Bản Tin Biển Đông Số 88

Thực hiện: Lưu Việt Hà, Nguyễn Nhật Minh, Trần Phạm Bình Minh, Đoàn Thị Hằng Ni

Biên tập: Vân Phạm

Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Tải bản PDF ở

———-

Trong Bản Tin Biển Đông Số 88 có những nội dung sau:

I- CHÍNH SÁCH CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG – BÁO CÁO CHÍNH SÁCH CỦA INTERNATIONAL CRISIS GROUP

II- TIN TẶC TRUNG QUỐC HẬU THUẪN TẤN CÔNG ĐÔNG NAM Á, AUSTRALIA. HACKER TRUNG QUỐC NHẮM TỚI QUỐC HỘI VIỆT NAM ĐỂ “XEM AI CHỐNG ĐỐI HAY ỦNG HỘ BẮC KINH”?

III- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

VI- QUAN HỆ MỸ – TRUNG QUỐC

VII- QUAN HỆ ÚC – TRUNG QUỐC

VIII- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

IX- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH – NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

———-

I- CHÍNH SÁCH CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG – BÁO CÁO CHÍNH SÁCH CỦA INTERNATIONAL CRISIS GROUP

Crisis Group (2021) Vietnam Tacks Between Cooperation and Struggle in the South China Sea

Bản báo cáo cung cấp một phân tích tổng thể về quan điểm, chiến lược và chính sách của Việt Nam đối với Biển Đông. Đặc biệt, các tác giả đã phỏng vấn nhiều quan chức, chuyên gia Việt Nam cũng như nước ngoài am hiểu tình hình Việt Nam, qua đó cung cấp nhiều thông tin mới mẻ và đáng chú ý.

Sau khi điểm lại lịch sử của Việt Nam ở Biển Đông, báo cáo phân tích cơ sở hình thành chiến lược, chính sách Biển Đông của Việt Nam. Do thể chế chính trị một đảng, dựa trên quyết định tập thể, các chính sách của Việt Nam có mức độ thống nhất cao, nhưng cũng có xu hướng thay đổi từ từ, kể cả khi môi trường xung quanh chuyển biến nhanh chóng. BCH TW Đảng và Bộ Chính trị là hai cơ quan ra quyết sách, trong đó Bộ Chính trị quan trọng hơn vì BCH TW chỉ họp một năm 2 lần. Hai cơ quan trên ra quyết sách dựa trên thông tin từ các cơ quan, bộ ngành, trong đó quan trọng nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Bộ Ngoại giao là cơ quan có vai trò chính. Các ý kiến tư vấn của bộ này thường đến từ Ủy ban Biên giới quốc gia, cũng như Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế và Học viện Ngoại giao. Trong khi đó, các cơ quan đề xuất chính sách của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an lần lượt là Viện Chiến lược Quốc phòng, Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng và Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an. Hai bộ này còn có thể ảnh hưởng tới chính sách qua việc cung cấp tin tình báo, cũng như việc nhiều thành viên ở BCH TW và Bộ Chính trị đang phục vụ hoặc xuất thân từ hai lực lượng này. Ngoài các bộ trên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng cục Thủy sản cũng có vai trò quan trọng. Các nhà khoa học cũng được hỏi ý kiến.

Việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông vừa là yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược Biển Đông của Việt Nam, nhưng cũng là yếu tố trọng tâm trong tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục tiêu dài hạn của Việt Nam vẫn là thu hồi các đảo đã mất bằng biện pháp hòa bình. Trong khi đó, mục tiêu trước mắt là bảo vệ nguyên trạng trên thực địa để thực hiện hoạt động kinh tế thông thường như đánh bắt cá hay khai thác dầu khí.

Chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông hiện nay là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” – hợp tác với Trung Quốc và các quốc gia có yêu sách khác để giảm căng thẳng, trong khi đấu tranh để bảo vệ lợi ích cốt lõi. Chiến lược của Việt Nam gồm 5 thành tố lớn: Tương tác với Trung Quốc, xây dựng năng lực quân sự và thực thi pháp luật trên biển, chuẩn bị cho đấu tranh pháp lý, dựa vào các cơ chế ASEAN, cũng như tăng cường hợp tác với các cường quốc trên thế giới.

Cuối cùng, các tác giả đề xuất một số kiến nghị chính sách cho Việt Nam như sau:

1. Tăng tốc đàm phán với Trung Quốc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ

2. Xúc tiến đàm phán với Indonesia đề giải quyết các yêu sách chồng lấn

3. Mở rộng mô hình hợp tác song phương về cảnh sát biển và nghề cá ra cấp độ khu vực, bao gồm các cơ chế tiểu đa phương

4. Thúc đẩy hợp tác khoa học biển để xây dựng lòng tin và tạo điều kiện cho hợp tác

5. Điều chỉnh các yêu sách ở Biển Đông để phù hợp với luật pháp quốc tế

6. Sớm kết thúc đàm phán COC, thúc đẩy thành lập nhóm chuyên gia kỹ thuật trong một số lĩnh vực ưu tiên như nghề cá và bảo vệ môi trường.

Tải toàn văn báo cáo tại đây

—–

II- TIN TẶC TRUNG QUỐC HẬU THUẪN TẤN CÔNG ĐÔNG NAM Á, AUSTRALIA. HACKER TRUNG QUỐC NHẮM TỚI QUỐC HỘI VIỆT NAM ĐỂ “XEM AI CHỐNG ĐỐI HAY ỦNG HỘ BẮC KINH”? 

Theo báo cáo được công bố hôm 8/12/2021 của Insikt Group, các hacker được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã tổ chức tấn công nhằm vào các cơ quan chính phủ của các nước Đông Nam Á có yêu sách trên Biển Đông, trong đó ba quốc gia bị nhắm đến nhiều nhất là Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhắm đến các thực thể liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của nước này, bao gồm Cảng Sihanoukville của Campuchia hay Ủy ban Quốc gia về quản lý Đặc khu kinh tế và Khu kinh tế đặc thù Lào.

Khi được hỏi về thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố “phản đối hành động lan truyền thông tin sai lệch, đánh lạc hướng cộng đồng quốc tế”.

Trước đó, công ty CS Energy tại Australia, đơn vị vận hành các nhà máy phát điện Kogan Creek và Collide cung cấp khoảng 3.500 MW điện cho bang Queensland, Australia, cho biết họ bị tin tặc Trung Quốc tấn công hôm 27/11. Họ “suýt chút nữa” đã phải ngừng máy phát điện.

Theo báo cáo của Insikt Group, ba cơ quan của Việt Nam bị hacker nhắm tới bao gồm Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng và Cục Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, giáo sư Carlyle Thayer, từ trường đại học New South Wales thuộc Học viên Quốc phòng Úc, cho biết nhận đình về vấn đề này:

“Điều mà Trung Quốc muốn, thông qua hoạt động [gián điệp mạng] của họ ở những quốc gia này, bao gồm cả Văn phòng Trung ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đó là thu thập thông tin tình báo về những cuộc thảo luận nội bộ, xem xem ai ủng hộ Trung Quốc, ai chống lại Trung Quốc, những lằn ranh đỏ là gì, những vị thế mặc cả ra sao, thông tin về thương mại lẫn chính trị. Và sử dụng những thông tin đó để đối phó với những quốc gia này.”

“Chúng ta biết rằng từ trước khi Internet xuất hiện, thì đã có những cán bộ Việt Nam bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Trung Quốc vẫn luôn sử dụng hình thức gián điệp này để phá hoại sự nghiệp chính trị của những chính trị gia ở Việt Nam mà họ cho là thù địch, ví dụ như những chính trị gia có thiên hướng dân tộc chủ nghĩa với những thái độ không được lòng Trung Quốc, ngoài ra thì những thông tin thu thập được cũng sẽ được sử dụng trong các cuộc đàm phán song phương.

