Biển Đông Có Gì Mới 25/10/2018

Tổng hợp: Nhật Minh | Biên dịch tiếng Pháp: Trần Bằng

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 26 tháng 10 năm 2018

1024px-rana-081022-n-7730p-008-15379598735011733187846

Ngư dân rơi xuống biển mất tích, không thể tìm kiếm

Sáng 25 tháng 10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết sau nhiều ngày nỗ lực nhưng không có kết quả, tàu cá BĐ 97247-TS đã dừng việc tìm kiếm thuyền viên Trần Minh Cảnh (40 tuổi; ngụ xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) bị rơi xuống biển mất tích.

Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 19 tháng 10, khi tàu cá cùng các thuyền viên đang hoạt động đánh bắt ở vùng biển có tọa độ 16,30 độ vĩ Bắc – 113,50 độ kinh Đông (cách đảo Đá Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa 71 hải lý về hướng Đông Bắc) thì thuyền viên Trần Minh Cảnh bị rơi xuống biển mất tích.

Nguồn: Một ngư dân rơi xuống biển mất tích – Người Lao Động.

Phản ứng của Việt Nam về sự kiện Đài Loan chuẩn bị tập trận ở đảo Ba Bình

“Chúng tôi luôn theo sát tình hình và diễn biến trên Biển Đông và sẽ kiểm tra thông tin”, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói, trả lời câu hỏi về việc Đài Loan sắp diễn tập bắn đạn thật.

Người phát ngôn nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên mà không có sự cho phép của Việt Nam đều xâm phạm chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này, đe doạ hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Nguồn: Việt Nam phản đối Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông – VnExpress.

Việt Nam muốn ‘nâng cao năng lực’ khi diễn tập chung với Trung Quốc và ASEAN

“Đây là hoạt động hợp tác nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cũng như nâng cao năng lực hải quân giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi của VnExpress trong họp báo thường kỳ chiều nay, nhắc đến tàu hộ vệ tên lửa 015 Trần Hưng Đạo của Hải quân Việt Nam góp mặt trong cuộc diễn tập đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc.

Nguồn: Việt Nam muốn ‘nâng cao năng lực’ khi diễn tập chung với Trung Quốc và ASEAN – VnExpress.

Về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Việt Nam vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, chuyến thăm Việt Nam lần này của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác quốc phòng song phương trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và các hoạt động gìn giữ hòa bình, tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có hợp tác tẩy độc môi trường nhiễm dioxin, đặc biệt là trong khu vực nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa. Khắc phục hậu quả chiến tranh là lĩnh vực hợp tác quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Mỹ. Việt Nam đánh giá cao đóng góp của Mỹ về vấn đề này và hoan nghênh việc Mỹ cam kết tiếp tục đóng góp để tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Nguồn: Việt – Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng – Người Lao Động.

Bộ Trưởng Ngô Xuân Lịch dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, thăm Trung Quốc

Bộ Trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sang Trung Quốc dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 8 về chủ đề Quản trị an ninh quốc tế, và sau đó thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 24 đến 28 tháng 10. Đây được coi là diễn đàn đối trọng với Đối thoại Shangri-La được tổ chức hàng năm tại Singapore.

Hãng tin của nhà nước Trung Quốc trích lời ông Bì Minh Dũng, Tổng Thư ký Diễn đàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, cho biết chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Xây dựng quan hệ đối tác an ninh kiểu mới bình đẳng, tin cậy, hợp tác cùng thắng,” với 4 chương trình nghị sự: quan điểm mới và con đường mới quản trị an ninh quốc tế; đe dọa và ứng phó chủ nghĩa khủng bố; hiện thực và tầm nhìn hợp tác an ninh trên biển; và thách thức và hợp tác trong gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Nguồn: Bộ Trưởng Ngô Xuân Lịch dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, thăm Trung Quốc – VOA Tiếng Việt.

Trung Quốc tuyên bố bảo vệ Đài Loan, Biển Đông bằng “bất cứ giá nào”

Trung Quốc tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ “một phần lãnh thổ của mình” – cho dù đó là Đài Loan hay Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phương Hoà (Wei Fenghe) đã đưa ra tuyên bố trên hôm thứ Năm khi khai mạc Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

“Vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Turng Quốc và chạm vào lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.”

