Trung Quốc Triển Khai Tàu Hải Cảnh Lớn Nhất Gần Bãi Tư Chính Và Mỏ Cá Ngừ Sát Ranh Giới EEZ Giữa Indonesia Và Việt Nam

Thực hiện: Nhóm Cộng tác viên theo dõi thực địa

Trung Quốc muốn “gửi tín hiệu” khi triển khai tàu hải cảnh lớn nhất gần mỏ Cá Ngừ sát ranh giới EEZ giữa Indonesia và Việt Nam.

————

Theo các báo cáo của Berna NewsRFA trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu thuyền từ Marine Traffic, Hải cảnh 5901, hải cảnh lớn nhất thế giới, được cho là đã rời cảng Tam Á của Trung Quốc ở đảo Hải Nam vào ngày 16/12/2022 và đến vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia vào ngày 30/12, tới gần mỏ khí Cá Ngừ vừa mới được Indonesia phê chuẩn kế hoạch phát triển trị giá 3 tỷ USD, được kỳ vọng có thể đạt năng lực sản xuất tới 115 triệu feet khối mỗi ngày vào năm 2027 và sẽ xuất khẩu sang Việt Nam vào năm 2026.

Tàu Hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc, trước đây mang số hiệu 3901, hiện nay đã được đổi sang số hiệu 5901.

Lô Cá ngừ PSC được điều hành bởi Premier Oil Tuna (nhóm các công ty của Harbor Energy của Anh) đang nắm giữ 50% cổ phần, trong khi ZN Asia (Nhóm Zarubezhneft của Nga) nắm giữ 50% cổ phần còn lại. Zarubezhneft cũng đang là đối tác chiến lược của Tập đoàn dầu khí Việt Nam và hiện đang điều hành hoạt động nhiều lô dầu khí của Việt Nam mà Trung Quốc thường triển khai hải cảnh tới quấy nhiễu hoặc vật vờ thể hiện sự hiện diện.

Collin Koh, một nhà nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói với South China Morning Post rằng việc triển khai tàu của Bắc Kinh chắc chắn là “để gửi một tín hiệu đến cả Indonesia và Việt Nam” trong bối cảnh Jakarta và Hà Nội đã hoàn tất về cơ bản quá trình đàm phán kéo dài 12 năm nhằm phân định các vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn của họ ở Biển Đông, đồng thời lưu ý rằng hiệp định này là công cụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu khí đốt của Indonesia sang Việt Nam.

“Diễn biến này có thể khiến Bắc Kinh khá bối rối, vốn toan tính về sự chia rẽ và rạn nứt trong nội bộ ASEAN để ngăn chặn sự nổi lên của một mặt trận thống nhất,” Koh nói.

Theo các báo cáo truyền thông, mỏ Cá Ngừ nằm ở vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, cách xa cơ sở hạ tầng thị trường nội địa ở Indonesia, nhưng chỉ cách đường phân định với Việt Nam khoảng 15 km.

Theo chúng tôi được biết, hiện giờ văn bản hiệp định và bản đồ đường phân định ranh giới EEZ giữa Việt Nam và Indonesia vẫn chưa được công bố.

Người đứng đầu Bakamla (Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia) nói với This Week in Asia rằng cơ quan của ông đã biết thông tin về sự hiện diện của hải cảnh Trung Quốc, đã thông báo đến các bộ và các cơ quan trong bản tóm tắt hàng ngày, và những bộ có có tài sản liên quan kiểm tra trực tiếp và cơ quan của ông sẽ cố gắng có mặt sớm để thể hiện sự toàn vẹn quốc gia thông qua hiện diện. Hai đội sẽ sớm được triển khai tới Biển Bắc Natuna.

Ngày 08/01/2023, theo dữ liệu của cộng đồng tình báo mở, tàu hải cảnh 5901 đã quay trở lại nhiệm vụ ban đầu là túc trực ở Bãi Tư Chính. Chuyển động của tàu đã được theo dõi chặt chẽ bởi các tàu kiểm ngư của Việt Nam.

Koh cho rằng đây “chắc chắn là một dấu hiệu cho thấy sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, trong bối cảnh trong nước với những khó khăn kinh tế và sự bùng phát của đại dịch “đang khiến giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng cảm thấy bất an.”

Đã có những tranh luận ở Indonesia và Việt Nam về việc liệu các tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước có cấu thành hành vi vi phạm luật pháp quốc tế hay không.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, mọi quốc gia được hưởng quyền tự do hải hành trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng lực lượng hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia có khả năng vi phạm luật pháp quốc tế, vì nó nhằm mục đích cản trở quyền chủ quyền của Indonesia trong việc thăm dò tài nguyên của nước này,” giảng viên luật quốc tế Aristyo Darmawan tại Đại học Indonesia nói với South China Morning Post.

Thời gian gần đây, Indonesia đã có những nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ trên biển và tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước phương Tây thông qua các cuộc tập trận chung.

Tổng hợp từ các nguồn tin của Berna News, RFA, South China Morning Post, nguồn tin từ cộng đồng dầu khí và ngoại giao Đông Nam Á. Hiện tại do quỹ tài chính của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã cạn, chúng tôi chưa thể có dữ liệu thực địa của riêng mình. Những dữ liệu trong bài viết đã được nhờ các đối tác quốc tế kiểm chứng hộ.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Dựa vào hỗ trợ tài chính từ cộng đồng là cách để chúng tôi có thể tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào tổ chức chính trị hay thương mại nào. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy cần phải có một dự án tri thức độc lập, hãy chung tay với chúng tôi để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

One thought on “Trung Quốc Triển Khai Tàu Hải Cảnh Lớn Nhất Gần Bãi Tư Chính Và Mỏ Cá Ngừ Sát Ranh Giới EEZ Giữa Indonesia Và Việt Nam

  1. […] [4] Nhóm theo dõi thực địa (2023, January 14). Trung Quốc Triển Khai Tàu Hải Cảnh Lớn Nhất Gần Bãi Tư Chính Và Mỏ Cá Ngừ Sát Ranh Giới EEZ Giữa Indonesia Và Việt Nam. Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. https://dskbd.org/2023/01/14/trung-quoc-trien-khai-tau-hai-canh-lon-nhat-gan-bai-tu-chinh-va-mo-ca-n… […]

    Like

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.