Văn phòng trung ương Đảng là một mỏ vàng, đó là nơi mà tất cả những quyết sách tối quan trọng về mọi vấn đề được lưu trữ. Nếu Việt Nam không bảo vệ những thông tin này thì Trung Quốc chắc chắn sẽ lấy được.”

Theo thông tin từ RFA, vào năm 2015, một cựu phóng viên báo Thế giới và Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao đã bị kết án sáu năm tù về tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Hồi năm 2018, một cựu cán bộ ngành công an của Việt Nam là Nguyễn Hoàng Dương cũng bị tuyên án bảy năm tù về tội làm gián điệp cho Trung Quốc.

Xem thêm:

Báo cáo của Insikt Group tại đây

AP ngày 9/12/2021: Report: Chinese hackers targeted Southeast Asian nations

RFA ngày 9/12/2021: State-backed China hackers targeting South China Sea claimants, US cyber firm says

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/12/2021: Foreign Ministry Spokesperson Wang Wenbin’s Regular Press Conference on December 9, 2021

RFA ngày 10/12/2021: Hacker Trung Quốc do thám mạng Quốc hội Việt Nam “xem ai chống đối hay ủng hộ Bắc Kinh”

III- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

Giàn khoan Indonesia bị Trung Quốc quấy rối sắp khai thác thương mại

Tập đoàn năng lượng Harbour Energy, đơn vị tiến hành phát triển dự án dầu khí tại Lô Cá ngừ (Tuna Block), Indonesia, đang thúc đẩy kế hoạch thương mại hóa ở mỏ này sau chiến dịch khoan thăm dò thành công. Lô Cá ngừ là khu vực bị tàu Hải cảnh Trung Quốc quấy rối trong thời gian qua. Bắc Kinh cũng từng yêu cầu Indonesia ngừng phát triển lô dầu khí này.

Xem thêm:

Energy Voice ngày 7/12/2021: Harbour moving fast to commercialise Tuna discovery in Indonesia

Indonesia bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng – an ninh với Ấn Độ

Trong cuộc gặp với Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Pankaj Saran và Đại sứ Ấn Độ tại Indonesia Manoj Kumar Bharti, hôm 9/12/2021, Chánh Văn phòng Tổng thống Indonesia Moeldoko tuyên bố Jakarta ủng hộ việc tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh với New Delhi.

Xem thêm:

Antara News ngày 9/12/2021: Indonesia supports security cooperation with India: KSP

Indonesia tính gửi ngư dân tuần tra Biển Đông

Đại tá Wisnu Pramandita, người phát ngôn Cảnh sát biển Indonesia (Bakamla) tuyên bố Indonesia sẽ đào tạo và trả thù lao cho các ngư dân để tham gia tuần tra khu vực biển phía Bắc quần đảo Natuna cùng lực lượng hải quân và cảnh sát biển nước này.

Xem thêm:

Straits Times ngày 11/12/2021: Indonesia mulls over sending fishermen on patrol amid gas drilling dispute in South China Sea

Thủ tướng Campuchia chỉ trích tướng Việt Nam trước mặt đại sứ Trung Quốc

Khi tham dự sự kiện khánh thành một công trình giao thông có sự tham dự của đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen chỉ trích Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến và yêu cầu ông Chiến xin lỗi vì nói rằng “nếu Việt Nam không cẩn trọng, virus Covid-19 từ Campuchia sẽ tràn sang Việt Nam như lũ sông Mekong”. Theo ông Hun Sen, phát biểu của ông Chiến được đưa ra ngày 10/3 và được báo chí Việt Nam đưa tin. Ông Hun Sen cho biết ông đã đề nghị phía Việt Nam giáng chức ông Chiến, nhưng ông Chiến lại được thăng chức Thứ trưởng Quốc phòng.

Xem thêm:

Khmer Times ngày 7/12/2021: PM slams VN official over blame for Covid-19 spread

Bài đăng trên Facebook Thủ tướng Hun Sen ngày 6/12/2021 tại đây

Video buổi nói chuyện của ông Hun Sen tại đây 

Việt Nam và New Zealand ký chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược

Ngày 8/12/2021, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp New Zealand Nanaia Mahuta đã ký trực tuyến Chương trình hành động Việt Nam – New Zealand giai đoạn 2021 – 2024 nhằm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Xem thêm:

Báo Tin Tức ngày 8/12/2021: Việt Nam và New Zealand ký Chương trình hành động giai đoạn 2021 – 2024

Việt Nam đề xuất tuần tra hải quân liên hợp với Malaysia

Trong cuộc điện đàm với Đại tướng Affendi Buang, Tư lệnh Quốc phòng Malaysia, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam đề nghị Hải quân hai nước nghiên cứu tiến hành tuần tra liên hợp và thiết lập đường dây nóng để kịp thời chia sẻ thông tin, giải quyết các vấn đề có thể nảy sinh trên biển. Ông Cương cũng đề nghị Đại tướng Affendi Buang ủng hộ, đề xuất với Chính phủ Malaysia sớm thúc đẩy ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về hợp tác thực thi pháp luật và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Về vấn đề ngư dân, ông Cương đề nghị các cơ quan chấp pháp trên biển của hai nước xử lý nhân đạo đối với các trường hợp đánh bắt cá IUU (bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), tập trung vào các biện pháp giáo dục, tuyên truyền là chính; hỗ trợ ngư dân của nhau khi không may bị nạn trên biển.

Xem thêm:

Quân đội nhân dân ngày 8/12/2021: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương điện đàm trực tuyến với Tư lệnh Quốc phòng Malaysia​

Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á. Blinken đến Indonesia chỉ sau Cố vấn An ninh Quốc gia của Nga

Sau khi tham dự Hội nghị Ngoại trưởng khối G7 tại Liverpool, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến thăm ba nước Đông Nam Á Indonesia, Malaysia và Thái Lan từ ngày 13-16/12. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, tại Đông Nam Á, ông Biden sẽ khẳng định tầm quan trọng của khu vực nói chung và các quốc gia nói riêng, cũng như cam kết của Mỹ. Ông cũng thảo luận các vấn đề như đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, biến đổi khí hậu hay tình hình Myanmar.

Chuyến thăm của ông Blinken tới khu vực diễn ra ngay sau chuyến thăm Campuchia và Indonesia của Cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet. Tại Campuchia, ông Chollet thúc giục Phnom Penh “không nhượng bộ” chính quyền quân sự Myanmar khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022.

Hôm thứ Hai ngày 13/12/2021, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã hạ cánh xuống Indonesia để bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của ông. Ngay trước khi Blinken đến Jakarta, đại sứ quán Nga đã thông báo rằng Nicolai Patrushev, cố vấn an ninh quốc gia của Putin cũng sẽ đến Jakarta trong cùng khoảng thời gian hai ngày. Như vậy, chuyến thăm của ông Patrushev trùng với thời điểm ông Blinken phát biểu về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dưới thời chính quyền Biden.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/12/2021: Secretary Blinken’s Travel to Liverpool, Jakarta, Kuala Lumpur, Bangkok, and Honolulu

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/12/2021: Counselor Chollet’s Travel to Cambodia and Indonesia

Reuters ngày 10/12/2021: U.S. envoy urges Cambodia to make no concessions to Myanmar junta in ASEAN

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/12/2021: The United States-Indonesia Relationship

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/12/2021: Secretary Blinken to Deliver a Speech on the United States and the Indo-Pacific

Reuters ngày 13/12/2021: Indonesia cites strong U.S. commitment as Blinken starts Southeast Asia tour

AP News ngày 13/12/2021: Blinken competes with top Russian official in Indonesia?