“Nếu ai đó cố tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ hành động với bất cứ giá nào,” ông Nguỵ cảnh báo.

“Các hòn đảo ở Biển Đông từ lâu đã là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng là di sản của tổ tiên chúng tôi và chúng ta không thể để mất chúng dù chỉ một inch,” ông Nguỵ nói.

Nguồn:

Trung Quốc tuyên bố ngăn chặn âm mưu tách rời Đài Loan ‘bằng mọi giá’ – Báo Thanh Niên

China vows to defend Taiwan, South China Sea ‘at any price’ – Aljazeera.

Ngoại trưởng Mỹ bị đối xử khiếm nhã trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 8 tháng 10 

“Pompeo hy vọng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng bị từ chối. Sau đó ông gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ông Vương đã dành gần như toàn bộ thời lượng cuộc gặp kéo dài gần một giờ để chỉ trích chính quyền Trump vì căng thẳng thương mại không ngừng leo thang”, SCMP dẫn một nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.

Nguồn: Ngoại trưởng Mỹ bị đối xử khiếm nhã khi thăm Trung Quốc – VnExpress.

Nguồn tin gốc: Pompeo was ‘snubbed’ by Beijing. Now it wants to show ‘a friendlier China’ – Politico/South China Morning Post.

Hải quân Úc tăng hiện diện tại Biển Đông

Hãng tin AAP vừa dẫn số liệu mới từ một ủy ban quốc hội Úc cho hay hải quân nước này dần dần gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông. Cụ thể, hải quân Úc điều 5 tàu chiến đến Biển Đông hoạt động tổng cộng 43 ngày trong năm 2014 và đến năm ngoái, lực lượng này điều 8 tàu chiến đến khu vực, với tổng cộng 254 ngày. Tính từ đầu năm đến nay, 8 tàu chiến Úc đã hoạt động tổng cộng 60 ngày ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, giới chức quốc phòng Úc đang xúc tiến kế hoạch phát triển các căn cứ ở hai đảo quốc Fiji và Papua New Guinea để đối phó tình trạng Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, theo AAP.

Nguồn: Hải quân Úc tăng hiện diện tại Biển Đông – Thanh Niên.

Báo Pháp: Hoạt động sắp tới của tàu sân bay Charles de Gaulle (Pháp) có thể tập trung vào nhiệm vụ bảo đảm tự do hàng hải

Trả lời báo La Provence với câu hỏi liệu việc tàu sân bay Charles de Gaulle quay trở lại có phải là “câu trả lời” cho tham vọng biển của Trung Quốc, bộ trưởng bộ Quân đội (bộ Quốc phòng) Florence Parly nói rằng nước Pháp “luôn ở tuyến đầu trong việc bảo vệ quyền bất biến là tự do hải hành trong các vùng biển quốc tế, như là trường hợp hiện tại ở Biển Đông”. Bà nói thêm “chúng ta thực hiện quyền hành động và đi lại trong các vùng biển quốc tế đó”.

Bất chấp tuyên bố chủ quyền của các quốc gia láng giềng, Bắc Kinh khẳng định chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, giao điểm quan trọng của các tuyến đường vận tải thương mại quốc tế và giàu tài nguyên năng lượng. Vì thế, chính quyền Trung Quốc thực thi chính sách “sự đã rồi” bằng cách quân sự hóa các rạn đá san hô trong các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thiết lập ở đó các hệ thống vũ khí chống tiếp cận và chống xâm nhập (A2/AD).

“Việc tàu Charles de Gaulle quay trở lại hoạt động với tất cả năng lực chiến đấu đã đem trở lại cho nhóm tàu sân bay năng lực triển khai lực lượng và tăng cường sức mạnh chính trị. Tàu sân bay sẽ hoạt động ở Ấn Độ Dương vào 2019,” bà Bộ trưởng khẳng định. Có thể suy rộng ra, với các giải thích trước đó của bà Bộ trưởng, liệu nhóm tàu sân bay có thể đi vào Biển Đông?

