Tác giả: Carl Thayer
The Diplomat Magazine, 28/6/2017
Biên dịch: Lê Thị Xuân Phương, Đỗ Văn Minh
Hiệu đính: Huệ Việt, Nguyễn Huy Hoàng

Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tháng 7 năm 2016 đang đứng ở đâu trong tranh chấp Biển Đông?
>> Cập nhật của BTV: Ngày 5 tháng 7 năm 2017, lần đầu tiên trong một tuyên bố chung giữa một quốc gia ASEAN và quốc gia khác, mà cụ thể ở đây là giữa Việt Nam và Ấn Độ, đã nhắc trực tiếp đến Phán quyết của Toà trọng tài nhằm nhấn mạnh sự ủng hộ của hai quốc gia đối với hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, dựa trên các nguyên tắc của luật quốc tế. Xem Tuyên bố chung Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Việt Nam.
Vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, Toà trọng tài có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) đã xét xử và ban hành phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông. Phán quyết hoàn toàn nhất trí gần như tất cả 15 đệ trình của Philippines và thể hiện sự tiến bộ rất lớn trong việc giải thích và làm rõ Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). UNCLOS được các chuyên gia về luật quốc tế thừa nhận rộng rãi như một bản hiến pháp đại dương trên thế giới và cả Trung Quốc và Philippines đều đã ký và phê chuẩn Công ước này.
Theo Điều 11, Phụ lục VII, UNCLOS về vấn đề trọng tài, “phán quyết có tính chất tối hậu và không được kháng cáo … Các bên tranh chấp phải tuân thủ”. Tuy nhiên, nhìn lại năm qua, rõ ràng Phán quyết của Tòa trọng tài đã không được thực thi. Cả Trung Quốc và Philippines đều không tuân theo phán quyết này. Ngay từ đầu, Trung Quốc phản đối toàn bộ quy trình trọng tài và quốc gia này cũng đã nhiều lần tuyên bố không công nhận thẩm quyền của Tòa. Trong khi đó, Philippines, dưới sự lãnh đạo mới của Tổng thống Rodrigo Duterte, đã gác Phán quyết sang một bên nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Những quyết định của Toà Trọng tài vào tháng 7 năm 2016
Phán quyết hay các quyết định của Toà trọng tài có thể được chia thành năm nhóm:
Thứ nhất, tòa án phán quyết rằng yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc đòi hỏi quyền lịch sử, các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác ở Biển Đông là “trái với Công ước và không có hiệu lực pháp luật”. Hơn nữa, Toà án đã nhận thấy rằng UNCLOS “thay thế bất kỳ quyền lịch sử, quyền chủ quyền hoặc thẩm quyền khác” “vượt quá các giới hạn theo luật định” mà Trung Quốc đòi hỏi.
Thứ hai, Tòa phán quyết rằng không có bất kỳ thực thể địa lý nào ở Biển Đông là đảo theo định nghĩa của UNCLOS và do đó các cấu trúc này không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) hoặc thềm lục địa. Tòa xác định rằng các cấu trúc: Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven (Bắc), Gạc Ma, Ken Nan và Scarborough là đá và chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý.
Tòa cũng nhận thấy rằng các cấu trúc Gaven (Nam), Tư Nghĩa, Vành Khăn, Cỏ Mây và Xu Bi thấp hơn mực nước biển ở triều cao (lúc nổi lúc chìm) và do đó các cấu trúc này không tạo ra bất kỳ vùng biển của riêng mình và không phải là đối tượng để yêu sách chủ quyền. Nói cách khác, Trung Quốc không thể đòi chủ quyền đối với những cấu trúc này.
Thứ ba, Hội đồng trọng tài đã chỉ ra rằng tàu chấp pháp của Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên UNCLOS và Công ước quốc tế phòng ngừa va chạm trên biển (1972) khi tạo ra “nguy cơ đâm va cao, gây nguy hiểm cho tàu và người Philippines” thông qua các chiến thuật tấn công cũng như là đâm va.
Hơn nữa, Tòa đã kết luận rằng các tàu chấp pháp trên biển của Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền của Philipinnes bằng việc can thiệp vào các hoạt động thăm dò dầu khí, áp đặt Lệnh cấm đánh bắt cá, không ngăn chặn tàu đánh cá bất hợp pháp của ngư dân Trung Quốc và ngăn cản ngư dân Philipinnes tham gia vào các hoạt động đánh bắt cá truyền thống.
