Hoạt Động Xây Đảo tại Biển Đông: Tính Pháp Lý và Những Giới Hạn

Tác giả: Tara Davenport

Asian Journal of International Law, Số 8 (2018)

Biên dịch: Quang Tiệp | Hiệu đính: Tuấn Đinh

Ảnh vệ tinh toàn cảnh đảo Phú Lâm ngày 28/3/2018. Nguồn: Reuters/Planet Labs Inc/Handout

Tóm tắt:

Tất cả các bên yêu sách tại Biển Đông đều xây đảo với mức độ khác nhau trên các thực thể địa lý ở Quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, như Toà Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông đã kết luận, hoạt động xây đảo của Trung Quốc tại các thực thể mà nước này chiếm đóng – được bắt đầu sau khi Philippines đệ đơn kiện vào năm 2013 – ở quy mô chưa từng có. Mặc dù Phán quyết của Toà tập trung chủ yếu vào việc làm rõ phạm vi các quyền lợi biển của Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, phần về hoạt động cải tạo và xây đảo của Trung Quốc cũng rất đáng chú ý. Với mục đích này, bài viết sẽ kiểm chứng những kết luận của Tòa về tính pháp lý trong hoạt động xây đảo của Trung Quốc cũng như những quy định pháp lý về những hoạt động này (nếu có). Cuối cùng, bài viết sẽ đánh giá tác động của những kết luận này đối với các bên có yêu sách ở Đông Nam Á, cũng như với hoạt động xây đảo và gia cố các thực thể mà họ chiếm đóng.

Kết luận:

Mặc dù việc làm rõ tính pháp lý và giới hạn cho hoạt động chiếm đóng và xây dựng của các bên yêu sách không phải là mục đích chính khi Philippines bắt đầu vụ kiện vào năm 2013, nhưng Phán quyết đã giúp làm sáng tỏ vấn đề này (bên cạnh nhiều vấn đề khác vốn là nguyên nhân khiến tranh chấp Biển Đông phức tạp). Đầu tiên, Phán quyết chỉ rõ UNCLOS không cấm các quốc gia có hoạt động tại các đảo tranh chấp và các thực thể lúc nổi lúc chìm nằm trong vùng 12 hải lý của một đảo tranh chấp. Thứ hai, Phán quyết kết luận rằng quốc gia ven biển có quyền chủ quyền với các thực thể lúc nổi lúc chìm nằm trong vùng EEZ/thềm lục địa của họ, và rằng những thực thể này không thể bị chiếm hữu bởi bên thứ ba. Hoạt động chiếm đóng và xây dựng trên các thực thể lúc nổi lúc chìm nằm trong vùng EEZ/thềm lục địa rõ ràng là đi ngược lại UNCLOS. Thứ ba, Phán quyết chỉ ra rằng không có sự khác biệt giữa thực thể lúc nổi lúc chìm và đảo nếu xét đến nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển mà các bên phải tuân thủ khi thực hiện hoạt động xây dựng trên các thực thể tại Biển Đông. Tòa Trọng tài đã khá sáng tạo trong việc sử dụng các nghĩa vụ về môi trường biển trong UNCLOS để hạn chế hoạt động của các bên yêu sách trên các thực thể tại Biển Đông.

Tuy nhiên, đồng thời với đó, cũng có ý kiến nhận định các tác động của Phán quyết về hoạt động xây dựng và chiếm đóng của các bên yêu sách cho thấy những hạn chế cố hữu của luật quốc tế và việc phân xử. Như đề cập ở trên, các báo cáo hậu Phán quyết nhận định rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục ―quân sự hoá các thực thể bằng việc lắp đặt thêm súng đất đối không và các hệ thống vũ khí khác. Mặc dù Trung Quốc thừa nhận rằng những cấu trúc này có tính phòng thủ, nhưng họ vẫn nói rằng nó không liên quan gì tới việc triển khai quân sự. Dù cho Trung Quốc có nói gì, dự án xây đảo của nước này đã cho thấy sự thay đổi mang tính nền tảng trong cách mà Trung Quốc xem xét yêu sách lãnh thổ của nước này với các thực thể tại Biển Đông. Có thể nói rằng ở thời điểm ban đầu, hoạt động chiếm đóng các thực thể xuất phát từ mục đích củng cố yêu sách chủ quyền và yêu sách quyền tiếp cận tới các nguồn tài nguyên tại đây. Mặc dù như Phán quyết đã kết luận, Trung Quốc không thể sử dụng các thực thể để yêu sách các loại vùng biển khác nhau, nhưng các thực thể đã trở thành công cụ để Trung Quốc triển khai sức mạnh quân sự và kiểm soát Biển Đông, và điều này đã trở thành “nhân tố” nguy hiểm nhất trong tranh chấp Biển Đông.

Những hoạt động này, mặc dù có thể khiến tranh chấp leo thang và thêm phần nguy hiểm, nhưng không đi ngược lại luật quốc tế (ngoại trừ việc chiếm đóng và xây dựng tại  Đá Vành Khăn). Hầu như không có nguồn tài liệu pháp lý nào để cho các bên yêu sách khác dựa vào đó và yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động của họ. Điều 12 Phụ lục VII của UNCLOS quy định rằng ―trong trường hợp có tranh cãi phát sinh giữa các nước có tranh chấp liên quan tới việc diễn giải hoặc thái độ khi thực thi phán quyết, cả hai bên đều có thể đệ trình ý kiến lên toà trọng tài đã đưa ra phán quyết đó (mang ý nhấn mạnh). Điều khoản này có lẽ giúp Philippines có cơ sở để phản đối việc Trung Quốc tiếp tục gia cố Đá Vành Khăn, nhưng trong bối cảnh quan hệ Philippines – Trung Quốc đang được cải thiện, và với thực tế Tòa Trọng tài không làm gì thực chất để ngăn cản hành vi của Trung Quốc, lựa chọn này có vẻ không khả thi. Các bên yêu sách khác có thể tiến hành những vụ kiện mới với Trung Quốc bởi nước này liên tục có hành động vi phạm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển, nhưng họ – những bên yêu sách khác – cũng có vi phạm tương tự (dù cho mức độ thấp hơn) và nỗ lực này gần như là vô ích. Giải pháp duy nhất trong giai đoạn hậu Phán quyết trong tranh chấp Biển Đông là ngoại giao. Các quốc gia nên tập trung nỗ lực vào việc quản lý xung đột trong bối cảnh mới, đặc trưng bởi ưu thế quân sự vượt trội của Trung Quốc, để đảm bảo rằng xung đột sẽ không leo thang và đe doạ tới nền hoà bình mong manh hiện nay ở khu vực.

Tải toàn bộ bản dịch được thực hiện bởi Nghiên cứu Biển Đông tại Tara Davenport (2018) Xây dựng đảo ở Biển Đông – Tính pháp lý và những giới hạn.

———-

Về tác giả:

Tara Davenport là giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore và là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại trường Luật Yale.

———–

Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.