Bản Tin Biển Đông Số 80

(Tuần từ 11 – 18/10/2021)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Lê Xuân Phương, Trần Phạm Bình Minh, Đoàn Thị Hàn Ni

Biên tập: Nguyễn Thế Phương

Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Trung Quốc nâng cấp ba căn cứ không quân gần Đài Loan. Ảnh: Detresfa_/The Drive.

Tải bản PDF ở

———-

Trong Bản Tin Biển Đông Số 80 có những nội dung sau:

I- SỰ KIỆN MYANMAR: ASEAN QUYẾT ĐỊNH MỜI ĐẠI DIỆN PHI CHÍNH TRỊ TỪ MYANMAR DỰ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH ASEAN

II- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

III- DIỄN TIẾN TRUNG QUỐC VÀ ĐÀI LOAN GIA NHẬP CPTPP

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

VI- QUAN HỆ MỸ – TRUNG

VII- QUAN HỆ AUSTRALIA – TRUNG QUỐC

VIII- QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC

IX- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

———-

I- SỰ KIỆN MYANMAR: ASEAN QUYẾT ĐỊNH MỜI ĐẠI DIỆN PHI CHÍNH TRỊ TỪ MYANMAR DỰ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH ASEAN

Diễn biến sự kiện

Cuộc đảo chính và xung đột chính trị ở Myanmar vốn được coi là một sự kiện thách thức năng lực xử lý của ASEAN như một khối, thách thức mức độ tin cậy của khối này trong việc giải quyết các vấn đề khu vực. 

Trong cuộc họp khẩn cấp tối ngày 15/10/2021, Ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN đã đưa ra quyết định sẽ mời một đại diện phi chính trị từ Myanmar đến dự Hội nghị Thượng đỉnh của khối từ ngày 26/10 đến ngày 28/10, sau khi không đạt được bất kỳ nhất trí nào về việc chọn lựa một đại diện chính trị tham dự. Quyết định này đánh dấu một bước đi táo bạo hiếm hoi của ASEAN vốn hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào chính trị nội bộ. 

Xem thêm:

Reuters ngày 16/10/2021: ASEAN excludes Myanmar junta leader from summit in rare move

Lập trường của Việt Nam 

Hiện tại Việt Nam chưa đưa ra tuyên bố bày tỏ cụ thể quan điểm của mình liên quan tới quyết định trên của ASEAN. Trước đó, vào ngày 4/10/2021, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã thể hiện lập trường về tình hình ở Myanmar. Ông hoan nghênh chuyến hỗ trợ nhân đạo đầu tiên tới Myanmar và cho rằng đây là tiến triển đáng khích lệ nhằm hỗ trợ cho người dân ở Myanmar. Đồng thời, Bộ trưởng cũng ủng hộ các nỗ lực của Chủ tịch ASEAN cũng như Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar nhằm sớm triển khai nhiệm vụ và mong muốn Myanmar sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Đặc phái viên thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. 

Xem thêm:

Báo Chính phủ ngày 04/10/2021: Bộ trưởng các nước họp trù bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN

Phát biểu của Malaysia

Trả lời báo chí ngay trước cuộc họp, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nói rằng Malaysia không muốn người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á nếu ông không thực hiện cam kết về kế hoạch hòa bình (Thoả thuận Năm điểm). ““Nếu không có tiến triển thực sự thì quan điểm của Malaysia vẫn là chúng tôi không muốn vị tướng đó tham dự hội nghị thượng đỉnh. Sẽ không có thỏa hiệp về điều đó,” ông nói.

Xem thêm:

Malaysia Now ngày 15/10/2021: Govt says no compromise on demands for Myanmar progress

Phát biểu của Indonesia

Trên Twitter ngày 15/10/2021, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói “Indonesia đề xuất sự tham gia của Myanmar tại các Hội nghị cấp cao không nên được đại diện ở cấp độ chính trị cho đến khi Myanmar khôi phục nền dân chủ của mình thông qua một quá trình bao gồm  tất cả các bên liên quan”.

Xem thêm:

Tuyên bố của Ngoại trưởng Indonesia

Phát biểu của Singapore

Trên Twitter của mình đăng ngày 16/10/2021, ông Vivian Balakrishnan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore cho biết, động thái loại trừ tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết để duy trì uy tín của ASEAN do Myanmar không đáp ứng và rất hạn chế trong việc thực hiện Thỏa thuận Năm điểm của Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN vào ngày 24/4/2021. Bên cạnh đó, Singapore hoàn toàn ủng hộ vai trò Chủ tịch của Brunei và sứ mệnh của Đặc phái viên. Ông kêu gọi các nhà chức trách quân sự Myanmar thực hiện nhanh chóng và đầy đủ Thỏa thuận Năm điểm.

Xem thêm:

Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore ngày 16/10/2021

Tuyên bố chung của Hoa Kỳ và các nước về sự ủng hộ dành cho Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 15/10/2021, Chính phủ Hoa Kỳ, Úc, Canada, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc, Đông Timo, Vương quốc Anh và Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại , thay mặt Liên minh Châu Âu quan ngại sâu sắc về tình hình tồi tệ ở Myanmar và đưa ra tuyên bố chung về việc ủng hộ Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN đến Myanmar, đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar tạo điều kiện thuận lợi để ông có thể tự do tiếp xúc với tất cả các bên liên quan. Một giải pháp hòa bình, bất bạo động đối với cuộc khủng hoảng và đưa Myanmar quay trở lại nền dân chủ là một vấn đề cấp bách.

Xem thêm:

U.S. Department of State ngày 15/10/2021: Joint Statement of Support for the Special Envoy of the ASEAN Chair on Myanmar

Phản ứng của Myanmar 

Phản hồi quyết định của ASEAN về việc loại trừ đại diện cấp chính trị, Bộ Ngoại giao Myanmar trong một tuyên bố cho biết rằng: “Myanmar vô cùng thất vọng và phản đối mạnh mẽ (đối với) kết quả của cuộc họp khẩn cấp của các Ngoại trưởng, vì các cuộc thảo luận và quyết định về vấn đề đại diện của Myanmar đã được thực hiện mà không có sự đồng thuận và đi ngược lại các mục tiêu của ASEAN”. Tuy nhiên, Aung Myo Min, Bộ trưởng Nhân quyền của chính phủ đối lập gồm các nhà lập pháp Myanmar bị lật đổ được gọi là Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (National Unity Government Myanmar – NUG), đã ca ngợi việc loại trừ đại diện từ chính quyền quân sự là “một hành động rất mạnh mẽ” và bày tỏ hy vọng ASEAN sẽ công nhận NUG là chính phủ hợp pháp của Myanmar. Bên cạnh đó, nhà hoạt động chính trị Minn Khant Kyaw Linn, người đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Mandalay, cho biết đã đến lúc ASEAN cho phép các đại diện của NUG tham dự các cuộc họp của khối. 

Người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar cho biết trong tuần này Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN sẽ được chào đón ở Myanmar, nhưng sẽ không được phép gặp Aung San Suu Kyi vì bà đang bị buộc tội.

Xem thêm:

Channel News Asia ngày 16/10/2021: Myanmar junta ‘extremely disappointed’ over ASEAN summit snub: Official

Tuyên bố của NUG ngày 18/10/2021

Bình luận và phân tích 

Trên Twitter của mình đăng ngày 16/10, ông Aaron Connelly, Nguyên Giám đốc, Dự án Đông Nam Á tại Lowy Institute, nhận định: “Đây là một bước đột phá thực sự đối với ASEAN và đối với các lực lượng chống chính quyền ở Myanmar. Bước đi này khôi phục sự tín nhiệm đối với ngoại giao ASEAN và tước đi cơ hội để Hội đồng Quản lý Nhà nước (State Administration Council – SAC) có thể thể hiện mình như là một chính phủ hợp pháp – hình ảnh mà cơ quan này đã sử dụng để gây thêm khó khăn cho những cuộc kháng cự bên trong Myanmar”. 

Một số câu hỏi được được đặt ra:

1. Liệu SAC có tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới hay không? 

2. Ai mới được coi là “phi chính trị” nhưng “bình đẳng” với các nhà lãnh đạo ASEAN? Liệu chính quyền Myanmar có coi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của mình, Wunna Maung Lwin, một cựu công chức, là ‘phi chính trị’?

3. Liệu Hội nghị Thượng đỉnh có thể được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN nếu một trong những thành viên không có đại diện về mặt chính trị?

Xem thêm:

Bình luận của Aaron Connelly 

—–

II- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

Hoạt động của các tàu Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông qua các ứng dụng theo dõi thực địa

Sau khi trở lại từ Đá Chữ Thập vào ngày 4/10/2021, Hải Dương Địa Chất 10 cùng Hải cảnh 6305 tiếp tục hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở vùng biển Natuna. Trong khi, ngày 15/10, tàu nghiên cứu khoa học Đại Dương Hiệu (Da Yang Hao) đã rời khu vực tác nghiệp tại vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Brunei và Philippines kết thúc đợt hoạt động kéo dài từ ngày 25/9 đến 15/10 với sự hỗ trợ của Hải cảnh 5202 và Hải cảnh 6307.

Sơ đồ hoạt động của Hải Dương Địa Chất 10 từ ngày 3-17/10/2021. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic.
Sơ đồ hoạt động của tàu Đại Dương Hiệu từ ngày 25/9 – 17/10/2021. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic.