Thứ tư, Hội đồng trọng tài kết luận Trung Quốc đã không thực hiện các nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển ở Biển Đông. Theo phán quyết, việc xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc “đã gây hại nghiêm trọng, không thể khắc phục được với môi trường sinh thái của các rặng san hô, và Trung Quốc đã không hợp tác hay phối hợp với các quốc gia khác trong khu vực Biển Đông liên quan đến việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển”.
Thứ năm, Hội đồng trọng tài kết luận rằng việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo sau khi Philipinnes nộp đơn kiện vào tháng 01 năm 2013 đã làm nghiêm trọng hơn và mở rộng tranh chấp pháp lý về các quyền lợi hàng hải và các vấn đề bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.
Theo UNCLOS, Phán quyết của Toà Trọng tài ràng buộc với cả hai bên là Trung Quốc và Philippines; do đó Phán quyết phải được tuân thủ ngay lập tức và không thể kháng cáo.
Phản ứng của các quốc gia ASEAN
Phản ứng chung của các quốc gia Đông Nam Á đối với phán quyết của Tòa trọng tài đã và đang rất yếu ớt, câm lặng và phù hợp với chính sách trước đây của ASEAN là tránh nhắc tên Trung Quốc trực tiếp trong các bản tuyên bố và chỉ đề cập vụ kiện trọng tài UNCLOS một cách mơ hồ qua cụm từ “các quy trình pháp lý và ngoại giao”.
Có bốn quốc gia Đông Nam Á có yêu sách. Các quốc gia này có thể được chia thành hai nhóm: các quốc gia ở tuyến đầu (Philippines và Việt Nam) và các quốc gia có yêu sách khác (Malaysia và Brunei). Indonesia đại diện cho một trường hợp đặc biệt vì quốc gia này không coi mình là một bên trong tranh chấp biển ở Biển Đông. Tuy nhiên, hoạt động đánh cá phi pháp và các hoạt động thực thi pháp luật bất hợp pháp của Lực lượng Cảnh sát biển của Trung Quốc ở vùng biển gần Đảo Natuna thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, trên thực tế, đã kéo Jakarta lún sâu vào các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc.
Với kết quả bầu cử quốc gia được tổ chức vào tháng 5 năm 2016, Ông Rodrigo Duterte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống mới của Philipines vào ngày 30 tháng 6, thay cho Ông Benigno Aquino, người đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài vào tháng 01 năm 2013. Chính quyền mới của Philippinnes đã ban hành một tuyên bố vào ngày 12 tháng 7 nhằm hoan nghênh Phán quyết của Tòa và kêu gọi “tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế và đúng mực… Philipinnes khẳng định mạnh mẽ tôn trọng quyết định nền tảng này như một đóng góp quan trọng cho các nỗ lực trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, ông Duterte đã nhiều lần tuyên bố ông sẽ gác Phán quyết của Tòa sang một bên và theo đuổi các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc. Vào tháng 01 năm 2017, tại vòng tham vấn ngoại giao lần thứ 20 giữa Philippines và Trung Quốc, hai bên đã nhất trí thiết lập một cơ chế song phương về vấn đề Biển Đông. Sau đó, giới truyền thông đưa tin rằng những cuộc tham vấn song phương này sẽ được tổ chức vào tháng 5. Cho tới thời điểm bài viết này được in trên tờ The Diplomat, chưa có bất kỳ thông tin nào rằng các cuộc tham vấn này đã tiến hành.
Việt Nam cũng đã có phản hồi vào ngày Phán quyết được ban hành. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016 giữa Philippines và Trung Quốc… Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý…”
Các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã tránh đề cập đến phán quyết của Tòa trong các phát ngôn về Biển Đông. Đơn cử, tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã có chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 8 năm 2016 theo lời mời của phía Trung Quốc. Truyền thông Việt Nam đã đưa tin rằng ông Lịch “khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là hai bên cần tuân thủ nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; giải quyết những bất đồng bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển”
Một tháng sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Hai bộ trưởng đã nhắc lại những lời tuyên bố có tính công thức trước đó về việc thực hiện hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC). Thông cáo chung ban hành sau chuyến thăm của hai bên đã không đề cập đến Phán quyết của Tòa.
