Biên dịch và tổng hợp: Nguyễn Lan Hương và Huệ Việt
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 25 tháng 5 năm 2018

Tóm tắt: Lần đầu tiên trong lịch sử tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc cho các máy bay ném bom chiến lược hạ cánh tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, một động thái trong chuỗi các hoạt động liên tục leo thang quân sự hoá ở Biển Đông trong sáu tháng đầu năm 2018. Trong khi Việt Nam công khai chỉ trích, coi đây là hành động ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực, Philippines lựa chọn truyền tải mối quan ngại thông qua các kênh ngoại giao không công khai như cơ chế đàm phán song phương Philippines – Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ lên án hành động của Trung Quốc là “đẩy căng thẳng leo thang và gây bất ổn khu vực”, còn Nhật Bản kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác để duy trì và củng cố trật tự biển dựa trên pháp luật. Hiện chưa có có báo cáo nào về phản ứng của các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Lần đầu tiên trong lịch sử tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc cho các máy bay ném bom chiến lược hạ cánh tại một sân bay ở Biển Đông. Việc diễn tập này, theo lời Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, sẽ cho phép phi đội máy bay ném bom tích luỹ kinh nghiệm hoạt động tại những sân bay đã được xây dựng trên các hòn đảo và bãi đá ở đây.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết vài máy bay ném bom thuộc các dòng khác nhau, bao gồm Tân An H-6K loại nâng cấp, đã tiến hành cất cánh và đáp xuống một số sân bay trên đảo sau các cuộc tấn công giả định nhằm vào các đối tượng trên biển.
Bản thông cáo vào ngày 18/5 viết: “Một bộ phận của Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gần đây đã đưa nhiều máy bay ném bom, như H-6K vào hoạt động tập huấn cất cánh và đáp xuống các hòn đảo và bãi đá ở Biển Đông nhằm nâng cao khả năng “tiếp cận mọi lãnh thổ, tấn công bất kì lúc nào bất kể phương hướng.” Phi công của máy bay ném bom H-6K đã thực hành huấn luyện đặc công nhằm vào mục tiêu được chỉ định trên biển, sau đó tiến hành cất cánh và đáp xuống sân bay trên biển như một dạng luyện tập chuẩn bị cho “Tây Thái Bình Dương và trận chiến Biển Đông.”
Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn đăng tải một video mô tả các máy bay ném bom thuộc Sư đoàn ném bom 36 của Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) tiến hành cất cánh và đáp xuống cũng như các phương thức tiếp cận hụt trên sân bay. Căn cứ vào hướng sân bay và những cơ sở hạ tầng khác xuất hiện trong video, các chuyên gia phân tích của Defense News, Alert 5 và AMTI đã xác minh được sân bay này thực chất nằm trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, chứ không phải sân bay trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa tranh chấp ở phía Nam như Trung Quốc tuyên bố.


Sư đoàn ném bom 36 đã được giao cho Tư lệnh chiến khu Bắc và đặt tại các sân bay phía bắc tỉnh Thiểm Tây. Trụ sở của sư đoàn nằm cách đảo Phú Lâm 1200 dặm, nằm trong bán kính chiến đấu của H-6K.
AMTI trước đó đã phân tích đảo Phú Lâm có vai trò như một bản kế hoạch chi tiết cho những đợt triển khai quân sự xuống quần đảo Trường Sa ở phía nam. Trung Quốc đã xây dựng các nhà chứa lớn tại bộ “Đại Tam” ở quần đảo Trường Sa, bao gồm đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn để phục vụ cất giữ các máy bay ném bom như dòng H-6 (cũng như máy bay vận tải, tuần tra và tiếp nhiên liệu cỡ lớn.)

Bán kính chiến đấu của phi cơ H-6 tầm 1000 hải lý bao phủ toàn bộ Biển Đông dù chỉ cần là máy bay ném bom dòng thường cất cánh từ đảo Phú Lâm. Gần như toàn bộ lãnh thổ Philippines đều nằm trong tầm ngắm của các máy bay ném bom, bao gồm cả Manila và 5 căn cứ quân sự của Philippines dành riêng cho Hiệp định Hợp tác Quốc phòng nâng cao Hoa Kỳ – Philippines. Một chiếc H-6K với các nâng cấp kỹ thuật có thể đạt được bán kính chiến đấu lên đến gần 1900 hải lý, đặt toàn bộ khu vực Đông Nam Á vào tầm ngắm khi máy bay xuất phát từ đảo Phú Lâm.