Sau khi hoạt động tại phía đông đảo Hải Nam, tàu giám sát đại dương USNS Impeccable của Hoa Kỳ đã tới hoạt động tại vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa từ ngày 12/10. Như vậy, kể từ khi vào Biển Đông, tàu giám sát đại dương của Mỹ đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc từ ngày 30/9 đến 5/10 và 10 đến 12/12; vùng đặc quyền kinh tế của Philippines từ ngày 8-9/10 và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ 12/10 đến hiện tại. Ngoài ra, USNS Impeccable còn áp sát quần đảo Pratas (hiện do Đài Loan kiểm soát) vào ngày 6/10/2021. 

Sơ đồ hoạt động của tàu USNS Impeccable từ ngày 30/9 – 17/10/2021. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic.

Trong khi đó, tàu giám sát đại dương còn lại của Hoa Kỳ tại Biển Đông là USNS Mary Sears đã rời Biển Đông vào ngày 14/10 kết thúc chuyến hải hành bắt đầu từ ngày 26/9 tại khu vực phía nam đảo Hải Nam từ 29/9 đến 5/10 và khu vực ven biển Việt Nam từ 5-9/10/2021.

Sơ đồ hành trình của tàu USNS Mary Sears từ ngày 26/9 – 17/10/2021. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic.

Qua theo dõi ảnh vệ tinh từ Planet, tàu sân bay Sơn Đông đã không có mặt tại căn cứ Du Lâm trong các bức ảnh ngày 9 và 11/10. Trong bức ảnh ngày 15/10, tàu sân bay của Trung Quốc đã xuất hiện trở lại tại căn cứ này; có lẽ Sơn Đông đã có một đợt huấn luyện ngắn ngày tại Biển Đông trong khoảng thời gian trên.

Tàu chiến Anh cập cảng Singapore, Anh có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Ngày 11/10/2021, phát biểu trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth khi cập cảng Singapore, Tham mưu trưởng Không quân Hoàng gia Anh, Trung tướng (Air Marshal) Mike Wigston cho biết, Anh sẽ tăng cường hiện ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bên cạnh việc triển khai nhiều khí tài quân sự, Anh sẽ đẩy mạnh viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa trong khu vực. Cao ủy Anh tại Singapore, Kara Owen cho biết thêm, hai tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh vừa quá cảnh qua kênh đào Panama và đang hướng đến các vùng biển Châu Á. Trước đó, Anh đã tuyên bố sẽ triển khai vĩnh viễn hai tàu chiến ở vùng biển Châu Á, nơi Hoa Kỳ và đồng minh đang cố gắng ngăn chặn hoạt động quân sự hóa và xây dựng đảo của Trung Quốc ở những vùng biển quan trọng.

Trước đó, nhóm tàu sân bay tấn công HMS Queen Elizabeth đã tham gia cuộc tập trận kỷ niệm 50 năm Thỏa thuận Phòng thủ Ngũ cường với Singapore, Malaysia, Australia và New Zealand. Ngoài ra, Vương quốc Anh cũng đã bắt đầu các cuộc đàm phán để gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 6 vừa qua.

Xem thêm:

CNBC ngày 11/10/2021: Royal Navy and RAF: UK will beef up military deployments in Asia

Reuters ngày 12/10/2021: Britain reaffirms Asia ’tilt’ as new warship makes Singapore stop

Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tái khẳng định mối quan hệ liên minh trong chuyến thăm Thái Lan

Trong chuyến công du đến Thái Lan kéo dài từ ngày 11-13/10/2021, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương John C. Aquilino đã tái khẳng định quan hệ đồng minh hiệp ước lâu đời giữa Hoa Kỳ và Thái Lan. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Aquilino đã hội đàm với Tướng Chalermpol Srisawat, Tư lệnh Quốc phòng Hoàng gia Thái Lan và sau đó có cuộc hội kiến với Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Prayut Chan-o-cha đồng thời chủ trì buổi lễ trao tặng 200 thiết bị làm lạnh cho Bộ Y tế Công cộng Thái Lan nhằm hỗ trợ nước này đối phó với COVID-19.

Aquilino nói: “Người dân Hoa Kỳ và Thái Lan đã được kết nối với tư cách là đồng minh của hiệp ước trong hơn hai thế kỷ. “Tôi cảm ơn sự tiếp đón của Thủ tướng và Tư lệnh Quốc phòng dành cho tôi cũng như cuộc thảo luận về an ninh khu vực và các giá trị chung của chúng ta”.

Xem thêm: 

U.S. Indo – Pacific Command ngày 12/10/2021: U.S. Indo-Pacific Commander Reaffirms Alliance During Visit to Thailand

Trung Quốc tiếp tục cải tạo căn cứ hải quân Ream tại Campuchia

Hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies và Planet Labs cho thấy, trong suốt tháng 8 và tháng 9 vừa qua, 3 tòa nhà mới đã được xây dựng và 1 con đường mới đã được dọn sạch cùng với những thay đổi khác tại căn cứ hải quân Ream. Phần bờ biển phía bắc cùng với các tòa nhà mới đã được dọn sạch sẽ, hàng cây nằm ở phía nam của các tòa nhà mới được xây dựng cũng được chặt hạ và một tòa nhà nhỏ đã được xây dựng tại địa điểm này. Xa hơn về phía nam, nơi đặt Trụ sở của Ủy ban An ninh Hàng hải Quốc gia do Hoa Kỳ tài trợ, hàng cây đã được phát quang và 1 con kênh đã được đào.

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh hồi giữa năm đã thừa nhận rằng Trung Quốc đang giúp nước này xây dựng cơ sở hạ tầng tại căn cứ Ream nhưng khẳng định điều này “không có ràng buộc gì”. Tuy nhiên, tốc độ xây dựng chóng mặt, sự thiếu minh bạch và những lời giải thích thiếu nhất quán từ các quan chức Campuchia tiếp tục làm dấy lên nghi ngờ rằng những nâng cấp này thực chất là phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.

Xem thêm:

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, ngày 12/10/2021, UPDATE: CHINA CONTINUES TO TRANSFORM REAM NAVAL BASE

Malaysia hy vọng ASEAN cùng đưa ra tiếng nói chung về hiệp ước tàu ngầm hạt nhân của Úc

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein hy vọng có được sự đồng thuận rõ ràng trong nội bộ các quốc gia Đông Nam Á về quan hệ đối tác an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới giữa Úc , Hoa Kỳ và Anh. Sự ra đời của AUKUS đã gây chia rẽ các quốc gia Đông Nam Á. Indonesia và Malaysia cảnh báo rằng hiệp ước này  có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang giữa các siêu cường đối thủ trong khu vực, trong khi Philippines, một đồng minh quốc phòng của Mỹ, ủng hộ hiệp ước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cũng cho biết cuộc họp với những người đồng cấp từ ASEAN dự kiến ​​vào tháng tới sẽ tạo cơ hội cho khối thống nhất về phản ứng với liên minh AUKUS.

Xem thêm: 

Reuters ngày 12/10/2021: Malaysia hopes for ASEAN consensus on Australian nuclear sub pact

Nhật Bản và Pháp sẽ tham gia tập trận hàng hải Philippines – Hoa Kỳ

Hải quân Pháp và Nhật Bản sẽ tham gia cuộc tập trận hàng hải MTA –Sama Sama (tên cũ là CARAT – tập trận Sẵn sàng và Huấn luyện Hợp tác) nhằm tăng cường khả năng tương tác của hải quân khu vực khi giải quyết các vấn đề về an ninh hàng hải và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Do ảnh hưởng của Covid-19 nên phần lớn các hoạt động lần này sẽ được tổ chức trực tuyến bao gồm đào tạo thợ lặn, hàng không, chia sẻ thông tin, tăng cường huấn luyện trên biển và nhận thức về hàng hải, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Hải quân Hoa Kỳ cho biết “hoạt động trực tuyến lần này nhằm tăng cường khả năng hợp tác của Hoa Kỳ và Philippines hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo môi trường an ninh hàng hải Ấn Độ –  Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Xem thêm:

Inquirer ngày 12/10/2021: France, Japan joining PH-US maritime exercises

Quân đội Hoa Kỳ chuyển giao hệ thống máy bay không người lái tiên tiến cho Không quân Philippines

Ngày 13/10/2021, quân đội Hoa Kỳ đã bàn giao 4 hệ thống máy bay không người lái ScanEagle (UAS) trị giá 4 triệu USD cho không quân Philippines trong một buổi lễ diễn ra tại căn cứ không quân Clark. Các nền tảng này sẽ cung cấp thêm khả năng tình báo, giám sát, trinh sát không người lái (ISR) và hỗ trợ các nỗ lực chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Cho đến nay, Philippines là nước nhận viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ đã viện trợ không hoàn lại và xúc tiến bán vũ khí, đạn dược cho Philippines nhằm hỗ trợ các mục tiêu hiện đại hóa và đảm bảo an ninh hàng hải khẩn cấp cũng như các hoạt động chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Kể từ năm 2015, Hoa Kỳ đã chuyển giao máy bay, tàu chiến, xe bọc thép, vũ khí cỡ nhỏ và các thiết bị quân sự khác trị giá hơn 1 tỷ USD cho đồng minh lâu năm tại Đông Nam Á này.

Xem thêm:

U.S. Embassy in the Philippines ngày 14/10/2021: U.S. Military Delivers Advanced Unmanned Aerial System to Philippine Air Force

Mỹ và Philippines họp Ban Tương hỗ Quốc phòng và Hợp tác an ninh

Ngày 14/10/2021, Tướng Jose Faustino Jr, Tham mưu trưởng Các Lực lượng Vũ trang Philippines và Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã chủ trì cuộc họp của Ban Tương hỗ Quốc phòng và Hợp tác an ninh (MDB-SEB) Philippines – Hoa Kỳ nhằm đảm bảo duy trì quan hệ bền vững giữa quân đội hai nước. Ông Faustino cho biết hợp tác giữa hai nước đã được cải thiện đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, an ninh mạng và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia.