Bộ Ngoại giao Malaysia cũng đưa ra một tuyên bố vào ngày 13 tháng 7 ghi nhận rằng hội đồng trọng tài đã ra một phán quyết. Tuyên bố này hy vọng rằng:
“…Tất cả các bên liên quan có thể giải quyết tranh chấp một cách hoà bình bằng việc thực sự tôn trọng đầy đủ các quy trình ngoại giao và pháp lý, luật pháp quốc tế liên quan và UNCLOS 1982. Malaysia tin rằng điều quan trọng là cần duy trì hòa bình và ổn định thông qua việc kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hơn nữa tranh chấp hoặc leo thang căng thẳng, và tránh hăm dọa hoặc sử dụng vũ lực ở Biển Đông.”
Ngay hôm sau, vào ngày 14 tháng 7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Brunei đã có một cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ Thời báo Brunei, trong đó ông tuyên bố: “Chúng tôi hoàn toàn cam kết việc đảm bảo giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển”.
Indonesia ban hành hai tuyên bố. Bản tuyên bố đầu tiên được ban hành vào ngày 12 tháng 7, trước khi Tòa trọng tài ban hành Phán quyết. Tuyên bố này kêu gọi “tất cả các bên thực hiện kiềm chế và tránh có những hành động làm gia tăng những căng thẳng”.
Tuyên bố thứ hai của Indonesia được đưa ra sau khi Phán quyết được công bố và tuyên bố này không đề cập đến hội đồng trọng tài. Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh có những hành động có thể làm leo thang căng thẳng; đồng thời bảo vệ khu vực Đông Nam Á khỏi bất kỳ hành động quân sự nào có thể đe dọa tới hòa bình và ổn định, cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS… và tiếp tục đàm phán hòa bình các yêu sách chồng chéo về chủ quyền ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế”.
Bộ Ngoại giao Myanmar đã ban hành thông cáo báo chí vào ngày 13 tháng 7, ghi nhận phán quyết của Tòa và “kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế”.
Campuchia, Lào và Thái Lan đều đưa ra các thông cáo trung lập không đề cập đến Phán quyết của Tòa trọng tài.
Lập trường ngoại giao chung của ASEAN
Vào năm 1992, ASEAN đã lần đầu tiên đưa ra tuyên bố về Biển Đông để phản ứng với sự gia tăng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc về các hoạt động thăm dò dầu khí quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank). Từ đó tới nay, ASEAN vẫn kiềm chế không gọi thẳng tên Trung Quốc. Phán quyết của tòa án trọng tài là một vấn đề song phương giữa Philippines và Trung Quốc và theo luật pháp quốc tế thì hai quốc gia này được kỳ vọng sẽ tuân thủ. Tuy nhiên, với sự phê phán cực kỳ thù địch của Trung Quốc về quá trình pháp lý và phán quyết cuối cùng, sẽ là không thực tế để mong đợi ASEAN ở tư cách một tổ chức sẽ đề cập tới phán quyết hoặc thậm chí kêu gọi đích danh Trung Quốc thực thi phán quyết.
Các ngoại trưởng ASEAN đã từng gặp nhau tại Vientiane từ 24 tới 25 tháng 7 năm 2016 trong một cuộc họp ngoại trưởng bình thường. Tại đây, đã có bốn văn kiện chính được ban hành, mà khi tập hợp lại, đã thể hiện lập trường ngoại giao thống nhất của ASEAN về tranh chấp hàng hải ở Biển Đông.