Khi Trung Quốc triển khai tới Bộ “Đại Tam” ở quần đảo Trường Sa trong tương lai, Singapore và phần lớn Indonesia sẽ rơi phạm vi hoạt động của các máy bay ném bom cấp thấp của Trung Quốc, còn H-6K có thể nhắm tới tận phía bắc Australia hoặc các cơ sở phòng thủ của Mỹ ở Guam.

Thái độ của các nước
Trả lời Reuters, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Christopher Logan đã chỉ trích tình trạng liên tục đẩy mạnh quân sự hóa của Trung Quốc trên các thực thể đang tranh chấp tại Biển Đông sẽ “đẩy căng thẳng leo thang và gây bất ổn cho khu vực.”
Đáp lại những chỉ trích từ Lầu Năm Góc, phía Trung Quốc tuyên bố: “Những hòn đảo nằm trên Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc. Những hoạt động quân sự là hoạt động tập huấn bình thường của quân đội Trung Quốc và các nước khác không cần phải suy diễn quá nhiều về hoạt động đó.”
“Về vấn đề gọi là “quân sự hoá” theo lời của Hoa Kỳ, hoạt động tập huấn quân sự bình thường trên trong lãnh thổ của chúng tôi hoàn toàn khác với mối đe doạ từ một nước cho các nước khác thông qua hành động gửi tàu quân sự hay phi cơ từ hàng ngàn dặm tới khu vực này,” Trung Quốc nói.
Một tháng trước đó, Thủy sư đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, Philip Davidson, người dự kiến sẽ thay thế Tổng tư lệnh Bộ Tư lệnh Hải quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Harry Harris, đã mô tả sự can thiệp ngày càng lớn của Trung Quốc tại Biển Đông là “một thách thức có thật đối với các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực.”
Trong báo cáo bằng văn bản được Davidson đệ trình lên Ủy ban quân sự Thượng viện Hoa Kỳ, ông nêu rõ: “Điều duy nhất Trung Quốc còn thiếu là triển khai lực lượng. Một khi được triển khai, Trung Quốc sẽ có khả năng gây ảnh hưởng xa hàng ngàn dặm về phía nam và triển khai sức mạnh sâu vào châu Đại Dương.”
“Nói ngắn gọn, Trung Quốc hiện đã có đủ năng lực kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống ngoại trừ chiến tranh với Mỹ,” ông nói thêm.
Chuyên gia về an ninh Trung Quốc Bonnie Glaser cho rằng những động thái của Bắc Kinh là một phần trong “kế hoạch chiến lược của Trung Quốc”, chứ không phải là muốn gửi thông điệp gì đó tới khu vực hay Hoa Kỳ.
“Trung Quốc có kế hoạch gia tăng kiểm soát tại Biển Đông bất kể trong thời bình hay thời chiến,” bà bình luận.
Phát ngôn viên Tổng thống Philippines Harry Roque bày tỏ “quan ngại sâu sắc” đối với hành động triển khai máy bay ném bom của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không cho rằng điều này gây ra mối đe doạ ngay lập tức đối với an ninh quốc gia Philippines. “Dựa trên tình bạn mới được thiết lập với Trung Quốc, chúng tôi không coi Trung Quốc là một mối đe doạ hiện tại đối với an ninh quốc gia,” Roque nói và cho biết Philippines vẫn sẽ đưa ra mối quan ngại với Trung Quốc, nhưng không phải công khai mà sẽ thông qua cơ chế đàm phán song phương với Trung Quốc.
Cơ chế Tham vấn song phương (BCM) là cuộc họp định kỳ mỗi 6 tháng giữa các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Philippines để thảo luận vấn đề tranh chấp hàng hải. BCM được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2017 và lần thứ hai vào tháng 2 năm nay.
Roque cho biết BCM tiếp theo dự kiến được tổ chức vào năm nay, có thể là vào tháng Sáu.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng đồng tình rằng sẽ không công khai phê phán các hành động của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ có các phản ứng với ngôn từ thích hợp thông qua các kênh ngoại giao, nhưng công khai mọi hành động của chính phủ bất cứ khi nào có những diễn biến mới trên biển Tây Philippines và Biển Nam Trung Hoa (tên quốc tế của Biển Đông) không phải là chính sách của chúng tôi, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong một tuyên bố vào lúc 5h sáng ngày thứ Hai, 21/5.
Các nhà lập pháp đối lập của Philippines đã chỉ trích sự bất lực của chính phủ đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Thượng nghị sỹ Risa Hontiveros đã kêu gọi Manila chấm dứt “quy luỵ” Trung Quốc.
“Thông qua việc đặt đất nước của chúng ta trong phạm vi tấn công của máy bay ném bom hạt nhân, Trung Quốc gần như đang đe doạ chúng ta về một cuộc chiến tranh hạt nhân ở biển Tây Philippines”