Mỹ cấm vận vũ khí Campuchia

Ngày 9/12/2021, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ đã ra lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Campuchia với các lý do ảnh hưởng quân sự từ Trung Quốc, tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Phnom Penh gọi động thái này của Mỹ là “có động cơ chính trị” và tuyên bố sẽ không thảo luận về vấn đề này với Washington. Một ngày sau, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra lệnh cho quân đội phá hủy hoặc lưu kho vũ khí Mỹ.

Phản ứng trước thông tin trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo Mỹ phá hoại quan hệ song phương Campuchia – Trung Quốc qua đe dọa, gây áp lực và cấm vận Campuchia, cũng như bày tỏ sự ủng hộ của Bắc Kinh với Phnom Penh.

Xem thêm:

AP ngày 9/12/2021: US orders arms embargo on Cambodia, cites Chinese influence

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/12/2021: Foreign Ministry Spokesperson Wang Wenbin’s Regular Press Conference on December 9, 2021

CNA ngày 10/12/2021: Cambodian PM orders US weapons destroyed after arms embargo

Luke Hunt: Phỏng vấn đại sứ Campuchia tại Washington sắp mãn nhiệm

Trong cuộc phỏng vấn với ông Chum Sounry, đại sứ Campuchia tại Washington sắp mãn nhiệm, The Diplomat đặt ra 10 câu hỏi về thời gian ông Sounry làm việc tại Washington, cũng như triển vọng quan hệ song phương Mỹ – Campuchia. Theo ông, dù có những điểm khác biệt, hai nước Mỹ và Campuchia đã tìm ra các điểm chung để thúc đẩy quan hệ vì lợi ích của nhân dân hai nước

Xem thêm:

The Diplomat ngày 8/12/2021: A Cambodian Ambassador in Washington

Cước vận tải biển từ Trung Quốc đến Đông Nam Á tăng mạnh

Giá cược vận tải biển từ cảng cảng Ninh Ba – Chu Sơn đến Đông Nam Á đang ở mức cao nhất lịch sử. Từ cuối tháng 10 đến tuần đầu tháng 12, giá cước vận tải đến Việt Nam và Thái Lan đã tăng 137%, trong khi giá cước đến Singapore – Malaysia tăng 49%.

Một giám đốc công ty logistic tại Quảng Đông cho biết giá cước vận tải một container 20 feet từ Thâm Quyến đến Đông Nam Á đã tăng 10 lần, từ 100-200 USD trước dịch lên 1000-2000 USD.

Xem thêm:

South China Morning Post này 10/12/2021: China shipping to Southeast Asia sees prices surge tenfold as reopening demand picks up

Ng Eng Hen: 7 điều ước cho thập kỷ này

Trên Defense News, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tiết lộ 7 điều ước của ông cho phần còn lại của thập niên này.

1. Một cơ chế đối tác toàn cầu cố kết, phối hợp tốt nhắm chống lại các mối đe dọa sinh học

2. Xây những viên gạch đầu tiên để đối phó với biến đổi khí hậu

3, Hòa dịu Mỹ – Trung

4. Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông

5. Hành động mạnh mẽ hơn chống cưỡng bách di cư và buôn người

6. Hướng dẫn đối với các công nghệ đang nổi lên

7. An toàn và sức khỏe cho mọi người.

Xem thêm:

Defense News ngày 6/12/2021: Singapore’s defense minister: 7 wishes for the remainder of the decade

Will Nankervis: ASEAN và Australia: Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Tác giả – đại sứ Australia tại ASEAN – chỉ ra tần suất gặp mặt trực tiếp cao của Ngoại trưởng Australia Marise Payne với các đối tác ASEAN cho thấy khu vực này là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Australia. Đối với Australia, ASEAN nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một ASEAN mạnh, có sức bật phù hợp với lợi ích của Australia. Trong khi đó, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho thấy cam kết của Australia với ASEAN và vai trò trung tâm của khối trong khu vực. Bên cạnh đó, mối quan hệ này còn đặt ra khuôn khổ mới để hai bên tăng cường hợp tác.

Xem thêm:

Fulcrum ngày 10/12/2021: ASEAN and Australia: Advancing Our Comprehensive Strategic Partnership

—–

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Global Times: Tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc tổ chức diễn tập chống tàu ngầm trong bối cảnh Mỹ đe dọa

Trang Global Times loan tin Nanchang, con tàu đầu tiên trong số các tàu khu trục lớn Type 055 mạnh nhất của Trung Quốc, gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận chống tàu ngầm chuyên sâu và thể hiện khả năng vượt trội của mình trong một động thái mà các chuyên gia cho rằng có thể ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu ngầm Mỹ khỏi vùng biển gần Trung Quốc. Trong cuộc tập trận kéo dài 4 ngày đêm liên tục, tàu chiến lớp 10.000 tấn đã cơ động trong một khu vực không được tiết lộ ở Hoàng Hải và thực hiện các khóa huấn luyện chống tàu ngầm theo kịch bản thực tế.

Xem thêm:

Global Times 06/12/2021: China’s Type 055 destroyer holds anti-submarine drills amid US threats

Trung Quốc đưa máy bay ném bom H-6J tập trận ở Biển Đông

Ngày 3/12/2021, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV công chiếu đoạn phim cho thấy các máy bay của hải quân nước này diễn tập ném bom vào các mục tiêu trên đảo, đá trên biển và rải thủy lôi ở Biển Đông. Loại máy bay được sử dụng là máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6J.

Xem thêm:

Janes ngày 7/12/2021: PLANAF deploys H-6J in mine-laying, bombing drills in South China Sea

RFA ngày 7/12/2021: China conducts live-fire bombing drills in South China Sea

Tàu nghiên cứu Trung Quốc trở về Hải Nam sau khi hoàn thành chuyến thám hiểm rãnh Mariana

Tàu nghiên cứu Tansuo-1 của Trung Quốc đã quay trở lại cảng Tam Á trên đảo Hải Nam sau khi hoàn thành một nhiệm vụ nghiên cứu khác ở nơi sâu nhất của Trái đất – Rãnh Mariana. Tờ Hainan Daily đưa tin, nhiệm vụ nghiên cứu bắt đầu vào ngày 14 tháng 10 và kéo dài 53 ngày.

Global Times ngày 6/12/2021: China’s Tansuo-1 research vessel ends mission in Mariana Trench, with 5 female scientists diving for the first time 

TASS ngày 7/12/2021: Chinese research vessel returns to Hainan after completing Mariana Trench expedition

Trung Quốc xây hai căn cứ duy trì cáp quang truyền dữ liệu internet dưới biển

Theo kế hoạch 5 năm của chính phủ đối với ngành thông tin và truyền thông, Trung Quốc sẽ xây dựng hai căn cứ để duy trì các tuyến cáp dưới biển ở Biển Hoa Đông và Biển Đông như một phần trong nỗ lực củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của nước này trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị với Hoa Kỳ. Kế hoạch không cho biết chi tiết về hoạt động của hai căn cứ. Cũng theo bản kế hoạch, Trung Quốc đang tìm cách đóng thêm hai tàu chuyên dụng để bảo trì cáp biển trong 5 năm tới để “thiết lập năng lực cạnh tranh quốc tế trong việc xây dựng và bảo trì cáp ngầm.”

Hôm thứ Tư ngày 8/12/2021, chính quyền Hải Nam thông báo việc xây dựng căn cứ ở Biển Đông sẽ bắt đầu trước cuối năm nay ở Tam Á. Căn cứ này sẽ có năng lực đảm bảo an toàn cho các tuyến cáp dưới biển ở Biển Đông – ở cả vùng biển ngoài khơi và biển xa – sau khi bắt đầu hoạt động vào năm 2023.