Thứ nhất, các bộ trưởng ASEAN đã nhắc đến sự kiện kỷ niệm lần thứ 40 Hiệp ước về Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), được thông qua năm 1976. TAC đã ràng buộc pháp lý mỗi thành viên không “tham gia vào bất kỳ hoạt động mà sẽ cấu thành đe dọa ổn định kinh tế và chính trị, chủ quyền, hoặc toàn vẹn lãnh thổ của thành viên khác.” TAC cũng thiết lập một cơ chế cho giải quyết tranh chấp hòa bình. Kết quả là, có 20 quốc gia gia nhập TAC, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Úc, Hoa Kỳ, và Liên Minh Châu Âu. Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN đã lưu ý rằng hiệp ước này “là bộ quy tắc ứng xử then chốt để điều chỉnh các mối quan hệ giữa các quốc gia” và tất cả các thành viên, bao gồm cả các thành viên ngoài Đông Nam Á, nên “tôn trọng đầy đủ và đẩy mạnh thực thi TAC hiệu quả.” Tiếp theo, các ngoại trưởng ASEAN đưa ra Thông cáo chung lần thứ 49 tóm tắt những phiên thảo luận kỹ lưỡng của họ. Biển Đông được nhắc đến trong một phần riêng biệt mà theo sát các tuyên bố trước đó. Ví dụ, các ngoại trưởng ASEAN bày tỏ… quan ngại sâu sắc về những diễn tiến gần đây và hiện tại, ghi nhận những quan ngại của một vài bộ trưởng (quốc gia thành viên) về các hoạt động cải tạo đảo và leo thang các hoạt động làm xói mòn niềm tin và sự tín nhiệm, gia tăng căng thẳng, phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Các ngoại trưởng cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không – quân sự hóa và tự kiềm chế trong tất cả các hoạt động, bao gồm các hoạt động cải tạo đảo mà có thể làm tình hình phức tạp thêm và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.” Các ngoại trưởng sau đó “nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tăng cường các nỗ lực để đạt được tiến bộ trọng yếu trong việc thực thi DOC một cách trọn vẹn cũng như trong các cuộc đàm phán COC sự đàm phán bền vững cho việc sớm kết luận đề cương và dòng thời gian của COC.”
Trong một diễn biến khác ít được chú ý tại thời điểm đó, các ngoại trưởng ASEAN đã trích xuất một phần then chốt từ một tuyên bố hồi tháng 2 năm 2016, và để nhấn mạnh nó, đoạn văn đó được đặt vào thành đoạn văn thứ hai của Tuyên bố chung lần thứ 49 của họ. Đoạn trích nêu ra rằng, “chúng ta khẳng định lại cam kết mà chúng ta cùng chia sẻ về duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, bao gồm hoàn toàn tôn trọng quá trình pháp lý và ngoại giao, mà không dùng đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân theo các nguyên tắc được công nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển quốc tế 1982…”[nhấn mạnh]. Như đã nói ở trên, cụm từ “quá trình pháp lý và ngoại giao” là để đề cập tới phán quyết của Toà trọng tài.
Vào ngày 25 tháng 7, các ngoại trưởng ASEAN gặp người đồng cấp Trung Quốc và đã đề nghị một tuyên bố chung về DOC. Tài liệu này đã cam kết tất cả các thành viên thực thi DOC một cách toàn diện, “chủ động” làm việc “theo hướng sớm thông qua” COC, và “để thực hành tự kiềm chế các hoạt động có thể tạo ra hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định.” Để diễn tả hiệu quả quan điểm của mình, tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN đã nhắc lại từ ngữ của DOC 2002 rằng tự kiềm chế bao gồm “không cư trú trên các hòn đảo, đá, bãi cạn, và các thực thể địa lý khác mà hiện chưa có người.” Cụm từ này có thể được hiểu như là sự đề cập tới bãi cạn Scarborough, hiện không có người ở, mặc dù nó thường được ghé thăm bởi ngư dân Trung Quốc. Ngoài ra các tàu thuyền của Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đang đóng lâu dài tại đây.
Văn kiện thứ tư được các ngoại trưởng ASEAN đưa ra là một Tuyên bố Chung về Hòa bình, An ninh, và Ổn định trong khu vực. Văn kiện này kêu gọi các nước khác tôn trọng các chuẩn mực và nguyên tắc của ASEAN.