Còn nghị sỹ Gary Alejano cho rằng việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông là “mối quan ngại toàn cầu.”
“Với sự im lặng và quy luỵ của chính phủ Philippines, chúng ta đang không chỉ đặt đất nước chúng ta mà cả các nước láng giềng của chúng ta vào tình thế nguy hiểm nghiêm trọng,” Alejano nói trong một tuyên bố.
“Chúng ta phản đối chiến tranh – và chúng ta nên như vậy. Nhưng khi bị đe doạ bằng vũ lực, chúng ta phải sẵn sàng, ít nhất là giáng một đòn vào mũi bất cứ kẻ tấn công nào gây hại cho chúng ta,” nguyên Ngoại trưởng Philippines Del Rosario nói trong một tuyên bố.
Ngày 21/5/2018, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực”
Trên đài truyền hình Nhật Bản NHK, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hợp tác để duy trì và củng cố trật tự ở biển dựa trên pháp luật.
———-
Bản tin trích dịch và tổng hợp từ các tài liệu sau:
“China’s PLA Air Force recently conducted takeoff and landing exercises with H-6K bombers on South China Sea islands and reefs for the first time,” China Global Television Network ngày 18/5/2018:
https://twitter.com/CGTNOfficial/status/997627899447570432/video/1
“Chinese bombers including the H-6K conduct takeoff and landing training on an island reef at a southern sea area,” People’s Daily ngày 18/5/2018: https://twitter.com/PDChina/status/997386306660384768
“H-6K bombers carried out touch-and-go training in Paracel Islands,” Alert 5 ngày 19/5/2018.
Mike Yeo, “Show of force? China lands bombers on South China Sea airfield,” Defense News ngày 18/5/2018: https://www.defensenews.com/global/asia-pacific/2018/05/18/show-of-force-china-lands-bombers-on-south-china-sea-airfield/
“China lands first bomber on South China Sea island,” AMTI ngày 18/5/2018: https://amti.csis.org/china-lands-first-bomber-south-china-sea-island/
Greg Torode and Simon Scarr, “Concrete and coral – Beijing’s South China Sea building boom fuels concerns,” Reuters ngày 24/5/2018: https://af.reuters.com/article/worldNews/idAFKCN1IO3GL
“China air force lands bombers on S.China Sea island,” Reuters ngày 19/5/2018: https://uk.reuters.com/article/uk-southchinasea-china/china-air-force-lands-bombers-on-south-china-sea-island-idUKKCN1IK049
Jesse Johnson, “China lands bombers on South China Sea outpost for first time,” Japan Times ngày 19/5/2018: https://www.japantimes.co.jp/news/2018/05/19/asia-pacific/china-lands-bombers-south-china-sea-outpost-first-time/#.WweLkW2FQb1
Jelly Musico, “Malacañang ‘seriously concerned’ over Chinese bombers in WPS,” Philippine News Agency ngày 21/5/2018: http://www.pna.gov.ph/articles/1035913
Joseph Tristan Roxas, “Duterte admin told to be ready to inflict ‘at least a bloody nose,” GMA News ngày 22/5/2018: http://www.gmanetwork.com/news/news/nation/654211/duterte-admin-told-to-be-ready-to-inflict-at-least-a-bloody-nose/story/
Foreign Ministry Spokesperson Lu Kang’s Regular Press Conference on May 21, 2018: http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/t1561142.shtml
Phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng về việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam: http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns180521192955
“Japan concerned about China’s activities on East Sea,” Vietnamnet ngày 23/5/2018: http://english.vietnamnet.vn/fms/marine-sovereignty/201091/japan-concerned-about-china-s-activities-on-east-sea.html
Nhóm biên dịch và tổng hợp đến từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Nguồn tư liệu được cung cấp bởi nhóm South China Sea: News and Analysis.
Những quan điểm nêu trong bản tin tổng hợp không nhất thiết là quan điểm của các thành viên và cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hay của các nhà tài trợ Dự án.
Bản tin tổng hợp được hỗ trợ kinh phí từ quỹ tài chính chung của Dự án Sự Ký Biển Đông, được tài trợ bởi những nhà tài trợ. Xem thông tin những nhà tài trợ của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tại https://daisukybiendong.wordpress.com/nha-tai-tro/nha-tai-tro-nam-2015-2017/
[…] [15] “Trung Quốc và động thái quân sự hóa đưa phi cơ ném bom hạ cánh ở đảo Phú Lâm”, 25/5/2018, Dự án Đại sử ký Biển Đông. https://daisukybiendong.wordpress.com/2018/05/25/trung-quoc-va-dong-thai-quan-su-hoa-dua-phi-co-nem-… […]
LikeLike