Ngoài ra, các kế hoạch đang được soạn thảo để xây dựng các tuyến cáp ngầm mới liên kết với Bắc Mỹ và Châu Âu.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 12/12/2021: China builds undersea cable bases amid digital infrastructure rivalry 

Ngoại thương của Trung Quốc tăng 22% trong 11 tháng đầu năm

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng vừa rồi, thương mại của Trung Quốc với ba đối tác thương mại hàng đầu – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ – duy trì mức tăng trưởng tốt. Trong thời gian này, tốc độ tăng trưởng giá trị thương mại của Trung Quốc với ba đối tác thương mại lần lượt ở mức 20,6%, 20% và 21,1%.

Xem thêm:

State Council Information Office 07/12/2021: China’s foreign trade up 22% in first 11 months

Reuters 07/12/2021: ​​China Nov export growth slows but imports accelerate on restocking  

Global Times 07/12/2021: China-US trade set to hit new record in 2021 after solid Jan-Nov data despite tension 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ Tư, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai.

Xem thêm:

CNBC ngày 13/12/2021: China’s Xi is set to meet Russia’s Putin virtually on Wednesday 

—–

V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ cho biết hai máy bay chiến đấu không người lái bí mật mới đang hoạt động

Tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan, trong một cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ Frank Kendall cho biết Không quân đang tìm kiếm tài trợ để phát triển hai chương trình máy bay chiến đấu không người lái, được thiết kế để hoạt động cùng với máy bay chiến đấu và máy bay ném bom. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết Mỹ đang tìm kiếm các hệ thống vũ khí tự động trong bối cảnh chạy đua vũ trang ngày càng khốc liệt với Trung Quốc. 

Xem thêm: 

Politico ngày 6/12/2021: 2 new secret combat drones are in the works, Air Force secretary says

‘Tôi cần ngân sách’: Các quan chức Lầu Năm Góc tức giận với Quốc hội về sự bế tắc

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ cần một ngân sách thích hợp được thông qua để tiếp tục phát triển quân sự. Tuy nhiên, việc này đang bị cản trở khi Quốc hội vẫn đang tiếp tục tranh luận về nguồn tài trợ và mức trần nợ. Tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan, Quốc hội đã thông qua một khoản tài trợ tạm thời để giữ cho chính phủ hoạt động đến giữa tháng Hai, nhưng không có ngân sách cho cả năm. Và cho đến thời điểm đó, Lầu Năm Góc không thể bắt đầu các dự án nghiên cứu và sản xuất mới. Bên cạnh đó, các quan chức quốc phòng cũng cảnh báo rằng việc trì hoãn này đang cản trở nỗ lực giải quyết các mối đe dọa và cạnh tranh với các đối thủ như Trung Quốc. 

Xem thêm: 

Politico 6/12/2021: ‘I need a budget’: Pentagon officials thrash Congress over gridlock

Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ sẽ được ban hành vào đầu năm 2022

Quan chức chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc cho biết một Chiến lược Quốc phòng mới dự kiến sẽ được công bố vào đầu năm tới sau khi các tài liệu chiến lược khác được công bố như Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, Chiến lược An ninh Quốc gia,…

Xem thêm: 

Defense One ngày 8/12/2021: New National Defense Strategy to Be Released Early 2022

Hoa Kỳ, Nhật Bản tăng cường hợp tác về nghiên cứu và phát triển quân sự 

Đồng minh quân sự Hoa Kỳ và Nhật Bản đang tìm kiếm thêm nhiều cơ hội để hợp tác về nghiên cứu và phát triển quốc phòng. Nhật Bản tiếp tục nhập nhiều thiết bị công nghệ tiên tiến mới do Mỹ sản xuất, đồng thời quân đội của hai nước thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung. Trong đó, cuộc tập trận chung Resolute Dragon đã được khởi động vào ngày 11/12/2021 tại các địa điểm trên khắp Nhật Bản và dự kiến kéo dài đến ngày 16/12/2021. Đại úy Benjamin Yoder thuộc Sư đoàn Thủy quân lục chiến 3 cho biết cuộc huấn luyện bao gồm hậu cần song phương và thực hành tấn công đường không. Thủy quân lục chiến cũng sẽ phối hợp với các máy bay của Hải quân Mỹ và Nhật Bản cùng các đội tên lửa đất đối hạm Kiểu 88 để tiến hành các cuộc tấn công mô phỏng một tàu chiến trên biển. Bên cạnh đó, trong chính sách tài chính năm 2022, Nhật Bản cũng đang có kế hoạch cung cấp hơn 1 nghìn tỷ Yên theo chương trình Hỗ trợ Quốc gia đăng cai cho các lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản trong năm năm. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng gánh nặng tài chính của mình theo chương trình nhằm tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của liên minh Nhật-Mỹ trước sức mạnh của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, cả hai nước cũng đang đứng trước bờ vực đánh mất lợi thế công nghệ trước Trung Quốc. Phó giám đốc Chủ tịch Nhật Bản Nicholas Szechenyi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết để duy trì sức mạnh liên minh và đảm bảo tính răn đe trong tương lai, “đòi hỏi sự hợp tác về công nghệ, cũng như chia sẻ thông tin và chia sẻ trí tuệ” và đó cũng chính là ưu tiên của liên minh Nhật Bản – Hoa Kỳ. 

Xem thêm:

National Defense ngày 8/12/2021: US, Japan Set to Enhance Cooperation on Military R&D 

Stars and Stripes ngày 8/12/2021: Marines, Japanese troops hone their sea-strike skills during Resolute Dragon exercise

The Japan Times ngày 9/12/2021: Japan’s support for U.S. forces to top ¥1 trillion over five years 

Triển vọng phát triển của Liên Hiệp Châu Âu và Australia năm 2022

Trong một bài viết trên Defense News về triển vọng phát triển của Châu Âu, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Josep Borrell cho biết các mối đe dọa mới không chỉ liên quan đến tranh chấp giữa các quân đội hoặc về lãnh thổ mà còn là thông tin sai lệch hoặc các cuộc tấn công mạng đã trở thành giới hạn mới của xung đột địa chính trị. Trước tình hình đó, Josep Borrell đề xuất về Chiến lược La bàn. Chiến lược đưa ra đánh giá về các mối đe dọa và thách thức mà Châu Âu phải đối mặt, đồng thời đề xuất các hướng dẫn hoạt động để cho phép Liên hiệp Châu Âu trở thành nhà cung cấp an ninh toàn cầu nhằm bảo vệ các giá trị và lợi ích công dân và đóng góp vào hòa bình và an ninh quốc tế. Chiến lược La bàn có tầm ảnh hưởng sâu rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực an ninh và quốc phòng – từ quản lý khủng hoảng đến các mối đe dọa hỗn hợp và từ phòng thủ mạng đến không gian và an ninh hàng hải hoặc quan hệ đối tác.

Về phía Úc, bà Melissa Price, Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng và cũng là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Úc cho biết môi trường chiến lược của Úc đang xấu đi nhanh chóng hơn dự đoán. Bà nhấn mạnh về sự thành lập liên minh AUKUS và thông qua đó, nhận định rằng liên minh đã mang lại các cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng Úc. Quan hệ đối tác AUKUS sẽ cho phép ba quốc gia Hoa Kỳ, Australia và Anh hợp tác tốt hơn trên các cơ sở quốc phòng, khoa học, nghiên cứu, đào tạo, công nghệ và công nghiệp. AUKUS cũng sẽ tạo điều kiện cho các quan hệ đối tác tăng cường khả năng chung và khả năng tương tác, với những nỗ lực ban đầu tập trung vào các năng lực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và dưới đáy biển, đặc biệt là tập trung phát triển Chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Cách tiếp cận toàn diện này nhằm mang lại hiệu quả năng lực sẽ đảm bảo Australia duy trì một lực lượng mạng lưới và tiềm lực đáp ứng với môi trường chiến lược đang phát triển.