Theo sau vòng hội nghị các bộ trưởng ASEAN và các hội nghị có liên quan trong tháng 7 là các hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 và 29, được tổ chức liên tiếp ở Vientiane từ mùng 6 tới 7 tháng 9, 2016. Các nguyên thủ quốc gia ASEAN đã đưa ra một tuyên bố trong đó trích dẫn nguyên văn bảy đoạn về Biển Đông trong Tuyên bố Chung ASEAN thứ 49 và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc “tôn trọng hoàn toàn các quá trình pháp lý và ngoại giao.” Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng hoan nghênh việc thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về DOC, Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về việc áp dụng Bộ quy tắc về các đụng độ bất ngờ trên biển (CUES) trên Biển Đông, và Hướng dẫn vận hành đường dây nóng giữa các quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc về ứng phó với các sự cố khẩn cấp trên biển và trong việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông. Nếu các tuyên bố ASEAN đưa ra năm 2016 sau phán quyết của toà trọng tài thể hiện một mặt trận thống nhất trên Biển Đông thì Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30, được tổ chức ở Manila vào cuối tháng 4 năm 2017 dưới sự chủ trì của ông Duterte của Philippines, lại chứng kiến một bước lùi. Truyền thông quốc tế đã đưa tin về sự tranh luận gay gắt giữa các nhà lãnh đạo về từ ngữ của dự thảo tuyên bố của chủ tịch, đặc biệt là về việc quân sự hóa các đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc. Tuyên bố cuối cùng mà chủ tịch đưa ra chỉ bao gồm hai đoạn về Biển Đông, lặp lại các phát biểu trước đây của ASEAN, và bị chôn vùi ở cuối văn kiện. Tuyên bố nêu một cách ôn hòa rằng các nhà lãnh đạo “đã lưu ý sự quan ngại mà một số nhà lãnh đạo đã bày tỏ về những diễn biến gần đây trong khu vực” thay vì “hết sức quan ngại” như trong năm 2016. Phán quyết của toà trọng tài đã không được nhắc đến, mặc dù đoạn thứ 7 trong tuyên bố của chủ tịch đã kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, “bao gồm việc tôn trọng hoàn toàn các quá trình pháp lý và ngoại giao.”
Trung Quốc và các cường quốc ngoài khu vực đã phản ứng như thế nào?
Sau phán quyết của tòa trọng tài, Trung Quốc không chỉ bác bỏ phán quyết mà còn tăng cường sự hiện diện lực lượng quân sự trên quần đảo Trường Sa. Ngày 18 tháng 7 năm 2016, Trung Quốc phát một đoạn băng chiếu cảnh hai máy bay chiến đấu J-11 và một máy bay ném bom H-6K bay qua bãi cạn Scarborough. Trong tháng 9, các máy bay ném bom H6-K, phản lực chiến đấu Su-30, và các máy bay tiếp nhiên liệu trên không của Trung Quốc đã tiến hành tập trận chiến đấu trên Eo biển Ba Sĩ tới phía Bắc Philippines. Và trong tháng 12, Trung Quốc đã triển khai một máy bay ném bom hạt nhân Xian H-6 để tuần tra xung quanh đường chín đoạn, tỏ rõ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Tháng 9 năm 2016, Trung Quốc có bước đi táo bạo nhất trong quá trình quân sự hóa các đảo nhân tạo bằng cách xây dựng các kho chứa máy bay được gia cố, có khả năng chứa 24 máy bay quân sự trên các đá Chữ Thập, Xu Bi, và Vành Khăn. Cũng trong năm ngoái, Trung Quốc đã dựng nên các cấu trúc hình lục giác và lắp đặt các hệ thống hỗ trợ vũ khí tầm gần và súng phòng không trên các đảo nhân tạo của họ.
Trung Quốc cũng tiếp tục gây áp lực ngoại giao lên ASEAN và các nước khác để kiềm chế những chỉ trích nghiêm khắc đối với hành vi của mình. Ví dụ, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 3 (ADMM+) tổ chức ở Kualua Lumpur ngày 4 tháng 11 năm 2016, Trung Quốc đã kịch liệt phản đối mọi dẫn chiếu quan trọng đến Biển Đông trong dự thảo tuyên bố chung. Khi ASEAN nhượng bộ Trung Quốc và xóa bỏ các dẫn chiếu này, Mỹ đã phản đối. Do đó đã không có tuyên bố chung nào được đưa ra. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đã đưa ra một tuyên bố của Chủ tịch hội nghị, xoa dịu toàn bộ tranh cãi và chỉ đề cập ngắn gọn đến Biển Đông.
