Toàn Cảnh Diễn Biến Tàu Khảo Sát/Nghiên Cứu Trung Quốc Hoạt Động Trong Hoặc Gần Kề Vùng Đặc Quyền Kinh Tế Việt Nam

Phụ trách theo dõi AIS và dựng bản đồ: Lê Đức Tâm

Biên tập: Vân Phạm và Nguyễn Trịnh Đôn

Kể từ đầu tháng 7, cùng với sự trở lại Biển Đông của tàu Hải Dương Địa Chất 4, đã có liên tiếp những tàu khảo sát/nghiên cứu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hay hải trình vòng quanh Biển Đông, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã thường xuyên cập nhật trên Facebook của Dự án cũng như qua các Bản Tin Biển Đông số 29, 30, 31, 32, 33 đăng tải trên website Dự án tại https://dskbd.org/. Báo cáo dưới đây tóm tắt những thông tin mà Dự án đã đăng tải trong một tháng vừa qua.

Sáng 27/7/2020, ba tàu khảo sát/nghiên cứu của Trung Quốc cùng hiện diện ở trong hoặc cận vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Vessel Finder

1. Tàu Thẩm Quát

Tàu Thẩm Quát (Shen Kuo) thuộc sở hữu của Shanghai Minghe Shipping LLC rời Tam Á vào rạng sáng ngày 9/7/2020 và di chuyển xuống quần đảo Hoàng Sa. Trong chuyến hải trình 15 ngày vòng quanh Biển Đông, Thẩm Quát đã hoạt động tại các khu vực: quần đảo Hoàng Sa, vùng biển ngoài khơi các tỉnh miền trung và miền nam nước ta (trong ngày 11-12/7/2020), khu vực quần đảo Trường Sa, vùng biển Malaysia, vùng biển phía tây Philippines. Trong đó khoảng cách gần nhất đến bờ biển Việt Nam là 142 hải lý, Malaysia 182 hải lý, Philippines 77 hải lý. Ngoài ra sau khi rời khỏi đá Chữ Thập ngày 20/7/2020, tàu Thẩm Quát đã di chuyển qua nhiều điểm đảo, bãi, đá tại khu vực quần đảo Trường Sa như: đảo Phan Vinh, đá Tốc Tan, đá Núi Lê hiện do Việt Nam kiểm soát; bãi Thám Hiểm, đá Công Đo hiện do Malaysia kiểm soát; đá Vành Khăn hiện do Trung Quốc kiểm soát; bãi Cỏ Mây, đảo Bình Nguyên và đảo Vĩnh Viễn hiện do Philippines kiểm soát. Sau đó tàu di chuyển về phía bắc. 

Sơ đồ hoạt động của tàu Shen Kuo ở Biển Đông. Ảnh: Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic

Trong hành trình của mình, tàu thường duy trì tốc độ khoảng 8 hải lý/giờ. Tuy nhiên tại khu vực từ phía nam đá Vành Khăn đến khu vực đảo Bình Nguyên, tàu di chuyển với tốc độ 6 hải lý/giờ.

Theo truyền thông Trung Quốc, tàu nghiên cứu Trung Quốc Thẩm Quát đã từng được triển khai để nghiên cứu ở những vùng biển sâu. Điển hình là chuyến đi năm 2018 tới rãnh Mariana. Tại đây tàu đã thả các thiết bị chìm xuống độ sâu 10.918 m và mang về những mẫu vật tại vết nứt bề mặt trái đất này.

2. Tàu Hải Dương Địa Chất 4

 Sáng 12/7/2020, Hải Dương Địa Chất 4 rời cảng Quảng Châu một lần nữa di chuyển xuống Biển Đông sau 10 ngày tạm nghỉ. Đã không bắt được tín hiệu AIS của tàu cho đến khi tàu di chuyển tới vùng biển ngoài khơi tỉnh Bình Định (rạng sáng ngày 16/7). Lúc 9h sáng ngày 17/7 tàu đang di chuyển với tốc độ 0,8 hải lý/giờ tại vùng biển phía tây bắc quần đảo Trường Sa, cách Đá Bắc (quần đảo Trường Sa) khoảng 63 hải lý về phía bắc tây bắc, cách bờ biển tỉnh Khánh Hòa khoảng 264 hải lý về phía đông, sau đó chuyển hướng di chuyển về vùng biển phía đông nam quần đảo Hoàng Sa và hoạt động tại khu vực này cho đến ngày 21/7. Tiếp đó, tàu đã di chuyển xuống vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa và hoạt động tại đây cho đến ngày 25/7, sau đó di chuyển về khu vực phía tây đá Xu Bi rồi lại quay mũi hướng về vùng biển Việt Nam. Khu vực hoạt động cách bờ biển nước ta từ 210 đến 270 hải lý. Sơ đồ tốc độ di chuyển của tàu cho thấy có những thời điểm tàu di chuyển rất chậm, dưới 1 hải lý, rồi đột nhiên tăng tốc lên tới 16–17 hải lý như để di chuyển tới địa điểm khác. Rất có thể tàu đang thả vật gì đó xuống biển ở những vị trí xác định. 