Xem thêm: 

Defense News ngày 6/12/2021: European Commission VP: Embrace the EU’s ‘Strategic Compass’

Defense News ngày 6/12/2021: Australia’s defense industry minister: The importance of AUKUS and a strong economy

EU tăng cường sức mạnh địa chính trị bằng đề xuất vũ khí thương mại mới nhằm chống lại sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc

Liên minh Châu Âu đang xem xét vũ khí kinh tế mới nhằm chống lại sự chèn ép từ các đối thủ thương mại. Brussels cho biết sẽ cố gắng gia tăng sức mạnh địa chính trị của EU bằng cách đề xuất một loạt vũ khí kinh tế sắc bén mới nhằm cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào ngoài khối đang cố gắng “can thiệp vào các lựa chọn chủ quyền hợp pháp” của các quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt mới cũng nhằm tìm cách giải quyết tình trạng dễ bị bắt nạt kinh tế của các nước thành viên Uỷ ban Châu Âu và ngăn chặn năng lực của các quốc gia có nền kinh tế lớn. Đề xuất này được xem là chủ yếu nhằm vào các đối thủ kinh tế như Trung Quốc và thậm chí là Mỹ.

Xem thêm:

Politico 6/12/2021: EU flexes geopolitical muscle with new trade weapon

South China Morning Post 7/12/2021: EU will propose new trade weapon to counter China’s economic coercion

European Commission 08/12/2021: EU strengthens protection against economic coercion 

Proposal for a Regulation of the European Parliament and of the Council on the protection of the Union and its Member States from economic coerciion by third countries

Trong bối cảnh thay đổi, tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo về Nga, nhưng mềm mỏng hơn với Trung Quốc 

Trong một cuộc họp báo ở Berlin, tân Thủ tướng Scholz cho biết sẽ thúc đẩy lợi ích của châu Âu và kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng với Ukraine. Nhưng đối với Trung Quốc, ông nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tìm kiếm một cách tiếp cận hợp tác với Trung Quốc là “làm thế nào để cả thế giới cùng hợp tác quốc tế” và “cân nhắc cẩn thận” trong mỗi hành động.  Bên cạnh đó, Olaf Scholz cũng nhấn mạnh lập trường ủng hộ EU của chính phủ Đức, nói rằng Berlin sẽ hành động “vì lợi ích chung của châu Âu” và tìm cách “đạt được tiến bộ ở Châu Âu”. Ngoài ra, ông cho biết Đức sẽ “cân nhắc kỹ lưỡng” và đưa ra quyết định của mình trong bối cảnh quốc tế đối với Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh.

Xem thêm: 

Politico ngày 7/12/2021: On cusp of chancellery, Scholz warns Russia, goes softer on China

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Anh: Xây dựng mạng lưới các Nữ thần tự do

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là Ngoại trưởng Vương quốc Anh tại Chatham House về các vấn đề đối ngoại, thịnh vượng chung và phát triển, Liz Truss đã phác thảo các lĩnh vực trọng tâm của bà và các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh. Bà cho biết đây chính là lúc thế giới tự do chiến đấu và sử dụng sức mạnh của kinh tế, công nghệ để thúc đẩy tự do, không sợ hãi. Bên cạnh đó, thế giới cần đón nhận một thời đại của những ý tưởng, sự ảnh hưởng và nguồn cảm hứng. 

Xem thêm:

GOV.UK ngày 8/12/2021: Building the Network of Liberty: Foreign Secretary’s speech

New Zealand cảnh báo mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Theo Báo cáo Đánh giá Quốc phòng năm 2021 mới được công bố ở Wellington, Trung Quốc là động lực chính của sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng trong khu vực, điều này sẽ làm tăng khả năng xảy ra đối đầu và xung đột.

Xem thêm:

Full Report

Quan chức cấp cao các nước tham gia vào cuộc “Tẩy chay ngoại giao” vào Thế vận hội mùa đông Trung Quốc

Vương quốc Anh, Canada, New Zealand và Lithuania cùng với Mỹ và Úc đang tham gia một cuộc “tẩy chay ngoại giao” đối với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 nhằm phản đối sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Ngày 11/12, tờ  Yomiuri đưa tin rằng các quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản có thể bỏ qua Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng Hai và cùng với Hoa Kỳ tẩy chay ngoại giao. Cuộc “tẩy chay ngoại giao” được các nước thể hiện bằng cách cấm các quan chức, ngoại trừ các vận động viên, tham dự Thế vận hội. Trước tình hình đó, Trung Quốc đã gọi các cuộc tẩy chay là một chiến dịch bôi nhọ. Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada gọi cuộc tẩy chay là “hành động chính trị” dựa trên “thành kiến ý thức hệ cũng như lời dối trá và lời đồn”.

Tuy nhiên, Tổng thư ký của Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã được Ủy ban Olympic quốc tế mời dự lễ khai mạc và xác nhận sẽ tham dự. Bên cạnh đó, Pháp được cho là sẽ không tham gia cuộc “tẩy chay ngoại giao”.

Xem thêm: 

South China Morning Post ngày 10/12/2021: UN chief ignores Olympics boycotts, accepts invitation to Beijing

Reuters ngày 11/12/2021: Senior Japanese officials to skip Beijing Olympics – report

BBC ngày 11/12/2021: UK and Canada join diplomatic boycott of China Winter Olympics. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Thượng đỉnh G7 tập trung vào Trung Quốc, Nga

Các nhà ngoại giao của Nhóm bảy nền dân chủ đã gặp nhau tại Liverpool vào cuối tuần này và tập trung vào các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc. Nhóm đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo Nga về “hậu quả to lớn” nếu xâm lược Ukraine và Anh lên án “hành vi xấu xa” của Moscow trên khắp thế giới. Nhóm cũng thảo luận thêm về Hồng Kông, Tân Cương và Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ Litva khi nước này phải đối mặt với áp lực kinh tế từ Bắc Kinh.

Xem thêm:

AP News 11/12/2021: UK seeks unity at G7 meeting over Russia’s ‘malign behavior’ 

DW 11/12/2021: G7 seeks united front on Russia-Ukraine tensions

Ấn Độ ký các thỏa thuận thương mại và vũ khí với Nga trong chuyến thăm của Putin tới New Delhi, bất chấp khả năng trừng phạt của Hoa Kỳ

Ấn Độ và Nga đã ký một số thỏa thuận thương mại và vũ khí trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở New Delhi vào ngày 6/12/2021. Các thỏa thuận giữa hai nước bao gồm thỏa thuận để Ấn Độ sản xuất hơn 600.000 khẩu súng trường tấn công Kalashnikov, hợp đồng dầu khí giữa hai quốc gia và cuối cùng là 28 hiệp định đầu tư bao gồm các thỏa thuận về thép, đóng tàu, than và năng lượng. Chính phủ của Modi cũng nhắc lại rằng hợp đồng, được ký kết năm 2018, của Ấn Độ đối với hệ thống phòng không S-400 của Nga sẽ tiếp tục được thực hiện. Ngoài ra, thỏa thuận với Moscow khiến Ấn Độ có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt theo luật năm 2017 của Mỹ nhằm ngăn chặn các nước mua khí tài quân sự của Nga. Tuy nhiên việc xác nhận bất chấp những mối đe dọa có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ Ấn Độ – Hoa Kỳ đã cho thấy rằng New Delhi sẵn sàng chấp nhận rủi ro có tính toán để tăng cường khả năng phòng thủ trước một Trung Quốc đang manh động.