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đánh giá cao khả năng, năng lực, chuyên môn của đối tác Philippines và điều đó sẽ tiếp tục được củng cố bằng việc tăng cường hoạt động diễn tập cùng nhau. Cuộc họp lần này cũng đã thống nhất các cuộc tập trận thường niên “Balikatan” giữa hai nước sẽ diễn ra trên quy mô toàn diện vào năm tới sau khi bị hủy bỏ vào năm 2020 do Covid-19.

Các cuộc họp MDB-SEB được tổ chức hằng năm nhằm điều phối khuôn khổ hợp tác quốc phòng và an ninh giữa quân đội Hoa Kỳ và Philippines. Trong năm 2021, thông qua MDB-SEB, hai bên đã tiến hành hơn 300 hoạt động hợp tác quốc phòng an ninh.

Xem thêm:

U.S. Indo – Pacific Command ngày 14/102/2021: Philippines, U.S. Host Annual Mutual Defense Board and Security Engagement Board

Philippine News Agency ngày 14/10/2021: PH-US Balikatan exercises to go ‘full scale’ in 2022

Đại sứ các nước EU tại Singapore: Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU đã sẵn sàng làm sâu sắc hơn quan hệ EU-ASEAN

Ngày 15/10/2021, Đại sứ ba nước Pháp, Đức và Hà Lan tại Singapore đã có bài xã luận trên The Business Times giải thích Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU sẽ làm sâu sắc mối quan hệ EU – ASEAN như thế nào. Với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, EU sẽ đặt ra một chương trình nghị sự tích cực và bao trùm để hợp tác với các quốc gia trong khu vực có chung lợi ích với họ về nhiều vấn đề. EU tin chắc rằng những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt ngày nay cần phải được giải quyết dựa trên quá trình hợp tác với các đối tác, thay vì chỉ sử dụng sức mạnh cứng . Và tương tự, ASEAN cũng đã nhiều lần nêu rõ sự cần thiết của việc hình thành một cấu trúc an ninh khu vực dựa trên trật tự và luật lệ quốc tế, thay vì hình thành các khối và liên minh quân sự. Theo định nghĩa này, ASEAN trở thành một đối tác của EU.

EU là nhà đầu tư và là đối tác  hợp tác phát triển hàng đầu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; có lợi ích nhất định đối với sự phát triển bền vững của một khu vực đã trở thành trung tâm kinh tế và chiến lược của thế giới; có tầm nhìn lợi ích và công cụ riêng để tự thúc đẩy phát triển. Dựa vào những điều trên, EU mong muốn hợp tác nhiều hơn với ASEAN và các nước thành viên. Với tư cách là đối tác thương mại và phát triển, EU không chỉ công nhận và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN mà còn tiếp tục xây dựng quan hệ mang lại lợi ích cho cả hai bên. EU tin tưởng rằng cả hai có cùng cam kết về cách tiếp cận đa chiều, kết hợp thương mại, hợp tác phát triển, các thách thức toàn cầu và an ninh, nhằm củng cố trật tự dựa trên luật lệ. 

Xem thêm:

The Business Times ngày 15/10/2021: EU’s Indo-Pacific Strategy stands ready to deepen EU-Asean ties. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.

Điện đàm lãnh đạo Singapore – Trung Quốc 

Trong cuộc điện đàm hôm 15/10/2021, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định mối quan hệ bền chặt giữa Singapore và Trung Quốc cũng như những lợi ích chung phát sinh từ việc tiếp tục trao đổi và hợp tác song phương bất chấp những hoàn cảnh thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra. Hai nhà lãnh đạo cũng ghi nhận những tiến triển tốt đẹp tiếp tục đạt được trong ba dự án “Chính phủ với Chính phủ” và sự hợp tác chặt chẽ trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Hai bên cũng đã trao đổi ý kiến ​​về những diễn biến trong khu vực và quốc tế, tái khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa ASEAN và Trung Quốc nhân kỷ niệm Quan hệ Đối thoại lần thứ 30. 

Xem thêm: 

Bộ Ngoại giao Singapore ngày 15/10/2021: Prime Minister Lee Hsien Loong’s Telephone Call with President of the People’s Republic of China, Xi Jinping, 15 October 2021

Đối thoại cấp cao Shangri-La sẽ được tổ chức tại Singapore vào tháng 6 tới

Shangri-La, đối thoại thượng đỉnh an ninh cấp cao thu hút các Bộ trưởng Quốc phòng, quan chức cấp cao, lãnh đạo tập đoàn và các nhà hoạch định chiến lược có ảnh hưởng trên thế giới được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London dự kiến sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 10 đến 12/6/2022 sau hai năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19. “Vào thời điểm mối quan tâm ngày càng gia tăng đối với các vấn đề an ninh Châu Á, chúng tôi mong muốn được chào đón các đại biểu đến Singapore để thảo luận ngoại giao trực tiếp vào tháng 6 tới”, ông James Crabtree, Giám đốc điều hành IISS-Asia, cho biết.

Xem thêm:

The Straits Times, ngày 13/10/2021: High-level Shangri-La Dialogue to be held in Singapore next June

—–

III- DIỄN TIẾN TRUNG QUỐC VÀ ĐÀI LOAN GIA NHẬP CPTPP

Các cuộc thảo luận hậu trường ngầm ủng hộ Đài Loan

Mặc dù vào ngày 24/9/2021, Bộ trưởng Thương mại Úc đưa ra bình luận trung lập rằng “Úc sẽ làm việc với các thành viên CPTPP để xem xét đơn xin gia nhập của Đài Loan trên cơ sở đồng thuận,” tờ The Australian tiết lộ “một nguồn ngoại giao cấp cao tham gia vào thảo luận hậu trường cho biết rằng Úc, Nhật Bản và Canada… đang có các cuộc thảo luận để tìm ra con đường cho sự gia nhập của Đài Loan.”

Bắc Kinh đã đe dọa Úc, Nhật Bản, Canada và các quốc gia ủng hộ Đài Loan gia nhập CPTPP. 

“Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vào cuối tháng 9.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi tương tác chính thức với Đài Loan, kiên quyết bác bỏ việc Đài Loan gia nhập bất kỳ thỏa thuận hoặc tổ chức nào có tính chất chính thức.”

Xem thêm:

The Australian ngày 24/9/2021: Beijing barks as Australia, Japan, Canada support Taiwan CPTPP bid. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Đài Loan đề nghị Úc ủng hộ việc gia nhập CPTPP

Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc, vốn được coi là Đại sứ Đài Loan trên thực tế, Elliot Charng, nói với một uỷ ban quốc hội Úc ở Canberra hôm thứ Ba ngày 12/10/2021 rằng Đài Loan có thể thúc đẩy dòng chảy thương mại công nghệ cao và nhu cầu nhập khẩu khoáng sản Úc. Việc ủng hộ Đài Loan gia nhập CPTPP cũng sẽ “gửi một thông điệp mạnh mẽ” đến các doanh nghiệp Úc bị ảnh hưởng bởi các cuộc tẩy chay hàng hoá Úc của Trung Quốc.

Trước đó Trung Quốc cũng đã có lá thư vận động quốc hội Úc, nêu bật những lợi ích thương mại Úc có thể đạt được nếu Trung Quốc trở thành thành viên CPTPP.

Xem thêm:

Reuters ngày 12/10/2021: Taiwan asks Australia to support regional trade bid

Vương Nghị: Trung Quốc sẵn sàng trao đổi với Chile về việc tham gia CPTPP 

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Chile Andres Allamad hôm 13/10/2021, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với Chile về việc tham gia CPTPP. Cả hai nước cần tiếp tục ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề lợi ích cốt lõi, cùng xây dựng Vành đai và Con đường, thúc đẩy hợp tác trong thương mại, đầu tư, khai thác mỏ, công nghệ sạch và các lĩnh vực khác.

Xem thêm:

CGTN ngày 13/10/2021: Wang Yi: China is ready to communicate with Chile on joining CPTPP

Trung Quốc nói Singapore “hoan nghênh” nỗ lực của nước này tham gia CPTPP

Trung Quốc cho biết Singapore “hoan nghênh và ủng hộ” nỗ lực tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Singapore “hoan nghênh và ủng hộ” nỗ lực của Trung Quốc tham gia Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Động thái này sẽ “có lợi cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực”.

Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Singapore không thấy nhắc đến điều này dù có nhắc đến những hợp tác trong thương mại, kinh tế của hai nước cũng như trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 16/10/2021: China says Singapore ‘welcomes’ bid to join Pacific trade pact

Bình luận: Việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc thúc đẩy phá vỡ đoàn kết Châu Á-Thái Bình Dương

Hiroyuki Akita, một nhà bình luận của tờ Nikkei Asia cho rằng một quốc gia chỉ được phép tham gia hiệp ước khi tất cả các thành viên đồng ý cho phép tham gia. Nếu Trung Quốc trở thành thành viên CPTPP trước Đài Loan và Mỹ, Bắc Kinh sẽ có thể phủ quyết sự tham gia của hai nước này. Washington sẽ mãi mãi bị loại trừ trong khi Trung Quốc định hình lại CPTPP thành một công cụ mạnh mẽ cho các tham vọng chiến lược của họ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các chuỗi cung ứng của khu vực sẽ được tích hợp vào hệ sinh thái khổng lồ của Trung Quốc, vốn sẽ thống trị bối cảnh kinh tế khu vực, phù hợp với chiến lược quốc gia của Bắc Kinh.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 13/10/2021: China’s CPTPP push a gambit to break Asia-Pacific solidarity 

—–

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Thư ngày 30/9/2021 của Đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng thư ký

Trong phiên họp thứ 76 phần thảo luận chung, Đại diện thường trực Trung Quốc đã gửi tuyên bố bằng văn bản lên tổng thư ký Liên Hợp Quốc về việc thực hiện quyền trả lời các bình luận của Philippines về vấn đề Biển Đông trước Đại hội đồng vào ngày 21/9/2021. Trong thư, Trung Quốc phản đối những tuyên bố của Philippines về Phán quyết trọng tài Biển Đông năm 2016, cho rằng Tòa trọng tài ở Biển Đông đã thực thi quyền tài phán vượt quá thẩm quyền, đưa ra phán quyết bất chấp luật pháp và vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển cũng như luật pháp quốc tế có liên quan. Cái gọi là các phán quyết do hội đồng trọng tài đưa ra là bất hợp pháp và vô hiệu. Trung Quốc không chấp nhận hay công nhận các phán quyết. Chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông trong mọi trường hợp sẽ không bị ảnh hưởng bởi các phán quyết này. Trung Quốc phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ yêu sách hoặc hành động nào dựa trên các phán quyết này.

Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông với các quốc gia liên quan trực tiếp thông qua đàm phán và tham vấn “trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế.” 

Xem toàn văn tuyên bố tại: Letter dated 30 September 2021 from the Permanent Representative of China to the United Nations addressed to the Secretary-General

Trung Quốc thử nghiệm tàu quân sự tại căn cứ hải quân bí mật

Theo các bức ảnh vệ tinh do Maxar cung cấp và phân tích của nguồn tin tình báo nguồn mở, bến tàu gần Đại Liên là nơi Trung Quốc đang thử nghiệm các tàu mặt nước lớn không mui. Bến tàu này bắt đầu được xây dựng từ đầu năm 2016 và mất khoảng một năm để hoàn thành. Khi sử dụng, hai sà lan công suất lớn được neo đậu bên cạnh để cung cấp các phương tiện cơ bản cho thủy thủ đoàn và nhân viên hỗ trợ. Căn cứ này có thể là một địa điểm phụ trợ để thử nghiệm các tàu nổi không người lái cách xa các căn cứ hải quân chính để tránh gây chú ý. Ngoài ra, tàu ngầm Type-035 lớp Minh đã được phát hiện khi đang thực hiện các bài thử nghiệm gần cầu tàu.

Xem thêm:

USNI News ngày 11/10/2021, Chinese Testing Experimental Armed Drone Ships at Secret Naval Base

Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố tàu lặn không người lái của Trung Quốc lập kỷ lục lặn sâu, Trung Quốc tiếp tục thử nghiệm thiết bị giám sát ngầm ở Biển Đông

Ngày 11/10/2021, Viện Tự động hóa Thẩm Dương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết, tàu lặn không người lái Hải Đẩu 1 (Hai Dou 1) đã lặn xuống độ sâu 10.908 mét ở đáy biển Challenger Deep thuộc rãnh Mariana, Thái Bình Dương. Lần tác nghiệp này không những phá vỡ kỷ lục thế giới về độ sâu của tàu lặn có thể đạt được do Hải Đẩu thiết lập vào năm ngoái mà tàu còn ở dưới đáy biển tới 10 giờ, lâu hơn 2 giờ so với chuyến lặn dài nhất trước đó. Thông báo của Viện Tự động hóa Thẩm Dương cũng cho biết, một phần trong nhiệm vụ của tàu lặn lần này là khảo sát thủy âm, ngoài ra, tàu còn có nhiệm vụ khảo sát địa hình đáy biển và phát hiện mục tiêu ngầm thông qua phát video trực tiếp thời gian thực. “Lần đầu tiên trên thế giới, Hải Đẩu 1 đã hoàn thành việc phát hiện âm thanh phạm vi rộng và đầy đủ ở vùng lõm phía tây của Challenger Deep”, thông báo cho biết. Challenger Deep là khu vực sâu nhất trong rãnh Mariana và cũng là điểm sâu nhất được biết đến trên bề mặt trái đất với áp suất 1.100 lần so với mực nước biển.

Trong một bài báo được đăng trên tạp chí Earth Science Frontiers ngày 10/10, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết đã thử nghiệm một thiết bị giám sát ở Biển Đông nhằm cải thiện khả năng phát hiện các dòng chảy dưới nước vốn được cho là nguy hiểm đối với tàu ngầm. Bài báo cho biết, cảm biến này nặng tới 1,4 tấn, có thể hoạt động dưới đáy biển trong nhiều tuần và thu nhận tín hiệu từ tàu mẹ. Đây là lần thứ ba Trung Quốc thử nghiệm các thiết bị này ở Biển Đông sau 2 lần thả xuống đáy biển ở độ sâu 600 mét và 1.400 mét. Trung Quốc đã xây dựng một trong những mạng lưới giám sát đại dương lớn nhất thế giới ở Biển Đông; cùng với phao nổi, các thiết bị giám sát ngầm có thể giúp phát hiện thông tin sớm hơn và ở phạm vi lớn hơn.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 12/10/2021, China’s Haidou 1 reaches new depths exploring the Pacific Ocean floor

South China Morning Post ngày 12/10/2021, Chinese scientists dive into South China Sea’s dangerous internal waves

Truyền thông Trung Quốc nói máy bay không người lái mới của Trung Quốc có thể thực hiện các hoạt động trinh sát và tấn công

Một chương trình trên kênh quân sự của Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc (CCTV) ngày 11/10/2021 đã tập trung vào một máy bay không người lái do thám mới, WJ-700, như là một phần quan trọng trong “hệ thống chiến đấu không người lái” đầy tham vọng của quân đội Trung Quốc. Hoàn thành chuyến bay thử nghiệm vào tháng 1 năm nay, WJ-700 có thể bay ở độ cao 15.000 mét, tốc độ tối đa 600 km/h và có thể bay liên tục trong 20 giờ. Ngoài ra, máy bay không người lái mới được phát triển bởi Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc này còn có thể mang theo vũ khí bao gồm cả tên lửa đất đối không. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất và phát triển máy bay không người lái lớn nhất thế giới cho cả mục đích quân sự và dân sự; nước này đã công bố hai UAV mới tại triển lãm hàng không lớn nhất nước vào tháng trước bao gồm một máy bay không người lái trinh sát tầm cao và một phương tiện tấn công điện tử.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 12/10/2021: New Chinese spy drone ‘will make combat scenes in the movies a reality’, state media claims

Tập Cận Bình: hệ thống chính trị “dân chủ” của Trung Quốc là “sự sáng tạo vĩ đại” nắm giữ chìa khóa cho thành công quốc tế

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một cuộc họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng một hệ thống có thể được đánh giá dựa trên việc liệu hệ thống đó có cho phép chuyển giao quyền lực một cách có trật tự và cho phép mọi người bày tỏ nguyện vọng của mình hay không. Ông ca ngợi hệ thống chính trị của Trung Quốc là “một sự sáng tạo vĩ đại” và là chìa khóa dẫn đến thành công toàn cầu của nước này trong bối cảnh đối đầu ý thức hệ với Washington đang gia tăng. 

Theo Tập Cận Bình, “Hệ thống đại hội đại biểu nhân dân, do người Trung Quốc đứng đầu dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, là một sáng tạo vĩ đại trong lịch sử hệ thống chính trị cũng như một hệ thống hoàn toàn mới, có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử chính trị của cả Trung Quốc và thế giới”. Hệ thống này đã cung cấp sự bảo đảm thể chế quan trọng cho người dân Trung Quốc, tạo ra những kỳ tích về tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định xã hội lâu dài trong 60 năm qua, đặc biệt là trong bốn thập kỷ cải cách và mở cửa. Trong đó, lợi thế về thể chế là điều cần thiết để một quốc gia nắm bắt được sáng kiến chiến lược của mình. Nền dân chủ nhân dân toàn diện ở Trung Quốc không chỉ thể hiện ở bộ thể chế và thủ tục hoàn chỉnh mà còn có sự tham gia và thực hành đầy đủ. Ông Tập cũng lưu ý rằng đó là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa rộng rãi nhất, chân chính nhất và hiệu quả nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng sự tham gia chính trị có trật tự của người dân và tăng cường bảo vệ quyền con người bằng pháp luật để đảm bảo người dân được hưởng các quyền và tự do rộng rãi theo quy định của pháp luật. 

Ông Tập nói sự cạnh tranh giữa các hệ thống chính trị là một “khía cạnh then chốt” trong cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia và có thể là “lợi thế cốt lõi cho đất nước trong việc giành được thế chủ động chiến lược”. Ông cũng nói thêm “Lịch sử và thực tế đã chỉ ra rằng một quốc gia ổn định nếu hệ thống chính trị của quốc gia đó ổn định, và một quốc gia mạnh nếu hệ thống chính trị của nó vững mạnh.” Nền dân chủ thực sự không phải là những lời hùng biện và những cam kết được đưa ra trên đấu trường bầu cử, “dân chủ không phải là vật trang trí hay chỉ để trang trí. Dân chủ là để giải quyết các vấn đề thực sự của nhân dân”.

Bài phát biểu này được coi là nỗ lực mới nhất để bảo vệ hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ về các quyền và giá trị. 

