cận với các quân cảng Ấn Độ tại các đảo Andaman và Nicobar, trên Ấn Độ Dương, sát với eo biển chiến lược Malacca. Hai bên dự kiến sớm đúc kết thỏa thuận này, để chuẩn bị cơ sở hậu cần cho các cuộc tập trận song phương, dự kiến diễn ra trong hai năm tới, 2019-2020.
Nguồn: Nhật – Ấn thắt chặt hợp tác quốc phòng – RFI 30/10/2018.
Nhật Minh là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Phương pháp thực hiện bản tin: Chọn lọc, trích đoạn và biên dịch (khi cần) những thông tin đáng chú ý xung quanh vấn đề Biển Đông được đăng tải trong ngày trên truyền thông quốc tế và trong nước. Email liên hệ: sukybiendong@gmail.com.
Dự án xin gửi lời cảm ơn một số nhà nghiên cứu đã hỗ trợ chia sẻ tư liệu.
———-
Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.