Dù sao đi nữa, một chiến dịch như vậy cũng phù hợp với tuyên bố của Tổng thống Macron trong chuyến thăm Úc tháng 4 vừa qua. Tổng thống khẳng định mong muốn xây dựng một “trục Ấn Độ – Thái Bình Dương” nhằm “bảo vệ quyền tự do hải hành và tự do hàng không” trước mối đe dọa bá quyền Trung Quốc, nước đang gây ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Nguồn: La prochaine mission du porte-avions Charles de Gaulle pourrait mettre l’accent sur la défense de la liberté de navigation – Opex360.

Mỹ và sức ép từ tên lửa Trung Quốc

Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc mới là mục tiêu thực sự đằng sau thông báo của Tổng thống Donald Trump về ý định rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) với Nga.

Trong gần 1 năm qua, các tư lệnh quân sự hàng đầu của Mỹ ở Thái Bình Dương thúc giục Washington đương đầu với tham vọng tên lửa ngày càng tăng của Trung Quốc – hoặc tìm cách đưa Trung Quốc tham gia hiệp ước INF hoặc phát triển vũ khí mới để đối phó.

Trả lời giới truyền thông hôm 22 tháng 10, Tổng thống Trump cho biết kho vũ khí ngày càng phình to của Bắc Kinh đóng vai trò phần nào trong quyết định rút Mỹ khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí được ký kết thời Chiến tranh lạnh dù Trung Quốc không là một bên liên quan đến thỏa thuận.

Nguồn: Mỹ và sức ép từ tên lửa Trung Quốc – Người Lao Động.

Tướng Mỹ dự báo chiến tranh với Trung Quốc trong 15 năm tới

Theo trang Sputnik News, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Warsaw (Ba Lan) ngày 24 tháng 10, trung tướng Ben Hodges (đã về hưu), cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu (2014-2017), dự báo Mỹ có thể chiến tranh với Trung Quốc trong vòng 15 năm tới.

Ông Hodges nói các nước châu Âu cần phải nỗ lực nhiều hơn để tự đảm bảo an ninh cho mình trước một nước Nga đang trỗi dậy, bởi vì Mỹ cần tập trung bảo vệ lợi ích riêng ở khu vực Thái Bình Dương.

Nguồn: Tướng Mỹ dự báo chiến tranh với Trung Quốc trong 15 năm tới – Tuổi Trẻ

Nguồn tin gốc: Former US General Predicts War With China Likely Within 15 Years – Sputnik News.

Bình luận: Những điểm yếu có thể khiến Mỹ bại trận trong chiến tranh tương lai

Một trong số những điểm yếu mà tác giả bài báo, chuyên gia quân sự Steven Metz, liệt kê, là chiến thuật “vùng xám” mà kẻ thù của Mỹ có thể sử dụng.

Washington cũng có thể thất bại trong kịch bản được gọi là “vùng xám”. Các đối thủ sẽ áp dụng chiến thuật gây hấn quyết liệt và có chủ đích, nhưng không nghiêm trọng đến mức Mỹ quyết định sử dụng biện pháp quân sự đáp trả.

Bắc Kinh coi chiến thuật gây hấn trong vùng xám tạo ra “sự đã rồi” trên thực địa là cách thay đổi thế cân bằng chiến lược và thực thi yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, trong khi vẫn tránh leo thang căng thẳng đến mức nổ ra xung đột quân sự với Washington. Mỹ có thể thua một cuộc chiến mà chưa kịp nổ súng, bởi quốc hội và công chúng nước này khó ủng hộ khi đối thủ gây tình trạng “sự đã rồi”.

Đọc bản dịch tóm lược ở Những điểm yếu có thể khiến Mỹ bại trận trong chiến tranh tương lai – Dân Việt

Bản gốc đầy đủ: How the United States could cope if it lost the next war – Business Insider.

Nhật Minh là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Trần Bằng là thành viên Nhóm Biển Đông tại Pháp. Phương pháp thực hiện bản tin: Chọn lọc, trích đoạn và biên dịch (khi cần) những thông tin đáng chú ý xung quanh vấn đề Biển Đông được đăng tải trong ngày trên truyền thông quốc tế và trong nước. Email liên hệ: sukybiendong@gmail.com.

———-

Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.