Xem thêm: 

Tân Hoa Xã ngày 14/10/2021: Xi Focus: Xi stresses enhancing whole-process people’s democracy

South China Morning Post ngày 14/10/2021: Xi Jinping says China’s ‘democratic’ political system is a ‘great creation’ that holds key to international success

Trung Quốc và Nga tổ chức tập trận hải quân chung ở Biển Nhật Bản

Cuộc tập trận Tương tác Hải quân – 2021 (The Naval Interaction-2021) giữa Nga và Trung Quốc đã được tổ chức vào ngày 14/10/2021 tại vùng biển gần Vịnh Peter Đại đế của Nga ở Biển Nhật Bản. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã triển khai các tàu chiến hiện đại bao gồm tàu khu trục cỡ lớn Type 055 Nam Xương, tàu khu trục Type 052D Côn Minh; các khinh hạm Type 054A Tân Châu và Lưu Châu ; tàu tiếp vận Type 903A Đông Bình Hồ cùng với các máy bay tác chiến chống ngầm và máy bay trực thăng tấn công. Trong khi đó, Nga đã điển khai lực lượng chống hạm lớn gồm các tàu ngầm, tàu khu trục nhỏ và máy bay.

Mục tiêu của cuộc diễn tập là tăng cường hợp tác giữa hải quân hai nước, trau dồi khả năng tác chiến và nâng cao năng lực đối phó với các thách thức “đe dọa an ninh hàng hải, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”. Tờ Global Times mượn lời học giả Trung Quốc nói rằng các tổ chức an ninh khu vực mới như Quad và AUKUS là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với cả Trung Quốc và Nga, và cuộc diễn tập chung giữa hai nước sẽ đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực.

Cuộc tập trận cũng là cơ hội để Hải quân Trung Quốc kiểm tra khả năng trên các vùng biển xa bao gồm khả năng chỉ huy, phòng không, chống hạm, chống ngầm, trinh sát, cảnh báo sớm, liên lạc và điều hướng. Đây là lần đầu tiên tàu khu trục cỡ lớn 10.000 tấn của Trung Quốc tham gia tập trận ở nước ngoài trong khi tàu khu trục Type 055 với vai trò là tàu chỉ huy đã có lần thứ 3 đi vào Biển Nhật Bản trong năm nay.

The Naval Interaction là cuộc tập trận hàng hải lớn nhất giữa Trung Quốc và Nga được tổ chức hàng năm bắt đầu từ 2012 nhằm nâng cao khả năng thông tin liên lạc, đối phó với ngư lôi, phòng không, bắn đạn thật với các mục tiêu trên biển, diễn tập chống ngầm chung giữa hai nước.

Xem thêm: 

Global Times ngày 14/10/2021: China, Russia hold joint naval drill in Sea of Japan, display ‘higher level of trust, capability’

Trung Quốc nâng cấp 3 căn cứ không quân gần Đài Loan

Từ đầu năm 2020, Trung Quốc bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm nâng cấp 3 căn cứ không quân tại Long Điền, Huệ An và Chương Châu  (tất cả đều nằm tại tỉnh Phúc Kiến) cách Đài Loan từ 100 đến 200 dặm trong bối cảnh căng thẳng liên tục gia tăng tại eo biển này. Việc nâng cấp 3 căn cứ diễn ra liên tục bất chấp đại dịch Covid-19 cho thấy Trung Quốc đang rất ưu tiên tăng cường khả năng không quân gần eo biển Đài Loan.

Tại căn cứ Long Điền, Trung Quốc đã nâng cấp đường băng, sân đỗ; xây dựng thêm 4 nhà chứa máy bay, các tòa nhà hành chính, doanh trại và có thể có các hầm chứa vũ khí, đạn dược. Tại căn cứ Huệ An, 3 boongke chứa đạn đã được xây dựng, đường băng nhỏ và sân đỗ cũng đang được mở rộng; ngoài ra 4 nhà chứa máy bay cứng cũng mới được xây dựng thêm bên cạnh 24 nhà chứa kiểu che nắng hiện đại đã có từ trước. Cách đó không xa, căn cứ không quân Chương Châu cũng đã được xây dựng thêm tổ hợp phòng thủ tên lửa đất đối không mới. Việc Trung Quốc nâng cấp các căn cứ không quân gần eo biển Đài Loan cho thấy có thể nước này sẽ gia tăng triển khai máy bay trong tương lai hoặc ít nhất là tăng cường năng lực không quân trong khu vực. Những nâng cấp mới bổ sung cho các dự án xây dựng liên quan đến không quân khác dọc theo eo biển, đặc biệt là việc xây dựng một sân bay trực thăng khổng lồ sẽ rất hữu ích cho các hoạt động từ tác chiến chống ngầm và tấn công đường không nếu xung đột xảy ra.

Xem thêm:

The Drive ngày 13/10/2021: Major Construction Underway At Three Of China’s Airbases Closest To Taiwan

Phân tích: Sự mơ hồ chiến lược của Trung Quốc đối với Đài Loan

Trong vòng 4 ngày đầu tháng 10, Trung Quốc đã đưa 150 máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong lúc Hoa Kỳ và năm quốc gia khác bao gồm cả Nhật Bản và Anh đã tiến hành một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất ở Tây Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ qua. Cùng với các hành động trên thực địa, các bên cũng đã có những “lời lẽ cứng rắn” dành cho nhau. Cuối tuần qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết “nhiệm vụ lịch sử là thống nhất hoàn toàn Tổ quốc … chắc chắn sẽ được hoàn thành” đồng thời nhấn mạnh ưu tiên của ông là tiếp quản Đài Loan bằng biện pháp hòa bình. Trong khi đó, CIA cũng vừa thành lập Trung tâm Sứ mệnh Trung Quốc (China Mission Center) mô tả Trung Quốc là “mối đe dọa địa chính trị quan trọng nhất đối mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong thế kỷ 21”. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, Chiu Kuo-cheng tuần trước đã cảnh báo Trung Quốc có thể tấn công hòn đảo này vào năm 2025 và mô tả tình hình hiện tại là nguy hiểm nhất trong 40 năm qua.

Chính quyền Tổng thống Biden tin rằng, Trung Quốc quyết tâm thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới và Hoa Kỳ sẽ làm tất cả để ngăn cản điều đó xảy ra. Một cuộc tấn công thành công vào Đài Loan của Trung Quốc sẽ báo hiệu chấm dứt sự thống trị của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Liệu Washington có tham chiến để ngăn chặn? Câu trả lời ngắn gọn là không ai thực sự biết, điều đó phần lớn sẽ phụ thuộc vào bản chất của cuộc tấn công và tình hình địa chính trị tại thời điểm đó.

Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục chọn sử dụng các phương pháp “xung đột vùng xám” để tăng cường gây sức ép với chính quyền Đài Bắc và “đẩy lùi” Hoa Kỳ ra xa hơn khỏi khu vực thông qua phong tỏa hải quân hoặc triển khai các lực lượng đặc biệt làm tê liệt cơ sở hạ tầng của Đài Loan. Nói cách khác, Trung Quốc đang triển khai hình thức “mơ hồ chiến lược” của mình đối với Đài Loan bằng cách liên tục nhắc lại khả năng sẵn sàng tham chiến để Washington và Đài Bắc “đoán xem” điều đó sẽ xảy ra như thế nào và khi nào. Sự mơ hồ chiến lược đã giữ hòa bình cho eo biển Đài Loan trong nhiều thập kỷ qua nhưng thời điểm “sáng tỏ” có thể đang đến gần.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 11/10/2021, quân đội Trung Quốc cho biết đã tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ và tấn công trên bãi biển phía nam tỉnh Phúc Kiến, đối diện với Đài Loan. PLA Daily cho biết, hoạt động này có sự tham gia của các quân nhân, đặc công và hải quân đánh bộ. Bài bình luận trên PLA Daily cũng cảnh báo sẽ đập tan bất kỳ nỗ lực nào nhằm tách Đài Loan khỏi Trung Quốc đại lục. Các nhà quan sát cho rằng những động thái vừa qua là sự phô trương lực lượng của PLA nhằm tăng cường sức ép lên hòn đảo tự trị.

Ngày 13/10, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng cảnh báo sẽ không “khơi mào cuộc chiến” nhưng sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu các lực lượng Trung Quốc này tiến quá gần quần đảo trong khi Bắc Kinh cho biết các cuộc xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan là động thái chỉ để “bảo vệ hòa bình và ổn định”. Trong một báo cáo trước Quốc hội, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết lực lượng của họ sẽ tuân thủ nguyên tắc “càng gần đảo, các biện pháp đối phó càng mạnh”, mặc dù không đưa ra chi tiết.

Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ đã chấp nhận khái niệm “mơ hồ chiến lược” trong vấn đề Đài Loan với việc cố tình “mơ hồ” về việc liệu họ có “tham chiến” nếu hòn đảo này bị Trung Quốc tấn công hay không. Tuy nhiên, những leo thang gần đây của Bắc Kinh khiến một số quan chức trong chính quyền Biden và các nhà lập pháp phải xem xét lại cách tiếp cận đó trong bối cảnh Hoa Kỳ đang cố gắng xoay trục các ưu tiên chính sách đối ngoại của mình sang khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Một số nhân vật trong Quốc hội Hoa Kỳ cũng gây áp lực buộc Nhà Trắng phải thay đổi “tâm thế” của mình trước Trung Quốc. Đáp lại, một số quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Biden cho biết, “sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan vẫn mạnh mẽ và có tính nguyên tắc, hai đảng sẽ tiếp tục tham gia với Quốc hội về những vấn đề quan trọng này”. Ngày 14/10, Thư ký báo chí của Nhà Trắng, Jen Psaki cho biết, cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan là vững chắc và “chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan tự vệ”.