Sơ đồ hoạt động của Hải Dương Địa Chất 4 trong 14 ngày cho tới sáng ngày 27/7/2020. Ảnh: Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Vessel Finder

Sáng 30/7, Hải Dương Địa Chất 4 đã rời khu vực khảo sát về neo tại Vành Khăn. Ngày 5/8, Hải Dương Địa Chất 4 quay lại hoạt động tại khu vực phía tây bắc quần đảo Trường Sa. Khu vực hoạt động của Hải Dương 4 kéo dài tới vùng biển ngoài khơi tỉnh Phú Yên, vị trí gần nhất đến bờ biển nước ta khoảng hơn 220 hải lý. Hải Dương Địa Chất 4 tắt tín hiệu AIS từ ngày 7/8 và đến sáng 9/8 có tín hiệu trở lại tại Quảng Châu, cho thấy tàu kết thúc chuyến khảo sát ở Biển Đông.

3. Tàu Hải Dương Địa Chất 12

Sau hơn 10 ngày khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tàu Hải Dương Địa Chất 12 chuyển hướng sang vùng biển Việt Nam và đến ngày 25/7/2020, tàu ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với tốc độ khảo sát là 4 – 5 hải lý/giờ.

Sơ đồ hoạt động của Hải Dương Địa Chất 12 từ ngày 15 – 29/7/2020. Ảnh: Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Vessel Finder.

Hải Dương Địa Chất 12 dường như thực hiện chung một trục khảo sát với Hải Dương Địa Chất 4. Tàu Hải Dương 4 khảo sát tại vùng biển từ phía đông bắc Đá Bắc, quần đảo Trường Sa đến vùng biển ngoài khơi tỉnh Bình Định, vị trí gần nhất đến bờ biển Việt Nam khoảng 220 hải lý. Trong khi đó Hải Dương Địa Chất 12 hoạt động nối tiếp từ vị trí của Hải Dương 4 đến khu vực cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 175 hải lý. Hành trình của Hải Dương Địa Chất 4 và Hải Dương Địa Chất 12 nằm trên 1 trục gần như thẳng có độ dài khoảng gần 200 hải lý. Theo thông tin từ Vessel Finder, Hải Dương Địa Chất 12 đang kéo theo cáp dài 5 hải lý (không rõ bao nhiêu sợi).

Trục di chuyển của Hải Dương Địa Chất 4 và Hải Dương Địa Chất 12 trong thời gian khảo sát kéo dài từ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ra quần đảo Trường Sa. Ảnh: Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Sáng 30/7, Hải Dương Địa Chất 4 đã rời khu vực khảo sát về neo tại Vành Khăn. Đến sáng 31/7, Hải Dương Địa Chất 12 cũng di chuyển hướng về Vành Khăn và kể từ đó không bắt được tín hiệu AIS của tàu. 

Sáng ngày 5/8/2020, cùng ngày xuất phát của Hải Dương Địa Chất 4, Hải Dương Địa Chất 12 rời đá Vành Khăn hoạt động tại khu vực phía tây bắc quần đảo Trường Sa từ ngày 5/8/2020. Từ ngày 5-7/8, tàu hoạt động tại vị trí Hải Dương 4 đã tác nghiệp trước đây, cách đảo Song Tử Tây từ 20 hải lý về phía bắc đến 55 hải lý về phia tây bắc. Tàu tắt tín hiệu AIS từ chiều 7/8. 

Sơ đồ hoạt động của Hải Dương Địa Chất 12 trong 14 ngày cho tới ngày 7/8/2020. Ảnh: Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Vessel Finder.