Xem thêm:

CNN 7/12/2021: India signs trade and arms deals with Russia during Putin’s visit to New Delhi

The New York Times 6/12/2021: India and Russia Expand Defense Ties, Despite Prospect of U.S. Sanctions

Reuters 7/12/2021:India, Russia strike trade, arms deals during Putin visit

The Wall Street Journal 6/12/2021:Russia, India Cement Military Ties Despite U.S. Pressure 

Australia, Mỹ và Nhật Bản hợp lực xây tuyến cáp ngầm ở Thái Bình Dương cạnh tranh với Trung Quốc

Australia, Mỹ và Nhật Bản sẽ hợp lực để xây dựng một tuyến cáp ngầm mới tới ba quốc gia có tầm quan trọng chiến lược ở Thái Bình Dương – Liên bang Micronesia, Kiribati và Nauru – chặn lại bất kỳ động thái nào của Trung Quốc nhằm giúp những quốc gia này kết nối với internet.

Xem thêm:

The Australian ngày 12/12/2021: Australia, Japan and US undersea cable deal heads off China bid. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

The Japan Times ngày 12/12/2021: Japan and Australia vow to step up ‘Quad’ cooperation amid China tensions. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Các nhà sản xuất chip Đài Loan phát tín hiệu về việc tách khỏi Mỹ

Các nhà chế tạo chip của Đài Loan đã ký một thỏa thuận vào ngày 3/12/2021 để tạo ra ngành công nghiệp thiết bị bán dẫn của riêng họ, mở ra “lựa chọn tách khỏi phương Tây”, theo quan điểm của một công ty nghiên cứu nổi tiếng của Mỹ.

Sáng kiến của Đài Loan đáp lại các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ của Washington đối với những doanh nghiệp mua thiết bị chế tạo của Hoa Kỳ, vốn được đặt ra bởi cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 5 năm 2020. Hoa Kỳ khẳng định quyền chặn việc bán chip được sản xuất bằng máy móc hoặc tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.

Xem thêm:

Asia Times ngày 11/12/2021: Taiwan chipmakers hint at decoupling from the US 

Mỹ và Đài Loan hướng tới khuôn khổ thương mại mới để giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng và chất bán dẫn

Trong các cuộc đàm phán cấp cao, Đài Loan và Mỹ đã đồng ý hợp tác thông qua khuôn khổ Hợp tác Đầu tư và Thương mại Công nghệ (TTIC) mới, theo Viện Mỹ tại Đài Loan. Thỏa thuận báo hiệu ý định của chính phủ Biden trong việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng tăng cao với Bắc Kinh.

Xem thêm: 

Defense One ngày 7/12/2021: US and Taiwan aim for new trade framework to tackle supply chain and semiconductor issues 

Vì sao bảo vệ Đài Loan là quan trọng đối với Mỹ? Bản điều trần của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tại Thượng viện

Ngày 8/12/2021, trong phiên điều trần của Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Ely Ratner đã khẳng định Đài Loan là “một nút quan trọng trong chuỗi đảo đầu tiên (ở Tây Thái Bình Dương), là mỏ neo cho mạng lưới các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ qua trọng đối với việc bảo vệ các lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.” 

Xem thêm:

Statement By Dr. Ely Ratner Assistant Secretary of Defense for Indo-Pacific Security Affairs Office of the Secretary of Defense Before the 117th Congress Committee on Foreign Relations United States Senate.pdf

Paul Heer: Có phải chính sách Đài Loan của Washington đã tới ngưỡng không thể đảo ngược?

Theo nhận định của cựu nhân viên tình báo và hiện đang là thành viên của National Interest và Hội đồng Chicago về Các Vấn đề Toàn cầu, bản điều trần của Trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy dấu hiệu của nền tảng chính sách Đài Loan của Washington đã thay đổi. Những phát biểu của Ratner về lý do tại sao bảo vệ Đài Loan quan trọng với Hoa Kỳ sẽ được diễn giải là Mỹ sẽ không thể để Đài Loan sáp nhập với Trung Quốc dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Dù đó có phải là ý định của Ratner hay không thì đó cũng là thông điệp mà Bắc Kinh nhận được, và họ sẽ điều chỉnh lại các kế hoạch chiến lược của mình cho phù hợp.

Xem thêm:

The National Interest ngày 10/12/2021: Has Washington’s Policy Toward Taiwan Crossed the Rubicon? 

Một Bộ trưởng Đài Loan biến mất trên màn hình Hội nghị thượng đỉnh dân chủ của Hoa Kỳ sau khi một tấm bản đồ xuất hiện

Trong lúc đang thuyết trình qua màn hình video tại Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân Chủ do Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức vào tuần trước, hình ảnh Bộ trưởng Kỹ thuật Số của Đài Loan, bà Audrey Tang, bỗng bị cắt khỏi màn hình, sau khi một slide trong bài thuyết trình của bà hiện trên màn hình với bản đồ cho thấy Đài Loan có màu sắc khác với Trung Quốc, ngầm ý Đài Loan không thuộc Trung Quốc. Theo những nguồn tin của Reuters, sự xuất hiện của tấm bản đồ đã khiến các quan chức Hoa Kỳ kinh ngạc và theo lệnh của Nhà Trắng, hình ảnh bà Tang đã bị cắt trong cuộc thảo luận và chỉ còn lại phần âm thanh. Nhà Trắng đã quan ngại rằng sự hiện diện của tấm bản đồ có thể mâu thuẫn với chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ vốn né tránh quan điểm về việc liệu Đài Loan có phải là một phần của Trung Quốc hay không.

Xem thêm: 

Reuters ngày 13/12/2021: The curious case of a map and a disappearing Taiwan minister at U.S. democracy summit

Wayne Ma: Bí mật của Giám đốc điều hành Apple Tim Cook về thỏa thuận trị giá 275 tỷ USD với các nhà chức trách Trung Quốc

Đối mặt với sự không thân thiện của chính quyền Trung Quốc, Giám đốc điều hành Apple đã ký thỏa thuận trị giá 275 tỷ USD với các nhà chức trách Trung Quốc. Các cuộc phỏng vấn và tài liệu nội bộ của Apple cung cấp cái nhìn hậu trường về cách công ty nhượng bộ Bắc Kinh và giành được các miễn trừ pháp lý quan trọng. Giám đốc điều hành Tim Cook đã đích thân vận động các quan chức về các mối đe dọa có thể gây ảnh hưởng đến các thiết bị và dịch vụ của công ty. Những can thiệp của Tim Cook đã mở đường cho sự thành công vô song của Apple trong nước.

Xem thêm:

The Information 7/12/2021: Inside Tim Cook’s Secret $275 Billion Deal with Chinese Authorities 

The Hill 7/12/2021: Apple chief signed $275B deal to placate China: report

—–

VI- QUAN HỆ MỸ – TRUNG QUỐC

Nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh tại Hồng Kông kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ có quan điểm ‘hợp lý’ về sự phát triển của Trung Quốc, ‘tìm cơ hội hợp tác’

Trong một bài phát biểu quan trọng được ghi âm từ trước để phát vào ngày khai mạc “Hội nghị Trung Quốc: Hoa Kỳ” thường niên của South China Morning Post, Liu Guangyuan, Ủy viên văn phòng đối ngoại Trung Quốc tại Hồng Kông, cũng vạch ra những cải cách và chính sách đối ngoại chính của Bắc Kinh, kêu gọi các doanh nghiệp quốc tế nắm bắt các cơ hội trong thành phố.

Xem thêm:

South China Morning Post 07/12/2021: Beijing’s top diplomat in Hong Kong calls on US business leaders to take ‘rational’ view of China’s development, ‘find cooperation opportunities’ 

Raimondo: Hoa Kỳ cần các quy định chặn việc đưa sản xuất chip sang Trung Quốc

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết luật thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước cần có các quy định để ngăn chặn các quỹ chuyển sang sản xuất ở Trung Quốc, nhưng sẽ để Quốc hội quyết định về chi tiết của các điều khoản đó.