Xem thêm:

Financial Times ngày 12/10/2021: The moment of truth over Taiwan is getting closer. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Reuters ngày 11/10/2021: China says it carried out beach landing drills in province opposite Taiwan

South China Morning Post ngày 12/10/2021: PLA backs mainland drill with threat to ‘crush’ Taiwan separatists

Reuters ngày 13/10/2021: Taiwan says don’t get too close as China defends military drills

Press TV ngày 14/10/2021: Taipei ‘won’t start war with China but will defend itself full on if attacked’

CNN: ngày 16/10/2021: China, Taiwan tensions spark debate inside Biden admin as Democrats push for more forceful response

Reuters ngày 14/10/2021: White House says U.S. commitment to Taiwan is ‘rock solid’

—–

V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott gửi thông điệp tới Đài Loan: Hãy sẵn sàng chiến đấu

Ngày 8/10/2021, ông Tony Abbott, cựu Thủ tướng Australia đã có bài phát biểu tại diễn đàn Ngọc Sơn, bày tỏ quan ngại Bắc Kinh “có thể tấn công thảm khốc” Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng gia tăng của hòn đảo tự trị này đồng thời kêu gọi Đài Loan hãy sẵn sàng chiến đấu và cho rằng Mỹ và Úc “không thể đứng yên”. Trong bài phát biểu của mình, cựu Thủ tướng Úc đã cáo buộc Trung Quốc thể hiện “sự hiếu chiến ngày càng tăng đối với Đài Loan” – bao gồm cả việc gia tăng các cuộc xâm nhập gần đây của máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Toàn văn bài phát biểu này đã được đăng trên The Australian vào ngày 10/10. Trong chuyến thăm với tư cách cá nhân đến Đài Loan lần này, ông Tony Abbott cũng đã tiếp kiến Tổng thống Thái Anh Văn vào ngày 8/10.

Ngày 11/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc những phát ngôn của ông Tony Abbott là “vô đạo đức, vô trách nhiệm và lố bịch”. “Các bài phát biểu được thực hiện vì lợi ích chính trị cá nhân và nhằm mục đích khuấy động các cuộc đối đầu và thổi phồng thuyết âm mưu đe dọa Trung Quốc. Đây là sự can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc và vu khống Trung Quốc.” Thông điệp trên website của Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia đăng tải, “Tony Abbott là một chính trị gia thất bại và đáng thương. Hành động đáng khinh bỉ và điên rồ của ông ấy ở Đài Loan đã bộc lộ những ý định chống Trung Quốc ghê tởm của ông ta”.

Xem thêm:

The Guardian ngày 8/10/2021: Tony Abbott raises fears China ‘could lash out disastrously’ as Taiwan tensions grow

The Australian ngày 10/10/2021: My message to Taiwan: get ready to fight Tony Abbott. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

The Diplomat ngày 14/10/2021: Tony Abbott in Taiwan: An Imperfect Messenger 

Global Times ngày 11/10/2021: China lodges solemn representations to Australia over Abbott’s ‘immoral, ridiculous’ comments on Taiwan

Hoa Kỳ mong muốn mở rộng hợp tác khu vực Ấn Độ Dương

Ngay khi gian đoạn 2 của cuộc tập trận hải quân Malabar bắt đầu ở Vịnh Bengal vào ngày 12/10/2021, Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Michael Gilday nói rằng Ấn Độ, Hoa Kỳ và các quốc gia cùng chí hướng khác nên mở rộng hợp tác hơn nữa ở Ấn Độ Dương cũng như khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng lớn. Trong cuộc gặp với Tổng Tham mưu trưởng Quốc phòng Bipin Rawat và Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Karambir Singh vào ngày 12/10, Đô đốc Gilday cho biết, Hải quân Hoa Kỳ đã tái cân bằng với hơn 60% lực lượng hiện đang hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ là một trong những đối tác chiến lược gần gũi nhất của Mỹ trong việc đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “hòa bình và an toàn”. “Chúng tôi chắc chắn sẽ tăng cường khả năng tương tác của hải quân trong nhiều thập kỷ tới”, ông Gilday cho biết thêm.

Cuộc tập trận đa quốc gia Malabar giữa Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia giai đoạn 2 có sự tham gia của 9 tàu chiến và 1 tàu ngầm bao trong đó có cả tàu sân bay USS Carl Vinson sau cuộc diễn tập giai đoạn 1 diễn ra vào cuối tháng 8 tại ngoài khơi đảo Guam.

Xem thêm:

The Times Of India ngày 13/10/2021: Expand IOR cooperation, says US as Malabar starts

Tàu tình báo tín hiệu của Pháp đi qua eo biển Đài Loan

Trong phiên điều trần tại Thượng viện Pháp, Bộ trưởng Bộ Các lực lượng Vũ trang Pháp, Florency Parly cho biết, tàu tình báo tín hiệu, Dupuy de Lôme (A759) của Hải quân nước này đã thực hiện một chuyến quá cảnh hiếm hoi qua eo biển Đài Loan. Mặc dù không cung cấp thời gian cụ thể của chuyến hải hành này nhưng ông Florency Parly cho biết việc tàu chiến Pháp đi qua eo biển Đài Loan nhằm góp phần bảo vệ “không gian này như một không gian của lẽ phải”. Dupuy de Lôme có trọng tải 3.600 tấn được triển khai đến khu vực Thái Bình Dương vào tháng 5; tàu đã ghé thăm Guam vào tháng 8 và được phát hiện rời Nhật Bản vào ngày 1/10/2021.

Xem thêm: 

Naval News, ngày 13/10/2021: French SIGINT ship Dupuy de Lôme Makes Rare Taiwan Strait Transit

Ấn Độ, Sri Lanka hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Colombo bắt đầu tách mình khỏi Trung Quốc

Chuyến thăm 5 ngày của Tổng tư lệnh Lục quân Ấn Độ MM Naravane tới Sri Lanka đã củng cố cam kết của New Delhi rằng Colombo là đối tác “Ưu tiên số 1” trong quan hệ quốc phòng. Hai quốc gia cũng đang hợp tác trong các vấn đề an ninh khu vực.

Quân đội Ấn Độ và Sri Lanka hiện đang tổ chức cuộc tập trận kéo dài 12 ngày. Trước những dấu hiệu tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia, hải quân hai nước đã cùng nhau tổ chức các cuộc tập trận vào tháng trước. Hải quân Sri Lanka cũng đã tổ chức các cuộc tập trận với hải quân Nhật Bản vào tuần trước.

Trước đó, Sri Lanka cũng đã ký kết một loạt thương vụ với Mỹ và các công ty phương Tây.

Đã có một sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức về chính sách đối ngoại của Sri Lanka trong vài tháng qua khi nước này tiến gần hơn đến Ấn Độ và cố gắng vươn mình thoát khỏi nanh vuốt của Trung Quốc, Gulbin Sultana, một nhà phân tích từ Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar nhận định. Mối quan hệ với Trung Quốc đã dẫn đến một cái bẫy nợ cho Colombo vì nước này không thể trả hết các khoản vay cơ sở hạ tầng cho Cảng Hambantota, dẫn đến việc Trung Quốc tiếp quản cảng này theo hợp đồng thuê trong 99 năm.

Sultana nói: “Colombo đang vươn tới Ấn Độ, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Họ bắt đầu hiểu rằng Mỹ và EU là những thị trường xuất khẩu lớn, do đó, họ không thể tự cô lập mình”.

Xem thêm:

IANS ngày 13/10/2021: India, Sri Lanka cooperate on defence as Colombo begins to distances itself from China

Tàu chiến Mỹ và Canada cùng đi qua eo biển Đài Loan

Người phát ngôn Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ đã xác nhận dữ liệu AIS mà Sáng kiến Theo dõi Chiến lược Biển Đông (SCSPI) của Đại học Bắc Kinh đưa ra trước đó rằng tàu khu trục USS Dewey (DDG-105) và tàu khu trục nhỏ HMCS Winnipeg của Canada đã quá cảnh eo biển Đài Loan từ ngày 14 đến ngày 15/10/2021. 

Quân đội Trung Quốc đã phê phán Mỹ và Canada, nói rằng các quốc gia Bắc Mỹ đang đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Bộ Chỉ huy Chiến khu Đông của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết lực lượng của họ đã giám sát các con tàu trong suốt hành trình của chúng.

Xem thêm:

Xác nhận của Hạm đội 7

Aljazeera ngày 17/10/2021: China slams US, Canada for sending warships through Taiwan Strait

Đại diện Cấp cao EU Josep Borrell gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken

Hai bên nhất trí khởi động các cuộc tham vấn giữa EU và Mỹ về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tổ chức một cuộc họp cấp cao đầu tiên trong năm nay.

Xem thêm:

EEAS ngày 14/10/2021: United States: High Representative/Vice-President Josep Borrell met with Secretary of State Antony Blinken

Tập đoàn chip Đài Loan đặt nhà máy tại Nhật Bản

Tập đoàn chip khổng lồ Đài Loan TSMC hôm thứ Năm ngày 14/10/2021 đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu lâu dài đối với chip và cho biết, nguồn cung gần hạn, khan hiếm có thể sẽ tiếp tục vào năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu bùng nổ trong thời gian đại dịch COVID-19.

Xem thêm:

Reuters ngày 14/10/2021: TSMC announces chip plant in Japan, flags ‘tight’ capacity throughout 2022

Người đứng đầu chính sách thương mại EU: Đài Loan đối tác then chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư EU hàng năm, bà Sabine Weyand nói rằng thế giới hiện đang phải đối mặt với “những thách thức chưa từng có” do biến đổi khí hậu và chuyển đổi kỹ thuật số. Đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị cũng đã đặt khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự cho các khu vực tư nhân và khu vực công trên toàn cầu.