Thái độ ngoại giao đầy hăm dọa của Trung Quốc đã không thể ngăn cản Mỹ và các đồng minh Australia và Nhật Bản công khai ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài. Ngày 25 tháng 7 năm 2016, ba nước đã ra một tuyên bố chung sau đối thoại chiến lược ba nước thường niên của họ. Tuyên bố này nêu rằng “bộ trưởng ba nước bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ nguyên tắc thượng tôn pháp luật (the rule of law) và kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết ngày 12 tháng 7 của tòa trọng tài trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc, phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý đối với cả hai nước.” Bộ trưởng Quốc phòng các nước Australia, Nhật Bản, và Mỹ đã nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với UNCLOS và trọng tài quốc tế tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore vào tháng 6 năm 2017. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói: Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực [sic] trong vụ kiện của Philippines về Biển Đông có tính ràng buộc. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên có yêu sách chủ quyền sử dụng phán quyết này làm điểm khởi đầu để quản lý hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông. Việc xây dựng đảo nhân tạo và việc quân sự hóa không thể chối cãi các cơ sở trên các cấu trúc thuộc vùng biển quốc tế đã làm xói mòn sự ổn định của khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nhắc lại nhận xét này: “Australia kêu gọi tất cả các nước hành động trên Biển Đông sao cho nhất quán với luật pháp quốc tế, bao gồm phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài.” Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada nói thẳng, “Về Biển Đông, phán quyết cuối cùng đã được đưa ra trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc hồi tháng 7 năm 2016. Bất chấp thực tế là phán quyết này có tác động ràng buộc đối với cả hai bên, việc xây dựng các tiền đồn trên Biển Đông và sử dụng chúng cho các mục đích quân sự vẫn tiếp diễn.”
Các bước tiếp theo của ASEAN là gì?
Mặc dù ASEAN nói chung đã không có khả năng đề cập tới tòa trọng tài trong bất kỳ tuyên bố chính thức nào, chiến lược ngoại giao của nhóm đã có tiến bộ. Năm 2016, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua CUES, Hướng dẫn vận hành đường dây nóng trong các tình huống khẩn cấp, và đạt được thỏa thuận về một khung dự thảo COC. CUES là tự nguyện và không áp dụng cho các tàu quân sự. Đạt được khung dự thảo COC, Trung Quốc và ASEAN đã sẵn sàng bắt đầu thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Theo các nhà ngoại giao ASEAN, có bốn vấn đề cơ bản cần được giải quyết ngay. Thứ nhất, khung dự thảo COC hiện nay không đề cập tới khu vực địa lý ảnh hưởng. Trung Quốc nhấn mạnh chỉ áp dụng COC ở các vùng biển quanh Quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough và không áp dụng đối với Quần đảo Hoàng Sa. Vấn đề thứ hai cần giải quyết liên quan tới việc thực thi; ASEAN muốn COC có tính ràng buộc pháp lý còn Trung Quốc thì phản đối điều này. Vấn đề thứ ba và có liên quan là cách thức thông qua COC. Trung Quốc đề xuất rằng COC sẽ được ký bởi toàn bộ 11 ngoại trưởng. ASEAN muốn COC được cơ quan lập pháp quốc gia phê chuẩn để khiến nó có tính ràng buộc pháp lý. Thứ tư, có một số vấn đề kỹ thuật cần giải quyết, bao gồm cách khắc phục những khác biệt trong việc diễn giải COC và cách giải quyết các tranh chấp và sự cố thực tế trên biển.
Trung Quốc đã thoát khỏi tình thế không như ý
Một năm sau khi tòa trọng tài đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, cả hai bên đều chưa có bước đi nhằm tuân thủ phán quyết này. Sự thiếu hành động của cả hai bên đã làm yếu đi kết cấu cơ bản của luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng, làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ trong lĩnh vực hàng hải. Không nước nào trong mười nước thành viên ASEAN và ASEAN đề cập tới tòa trọng tài hay phán quyết của nó trong các tuyên bố chính thức về biển Đông cho đến nay. Điều này đã cho phép Trung Quốc tiếp tục theo đuổi việc củng cố và quân sự hóa liên tiếp Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Carl Thayer nguyên là giáo sư trường Đại học New South Wales của Úc và hiện giờ là giám đốc Thayer Consultancy.
Nhóm dịch và hiệu đính là các cộng tác viên của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Bản gốc tiếng Anh đăng trên tạp chí The Diplomat được GS Trần Hữu Dũng mua và hào hiệp chia sẻ trên trang nhà Viet-studies.net tại http://www.viet-studies.net/kinhte/PhanQuyetBienDong_Diplomat.pdf
[…] án Đại sự Ký Biển Đông có bài dịch từ bài viết của GS Carl Thayer: Một Năm sau Phán Quyết Toà Trọng Tài: Vẫn Bế Tắc. Tác giả viết: “Không nước nào trong mười nước thành viên ASEAN và ASEAN […]
LikeLike