4. Tàu Hướng Dương Hồng 14

Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 14 đã di chuyển vào vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định từ sáng 25/7 với khoảng cách từ 105 đến 140 hải lý. Sau đó tàu đã di chuyển xuống khu vực đá Chữ Thập vào rạng sáng ngày 28/7 sau đó tiếp tục di chuyển qua các điểm đảo, bãi, đá tại quần đảo Trường Sa về phía tây. Ứng dụng theo dõi hàng hải mất tín hiệu AIS của tàu từ ngày 30/7 cho tới chiều 3/8 thì thấy trở lại khi tàu rời đá Xu bi. Sáng sớm ngày 4/8, tàu đã di chuyển vào trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tại vùng biển tỉnh Khánh Hoà, với khoảng cách gần nhất đến bờ biển nước ta chỉ hơn 130 hải lý, với vận tốc chỉ 6 hải lý/giờ. Sau đó tàu di chuyển về hướng đông đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines từ ngày 6-8/8 với khoảng cách gần nhất đến bờ biển nước này khoảng gần 150 hải lý. Sáng 9/8, Hướng Dương Hồng 14 đã di chuyển về gần khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Sơ đồ hoạt động 14 ngày của Hướng Dương Hồng 14 cho tới ngày 8/8/2020. Ảnh: Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Vessel Finder

Đặc điểm chung của các đợt hoạt động của các tàu khảo sát/nghiên cứu lần này là phạm vi hoạt động khá rộng, bao xung quanh Biển Đông (ví dụ tàu Thẩm Quát) hay một vùng rộng lớn từ vùng đặc quyền kinh tế các nước ra quần đảo Trường Sa.

 Ngoài ra còn có một số tàu khảo sát/nghiên cứu khác của Trung Quốc hoạt động trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tàu Hải cảnh 5402 thực hiện trên 10 lượt áp sát các giếng và giàn khoan đang khai thác tại lô 06.1 của Việt Nam với vận tốc lớn 15 – 16 hải lý/giờ.

Ngày 7/8/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines ra lệnh kiểm tra về tàu Trung Quốc khảo sát gần Bãi Cỏ Rong

Người dân Philippines thông qua dữ liệu AIS đã loan tin tàu Hướng Dương Hồng 14 đang khảo sát gần Bãi Cỏ Rong trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, Jr. khi nhận được thông tin này đã ngay lập tức chỉ thị cho Văn phòng Bộ Ngoại giao về các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương kiểm tra thông tin. Theo ông, Philippines chưa cấp giấy phép cho tàu Trung Quốc thực hiện khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Sở dĩ Philippines dừng mọi khảo sát biển của tàu thuyền nước ngoài vì mặc dù những tàu này tuân theo luật của Philippines là cho các nhà khoa học Philippines cùng tham gia, nhưng lại không chia sẻ thông tin với họ.

Xem thêm:

ABS – CBN News ngày 7/8/2020: DFA chief orders check on Chinese survey vessel near Reed Bank

Nhật cảnh giác trước “ngoại giao khoa học” của Bắc Kinh

Tại Biển Hoa Đông, phía sau dự án điện gió ngoài khơi, là sự lo ngại của Tokyo về gián điệp Trung Quốc. 

Bị chậm trễ về năng lượng tái tạo, chính quyền Nhật vừa gọi thầu cho một dự án điện gió trên biển 21 MW ở ngoài khơi đảo Goto gần Nagasaki. Cảnh giác trước tai mắt của Bắc Kinh, Tokyo đòi hỏi đơn vị dự thầu phải có trụ sở chính hoặc ít nhất một văn phòng chính tại Nhật. Theo nhật báo Yomiuri, chính phủ cũng kiểm soát nghiêm ngặt các tàu khảo sát trong khuôn khổ các dự án. Những tàu này phải do một công ty Nhật phụ trách, hoặc được phép của nhiều cơ quan liên quan đến an ninh. 

Tokyo muốn chắc chắn rằng các tàu nước ngoài không lợi dụng được việc gọi thầu để thu thập các tin tức nhạy cảm về vùng duyên hải và các cơ sở quân sự. Giáo sư Stephen Nagy ở Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế ở Tokyo giải thích, người Nhật quá hiểu về “ngoại giao khoa học” của Bắc Kinh. Tất cả những thông tin về luồng lạch, nhiệt độ, địa hình đáy biển đều cần thiết cho hoạt động của tàu ngầm. Gần đây Nhật đã phản đối rất nhiều vụ tàu “nghiên cứu khoa học” Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản.

Xem thêm: 

RFI Tiếng Việt ngày 24/7/2020: Điện gió trên biển: Nhật cảnh giác trước Bắc Kinh

Lê Đức Tâm là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. TS Nguyễn Trịnh Đôn và TS Vân Phạm là thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Dữ liệu AIS vệ tinh được tài trợ bởi quỹ tài trợ chung do các nhà tài trợ Dự án đóng góp.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Mọi khoản tài trợ xin gửi về: Tài khoản Paypal: sukybiendong@gmail.com. Hay chuyển khoản: Hoàng Việt. Số tài khoản: 207503269. Ngân hàng ACB (Asia Commercial Bank). Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.