“Chúng tôi sẽ chỉ có thể tìm ra giải pháp cho những thách thức này nếu chúng tôi làm việc cùng nhau và với các đối tác quốc tế có cùng chí hướng. “Đài Loan là một trong những đối tác thân thiết nhất của EU về mặt này.”

Xem thêm:

Focus Taiwan ngày 14/10/2021: ​​Taiwan crucial partner in EU’s Indo-Pacific strategy: trade official

Nga: AUKUS có nguy cơ phá hoại cấu trúc an ninh Châu Á – Thái Bình Dương

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm thứ Năm ngày 14/10/2021 rằng phía Nga đã thông báo với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland rằng hiệp ước liên minh AUKUS có nguy cơ phá hoại cấu trúc an ninh Châu Á – Thái Bình Dương.

Xem thêm:

Sputnik ngày 14/10/2021: Moscow: Nuland Informed AUKUS Threatens to Undermine Security Architecture in Asia-Pacific

Nhật Bản thành lập quỹ công nghệ tiên tiến với mối quan tâm đến an ninh kinh tế

Nikkei cho biết Nhật Bản sẽ thành lập một quỹ 100 tỷ yên (875 triệu USD) để giúp đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến và tăng cường an ninh kinh tế.

Chính phủ có kế hoạch khởi động quỹ vào năm tới. Đây sẽ là quỹ đầu tiên của đất nước dành riêng cho an ninh kinh tế. Các khoản đầu tư sẽ tập trung vào trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học và robot – tất cả đều có ứng dụng quân sự.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 17/10/2021: Japan to set up advanced-tech fund with eye on economic security

—–

VI- QUAN HỆ MỸ – TRUNG

Harvard chuyển chương trình ngoại ngữ mùa hè từ Trung Quốc sang Đài Loan

Cuối cùng, trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng, Đại học Harvard đã chuyển chương trình tiếng Trung cấp tốc mùa hè từ Bắc Kinh đến Đài Bắc. Học viện Harvard Bắc Kinh sẽ rời Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh ở nơi nó đã ở từ năm 2005, tờ báo sinh viên Harvard Crimson viết. Học viện sẽ xây dựng hợp tác mới với Đại học Quốc gia Đài Loan vào mùa hè năm sau.

Xem thêm:

The Hill ngày 13/10/2021: Harvard moving summer language program from China to Taiwan

Mỹ khẳng định cam kết vững chắc với Đài Loan. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ: Mỹ không nên ảo tưởng tìm kiếm sự hỗ trợ và hợp tác của Trung Quốc trong khi cố ý thách thức ranh giới đỏ của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm thứ Năm rằng cam kết của Hoa Kỳ với Đài Loan là “vững chắc” trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Đài Loan và Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan tự vệ”, Psaki nói.

Đáp trả, Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã có một phát biểu dài như sau:

“Ngày 13/10, các tài khoản Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đăng các bức ảnh và dòng tweet của Thứ trưởng Jose Fernandez và Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink lần lượt gặp gỡ với “Đại diện” Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc Bi-khim Hsiao. Trong các dòng tweet, người ta tuyên bố rằng cam kết của Mỹ đối với Đài Loan vẫn vững chắc và Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ với Đài Loan. Ngoài ra, có thông tin cho rằng phía Hoa Kỳ đã mời Hsu Yen-pu, “Tư lệnh Lục quân” của Đài Loan, đến thăm Hoa Kỳ. Những bình luận và hành động như vậy của phía Hoa Kỳ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định của Hiệp ước chung Trung-Mỹ, đồng thời gửi những tín hiệu sai trái và vô trách nhiệm đến thế giới. Trung Quốc kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ… Bất kỳ lời nói hoặc hành động nào thách thức nguyên tắc một Trung Quốc và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc sẽ được phía Trung Quốc đáp trả kiên quyết. Mỹ không nên ảo tưởng tìm kiếm sự hỗ trợ và hợp tác của Trung Quốc trong khi cố ý thách thức ranh giới đỏ của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó.”

Xem thêm:

Reuters ngày 14/10/2021: White House says U.S. commitment to Taiwan is ‘rock solid’

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 14/10/2021: Remarks by the Spokesperson of the Chinese Embassy in the US on Senior State Department Officials Meeting with Taiwan “Representatives” and Other Negative Developments

Trung Quốc tìm cách chốt thương vụ khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng làm gia tăng lo ngại

Ít nhất năm công ty Trung Quốc, bao gồm cả những công ty chính của nhà nước là Sinopec Corp Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và các nhà phân phối năng lượng do chính quyền địa phương hậu thuẫn như Zhejiang Energy, đang thảo luận với các nhà xuất khẩu của Mỹ, chủ yếu là Cheniere Energy (LNG.A) và Venture Global, các nguồn tin nói với Reuters.

Xem thêm:

Reuters ngày 17/10/2021: EXCLUSIVE China looks to lock in U.S. liquefied natural gas in energy crunch

—–

VII- QUAN HỆ AUSTRALIA – TRUNG QUỐC

Elena Collinson, James Laurenceson và Thomas Pantle thuộc Viện Quan hệ Úc – Trung thuộc Đại học Công nghệ Sydney có bài tổng hợp những sự kiện chính trong quan hệ hai nước xảy ra trong tháng 9. Dưới đây là một số vấn đề mới đáng chú ý. 

Tin tức lớn nhất trong tháng này là thông báo của Úc ngày 16/9/2021 về quan hệ đối tác an ninh ba bên với Mỹ và Anh – ‘AUKUS’ – và sáng kiến ​​quan trọng đầu tiên là việc Úc mua tám tàu ​​ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ và Anh. Mặc dù các quốc gia vẫn khẳng định rằng hiệp ước không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào, Trung Quốc có thể là mục đích nổi bật trong tư duy của quan hệ đối tác. Hiệp ước có thể có lợi về mặt chiến lược cho Australia, nhưng nó đã được thực thi theo cách khiến những phần ở Châu Âu và Châu Á lo lắng vào thời điểm mà Australia có thể không đủ khả năng để mất bạn bè. 

Một điểm đáng chú ý là sự thay đổi giọng điệu hơi khác so với giọng khó chịu mọi khi khi nói về quan hệ Úc – Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Úc trong một tuyên bố đánh dấu kỷ niệm 72 năm ngày thành lập CHND Trung Hoa đã nhắc lại kỷ niệm 50 năm chuyến thăm của Gough Whitlam tới Trung Quốc. Và một trong những loại vắc xin của Trung Quốc, Sinovac, đã được Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu của Úc chấp thuận cho khách nước ngoài nhập cảnh vào Úc. Nhưng với việc Đài Loan là một mối quan tâm ngày càng tăng và quyết định về Cảng Darwin chưa rõ ràng, mối quan hệ Australia – Trung Quốc có khả năng chỉ trở nên tồi tệ hơn.

AUKUS và tàu ngầm hạt nhân

Khi diễn giải thông báo này, Thủ tướng Scott Morrison đã gọi mối quan hệ đối tác là “sáng kiến ​​vĩ đại nhất đã đạt được [trong việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Úc] kể từ liên minh ANZUS”. Diễn ngôn tương tự đã được Thủ tướng sử dụng vào tháng 3 năm nay để mô tả việc nâng các cuộc đàm phán Bộ Tứ lên cấp lãnh đạo. Dù vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời về việc liệu AUKUS có nâng cao khả năng của Úc trong việc đối phó hiệu quả với CHND Trung Hoa hay không. Vẫn còn phải xem hiệp ước này, về cả nội dung và việc thực thi, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các mối quan hệ khu vực của Úc và tác động của nó đối với các sáng kiến ​​xa hơn, chẳng hạn như đàm phán hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu. Bộ trưởng Ngoại giao Payne đã thừa nhận rằng AUKUS có thể có một số tác động tiêu cực sau này.

Mặc dù quyết định được ủng hộ tổng thể bởi Đảng Lao động Úc đối lập, họ đã đưa ra một số chỉ trích về việc thiếu đầu tư vào chính sách ngoại giao và việc chính phủ cung cấp thiếu thông tin về một số các vấn đề chính.

Phản ứng ngay lập tức của Bắc Kinh đối với thông báo này là mạnh mẽ nhưng có kiềm chế. 

Thông điệp lẫn lộn

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 26/9/2021, Thủ tướng Úc lại trở lại với diễn ngôn rằng “chúng tôi không muốn lựa chọn… một tương lai nhị phân ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương… Không nên chia phe phái.” Diễn ngôn này dường như không phù hợp với lối hùng biện theo phong cách “các nền dân chủ tự do chống lại các chế độ độc tài” vốn đã tràn ngập trên các bài phát biểu về chính sách đối ngoại của ông trong năm qua. Thủ tướng Úc cũng nói với truyền thông Ấn Độ rằng Úc “không nằm trong câu lạc bộ kiềm chế khi nói đến Trung Quốc.”

Hành động thực tế dường như gợi ý khác với diễn ngôn. Và khi Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton được hỏi liệu, theo ước tính của ông, Úc và Trung Quốc đã “chiến tranh lạnh” chưa, Dutton không đưa ra lời bác bỏ. Những lời lẽ cơ bắp về Bắc Kinh cũng được Dutton sử dụng trong bài phát biểu ngày 8/9/2021 tại Phòng Thương mại Mỹ ở Australia. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã có tuyên bố phản ứng mạnh mẽ sau đó.

Ông Dutton cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn sau đó rằng nếu xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ nảy sinh liên quan đến Đài Loan, Australia có thể sẽ tham gia, ủng hộ Mỹ.