Xem thêm:

Bloomberg 09/12/2021: Raimondo Says U.S. Chip Funding Needs Rules to Bar Use in China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Hoa Kỳ cấm đầu tư vào các công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, cân nhắc cấm xuất khẩu công cụ sản xuất cho nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc

Các quan chức Mỹ có kế hoạch cấm người Mỹ đầu tư vào tập đoàn trí tuệ nhân tạo khổng lồ SenseTime Group Inc. của Trung Quốc và đang tìm cách chặn nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc mua các công cụ sản xuất của Mỹ, trong một nỗ lực đang được mở rộng của chính quyền Biden  chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc.

Xem thêm:

The Wall Street Journal 09/12/2021: U.S. to Bar Investment in Chinese AI Giant, Considers Banning Key Exports to Top Chip Maker. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Đảng Dân chủ Mỹ tìm cách tránh tranh chấp nội bộ về Nga và Trung Quốc

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Charles Schumer (D-N.Y.) đang tìm cách tránh sự chia rẽ lộn xộn công khai giữa Tổng thống Biden và các đảng viên Dân chủ Thượng viện về chính sách Nga và Trung Quốc bằng cách tìm cách vô hiệu hóa các sửa đổi cứng rắn về hai chủ đề nóng này.

Xem thêm:

The Hill ngày 7/12/2021: Democrats seek to avoid internal disputes over Russia and China

Trung Quốc hướng đến mục tiêu ‘Sửa đổi Bộ Quy tắc Toàn cầu,’ vị tướng hàng đầu của Mỹ tuyên bố

Trung Quốc đang mở rộng quân đội trong nỗ lực “sửa đổi bộ quy tắc toàn cầu” và hoàn tác khuôn khổ an ninh quốc gia thời hậu Thế chiến II, Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ nói hôm thứ Ba ngày 7/12/2021. 

Xem thêm:

The Wall Street Journal 07/12/2021: China Aims to ‘Revise the Global Rule Set,’ Top U.S. General Says. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Lầu Năm Góc được yêu cầu nhiệm vụ báo cáo về Trung Quốc

Vào ngày 7/12/2021, phiên Hạ viện của dự luật ủy quyền quốc phòng tài khóa năm 2022 đã được thông qua và cần được Thượng viện thông qua vào tuần tới. Trong dự luật có nhiều yêu cầu về báo cáo mới và chi tiết về các mối đe dọa do Trung Quốc gây ra, từ việc tích luỹ hạt nhân quy mô lớn đến các hoạt động tài chính và ảnh hưởng của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, dự luật quốc phòng cũng có các điều khoản bao gồm việc tái uỷ quyền cho Lầu Năm Góc báo cáo hàng năm về quân đội Trung Quốc và yêu cầu báo cáo tiếp theo phải được thực hiện trước ngày 31/1/2022. Ngoài ra, về phần Đài Loan, dự luật quốc phòng có điều khoản “ý thức của Quốc hội”, theo đó coi việc cưỡng bức quân sự của Trung Quốc đối với quốc đảo này là một “mối quan ngại nghiêm trọng”. Ngôn ngữ điều khoản cũng phê phán “hành vi cưỡng bức và hiếu chiến” của Trung Quốc đối với Đài Loan và tái khẳng định nhu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ vũ khí và quốc phòng cho Đài Bắc.

Xem thêm:

The Washington Times ngày 8/12/2021: Pentagon gets new reporting tasks for China

—–

VII- QUAN HỆ ÚC – TRUNG QUỐC

Elena Collinson: Những diễn biến chính trong tháng 11

Một trụ cột chính của cuộc bầu cử sắp tới ở Úc sẽ là vấn đề an ninh quốc gia, trong đó, lần này với Trung Quốc sẽ là mối đe doạ lớn cần được giải quyết. Mối quan hệ Úc – Trung đã trở thành vấn đề để các chính trị gia ghi điểm trong nước. 

Xem thêm:

Australia-China Relations Institute ngày 13/12/2021: AUSTRALIA-CHINA MONTHLY WRAP-UP: NOVEMBER 2021 

—–

VIII- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

William Yuen Yee: Quan hệ giữa Trung Quốc với Indonesia – cửa ngõ của Trung Quốc vào Đông Nam Á

Bất chấp tranh chấp trên biển, quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc đang ngày càng tốt đẹp. Trong khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump thực thi chính sách “nước Mỹ trên hết”, Bắc Kinh liên tục tương tác với Jakarta. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia. Trung Quốc cũng coi Indonesia là đối tác quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Bên cạnh các dự án đầu tư lớn, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc cũng đang tích cực đầu tư vào Indonesia. Bên cạnh đó, quan hệ song phương càng được đẩy mạnh nhờ vào “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc. Để phản ứng, Washington đang tìm cách phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với Jakarta, nhưng ít có khả năng Indonesia sẽ tham gia các liên minh của Mỹ chống lại Trung Quốc. Theo tác giả, mối quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc cho Mỹ một bài học: Các quốc gia khác không muốn được sử dụng chỉ để chống lại Trung Quốc.

Xem thêm:

SupChina ngày 2/12/2021: Explaining China’s relationship with Indonesia, its gateway to Southeast Asia

Kevin Rutigliano: Biden cần xây dựng quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với ASEAN

Tác giả chỉ ra Mỹ sẽ cần làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại với ASEAN để thuyết phục các nước ASEAN rằng cam kết của Mỹ với Đông Nam Á là lâu bến, trong bối cảnh các nước ASEAN có xu hướng coi liên kết kinh tế quan trọng hơn hợp tác chính trị truyền thống. Trong lĩnh vực này, Mỹ đang bị Trung Quốc bỏ lại. Tác giả đề xuất Mỹ cần sớm gia nhập trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương  (CPTPP) để cung cấp một sự thay thế cho Trung Quốc và thể hiện cam kết của mình.

Xem thêm:

East Asia Forum ngày 8/12/2021: Biden must build stronger trade ties with ASEAN

Foreign Policy ngày 12/12/2021: In Asia, China Trumps US by Focusing on Trade. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

Shuxian Luo: ASEAN sắp hết thời gian để có vai trò đệm trong cạnh tranh Mỹ – Trung

Theo tác giả, vai trò “vùng đệm” địa chiến lược mà ASEAN đã xây dựng sau Chiến tranh Lạnh đang suy yếu. Trong 30 năm qua, ASEAN vừa tìm cách xây dựng quan hệ với các nước lớn, vừa tránh phải chọn phe. Tuy vậy, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn trở lại, ASEAN phải đang cố gắng tìm chỗ đứng trong cấu trúc khu vực. Tác giả cho rằng ASEAN cần giữ vai trò cầu nối và vùng đệm của mình, và điều này có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc. Để làm được điều này, ASEAN cần có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để tăng sức ảnh hưởng với cả hai nước trên. Tác giả đã để xuất các nhóm hành động mà ASEAN có thể làm với Trung Quốc và Mỹ. Tuy vậy, ASEAN không còn nhiều thời gian.

Xem thêm:

SCMP ngày 4/12/2021: Asean running out of time to recast role as buffer in US-China great power competition

Vũ Hải Đăng: Khuyến nghị thực tế cho JOMSRE-SCS

Theo tác giả, khi tiếp tục triển khai chương trình Khảo sát Nghiên cứu khoa học Biển phối hợp Việt Nam – Philippin trên Biển Đông (JOMSRE-SCS), Việt Nam và Philippines cần tính đến hai yếu tố: Thứ nhất, phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016 dẫn đến việc có một khu vực biển cả (high seas) nằm ở giữa các vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, bao trùm một số thực thể ở quần đảo Trường Sa. Do đó, hoạt động nghiên cứu khoa học biển trong khu vực này cần tuân theo các quy định của UNCLOS 1982. Thứ hai, Biển Đông đang đứng trước hai nguy cơ môi trường mới: biến đổi khí hậu và ô nhiễm rác thải nhựa, đòi hỏi các nghiên cứu mới.

Tác giả đưa ra một số đề xuất cho JOMSRE-SCS. Về địa điểm, tác giả đề xuất các cuộc khảo sát diễn ra ở vùng đặc quyền kinh tế của hai nước, cũng như khu vực biển cả, nhưng tránh phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể nổi khi triều cao. Về thành phần tham gia, tác giả đề xuất bổ sung Brunei, Malaysia, Trung Quốc và cả các nước ngoài khu vực. Về phạm vi nghiên cứu, tác giả đề xuất bổ sung các nghiên cứu để hiểu thêm về hai thách thức biến đổi khí hậu và ô nhiễm rác thải nhựa đã đề cập ở trên.

Xem thêm:

AMTI ngày 8/12/2021: Resumption of JOMSRE-SCS: Practical Suggestions to Move Forward

Yuen Yuen Ang: Giải mã Tập Cận Bình: Cách quan chức Trung Quốc diễn giải lời kêu gọi “thịnh vượng chung” của ông

Bài viết phân tích bài báo của ông Tập với tựa đề “Kiên quyết thúc đẩy thịnh vượng chung”, đăng trên tạp chí Cầu Thị – tạp chí lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ tháng 10, để hiểu về chính sách “thịnh vượng chung” của Trung Quốc.

Theo tác giả, các phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc không mang tính giao tiếp với công chúng như phương Tây, mà là thông điệp về chính sách. Tác giả gọi hệ thống chính trị của Trung Quốc là hệ thống “ứng biến có chỉ đạo” – lãnh đạo cao nhất ra các chỉ thị khái quát, còn các quan chức địa phương sẽ phản ứng bằng việc đưa ra các chính sách cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương. Các loại thông điệp được đưa xuống từ trên có thể phân làm ba loại. “Đỏ” – những điều hạn chế. “Đen” – những điều cần làm được chỉ rõ, và “Xám” – những chỉ thị được cố ý làm cho mù mờ để khuyến khích thí điểm và sự đa dạng trong chính sách.

Tác giả cho rằng bài viết của ông Tập trên tạp chí Cầu Thị có cả ba thông điểm đỏ, đen và xám. Thông điệp đỏ là lời cảnh báo cấp dưới không đặt ra các mục tiêu phi thực tế hay áp đặt các biện pháp mạnh mẽ gây ra các vấn đề trong tương lai. Thông điệp đen là yêu cầu tăng cường kiểm soát về hệ tư tưởng, tăng cường vai trò của kinh tế nhà nước hay kêu gọi người giàu tình nguyện chia sẻ tài sản. Xám là yêu cầu “xây dựng các biện pháp dựa theo tình hình địa phương”. Tác giả đưa ra các ví dụ tại Chiết Giang cho thấy các cấp chính quyền địa phương đề ra nhiều chính sách cụ thể để thực thi chỉ thị của ông Tập.

Tác giả nhận định Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa rõ làm cách nào để giải quyết bài toán kiểm soát sự thái quá của chủ nghĩa tư bản mà không chèn ép tiềm năng sáng tạo của nó. Do đó, Chủ tịch Tập Cận Bình mới thúc giục các đồng chí thích nghi và thử nghiệm.

Xem thêm:

Foreign Affairs ngày 8/12/2021: Decoding Xi Jinping. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

Bài viết của ông Tập trên tạp chí Cầu Thị tại đây

Brahma Chellaney: Cuộc “chiến tranh lai” toàn cầu của Trung Quốc

Tác giả chỉ ra Trung Quốc đang thực thi chiến lược “tam chủng chiến pháp” của mình, bao gồm chiến tranh về tâm lý, tuyên truyền và pháp lý. Theo đó, pháp lý chiến – mà tác giả gọi là “lawfare” – để chỉ sự lạm dụng pháp luật cho mục tiêu chính trị và chiến lược. Tác giả đưa ra hàng loạt ví dụ để chứng minh Trung Quốc đang sử dụng pháp luật nội địa để có lý do không tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm các thỏa thuận song phương và đa phương. Tác giả cảnh báo chiến lược tam chủng chiến pháp của Trung Quốc đang chưa được chú ý đúng mức và khuyến nghị các nền dân chủ đề ra chiến lược phối hợp để đối phó.

Xem thêm:

Project Syndicate ngày 8/12/2021: China’s Global Hybrid War

Elizabeth Economy: Trật tự thế giới mới của Tập Cận Bình

Theo tác giả, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực sự nghĩ rằng một trật tự thế giới mới với Trung Quốc là trung tâm đang nổi lên, trái với các nhận định cho rằng Bắc Kinh không muốn xây dựng trật tự thế giới mới hay chỉ muốn có các thay đổi nhỏ. Qua đó, tác giả phân tích các hành động của Trung Quốc trong thời gian qua để hướng đến trật tự thế giới mới, từ các chính sách với Đài Loan, Hong Kong, đến chính sách với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và cả các chính sách ở cấp độ toàn cầu. Theo tác giả, việc tham vọng của ông Tập có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là khả năng nhận thức được sự khác biệt giữa chính sách của ông và điều thế giới cần.

Xem thêm:

Foreign Affairs tháng 1-2/2022: Xi Jinping’s New World Order

Thomas O. Falk: Liệu Chính phủ mới của Đức sẽ thay đổi truyền thống quan hệ với Trung Quốc? 

Tác giả đã nêu chi tiết về tầm nhìn của tân Chính phủ Đức về mối quan hệ với Trung Quốc. Trong đó, tân Ngoại trưởng Đức Annalena Bareback đã cam kết một chính sách đối ngoại sẽ “dựa trên giá trị”. Tờ Die Tageszeitung đã đăng một cuộc phỏng vấn với tân Ngoại trưởng Đức Bareback trình bày chi tiết về tầm nhìn của bà với thông điệp tổng thể rằng Đức sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và giải quyết những bất bình một cách dứt khoát. Bên cạnh đó, tân chính phủ Đức cũng có cách tiếp cận mới, xem Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống” trong thỏa thuận liên minh. Thoả thuận cũng cam kết đề ra một “chiến lược Trung Quốc toàn diện” như một phần của chính sách chung với EU về Trung Quốc, “để có thể thực hiện hóa các giá trị và lợi ích của Đức trong cuộc cạnh tranh có hệ thống với Trung Quốc”.

Xem thêm: 

The Diplomat ngày 8/12/2021: Is Germany’s New Government Going to Break With China?

—–

IX- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH – NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Graham Allison et al. (2021) The Great Tech Rivalry: China vs the U.S.

Báo cáo xem xét các tiến triển của Mỹ và Trung Quốc trong 20 năm qua trên các lĩnh vực công nghệ chủ chốt: AI, 5G, thông tin lượng tử, bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng xanh, cũng như đưa ra đánh giá. Về AI, Trung Quốc đang cạnh tranh ngang bằng với Mỹ. Về 5G, dù có lợi thế về tiêu chuẩn và thiết kế chip, Mỹ đã để Trung Quốc đi trước một bước. Về thông tin lượng tử, Mỹ được coi là người đi đầu nhưng Trung Quốc đang tạo ra thách thức lớn, thậm chí đã vượt Mỹ về liên lạc lượng tử. Về bán dẫn, Mỹ vẫn chiếm ưu thế nhưng Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Về công nghệ sinh học, Trung Quốc cũng đang cạnh tranh ở tất cả lĩnh vực. Trong khi đó, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về công nghệ xanh. Theo các tác giả, cách tiếp cận “toàn xã hội” của Trung Quốc đang thách thức lợi thế của Mỹ trong cuộc đua công nghệ.

Xem toàn văn báo cáo tại đây

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.