Mối quan hệ khu vực

Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng đã tới Indonesia, Hàn Quốc và Ấn Độ để gặp những người đồng cấp trong các cuộc gặp 2 + 2. Trong khi các cuộc họp đưa ra danh sách chắc chắn về các cam kết và mối quan tâm được chia sẻ, với sự quan tâm đến việc tăng cường hợp tác, các cuộc họp cũng nêu rõ những khác biệt rõ rệt trong cách tiếp cận liên quan đến quản lý quan hệ với CHND Trung Hoa.

Chiến lược ‘Trung Quốc cộng’

Trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Crawford của Đại học Quốc gia Úc, trong khi nêu bật khả năng phục hồi kinh tế của Úc, Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg đã khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chiến lược “Trung Quốc cộng” để “chuẩn bị và quản lý” cạnh tranh chiến lược gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Úc đang phải chịu ép buộc kinh tế. Trong khi thừa nhận rằng nhiều doanh nghiệp Úc đã làm việc chăm chỉ để tiếp cận “thị trường Trung Quốc béo bở” và điều này đã mang lại những lợi ích to lớn cho họ và cho nước Úc nói chung, ông lưu ý rằng họ nên tiếp tục theo đuổi những cơ hội ở những nơi họ có thể. Ông cũng cảnh báo “sẽ có những lúc chúng ta sẽ phải trả một khoản phí đắt hơn bình thường để bảo vệ nền kinh tế và đảm bảo khả năng tự cường kinh tế lâu dài.”

Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng “cái mác của cái gọi là “cưỡng ép kinh tế” không bao giờ có thể gắn vào được Trung Quốc”. Tuy nhiên tuyên bố này mâu thuẫn với chính lời của ông vào tháng Bảy thừa nhận rằng Trung Quốc đã trừng phạt thương mại đối với Úc. 

Quan hệ thương mại hai nước

Với một giá trị hàng năm là 173,9 tỷ USD, tăng 4,9% so với tháng trước, tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá của Úc sang Trung Quốc đã đạt hoặc rất gần tới đỉnh. 

Xuất khẩu dịch vụ giáo dục của Úc sang Trung Quốc cũng đang cho thấy khả năng phục hồi đáng kể. Số lượng sinh viên Trung Quốc nhập học tại các trường đại học Úc đến hết tháng Bảy chỉ giảm 8,2% so với mức cao nhất vào năm 2019, bất chấp biên giới bị đóng cửa do đại dịch COVID-19, cũng như căng thẳng địa chính trị giữa hai chính phủ. Ngược lại, số sinh viên Ấn Độ, thị trường lớn thứ hai của Úc, đã giảm 34,1%. Đây là minh hoạ cho thách thức đối với Úc trong việc đa dạng hoá thương mại: các lực thị trường có thể dễ dàng lấn áp ngay cả những kế hoạch và ý định tốt nhất mà các chính phủ và các doanh nghiệp đặt ra.

Tải toàn văn báo cáo tổng hợp quan hệ Úc – Trung Quốc tháng 9 tại đây.

—–

VIII- QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC

Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường đối thoại để giải quyết bất đồng

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel ngày 16/10/2021, ông Tập đã kêu gọi tăng cường giao tiếp chiến lược Trung Quốc – EU. 

Khẳng định Trung Quốc và EU là hai lực lượng lớn độc lập và là đối tác chiến lược toàn diện của nhau, ông Tập nói: “Trung Quốc và Châu Âu khác nhau về lịch sử, văn hoá, hệ thống xã hội và các giai đoạn phát triển. Không có gì đáng ngạc nhiên khi có một số cạnh tranh và khác biệt, nhưng chúng nên được giải quyết thông qua đối thoại và thương lượng…” “Hy vọng rằng phía Châu Âu sẽ vững vàng với sự tự chủ chiến lược, phân biệt đúng sai và cùng với Trung Quốc thúc đẩy hợp tác Trung Quốc – EU”.

Điều đáng chú ý là trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU tiếp theo. Hội nghị thượng đỉnh lần cuối cùng của hai bên là vào tháng 12/2020. 

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 15/10/2021: Xi calls for strengthening China-EU strategic communication

South China Morning Post ngày 15/10/2021: Chinese leader Xi Jinping continues EU engagement drive in talks with EU Council president

—–

IX- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

Willy Wo-Lap Lam: Xung đột nhóm gia tăng khi Tập Cận Bình cố gắng củng cố quyền lực

Nhiều chứng cứ chỉ ra cuộc cạnh tranh quyền lực khốc liệt giữa các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các phe phái và các nhân vật quyền lực bao gồm cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng, Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn. Các trường hợp đấu đá không mấy tế nhị giữa những nhân vật có tầm ảnh hưởng và các phe phái của họ như thế này đã xuất hiện trong các tiết lộ từ tháng trước trên các trang NetEase và Sohu. Sự chống lưng giữa các phe phái đã trở nên tồi tệ hơn khi nền kinh tế phải đối mặt với những trận cuồng phong. 

Trong nhiều bài phát biểu, Tập Cận Bình đã nhiều lần khẳng định quyền lực của mình với vai trò là “cốt lõi của Đảng” với khả năng “tự cải cách và tự thanh lọc” của Đảng. Một phần danh tiếng của Tập nằm ở khả năng hạ gục một số lượng tương đối lớn “những con hổ”, hay những cán bộ cấp cao, liên quan đến các tội phạm kinh tế và các vấn đề kỷ luật. Cho đến nay, cạnh tranh giữa Tập với Tăng Khánh Hồng và Vương Kỳ Sơn chủ yếu thể hiện trong những lời ám chỉ bằng lời nói. Những lời cam kết về khả năng “tự cải cách và tự thanh lọc” của Đảng cộng sản Trung Quốc đã được ông Tập nhiều lần đưa ra trong các bài phát biểu lớn bao gồm bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm một trăm năm thành lập Đảng. Tại Đại hội Đảng lần thứ 20, ông Tập hy vọng sẽ giữ vị trí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương của đảng trong một thập kỷ. Trong khi đó, những cuộc thanh trừng trong nội bộ đảng có thể vượt ra ngoài những ám chỉ khoa trương, và dẫn đến sự sụp đổ của ít nhất một vài cựu thành viên Bộ Chính trị và Ủy viên thường vụ Bộ chính trị.

Xem thêm: 

The Jamestown foundation ngày 14/10/2021: Early Warning Brief: Factional Strife Intensifies as Xi Strives to Consolidate Power

Carice Witte: “Trận chiến ở hồ Trường Tân” và quan điểm mới của Trung Quốc về chiến tranh

“Trận chiến ở hồ Trường Tân” – bộ phim sử thi chiến tranh mô tả việc Trung Quốc đánh bại Hoa Kỳ trong chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 giờ đồng hồ phá vỡ tất cả những kỷ lục phòng vé tại Trung Quốc đầu tháng 10 vừa qua được cho là xuất phát từ quan điểm mới của Trung Quốc về chiến tranh. Chiến tranh trước đây được coi là mối đe dọa đối với sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc vì nguy cơ thất bại và khả năng gây ra bất ổn trong nước cũng như làm suy yếu vai trò lãnh đạo. Giờ đây, chiến tranh lại được coi là một cách để củng cố vị thế của của Đảng Cộng sản.

Quan điểm mới về chiến tranh không chỉ được thể hiện bởi các tầng lớp cao nhất và tinh hoa của xã hội mà còn được thể hiện bởi người dân với việc một loạt những người có ảnh hưởng trên truyền thông mới được gọi là “những người hâm mộ quân đội”. Ngoài ra, chiến tranh cũng đang dần thành chủ đề phổ biến của các ấn phẩm do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Theo Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, người dân và lãnh đạo Trung Quốc tin rằng “không có cách nào có thể nói chuyện với Mỹ bằng lý trí, chúng ta chỉ có thể nói chuyện với Mỹ bằng sức mạnh và hành động”. Đây là một sự thay đổi trong quan điểm có thể làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh. Quan điểm mới của Trung Quốc về chiến tranh cũng có thể là bước tiếp theo của quá trình kéo dài một thập kỷ nhằm lấy lại “lòng tự trọng” một cách nghiêm túc khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010.

Xem thêm: The Diplomat ngày 14/10/2021: ‘The Battle at Lake Changjin’ and China’s New View of War

Diêm Học Thông : Suy ngẫm về định hướng phát triển của ngành quan hệ quốc tế ở Trung Quốc

Diêm Học Thông, học giả quan hệ quốc tế nổi tiếng của Trung Quốc, nêu bật bốn xu hướng đáng lo ngại đối với sự phát triển của bộ môn này ở Trung Quốc. Thứ nhất, nghiên cứu lý thuyết và cơ bản đang yếu đi và không được ưu tiên so với nghiên cứu liên quan đến chính sách. Thứ hai, sự trở lại của xu hướng chống lại việc sử dụng các phương pháp khoa học để nghiên cứu quan hệ quốc tế. Thứ ba, yêu cầu nghề nghiệp và trình độ học vấn chuyên nghiệp đã giảm xuống. Thứ tư, xu hướng ngày càng tăng của việc sử dụng sự nổi tiếng trên mạng thay vì các thước đo học thuật để xác định giá trị của nghiên cứu. Ông khuyên các nhà nghiên cứu nên quan tâm nhiều hơn đến nghiên cứu lý thuyết, và ít quan tâm hơn đến các khuyến nghị chính sách, bình luận và sự nổi tiếng trên mạng.

Xem thêm:

CSSN ngày 14/10/2021: 中国国际关系学科发展导向及其反思

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.